Chương 27: Bưu phẩm
Một âm thanh nghe như tiếng loảng xoảng của thuỷ tinh bị đập vỡ, thoáng vang rồi bặt âm.
Có ánh sáng.
Thật chói, đau mắt quá.
Tôi ôm lấy đôi mắt, đợi một lúc cho cơn đau và cơn choáng váng qua đi, lúc này mới từ từ thả tay ra, mặt mày nhăn nhó ngẩng đầu, chớp chớp mắt làm quen với ánh sáng, rồi nhìn về phía trước.
Một căn biệt thự tông trắng và xanh lam với phong cách cổ điển, ấm áp và ngọt ngào, sừng sững hiện diện dưới những làn mây mù xám xịt. Thật sự nếu có Mặt Trời toả sáng và bầu trời xanh thẳm vẫn tốt hơn, chúng hợp tông với biệt thự hơn nhiều so với cái bầu trời như sắp giông bão này. Nó khiến ngôi nhà yêu quý của gia đình tôi trông như cảnh nền mở đầu của một bộ phim đầy tấn bi kịch nào đó vậy.
Cánh cổng được phủ một lớp rêu xanh mỏng chắn ngang tầm mắt tôi. Tôi híp mắt nhìn qua những cái khe dọc, dù thế nào cũng không thể nhìn rõ cảnh tượng trong vườn, mọi thứ bên kia như một tấm gương bị hơi nước làm mờ đi, cái gì cũng không thấy rõ, chỉ tạm nhìn được mấy cái bóng nghiêng ngả lúc ẩn lúc hiện. Tôi nhìn sang mấy bụi cây sát hàng rào gần đó, thấy lạ, bèn lại gần cúi người xem kĩ hơn. Mấy bụi cây đen xì như đã chết, nhưng tán lá cùng những bông hoa vẫn bung toả, chứng tỏ chúng vẫn đang sống. Có điều chúng đen thật sự luôn, tôi không thể nhìn được gân lá hay phân biệt được cánh hoa và nhị hoa.
Cha đem giống cây mới về trồng ư?
Tôi khó hiểu lắc lắc đầu, trở lại trước cổng. Nhón chân lên, nhìn không rõ. Cúi thấp xuống, cũng chẳng thấy được. Nghiêng trái rồi lại nghiêng phải, cũng không thấy gì nốt. Cái cổng có bao nhiêu cái khe tôi đều nhìn, nhìn muốn lòi cả mắt nhưng vẫn cứ nhìn.
Lạ à nha...
"...Vì sao mày không mở cổng tự vào nhà mình hả cái con ngáo này!" – Tôi đập liên hồi đầu mình vào cổng.
Rồi tôi thấy một cái ổ khoá bự chà bá màu đỏ lè chạm khắc một cái trăng lưỡi liềm nằm ngang, hệt như một cái miệng đang nhe hàm răng trắng toát ra cười vậy.
Tôi lục soát cơ thể của mình từ trên xuống dưới. Ừm, chẳng có cái chìa khoá nào cả, cũng chẳng có món đồ đặc biệt gì, ngoại trừ một cục đá đen xì.
Lại lạ nữa rồi.
Tủ đồ của tôi bình thường toàn chứa pijama thôi, cái váy ngủ tôi đang mặc bây giờ nhìn lạ hoắc, vừa bẩn vừa có mấy vết rách, lại còn bị khí lạnh lùa từ dưới lên, lạnh chết đi được! Với cả, thời tiết thế này mà sao tôi lại ra đường không mặc áo khoác? Tôi vốn ghét lạnh mà.
"Sao mình lại đứng ngoài đường trong bộ dạng này...?" – Tôi xuýt xoa, chà sát tay cho ấm, rồi quay đầu nhìn xung quanh. Mấy ngôi nhà hàng xóm đều đóng cửa kín mít, đường cũng vắng teo, chó mèo thường chạy long nhong giờ cũng chẳng thấy. Đường phố tĩnh mịch chẳng khác mồng một Tết chút nào. Tôi còn tính qua nhà hàng xóm ở nhờ chờ người nhà về, nhìn tình hình kiểu này chắc là không được rồi.
Tôi muốn đi dạo để giết thời gian.
Vừa quay lưng, đâu đó trong tôi chợt dâng lên một nỗi bồn chồn kỳ lạ. Ngập ngừng vài giây, tôi lại quay đầu nhìn ngôi biệt thự của gia đình mình, dường như có một sự cô quạnh nào đó bao trùm lấy nó. Tôi thế mà có cảm giác muốn bỏ chạy.
'Chạy cái gì chứ, đây là nhà mình mà! Phải, sao mình lại chạy khỏi nhà của mình chứ? Đúng rồi, mình chỉ muốn đi dạo thôi...'
Đi dạo một lát...
Tôi thấy chân mình di chuyển. Lý trí tôi cho rằng mình đang đi rất từ tốn, nhưng
thân thể này rõ ràng đang phản bác lại rằng: 'Mày đang bỏ chạy đấy!'
Lúc chạy ra tới đường lớn, tôi mới thả chậm bước chân của mình hơn, và dừng lại. Tôi cảm thấy có gì đó không đúng, rồi nghĩ đi nghĩ lại mấy hồi thì lại thấy không có chuyện gì là không đúng.
Mọi chuyện vốn chẳng có gì kỳ lạ cả. Tất cả... là đương nhiên.
Tâm trí luống cuống vì cảm thấy mâu thuẫn của tôi cũng không kéo dài quá lâu. Cho đến khi hô hấp bình ổn trở lại qua từng bước chân chậm rãi, những suy nghĩ hỗn độn trước đó trong tôi chợt lắng xuống. Tôi tự nghĩ, mình không nên bận tâm đến nó nữa. Và như thế, tôi lại bắt đầu bước đi, đi hết một đoạn đường của khu phố nhà mình với đầu óc trống rỗng.
Cho đến khi rẽ qua hơn bốn con đường, tôi sực tỉnh, quay đầu nhìn xung quanh. Giờ mới để ý, đi được một lúc lâu rồi mà tôi vẫn không gặp được bất cứ ai trên đường. 'Mọi người đi tham dự lễ hội ở đâu rồi ư?', tôi không nhớ hôm nay ở thành phố có sự kiện gì đặc biệt. Mà hình như, tôi cũng quên mất hôm nay là ngày bao nhiêu rồi.
Một lúc sau đó, tôi đã đi đến quảng trường. Vốn nơi này ngày nào cũng tấp nập. Buổi sáng thì có nhiều cụ ông cụ bà đến đây tập dưỡng sinh và cho bồ câu ăn. Chiều thì có các đàn anh đàn chị thích lướt ván và các bạn cùng khu đến đây chơi đùa. Đến tối thì vô số các cặp đôi và các gia đình đến đây đi dạo. Những gian hàng lưu động cũng đến đây dừng chân buôn bán, ngày nào cũng tụ họp ở đối diện quảng trường như một cái chợ nhỏ. Có thể nói, nơi này vốn không nên vắng teo như thế này. Đây cũng là nơi thường xuyên xuất hiện lễ hội, nếu mọi người có đi đâu thì cũng đến đây thôi.
Không có mọi người. Không có bồ câu. Cũng không có lễ hội.
Tôi đi về phía mấy gian hàng bên kia đường, định hỏi thăm các cô chú ở đó. Bình thường ngày nào tôi cũng ra đây chơi, hầu như các cô chú buôn bán ở đây đều quen tôi cả, vì tôi cùng một số bạn cùng khu phố là khách hàng thân thiết của họ. Họ thường kể cho tôi nghe những chuyện mà họ biết, mong lần này các cô chú sẽ biết được gì đó đang diễn ra ở đây.
Bước đến sát vỉa hè, tôi dừng chân lại theo thói quen để quan sát xe cộ, rồi giật mình nhận ra vốn chẳng có phương tiện nào di chuyển trên con đường này cả. Con đường là một trong những tuyến đường chính của thành phố, hầu như người dân sống ở đây đều qua lại trên con đường này để đến địa điểm muốn đến. Mười hai năm sống ở đây, hình như đây là lần đầu tiên tôi băng qua con đường này mà không cần chú ý đến xe cộ. Nếu một ngày thường nào đó có thể qua đường nhanh chóng như thế này, tôi mừng đến mức sẽ nhảy chân sáo. Bây giờ thì nhìn con đường vắng teo này mà xem, một chiếc xe ô tô tấp bên lề đường cũng không có, trống trải và trống trải, dường như tôi đang hụt hẫng.
'Hôm nay vẫn là một ngày bình thường mà...' – Tôi tự nghĩ như thế.
Lúc lại gần một gian hàng bán các món ăn vặt chiên đầu, mùi hư thối của thức ăn ập vào khoang mũi khiến tôi hoảng hốt lùi lại vài bước. Không có người đứng bán, cũng không có ánh đèn nào. Thức ăn tẩm sẵn bột được trưng bày trong các tủ kính đã ngập ngụa nấm mốc xanh, dầu trong chảo chiên xám đen và lạnh ngắt, tổng thể cả gian hàng toàn là bụi với bụi. Cứ như gian hàng này đã bị bỏ ở đây từ lâu rồi.
Điều này thật khó tin nổi. Những người bán hàng ở đây đều coi những chiếc xe gian hàng này như sinh mệnh của mình, họ vẫn luôn tươi cười kể với tôi rằng kế sinh nhai của họ đều ở đây. Chuyện gấp gáp cỡ nào mà khiến họ bỏ lại 'sinh mệnh' của mình lại đây chứ? Nhịn xuống sự hoang mang đang dâng trào, đôi chân tôi loạng choạng đi đến các xe kéo khác. Gần mười chỗ bán thức ăn đồ uống đều giống như gian hàng đầu tiên: thực phẩm đều bị hư, bụi bám dày và không có người.
Trong cơn run lẩy bẩy, chẳng rõ do sợ hãi hay do rét lạnh, tôi ngẩng đầu nhìn về tháp đồng hồ ở phía xa. Bình thường đèn led trên bảng điện tử luôn hiển thị thời gian, bây giờ màn hình đen kịt. Tôi không có cách nào nhận biết được thời gian hiện tại là như thế nào.
Mệt mỏi, tôi dừng chân bên đài phun nước, ngồi đờ người trên bục đá, nhìn thế giới xung quanh mình chẳng có dấu hiệu của sự sống nào.
Tôi nghĩ mình đã ngồi lâu thật lâu. Bầu trời mây mù vẫn không chuyển màu, và tôi cũng không chờ được bóng người nào xuất hiện. Trong lúc này, hoang mang trong tôi lại một lần nữa dần lắng xuống, sự trống trải hoá thành sự bình thản, không tiếng động phủ kín cảm xúc hỗn loạn trước đó. Và giờ tôi chỉ cảm thấy chán nản.
Tôi ngẩng đầu nhìn trời, nhìn đến mỏi mắt mới cúi đầu xuống. Rồi nhìn mặt đất, nhìn đến phát chán. Thậm chí một con kiến cũng chẳng ở đây. Tôi đã luôn mong thấy được thứ gì đó chuyển động, nhưng cả gió thổi để cát bay cũng chẳng có. Thế giới này bỗng trở nên thật vô vị. Còn gì để chú ý nữa không?
Sực nhớ ra, tôi mỉm cười, nghiêng người, nhổm đầu nhìn xuống hồ nước, hy vọng mấy con cá ở đây sẽ bơi tới chơi với mình.
Nhưng mấy bé cá đâu chẳng thấy, chỉ thấy mặt nước xuất hiện hình ảnh của thật nhiều người. Người... ư? Cơ thể vừa đen vừa lồi lõm, mắt mũi miệng chảy máu ào ào, những cái bóng in dưới mặt hồ hệt như một đàn xác sống trong một bộ phim chiếu rạp về ngày tận thế. Chúng đứng đông nghẹt, không chừa một kẽ hở nào, trố mắt to thật to gần như muốn rớt cả cầu mắt, nhìn bóng của tôi chằm chằm.
Tôi mở to mắt, hoảng hốt quay lại phía sau.
Chẳng có ai.
Cơ thể tôi cứng đờ và lạnh toát, ngập ngừng trong giây lát rồi liếc mắt nhìn xuống hồ nước lần nữa.
Bóng của tôi vẫn ở đó, đám người như quái vật vẫn ở đó.
Cái nhìn đầu tiên, tôi thấy mấy cái bóng đó rất yên tĩnh. Nhưng khi chạm mắt lần hai, mấy cái bóng đen quái dị dưới nước bắt đầu ngọ nguậy, tôi thấy mấy cánh tay khô gầy kia đang vươn ra như muốn bắt lấy cái bóng của tôi in ở dưới hồ.
Mặt hồ phẳng lặng bất ngờ gợn sóng dù chẳng có gió, những hình ảnh dưới hồ cũng trở nên méo mó. Tôi sợ hãi, nhanh chóng lùi ra xa, rồi quay người cắm đầu chạy ra khỏi quảng trường.
'Cái gì vậy? Cái gì vậy? Sau lưng mình là cái thứ gì vậy?'
Vừa bịt miệng kìm tiếng hét xuống cổ họng, tôi vừa lao đầu chạy về khu phố nhà mình. Lúc chạy qua một cửa tiệm làm tóc, tôi vô tình nhìn thoáng qua mấy tấm gương trang trí trước cửa tiệm. Thật kinh khủng! Bên kia những tấm gương cũng phản chiếu rất nhiều quái vật. Chúng đứng đầy ở con đường này, đều hướng đầu nhìn về phía tôi với đôi mắt trống rỗng.
Mấy con quái vật kia bắt đầu di chuyển về phía bóng của tôi ở bên kia tấm gương.
Đột ngột, ngay chính diện của các tấm gương đồng loạt xuất hiện một vết lõm trông như bị một cái gì đó đập vào. Từ vết lõm đó, những vết rạn bắt đầu lan rộng ra, và rồi những tấm gương hoá thành vô số mảnh kính, vụn vỡ rơi lả tả.
'Đừng nhìn hình ảnh phản chiếu!'
Tiếng của ai vậy?
Tôi nhắm chặt mắt, lắc đầu để mấy cảnh tượng kinh khủng kia bay khỏi đầu mình. Tiếp tục chạy thẳng về nhà, tôi chẳng dám nhìn lung tung nữa.
Khu phố nhà tôi vẫn như lúc mới nãy,
chẳng có một ai. Người nhà tôi cũng chưa có ai về.
Tôi dựa vào tường thở dốc, lưng dần trượt xuống và rồi tôi ngồi bẹp luôn dưới đất. Tôi không muốn đi đâu lung tung nữa, thế giới ngoài kia thật đáng sợ. Quyết định như thế, tôi đành ngồi ôm chân, dựa vào cổng chờ người nhà về.
'Mọi người đi đâu thế nhỉ...? Sao lại không dẫn mình theo nhỉ...? Aaa... lạnh quá đi, mọi người về sớm có được không...? Đừng để con một mình chứ...'
Trong lúc suy nghĩ vẩn vơ, bỗng phía sau tôi vang lên những tiếng cười khúc khích. Ban đầu giống như một gã đàn ông đang khục khục cười, rồi lại như tiếng líu ríu của mấy bạn nữ cùng tuổi,... thứ âm thanh như xa như gần cứ văng vẳng bên tai.
Tôi khó hiểu quay đầu lại, rồi giật mình sửng sốt. Lúc này, chẳng hiểu sao tôi lại có thể nhìn được cảnh tượng trong vườn. Những tiếng cười như tạp âm hoá ra là tiếng trò chuyện rôm rả của người nhà. Họ đứng ở bậc thềm trước cửa, cười nói gì đó với nhau. Tôi cảm thấy choáng váng, lắc mạnh đầu cho tỉnh táo. Tay nắm chặt lấy chấn song, tôi nhổm người dựa sát vào cổng, kêu lớn gọi mọi người.
'Cha ơi! Mẹ ơi! Anh Ryan!'
Và rồi tôi nhận ra không có bất cứ âm thanh nào phát ra từ cổ họng mình được.
Họ ở bên đó dường như cũng không để ý đến tôi ở bên này, cứ đắm chìm vào cuộc trò chuyện mà tôi không biết nội dung.
"Đau quá!"
Một cơn đau đột ngột nhói lên từ cánh tay của tôi. Không như lúc bị té ngã hay bị giáo viên khẽ thước vào tay, đây là một cơn đau cả đời này tôi chưa cảm nhận bao giờ. Tôi ôm lấy cánh tay bị đau của mình, bắt đầu mếu máo. Không hiểu vì sao cánh tay lại tự nhiên đau, cũng không hiểu sao tay mình tự nhiên sưng vù lên, hình như còn bị quẹo nữa. Đau! Thật đau quá!
Tuyết bắt đầu rơi.
Cơn đau làm tôi quên mất cái rét, điều này khiến tôi rất bức bối khó chịu.
Tôi nức nở, tiếp tục gọi ba người bên kia cánh cổng với âm thanh trống rỗng. Họ vẫn không để ý đến tôi, tiếp tục đứng nói chuyện trong màn mưa tuyết. Cơn đau âm ỉ cứ như đã được ủ lâu ngày, càng lúc càng lan rộng. Tôi không chịu nổi nữa. Thật đau. Tôi ngã ngồi trên đất, dựa vào cánh cổng ôm cánh tay bị đay nghiến. Và rồi, tôi oà lên khóc. Vừa khóc vừa tiếp tục gọi họ...
...
Tuyết sắp che lấp tôi rồi.
Đã bao lâu rồi? Một tiếng, hai tiếng,...? Nửa ngày hay đã một ngày...? Sắc trời chưa bao giờ thay đổi, vẫn cứ mãi ảm đạm một màu. Tôi không thể nào nhận biết thời gian được nữa. Tê cóng cùng nhức nhói cứ đan xen vào nhau. Tôi chẳng còn sức kêu gào nữa, tựa đầu lên chấn song, mở to mắt nhìn ba người bên kia cánh cổng vẫn đang đứng bên thềm cười nói ríu rít.
Bao giờ chuyện này mới chấm dứt vậy?
Thật ra từ ban nãy, đáng ra tôi không nên tốn sức vì mấy giọt nước mắt và tiếng gọi của chính mình. Tôi nên chạy đi tìm ai đó còn tồn tại trên thế giới này để cầu cứu, hoặc là làm mấy cái ám hiệu nào đó rồi ném qua cổng. Nhưng rồi tôi đã không làm vậy. Tôi đã nhận ra những việc đáng ra mình nên làm sớm hơn, và tôi đã không làm gì cả. Cứ khóc rồi kêu vô vọng, lặp đi lặp lại, cho đến khi chẳng còn chút sức lực nào, ngồi thừ cả người ra nhìn gia đình và mình bị ngăn cách.
Thời gian dần trôi, hoặc nó vốn chưa hề trôi, tuyết trên người tôi càng nhiều. Tôi không chịu được sức nặng của tuyết, tư thế ngồi trượt dần, chuyển sang ngã nhào xuống. Cú ngã nhào làm tuyết trên người tôi vỡ vụn, bay tung toé, nhờ thế tôi cảm thấy cơ thể mình nhẹ nhõm hơn hẳn.
Tầm mắt của tôi không thể thấy được ba người kia nữa, đành dịch chuyển nhìn bầu trời đang thả bông tuyết.
Sao tôi lại ở đây nhỉ? Không nhớ nổi.
Quá mệt mỏi, tôi muốn nhắm mắt lại. Nhưng không thể. Dù cơ thể lạnh muốn chết đi được, thế nhưng có một thứ gì cứ mãi rạo rực mãi trong tôi. Thứ đó khiến hơi thở của tôi nóng hổi, hô hấp dồn dập, tim đập rất nhanh, đầu cũng nhức lên liên hồi. Một cơn sốt chăng? Có điều không giống lắm. Bởi đầu óc của tôi hiện giờ tỉnh táo hơn bao giờ hết, tầm mắt cũng không còn mơ hồ nữa. Tôi đảo mắt nhìn Đông, rồi nhìn Tây,... tôi đang tìm kiếm gì đó. Đáng ra, tôi phải thấy một cái gì đó.
Đau đầu quá! Mắt của tôi cũng đột nhiên nhức nhói và nóng bừng như chạm phải ớt cay.
Tay mình đang vươn ra nhận lấy cái gì đó... từ một ai đó.
"Một... bưu phẩm?"
Sực bừng tỉnh, tôi nhìn bàn tay của mình đang vươn lên cao trong vô thức, như muốn chạm vào cái gì đó.
Sợi chỉ đỏ cột trên ngón tay lập loè tia sáng yếu ớt.
Cơn mưa tuyết vốn êm đềm, trong giây phút này, bỗng bầu trời phà thêm những đợt gió mãnh liệt như tiếng rít gào bực tức, tuyết cũng hoá thành những vệt nước sắc bén tạt thẳng vào người tôi như đang muốn trừng phạt tôi. Thốn, nhưng tôi không màng để ý đến những vết thương trên người mình nữa. Gắng gượng cơ thể tàn tạ này ngồi dậy, tôi hung hăng trừng mắt với cái ổ khoá màu đỏ.
Khốn kiếp, dám chơi tao!
***
Hôm nay mưa khá lớn.
Con mèo đen hình như không đem theo ô thì phải, lúc về sẽ ướt nhẹp cho coi.
"Hửm?" – Khoan, hình như 'tôi' lo lắng thừa rồi.
Giờ không giống lúc thời đi học nữa, nó đã đi làm sếp người ta rồi. Có xe chờ sẵn trong tầng hầm đưa đón nó mỗi ngày, một hạt mưa cũng không chạm tới được cái gót giày của nó nữa cơ.
Riết rồi 'tôi' hệt như một người mẹ già, cứ bận tâm tới bận tâm lui những chuyện có khả năng sẽ xảy ra với Shirley. Thói quen này hình thành kể từ khi 'tôi' làm bạn với nó. Quen Shirley một thời gian dài, một người tưởng như hoàn hảo đến thế, 'tôi' nhận ra con mèo đen này cũng mang trong mình một đống tật xấu hết thuốc chữa. Mà những tật xấu nó mắc phải, hầu hết đều là hội chứng phản nghịch của tuổi dậy thì.
Ôi... phản nghịch của tuổi dậy thì! Cụm từ này đặt vào một người sắp hai mươi bảy tuổi đến nơi thì quả thật không phù hợp chút nào. Nhưng đối với con nhỏ bạn thân mến của 'tôi', không hợp thì cũng phải hợp, nó sẵn sàng đạp những điều không hợp ý của nó xuống dưới mồ hết.
"Tớ nghe."
"A?...Ài." – Quên bà nó mất, lỡ gọi điện cho nó rồi.
"Ở nhà có chuyện gì sao, Helly?"
"À không, cũng không có gì quan trọng..." – 'Tôi' cào cào đầu tóc đã xù của mình thành một bớ bòng bong càng thêm hỗn độn, lấp lửng nói: "Tớ định hỏi chút nữa cậu có về không thôi. Tác phẩm của tớ được nhà xuất bản quyết định in thành sách đem ra thị trường đấy! Tối nay tớ định bao cậu một chầu lớn để ăn mừng."
Đầu dây bên kia là một chuỗi trầm mặc kéo dài, hồi lâu sau 'tôi' mới nghe nó 'Hể?' một tiếng như vừa mới hoá đá xong. 'Tôi' réo: "Này! Phản ứng của cậu là thế nào đấy?"
Bên tai 'tôi' vang lên tiếng phụt cười của Shirley: "À, ha! Chúc mừng cậu!"
"Yêu cầu chủ tịch giải trình rõ cho tôi nghe ý nghĩa tiếng cười của cậu."
"Chỉ là, tớ không nghĩ những câu chuyện sâu sắc đánh vào lòng người của cậu lại được nhà xuất bản chấp nhận đấy."
"..." – Nó lại khịa 'tôi'!
Tác phẩm của 'tôi' chỉ là tổng hợp những câu chuyện cổ tích thôi mà! Có điều, ừ, nó không phải dành cho trẻ em thôi. Chỉ vậy thôi!
"Tối nay tớ sẽ về."
"Ồ, may quá!" – 'Tôi' thở phào: "Còn tưởng cậu nói bận, tớ định mua lẩu đến chỗ cậu làm luôn cơ!"
"...Tha cho chỗ làm việc của tớ đi."
"He he! Được rồi! Quyết định vậy đi! Tớ chờ cậu ở chỗ hẹn cũ nhé! Không gặp không về!"
"Rồi, không gặp không về."
Cả hai gác máy.
'Tôi' vui vẻ nhảy chân sáo trở về phòng.
Vừa mở cửa, cả tấn giấy vò giấy phẳng như núi lở lập tức ào ra chôn sống 'tôi'.
"..." – Thật ra, 'tôi' cũng có một vài tật xấu đáng kể.
Giờ chỉ mới có hai giờ chiều, còn quá sớm để đến thời điểm tiệc tùng. Không còn bị deadline dí cho thừa sống thiếu chết nữa, thời gian rảnh rỗi đã có, 'tôi' quyết định xắn tay áo dọn đống hỗn độn do mình bày ra nửa năm nay.
Đừng hiểu nhầm, phòng 'tôi' không có những thứ khó nhìn nào bị làm mờ đâu. Tất cả những chỉ 'tôi' cần dọn là giấy hư và những hũ mực cạn thôi.
Và chúng 'hơi' nhiều, ừm.
Những trang giấy này vốn làm gì có chữ nào đâu. Gọi là bản thảo, nhưng vốn 'tôi' không nháp chữ, mà nháp hình ảnh minh hoạ. Suốt nửa năm nay, 'tôi' ôm luôn đống giấy này làm giường ngủ. Bởi những bức tranh mà 'tôi' vẽ đều bắt nguồn từ những giấc mơ của 'tôi'.
Chúng như những cơn ác mộng.
Những giấc mơ này đã bắt đầu từ rất lâu rồi, khoảng một năm trước khi 'tôi' bắt tay viết chúng thành tác phẩm chẳng giống ai. Bởi vì kéo dài liên miên mỗi đêm, thời gian đó 'tôi' bị mắc chứng căng thẳng trầm trọng, dù có đi bệnh viện cũng không đỡ hẳn. Lúc đó, 'tôi' nghe lời khuyên của Shirley, đừng đè nén trong lòng, nên trút hết những gì mình thấy ra ngoài cho nhẹ bớt. Thế là mấy câu chuyện cổ tích hắc ám của 'tôi' bị trút ra ngoài.
Trút! Không trút thì 'tôi' chết mất! Đêm nào cũng mơ thấy mình thành một đứa trẻ được một người lạ mặt tặng một cái giường thuỷ tinh. Dù không muốn, 'tôi' trong giấc mơ cứ mãi xoay người nằm sấp lại, để rồi thấy một cái xác chết mang gương mặt trắng bệch há miệng cười ú oà với mình.
Hãy vỗ tay khen 'tôi' đi, 'tôi' vẫn chưa bị bức điên thành bệnh nhân tâm thần.
Lạ ở chỗ, trước đó chỉ có một giấc mơ lặp đi lặp lại, sau khi 'tôi' trút giấc mơ ấy thành hình vẽ và những con chữ, lập tức liền có giấc mơ mang nội dung khác tung tăng nhảy vào thế chỗ, cho 'tôi' lên trời ngắm hai cái mặt trăng hai màu rồi để hai con quỷ có cánh xé xác 'tôi'.
Thời gian này, 'tôi' cảm thấy mình thật sự rất bất ổn.
Giấc mơ cứ lặp đi lặp lại một nội dung cho đến khi 'tôi' hoàn thành câu chuyện đó, mà hoàn thành câu chuyện này rồi thì lại nhảy ra câu chuyện khác.
'Tôi' thề, làm tiểu thuyết gia bảy năm nay, chưa bao giờ 'tôi' viết vẽ điên cuồng như thế này. Các tác phẩm trước đó của 'tôi' được tạo ra rất nhàn nhã, lần này phải nói là thời gian để ăn uống 'tôi' cũng chẳng dám bỏ ra. Shirley không ở cạnh nhét đồ ăn thức uống vào mồm 'tôi' thì chắc 'tôi' đã chết đói chết khát từ nửa năm trước rồi.
Một tháng trước, khi hoàn thành xong câu chuyện thứ mười ba, chuỗi ác mộng của 'tôi' chấm dứt.
Những câu chuyện chẳng giống ai được 'tôi' đăng lên trang truyện của mình trên mạng. Chuyện không ngờ là có rất nhiều người tỏ ra hứng thú với chúng. Khi 'tôi' đăng câu chuyện cuối cùng lên, 'tôi' còn chưa biết được chuỗi ác mộng đã kết thúc chưa thì đã xuất hiện những bình luận đầy tiếc nuối và cho rằng nó kết thúc rồi.
'Tôi' cảm thấy kỳ lạ, nhưng cũng nhanh bỏ ra sau đầu. Thoát được là quá tốt, họ tiếc chứ 'tôi' thì không. Dẫu sao 'tôi' cũng không định đem thứ này đi kiếm tiền, các bậc làm cha mẹ sẽ chặn đầu đánh 'tôi' mất.
Và mới sáng nay, cục xuất bản mời 'tôi' đến uống trà. Không thể tin được.
Cứ như những câu chuyện cổ tích hắc ám này bị một thế lực nào đó ép phải tồn tại, buộc phải để nhiều người biết đến nó.
Nhìn trang giấy bỏ mà mình vẽ loạn xạ, 'tôi' cảm thấy lạnh người.
'Tôi' vẽ ra đường ra nét lắm, nhưng khi vẩy màu lên thì đó lại là một câu chuyện tầm cỡ khác. Những bức tranh bùi nhùi mang màu sắc tăm tối. Tự vẽ rồi tự xem lại, 'tôi' cảm thấy muốn trầm cảm.
Đủ rồi! 'Tôi' nhét vò giấy cuối cùng vào bao rác, cột chặt lại. Mười ba bao lớn. 'Tôi' sắp xếp chúng ngoài hành lang, định đến tối thì đem ra ngoài bãi rác. Sau đó lau dọn vài thứ linh tinh nữa thì cũng đến bốn giờ chiều.
Thấy bộ dạng như ma quỷ của mình trong gương, 'tôi' quyết định ném mình vào máy giặt luôn cho sạch nhà.
Trong lúc 'tôi' đang sấy tóc, bên ngoài đột ngột vang lên tiếng chuông cửa.
Shirley về rồi ư? Nhưng bây giờ đâu phải giờ tan làm. Với lại, đây là nhà của chúng 'tôi' mà, nó muốn vào thì vào, bấm chuông làm gì. Hôm nay 'tôi' cũng không có cuộc hẹn nào khác. Nghĩ mãi không ra ai đến vào giờ này, 'tôi' nhìn qua lỗ nhỏ trên cửa.
Một cái mũ đỏ chiếm trọn nửa tầm nhìn.
Người nọ cầm một món hàng trên tay, nhìn đồng phục vàng thì có lẽ là người chuyển phát, nhưng không hiểu sao 'tôi' thấy cái gì đó lạ lắm. Cái mũ? Bàn tay đen xì, phồng rộp, lúc nhúc giòi bọ?
"..." – 'Tôi' vừa mới thấy cái gì thế?
Dời mắt một lúc, 'tôi' xoa mắt rồi xoa thái dương, áp những nghi hoặc xuống đáy lòng rồi ngó qua lỗ nhìn lần nữa.
Không có gì lạ cả.
Việc 'tôi' thường xuyên gặp ảo giác không phải điều hiếm hoi gì. Kể từ khi những giấc mơ kia bắt đầu, những hình ảnh mà lần đầu tiên 'tôi' chạm mắt bỗng trở nên không đáng tin nữa. Liếc thoáng qua liền bắt gặp một cảnh tượng quái dị nào đó, khi chớp mắt hoặc ngoảnh lại nhìn lần nữa, cảnh tượng ấy nhìn rất đỗi bình thường. Bác sĩ điều trị tâm lý lúc đó không giải thoát được cho 'tôi' khỏi những giấc mơ kia, cũng không làm gì được với việc 'tôi' thường xuyên gặp ảo giác. Lúc đó 'tôi' vượt qua mọi chuyện bằng cách nào nhỉ?
À, giải toả áp lực qua mấy bức vẽ đó.
"Ai đó?" – Hỏi xong thì 'tôi' liền ngớ ra. Đã thấy người ta là nhân viên chuyển phát rồi, sao mình còn hỏi một câu đề phòng nặng như vậy nhỉ?
"Xin lỗi đã làm phiền, cô có bưu phẩm ạ."
'Tôi' nhíu mày, nhìn gắt gao: "Phiền anh giơ thẻ nhân viên cho tôi xem, được chứ?"
Cái thẻ đầy đủ thông tin được đưa đến gần lỗ nhìn.
Thời gian này có chuyện chụp ảnh thẻ mà được đội mũ à? Tôi ủ trong nhà nửa năm mà thế giới đã thay đổi nhiều đến vậy sao? Con dấu đỏ kia đúng là của giám đốc của công ty chuyển phát.
Xem kỹ xong, 'tôi' mới mở cửa ra.
"Xin lỗi, tôi đa nghi quá!" – 'Tôi' cười áy náy, nhìn người đàn ông cao gần cái cửa trên hai mét của nhà mình.
"Không sao, là do cái mũ của tôi đúng không? Ai thấy nó cũng không nghĩ tôi là nhân viên chuyển phát đâu."
"Quả đúng thật đấy! Áo nhân viên màu vàng và cái mũ màu đỏ, lạ thật đấy! Tôi nhớ công ty của các anh có quy định kiểu mũ đội khi làm việc mà, anh đội như vầy không sợ bị sếp rầy sao?"
Người nọ cười: "Vì một số lý do đặc biệt nên tôi không thể rời xa chiếc mũ này được. Sếp cũng duyệt cho tôi rồi."
"Ôi, ông sếp tuyệt thế! Mà này, anh không mặc áo mưa sao? Ướt nhẹp hết rồi kìa. Ổn chứ?"
Không phải ướt nhẹp kiểu ẩm ẩm đâu. Trang phục và làn da đều lách tách rơi xuống những giọt nước. Hạt to, rơi đều đặn không lỡ giây nào. Trong mắt 'tôi', cứ như anh ta sắp tan thành nước vậy.
"Không sao, cô đừng lo. Món hàng này được để trong thùng di chuyển, tới tầng hầm dưới xe tôi mới lấy ra. Đảm bảo không hư hỏng gì đâu."
"Vậy à. Chờ tôi một chút nhé!"
'Tôi' trở lại vào trong nhà lấy con dấu, tiện tay lấy thêm một cái khăn lông ra luôn: "Lau một chút đi, nếu không sẽ cảm đấy. Như vậy sẽ không đi làm được đâu."
Hình như đối phương vừa giật thót lên thì phải.
"Cảm ơn... Tiểu thư tốt bụng." – Người này chậm chạp nhận lấy chiếc khăn, nhưng không lau ngay.
Nghe xong câu nói của anh ta, 'tôi' bật cười: "Trời ạ, đừng gọi tôi là tiểu thư chứ! Tôi là dân thường của dân thường đấy! Ngại chết đi được!"
"Vốn là như thế mà."
Vốn là như thế tức là sao nhỉ? 'Tôi' cười khẽ, lúng túng: "Mà này, chúng ta có gặp mặt bao giờ chưa nhỉ?"
"...Có sao? Tôi từng giao hàng cho cô chăng?"
"Ây dà, có lẽ vậy. Tôi có cảm giác đã gặp anh ở đâu đó..."
"Có lẽ lúc trong lúc cô viết truyện tôi đã từng đến đây giao hàng cho cô đấy."
"Ha ha, quả thật mỗi lần đặt bút thì tôi chẳng quan tâm gì đến xung quanh cả. Được rồi, không làm mất thời gian làm việc của anh nữa, để tôi!"
"Cô đóng dấu vào ô này nhé!"
'Tôi' đóng dấu lên cái phiếu và nhận lấy món hàng. "Ủa?" – Không có tên người gửi? - "Anh ơi?"
Người nhân viên chuyển phát đã biến mất.
'Tôi' ngó đầu ra khỏi cửa, nhìn trái rồi nhìn phải, không có bóng dáng nào cả.
Ớ, khăn của 'tôi'? Anh ta đem đi luôn rồi? 'Tôi' tặc lưỡi, cũng chỉ là một cái khăn dự phòng được giảm giá, không có vấn đề.
Chợt, 'tôi' cúi đầu, nhìn vị trí mà anh ta đứng nãy giờ. Thật là lạ, cơ thể anh ta ướt như vừa lội nước như thế, đứng tại chỗ cũng được một lúc mà chẳng có hạt nước nào đọng lại trên nền đất cả. Lối đi từ hai phía cũng khô ráo, chẳng có dấu giày nào. Không lẽ không khí hanh nóng nên nước bốc hơi nhanh ư? Khó hiểu rồi cào đầu, 'tôi' vào nhà đóng cửa. Bỗng, 'tôi' ngẩng đầu đối diện với cái cửa nhà mình, tầm mắt quan sát từ trên xuống dưới rồi dừng lại ở lỗ nhìn. Với vị trí này của cái lỗ, sao 'tôi' lại nhìn được tới chiếc mũ đỏ kia nhỉ?
Trông gà hoá cuốc ư? Không, có lẽ lúc đó anh ta đang khom người.
Hừm... anh ta còn biết 'tôi' viết truyện luôn cơ đấy.
Mang theo một đống suy nghĩ vẩn vơ, 'tôi' trở vào phòng khách khui đồ.
Bưu phẩm 'tôi' được nhận cũng không phải được đóng hộp, 'tôi' không lo nó chứa mấy thứ máu me trong phim kinh dị. Nó dẹt và phồng, có thể bẻ cong, cứ như là... một tập giấy dày?
Trước tiên 'tôi' chụp bề ngoài của nó, sau đó mới dùng kéo cắt băng keo và tháo bọc ni lông bên ngoài ra. Quả nhiên 'tôi' không có cảm giác nhầm, bên trong là một tập tài liệu.
Bìa giấy dày bọc bên ngoài là màu đen, một chuỗi mã méo xệ to đùng màu đỏ:
'11/23/06-666/MK-000-T-77A'.
"..." – Trùng hợp ư? 'Tôi' xoa mắt, rồi nhìn chuỗi mã này lần nữa.
Lần này không phải ảo giác.
'MK-000-T-77A' – theo nguyên tắc sắp xếp được quy định, bốn cụm này lần lượt tương ứng với quốc gia, mã khu vực đô thị, ký tự viết tắt của thành phố và địa chỉ nhà. Không nhầm được, đây chắc chắn là địa chỉ nhà cũ của 'tôi'. Địa chỉ này đã khảm vào sâu trong não 'tôi', nó là một sự hiện diện dù đã bị cả thế giới quên lãng nhưng 'tôi' tuyệt đối không bao giờ quên được.
Sâu thẳm trong 'tôi', ký ức về biển lửa tưởng đã được che lấp, nay lại vì thứ trước mặt mà bùng lên lần nữa.
Là ai, gửi cái này đến với mục đích gì? Đám họ hàng ôn dịch kia sao? Mấy năm trước bị 'tôi' đá vào chuồng gà mà bây giờ còn dám đến đây lúc lắc trước mặt 'tôi' ư?
'Tôi' híp mắt nhìn tập tài liệu vô danh trước mặt, lưỡng lự một hồi rồi quyết định. Bàn tay 'tôi' không hiểu sao có chút run rẩy, từ từ rút những sấp giấy ở bên trong ra.
Nhưng đã có mấy tấm ảnh vô tình rơi ra trước.
'Tôi' chán nản cái sự hấp tấp của mình, vội cúi người nhặt lấy mấy tấm ảnh.
Ngôi biệt thự năm đó của gia đình 'tôi', thật không thể tin được, nó đang hiện diện một cách trọn vẹn qua những tấm ảnh này.
'Tôi' sửng sốt, nhìn chằm chằm mấy bức ảnh trên tay, rồi vội nhìn những tấm khác Chỗ này, chỗ này, và chỗ này nữa, thật nhớ làm sao.
Tầm nhìn của 'tôi' dần nhoè đi, những hạt nước lăn ra khỏi khoé mắt, rơi tí tách trên những bức ảnh.
Ngọn lửa năm đó không chừa lại bức ảnh nào, kiến trúc cũng bị phá tanh bành thành tro bụi. Tưởng như chỉ có thể khắc những hình ảnh đó ở góc ký ức, không ngờ có ngày 'tôi' lại được nhìn thấy nó bằng mắt lần nữa, mặc dù chỉ là qua mấy bức ảnh.
Đã bao lâu rồi, 'tôi' không được nhìn lại căn nhà ấm áp của gia đình mình? Hơn mười năm rồi, đã qua lâu lắm rồi.
'Tôi' nhanh chóng trấn tỉnh lại, lau nước mắt và tiếp tục nhìn chằm chằm mấy bức ảnh.
Vì sao người gửi lại có ảnh chụp của biệt thự nhà 'tôi'? Góc nào của biệt thự cũng có, ngoài vườn hay hành lang trong nhà đều có, ngay cả nhà vệ sinh cũng không buông tha. Người chụp cứ như đã có mặt ở mọi nơi. Kỳ lạ là, toàn bộ ảnh đều chụp vào buổi tối.
Ai ở trong nhà 'tôi' vào ban đêm và đi chụp ảnh như vậy? Trước giờ gia đình 'tôi' có cho ai ở qua đêm đâu, bạn bè thân nhất của cha mẹ và anh Ryan cũng không. Có nhậu thâu đêm thì đến khi tiệc tàn cũng liền mời về.
Có một tấm ảnh như được chụp ở trên cao. Mọi nhà trong khu phố đều tắt đèn, cả đèn đường cũng như chết điện. Thứ toả sáng trong bức ảnh này là trăng tròn trên bầu trời và ánh đèn led của tháp đồng hồ ở phía xa. Thật may, tháp đồng hồ chạy bằng điện tử này không chỉ hiển thị giờ mà còn hiển thị ngày tháng năm. Nhìn bằng mắt thường thì không thấy rõ lắm, 'tôi' lấy kính lúp trong hộc bàn ra, nhất quyết soi cho bằng được.
Hai mươi hai giờ ba mươi phút... Thứ 6... ngày 23... tháng 11... năm...
"Hả?" – Thời gian này... không thể nào?
'Tôi' soi kỹ lại lần nữa.
Soi đi soi lại, đáp án duy nhất vẫn như thế.
Tay chân 'tôi' bủn rủn, kính lúp trên tay cũng đánh rơi.
"Đây... là thời điểm năm đó, một tiếng trước khi xảy ra hoả hoạn!"
'Tôi' vội lật xem những tấm khác, rồi đổ toàn bộ tài liệu ra ngoài để xem thêm mấy bức ảnh. Toàn là chụp ảnh về biệt thự. Điểm chung của tất cả những bức ảnh này là đều được chụp vào ban đêm, không có bóng người, không có ánh sáng nào khác ngoài Mặt Trăng và đèn led phát ra từ tháp đồng hồ. Nghĩ đi nghĩ lại, 'tôi' không hiểu được mục đích của kẻ chụp ảnh là gì, nhưng 'tôi' chắc chắn kẻ này cố tình chụp theo một khuôn khổ được định ra.
Cố tình chụp ảnh, cố tình chụp vào thời điểm đó, cố tình chụp theo khuôn khổ, cố tình gửi ảnh cho 'tôi'.
Hiện giờ, 'tôi' đang hình dung đến một tên tội phạm có sở thích chụp lại khoảng khắc yên bình của mục tiêu trước khi gây hoạ.
Hơn mười năm qua, 'tôi' đã luôn cho rằng hoả hoạn năm đó chỉ là sự cố. Nhưng nếu thật sự có kẻ nhúng tay vào sự cố này, 'tôi' chắc chắn sẽ cho hắn thấy 'tôi' mà làm tội phạm thì còn khủng khiếp hơn cả hắn.
"A, được rồi, bình tĩnh nào!"
Nhìn kỹ lại mấy bức ảnh, chợt 'tôi' cảm thấy mấy bức ảnh này có gì đó không đúng lắm.
Có cảm giác có thứ gì đó hơi thừa thải.
Nhăn nhó một hồi vẫn không tài nào nhớ ra, 'tôi' quyết định mở máy tính, chần chừ một lúc rồi cắn răng, nhấp vào thanh tìm kiếm, gõ mốc thời gian.
Nghĩ lại thì, 'tôi' chưa bao giờ lên internet xem lại những thông tin của thời điểm đó cả.
Đứng đầu kết quả tìm kiếm không phải liên quan đến hoả hoạn, mà hiển thị lịch điện tử của mốc thời gian đó.
Tháng 11 ngày 23, Trăng Non.
"Trăng Non...?"
Là Trăng Non! Thứ thừa thải chính là ông trăng tròn như bánh trung thu kia! Cả cái đèn led của bảng điện tử kia nữa!
Buổi tối ngày hôm ấy 'tôi' đã lên giường ngủ rất sớm, vì tối đó bỗng nhiên cả thành phố cúp điện. Trước khi ngủ, 'tôi' tò mò hỏi người cha quá cố một câu: 'Vì sao hôm nay Mặt Trăng không xuất hiện vậy ạ?'
Cha 'tôi' ngồi trong bóng tối đã cất tiếng than thở: 'Làm sao Mặt Trăng có thể xuất hiện được?'
Bởi vì...
"Mặt Trăng làm gì có tồn tại ở thế giới này." – 'Tôi' che miệng, lẩm bẩm.
Câu đó của cha là có ý gì?
Mặt Trăng không tồn tại, vậy thứ 'tôi' ngắm mỗi năm lúc ăn bánh trung thu là cái gì?
Ngày Trăng Non, còn bị cúp điện toàn thành phố. Sự hiện diện của Mặt Trăng và ánh đèn led từ tháp đồng hồ trong mấy bức ảnh là điều quá vô lý.
'Tôi' cảm thấy đau đầu, nâng tay xoa thái dương. Lại nhìn sang mấy bức ảnh, cảm thấy đầu càng nhức nhói hơn.
Mẹ kiếp, dám photoshop lừa bà đây!
Tức điên người, 'tôi' ném mấy bức ảnh vào thùng rác, chộp lấy mớ giấy chung trong phong bì ném nốt luôn. Đột ngột, trong phong bì rơi ra một băng video.
Vốn định ném nó vào thùng rác luôn, nhưng dòng chữ trên bọc nhựa đã thành công ngăn bàn tay nóng tính của 'tôi' lại.
'Xem đi rồi có hối hận hay không nhé!'
"..." – 'Tôi' sẽ không lộ ra biểu cảm tức điên khi bị khiêu khích đâu.
Cũng may đầu đĩa ở nhà nhét vừa cỡ băng video này.
Màn hình tivi nhiễu sóng, phát ra tiếng xì xì khoảng một phút, sau đó hiện lên một khung cảnh đen trắng im ắng. Máy quay được lắp ở cửa chính, quay được chính diện toàn bộ lối đi dẫn ra một cánh cổng, hàng rào cùng vườn hoa ở hai bên cũng lọt vào góc quay. Thiết kế của cánh cổng đó và hai con gấu đá trang trí hai bên trụ cổng không hề khiến 'tôi' lạ lẫm.
Ừ, cổng nhà 'tôi' mà.
Thời điểm đó, đúng là trước cửa chính có lắp camera hướng ra cổng. Thế quái nào kẻ này lại có được cảnh ghi hình trong khi cả biệt thự đều cháy rụi?
Hoặc là mọi khung cảnh đó đều được mô phỏng lại, hoặc chúng là thật.
Nếu là mô phỏng thì cũng thật kỳ quái. Mọi chi tiết của biệt thự đều hoàn hảo giống như thật, chỉ là tự nhiên lòi ra cái Mặt Trăng với cái bảng đèn led thôi.
Mốc thời gian ở góc màn hình, quả nhiên y hệt mấy bức ảnh kia, có điều lúc này là hai mươi mốt giờ năm phút.
"...Điêu!" – Tối hôm đó cúp điện, thế quái camera trước cửa còn hoạt động được cơ chứ?!
Tự rót cho mình tách trà sữa, 'tôi' gác chân, chống mắt lên xem thứ này cắt ghép quay cái gì.
Ba phút trôi qua, chẳng có gì xuất hiện.
Năm phút trôi qua, cũng chẳng có gì xuất hiện.
"..." – 'Tôi' đúng là điên rồi mới tiếp tục đi tin cái bưu phẩm lừa đảo này.
Phút thứ mười ba, 'tôi' hết kiên nhẫn, định nhấn nút tắt máy. Màn hình lại nhiễu sóng, chập chờn một lúc rồi trở lại như cũ.
"..." – Rất tiếc, 'tôi' không có ý định đem nó đi bảo trì. 'Tôi' sẽ ném nó vào thùng rác.
Khung cảnh trên màn hình chợt động. 'Tôi' nhíu mày, nhìn chằm chằm màn hình. Có một bóng đen đang lấp ló ngoài cổng. 'Tôi' nhấn nút tua lại vài giây.
Cái bóng đó không phải đi từ bên nào qua, vì trước đó hàng rào hai bên không có bóng người nào lướt qua. Nhìn không giống vừa đi từ bên kia đường sang đây, nếu như vậy thì cái bóng phải từ từ lớn dần lên. Đằng này là đột ngột chình ình xuất hiện ở đó. Nó nghiêng ngả mấy lần, rồi đứng im giữa cổng, một thời gian không có động tác gì.
"Hay là bóng cây in lên?" – Tự phán đoán, rồi 'tôi' lại tự bác bỏ. Đó chắc chắn là bóng người!
Góc video lại chạy thêm một phút nữa nhưng cái bóng đó vẫn im lìm, 'tôi' nhấn nút tua. Tua qua ba mươi phút, cái bóng kia mới bắt đầu cử động. Nó đi về phía bên trái, 'tôi' mong chờ nó đi ngang qua hàng rào để thấy rõ mặt, nhưng chờ mãi không thấy nó lướt qua.
"Hể, núp ở chỗ trụ cổng à?"
Qua năm giây, cái bóng đó lại di chuyển về phía bên phải, không thấy đi ngang qua hàng rào, tức là nó lại dừng chân ở trụ cổng.
Và sau một hồi quan sát, 'tôi' thấy cái bóng này di chuyển rất đều đặn. Cứ năm giây lại chuyển chỗ đứng, từ trụ cổng trái qua trụ cổng phải rồi ngược lại, cứ như thế đi mãi tựa như không biết mệt.
'Tôi' lại tua với nhịp tim đang gia tốc.
Phút thứ năm mươi hai, cái bóng đó dừng hẳn ở trụ cổng bên trái, không di chuyển nữa.
Khung cảnh như trở về những giây phút đầu tiên.
'Tôi' còn định nhấn nút tua tiếp, thì thấy cánh cổng trên màn hình đang chậm rãi mở ra. Không có ai đứng giữa cổng, nhưng cổng lại mở đều hai bên, còn là mở toang ra nữa chứ.
"Cổng nhà mình hồi đó đâu phải cổng tự động đâu ta?" – 'Tôi' chớp mắt nhìn chằm cái cổng trên màn hình.
Bên ngoài cánh cổng là một màu đen kịt.
Chợt 'tôi' nghĩ, không lẽ có đứa nào đam mê làm phim kinh dị, muốn mượn bối cảnh năm đó của nhà 'tôi', làm xong rồi thì gửi qua cho 'tôi' xem?
Nếu đây là thật thì bà đây sẽ ném cả rổ lựu đạn vào sân nhà mày!
Tức giận là thế, nhưng 'tôi' cũng đang trông chờ có một cái đầu ló ra. Chờ xem nó có khiến 'tôi' cảm thấy kinh ngạc đến mức phun trà sữa hay không.
Kinh nghiệm xem phim kinh dị của 'tôi' quả là dư thừa. Đúng như mong đợi, khoảng mười giây sau, có một cái đầu ló từ trụ cổng bên trái ra.
"Khụ!"
Phun đống trà sữa trong miệng ra, và rồi ho sặc sụa, 'tôi' hoảng hốt che miệng, nhìn cái đầu vừa ló ra trên màn hình.
"...Lựu đạn!"
Cái này đâu phải sợ đến kinh ngạc! Đây rõ ràng khiến người xem là 'tôi' đây phải hoảng đến kinh hoàng!
Người nọ ló cái đầu ra trước, rồi chậm rãi đi ra khỏi trụ cổng, đứng ngay giữa cổng như lúc vừa xuất hiện. Sau đó, từng bước chậm chạp tiến về phía máy quay.
"Không... thể nào..."
Ban đầu 'tôi' còn cho rằng mình trông gà hoá cuốc, nhưng khi bóng người kia càng đến gần, gương mặt dần hiện rõ kia như tát vào mặt 'tôi' mấy cái.
Năm 'tôi' mười hai tuổi, máy quay trước cửa nhà đã quay được cảnh tượng: một Shirley trưởng thành đang bước qua cổng nhà của 'tôi'.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro