CHAP 15 - "Việt Huy chú ơi.. !"
15. "VIỆT HUY CHÚ ƠI...!"
Sáng hôm sau, tôi vừa đến trường đã được thầy chủ nhiệm mời ngay lên phòng giáo vụ để tường trình cho việc cúp học hôm qua. Tốn hết nước mắt mà không xoay chuyển được tình thế, tôi đành ngậm ngùi ngồi vào bàn viết trong tình trạng nước mũi hai hàng.
Vừa viết xong mấy chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, còn chưa kịp ca thán về cuộc đời của mình thì cánh cửa phòng duy nhất đã bị đẩy ra một cách phũ phàng. Người con trai đứng sừng sững trước cửa phòng ngập ánh sáng như một vị thần tái thế vừa xuất hiện để cứu rỗi cho kẻ khốn khổ.
- Nguyên! Em xuống đây có chuyện gì không?
Câu chữ rành rọt của ông chú phòng giám thị khiến tôi trôi hẳn ra khỏi giấc mơ tự chế của mình. Gớm, đọc sách Ngữ văn có chút xíu mà sao cảm xúc lại tuôn ra như mưa thế này.
- Tất nhiên là có chuyện rồi, sao giọng thầy lại lãnh đạm như thế chứ - tôi đỡ ngay lấy lời, ai ngờ lại bị cả hai người liếc xéo cho một cái.
- Làm việc của em đi.
Không thể ngờ được là cả Nguyên và ông chú giám thị lại nói câu đó với tôi. Vì để được cứu khỏi việc làm bản kiểm điểm, tôi nhẫn nhục chịu đựng vậy.
- Em định kiếm gì?
- Dạ không – giọng Nguyên mềm mỏng, có lẽ đang chuẩn bị để xin tha cho tôi. Ha ha!
- Không ngậm miệng lại được hả, con nhỏ này!
Tôi quay lưng lại, giả vờ viết lách trong khi tai thì dỏng lên.
- Em định xin…
Để xem anh sẽ dùng lý lẽ lươn lẹo nào để xin cho tôi. Gì chứ về vấn đề này, tôi thấy mình cần phải học tập Nguyên nhiều.
Nhìn vẻ mặt khó xử của ông chú giám thị, tôi chỉ muốn bật cười khoái trá. Học sinh cưng của thầy hiệu trưởng thì ai dám từ chối chứ.
- Em định xin.. viết bản kiểm điểm, vì em là người rủ An Nhiên cúp học.
Nụ cười của tôi tắt ngấm, còn mặt của ông chú giám thị còn khó coi hơn cả lúc nãy.
- Thế hả…
- Thế là sao? – tôi nhảy dựng lên.
- Làm việc của em đi!
Lần này thì tôi không dám hó hé gì nữa, nhất là khi Nguyên đang ngồi trước mặt, viết bảng kiểm điểm với một thái độ rất chi là nghiêm túc. Nghĩ đến vẻ mặt tá hoả của mẹ khi đọc được tờ giấy mà tôi sắp sửa lấp kín chữ bằng những áng văn bất hủ đã nghĩ sẵn trong đầu, tôi chỉ biết cười một mình mà thôi.
- Cất cái vẻ mặt ngờ nghệch đó đi. Hết tiết này là em phải về lớp rồi đấy.
- Anh quên hôm nay là thứ bảy sao?
- Thứ bảy?
- Thứ bảy có tiết tự học đó là lá la.
Tự học đối với tôi chỉ gói gọn trong một chữ “ngủ” mà thôi. Chỉ nghĩ đến cũng đủ thấy hào hứng, khiến tôi viết một mạch bản kiểm điểm chỉ mất vỏn vẹn chưa đến 5ph.
- Chú cứ đưa cho mẹ cháu đọc, nhưng “hậu hoạ” sau này cháu không đảm bảo đâu đấy.
Thật chỉ có tôi mới dám uy hiếp ông chú giám thị của mình giữa thanh thiên bạch nhật thế này thôi. Nói được xong câu ấy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong người, bước ra khỏi cửa trong tư thế oai phong như Tào tháo thắng trận trở về.
***
Giám thị nhìn hai bản kiểm điểm trên bàn, một bản của học sinh siêu quậy gửi thì không “nỡ”, một bản của học sinh siêu sao trong trường thì chẳng biết địa chỉ nào mà gửi, chẳng lẽ lại đưa đến cho hiệu trưởng đọc? Đúng là công cốc!
***
Tôi vừa ra khỏi phòng giám thị được mười bước thì bị đám đông nơi sân thể thao hò hét làm cho nhất thời quên mất dự định trong đầu. Nhăn mặt nhìn về phía phát ra tiếng ồn kia, tôi bất ngờ chạm phải ánh mắt của Thiên Phú đang nhìn mình với vẻ hết sức “không cam chịu”. Nhưng tôi chưa kịp tỏ thái độ gì với nó thì đã bị Nguyên chụp cổ từ phía sau. Tôi muốn giằng ra, Nguyên lại càng mạnh tay, kéo tôi đi như một con thú nhồi bông. Muốn đưa ra lý do lý trấu để trốn, nhưng vì bây giờ tôi phải lên lớp, và anh ta cũng cùng quãng đường đến lớp nên không tài nào làm được. Cứ muốn mở miệng hỏi tại sao Nguyên lại trở nên thân thiết như vậy, thế là chuyện hôn hụt hôm qua lại xuất hiện trong đầu khiến hai má tôi bất giác ửng đỏ.
- Nghĩ gì bậy bạ hả? – Nguyên nhéo má tôi cứ thể anh ta đọc được suy nghĩ trong đầu.
- Định chơi trò Edward Cullen với ai đây hả >.< Anh tưởng mình đọc được ý nghĩ của tôi á? Nếu mà anh nghe được, chỉ có nước chết ngất vì tức thôi.
Nguyên nghe tôi càm ràm như vậy thì cười phá lên. Đứng trước cửa lớp, anh níu cổ áo không cho tôi bước vào. Cái đám ma sói trong lớp thấy cảnh tưởng này thì chỉ biết nhìn hai đứa tôi chằm chằm, không hiểu có chuyện gì xảy ra.
- Lớp 11A3 nghe rõ đây!
Giọng to rõ ra uy của Nguyên khiến tôi dù quen với tính cách của anh ta cũng phải giật mình, còn khiến cho đám nhốn nháo còn lại như nín thở.
- Tự học, lát có người lên kiểm tra.
Dù không quay lại, tôi đoán Nguyên đang quét mắt một lượt khắp lớp. Đang định bước vào “tự học” thì Nguyên nắm hai vai tôi, xoay về phía hàng lang.
- Học sinh cá biệt – bốn chữ không mấy hay ho này được anh xướng lên khá êm ái. Tôi biết mình cũng chẳng ra sao, nhưng có cần phải hét to lên cho bàn dân thiên hạ biết không?
- Gì nữa đây hả ông tướng? – mặt tôi nhăn nhó như khỉ ăn ớt.
- Tự học dưới thư viện.
Tôi nghe xong từ “thư viện” lập tức quay người để trở về với chiếc bàn yêu dấu, thế nhưng Nguyên đã kẹp cổ lôi tôi đi không thương tiếc. Tiếc hét bị chặn trong cổ họng. Hột mít Thanh Trúc từ trong lớp nhìn ra với vẻ mặt bất lực, chỉ biết nhún vai.
Tôi bị ép đi một vòng thư viện làm kệ gác sách di động cho Nguyên, sau đó bị ép ngồi vào bàn, và bị ép chọn ra một môn để học. Ngày đầu tiên nên Nguyên muốn cho tôi “tự do” lựa chọn môn mà mình thích để bắt đầu.
Giờ thì anh ta sắp cướp ngôi vị “người phụ nữ quyền lực” của Quân mất rồi.
- Học môn Ngữ văn đi.
- Cái gì?
- Ngữ văn! Anh không nghe rõ à? Con gái thích nhất là học môn văn đấy – tôi vừa nói vừa nghiêng đầu để diễn tả, trong lòng thích thú với vẻ mặt không mấy thoải mái của Nguyên. Ít ra thì cũng phải có môn anh ta không giỏi chứ.
- Nhưng em đâu phải là con gái bình thường?
- Tôi có chỗ nào không bình thường? – tôi bật dậy với vẻ hùng hồn.
- Chứng minh là em bình thường đi – Nguyên nói và quét mắt một lượt từ trên xuống dưới khiến tôi nổi da gà.
- Anh… Đã nói là tôi được tự do chọn môn rồi mà, anh không định nuốt lời đấy chứ?
- Tất nhiên là không – Nguyên nhìn một lượt hai chồng sách hai bên – em sẽ học văn học trong nước hay nước ngoài?
- Gì cũng được, miễn là đầy chất trào phúng và châm biếm.
Tôi nói xong câu này, Nguyên nhếch mép đầy vẻ tự mãn.
- Vậy đọc cuốn này trước đi – anh đặt cuốn sách dày cộp xuống trước mặt tôi – sau đó cho anh một bài cảm nhận 1000 chữ về cái gọi là chất trào phúng và châm biếm là được rồi.
- Anh đừng quá đáng. Làm gì có yêu cầu cao cho học sinh cấp 3 như thế bao giờ.
- Em đâu phải là học sinh cấp 3 bình thường. Em có sức chơi bời và quậy phá gấp 10 lần người ta, thì bây giờ phải học khó gấp 10 lần.
- Tôi đâu có ý định học tập như con nhà người ta đâu.
- Thế em có muốn giúp đỡ cho ba em sau này không? Hay lại định im lặng nhìn ông ấy chịu đựng khó khăn một mình.
Lần này Nguyên làm tôi ngậm họng thực sự.
Tôi đọc sách, chỉ mới được có 3 phút mà tôi tưởng tượng đã cả năm trôi qua rồi, khi mà trang sách chẳng hề vơi đi được tí nào.
- Nếu giúp đỡ cho công ty của ba, chẳng phải tôi nên học cái gì đó liên quan đến kinh tế sao? Môn toán chẳng hạn – tôi với tay lấy cuốn sách toán trên cùng chồng sách – sẽ thiết thực hơn rất nhiều.
- Môn nào cũng có ích cả. Không ai dạy em cách ăn nói với đối thủ khi bước vào bàn giành giật hợp đồng đâu. Hơn nữa, giọng văn trào phúng sẽ giúp em tự xả stress rất nhiều đấy.
Nói thì cũng có lý, nhưng mà tôi vẫn thấy không lọt tai.
- Tôi không học, anh làm gì được.
- Có cần anh đến nhà nói hết mọi chuyện với gia đình em không?
- … Chà, cái đoạn này sao tác giả viết khó hiểu thế nhỉ? Chắc phải đi kiếm từ điển mới được.
- Từ điển sống ngay trước mặt đây rồi, còn muốn đi đâu nữa?
Tôi nhìn Nguyên lâu đến nỗi hai tròng mắt muốn lọt ra ngoài.
…
Trong cơn ác mộng lớn của cuộc đời, tôi ngồi trên một chiếc bàn lớn trong thư viện, hai bên là Chí Phèo và Thị Nở, trước mặt là Nam Cao với cuốn “Văn học hiện thực” trên tay. Tất cả đều tranh nhau nói, câu chữ hiện thành hình thù vòng vèo trên đầu khiến tôi đến chóng cả mặt.
Đột ngột bác Nam Cao nện mạnh cuốn sách xuống bàn, nói rành rọt bốn chữ:
- Còn không chịu về?
Tôi bật dậy, nhưng vì má dính vào trang sách nên lại nằm bẹp xuống.
- Cái con nhỏ này, người ta về hết rồi, em còn ở đây làm gì? Đừng có làm cái trò xấu hổ nơi thư viện chứ!
Tôi quay sang, thấy Quân đang nhìn mình với vẻ đầy ngạc nhiên xen lẫn tò mò.
- Thái độ của anh như vậy là sao? Lần đầu tiên thấy em chăm chỉ trong thư viện chắc?
- Em không nhắc thì anh cũng chẳng biết. Thế ra đây là lần đầu tiên của em thiệt à?
Hừ!
Tôi đứng dậy cất sách, nhận ra cuốn sách của mình là thứ duy nhất trên bàn. Chồng sách hai bên và cả Nguyên ngồi trước mặt đều biến mất từ lúc nào. Nhận ra mình bị bỏ rơi khiến tôi trở nên cáu bẳn.
- Về thôi.
- Khoan đã.
- Anh muốn ở lại học à? – tôi nhăn nhó giễu Quân.
- Không phải. Xoá dòng chữ “Idiot” trên trán em đi đã.
Giật mình sờ trán tôi mới nhận ra có vết bút lông lem nhem trên tay mình.
Á Á Á!
* ** ***
“Ha ha ha”
Giọng cười của Nguyên khiến cho Khánh suýt nữa làm đổ tách trà trên tay. Chị đặt tách trà xuống, giật điện thoại trên tay cậu.
- Có mỗi tấm hình chụp lén con nhà người ta khi ngủ cũng có thể làm cho cậu cười sảng khoái như vậy hay sao?
- Lại còn không à? Rất đáng yêu mà *o*
- Nhưng sao lại ghi chữ “Idiot”? Cậu chẳng có tí tính cưng chiều đối với con gái tí nào sao?
Nguyên nhún vai, đón lấy tách cà phê mà Khánh đưa cho.
- Vốn định khen cô ấy khi ngủ rất dễ thương, nhưng lại nghĩ đến vẻ mặt An Nhiên khi cau có còn dễ thương hơn rất nhiều nên em không kìm lòng được. Thật tiếc. Nếu không phải công ty có chuyện, em đã ngồi lại lâu hơn rồi.
- Ai có thể khiến cậu không tự động rời khỏi An Nhiên như vậy chứ?
- Người có thể cắt lương, cách chức, và đuổi em ra khỏi nhà. Nếu chị không phiền, có thể pha cho ông ấy ly trà thanh nhiệt hạ hoả được không.
- Được thôi.
Nguyên “nhờ vả” xong lập tức duỗi thẳng người trên sô pha, chìm vào giấc ngủ ngon lành. Cuộc họp công ty lúc nào cũng khiến anh cảm thấy áp lực, nhất là trước vị chủ tịch già lúc nào cũng thừa cơ hội khiển trách anh về việc chểnh mảng chuyện công ty tháng vừa rồi. Cũng vì phải lo cho công ty nhà An Nhiên mà anh vô tình trở thành người thiếu trách nhiệm, khi nào gặp lại cô nhất định phải xả stress luôn một thể.
“Cốc cốc!”
- Vào đi.
Ngân Khánh mở cửa bước vào, hương thơm dịu nhẹ từ tách trà thanh nhiệt trên tay cô lan toả khắp phòng.
- Chà, trà cho ta phải không? Thật cảm ơn cháu quá.
- Dạ không có gì, là Nguyên nhờ cháu pha cho bác.
Ông Mạnh khẽ hắng giọng. Thoáng ngập ngừng lướt qua đôi mắt, nhưng rồi ông cũng nhấp tách trà. Đôi chân mày giãn ra, thư thái.
- Đã lâu rồi không được ai pha trà cho thế này nữa.
- Nếu bác thích, thỉnh thoảng cháu sẽ ghé qua pha trà cho bác.
- Ấy đừng, ta sẽ ngại đến nỗi không dám uống trà của cháu mất.
Khánh cười dịu dàng. Cô tiến lại chỗ giá sách, cầm lên bức ảnh của Nguyên hồi nhỏ và hai đứa trẻ nhỏ hơn anh. Cả ba đứa đứng khoác tay nhau, nhưng chỉ có Nguyên là cười rạng rỡ. Đặc biệt cô bé duy nhất trong bức ảnh trông như mới khóc xong với chóp mũi ửng đỏ.
- Nhìn Nguyên từ nhỏ đã giống má nó rồi đúng không, tiếc là càng lớn nó lại càng giống ta, nên hai cha con chẳng bao giờ ngồi nói chuyện được với nhau quá mười lăm phút.
- Vì cả hai đều khá cứng nhắc trong việc bảo vệ ý kiến riêng của mình, nhất là khi nó lại liên quan đến quá khứ không mấy tốt đẹp của Nguyên.
Về chuyện nhận xét về một ai đó, nhất là khi tôn trọng người đó, cô thường nói thật những gì mình nghĩ mà không sợ người nghe sẽ cảm thấy chạnh lòng. Đối với sự thật thì không được nói dối.
- Nguyên nói với cháu thế sao? Về cái “quá khứ không mấy tốt đẹp” ấy.
Ngân Khánh nhún vai, tỏ vẻ vô tội.
- Bác thừa biết là cậu ấy vẫn còn ấm ức chuyện ngày xưa cơ mà.
- Biết làm sao được. Lần này bác vẫn không đồng ý với nó.
Khánh biết chắc chuyện Nguyên cảm thấy mệt mỏi không hẳn chỉ vì mới có cuộc họp công ty đột xuất, mà là vì cuộc nói chuyện hôm qua của cậu chẳng đi đến đâu cả.
Tội nghiệp cậu bé – cô nghĩ thầm – với mối tình bị cấm cản.
* ** ***
Sau cái lần bị chơi khăn kia tôi vẫn chưa có dịp trả đũa Nguyên. Mỗi lần gặp tôi là anh lại túm cổ lôi xuống thư viện, thế là tôi lại không thể lời to tiếng nhỏ được tí nào. Anh ta bắt tôi đọc sách đã đành, lại còn đòi kiểm tra những gì tôi đã học. Kết quả là đến cuối buổi học, trán của tôi cũng sưng lên một cục to bằng quả trám mà chẳng cãi lại được câu nào.
Hôm nay tôi được trở về yên ổn mà không có bất kì lời nhắc nhở từ bất kì ai mà tôi ghét – thầy giáo chủ nhiệm và ông chú giám thị. Quân đi về theo tôi như một vệ sỹ thứ thiệt: bắt tôi tránh xa những nơi ồn ào náo nhiệt, đẹp đẽ và thu hút; như thể tôi là một cô nhóc ba tuổi có thể bị lạc bất cứ lúc nào. Tôi nhìn đồng hồ còn chưa đến mười giờ. Về nhà vào lúc này chẳng phải là đáng lắm sao.
- Anh này, mình kiếm chuyện gì đó làm đi.
Quân nhìn tôi đầy vẻ cảnh giác khiến tôi có cảm giác mình là một tên nguy hiểm thứ thiệt sắp bắt anh phải dấn thân vào điệp vụ bất khả thi.
- Đi mà anh. Chẳng phải lâu lắm rồi chúng ta chưa đi chơi cùng nhau sao?
- Chưa đi chơi cùng nhau? – Quân nhướn mày với vẻ ghê gớm – Có cần anh nhắc cho cô hai lần thảm hoạ trước không?
- Cũng đâu phải là gì ghê gớm lắm…
Giọng tôi nhỏ dần vì không muốn khơi lại những kỉ niệm đáng xấu hổ ấy. Những tưởng Quân sẽ vì thế mà làm tới, ai dè anh lại nắm tay tôi dắt sang bên kia đường.
- Đi thì đi, nhưng phải về trước giờ cơm.
- Yeah!
Tôi nắm tay đấm lên trời đầy vẻ đắc thắng trong khi bị Quân lườm xéo.
Lâu lắm rồi mới chơi đá bóng bằng bàn thục, cả tôi và Quân đều bị cuốn vào trò tranh đấu đến đổ mồ hôi. Cuối cùng tôi bị ông anh trai hiếu thắng luộc cho đến nhẵn sạch cả túi (chơi ăn tiền mới hăng như thế).
- Tiếp đi – tôi nhăn nhó, quyết tâm gỡ lại lần này.
- Thôi được rồi, chẳng phải em hết tiền rồi sao?
Không hề suy nghĩ, tôi giơ tay ra, ngửa bàn.
- Cho em mượn tiền chơi tiếp.
- CÒN LÂU! Có lần nào mượn mà em trả anh đâu.
- Đừng ki bo với em gái của mình như thế chứ!
Quân bỏ đi trước khi tôi kịp kì kèo thêm lần nào nữa. Anh đút tay vào túi quần, miệng huýt sáo như thể không nghe những gì tôi nói trước đó. Thế nên tôi chỉ còn cách vừa đi bên cạnh vừa hét vào tai. Hai đứa giằng co thế nào mà tông vào người phụ nữ trung niên trước mặt. Túi đồ trên tay bà ta rơi xuống. Tôi tròn mắt nhìn chai nước hoa hiệu Hugo vừa lăn vừa nhảy trước khi “tông” rầm vào tường đá và vỡ thành năm mảnh nhỏ.
Từ bé tôi đã được xem là đứa hậu đậu hết thuốc chữa, bị nhắc nhở hoài nhưng bản chất đã ăn sâu vào máu, đâu phải muốn sửa là được. Mà tính tôi thờ ơ, cũng chẳng để tâm đến chuyện này lắm. Hôm nay mới biết thế nào là “thân làm tội đời”.
Khi chai nước hoa rớt xuống tôi còn thấy tim mình ngừng đập, vậy mà nhìn nó tan tành thành trăm mảnh, nhịp đập trở lại tưng bừng như đang ăn mừng. Tôi tá hoả, quay sang nhìn Quân cũng đang hoá đá như mình. Bộ dạng của anh lúc này chẳng xứng làm anh trai tôi gì hết!
- Ôi trời ơi! Đồ tôi vừa mới mua xong!
Chẳng phải đồ mới mua thì chẳng lẽ mới thó được? Hét to như thế không phải vì đau lòng mà là để thu hút sự chú ý của mọi người thì có.
Tôi bay ngay đến chỗ chai nước hoa, cố gắng vớt vát lại nhưng cuối cùng chỉ khiến nó thêm tanh bành, còn người thì sặc mùi “lavender và hương mùa hè”.
Ắt xiiiiiiii ì!
Tôi đã nói là mình bị dị ứng “một số” loại nước hoa chưa nhỉ.
- Cháu thực sự rất xin… ắt xì… lỗi.
- Trời ơi! Cô có biết tôi mua bao nhiêu tiền không hả? Sao lại vô ý vô tứ như thế? Đền đi chứ!
Tôi nhìn về phía Quân, thấy anh đang cố che mặt bằng cả hai tay. Hừ! Tưởng mặt anh nhỏ lắm hay sao mà làm thế là có thể che hết được.
- Cô ơi, có thể bỏ qua cho cháu lần này không? Cháu là học sinh.
- Bỏ qua là thế nào? Cưng có biết lọ nước hoa đó bao nhiêu tiền không? Học sinh thì sao? Học sinh cũng dùng tiền của bố mẹ chứ có đứa nào tự nai lưng ra kiếm tiền đi học đâu.
Hic hu hu. Nhưng nhà cháu hoàn cảnh. Công ty của bố đang nợ đầm nợ đìa, thân cháu bệnh tim chẳng còn sống được bao ngày nữa. Anh cháu với giấc mơ học tập nơi phương xa còn chưa thực hiện được…
Những câu sự thật sến súa như thế, đến việc nghĩ tôi còn không thấy thông, huống chi mở miệng nói ra. Thế nên tôi đành im miệng, trong khi Quân tiến lại tìm cách phân giải. Nói chúng tôi sẽ đền tiền sau thì bà ta một mực không tin, đòi phải bồi thường ngay tại chỗ thì đào đâu ra tiền.
Đám đông tiến lại “xem xét” ngày một đông khiến tôi đến mặt dày là gì cũng chẳng cảm nhận được. Trong lúc đang quét đôi mắt nai tơ xung quanh, tôi nhận ra dáng người quen quen đang trên thang cuốn đi xuống với vẻ thờ ơ với đám đông trước mặt. Phải chờ cho kẻ đó xuống hẳn sảnh, tôi mới dám lên tiếng gọi.
- Việt Huy chú ơi…
Quân nhìn tôi, mắt sáng rỡ như bắt được vàng.
Đúng là người lớn, lại làm ở Viện kiểm sát, phong thái hơn người có khác. Nghe xong câu chuyện đau khổ của tôi, ông chú nho nhã lập tức rút thẻ, mua lại cho bà cô chỉ chực túm cổ áo tôi kia lọ nước hoa y hệt như cũ khiến cho mọi người trầm trồ, nhà nhà vui vẻ. Kẻ dở khóc dở mếu là tôi đây cũng cố nặn ra một nụ cười méo xệch cho phù hợp với hoàn cảnh.
- Cảm ơn anh nhiều lắm – Quân lễ phép hơn tôi tưởng.
- Cảm ơn chú!... Ắt xì…! – tôi cúi gập người đầy lễ phép, nhưng cái từ “chú” phát ra khiến cho Quân giật mình. Riêng ông chú Viện kiểm sát quen rồi thì không có phải ứng gì giật mình, nhưng lại cũng hắt hơi lia lịa… lên đầu tôi như thể đang trả thù cho bõ tức.
- Xin lỗi, không có ý khiếm nhã đâu, nhưng em có thể tránh ra một chút được không? Cái mùi hương đậm đặc này…
Tôi sụt sịt tránh qua một bên. Hừ, tưởng có mình chú bị dị ứng nước hoa thôi sao!
- Tụi em nhất định sẽ gửi trả anh đầy đủ. Hôm nay cảm ơn anh rất nhiều.
Quân nói như thể mình là một người anh có trách nhiệm. Đừng quên mấy phút trước trông anh đáng xấu hổ thế nào chứ.
- Không cần thiết lắm đâu, cũng là việc không may mắn, anh gánh cho một chút cũng được – Việt Huy trả lời kèm theo một nụ cười của kẻ bề trên, vừa nhẹ nhàng lại tỏ chút uy thế, trông rất nhức mắt.
- Làm như bản thân mình may mắn lắm không bằng.
Tôi lầm bầm trong miệng, lập tức nhận được một cái nhéo kín đáo của Quân ra lệnh im lặng.
- Ừm, vậy cũng được, khi nào đó chúng ta gặp nhau bàn về chuyện thanh toán này đi.
Ông chú vừa nói xong, lập tức tôi nhận được cái liếc muốn cháy da mặt của Quân. Tôi ấm ức nhìn kẻ đối diện, thầm rủa người đâu mà nhỏ nhen như thế. Câu trước vừa nói sẽ gánh cho tôi cái nợ này, câu sau lại đòi nợ trắng trợn. Là tôi không biết điều đã đành, anh ta cũng không thể bỏ qua cái tính trẻ nít được sao?
- Em biết chỗ tôi làm rồi chứ gì.
- Không biết – tôi trả lời cụt lủn.
Ông chú Viện kiểm soát liếc nhìn Quân, cuối cùng cúi xuống nói nhỏ vào tai tôi.
- Nếu không biết thì nhờ Nguyên dẫn đến. Tiện thể tôi cũng có việc muốn gặp cậu ta.
Tôi nhăn nhó nhìn Việt Huy. Muốn gặp Nguyên thì cứ đi mà gặp, việc gì phải kéo tôi theo chứ? Đành rằng bây giờ tôi đang mang ơn anh ta, nhưng đồng thời tôi cũng chẳng muốn Nguyên biết chuyện xấu hổ ngày hôm nay. Anh ta mà không châm chọc tôi thì cũng mắng một trận vì cái tội đểnh đoảng.
Việt Huy “hẹn hò” xong thì quay người bỏ đi một cách lạnh lùng, căn bản không để cho tôi có cơ hội từ chối. Ngay lập tức, Quân tiến đến trước mặt, đòi ăn tươi nuốt sống tôi.
- Em có việc gì cần tự thú trước bữa trưa không?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro