Sự quan trọng của "chiếc áo đỏ"
Duẩn về đến nhà thì đèn đóm đã tắt. Chắc có lẽ mụ Diễm đã đi ngủ. Ngó sang buồng cụ Cẩm, Duẩn thấy cụ vẫn đang thức. Cây đèn bão le lói ở đầu giường cụ chưa bao giờ tắt lửa vì buồng cụ khuất trong xó nhà tối tăm quanh năm. Duẩn thấy cụ Cẩm trần như nhộng, cái áo lúc trước anh khoác cho cụ không biết đã mất tiêu đi đâu.
Anh bèn lựa trong tủ tấm áo khác khoác lên người cụ rồi hỏi han:
- Sao bà không mặc áo vào lại cứ ở trần như thế cảm lạnh thì sao? Cái áo lúc nãy cháu khoác cho bà đâu rồi?
Cụ Cẩm cứ nhe nhởn cười, một lúc bỗng nói:
- Trả áo đỏ cho bà đi con, phải áo đỏ thì bà mới mặc.
Nói cụ Cẩm thốt ra, giống như một cơn gió lạnh buốt thổi qua người Duẩn. Duẩn bỗng cảm thấy rùng mình, nhưng cũng ứa nước mắt. Duẩn khẽ nịnh cụ:
- Nay mai con mua cho bà cái áo đỏ mới đẹp hơn xịn hơn được không ạ.
Duẩn nói tới cái áo đỏ cố ý nói to để ra chiều xem mụ Diễm đang ngủ có lồng lộn thức dậy chửi bới hay không. Nhưng chẳng có âm thanh nào đáp lại. Chắc mụ Diễm đã ngủ say lắm rồi.
Duẩn cầm tay cụ trò chuyện với cụ để chờ qua cái đêm dài tới giờ ra miếu thành hoàng gặp Trang. Duẩn nói chuyện với cụ Cẩm mà như nói một mình. Còn cụ Cẩm thì cứ móm mém nhai trầu. Quanh miệng cụ cứ trào ra thứ nước đỏ lòm. Cứ chốc chốc Duẩn lại phải lấy khăn lau miệng cho cụ để bớt bẩn. Thấy mùi nước trầu tanh nồng, Duẩn bèn nói:
- Để mai con ra sau vườn chặt buồng cau mới cho cụ. Cau này để lâu mùi tanh lắm rồi!
Ước chừng đã đến giờ Trang tập văn nghệ xong, Duẩn hồ hởi đứng dậy chào cụ Cẩm:
- Thôi con có việc lại phải đi! Bà ngủ sớm kẻo mệt...
Nói xong Duẩn ra ngoài khép cửa cài then cho buồng cụ bớt gió lùa. Rồi mới lấy xe đạp đi ra miếu thành hoàng làng để gặp Trang.
Ở trong buồng, cụ Cẩm bỗng đứng dậy mở hé cái cửa nhìn theo bóng Duẩn. Cụ ngừng cười, bất ngờ thứ bã nhầy màu đỏ trong miệng cụ rớt ra ngoài. Hỡi ôi, đó nào đâu phải miếng trầu cau mà cụ hay nhai. Mà không ngờ nó lại là một con mắt, một con mắt đã bị nhai nát bét lẫn cả cái đường dây máu thịt dài ngoằng dính vào nó.
Cụ Cẩm như vừa lỡ rơi mất của báu, vội vàng xồ tới nhặt cái con mắt nhét vô miệng nhai ngấu nghiến như sợ ai tranh dành mất. Cụ lại ngồi xuống thành giường cười thất thần như lúc trước. Căn phòng trở về im lìm, chỉ còn âm thanh lộp rộp phát ra từ miệng cụ.
...
Duẩn phi xe tới đầu đường làng, đã thấy Trang thấp thoáng ở cửa miếu thành hoàng. Nhưng Duẩn không vui vì phát hiện ra ở đó không chỉ có Trang mà còn có cả Công nữa. Anh thấy Công sấn sổ cọ vào người Trang. Vội hộc tốc đạp xe tới trước cửa miếu. Vứt phịch cái xe đạp qua một bên rồi lao vào trong miếu.
Công đang cười toe toét thấy Duẩn hùng hổ lao tới thì liền xanh mặt. Xung quanh Công lúc này chẳng có gã thanh niên nào ngoài gã để gã ỷ thế. Khi thường Công hay bắt nạt Duẩn cũng chỉ vì cậy ở chỗ đông người. Nay một mình thân cô thế cô, sức Công lại không bằng sức Duẩn. Bởi Duẩn cao to vạm vỡ, người đầy chai sạn, vai u thịt bắp. Công chỉ là một tay nghệ sĩ quèn gầy yếu suốt ngày tập tuồng chèo thì gã không bì được. Thấy Duẩn nổi máu điên, Trang lại ra sức kháng cự mình nên Công liền nói lái cho đỡ ngượng:
- Cậu Duẩn ra miếu chơi đấy à? Anh vừa phổ biến đoạn kịch cho Trang cũng xong rồi nên anh về đây...
Thấy Trang sợ hãi, lại còn rơm rớm nước mắt. Duẩn vung nắm đấm vào giữa mặt Công:
- Biến này!
Công hộc máu mồm ngã lăn xuống đất. Vội vã ôm miệng chạy trối chết. Vừa đi vừa nói vọng lại lải nhải:
- Thằng khốn! Mày nhớ mặt ông đây này!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro