Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 46 - 50


Chương 46: Ngã bệnh

Ban đêm, ông ngoại Trần Nham tự mình đứng lên đi vệ sinh bị trượt ngã. Cú ngã này không phải chuyện đùa.

Khi Tôn Bằng lái motor chạy vội đến bệnh viện, cả nhà họ Trần vô cùng lo lắng chờ bên ngoài phòng cấp cứu.

Trần Nham mặc áo khoác trên người, ngồi trên chiếc ghế nhựa màu xanh, mắt nhìn dưới đất, gò má bị mái tóc dài che một nửa. Nghe thấy tiếng bước chân, cô nhìn sang phía anh.

Mẹ Trần đầu tóc rối bù, mặc chiếc áo phao dài bên ngoài đồ ngủ, nhìn thấy Tôn Bằng tới, tiến lên đón khẽ nói, "Làm cậu mất công rồi, hơn nửa đêm mà cũng kéo cậu tới đây..."

Tôn Bằng nói: "Chuyện nên làm ạ."

Lúc trước cậu của Trần Nham từng ăn cơm hai lần với anh, xa xa nhìn sang, gật đầu với anh, anh cũng đáp lại một cái.

Là mẹ Trần gọi điện thoại cho anh.

Ban đêm, mẹ Trần đang ngủ say, đột nhiên nghe thấy một tiếng "rầm rầm" lớn, hoảng sợ đến mức bật dậy, theo tiếng động chạy đến nhà vệ sinh, ông cụ đã ngã sấp xuống, nằm dưới đất, còn đè vỡ hai cái chậu nhựa. Mẹ Trần giật nảy mình, la lớn kêu bà ngoại Trần Nham tới cùng nhấc ông lên, mới phát hiện hai người họ hoàn toàn không làm được.

Lúc này ông cụ đã mất tri giác, mặt mũi cũng trắng bệch. Mẹ Trần quýnh lên liền gọi xe cấp cứu, sau đó lại gọi điện thoại cho mọi người trong nhà, cũng gọi cho Tôn Bằng, gọi anh sang giúp đỡ.

Khi Tôn Bằng chạy vội đến nhà họ Trần thì không thấy ai, đoán đã đưa đến bệnh viện rồi, nên gọi điện thoại cho Trần Nham rồi tìm tới đây.

Anh trao đổi ánh mắt với Trần Nham một chút, rồi đi đến cánh cửa phòng cấp cứu đang đóng chặt.

Cậu Trần Nham cũng đã lớn tuổi, tóc muối tiêu, sắc mặt ủ dột, ở bên cạnh thở dài nói, "Vừa đưa vào, đoán chừng phải đến sáng mai."

Ban nãy có một cô y tá trẻ đi ra nói, mạch máu của ông cụ rất dễ vỡ, cú ngã này khiến cho trong đầu có điểm xuất huyết mới, vị trí của điểm xuất huyết này cũng rất tệ.

Tôn Bằng nói, "Mọi người về nhà trước đi, sáng mai hẵng lại đây, cháu chờ ở bên này với Trần Nham."

Cậu Trần Nham nói, "Không sao, chờ thêm một lúc nữa."

Ông móc hộp thuốc lá, định đưa một điếu cho anh, Tôn Bằng lắc tay.

Ông nói, "Vậy cậu sang kia hút điếu thuốc." Lê bước chân nặng nề, người đàn ông trung niên nhỏ con này đi về hướng đầu cầu thang.

Tôn Bằng đứng ở cửa một lúc, rồi đi tới ngồi xuống bên cạnh Trần Nham, kéo cổ áo ngay ngắn giúp cô, "Có mệt không."

Cô nhìn anh, "Cũng tạm."

Hai người nắm tay nhau.

Ánh mắt xoay chuyển, Trần Nham nói với mẹ Trần ở phía bên kia hành lang, "Mẹ, mẹ đừng đi vòng vòng bên đó nữa, sang đây ngồi đi."

Mẹ Trần được gọi như thế, mờ mịt đi sang, ngồi xuống vị trí bên cạnh. Bà nhìn cánh cửa phòng phẫu thuật theo bản năng, nhìn mãi nhìn mãi, đột nhiên hốc mắt đỏ bừng.

Tôn Bằng buông Trần Nham ra, đến chỗ y tá xin hai cốc nước rồi sang đây đưa cho họ.

Trần Nham uống hai ngụm, kìm lòng để không nhìn vào đôi mắt ngấn lệ của mẹ Trần, nhìn bàn tay cầm cốc nước không nhúc nhích của bà, nói, "Mẹ uống chút nước đi, rồi mẹ theo cậu về trước, bọn con chờ bên này cho. Sáng mai mẹ với cậu mang đồ dùng cần thiết tới đây."

Mẹ Trần uống một ngụm nước, "Đồ đạc thì để sáng mai bà ngoại con mang tới, mẹ trông chừng ở đây, trong lòng yên tâm hơn."

Trần Nham nhìn bà, không nói gì nữa.

Trong hành lang yên lặng như tờ, thỉnh thoáng có nhân viên y tá đi qua đi lại, đế giày cao su ma sát sàn nhà, phát ra tiếng ngừng ngắt chướng tai.

Ngồi gần một tiếng, đèn phòng cấp cứu vẫn sáng một cách nổi bật. Trong lòng Trần Nham hơi ngột ngạt, cô nói với Tôn Bằng, "Ra ngoài một chút đi..." Anh đứng lên, đi theo cô ra ngoài.

Đi đến bên một cánh cửa hông, Tôn Bằng dừng bước, ôm bả vai cô, nhìn ra phía ngoài, "Cứ đứng đây đi, bên ngoài lạnh lắm."

Chưa đến năm giờ sáng, trời tờ mờ còn chưa sáng tỏ, đèn đường vẫn còn mở.

Trong khe cửa có gió lạnh hiu hiu lọt vào, Trần Nham nhìn đường phố u ám bên ngoài qua cửa kính, cảm thấy như ở trong mộng mới tỉnh.

"Tôn Phi ở nhà một mình ư?"

"Không sao đâu, anh khóa trái cửa rồi."

"Lát nữa anh về trước đi, cũng không cần nhiều người chờ ở đây như vậy..."

Tôn Bằng không lên tiếng, khẽ nắm bàn tay buông thõng bên người của cô. Bàn tay này nhỏ gầy, lạnh buốt, trong đó không chứa một chút sức lực nào. Anh kìm lòng không đặng cúi đầu xuống nhìn, bao trọn lấy nó vào lòng bàn tay mình.

Trong không khí lạnh lẽo mang theo mùi đặc thù của bệnh viện, nhìn khoảng hư ảo khi bóng đêm và nắng mai giao hòa ngoài cửa, Trần Nham chậm rãi hít vào một hơi.

"Thật ra bây giờ em có hơi hối hận. Nếu như em luôn ở trong nhà, giờ đó bình thường em đã tan làm rồi, lần trước, ông có thể sẽ không xảy ra chuyện, hoặc là khi đó đưa đến bệnh viện trước tiên, thì tình hình cũng sẽ khác, lại càng không có chuyện lần này..."

Tôn Bằng nghe cô chậm rãi nói hết, ôm chặt cô hơn một chút, "Chuyện quá khứ đừng nghĩ nữa. Người già có phúc của người già, lo lắng hơn nữa cũng vô dụng. Sẽ không có chuyện gì đâu."

Cô dựa vào anh, khẽ "ừm" một tiếng, "Em biết."

Thời gian từng giây từng phút trôi qua, trời dần sáng, bên ngoài thêm huyên náo.

Họ đi ra cổng mua chút thức ăn sáng về, vừa đưa sữa đậu nành, bánh bao cho mẹ Trần thì cửa phòng cấp cứu mở ra. Bước chân loạn xạ, bác sĩ, y tá đang đẩy xe đi ra.

Mọi người lập tức im lặng tràn lên.

Trên chiếc giường đẩy, ông cụ đang đắp tấm chăn mỏng, chỉ có khuôn mặt lộ ra bên ngoài, sắc mặt vàng vọt, nhắm mắt, không có chút sức sống. Y tá trẻ ở bên cạnh đang cầm túi truyền dịch cho ông, đưa ông thẳng đến phòng bệnh. Mẹ Trần đỏ mắt cùng đi theo xe đến phòng bệnh, để Trần Nham và cậu ở lại hỏi tình hình.

Bác sĩ hơn nửa đêm bận rộn hai tiếng, thể xác và tinh thần cũng đã mỏi mệt, không tận tâm suy nghĩ cách diễn đạt gì, giọng nói hơi trầm, "Ông cụ của gia đình may mà đưa đến kịp thời. Ảnh hưởng của cú ngã này với ông ấy không nhẹ, hai điểm xuất huyết mới tăng thêm đều là vị trí quan trọng nhất. Cụ thể như thế nào thì phải đợi sau khi chuyên gia của chúng tôi hội chẩn, người nhà hãy chuẩn bị tâm lý trước đi." Cậu Trần Nham muốn hỏi thêm mấy câu, nhưng bác sĩ chỉ nói, "Sau khi chuyên gia hội chẩn sẽ quyết định phương án điều trị, gia đình đi đến phòng bệnh trước đi."

Tai nạn đột nhiên xảy ra lần này của ông cụ, bởi vì đã có kinh nghiệm trước đó, nên người nhà Trần Nham không hoảng hốt lo sợ như lần trước. Lần trước ông ngoại Trần Nham tìm được đường sống trong chỗ chết, mất hơn nửa khả năng tự lo cho bản thân, khó khăn lắm mới hồi phục được đến mức có thể tự đi đứng ăn cơm, cú ngã này, cho dù cứu ông lại được, thì những nỗ lực trước đó cũng coi như dã tràng xe cát. Giờ phút này, ngoại trừ lo nghĩ, âu lo ra, thì họ còn cảm nhận được sự vô lực và chán nản sâu sắc.

Dường như trong cuộc sống luôn có vô số hố trũng, nhảy qua cái này vẫn còn cái khác, vĩnh viễn nhảy không hết. Nhảy đến phía sau, chân ta đã mềm nhũn, thế nên có lòng mà không đủ sức.

Về đến phòng bệnh, ăn sáng qua loa, mọi người phân công đơn giản. Cậu Trần Nham về nhà đón bà ngoại Trần Nham, nhân tiện mang một ít đồ dùng hàng ngày đến, chuẩn bị trường kì kháng chiến. Tôn Bằng đưa Trần Nham đến cơ quan xin nghỉ phép, cùng đưa Tôn Phi đi làm xong rồi lại sang.

Đang là giờ làm việc, cổng đài truyền hình xe đến xe đi, lần lượt có người trên cổ đeo thẻ công tác, xách đồ ăn sáng đi vào trong.

Tôn Bằng đứng bên cạnh xe motor, vừa chờ Trần Nham, vừa gọi điện thoại cho Cường Tử, muốn bảo anh ta hôm nay đến giúp trông quán một chút. Điện thoại mãi không thông, cuối cùng anh nói một tiếng với nhân viên phục vụ trong quán. Khi vội vội vàng vàng cùng Trần Nham về đến nhà, Tôn Phi vừa thức, đang một mình lóng ngóng mặc quần áo. Tôn Bằng giúp anh ta mặc quần áo gọn gàng xong, cho anh ta ăn bánh rán trứng mua dọc đường, rồi đưa anh ta đến thẳng thư viện.

Cả buổi sáng ông cụ đều không tỉnh, buổi trưa, Trần Nham chịu đựng cả đêm đưa mẹ Trần về nghỉ ngơi dưỡng sức trước, để hai người đàn ông ở lại đó trông.

Đến nhà, Trần Nham tắm xong vừa đi ra liền nghe được tiếng khóc bi thương. Mẹ Trần vùi mình trên sofa, bờ vai rung rung, dùng khăn giấy che mắt, khóc hu hu.

Nhiều năm lắm rồi, cô chưa thấy mẹ cô khóc không kềm chế như vậy bao giờ.

Mẹ con liền tâm, tóc Trần Nham vẫn đang nhỏ nước, cô đờ đẫn ngồi xuống bên bàn ăn, đôi mắt cũng từ từ đỏ hoe.

Cô gắng sức để giọng nói của mình bình tĩnh, "Mẹ, bây giờ ông vẫn đang nằm yên ổn trong bệnh viện, mẹ khóc ra thế này thì không tốt cho ông ngoại đâu..."

"Cậu của con... buổi sáng nói với mẹ... hai ngày này sẽ đi xem mộ, mua trước cho ông bà, để phòng lỡ như..."

Mẹ Trần đang thút thít yên lặng lại, nhưng nỗi bi thương lớn hơn lại dâng lên trong lòng, run giọng nói, "Mẹ làm con gái, nhưng cả đời này cũng không cho hai người già sống một ngày sung sướng, bây giờ con khó khăn lắm mới ra ngoài, rốt cuộc sống tốt hơn một chút... Mẹ chỉ có một người bố như vậy, cũng chưa từng làm chuyện gì thất đức... Sao lại không thể để mẹ săn sóc ông thêm mấy năm, để ông sống sung sướng hơn chút nữa chứ..."

Trần Nham bỗng ý thức được, trong cuộc sống của gia đình bình thường mà phức tạp này, cô chưa bao giờ nghiêm túc cảm nhận và xem xét đến thế giới nội tâm của mẹ. Bà không những là một người phụ nữ trung niên 50 tuổi, mà bà cũng là con gái của người khác, là đứa con sợ sệt mất đi cha mẹ.

Trần Nham yên lặng, từng giọt nước mắt lăn xuống theo gò má, "Mẹ, mẹ đừng nói nữa... Sẽ không có chuyện gì đâu..."

Sau khi Trần Nham và mẹ Trần rời khỏi bệnh viện, trong phòng bệnh yên tĩnh, Tôn Bằng bất ngờ nhận được điện thoại của anh Khuê ở hội quán Sanda. Vừa nghe đến tên Khổng Trân, anh sửng sốt một chút.

Anh Khuê hỏi anh có còn đang tìm cô ấy hay không, Tôn Bằng hỏi có phải là có tin tức của cô ấy không. Lúc này anh Khuê mới nói, buổi sáng thấy cô ấy ở hội quán, đến đòi tiền lương lúc trước chưa thanh toán hết. Bên tài vụ nói qua loa mấy câu, không muốn đưa, nói phải hỏi ý kiến ông chủ, bảo cô ấy để lại số điện thoại, liên lạc với cô ấy sau. Sau khi cúp máy, anh Khuê nhắn số của Khổng Trân vào di động Tôn Bằng.

Trên hành lang bên ngoài phòng bệnh, Tôn Bằng bấm điện thoại. Y tá trẻ đẩy xe tới, anh nghiêng người tránh một chút.

Sau khi reo hai tiếng, truyền đến câu "Số máy quý khách gọi hiện đang bận", rõ ràng là bị cô ấy cố tình bấm tắt.

Nhìn số điện thoại lạ này, Tôn Bằng suy nghĩ, lại gọi một cú điện thoại cho Cường Tử.

Không ai nhận máy.

Lúc sập tối, Trần Nham trở lại bệnh viện, giữa chừng ông cụ đã tỉnh lại. Tỉnh khoảng mười phút rồi lại ngủ. Bác sĩ tới xem, nói huyết áp vẫn hơi cao, đã dùng thuốc mạnh nhất nhưng vẫn không hạ xuống được.

Tôn Bằng bận bịu một ngày một đêm không ngủ, tia máu giăng trong mắt, tối nay còn khăng khăng đòi trực đêm. Trần Nham thấy mà đau lòng, suy nghĩ, bảo anh về nghỉ ngơi rồi lại sang. Tôn Bằng xuống dưới mua mấy phần thức ăn nhanh, thu xếp ổn thỏa cho Trần Nham bọn họ rồi đi trước.

Trên đường lái xe về, nghĩ đến Cường Tử, Tôn Bằng không hiểu sao có chút bất an. Chỗ một cột đèn giao thông, xe quẹo một cái, chuyển sang hướng khác.

Tiếng động cơ motor rừm rừm đột nhiên dừng lại trong con hẻm nhỏ, phanh xe lại, Tôn Bằng chống chân xuống đất, dừng xe ngoài cửa. Gần đó có chó sủa điên cuồng.

Mò mẫm đi vào trong con hẻm một đoạn, anh tìm được chỗ ở của Cường Tử.

Vào sân, trong mấy căn phòng nhỏ đều đang sáng đèn, anh đi đến căn trong cùng, tới gõ cửa.

Không có động tĩnh, anh lại gõ nữa.

Mấy giây sau khi tiếng gõ cửa lần thứ hai dừng lại, trong giây lát anh giơ tay lên lần nữa, bên trong truyền ra một giọng nói không kiên nhẫn.

"Ai đó?"

Bàn tay gõ cửa cứng lại giữa không trung, Tôn Bằng ngơ ngẩn cả người.

Chương 47: Bảy trăm tám mươi ngàn tệ*

*Tương đương khoảng 2,5 tỷ VNĐ

Đến hơn mười một giờ tối, Tôn Bằng mới quay lại.

Phòng bệnh đã tắt đèn từ lâu, một chiếc giường xếp nhỏ mở kê sát tường, Trần Nham đang co chân ngồi trên đó chơi di động. Bệnh nhân giường bên cạnh đã tìm hộ lý của bệnh viện trực đêm, hộ lý đã nằm ngáy trên chiếc giường nhỏ khác.

Sau khi đi vào, Tôn Bằng nhẹ nhàng đóng cửa phòng lại.

Cô ngước mắt nhìn về phía cửa, ánh huỳnh quang của di động hắt lên khuôn mặt dịu dàng.

Máy theo dõi ở cuối giường đang bật, lóe đèn. Tôn Bằng khẽ bước đến bên giường bệnh, nhìn ông cụ đang ngủ say. Mí mắt khép hờ của ông cụ đang che phủ đôi mắt, mũi cắm ống dẫn. Túi truyền dịch dựng thẳng bên cạnh chậm rãi vận chuyển thuốc nước vào thân thể ông.

Nhìn một hồi, anh đến bên cạnh cô ngồi xuống.

Màn hình di động tối lại, trong phòng chỉ còn chấm sáng của máy móc điều trị, lững lờ cô độc trong bóng đêm.

"Thế nào rồi?" Anh khẽ hỏi cô.

Trần Nham lắc đầu.

Buổi tối, mấy bác sĩ trưởng của các khoa khác nhau đều đến xem qua, tình hình rất tệ. Tệ đến mức người nhà không có tinh thần và thể lực lo lắng rầu rĩ nữa, họ cần tốn nhiều tâm tư hơn vào việc tang sự tiếp theo.

Bàn tay anh vuốt nhẹ mặt cô, vẻ dịu dàng trong mắt, "Anh lấy chăn xuống, em ngủ một lúc nhé?"

Cô lắc đầu, "Buổi trưa ngủ rồi, cứ ngồi đi."

Hộ lý của giường bên cạnh trở mình, tiếng ngáy ngừng lại, xung quanh trở nên yên tĩnh lạ thường.

Trên người anh dường như có mùi hương khiến cô an lòng, cô không kìm được nghiêng người, ngả vào vai anh.

Tôn Bằng lấy di động của cô ra, nắm tay cô, dịch về sau một chút, dựa lưng vào bức tường cứng lạnh lẽo chống đỡ thân thể, ôm lấy cô, để cho cô dựa vào mình thoải mái hơn.

Không khí hòa lẫn mùi thuốc trong căn phòng gió thổi không lọt bao quanh họ, hít vào thở ra lặp đi lặp lại càng thêm ngột ngạt, hỗn loạn.

Nhìn chăm chăm giường bệnh trong bóng tối một hồi, Trần Nham nhắm mắt lại.

Trong bóng đêm thêm sâu, những quá khứ mơ hồ đắm chìm trong dòng sông thời gian cũng lặng lẽ nổi lên, lấp lánh, chảy xuôi trên mặt nước vào buổi đêm tĩnh lặng. Mười mấy năm qua, những điều tốt tốt xấu xấu, khoảng cách và ngăn trở giữa ông cháu, đều như được dòng nước giội rửa đi, chỉ còn lại chút gì đó hiền hòa không sao nắm bắt được.

Cô chợt mở mắt ra, tựa như nhìn thấy mảnh da Cát Quang (1) đang tan biến.

(1) 吉光片羽 - tương truyền Cát Quang là thú thần, lông da làm áo, xuống nước không bao giờ bị chìm, vào lửa không bao giờ bị cháy, ví với những thứ quý giá.

Hơi thở lúc nông lúc sâu lướt qua da anh, cô cọ cọ, vùi hết khuôn mặt mình vào cổ anh. Tôn Bằng cử động một cái, dùng tay khẽ vỗ vai cô có nhịp điệu. Sự an ủi không lời.

Hai ngày sau, ông ngoại Trần Nham qua đời.

Thời khắc cuối cùng, bác sĩ đẩy ông từ phòng cấp cứu về phòng bệnh, người nhà họ Trần cùng vây quanh bên giường ông, nắm tay ông than khóc. Ông đã không thể nào thốt ra tiếng, chỉ dùng một đôi mắt hỗn độn nhìn người trước giường một lượt, cuối cùng yên lặng trút hơi thở, không để lại một lời.

Ông ngoại Trần Nham gần 80 tuổi, cũng coi như là hỷ tang. Linh đường đặt trong nhà, tang sự do một tay cậu Trần Nham lo liệu. Hễ có họ hàng và bạn bè thân quen đến nhà phúng điếu, nhớ lại chuyện trước đây của ông cụ, thì mẹ Trần luôn khóc nức nở đến sưng đỏ mắt.

Mấy ngày nay, Tôn Bằng chỉ đi đến quán một chuyến vào mỗi buổi trưa để lấy cơm, thời gian còn lại đều giúp đỡ lo liệu tang sự ở nhà Trần Nham, y hệt dáng dấp của một đứa con rể. Họ hàng bạn bè hỏi thân phận của anh, mẹ Trần đều thản nhiên thầm thừa nhận.

Thế nhưng, ngày cuối cùng của bảy ngày đầu tiên, gia đình Trần Nham làm cơm mời họ hàng đến ăn, anh lại không xuất hiện. Khi Trần Nham gọi điện thoại giục anh, anh vẫn đang ở trên tòa.

—— Trên tòa, Trương Cường và Khổng Trân ngồi đờ đẫn, trong đầu ù ù, luật sư hai bên nói gì cũng mù mờ. Chỉ chờ thẩm phán lạnh lùng ngồi phía trên ra phán quyết cuối cùng.

*****

Ba mươi tết, khi bông tuyết bay lững lờ dưới quê Tôn Bằng, ở thành phố này đây, một cơn mưa mùa đông lạnh lẽo thấu xương đang đổ xuống.

Ngày hôm ấy, Cường Tử ngồi trong quán cả buổi trưa cũng không có lấy một người khách.

Trên đường phố bên ngoài, bọn trẻ con tụ chung một chỗ đốt pháo, có một nhà ba người xách quà cười nói đi chúc tết họ hàng bạn bè. Lưng chừng chỗ đầu con hẻm là biểu ngữ tổ dân phố mới treo lên hai ngày trước, trên đó viết "Năm mới vui vẻ cả nhà hạnh phúc". Chữ "cả" (阖) anh không quen lắm, nhưng nghe người ta nói nhều, nên anh theo bản năng đọc là "he".

Gió thổi đến, tấm vải màu đỏ thẫm bị cuốn lên một nửa, rồi lại chợt mở ra, rồi lại bị cuốn lên. Anh tựa như có thể nghe được tấm vải ấy kêu phành phạch trong gió. Trong chốc lát, có giọt mưa trên cửa kính.

Khi Khổng Trân nghe thấy tiếng gõ cửa, cô đang nằm trên giường chơi di động. Cô khép chiếc áo ngủ dài đến bắp chân lại, lười biếng xuống giường đi mở cửa.

Ngoài cửa, Cường Tử xách mấy cái túi nilon trên tay, nước mưa dính trên tóc. Anh đón xe tới đây, xuống xe không còn tay cầm ô nên chạy một mạch tới. Những giọt nước mưa bay chếch ấy thấm vào chiếc áo màu sậm của anh, để lại chấm lốm đốm loang lổ.

Anh cười cười với cô, "Ăn cơm trưa chưa?"

Sửng sốt hai giây, cô ngửi được mùi thơm dầu mỡ của thức ăn.

Khi tất cả mọi người trong thành phố này đang sum vầy, ba giờ chiều, đôi nam nữ ở nơi đất khách quê người này im lặng ngồi bên bàn ăn, ăn uống, ăn mấy món ăn nóng đầy dầu mỡ, bản thân mình cũng không biết coi là bữa trưa hay bữa tối.

Hai tiếng sau, trong căn phòng ấm áp này, họ trò chuyện như trước kia, vẻ mặt thoải mái mà vui vẻ, giống hệt như trước đây khi vừa mới quen, kể chuyện lúc nhỏ, kể chuyện của quê mình, nói đến chỗ buồn cười thì cùng nhịn cười, Cường Tử thỉnh thoảng đập đập đôi đũa trên bàn.

Một loạt tiếng gõ cửa khác thường làm cho buổi trò chuyện vui vẻ lâu lắm rồi mới có này kết thúc. Trước khi mở cửa, Khổng Trân nhìn Cường Tử một cái. Mang theo mấy phần chột dạ, mấy giây sải bước đi mở cửa, cô nhanh chóng suy nghĩ một vài cách diễn đạt. Thế nhưng cửa vừa mở ra, cô lại vô cùng kinh ngạc. Ngoài cửa là ba người phụ nữ cô không quen đang nhìn chòng chọc.

Sau khi nhìn thấy mặt Khổng Trân, cảm xúc của người phụ nữ dẫn đầu thoáng chốc bùng phát, như thú dữ xổng chuồng, nhào tới túm tóc cô, miệng mắng đồ đê tiện, đồ đ*, đủ mọi lời bẩn thỉu, bàn tay vặn vẹo tát mặt cô.

Chuyện xảy ra quá mức đột ngột, từ đầu đến cuối cũng chỉ hai, ba giây. Cường Tử gần như bật dậy từ trên ghế, đi tới bảo vệ Khổng Trân. Hai người phụ nữ đi chung với người phụ nữ kia cùng xông lên la lớn, "Muốn chết rồi mà! Còn giấu một thằng trong nhà nữa à. Đồ đ* không biết xấu hổ!"

Bên ngoài, mưa ào ào càng ngày càng lớn, vô tình gột rửa vui mừng một năm một lần của nhân gian.

Ba người phụ nữ như phát điên kéo xé đôi nam nữ này, kéo từ ngoài cửa đến phòng khách, quậy phòng khách trời long đất lở, dưới đất bừa bộn.

Cuối cùng, hàng xóm báo cảnh sát.

Ầm ĩ đến đồn cảnh sát thì Khổng Trân mới biết, người đến là vợ của người đàn ông kia. Căn nhà cô ở vẫn do vợ ông ta đứng tên, chẳng qua là luôn để mặc ông ta cho thuê bên ngoài.

Ba mươi tết vợ mình gây ra vụ bê bối như vậy, người đàn ông mất hết thể diện, đội mưa vội vã chạy đến đồn cảnh sát, trước mặt bạn bè thân thích, ông ta ướt đẫm nửa người không nhìn Khổng Trân lấy một cái, chỉ khi cảnh sát hỏi thì mới liếc nhìn về phía Cường Tử.

Cảnh sát trực ban nhìn mưa vẫn đang rơi bên ngoài, trong lòng nôn nóng về nhà ăn bữa cơm đoàn viên, không có cảm tình gì với đám nam nữ quan hệ lung tung này, hỏi hai bên nói thế nào, có muốn đến bệnh viện khám không, hay là cứ hòa giải như vậy?

Bà vợ người đàn ông tóc tai bù xù, đứng bật dậy, trong tay cầm mấy đoạn vòng ngọc vỡ, nói, "Bệnh viện kiểm tra để sang một bên trước đi. Bọn nó làm vỡ vòng tay của tôi, tôi muốn bồi thường!"

Khổng Trân vẫn đang mặc đồ ngủ, quần áo xốc xếch, hất mặt, "Mẹ nó bà ăn nói vớ vẩn. Tôi muốn đi bệnh viện kiểm tra toàn thân, đầu tôi đau lắm!"

Cảnh sát làm người hòa giải, "Tất cả ngồi xuống ngồi xuống đi..."

"Hỏng như thế nào?" Cảnh sát hỏi người phụ nữ.

"Bọn nó đẩy tôi lên bàn, tay tôi đập một cái thì đụng phải," Người phụ nữ khoa tay múa chân, nhìn về phía người đi theo mình, "Họ nhìn thấy hết, có thể làm chứng."

Cường Tử rướn cổ về phía bà ta, "Bà tới cửa đánh người mà bà còn lý lẽ à?"

"Tao tới cửa? Tao tới cửa nhà tao thì sao? Đó là nhà của tao, tụi bây ở trong đó làm gì? Hả? Tao còn muốn kiện tụi bây lén xông vào nhà dân nữa kìa! Đồ ăn cướp! Đồ mèo mả gà đồng không biết xấu hổ!" Người đàn bà càng nói càng hăng, nghĩ đến cái gì thì mắng cái đó.

Cảnh sát khiển trách một tiếng, "La cái gì! Nói nhỏ một chút đi!"

Hòa giải thêm nửa ngày, có một điểm không thể nghi ngờ, chiếc vòng tay này thật sự là bị làm vỡ khi đang đánh nhau.

Cảnh sát trẻ nhìn mấy đoạn ngọc vỡ trên bàn, "Trách nhiệm của tình huống này không nằm ở một bên, hai bên bồi thường đi."

"Con này dụ dỗ chồng tôi, tôi không đánh chết nó là hời cho nó rồi, người như vậy mà cảnh sát mấy anh không bắt ư? Ở trong nhà tôi làm vỡ đồ của tôi, bọn nó chịu trách nhiệm hết!"

Cảnh sát lười nói với bà ta, "Chúng tôi không quản lý được chuyện nhà của ông bà. Mấy người xông lên lầu ra tay trước thì chính là phía sai, nhất định phải tự chịu một nửa, không đồng ý thì lên tòa mà quậy, được chứ."

Người phụ nữ nghiến răng nghiến lợi: "Đánh người là phạm pháp, phá hoại gia đình người khác thì không phạm pháp sao? Cái thứ tôi đánh là cái thứ đê tiện, lần sau tôi vẫn thấy một lần đánh một lần!"

"Có gan thì nói thêm một câu nữa đi, mụ khọm già mãi không chết!" Khổng Trân đáp trả.

"Được rồi được rồi..." Cảnh sát thấy lại sắp mắng chửi nhau, nhìn hướng Cường Tử và Khổng Trân, giọng điệu khinh thường, "Hai người đừng nhiều lời nữa. Đồ của người ta hỏng rồi, hai người cũng đừng có nghĩ phủi mông chạy mất, hai người chắc chắn cũng phải chịu trách nhiệm."

Cái vòng này bao nhiêu tiền? Trong câu hỏi hời hợt của cảnh sát, mọi người nghe được một con số kinh thiên.

Bảy trăm tám mươi ngàn tệ.

Giây đầu tiên nghe được con số này, ngay cả cảnh sát cũng cảm thấy viển vông. Một cái vòng tay không biết thật giả đòi bảy trăm tám mươi ngàn tệ, sao có thể được? Nhưng nửa tiếng sau, bạn thân của người phụ nữ mang hóa đơn tới.

Vàng có giá ngọc vô giá.

Hóa đơn được viết ở một tiệm bán đồ cổ ở Vân Nam, phía trên là chữ viết màu xanh nhạt, cột dưới cùng mở đầu chính là bốn chữ viết lớn "Bảy trăm tám mươi ngàn tệ...", một chuỗi số rồng bay phượng múa phía sau có vẻ không đáng để ý đến thế.

Hai cảnh sát trẻ trố mắt nhìn nhau, sắc mặt trầm xuống.

Trong nháy mắt, không khí trong phòng dừng lại, ngoài cửa sổ tiếng mưa rả rích.

Sắc mặt Khổng Trân bình tĩnh, cô nhìn từ đầu đến cuối không nói qua một câu, nói với người đàn ông ngồi ở góc tường, "Quý Tiểu Binh, mẹ nó ông nói chuyện đi!"

Người đàn ông ngẩng đầu nhìn cô một cái, nói một cách lạnh nhạt mà từ tốn, "... Muốn tôi nói gì, nghe cảnh sát hết đi."

Phẫn uất và sợ hãi ập tới đầy trời kín đất như thủy triều, Khổng Trân đứng bật dậy, xông về phía ông ta. Cô bị Cường Tử kéo lại giữa đường, mặt đỏ bừng lên.

Người đàn ông vốn đã nhanh chóng đứng lên định tránh, thấy Cường Tử giữ cô lại thì hoàn toàn trở mặt, nhân tiện tỏ rõ thái độ với người nhà: "Làm gì đó, cái thứ đê tiện ăn cây táo, rào cây sung còn la lối khóc lóc ở đây à?"

Cường Tử liều mạng lôi Khổng Trân, cắn răng đỏ mắt nói với người đàn ông, "Đồ chó chết, ông nói thêm một câu nữa đi!"

...

Dàn xếp mãi cho đến tối, hòa giải thất bại hoàn toàn.

Đối phương mời luật sư rất nhanh, một tờ đơn kiện, kiện Trương Cường và Khổng Trân ra tòa, yêu cầu bồi thường đủ mọi chi phí như tổn thất tinh thần và phí tăng tỷ giá của vòng ngọc, tổng cộng tám trăm hai mươi ngàn tệ.

Giấy triệu tập của tòa đưa thẳng đến chỗ ở của Cường Tử. Khổng Trân tưởng họ kiện một mình cô, nhưng ai ngờ, kiện cả hai người họ.

Lần trước Khổng Trân đến công ty của người đàn ông gây sự một lần, rốt cuộc xác định, cuộc đời cô hoàn toàn bắt đầu một cơn ác mộng.

Nói cho cùng, cô chỉ là một cô gái trẻ ngoài 20 ngoài cứng trong mềm, khi bi kịch của số phận thật sự ập đến, cô, người không hề có kinh nghiệm cuộc sống, hoàn toàn không có biện pháp, chỉ còn lại nỗi sợ hãi vô tận.

Đêm Tôn Bằng tìm đến, Khổng Trân đang thu dọn đồ đạc trong nhà Cường Tử. Họ đã mua xong hết vé xe, định sáng sớm là đi ngay, đến thành phố phía bắc bắt đầu lại từ đầu.

Tám giờ tối, Cường Tử vừa mở cửa đi vào, không ngờ lại nhìn thấy Tôn Bằng.

Áo khoác cởi để trên bàn, Tôn Bằng mặc chiếc áo mỏng, sầm mặt ngồi trên sofa, trên tay là giấy triệu tập của tòa. Khổng Trân ngồi ở mép giường, không nói một lời, mặt đầy vệt nước mắt.

Dưới ánh mắt chăm chăm của Tôn Bằng, Cường Tử sửng sốt vài giây, đi vào như không có gì xảy ra, để cơm tối vừa mua xuống, nhìn anh, "Sao anh đến đây vậy?"

Tôn Bằng nhìn anh ta, giọng nói rất lạnh nhạt, "Cường Tử, chuyện này không thể làm như vậy."

Cường Tử cởi áo khoác, không nhìn anh, "Chuyện gì cơ?"

Tôn Bằng đứng lên, nét mặt lạnh lùng nghiêm nghị chưa từng có: "Cậu muốn dẫn cô ấy đi đâu? Cả đời gánh nợ trốn chui trốn nhủi sống qua ngày ư? Trương Cường, đầu óc cậu tỉnh táo lại cho anh!"

Một sự phẫn nộ vô hình xông lên, Cường Tử quay người lại, anh ta thấp hơn Tôn Bằng một cái đầu, hất mặt hung hăng nhìn anh chằm chằm: "Được! Vậy anh nói đi! Anh nói làm như thế nào?"

Ánh đèn trắng lạnh lẽo chiếu rọi căn phòng cũ nát này, tạo ra bóng râm trên người từng người.

Cường Tử cắn răng hàm, gắt gao nhìn đôi mắt Tôn Bằng, chợt vung tay chỉ về phía Khổng Trân trên giường.

"Anh nhìn cô ấy thử xem, năm nay cô ấy bao nhiêu tuổi? Sang năm cô ấy 23 tuổi, anh hỏi cô ấy xem, cô ấy lớn như vậy mà có ai dạy cho cô ấy tốt xấu bao giờ không? Có ai không? Anh bỏ mặc cô ấy, em bỏ mặc cô ấy, trơ mắt nhìn cô ấy đi lầm đường cũng không kéo lại..." Nước mắt của người đàn ông không chịu nghe sai khiến mà tràn mi, anh ta quẹt mạnh đi, sự hung ác quay lại trong mắt: "Ngay cả chúng ta cũng mặc kệ, thì còn ai có thể quan tâm đến sống chết của cô ấy? Hay là cô ấy trời sinh số khổ?!"

—— Anh xem, anh xem thử cái thành phố này rốt cuộc có bao nhiêu cô ấy?!

Có người nuôi nhưng không có người dạy, sinh ra ở nơi xó xỉnh lộn xộn tối tăm, ôm ấp hi vọng xa vời thoát khỏi số phận mà đến đô thị phồn hoa này. Ngoài một thân thể của tuổi trẻ ra thì cái gì cũng không có, cái gì cũng không thể.

Là ai khiến họ nếm đủ ấm lạnh của nhân gian, trải qua hết bất công của thế gian? Là ai rải vụn bánh mì thoa đầy cám dỗ về phía họ lần này đến lần khác, chờ nhìn họ tranh nhau nhảy vào lao tù ham muốn hưởng thụ vật chất, làm hết trò cười?

Cùng một mặt trời trên đỉnh đầu, ai sinh ra đã cao quý hơn họ? Mà dựa vào cái gì mà cao quý hơn họ?

Trong binh đao tranh chấp giữa họ, trong không khí yên lặng như chết, chỉ có Khổng Trân đang khóc.

Hai tay cô bụm mặt mình, cô chỉ cảm thấy lời của Cường Tử như một cây búa, mỗi một chữ đều nện thẳng vào lòng cô, nỗi đau ấy như muốn nuốt lấy cô, xé nát cô.

Trong nỗi đau đớn không cách nào chịu đựng, cô lao xuống giường, muốn tông cửa xông ra. Cường Tử phản ứng lại chặn ngay cửa, cánh cửa vang "rầm" một tiếng.

Khổng Trân không còn đường nào để trốn, cuối cùng chống đầu vào cửa, nức nở không thành tiếng. Cường Tử và Tôn Bằng vẫn giữ tư thế cứng ngắc trong yên lặng, không nói được một lời.

Một cánh cửa gỗ, ngăn cách ba người họ với thế giới bên ngoài.

Giằng co rất lâu, Tôn Bằng nói, "Cường Tử, cậu ra ngoài trước đi, anh có lời muốn nói với Trân Trân."

Cường Tử giữ bên cửa, đỏ mắt, không nhúc nhích.

Khổng Trân yên tĩnh lại, bình ổn cảm xúc, giọng khàn khàn khẽ gọi một tiếng, "Anh Cường Tử..."

Chậm chạp một chút, Cường Tử ngoan cố, nhưng vẫn kéo cửa ra, đi ra ngoài không quay đầu lại.

Hàng xóm đã sớm có người nghe được tiếng động ồn ào, ra đây chờ xem náo nhiệt. Chỗ góc sân tối om, hai người phụ nữ trung niên thấy Cường Tử đột nhiên sải bước đi ra, vừa định rướn cổ nhìn vào trong, cánh cửa đó liền đóng lại trong nháy mắt.

Khổng Trân bình tĩnh lại, nước mắt giàn giụa, trên mu bàn tay toàn là nước.

Tôn Bằng đi vào nhà vệ sinh thấm ướt khăn đi ra, "... Ngồi xuống lau mặt đi."

Anh nhìn cô chăm chú.

Cảnh tượng thế này không phải là lần đầu tiên xuất hiện, lần trước cô khóc là hôm Tôn Phi đi lạc.

Trong lòng nặng trĩu, Tôn Bằng nhìn bóng đêm ngoài cửa sổ, quay sang nhìn cô, giọng nói kềm chế: "Trân Trân, Cường Tử nói đúng, nếu bọn anh chu đáo thêm một chút, chú ý em thêm một chút, thì em sẽ không đi lầm đường. Nhưng anh biết, em luôn là một cô gái tốt."

Chuyện cho đến ngày hôm nay, anh vẫn bằng lòng cho cô một câu đồng ý. Trái tim khó khăn lắm mới bình tĩnh lại, bởi vì lời nói của anh mà vừa chua xót vừa đau đớn lần nữa. Cô dùng khăn che mắt, từng giọt nước mắt thấm vào chiếc khăn ấm, im lặng lắc đầu.

Anh nhìn đỉnh đầu cô, giọng nói mềm mỏng nhưng cương quyết, "Nhưng bây giờ không thể đã sai lại thêm sai nữa. Bây giờ em và Cường Tử chạy trốn, tuy là không sao nữa, nhưng Cường Tử còn một người bà dưới quê, nhà em vẫn còn em trai, em gái, em vẫn đang chu cấp cho em gái đi học, sau này hai đứa làm thế nào?

Chúng ta đều không hiểu pháp luật, chuyện này rốt cuộc cuối cùng sẽ như thế nào thì trong lòng anh cũng không chắc. Nhưng bất luận kết quả ra sao thì anh đều sẽ gánh vác cùng em và Cường Tử. Đi lầm, không sao cả, từ trước đến nay không có con đường nào không quay lại được.

Cho nên... Trân Trân, em cũng giúp anh một lần, giúp anh khuyên nhủ Trương Cường."

Khổng Trân bi thương gục xuống bàn, cả người run rẩy, trong cổ họng là tiếng khóc nức nở không kềm chế được. Cô rất muốn nói, nhưng cổ họng lại bị tiếng nức nở chặn lại, không phát ra được một chữ.

Trong tiếng khóc đè nén của cô, Tôn Bằng ngập ngừng đưa tay ra, khẽ vuốt tóc cô, "Khóc đi, khóc ra là được rồi..."

Chương 48: Ánh đèn

Trong bữa cơm, mấy người họ hàng xa đã gặp Tôn Bằng mấy ngày nay hỏi Trần Nham, "Tiểu Tôn đâu?"

Điện thoại mãi không có ai bắt máy, Trần Nham nói qua loa lấy lệ, "Anh ấy có chút việc ạ, chúng ta ăn trước đi."

Trên bàn cơm, mọi người trò chuyện cũng không ngoài mấy chuyện nhà cửa, Trần Nham không nghe lọt tai mấy câu, chỉ có trưởng bối nói chuyện với cô thì cô mới đáp lời.

Ăn cơm xong, trên đường về, mẹ Trần xách mấy gói đồ ăn thừa, có hơi không vừa lòng, "Hôm nay cậu ta có chuyện gì?"

"Trong quán có chút việc ạ..."

"Có chuyện gì đi nữa thì mấy dịp thế này cũng nên đến một lát chứ, bao nhiêu trưởng bối trong nhà có mặt thế mà. Tối nay con gọi cậu ta về ăn cơm, để mẹ nói chuyện với cậu ta."

Trần Nham nhìn mẹ Trần mấy ngày nay gầy đi, miễn cưỡng nhếch khóe môi, "Vâng, mẹ nói anh ấy cũng tốt ạ."

Mẹ Trần nhìn cô, "Lúc này mới lúc nào mà con đã không trị nổi nó rồi?"

Mẹ Trần ngoài miệng nói phải trị anh, nhưng buổi tối Tôn Bằng đến thật thì bà lại như chẳng có chuyện gì, ăn cơm xong còn ngâm cốc trà nóng cho anh, kêu anh ngồi xuống xem tivi.

Trần Nham ở trong phòng đã nói với bà ngoại mấy câu, đang giúp mẹ Trần dọn chén đũa vào bếp.

Mẹ Trần nhìn ra ngoài một cái, hạ thấp giọng, "Con nhìn cái quầng thâm của cậu ta kìa, nếu mẹ là mẹ cậu ta thì cũng đau lòng. Khoảng thời gian này chuyện của ông ngoại con cũng nhờ có cậu ấy giúp, con kêu cậu ấy nghỉ ngơi cho khỏe đi."

Nghe lời mẹ Trần, Trần Nham lặng lẽ dừng tay, đưa ánh mắt về phía phòng khách.

Tôn Bằng đưa lưng về phía nhà bếp, ngồi bên bàn ăn, xem tivi.

Mấy ngày trước trong nhà người đến người đi, trong không khí tràn ngập mùi chán nản của nước mắt, nhang đèn, sự bi ai và an ủi khiến người ta mệt mỏi chán ghét. Hôm nay nhang đèn, chậu than đã dọn sạch, bỗng nhiên lại có vẻ hơi trống trải và lạnh lẽo.

Ánh đèn vàng đục rơi xuống đều đặn, trong căn phòng nho nhỏ này chỉ còn lại hai người họ. Ánh mắt chuyển dời, vượt qua anh, nhìn về phía bức ảnh trắng đen treo ở chính giữa, trong lòng vô cùng buồn bã.

Tôn Bằng cầm cốc trà trên bàn uống một ngụm, anh quay đầu, bất ngờ chạm phải ánh mắt Trần Nham.

Bốn mắt lẳng lặng nhìn nhau, cô lau khô tay, đi ra khỏi bếp.

"Hôm nay còn ngủ ở đây với mẹ em không?" Anh hỏi.

Trần Nham lắc đầu.

"Vậy lát nữa đưa em về?"

"Ổn cả rồi, đi thôi."

Gió thổi vù vù, ánh đèn neon tranh nhau khoe sắc, tiếng người và dòng xe chạy, đường phố trong đêm là một thế giới mê ly khác. Trần Nham đội mũ bảo hiểm dựa vào lưng Tôn Bằng, mọi thứ quét qua trước mắt tựa như cách cô rất xa, không có quan hệ gì với cô.

Chỉ khi cơn gió mạnh thổi qua, cô mới cảm nhận được sự lạnh giá xuyên qua thân thể đặc biệt chân thật kia.

Xe dừng dưới lầu, cô không nhúc nhích, cho đến tận khi bàn tay anh đặt lên mu bàn tay cô.

Cô xuống xe, cởi mũ bảo hiểm, nhìn Tôn Bằng chống xe xong.

"Anh định giúp họ như thế nào?"

Suốt cả đường về không nói gì, đột nhiên lên tiếng, giọng cô bình tĩnh mà khẽ khàng.

Anh khựng lại, trong ánh sáng âm u, anh xoay người nhìn khuôn mặt cô.

Trên tòa, luật sư đại diện của đối phương mở chiếc vòng ngọc bị đập vỡ của người phụ nữ ra, lấy các bằng chứng như lời khai của nhân chứng có mặt, giấy giám định châu báu,... Thông qua tất cả bằng chứng xác định, chiếc vòng ngọc đó đúng là mua ở một tiệm đồ cổ ở Vân Nam ba năm trước, giá bán là hơn bảy trăm tám mươi ngàn tệ. Chiếc vòng ngọc này người phụ nữ thường không mang theo bên mình, hôm ba mươi tết, sáng sớm bà ta đặc biệt mang trên người để làm phụ kiện cho trang phục.

Trước đó bà ta đã phát hiện chuyện chồng mình ăn vụng ở bên ngoài, đột nhiên được biết kẻ thứ ba trắng trợn ở tại nhà mình, lập tức nổi trận lôi đình gọi hai người bạn thân tới, quên bẵng chiếc vòng ngọc có giá trị không nhỏ trên tay. Đương nhiên, cái từ "có giá trị không nhỏ" này chỉ là nói với người bình thường.

Trương Cường và Khổng Trân không mời luật sư, cân nhắc đến việc họ là lao động nhập cư, nên tòa cung cấp sự trợ giúp pháp lý cho họ. Bởi vì vẫn còn dị nghị đối với giá của chiếc vòng ngọc, nên trước khi mở phiên tòa, luật sư trợ giúp pháp lý đã đề xuất xin làm giám định tư pháp cho họ. Công ty phụ trách giám định tư pháp do tòa chọn ngẫu nhiên, để cho thấy rõ sự công bằng.

Trên tòa, công ty thẩm định vật sưu tầm này đưa ra một phần tài liệu, giám định chất liệu làm nên chiếc vòng ngọc là ngọc bích bậc hai, tính ra giá thị trường là bảy trăm hai mươi ngàn, phần còn lại sau khi vỡ không có giá trị thương mại hay sưu tầm. Bên cạnh đó còn xác minh, hóa đơn mua hàng bảy trăm tám mươi ngàn tệ mà nguyên đơn cung cấp thật sự hợp pháp.

Sau khi hai bên biện luận trần thuật, tòa phán quyết, tranh chấp dân sự này vì nguyên đơn ra tay trước nên phải chịu trách nhiệm chủ yếu bảy mươi phần trăm. Bị đơn Khổng Trân, Trương Cường mỗi người chịu mười lăm phần trăm trách nhiệm.

Cuối cùng, cộng chung lại, họ cần phải trả cho nguyên đơn tổn thất hai trăm sáu mươi ngàn tệ.

Giải quyết dứt khoát, mọi việc kết thúc. Hai trăm sáu mươi ngàn tệ.

Rời tòa, Tôn Bằng, Trương Cường và Khổng Trân ở trong căn phòng trọ nhỏ tối tăm ngột ngạt cả buổi chiều, trơ mắt nhìn ánh mặt trời tối dần từng chút một sau rèm cửa sổ.

Khi Trần Nham gọi cú điện thoại thứ ba là năm giờ chiều, Tôn Bằng chần chừ một lúc, ra ngoài nhận máy. Cũng chính từ cú điện thoại này, Trần Nham nghe được đầu đuôi sự việc.

Tôn Bằng kể bằng giọng bình thường mà trầm ổn, không có bất kì cảm xúc gì. Nhưng trái tim Trần Nham lại như đang chìm xuống dần từng chút một theo lời nói đầu bên kia của anh.

Trước khi hoàn toàn chìm xuống đáy nước, cô hỏi, "Vậy bây giờ... anh định làm thế nào?" Anh nói: "Anh không biết, nhưng chuyện của Cường Tử, anh không thể bỏ mặc được..."

Vào giờ phút này, ở dưới lầu, cô đang nhìn anh, hỏi, "Anh định giúp họ như thế nào?"

"Họ không có nhiều tiền như vậy." Tôn Bằng đối diện với cô, khựng lại, "Căn nhà cũ mà bà nội Cường Tử đang ở bây giờ là của cậu ấy, nếu cứ phải bồi thường, thì cậu ấy cũng chỉ có căn nhà cũ đó thôi."

"Cho nên sao?" Trần Nham khẽ hỏi, "Vậy anh thì có cái gì? Anh đi đâu tìm hai trăm sáu mươi ngàn giúp họ trả món nợ này?"

Yên lặng giây lát, Trần Nham nghe được một đáp án đáng sợ nhất trong lòng.

Anh nói: "Anh nghĩ qua rồi, quả thực không được thì chuyển nhượng quán trước."

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng Trần Nham vẫn hít vào một hơi khí lạnh. Nhìn hư vô trong không khí, cô hỏi yếu ớt, "Tôn Bằng, em không hiểu. Tại sao chúng ta cứ phải đối đầu với toàn bộ hiện thực, tại sao không thể nhượng bộ một lần, né tránh một lần?"

Cô nhìn về phía anh, cảm xúc phức tạp trong ánh mắt, "Từ nhỏ đến lớn, em chưa bao giờ dám phạm lỗi, đến cả việc chép bài tập cũng không dám, khi đi học em luôn là học sinh nghe lời nhất trong lớp. Sau này đi làm, từng phút từng giây em đều nhắc nhở bản thân mình, không thể sai, bởi vì chỉ cần sai thôi, là sẽ không có bất kì đường lui nào. Anh nói cho em biết, bây giờ, tại sao chúng ta phải gánh chịu hậu quả cho sai lầm của người khác?" Cô hơi dừng lại, lắc đầu: "Việc này không công bằng..."

"Nham Nham, cái gì là công bằng?" Anh bình thản hỏi ngược lại.

Tôn Bằng nhìn về phía cô, sự sắc bén lộ ra trong ánh mắt, "Anh trai anh từ nhỏ đã bị người ta mắng là đồ ngốc, người nhà không đoái hoài gì đến anh ấy, người trong thôn bắt nạt anh ấy, mỗi lần anh đánh nhau vì anh ấy đều là Cường Tử xông lên đầu tiên. Anh dẫn theo Tôn Phi ở bên ngoài, em cho rằng một mình anh thật sự có thể sao? Nếu không phải là cậu ấy, thì anh đã không đi đến được ngày hôm nay. Em có từng nghĩ tại sao cậu ấy cam tâm tình nguyện đi theo anh, quen với anh hay không?"

Anh dừng lại, đè thấp giọng nói không cách nào kềm chế, "Vì Trương Cường chính là một nửa em trai của anh. Bây giờ cậu ấy gặp khó khăn, đừng nói là tiền, cho dù muốn mạng anh thì anh cũng sẽ không nháy mắt một cái. Đổi thành hôm nay là anh, em đi hỏi cậu ấy xem, cậu ấy sẽ làm như thế nào... Muốn anh bỏ mặc cậu ấy sao, Nham Nham, anh không làm được..."

"Anh không làm được..." Trần Nham bình tĩnh nhìn anh chằm chằm, "Sau khi anh bán tiệm thì chúng ta sẽ làm thế nào? Anh có từng nghĩ đến chưa?"

Ánh mắt anh chán nản, "Nham Nham, khi em quyết định ở bên anh, anh cũng không có gì cả. Khi đó có thể, vậy tại sao bây giờ lại không được?"

Anh nhìn cô, mỗi một phần đau khổ trong mắt anh cô đều cảm nhận được như chính mình trải qua. Áp lực của anh, những gánh vác của anh, nỗi đau của anh, trong lòng cô biết rõ mồn một, có những lúc, cô thậm chí rất muốn dịu dàng nắm tay anh, kề vai chiến đấu cùng anh một lần nữa.

Nhưng đêm nay, quá tăm tối, tăm tối đến mức cô không thấy rõ cả bản thân mình.

Là ai vẫy lá cờ đạo đức trên không trung? Cô chỉ muốn kéo anh đứng tại chỗ, ở trong đêm tối này cùng nhau hèn nhát một lần.

Trong gió trái tim yếu đuối dần cứng rắn trở lại, Trần Nham khẽ nghiêng mặt, nghe thấy giọng nói của mình lạnh lẽo bay ra từ trong lồng ngực: "Tôn Bằng, anh biết rõ chuyện này không giống, đâu có ai càng sống càng quay đầu nhìn lại.

Em có thể phấn đấu cùng anh, nhưng em sẽ không gánh chịu hậu quả xấu cho sai lầm của người khác."

Trong gió rét, vạt áo họ phát ra tiếng phần phật, Trần Nham nhìn anh lần cuối, để mũ bảo hiểm xuống, xoay người đi về phía tòa nhà sau lưng.

Sương mù trong thành phố như một lớp lụa mỏng, bao phủ ban đêm đen nhánh. Trong từng căn nhà thấp bé bên cạnh, ngọn đèn thắp sáng vô số cánh cửa sổ vuông nhỏ nhỏ, bên trong tràn ngập ánh sáng dịu dàng.

Vô số đêm bình thường tạm biệt anh, cô cũng từng có ảo tưởng: Có một ngày, ở thành phố không lớn này, nhất định sẽ có một ngọn đèn thuộc về họ.

Nhưng bây giờ, cô cũng không dám ngẩng cả đầu, bởi vì những thứ đó vĩnh viễn là ánh sáng nhìn thấy được nhưng không chạm đến được.

Cô biết, bóng lưng anh nhìn thấy lúc này là bóng lưng lạnh lùng mà vô tình. Nhưng hiện tại, cô thật sự không có cách nào đối mặt với anh được nữa. Cô sợ thêm một giây nữa thôi, cô sẽ khiến anh, cũng khiến cho bản thân mình nhìn thấy, mặt xấu xí ích kỉ, nhát gan hèn yếu hơn của cô.

Trong bước chân cô độc, cô rất muốn hỏi anh: Vì em, vì chúng ta, tại sao anh cũng không thể ích kỉ hơn một chút?

Trả lời cô là tiếng rừm rừm của motor đột nhiên vang lên sau lưng, chẳng mấy chốc đã biến mất.

Đối với kết quả của phán quyết này, luật sư trợ giúp không ủng hộ họ kháng cáo.

Ba mươi phần trăm trách nhiệm, anh ta cho rằng sau khi hết sức cân nhắc thân phận lao động nhập cư của họ, tòa án đã ra phán quyết bao gồm sự cảm thông nhất định. Hơn nữa, trong ván cờ này, thân phận người thứ ba của Khổng Trân không có lợi lắm, nếu kháng cáo, không những khả năng lớn không thay đổi được phán quyết ban đầu, mà còn có thể tiêu tốn nhiều chi phí hơn. Suy nghĩ nhiều lần, họ quyết định từ bỏ việc kháng cáo.

Luật sư nhìn anh ta, có lòng tốt nhắc nhở, "Hãy mau bồi thường tiền đi, nhận tội rồi thì chuyện này cũng coi như xong. Nếu bây giờ nhất thời không thể bỏ ra nổi số tiền này, thì bước tiếp theo đối phương có thể sẽ xin cưỡng chế thi hành án, cũng không nằm ngoài việc điều tra tài khoản ngân hàng, tài sản cá nhân của hai người. Nói tóm lại, chuẩn bị tâm lý kĩ càng đi."

Một tuần sau, nhân viên cục thi hành án của tòa đến nhà, thu thập các thông tin liên quan, chính thức tiến hành trình tự cưỡng chế thi hành án. Để trút cơn giận, sau khi tuyên án, người phụ nữ đã tìm mấy tên du côn, ngày nào cũng đến đi loanh quanh bên ngoài phòng trọ của Trương Cường. Chỉ cần Trương Cường và Khổng Trân bước ra cửa là bọn chúng sẽ đi theo như chó ghẻ, nhưng không ra tay. Ngay cả chạy trốn bọn họ cũng trốn không thoát.

Mấy năm nay, toàn bộ tiền của Khổng Trân đều đưa cho bố mẹ ở nhà, một mặt cho em trai em gái đi học, một mặt để họ tiết kiệm của hồi môn cho mình. Cô chẳng biết mở miệng xin ai thứ gì, trong mấy tháng đi theo người đàn ông kia, tiền ông ta cho cô, cô gửi một phần về nhà, một phần tiêu xài phung phí, ngoài mấy bộ quần áo hàng hiệu, mấy món đồ trang sức nhỏ không bao nhiêu tiền ra, thì cũng không còn lại gì. Cuối cùng, cô và Cường Tử cố lắm mới gom góp được không tới sáu mươi ngàn tệ, còn thiếu trọn hai trăm ngàn.

Điều bọn họ không biết là, hai ngày trước, Tôn Bằng đã đến chỗ đại lý đăng kí cửa hàng, đồng thời dán thông báo chuyển nhượng trên cửa kính bên ngoài.

Thứ tư, Trần Nham vừa phỏng vấn bên ngoài về, khi đi thang máy đụng phải Phùng Bối Bối. Bối Bối xuống cùng tầng với cô, kéo cô đến toilet.

"Quán của Tôn Bằng sắp chuyển nhượng ư?" Hôm nay cô ấy đi ngang qua đó với bạn, không cẩn thận thấy được bảng chuyển nhượng bên ngoài quán, trong lòng vô cùng kinh ngạc.

Vẻ mặt Trần Nham lại không kinh ngạc lắm, cô chỉ thờ ơ hỏi, "Vậy sao?"

"Cô không biết ư?"

"Quán của anh ấy, liên quan gì đến tôi chứ."

Nghe giọng nói này của Trần Nham, Bối Bối biết đã xảy ra chuyện.

Tan làm, Phùng Bối Bối cả dỗ cả gạt, cả lôi cả kéo kéo Trần Nham đến nhà mình.

Dưới chiếc đèn treo pha lê, Trần Nham ngồi trên sofa, hai tay bưng cốc nước, nhìn nước đang bốc hơi nóng trong cốc. Bối Bối nghe đầu đuôi sự việc xong, kinh ngạc không thôi.

Yên lặng rất lâu, Bối Bối trịnh trọng nói, "Nham Nham, chuyện này cô không nên trách anh ấy. Người xuất thân như họ, rất nhiều người đều như vậy, bảo thủ cố chấp, có lẽ chúng ta không thể nào hiểu được đâu."

Trần Nham xoa cái cốc trong tay, "Tôi không phải trách anh ấy, tôi chỉ là... không biết nên làm như thế nào thôi."

Một tuần nay họ đều không liên lạc. Anh từng gọi điện thoại cho cô, nhưng cô không nhận. Cô không biết nhận máy rồi có thể nói gì. Việc này giống như một ván cờ chết mà không ai có cách nào nhượng bộ.

Phùng Bối Bối nhìn cô chằm chằm một hồi, lấy cái cốc thủy tinh trong tay cô xuống, kéo cô đi vào phòng, "Cô đi theo tôi."

Phùng Bối Bối bật đèn, tìm được một cái chìa khóa trong ngăn kéo bàn trang điểm, mở cửa tủ, đẩy mấy bộ quần áo mùa đông ra, để lộ tủ bảo hiểm giấu trong tủ. Cô ấy vừa dùng chìa khóa mở tủ bảo hiểm vừa lẩm bẩm, "Có quê mùa không? Cái này bố tôi làm cho tôi, nói phải để ít tiền mặt trong nhà để phòng khi cần đến."

Cô ấy lấy một túi giấy kraft trong đó ra, nhìn Trần Nham, đưa cho cô, "Trong này là mười ngàn tệ, cho hai người mượn trước, nếu không đủ thì tôi hỏi Trình Đông Bình thử, không được thì bên kia tôi vẫn còn một khoản tiết kiệm định kì."

Trần Nham ngước mắt nhìn Phùng Bối Bối, khi tình bạn này bắt đầu, cô chưa bao giờ nghĩ tới, sẽ có một ngày họ trở nên thân thiết có thể dựa vào như vậy. Một dòng nước nhỏ ấm áp lướt qua trong lòng, cô mỉm cười, nhưng lại lắc đầu.

Bối Bối biết tính cách của cô, thở dài khẽ đến mức không thể nghe thấy, ngồi xuống cạnh cô, "Tôi luôn cảm thấy, chuyện mà tiền có thể giải quyết cũng không tính là chuyện lớn gì. Đừng khách sáo với tôi nữa, tôi cứu cấp không cứu nghèo, nhớ trả lại là được."

Nhìn gương mặt Bối Bối, lần đầu tiên Trần Nham sinh lòng hâm mộ cô ấy, "Cô cảm thấy tiền không coi là chuyện lớn, là bởi vì cô chưa từng thiếu tiền. Bối Bối, tôi sẽ không mượn tiền cô, anh ấy càng sẽ không mượn. Con số như vậy không biết phải trả đến ngày nào, tôi cũng không biết mình có khả năng trả hay không."

Gia đình từ nhỏ đã mang nợ, cô quá hiểu sự thay đổi một cách vô tri vô giác của tiền bạc đối với con người. Nó sẽ vô hình khiến cho hết thảy mọi thứ trong cuộc sống của bạn trở nên nặng nề, bao gồm tình bạn khiến người ta vô cùng quý trọng trước mắt này. Nhưng càng là thứ quý giá, thì càng không thể sử dụng, chỉ có thể cất giữ kỹ càng.

"Chỗ này có là gì chứ, quán anh ấy không phải kinh doanh rất tốt sao, sau này kiếm tiền rồi trả lại là được mà."

Trần Nham im lặng.

Bầu không khí yên tĩnh lại, Bối Bối từ từ nằm ngửa trên giường, mở mắt nhìn trần nhà, giọng nói êm ái: "Có đôi khi, tôi thật không hiểu nổi cô. Rõ ràng là một người thông minh, cũng rõ ràng có đường tắt, nhưng cô lại cứ khăng khăng đi con đường cụt nhất, làm bản thân mình mệt mỏi..."

Nhìn về phía bóng đêm sâu không thấy đáy ngoài cửa sổ, trong lòng Trần Nham vô cùng mờ mịt.

Có đường tắt sao, tại sao cô chưa bao giờ nhìn thấy?

Chương 49: Ảnh chụp

Sáng sớm hôm sau, Trần Nham đến phòng làm việc, mấy người đồng nghiệp đang tụm một chỗ cười nói.

Cô để túi xách xuống, chỉ nghe thấy đồng nghiệp bên cạnh vừa ăn bánh rán trứng vừa trêu đùa trong đám đông, giọng không lớn không nhỏ, không hề sợ bị nghe thấy, "Tiền Văn này làm vội như vậy, tôi thấy tám phần mười là có rồi đấy."

Vài người rúc rích cười nhỏ.

Hôm nay Tiền Văn đi đến cục dân chính lãnh giấy chứng nhận, sáng sớm đã chia sẻ ảnh giấy hôn thú cho bạn bè, tạo nên chấn động không nhỏ ở cơ quan.

Trong khi mọi người tán gẫu, Trần Nham giống như thường ngày sắp xếp mặt bàn một chút, cầm cốc đi đến phòng trà nước rửa sạch.

Thấy cô ra ngoài, có người không mặn không nhạt cảm khái một câu, "Cũng đáng tiếc thật..." Những người khác cười đầy ẩn ý sâu xa, có người vừa định nói gì đó, nhìn thấy trưởng phòng đi vào thì ai về chỗ nấy ngay lập tức, đám đông phân tán giả vờ bận rộn.

Trong phòng trà nước, Trần Nham mở vòi nước, một dòng nước trắng đổ vào đáy cốc, mấy giây sau xoay tròn tràn ra khỏi miệng cốc, tạo ra bọt nước. Vài giọt nước bắn vào ống tay áo cô, thoáng chốc thấm vào, trở thành mấy đốm màu sậm.

Rửa cốc xong, cô vẫy vẫy nước, ánh mắt vô thức nhìn về phía cửa sổ.

Bên ngoài, ánh mặt trời ấm áp.

Khi Cường Tử ngủ một giấc tỉnh lại, Khổng Trân đang lần lượt rửa mặt súc miệng. Tuần này, Tôn Bằng tới đây ba, bốn lần, lần nào đến cũng không nói gì, chỉ mang một ít thức ăn, ngồi xuống hút điếu thuốc.

Tinh thần Cường Tử sa sút, nhanh chóng đối mặt với hiện thực, xoay sở tiền nong khắp nơi. Tên côn đồ loanh quanh trước cửa nhà cả ngày thấy một nam một nữ này không giống như có ý định chạy trốn, nên cũng bắt đầu bữa đực bữa cái, không theo sát như ban đầu.

Khổng Trân đi từ nhà vệ sinh ra, Cường Tử đi vào đánh răng rửa mặt. Đánh mãi đánh mãi, anh đột nhiên nghĩ đến một người bạn làm ăn khấm khá quen biết trước đây, suy nghĩ hôm nay đi tìm anh ta trò chuyện thử, xem có cách gì hay không.

Tâm trạng của Khổng Trân sa sút, cô nằm lì ở nhà nhiều ngày lắm rồi, anh suy nghĩ một chút rồi nửa đẩy nửa khuyên dẫn cô cùng đi ra ngoài.

Hai người ăn bánh quẩy uống sữa đậu nành trong một sạp hàng nhỏ ở gần đó, dọc đường đi lang thang, vậy mà vô tình đi ngang qua quán của Tôn Bằng.

Cách khoảng mười mét, Cường Tử bước chậm lại, "Đó là quán của anh Bằng, em còn chưa đến bao giờ nhỉ."

Khổng Trân nhìn sang theo ánh mắt anh.

Cường Tử nhìn cô, "Đi nào, dẫn em vào xem thử."

Ánh mặt trời chói chang, Khổng Trân ngơ ngác nhìn tấm bảng giữa không trung. Bên cạnh, Cường Tử đột nhiên cứng đờ, đi đến dàn nóng máy điều hòa bên ngoài cửa tiệm một cách máy móc.

Trên dàn nóng máy điều hòa vuông vức ấy là một tờ giấy trắng, bốn góc giấy đều được dán vào cửa kính bằng băng dán. Trong cửa kính, một nhân viên phục vụ đang lau nhà lau bàn, nhìn thấy Cường Tử thì dừng tay, mỉm cười vẫy tay chào hỏi anh.

Cường Tử không đáp lại, ánh mắt anh tập trung hết vào tờ giấy giòn mỏng tanh kia.

Trên đó là hai chữ lớn viết bằng bút đánh dấu —— "Chuyển nhượng". Xuống dưới nữa là điện thoại liên lạc, anh đã thuộc nằm lòng.

Khổng Trân đi tới sau lưng anh, thấy rõ giấy trắng mực đen này, đứng thẳng đờ tại chỗ giống như anh, ngay sau đó, đôi môi cô khẽ run rẩy.

"Rầm" một tiếng, Cường Tử xé tờ giấy đó xuống, sải bước đi vào trong quán.

Trong cái sân nhỏ, Tôn Bằng đổ hết rau sáng sớm vừa đến vào cái chậu lớn đầy nước. Mười mấy cân cải thìa chìm xuống đáy chậu, rồi lại hầu như nổi hết lên. Anh xắn tay áo ngồi xổm xuống, đưa tay vào trong nước đè rau xuống, rồi rửa sạch.

Một bóng râm bao phủ trên đỉnh đầu, anh ngẩng đầu, từ từ đứng lên, vẫy nước trên tay.

Mặt Cường Tử đỏ bừng, anh ta đưa tờ giấy vo tròn đến trước mặt anh, thô lỗ hỏi, "Anh làm cái gì đó? Anh tưởng anh là ai hả?"

Tôn Bằng nhìn anh ta một cái, yên lặng đi đến bên bệ cửa sổ, lấy khăn khô lau tay.

Phản ứng bình tĩnh của anh khiến Cường Tử càng tức càng hận hơn. Tức anh tự quyết định, hận mình hèn yếu không có năng lực.

Cường Tử bước về trước hai bước, nói năng mạnh mẽ ở sau lưng anh: "Tôn Bằng, em nói cho anh biết! Mẹ nó anh mà bán cái tiệm này thì bố đây cũng không lấy một xu của anh!"

Anh ta nói xong hung hăng ném cục giấy vào chậu nước, tức giận bỏ đi.

Trong sân chợt yên tĩnh lại, giống như chưa từng xảy ra chuyện gì cả.

Chỉ có cục giấy kia gặp nước tan dần ra, nổi trên mặt nước như một phiến lá rau rữa nát, chứng minh hết thảy mọi việc vừa xảy ra.

Ngược sáng, Tôn Bằng cúi đầu móc thuốc lá trong túi quần, nheo mắt châm thuốc, rít một hơi thật sâu. Làn khói nhạt trùng điệp bay lên từ đầu ngón tay, quanh quẩn tan ra ở đỉnh đầu anh, rồi biến mất trong ánh sáng màu xanh.

Sau khi ông ngoại Trần Nham qua đời, bà ngoại Trần Nham không sao dám ngủ một mình trong phòng nữa. Hai ngày nay mẹ Trần suy nghĩ một chút, quyết định đổi phòng của họ. Hôm qua hai người đã chuyển quần áo và đồ lặt vặt xong, đổi phòng. Nhưng qua một đêm, bà ngoại Trần Nham vẫn ngủ không ngon.

Giường của mẹ Trần là giường mềm, bà cụ thì quen ngủ chiếc giường cứng trong phòng mình. Chuyện đổi giường một mình mẹ Trần không làm được, bèn gọi điện thoại cho Trần Nham.

Vừa nối được máy, Trần Nham hạ thấp giọng nói câu "Có việc gì thế ạ... Con đang họp, nếu không vội thì lát nữa hẵng nói nhé..." Mẹ Trần không nói gì nữa, bảo cô cứ từ từ làm việc. Sau khi cúp điện thoại, bà tìm Tôn Bằng.

Tôn Bằng đến sau khi xong giờ cơm trưa, cùng giúp mẹ Trần đổi giường cho hai phòng, buổi chiều lại dọn dẹp hết góc cạnh trong nhà với bà.

Bà giữ anh lại ăn cơm, anh suy nghĩ rồi gọi điện thoại cho đầu bếp trong quán, nhờ anh ta tối nay giúp trông Tôn Phi một chút. Đầu bếp đồng ý rất sảng khoái, anh ta nói hôm nay chơi mạt chược cả đêm, Tôn Phi ngủ ở chỗ anh ta cũng được.

Trong bếp, mẹ Trần đang lau chùi tủ lạnh, như đang lẩm bẩm, "Sau khi ông ngoại nó mất, trong nhà cũng chưa dọn dẹp đàng hoàng một chút. Bình thường bác cũng coi như là thích sạch sẽ rồi, Trần Nham nó còn tỉ mỉ hơn, trước đây ở nhà mà thấy trên ghế có tí bụi là nhăn nhó, bây giờ nó không ở nhà, bác cũng thoải mái hơn rất nhiều."

Chỉ nghe thấy phía sau "cạch" một tiếng, mẹ Trần quay đầu lại, Tôn Bằng đang nghiêng đầu, rút rãnh đựng dầu của máy hút khói. Lâu không vệ sinh, trong đó đã tích đầy dầu bẩn màu vàng sẫm.

Bà vội vàng lôi một cái túi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh ra, "Đổ vào trong này..."

Tôn Bằng nhận lấy, đổ dầu vào, bóp ít nước rửa chén, cầm cái hộp nhựa nhỏ đó rửa sạch trong bồn.

Sập tối, làm xong hết việc nên làm, cả nhà rực rỡ hẳn lên. Mẹ Trần rót cốc trà cho Tôn Bằng, bảo anh cứ tự nhiên, rồi bà đi làm cơm tối.

Tôn Bằng ngồi trong phòng khách một hồi, nhìn xung quanh một chút, đứng lên đi vào căn phòng nhỏ Trần Nham ở trước đây.

Lần đầu tiên chính thức đến căn nhà này, Trần Nham đã dẫn anh vào đây.

Căn phòng nhỏ bảy, tám mét vuông, đặt một chiếc giường đơn, một cái bàn đọc sách và tủ quần áo là đã không còn chỗ nữa. Cửa sổ rất nhỏ, được xây phía trên bàn đọc sách, lúc này ánh hoàng hôn đang hắt vào.

Trên tường rất sạch sẽ, chỉ có khoảng trống trên bàn đọc sách treo một bức tranh cuộn nhỏ dính đầy bụi, trên tờ giấy trắng đốm vàng viết bốn chữ Khải "Ninh tĩnh trí viễn" (Nếu trầm tĩnh thì sẽ xác định và thực hiện được mục tiêu xa hơn).

Không phải tác phẩm thư pháp mà là hàng mỹ nghệ giả lừa gạt con nít. Trần Nham đã nói với anh, đây là phần thưởng khi cô tham gia thi đọc diễn cảm hồi tiểu học, sau khi cầm về thì treo luôn ở đó. Treo mãi đến khi khoảng tường bên dưới trắng hơn xung quanh, từng thử lấy xuống, phát hiện rất xấu nên treo luôn.

Ánh mắt dời xuống, trên bàn, ngoài chiếc đèn bàn thì không có gì cả. Cơ bản là giống với chỗ cô ở bây giờ, không tìm được mấy món đồ trang trí nhỏ tinh xảo, hay đồ chơi nhỏ màu sắc tươi sáng mà con gái thích.

Dưới mặt bàn kính là một ít thẻ kẹp sách ố vàng, tranh vẽ, còn có mấy bài thơ cô chép khi còn đi học, nét chữ non nớt mà xinh đẹp. Góc phải phía dưới là một tấm ảnh hồi nhỏ của cô.

Tấm ảnh chụp trong công viên, đặt dưới mặt bàn, đã hơi ngả về màu trắng. Cô mặc váy, buộc cột tóc màu đỏ, dựa vào một cái cầu trượt hình con voi khổng lồ bằng đá cẩm thạch, sau lưng là cây cối xanh tươi. Năm đó cô 5 tuổi, vẫn đang vui vẻ không buồn không lo.

Anh nhìn chăm chú cô bé đang mỉm cười vô tư trong tấm ảnh, không nhịn được vươn tay vuốt ve tấm kính, thay cô lau những hạt bụi nhỏ trên nụ cười ấy.

Mẹ Trần ló đầu vào trong nhìn thử, xách bình nước vào thêm nước cho anh. Theo ánh mắt Tôn Bằng, bà nhìn thấy tấm ảnh hồi nhỏ của Trần Nham, mỉm cười.

Tuy căn phòng nhỏ này không có ai ở, nhưng mẹ Trần không hề để đồ lặt vặt trong đây, vẫn duy trì dáng vẻ gọn gàng sạch sẽ ban đầu cho nó. Ở rất nhiều chỗ nhỏ nhặt, bà luôn có sự tôn trọng như hiểu mà không hiểu đối với con gái.

Bà mơ hồ biết, nếu như bà để đồ lặt vặt ở nhà trong căn phòng bỏ trống này, thì Trần Nham ngoài mặt không nói, nhưng trong lòng sẽ khó chịu. Giống như khi cô còn đi học, buổi tối, nếu như ở nhà không chờ cô mà động đũa ăn cơm trước, cô tan học về cũng sẽ không vui.

Sự không vui đó là sự không vui rầu rĩ cô đặt trong lòng, người khác rất khó nhận ra. Nhưng bà không phải là người khác, bà là mẹ cô.

Cho nên nhiều năm sau, bà đã học được cách hòa hợp với tính cách của Trần Nham, tìm kiếm lại kinh nghiệm trong quá khứ.

Nhưng người mẹ này thật ra không hề biết nguyên nhân tâm trạng con gái luôn sa sút, bà đổ hết tất cả cho tính cách sầu não uất ức của Trần Nham, đổ cho những chuyện vụn vặt trong nhà quấy rầy con mình.

Bà có thể không bao giờ hiểu được, sự khó chịu khiến người ta khó đoán trước của con mình là vì văn hóa già cỗi của gia đình này kềm chế, từ lâu đã không thể nuôi dưỡng tâm hồn càng ngày càng mềm yếu mà nhạy cảm của một thiếu nữ đang trong độ tuổi trưởng thành.

Thêm nước vào cốc cho Tôn Bằng xong, mẹ Trần để bình nước xuống, "Ảnh chụp hồi nhỏ của nó không nhiều lắm, cháu ngồi đi, bác đi lục album..."

Khóa cửa vang động một hồi.

Trên sàn nhà có vết nước ẩm ướt, mặt bàn, nóc tủ lạnh cũng không còn đồ lặt vặt... Trần Nham vừa vào nhà là phát hiện trong nhà đã quét dọn qua.

Cô gọi một tiếng "Mẹ ơi", đầu bên kia, mẹ Trần đang khom người ngồi xổm lục tung dưới tủ tivi, đáp lại cô một tiếng.

"Mẹ tìm gì thế?" Trần Nham để túi xách xuống.

"Mẹ tìm cái album lớn kia..." Mẹ Trần lẩm bẩm trong miệng, "Để đâu rồi nhỉ, nhớ là ở trong đây mà..."

Trần Nham đi sang, "Mẹ đừng tìm nữa, lục khắp nơi toàn là bụi thôi, con nhớ mấy năm trước đã vứt rồi, không tìm được đâu."

Mẹ Trần phủi phủi bụi trên người đứng thẳng lưng, "Vậy sao?"

"Vâng, không phải năm kia đã không tìm được rồi ư?"

Mẹ Trần có chút ấn tượng, "Bây giờ trí nhớ mẹ đúng là kém rồi. Mấy tấm ảnh hồi nhỏ của con ở hết trong đó, sao lại vứt đi..."

"Không sao cả," Trần Nham thản nhiên hỏi, cởi áo khoác, "Tìm ảnh làm gì, mẹ..."

Còn chưa nói xong, Tôn Bằng đi ra từ trong căn phòng nhỏ.

Trần Nham rõ ràng không biết anh ở đây, hơi ngẩn người.

"Tan làm rồi à?" Tôn Bằng hỏi.

"Ừm."

Mẹ Trần nói, "Hôm nay con bận nên mẹ gọi Tiểu Tôn tới giúp chuyển giường của bà ngoại con," Lại nói với Tôn Bằng, "Không tìm được album nữa, Trần Nham con đi kêu bà ngoại ra ăn cơm, thức ăn xong hết rồi."

Trên bàn cơm, bầu không khí không có bất kì khác thường gì. Ăn cơm xong, mẹ Trần tiễn hai người họ ra cửa, căn dặn họ đi đường cẩn thận. Trần Nham ngồi lên ghế sau xe motor, tạm biệt bà.

Trên đường, hai người không nói câu nào, đến dưới lầu, Trần Nham xuống xe, Tôn Bằng khóa kĩ xe lại, đi theo sau cô lên lầu.

Ở phía sau cô, anh đổi giày vào nhà, cài cửa lại, ngồi xuống trong phòng khách, nhìn cô bận rộn.

Cô làm như anh không tồn tại, vẫn để túi xách xuống, đi vào bếp đun nước, rồi lại đi vào phòng. Cởi áo khoác, tìm một bộ đồ ngủ sạch, cô đi vào nhà tắm.

Tôn Bằng vừa vào là cởi áo khoác, ngồi hút thuốc. Anh lạnh nhạt nhìn cô ra ra vào vào, nhìn cửa nhà tắm ngăn cách họ trong căn nhà này. Mấy giây sau, tiếng nước chảy bên trong truyền ra.

Nước nóng từ trên cao phun xuống từ từ xây nên khói trắng xung quanh, cô cởi từng món trên người xuống. Hơi nước mịn chầm chậm phủ lên tấm gương trên bồn rửa mặt, từ từ chiếm đoạt đường nét mơ hồ của cô trong tấm gương.

Cởi đồ lót xong, cô khỏa thân đứng tại chỗ.

Trong gương, một mảng trắng xóa.

Cô tắm rất lâu.

Cô kéo cửa đi ra, mái tóc ướt sũng, Tôn Bằng đã đứng ở bên cửa. Cô coi như không nhìn thấy đi tới, anh nghiêng người chặn cô lại, chỉ chừa lại khe sáng xung quanh khung cửa.

Ở trước ngực anh, cô ngước mắt nhìn, ánh mắt giao nhau, anh nhẹ nhàng nắm cổ tay cô.

Ngón tay chầm chậm vuốt ve làn da ẩm ướt của cô, cô không nhúc nhích.

Anh ôm lấy cô.

Lồng ngực vững vàng, mùi hương quen thuộc, cô giãy một cái, bị hai cánh tay anh khóa chặt hơn. Vải vóc nơi cánh tay và ngực anh bị mái tóc ướt trên vai cô thấm ướt tạo thành mấy vệt lốm đốm.

Cô cứng người, anh vùi đầu vào mái tóc ươn ướt của cô, mạch máu màu xanh mơ hồ nổi lên bên huyệt thái dương.

Sương mù dày đặc trong nhà tắm bay ra.

Mỗi một giây trong đêm nay đều đang lặng lẽ trôi đi, anh cũng không còn cách nào làm cho mình tách khỏi cô được nữa. Trần Nham chống cằm lên vai anh, khẽ nhắm mắt lại.

Cái gì cũng không nhìn thấy, cái gì cũng không nghe thấy, chỉ còn lại nhịp tim kề sát vào nhau.

Tiếp theo, cô cảm giác được bờ môi anh ngậm vành tai mình, rồi sau đó đến liên tiếp theo mái tóc, gò má, tìm được đôi môi cô, chuyển qua lưỡi.

Anh vuốt ve thân thể dần mềm mại của cô, cô nhạy cảm thở dốc, từ từ vô lực, theo bản năng đặt tay lên hông anh. Anh ôm hôn cô lùi về sau hai bước, bàn tay kê sau đầu cô, nhẹ nhàng đè cô vào tường.

Kề trán khẽ tách ra khỏi môi lưỡi cô, anh một tay chống tường, ánh mắt do dự nhìn khuôn mặt, bờ vai trần của cô.

Vài sợi tóc ướt xõa lung tung trước mặt, cô cũng nhìn anh, một ngọn lửa tình dục mơ màng che phủ đôi mắt lành lạnh. Giữa hiện thực và anh, giữa sự dè đặt và tình dục, cô giãy giụa lần cuối cùng.

Dựa vào bức tường này, trong sự vuốt ve mơn trớn triền miên, anh đánh thức cô, khám phá cô. Ngực họ kề sát nhau, hơi thở đan xen, trái tim đang đập như một ngọn đuốc, bất chấp mà thiêu đốt tất cả, làm tan rã khát khao và giày vò đối với nhau.

Giữa sáng tối nhanh chậm, cô khẽ rên rỉ, thở ra thoải mái, trinh tiết và xấu hổ sâu trong nội tâm cũng giống như bức tường kiên cố mà lạnh lẽo sau lưng, trở thành vật dẫn của tình dục. Mọi vẻ đẹp hư ảo trong giác quan đều càng thêm chân thật vì sự mâu thuẫn nguyên thủy này.

Trên bức tường này, anh tiến vào chiếm giữ thân thể cô, cô lạc mất chính mình.

Chương 50: Tảo mộ

Đêm hôm đó, Khổng Trân tự sát.

Rạng sáng, Cường Tử say mèm lẻ loi về đến nhà, cô ngã dưới sàn toilet, bên miệng đầy bọt mép và chất bẩn, cô đã mất ý thức.

Trước khi tự sát, Khổng Trân gọi một cú điện thoại về cho gia đình.

Giống như trước đây, cô hỏi tình hình mỗi người trong nhà trước, nói mãi nói mãi, cô đột nhiên hỏi mẹ mình, tại sao thiên vị như vậy, còn nhỏ như thế mà không cho cô đi học, bắt cô ra ngoài làm việc, nhưng sau đó lại cho em trai, em gái đến trường.

Lần đầu tiên mẹ Khổng chất phác hiền lành bị cô chất vấn như vậy, "Không phải lúc đó đã hỏi con sao, con tự nói không đi học tiếp nữa, đòi ra ngoài kiếm tiền mà. Đâu phải con không biết tình hình trong nhà, nếu có tiền thì mẹ sẽ bắt con nghỉ học sao? Bây giờ không phải con cũng sống tốt, mỗi tháng tiền lương mấy ngàn ư, đâu có kém ai đâu?"

Khổng Trân khóc đáp trả bằng giọng quê nhà, "Con nói không đi học tiếp nữa thì không đi học tiếp sao? Không phải mấy người khóc la là không có tiền, con khăng khăng bắt mình ra ngoài chịu khổ để làm gì? Mấy người thiên vị..."

Hai người lại tranh luận qua lại mấy câu, mẹ Khổng dịu giọng, "Cô à, cô đừng có khóc nữa, biết cô ở bên ngoài chịu nhiều tủi thân rồi, không được thì về đi, nhé? Trong nhà không thiếu được một miếng ăn của cô đâu..."

Khổng Trân không nói gì nữa, khẽ sụt sùi bảo bà đưa máy cho em trai.

Em trai Khổng Tuấn của cô 14 tuổi, vẫn đang học lớp 7.

"Chị ơi."

Nghe thấy giọng nói của thằng bé, Khổng Trân thôi nức nở, "Làm bài tập xong chưa?"

Thằng bé đang xem tivi trong phòng, không có kiên nhẫn gì nhanh chóng trả lời, "Làm rồi ạ."

"Tuấn Tuấn, em phải giống như chị hai của em, đậu trường đại học tốt, vượt trội hơn người, có nghe hay không?"

Lời lẽ nhàm tai, thằng bé nói, "Nghe rồi ạ..."

Điện thoại im lìm trong chốc lát, "Chị, chị còn chuyện gì nữa không, không thì em kêu mẹ tới nghe nhé..."

Giọng mẹ cô lại truyền đến từ trong ống nghe, "Trân Trân à, con đi làm không vui thì về nhà là được rồi, trong trấn vừa mở hai cái siêu thị lớn, khoảng thời gian trước tuyển nhiều người lắm, không được thì về đi, có nghe hay không..."

Ống nói vẫn đang vang, cô lau nước mắt trên mặt, nhấn tắt cuộc gọi, cầm cái chai màu nâu bên tay.

Khi thấy Cường Tử xông vào quán Tôn Bằng, cô không vào theo. Cứ như vậy một mình mất hồn mất vía đi mấy con đường. Đi mãi đi mãi, trong lòng nảy ra một ý nghĩ lạnh lẽo: Nếu như lúc này trên đường vừa vặn có tên cướp xông tới, đâm cô một nhát thì tốt biết bao.

Trong lúc lang thang không mục đích, cô đi vào một con hẻm nhỏ, đi ngang qua một cửa hàng nông sản nhỏ bán hạt giống. Cô đi qua, rồi quay đầu lại, trước cánh cửa tiệm nhỏ âm u ấy, đột nhiên, cô như thấy được con đường ông trời vạch ra.

Cô đi vào mua một chai thuốc trừ sâu 200ml, sau khi về nhà trốn vào toilet.

Tấm bảng chuyển nhượng bên ngoài quán Tôn Bằng là một bàn tay cái chết đè xuống cô.

Cô có thể thấp hèn ti tiện trước bất kì ai, cũng có thể mặc kệ sự khinh thường của bất kì người nào, nhưng chỗ Tôn Bằng, cô muốn gìn giữ sự cao ngạo sau cùng.

Món nợ hai trăm sáu mươi ngàn tệ là phán quyết của tòa dành cho hai người, nếu như cô không còn, thì Cường Tử chỉ nợ một trăm ba mươi ngàn tệ. Trừ đi sáu mươi ngàn hiện đã có, cô nghĩ, họ chỉ cần xoay thêm bảy mươi ngàn nữa là toàn bộ sự việc sẽ qua đi.

Hết thảy mọi việc vì cô mà thành, vậy thì để mọi thứ lại do cô mang đi đi.

Sau khi cấp cứu cả đêm, Khổng Trân thoát khỏi nguy hiểm. Sau khi cô tỉnh lại, Cường Tử mới thông báo cho Tôn Bằng. Khi Tôn Bằng nhận được điện thoại, anh đang ăn sáng với Trần Nham. Không chậm trễ một phút, họ chạy ngay đến bệnh viện.

Trần Nham không lên, chờ anh ở bên ngoài.

Trần Nham nghĩ, Khổng Trân lúc này hẳn không muốn nhìn thấy cô. Mà ở đáy lòng Trần Nham, cô càng có một loại tình cảm phức tạp đối với cô bé này.

Một chút đáng thương, một chút khó ưa, khiến người ta hắt hủi, lại khiến người ta lấy làm tiếc.

Trong phòng chăm sóc vô cùng yên lặng, Khổng Trân đang nằm thẳng, chỉ có khuôn mặt và cánh tay truyền dịch lộ bên ngoài chăn.

Sắc mặt cô ấy nhợt nhạt, đeo máy thở, cơ thể nối liền với máy theo dõi, đôi mắt hé mở nhìn không trung hư vô. Cường Tử cả đêm không ngủ ngồi bên giường cô ấy, mất hồn nhìn cô, cả người như bị rút hết hồn phách.

Cửa phòng bệnh bị đẩy ra, Cường Tử nhìn Tôn Bằng đi vào, rồi lại đặt tầm mắt vào Khổng Trân.

Tôn Bằng đi đến bên giường ngồi xuống. Ánh mắt cô ấy di chuyển, tựa như đang nhìn anh. Khi đối mặt, Tôn Bằng vươn tay, khẽ phủ lên bàn tay đang truyền dịch của cô ấy, buông ra.

Anh vỗ vỗ vai Cường Tử, kêu anh ta ra ngoài nói chuyện.

Ngoài phòng bệnh, Tôn Bằng hỏi Cường Tử tình hình của Khổng Trân. Anh hỏi cái gì, Cường Tử liền trả lời cái đó, sự mệt mỏi và nản lòng sâu sắc khiến anh ta mất hết cảm xúc với mọi thứ. Nói đơn giản tình hình, hai người đàn ông yên lặng trên hành lang bệnh viện một hồi, rồi lại vào phòng bệnh.

Trước khi đi, Tôn Bằng nói với Cường Tử, "Anh đi trước, buổi trưa mang cơm đến cho cậu."

"Ở đây có cung cấp cơm hộp, buổi sáng đã đặt bữa rồi."

"Vậy buổi chiều anh lại đến."

Cường Tử gật đầu.

Ra khỏi tòa nhà, Tôn Bằng đi đến chỗ chia tay Trần Nham, nhìn xung quanh, tìm được cô trên chiếc ghế dài dưới tán cây bên luống hoa nhỏ.

Cô ngồi ở đó yên lặng chờ đợi, tay cầm điện thoại di động, nhìn người đi bộ tụm năm tụm ba.

Ánh nắng sáng sớm ôn hòa ấm áp, anh không đi sang ngay, đôi mắt hơi đau, giơ tay lên dụi một cái. Một người đàn ông cao lớn cường tráng đứng trước cổng bệnh viện chen chúc nhốn nháo, đột nhiên không có dũng khí đi về phía cô.

Anh có chút hoang mang.

—— Anh không biết, cô còn có thể ngồi ở đó chờ mình bao lâu. Anh càng không biết, bờ vai anh còn có thể cho cô dựa vào hay không.

Khổng Trân ở bệnh viện một tuần.

Sáng hôm xuất viện, trời mưa lất phất, Tôn Bằng không đến vào sáng sớm như thường ngày, một mình Cường Tử làm thủ tục giúp cô ấy. Anh cùng đi đến nhà tang lễ với Trần Nham và mẹ Trần.

Một tháng trước, anh đã hứa với Trần Nham sẽ đi tảo mộ cho bố cô với cô.

Không phải là ngày lễ đặc biệt gì, nên ít người đến tảo mộ. Trong cơn mưa nhỏ, ngoài cổng có lác đác mấy người bán hàng rong, che ô gánh rổ, chào hàng hoa cúc, hoa cẩm chướng bọc bằng giấy nhựa cho người đi vào, một đồng một đóa.

Họ đi một mạch vào trong, mẹ Trần xách hai túi giấy tiền vàng bạc lớn mà hai ngày trước đã sắp sẵn ở nhà, Trần Nham che ô cho bà.

Trên đồi nghĩa trang, từng bia mộ hình vuông sắp xếp ngay ngắn chỉnh tề, bên từng tấm bia trồng một cây thông nhỏ thâm thấp. Dưới bầu trời âm u, phóng tầm mắt nhìn ra xa, cả ngọn đồi nghĩa trang xanh ngát mà trang nghiêm.

Ở nơi này, cái chết là một loại nghi lễ.

Họ đi lên theo bậc thềm đá ở giữa, mẹ Trần dừng lại bên một cây đại thụ ở lưng chừng đồi theo trí nhớ, quẹo vào. Họ nhanh chóng tìm được bố Trần trong những bia mộ dày đặc.

Không gian còn lại giữa hàng bia mộ trên dưới rất nhỏ, sau khi Trần Nham và mẹ Trần ngồi xổm xuống trước mộ, Tôn Bằng chỉ còn đủ chỗ đứng. Trần Nham nhổ cỏ dại, đặt một bó hoa cúc vàng trắng đan xen lên trước mộ.

Mẹ Trần đổ hết giấy tiền vàng bạc ra, lấy bật lửa.

Trong mưa, đống giấy vàng nhẹ bẫng ấy vừa ra khỏi túi nilon là bị gió thổi bay lung tung, mẹ Trần thử mấy lần cũng không tài nào đốt được. Tôn Bằng nhìn, "Bác chờ một chút, để cháu xuống dưới tìm một cái chậu sắt."

Trần Nham nhìn bóng lưng đi xuống của anh, cầm ô lần nữa, che những hạt mưa nhỏ cho mẹ Trần. Vài hạt mưa bay rơi xuống giấy tiền, cô đẩy cái túi xuống dưới ô.

Trong khi chờ đợi, ngơ ngẩn nhìn tấm ảnh thân quen mà xa lạ trên bia mộ, mạch suy nghĩ của cô trống rỗng.

"Nước mắt trong nỗi nhớ đang bay lên, ưu sầu phiền não đang cất cánh bay, quan tâm thăm hỏi đang tung bay, lời chúc phúc muốn bay cao, vui vẻ may mắn bay khắp mọi nơi, cuộc sống tuyệt vời đang bay cao, tương lai tốt đẹp muốn cất cánh bay..."

Trên bậc thang bên cạnh đột nhiên có hai người đàn ông cao lớn quần áo xốc xếch đi xuống, bọn họ vừa gõ thước bản vừa lẩm bẩm đi sang bên này. Xung quanh không có người khác, Trần Nham và mẹ Trần cảnh giác đứng lên.

Hai tên nhìn khoảng ba mươi mấy tuổi, cả người bẩn thỉu, một tên trong đó đội cái nón lính màu xanh bẩn, tên kia xách vật cống thu nhặt được ở mỗi ngôi mộ. Bọn chúng đi tới bên cạnh họ, miệng nói lời may mắn, tốc độ nói rất nhanh.

Hai, ba phút sau, đọc thơ xong, hai tên kéo dài giọng nói với mẹ Trần, "Bác gái này cho ít điềm may đi, nói bao nhiêu lời chúc phúc như vậy mà, gia đình bác nhất định sẽ vạn sự như ý, bình an cát tường..."

Trần Nham kéo mẹ Trần ra sau một chút, nhìn đầy khinh thường.

Tên kia thôi cười, thấy vậy càng to gan, đưa tay sáp tới gần một bước, "Dù thế nào thì cũng phải cho một chút, lời cát tường nói không không tốt đâu..."

"Làm gì đó?" Một giọng nói lạnh lùng vang lên sau lưng.

Hai tên quay đầu lại, nhìn thấy Tôn Bằng cao lớn, nháy mắt mỉm cười, "Không có gì, không có gì..." Hai tên chen chen nhích nhích đi ra ngoài, đi tiếp xuống dưới đồi tìm nhà tiếp theo để lừa gạt.

"Không có gì chứ?" Tôn Bằng hỏi Trần Nham.

Trần Nham lắc đầu.

Anh để cái chậu nhỏ xuống đất. Mẹ Trần nắm một túi tiền giấy lớn bỏ vào, cầm bật lửa châm. Châm hai lần, ngọn lửa đều bị gió thổi tắt.

"Để cháu làm cho ạ..." Tránh gió, anh nhận lấy bật lửa, cho đến khi hai, ba cái nguyên bảo trong tay hoàn toàn cháy rực, anh mới buông tay ném vào chậu.

Mưa rơi rả rích, mấy cái nguyên bảo đang cháy đột nhiên bay theo gió ra ngoài. Trần Nham vội vàng dùng ô che hết gió lại, mẹ Trần thì luôn tay bỏ giấy tiền vào chậu để lửa cháy mạnh.

"Trần Lượng à, lâu lắm không đến thăm ông rồi, lần này ông mang nhiều tiền hơn chút mà tiêu, nhớ phải phù hộ thêm cho mẹ con tôi, chúng tôi nhớ ông lắm đấy... Phù hộ cho con gái ông bình an vô sự, cuộc sống hạnh phúc, phù hộ cho bà thân thể mạnh khỏe..."

Ngọn lửa cháy hừng hực trong không khí ẩm ướt, khói màu xám tro không ngừng bốc lên trước mặt. Trần Nham có thể cảm nhận được nhiệt độ của ngọn lửa ấy lướt nhẹ bên cánh tay.

Nghe mẹ Trần nói những lời không có thứ tự này, cô giúp bà cùng đốt tiền giấy, chỉ chốc lát sau, một túi tiền giấy lớn đã hóa hết thành tro bụi. Gió vừa thổi ngược, viền tro lộ ra ánh sáng màu cam chưa cháy hết, lúc cháy lúc tắt.

"Bác có hút thuốc không?" Tôn Bằng đột nhiên hỏi.

Trần Nham nhìn anh, "Có."

Tôn Bằng lấy thuốc lá trên người ra, tay không châm một điếu, ngồi xổm xuống cắm lên mộ.

Đầu thuốc cháy giữa trời, một luồng khói mỏng lác đác bay lên trong cơn mưa nhỏ.

Ba người yên lặng nhìn bia mộ một hồi, mẹ Trần cố hết sức đứng lên, Trần Nham đỡ bà.

Mẹ Trần nói, "Cúi đầu ba cái đi, còn một túi đi sang kia đốt cho ông ngoại con."

Mỗi người cúi đầu, họ cùng đi xuống chân núi, ở một chỗ khác tìm được mộ của ông ngoại Trần Nham, đốt giấy.

Tảo mộ xong, mẹ Trần vội về đi làm vì bà chỉ xin nghỉ ba tiếng. Trần Nham và Tôn Bằng tiễn bà lên xe taxi. Nhà tang lễ xa xôi, xe taxi rất ít.

Sau khi mẹ Trần đi, Tôn Bằng che ô, cùng cô đi dọc theo con đường để đón xe.

Sau khi đi một đoạn, ở bên cạnh họ có một chiếc xe trống giảm tốc độ đi tới, họ thì làm như không thấy.

"Cô ấy thế nào rồi?"

"Hôm nay xuất viện."

"Sau này... có ảnh hưởng gì đến cơ thể không?"

Anh lắc đầu, "Bác sĩ không nói gì cả."

"Anh..."

Chờ hai giây, cô không nói tiếp, anh thản nhiên hỏi, "Muốn nói gì thế?"

"Không có..."

Trần Nham đã quên ban nãy mình muốn nói gì. Có lẽ đó chỉ là đôi câu vài lời vô nghĩa, cũng có lẽ là một thắc mắc nặng nề sâu xa. Nhưng bất kể là cái nào, thì cô cũng không muốn nói tiếp.

Trong lúc bất chợt, không muốn dùng ngôn ngữ, cũng không muốn dùng động tác, chỉ muốn quý trọng sự tĩnh lặng không có bất kì ý nghĩa gì dưới tán ô này đây.

Thế nhưng, mưa rơi lớn dần.

Giọt mưa nện bộp bộp trên mặt ô, nước chảy loạn xạ làm ướt mặt giày. Không có xe trống đi qua, Tôn Bằng nghiêng ô sang phía cô một chút, dẫn cô đi về phía trạm xe buýt đối diện tránh mưa.

Khi băng qua đường, xe cộ bấm còi sáng đèn sương mù lao nhanh qua bên người họ, anh ôm vai cô, cô quay mặt sang nhìn anh.

Lúc này mới phát hiện, nửa người anh gần như ở bên ngoài ô, nửa bờ vai trái đã ướt đẫm. Nhìn gò má ẩm ướt mà kiên nghị của anh, trong phút chốc, trái tim cứng đờ của cô chợt mềm mại lại.

Anh nhìn đường, ôm chặt cô hơn một chút, bước nhanh hơn trong khoảng thời gian xe cộ dừng lại, dắt cô chạy nhanh về phía trạm xe. Nước mưa bị gió tạt vào dưới ô, thấm ướt mặt cô.

Nếu như ánh mặt trời là một loại hi vọng xa vời, vậy có thể để cho cơn mưa này cứ rơi mãi không?

—— Chỉ có trong cơnmưa tầm tã này, cô mới có thể vờ như không nhìn thấy tất cả. Không nhìn thấy sựdo dự và dao động, không nhìn thấy sự thất vọng và nản lòng. Không nhìn thấysóng gió kinh hoàng đang càng ngày càng gần họ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #romance