
Tâm bảo
Joshua là một đứa trẻ kháu khỉnh. Nhưng vì mẹ sinh Joshua khó khăn hơn các anh chị khác trong nhà, cái tên mỹ miều Paulownia đã được để dành cho cô em gái sinh sau nó mấy ngày. Nó đã nhận cái tên Joshua trong những tiếng thở phào đầy an tâm rằng thằng bé sẽ không báo hiệu cho một tai ương nào đó nếu mẹ nó tiếp tục gặp khó khăn khi sinh nó ra, hoặc sau khi nó chào đời. Joshua theo chú và dì, những người hứa hẹn là yêu thương nó hết mực, tới Việt Nam, sinh sống và học trong một khoảng thời gian, khi kinh tế gia đình đang gặp khó khăn. Rời xa nước Mỹ bận rộn, Joshua về một trường ở nông thôn tại Việt Nam, trong khi đó chú và dì nó nghiên cứu và phát triển một số hạt lúa lai giống với một người bạn ở Việt Nam mà họ gặp tại đại học ở Mỹ. Joshua đã được học tiếng Việt, nhưng rất bập bẹ, so với cái tiếng mẹ đẻ mà người Mỹ và dòng máu Mỹ trao gửi trong nó, tiếng Việt là một bầu trời mới, sáng trong và thật đáng để chinh phục. Joshua mở to đôi mắt đã hơi ngấn lệ sau tiết học tiếng Việt ở Việt Nam, mấy tháng trước khi trường khai giảng. Nó bị thầy giáo, người là giáo viên tình nguyện làm việc tại đây, cho đứng úp mặt vào tường và đọc cho thuộc bảng chữ cái tiếng Việt, cái mà nó đã học ba tuần rồi vẫn chưa nhớ.
- Joshua, did I tell you that you need to talk to your neighbours to practise your Vietnamese? - Thầy giáo ngồi xổm bên cạnh Joshua, dáng hình bé tí đang quay mặt vào tường và tự kiểm điểm bản thân đầy hối lỗi.
[Dịch: Joshua, thầy đã nói rằng em nên chào hỏi những người hàng xóm của mình để có thể luyện tập tiếng Việt hay chưa?]
- Yes, sir, you did tell me about that - Joshua trả lời trong khi trán thằng bé vẫn đang tì đến mức dính vào cái tường lát gỗ.
[Dịch: Vâng, thầy đã nói với em chuyện đó.]
- Then why didn't you just act according to my advice? - Người thầy trẻ chống tay lên cằm, tỏ vẻ rất buồn rầu và có đôi phần thất vọng.
[Dịch: Thế vậy sao Joshua không làm theo lời dạy của thầy?]
- I apologize, I'll do better next time - Chưa gì đã cuống quýt hết cả lên, Joshua là một đứa bé sống rất cảm xúc, nó rất sợ thầy buồn.
[Dịch: Em xin lỗi, lần sau em sẽ làm tốt hơn.]
Cuối cùng, thầy giáo đã tha cho Joshua, và đưa cậu về nhà, vì người bảo hộ của Joshua, là chú và dì, đã nhắn tin rằng họ có thể tới đón cậu bé muộn, và thầy đề nghị đưa em về nhà, họ đồng ý tắp lự. Joshua ngồi trên con xe lóc cóc của thầy, băng qua những con đường mòn bé xíu, khi mà mông cậu ê ẩm đau vì sỏi đá và con đường không bằng phẳng khiến chiếc xe đạp không thể chạy êm ru. Nhưng bù lại, ở đây rộng lắm, Joshua nghĩ rằng những cánh ruộng ở đây có thể rộng lớn như cả một cái bang California vậy. Chúng trải dài và nối tiếp nhau trải dài, cùng một màu xanh ngả vàng, thầy giáo bảo đó là gần đến mùa vụ, người ta sẽ "harvest*" chúng, như cách mà những người nông dân Mỹ thu hoạch cà chua, hay ngô và bông sợi. Joshua ù ù cạc cạc nhớ tới những hình ảnh tương tự mình đã thấy ở quê nhà. Joshua thấy những người mặc áo sơ mi, cái quần kẻ ô vuông và đeo những đôi ủng cao su dính đầy bùn đất, vác trên vai những dụng cụ rất lạ mắt, giáng những bước đi đầy ngạo nghễ lên con đường dài không người, Joshua thấy sởn da gà. Cơn gió thổi qua và mái tóc khác màu của một cậu bé da trắng ánh lên thật nổi bật, mũ cối mà thầy đội cho cậu bật ra sau, Joshua thấy được bừng bừng những tia nắng xinh đẹp đang len lỏi qua cái bóng đang động của hai thầy trò, và nhảy nhót bên cầu vai của chiếc áo sơ mi màu xanh lá mạ mà thầy mặc. Cả một vùng trời Việt Nam rộng và lớn mở ra trước mắt cậu bé, nước Việt không hề nhỏ như cậu đã thấy trên bản đồ thế giới. Nó rộng và lớn lắm, Joshua cảm giác người ở hiệu sách đã bán một tấm bản đồ đểu rồi.
[*Từ "harvest" là từ mà thầy giáo nói với Joshua để cậu bé hiểu theo nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ của mình, vì căn bản Joshua không biết từ "thu hoạch" trong tiếng Việt.]
Một cơn gió mạnh lần nữa thổi qua, cái mũ cối sau lưng Joshua hơi động. Cậu bé người Mỹ bấu chặt lấy vạt áo ở eo thầy giáo, chân quặp vào phần khung xe đạp, như sợ cơn gió này sẽ thổi mình đi mất. "Don't worry, if you fell, I would save you!", thầy trấn an nó.
[Dịch: Đừng lo, nếu em ngã, thầy sẽ đỡ em!]
Joshua cảm thấy như có thầy giáo, mình sẽ không sợ gì sất!
Nhưng choáng thật, mới đây đã đến ngày tựu trường rồi. Joshua đã được chú và dì sắm sửa cho bộ đồng phục để đi học, nói là đồng phục, thực ra ở đây chúng nó chỉ quàng khăn đi học thôi, khăn gì mà rất phong cách, màu đỏ rất nổi, như màu của siêu anh hùng vậy, lại còn quàng rất có quy tắc, phải gấp vào, gấp đẹp, thì quàng lên mới đẹp. Học sinh nom rất tự hào với cái khăn ấy, chúng quàng cho nhau và đặt tay lên trái tim, ưỡn ngực đứng thẳng, như một nghi thức trang trọng nào đó trước khi hát, hát một bài hát nào đó Joshua nghe rất lạ, nhưng các bạn thì thi nhau xem ai hát to và hay hơn. Joshua xin thầy dạy cho em bài hát ấy, để đến lớp có thể thi với chúng bạn. Và thầy giáo đã rất tự tin rằng bản thân đã cho Joshua một cái vốn vừa đủ để cậu không tụt lại so với bạn bè và không quá tự mãn về bản thân mà bỏ bê việc học tiếng Việt. Thầy là giáo viên chủ nhiệm lớp của Joshua.
- Hey, Joshua, đoạn đầu tiên thì hát thật chậm thôi, okay, make it slow, but loud enough so that others can listen to you. Nghe thầy hát này, listen to me, "Đoàn quân Việt Nam đi..."
[Dịch: Này, Joshua, đoạn đầu tiên thì hát chậm thôi, được chứ, chậm rãi, nhưng cũng phải to để người khác nghe thấy em hát. Nghe thầy hát này, nghe thầy, "Đoàn quân Việt Nam đi..."]
- Nhưng đoạn này con phải hát nhanh, nhanh hơn, okay? "Cùng nhau ta đi lên theo bước Đoàn thanh niên đi lên", tưởng tượng như con đang đi vậy, theo bước chân của con, thì nhịp của nó cũng như thế - Thầy giáo vừa nói vừa thể hiện bằng động tác để cậu bé hiểu.
Joshua gật gật và làm theo. Chất giọng thuần Mỹ của em cố gắng tròn trịa từng chữ tiếng Việt khiến người thầy ngẩn ra, chìm vào trong tiếng hát ngây ngô ấy. Nhìn em, thầy nhớ về người bà từ thưở nhỏ, người mất đi nửa cơ thể như là di chứng sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nghe tiếng hát trong veo của em cất lên, khi ánh mặt trời cuối ngày in bóng hai thầy trò, thầy cảm thấy chua xót biết bao, em chẳng hề có tội tình gì, em chỉ là một cậu bé, và có chăng thế giới này hòa bình...? Ấy là điều trở đi trở lại trong thầy như một căn bệnh thuộc về thân tâm, một tâm bệnh bén rễ thâm căn cố đế trong thầy từ khi nhìn thấy bà bị tai biến, và thầy, chẳng hi vọng gì ngoài bản thân, với khả năng bồi dưỡng những đứa trẻ từ những vùng đất hoang vu để lại sau chiến tranh, và cho chúng hi vọng về một tương lai mới, nơi những gì đau thương cùng cực nhất liên quan tới hai chữ "chiến tranh" sẽ không còn dám bén mảng tới gần cuộc sống của các em nữa. Càng nghĩ, thầy càng như lạc vào nhịp bài Tiến quân ca, đứa trẻ người Mỹ cứ như thế, giữa bạt ngàn sắc màu của cánh đồng vàng mùa lúa chín nước Việt, hát vang khúc hùng ca của cả một dân tộc mà đất nước này đang bao bọc. Thầy chưa từng hết yêu nước cũng chưa từng vơi đi nỗi niềm đau đáu về tương lai của những đứa trẻ trong tay thầy, nếu không có thầy, liệu có người khác không? Hẳn là có rồi, rất nhiều, nhưng thầy không muốn thoái thác trách nhiệm mà thầy đã xung phong để nhận. Người thầy trẻ tuổi trầm ngâm rất lâu, đôi mắt đã lóng lánh nước mắt, thứ lệ của tâm bệnh. "Tiến lên, cùng tiến lên", đứa trẻ đã hát đến ấy, thầy cũng không kiềm lòng được nữa, gục đầu xuống gối, rấm rứt chảy nước mắt.
"Sao thầy lài kóc? Con hát sai ả?", Joshua giật mình, ngập ngừng với tiếng Việt, cậu bé cuống quýt dùng vòng tay nhỏ trắng trẻo ôm lấy đầu thầy vào lòng, vuốt vuốt mái tóc cắt cụt của thầy, mặc dù nó đứng thẳng cũng chỉ cao bằng thầy ngồi thôi. Em cúi xuống thơm lên mái đầu thầy, như em thấy hàng xóm hay làm với những đứa trẻ của họ. Chú và dì Joshua đã làm thế với em ngay khi biết được, "thơm" mà người Việt làm là để thể hiện tình yêu thương. "Không", thầy ngẩng lên, lắc đầu, "Joshua hát rất hay, con giỏi lắm!". Như để đáp lại, thầy cũng thơm lên trán em, thầy rất tự hào về Joshua. Đứa trẻ người Mỹ như đã xem thầy là một người anh.
Ngày mai khai giảng, thầy đã đèo Joshua trên con xe đạp lóc cóc khắp các nhà trong xóm, để ra mắt vị khách nhỏ và để Joshua có thể kết bạn trước khi em đến trường. Joshua em được mọi người chào đón rất nồng hậu, không chỉ chào em bằng tiếng Mỹ, "Hê lô hao a diu, am phai thanh kiu en diu", mà còn đãi em rất nhiều đồ ăn ngon. Joshua được cho rất nhiều thức quà, nào là kẹo lạc, nào là bánh vừng, cái bánh đa giòn giòn ăn rất lạt miệng nhưng cũng rất hay hay khi chấm với cái sốt me chua lét nữa. Joshua chưa từng được ăn những thứ này khi còn ở quê nhà, cơ bản chỉ có đồ ngọt và đồ đóng gói, Joshua cảm thấy hơi mệt khi phải tiêu hóa chúng. Nhưng đồ ăn ở Việt Nam rất lạ và ngon, thậm chí còn rất nhiều nữa, một sạp hàng ở chợ phải trải ra khoảng dăm chục món khác nhau, các thể loại. Thầy giáo cũng không ngại tặng em nếu em rón nhiều hơn ba lần cái món đó từ cô chủ sạp. Những đứa trẻ còn rủ Joshua đan diều, thả diều, chúng chạy dọc con đường đất không có xe và người qua lại, nhìn con diều tự do trên không trung, cười đùa với nhau như thể là anh em từ bốn đời trước, mặc dù đứa thì ngọng líu ngọng lô, đứa thì mù tịt tiếng Mỹ, đứa thì chả thể đọc nổi thanh nặng của tiếng Việt. Chúng chỉ chơi cùng nhau như thế, và cười với nhau cho đến tận khi trời sẩm tối và người lớn phải ra gọi ời ời về nhà, chúng mới hò hẹn nhau đến ngày hôm sau. Khi Joshua vẫy tay tạm biệt các bạn thì cũng là lúc thầy đưa em về. Chiếc xe đạp đã gửi lại để sửa săm, hai thầy trò dắt tay nhau đi bộ lững thững trên con đường làng, lúa cũng rì rào đôi bên, như vẫy chào em vì đã đến với nơi đây. Trước mắt là ánh hoàng hôn đang cúi mình trước hai thầy trò, Joshua thấy bóng mình đang cầm tay thầy giáo, một lớn và một nhỏ đằng sau lưng em. Em thấy mình cao lớn hơn khi đứng soi trước gương. Sao em lại cao thế nhỉ? Em cao hơn khi đến Việt Nam sao?
Dường như sự xuất hiện của đứa trẻ người Mỹ là một điều xinh đẹp trên mảnh đất quê này, mọi người chào đón em như cách họ chào đón một người anh em xa ở tỉnh khác về thăm thôi, một tấm chân tình hiếu khách và nồng nàn cảm tình từ tận trái tim, gửi đến em khách xứ người. Và cũng dường như chiến tranh chưa hề đi qua, chưa hề bén rễ và tàn phá.
Chung quanh lặng như tờ, chỉ còn tiếng bước chân của thầy và Joshua, mùi cơm hơi xém của nhà nào thích ăn cơm cháy, mùi lúa trong đẫy đà của một mùa màng ấm no, và mùi khoảng không trong vắt của một miền quê.
*
Joshua đã vào lớp học được đôi tuần, nhưng có lẽ rào cản ngôn ngữ vẫn còn là một điều đáng buồn khiến cậu bé tự ti để đọc tròn trịa câu trả lời của mình như những đứa trẻ người Việt khác. Thầy đã động viên em rất nhiều, em mới có thể bắt đầu với môn toán và những con số. Phép toán nhân hai chữ số Joshua học rất nhanh, cậu bé như có thiên phú về cả toán lẫn địa lý, cậu am hiểu rất nhiều về những con số và những vùng đất, hẳn là trí tuệ này đại diện cho tính cách của em. Nhưng em mất kha khá thời gian để bật ra từ tiếng Việt cho những suy nghĩ và kết quả đang chạy trong đầu em. Và vậy là thành ra Joshua chậm hơn các bạn.
- Cả lớp trả lời cho thầy, phép nhân 30 với 15 ra kết quả bao nhiêu nhỉ?
Chúng nhận được câu hỏi và cặm cụi làm, Joshua cũng thế. Cậu đã xong, đáp án là 450, và giờ chỉ cần nhớ ra cách đọc của nó trong tiếng Việt là được. Cả lớp cũng đã xong, thầy nhận ra được điều ấy khi tất cả những đứa trẻ ngẩng mặt lên và buông bút, tay đặt trên mặt bàn. Nhưng các em không vội trả lời, mà nhìn về hướng Joshua, chờ bạn nhẩm ra. "Four hundred and fifty, now Joshua you just need to say it in Vietnamese", bổn... buốn tram... "and this fifty... năm moi...?" A! Đúng rồi!
- Bốn trăm năm mươi!
Cả lớp cùng đồng thanh với Joshua. Thầy giáo cười rất tươi.
- Đúng vậy, đáp án là bốn trăm năm mươi! Các trò giỏi lắm! Giờ mình thử phép khác nhé?
Thầy giáo để ý từng cử chỉ của các em trong tiết học vừa rồi. Những đôi bàn tay thoăn thoắt làm phép với cây đũa thần bằng chì và gỗ, và khi các em buông bút, các em không vội ùa ra đọc lên kết quả, không phải để các em hơn thua, các em không như thế và sẽ chẳng bao giờ như thế. Các em chờ đợi người bạn đặc biệt của mình như để tỏ lòng biết ơn với sự tôn trọng, miệt mài của bạn khi học ngôn ngữ của nước mình, thứ ngôn ngữ nuôi các em lớn trong những câu ca dao, những nhịp hát ru, những điệu hò khi đò đi ngang qua sông, thứ ngôn ngữ sẽ đi theo các em cả cuộc đời, kể cả khi câu từ bất lực thì ý niệm cùng cảm xúc bằng tiếng Việt mình cũng vẫn sẽ chảy róc rách trong tim cùng máu và thịt của các em. Các em biết yêu tiếng mình, các em biết yêu cả những người yêu tiếng mình nữa. Những đứa trẻ được lớn lên bằng tiếng mình thật ngoan, thật giỏi. Người thầy trẻ vừa nghĩ lại, vừa bồi hồi, mà như đang rưng rưng. Ánh mắt các em khi nhìn Joshua chan chứa một nỗi mong chờ, phóng ra từ ấy là tia sáng cổ vũ, động viên, mỗi ánh mắt là một câu: "Joshua cố lên", những khuôn miệng nhỏ xinh mím lại nhìn cậu bé người Mỹ hệt như các em là những cổ động viên chờ một quả phạt đền thủng lưới. Và khi Joshua ngẩng lên, không hẹn mà gặp, các em đồng thanh đọc câu trả lời chuẩn xác nhất, không chỉ chuẩn trong tư duy, mà còn chuẩn trong thái độ của các em. Hẳn là trong tương lai các em sẽ trở thành những người tốt.
Mặt trời đang chập choạng ở phía cuối con đường mòn, người thầy giáo trẻ đi sát theo bước chạy của những đứa trẻ, khi chúng ùa về phía ánh dương huy hoàng, như cách chúng đang chạy về phía tương lai của mình vậy. Joshua chầm chậm đi bộ phía trước vì chú em đã đến, nhưng các bạn chạy sau lại kéo ùa em đi, đôi chân nhỏ lại phải tăng tốc theo chúng bạn, Joshua như lọt thỏm trong vòng tay của các bạn. Em ở giữa như một nhụy hoa tỏa sáng với sự khác biệt dưới ánh mặt trời, nhưng không hề tách biệt bởi thế giới con trẻ vốn không hề tồn tại điều xấu xa. Các bạn thi nhau hỏi thăm em, bạn thì nói tiếng Việt, bạn thì bập bẹ mấy chữ tiếng Anh mới học hôm trước, sự hòa đồng ấm áp khiến em không muốn chạy về phía chú nữa. Người chú phía xa dường như cũng chỉ muốn tận hưởng khoảnh khắc này, đã đứng lặng nhìn em cùng các bạn rất lâu.
- Words fail me. Having friends is Joshua's ever dream, he could barely manage to live and learn here without their welcome. This is just wonderful.
[Dịch: Chẳng gì có thể diễn tả những gì tôi thấy lúc này. Joshua luôn không ngừng ước mình được kết bạn, thằng bé khó có thể sinh hoạt và học tập ở đây nếu như không có sự chào đón nồng nàn từ họ.]
- Children just act as their heart tells them to. It derives from the natural affection towards people and the welcoming nature of our people here. There's just nothing to be concerned about, since this place is utterly an ideal one to nurture their inner spirits.
[Dịch: Bọn trẻ hành động khi trái tim mách bảo chúng. Điều ấy xuất phát từ tấm chân tình vốn có của người dân nơi đây để chào đón khách ghé thăm. Tôi thấy rằng thật chẳng có gì để lo nghĩ một khi đã đến đây, bởi nơi đây hẳn luôn là một nơi lý tưởng để nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.]
Sẩm tối, chú đưa Joshua về nhà. Em tíu tít kể cho chú nghe về trường lớp và những người bạn, cả thầy giáo nữa. Dọc đường làng, dân họ nghe thấy toàn tiếng cười chiếp chiếp và những câu chữ tiếng ngoại rất đỗi lạ lẫm nhưng nhịp nhàng giai điệu của hạnh phúc và vui tươi, những người khách đặc biệt đã thực sự đến với nơi đây và xem đây là nhà. Trời về tối, bạn của chú mang tới tặng cho Joshua một bình cá rất trong, rất đẹp, trong ấy là một con cá chép vàng. Cá chép quẫy đuôi và rẽ nước lên xuống liên tục khi cậu bé người Mỹ ghé sát đôi mắt xanh biển như quê nhà của nó vào gần với bình. Em rất phấn khích khi có thêm một người bạn đồng hành nhỏ bé và xinh đẹp như vậy. Joshua khẽ khàng cảm thán, sao nó có thể đẹp như vậy chứ, em xuýt xoa nâng niu cái bình chứa chú cá chép vàng như một thứ tâm bảo thiêng liêng và huy hoàng. "Cháu cảm ơn chú", Joshua khoanh hai tay cúi người với người đã tặng em món quà quý giá này, tác phong mà em được dạy ở trường khi cảm ơn người lớn, bằng một câu tiếng Việt rất rõ và rành mạch.
Joshua rất yêu cá chép vàng. Em không đặt tên nó bằng tiếng Mỹ, chỉ gọi nó là Cá, như thể cá chép vàng sẽ luôn gợi nhắc cho em về một miền quê xinh đẹp, óng ả nắng chiều rải trên lúa, nhộn nhịp lớp người nói cười vào phút tan trường, và dịu dàng, chân thành tình người, gợi cho em về người bạn tốt bụng của chú, về người đã dạy em những chữ tiếng Việt đầu tiên, về người bạn cùng bàn thắt khăn đỏ rất đẹp giúp em vào ngày khai giảng, về những lần đầu tiên của em ở đây.
Nhưng niềm vui nào cũng thật ngắn ngủi.
Khi tiết trời chớm tới những đợt lạnh cuối cùng, chú và dì cũng đã hoàn thành các công tác, và họ dự định sẽ đưa Joshua về Mỹ vào Tết năm nay. Joshua tỏ ra là một đứa trẻ rất đỗi chững chạc. Em mua quà và kẹo bánh đến vào ngày chia tay, khi không khí Tết ùa về khắp làng và xóm, một màu đỏ ấm áp rất đỗi lạ lẫm với em, ở Mỹ không có ngày nào như thế này. Sắc đỏ cùng vàng, những màu nổi bật nhất treo leo khắp cổng và cửa, khắp nhà và dọc đường, cả trường lớp. Thầy giáo tặng mỗi bạn một cái phong bao nhỏ xinh màu đỏ, thầy nói nó là "lucky money*", đặc quyền của trẻ em. Joshua cũng nhận được một cái như thế, phong bao đỏ thắm, họa tiết vân chìm với hình ảnh một gia đình quây quầy bên nhau, với cái bánh hình vuông, hình tròn, cả hình trụ màu xanh rất lạ, chữ đen bay bổng như viết bằng cọ nhưng với một đôi tay mềm mại hơn. Joshua nghía cái phong bì, tò mò muốn mở, nhưng thầy giáo nói em không nên vội mở ra xem, em chỉ nên giữ nó để giữ may mắn, như một kỷ vật giữa em, thầy, các bạn, và Việt Nam.
[*Từ đúng mà thầy giáo nói với Joshua để giải thích cái lì xì.]
Chiều tối, Joshua trốn chú ra ngoài. Em ôm theo cái bình cá chép vàng để lại trước cửa lớp học của mình, quỳ gối và ngắm nó thật lâu. Dưới cái nắng chiếu của những ngày Tết nhộn nhịp, cá chép vàng ánh lên sắc hoàng kim rất đỗi sang trọng, Cá như gợi cậu bé Mỹ về một miền văn hóa rất đỗi xa lạ, mà cũng không thể quen thuộc hơn nữa. Nó quẫy đuôi, sắc màu óng ả như "chất vàng mười*" trải trên sàn lát, dập dìu theo từng đường nước rẽ ra. Joshua lặng lẽ ngắm nhìn nó như thể em đang suy nghĩ về một điều gì. Chuông nhà thờ vang lên, cậu bé da trắng đứng thẳng dậy, ngước mặt nhìn ngắm cảnh vật chung quanh lần cuối. Vườn chuối quen thuộc hay có những quả màu tím rất lạ và hay mà mọi người gọi là hoa chuối, bức tường gạch mà có đứa từng trèo ngã chảy máu, cửa lớp màu xanh lá, tường sơn vàng, mái lợp che nắng và gió, bảng lớp còn mấy dòng thơ chưa xóa hết, sân trường đầy những hình tròn vuông và những con số, đâu đó trong góc cầu thang còn ngổn ngang cầu, bóng, dây nhảy, khu để xe của giáo viên, cái xe đạp của thầy giáo đã chở em đi khắp mọi đất và trời nơi đây, cổng trường khi mở và đóng, và cái trống cô đơn ở giữa hành lang nữa. Joshua nhìn quanh, nhìn rất kỹ, như em chẳng thể bỏ sót chi tiết nào. Bước ra khỏi cánh cổng trường, chuông nhà thờ điểm lần nữa, đồng ruộng lúa trải dài thoải mắt, nhà xếp san sát nhau, con đường mòn không có bóng người, "chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn**", em hướng mắt về nơi chân trời một lần nữa, cảm giác quê nhà gần ngay trước mắt.
[*Từ của Nguyễn Tuân]
[**Bài "Cảnh chiều hôm" - Bà Huyện Thanh Quan]
Thầy giáo nhìn theo bước chân nhỏ lững thững rời đi, rồi nhìn xuống bình cá chép vàng, lặng im, môi khéo vẽ một đường cong nhẹ. Vai thầy run lên, mắt ướt đẫm, vài giọt nhỏ lên mắt kính tròn, trượt dài, và rơi xuống sàn.
Trên máy bay, Joshua tựa đầu vào chú, nước mắt đã rơi ướt đẫm áo chú. Em ngẩng dậy, nhìn mây xanh, tay khẽ với tới cửa sổ.
*
Kết thúc - Bởi Seonie Chu Nguyên
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro