Có hai nước Mỹ
Có hai nước Mỹ
TT - Dự án xây dựng một thánh đường Hồi giáo ngay gần khu Ground Zero, nơi tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) sụp đổ trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, đang trở thành chủ đề nóng bỏng. Nước Mỹ như đang chia rẽ trước một vấn đề nhạy cảm...
Người dân thành phố Temecula, California biểu tình chống đền thờ Hồi giáo hồi cuối tháng 7. Các biểu ngữ ghi "Chúa phù hộ nước Mỹ" và "Không xây thêm đền thờ Hồi giáo ở Mỹ" - Ảnh: Reuters
Tuần trước, Ủy ban bảo tồn kiến trúc cổ (LPC) của New York đã bỏ phiếu bác bỏ đề xuất công nhận là kiến trúc cổ đối với một tòa nhà 152 tuổi chỉ cách khu Ground Zero hai dãy nhà. Trước đó, Công ty địa ốc Soho Properties của người Hồi giáo đã mua lại tòa nhà này với giá 4,85 triệu USD và lên kế hoạch đập bỏ để xây một tòa thánh đường và trung tâm văn hóa Hồi giáo cao 13 tầng trị giá 100 triệu USD. Một trong những nhà đầu tư của dự án "Thánh đường Hồi giáo Ground Zero" là "Sáng kiến Cordoba", một tổ chức Hồi giáo do giáo sĩ Feisal Abdul Rauf, người Mỹ gốc Ả Rập, lãnh đạo.
Với quyết định của LPC, hầu như chắc chắn dự án xây dựng tòa thánh đường Hồi giáo này sẽ trở thành hiện thực.
Nước Mỹ thứ nhất
Sự việc này đang gây nên một làn sóng phản đối dữ dội ở New York.
Nhiều người dân và chính khách Mỹ phản ứng kịch liệt đối với dự án "Thánh đường Hồi giáo Ground Zero". Khi LPC công bố kết quả bỏ phiếu, nhiều người tham dự phiên họp đã la ó: "Thật nhục nhã"! Trung tâm Luật và tư pháp Mỹ, một tổ chức bảo thủ, tuyên bố sẽ kiện LPC ra tòa. Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) - tổ chức bảo vệ quyền Do Thái lớn nhất nước Mỹ, nổi tiếng vì các chiến dịch vận động tự do tín ngưỡng - cũng gây sửng sốt khác thường khi khẳng định việc xây một trung tâm Hồi giáo "dưới bóng WTC sẽ tạo thêm nỗi đau cho các nạn nhân 11-9, và đó là hành vi sai trái".
Cựu thống đốc bang Alaska Sarah Palin mô tả dự án này là "nhát dao đâm ngay tim" và kêu gọi những người Hồi giáo theo đường lối hòa bình "hãy chứng tỏ thiện ý" bằng cách đồng ý với quan điểm của bà.
Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich còn mạnh miệng hơn khi tuyên bố dự án này là "bàn đạp" cho một cuộc chiến nguy hiểm. "Nước Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc xâm lăng Hồi giáo trên phương diện chính trị và văn hóa, một cuộc tấn công nhằm phá hủy nền văn minh của chúng ta".
Ông cáo buộc người Hồi giáo muốn thiết lập luật Hồi giáo (Sharia) ở Mỹ và trên toàn thế giới. Cựu hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rick Lazio cáo buộc giáo sĩ Feisal Abdul Rauf có quan hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan, và bằng chứng là ông đã không chịu công nhận lực lượng Hamas ở Palestine là "khủng bố".
Các nạn nhân vụ 11-9 cũng tỏ ra phẫn nộ. "Tôi bị sốc, đó là ý tưởng hoàn toàn điên rồ - bà Sally Regenhard, đã mất một người con trai là lính cứu hỏa, bức xúc - Tôi cho rằng dự án đó hoàn toàn không đếm xỉa gì đến nỗi đau mà chúng tôi trải qua. Đến giờ tôi vẫn chưa tìm thấy thi thể con trai mình". Một số khẳng định họ không phân biệt tôn giáo hay hằn thù đạo Hồi, mà chỉ muốn thành phố có sự tôn trọng đối với những người đã khuất. "Một tòa thánh đường Hồi giáo gần Ground Zero sẽ không thúc đẩy sự hòa hợp, hiểu biết, mà chỉ càng gây thêm sự hằn thù và chia rẽ" - bà Vicky Hassouneh, một người dân thành phố, khẳng định.
Làn sóng bài Hồi giáo không dừng lại ở New York mà đang lan rộng ở nhiều vùng trên nước Mỹ. Hàng trăm người dân thành phố Murfreesboro ở Tennessee mới đây cũng đã xuống đường phản đối dự án xây dựng một thánh đường Hồi giáo tại thành phố mình. Họ mang theo những biểu ngữ "Đền thờ Hồi giáo là đài kỷ niệm của chủ nghĩa khủng bố" bởi lo ngại đền thờ này sẽ biến thành một trại huấn luyện khủng bố "nhằm lật đổ chính quyền Mỹ"!
Ở thành phố Temecula, bang California, người dân cũng biểu tình phản đối một dự án xây nhà thờ Hồi giáo ngay cạnh một nhà thờ Tin Lành. Họ hô vang khẩu hiệu: "Nói không với luật Sharia ở Mỹ"... "Là một người mẹ, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng - bà Diana Serafin, một người biểu tình, cho biết - Tôi sợ rằng 20 năm nữa Hồi giáo sẽ chiếm lĩnh nước Mỹ, đưa người vào Quốc hội và Tòa án tối cao để thay hiến pháp Mỹ bằng luật Sharia".
Ở Murfreesboro, giáo sĩ Ossama Bahloul cho biết làn sóng phân biệt đã ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em Hồi giáo ở Mỹ. Ông nói: "Thế hệ thứ hai đang phải đối mặt với một thử thách lớn. Đơn giản bởi chúng chưa từng bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày có nhiều người đến trước mặt chúng và nói: Chúng mày không được chào đón ở đây".
Nước Mỹ thứ hai...
Lên tiếng ủng hộ dự án "Thánh đường Hồi giáo Ground Zero", thị trưởng New York Michael Bloomberg cho rằng nó phản ánh chính sách tự do tín ngưỡng của Mỹ. "Khu WTC sẽ mãi mãi nắm giữ một vị trí đặc biệt trong thành phố chúng ta, trong trái tim chúng ta - ông khẳng định - Nhưng chúng ta sẽ không thành thật với chính mình, với bản chất người Mỹ và là người New York nếu nói không với một thánh đường Hồi giáo ở Manhattan".
Nhiều tờ báo Mỹ cũng mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ dự án này. Báo Washington Post đăng xã luận mang tựa đề "Lá phiếu vì tự do tôn giáo", khẳng định tòa thánh đường ở gần Ground Zero là biểu tượng của tự do tôn giáo ở Mỹ. Báo Los Angeles Times bày tỏ quan điểm một tòa thánh đường gần Ground Zero là "sự lựa chọn khôn ngoan" bởi lẽ "phản đối dự án này là chỉ có lợi cho những kẻ Hồi giáo quá khích".
Còn báo Christian Science Monitor cũng cho rằng thánh đường này sẽ là biểu tượng cho sự khoan dung, hòa hợp và cho biết hiện ở New York có 800.000 người Hồi giáo đang đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
Hồi giáo đang ngày càng phổ biến ở Mỹ. Theo giáo sư Ihsan Bagby, một chuyên gia về Hồi giáo thuộc ĐH Kentucky, 10 năm trước ở Mỹ có khoảng 1.200 đền thờ Hồi giáo, hiện nay con số này là 1.900. Khảo sát năm 2007 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết 39% người Hồi giáo trưởng thành ở Mỹ nhập cư từ năm 1990. "Ở mọi cộng đồng tôn giáo, một trong những sự kiện diễn ra trong quá trình nhập cư là người dân định cư và xây dựng những công trình để khẳng định rằng: chúng tôi sinh sống ở đây, chúng tôi không đến để cắm trại rồi đi - giáo sư Diana Eck thuộc ĐH Harvard cho biết - Một phần vì những cộng đồng này đã coi nước Mỹ là quê hương của mình".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro