10. Edison Cheng
THƯỢNG HẢI
Chính tấm gương trong buồng riêng là nguyên nhân. Căn buồng riêng trong dãy phòng áp mái ba phòng mới tinh ở quận Hoàng Phố của Leo Ming thật sự khiến Eddie khó chịu. Kể từ khi Thượng Hải trở thành kinh đô tiệc tùng của châu Á, Leo dành nhiều thời gian ở đây với cô nhân tình mới nhất của mình, một diễn viên đang lên, sinh ra ở Bắc Kinh mà anh ta phải "mua lại" hợp đồng từ một hãng phim đại lục với giá mười chín triệu (mỗi năm tuổi đời của cô là một triệu). Leo và Eddie đã mất nguyên ngày thẩm định căn hộ siêu sang mới của Leo, và họ đang đứng trong một căn buồng riêng rộng gần 190 mét vuông, lớn như một nhà chứa máy bay, cửa sổ kính là nguyên một khoảng tường từ sàn đến trần, những tủ rượu bằng gỗ gụ Macassar, và những dãy cửa kính cảm ứng tự động mở ra, cho thấy những giá treo com lê bằng gỗ tuyết tùng.
- Kiểm soát không khí hoàn hảo. - Leo nói. - Các buồng riêng ở đầu này được duy trì nhiệt độ thấp (dưới 15 độ) phù hợp cho đồ len cashmere Ý, vải ca rô răng cưa, và lông thú. Nhưng mấy cái tủ để giày lại được giữ trên 20 độ, tối ưu cho đồ da, còn độ ẩm được điều chỉnh ổn định ở mức ba mươi lăm phần trăm, như thế chỗ giày Berluti và Corthay của tôi không bao giờ đổ mồ hôi. Cậu phải chăm sóc 'các em' đó đúng cách, hei mai?*
*Tiếng Quảng Đông, nghĩa là "phải không?"
Eddie gật đầu, nghĩ thầm đã đến lúc cải tạo lại buồng riêng của mình.
- Giờ để tôi cho cậu xem món đặc sắc nhất nhé. - Leo nói. Với một cái vung tay, anh ta lướt ngón tay cái trên tấm kính và bề mặt ấy lập tức chuyển thành một màn hình độ phân giải cao chiếu ra hình ảnh bằng kích thước thật một nam người mẫu mặc bộ com lê vạt cài chéo. Phía trên vai phải người mẫu lơ lửng tên thương hiệu của từng món đồ, tiếp đến là ngày tháng và địa điểm nơi món đồ đã được mặc trước đó. Leo phẩy một ngón tay trước màn hình như thể đang lật một trang sách, và giờ chàng người mẫu xuất hiện trong chiếc quần dài nhung kẻ và áo len móc xoắn thừng. - Có một máy quay gắn cố định trong tấm gương này chuyên chụp ảnh của cậu và lưu lại, như thế cậu có thể nhìn thấy mọi thứ cậu đã từng mặc, sắp xếp theo ngày tháng và địa điểm. Với cách này cậu sẽ không bao giờ phạm lỗi mặc lại đồ cả!
Eddie kinh ngạc nhìn sững tấm gương. - Ờ, tôi từng thấy thứ này trước kia rồi, - anh nói không mấy tự tin khi sự đố kỵ bắt đầu trào lên trong mạch máu. Anh cảm thấy đột nhiên rất muốn giúi bộ mặt húp híp của bạn mình vào bức tường gương mới tinh. Lại một lần nữa, Leo khoe khoang thứ đồ chơi mới mà đáng ra anh phải có trước. Chuyện vẫn cứ như thế này kể từ khi họ còn bé tí. Hồi Leo lên bảy, cậu ta được bố tặng một chiếc xe đạp bằng titanium do các cựu kỹ sư NASA thiết kế riêng cho thân hình béo lùn của cậu ta (chiếc xe đã bị đánh cắp chỉ trong vòng ba ngày sau đó). Lúc mười sáu, khi Leo muốn trở thành một ca sĩ hip-hop Canto, bố cậu ta đã cho xây một phòng thu âm hiện đại và cấp tiền cho cậu ra album đầu tay (đĩa CD này vẫn còn thấy trên eBay). Rồi đến năm 1999, ông ấy lại rót tiền cho dự án khởi nghiệp Internet của Leo, thua lỗ hơn chín mươi triệu đô la và 'phơi bụng' vào lúc đỉnh điểm cơn sốt Internet. Và giờ là thứ này - căn nhà hiện đại nhất trong bộ sưu tập không đếm xuể các căn nhà trên khắp thế giới từ ông bố trìu mến của cậu ta. Phải, Leo Ming, hội viên sáng lập của Câu lạc bộ Lucky Sperm ở Hong Kong, đã luôn có mọi thứ dâng cho mình trên một chiếc đĩa khảm kim cương. Chỉ là vận mệnh của Eddie chả ra sao nên mới sinh ra là con của bậc cha mẹ chẳng chịu cho anh lấy một cắc.
Ở nơi được mệnh danh là thành phố thực dụng nhất trên trái đất, một thành phố nơi chân ngôn then chốt là danh tiếng, thì những kẻ ngồi lê đôi mách trong giới buôn chuyện nức danh nhất của Hong Kong đều đồng ý với nhau rằng Edison Cheng đang sống một cuộc sống khiến tất người khác phải ghen tị. Họ cũng thừa nhận rằng Eddie sinh ra trong một gia đình trâm anh (mặc dù thành thật mà nói thì dòng họ Cheng của anh có phần phổ biến), theo học tất cả những trường danh giá (chẳng còn gì đứng trên Cambridge, ôi... trừ Oxford), và giờ làm việc cho ngân hàng đầu tư uy tín nhất Hong Kong (mặc dù rất tiếc anh đã không tiếp bước cha mình để trở thành một bác sĩ). Ở tuổi ba mươi sáu, Eddie vẫn giữ được những nét trẻ thơ trên gương mặt (bầu bĩnh, nhưng không lo, - điều đó khiến anh thêm phương phi); kết hôn với nàng Fiona Tung xinh đẹp (gia đình tài phiệt lâu đời ở Hong Kong, nhưng thật mang tiếng vì cha cô đã can dự vào vụ lùm xùm thao túng cổ phiếu với Dato' Tai Toh Lui); và con cái anh, Constantine, Augustine, và Kalliste, luôn ăn mặc tươm tất và cư xử đâu ra đấy (nhưng cậu con trai bé lại hơi bị tự kỷ hay gì đó?).
Edison và Fiona sống trong một căn pen house của tòa nhà Triumph Towers, một trong những cao ốc được săn lùng nhất ở Victoria Peak (năm phòng ngủ, sáu phòng tắm, gần bốn trăm mét vuông, chưa bao gồm phần hiên gần bảy mươi lăm mét vuông), nơi họ thuê hai cô hầu Filipino và hai cô hầu người Hoa đại lục (người Hoa giỏi lau dọn hơn trong khi người Filipino rất thạo chăm trẻ). Căn hộ tràn ngập phong cách Biedermeier* của họ, được trang trí bởi Kaspar von Morgenlatte, chuyên gia trang trí người Đức danh tiếng làm việc tại Hong Kong, gợi lên một trang viên đi săn của gia tộc Hapsburg, gần đây còn được đưa lên tạp chí Hong Kong Tattle (bức hình Eddie mặc bộ vét Tyrolean màu lục, tóc vuốt ngược ra sau, tạo dáng dưới chân cầu thang xoắn bằng đá cẩm thạch, trong khi Fiona, không mấy thoải mái, mặc một chiếc váy màu vang đỏ của Oscar de la Renta, đứng bên).
*Phong cách thiết kế đồ đạc ở Đức trong giai đoạn 1815 đến 1848.
Trong khu vực đỗ xe của tòa nhà, họ giữ năm ô (mỗi ô có giá tới hai trăm năm mươi nghìn đô), để trưng bộ sưu tập của mình gồm một chiếc Bentley Continental GT (xe ngày thường của Eddie), một chiếc Aston Martin Vanquish (xe cuối tuần của Eddie), một chiếc Volvo S40 (xe của Fiona), một chiếc Mercedes S550 (xe gia đình), và một chiếc Porsche Cayenne (xe thể thao của gia đình). Chiếc du thuyền dài mười chín mét rưỡi mang tên Kaiser neo ở cảng Aberdeen Marina là của anh. Còn có một căn condo nghỉ dưỡng ở Whistler, British Columbia (nơi có thể ngắm cảnh trượt tuyết, có quán ăn Quảng Đông khá tươm tất, và chỉ cách Vancouver một giờ chạy xe).
Eddie là hội viên Hội Vận động viên Trung Hoa, Câu lạc bộ Golf Hong Kong, Câu lạc bộ Trung Quốc, Câu lạc bộ Hong Kong, Câu lạc bộ Cricket, Câu lạc bộ Vương triều, Câu lạc bộ Mỹ, Câu lạc bộ Jockey, Câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia Hong Kong, và nhiều không đếm xuể câu lạc bộ ăn chơi riêng tư. Giống như hầu hết dân Hong Kong thượng lưu nhất, Eddie cũng sở hữu thứ có lẽ phải được coi là loại thẻ thành viên tối thượng - Thẻ Thường trú Canada cho cả gia đình mình (một nơi nương náu an toàn trong trường hợp giới cầm quyền ở Bắc Kinh lại gây một vụ Thiên An Môn nữa). Anh ưa thích sưu tập đồng hồ, và hiện sở hữu hơn bảy mươi chiếc của các hãng sản xuất đồng hồ danh tiếng nhất thế giới (dĩ nhiên, tất cả đều là Thụy Sĩ, trừ một vài chiếc Cartier), được anh bày trong một hộp trưng bày bằng gỗ thích nhìn từ trên cao thiết kế riêng trong phòng thay đồ riêng của mình (vợ anh không có phòng thay đồ riêng). Anh xuất hiện trong danh sách "Nhân vật được săn đón nhất" của tờ Hong Kong Tattle's suốt bốn năm liên tục, và như mọi người đàn ông ở địa vị của anh, Eddie đã thay ba cô bồ kể từ khi cưới Fiona mười ba năm trước.
Mặc dù giàu có như vậy nhưng Eddie vẫn thấy cực kỳ thiếu thốn so với hầu hết bạn bè mình. Anh không có nhà ở khu vực núi Thái Binh*. Anh không có máy bay riêng. Anh không có thủy thủ đoàn làm việc trọn thời gian trên du thuyền của mình, con thuyền thì nhỏ xíu, không chứa nổi quá mười khách đến dùng bữa ăn nửa buổi một cách thoải mái. Anh cũng không có bất kỳ bức tranh Rothko hay Pollock* hay họa sĩ Mỹ đã mất nào khác cần có và đem treo trên tường để được coi là giàu thật sự vào thời buổi này. Và không như Leo, cha mẹ Eddie là tuýp người cổ hủ - kiên quyết, kể từ lúc Eddie tốt nghiệp - rằng anh hãy học cách sống dựa vào thu nhập của chính mình.
*Nguyên văn "the Peak", là ngọn núi cao nhất của đảo Hong Kong (552 m). Ngọn núi này cũng có giá trị đất đắt nhất thế giới và nhiều gia đình giàu có sinh sống ở đây. Từ đỉnh núi này có thể ngắm nhìn trung tâm Hong Kong, bến cảng và các đảo chung quanh. (ND)
*Mark Rothko (1903-1970) là họa sĩ người Mỹ gốc Nga Do Thái. Mặc dù ông đã từ chối tuân theo bất kỳ trường phái nghệ thuật nào, nhưng ông vẫn được giới chuyên môn xác định là một họa sĩ chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng.
Paul Jackson Pollock (1912-1956) là họa sĩ nổi tiếng người Mỹ với các tác phẩm chính về chủ nghĩa trừu tượng sống động. Ông nổi tiếng với kỹ năng đặc biệt là drift painting (vẩy sơn). (ND)
Quả là bất công kinh khủng. Cha mẹ anh rất giàu, và mẹ anh sẽ được thừa kế một khoản lớn nữa nếu bà ngoại anh ở Singapore mất. (Mười năm qua, Ah Ma đã hai lần bị đau tim, hiện phải lắp máy khử rung và bà còn cầm cự được bao lâu thì chỉ có Chúa mới biết.) Rất tiếc là cha mẹ anh cũng cực kỳ khỏe mạnh, cho nên đến lúc họ chết và tiền đem chia cho anh, cùng cô em khó chịu và thằng em trai chẳng được tích sự gì của anh, thì gần như sẽ chẳng được mấy. Eddie luôn cố ước đoán giá trị ròng của cha mẹ mình, phần nhiều nhờ thông tin do đám bạn bè bất động sản của anh tiết lộ cho anh. Việc này trở thành một nỗi ám ảnh với anh, và anh lập một bản tính trên máy tính ở nhà, chăm chỉ cập nhật hằng tuần dựa trên kết quả định giá tài sản và sau đó tính toán phần lợi tức tiềm năng của mình. Cho dù tính toán thế nào thì Eddie cũng nhận ra rằng, với cách cha mẹ anh đang giải quyết mọi việc, chắc chắn anh sẽ không bao giờ lọt vào danh sách "Mười người giàu nhất Hong Kong" theo bình chọn của tờ Fortune Asia.
Cha mẹ anh lúc nào cũng thật ích kỷ. Chắc chắn vậy, họ nuôi nấng anh và chi tiền cho anh ăn học, mua cho anh căn hộ đầu tiên, nhưng họ lại không chu cấp cho anh những gì thực sự quan trọng - họ không biết cách chưng ra sự giàu có của mình một cách thỏa đáng. Cha anh, với danh tiếng và kỹ năng xuất chúng của ông, xuất thân từ tầng lớp trung lưu, ông có những thị hiếu hoàn toàn tương hợp với đẳng cấp ấy. Ông ấy thấy đủ vui với việc làm một bác sĩ được kính trọng, được chở trên chiếc Rolls-Royce lỗi thời đến xấu hổ, đeo chiếc đồng hồ Audemars Piguet cũ mèm, và tới những câu lạc bộ hợp gu của ông. Rồi cả mẹ anh nữa. Bà rẻ tiền quá, mãi mãi chỉ đếm mấy hào cắc của mình. Lẽ ra bà có thể thành một trong những bà hoàng của xã hội này nếu biết phát huy xuất thân quý tộc của mình, mặc váy áo hàng hiệu, hay chịu bò ra khỏi căn hộ ở Mid-Levels. Cái căn hộ chết tiệt đó.
Eddie rất ghét phải tới chỗ cha mẹ mình. Anh ghét cái tiền sảnh có nền đá granite Mông Cổ trông rất rẻ tiền và bà già bảo vệ lúc nào cũng ăn thứ đậu phụ bốc mùi đựng trong túi nhựa. Bên trong căn hộ, anh ghét cái đi văng chia thành từng khúc bọc da màu đào và những cái kệ sơn trắng (mua khi cửa hàng Lane Crawford cũ trên Đường Queen's tổ chức bán tháo vào giữa thập niên 1980), đám viên bi ve dưới đáy những chiếc lọ cắm hoa giả. Bộ sưu tập rất tùy tiện những bức tranh thư pháp Trung Quốc (tất cả đều là quà tặng từ bạn bè của cha anh) ken đặc trên các vách tường, và những tấm bảng cùng bằng danh dự y khoa xếp hàng trên cái giá cao quá đầu chạy vòng quanh các bức tường phòng khách. Anh ghét việc đi qua phòng ngủ cũ của mình, nơi anh từng buộc phải dùng chung với thằng em trai, với mấy chiếc giường đôi theo chủ đề biển cả và cái tủ tường Ikea màu xanh hải quân, vẫn nguyên đó sau bao nhiêu năm nay. Trên hết, anh ghét bức chân dung gia đình khung gỗ hồ đào to tướng cứ trừng trừng nhìn từ phía sau cái ti vi màn hình rộng, mãi mãi xỉ nhục anh bằng cái nền phòng chụp màu nâu khói và dòng chữ SAMMY PHOTO STUDIO vàng chạm nổi ở góc dưới bên phải. Anh ghét cái cách mình nhìn trong bức ảnh đó - anh mười chín tuổi, vừa về nhà sau năm đầu tại Cambridge, với mớ tóc dài đến vai, mặc chiếc áo cộc tay Paul Smith vải tuýt mà lúc đó anh nghĩ là rất hay ho, khuỷu tay anh thảnh thơi tì lên vai mẹ mình. Và làm sao mà mẹ anh, sinh ra trong một gia đình dòng dõi trâm anh thế phiệt như vậy, lại hoàn toàn thiếu thẩm mỹ cơ chứ? Suốt nhiều năm, anh đã nài nỉ bà tân trang lại ngôi nhà hoặc chuyển đi, nhưng bà từ chối, nói rằng bà "không bao giờ có thể chia xa những kỷ niệm ngọt ngào về các con của mẹ đã lớn lên ở đây." Những kỷ niệm ngọt ngào gì chứ? Những kỷ niệm duy nhất của anh là một thời thơ ấu quá xấu hổ không dám mời bất kỳ bạn bè nào tới chơi (trừ phi anh biết họ sống trong những tòa nhà kém tiếng hơn), còn những năm tháng mới lớn ở trong nhà vệ sinh tù túng, thủ dâm dưới bồn tắm với hai chân lúc nào cũng phải ấn vào cửa (vì không có khóa).
Khi Eddie đứng trong căn buồng riêng mới tinh của Leo ở Thượng Hải, nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ chạy dài từ sàn lên trần về phía quận tài chính Phố Đông lấp lánh bên kia sông như khung cảnh Xanadu thần tiên, anh thề rằng một ngày nào đó anh nhất định sẽ có một buồng riêng thật oách, nó sẽ khiến căn buồng này chẳng khác gì cái chuồng lợn chết tiệt. Cho tới lúc ấy, anh vẫn còn một thứ mà ngay cả nhiều tiền như Leo mới phất cũng không mua nổi - một giấy mời in nổi rất dày dặn mời tới dự đám cưới Colin Khoo ở Singapore.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro