Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

con be toi yeu chuong 3

Con Bé Tôi Yêu

Chương 3

Đọc xong bốn bài, Huy Mạc ồn ào:

- Khỏi cần chờ đợi Hộp thư cô cũng biết là cả bốn bài tôi đều chọn đăng hết. Và đăng trong một kỳ, trên hai trang liền nhau có đóng khung...

Con bé có vẻ cảm động:

- Dạ. Cám ơn ông.

- Nhưng cô phải cho tiếp những bài khác để đi các số sau. Tôi sẽ lăng xê đặc biệt để tên tuổi cô trở thành một hiện tượng quen thuộc với độc giả mới được. Thơ tình của cô lãng mạn và êm ái lắm...

Cả ba chúng tôi đều cười. Huy Mạc vỗ vỗ lên vai tôi:

- Đi theo chiều hướng bay bướm đó thì hiện thời nổi nhất là nhà thơ Thanh Vũ đây.

Con bé kêu lên:

- Ông THanh Vũ đây ạ? Hân hạnh quá, từ mấy năm nay Mỵ theo dõi thơ và truyện ngắn của ông trên báo này không sót một bài nào. Mỵ thích giọng văn của ông ghê đi.

Tôi lại nhìn con bé bằng ánh mắt khác hơn chút nữa. Hình như mũi tôi nở lớn thêm một tí. Tôi nhìn con bé như nhìn một đồng đội, một thi hữa tương đắc. Trong lúc đó Huy Mạc lại nhìn con bé bằng ánh mắt của một bác sĩ, một phân tích gia. Tôi bỗng tự hỏi, sao hắn lại chọn nghề này được nhỉ?

Tôi nói với con bé:

- Mong là cô khen thật lòng.

- Dạ. Mỵ nói thật chứ.

- Cám ơn cô.

CHúng tôi bắt đầu nói chuyện cởi mở, thân mật hơn. Chỉ vài chục phút sau tôi đã nhận ra con bé này không hiền. Lém lỉnh, đối đáp và có lẽ là bướng bỉnh nữa. Tôi ngạc nhiên khi biết Kiều Mỵ mới mười sáu tuổi. Tôi nghĩ thầm:

- Em lớn quá. Đoán em mười bẩy là mình đoán qua gương mặt. Còn thực sự, với thân hình em thì... Vậy mà em mới mười sáu tuổi, gần rưỡi thôi ư?

- Tôi lại thắc mắc, với tuổi ấy em đã có kinh nghiệm gì trong tình ái, em đã có... gì chưa mà sao thơ em ướt át được đến vậy?

Kiều Mỵ ngồi đấu tưng bừng với chúng tôi gần một giờ đồng hồ rồi mới đứng lên cáo từ. Huy Mạc có vẻ tiếc ra mặt vì không ai "giữ chùa" cho hắn bỏ đi theo "nàng". Hắn hò hẹn:

- Nhớ mang tiếp các bài khác cho anh nhé. Anh mong đó.

Chúng tôi đã đổi cách xưng hô thân mật từ trước đó. Kiều Mỵ ngoan ngoãn đáp:

- Dạ, em sẽ gửi đến ngay.

- Sao thế. Mang tay đến cho nhanh chứ.

- Em sợ bận.

- Ồ, bận gì. Cố gắng một tí,dịp maỵ..

Mỵ cúi đầu chào chúng tôi, bước ra cửa. Tôi bỗn nẩy một ý định. Phần muốn trêu tức Huy Mạc phần muốn theo hút dấu con bé dễ thương ấy. Tôi bâng khuâng vì "hắn" rồi.

Tôi bảo bạn:

- Tao về.

- Ở chơi chút nữa đã.

- Thôi. Có chút việc.

Huy Mạc nhìn theo bóng Kiều Mỵ rồi nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Tôi cười cười nháy mắt với hắn rồi bước ra đường. Kiều Mỵ đang nhẩn nha bước đi. Tôi lặng lẽ đến cạnh nàng:

- Cô không khó chịu vì tôi đi cùng chứ?

Con bé hơi giật mình:

- À.. không, thưa anh.

- Cô về đâu?

Mỵ ngập ngừng:

- Em định về nhà người bạn ở gần đây.

- Anh đưa Mỵ một quãng đường được chứ?

Mỵ không đáp, mỉm cười. Tôi cũng im lặng bước cạnh nàng, cứ như Mỵ đã bằng lòng. Một chốc, Mỵ gợi chuyện:

- Anh làm thơ từ bao lâu rồi?

- Độ năm năm hồi tôi đi lính.

Tôi bật cười. Nỗi gì làm tôi trở thành lúng túng lúc anh lúc tôi, lúc cô lúc gọi tên như thế? Tôi nói thêm:

- Anh giải ngũ sau khi bị thương phải nằm bệnh viện gần ba tháng.

Mỵ hỏi tôi đủ thứ chuyện. Thêm một thời gian ngắn mà chúng tôi như thân nhau hơn nữa. Tôi càng khám phá ra ở Mỵ những điều hay hay. Mỵ kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà lẽ ra phải quen nhau khá thân mới biết được. Tôi tự nhủ có lẽ tại con bé - không cô bé chứ - ít tuổi, thơ ngây nên vô tư và cởi mở như thế.

Dù sao thì cũng vì vậy mà tôi quý mến Mỵ thêm. Không cần phân tách tôi cũng tự biết tôi và Mỵ là đôi bạn vô cùng thân thiết.

Chúng tôi không chỉ cùng đi một đoạn đường mà là đi hết buổi chiều hôm ấy. Tôi đưa Mỵ đến nhà cô bạn. Mỵ giới thiệu tôi cùng Thục Vy với vẻ... hãnh diện và bạn nàng cũng lộ vẻ hâm mộ tôi ra mặt. Trong một thoáng tôi đã nghĩ, kể ra mình cũng nổi tiếng, cũng "có thớ" lắm đấy chứ.

Thục Vy mời chúng tôi vào nhà. Tôi ngồi với hai cô gái ở trong vườn trên những chiếc ghế mây đan, thật rộng. Nhà Thục Vy khá giầu và cô bé này nói năng nhỏ nhẹ kiểu yểu điệu thục nữ, cũng hay hay.

Hai cô bé nói chuyện với nhau, về một cuộc tranh giải bóng bàn nào đó tổ chức ở Câu Lạc Bộ thanh niên Sàigòn. Một lát, Mỵ quay hỏi tôi:

- Anh biết chơi ping-pong không anh?

- Anh biết, nhưng chơi dở lắm.

Thục Vy góp chuyện:

- Mỵ giỏi ping-pong lắm anh. Giỏi từ ngày ở Nha trang cơ. Mỗi lần Vy ra nghỉ hè ngoài đó thường đi với Mỵ dự các buổi đấu tranh giải địa phương, hào hứng lắm. Mỵ từng đoạt giải rồi đó anh.

Mỵ cười lườm bạn:

- Nói nhiều quá đi Vy.

Thục Vy cười tươi:

- Có tài thì phải khoe chứ Mỵ. Để Vy nói tiếp. Lần này Mỵ đang dự tranh giải vô địch bóng bàn thiếu niên SàiGòn đấy anh.

Tôi reo lên:

- Hoan hô nhà thơ chuộng thể thao.

Mỵ nghiêng đầu kêu:

- Anh trêu Mỵ đấy à?

- Đâu có, khen thật đấy chứ. Anh lại thấy hợp với Mỵ thêm một điểm: dù là sinh hoạt văn nghệ, anh vẫn ưa tôn chỉ: một tinh thần trong sạch trong một thân thể lành mạnh hơn là bê tha như những đấng nghệ sĩ bây giờ... Trông họ có vẻ bệnh hoạn, yếu đuối thế nào.

Mỵ thích thú:

- Anh có thích đấu bóng bàn không?

- Thích chứ.

- Mỵ mời anh thứ sáu này đến dự buổi đấu bán kết của Mỵ, Nhận lời không?

- Nhận cả hai tay.

- Vậy thì buổi chiều thứ sau, trước ba giờ anh có mặt ở đây cùng đi với hai đứa tụi này.

Thục Vy nói. Tôi gật đầu sốt sắng. Tôi và My ra về. Chúng tôi đi ngược con đường một chiều êm ả và sang trọng. Mỵ hỏi:

- Anh về đâu?

- Phú Nhuận.

- Anh đi bằng phương tiện gì?

- Vespa. Anh gởi ở rạp xinê gần tòa báo.

- Vậy anh đi trước nhé. Mỵ ghé vào chợ mua vài thứ đồ ăn cho mẹ rồi về sau.

Hỏi nhà Mỵ, cô bé chỉ cười không đáp. Tôi không gạn hỏi thêm, tự nhủ sẽ hỏi nàng trong dịp khác. Hay hỏi Thục Vy cũng được. Chúng tôi chia tay nhau, Mỵ rẽ vào lối cửa sau khu chợ.

Chiều thứ sáu tôi có mặt ở nhà Thục Vy từ hai giờ. Hai giờ rưỡi Mỵ mới đến. Chúng tôi dồn nhau trong chiếc xe hơi của ba Mỵ, tài xế lái đưa đến câu lạc bộ thanh niên Sàigòn. Tôi có dịp nhìn kỹ hai cô gái - nhìn kỹ Mỵ thì đúng hơn - trong bộ đồng phục trắng. Áo chemise trắng cổ bẻ, tay ngắn. Quần short trắng vải bóng, giầy bata trắng, Mỵ hôm nay bước vào nơi so tài khác hẳn dáng dấp của Mỵ hôm trước, khi bước vào tòa báo.

Tự tin, bạo dạn và vững chắc. Mỵ len lỏi qua các đám đông, Thục Vy theo sau và tôi sau cùng. Ban tổ chức hướng dẫn chúng tôi đến chỗ ngồi dành cho đấu thủ. Nam nữ ngồi lẫn lộn, cười nói ồn ào. Nhiều người chào Mỵ, cô bé dơ tay vẫy lại. Tôi chợt thấy mình lạc lõng, mình "xuống thớ" giữa khung cảnh này. Tôi bèn ngồi xuống ghế, im thin thít.

Ban tổ chức tuyên bố cuộc đấu để vào chung kết bắt đầu. Tôi ngồi yên theo dõi trận đấu. Đánh đơn và đánh đôi, Mỵ đều có tham dự.

Khi Mỵ ra "sân", tôi thấy hơi hồi hộp. Đối thủ của nàng là một cô tốt tướng, hai bắp chân to và chắc. Cánh tay cô ta lớn và rậm rạp, cứ nhìn không cũng đủ mất tinh thần rồi chứ chưa nói gì đến những cú quạt trái, rờ ve, tiu của cô nàng. Nhưng Mỵ lại không tỏ vẻ gì nao núng. Nàng tự tin, đó là một đức tính.

Cuộc đấu bắt đầu, hiệp đầu Mỵ không khá lắm, bị đối thủ dẫn trước. Mỵ đuổi theo sát nút nhưng vẫn bị thua. Bàn thứ hai đầy vẻ quyết định. Mỵ như quên tôi, quên mọi người, không còn giữ gìn nữa mà chỉ chú tâm vào cuộc đấu. Đối thủ của nàng cũng vậy. Mắt cô ta long lên sòng sọc như V1 đáng ghen V2, hai chân dậm bình bịch mỗi lần chuyển mình đón đỡ những cú quạt trái ác liệt của Mỵ.

Trông cô ta nặng nề bao nhiêu thì trông Mỵ thanh thoát bấy nhiêu. Mái tóc dài chấm vai xòe ra như đôi cánh chụp xuống chiếc gáy trắng hồng của Mỵ mỗi khi nàng nhẩy lên cao hay nghiêng mình chận banh.

Trận thứ hai Mỵ thắng. Như vậy phải đấu thêm bàn thứ ba. Tôi hồi hộp thấy rõ. Buột miệng,tôi kêu át cả tiếng mọi người để ủng hộ gà nhà.

- Nhất định thắng nhé Mỵ!

Tôi thấy Mỵ nhếch môi cười, giao banh trước. Từng phút trôi qua lôi cuốn hồi hộp. Cuối cùng, tôi thở ra khoan khoái trong tiếng reo hò cổ võ của mọi người, Mỵ thắng đối thủ vẻ vang.

Thục Vy bảo bạn:

- Ta cứ tưởng con nhỏ đó ăn gỏi bạn rồi chứ!

Mỵ cười kiêu hãnh:

- Cuối cùng ta ăn gỏi nó.

Thục Vy quay sang tôi:

- Có phải anh Vũ khuyến khích không Mỵ?

Mỵ nhìn tôi hai má ửng hồng:

- Có lẽ vậy.

Thục Vy trêu:

- Tiếng anh lớn nhất.

Tôi trả lời

- Miệng anh vốn to.

Chúng tôi vui đùa suốt chiều hôm đó.

*

Tôi và Mỵ trở thành đôi bạn thật sự. Đúng hơn, một thứ tình cảm nhẹ nhàng đã nhen nhúm trong lòng hai đứa. Tôi cảm thấy yêu Mỵ một cách lãng mạn và thơ mộng. Mỵ đã mời tôi đến nhà sau một thời gian "tìm hiểu" tôi, Mỵ nói thế. Nhà báo Huy Mạc cũng mở máy tấn công nàng nhưng thất bại.

Tuy cay cú, Huy mạc vẫn cố gắng tạo cảm tình với Kiều Mỵ bằng những cuốn báo đăng trang trọng những bài thơ của Mỵ sáng tác. Huy Mạc cũng được mời đến nhà chơi như tôi, nhưng khác hơn, tôi từng được mời ăn tiệc ở nhà nàng nhân ngày sinh nhật đứa em nhỏ.

Gia đình Mỵ khá giàu. Mỗi lần đến chơi tôi đều được tiếp đón nồng hậu. Hình như Mỵ đã giới thiệu hơi kỹ tôi nên từ ông bố, từ bà mẹ trở xuống đứa em nhỏ đều biết rõ tôi.

Có một lần đứa em nhỏ của Mỵ chạy ra ghé tai tôi thủ thỉ:

- Anh Vũ ơi, bộ anh ... mê chị Mỵ hở?

Tôi kêu lên:

- Trời đất!

-???

- Ai bảo em vậy?

- Chị Mỹ. Em nghe chị Mỹ hỏi chị Mỵ là thằng Vũ nó mê mày phải không, tao thấy nó chiều mày hơn kép chiều đào nữa.

- Rồi chị Mỵ nói sao?

- Chị Mỵ cười cười bỏ đi.

- Nhưng sao em lại hỏi anh vậy?

- Chị Mỹ xúi em hỏi nhưng cấm em nói là chị ấy xúi.

Tôi bật cười. Mỹ là chị lớn nhất của Mỵ và cu Nam, cậu bé con này, nhỏ nhất. Gia đình Mỵ vui nhộn vậy đó.

Nam lắc tay tôi:

- Phải không anh?

Tôi gật gù, cúi xuống nói nhỏ vào tai thằng bé:

- Ừ, anh mê chị Mỵ còn hơn kép mê đào nữa. Nhưng Nam đừng nói cho ai biết nhé.

Thằng bé gật đầu, nhưng ánh mắt nó chẳng có chút gì bảo đảm cho lời hứa. Và đó là điều mong ước của tôi.

Một người con gái, dù là kém nhan sắc mà có duyên vẫn đáng yêu như thường. Huống hồ Mỵ vừa xinh đẹp, vừa có duyên, lại vừa hấp dẫn cuốn hút không tả nổi. Tôi vốn sợ những người con gái đẹp mà vô duyên, nhất là xấu mà vô duyên nữa thì... chỉ có chết.

Không phải tôi chê họ, nhưng tôi sợ để lộ sự khó chịu với họ, làm cho họ phải nghĩ xấu về tôi. Tôi không muốn ai giận, ai ghét tôi bao giờ. Với Mỵ, lúc nào tôi cũng muốn được cạnh nàng. Con bé mười bảy rồi - đủ năm, đủ tháng - học đệ nhị Hưng Đạo, một trường tư nổi tiếng ở SàiGòn. Đôi ba ngày tôi lại thu xếp có giờ rảnh đưa nàng đi học hay đón nàng về, hầu có cớ ở chơi lâu. Sau lần cu Nam hỏi nhỏ, tôi bắt đầu nhận thấy mọi người nhìn tôi khác trước.

Mẹ nàng vẫn vui vẻ bình thường, nhưng Mỹ, Thảo và Mỵ - ba chị em lớn trong nhà - thường nhìn tôi cười cười khó hiểu. Riêng Mỵ, cô bé hình như có những cử chỉ thân mật, âu yếm với tôi. Do đó, dù chưa tỏ tình với Mỵ, tôi mặc nhiên tự cho mình quyền của một tình nhân đối với một tình nhân.

Chuyện tình của chúng tôi khởi đầu như vậy, sau một năm quen nhau. Tiếp nối nhau bằng những cuộc vui như đi ăn tiệc, xem chiếu bóng, đi bơi, đến nhà bạn bè, đi Vũng Tầu, chúng tôi trở thành đôi tình nhân khắng khít. Và tôi cần phải tỏ tình theo lối dò đường đi nước bước để chờ nàng trả lời có ưng thuận hay không mà câu tỏ tình đầu tiên và chính thức của tôi là:

- Yêu em quá chừng chừng.

Trong một lần ngồi cạnh nhau trong quán vắng trên sông, khi tôi nắm bàn tay nàng và nhìn sâu vào mắt nàng, tôi đã nói như vậy. Phản ứng của Mỵ ra sao? Con bé mười bẩy ấy quay đi, mỉm cười không nói. Nhưng bàn tay nàng run rẩy trong tay tôi và tôi hiểu nàng đã chính thức là của tôi, kể từ giây phút đó. Mỵ là bạn gái, là người yêu, là tình nhân, là người cộng tác là người đem hạnh phúc và sung sướng đến cho tôi.

Mối tình của chúng tôi là mối tình đẹp, chắc chắn phải có nhiều người mong mỏi ở địa vị tôi. Chúng tôi quen nhau và yêu nhau như gần sáu năm qua. Trong suốt thời gian dài dặt đó chúng tôi đã nhiều lần giận nhau, cãi nhau về những bất đồng. Bao giờ cũng tôi làm lành trước, tôi không đủ can đảm chịu đựng nỗi buồn phiền đè nặng trên tim.

Nhưng bao giờ cũng là Mỵ bầy tỏ cử chỉ nồng nàn với tôi trước, vì Mỵ biết rõ tôi như biết rõ chính nàng. Giận nhau vì yêu nhau quá đó thôi. Người ta còn có thể bỏ nhau là khác, chứ chẳng cãi nhau mà thôi đâu.

Chuỵên chúng tôi yêu nhau cũng gặp trở ngại nho nhỏ. Khi Mỵ hai mươi tuổi, Mỵ muốn đi làm nhưng gia đình không chịu và tôi phản ứng dữ dội. Mỵ bảo đi làm để thành người lớn, như tôi. Tôi đã gia nhập làng báo chính thức từ ba năm nay, kiếm được cũng khá. Mỵ bảo đi làm để khỏi phải xin tiền bố mẹ hoài, ít ra là khỏi xin tiền tiêu vặt.

Ba nàng muốn Mỵ dứt khoát chuyện hôn nhân chứ không muốn nàng đi làm. Khi Mỵ mười tám họ hàng bà con mai mối ba bốn đám. Nào bằng cấp, nào địa vị, nào tiền bạc... họ đem những thứ đó ra để mong nàng xiêu lòng. Nhưng con bé vẫn tỉnh bơ, lắc đầu quầy quậy. Khi khám phá ra con bé mê anh chàng nhà báo nghèo, họ đồn đãi um xùm, không còn mai mối nào khác hăng say đến "giúp" nữa.

Chúng tôi được yên thân nhất, thời gian này. Nhưng năm Mỵ hai mươi hai, gia đình nàng bắt đầu sốt ruột muốn rõ thái độ của tôi. Biết rõ nhiệm vụ "cao cả" của mình hơn ai hết, tôi đã đưa đề nghị tiến tới hôn nhân và nàng làm tôi một phen lên ruột vì cái thói đùa dai của nàng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tatin