Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

2

Thân gái dặm trường, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nào có cái "tòng" nào là ban cho người phụ nữ quyền được lựa chọn?

Thiềm Xuân càng trưởng thành lại càng nhận thức rõ cái lẽ bất công kia để rồi chính nó là điều cựa nguậy hàng đêm trong tâm trí, chẳng biết một mai gió thổi đời nàng trôi đến phương nao?

Cũng có lẽ vì thế, cái "ngông" trong nàng dần dà nhen nhóm, đợi một ngày bộc phát, bứt phá dữ dội.

"Nữ thập tam, nam thập lục" đáng nhẽ Thiềm Xuân chỉ cần ở nhà đợi sang năm gả cho trượng phu, nhưng chị Hoàng Nguyệt lớn hơn nàng những ba tuổi còn vội, nàng cớ gì phải hấp tấp cầu duyên, thà rằng đừng phí quãng thời gian ở nhà không dành cho việc gì, đến trường chí ít giúp nàng thỏa được nỗi lòng dường như lạc lõng giữa cõi đời cay nghiệt.

Nữ sinh được đến trường ít ỏi đến đáng thương. Thiềm Xuân được học chung với ba vị tiểu thư khác, trong khi nam sinh theo học phải có đến hơn mười.

Ấy vậy, nàng đi học cốt để học chữ, học đạo, chứ chẳng buồn lên tiếng làm thân với ai, thành thử khiến bản thân trở thành một cá thể cô đơn không người đếm xỉa, lại còn khiến chúng nó ghét ra mặt.

"Hôm nay các trò đi ra vườn, đi ra ao, đi lên chùa, hoặc đi đâu cũng được, miễn là trước chính ngọ mỗi trò đều phải mang một bài thơ Nôm đến cho thầy. Giờ thì nhanh đi đi." – Vừa vào lớp buổi ban sáng, thầy đồ đã thông báo với tất cả học trò nhiệm vụ cho ngày học hôm nay.

Thiềm Xuân nghe dặn nhưng cũng chẳng biết sẽ đi đâu, nàng bèn dạo vài vòng ven hồ Lãng Bạc.

Đạt Hiên(1) từng nói: "Phải xúc động hồn thơ thì ngọn bút mới có thần." Làm thơ, há có phải một việc gượng ép, ép mình viết xong câu thơ xoàng xĩnh, ép người đối diện với cái ráo hoảnh của một thần hồn? Đối với Thiềm Xuân, thơ phải tràn ra từ chính con tim, từ trong cốt cách, như việc người đời hay gọi là "xuất khẩu thành thơ" chứ chẳng phải một sự gắng gượng nặng nề.

Bao giờ đến chính ngọ, nàng về Cổ Nguyệt đường là xong ngay.

Nào ngờ khi nàng di bước đến hồ Lãng Bạc, Nho sinh, môn đồ đã tề tựu khá nhiều. Người đưa đuôi bút lên răng mà cắn, người chắp tay phóng tầm mắt xa xăm, kẻ liên tục viết ra giấy rồi lại nguậy mực đen để xóa đi... Thiềm Xuân dửng dưng thở dài. Không phải tiếng thở u hoài, mệt nhọc hay tiếc nuối, mà là một tiếng thở đậm mùi khinh bỉ.

Thiềm Xuân nổi hứng cất cao giọng mà rằng. Vừa nghe như ê a, lại mang chất trầm bổng vang lên trong cái đẹp của ngôn từ, trong ngần như trăng treo giữa những độ rằm kia:

"Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa mật châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa."

Chỉ để lại đôi câu trong dáng điệu ngơ ngác bàng hoàng của đám học trò có người hơn cả tuổi nàng. Thiềm Xuân đắc ý ngoay ngoáy ra về.

"Lên giọng xưng 'chị', lại còn so người dày công học chữ với 'ong non', 'dê cỏn'? Gì? 'Ngứa mật', 'buồn sừng' rõ rành rành là cố tình châm biến đây mà... Tức! Tức chứ! Ông đây tức mày lắm rồi nhé con ranh kia. Hôm trước mày còn lẻn đến chỗ ông rồi gì 'Năm ba thằng ngọng đứng xem chuông. Nó bảo nhau rằng ấy ái uông'? Thiềm Xuân ơi là Thiềm Xuân, ông đây mỗi ngày đều sẽ trù dập mày con nhé, mày quá quắt lắm rồi! Mày có giỏi thơ phú đến đâu cũng không thể biến cái thân mày thành đàn ông cho được! Mày không bao giờ làm được việc lớn đâu hỡi con ranh giời đánh!" – Sau một hồi ngẩn ra vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy đến, đám học trò lại trợn mắt bấu tay, chửi thầm trong cơn uất ức vì chẳng làm gì được Thiềm Xuân.

***

"Cô Hai ơi! Cô Hai ơi! Việc lớn việc lớn rồi..." – Lê hớt hải chạy vào khuê phòng Thiềm Xuân.

"Ừ?"

"Con trai... con trai nhà Hiến sát phó sứ(2) họ Lâm muốn... muốn ngỏ lời hỏi cô về làm vợ..." – Con hầu vừa thở hồng hộc vừa nói lại cho Thiềm Xuân hay việc.

Thiềm Xuân ngừng tay viết chữ trong một khoảng, có vẻ như đang suy nghĩ về vị con trai của Hiến sát phó sứ kia. Nàng gác bút, khóe môi cong lên một nụ cười khinh miệt:

"Khiếp! Hóa ra là 'ong non'. Chẳng biết bao giờ đến lượt 'dê cỏn'?"

"Cô Hai đang nói gì thế ạ? Thứ lỗi em ít học ngu đần không hiểu?"

"Em không phải ít học, mà chưa từng học."

"Vâng..." – Lê cúi đầu, rồi chợt nhận ra điều đang nói dở – "Nhưng còn chuyện cưới xin. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh, em nghe bảo Hiến sát phó sứ là người đứng đắn đàng hoàng, cô Hai mà gả vào nhà đó, cô sẽ không chịu thiệt đâu. Chỉ có điều, cô nhớ xin mang em theo nhé..."

"Cha có muốn gả thì sẽ gả chị Cả trước, không gả cô đi ngay đâu." – Thiềm Xuân điềm tĩnh đáp lời, suy đi nghĩ lại, nàng hãy còn nhỏ, cha nàng sẽ không vội ép con mình xuất giá.

Nhưng đời, mấy ai lường liệu điều sắp xảy ra. Đó vốn là một con đường mở ra trước cơn biến động nặng nề mà Thiềm Xuân không phải, không thể là người thông tỏ.

***

Tại chức một năm thì Tư huấn Hồ Phi Diễn mất, Thiềm Xuân cùng gia quyến để tang ông.

"Chúng ta khăn gối đi đâu thế hở mẹ?" – Thiềm Xuân hỏi Thị Thu.

Suốt ba tháng sau khi Hồ Phi Diễn đi, bà Cả đổ bệnh, bà Hai mặt mày sa sầm ra ra vào vào nơi thư phòng của người chồng đã khuất. Tuy hai bà không ai nói với ai một lời, nhưng một ánh nhìn cũng đủ hiểu lòng nhau. Nếu Lữ thị tâm bệnh sinh thân bệnh, thì Hà thị muốn tìm cách để lẩn tránh tang thương.

"Đi đến phía nam Đông Kinh nhé?" – Bà cười hiền vuốt đầu Thiềm Xuân.

"Phía nam Đông Kinh? Về Nghệ An hở mẹ?"

"Không đâu. Xuân cùng mẹ dọn đến làng Thọ Xương nhé?"

"Làng Thọ Xương." – Thiềm Xuân lẩm nhẩm rồi gật gật cái đầu, ý mẹ đã quyết, dẫu nàng thực sự muốn ở lại Cổ Nguyệt đường e là cũng chẳng đặng.

Nói rồi, Hà thị kéo tay con gái sang phòng Lữ thị mong ý nguyện được chấp thuận.

"Tôi vốn tưởng em đến sớm, nào ngờ phải đợi đến hôm nay." – Bà Cả cất tiếng. Khi trước, ông Phi Diễn còn sống thì cả nhà đều dùng tiếng Nghệ An. Sau khi ông mất, mọi người không dùng tiếng xứ ấy đối chuyện với thị Thu nữa. Không phải vì không trân trọng như thuở trước, mà muốn cho thị Thu một sự tự do nhất định vậy, ngay cả trong những việc nhỏ nhất.

Hoàng Nguyệt đã giúp bà Cả dựng gối tựa lưng vào vách giường đợi sẵn. Gương mặt nhàn nhạt, thiếu vắng sinh khí lại vẽ lên một nét cười dịu hiền khiến người đối diện quan tâm thương xót, lại như tóm lấy tia nắng yếu ớt trong đêm đông lạnh lẽo.

"Chị Cả, mong chị chấp thuận cho mẹ con em được dời bước khỏi Cổ Nguyệt đường." – Hà thị với tay lấy cái ghế đẩu.

"Ừ. Em đi."

"Chị không hỏi thêm gì sao?"

"Ông ấy chết rồi, tôi không có lý do gì để giữ em ở lại, càng không có tư cách bức ép em làm điều mình không thích." – Lữ thị ho nhẹ, giọng đã hơi khàn.

"Chị Cả. Chị gắng khỏe, ông ấy có linh cũng không muốn trông thấy chị đau buồn như thế này đâu. Chị rõ ông ấy thương chị như thế nào kia mà." – Bà Hai lúi húi luồn tay vuốt lưng giúp.

"Thương...? Tôi cũng thực không rõ, ông ấy đối đãi với tôi như tri âm tri kỷ, khi nhàn rỗi lại thưởng trà đố sách. Còn với em, với Xuân, ông ấy luôn dùng tình cảm để chở che." – Bà cười xòa – "Nhưng, hôm nay ta nói nhiều thế nhỉ? Tôi nhớ từ ngày em về ta chỉ nói với nhau dăm ba câu chào hỏi trước mặt ông."

Thị Thu cũng thoải mái cười nhẹ mà tiếp lời:

"Quả đúng như thế chị nhỉ?... Có thể đây sẽ là lần sau cuối ta gặp nhau, em thực mong chị cùng cô Cả sống tốt..."

"Ừ chị cũng mong... Tạm biệt."

Hầu trai, hầu gái trong nhà kể từ sau tang ông Tư huấn đã được cho về quê, kể cả có ở lại cũng khó mà kiếm ăn, gia cảnh đã từng bước lâm vào sa sút. Hoàng Nguyệt tiễn mẹ con Hà thị ra đến cổng, mắt ngấn lệ vì chia xa cô em gái, lại còn vì nàng đã sắp về nhà chồng trong cô quạnh lặng thinh. Mẹ con Lữ thị chọn không nói để khỏi cản bước chân họ ra đi.

"Em còn nhớ cách mần bánh đậu xanh nỏ? Khi mồ ăn bánh thì nhớ chị hấy?"

"Dạ, chị cũng rứa. Ngày tháng hãy còn dài, mong đợi ngày gặp lại nhau. Cảm ơn chị."

Hoang tàn lại thêm hoang tàn, hiu hắt chồng lên hiu hắt. Nói với nhau những tiếng bảo trọng, thị Thu lòng đã quyết dứt khỏi Cổ Nguyệt đường.

"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ."(3)

Thị Thu ngâm nga bài ca dao vốn êm ái, lắng đọng, nay lại nhuốm chút dư vị của cái buồn.

"Chuông Trấn Vũ nghe rồi, chày Yên Thái cũng đã nghe, gương Lãng Bạc bao lần soi chiếu, nay ta đến Thọ Xương, Xuân nhé?" – Thị Thu dùng hai tay chống gối, chồm người xuống, dang ánh mắt ấm áp đưa về phía con mình.

Vùng non nước ven hồ Lãng Bạc vốn đã nổi tiếng vì mang nét đẹp như một bức tranh thủy mặc, bí ẩn, cổ kính. Một nét sống động được chấm phá bởi con người lên bức tranh thủy mặc ấy là những làng nghề, có trồng dâu nuôi tằm, có dệt lụa, trồng hoa,... và có nghề làm giấy dó ở làng Yên Thái. Yên Thái nằm cạnh ngã ba hai con sông, sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Làng Yên Thái xưa nay trứ danh với cái nghề làm giấy dó:

"Chày Yên Thái nện trong sương chuểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co."(4)

Thôn Đông Xã thuộc làng Yên Thái là nơi duy nhất có bí quyết làm giấy dó lụa, là một loại giấy quý, mỗi tháng chỉ cần làm mươi hôm, ra vài vạn tờ là đủ để tiêu xài cả trong một tháng. Giấy dó lụa chủ yếu được làm bởi dòng họ Nguyễn Thế.

Có lần Hồ Phi Diễn được mời đến Đông Xã tiệc tùng mua về giấy dó lụa để riêng cho Thiềm Xuân luyện thư pháp.

"Thích nỏ? Quà mừng con mười tuổi!" – Cha nàng lấy làm vui khi thấy nàng thích chí với mấy tờ giấy dó lụa.

"Dạ. Xuân thích lắm ạ. Cha mua cho Xuân nhiều thêm hấy!"

"Ừ, khi mồ con dùng hết thì cha mua thêm, con có muốn đi tới làng nghề coi thử nỏ?"

"Muốn chơ ạ. Con kêu thêm chị Cả hấy?"

Hiện ra dưới ánh nhìn của Thiềm Xuân mười tuổi là làng Yên Thái với nét đẹp nhẹ nhàng mà kiều diễm. Tự nhiên ban cho Yên Thái một địa thế rất đẹp, nằm trên đồi Kim Quy, thế đạp sơn núi Tam Thai, uốn mình theo thế rồng bay. Đứng ở làng phóng tầm mắt ra xa, một góc Thăng Long kinh kỳ cuồn cuộn hiện lên như một sự hữu ý của người xưa.

Giấy dó giờ chỉ còn lại đôi tờ, Thiềm Xuân không nỡ dùng nhưng vẫn cất gọn vào tay nải về Thọ Xương sống cùng mẹ.

Thiềm Xuân nén tiếng thở dài, nhẹ gật đầu để hài lòng mẹ.

***

Năm kế tiếp lại là một năm đầy biến loạn, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ từ xứ Nam Hà dẫn quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, sau lại đánh tiếp ra xứ Bắc Hà, đánh vào Đông Kinh với khẩu hiệu "Phù Lê, diệt Trịnh". Chúa Trịnh Khải bỏ chạy gần một tháng ròng, cuối cùng tự vẫn mà chết. Sau, Nguyễn Huệ được phong Nguyên súy dực chính phù vận Uy quốc công, cho ở phủ chúa Trịnh cũ, rồi lại được kết duyên chồng vợ với công chúa Ngọc Hân. Tưởng chừng mọi việc đã tạm lắng, chuyển bề yên ổn, cùng năm Cảnh Hưng đế băng, hoàng thái tôn Lê Duy Khiêm kế vị, lấy hiệu Chiêu Thống, xưng Mẫn Đế.

Chiêu Thống năm thứ nhất(5), Thiềm Xuân mười bốn tuổi. Biến cố trong triều không mấy ảnh hưởng cuộc sống thường nhật của mẹ con. Đôi lúc nàng còn luận rằng, có lẽ cha biết được biến loạn, dùng cái chết để rút lui, âu cũng đổi được bình yên nho nhỏ. Nhưng nghĩ lại, chức Tư huấn của cha há có phải là một ông quan tai to mặt lớn trong triều đâu mà tim đập chân run vì sợ hãi?

Chiêu Thống năm thứ hai, Hà Thị Thu tái giá với một thương nhân ở đất Hải Dương quê cũ.

Thiềm Xuân nhất quyết không theo mẹ, chỉ muốn ở lại với Đông Kinh, về lại Cổ Nguyệt đường.

Bà biết không thể ép con gái, chỉ đành cầu cho con những ngày sau bình an khỏe mạnh, mong mỗi năm đều có thể gặp mặt ít nhất một lần mỗi độ xuân sang.

(1) Đạt Hiên: Ngô Thì Nhậm.

(2) Hiến sát phó sứ: Thuộc hàng Chánh thất phẩm. Theo quan chế thời Hồng Đức, chức Hiến sát sứ, Hiến sát phó sứ chức vụ là đàn hặc, xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, khảo khoá, tuần hành...

(3) Ca dao khuyết danh, có nơi cho rằng bài thơ này là của Nguyễn Khuyến.

(4) Ca dao.

(5) Chiêu Thống năm thứ nhất: 1786.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro