NÚI TÀ CÚ + TỪ DỤ + 4 ĐẠI MỸ NHÂN VIỆT NAM
NÚI TÀ CÚ
Nằm ven quốc lộ 1A thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam - tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 28km về phía Nam, Tà Cú là ngọn núi dài nhất châu Á có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển. Nơi đây phong cảnh hữu tình với bờ biển trải dài, đá núi đủ hình dạng được bao phủ bởi các loại cây rừng lưu niên đã tạo cho Tà Cú một vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ .
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHÙA NÚI TÀ CÚ
Nguyên vào hậu bán thế kỷ XIX, có một thanh niên thuộc gia đình vọng tộc ở Phú Yên, sau khi cha mẹ mất đã dong thuyền vào Nam tầm sư học đạo. Nơi anh đến đầu tiên là chùa Bửu Lâm thuộc phái Thiền Lâm Tế (Phan Thiết), được ngài Trí Chất nhận cho thọ giới và ban pháp danh Thông Ân. Sau khi vị bổn sư viên tịch, thầy Thông Ân đã đến xứ Bàu Trâm dựng am vừa tu học vừa bốc thuốc phục vụ người dân trong vùng. Cảm mến ân đức của thầy, người dân đã giúp thầy dựng chùa Kim Quang. Tại đây thầy đã mời Tổ Bảo Tạng về lập giới đàn truyền Cụ tức giới, đặt pháp hiệu Hữu Đức.
Năm 1872, sau khi được thọ giới, nhà sư Hữu Đức đã dốc tâm tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc để trì chú tu hành, và đã chọn ẩn tu trong một hang đá trên ngọn núi Tà Cú. Tương truyền tại đây nhà sư đã cảm hóa được một bạch hổ ở trong rừng. Hang đá này ngày nay được gọi là hang Tổ.
Vào năm Tự Đức 33 (1880), khi hoàng thái hậu Từ Dũ bị bệnh nặng, các thái y trong triều đã hầu như bất lực. Có người biết tiếng nhà sư Hữu Đức là một thầy thuốc giỏi đã tâu trình xin rước thầy về triều giúp trị bệnh. Do quyết tâm ẩn tu và không có ý định hạ sơn, sư thầy chỉ kê toa gởi sứ mang về trị bệnh cho hoàng thái hậu. Nhờ vào thuốc mà nhà sư Hữu Đức kê toa, bệnh của hoàng thái hậu đã được chữa khỏi. Để tạ ơn, vua Tự Đức đã ân tứ sắc phong "Linh Sơn Trường Thọ".
TỪ DỤ
Trong lịch sử các triều vua thời Nguyễn, Hoàng Thái hậu Từ Dũ là vị Hoàng Thái hậu duy nhất chứng kiến sự hưng thịnh và suy tàn của triều Nguyễn qua 8 đời vua. Bà là Hoàng Thái hậu được nhân dân yêu mến nhất bởi sự khiêm tốn, giản dị và lòng yêu dân vô hạn của một bậc mẫu nghi thiên hạ.
Khi bà mất, nhân dân kinh thành Huế đã làm một bài thơ dài 700 câu, ca ngợi tấm lòng nhân đức của bà. Bài thơ đó vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Hoàng quý phi được vua Thiệu Trị sủng ái nhất.
Bà Phạm Thị Hằng vào cung năm 14 tuổi và trở thành vợ của hoàng tử Miên Tông. Năm 1841, khi hoàng tử Miên Tông lên ngôi, lấy hiệu là Thiệu Trị, bà Phạm Thị Hằng trở thành cung tần và đặc biệt được vua Thiệu Trị yêu mến. Vua Thiệu Trị giao cho bà làm Thượng Nghi, coi sóc Lục Thượng, tức là 6 công việc hầu hạ vua trong cung: Thượng quan (mão), Thượng y (áo), Thượng thự (ăn), Thượng mộc (tắm), Thượng tịch (chiếu), Thượng thư (sách). Đây là một vinh dự lớn với một cung tần, vì phải được vua sủng ái và tin cậy lắm mới được giao công việc quan trọng này.
Vua Thiệu trị trị vì từ năm 1841 đến 1847 thì băng hà. Trong 7 năm đó, vua Thiệu Trị đã dần phong cho bà Phạm Thị Hằng là Thần phi, Giai phi rồi Đệ nhất Giai phi, tức phi tần có vị trí quan trọng nhất trong hậu cung (triều Nguyễn có tục không lập hoàng hậu).
Đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng thừa hưởng một nền giáo dục hoàn hảo của cha mẹ là quan Đại thần Phạm Đăng Hưng và phu nhân Phạm Thị Vị, nên khi vào cung, những phẩm chất của bà ngày càng được tỏa sáng. Giữa các cung tần, mỹ nữ trong cung, bà là người dịu dàng, đức hạnh, thông minh và hiểu biết hơn cả.
Không chỉ gần gũi với bà Phạm Thị Hằng nhất, vua Thiệu Trị còn đặc biệt tin tưởng vào sự nhạy bén chính trị của bà. Bà là người vợ duy nhất được Thiệu Trị tin tưởng cùng bàn bạc chuyện chính trị, chuyện quan quân. Khi thiết triều ở điện Khâm Văn, nghe các quan văn võ trong triều bàn chuyện chính sự, vua Thiệu Trị thường cho bà Phạm Thị Hằng ngồi sau rèm che để nghe các quan tâu việc và nghe vua phán.
Sau mỗi buổi thiết triều, bao giờ vua cũng có ý hỏi bà Phạm Thị Hằng về từng việc mà vua đã giải quyết trong ngày. Có những việc ý vua Thiệu Trị muốn một đằng, nhưng sau khi nghe lời khuyên của bà Phạm Thị Hằng, vua thấy phải lập tức thay đổi quyết định. Những năm cuối đời, khi vua Thiệu Trị đau yếu, mọi việc trong triều đều do chính bà Phạm Thị Hằng một tay đảm trách.
Ủy thác việc cai trị cả một đất nước cho một người phụ nữ, đó không phải là chuyện thường gặp trong các triều đại phong kiến, nhưng quãng thời gian ngắn trước khi băng hà, vua Thiệu Trị đã rất an tâm khi có bà Phạm Thị Hằng thay vua lo việc nước.
Vua Thiệu Trị có 31 người vợ và 64 người con (trong đó 29 hoàng nữ, 35 hoàng tử). Đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng sinh cho vua 3 người con (người con út là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm – tức vua Tự Đức sau này). Đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng luôn là người được vua yêu thương, sủng ái nhất trong tất cả các bà vợ chốn hậu cung.
Hậu cung của vua Thiệu trị có 31 người vợ và còn nhiều cung tần mỹ nữ khác. Có những người cả năm không có được vinh hạnh hầu hạ vua, cũng chẳng được vua hạ giá tới thăm, nhưng riêng đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng thì được vua Thiệu Trị đối xử theo một cung cách hoàn toàn khác. Trừ những lúc quá bận còn thì hầu như ngày nào, vua Thiệu Trị cũng cho gọi đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng lên trò chuyện.
Có hôm tâm trạng vui vẻ, thoải mái, vua Thiệu Trị còn đích thân đến cung của đệ nhất Giai phi Phạm Thị Hằng, cùng làm thơ, đàm đạo chuyện thơ văn và bàn về những điều Cổ nhân từng dạy.
Sở dĩ vua Thiệu Trị sủng ái bà Phạm Thị Hằng như thế là bởi dù với vua hay với các cung tần, mĩ nữ trong cung và cả kẻ hầu người hạ ở dưới, bà Phạm Thị Hằng đều cư xử không chê vào đâu được, khiến tất cả mọi người đều yêu mến. Có những đêm vua Thiệu Trị rảnh việc, ngồi đọc sách đến nửa đêm chưa ngủ, bà Phạm Thị Hằng vẫn thức hầu Thượng thư, không hề tỏ ra mệt mỏi.
Mỗi lần được vua ân huệ ban thưởng, bà đều chia đều cho các cung phi trong cung, chứ không giữ làm của riêng. Cung phi nào phạm lỗi bị vua phạt, bà hết lời bào chữa thay họ. Bà thông minh nên dù đọc sách hay đọc văn thơ đều chỉ cần đọc một lần là nhớ, không phải mở sách ra thêm lần nữa. Có lần vua Thiệu Trị đem sử sách ra đọc, bà ngồi hầu Thượng thư và góp ý với vua
Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (1810) tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc tỉnh Gò Công, nay thuộc Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị.
Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, làu thông kinh sử, hiền thục, nết na và rất xinh đẹp. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng thái hậu Trần Thị Đang, vợ kế vua Gia Long tuyển triệu vào cung để chầu hầu Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) – con vua Minh Mạng và là cháu trai của Cao Hoàng Thái Hậu.
Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa. Cách năm sau, bà sinh Bảo Minh công chúa. Vào ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1892), bà sinh người con thứ ba, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức).
Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, tức vua Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, được giữ chức Thượng Nghi để coi sóc Lục Thượng. Hai năm sau, bà được phong Thần Phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Giai Phi, rồi Nhất Phi. Tuy quyền cao chức lớn, song tính tình bà đoan chính, thanh tao, giản dị, nhân từ khiến mọi người trong cung ai cũng quý mến và kính trọng.
Hằng đêm, vua Thiệu Trị thức khuya đọc sách, bà vẫn thức hầu mà không biết mệt mỏi và cùng vua trao đổi, bàn luận mọi việc. Bà thường hay góp ý với vua: "Làm người ắt phải học, nhiên hậu biết được điều thiện, điều ác. Điều thiện nên phát huy, điều ác nên tránh xa để không sa vào chỗ tà. Sách xưa có câu: Nhân bất học bất tri đạo (người chẳng học chẳng biết đạo lý)". Bà thường khuyên bảo các cung tần nên tận tụy trong công việc. Bà là người thưởng phạt công minh. Ai phạm lỗi bà đều tìm cách dạy dỗ, bảo ban hơn là sử dụng hình phạt.
Nhưng cuộc đời làm vợ của bà rất ngắn ngủi. Năm 1847, vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng qua đời sau 8 năm nối ngôi cha trị vì đất nước. Vua mất, bà hết sức buồn rầu, mỗi ngày thường ra Hoàng Lăng quỳ than khóc. Mỗi năm đến ngày giỗ vua Thiệu Trị, bà đều mặc lễ phục đứng hầu trước điện thờ, trọn đạo làm vợ, thủy chung trọn đời.
Vua Thiệu Trị qua đời, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, tức vua Tự Đức. Chồng mất, bà dốc sức dạy dỗ, bảo ban con. Bà thường nhắc đến công đức và những lời nói cũng như việc làm của các bậc tiền nhân để răn dạy con. Hằng đêm bà thường đọc sách giảng giải cho vua Tự Đức nghe. Bà dạy vua cách trị vì, điều hành đất nước sao cho hợp lòng dân. Mỗi khi vua Tự Đức có lỗi, bà thường dùng roi và lời lẽ nghiêm trị để giáo huấn nghiêm khắc. Nhờ đó mà Tự Đức trở thành một ông vua thông minh, chí hiếu, hiền hòa, ưa thích ngâm thơ, vịnh phú, có tài xuất khẩu thành thơ, văn chương lưu loát.
Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm trong chi tiêu. Bà thẳng thắn phê phán thói cậy quyền, cậy chức, tham ô, xa hoa, lãng phí. Bà thường khuyên triều thần: "Một sợi tơ, một hạt gạo cũng là máu mỡ, là mồ hôi nước mắt của dân, nên lãng phí đã không ích gì mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước". Bà rất nghiêm khắc với thân nhân, phê phán gắt gao kẻ dựa thế cậy quyền dòng họ nhà bà để cầu vinh, cầu chức. Mặt khác, bà rất trọng dụng hiền tài như Võ Trọng Bình một lòng thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn, hay Nguyễn Tri Phương giỏi giang, mẫn cán trong mọi việc. Bà thường khuyên rằng: "Nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm...".
Từ ngày lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định từ chối hoặc trì hoãn vì sợ tốn kém. Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (tức 7/5/1849), nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo và tôn hiệu là Hoàng thái hậu.
Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (tức 19 tháng 7 năm 1883), vua Tự Đức băng hà, để di chiếu tôn bà là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Nhưng vì việc nước rối ren, mãi đến năm 1885, Hàm Nghi nguyên niên, nhà vua mới có thể làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.
Năm 1887, Đồng Khánh thứ 2, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bát huệ Thái hoàng Thái hậu.
Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng thọ 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bát huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu.
Bà mất ngày mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần (tức 12 tháng 5 năm 1902) thọ 92 tuổi, được dâng tên thụy là Nghi thiên tán thành, Từ Dụ Bát huệ trai túc tuệ đạt thọ đức nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dụ Nghi thiên Chương hoàng hậu. Ngày 20 tháng 5 cùng năm, triều đình cử hành đại lễ an táng bà phía sau bên trái Xương Lăng. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân núi thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài vị của bà được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa thế kỷ XIX. Bà đã nêu cao tấm gương sáng tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam. Tên của bà sống mãi cùng quê hương đất nước và được sử sách ghi danh muôn thuở.
NHỮNG HOÀNG HẬU NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM
*Nam Phương Hoàng hậu
Với nhan sắc mặn mà, một vẻ đẹp đậm chất Á Đông, Nam Phương hoành hậu được liệt vào danh sách "5 vị hoàng hậu đẹp nhất" thời bấy giờ. Trước khi lấy vua Bảo Đại năm 19 tuổi, Hoàng hậu Nam Phương từng ba năm liền đoạt giải hoa hậu Đông Dương. Lúc sinh thời, bà là người phụ nữ nức tiếng xứ An Nam về lòng nhân từ và sắc đẹp.
Năm 12 tuổi bà được gia đình gởi đi Pháp du học tại trường nữ danh tiếng ở Paris thời bấy giờ là Couvent des Oiseaux. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà trở về Việt Nam và gặp được Vua Bảo Đại trong một cuộc yến tiệc tại khách sạn La Palace nổi tiếng của Đà Lạt.
Sau lần tương ngộ đó, Bảo Đại rất yêu thích bà. Với Vua Bảo Đại, Hoàng Hậu Nam Phương là một người phụ nữ đúng chuẩn mực Việt Nam, vừa đẹp dịu dàng lại phúc hậu đoan trang vừa lẫn chút kiêu sa của phương Tây, vừa có nét riêng lại thông minh sắc sảo và quyến rũ khôn cùng. Tước vị Hoàng hậu Nam Phương sau này cũng chính do Bảo Đại đặt cho bà.
Ðám cưới của vị thiếu quân hào hoa với một nữ lưu tràn trề hương sắc miền Nam đã diễn ra tại Huế ngày 20-3-1934. Ngay ngày hôm đó Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương. Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các bà vợ Vua thuộc triều Nguyễn. Vì mười hai đời vua Nguyễn trước kia, các bà vợ Vua chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậụ
Hôn nhân của bà và vua Bảo Đại gặp rất nhiều rào cản, do một phần bà theo đạo Công Giáo, lại mang quốc tịch Pháp nhưng cũng nhờ vào sự cả quyết của Bảo Đại, cuối cùng hôn lễ đã được tổ chức trọng thể vào năm 1934 tại kinh thành Huế. Khi đó Bảo đại 21 tuổi còn bà vừa tròn 20.
Bà và vua Bảo Đại đã có 5 người con, tuy nhiên cuộc sống về sau của bà lại không được hạnh phúc . Sau khi triều Nguyễn suy vong, bà đưa các con qua Pháp sinh sống. Cựu hoàng Bảo Đại cũng rất ít khi về thăm bà vì còn bận với chuyện chính sự và các bóng hồng khác. Nam Phương Hoàng Hậu có 12 năm sống tràn đầy hạnh phúc, 16 năm sống cô đơn trong cuộc đời lưu vong nơi đất Pháp. Buồn nhiều hơn vui. Năm 1963, bà qua đời ở Pháp. Đám tang của Nam Phương Hoàng hậu thưa thớt, không tiếng khóc than, không lời ai điếu.
*Thái hậu Dương Vân Nga
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, các nhân vật nữ không được nhắc đến nhiều như các đàn ông. Đấy không phải là vì phụ nữ nước ta kém tài, mà vì họ luôn bị ràng buộc trong cái lễ giáo trọng nam khinh nữ của các vương triều phong kiến.
Thế nhưng, đến với Lưỡng triều Hoàng hậu Dương Vân Nga thì lại khác. Bà là hoàng hậu của hai Triều Đinh và Lê. Bà là người từng có quyết định ảnh hưởng đến cả vận mệnh dân tộc. Và cũng là người hứng chịu búa rìu của cái việc "đời luận anh hùng".
Dương Vân Nga là một nhân vật lớn trong lịch sử Việt Nam. Thế mà, ngay chính bà cũng không thoát được cái vòng "trọng nam khinh nữ" của các sử gia phong kiến. Các bộ sử lớn như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn không hề dành phần riêng nói rõ về thân thế của bà như trường hợp những nhân vật nam khác. Đến thời đương đại này, các sử gia mới ra sức tìm hiểu nguồn gốc xuất thân của bà. Nhưng kết quả thu được chẳng có bao nhiêu bởi sử cũ không chép lại thì thế hệ hiện tại lấy gì mà tra khảo.
Xuất thân của Dương Vân Nga
Trong thực tế đó, xuất thân của Dương Vân Nga vẫn còn là đều bàn cãi. Bà có lẽ là người của vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Sử cũ chỉ ghi bà họ Dương, còn tên thì hiện có hai thuyết: Dương Vân Nga và Dương Ngọc Vân. Tuy nhiên, theo như tên ghi ở Đền thờ Vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư, thì bà tên là Dương Vân Nga.
Có người cho rằng, cái tên Dương Vân Nga được phổ biến trong dân gian và nhờ vào các vở cải lương nói về Dương Vân Nga. Thế nhưng, xét thấy ngôi đền nói trên được xây dựng cách đây trên dưới 300 năm, còn cải lương thì chưa được 100 tuổi, bởi vậy cái tên Dương Vân Nga ất phải có trước cải lương. Hơn nữa, người Việt Nam đã quá quen với cái tên Dương Vân Nga, các sử gia khi đề cập đến bà cũng hay dùng tên Dương Vân Nga. Bởi vậy, ở đây xin được dùng cái tên quen thuộc là Dương Vân Nga.
Quê quán của Dương Vân Nga hiện cũng chưa rõ lắm. Có người nói ở Ninh Bình, có người lại bảo là Thanh Hóa. Năm sinh của bà hiện vẫn là một ẩn số. Sử cũ chỉ chép rõ ràng năm mất của bà là năm 1000. Nhiều sử gia ước đoán bà thọ khoảng từ 55-60 tuổi. Như vậy, năm sinh của bà có thể là trong giai đoạn 940-945.
Nhường ngôi cho người ngoại tộc
Các chi tiết liên quan đến nguồn gốc xuất thân của Dương Vân Nga còn khá mù mờ, nhưng trái lại sự kiện bà nhường ngôi nhà Đinh vào tay Lê Hoàn và là hoàng hậu của hai Triều Đinh-Lê thì các bộ sử đều chép rõ với những lời khen chê khác nhau.
Về việc Dương Vân Nga nhường ngôi cho Lê Hoàn, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều chép:
"Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng làm đại tướng quân. Khi (triều đình) đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: " Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ (mới 6 tuổi-LP), chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn".Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế ". Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu (980), giáng phong vua (Đinh Toàn-LP) làm Vệ Vương".
Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim hồi đầu thế kỷ 20 cũng chép lại sự việc như trên. Trần Trọng Kim cũng nhấn mạnh đến sự kiện sau đây:
"Vệ Vương mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền chính ở cả Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Lê Hoàn lại cùng với Dương Thái Hậu tư thông. Các quan đại thần bấy giờ là bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc thấy Lê Hoàn nhiếp chính lộng quyền quá, mới cử binh mã đến đánh, nhưng bị Lê Hoàn giết cả".
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lời nhận xét của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau:
"Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy".
Khâm Định nhà Nguyễn thì tỏ ra nghi ngờ về việc mọi người cùng nhau suy tôn Lê Hoàn lên ngôi, khi có giọng mỉa mai rằng:
"Bờ cõi Bắc Nam tuy có khác, nhưng vận hội vẫn như nhau: nhà Lê thì có chuyện khoác áo long cổn, nhà Lý thì lời sấm truyền ghi trên thân cây, sao mà giống chuyện với bên Tống thế! Hay là người làm sử thấy thế, gò ép gán gẩm vào với nhau để cho thần dị câu chuyện, chứ trời kia có ý làm ra như thế đâu?".
Lưỡng Triều Hoàng hậu
Khi ở ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng lập đến 5 Hoàng hậu, Dương Vân Nga là một trong số 5 Hoàng hậu đó. Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn theo điển của vua Đinh mà lập đến 5 người làm Hoàng hậu. Tuy nhiên, điều nhạy cảm là Lê Hoàn lại phong cho Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu, tức tên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo Nho Giáo mà nói, thì rõ ràng là việc lấy vợ của vua trước là điều đáng phê phán. Bởi vậy mà Đại Việt Sử Ký toàn thư chép lời bàn nặng nề như sau:
"Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sao?"
Khâm Định nhà Nguyễn thì chép lời bàn:
"Đại thắng minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ đặt cho vợ mình: Thật là không còn kiêng nể chút gì cả! Sử sách ghi chép, để cười nghìn thu".
Đến việc năm 1001, Lê Hoàn mang quân đi đánh Cử Long: Vệ vương Đinh Toàn đi theo. Sử cũ chép : « Bấy giờ quân giặc thấy nhà vua, chúng giương cung, chĩa tên, toan bắn, chiếc tên rơi xuống; chúng lại giương cung, dây cung đứt. Chúng sợ, rút lui. Nhà vua đi thuyền ven sông đuổi theo. Quân giặc ở hai bên bờ đánh khép lại. Quan quân bị hãm ở sông. Vệ vương Toàn trúng phải mũi tên bay, mất tại trận. Nhà vua kêu trời ba tiếng, rồi thân ra đốc chiến: quân giặc thua".
Đinh Toàn là chúa cũ của Lê Hoàn, nhưng khi nhường ngôi cho Lê Hoàn đã bị giáng xuống làm Vệ Vương. Về sự việc Đinh Toàn mất nói trên, Khâm Định nhà Nguyễn chép lời phê như sau:
" Lê Hoàn lợi dụng cơ hội, đã cướp lấy nước người ta, lại không khéo đối đãi chúa cũ, đẩy vào chỗ chết, thế nào mà Toàn chẳng đến tử vong? Còn việc cất tiếng kêu trời, gieo mình xuống đất, chỉ là một ngón giả trá. Thật khó che đậy được công luận nghìn thu".
Ta thấy các sử gia phong kiến luôn có thái độ phản đối việc Dương Vân Nga nhường ngôi cho Lê Hoàn, nên mới có những lời nặng nề như vậy.
Quyết định cứu nguy cho toàn dân tộc
Việc Dương Vân Nga nhường ngôi nhà Đinh cho Lê Hoàn lợi hại thế nào ? Để trả lời cho câu hỏi này, ta cần xem xét bối cảnh lịch sử của sự kiện này.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vào năm 968, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị gian thần Đỗ Thích giết hại. Con trai nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn được tôn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn được nắm quyền nhiếp chính, chỉ huy quân đội của cả nước và tự xưng là Phó vương. Các đại thần nhà Đinh như Đinh Điền và Nguyễn Bặc bất mãn với điều đó nên phát binh làm phản và bị Lê Hoàn đánh dẹp. Bên ngoài thì nhà Tống phát binh đánh xuống, toan chiếm nước Đại Cồ Việt.
Trong bối cảnh nền độc lập quốc gia bị đe dọa như vậy, Dương Vân Nga với tư cách là Thái hậu nhiếp chính đã quyết định tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế.
Lịch sử đã chứng minh, đây là một quyết định sáng suốt, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Khi quân Tống tràn sang xâm lấn, vua Đinh Toàn chỉ là cậu bé 6 tuổi, trong khi Dương Vân Nga thì dù sao cũng là đàn bà nên không thể vùng vẫy trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ như xưa kia được. Các tướng có tài từng sát cánh Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc thì đã nổi loạn chống Lê Hoàn và đã bị giết. Lê Hoàn lại nắm trong tay đến 10 đạo quân, và như sử sách đã chép là ông rất được lòng quân. Ông lại là tướng có tài. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Hoàn đã thân chinh đánh lui quân Tống phía Bắc, bình quân Chiêm ở miền Nam, cứu lấy giang sang Đại Cồ Việt.
Có phải chỉ một mình Dương Vân Nga muốn tôn Lê Hoàng lên làm vua còn bá quan và quân sĩ thì không muốn ? Nếu quả thật chỉ một mình Dương Vân Nga muốn điều đó thì bà cũng không thể tự tiện quyết định việc nhường ngôi nhà Đinh cho người ngoại tộc, bởi chuyện nhường ngai vàng đâu phải là chuyện nhỏ, bởi còn đó bá quan văn võ nhà Đinh, còn đó gia tộc họ Đinh. Như câu chuyện đã kể bên trên về sự nhường ngôi, thì dù chỉ trích hành động này, nhưng hai Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê và Khâm Định nhà Nguyễn cũng phải ghi nhận rằng : « Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế ».
Một điểm cần nhấn mạnh nữa là, việc Lê Hoàn lên ngôi phải hợp lòng quân và lòng dân lúc ấy. Bằng chứng là ông đã chỉ huy quân dân đánh thắng quân xâm lược phương Bắc. Nếu Lê Hoàn không được sử ủng hộ của ba quân và của nhân dân, thì ông lấy đâu đủ sức mạnh mà chiến đấu chống lại một kẻ thù lớn mạnh gấp nhiều lần. Lịch sử đã chứng minh rằng, trong bất kì cuộc chiến chống ngoại xâm nào của Việt Nam, nếu không được lòng dân và lòng quân, thì tự nhiên sẽ thất bại, như trường hợp của Nhà Hồ của Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần dẫn đến chỗ trong nước « chính sự phiền hà » để trong nước « lòng dân rối loạn », và để đất nước rơi vào tay của giặc Minh.
Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã tỏ ra là một minh quân. Nếu trong sự nghiệp chống ngoại xâm, ông nổi tiếng với các chiến công « Phá Tống, Bình Chiêm », thì việc nội trị ông cũng là người tài giỏi. Chính ông khởi đầu cho Lễ tịch điền, tức lễ mà vua đích thân xuống cầm cày, một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển nông nghiệp. Lê Hoàn cũng là vị vua mở đường cho công cuộc đào kênh rạch khai thông đường thủy và lấy nước phục vụ nông nghiệp.
Về ngoại giao, Lê Hoàn đã có chính sách ngoại giao mềm dẽo khôn khéo. Sử cũ đã ghi lại việc Lê Hoàn nhận chiếu nhà Tống mà không quỳ lạy, sứ Tống cũng phải lơ đi. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhà vua còn bố trí cho sư Pháp Thuận giả làm người chèo đò ra đón sứ giả Lý Giác. Câu chuyện hai người đã mượn bài thư Vịnh ngỗng của Lạc Tân Vương đời Đường để nối vần đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục, đã trở thành giai thoại thú vị trong lịch sử bang giao và văn học. Sau đó, về Lý Giác đã làm một bài thư gửi tặng ngỏ ý « tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống ».
Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định:
« Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy ».
Sử gia Lê Văn Hưu, dù phê phán việc Lê Hoàn lên ngôi, cũng phải thừa nhận tài năng của Lê Hoàn :
« Đại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện , Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được ».
Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí đã nhận định :
"Sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng sơn động hết chuyện làm phản. Thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh. Còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự của nước, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh. Tuyển lựa quân ngũ... có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng".
Ngay như Trần Trọng Kim là một sử gia rất sùng Nho, cũng thừa nhận những chiến công « phá Tống, bình Chiêm » của Lê Hoàn. Và cũng thừa nhận việc Lê Hoàn bình loạn đảng trong nước và ca ngợi : « Thanh thế vua Đại Hành lúc bấy giờ rất là lừng lẫy ».
Lê Hoàn phong cho Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng hậu, việc này bị các sử gia phong kiến chê trách, cho là bất kính với vua trước là Đinh Tiên Hoàng, vì tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Ta thấy, ở đây Lê Hoàn giữ lại tước hiệu cũ cho Dương Vân Nga. Không chỉ việc đó, khi lên ngôi, Lê Hoàn đã lấy niên hiệu là Thiên Phúc, mà Thiên Phúc lại chính là niên hiệu của Đinh Toàn, con trai của Đinh Tiên Hoàng, người tiền nhiệm của Lê Hoàn. Tại sao ở đây ta không cho rằng, Lê Hoàn có thái độ lưu luyến triều Đinh nên đã giữ lại những tên đó, và để khẳng định là ông lên ngôi là vì tình thế ép buộc, là vì vận mệnh xã tắc ? Những chiến công chống ngoại xâm, bình nội loạn, xây dựng kinh tế đã cho thấy Lê Hoàn thật sự là một ông vua vì nước. Sử gia đương đại Nguyễn Khắc Thuần trong Việt Sử Giai Thoại đã cho rằng :
« Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được sáu tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay ».
Không dùng ánh mắt riêng tư để nhìn chuyện muôn nhà
Đến đây ta có thể nói rằng, thái hậu Dương Vân Nga đã sáng suốt và có quyết định đúng đắn khi trao ngai vàng nhà Đinh lại cho Lê Hoàn. Đặt giả thuyết rằng những lời đồn đại về việc bà là người tình thuở hàn vi của Lê Hoàn, hay là bà đã tư thông với Lê Hoàn khi làm Thái hậu, là đúng, thì quyết định nhường ngai vàng của bà cũng vẫn là một quyết định lịch sử trọng đại, có lợi cho toàn đại cục lúc bấy giờ. Nhờ quyết định đó, mà nước Đại Cồ Việt đánh thắng ngoại xâm, dẹp được nội loạn, trở nên phồn thịnh. Nếu Dương Vân Nga lúc đó đặt lợi ích gia tộc lên trên lợi ích quốc gia, tức là khư khư giữ ngôi cho đứa con trai 6 tuổi của mình khi đất nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, thì vận mệnh đất nước sẽ ra sao ?
Đương nhiên, theo giáo điều Nho Giáo thì việc thay quyền đổi chủ như trên luôn bị phê phán. Bởi vậy mà các sử gia Nho Giáo đã không tiếc lời chỉ trích việc Lê Hoàn lấy ngôi nhà Đinh. Thế nhưng, cũng chính các sử gia này đã thừa nhận những chiến công « phá Tống, bình Chiêm » và việc xây dựng đất nước phồn thịnh của Lê Hoàn.
Xưa nay, cái việc « đời luận anh hùng » luôn lắm bề rối rắm, việc khen chê luôn rất khó phân biệt ai có lý hơn ai. Xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, đến mức mà việc đánh giá anh hùng cũng phân làm hai loại : nam thì mới được gọi « anh hùng », còn nữ nhi thì phải gọi là «anh thư ». Thế nhưng, xin được gọi Dương Vân Nga là một «anh hùng », vì bà phải có đủ can đảm và sáng suốt để có được một quyết định đúng đắn mang tầm vóc lịch sử như vậy. Bà đã có cái nhìn lấy đại cục làm trọng. Bà đã không đem ánh mắt riêng tư để nhìn việc của muôn nhà.
*Lý Thuận Thiên (Hiển từ Thuận Thiên Hoàng thái hậu
Bà là công chúa trưởng con vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung và là chị ruột của nữ vương Lý Chiêu Hoàng – vị vua cuối cùng của vương triều nhà Lý.
Bà sinh tháng 6 năm Bính Tý 1216. Khi bà đến tuổi lấy chồng thì nhà Lý đã mất về tay nhà Trần, bà được gả cho An Sinh vương Trần Liễu – anh ruột vua Thái Tông Trần Cảnh.
Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi lập ra vương triều nhà Trần, Lý Chiêu Hoàng được lập là hoàng hậu. Sống với nhau hơn chục năm, Lý Chiêu Hoàng không thể có con. Vào năm 1237, lo sợ dòng đích không có người kế truyền ngôi báu, theo sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh buộc phải lấy Thuận Thiên, bấy giờ đang là vợ Trần Liễu, tức chị dâu của mình.
Đang yên ổn sống bên Trần Liễu, Thuận Thiên công chúa phải dứt áo về làm vợ Thái Tông Trần Cảnh. Bà được lập làm Thuận Thiên Hoàng hậu, thế vào chỗ hoàng hậu Chiêu Thánh – em gái của mình.
Khi sống với Trần Liễu, bà sinh được được một con trai tên là Trần Doãn. Khi lên ngôi hoàng hậu, bà sinh tiếp 2 người con trai, trong đó có một người là Trần Hoảng. Năm 1258, Trần Hoảng được vua cha nhường ngôi, trở thành vua Trần Thánh Tông – một vị vua được chính sử khen là bậc "Thần văn thánh võ, trung hiếu nhân từ, tôn hiền trọng đạo".
Năm 1241, bà lại sinh người con trai nữa là Trần Quang Khải, sau ông được phong tước vương – Chiêu Minh vương, được coi là một anh hùng dân tộc, một anh tài văn võ song toàn nổi danh trong lịch sử.
Tuy cuộc đời lắm nỗi muộn phiền, song Thái hậu Thuận Thiên vẫn là một phụ nữ hạnh phúc bởi được làm mẹ của những người con tuyệt vời. Năm 1248 bà mất, được truy tôn là Hiển từ Thuận Thiên Hoàng thái hậu. Mặc dù bà đã trở thành vợ vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh nhưng ở ấp A Sào (nay là xã An Thái, Quỳnh Phụ, Thái Bình), miếu thờ bà vẫn được lập cạnh đền thờ An Sinh vương Trần Liễu.
*BẮC CUNG HOÀNG HẬU LÊ NGỌC HÂN
Ngày xưa các vua chúa thường có rất nhiều vợ. Không rõ Quang Trung có bao nhiêu vợ khi đã làm chủ từ Bắc hà đến cõi Nam. Theo tài liệu để lại, có thể nói đến hai Hoàng hậu của vua: Chính cung Hoàng hậu và Bắc cung Hoàng hậu. Bà Chính cung Hoàng hậu họ Phạm, người phủ Qui Nhơn, là chị cùng mẹ khác cha với Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhất và Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Khi Quang Trung đăng quang năm Kỷ Dậu (1789) thì bà cũng được lập làm Chính cung Hoàng hậu. bà sinh được 3 con trai, 2 con gái: Nguyễn Quang Toản là con đầu, được làm Thái tử, con thứ là Nguyễn Quang Thùy được phong làm Khanh công lĩnh bắc thành Tiết chế thủy bộ chủ quân. Con trai thứ ba là Nguyễn Quang Bàn được phong làm Tuyên công lĩnh Thanh Hoa đốc trấn tổng lý dân sự.
Đại Nam thực lục, biên niên sử của triều Nguyễn, còn chép những người con khác của Nguyễn Huệ: tháng 5 năm Tân Hợi (1801) khi kinh đô Phú Xuân thất thủ cho đến khi Nguyễn ánh lấy đuợc cả Bắc Hà, quân Nguyễn ánh còn bắt được các em của Quang Toản có tên là: Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện, Thất, Quang Duy...
Song, trong số các bà vợ, người được Nguyễn Huệ yêu qúy nhất là Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Nàng được phong làm Bắc cung Hoàng hậu vào dịp Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, khi mới 18 tuổi, hai năm sau đám cưới tưng bừng được cử hành tại Thăng Long. Lúc đầu chỉ là sự sắp đặt theo mưu đồ chính trị, theo lối"Mỹ nhân kế"mà Nguyễn Hữu Chỉnh là người bày đặt, nhưng về sau, cuộc tình của họ lại rất tốt đẹp, trai anh hùng gặp gái thuyền quyên.
Với thế mạnh như chẻ tre, năm Bính Ngọ (1786), Long Nhương tướng quân Tiết chế Nguyễn Huệ xuất hiện ở Thăng Long trong hào quang chiến thắng. Quân Trịnh thua chạy tan tác, vua Lê thì ở tuổi "cổ lai hy" vốn an phận với cương vị bù nhìn mặc cho các chúa Trịnh tác oai tác phúc. Ông tướng trẻ mới 34 tuổi này xuất hiện làm cho cả kinh thành xao động. Nguyễn Huệ muốn gì? Lấy ngai vàng của vua Lê đối với Huệ không phải là khó! Song Huệ đã làm đúng như lời tuyên bố ban đầu: diệt Trịnh phò Lê. Vua Lê nghĩ đến việc ban cho Huệ chức tước vào bậc cao nhất trong triều: Nguyên súy Uy quốc công. Vậy thì còn gì để vừa lòng viên tướng chiến thắng nếu không phải là ngọc ngà châu báu hay là một bóng giai nhân. Đón biết suy nghĩ của chủ tướng, Nguyễn Hữu Chỉnh đã giả ý vua Lê "muốn gả một nàng công chúa cho chủ súy Tây Sơn để lấy chỗ dựa lúc tuổi già", Nguyễn Huệ với giọng hăng hái đầy tự nhiên nói:
- Xưa nay những kẻ chinh phu xa nhà, tình khuê phòng rất cần thiết. Hoàng thượng cũng xét đến chỗ ấy kia à? ừ! em vua nước Tây làm rể vua nước Nam, "môn đương hộ đối" như thế, tưởng cũng không mấy người có được.
Biết Nguyễn Huệ đã bằng lòng, Nguyễn Hữu Chỉnh liền vào cung tâu hết với vua Lê. Lúc đó nhà vua đã 70 tuổi, vẫn còn 5,6 người con gái chưa chồng. Trong số các nàng công chúa, chỉ có nàng Ngọc Hân đẹp và nết na hơn cả. Vua Lê rất cưng chiều nàng và cho học hành đủ cả cầm kỳ thi họa. Nhà vua vẫn thường tự nhủ:
- Con bé này ngày sau nên gả làm Vương phi, không nên gả cho hạng phò mã tầm thường.
Nghe Chỉnh nói đến việc dùng "kế mỹ nhân", vua Lê đã nghĩ ngay đến cô con gái cưng, nhưng vẫn cẩn thận bảo với Nguyễn Hữu Chỉnh:
- Con gái chưa chồng trẫm còn nhiều, nhưng chỉ có mình Ngọc Hân là có chút nhan sắc. Tuy vậy, thói thường yêu con vẫn thiên lệch, chưa biết ở mắt người ngoài thì ra sao. Ngươi hãy ở đây, để trẫm cho đòi cả ra mà coi qua, rồi tùy ngươi lựa xem người nào xứng đáng thì giúp cho thành việc đi!
Khi đã nhìn thấy các công chúa, Chỉnh cũng nhất trí với nhà vua, chọn nàng Ngọc Hân gả cho Nguyễn Huệ với niềm tin rằng Huệ khó có thể cầm lòng được khi đã gặp nàng.
Khi nghe Chỉnh nói về nàng công chúa Ngọc Hân tuổi vừa đôi tám, xinh đẹp tuyệt trần, xin cho được nương bóng nhà sau hầu hạ lược khăn cho người dũng tướng, thì Nguyễn Huệ rất vui và thật thà nói:
- Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta chỉ mới quen gái Nam Hà, chưa biết gái Bắc hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không.
Rồi Huệ lại nói với một giọng đầy nghiêm túc và cảm động:
- Tôi xin kính lạy dưới bệ Hoàng thượng vạn tuế! Ở khe núi hẻo lánh xa xôi tới đây, há dám đường đột như vậy? Bây giờ may sao được bám vào cành vàng lá ngọc, thật là mối nhân duyên kỳ ngộ ngàn năm mới có. Kẻ ở khe núi này xiết bao mừng rỡ.
Thế rồi đám cưới của chủ súy quân Tây Sơn với nàng công chúa đất Bắc được tổ chức rất trọng thể tại Thăng Long thành.
Công chúa Ngọc Hân lúc mới về với Nguyễn Huệ còn rất e thẹn sau rồi cũng quen. Hôm vào làm lễ yết các vị tiên đế ở thái miếu, Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân gióng kiệu cùng đi, lễ xong lại gióng kiệu cùng về. Nguyễn Huệ lấy làm hãnh diện mà hỏi công chúa:
- Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng?
Công chúa đáp:
- Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó, chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi.
Nguyễn Huệ nghe nàng nói, rất hài lòng và càng thêm yêu quí nàng hơn.
Thế rồi ngày Nguyễn Huệ phải về Nam đã đến, nàng công chúa lần đầu tiên đi xa phải từ biệt người thân và hoàng gia cùng kinh thành Thăng Long, theo chồng vào Phú Xuân. Bà sinh được hai người con, một trai là Nguyễn Văn Đức và mọt gái là Nguyễn Thị Ngọc. Vua Quang Trung yêu quí Ngọc Hân không chỉ vì sắc đẹp, nết na mà còn trọng nàng ở tài văn chương nhạc họa và cả những kiến thức về thời cuộc quốc gia. Tình yêu của họ ngày càng nồng thắm. Người dân kinh thành Thăng Long cứ mỗi mùa xuân đến ngắm hoa đào đỏ thắm lại nhớ đến cành đào xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung áo bào còn vương mùi thuốc súng vội cho ngựa trạm đem cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân tặng người vợ yêu báo tin chiến thắng.
Họ chỉ sống hạnh phúc được trọn 6 năm, vua băng hà lúc tuổi đời còn nhiều hứa hẹn... Ngọc Hân đau xé lòng khóc chồng bằng bài "Ai tự vãn"
... Buồn thay nhẽ! Sương rơi gió lọt
Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa!
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.
Buồn thay nhẽ! Xuân về hoa nở!
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong?
Quyết liều mang vẹn chữ tòng
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e!
Con trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thân chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đợi khi...
Hình thì tuy ở phách thì đã theo...
Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, họ ngọai chuyên quyền, nội bộ triều Tây Sơn lục đục rồi mất. Ngọc Hân và hai con phải đổi tính danh vào sống lẫn với dân chúng ở Quảng Nam. Không lâu sau, bị phát hiện và bị bắt, Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh, hai con bị thắt cổ chết, đó là năm Kỷ Mùi (1799) khi bà mới 29 tuổi.
Nghe tin thê thảm ấy, Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ đẻ ra Ngọc Hân, lúc đó sống ở quê Phù Ninh (tục gọi là làng nành, tỉnh Bắc Ninh) liền thuê người vào Quảng Nam lấy trộm được xác con và hai cháu ngoại đem về mai táng tại làng rồi cho dựng miếu thờ. Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị nhà Nguyễn, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu Nghi họ Nguyễn đối với dân làng, đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ có tên phó tổng cùng làng vốn thù riêng với ông tú, đã cất công vào Huế tâu vua việc thờ "ngụy Huệ". Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông. Ông tú kia bị trọng tội. Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai cũng bị giáng chức.
TỨ ĐẠI MỸ NHÂN VIỆT NAM
Công chúa Huyền Trân
Huyền Trân, một công chúa đời nhà Trần, là con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông, có nhan sắc kiều diễm, thông minh sắc sảo. Vào năm 1293, Trần Nhân Tông sau khi truyền ngôi cho con, lui về làm Thái thượng hoàng, Ngay sau đó, Thái thượng hoàng nhận được lời mời du ngoạn đến Chiêm Thành, để duy trì mối quan hệ hòa hiếu với Chiêm Thành, Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân và đòi sính lễ là hai châu Ô, Lý. Nhưng công chúa Huyền Trân lấy chồng vừa được một năm thì Chế Mân chết, hoàng hậu theo tục lệ phải lên giàn thiêu chết cùng vua. Sợ em gái bị tổn thương, Trần Anh Tông sai Trần khắc Chung tới Chiêm Thành cứu Huyền Trân về. Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền về Đại Việt bằng đường biển.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi lại Huyền Trân và Trần Khắc Chung lại có một mối tình tuyệt đẹp khi con thuyền lênh đênh trên biển suốt hơn một năm trời. Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm 1309, dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa Huyền Trân mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là 'Thần Mẫu' và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.
Công chúa An Tư
Đầu năm Ất Dậu (1285), quân nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đã đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương. Nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9/3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua. Chiến sự buổi đầu bất lợi. Trước thế mạnh của đối phương, quân ta cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu, bởi vậy, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân, tức sai người dâng em gái út của mình (công chúa An Tư) cho tướng Thoát Hoan. Sau đó, quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải 'chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy' để về Tàu. Chiến thắng, các vua Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư.
Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân. Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc có ghi: Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con. Người con gái họ Trần này có thể là công chúa An Tư, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều này.
Công chúa Ngọc Hân
Là con gái út của vua Lê Hiển Tông. Sau này quân Tây sơn chiếm Bắc hà, để xoa dịu Nguyễn Huệ, vua Lê Hiến Tông nghe lời Nguyễn Hữu hỉnh gả cho Nguyễn Huệ công chúa Ngọc Hân. Cuộc hôn nhân của hai người êm thắm được sáu năm, Ngọc Hân sinh đưọc hai người con. Quang Trung đột ngột qua đời, Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, Ngọc Hân và các con phải trốn khỏi cung. Sau này, bị truy đuổi gắt gao, Ngọc Hân uống thuốc độc tự tử, hai người con của bà cũng đều chết yểu nơi xa.
Nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng
Lý Chiêu Hoàng là vị vua thứ 9 và là cuối cùng của nhà Lý (Việt Nam) từ năm 1224 đến năm 1225, đồng thời là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Bà là con thứ của vua Lý Huệ Tông với Trần Thị Dung, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa. Năm 1224, Trần Thủ Độ chuyên quyền, ép vua Lý Huệ Tông đi tu. Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập công chúa Chiêu Thánh làm Thái tử, rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, gọi là Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, họ Trần nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng. Dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng (lúc đó mới 7 tuổi) và Trần Cảnh (8 tuổi) rồi chuyển giao triều chính bằng cách nhường ngôi cho chồng. Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được phong Chiêu Thánh hoàng hậu.
Bà chung sống với chồng gần 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Trần Cảnh, bấy giờ là Trần Thái Tông yêu thương. Nhưng vì lấy nhau 12 năm không có con nên Trần Thủ Độ và vợ là công chúa Thiên Cực (Trần Thị Dung - vợ cũ vua Lý Huệ Tông, mẹ của Chiêu Thánh) ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị gái Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đang có mang 3 tháng. Trần Cảnh lúc đầu phản đối, nhưng do Trần Thủ Độ gây sức ép, cuối cùng cũng phải chịu nghe theo. Chiêu Thánh sau đó bị phế ngôi, Thuận Thiên được lập làm hoàng hậu. Năm 1258, sau kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông lại đem Chiêu Thánh gả cho tướng Lê Phụ Trần (vốn tên là Lê Tần). Chiêu Thánh đồng ý lấy Lê Phụ Trần với ba điều kiện buộc Vua Trần phải chấp nhận. Đó là :Thôi truy sát các vương tôn họ Lý; lập lại miếu thờ cho các bậc công thần đời Lý, và bà muốn Lê Phụ Trần chuyển ra sống ở nơi xa khỏi kinh thành. Đến đây, hạnh phúc mới mỉm cười với bà, bà sinh hai người con, một trai, một gái.
TIỀN GIANG- NƠI SINH RA CÁC BẬC HOANG HẬU PHU NHÂN
Vùng đất bên bờ sông Tiền có gì đặc biệt? Thiếu nữ Tiền Giang sao có thể làm mê đắm lòng các bậc quân vương? Họ đẹp hay còn bởi lý do nào khác?
Nếu hỏi bất cứ một người Tiền Giang nào, họ đều tự hào quê hương mình có hai bà hoàng hậu nổi tiếng. Điều họ ít biết hơn, sau ngày đất nước thống nhất, từng có hai "đệ nhất phu nhân" của cả hai miền Nam - Bắc cũng đều sinh ra ở Tiền Giang.
Bà hoàng tài đức vẹn toàn
Ở Việt Nam có một hoàng hậu sống qua 8 đời vua, có thể chi phối chuyện quốc gia đại sự, đạo đức của các vị vua, cháu chắt. Đó là Hoàng Thái hậu Từ Dụ, sau đọc chệch thành Từ Dũ.
Thái hậu Từ Dụ tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19/5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của quốc công Phạm Đăng Hưng.
Cổng vào lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công.
Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham học. Năm 14 tuổi, bà theo cha ra kinh thành Huế và được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, tuyển triệu vào hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng, cháu trai của bà.
Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng, năm sau lại sinh công chúa thứ hai. Năm 1829, bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chính là vua Tự Đức sau này.
Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, hai năm sau, được phong Thần phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Giai phi, rồi Nhất giai phi.
Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, lấy niên hiệu Tự Đức. Sau khi lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ.
Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm 1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng & ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất năm 1902, hưởng thọ 92 tuổi.
Tính từ lúc được tuyển vào cung đến khi mất, bà đã ở ngôi vị Hoàng hậu rồi Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu hơn 70 năm. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn. Những đức tính của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến tư cách của vua Tự Đức.
Vua Tự Đức còn viết hẳn cuốn sách "Từ Huấn Lục" ghi lại những lời mẹ dạy. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Đồng thời cũng là người rất trân trọng các bậc trung thần.
Nhân đức của bà đã đi vào lòng người như một bậc mẫu nghi nhân từ. Chính vì thế mà người ta đã lấy tên của bà đặt cho một bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở TP.HCM: Bệnh viện phụ sản Từ Dũ.
Hoàng hậu từng là tú tài Tây học
110 năm sau, một cô gái Gò Công nữa cũng nhập cung, đó chính là Nam Phương Hoàng hậu - Nguyễn Hữu Thị Lan. Khác với 12 hoàng hậu triều Nguyễn trước đó chỉ được phong hoàng hậu sau khi qua đời. Một ngày sau lễ cưới, vua Bảo Đại phong tước vị Nam Phương Hoàng hậu cho Nguyễn Hữu Thị Lan. Khi đó bà mới hơn 19 tuổi.
Nam Phương Hoàng hậu sinh năm 1914, ở làng Đồng Sơn, nay là xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Bà là con gái của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, cháu ngoại ông Lê Phát Đạt ở Nam Kỳ - một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20.
Nam Phương Hoàng hậu.
Năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux - một trường nữ danh tiếng ở Paris. Trước khi trở thành Hoàng hậu vào năm 1934, bà đã ba năm liền trúng giải hoa hậu Đông Dương.
Một năm sau khi từ Pháp về nước, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương chiêu đãi, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại đã gặp nhau.
Có thể nói, chính vẻ đẹp đài các của con gái một điền chủ, nét trinh nguyên của thiếu nữ vừa chớm tuổi đôi mươi, cùng tố chất thông minh, phong cách của cô tú tài Tây học đã hút hồn Bảo Đại ngay từ lần gặp đầu tiên. Hôn lễ được tổ chức ngày 20/3/1934 ở Huế. Hoàng hậu Nam Phương cùng Bảo Đại có tất cả năm người con (hai trai, ba gái).
Ngoài công việc hàng ngày là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa, bà còn tham gia các việc và từ thiện. Không chỉ là một Hoàng hậu, bà cũng là một công dân yêu nước như bất kỳ ai. Bà chính là người đã khuyên giải, nài nỉ Bảo Đại thoái vị để tránh đổ máu.
Khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, bà đã gửi thông điệp đến bạn bè khắp thế giới: "Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay, máu của người dân Việt Nam lại tiếp tục chảy... Tôi thiết tha yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh, hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh".
Nhưng cuộc đời bà kết thúc bằng những tháng ngày lưu lạc tận một miền quê nước Pháp xa xôi. Không còn với danh phận của một bà hoàng và không có chồng bên cạnh. Bà mất năm 1963 tại Pháp, thọ 49 tuổi.
Đến những "đệ nhất phu nhân"
Ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang có một cô giáo trở thành phu nhân của Chủ tịch nước. Đó là cô giáo Đoàn Thị Giàu - vợ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Bà được xem như một "đệ nhất phu nhân" giản dị nhất.
Từ ngày bà lấy chồng cho đến năm 1954, trong suốt hơn 30 năm, thời gian bà ở bên chồng chỉ có thể tính bằng số ngày. Do tính chất công việc hoạt động cách mạng, Tôn Đức Thắng đã phải liên tục thay đổi địa bàn hoạt động, lâu lâu mới gặp vợ con một lần.
Rồi ông bị thực dân Pháp bắt giam đày đi khổ sai ngoài Côn Đảo suốt 16 năm, khi Cách mạng tháng Tám thành công mới trở về đất liền. Bà một mình tần tảo nuôi ba người con, có lúc tới tận Nam Vang bán hàng rong kiếm sống... Đứa con trai của bà bị bệnh chết trong cảnh nghèo giai đoạn đó.
Năm 1945, nhà Cách mạng Tôn Đức Thắng ra tù, chỉ kịp ghé Tiền Giang thăm vợ con đúng một ngày sau 16 năm chia ly, rồi vội vã lên đường nhận công tác mới.
Đầu năm 1946, Bác Tôn ra Hà Nội nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ cùng với hai con, không kịp chia tay vợ. ở lại quê nhà, bà vào chiến khu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp với biết bao gian khổ, hiểm nguy.
Năm 1954, bà tập kết ra Bắc. Từ đó, bà mới thực sự ở bên chồng con. Là vợ của Chủ tịch nước, nhưng bà sống cuộc sống bình dị như bao người dân Hà Nội bởi điều kiện chiến tranh đầy khó khăn. Bà mất năm 1974, không kịp trở về quê hương trong ngày vui đại thắng.
Ở Tiền Giang còn có những người phụ nữ khác cũng nổi danh không kém, mà trong bài chưa thể liệt kê ra hết được...
Ngày nay, tại xã Long Hưng, Thị xã Gò Công vẫn còn di tích Lăng Hoàng Gia là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng - tổ tiên của Hoàng Thái hậu Từ Dụ.
Nơi đây có một cái giếng cổ. Tục truyền rằng có năm, khi mọi cái giếng khác trong làng đều cạn nước thì giếng này vẫn đầy ắp nước ngọt. Dân trong làng đều đến đây xin nước về dùng. Đó cũng là năm Hoàng Thái hậu Từ Dụ chào đời.
Bởi vì con gái Tiền Giang vốn nổi tiếng xinh đẹp. Sông nước Tiền Giang với đất đai màu mỡ, cây trái ngọt lành đã sinh ra những thiếu nữ "da trắng, tóc dài", "sắc nước hương trời" làm say đắm lòng các bậc quân vương.
Tiền Giang cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt với hàng trăm những cuộc khởi nghĩa chống giặc nổi tiếng như: Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Lê Văn Ong, v.v... Không thiếu những người con, người cháu sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có tố chất của những bậc lãnh đạo.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro