co tich TH
Người tiều phu hóa nai
Ngày xưa, ở đất Cao Bằng, có một người tiều phu mộc mạc hiền lành và hiếu thảo. Anh có một bà mẹ già hay đau ốm. Thầy thuốc bảo là cần có sữa nai tẩm bổ, mới mong chữa lành bệnh cho mẹ. Anh không quản ngại khó khăn, mỗi ngày vào rừng quyết tâm đi tìm kiếm sữa nai về cho mẹ, nhưng rất khó vì vừa thấy bóng người, nai đã bỏ chạy mất rồi.
Không lấy được sữa nai, người tiều phu buồn bực, không dám về nhà. Anh ngồi giữa rừng ôm mặt khóc. Bỗng nhiên, thấy có một ông lão chống gậy đến bảo rằng: "Nếu con muốn có sữa nai thì phải mang lốt nai, mới đến gần loài nai được". Rồi ông lão trao cho anh tiều phu một bộ da nai khoác vào người.
Anh làm theo và quả nhiên, sau đó, anh lại gần được các con nai cái, vắt được nhiều sữa đem về nhà chữa bệnh cho mẹ già. Một hôm, ông lão lại hiện ra, ngỏ lời khen lòng hiếu thảo của anh, rồi truyền cho anh các phép đạo thần tiên. Anh học thuộc lòng, không nói cho ai hay biết. Sau khi mẹ già qua đời, anh liền bỏ đi lên núi biền biệt, không trở về nhà nữa.
Sau đó khá lâu, một hôm, có một người con của ông tiều phu vào núi lấy củi. Anh bỗng gặp một con nai nói được tiếng người. Nai bảo: "Cha đây. Cha đã hoá thành nai rồi, không thể trở lại lốt người được nữa. Cha cho con cái gạc (sừng) đây, con hãy buộc dây mà kéo về. Đến chỗ nào mà gạc vướng, không đi được nữa, thì con hãy lấy chỗ đất ấy mà khai khẩn làm ăn, về sau sẽ khá".
Nói xong, con nai húc đầu vào thân cây cho rụng gạc ra. Rồi nai biến mất vào rừng sâu. Người con trai vâng lời, làm theo nai dặn. Quả nhiên, về sau được sung túc. Người đời khi biết chuyện, đã gọi người tiều phu hoá nai là Lộc Giác Chân Nhân, cho rằng ông đã tu luyện được thành tiên.
Đươm Tơ Rít
(Truyện cổ người Catu)
Dạo ấy, trên những vùng nương rẫy của người Catu khai phá, có một con diều hâu thành tinh tên gọi Cơ Lang Bơ Tư thường rình mò bắt hiếp đàn bà con gái. Dân làng rất sợ con chim yêu quái ấy, nên hễ mặt trời tắt là họ đóng cửa cài then đề phòng chim ác bay đến. Xóm làng vì vậy mà trở nên buồn tẻ, vắng hẳn tiếng hát, tiếng cười.
Năm ấy, khi lúa ngoài rẫy đã trổ bông, hai vợ chồng A Dư và người em là A Tang lo không có người canh rẫy thì hươu, nai, heo, khỉ sẽ đến phá hết. A Dư đành để con gái là Cơ Len Trung ở nhà cho A Tang trông nom, rồi hai vợ chồng lên núi canh rẫy. Khi họ ra đi, A Tang dặn:
- Có ngủ thì ngủ khe sâu, đừng ngủ núi cao mà Cơ Lang Bơ Tư bắt mất chị.
Vốn cậy sức khỏe của mình, lại cho vợ mình già rồi chim ác chẳng bắt làm gì, A Dư bỏ ngoài tai lời khuyên của em.
Đêm ấy, hai vợ chồng A Dư ngủ trên chòi cao giữa rẫy. A Dư nằm xuống là ngủ ngay, còn vợ ông, bà Bơ Dung Cơ Len, lo sợ nên không tài nào nhắm mắt được. Nửa đêm Bơ Dung Cơn Len nghe tiếng gió rít trên nóc chòi, vội đánh thức chồng dậy. Nhưng A Dư nói:
- Không sợ, nó có dụ, tôi cũng có dụ (1), anh em nó có ná, tôi cũng có ná.
Nói rồi, ông lại ngủ.
Thấy A Dư không đề phòng lại đang ngủ say, Cơ Lang Bơ Tư liền sà ngay xuống chòi, dùng chân cop bà Bơ Dung Cơ Len và đặt Bơ Dít Đóc là vợ nó bên cạnh A Dư, rồi tung cánh bay vào đêm tối mịt mùng.
Khi A Dư tỉnh dậy, trời đã sáng. Ông kéo miếng vỏ sui làm chăn ra để đánh thức vợ dậy, nhưng chỉ thấy một mụ đàn bà người đen, mặt xanh nằm đó. Biết ngay là Cơ Lang Bơ Tư đã đánh tráo mất vợ mình rồi. Bừng bừng tức giận, A Dư rút dụ phóng một mũi vào ngực con yêu tinh. Giết xong con yêu, A Dư ba chân bốn cẳng chạy một mạch về làng. Con gái là Cơ Len Trung chạy ra hỏi:
- Mẹ con đâu?
- Cơ Lang Bơ Tư bắt mất rồi!
Nghe vậy, Cơ Len Trung thương mẹ khóc rống lên. A Tang trách anh:
- Tại anh không nghe em nói nên mới xảy ra cơ sự này. Bây giờ, anh ở nhà với cháu để em đi tìm chị cho.
A Tang ra đi đem theo một ống sáo. Đến mỏm núi cao thứ nhất, A Tang rút sáo ra thổi:
Vợ anh tôi ở núi nào?
Chị dâu tôi ở núi nào?
Không có tiếng chị dâu trả lời mà chỉ có tiếng cây rừng đáp lại. A Tang lại đi. Đến ngọn núi thứ hai, thứ ba… vẫn chỉ có tiếng cây rừng đáp lại.
A Tang đi mãi, thổi mãi, sức đã kiệt mà vẫn không thấy tăm hơi chị dâu đâu. Nhưng vẫn không nản lòng, chàng lê từng bước trong rừng quyết tìm cho được chị dâu.
Đến ngày thứ mười, A Tang thấy trên đỉnh một ngọn núi cao có một cây cổ thụ cao tít tắp. Thoáng thấy bóng người trên ngọn cây, A Tang cố sức dồn hơi thổi sáo thăm dò:
Có phải chị dâu
Thì quăng cườm xuống!
Từ trên ngọn cây, nghe tiếng sáo em chồng, Bơ Dung Cơ Len vội quăng chuỗi cườm bằng ốc xuống.
A Tang nhặt chuỗi cườm bỏ vào túi, đánh dấu phương hướng cẩn thận rồi quay về làng tìm cách cứu chị.
Nghe tin A Tang đã về, người làng kéo đến rất đông hỏi thăm. Khi biết rõ Bơ Dung Cơ Len còn sống, họ bàn cách cứu bà.
Một ông già nói:
- Tất cả đàn ông mang dao phóng dụ giết chết Cơ Lang Bơ Tư để cứu Bơ Dung Cơ Len!
A Tang bảo:
- Cây cao lắm không thể phóng tới đâu.
Ông già khác bàn:
- Vậy ta bắc thang?
A Tang bảo:
- Trăm thang cũng không bắc tới.
Bàn lui, bàn tới mãi, vẫn không ai tìm được cách gì để cứu Bơ Dung Cơ Len cả.
A Dư buồn bã nói với dân làng:
- Ai cứu được Bơ Dung Cơ Len, nếu là con trai chưa vợ thì dù là con mồ côi ta cũng gả Cơ Len Trung cho. Nếu là ông già thì cho Cơ Len Trung làm dâu, nếu đã có vợ có con thì cho làm em gái út.
Trong làng có Đươm Tơ Rít mồ côi cha mẹ, bị mọi người khinh rẻ, hôm ấy cũng đến nhà A Dư nghe dân làng bàn. Anh có ý định đi cứu Bơ Dung Cơ Len nhưng không dám nói vì sợ dân làng. Khi nghe A Dư nói như vậy, Đươm Tơ Rít liền đứng dậy nói:
- Tôi có cách cứu được Bơ Dung Cơ Len.
Trai làng có kẻ ghét anh bèn dèm pha:
- Không cho mày đi cứu, mày là đứa mồ côi, là thằng hèn hạ!
Một ông già nhất làng nghe vậy liền bảo:
- Việc đi cứu Bơ Dung Cơ Len là việc cần, ta không nên phân biệt người này kẻ kia. Nếu Đươm Tơ Rít có cách gì cứu được Bơ Dung Cơ Len thì cứ nói cho dân làng nghe.
- Tôi sẽ đóng đinh vào cây và mặc quần áo giống như diều hâu để đánh lừa nó.
Mấy ông già khác cũng tấm tắc khen:
- Kế của Đơm Tơ Rít hay lắm!
Hôm sau, A Tang dẫn dân làng lên núi cứu Bơ Dung Cơ Len. Họ vót đinh gỗ đóng làm bậc thang để trèo, nhưng đinh gỗ đóng không chắc, nên trèo lên lại tụt xuống. Trai làng cũng thi nhau đóng đinh để trèo nhưng không một ai trèo được quá mười bậc.
Ngày thứ nhất trôi qua, không ai cứu được người bị nạn. Rạng ngày thứ hai, các ông già bảo:
- Hôm nay để Đươm Tơ Rít trèo!
Đươm Tơ Rít có sức khỏe phi thường. Anh chỉ mang theo một ống sáo, một cào sắt và ba chiếc đnh to làm bằng gốc tre đực để đi cứu Bơ Dung Cơ Len. Đến cây to, một tay anh giữa đinh, một tay anh làm vồ đóng. Cứ leo lên bậc trên, anh lại nhổ đinh ở bậc dưới đóng tiếp. Cứ thế đến trưa đã leo lên đến nửa thân cây.
Lúc ấy ở trên ngọn cây, Cơ Lang Bơ Tư vẫn còn ngủ, Bơ Dung Cơ Len thì ngồi bắt rận cho nó. Nghe tiếng đinh đóng “cốc, cốc”, Cơ Lang Bơ Tư mở mắt hỏi:
- Tiếng gì lốc cốc thế?
- Chim gõ kiến mổ kiến đấy.
Cứ thế, đến chiều, Đươm Tơ Rít đã lên đến ngọn cây. Tơ Rít thấy một tổ chim to bằng gian nhà khuất trong đám lá rậm. Từ trong tổ chim, mùi thịt thối xông ra nồng nặc, Cơ Lang Bơ Tư tỉnh dậy vừa lúc Đươm Tơ Rít đang bám vào một chạc cây leo vào tổ, hắn trừng mắt hỏi:
- Gươm sắc, giáo dài chừng nào mà mày dám lên đây?
- Tôi lên thăm chị và anh đấy.
Cơ Lang Bơ Tư quay lại hỏi Bơ Dung Cơ Len người mới đến là ai, bà trả lời:
- Em ruột tôi đấy.
Cơ Lang Bơ Tư vội nhỏm dậy:
- Thế à, cậu em vào đây tôi xem mặt nào!
Đươm Tơ Rít vội vàng khoác chiếc áo lá vào người, ngậm sáo vào miệng làm mỏ, đeo chùm rễ si dưới cổ làm râu, tay phải cầm chiếc cào sắt nhọn làm móng rồi đi vào.
Thấy Đươm Tơ Rít hình dáng giống chim, Cơ Lang Bơ Tư hỏi:
- Cậu em cũng cùng họ nhà chim à?
- Mẹ tôi là người, cha tôi là chim, đẻ ra tôi nửa người, nửa chim.
- Cậu thích làm người hay làm chim?
- Thích làm chim, nhưng mỏ yếu, móng cùn, con mắt không tinh, lông cánh không dài, làm sao kiếm ăn được?
Cơ Lang Bơ Tư bảo:
- Lại gần đây tôi xem nào!
Trống ngực Tơ Rít đập thình thịch, anh bước lại gần, Cơ Lang Bơ Tư sờ mỏ, sờ râu, xoa chiếc áo lá rồi lắc đầu:
- Mỏ yếu, râu mềm, lông cánh non quá. Đưa anh xem đôi móng nào!
Đươm Tơ Rít chìa bàn tay trái ra. Cơ Lang Bơ Tư vừa đụng vào bàn tay trái thì Tơ Rít dùng hết sức bổ chiếc cào sắt cầm bên tay phải vào đầu hắn. Cơ Lang Bơ Tư chỉ kêu lên được một tiếng rồi lăn ra chết. Bà Bơ Dung Cơ Len mừng quá cảm ơn Tơ Rít và hứa gả con gái cho chàng.
Tơ Rít lấy dây làm thang dòng bà Bơ Dung Cơ Len xuống đất. Dân làng mừng rỡ reo hò vang cả núi rừng. Ngay đêm ấy, họ kéo về làng, A Dư mổ trâu, mổ heo ăn mừng. Giữ lời hứa, ông gả con gái là Cơ Len Trung cho Đươm Tơ Rít.
Cơ Len Trung vốn là một cô gái đẹp nhất vùng. Trai làng ai cũng thích cô, nhất là bọn con trai nhà giàu. Đã nhiều đứa đến hỏi đều bị cô từ chối. Nay nghe nói cô lấy Đươm Tơ Rít, chúng tức giận lắm. Trong vùng có mụ Cơ Rúa là hay gây sự, liền bày kế cho bọn họ giết chết Đươm Tơ Rít để cướp Cơ Len Trung.
Một hôm, bọn chúng rủ Đươm Tơ Rít đi lấy mật ong. Tơ Rít theo chúng vào tận trong rừng sâu, nơi có nhiều mật ong nhưng cũng có rất nhiều gấu. Người và gấu thường hay gặp nhau ở đây. Khi đến tổ ong mật trên vách đá, bọn chúng bắc thang bảo Đươm Tơ Rít:
- Anh giỏi leo cây, anh trèo lên lấy mật để chúng tôi giữ thang cho.
Tơ Rít trèo lên. Khi anh đang chui vào hốc đá lấy mật ong, bọn chúng ở dưới rút thang đi. Lấy được nhiều mật ong rồi, Tơ Rít quay ra, thấy mất thang, anh gọi chúng bắc hộ, chúng nói:
- Mày giỏi thì leo đinh mà xuống.
Vừa lúc ấy có một con gấu to bằng con bò xuất hiện, quát:
- Sao mày dám lên đây ăn mật ong của tao?
Tơ Rít chỉ xuống chân núi và nói:
- Bác xem kìa, không có tôi chắn ở đây thì bọn người kia đã lên lấy hết mật của bác rồi. Sao bác không cám ơn tôi mà lại trách tôi?
Nghe Tơ Rít nói có lý, gấu cõng chàng xuống núi đá và đưa về tận đầu làng. Tưởng Đươm Tơ Rít đã chết, bọn con trai nhà giàu định về báo với Cơ Len Trung, nhưng khi bước vào nhà đã thấy Đươm Tơ Rít ngồi ăn mật ong với vợ. Bọn chúng sượng mặt quá bỏ về ngay.
Hôm sau nữa, chúng lại rủ Đươm Tơ Rít đi săn. Đến một hang cọp, chúng bảo Tơ Rít chui vào bắt. Đợi cho Tơ Rít bước vào hang, bọn chúng ở ngoài lấy đá lấp kín cửa lại. Mất lối về, anh đi sâu vào hang tìm đường khác, thì gặp hai con cọp con đang ngủ. Sợ quá, Tơ Rít chạy ra cửa hang lại gặp cọp mẹ về.
- Mày vào bắt con tao hả?
- Không phải đâu, có bọn người định vào bắt cọp con, may có tôi bịt cửa hang họ mới không vào được. Bà thử ra cửa hang xem tôi nói có đúng không?
Ra thấy cửa hang đã bịt kín, tin lời Tơ Rít nói là thật, cọp mẹ cám ơn Tơ Rít và phá cửa hang cho chàng về.
Lần thứ ba bọn chúng lại rủ Tơ Rít ra vực đánh cá. Chúng lừa Tơ Rít vào hang cá sấu rồi lấy ván bịt cửa hang lại. Cá sấu mẹ bơi ra chực nuốt Tơ Rít. Thoáng thấy phía sau có mấy con cá sấu con, Tơ Rít liền nói:
- Tôi vào đây đóng hộ cửa hang cho bác để bọn người đánh cá khỏi bắt mất con bác, thế mà bác lại định nuốt tôi.
Cá sấu mẹ nhìn ra thấy cửa hang đã bị bịt kín, qua khe hở lại thấy những người đánh cá vẫn còn lội phía ngoài. Tin là Tơ Rít đã thực tâm cứu con mình, cá sấu nói:
- Cháu rất tốt, cháu muốn ta đền ơn cái gì nào?
- Tôi muốn xin bà bắt cá ở vực này được không?
Cá sấu đồng ý và dặn mỗi khi ra bắt, đeo một vòng mây ở cổ chân làm hiệu, để cá khỏi nuốt nhầm. Sau đó cá sấu phá cửa hang cho Tơ Rít về.
Ba lần lừa giết Đươm Tơ Rít, ba lần Tơ Rít đều trở về bình yên vô sự, bọn con trai nhà giàu rất sợ. Chúng tìm đến mụ Cơ Rúa hỏi duyên cớ. Mụ nói:
- Chắc nó là dòng dõi loài vật nên loài vật không làm hại nó. Để tôi đi dò xem nó sợ cái gì nhất!
Khi mụ Cơ Rúa hỏi Tơ Rít sợ gì nhất thì anh trả lời là anh sợ ném lao. Nếu có ai thách phóng lao thì anh sẽ chết. Nói xong, anh dặn mụ đừng hở điều bí mật ấy cho ai biết.
Vừa về đến nhà, mụ Cơ Rúa liền gọi bọn con trai nhà giàu đến mách ngay. Bọn này quyết định thách Tơ Rít phóng lao để giết chết anh. Đươm Tơ Rít nhận lời thách. Nhưng anh bảo không phóng lao trên cạn mà phóng lao dưới nước. Để khỏi lộn xộn, anh sẽ đứng bên kia bờ vực, còn bọn họ sẽ đứng bên này. Nghe vậy, bọn chúng ưng thuận ngay.
Sáng sớm hôm sau, bọn chúng dàn thành hàng dài ở bên này bờ vực, mỗi người nắm chắc một ngọn lao. Tơ Rít đứng một mình ở bên bờ và thách chúng phóng trước.
Người thứ nhất phóng không đến chỗ Tơ Rít đứng. Người thứ hai phóng, lao rơi xuống giữa vực. Chúng hò nhau lội xuống vực phóng lao tới tấp như mưa sang bờ bên kia. Tơ Rít giơ tay bắt tất cả các lao phóng tới. Khi đứa cuối cùng phóng xong, Tơ Rít lội xuống vực và bắt đầu phóng lại.
Cũng vừa lúc đó, nước động đến hang cá sấu. Cá sấu mẹ bơi lên thấy chân đám người đứng dưới vực không có vòng mây liền lao tới nuốt. Bọn chúng kẻ trúng lao, kẻ bị cá sấu nuốt chết rất nhiều.
Bọn trai nhà giàu thua to. Những đứa sống sót trốn biệt vào rừng. Tơ Rít về làng cho gọi gia đình những đứa bị chết lại và hỏi:
- Các người muốn sống hay muốn chết?
- Muốn sống
Tơ Rít nói:
- Ai muốn sống thì về làm ăn yên ổn, từ rày không được khinh rẻ kẻ mồ côi nữa.
Bọn chúng vâng dạ, hứa sẽ không gây sự nữa.
Tơ Rít được dân bản tôn làm chủ làng. Chàng cùng với vợ là Cơ Len Trung xinh đẹp sống một cuộc đời hạnh phúc.
Nàng Bia Nát
(Truyện cổ dân tộc người BaNa)
Ngày xưa, có gia đình ông bà Hơ Rô sinh được tám con gái. Tám cô đều xinh cả, nhưng đẹp nhất và tốt nhất là Bia Nát, cô gái út.
Một hôm ngồi khâu với tám cô gái bên bờ suối, bà Hơ Rô hỏi:
- Sau này, các con muốn làm dâu ai?
Các cô tranh nhau trả lời. Cô cả thích làm dâu nhà ông Hoan giàu có. Cô hai muốn làm dâu nhà ông Bua nhiều trâu, nhiều ngựa… Cho đến cô thứ bảy, cô nào cũng muốn làm dâu nhà chủ làng. Bà Hơ Rô thích lắm. Bà nghĩ như thế, không những các con bà sau này sẽ giàu có mà nhà bà cũng được nhiều trâu, nhiều voi, nhiều ngựa… Nhưng khi hỏi đến nàng út thì cô bảo là cô thích lấy một anh đốt than. Nghe vậy, bà Hơ Rô tức lắm. Bà liền mắng con:
- Mày khôn hơn con thỏ, con nai, sao mày lại muốn theo một thằng đốt than?
Bia Nát không nói gì, nàng cứ ngồi yên khâu vá. Thấy thế, bà Hơ Rô càng tức:
- Con thỏ sắp bị con cọp ăn thịt rồi đó. Con nai cũng sắp bỏ núi rừng rồi, còn mày thì đợi gì nữa mà không đi theo thằng đốt than!
Nói xong, và ném cho con gái một cục vàng, rồi đuổi nàng đi. Bia Nát thấy mẹ không thương mình, các chị cũng lánh mặt, nàng liền nhặt cục vàng xách thúng khâu ra đi. Nàng quyết tìm được một chàng đốt than để lấy làm chồng. Nàng đi mãi vào rừng sâu, đi đến đâu cũng chỉ thấy núi non, cây rừng, hoa lá, còn chàng đốt than thì chẳng thấy đâu. Nàng cất lời hỏi rừng xanh, hỏi suối sâu. Con nai, con chồn không biết trả lời, con bướm, con sâu cũng im lặng. Ngày nàng đi lang thang. Tối nàng trèo lên cây ngủ, đói thì ăn quả, khát thì uống nước suối. Một hôm đi xa, mệt quá, nàng ngủ thiếp đi bên một gốc cây to. Trong giấc ngủ nàng mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, chống gậy đến bên nàng và bảo:
- Con hãy đi tìm khói. Cứ đi theo khói thì sẽ gặp được người mà con muốn.
Khi tỉnh dậy, nàng lại đi. Gặp con chim, nàng hỏi:
- Chim ơi! Chim bay khắp chim có thấy ở đâu có khói không?
- Cô đi nữa đi, đi nữa đi, sắp đến chỗ có khói rồi đấy!
Đi đuợc một đoạn, nàng lại gặp chú thỏ. Thỏ dẫn đường cho nàng đi. Một lát sau, nàng gặp được khói. Từ đàng xa, đã thấy một đám khói trắng xóa. Nàng đến gần, đám khói đó chính là đám khói đốt than. Người đốt than là một chàng trai khỏe mạnh. Nàng nhìn anh từ đầu đến chân. Người tầm thước, ngực nở, đùi to, mắt đen. Trông thấy Bia Nát, chàng trai cất tiếng hỏi trước:
- Ơ cô gái đẹp đi đâu đó?
- Tôi đi chơi.
- Đi chơi sao lại mặc áo đẹp thế?
- Áo đẹp rồi áo cũng xấu đi thôi!
Anh đốt than không biết Bia Nát đên đây có việc gì, anh cứ đứng nhìn mãi.Thấy vậy, Bia Nát liền nói:
- Anh nhìn gì tôi mà nhìn kĩ vậy, tôi có đẹp gì đâu. Anh nhìn kia kìa, hoa trên cành còn đẹp biết mấy, những con thỏ, con chim kia còn đẹp biết mấy.
Anh đốt than nhìn theo ngón tay chỉ của Bia Nát không hiểu nàng định nói gì. Bia Nát bảo anh hãy nghỉ tay, hút thuốc, uống nước. Anh kêu lên:
- Tôi không đùa đâu!
Bia Nát cũng nói:
- Tôi có đùa với anh đâu. Nhà anh ở đâu?
- Nhà tôi ở chân núi đằng kia.
- Bây giờ em mang gùi cho anh, anh mang thúng khâu cho em, ta đi về nhà anh.
Anh đốt than cũng chưa hiểu nàng định làm gì, nói gì, nên bảo:
- Ơ! Cô gái đẹp, lạ quá! Tôi không dám đùa đâu, đừng mang gùi than của tôi đi mà lấm váy, bẩn chân, bẩn da trắng đẹp của cô.
Bia Nát không nói gì cứ mang gùi than đi trước, chàng đốt than đành lủi thủi mang thúng khâu của nàng đi theo sau. Về đến làng, mọi người hỏi, anh không đáp. Lúc tới nhà, anh bảo cô gái:
- Nhà tôi che bằng vỏ cây, lợp bằng cỏ dại. Nhà tôi không có chỗ nằm, chỉ có một giường thôi. Giường của tôi làm bằng cây lau, cây sậy, con nai con thỏ cũng không nằm được.
Tối đến, Bia Nát cứ lên giường đó ngủ, anh đốt than đành ngủ dưới đất. Bia Nát gọi chàng lên giường ngủ chung, chàng không dám. Đến giữa đêm, gió núi nổi lên rét lắm, chịu không nổi, chàng đành phải lên giường nằm với nàng. Và từ đó hai người thành vợ chồng.
Hai người sống chung với nhau rất thuận hòa. Một hôm, Bia Nát mang than đi đổi muối. Ở nhà, thấy có gà rừng vào sân ăn lúa, chàng liền lấy cục vàng ném gà. Khi Bia Nát về, tìm không thấy cục vàng thì òa lên khóc. Thấy vậy, anh đốt thanh liền hỏi:
- Làm sao em khóc?
- Mất cục vàng trong thúng rồi!
- Tưởng thứ gì, chứ thứ ấy thì ở chỗ anh đốt than có nhiều lắm.
Đêm hôm ấy, hai vợi chồng ngủ ngon và sáng mai, khi gà rừng vừa dậy, hai vợ chồng dậy mang gùi ra đi.
Người chồng bảo:
- Em Bia Nát này, anh không biết loại đá ấy quý như thế nào, chỗ anh đốt than có nhiều loại đá ấy lắm.
Đến hang đá, chàng chỉ cho nàng chỗ đá màu vàng. Nàng nhặt vàng bỏ vào gùi mang về. Mang xong chuyến này, hai vợ chồng lại đi gùi chuyến khác cho hết ngày hôm đó. Từ hôm ấy, Bia Nát mang vàng xuống chợ đổi lấy các thứ cần thiết.
Một đêm, nằm ngủ, Bia Nát thấy ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc đến bảo:
- Con muốn cho chồng con trở thành người đẹp thì con hãy lấy lúa giã nhỏ, cả trấu cũng giã nhỏ, rồi đem đổ lên chính tàu lá chuối to. Con bảo chồng con nằm lên đống bột. Con phủ kín bột khắp người nó, trừ mắt, mũi, miệng. Đúng ba ngày, ba đêm, con bảo chồng con dậy đi tắm, thế là được.
Sáng hôm sau, Bia Nát làm y như điều trong mộng. Quả nhiên, chồng nàng trở thành một chàng trai đẹp lạ thường. Trong khi chồng đi tắm, Bia Nát đã nhờ chim, nhờ voi trong rừng đến giúp làm xong ngôi nhà. Chồng đi tắm về đã thấy có nhà mới, liền hỏi:
- Ơ em Bia Nát, nhà ai mà đẹp thế?
- Nhà của anh và của em đấy!
Người chồng sung sướng lắm vì suốt đời anh chỉ chui rúc trong túp lều rách. Bây giờ anh mới biết Bia Nát là người tài giỏi. Bia Nát bảo chồng đem vàng chia bớt cho bà con láng giềng để mọi người đổi lấy những đồ cần thiết cho mình.
Bây giờ hai người mới nghĩ đến làm lễ cưới. Bia Nát đi mời bố mẹ và các chị đến, nhưng chẳng ai thuận đi. Bia Nát phải bảo chồng đi mời. Người chồng mặc khố thêu chỉ đỏ, mình khoác chân vàng, cưỡi ngựa trắng đi mời bố mẹ và các chị vợ đến dự lễ cưới. Bố mẹ Bia Nát nhìn thấy chàng, liền bảo:
- A, chồng Bia Nát không phải là một thằng đốt than đâu!
Được con rể và em rể về mời dự đám cưới, cha mẹ và các chị của Bia Nát mừng lắm, nhận lời đi ngay.
Đến nơi thấy vợ chồng Bia Nát giàu có, ai cũng ngạc nhiên. Người mẹ đến bên cạnh con gái hỏi:
- Con còn giận mẹ nữa không?
Nàng không nói gì. Nàng mời mẹ và mọi người lên nhà. Bà mẹ đi sát bên con lại hỏi:
- Chồng con có phải là một thằng đốt than không?
- Đúng rồi! Chồng con là người đốt than đó.
Rồi nàng kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Nghe xong bà mẹ lấy làm xấu hổ và hối hận.
Nàng bò tót
(Truyện cổ dân tộc Bru)
Hai bà cháu anh mồ côi ra đặt bẫy ở một cánh rừng, giết được một con bò tót. Họ làm thịt con bò chia cho bà con dân bản, chỉ giữ lại một đùi phần mình.
Năm ngày qua đi, hai bà cháu đã ăn hết phần thịt, chỉ còn lại cái chân, anh mồ côi gác lên sàn bếp.
Một hôm, hai bà cháu đi làm về, thấy sàn nhà sạch sẽ, bếp lò đỏ than, giữa sạp sàn bày một rá cơm với một nồi canh.
Thấy lạ, nhưng vì đói bụng, hai bà cháu đánh liều cùng ngồi ăn. Ăn xong cả hai người đều lo lắng vì sợ cơm ma. Đêm đó họ không sao ngủ được. Sáng hôm sau thấy trong người vẫn bình thường khỏe khoắn, họ yên lòng mang gùi xách dao lên rẫy như mọi ngày.
Chiều về, hai bà cháu lại thấy cơm canh đã được ai dọn sẵn như hôm qua. Đang đói bụng, họ lại ngồi vào ăn. Tuy ăn cơm lạ mà bọn họ vẫn không hết nghi ngờ.
Hôm sau, ra rẫy, hai bà cháu vừa phát cây vừa nói về mâm cơm lạ. Anh mồ côi nói:
- Bà ơi! Có ai mà lại cứ đến quét dọn cho nhà ta, nấu cơm, nấu nước cho bà cháu ta mãi thế?
Bà lo lắng trả lời:
- Ăn của con ma thì phải chết theo con ma thôi, cháu ơi!
Rồi hai bà cháu bàn nhau tìm xem ai là người đã làm việc đó. Sáng hôm sau, vừa thức dậy, anh mồ côi nói to:
- Bà ơi! Việc nương rẫy đã xong, còn ít cây con chưa dọn hết, bà ở nhà làm hết, cháu phải sang bản Cà Lơ xin ít muối và gạo nhé!
Bà soạn gùi, xách giỏ nứa ra sàn ngoài cho cháu, dặn:
- Cháu đi nhanh chân, chóng về kẻo bà nhớ, bếp lửa trông!
Anh mồ côi hẹn:
- Cháu đi hai lần mặt trời dậy, hai lần mặt trời ngủ mới về.
Bà cầm dao, mang giỏ lên nương. Anh mồ côi mang gùi, đeo giỏ, tách rừng đi về phía mặt trời mọc.
Đi được một quãng ngắn, anh mồ côi rẽ vào lối rậm, đạp tắt đường rừng, quay về nấp sau mô đá cao cạnh nhà mình. Từ chỗ đó, anh thấy rõ hết những gì xảy ra trên sạp, ngoài sàn nhà mình.
Anhngạc nhiên sửng sốt khi thấy một cô gái đẹp từ đâu hiện ra dọn sàn trong sàn ngoài, rồi vác ống tre xuống suối lấy nước, lại lên nhóm lửa bếp nấu cơm, làm canh.
Khi đã dọn đầy đủ cơm nước ra cạnh bếp, cô gái xõa tóc ra hong nắng ở cửa ngách sàn ngoài. Ngắm nhìn cô gái đẹp nằm dài trên sạp sàn nhà mình, anh mồ côi vừa mừng vừa lo.
Rồi anh lẹ làng men đến nắm lấy mớ tóc dài của cô gái, vấn ba vòng, bảy vòng vào tay mình rồi mới lên tiếng:
- Ta bắt được kẻ xấu vào nhà ta rồi!
Cô gái giật mình, toan vùng dậy lẩn trốn nhưng đầu không cựa nổi, đành vật vã trên sàn kêu lên:
- Anh buông tôi ra! Tôi là người trong nhà đây mà!
Anh mồ côi thấy thân hình cô gái mềm mại, khuôn mặt hiền dịu thì có ý thương, nên tháo dần ra một vòng tóc và hỏi:
- Ta có thù oán gì với ai mà cô toan bỏ thuốc độc giết bà cháu ta?
Cô gái lắc đầu hỏi lại:
- Tôi là người trong nhà, anh không nhận ra sao?
- Cô đừng giấu quanh nữa. Cô ở đâu đến đây? Nếu cô nói dối thì tôi sẽ giết chết cô!
Mưu ông cụ Si Ruộc
(Truyện cổ dân tộc Bru)
Ông cụ Si Ruộc có một chỗ đơm cá ở ngọn thác, đầu vực khe. Cả nhà ông chỉ nhờ vào số cá thu được đó để sinh sống qua ngày.
Dạo ấy, ông cụ bị mất cá luôn. Mỗi sáng đi lấy cá ông phải chữa lại đập chắn nước và đặt lại hom lờ. Giận quá, một hôm ông ông cùng đứa cháu nội lẻn ra bờ khe rình bắt cho được kẻ gian.
Con bìm bịp kêu trở canh hai ba lần, hai ông cháu đã đến ngồi thu mình sau tảng đá lớn cạnh chỗ đặt đó cá.
Đợi mãi, cái lưng đã mỏi, muốn nằm, thì cả hai ông cháu nghe có tiếng bước chân lội ào ào dưới khe. Nhìn kĩ về phía có tiềng động, hai ông cháu rùng mình khi thấy một con Chóc Cà Tực to hơn con trâu đực, tay vượn, đầu người đang dừng bước và lẻn đến ngồi tùm hum trên chỗ đơm cá.
Hai ông cháu sợ quá, nép sát mình vào thành đá. Con Chóc Cà Tực có bốn mắt. Khi nó cúi xuống bắt cá thì hai con mắt phía sau gáy nhìn thấy hai ông cháu. Vẫn ngồi hau háu, nó nói:
- À! Hai ông cháu mày ngồi làm gì đấy? Ăn hết cá, tao phải ăn nốt cả hai ông cháu mày mới đầy được bụng tao.
Con Chóc Cà Tực khoắng cánh tay lông lá, dài đêu vào hom lờ và vớt ra từng nắm cá to cho vào miệng. Vướng tay, nó xé toạc cả cái lờ để dễ nhặt cá.
Vừa sợ, ông cụ vừa xót ruột. Ngẫm nghĩ một lúc ông bèn lấy một hòn đá to gõ vào phiến đá trước mặt. Con Chóc Cà Tực ngẩng mặt lên, nhe những chiếc răng to như những lưỡi rìu, gầm ghè:
- Chúng mày làm gì đấy?
Ông già cố nén sợ, dõng dạc trả lời:
- Tôi đang nêm cán dao.
Ông già lại lấy hòn đá to ghè mạnh vào phiến đá trước mặt lần nữa. Con Chóc Cà Tực đang cúi xuống quờ tay khoắng cá, giật mình tỏ vẻ khó chịu, hỏi:
- Chúng mày làm gì, hở?
Ông già bình tĩnh nhô đầu lên phía sau phiến đá, trả lời:
- Tôi vẫn đang đóng lại cán rựa đây.
Nó lại cúi xuống. Ông già lại gõ thêm một nhát thật mạnh nữa. Bực quá, nó xoay hẳn người lại chồm hai cánh tay vươn lên đập nước, định lao về phía hai ông cháu. Nó hỏi gặng:
- Cái rựa của mày to bằng mấy mà đóng cán mãi thế?
Ông già lại nhô đầu lên, trả lời tỉnh khô:
- Cây rựa của tôi có chiếc cán to bằng cánh tay hổ, cái lưỡi to bằng cổ con nai.
Chóc Cà Tực nghe nói cây rựa to quá vậy, ngơ ngác hỏi:
- Mày làm gì sắm cây rựa to quá thế?
Ông già trả lời:
- Cây rựa to vẫn chưa hạ nổi cây gai đấy.
Nó hỏi vặn:
- Cây gai to bằng mấy?
Ông già trợn mắt, nói:
- Cây gai này to, những ba người ôm gốc, tay vẫn chưa nối bàn tay.
Con Chóc Cà Tực chưa từng thấy cây gai nào to như thế, nên rất ngạc nhiên hỏi:
- Mày chặt cây gai để làm gì?
Ông già trả lời gọn lỏn:
- Để bóc vỏ cây gai ấy làm dây ná.
Nghe vậy, Chóc đoán ông già có cây ná to lắm. Cái ná chắc hẳn là cả một thân cây lim to nhất rừng. Nó giương tròn cả bốn mắt hỏi:
- Cây ná của mày to thế để làm gì?
Ông già leo lên phiến đá, vừa nhồi thuốc vào nồi điếu, vừa trả lời:
- Cây ná to để bắn ngã con lợn rừng.
Nó càng thắc mắc:
- Bắn con lợn thì cần gì cây ná to thế?
Ông già quẹt lửa châm thuốc, đủng đỉnh nói:
- Ồ, con lợn này to lắm. Đứng trên đầu lợn sẽ thấy một vùng sông không bờ dưới xuôi. Đứng phía chót đuôi lợn sẽ nhìn rõ hết những đỉnh núi cao của Giàng. Từ đầu lợn đến đuôi lợn ai khỏe chân lắm cũng đi mất một ngày.
Chóc Cà Tực hồ nghi, hỏi:
- Mày bắn con lợn đó thì nồi đâu luộc nó?
Gõ ống điều vào sống chân, ông già trả lời:
- Nồi tao đã đổ đầy nước và bắc sẵn rồi. Cái nồi to lắm, luộc một lúc hai con lợn như thế còn rộng chỗ.
- Chiếc nồi ấy mày để ởn đâu?
Ông già thong thả trả lời:
- Tao để ngay đây thôi. Hiện giờ, tao nuôi ở thành nồi bên trai hơn nghìn con ếch, con nhái. Thành nồi bên phải tao xếp mười bụi lau làm rau chém.
Con Chóc nghe vậy thì sửng sốt. Nó nhìn lướt quanh thấy đúng bờ khe bên trái có hơn mười bụi lao lách, bờ bên phải có tiếng ếch nhái kêu ì ộp rinh ran. Nó lại hỏi:
- Mày lấy gì múc canh trong nồi đó?
Ông già cười, ngẩng mặt lên, chỉ tay lên khoảng trời lộ ra giữa hai bờ khe trên đầu, nói:
- Cái thìa tao gác trên tán cây kia. Đợi khi nào nấu xong, tao sẽ lấy xuống múc cháo, múc canh đấy.
Nó thu mình lại hỏi thêm:
- Giờ mày đang nấu gì đấy?
Ông già bảo đứa cháu mang lên một ôm lá khô rồi vừa nhóm lửa, ông vừa chậm rãi trả lời:
- Các con vật tao bẫy suốt đêm giờ đang nằm gọn dưới đáy nồi cả. Tao nhen lửa để nấu chúng. Khi nào chín tao lấy thìa múc dần ra để hai ông cháu ăn.
Chóc Cà Tực sinh nghi, lo mình sa bẫy ông già, bèn hỏi gặng:
- Mày múc lũ ếch nhái ra ăn à?
Ông già khoát tay, xì mũi:
- Đâu thèm ăn loại ấy. Khi nước sôi, tao sẽ khoắng thìa múc ra cái đầu voi. Lúc nước cạn, bốc khói, tao múc tiếp cái đầu tê giác. Sau cùng thì tao múc nốt đầu mày đấy Chóc Cà Tực à!
Chóc Cà Tực nhìn quanh một lượt nữa, thấy vực khe phía dưới chân rộng thênh thang. Chỗ nó đang ngồi đúng là một bên thành nồi, cạnh các bụi lao. Trước mặt nó ếch nhái đang kêu. Nhìn xuống đáy vực, nó thấy bóng mình in lòa nhòa dưới đó. Nó rùng mình, thất kinh: đúng là nó sa bẫy, nằm trong nồi ông già rồi. Nỗi hốt hoảng làm nó co rúm người lại. Không hỏi gì nữa, nó quay ngoắt lưng về phía ông già, đu mình tung vội lên sườn lèn đá bên cạnh, mong nhảy ra khỏi nồi. Vì hốt hoảng, Chóc Cà Tực trượt chân, đập đầu vào lèn đá rơi xuống vực chết tươi.
Thấy thế, hai ông cháu vui mừng reo vang núi và chạy về báo cho dân bản biết tin.
Cô gái run run nói:
- Anh có của mà không biết của đấy. Tôi là cái chân bò tót mà. Anh không ăn tôi nên tôi đến để trả ơn anh.
Anh mồ côi nhìn lên sàn bếp thấy mất chân bò tót thì có phần tin, nên buông lỏng thêm một vòng tóc nữa và hỏi:
- Cô trả ơn tôi cho đến bao giờ?
Cô gái lưỡng lự một lúc rồi trả lời:
- Tùy anh thôi!
- Ồ, thế thì cô làm vợ làm chồng với tôi nhé! Nhà tôi nghèo, cô có ưng không?
Cô gái e thẹn trả lời:
- Làm vợ làm chồng thì phải theo phép của Giàng chứ!
Anh mồ côi buồn bã nói:
- Tôi nghèo, bà tôi nghèo, bạc nén không có, nồi đồng, chiêng núm, chiêng bằng cũng không có. Nhà mình rỗng như chiếc nồi úp miệng xuống đất thì lấy gì của bỏ, lấy gì làm lễ cưới?
Cô gái bảo:
- Giàng cho ta làm vợ làm chồng thì một lễ nhỏ cũng thành. Anh nấu một nồi cơm, vắt đủ tám nắm, luộc một quả trứng cắt ra làm tám miếng để lễ Giàng và ma hai nhà. Lúc lễ, anh ngồi trong nhà, em ngồi ngoài sân. Nếu anh ném đúng vào tay em cả tám nắm cơm, anh lại ngửa tay hứng đủ tám miếng trứng em tung vào, không có miếng trứng, miếng cơm nào rơi xuống đất là ý Giàng thuận cho ta làm vợ làm chồng. Nếu Giàng không cho thì em xuống thang đi luôn.
Anh mồ côi lo lắng, vội đi nấu cơm, luộc trứng để làm lễ cúng Giàng.
Vào lễ, anh đũ tung được cả tám nắm cơm vào tay cô gái và húng đủ cả tám miếng trứng, không để rơi lại một miếng nào. Cô gái đem cả tám nắm cơm lại thành một nắm to và trao lại cho anh mồ côi.
Hai người đã nên vợ chồng.
Bà đi làm rẫy về thấy cháu mình đang ngồi nói chuyện vui vẻ với một cô gái xinh đẹp ở trên sạp sàn thì lạ lắm. Bà chưa kịp hỏi, anh mồ côi đã kể hết ngọn nguồn cho bà nghe. Bà cháu vui mừng khôn xiết.
Bà cháu sống với nhau rất hòa thuận. Họ chung sức làm được một rẫy lúa to.
Lúa rẫy anh mồ côi chín sớm hơn mọi rẫy khác nên bị bò tót kéo đến phá phách mất nhiều. Anh đã mang ná đi rình nhiều đêm nhưng chưa bắn được một con nào cả.
Người vợ hết mực siêng năng, chăm chỉ công việc ruộng nương, bếp núc. Mỗi lần nấu nướng, chị ta thường giữ kĩ nắm vung trên nồi, không cho ai sờ tay vào. Khi nào bà thấy cháu quá bận rộn, vào làm giúp thì chị ta dặn:
- Bà không được mở vung làm sống cơm bà nhé!
Bấy lâu thấy cháu vẫn giữ kĩ vung nồi, bà lấy làm lạ lắm. Nhân lúc cháu vác ống tre đi múc nước ở suối, bà liền mở vung, hé mắt nhìn vào nồi cơm đang sôi thì lạ thay: một nửa nồi đã thành cơm, còn nửa kia là một nắm thóc vàng.
Đoán ra được cơ sự, bà đậy vung nồi cơm lẩm bẩm một mình:
- Bấy lâu ta tưởng bò tót ăn mất lúa rẫy, hóa ra cháu ta cắt về nấu cơm cho cả nhà cùng ăn. Nó là giống bò tót mà lại!
Biết chuyện, bà càng thương cháu dâu nhưng không kể lại chuyện cho chàng mồ côi biết. Ít lâu sau, bà già qua đời. Vợ chồng anh mồ côi đã sinh được hai đứa con xinh đẹp.
Một hôm, có đàn bò tót đạp rào vào phá ngô ở nương nhà anh. Anh mồ côi lấy ná ra toan bắn thì vợ ngăn lại, van xin:
- Anh ơi, sao anh nỡ bắn họ hàng nhà em?
Đang xót ruột vì nương ngô bị phá, anh chồng gắt:
- Thấy đàn bò ác lại nhận là bà con chú bác là nghĩa làm sao? Nó phá hết ngô, lấy gì cho con ăn?
Người vợ khóc lóc bảo:
- Cây một gốc, nước một nguồn, có phải bà con em mới nhận chứ đâu có nhận quàng. Anh không cho ăn thì ra đuổi đi!
Anh mồ côi vẫn chưa nuôi cơn giận, quát to:
- Đuổi được nó à? Nó húc cho thủng ruột ra ấy chứ? Ừ, bà con cô thì cô ra mời họ ra khỏi rẫy nhà tôi đi!
Người vợ nghe thấy thế giận tím mặt. Chị gạt nước mắt, ôm cả hai con chạy thẳng ra phía đàn bò ở bên rẫy.
Anh chồng thấy thế biết mình quá lời, hoảng hốt lo lắng cho vợ con, vội buông ná gọi to:
- Em ơi, lui lại! Bò giết mất em với các con đấy!
Người vợ vẫn cắm đầu chạy. Anh mồ côi giơ cả hai tay lên trời chới với như người sắp chết chìm, miệng lắp bắp kêu tên vợ, tên con.
Người vợ ẵm hai đứa con lao thẳng vào giữa đàn bò và cũng biến thành một con bò mẹ với hai con bê con. Ba mẹ con bò chạy húc vào lưng, vào cổ, vào bụng những con bò khác trong đàn. Cả đàn bò tót vểnh cổ, cong đuôi chạy lao mất vào rừng sâu.
Anh mồ côi bỗng nhiên mất vợ, mất con, càng ăn năn với cơn nóng giận của mình. Anh khóc rống lên. Tiếng khóc u buồn của anh đến cây rừng nghe cũng rũ lá, vượn nghe cũng khóc theo, chim chóc nghe thì ngừng tiếng hót.
Khi khóc đã khô nước mắt, anh mồ côi lập bàn thờ cúng vợ.
Từ đó, hễ đám lễ nào có giết bò, hoặc nhà nào săn được bò rừng thì anh không dám đến lễ ấy, đến nhà ấy nữa. Vì ai nỡ ăn thịt dòng dõi vợ con mình bao giờ?
Tiều A Lé
(Truyện cổ dân tộc Bru)
Có hai vợ chồng một ông già nọ ngày đêm buồn phiền vì không con. Một buổi lên nương, ông bà bỗng thấy một đứa bé ốm yếu, khắp người chi chít ghẻ lở, nằm khóc oa oa bên đường. Bà già nói với chồng:
- Ai đem con ném ở đây chắc là ý Giàng muốn cho ta.
Ông lão gật đầu, bảo bà vợ ẵm đứa bé về nhà nuôi. Họ đặt tên cho nó là Tiều A Lé.
Hai vợ chồng ông già rất mực yêu thương đứa bé. Có bao nhiêu của cải dành dụm được bấy lâu nay, họ đều đem ra đổi lấy gạo, muối, thịt cá để nuôi Tiều A Lé. Những ngày nắng cũng như mưa, bà già đều ẵm cậu bé trên tay, còn ông già lặn lội khắp nẻo suối khe kiếm thêm con ốc, con cua khe về nuôi bé.
Tiều A Lé ngày một lớn lên, nhưng vẫn ốm yếu, oặt oẹo và ghẻ lở, mụn nhọt đầy người. Hai ông bà đã đem nồi đồng, bạc nén đi đổi lấy thuốc chạy chữa mà ghẻ lở ở người Tiều không bớt đi được chút nào. Chạy hết các thứ thuốc, ông bà lại đi mời hết thầy mo gần, thầy mo xa, thầy mo lạ, thầy mo quen đến cúng, mà bệnh tình A Lé vẫn không giảm bớt.
Mười lăm mùa rẫy đi qua, thân thể Tiều có dài ra, mồm Tiều có nói năng được nhưng vẫn phải nằm liệt giường. Lúc ăn, lúc uống, ông bà già phải bón từng miếng cơm, đưa từng ngụm nước.
Của cải trong nhà vơi dần, hai ông bà tuổi ngày một cao, còn sức ở chân, ở tay đã hết. Những ngày động trời, những đêm giá rét, ông già ôm ngực ho khù khụ, còn ở góc nhà thì bà lão rên hừ hừ.
Rồi một đêm rét mướt, ông già cất giọng khàn khàn yếu ớt, bàn với vợ:
- Bà nó à! Ta hết lòng thương con, nhưng liệu có sống được mà nuôi nó nữa không?
Bà già run rẩy trả lời:
- Vợ chồng mình chết, e nó cũng chết theo mất thôi! Nên làm sao bây giờ ông ơi!
Suy nghĩ hồi lâu, ông già bảo vợ:
- Bà nó à! Mình già mình chết! Nó còn trẻ phải để nó sống chứ!
- Biết vậy, nhưng liệu có ai chịu nuôi nó?
Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng hai ông bà quyết định sẽ đổi căn nhà của mình lấy một chiếc bè. Có bao nhiêu thức ăn, vật dụng trong nhà, họ chuyển cả lên bè và đặt Tiều A Lé lên đó, rồi thả cho trôi theo dòng nước để may ra có bến thương, bến quý nào nhận nuôi nó lớn lên thành người.
Việc bàn bạc đó được thực hiên. Đứa bé A Lé ra khỏi bến quen, ông bà quay về bản cũ, nằm ngủ trên nền nhà trống. Họ ngủ một giấc dài và không bao giờ dậy nữa.
o0o
Chiếc bè đưa Tiều A Lé xuôi mãi theo dòng nước, đến mấy tuần trăng thì dạt vào một bến lạ.
Bến ấy là của một bản đông người, nhà ở rải rác trên một triền núi dài, nhiều như cả một đàn voi đứng giữa đồi tranh.
Người trong bản đi lấy nước trên bến thấy chiếc bè lạ đều tò mò dòm ngó. Thấy một chàng trai bẩn thỉu nằm trên bè, người ta xỉ mũi, khạc nhổ, lấy sào đẩy bè ra giữa dòng cho nó trôi đi. Nhưng mỗi lần chiếc bè bị đẩy ra giữa dòng nước, chỉ xoay xoay rồi lại dạt vào bến cũ.
Mỗi lần có người xuống khe lấy nước, Tiều A Lé thường ngả tay xin ăn. Con trai, con gái, người già, người trẻ nghe tiếng nó xin xỏ, đều quay mặt đi, vội lánh xa.
Chuyện chiếc bè lạ chở một người ghẻ lở, bẩn thỉu dạt vào bến, lọt đến tai A Nha giàu có. A Nha cho tôi tớ xua đẩy chiếc bè đi, nhưng cũng như mọi vận, chiếc bè bị đẩy ra rồi lại xoay vào chỗ cũ.
Cô con gái út A Nha nghe tôi tớ về bàn sự lạ cùng tò mò lấy cớ xách bầu đi múc nước để xem sao. Vừa đến gần bờ cô gái đã nghe tiếng gọi từ trên bè:
- Cô gái ơi, cho tôi xin ngụm nước.
Thấy chàng trai đau ốm tội nghiệp, lại đang bị hất hủi, cô gái rủ lòng thương, múc ngay cả một bầu nước đầy, đưa lên bè cho anh ta.
Tiều A Lé uống nước xong, lại nói:
- Tôi đói quá. Cô gái cho tôi ăn với!
Nghe chàng trai nói vậy, cô gái ton tả trở lại nhà mang típ(1) cơm của mình đem xuống cho A Lé. Được cơm, anh ta lại kêu:
- Tay tôi nhức buốt quá, không đưa cơm vào miệng được, biết làm sao cô gái ơi!
Chần chừ một lúc, cô gái bước bạo lên bè bón cơm cho chàng trai ghẻ lở ăn.
Chuyện cô gái út A Nha cho chàng trai lạ ghẻ lở uống nước, ăn cơm chẳng mấy chốc từ mồm người này truyền sang tai người kia, lan ra khắp bản và đến tai A Nha. A Nha giận lắm, vừa thấy mặt con gái út dưới chân thang sàn, A Nha đã quát xua đuổi, tiếng quát vang như cọp gầm:
- Đứa con mất nết kia! Mày đã dây bẩn rồi! Tao không cho mày lên sàn, không nhận mày làm con tao nữa!
“Giúp đỡ người bệnh hoạn, đau ốm mà là mất nết sao? Cái lí đúng không như lời cha bảo đâu!” Cô gái út toan cãi lại, nhưng thấy nét mặt hầm hầm của cha, tay cha lại đang lăm lăm ngọn giáo, nên cô cúi đầu, quay ngoắt người đi thẳng về bến nước.
Dân bản nghe A Nha to tiếng đều kéo đến bây kín dưới chân dàn. Nghe A Nha mắng nhiếc cô gái út, có kẻ thương, có người giận, những chẳng ai dám nói một lời bênh vực. Cả những kẻ xấu bụng đã từng mách lẻo chuyện cô gái thương thằng ghẻ, giờ thấy cô lầm lũi đi xuống bến nước, cũng cúi gằm mặt, băn khoăn.
Cô gái leo thẳng lên bè của Tiều A Lé và đẩy bè ra giữa dòng rồi cô nói với anh ta:
- Anh cho tôi ở nhờ với. Cha tôi đuổi tôi ra khỏi bản rồi!
Lần này, chiếc bè ra giữa dòng chảy thì trôi xuôi chứ không lộn quẩn trở lại như trước nữa. Nghe cô gái bảo vậy, Tiều A Lé liền nói:
- Cô muốn ở thì ở chứ tôi chẳng giúp gì được cho cô đâu. Tôi ốm đau, ghẻ lở thế này…
Cô út chỉ chớp mắt, im lặng, mắt nhìn theo con nước đang đưa chiếc bè trôi miết về xuôi. Cô gái út lo lắng, không biết chiếc bè sẽ đưa mình đến bến bờ nào?
Chiều hôm đó, chiếc bè dạt vào một bờ vắng và mắc cạn luôn ở đó. Tiều A Lé hỏi cô út:
- Cô đi với tôi không sợ sao?
Cô út trả lời ngay:
- Sợ kẻ đau yếu, bệnh tật ư? Không! Tôi đi theo vì thương anh thôi.
Tiều A Lé lại hỏi:
- Tôi có gì cho cô ăn đâu?
Cô út bảo:
- Ơ! Rừng của Giàng lắm củ, lắm trái. Con khỉ trên cây, con cá dưới nước có ai nuôi chúng đâu.
Tiều A Lé vặn lại:
- Cô đi trên bè tôi, mong tôi chết để lấy bè à?
Cô út rơm rớm nước mắt bảo:
- Anh nghĩ thế à? Tôi thương anh đem hai bàn tay đến để nuôi anh đấy chứ!
Tiều A Lé quay mặt đi.
Cô gái thấy thế cũng không nói gì thêm nữa. Cô nhảy lên bờ, bứt lá chuối, bẻ cây đem về làm tạm một cái mái che bè. Làm xong thì trời sắp tối, áo váy của cô út bị rách tơi tả. Tiều A Lé nhìn cô gái hồi lâu, rồi bảo:
- Em gỡ dưới mái che, lấy áo váy ra mà mặc.
Cô út nhìn quanh ngơ ngác, ngỡ A Lé nói quẩn. Cô ngồi thụp xuống góc bè. Tiều A Lé lại nhắc:
- Đi thay áo, thay váy đi, áo váy đã có sẵn dưới mái che bè ấy.
Mái che do chính cô út lợp bằng lá chuối làm gì có áo, có váy ở đó? Nhưng nghe A Lé giục, cô út nể lòng, đứng lên sờ tay vào mái lá. Chẳng ngờ chuyện có thật. Ở ngay trong lớp lá chuối cô mới lợp lên có mấy bộ áo váy đẹp để sẵn. Cô gái mừng rỡ, mặc áo váy đẹp vào người.
Tiều A Lé lại bảo:
- Em đói rồi. Từ sáng đến giờ em đã ăn gì đâu.
Lòng cô út rộn lên, quên cả đói:
- Em còn no. Ngày mai em sẽ lên rừng đào củ, hái trái về, hai ta cùng ăn.
A Lé xoay người nói:
- Chẳng phải đợi đến sáng mai. Em đói rồi thì cứ lấy cơm canh trên góc mái xuống mà ăn.
Khi cô gái với tay lên góc lán lấy thức ăn thì ngay trên liếp bè phía gần sau lưng cô chợt bùng lên một bếp lửa.
Cô gái bưng cơm canh xuống, ngồi bón cho Tiều A Lé và cả mình cũng ăn bên bếp lửa bập bùng, ấm cúng. Sự lạ ấy ban đầu làm cô út ngỡ ngàng, nhưng lâu dần cũng quen đi. Ngày qua ngày, cô út được ăn no lại có áo váy đẹp, cô càng trở nên xinh đẹp hơn.
Mỗi ngày một lần, cô út vào rừng kiếm lá, đào rễ cây thuốc về chữa chạy bệnh tình cho Tiều A Lé. Thấy cô gái chăm sóc mình vậy. A Lé nói:
- Bệnh của tôi khó lành lắm. Em đi vậy tốn sức nhiều quá!
Nghe A Lé nói vậy, cô út chỉ cười.
o0o
Chuyện lạ về Tiều A Lé và ôc út đã lọt vào mắt những người tò mò, lại từ miệng người này, sang tai người nọ rồi đến tai A Nha.
Lúc giận, A Nha đuổi cô út đi nhưng lúc con đi xa rồi thì niềm thương, nỗi nhớ như con kiến bò, như con ong đốt bụng A Nha. Duy chỉ có lòng ghét con người ghẻ lở, bẩn thỉu đã rủ rê con gái ông thì vẫn còn nguyên vẹn. Nay nghe tin con gái sống đầy đủ, lòng A Nha có êm êm, bớt nỗi lo đôi chút.
Bỗng đâu có một lũ Nhắc(2) từ phía rừng đang đêm vào cướp bản. Chúng giết trẻ con, đánh bọn người lớn và vơ vét hết của cải nhà A Nha.Trong cơn hoạn nạn, A Nha và những sống sót trôi dạt tận đâu đâu.
Tin đó đến tai cô út và Tiều A Lé. Cô út khóc ròng còn A Lé chỉ nín thinh.
Một hôm, như thường lệ, cô út lại vào rừng lấy thuốc. Mãi đến lúc mặt trời chạy quá nửa vòng đầu, gác ngay vành tai, cô út lại lán, không còn thấy Tiều A Lé đâu.
Lục quanh lán, thấy típ cơm đã xắn ăn mất một nửa, bát canh cũng vơi đúng một nửa, cô út rất lo lắng. Đã có bao giờ Tiều A Lé tự xúc cơm ăn đâu? Hay đã có một người nào đến đây mang A Lé đi mất? Cô út sờ tay lên mái lán, lại thấy mình có thêm nhiều bộ áo váy mới. Cô sờ tay vào góc lán, lại thấy trên tay nặng trĩu. Từ đó, cô kéo ra đúng một gùi gạo với nhiều miếng thịt khô, một ống muối đầy.
“Thôi phải rồi, Tiều A Lé đi đâu đây, nên đã lo đủ cho mình cái ăn cái mặc trong những ngày chờ, những đêm nhớ”. Nghĩ vậy rồi, cô út lấy típ cơm, bát canh ra ăn.
o0o
Lại kể về Tiều A Lé.
Khi cô út vào rừng thì A Lé bỗng ngồi dậy và hiện nguyên hình là một chàng trai đẹp, khỏe. Vấn chiếc khố đỏ gọn gàng, giắt đầy một ống tên dài, Tiều A Lé ăn hết một nửa phần cơm canh, rồi cầm giáo, mang ná nhảy lên bờ, đi về phía bản A Nha.
Từ xa, chàng đã nhìn thấy bọn Nhắc đông vô kể. A Lé giương ná, lắp tên, bắn vèo một mũi giết một lúc hai đứa. Lũ Nhắc thấy vậy nháo nhác cả lên.
Lại một mũi tên nữa bay vèo vào bản, xuyên chết thêm hai đứa. Thằng Nhắc cầm đầu đã nhận ra phía mũi tên bay tới bắn lén bọn chúng. Hắn gầm lên như tiếng gầm của con hổ đực, gọi tất cả bè lũ phóng lao về phía Tiều A Lé.
Hàng trăm mũi lạo nhọn thi nhau bay về một góc rừng. A Lé vung giáo lên đỡ, gạt các mũi lao. Các cây lao bị gạt đều gãy vụn ra, bay trở lại đường bản, biến thành một trận mưa chông, mưa tên, trút ào ào vào đầu lũ Nhắc. Thềm nhiều thằng Nhắc nữa chết trong trận mưa chông, mưa tên dữ dội đó.
Lũ Nhắc nhận ra kẻ thù của chúng có sức mạnh kì lạ. Chúng bèn chạy vào hẻm núi để dựa vào gốc cây, bờ đá chống lại. Tiều A Lé múa giáo đuổi theo, giết thêm không biết bao nhiêu thằng Nhắc khác. Lũ Nhắc sống sót đã lần được một lèn đá dốc đứng, thấy Tiều A Lé đã chạy đuổi đến sát dưới chân, chúng hè nhau xô những hòn đà to như những con trâu đực, con lợn rừng từ trên cao nhào xuống.
Tiều A Lé buông giáo, giơ tay đỡ những hòn đá to tướng ấy, nhẹ nhàng ném bật trở lại đỉnh lèn, tạo nên những tiếng sấm , tiếng sét ầm ầm làm rung chuyển, đổ sụp cả đỉnh lèn, giết chết hết lũ Nhắc.
Leo lên đỉnh lèn đã bị đánh đập tan hoang, mỗi tay Tiều A Lé xách thêm năm xác thằng Nhắc chết, đem về rải ra khắp bản.
Cô út thấy một chàng trai to lớn, ngực rộng, lưng dài, mắt sáng hiện ra trên bến nước, thì hoảng hốt thu mình lại trong góc lán. Người con trai ấy gọi lớn:
- Em ơi! Tiều A Lé đã về đây!
Cô út bưng mặt khóc nức nở, chối từ:
- Anh đi đi! Anh không phải là Tiều A Lé của tôi. Tiều A Lé của tôi khác cơ.
Chàng trai cười:
- Thì chính anh đây chứ còn Tiều A Lé nào nữa?
Cô út quay lưng lại người trai lạ và khóc to hơn:
- Ôi! Tôi đương mỏi mắt chờ Tiều A Lé tôi về! Lá thuốc tôi đã kiếm về đây. Anh là ai? Anh đi đi, đừng đến đây phá tổ, đạp hang của chúng tôi!
Tiều A Lé bước lên bè nghiêng hẳn về một bên. Cô út hoảng hốt kêu to:
- Ối! Ối!
Tiều A Lé chợt biến thành chàng trai ghẻ lở ngồi trước mặt cô út. Cô út mừng rỡ, reo lên!
- Ôi! Tiều A Lé!
Cô nắm lấy bàn tay nhớp nháp của A Lé. Bỗng dưng con người ghẻ lở ấy biến mất. Như trong mơ, cô út đang nắm bàn tay đen rám, chắc nịch của người con trai khỏe mạnh. Chàng nói:
- Em đừng sợ. Anh không còn ghẻ lở nữa. Giàng đã cho anh mang cái lốt bẩn thỉu ấy về do lòng tốt của con người trên miền đất này. Em là người rất tốt, tốt nhất trên thế gian. Anh cùng em làm vợ, làm chồng.
Cô út mừng vui vô hạn, nước mắt cứ trào ra. Hai bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của cô cứ nắm chặt bàn tay to bè, nâu rám cuồn cuộn gân của chàng trai.
Tiều A Lé kể chuyện mình đã đi giết xong lũ Nhắc cứu bản A Nha cho vợ nghe, cô út càng hởi lòng, hởi dạ. Nghe chồng kể, tưởng mình đang trong cơn mơ.
Hồi lâu, Tiều A Lé nhìn vợ và bảo:
- Em à! Anh giết xong Nhắc nhưng chưa tìm được A Nha. Con nai vàng làm sao gọi được bầy hươu lạc trở về.
Cô út còn trong cơn xúc động nói với Tiều A Lé:
- Tiều A Lé à! Lá xanh mắc trên cành, lá vàng rơi cũng chỉ rơi về cội. Anh cho em đi tìm cha em và dân bản về.
A Lé gật đầu bảo:
- Anh đã nghĩ thế nên anh đem xác Nhắc rải khắp đường bản làm dấu cho em về lại với cha.
Sáng hôm sau, Tiều A Lé cùng cô út quay về phía bản, len lách khắp rừng rậm, núi cao, hú gọi A Nha và dân bản trở về.
Nghe tiếng hú quen, dân bản lục tục kéo về.
Gặp lại cô út, nghe cô kể chuyện Tiều A Lé đã giết hết Nhắc, dân bản còn nửa tin, nửa ngờ. Nhưng khi về bản thấy xác Nhắc nằm chết ngổn ngang, họ mới tin đó là chuyện thật và cử người đi tìm A Nha.
Trong niềm vui được thoát nạn, A Nha càng thêm xót xa về việc làm của mình đối với con gái út trước đây. A Nha cúi mặt, lau nước mắt nói:
- Của cải, trâu bò, cái nhà sàn đẹp che mất con mắt nhìn, làm bẩn tấm lòng cha đối với con.
Dân bản thì vây quanh Tiều A Lé, người sờ vai, kẻ nắm từng cuộn thịt trên bắp tay, trên tấm ngực rộng của chàng. Mỗi người một tiếng khen, có cả tiếng cười, cả những giọt nước mắt mừng vui.
- A Nha à! Con ong làm nên mật mới biết tìm hoa. Hoa La Giong(3) đẹp đấy, nhưng con ong có đến đâu? Hoa Ma koong(4) rơi trên mặt đất ta chỉ ngửi ra mùi hắc mà con ong bâu vào lấy nhụy, lấy phấn, hút mật là tại làm sao? Con út nhà A Nha khác lũ ta ở chỗ đó. Nay A Nha tính sao?
A Nha ngẩng lên, chậm rãi nói:
- Người già nói trúng bụng nghĩ của ta rồi.
Dân bản nghe thế đều vui. Mỗi người một tiếng nói vun vào. A Nha nói tiếp:
- Con gái ta như con chim không biết chọn cành cây gửi tổ. Ta thương nó, dân bản thương nó. Ta biết ơn nó, dân bản biết ơn nó. Còn nó lại bảo nhờ Tiều A Lé. Bụng ta với dân bản cùng một bụng như nó. Nó nhận Tiều A Lé làm chồng, ta nhận Tiều A Lé làm rể, dân bản có nhận Tiều A Lé về ở chung với dân bản không? Người già, dân bản có muốn cho ta làm lễ cúng Giàng không?
Thấy dân bản đều vui vẻ nhận điều tốt lành, ngay ngày hôm sau, A Nha cùng dân bản giết trâu ăn mừng đã trừ được Nhắc và làm luôn lễ cưới cho cô út với Tiều A Lé.
Người già và dân bản đều muốn A Lé làm Xuất (5) làm người mạnh giữ tên ngày vui, giấc ngủ cho dân bản. A Nha trao cả gia tài cho vợ chồng cô út coi giữ cho dân bản vui lòng.
Hai vợ chồng anh thầy bói
(Vợ chồng khác nhau để bổ túc cho nhau chứ không để cãi cọ đấm đánh nhau)
Ngày xưa có người thầy bói chưa vợ, nghe thiên hạ đồn trong làng kia có cô con gái đẹp, mà chưa chồng. Thầy bói lần mò tìm đến tận nhà cô gái xin ở trọ một đêm. Thầy dụng tâm giở trò bói toán để lừa người con gái ăn phải bùa mê hoa nhài. Rồi người ấy đâm ra mê thầy và theo ngay thầy về làm vợ. Nhưng người con gái tuy có sắc đẹp, nhưng lại phải tật nặng tai, nghe không rõ. Chồng đui vợ điếc thật là xứng đôi.
Một hôm, hai vợ chồng đem nhau ra chợ coi bói. Khi đi qua đường gặp một đám ma ở đầu làng kia đi lại. vợ nói với chồng:
- Ối chao, cái đám ma to, biết bao nhiêu cờ quạt.
- Chồng mắng: cờ quạt đâu mà cờ quạt, chỉ có trống chiêng đánh inh ỏi.
- Vợ cãi: chiêng trống đâu mà chiêng trống, cờ cắm nhan nhản thế kia, không trông thấy lại còn nói láo.
- Chồng cãi: Thì mặc cờ với quạt mày, tao nghe thấy chiêng trống, thì chỉ có chiêng trống thôi.
Hai vợ chồng cứ cãi nhau, rồi đấm đá nhau ầm ĩ cả đường. có người đi qua thấy thế vào can, rồi hỏi tại sao, hai vợ chồng đem chuyện ra kể lại. Người kia nghe xong cười lớn bảo rằng:
- Thôi tôi xin cả hai bác, chuyện này thật tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Bác trai đui nên không thấy cờ, bác gái điếc nên không nghe tiếng chiêng, tiếng trống, thực ra đám ma có cả cờ bay, chiêng trống tưng bừng. Thôi hai bác nghe tôi, đi bói đi, không thì hết buổi chợ.
Bởi chuyện này, sau có câu hát rằng:
Thăm thẳm hoa nhài,
Chồng đui vợ điếc kém ai trên đời.
Sự Tích Con Kiến Dương
(Nghèo thì thề thốt, giầu thì quên mất lại khinh người)
Thuở xưa ở một làng nọ có anh chàng họ Dương, rất keo kiệt và lười biếng. Tối ngày chỉ rong chơi đây đó và la cà những nơi đình đám để kiếm ăn. Thấy anh chàng còn trẻ mà không lo chuyện học hành, cũng chẳng lo làm lụng nên dân làng rất khinh ghét, chẳng ai chịu cho ăn, khiến cho anh chàng đói khổ rồi bỏ làng mà đi.
Lang thang khắp nơi để kiếm ăn, rồi một ngày kia vì quá đói khát anh ta mệt lả ngã ra bất tỉnh bên đường. Trong cơn mê man anh ta thấy trước mắt tự nhiên hiện ra một núi vàng. Mừng rỡ, anh ta định chạy đến hốt vàng thì bỗng nghe một tiếng quát :
- Ngươi kia, ở đâu tới đây mà dám ngang nhiên lấy vàng của ta ? Ngươi không biết ta là thần núi vàng hay sao ?
Anh chàng họ Dương hốt hoảng nhìn lên thì thấy một cụ già đầu râu đẹp đẽ, dáng điệu hiền từ nhân hậu, chàng ta liền khóc lóc than van.
Vị thần thấy vậy động lòng nhân từ:
- Thôi được ta sẽ giúp ngươi. Nhưng khi được giàu sang rồi , ngươi sẽ xử sự với đời như thế nào ?
Anh chàng họ Dương thề là sẽ lấy lòng nhân đạo mà ở đời và sẽ giúp đỡ người nghèo khó, và thề độc nếu trái lời thì sẽ bị hoá thành loài sâu bọ phải tự đi kiếm ăn, và bị người đời ghét bỏ , lúc nào cũng chui rúc trong khe vách, chân tường .
Vị thần nghe nói vậy liền trao cho anh chàng họ Dương một cái túi rồi xô anh chàng xuống núi. Anh ta giật mình tỉnh giấc thấy trong tay mình đang nắm một túi đầy vàng thì mừng rỡ trở về mua sắm đủ thứ và sống một cuộc sống rất xa hoa .
Những người trước kia hay xua đuổi anh chàng họ Dương lân la tới làm thân . Anh chàng họ Dương nhớ tới thù xưa nên căm tức tìm đủ mọi cách để làm nhục họ . Còn những người nghèo đến xin ăn thì bị anh ta khinh rẻ , xua đuổi .
Một hôm có một lão ăn mày, mình mẩy lở loét, áo quần rách rưới đến xin ăn . Anh chàng họ Dương cũng xua đuổi nhưng lão già cứ ngồi lì trước nhà không chịu đi .
Anh chàng thấy thế giận lắm , nghĩ nhà đẹp mà lại bị một lão già hôi hám , dơ dáy ngồi ngay lối vào nên xách gậy ra đánh đuổi . Nhưng khi đưa gậy lên lão ăn mày hiện hình thành vị thần núi vàng năm xưa và mắng rằng :
- Nhà ngươi thật là bạc ác, tội không thể tha . Nhà ngươi có nhớ lời thề khi xưa chăng ?
Nói rồi vị thần hoá phép và biến anh chàng thành loài sâu bọ mà người đời sau này gọi là kiến Dương . Chỉ chui rúc suốt ngày , hễ đụng đến thì cuộn tròn mình lại để giấu sự xấu hổ ...
Sự Tích Hạt Thóc- bông lúa
(Nhiều bà mẹ quá cưng con trai, con một, làm con hư, đôi khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn)
Ngày xưa, có một người đàn bà nghèo. Chồng chết sớm, bà ở vậy nuôi đứa con trai duy nhất. Điều đáng buồn là cậu con trai càng được cưng chiều, càng đâm ra hư hỏng, bất hiếu, và không nghe lời mẹ. Bởi vì nhà nghèo, không đủ miếng ăn, người đàn bà cực nhọc trồng bắp, nuôi gà. Có trái bắp nào lớn đủ, bà luộc rồi đưa cả cho con ăn, phần mình ăn chỗ còn thừa lại . Khi nào làm con gà nào, bà để cho con ăn no nê, xong rồi bà kín đáo bòn mót đống xương vụn. Nhưng cậu con trai không thấy điều đó, cậu không thương yêu mẹ, lại còn hỗn xược, ham chơi nữa .
Một ngày kia, người đàn bà lâm bịnh nặng. Biết mình sắp chết, bà lo lắng, kêu đứa con trai lại, khuyên nhủ rằng :
- Ngày mẹ chết, con sẽ thấy ở chỗ mẹ nằm có một loại hạt nhỏ Con hãy bỏ vào trong chậu đất, đổ nước vào, rồi quảy về hoàng cung sẽ đổi được rất nhiều vàng bạc.
Ngày mẹ chết, cậu con trai tìm được trên gối nằm một loại hạt nhỏ bằng đầu ngón tay . Lòng tham lam, cậu liền làm theo lời mẹ dặn, bỏ hạt vào một chiếc chậu nhỏ, tưới nước vào, rồi bỏ lên lưng gánh về phía hoàng cung.
Đường về hoàng cung rất xa, phải mất cả sáu, bảy tháng đi đường. Cậu con trai mệt mỏi, tiền hết, lương thực cạn dần. Cậu bắt đầu phải xin từng bữa ăn, và khó khăn lắm mới xin được chỗ trú ngủ qua đêm. Cậu dần dần nhận ra được công lao của mẹ đã cực nhọc nuôi nấng mình trong bấy lâu . Cậu hối hận vì đã đối xử tệ bạc với mẹ.
Về tới hoàng cung, lúc cậu bỏ cái chậu trên lưng xuống, ngạc nhiên vì thấy tự lúc nào, trên lưng cậu có một nhánh cỏ trĩu những hạt nhỏ, mầu vàng xinh xắn, mùi thơm thoang thoảng, nấu ra ăn thật bùi . Cậu con trai nhớ thương mẹ, bèn thôi không đem hạt vào cung vua nữa, trái lại cậu mang giống hạt ấy về trồng, rồi phân phát cho mọi người cùng trồng nữa ... Đó là hạt lúa, chính là hạt gạo mà mỗi ngày chúng ta ăn đó.
Tại sao người mẹ biến thành hạt lúa, và tại sao bà nói câu con trai quẩy hạt lúa về hoàng cung? Hãy hết lòng yêu kính mẹ của mình, các em nhé. Vì không có ai yêu thương các em bằng cha mẹ của các em đâu .
. Hoa tầm xuân
Ngày xưa, có hai em nhỏ mồ côi cha mẹ. Đứa lớn là trai và đứa bé là gái. Tuy còn nhỏ, hai em đã biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ngày ngày cậu anh trai khi thì đi xin về nuôi em, khi thì vào rừng hái nấm, kiếm củi đem ra chợ bán hoặc đem đổi lấy gạo để nuôi em. Còn cô em là một cô bé tuyệt vời, rất hoạt bát, vui vẻ và tốt bụng. Em nghe được tiếng chim và biết cùng chim trò chuyện. Từ sáng sớm, chim muông lũ lượt bay đến nhà và cùng em trò chuyện, ca hát.
Tiếng hát của em làm say mê cả con quỷ độc ác trong một khu rừng gần đó. Nó bèn giả làm bà già tốt bụng, ra khỏi rừng tìm đến nhà em bé. Nó cho em bé trái cây, cho lũ chim hạt thóc. Nó còn khôn khéo bày trò vui chơi cùng lũ chim và cô gái. Vốn rất ngây thơ, em bé không đề phòng, thừa cơ con quỷ chộp lấy em và lũ chim mang tận vào rừng sâu. Nó nhốt em bé với lũ chim trong một chiếc lồng lớn, rồi bắt em hát cho nó nghe. Nhưng quá khiếp sợ, em bé không hát.
Tức lắm, con quỷ gầm lên những tiếng kêu man rợ, rồi vùng dậy vừa gào thét, vừa đấm đá. Chiếc lồng lăn long lóc làm cho thịt da em trầy trụa, xây xát. Nó liền phạt em bé và lũ chim bằng cách đem chiếc lồng treo lên một cành cây cao rồi bỏ đi, lòng đầy tức giận.
Ở trên cành cây cao, cô bé tìm cách cứu bầy chim. Em cố chịu đau, luồn mấy ngón tay nhỏ xíu vào kẽ giữa những chiếc nan lồng. Răng nghiến chặt, em cố kéo chiếc nan bị uốn cong mở ra một lối nhỏ. Em giúp bầy chim thoát khỏi lồng bay ra. Nhưng hai bàn tay em bị những chiếc nan lồng siết chặt đã bị dập nát, máu me đầm đìa. Máu thấm đỏ cả mấy chiếc nan. Và rồi một điều kỳ lạ đã xảy ra. Những chiếc nan dính máu như cựa mình và cứ thế dài mãi ra, buông mình xuống tận đất, thân mọc đầy những chiếc gai nhọn.
Khi trở về nhà, người anh không thấy em gái đâu, cả đàn chim cũng mất. Nhìn thấy cảnh nhà tan hoang, biết có sự chẳng lành, chú bé đi tìm em, miệng gọi Xuân ơi, Xuân ơi không ngớt. Nhưng không một tiếng trả lời. Em càng cuống quýt, sợ hãi càng chạy, càng gọi. Em đi mãi, gọi mãi vượt qua mấy cánh đồng, lội qua mấy con suối, sau cùng đã tìm được người em đã trở thành bông hoa Xuân mất rồi.Từ đó người ta gọi là hoa Tầm Xuân.
Bát canh hẹ
(Người mẹ cũng tốt, người con cũng tốt, ông quan cũng tốt )
Xưa có một người rất có hiếu, không may mắc tội vu oan, phải giam tù đã lâu, không ai được thăm hỏi.
Một hôm, bà mẹ làm cơm canh, nhờ người chủ ngục đưa vào.
Người tù trông thấy cơm canh nhưng không ăn, anh ta ngồi nức nở khóc. Chủ ngục hỏi sao không ăn lại khóc. Anh ta trả lời:
- Tôi ở nhà còn mẹ già, thường khi nấu canh hẹ, thường lấy thước đo từng tấc . Nay tôi thấy canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi đã lặn lội từ nhà đến đây, thăm tôi mà tôi không được ra thăm mẹ, trong lòng tôi xót xa ăn sao được.
Chủ ngục nghe rõ truyện lấy làm thương tình, liền trình với quan. Quan nghĩ rằng một người có hiếu như thế không lẽ làm điều phạm pháp, ông cho xét án lại, thì đúng là người kia mắc tội oan, nên được tha ngay.
Hai mẹ con lại được sum họp hạnh phúc.
Sự Tích Trái Dứa-thơm-khóm
(Mẹ nên dạy con sinh sống từ nhỏ để con khôn lớn)
Ngày xưa có một Bà kia có một đứa con, Bà rất thương yêu con nên làm hết tất cả mọi việc không cho con mình đụng đến một việc gì dù là nhỏ nhất. Vì thế đứa con đã lớn lên mà chẳng biết làm tí gì về công việc ở trong nhà.
Một hôm Bà Mẹ bị bệnh nặng, Bà không thể ngồi dậy để làm công việc và không thể chăm sóc cho con mình được, lúc ấy đứa con đành phải tự đi vào nhà bếp để lấy thức ăn vì nó đã cảm thấy đói. Nhưng đứa con không thể tìm thấy những thứ nó cần và nó chạy lên chạy xuống hàng trăm lần để hỏi Bà Mẹ những câu thật linh tinh, ngớ ngẩn. Ban đầu Bà Mẹ còn âu yếm trả lời nhưng sau đó quá bực mình vì cái tính lẩn thẩn của con, Bà liền nói một câu : ước gì con ta có hàng trăm con mắt để nó có thể nhìn thấy mọi thứ. Bà vừa nói xong thì thấy ở đàng sau bếp yên lặng quá, thì ra đứa con đã bị biến thành quả dứa có hàng trăm cái mắt nhỏ.
Sự Tích Trái Sầu Riêng
Ngày xửa ngày xưa, khi quân Tây Sơn đã yếu thế, chúa Nguyễn (tức là vua Gia Long) giành được giang sơn. Ông ta ra lịnh bắt bớ những người đã giúp vua Tây Sơn. Có một vị quan Tây Sơn trẻ chạy qua xứ Căm Bốt (Campuchia) lánh nạn. Tại đó, chàng ta đã gặp một cô gái Khờ-Me (là tên gọi của dân cư xứ Căm Bốt) xinh đẹp, và đã kết duyên vợ chồng. Họ sống rất hạnh phúc với nhau. Hàng ngày, chàng trai Việt giúp đỡ cô gái Khờ-Me trong công việc đồng áng. Họ dạy cho nhau tiếng mẹ đẻ, và chàng trai cũng hay giúp đỡ bà con láng giềng. Vài tháng trôi quạ đến một hôm, người vợ đem về một loại trái cây trông như trái mít, nhưng có một mùi rất lạ, làm cho người chồng nhăn mũi khó chịu. Cô gái mỉm cười, xẻ trái đó ra, và nói với chàng ta: "Anh hãy nếm thử đi, tuy trái này có mùi không được thơm, nhưng khi ăn vào, anh sẽ thấy nó ngọt bùi như lòng em đây. Chàng trai chiều vợ, nên ráng ăn thử một múi. Kỳ lạ thật, đúng như lời nàng nói, vị lạ, ngọt ngon làm cho chàng muốn ăn mãi mà không chán.
Từ đó, vào mỗi mùa sầu riêng, hai vợ chồng đều thích thú thưởng thức loại trái cây của xứ sở người vợ. Tuy nhiên, không bao lâu thì cô gái bệnh nặng và qua đời. Chàng trai rất đau khổ. Sau khi chôn cất nàng, chàng quyết định trở về đất Việt, mang theo loại cây kỷ niệm tình vợ chồng. Chàng đặt tên cho cây là Sầu Riêng, và âu yếm chăm sóc cho cây. Bà con hàng xóm lúc đầu cũng không thích mấy mùi sầu riêng, nhưng khi nghe chàng trai giải thích, và nếm thử, thì họ thích ăn vô cùng, và đem gieo giống sầu riêng khắp nơi.]
Mèo lại hoàn mèo
(Không nên nghe người này người nọ mà hay thay đối, mình phải biết sống theo lẽ phải)
Đôi vợ chồng kia lấy nhau đã lâu mà không có con. Hai người cầu Trời khấn Phật, mãi mới sinh được một con trai, rất ngoan ngoãn dễ thương. Vợ chồng vui lắm, cưng chiều con lắm.
Hai người bàn tính đặt tên cho con trai cưng là MÈO.
Một hôm, người hàng xóm tới thăm, nghe tên thằng bé là mèo, liền chê:
- Bộ hết chữ rồi mà sao lại đặt tên cho con là Mèo?
- Không phải hết chữ, nhưng vì cưng nó, nên đặt vậy.
- Sao không gọi nó là TRỜI. Còn gì cao qúi bằng Trời. Trời xanh xanh bao la, coi thật đẹp. Thế là đôi vợ chồng này nghe bùi tai nên đặt tên cho con là Trời. Nghe cũng lếu láo thật.
Lại một hôm có người bạn ở xa tới chơi, anh ta bảo:
- Sao lại đặt tên nó là Trời, nghe ngạo nghễ quá, nhưng trời còn thua mây, mây che cả bầu trời, không thấy sao. Đặt tên cho nó là MÂY đi.
Người khác lại chê và đề nghị: Mây còn thua gió, gọi nó là GIÓ đi.
Người khác nói: Gió còn thua tường. Tường cản được gió . Đặt tên cho nó là TƯỜNG đi.
Tường cũng lại bị chê nữa: Sao lại gọi là Tường, chuột còn leo cả lên tường. Gọi nó là CHUỘT đi.
Người khác chê: Bộ khùng hay sao mà con cái lại đi gọi là chuột? Không thấy người ta nuôi mèo bắt chuột sao, gọi nó là mèo đi.
- Tôi đặt tên cháu là MÈO rồi, nhưng người ta cứ nói này nói nọ. Khổ quá. Thôi con ơi, từ nay bố mẹ cứ gọi con là MÈO vậy.
Thế là MÈO lại hoàn MÈO.
Người hóa dế
(cha mẹ nào cũng thương yêu con, dù có sửa phạt con lầm lỗi)
Làng kia có tục đá dế, người lớn trẻ con đều rất vui vẻ tham dự, người lớn đưa dế đến đá, trẻ con bu quanh reo hò. Ông cai tổng có con dế vô địch, nhưng có thằng con trai tên Tý nghịch ngợm, lấy dế của bố đi đá chơi, bị bố đánh đòn gần chết, may được mẹ bênh kịp thời.
Nhưng Tý bị bạn bè khích dại, nên lại lấy dế của bố đi đá dế bạn. Cuối cùng con dế quí bị chết, thằng bé sợ bố đánh, vội trốn đi biệt tích, không dám về nhà nữa, mẹ ở nhà khóc lóc nhớ thương, bà định thắt cổ chết theo con, rồi bố cũng tính thắt cổ chết theo mẹ.
Thằng Tý đi lang thang, đói mệt, phải leo lên cây bẻ trái dại mà ăn, không may bị rớt xuống nằm bất tỉnh.
Nó nằm mơ đi tới một khu rừng núi, gặp ông thần râu ria lồm xồm, nó xin ông giúp cách đền bù cho bố ở nhà. Ông thần biến nó thành con dế, bay về đậu vào cái dây thắt cổ của bố, bố vui mừng đem dế vào cung vua dự cuộc đấu kịp thời
Dế ông cai tổng đá với các dế khác, sau cùng dế ông cai tổng thắng cuộc, ông được trọng thưởng theo ý nguyện: cho dân miễn thuế 3 năm và lên cấp bậc. Sau khi tan cuộc, con dế thần biến mất như lời ông thần trong núi đã nói trước, Tý trở lại cám ơn ông, rồi về nhà với bố mẹ. Tý gõ cửa, xưng tên, nhưng cha mẹ không dám mở, vì bố mẹ tưởng Tý chết rồi, bây giờ hồn ma về thôi. Sau cuộc đối đáp, bố mẹ mở cửa, mừng rỡ hết sức, từ đó Tý ngoan ngoãn hơn.
Mẹ chồng buộc tội nàng dâu
(Ăn gian nó hoàn ra đấy. Mẹ chồng nàng dâu thường không thương nhau, đó là một thói xấu)
Ngày xưa ở tỉnh Thái nguyên miền Bắc, có một bà mẹ chồng sống với nàng dâu, cả hai đều góa chồng. Bà mẹ chồng đang còn trẻ, không muốn ở vậy, nên thường lén lút đi lại với một người hàng xóm. Nàng dâu biết chuyện, ghét cả 2 người, tìm cách ngăn cản họ gặp nhau. Bà mẹ chồng bèn kiếm kế dịu ngọt để đuổi nàng đi., song nàng dâu cứ nhất quyết ở lì để khuấy phá mối tình vụng trộm của mẹ chồng.
Không làm gì được nàng dâu, bà mẹ chồng tức tối đi thưa quan, vu cho nàng dâu rước trai về nhà. Quan hỏi đến tên người đàn ông, bà mẹ chồng trả lời không biết, vì y đến ban đêm và chưa sáng ngày đã đi, cứ hỏi nàng dâu thì rõ. Quan cho đòi nàng dâu tới, nàng dâu trỏ ngay người đàn ông hàng xóm, nói quyết là y đã đến với bà mẹ chồng. Người đàn ông hàng xóm bị bắt đến đối chất với 2 người đàn bà, y nhất định chổi là không có đi lại với người nào cả, y nói rằng bà mẹ chồng và nàng dâu gây gỗ rồi đổ thừa hại lẫn nhau đó thôi.
Quan nói: "Tại sao trong làng có hơn một trăm đàn ông mà lại buộc riêng cho một mình anh?
Người hàng xóm bị nọc ra đánh, bèn khai là mình đã đi lại với nàng dâu. Quan huyện cho đóng gông nàng dâu lại, mặc dầu cô ả một mực kêu oan. Nàng dâu đưa việc thưa lên tỉnh để xin thẩm xét. Trong lúc nội vụ đang lòng vòng thì có một viên quan mới bổ nhiệm đến.
Sau khi cho gọi cả 2 người lên hỏi qua loa, ông huyện mới bảo giam lại, ra lệnh sằm sửa đá với dao để ngày mai xử nội vụ. Các nhân viên ở nha không khỏi lấy làm lạ, tự hỏi rằng huyện đường thiếu gì công cụ tra tấn mà lại đi kiếm thêm ở ngoài nữa.
Ngày hôm sau ông quan mới ra công đường, bảo đem đá với dao tới sẵn. Rồi cho gọi người đàn ông hàng xóm cùng 2 người đàn bà góa lên. Sau vài câu hỏi, quan bảo bà mẹ chồng và nàng dâu rằng:" Việc này không cần phải tra hỏi lâu la gì nữa. Đã có bằng chứng chắc chắn về tội người đàn ông rồi. Tôi cho là cả 2 người đều vô tọi, chẳng qua bị tên kia mưu đồ làm hại, vậy xử một mình nó phải chịu hết mọi hậu quả. Đá dao đã sẵn sàng cả kia, tôi cho phép 2 người cứ vác đá mà ném, lắy dao mà xẻo cho nó chết cách nào cũng được." Thấy 2 người đàn bà sợ mang tội giết người, viên quan nói:" Các người đừng sợ gì cả, đã có tôi chịu hết mọi trách nhiệm".
Hai người đàn bà chạy đến đống đá, nàng dâu vốn sẵn thù ghét chồng chất bấy lâu, cả hai tay lượm những hòn đá lớn nhất, ném mạnh vào người đàn ông, muốn cho trúng chết ngay mới hả giận. Bà mẹ chồng trái lại, chỉ nhặt các viên đá nhỏ mà ném nhẹ vào chân người đàn ông hàng xóm. Đến khi quan bảo đưa dao cho 2 người xẻo thịt thì bà mẹ chồng thụt lùi lại.
Viên quan nói:" Thôi, đủ rồi, bây giờ ta đã rõ ai là thủ phạm".
Bà mẹ chồng bị nọc ra đánh, liền khai ngay cả sự thật.
Ông huyện khảo đá
(Lòng thương người nghèo sẽ sinh sáng kiến tìm cách cứu giúp. Ông huyện trong truyện này thật đáng khen )
Ngày xưa, ở tỉnh Hà tĩnh có người đàn bà rất nghèo khó, cuối năm đem rau ra chợ bán để lấy tiền mua thức ăn trong 3 ngày Tết, Bà về đến nửa đường, qua một cái cầu tre, bà run lẩy bẩy để rơi cả rổ đồ ăn xuống sông. Không còn biết tính ra sao, vì đã hết cả tiền rồi, bà ta đành ngồi bên cầu mà khóc lóc.
Lúc đó, ông huyện đi qua, thấy vậy mới hỏi cớ sự làm sao? người đàn bà thưa:"Tôi đi chợ Tết về qua cây cầu này, cầu lắc lư, tôi đổ cả thức ăn xuống sông, nhà tôi nghèo quá, không biết lấy tiền đâu ra mua lần nữa, tôi không dám về nhà, sợ chồng tôi đánh chết". Ông huyện động lòng thương, bảo bà đó theo ông về huyện đường.
Về đến huyện, ông quan sai người đi khiêng một tảng đá vào đặt tại công đường, bảo lấy giây trói đá lại, cắt một tên lính cầm roi đứng một bên, đặt 2 cái thùng ở trước cửa nha, rồi cho rao ngoài phố: ai muốn xem quan huyện tra khảo đá thì vào mà xem. Lại dặn lính: ai muốn vào xem thì phải bỏ vào thùng 3 đồng tiền. Từ sáng đến chiều 2 thùng đã đầy tiền. Ông huyện hẹn với người vào xem đến mai trở lại, rồi ông lấy số tiền thu được trao cho người đàn bà.
Đến hôm sau người ta mới biết là ông huyện bày ra việc khảo đá để cứu giúp người đàn bà nghèo khốn.
Nicô và lão ăn mày
(Làm phúc cho kẻ nghèo khó bao giờ cũng được thưởng công đời này hoạc đời sau )
Ngày xưa ở chùa Phước thọ miền đất Bắc, có một nicô tên Tuệ Không, người đẹp đẽ lạ lùng, cô có tài làm thơ, vẽ và viết chữ. Tính cô dè dặt, không để cho thơ, chữ vô có lọt tay người ngoài. Tài danh đồn xa, nhiều người đến xin cô cho thơ, cho chữ viết, cô phải nhận lời cho không.
Một hôm ni cô đi ra ngoài chùa, gặp ông lão ăn mày, cô hẹn mai đến chùa sẽ bố thí cho. Hôm sau, người ăn mày tới, cô không cho gạo cho tiền, chỉ cho vài tờ giấy có nét chữ của cô. Người ăn mày ngần ngại không muốn nhận, nhưng cô khuyên đem đến bán cho nhà giầu lấy tiền mua gạo, hết rồi đến cô cho giấy nữa.
Lão ăn mày đem đi bán, người giầu có mua với giá rất đắt, họ thích nét chữ của ni cô, chẳng bao lâu, ông ta trở nên dư ăn dư mặc. Không biết làm cách nào trả ơn ni cô, ông ta làm một cái lều trước cổng chùa để trông coi nhà chùa.
Có kẻ cường hào trong vùng muốn chọc ghẹo ni cô, mấy lần đều bị nàng nghiêm khắc từ chối, nên hắn đâm ra thù oán, hắn thuê một bọn côn đồ thừa cơ làm nhục cô cho bõ ghét.
Một hôm ni cô đi chơi núi cách chùa hơi xa, lũ côn đồ theo sát, vây chung quanh chọc ghẹo thô tục. Một mình trong nơi vắng, ni cô chỉ biết xin bọn côn đồ tha mạng kẻ tu hành, nhưng chúng nhất quyết ra tay, đứa thì nắm tay, đứa giữ chân, đứa tính cưỡng hiếp. Giữa lúc đó lão ăn mày bỗng đâu tiến đến giải vây cho ni cô, và đưa cô về chùa bình an vô sự.
Người đời cho rằng ni cô là Quan âm tái thế, còn lão ăn mày là hộ pháp tiền thân.
Vị thuốc quí cứu sống con người
(cơm gạo do Trời ban nuôi sống con người, không nên phung phí)
Xưa có một người lợ độ đường, trong bụng đói quá không biết làm thế nào, ông tìm vào nhà kia, gặp bà chủ, ông nói rằng:
- Tôi có một bài thuốc gia truyền, ai gần chết cũng cứu cho sống lại được. Bài thuốc ấy thật là quí, tôi chua bao giờ truyền cho ai cả. Bây giờ tôi đói bụng, tôi mà chết thì bài thuốc ấy cũng không lợi ích gì nữa, nên tôi muốn nhờ bà cho tôi một bữa cơm, rồi tôi xin truyền lại bài thuốc quí để tạ ơn bà.
Bà chủ nghe nói lấy làm mừng lắm, vội vàng đi thổi cơm cho người kia ăn. Người kia ăn no nê rồi, bà chủ đem giấy bút ra bảo rằng: bài thuốc ấy thế nào ông biên ra cho tôi.
Người kia nói:
- Chà, bài thuốc ấy quí lắm, ta phải giữ kín, không nên biên ra làm gì. Bà cứ đi với tôi, đi gần thôi, tôi đưa bà đến tận nơi có bài thuốc ấy. tôi chỉ bảo rõ ràng cho bà mới được.
Bà chủ vui lòng đi theo.
Đi một lúc lâu không thấy người kia nói gì cả, bà ta nóng ruột hỏi giục rằng:
Thế nào đã đến nơi chưa? Có phải đánh lừa tôi để kiếm bữa thì bảo?
Người kia nói: xin bà cố đi ít nữa, tôi đưa đến tận chỗ có vị thuốc ấy, đưa tận tay bà rồi bà xem.
Khi hai người đi tới mộ thửa ruộng sắp gặt được, người kia đứng lại rút một bông lúa, vừa chỉ vào ruộng lúa, vừa đưa bông lúa cho bà chủ và nói:
Chú lính ăn khoai
(vì nghèo nên phải đắn đo)
Ngày xưa có người đi lính đã lâu năm, lúc mãn khóa, trong lưng chỉ còn 3 đồng bạc.
Anh ta đi qua một cái chợ, trong bụng đói lắm, nhưng không biết mua cái gì ăn cho vừa túi tiền.
Khi dạo qua hàng cháo, nhà hàng mời ăn, anh ta nói:
- Cháo ăn lỏng vỏng, tôi chẳng ăn cháo.
Khi lượn qua hàng xôi, nhà hàng mời ăn, anh ta nói:
- Lòng đang bồi hồi, tôi chẳng ăn xôi.
Đi qua hàng khoai lang, thấy bày ra từng củ, nhà hàng chào mời. Anh ta nghĩ bụng ăn khoai lang có lẽ vừa túi tiền, anh ta hỏi:
- Mấy đồng một củ?
Nhà hàng nói: - Ba đồng.
Anh ta trả giá: - Hai đồng bán không?
Nhà hàng:- Thôi tôi bán rẻ cho cậu đấy.
Người lính ngồi xuống ghế, vắt chân chữ ngũ, chọn một củ khoai, bóc vỏ tươm tất, để lại một bên, thế là xong bữa ăn khoai. Ăn xong, anh ta làm ra vẻ, gọi nhà hàng bảo:
- Bớ cô nhà hàng cho tôi bát nước.
Lúc nhà hàng đi vào múc nước, anh ta còn đói, vội bốc nghay đống vỏ khoai lúc nãy nhét vào miệng. Nhà hàng cầm gáo nước quay ra, thấy anh ta đang lúng búng nhai liền hỏi:
- Cậu ăn gì đó?
Nói là ăn vỏ khoai thì xấu hổ, anh ta phải nói: Tôi ăn đồng đậu.
Nhà hàng nói: - Một đồng đậu hai đồng khoai là 3 đồng.
Bấm bụng chỉ có 3 đồng, mà nhà hàng tính cả 3 đồng rồi, người lính đau khổ moi tiền trả rồi buồn bã ra đi, không dám ngó tới bát nước nhà hàng vừa bưng ra nữa.
Vì chuyện này nên thiên hạ có câu:
Bắt chân chữ ngũ,
Đánh củ khoai lang,
bớ mụ nhà hàng,
cho ta bát nước.
Vua heo
(Ở hiền thì lại gặp lành)
Ngày xưa có anh chàng không cha không mẹ, nghèo khó, phải đi ở đợ để kiếm cơm ăn. Anh ta ở bẩn như heo, không ai chịu được, nên gọi là chàng heo. Một hôm anh ta ngồi rửa chân cho ông quan phủ, thấy bàn chân ông ta có 3 nốt ruồi son, anh ta liền khoe anh ta có 9 nốt ở sau lưng. Ông quan thấy anh ta có số làm vua nên ông sai người tớ gái tên Gái bỏ thuốc độc vào tô cơm cho anh ta ăn rồi chết. Gái vẫn có lòng thương chàng Heo, nên sau khi bắt buộc nghe lời quan chủ, Gái bỏ thuốc độc vào cơm rồi đứng chờ heo đi tắm về ăn. Gái thấy heo bưng bát cơm lên miệng, gái lụng bụng nói: "Heo ơi, heo ăn thì heo cũng chết mà không ăn cũng chết". Nói rồi gái đi ra vườn, sợ ông chủ nghe thấy thì ăn đòn. Khi heo nghe gái nói vậy thì nghi ngờ nên đổ bát cơm cho con gà đang ăn ngoài sân. Gà thấy cơm, vội qua ăn, ăn xong quay ra chết liền.
Heo biết ông chủ hại mình nên nghe lời gái bỏ trốn đi. Gái ở lại bị ông chủ la, đánh đập vì để heo bỏ trốn, gái cũng trốn về bên ngoại luôn.
Trên đường đi, Heo gặp hai người lính đang đánh đập một thanh niên, bắt đi lính, người vợ theo khóc lóc xin tha, nhưng không được. Đi được một quãng, heo lại gặp một người đàn bà đang khóc lóc, theo xác chồng đi chôn vì chết đói, cuối cùng heo gặp ông quan phủ đem lính đuổi theo đem về giết, chỉ vì heo có 9 nốt ruồi son. Trong lúc nguy ngập, may quá, có tên cướp núi đến cứu kịp thời, quan quân chạy đi, tên cướp núi rủ heo đi làm cướp núi, nhưng heo không đi, heo chỉ muốn làm người dân lương thiện thôi.
Heo đói bụng, vào nằm ngủ trong cửa đình làng. Thấy tượng thần làng đứng đó, heo la ông ta "sao để cho dân đói khổ như thế", và bắt ông ta ra đứng ngoài sân, tượng thần nghe theo lời heo, lại còn hiện hình tập võ cho heo để dùng sau này. Dân làng tìm cách đưa tượng thần vào chỗ cũ, nhưng không ai xê dịch được, tượng quá nặng. Ông quan phủ nghe chuyện đến coi, sai lính khiêng vào cũng không được. Lúc ấy có ông chủ làng đến nói: đêm có thần hiện về báo tin: có hoàng đế xuất hiện, bắt tượng phải rời. Trong khi đó, heo xin vào giúp việc cho một ngôi chùa, hắn lau tượng, nhưng cao quá không với tới, hắn bảo tượng ngồi xuống cho hắn lau, ông sư thấy chuyện lạ, đi nói với quan phủ, người đó đang ở trong chùa.
Ông quan phủ đem lính đến bắt tên Heo giải về trị tội…Đang khi quan quân trên đường về, một đám giặc núi, mà người chỉ huy đã được báo mộng rằng: hôm nay sẽ gặp minh chủ vua cao, liền kịp thời đến giải vây, đánh tan tành quân quan, chạy tán loạn không dám quay cổ lại.
Xong xuôi, tất cả đám giặc núi đến quì trước chàng heo, cùng hô to:"Thánh Thượng vạn vạn tuế", xin chàng lên ngôi vua để diệt những kẻ tham lam, tàn ác, làm chết bao nhiêu người vô tội. Chàng Heo bằng lòng dựng cờ khởi nghĩa, anh hùng khắp nơi theo rất đông, chẳng bao lâu, quân bên heo chiến thắng, heo lên ngôi vua. Ngày khải hoàn, vua tôi kéo nhau rầm rộ trên đường. Dân chúng kéo theo hoan hô vang trời, trong đám dân có cả bé gái. Khi gặp bé gái, bé gái hỏi: Anh heo làm vua rồi hả? vua heo gật đầu, hỏi lại: Bé Gái có chịu làm hoàng hậu không? Bé gái e lệ gật đầu.
Ông quan bộ hình
(Người vợ đáng trọng, ông chồn biết hối hận cải thiện cũng đáng khen. Sự hổi cải luôn là điều tốt)
Ngày xưa, có một ông quan làm ở bộ hình (1/6 bộ của triều đình vua Chúa thời xưa, trông coi hình sự, pháp luật, xét lại những vụ án nặng nghi ngờ), tính tình cũng khá hiền, nhưng xử án thì hết sức gắt gao. Vợ quan, trái lại rất hiền từ, xứng con người phúc hậu.
Thường ngày bà thấy chồng đi làm về, lại thấy đem theo gói vàng. Bà vợ nghi là chồng tham nhũng, tra khảo người ta mà lấy của, mới có nhiều vàng như thế. Bà liền tìm cách dò thử chồng.
Một hôm bà sai con hầu bưng đĩa có 10 miếng chả để vào mâm cơm. Lúc 2 vợ chồng ngồi ăn, bà nói:
- Mười ba miếng chả đây , sao còn có 10 miếng? ai ăn vào đây ông thử tra hỏi xem?
Ông quan tưởng là đứa hầu ăn vụng, nên đem tra hỏi nó. Bị đánh đau quá, con hầu chịu không nổi , nhận liều rằng: con trót dại ăn vụng mất 3 miếng, xin quan lớn thương mà tha cho. Bấy giờ bà vợ mới bảo chồng rằng:
- Như vậy thảo nào ông hàng ngày luôn có vàng đem về nhà. Người ta ai cũng da thịt như nhau, cứ bị đánh đau là phải nhận liều, nhận liều thì phải lấy của mà chuộc tội. Tôi lấy con hầu ra để thử xem thì đúng như thế, chứ nó có ăn vụng đâu. Thế mới biết là thiên hạ đã phải oan nhiều, từ nay trở đi, ông đừng nên làm điều bất nhân để mà lấy của phi nghĩa nữa, chỉ thêm chồng chất tội lỗi, tiếng ác không bao giờ rửa sạch.
Ông quan bộ hình nghe vợ nói thế đâm nghĩ ngợi, hối hận từ xưa tới nay toàn làm những việc thất đức cả, liền cáo quan từ chức. Còn bao nhiêu của cải, hai vợ chồng đem bố thí cho kẻ nghèo khó, rồi đưa nhau đi tu, để chuộc lại những tội lỗi xưa.
Cô đào hát với người học trò nghèo
(Chỉ có người xấu, không có nghề xấu. Nguyễn Kỳ và cô đào hát đều đáng khen)
Ngày xưa, có một đứa bé thông minh tên là Nguyễn Kỳ, mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác. Kỳ bị dì ghẻ hành hạ ác nghiệt nên phải bỏ nhà mà đi.
Lang thang khắp nơi, Kỳ gặp một cụ cử cho ở lại nhà và cho học chữ. Sẵn khiếu thông minh, Kỳ không những theo kịp các bạn, mà còn nổi tiếng giỏi văn thơ.
Một hôm Kỳ theo bạn học đi xem ca múa, thấy mình nghèo nên đứng trong góc nhà, chợt cô đào hát trông thấy, và hôm sau, khi Kỳ đang ngồi đọc sách thì cô đào đem 10 nén bạc đến làm quen. Kỳ nhất định không lấy, nhưng cô ta nài ép, để bạc đấy rồi bỏ đi. Cách ít lâu, nàng trở lại, rồi trở lại nữa. Hai bên dần dần quen nhau. Một hôm, không còn tự chủ được trước người con gái đẹp, giọng thướt tha, Kỳ làm một cử chỉ suồng sã, rồi hối hận ngay. Nhưng cô đào nghiêm nghị trách:
"Anh chớ vội tưởng lầm, em tìm đến anh vì trọng người đứng đắn, vì nghĩ đến tương lai, muốn tìm nơi nương tựa lâu dài, anh đừng nghĩ em là phường bậy bạ."
Từ đó Kỳ càng trọng kính cô đào hơn, và cô vẫn giúp Kỳ qua cơn túng thiếu.
Trước ngày lên đường đi thi, Kỳ muốn biết tông tích cô đào, muốn liên lạc với cô sau này, nhưng cô chỉ nói:
"Sau này nếu anh không quên em, thì em sẽ tìm đến với anh, nếu anh quên em, thì hỏi tông tích em cũng vô ích. Phần em, em không đòi anh hứa gì cả, chỉ có Trời biết lòng em."
Khi Kỳ thi đỗ trở về quê, cha chàng bắt kết hôn với người "môn đăng hộ đối". Kỳ hết sức từ chối, nhất quyết thà chết hơn phụ bạc người đã một lần yêu thương giúp đỡ, nhưng cha chàng cũng nhất quyết không chịu cho quan chức kết duyên với cô ả đào, không nhận ả đào làm con dâu. Nguyễn Kỳ đau khổ, nhưng lễ giáo bắt buộc, bổn phận làm con bắt buộc, nên chàng đành phải lấy vợ theo ý cha.
Năm sau, chàng ra kinh đô thi tiến sĩ, cô đào mang đủ thứ đến thăm. Thấy Kỳ có vẻ ngượng ngùng, cô hiểu ngay, và từ biệt hẳn.
Nguyễn Kỳ thi đỗ, làm quan trong triều, đi sứ bên Tàu, dẹp loạn ở Hải dương, được vua ban thưởng tước "quận công".
Danh vọng cao, tiền bạc sẵn, con cái đông, nhưng Kỳ luôn nhớ tới tình cô đào hát xưa, cho người dọ hỏi khắp nơi, nhưng không gặp.
Một hôm, trong bữa tiệc tại nhà người quan bạn, Kỳ đã tình cờ gặp lại cô đào, bấy giờ nàng đã có chồng làm lính, nhưng nay chồng đã chết, chỉ còn có mẹ già yếu bệnh, nàng phải trở lại nghiệp hát để nuôi mình và nuôi mẹ.
Nguyễn Kỳ cố mời hai mẹ con về ở trong dinh, nàng đành chấp nhận. Kỳ dành cho mẹ con ngôi nhà riêng, và không để cho thiếu thốn vật gì. Một năm sau bà cụ mất, Nguyễn Kỳ cho chôn cất trọng thể. Xong rồi nàng cảm ơn và xin phép từ biệt. Nguyễn kỳ không giữ lại được, nài nỉ nàng nhận lấy vài nén bạc, nàng cũng từ chối mà ra đi.
Sự Tích Củ Kiệu
Ngày xửa ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương, có một nàng công chúa rất yêu thích việc trồng trọt, cày cấy. Không như những công chúa khác, công chúa Kiệu sống cùng với những người dân chất phác đơn sơ, chia sẻ cuộc sống thường ngày với họ. Công chúa Kiệu rất thông minh, và hay tạo ra những loại cây mới hầu giúp cải thiện đời sống bình dân.
Một ngày nọ, công chúa bước xuống một thửa ruộng bỏ hoang. Nàng định dọn sạch đám cỏ đang mọc cao để gieo lúa. Trong lúc ngắm nghía một cây cỏ lạ, nàng Kiệu chợt nhận ra rằng nó rất giống với cây hành lá. Nàng tò mò, nếm và ngửi thử mùi vị của củ. Kỳ lạ thay. Củ của cây cỏ này tuy hơi nồng gắt nhưng rất lạ, không giống với những củ nàng đã biết qua. Công chúa vui mừng quá, liền đem giống cỏ lạ về trồng. Khi đã đến lúc gặt hái, nàng thử ngâm củ trong hỗn hợp giấm và nước ngọt của cây trái. Vài ngày sau, củ đã không còn vị gắt nhưng thơm nồng và vị lạ chưa từng thấy. Nàng dùng củ đã ngâm, ăn với thịt kho hay bánh chưng, thì sự kết hợp đó thật là tuyệt hảo.
Lúc đó cũng là dịp Xuân về. Nhân một ngày vua Hùng xuống thăm dân, công chúa Kiệu dâng lên vua cha những củ trắng trong, thơm ngát, cùng với những món ăn dân gian. Vua Hùng nếm thử, và rất thích. Từ đó, vua hạ lệnh trong dân gian cho trồng phổ biến cây cỏ lạ đó, mà vua đã đặt tên là Kiệu theo tên nàng công chúa đã có công khám phá.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro