Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

3

Cổ Nguyệt đường ngày ấy hãy còn nguyên vẹn tọa tại đường Cổ Ngư. Ngỡ một lần từ biệt không bao giờ trở lại, ra là mọi sự chóng vánh đến thế.

Hoa ngâu, hoa sói trồng ở rìa đông và rìa tây gian chính hãy còn thơm ngát trong gió sớm. Chẳng hay bấy lâu Thiềm Xuân đi rồi, bà Cả và chị Nguyệt đã quen tay chăm bón cho từng nhành cây trồng riêng cho việc ủ trà của nàng chăng?

Bà Cả quét tước sân vườn cho gọn ghẽ. Nét mặt Thiềm Xuân thoáng bất ngờ, rồi lại cúi đầu vái chào mẹ Cả cho đúng lễ nghĩa. Việc bà Cả vẫn còn sống khiến Thiềm Xuân một mặt bất ngờ, một mặt vui mừng khôn xiết, chỉ là đến bây giờ nàng mới biết chị Cả đã sang sông.

Lại nói, bà thực sự không ngờ đến việc Thiềm Xuân sẽ trở về, lại càng không tin được chuyện Hà thị tái giá.

Bà Cả lặng lẽ cất chổi về phía sau chum nước, kéo ôm thiếu nữ tròn trăng vào lòng, nén những giọt nước mắt chực lăn dài trên những vết chân chim.

Con hầu tên Lê ngày đó của Thiềm Xuân lại bước ra từ phía chái bếp khiến nàng thoáng chút ngỡ ngàng. Không phải đã cho về quê rồi sao? Cớ gì phải trở lại? Chưa kịp nghĩ nhiều, Lê đã hớn hở chạy đến nắm lấy hai tay Thiềm Xuân:

"Cô Hai về rồi! Ba năm... ba năm qua cô khỏe không? Cô sống có tốt không? Em lo cho cô quá..." – Lê không kìm được nước mắt.

"Ừ cô vẫn khỏe. Nhưng sao em lại ra Đông Kinh rồi?"

"Thật ra ngày trước em chưa nói với cô, nhà em vốn phường phú quý, song lại gặp cơn gia biến, thế nên em mới bị bán đi làm con ở... Em thấy xấu hổ nên giấu nhẹm. Kêu em về thì em biết về đâu? Gia đình tứ tán, tứ cố vô thân... em chỉ có thể trở lại Cổ Nguyệt đường, nào ngờ cô Hai cũng đi mất..."

"Ừ đừng khóc nữa. Thế ba năm em làm gì sinh sống?"

"Em buôn rau buôn khoai ngoài bến nước chợ Hồng Tân bên làng Yên Thái cô Hai ạ." – Lê dùng hai tay quệt lau nước mắt, ríu rít cười.

Bà Cả đau chân, Thiềm Xuân cùng Lê đỡ bà vào trong nhà, ngồi bên sập gụ. Bà Cả lại thở dài thườn thượt, buông một câu rầu rĩ:

"Con Lê hay việc, nó đỡ đần tôi nhiều việc lắm. Tôi thân đã tra mà sống mãi nỏ xuống ba tấc đất, nỏ chỉ mần khổ con cái mà còn khổ cả người ngoài."

Lê cúi gằm mặt nhưng vẫn gân cổ cãi lại:

"Bà Cả vẫn coi con là người ngoài phỏng? Vả lại tiền con có đỡ đần được bà bao nhiêu đâu. Rõ ràng là cô Cả gửi tiền về cho bà mà. Bà nói làm con thấy có lỗi, bữa nào con bán không được lại còn ké vào món tiền của bà nữa cơ..."

"Khiếp! Thôi em đừng phô võ mồm nữa Lê ạ. Chả là bây giờ nhà lại có thêm một miệng ăn, cô cũng không nên ăn không ngồi rồi nhỉ?"

"Thôi thôi cô Hai! Cô cứ ở nhà, em buôn bán nuôi cô, miễn cô với bà Cả cho em tá túc ở Cổ Nguyệt đường là em vui rồi." – Lê hốt hoảng xua tay.

"Ai nói với em cô muốn ra chợ bán rau?"

"Chứ cô Hai..."

"Cô viết vài bức thư, em mang tìm khách thơ cũ của cha cô, gửi họ." – Thiềm Xuân xẵng giọng.

"Xuân à con định?" – Bà Cả tò mò việc Thiềm Xuân định làm.

"Con muốn họ hộ con mở một hàng bán chữ. Con nghĩ con cần những tao nhân mặc khách để nâng cao ki tiếng Cổ Nguyệt đường."

***

Lê thực không biết cô Hai của mình đã viết cái gì trong năm bức thư ấy, quả thực đã có người giúp đỡ Thiềm Xuân mở hàng giấy mực ngay tại Cổ Nguyệt đường.

Ngày này qua tháng nọ, Thiềm Xuân dùng cái chí, cái tài của mình để đổi lấy cái ăn, thành thử cuộc sống cũng không khó khăn mấy so với ngày trước. Khác chăng là ông Phi Diễn đã quy tiên, bà Thị Thu tái giá về xứ khác, chị Hoàng Nguyệt cất bước theo chồng.

Tuy nhiên, tưới rót bấy nhiêu ảm đạm không thể thấm vào tâm hồn đương độ nhiệt thành của Thiềm Xuân. Chẳng bao lâu, danh tiếng nữ sĩ Hồ Thiềm Xuân con gái Tư huấn quá cố Hồ Phi Diễn nổi lên khắp kinh thành.

Nữ sĩ không những có nhiều khách thơ, làm quen được nhiều văn thân sĩ phu ở cái đất kinh kỳ mà nàng còn nhận được rất nhiều lời ướm hỏi, song đều không ưng thuận.

Và trong khoảng từ năm Đinh Mùi tức năm Chiêu Thống thứ hai(1) cho đến năm Kỷ Dậu Quang Trung thứ hai(2), chỉ vỏn vẹn ba năm nhưng đã diễn ra hàng loạt chính biến. Tàn dư chúa Trịnh, hiềm khích giữa vua Lê và nhà Tây Sơn, Lê Chiêu Thống cầu viện, nhà Thanh đem hai mươi chín vạn quân tiến vào đất Đại Việt với danh nghĩa hỗ trợ vua Lê, rồi đến cuộc tiến quân thần tốc của vua Quang Trung, chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào mùa xuân năm Kỷ Dậu.

Trong quãng thời gian kia, thù trong giặc ngoài, loạn lạc bốn bên, dĩ nhiên Thiềm Xuân cũng chẳng thực có được những tháng ngày yên ổn. Không có khách thơ bầu bạn, không có tri kỷ kề bên, không người ghé đến mua chữ giữa thời cuộc chiến loạn, tiền nong cho ba miệng ăn đều phải gói ghém cắt kiệm.

Từ sau năm Kỷ Dậu, khi thời cuộc đã bước đầu đi đến ổn định, hoạt động giấy mực của Thiềm Xuân mới trở lại bình thường, tài tử lại có dịp dập dìu nơi thi quán Cổ Nguyệt.

Đầu xuân năm Canh Tuất(3), Thiềm Xuân cùng Hoàng Nguyệt về trấn Nghệ An cho kịp tiết Thanh minh tảo mộ ông Hồ Phi Diễn. Bấy giờ cũng là lúc nàng bước sang tuổi mười tám mà chưa tìm được bến đỗ cho đời mình.

Mất một tháng cả đi lẫn về, song khi về, Thiềm Xuân có ngoặt ra gò Đống Đa xem chiến tích năm ngoái hãy còn hừng hực tự hào.

"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu."

"Thiềm Xuân. Kia là Hồ Thiềm Xuân đấy." – Bối rối và bất ngờ ngân lên trong giọng điệu.

"Hóa ra là cô Xuân kia à? Đúng thực là giai nhân muôn phần kiều diễm, lại có tài thơ phú." – Người nọ tấm tắc khen ngợi.

"Không hổ là cô Hai Xuân, thơ thực hay, thực đáo để!"

"Nghe nói ở Đông Kinh có cô Xuân thuộc hàng đệ nhất hương sắc mặn mà, nay mới có duyên gặp gỡ."

Cô Hai nhà ta lại được dịp đắc chí nghênh mặt, xách giỏ về Cổ Nguyệt đường.

***

Xuân thoáng qua, hạ lại đến, Thiềm Xuân có thói quen ra Lãng Bạc hái sen về trưng trong nhà, và dùng làm trà sen mà nàng yêu nhất. Hương sen ngào ngạt, thanh đạm vừa khéo lại làm vơi bớt nỗi cô đơn, khơi gợi thi hứng. Mỗi lần đến hồ là nàng lại nhớ về ký ức ngày nhỏ, khi thì hái sen cùng chị Cả, khi thì diễu võ giương oai với "đám học trò dốt" kia. Mỗi một mảnh ký ức thoáng qua đều làm nàng bất giác phì cười. Chẳng ngờ tuổi thơ lại vội qua đi như thế, nàng có vắt đằng chân lên đằng đầu cũng chạy không kịp nhịp độ ngày xanh.

Thiềm Xuân khoác tấm áo, cắp nón ba tầm treo trên vách nhà, nhanh chóng ra Lãng Bạc trước khi sương tan dưới mặt trời kịp chuyển độ gay gắt.

Mải phóng tầm mắt duềnh doàng theo sóng nước mặt hồ, Thiềm Xuân vô ý tông vào thuyền ngược hướng, suýt thì rơi mất mái chèo.

Người thiếu niên hai mươi bốn tuổi thuyền đối diện mặc trường lĩnh thụng màu chàm, đầu đội Liên Diệp lạp(4). Sau mấy năm xảy ra biến cố, nhiều loại nón hầu như đều biến mất, Liên Diệp lạp hay nón ba tầm cũng đều ít thấy có người dùng. Thế mà cùng lúc, hai con người chọn dùng những loại nón ấy để đi hái sen. Nón, cốt để che bớt nắng mưa, nhưng nay với cả Thiềm Xuân và người thiếu niên thì có vẻ nó còn hữu dụng trong việc làm bật lên cái phong nhã từ trong cốt cách.

Thiếu niên lướt mái chèo thành thạo đến mức điệu nghệ trông quả thực hào hoa phong nhã nhưng phảng phất nhiều chiều ưu tư sầu não ấn tại mi trung. Có chăng là cái sầu thời thế, sầu vì mạt Lê?

Thiềm Xuân dừng ánh mắt tại những đóa hoa sen đặt trên thuyền người nọ. Hóa ra đến hồ Lãng Bạc hái sen mùa hạ không chỉ có mình nàng.

Thiếu niên cúi đầu tỏ ý xin lỗi, nhanh chóng khua mái chèo dời mũi thuyền ra khỏi hướng Thiềm Xuân. Chiếc thuyền con lại lách đi giữa đám sen trong hồ, và một bóng giai nhân xuân sắc. Nhưng rồi, chính người chèo thuyền lại như chợt nhứ ra điều gì đã trót quên. Ngay khi sắp lướt vụt khỏi giai nhân, người ấy lại cố ý đánh mặt trông về:

"Nữ sĩ Thiềm Xuân nức tiếng kinh thành."

Thiềm Xuân nghe giọng đầm ấm gọi mình thoảng chút bàng hoàng nhưng rồi lại tỉnh như bưng, nhẹ chớp mắt gật đầu như lẽ bình thường, đợi người kia tự nói tiếp.

"Nguyễn Du. Em trai Tham tụng quá cố Nguyễn Khản. Đang ngụ tại gác tía cũ của anh Khản, rảo bộ dăm bước là tới được Cổ Nguyệt đường của cô Hai Xuân. Hôm trước, cảm ơn cô Hai cho chữ."

"Đều mang phong vận cả, cần chi nói những lời khách sáo?"

Đó là khởi đầu cho những ngày hạ ra hồ Lãng Bạc không chỉ để hái sen, còn thỏa hứng của tài tử giai nhân trong đàm đạo văn chương. Tính tình Thiềm Xuân khoảnh vẫn hoàn khoảnh, song khi thực sự gặp được tri âm, tiếng lòng đã chạm nhau, tiếng thơ hòa hợp, đôi lúc những điều khác không thực sự cần thiết. Cuộc tương ngộ giữa những người tài như thêu hoa trên gấm, vẽ mắt cho rồng vậy.

"Khẩn thúc giáp điệp quần,
Thái liên trạo tiểu đĩnh.
Hồ thuỷ hà xung dung,
Thuỷ trung hữu nhân ảnh."(5)

Hạ qua, thu đến, đông sang. Không hái sen, Nguyễn Du lại ra vào Cổ Nguyệt đường làm khách thơ của Thiềm Xuân. Không như khách vãng lai lâu ngày mới đến, Nguyễn Du và Thiềm Xuân thực mến nhau ở cái tài thơ phú, lắm lúc, tại một khoảng không ngưng đọng, dường như họ nhận ra một cái gì chớm nở lần đầu tiên.

Sen bình đạm, gần gũi, sen nhàn nhã, sen cao quý,... hệt như gói hết tất cả trăn trở của người thiếu niên dành cho đời và như làm êm dịu những khắc khoải về một trang sử phiến loạn khiến lòng tôn thờ đau đớn như bị ai cắt bấy.

Tìm về sen, không biết là vô tình hay hữu ý, Nguyễn Du gặp được tri kỷ Thiềm Xuân, để rồi bao ngày sau y lẫn giữa bóng hình nàng thi sĩ và đài sen thanh ngát, hoa sen tinh tươm đến không tài nào phân biệt được.

"Thái thái Tây Hồ liên,
Hoa thực câu thướng thuyền.
Hoa dĩ tặng sở uý,
Thực dĩ tặng sở liên."(6)

Những ngày gặp nhau mạn đàm ở Cổ Nguyệt đường, Nguyễn Du kể cho Thiềm Xuân nghe đôi chút về vài năm gió bụi phiêu dạt ở phương Bắc của chính mình, nàng tặc lưỡi cảm thông đến bề sâu sắc. Thiềm Xuân lại nhớ về những ngày tháng yên bình, có lần di bước đến vũng Hoa Phong(7) làm nàng nhớ mãi không quên, đến độ đề những năm bài thơ về vũng ấy. Nàng rất muốn bỏ hết tất thảy mọi sự ở lại, một mình đi ngắm cảnh núi non, nhưng lực bất tòng tâm, giờ đây chưa phải lúc, nên nàng chỉ có thể hoài niệm ký ức mong manh nhàn nhạt như gió thoảng từ những ngày đồng niên. Đôi lúc như thế, nàng lại ngâm những bài thơ cũ cho Nguyễn Du nghe.

"Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong,
Tiễu bích đan nhai xuất thuỷ trung.
Thuỷ thế mỗi tuỳ sơn diện chuyển,
Sơn hình tà kháo thuỷ môn thông.
Ngư long tạp xử thu yên bạc,
Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng.
Ngọc động vân phòng tam bách lục
Bất tri thuỳ thị Thuỷ Tinh cung."(8)

Lại một lúc sau, Thiềm Xuân ngâm tiếp Hải ốc trù:

"Lan nhiêu tuỳ ý dạng trung lưu
Cảnh tỉ sơn dương cánh giác u
Sinh diện độc khai vân lộ cốt
Đoạn ngao tranh kị khách hồi đầu
Bằng Di diệp tác kình thiên trụ
Long Nữ thiêm vi hải ốc trù
Đại để Thuỷ Hoàng tiên vị cập
Cố lưu Nam điện củng kim âu."(9)

Chốc chốc, người ta lại nghe được tiếng vỗ tay đắc chí, chốc chốc lại nghe tràng cười giòn giã một tài tử, một giai nhân hòa vào nhau, ngay cả tiếng cười cũng thơm ý vị, ấp đầy cái thơ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

(1) Năm Chiêu Thống thứ hai: 1787.

(2) Năm Kỷ Dậu: 1789.

(3) Năm Canh Tuất: 1790.

(4) Liên Diệp lạp: tục gọi là nón lá sen; nón ba tầm: nón quai thao.

(5) Mộng đắc thái liên kỳ 1 – Nguyễn Du:

Buộc chặt váy cánh bướm
Chèo thuyền con hái sen
Nước hồ sao lai láng
Trong nước có bóng người

(6) Mộng đắc thái liên kỳ 2 – Nguyễn Du:

Hái, hái sen Hồ Tây
Hoa và gương sen đều để trên thuyền
Hoa để tặng người mình trọng
Gương để tặng người mình thương

(7) Vũng Hoa Phong: vịnh Hạ Long.

(8) Độ Hoa Phong – Hồ Xuân Hương:

Lá buồm không vội vượt qua vũng Hoa Phong,
Vách đá đứng, sườn núi đỏ, giữa nước chỏi dựng lên.
Thế nước tuỳ chỗ theo mặt núi mà biến chuyển.
Hình núi nghiêng mình, nép tựa cửa lạch để nước thông qua.
Cá rồng lẫn lộn, tăm khuất dưới từng hơi nước mỏng mùa thu.
Âu cò cùng baă trong ánh đỏ mặt trời chiều.
Cõi Tiên có ba trăm sáu động ngọc và phòng mây,
Đây không biết chốn nào là cung Thuỷ Tinh.

(9) Hải ốc trù – Hồ Xuân Hương:

Phe phẩy mái chèo, tuỳ thích cỡi thuyền dong chơi giữa duềnh,
Qua gần chân núi lại thấy cảnh càng vắng.
Mây thoảng qua, núi lộ mặt, thấy đá chơ vơ,
Những khối lèn dựng cao vút khi qua dưới, khách phải vếch trông.
Hoặc là hải thần Bằng Di đã dựng cột để chống trời nghiêng,
Hoặc là hải thần Long Nữ đã nối thêm cây nêu trỏ cung điện dưới bể.
Ý chừng vua Tần Thuỷ Hoàng chưa từng đi kinh lí đến chỗ này,
Vì trời vốn dành nó lại ở xứ Nam này để làm vững chắc cơ đồ nước ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro