Cố đô - 01229169933
Người dịch Thái Văn Hiếu
I. HOA MÙA XUÂN
Chieko để ý thấy những đóa hoa tím đã nở trên cây phong.
- Ôi cả năm nay nữa chúng cũng nở kìa? - Hơi thở mùa xuân mơn trớn thoảng vào Chieko.
Trong khu vườn nhỏ bé cây phong hóa ra đồ sộ, thân nó to ngang hơn chính Chieko nhiều lắm. Nhưng lẽ nào có thể đem cái thân cây đầy rêu, phủ lớp vỏ chai sần, nứt nẻ, sánh với thân hình con gái của Chieko...
Vừa đúng ngang tầm eo lưng, cây phong hơi vẹo về bên phải, rồi đến đoạn cao hơn đầu nàng lại thoắt vươn sang phải thành một vòng cung mà chính từ khúc cong này cành tỏa ra mọi phía, che phủ cả khu vườn. Những cành dài trĩu xuống vì sức nặng bản thân chúng, chạm đầu cành tới đất.
Dưới chỗ thân cây đột ngột uốn cong một chút là hai hốc lõm con con, nơi những cây hoa tím mọc. Cứ xuân sang chúng lại trổ hoa. Trong chừng mực mà Chieko còn nhớ được thì trên thân cây vốn bao giờ cũng có hai khóm hoa.
Khóm trên cách khóm dưới một khoảng trọn một xiaku 1. Khi đã là cô gái trưởng thành, Chieko thường hay tư lự: liệu có khi nào hai cây hoa tím trên dưới gặp được nhau không? Liệu chúng có biết đến sự tồn tại của nhau không? Nhưng với chúng thì các chữ "gặp", "biết" mang được ý nghĩa gì kia chứ?...
Hoa nở không nhiều - thấy chỉ ba đến năm vành hoa nhỏ là cùng. Nhưng dù sao cứ xuân sang, trong hai hốc nhỏ bé trên thân cây phong, chồi mới lại nhú lên, hoa lại nở.
Chieko thường ngắm hoa từ chỗ lối đi, hoặc khi đứng trước gốc cây. Nàng nhìn chúng, mắt ngước từ khóm dưới lên khóm trên mà lòng bồi hồi, lúc lấy làm ngạc nhiên cho "kiếp sống" khác thường ấy của loài hoa tím, lúc cảm thấy một cảm giác cô đơn đôi khi đến lạ.
- Chính đây là nơi chúng đã lớn lên...Rồi sống...- nàng thầm thì.
Khách khứa đến cửa hàng vẫn tỏ vẻ thán phục cây phong nhưng hầu như chả có ai để ý thấy những cây hoa tím đang khiêm nhường trổ hoa. Cái cây cổ thụ làm người ta kinh ngạc bằng sức mạnh của mình, mà khúc thân mọc điểm rêu xanh gợi ra sự nể trọng và tạo thêm cho cây phong một nét mỹ cảm riêng. Hai khóm hoa tím nhỏ nhoi, nương náu trên đó, dường như lu mờ hẳn trong khúc ngợi ca sự hùng vĩ và vẻ đẹp kia.
Song lũ bướm thì có biết chúng. Vào đúng cái giây phút Chieko để ý thấy những đóa hoa tím đã nở, cả một đàn bướm trắng nhỏ xíu nãy giờ lượn vòng sát đất sán lại gần các đóa hoa. Trên cây phong những chồi non hồng hồng đã bắt đầu nứt ra, và trên cái nền ấy sắc trắng toát của lũ bướm nổi lên rực rỡ. Lá và hoa của loài hoa tím hắt chút bóng mờ lên lớp rêu xanh trên thân cây.
Đấy là một ngày xuân dìu dịu. Bầu trời phủ đầy mây, như vẫn thường thấy vào tiết khai hoa.
Chieko còn ngắm hoài những đóa hoa tím, kể cả sau lúc lũ bướm đã bỏ chúng bay đi.
- Cảm ơn, vì cả năm nay nữa các bạn cũng nở tuyệt vời đến thế, - đôi môi nàng thì thầm không thành tiếng.
Bên dưới mấy khóm hoa, ngay cạnh đám rễ phong là cây đèn lồng cổ. Một pho tượng nhỏ chạm vào phần dưới trụ đá của nó. Cha đã giải thích cho Chieko rằng đấy là Đấng Cơ đốc.
- Lẽ nào không phải là Đức bà Maria đồng trinh ạ? - Bấy giờ, Chieko hỏi. - Con đã thấy rồi: to lắm, giống như tượng đài Tendgin 2 ở Kitano ấy.
- Nếu vậy thì hài đồng đâu? - Cha bác lại.
- À mà đúng thế thật, - Chieko gật đầu rồi hỏi: - Trong các cụ tổ tiên nhà mình có người theo đạo Cơ đốc sao?
- Không. Cây đèn này là do, hoặc người làm vườn, hoặc người buôn bán đồ đá chạm mang đến. Nó chả phải là thứ quý hiếm lắm đâu.
Cây đèn chắc hẳn được chế tác lâu lắm rồi, ngay từ hồi bắt đầu những vụ đàn áp người theo đạo Cơ đốc 3. Mưa gió hàng trăm năm đã làm hao mòn thứ đá không lấy gì làm rắn chắc lắm, nên bây giờ khó có thể phân biệt nổi hình dáng đầu, thân, với hai chân. Cung cách chạm cũng chả được tinh xảo lắm. Hai ống tay áo chùng quá dài, gần xấp xỉ tới vạt dưới. Đã có lúc nào đấy trên thân tượng là hai cánh tay bắt chéo dáng cầu nguyện, nhưng giờ thì người ta chỉ còn biết phỏng đoán như thế dựa vào chỗ phần nào lồi lên ở nơi trước kia là hai cánh tay ấy. Dù sao, pho tượng cũng gợi lên một ấn tượng khác so với hình ảnh Phật hoặc Dgidgio 4.
Liệu xưa kia, những người theo đạo Cơ đốc có tôn kính cây đèn này không, hay nó chỉ đơn giản là một thứ đồ trang trí ngoại bang, ai mà biết được. Chứ giờ đây, nó ở cạnh rễ cây phong già, dưới những cây hoa tím trong khu vườn cửa hiệu thuộc sở hữu cha mẹ Chieko, cũng chỉ nhờ vẻ cổ kính của nó mà thôi. Nếu có ai đó trong đám khách khứa để mắt đến cây đèn, cha Chieko vắn tắt giải thích thêm: "Tượng Chúa Cơ đốc". Song hiếm khách chú ý đến chiếc đèn đá xuềnh xoàng cạnh cây phong già. Mà nếu có để ý thấy thì ngay đấy lại quay đi, có một hai cây đèn đá trong vườn âu cũng là chuyện bình thường.
Chieko rời mắt khỏi mấy cây hoa và bắt đầu quan sát kỹ hình ảnh Đấng Cơ đốc. Nàng không theo dự trường truyền giáo, song, để làm quen với tiếng Anh, nàng vẫn đến nhà thờ Cơ đốc và thậm chí còn đọc cả các sách Tân ước, Cựu ước. Theo nàng, đem cắm nến hay đặt hoa trước cây đèn cũ kỹ có hình tượng Đấng Cơ đốc thì cũng không ra làm sao: trên đó không khắc cây thánh giá.
Đôi lúc nàng có cảm giác như những đóa hoa phía trên pho tượng chính là trái tim của Đức bà Mang đồng trinh.
Nàng lại đưa mắt từ cây đèn sang những đóa hoa lần nữa. Rồi bất giác nhớ đến lũ dế mà nàng giam trong chiếc hũ Tamba 5 cổ. Nàng đã bắt đầu nuôi dế ngay sau khi lần đầu thấy những cây hoa tím trên cây phong già. Dăm năm về trước, nàng đến thăm nhà cô bạn học và đã nghe thấy ở đấy lũ dế rúc. Người bạn gái tặng nàng mấy con dế - mọi sự cũng bắt đầu từ đó.
- Tiếc là phải giam chúng trong cái hũ tối tăm, - lúc ấy Chieko buồn rầu.
- Nhưng thế còn tốt hơn việc bắt chúng chẳng bao lâu phải chết trong lồng, - cô bạn bác lại.
Chieko biết có những ngôi chùa người ta chuyên nuôi dế rồi bán ấu trùng của chúng. Thì ra, ở Nhật không ít người thích chơi dế.
Khi lũ dế của nàng sinh sôi nảy nở, phải cần đến cái hũ thứ hai. Những con dế vừa ra đời khoảng mồng một tháng bảy, thì từ giữa tháng tám đã bắt đầu rúc.
Chúng sinh ra, véo von rúc, sinh sôi nẩy nở rồi chết trong cùng một cái hũ chật chội, tối tăm. Điều đó cho phép bảo tồn nòi giống. Chứ ở trong lồng thì kiếp sống ngắn ngủi chỉ một thế hệ đã dành sẵn cho chúng. Mà suốt đời ở trong hũ thì với chúng đấy là biểu hiện của cả thế giới, cả vũ trụ...
Thời xa xưa bên Trung Quốc, câu chuyện "Cả thế gian trong hũ" rất nổi tiếng. Chieko biết nội dung truyện ấy: những tòa lâu đài vàng và những ngọn tháp ngọc bích mọc lên trong lòng một cái hũ diệu kỳ, nó đầy những rượu quý, những cao lương mỹ vị. Cái hũ là hiện thân của một cõi thế hoàn toàn khác đầy quyến rũ, siêu thoát khỏi kiếp sống phù du... Một trong vô vàn câu chuyện về những vị tiên ẩn dật...
Lẽ tự nhiên, lũ dế sa vào hũ không vì ác cảm với thế giới này và có lẽ thậm chí cũng không đặt thành điều xem chúng đang ở đâu. Chúng chỉ đơn giản sinh tồn, mà không màng tới cuộc đời nào khác.
Nhưng đây mới là điều khiến Chieko ngạc nhiên nhất: hóa ra là nếu cứ giam trong hũ cùng một số những con dế ấy và không thỉnh thoảng thả vào đấy những cá thể đực khác thì các thế hệ mới sẽ đâm thoái hóa dần do hôn phối cùng huyết thống lặp đi lặp lại. Để tránh chuyện này, những người chơi dế trao đổi với nhau các con đực.
Bây giờ đang xuân, chưa phải là mùa thu lúc lũ dế bắt đầu rúc, song những cây hoa tím không vô cớ nhắc nàng nhớ đến lũ dế.
Chính Chieko đã bỏ lũ dế vào cái hũ tối tăm, chật chội kia, còn những cây hoa tím, sao chúng có thể lâm vào chốn quá ư bất tiện cho chúng vậy? Tuy nhiên, hôm nay mấy cây hoa tím lại nở, rồi lũ dế mới sẽ sinh trưởng và sẽ rúc.
"Vòng quay sự sống trong thiên nhiên ư?... - Chieko vén lại sau tai mớ tóc vừa xổ ra, vờn trong làn gió xuân nhè nhẹ. - Còn ta?..." - Nàng nghĩ, tự ví mình với những cây hoa tím và lũ dế.
Ngoài Chieko ra, chả một ai lưu tâm đến mấy khóm hoa tím mộc mạc vào cái ngày tràn đầy sự bừng tỉnh của mùa xuân, của thiên nhiên ấy.
Tiếng nói cười vui nhộn từ cửa hiệu vẳng tới. Những người làm công rục rịch đi ăn trưa. Chieko nhớ ra buổi hẹn đã định và đi thay quần áo.
Hôm trước Xinichi Midzuki đã gọi điện tới mời Chieko đi xem anh đào nở ở chùa Heian Dgingu. Bạn anh - một sinh viên - cách đây nửa tháng vào làm gác cổng vườn chùa lấy hương, báo cho biết hiện giờ anh đào đang giữa kỳ nở rộ. - Một khi tay canh gác mới vào ngạch ấy nói thì có nghĩa là, tin hết sức chính xác đấy. - Xinichi bật cười khe khẽ. Tiếng anh cười khe khẽ nghe có vẻ khoái chá.
- Anh ấy sẽ trông coi luôn cả chúng ta chứ? - Chieko hỏi.
- Có thế anh ta mới là người gác cổng! Để ý tất những ai vào vườn chùa, - Xinichi đáp, - mà nếu chị lấy làm khó chịu, Chieko ạ, ta có thể đến từng người một rồi sẽ gặp nhau trong vườn chỗ rặng anh đào. Chừng nào chị chưa đến thì ngắm hoa một mình vậy. Anh đào nở làm sao chán được.
- Nếu vậy, dễ thường anh cứ đi luôn một mình có hơn không?
- Đồng ý thôi. Nhưng e là tối nay trời đổ mưa, hoa sẽ rụng mất.
- Cảnh hoa rụng cũng rất tuyệt.
- Những cánh hoa vấy bùn, tơi tả vì mưa - đấy mà là cánh hoa rụng ư?? Chị biết rồi kia mà: Hoa rụng... 6.
- Người gì đến khó chịu!
- Ai trong chúng ta kia chứ?
Mặc xong chiếc áo khuông giản dị, Chieko rời nhà.
Chùa Heian Dgingu, nổi danh với ngày lễ Kỷ Nguyên của mình, được coi là không cổ lắm. Người ta dựng lên ngôi chùa này vào năm 1895 để tưởng niệm thiên hoàng Kammu 7, người hơn ngàn năm trước đã hạ chiếu thiên đô về chỗ bây giờ là Kyoto.Cổng tam quan và chùa ngoài giống y như cổng Otemmon và cung Daigokuden ở Heian. Cũng hệt như về sau người ta trồng cam, chanh và anh đào vậy. Từ năm 1932 trở đi, ở chùa người ta bắt đầu tưởng nhớ cả Komay 8, vị thiên hoàng mà sau ông người ta lại dời đô từ Kyoto về Edo tức Tokyo ngày nay. Vườn chùa ở Heian Dgingu thành ra một trong các địa điểm ưa dùng nhất để tổ chức hôn lễ.
Cánh rừng nhỏ những cây anh đào rủ, đã tô điểm cho khu vườn một vẻ riêng biệt. Không phải vô cớ mà giờ đây người ta nói: "Cố đô có nhiều loài hoa, duy chỉ có anh đào đủ thủ thỉ cùng ta: đấy mới đích xuân sang!"
Chieko bước vào vườn chùa, nàng lặng người đi, không sao rời mắt khỏi rặng anh đào rủ. Những đóa hoa sắc hồng đẹp lạ lùng khiến tâm hồn nàng tràn đầy niềm rạo rực thiêng liêng. "Ôi, vậy là cả năm nay nữa ta đã gặp gỡ mùa xuân" - đôi môi nàng thầm thì không thành tiếng.
Chieko không hình dung thật rõ nơi Xinichi đang đợi nàng, nàng không biết đại để anh ta có đến không. Định bụng tìm anh ta đã, rồi sau hẵng ngắm hoa, nàng cất bước xuôi xuống phía dưới theo lối mòn bao phủ giữa đám mây hồng của loài cây đang khoe sắc.
Kia, nàng đã thấy Xinichi ngoài bãi cỏ. Anh ta nằm trên cỏ, hai tay gối đầu.
° ° °
Chieko không dự tính gặp Xinichi ở cái tư thế như thế. Nàng thấy bực mình. Người gì, đã có hẹn một cô gái trẻ lại nằm xoài ra trên cỏ? Không hẳn cái thói vô giáo dục của anh ta, cũng không phải thái độ khinh thị trong tư thế anh ta khiến nàng tức giận, mà đúng hơn nàng chỉ đơn thuần thấy gớm ghiếc vì anh ta nằm như thế trước mặt nàng. Trong đời nàng, nàng chưa quen với sự như thế. Rồi nàng nghĩ: không khéo anh ta vẫn nằm xoài trên bãi cỏ trường đại học đúng lối ấy mà tranh luận khoa học với bạn bè chăng. Thì đây, lúc này anh ta đang nằm, ý chừng theo tư thế mình quen thuộc. Chỗ chọn nằm thì do thiện cảm với mấy bà cụ ngồi lê đôi mách bên cạnh - thoạt tiên ngồi ghé xuống một bên, sau rồi nằm xuống cỏ và thiu thiu ngủ.
Hình dung xong toàn bộ cảnh đó, Chieko đã suýt bật cười, song nàng kìm được và đỏ mặt. Nàng đứng một lát trước Xinichi không dám đánh thức anh ta, rồi định đi. Cho đến giờ nàng chưa từng nhìn mặt người đàn ông đang ngủ nào gần đến thế...
Trên người Xinichi là chiếc áo vét sinh viên cài hết cúc, mớ tóc chải gọn gàng. Anh ta nằm, hai hàng lông mi dài nhắm nghiền, nét mặt anh ta có một cái gì đó thật trẻ con.
- Chieko! Xinichi kêu lên và nhóm ngay dậy.
Vẻ mặt cô gái thoắt thành ra giận dỗi:
- Anh không thấy xấu hổ sao. Ai lại ngủ ở một chỗ như thế này?
Mọi người đi qua đều ngoái lại nhìn.
- Tôi có thể ngủ ư, sao biết chị đã ở đây, ngay từ giây phút chị lại gần.
- Người gì đến khó chịu.
- Chị tính sẽ xử sự làm sao, giả sử khi nãy tôi không gọi giật lại?
- Thế anh giả vờ ngủ khi biết tôi đã ở đây hả?
- Bấy giờ tôi nghĩ: trước mặt mình là một nàng tiểu thư đầy hạnh phúc, rồi không rõ vì sao tôi thấy buồn, cuối cùng thì đầu hơi đau đau...
- Tôi ư? Tôi mà hạnh phúc?!...
- ...
- Vậy ra, anh ấm đầu à?
- Không sao, qua khỏi rồi.
- Mà hình như, sắc mặt anh không được nhuận thì phải.
- Không, không, mặt mũi đều ổn cả thôi.
- Cứ sáng loáng như lưỡi kiếm ấy.
Người quen kẻ thuộc vốn trước đây cũng đôi khi đem ví nét mặt anh với thanh kiếm, nhưng từ miệng Chieko thì anh nghe điều ấy đây là lần đầu.
- Thanh kiếm này sẽ chẳng đánh gục ai đâu. Chỉ vì quanh đây toàn hoa mà, - anh bật cười.
° ° °
Chieko bước lại phía lối đi. Xinichi theo sau nàng.
- Tôi có ý định dạo khắp những cây anh đào đã ra hoa, - nàng nói.
Nếu đứng ở chỗ rẽ vào lối đi phía ấy, những cây anh đào nở lập tức gợi ra cảm giác mùa xuân. Kìa mùa xuân thật rồi! Các cành cây buông rủ đúng là bị những đóa hoa kép màu hồng kéo trĩu đến tận đầu mút nên dường như không phải chúng nở trên cành nữa mà là các cành cây sinh ra chỉ để nâng đỡ những đóa hoa.
- Anh đào ở đây tốt lạ thường. - Chieko nói rồi dẫn Xinichi tới chỗ đường đi đột ngột quặt ra phía ngoài. Đằng kia, sừng sững một cây anh đào đồ sộ, cành tỏa rộng. Xinichi đứng cạnh Chieko, say mê ngắm cái cây.
- Chị xem kìa, đó chính là nữ tính đấy! Cả những cành cây mềm mại buông rủ, cả bản thân những đóa hoa nữa - dịu dàng quá, thướt tha quá, - Xinichi thốt lên.
Trên cây đào hùng vĩ là những đóa hoa kép màu hồng hơi pha sắc tím.
- Không, thật quả tôi không hình dung thấy nó mang nữ tính đâu, trong cách nó đâm hoa biết bao là sự lộng lẫy và duyên dáng đến khó tả, - làm sao với tới được!
Sau đấy họ cất bước về phía hồ. Đằng ấy, nơi con đường thu hẹp lại, người ta đã bố trí sẵn các ghế băng và trải một tấm thảm đồ chơi trên bãi cỏ. Các khách vãn cảnh thì ngồi ghế nhấm nháp nước trà.
- Chieko, Chieko! - Từ ngôi Thanh tâm đình nằm dưới tán lá rợp - nơi cử hành nghi lễ trà đạo - cô bạn gái Masako của nàng chạy ra. Cô ta mặc chiếc kimono diện lễ tay thụng.
- Chieko, giúp cho một tay nào! Mình mệt quá! Suốt tháng phải phụ giúp Xenxay 9 rồi.
- Phận sự gì vậy? Chắc không ngoài rửa chén.
- Rửa chén thôi cũng được, hay là, cậu pha trà nhé?
- Mình không đi một mình.
Mãi lúc bấy giờ Masako mới để ý đến Xinichi đứng gần đó và thì thầm hỏi:
- Chồng chưa cưới cậu hả?
Chieko khẽ lắc đầu.
- Người tử tế chứ?
Chieko gật.
Xinichi quay lưng về phía họ và chậm rãi đi lên trước.
- Hay cậu uống trà nhé? Lúc này trong đình vắng khách đấy, - Masako mời.
Chieko chối từ rồi bám theo Xinichi.
- Cô bạn cùng học nghi lễ trà đạo với tôi. Một cô gái đẹp, đúng không nào?
- Không có gì đặc sắc.
- Khẽ chứ! Cô ấy nghe thấy đấy. - Chieko quay về phía Masako còn đứng bên trà đình và nháy mắt làm hiệu với cô ta.
° ° °
Họ xuôi lối mòn lại gần hồ. Ngay sát bờ, đám lá nhọn đuôi diều tươi lên mơn mởn, còn loài hoa súng thì khẽ đung đưa êm ả, trải rộng trên mặt nước những chiếc lá tròn trĩnh. Gần hồ anh đào không mọc.
Vòng qua hồ, Xinichi và Chieko ra tới con đường hẹp. Nơi đây, dưới tán lá xanh ngự trị cảnh tranh tối tranh sáng. Mùi lá non và đất ẩm phảng phất. Phút chốc con đường đã dẫn họ tới một khu vườn rộng có hồ ở giữa. Hồ lớn hơn cái hồ mà họ vừa đi qua. Cảnh vật vụt trở lên sáng sủa nhờ những cây anh đào đầy hoa in bóng trên mặt nước hồ.
Những khách du lịch nước ngoài chốc chốc lại bấm máy ảnh lách tách. Còn kia, bên phía bờ đối diện, giữa đám cây cối mọc lên một cây lệ mộc khoác bộ y phục giản dị kết bằng những bông hoa trắng. Chieko nhớ đến Nara 10. Xung quanh bao nhiêu là thông - không to lắm nhưng dáng đẹp. Giá một khi không có anh đào ra hoa, chỉ tấm áo màu xanh của thông thôi cũng đã thỏa mắt. Cho dù bây giờ đây, màu xanh trinh nguyên của thông và làn nước hồ trong vắt có lẽ chỉ là nền tôn thêm những đóa anh đào phớt hồng.
Xinichi bắt đầu men theo các phiến đá trồi lên khỏi mặt nước, qua hồ trước. Chỗ được mệnh danh là "Bến vượt đầm". Các phiến đá phẳng, tròn tròn - y hệt người ta xẻ từ cột Tori 11 ra vậy. Chieko đành vắt lại vạt gấu kimono cho gọn.
- Sẵn sàng bế tiểu thư Chieko sang đấy ạ, - Xinichi ngoái lại phía cô gái, nói to.
- Rất cảm kích trước thái độ hết sức tao nhã của anh, - Chieko châm chọc.
Có các phiến đá tiện lợi nhường ấy thì đến một bà lão cũng cứ việc yên trí mà đi.
Những chiếc lá hoa súng bập bềnh bên các phiến đá, còn ở ven hồ bên kia là rặng thông hắt bóng xuống mặt nước.
- Những hòn đá này đã được sắp xếp dưới nước sao cho chúng tạo thành một bức vẽ trừu tượng, - Xinichi nhận xét.
- Thì người ta vẫn bảo mọi vườn Nhật đều là trừu tượng mà. Anh nhớ cây xughigoke 12 trong vườn chùa Daigodgi chứ. Không có ai là không phán ngay: "bức vẽ trừu tượng"... Rõ chán.
- Có lẽ ở đấy thì nó gây cảm tưởng trừu tượng. À nhân tiện, ở chùa Daigodgi, người ta sắp sửa hoàn tất việc trùng tu ngôi chùa tháp năm tầng. Nhân dịp sắp đến hội lễ. Chị không định viếng qua một chút à?
- Bây giờ thì khéo ngôi chùa lại thành tươi rói như Đền Vàng 13 mới chứ gì?
- Không, nó có bị cháy như Đền Vàng đâu, người ta chỉ dỡ ra rồi dựng lại như mới. Lễ vào chính giữa mùa hoa anh đào thành thử người thì chắc chả vắng...
- Nhưng dù sao thế gian cũng chẳng còn gì đẹp hơn anh đào nở hoa...
Họ đã men theo các phiến đá sang tới bờ bên kia với cánh rừng thông ngoạn mục và tiến về phía "lâu kiều". Người ta gọi thế vì chiếc cầu này có hình dáng hao hao một cung điện, chứ nó cũng có tên riêng: Taihaykaku - An tĩnh cung. Dọc lan can là dãy ghế có lưng tựa thấp làm chỗ cho mọi người nghỉ chân. Từ chỗ này mở ra quang cảnh tuyệt vời của khu vườn rộng mênh mang bên kia hồ.
Mấy người khách vãn cảnh ngồi ghé xuống ghế ăn uống qua quýt. Trẻ con chạy qua chạy lại giữa cầu.
- Anh lại đây, Xinichi, - Chieko gọi. Nàng ngồi xuống ghế trước và để lòng bàn tay xuống chỗ bỏ trống bên cạnh.
- Tôi đứng một chút, chứ ngồi thì tôi thích ngồi cạnh chân chị hơn... - Xinichi bông đùa đáp lại.
- Xin anh xem như tôi không nghe thấy gì hết. - Chieko buộc anh ta ngồi xuống cạnh nàng rồi nói. - Tôi đi kiếm thức ăn cho lũ cá chép đây.
Chẳng mấy chốc nàng quay lại và bắt đầu ném thức ăn xuống hồ. Tức khắc cả một đàn cá chép bơi lại, thậm chí có vài con còn nhảy lên, cố đớp mồi ngay trên không. Chúng lượn tròn dưới nước.
Hình bóng những cây anh đào và thông xao động.
- Anh không muốn cho chúng ăn sao? - Chieko xướng lên.
Chàng trai không đáp.
- Anh giận tôi ư?
- Không hề.
Họ im lặng ngồi hồi lâu. Xinichi nhìn xuống nước, vẻ mặt đã tươi tỉnh dần.
- Anh nghĩ ngợi chuyện gì đó phải không? - Chieko phá tan sự im lặng.
- Đơn giản vậy thôi... Quả là có những giây phút chả phải nghĩ gì hết. Với lại, lúc ngồi cạnh một nàng tiểu thư hạnh phúc thì chính bản thân mình cũng được nàng bao phủ trong hơi ấm của tuổi thanh xuân hạnh phúc.
- Tôi hạnh phúc là sao? - Chieko ngạc nhiên. Một thoáng buồn lướt qua trong mắt nàng. Mà cũng có thể, đấy chỉ là một lay động nhẹ của làn nước nàng đang nhìn. - Bên kia cầu có một cây đào mà tôi đặc biệt thích, - Chieko vừa nói vừa rời thế đứng dậy.
- Có lẽ nó kia thôi. Ở đây cũng có thể thấy mà.
Thật vậy, cây anh đào đẹp lạ thường. Nó đứng đó, buông cành, chẳng khác nào một cây liễu rủ. Chieko bước vào dưới tán che của nó, và một cơn gió nhẹ làm rớt xuống vai nàng, xuống bên chân nàng mấy cánh hoa. Những bông hoa rụng phủ đầy mặt đất phía dưới cây anh đào, bảy tám bông gì đó dập dờn trên mặt nước. Có sào trúc chống đỡ cành, vậy mà những đầu cành thanh mảnh, kết đầy hoa, vẫn rủ sát đất.
Qua kẽ hở cành lá đan quyện nhau hiện ra ngọn núi mang trên mình trang phục màu xanh của mùa xuân.
- Chắc là, phần kéo dài của rặng Đông Sơn, - Xinichi nói.
- Đỉnh Daimondgi đấy, - Chieko đáp.
- Không lẽ Daimondgi cao thế?
- Có cảm giác vậy bởi vì anh ngắm nó qua những cành cây ngập hoa.
Họ đứng dưới cây anh đào và không muốn rời đi nữa.
Xa xa một chút mặt đất rải cát trắng thô hạt, còn dịch ít nữa về phía bên phải là những hàng thông cao tuyệt đẹp.
Lúc họ qua cổng Otemmon, Chieko đề nghị:
- Sao ta lại không sang chùa Kiyomidzu nhỉ?
- Kiyomidzu ư? - Xinichi ngạc nhiên. Nét mặt anh như muốn nói: nhưng ở đấy thì có gì thú vị cơ chứ?
- Tôi muốn được từ đấy ngắm Kyoto về chiều, xem cảnh mặt trời lặn trên Tây Sơn.
- Thôi được, ta đi nào.
- Đi bộ, bằng lòng chứ?
Đường không phải là gần. Tránh các dãy phố ồn ào có xe điện chạy, họ đi một vòng khá xa theo con đường dẫn đến chùa Nandgendgi, vòng đằng sau chùa Chionin rồi qua đầu bên kia công viên Maruyama, men theo một lối mòn hẹp tiến lại gần chùa Kiyomidzu. Mọi vật xung quanh đã mờ mờ chìm trong màn sương chiều.
Trong sân - vừa là bậc thềm rộng, để tổ chức các buổi công diễn của nhà chùa, - không có ai ngoài một đám các nữ sinh viên. Khuôn mặt của họ trắng lên mờ ảo trong thời khắc hoàng hôn đến gần.
Chieko thích tới đây vào giờ này. Sau lưng họ, trong ngôi chùa chính, những ngọn đèn lồng đã phát sáng. Chieko không dừng lại mà cắt ngang bục thềm rộng và qua cửa chùa Amida, lại gần phật điện.
Ở đây trên chỗ cao nhất cũng lại có một khoảnh sân riêng mà ngay sau đó là vách dốc đứng. Bản thân khoảnh sân cũng như mái che bên trên lớp vỏ cây bách dường như bay trên vịnh dốc. Sân không lớn, song từ đây mở ra một cảnh trí Kyoto và Tây Sơn đầy ấn tượng.
Dưới kia, thành phố đã lên đèn, nhưng trời còn khá sáng.
Chieko đến gần lan can và hướng mắt về đằng tây. Tưởng chừng, nàng đã quên bẵng Xinichi. Chàng trai lại gần, đứng cạnh nàng.
- Xinichi này, vậy mà tôi là đứa con bị bỏ rơi đấy, - bỗng dưng Chieko thú nhận.
- Con bỏ rơi!
- Phải, người ta đã lén vứt bỏ tôi.
Xinichi sửng sốt đến nỗi thoạt tiên nghĩ, có lẽ chữ "con bỏ rơi" Chieko dùng không phải theo nghĩa đen, mà chẳng qua nàng định gắng lý giải tâm trạng mình thôi.
*
- Con bị bỏ rơi... Xinichi lẩm bẩm trong miệng. - Không lẽ đến chị còn tự coi mình là con bỏ rơi? Nếu vậy thì tôi còn là con bỏ rơi gấp mấy...trong thâm tâm ấy. Mà có lẽ, tất cả mọi người đều là những đứa con bị bỏ rơi cả: khi người ta sinh ra là lúc thánh thần lặng lẽ vứt họ vào thế giới này.
Xinichi ngắm nét mặt Chieko nhìn nghiêng: phải chăng, chính là ánh lung linh chiều tà và cái đêm mùa xuân đang đến gần đã gợi lên nơi cô gái một nỗi buồn chóng qua? - Cũng có thể, công bằng hơn phải coi con người không phải là những đứa con bị bỏ rơi, mà là con cái của thánh thần: các thánh thần vứt họ xuống trái đất chúng ta để rồi lại cứu vớt... - Xinichi kết luận ý kiến mình.
Chieko đăm đăm nhìn những ánh đèn chiều sáng rực của Kyoto, dường như nàng tuyệt nhiên không nghe Xinichi nói. Thậm chí nàng cũng chẳng quay về phía anh ta.
Xinichi cảm thấy Chieko có buồn rầu thật. Anh đã muốn trấn tĩnh lại để chạm vào vai nàng, song nàng dịch ra tránh.
- Đừng khuấy động một kẻ bị bỏ rơi làm gì, - nàng lẩm bẩm.
- Tôi đã chả nói rằng những kẻ bị bỏ rơi là con của thánh thần sao? - Xinichi cao giọng bác lại.
- Nói thế cao siêu quá tôi hiểu thế nào được. Tôi đâu phải con rơi của thánh thần, những người bình thường - cha sinh mẹ đẻ - vứt bỏ tôi đấy chứ.
...
- Thật đấy! Người ta bỏ tôi ở lối vào cửa hiệu của chúng tôi.
- Không thể như thế được!
- Thực thà mà nói, tôi không định thú nhận với anh đâu - ngẫu nhiên tôi buột miệng thôi, nhưng đấy là sự thật!
...
- Ngắm Kyoto về chiều từ chỗ này, thế là bất giác, tôi chợt bán tín bán nghi: có thực tôi sinh ra trong thành phố này không?
- Chị lạ lùng làm sao. Thế chị có biết mình đang nói gì không?
- Cớ gì tôi phải nói dối?
- Chả lẽ chị không phải là con gái độc nhất và hơn nữa, còn được yêu quý hết mực, của một nhà doanh nghiệp sao? Của đáng tội, người con gái một lại cứ bị những ý tưởng kỳ quặc ám ảnh...
- Quả là cha mẹ vẫn yêu quý tôi... cho dù tôi là đứa con bị bỏ rơi.
- Ai xác nhận được chuyện đó?
- Xác nhận ư? Chứng nhận là bờ rào ở lối vào nhà tôi. Các hàng rào nó biết, - giọng Chieko nghe xúc động. - Có một lần - dạo ấy tôi đã học trung học - mẹ tôi đã gọi lên và thú thực rằng bà không phải mẹ đẻ tôi, rằng bà đã đánh cắp tôi từ lúc tôi còn ẵm ngửa. Có điều, cha mẹ hình như không ước định với nhau trước nên ngay từ đầu đã kể ra những chỗ khác nhau ông bà nhặt được tôi. Cha thì nói là dưới rặng anh đào ở Ghion, còn mẹ thì nói bên bờ sông Kamogaoa. Vì lòng trắc ẩn ông bà không muốn thừa nhận là đã nhặt tôi ở ngay cạnh cửa hiệu nhà mình...
- Thôi thì... Thế có biết tí gì về cha mẹ đẻ không?
- Cha mẹ đối với tôi nhân từ quá nên tôi cũng không nảy ra ý định tìm kiếm cha mẹ đẻ nữa. Có lẽ, ông bà cũng đã từ lâu an nghỉ trong một đám mồ nào đó không ai biết ở nghĩa trang Adaxino rồi. Nơi chỉ có những tấm bia mộ cũ nát.
Ngọn Tây Sơn nhuốm ánh hoàng hôn dìu dịu, và cả nửa bầu trời bên trên Kyoto kia dường như phủ trong màn sương màu hồng tía.
° ° °
Xinichi không sao tin được rằng, người ta đã lén vứt bỏ hay thậm chí còn đánh cắp Chieko. Nhà Chieko nằm ngay giữa khu phố các thương gia bán buôn. Cho là có thể gặng hỏi những người láng giềng và sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện đi, song lúc này Xinichi quan tâm đến vấn đề khác kia: vì sao Chieko bỗng dưng thổ lộ với anh nàng là đứa con bị bỏ rơi?
Giọng Chieko chân thực, trong đấy cho thấy cả vẻ đẹp làm xúc động lòng người lẫn một sức mạnh tinh thần lớn lao. Xinichi hiểu, khi thổ lộ với anh, cô gái không tìm kiếm sự thông cảm.
Không nghi ngờ gì nữa, Chieko đoán chừng chàng trai phải lòng nàng. Phải chăng nàng quyết định nói cho anh biết về thân phận mình đơn thuần vì lòng hàm ơn? Lẽ ấy Xinichi ngờ lắm. Ngược lại thì đúng hơn: lời lẽ nàng nghe như thể nàng đang khước từ trước mối tình của anh. Có lẽ, cũng chắc là thế ngay cả trong trường hợp giả sử nàng có bịa ra cái tiểu sử "con bỏ rơi"... Hay là, Chieko thổ lộ cho ta biết để chứng tỏ ta nhầm khi ta mệnh danh nàng là "hạnh phúc"? Giá như vậy thì hay quá. - Xinichi nghĩ rồi nói:
- Chắc là, tiểu thư Chieko buồn khi biết mình là con bỏ rơi chăng? Nàng buồn phải không?
- Không chút nào! Tôi không buồn, mà tôi cũng không thành ra buồn.
...
- Mãi tới lúc tôi xin phép vào đại học thì cha bảo điều đó sẽ gây trở ngại cho người duy nhất thừa kế ông và tôi nên để tâm trí chăm chút đến chuyện buôn bán của ông thì hơn.
- Chuyện xảy ra năm kia phải không?
- Phải, năm kia.
- Việc gì chị cũng làm theo ý cha mẹ à?
- Tất nhiên.
- Nếu là việc xuất giá thì sao?
- Ông bà bảo sao, tôi sẽ làm vậy, - cô gái đáp không một chút do dự.
- Thế nghĩa là, chị không hề có ý kiến riêng lẫn tình cảm riêng ư?
- Trái lại, cả cái nọ lẫn cái kia đều có thừa, mà điều đó gây ra cho tôi vô khối phiền muộn.
- Thì chị vẫn đang kiềm chế, dằn nén chúng đấy thôi.
- Không, tôi không dằn nén gì hết.
- Lúc nào chị cũng nói như đánh đố. - Xinichi cười xòa, song giọng anh run run. Anh tì ngực vào lan can, cúi gập người, cố nhìn mặt nàng. - Tôi muốn được ngắm đứa con bỏ rơi hay đánh đố, - anh thủ thỉ.
- Tối quá. - Chieko cười mát và ngoảnh về phía Xinichi. Đôi mắt nàng long lanh. - Anh làm tôi sợ đấy. - Nàng trông lên mái ngôi chùa chính. Lợp lớp vỏ bách thô dày, nó như sáp lại gần họ vẻ đe dọa, áp đảo bằng cái đồ sộ đen tối của mình.
--------------------------------
1 Một xiaku tương đương 30 cm. 2 Tendgin: tức Michidjane Xugaoara, nhà thảo mỹ tự, bác học và thi sĩ thế kỷ thứ IX, người được tôn thánh. 3 Vào khoảng ba mươi năm đầu thế kỷ XVII. 4 Dgidgio: thần Phật giáo, phù hộ trẻ em và những người lữ hành. 5 Tamba: Một vùng ở Trung Honshu, hay còn gọi là Hondo, đảo lớn nhất quần đảo Nhật Bản với những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto..., nổi tiếng về nghề làm đồ gia dụng bằng gốm. 6 "Hoa rụng không về cành nữa": biểu tượng hàm ý tình yêu đã mất sẽ không bao giờ trở lại. 7 Vua Nhật Kammu (737-806). 8 Vua Nhật Komay (1831-1866). 9 Xenxay: tiếng xưng hô hàm ý kính trọng đối với thầy học, thầy thuốc... Ở đây ý nói thầy dạy nghi lễ trà đạo. 10 Nara: Kinh đô đầu tiên của Nhật Bản. 11 Tori: cổng ở trước chùa Thần đạo (Shinto) gồm hai cột tròn và một xà ngang. 12 Xughigoke: loài cây có lá giống như lá kim của cây thông liễu. 13
Đền Vàng xây dựng năm 1397, bị thiêu hủy năm 1950, nay đã trùng tu.
II. NI VIỆN VÀ HÀNG RÀO GỖ
Vậy là đã mấy ngày nay ông Takichiro Xada - cha Chieko - dọn đến ở trong tòa ni viện xa xôi ở Xaga có vị sư nữ ni viện trưởng đã ngoại lục tuần.
Ngôi chùa không lớn mà dân tình Kyoto ai cũng biết nó ở biệt lập, xa lánh mọi cặp mắt tò mò của đám khách du lịch, ngay lối vào đấy cũng khó mà nhận ra được qua cánh rừng trúc um tùm. Dưới nhà ngang trong chùa đôi lúc cũng tiến hành nghi lễ trà đạo, song các buổi hành lễ ấy không có tiếng tăm gì đặc biệt. Thỉnh thoảng, vị ni viện trưởng lại rời chùa đi dạy nghệ thuật cắm hoa cho những ai muốn học.
Takichiro Xada thuê một buồng trong chùa. Lòng ông khao khát sự cô tịch mà ở đây mọi cái đều đồng điệu với tâm trạng ông.
Xada là một thương gia bán buôn áo dài may sẵn, có cửa hiệu ở khu Nakaghio.
Các thương gia lân cận thời gian gần đây bắt đầu thành lập các liên hiệp cổ phần. Cả hãng buôn của Xada cũng đã trở thành công ty cổ phần. - Chủ nhân bây giờ được gọi là chủ tịch, còn viên quản lý trước đây vẫn điều hành các dịch vụ buôn bán thì nay là giám đốc điều hành viên. Nhưng trong cửa hiệu vẫn lưu lại nhiều tập quán xưa cũ như trước.
Từ thuở thiếu thời Xada đã kỳ vọng đạt tới tài nghệ bậc thầy của nghề vẽ. Vốn là người ưa cô độc, ông cho là chả cần tổ chức triển lãm cá nhân những mẫu vải làm theo phác thảo của ông làm gì. Mà giả dụ có tổ chức thì các mẫu ông vẽ so với thời ấy cũng quá khác thường, nên không hòng gì một thành công về mặt thương mại.
Cha Takichiro - ông cụ Takichibe - lặng thinh quan sát những bản vẽ tập dượt của ông. Trong hãng buôn thiếu gì họa công riêng, rồi cả các họa sĩ ngoài nữa để làm phác thảo họa tiết cho các loại vải hoàn toàn hợp thị hiếu thời bấy giờ. Nhưng khi cậu Takichiro không lấy gì làm thiên phú lắm, mà người ta tin rằng cũng chả thành đạt được gì, đi tìm cảm hứng trong á phiện, thì người cha, vốn đã phát hiện ra những phác thảo bất thường đến quá quắt cho loại lụa in hoa iudgen của cậu, ngay lập tức gửi con trai vào bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Đến những năm doanh nghiệp chuyển sang tay Takichiro thì những phác thảo trước kia có vẻ như kỳ quặc nay được xem là rất bình thường, và ông ngậm ngùi tiếc, nghĩ đến việc hồi trước đã không đưa được chúng vào kinh doanh. Thế nên giờ đây ông sống ẩn dật trong chùa, hy vọng nguồn cảm hứng sẽ chiếu cố đến ông.
Sau chiến tranh, hoa văn trên kimono biến đổi rất nhiều, và nhớ lại những phác thảo kỳ quặc của mình do độc tố á phiện gợi ý, giờ đây Takichiro có thể liệt chúng vào loại hình phong cách mới, trừu tượng cũng nên. Song ông cũng đã ngoài năm mươi tuổi đầu, liệu có nên quay về với mềm đam mê thời trai trẻ không?
"Hay ta cứ thử vẽ theo phong cách cổ điển". - ông lẩm bẩm, không nhằm vào ai hết. Trước mắt ông, mẩu vải của những năm tháng đã qua lần lượt hiện lên nối tiếp nhau. Trong ký ức ông còn lưu giữ hoa văn, màu sắc bao nhiêu mặt hàng, trang phục. Lúc dạo chơi khắp các khu vườn danh tiếng ở Kyoto, khắp các vùng ngoại ô thành phố, ông thường ký họa, mong có dịp sử dụng đến khi cần khối màu cho hàng may kimono.
Khoảng gần trưa Chieko đến chỗ chùa Takichiro ở ẩn.
- Cha ạ, con mua tofu 1 ở quán "Morika" cho cha đấy. Cha ăn nhé?
- Cám ơn con? Tofu quán "Morika", cha thích đấy, nhưng con đến còn khiến cha vui hơn nhiều. Ở lại với cha đến chiều nhé, lay động giúp cha cái đầu óc già nua này. May ra, nảy ra được ý tưởng về một họa tiết hay ho nào chăng.
Một thương gia bán buôn áo dài may sẵn không việc gì phải vẽ các phác thảo. Nói đúng hơn, sự đam mê ấy không khéo còn gây phương hại cho việc kinh doanh.
Nhưng Takichiro thì ngay như tại cửa hiệu của mình cũng thường ở lì mấy tiếng đồng hồ liền tận đầu kia phòng khách, bên chiếc bàn cạnh cửa sổ trông ra khu vườn mà bên dưới cây phong là chiếc đèn Cơ đốc. Sau bàn có hai cái rương kiểu cổ bằng gỗ đồng chứa những thứ vải Trung Hoa và Nhật Bản đã lâu đời, còn cái giá bên cạnh thì đầy chặt những cuốn thư mục các phác thảo của nhiều nước. Trong kho chứa đặt trên tầng hai xếp không ít trang phục nhà hát dùng cho các vở diễn Noh và những quần áo thời cổ khác. Chính ở đấy cất giữ luôn các mẩu vải hoa của các nước phương Nam.
Tất cả được thu thập ngay từ thời cha và ông Takichiro. Mỗi lần có triển lãm hàng vải cổ và người ta đề nghị ông trưng bày một thứ gì đó thì Takichiro khăng khăng từ chối.
- Các cụ đã di huấn là không được mang gì ra khỏi nhà hết, - lần nào ông cũng trả lời vậy.
Ngôi nhà của Takichiro được xây dựng theo kiểu cách Kyoto xưa, cho nên người nào vào nhà vệ sinh cũng không khỏi phải theo lối hành lang hẹp, qua chỗ bàn ông ngồi trong phòng khách. Vị chủ nhân cau mày, im lặng chịu đựng, nhưng hễ mà ngoài cửa hàng có ai đó to tiếng là y như rằng ông lên giọng nói xỏ:
- Làm ơn khe khẽ cho nào?
Có lần, đúng lúc Takichiro đang mải vẽ phác thảo thì viên quản lý vào chỗ ông và lễ phép cúi đầu báo:
- Thưa, có một khách mua hàng ở Osaka đến.
- Ổn cả thôi, cứ để ông ta đi. Ở đây còn thiếu gì các cửa hiệu khác.
- Ông ta là bạn hàng cũ của chúng ta đấy ạ.
- Việc gì tôi phải gặp ông ta. Muốn mua quần áo thì phải biết tự đánh giá lấy, chứ không phải đi tán gẫu vô ích. Ông ta mà là thương gia khắc nhận biết của thật của giả. Chứ thực ra, hàng họ ta có phần lớn là thứ rẻ tiền cả.
- Xin lĩnh mệnh ngài.
Ở phần gian phòng chỗ Takichiro ngồi trên chiếc đệm mỏng sau bàn, sàn có trải tấm thảm cổ của hải ngoại. Chiếc bàn được ngăn cách ra bằng những tấm rèm vải hoa quý. Chính Chieko nghĩ ra việc treo rèm. Chúng giảm bớt phần nào tiếng ồn từ ngoài cửa hàng vọng vào. Thỉnh thoảng Chieko lại thay rèm, thế là do niềm cảm kích tấm lòng đôn hậu của nàng người cha lại thuật cho nàng biết, thứ vải gì xuất xứ từ đâu, Giava hay Ba Tư, nó dệt năm nào và theo phác thảo nào.
Một bận, thấy những tấm rèm vừa được treo lại, Chieko nói:
- Đem vải như thế ra may túi thì tiếc thật, lẽ ra có thể may khăn quàng, có điều mảnh rộng quá. À, mà lấy chỗ đấy làm thắt lưng kimono có được không nhỉ?
- Đưa kéo đây, - Takichiro nói.
Ông nhanh tay cắt lấy một mảnh dài từ tấm rèm hoa.
- Làm thắt lưng cho con đây.
- Đừng, cha ơi! - Nàng nhìn ông Takichiro mắt ướt nhòe.
- Cầm lấy, cầm lấy đi! May ra, trông con thắt chiếc thắt lưng này, cái đầu lú lẫn của cha nảy sinh được ý đồ phác thảo mới chăng.
Chieko đã thắt chính cái thắt lưng ấy lúc lên đường đến thăm cha.
Takichiro tất nhiên có để ý cái thắt lưng, song không nhận ra nó. Cái thắt lưng thật lộng lẫy với hình trang trí to bằng những gam màu sáng, tối. Nhưng dẫu sao, liệu thắt lưng ấy có hợp với cô gái đến tuổi lấy chồng không, Takichiro nghĩ.
Chieko đặt trước mặt ông hộp quà đựng bánh đa bột gạo hình bán nguyệt.
- Để cho cha đấy, cha ạ. Đợi con một phút thôi - con đi nấu tofu.
Chieko rời chiếu đứng dậy, đưa mắt nhìn cánh rừng trúc gần cổng.
- Mùa thu đã chạm tới trúc rồi. - Người cha nói. - Mà cả bờ giậu đất kia cũng đôi chỗ tả tơi, sụt lở. Già cỗi rồi, giống như ta vậy.
Chieko đã quen với lối kêu ca phàn nàn của cha nên không lên tiếng bác lại ông, nàng chỉ lặp lại với bản thân mình: "Mùa thu đã chạm tới trúc rồi".
- Anh đào giờ thế nào, dọc đường đến đây chúng mọc có tốt không? - Người cha nhẹ nhàng hỏi.
- Hoa hầu như rụng hết, cánh hoa bập bềnh cả dưới hồ. Đúng ra, cao tận trên núi, lác đác cũng còn thấy những nhành hoa giữa đám lá non. Trông xa đẹp lắm.
- Thế chứ.
Chieko sang buồng bên cạnh. Ngay đấy đã nghe tiếng dao thái hành, rồi nhịp chày cô gái giã cá ngừ khô. Chỉ một lát nàng bưng vào bát tofu vừa nấu. Nồi niêu bát đĩa cần dùng đã được chở từ nhà đến đây từ trước.
Chieko ngồi tạm xuống bên cạnh, xăm xắn hầu hạ cha.
- Ăn gọi là với cha một chút đi con. - Takichiro mời.
- Dạ thôi, cảm ơn cha.
Ông Takichiro nhìn vai, rồi nhìn ngực Chieko.
- Quá giản dị. Hình như con toàn mặc những kimono may theo phác thảo của cha thì phải. Ngoài con ra có lẽ chả còn ai mặc nữa. Chúng không dùng để bán được...
- Con mặc các áo kimono của cha vì con thích chúng mà.
- Đã đành... nhưng giản dị quá.
- Giản dị, điều đó thì đúng.
- Với lại, đâu có xấu xa gì lắm một khi người thiếu nữ ăn mặc giản dị. - Trong giọng nói của Takichiro chợt nổi lên những âm thanh gay gắt.
- Ai có hiểu thì mới thích...
Takichiro lặng thinh.
Giờ đây, đối với ông các phác thảo hoàn toàn chỉ là thú tiêu khiển.
Chứ ở cái hiệu buôn của họ mà thời gian gần đây rặt đồ trang phục bán cho người tiêu dùng thông thường, viên quản lý chỉ đưa nhuộm màu độ hai, ba chiếc kimono làm theo phác thảo của Takichiro, ấy là cốt giữ thể diện cho ông chủ. Vải thì luôn được chọn lựa vô cùng cẩn thận, còn Chieko thì hăm hở mua một trong những chiếc áo ấy.
- Nhưng dù sao con cũng không nên mặc toàn những kimono theo phác thảo của cha hay những thứ cửa hiệu nhà ta bán. Con tuyệt nhiên không có nghĩa vụ phải làm thế.
- Nghĩa vụ ư? - Chieko ngạc nhiên - Không lẽ cha nghĩ con mặc những cái áo này vì nghĩa vụ?
- Ừ thì thôi, giờ ta cứ để xem nhá: con mà bắt đầu mặc diêm dúa hơn thì có nghĩa là con đã có bạn trai rồi đấy, - người cha bật lên cười rộ, tuy tiếng cười ông nghe hơi gượng gạo.
° ° °
Vừa phục dịch cha , Chieko vừa vô tình đưa mắt nhìn chiếc bàn lớn của ông. Chả có gì chứng tỏ rằng Takichiro đang làm một phác thảo như thường lệ. Cạnh đấy chỉ có nghiên mực mang hình trang trí theo phong cách Edo bằng sơn mài và hai cuốn vựng tập các phiên bản (hay đúng hơn các mẫu) mỹ tự.
Cha dọn lên chùa ở là để tạm thời quên đi những công việc kinh doanh của mình, Chieko nghĩ.
- Những bài tập viết của ông lão sáu mươi đây, - Takichiro lúng túng vẻ ngượng nghịu, - nhưng cũng có một chút gì có thể sử dụng cho các phác thảo - chẳng hạn như, những cái này dường như là những nét phẩy chữ Kana 2 của bút pháp Fudgioara 3 đây.
...
- Chỉ khốn nỗi tay run.
- Cha thử viết to đi.
- Vẫn cứ run như thường.
- Tràng hạt cũ trên nghiên mực ở đâu ra thế ạ?
- Cha xin được của ni viện trưởng.
- Cha tụng kinh lúc lần tràng hạt ư?
- Vật ấy nay người ta gọi là hộ phù. Vậy mà có những lúc cha ở trong tâm trạng chỉ muốn lấy răng cắn vỡ chuỗi hạt ấy.
- Ấy chết, thưa cha! Nó cáu bẩn thế kia! Người ta để tay không rửa lần tràng hạt biết bao nhiêu năm rồi.
- Đừng nói vậy con! Đó là sự dơ bẩn thiêng liêng, từ hai, mà có lẽ đến ba thế hệ các vị ni cô.
Chieko im bặt khi cảm thấy mình đã vô tình động đến nỗi buồn của cha, làm đau trái tim ông. Nàng mang bát đĩa và chỗ tofu còn lại vào bếp rồi quay ra chỗ cha.
- Ni viện trưởng đâu ạ? - Nàng hỏi.
- Đi vắng. Con đi đâu bây giờ?
- Con định đi dạo vùng Saga, rồi sau đó về nhà. Ở vùng núi Arasiyama bây giờ đầy những người. Con sẽ đến chùa Nonomiya, rui sang chùa Nhisomin và đến Adasino - con rất thích những nơi ấy.
- Con còn non trẻ quá, và niềm hăng say kia nơi con khiến cha lo lắng, cả tương lai của con nữa. Không, con hoàn toàn không giống cha.
- Người phụ nữ lại có thể giống đàn ông hay sao, cha?
Takichiro đứng hồi lâu ngoài hiên, dõi theo bóng Chieko đã đi khỏi.
Lát sau, vị ni cô già trở về, bắt tay vào việc dọn vườn.
Takichiro ngồi vào bàn, và trước mắt ông lại bắt đầu hiện lên những bức họa do Sotatsu và Korin 4 vẽ dương xỉ, hoa đồng cỏ nội mùa xuân...ông nghĩ đến Chieko vừa ra đi ở ông.
Chieko ra tới đường làng thì ngôi chùa người cha ở ẩn đã thoắt lùi xa, khuất dạng sau khu rừng trúc.
Nàng đã bắt đầu leo lên những bậc đá sứt mẻ lỗ chỗ dẫn tới chùa Nembutsu ở Adasino, song, lúc tới ngang hai pho tượng Phật nhô cao trên vách đá về phía tay trái, nàng dừng lại: từ bên trên vẳng xuống những giọng nói oang oang đến khó chịu.
Đằng ấy là vô số những cột bia đá đặt trên các nấm mồ vô danh. Gần đây, đám đàn bà ngoại quốc áo váy lố lăng, hầu như mỏng dính, đâm sính chụp ảnh giữa những nấm mồ ấy. Chắc hẳn cả hôm nay nữa, trong nghĩa trang ở Adasino cũng đang diễn ra chuyện gì đấy đại loại như vậy.
Chieko quay người và cất bước vội vã đi xuống. Nàng nhớ lại lời cảnh báo cha nói ra hôm nay.
Nàng đã đi đây đi đó giữa đám đông chơi bời du xuân trên núi Arasiyama, nhưng việc hiện diện ở đây, ở Adasino và Nonomiya này, thì có gì không được đoan chính lắm đối với một thiếu nữ. Cho dù có giữ ý tứ hơn cả việc mặc những kimono quá ư giản dị, phối màu theo phác thảo của Takichiro đi nữa...
Hình như, ở ẩn trong tòa ni viện ấy cha đang tiêu dao tháng ngày trong nhàn rỗi. Song ông nghĩ gì thế nhỉ, khi nhai cắn chuỗi hạt cáu bẩn, đã qua tay bao người ấy? - Chieko buồn bã nghĩ.
Nàng vẫn hằng chứng kiến ở nhà, cha thường phải gắng kiềm chế những cơn bực tức bất thình lình ra sao. Vào những giây phút ấy hẳn ông đã cắn tan chuỗi hạt nọ nếu như có sẵn trong tay.
"Thà rằng hy sinh những ngón tay mình để cha cắn nát, miễn sao giảm nhẹ được những cơn thịnh nộ của ông còn thấy dễ chịu hơn". - Chieko đau khổ lắc đầu lẩm bẩm. Tâm trí nàng dứt qua chuyện khác: nàng nhớ lại chuyện cùng với mẹ thỉnh chuông chùa Nembutsu hồi nào.
Gác chuông nhà chùa đã được xây dựng lại. Mẹ nhỏ người không sao thỉnh được chuông cho nó ngân đủ vang.
- Mẹ ơi, phải biết cách cơ. Để con thỉnh với nào. - Chieko đặt bàn tay lên tay mẹ, và họ thúc chiếc cần gõ bằng gỗ. Quả chuông ngân vang dội.
- Đúng thật! - Người mẹ reo lên vui sướng.
- Đấy nhé! Chỉ khi nào có nhà sư thạo tay thỉnh, chuông mới thực sự ngân lâu, ngân rền. - Chieko bật cười.
Đắm trong hồi ức, nàng bước dọc lối mòn, dẫn đến chùa Nonomiya. Vào cái thời chưa xa xôi lắm người ta còn viết về lối mòn này như là "bước vào bóng chở che của rừng trúc.". Giờ thì cả dấu vết khu rừng cũng chẳng còn. Hơn thế nữa, tiếng mời chào của các nhà buôn từ những tiệm nhỏ xuất hiện trước cổng chùa rành rọt vọng ra tận đây.
Nhưng bản thân ngôi chùa khiêm nhường này thì không hề thay đổi. Thuở xưa - như trong Truyện Gendgi cũng nói - ở đây có thánh điện là nơi những người con gái ngây thơ trong trắng của thiên hoàng, trước khi dâng hiến đời mình phục dịch tại chùa Isedgingu, phải gột rửa tục lụy trong vòng ba năm. Cột tori bằng gỗ nguyên cây không tước vỏ và một bờ rào khác thường - đó là những nét danh thắng của Nonomiya.
Nếu từ đấy đi tiếp chút nữa theo lối mòn, một khung cảnh tuyệt vời trông sang núi Arasiyama sẽ lộ ra. Trước khi đến cầu Bến Trăng gần con đường rặng thông, Chieko lên xe buýt. Kể thế nào với mẹ về cha đây? Mẹ nhạy cảm là vậy... suốt dọc đường nàng đắn đo suy nghĩ.
Nhiều nhà cửa ở khu Nakaghio đã bị cháy trụi từ trước cách mạng Maydgi vì sơ suất trong những ngày lễ Lửa hoặc vào lúc chiên teppoyaki 5. Ngôi nhà của Takichiro cũng không thoát khỏi hỏa hoạn.
Do đó dù rằng trong vùng lân cận còn lưu lại những ngôi nhà theo kiểu cách Kyoto xưa với hàng rào quét sơn Ấn Độ và cửa sổ con có khung chấn song ken dày ở tầng hai, thì những công trình xây dựng này cũng không quá trăm tuổi.
Hình tượng thần Dgidgio sau cửa hiệu Takichiro, như người ta nói, còn nguyên vẹn sau trận hỏa hoạn. Đến giờ Takichiro vẫn duy trì cửa hiệu trong tình trạng như cũ: phần vì mọi sự sắp đặt lại đều khiến ông ghê tởm, phần thì thiếu tiền, do việc buôn bán không được mĩ mãn lắm.
Chieko đã về tới nhà, nàng mở cửa rào ra. Từ đây trông rõ toàn bộ chiều sâu phía trong chỗ ở của họ.
Mẹ nàng ngồi bên cái bàn của cha, hút thuốc. Tay trái chống lên má, bà cúi gằm xuống bàn nên thoạt đầu Chieko có cảm giác như là bà đang viết gì đó, song bàn trống không.
- Con đây mà, - Chieko vừa nói vừa lại gần mẹ.
- A - a, Chieko, chắc mệt rồi phải không? Cha ở đằng ấy thế nào? - Bà hỏi khi đã tỉnh lại sau cơn trầm tư mặc tưởng.
- Con đã mua tofu cho cha, - cô gái nói, cố tranh thủ thời gian để cân nhắc câu trả lời.
- Ở quán "Morika" à? Con nấu lên rồi chứ? Có lẽ cha mừng...
Chieko gật đầu.
- Trên Arasiyama thế nào?
- Đầy những người.
- Cha đưa con tới Arasiyama à?
- Không ạ, ni viện trưởng đi vắng, nên cha không bỏ chùa đấy cho ai được...Cha đang học mỹ tự pháp, - cuối cùng nàng trả lời câu hỏi lúc đầu của mẹ.
- Mỹ tự pháp ư? - Bà Xighe hỏi lại không có vẻ gì là ngạc nhiên lắm. - Một khi nắn nót viết lấy mấy chữ 6 là cõi lòng dịu đi. Mẹ vẫn nghiệm mà.
Chieko nhìn khuôn mặt trắng trẻo, mang những nét thanh tú của mẹ. Nó bất động, nên cô gái không đoán nổi bà đang nghĩ gì.
- Chieko này, - Xighe nói khẽ, - con hoàn toàn không có nghĩa vụ phải kế thừa công việc buôn bán của cha mẹ.
- Nếu con muốn lấy chồng cha mẹ cũng không ngăn cản đâu.
-...
- Con nghe mẹ nói chứ?
- Kìa mẹ ơi, sao mẹ lại nói đến chuyện ấy?
- Vắn tắt thì cắt nghĩa thế nào được. Mẹ con đã ngoài năm mươi tuổi rồi. Trước khi nói hẳn phải nghĩ chứ.
- Cha mẹ lại định thôi kinh doanh ư?... - Cặp mắt tuyệt đẹp của cô gái rơm rớm lệ.
- Ô hay, mau nước mắt vậy, - Xighe mỉm cười. - Chieko, con nói rằng con không muốn chuyên tâm vào cửa hiệu nhà ta là nói thật phải không? - Giọng nói khẽ khàng của người mẹ bỗng nhiên mang âm sắc khắc nghiệt. Chieko nghĩ, một thoáng vừa nãy nàng trông thấy nụ cười của mẹ chỉ là cảm giác mà thôi.
- Dạ, thật, - nàng đáp mà cảm thấy nỗi buồn tê tái đang xuyên thấu trái tim mình.
- Sao có vẻ tuyệt vọng thế? Ta có giận con đâu. Chính bản thân con cũng hiểu đấy, ai là người buồn hơn: người trẻ trung nói hay kẻ luống tuổi phải nghe?
- Mẹ, xin mẹ tha thứ cho con?
- Tha thứ hay không tha thứ thì phỏng có ích gì nào? - Lần này, Xighe bật cười thành thật. - Chắc con có cảm giác ta tự mâu thuẫn với mình phải không?
- Chính con cũng không hiểu là con đã nói ngoa.
- Con người ta - cả đàn bà cũng thế thôi - trong chừng mực cho phép không đáng phải thay đổi ý kiến đã một lần bày tỏ.
- Kìa mẹ!
- Con chưa nói gì với cha à?
- Chưa, về chuyện ấy con chưa hề...
- Ra thế ư? Đáng lẽ nên nới mới phải! Ông ấy, cũng như mọi người đàn ông khác thôi, hay nổi nóng, song trong thâm tâm hẳn cũng hởi lòng hởi dạ trước sự bộc bạch của con. - Xighe áp chặt tay vào trán. - Trước lúc con về ta đã ngồi mãi ở bàn cha mà nghĩ đến ông ấy.
- Mẹ ạ, mẹ sáng suốt quá, nhìn thấy trước cả.
- Con nhầm.
Hai mẹ con yên lặng một lúc. Không chịu đựng nổi, Chieko phá tan bầu yên lặng trước.
- Con ra chợ Nhixiki mua thức gì ăn tối nhé.
- Con cứ đi đi.
Chieko qua cửa hàng rồi xuống dama 7. Ngày trước, gian phòng hẹp này cắt ngang toàn bộ nhà và kết thúc ở bếp, ở đó nằm giữa cửa hàng và vách hậu là cái hỏa lò "nhọ" - kudo. Ngày nay, lẽ dĩ nhiên người ta không nấu ăn bằng hỏa lò nữa. Để làm việc ấy đã có cái bếp ga đặt phía sau hỏa lò, dưới lát sàn ván. Chứ trước kia, nền đất xung quanh hỏa lò chỉ quét vôi, nên việc nấu ăn khi phải đúng chỗ gió lùa trên cái nền như vậy là cả một tội vạ trong những mùa đông Kyoto lạnh lẽo.
Nhưng dẫu sao người ta vẫn giữ lại cái hỏa lò. Có lẽ, do sùng tín vị thần bảo hộ bếp lửa gia đình (ngay bây giờ vẫn có thể thấy những bếp lò như vậy trong nhiều ngôi nhà Kyoto). Sau bếp lò treo các lá bùa phòng hỏa hoạn, còn trên cái giá con là một dãy các pho tượng nhỏ vị thần sung túc Hotay. Có tới bảy pho tượng, hàng năm vào ngày mồng một tháng Ngọ người ta mua một pho ở chùa Inari 8 bên Phuxeni. Nếu trong gia đình có ai mất, người ta lại góp tượng từ đầu - mỗi năm một pho.
° ° °
Trong nhà họ có bảy pho tượng thần Hotay. Điều đó có nghĩa là, ít nhất cũng đã bảy năm rồi không có ai trong gia đình họ đi sang thế giới bên kia, - họ vốn có, cũng như vẫn còn lại ba người với nhau: cha, mẹ và Chieko. Bên cạnh các pho tượng Hotay xếp thành hàng và chiếc lọ cắm hoa bằng sứ trắng. Cứ hai ba ngày bà Xighe lại thay nước trong lọ và lau chùi cái giá.
Chieko vừa ra khỏi nhà thì có người đàn ông trẻ gõ cửa.
"Người đằng ngân hàng". - Cô gái nhận ra anh ta ngay, nhưng anh ta ý chừng không để ý thấy nàng, chính nhân viên ngân hàng này vẫn thường đến chỗ họ - nghĩa là, chẳng có duyên cớ gì để băn khoăn cả, Chieko nghĩ, nhưng nàng bỗng cảm thấy hai chân bải hoải. Nàng đến gần hàng rào bên lối vào cửa hiệu và chậm chạp men theo đó, chạm khẽ ngón tay vào từng phiến gỗ. Lúc hàng rào đã hết, nàng ngoảnh lại nhìn lên tầng hai.
Trên ấy, dưới mấy khung cửa sổ con có treo tấm biển hiệu cũ, bên trên nó là cái mái nhỏ xíu - một vật trang trí độc đáo và đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy hãng buôn đã lâu đời.
Những tia nắng mờ nhạt của mặt trời mùa xuân trước hoàng hôn yếu ớt, chiếu trên lớp vàng thếp đã bong ra của tấm biển hiệu. Chieko thoáng buồn. Chiếc rèm hẹp khổ bằng vải bông dày trên lối vào đã phai màu, xơ xác, khắp chỗ thòi ra những đầu chỉ thô.
"Cảnh huống này thì đến cả anh đào nở trên chùa Heian Dgingu cũng không xua được nỗi buồn". - Chieko nghĩ rồi vội vã hướng về mạn Nhixiki.
Chợ ở Nhixiki vẫn đông như mọi khi.
Trên đường về, gần tới cửa hiệu của cha, nàng trông thấy cô gái bán hoa người Xirakaoa.
Chieko gọi cô ta.
- Ôi, tiểu thư đấy à? Hân hạnh quá! Tiểu thư quá bộ đi đâu vậy?
- Sang Nhixiki.
- Đường có gần đâu.
- Chị vẫn có những thứ hoa lễ như mọi bận...
- Vâng, vâng, mời tiểu thư xem này. Em biết, tiểu thư thích chúng mà: của đáng tội, đâu có nhiều thứ hoa, có mỗi cây xakaki 9 thôi. Thậm chí cũng không phải là cây mà chỉ là dăm ba cành nhỏ với những chiếc lá non.
Cứ vào ngày rằm và mồng một, cô gái này mang hoa đến nhà cho họ.
- May mắn làm sao em lại gặp tiểu thư, - cô ta nói.
Lòng xốn xang, Chieko chọn mấy cành xakaki. Xiết chặt chúng trong tay, nàng bước vào nhà.
- Mẹ ơi, con về rồi đây! - Nàng thông báo. Nét mặt nàng rạng rỡ lên.
Chieko mở hé cửa rào ngó ra ngoài đường. Cô gái bên Xirakaoa vẫn chưa đi.
- Mời chị vào đây nghỉ một lát đã, em pha trà đây, - nàng mời.
- Cám ơn tiểu thư, bao giờ tiểu thư cũng đối với em nhân hậu quá - cô gái cúi đầu tạ. - Xin tiểu thư nhận cho làm quà những bông hoa đồng nội này - của đáng tội, chúng không được đẹp lắm.
- Sao chị nói vậy! Em rất thích những thứ hoa đồng nội mà, cảm ơn chị, - Chieko vừa nói vừa chăm chú ngắm bó hoa bình dị.
Họ đi về phía bếp lò mà đằng trước nó có cái giếng cũ. Trên miệng giếng là chiếc nắp bằng phên. Chieko để hoa và mấy cành xakaki lên nắp giếng.
- Em sẽ đi lấy kéo, - nàng nói, - nhưng trước tiên phải rửa sạch lá xakaki...
- Lấy tạm kéo của em cũng được. - Cô gái chìa chiếc kéo ra và máy máy mấy cái. - Bếp lò nhà tiểu thư lúc nào cũng sạch. Với những người như tiểu thư có bán hoa cũng dễ chịu.
- Chị nhờ có mẹ...
- Chắc chắn là cả công lao tiểu thư nữa chứ.
-...
Gần đây, nhiều nhà họ chả giữ gìn sạch sẽ đâu: giếng, bếp thì bẩn thỉu, bụi ở lọ hoa cũng chả lau. Những nhà như thế còn muốn gì đem hoa đến nữa. Nhà tiểu thư thật khác hẳn: em cứ nhìn xung quanh trong lòng đã vui rồi. Xin cám ơn tiểu thư đã có lời mời.
-...
Chieko không thể nói với cô gái bán hoa ở Xirakaoa điều chính yếu nhất, không thể nói về chuyện công việc trong cửa hiệu họ đang ngày càng xấu đi...
Bà Xighe vẫn ngồi cạnh cái bàn của người cha như lúc trước.
Chieko rủ bà xuống bếp để đưa bà xem những thức đã mua.
Xighe chăm chú nhìn những thứ đồ ăn xuềnh xoàng Chieko bày từ giỏ ra bàn, bà nghĩ: à, con gái đâm tằn tiện rồi đây. Mà cũng có thể, đó là người cha lúc này không có nhà...
- Để mẹ giúp con một tay nào, - Xighe nói, đứng vào bên chiếc bàn làm bếp. - Đấy là cái cô bán hoa mọi khi vẫn đến phải không?
- Vâng.
- Con có thấy ở cha những cuốn vựng tập con tặng cha không?
- Con không để ý.
- Ông ấy chỉ có mang chúng đi theo thôi.
Đó là những cuốn vựng tập các phiên bản tranh của Paul Klee, Matisse, Chagall 10 và một số họa sĩ trừu tượng muộn hơn. Chieko mua chúng cho cha với hy vọng rằng chúng sẽ có tác dụng gợi ra cho ông những ý tưởng mới.
- Sao ông ấy phải vẽ? Việc của ông ấy là bán cái người khác đã làm. Vậy đâu cần... - Người mẹ ngừng lại, không nói hết câu.
° ° °
- Còn con thì lúc nào cũng mặc kimono may theo mẫu của cha - Xighe nói tiếp sau một lúc im lặng. - Đáng lẽ mẹ phải cám ơn con về chuyện ấy.
- Cảm ơn ư?! Chẳng qua con thích thì con mặc thôi mà.
- Cha không nói những kimono và thắt lưng con dùng nó có vẻ buồn bã thế nào ấy hay sao?
- Mẹ ạ, chúng giản dị, nhưng nếu để ý nhìn kỹ sẽ thấy ngay chúng có phong vị thẩm mỹ. Thậm chí một số người còn ca ngợi là khác. Chieko nhớ lại cuộc nói chuyện với cha hôm nay.
- Ừ thì những kimono giản dị đúng là hợp với con gái có nhan sắc, mặc dù... - Xighe vừa nói vừa khẽ nhắc cái vung xoong lên và lấy đũa gỗ đảo thức ăn đang nấu. - Không rõ vì sao cha con lại thôi làm các phác thảo thời trang cho loại kimono mặc diện.
-...
- Chứ thủa xưa ông ấy rất say mê các họa tiết khác thường, sặc sỡ cơ mà...
Chieko gật đầu.
- Mẹ này, thế sao không bao giờ mẹ mặc kimono làm theo phác thảo của cha? - Nàng hỏi.
- Mẹ con thì già quá rồi còn gì.
- Mẹ cứ nói luôn: già, già, thế mẹ bao nhiêu tuổi cơ?
- Mẹ là bà lão rồi. - Xighe chỉ trả lời vậy, không đi sâu vào chi tiết.
- Kimono có họa tiết kiểu Edo, tinh tế, giản dị thuộc sáng tác của Komiya mà người ta vẫn gọi là "bảo vật văn hóa", hay không thì cũng "tài sản quốc gia" rất hợp với giới trẻ đấy chứ. Đến khách qua đường cũng phải ngoái lại nhìn.
- Con đừng mang ông Takichiro so với bậc thày lớn Komiya.
- Sao lại không ạ? Cha của chúng ta tìm tòi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm của tâm linh con người...
- Đừng nói năng cao siêu như thế, mẹ không hiểu đâu, - Xighe ngắt lời nàng, mặt cúi xuống - khuôn mặt trắng trẻo, điển hình của phụ nữ Kyoto. - Con biết không, Chieko, cha hứa sẽ chuẩn bị cho lễ cưới của con một chiếc kimono thật đặc sắc... Cả mẹ cũng đã từ lâu đợi chờ cái ngày ấy đến...
- Chuẩn bị cho lễ cưới của con ư? - Vẻ mặt Chieko hơi có chiều phiền muộn. Rồi nàng ngước lên nhìn mẹ và hỏi: - Mẹ ơi, mẹ nói đi, có bao giờ trong đời xảy ra điều gì khiến trái tim mẹ rung chuyển, tâm hồn mẹ xáo động không?
- Có hai bận. Hình như mẹ đã nói với con rồi - lúc mẹ lấy ông Takichiro làm chồng và lúc mẹ cùng ông ấy đánh cắp cô bé Chieko còn nhỏ xíu. Bấy giờ cha mẹ lén mang con lên ôtô đưa đi. Hai mươi năm đã trôi qua kể từ buổi ấy, thế mà giờ đây, mỗi khi nhớ lại chuyện đó, trái tim chỉ chực nhảy khỏi lồng ngực. Con sờ mà xem...
- Mẹ ạ, người ta không vứt bỏ con thật chứ?
- Không, không, con lầm tưởng đấy! - Xighe lắc đầu ngay một cách quá ư quả quyết.
° ° °
- Con người ta ít ra cũng một lần trong đời có hành vi xấu xa, tồi tệ - Xighe tiếp. - Đánh cắp một đứa trẻ, đấy là tội lỗi còn trầm trọng hơn trộm tiền, hơn bất cứ hành vi trộm cắp nào khác. Mẹ nghĩ, điều đó tệ hơn cả giết người.
- Mẹ cứ hình dung, cha mẹ con đau khổ đến thế nào, - vì chuyện đó dám phát điên lắm! Mỗi khi nghĩ đến điều ấy mẹ bỗng cảm thấy ngay bây giờ mẹ có thể thuận lòng hoàn lại con cho họ... Nhưng không, mẹ sẽ không trao con cho ai hết. Dĩ nhiên, nếu như con tìm ra họ và có ý nguyện quay về với cha mẹ đẻ thì quả thật cũng đành, song... mẹ sẽ làm sao chịu đựng nổi. Có lẽ đến chết vì đau khổ mất.
- Mẹ ơi, mẹ đừng nói thế. Trên đời này con chỉ có một người mẹ, đấy là mẹ...
- Mẹ hiểu, và như thế càng làm cho lỗi lầm của mẹ thêm trầm trọng...Cha với mẹ đều hiểu rằng đã sẵn có một chỗ dưới địa ngục dành cho cha mẹ, nhưng cớ gì lại là địa ngục nếu cha mẹ đã có may mắn nuôi dạy cô con gái rất đỗi tuyệt vời.
Những giọt lệ ứa ra trên khuôn mặt xúc động của người mẹ.
Chieko cũng òa lên khóc.
- Mẹ nói thật với con đi: con là đứa trẻ bị bỏ rơi phải không hở mẹ? - Vẻ nài nỉ trong giọng nói, nàng hỏi.
- Không, không! Mẹ đã nói cho con rồi kia mà, - Xighe quả quyết lắc đầu. Sao con còn hoài nghi những lời mẹ nói?
- Con không tài nào tin nổi những người như mẹ, như cha, lại có thể đánh cắp một đứa trẻ.
- Vừa nãy ta chả bảo con rằng đời cũng một lần con người ta có hành vi xấu xa đó sao?
- Mẹ nói đi, mẹ đánh cắp con ở đâu?
- Ở Ghion, - không hề ấp úng, Xighe đáp. - Cha mẹ đến đấy vào buổi chiều để ngắm anh đào nở và thấy có đứa bé đang nằm trên ghế băng dưới gốc cây đào - nó đẹp như một nụ hoa vậy - cha mẹ cúi xuống nhìn nó - nó mỉm cười với cha mẹ. Mẹ ẵm nó lên tay - và thế là không một sức mạnh nào có thể bắt mẹ đặt nó xuống được nữa. Mẹ áp má vào má nó, còn cha thì nhìn mẹ và nói: "Xighe, ta "xoáy" nó thôi? Chạy đi, chạy khỏi đây nhanh lên?!' Những gì sau đó diễn ra như trong mộng. Mẹ chỉ nhớ cha mẹ đã chạy ào về phía quán Hirano, cái quán mà con biết đấy, nổi danh vì món imobo 11 - cha mẹ để ôtô ở đó mà, rồi phóng về nhà.
-...
- Mẹ của con chắc là bận đi đâu đấy một lát, thế là cha mẹ đã lợi dụng ngay phút ấy.
Câu chuyện của Xighe không phải là đã thừa tính hợp lý bên trong.
- Âu cũng số phận... Vậy là con trở thành con gái của cha mẹ, Chieko ạ. Từ bấy giờ hai mươi năm đã qua rồi. Cha mẹ xử sự có lương tâm không, mẹ không rõ, nhưng cho dù có lương thiện đi, trong thâm tâm mẹ vẫn chắp tay cầu khấn, ráng mong được tha thứ cái hành vi đã phạm. Có lẽ, cả cha cũng vậy.
- Mẹ ơi, xin mẹ đừng tự trách móc làm gì. Con vẫn luôn nhủ mình: ta may mắn biết chừng nào! - Chieko áp chặt hai lòng bàn tay vào mắt.
- Chieko có bị đánh cắp hay bị vứt bỏ ra sao mặc lòng, trong gia phả nàng vẫn được ghi là người thừa kế hợp pháp của dòng họ Xada.
Khi cha mẹ lần đầu tiên - bấy giờ nàng đã vào trung học - thú nhận với Chieko rằng nàng không phải là con đẻ, cô bé chưa nhìn nhận chuyện này một cách nghiêm túc và thậm chí còn nghĩ có lẽ cha mẹ nói vậy bởi nàng cư xử tồi.
Hình như họ e nàng sẽ tỏ tường trước hết từ miệng hàng xóm. Mà cũng có thể, họ tin ở sự bền chặt nơi tình yêu thương của người con nên quyết định: cô bé đã khá trưởng thành, có thể nói thật với cô.
Lời thú nhận của cha mẹ khiến Chieko bị đột ngột, song không thể nói là nàng buồn gì lắm. Cả khi đã lớn nàng cũng không lấy gì làm quá đau khổ. Tình thương yêu của nàng đối với ông Takichiro và bà Xighe không chút thay đổi, quan hệ giữa họ với nhau cũng không hề phức tạp lên. Nói tóm lại, trong lòng nàng không nảy sinh điều gì đến mức phải cố tình dằn nén. Có lẽ, bản tính Chieko có dự phần trong chuyện đó.
Nhưng nếu nàng không phải con ông Takichiro và bà Xighe thì có nghĩa là cha mẹ đẻ của nàng hiện đang sống ở đâu đấy; không khéo nàng còn có anh em, chị em. "Chắc gì ta gặp được họ, - Chieko suy tư, - và chắc là họ long đong vất vả chứ đâu được như ta".
Song đó chưa phải điều chủ yếu. Nỗi phiền muộn mà không chừng nàng sẽ gây ra cho cha mẹ hiện thời - các chủ nhân ngôi nhà có hàng rào cổ - mới đáng ngại hơn.
Đấy là lý do tại sao Chieko đang áp chặt tay vào mắt mình kia, trong bếp.
- Chieko, - Xighe đặt tay lên vai nàng, - con đừng cặn vặn quá khứ nữa. Thế gian đã được sắp đặt sao cho không ai lường trước được ở đâu và bao giờ ngọc quý sẽ rơi vào tay mình.
- Ngọc quý ư?? Cách ví von tán dương quá chăng, chứ con hẳn là sung sướng nếu như nó vừa khít với chiếc nhẫn của mẹ, - Chieko thì thầm rồi miệt mài làm cơm.
Sau bữa tối, Xighe và Chieko lên căn phòng đầu kia trên gác.
Ở phần mặt tiền tầng hai là căn phòng xuềnh xoàng có cửa sổ nhỏ, trần thấp, nơi thợ học việc và đám tùy phái ngủ lại. Một hành lang dọc bên cạnh dẫn từ sân trong đến tận những gian phòng đầu kia. Ở cửa hàng có thể vào thẳng đấy.
Người ta thường tiếp các khách mua hàng kỳ cựu, được trọng vọng nhất trong các phòng phía xa ấy. Họ cũng trọ lại ở đó khi có dịp.
Việc thương lượng với những khách hàng thông thường được tiến hành ở phòng khách nhìn vào sân trong dưới tầng một. Đây là gian phòng lớn, chạy từ cửa hàng đến phần hậu ngôi nhà. Dọc các bức tường là giá bày hàng. Ở đây, trên mặt sàn trải chiếu lau, người ta bày vải vóc và áo kimono ra để người mua có thể dễ dàng xem xét.
Ở tầng hai còn có hai buồng nhỏ trần cao - phòng ngủ của cha mẹ và của Chieko.
Chieko ngồi trước gương, buông xõa mớ tóc dài, đẹp tuyệt vời.
- Mẹ! - Nàng gọi Xighe đã sắp ngã bên kia phuxuma 12. Mà biết bao cảm xúc khác biệt kết hợp lại trong một tiếng ấy...
--------------------------------
1 Tofu: món ăn làm bằng đậu phụ. 2 Kana: bảng chữ cái theo âm tiết tiếng Nhật. 3 Có lẽ ý muốn nói Yositsune Fudgioara (1169-1206), thi sĩ và nhà thảo mĩ tự nổi tiếng. 4 Sotatsu (1576-1643): họa sĩ thời Tokugana, còn gọi là thời tiền Edo. Ogata Korin (1658-1716): họa sĩ thời trung Edo. 5 Teppoyaki: cá hay chim, chiếu với ớt và bột đậu. 6 Đây là nói thứ chữ tượng hình, kiểu Hán tự hay chữ Nôm của ông cha ta ngày xưa. 7 Dama: Buồng nền bằng đất trong nhà ở Nhật Bản. 8 Inari: Thần bảo hộ vụ thu hoạch lúa. 9 Xakaki: loài cây thiêng của đạo Thần. 10 Paul Klee: họa sĩ Đức (1879-1940). Henri Matisse: họa sĩ Pháp (1869- 1954). Marc Chagall: họa sĩ Nga (1887-1985). 11 Imobo: một trong những món nổi tiếng của cơm Kyoto: khoai lang nấu với cá tuyết phơi khô. 12
Phuxuma: vách ngăn di động được trong nhà Nhật Bản.
III. THÀNH PHỐ KIMONO
Kyoto là một thành phố lớn với những cây cối đẹp đến sững sờ. Không sao tả được cái tuyệt mỹ nơi khu vườn bao quanh biệt thự hoàng gia cạnh chùa Xingakuin, cánh rừng thông bên hoàng cung, bao nhiêu vạt vườn mênh mang của những ngôi chùa cổ, mà ngay cây cối trên các phố xá cũng rất tươi tốt, chính chúng là điều trước nhất đập vào mắt du khách...Những cây liễu rủ ở Kiyamachi và trên bờ sông Takaxe, những con đường trồng liễu dọc các dãy phố Godgio và Horikaoa thật lạ thường. Đây là loài liễu rủ thực sự, những cành non mềm mại của chúng buông xuống sát đất. Cả những cây thông đỏ mọc thành vòng bán nguyệt trên Bắc Sơn cũng khiến người ta thán phục.
Vào tiết xuân, rặng Đông Sơn khoác trên mình màu xanh mơn mởn, còn khi trời quang mây tạnh thì có thể thấy rõ cây cối tận trên núi Hiay. Cái đẹp của cây cối tô đậm thêm cái đẹp của thành phố mà vẻ sạch sẽ nơi nó được thường xuyên coi sóc.
Ở Ghion, nhất là khu vực xa xa, dọc các đường hẻm chật chội có những ngôi nhà đã sạm đen vì cũ kỹ, nhưng bản thân đường phố thì sạch sẽ, không đâu thấy dấu hiệu bùn lầy.
Có thể nói y như vậy về khu Nhixidgin, nơi người ta sản xuất áo kimono. Ở đấy là sự sạch sẽ lý tưởng, bất chấp rất nhiều cửa hiệu nhỏ và xưởng thợ không đẹp mắt. Hàng rào gỗ ở các nhà hàng này được lau chui cẩn thận, trên đó không bói thấy một hạt bụi. Vườn bách thảo cũng được quét dọn, mặt đất không giấy vụn, không rác rưởi.
Quân Mỹ chiếm đóng từng xây lấy trong bách thảo các ngôi biệt thự và đương nhiên, cấm người Nhật vào thăm thú, về sau người Mỹ rút đi và tất cả đâu lại hoàn đấy.
Ông Xoxuke Otomo - chủ một xưởng dệt ở Nhixidgin - có một lối mòn trồng long não ưa thích trong bách thảo. Cây không cao, hơn nữa lối mòn lại ngắn, nhưng ông thích đi dạo ở đấy. Nhất là vào tiết xuân, lúc rặng long não đâm chồi...
"Những cây long não ở đằng ấy sao rồi? - Thỉnh thoảng Xoxuke lại sực nhớ trong lúc đang phải lắng tai theo dõi hoạt động của cỗ máy dệt. - Liệu bọn chiếm đóng có chặt chúng không?"
Ông nôn nóng đợi cái lúc vườn bách thảo mở cửa trở lại.
Mỗi khi đến bách thảo, Xoxuke ưa bách bộ dọc bờ con sông Kamogaoa thoai thoải dốc lên mé thượng nguồn, từ chỗ đó trông ra là quang cảnh Bắc Sơn. Thường ông đi dạo lẻ loi một mình.
Toàn bộ cuộc đi dạo trong bách thảo và dọc sông mất khoảng một tiếng. Hôm nay đây ông lại nhớ đến lối mòn trồng cây ưa thích mà đâm thèm.
- Ngài Takichiro Xada từ bên Xaga gọi điện đến đấy, - bà vợ cắt ngang dòng hồi tưởng của ông.
- Takichiro? Bên Xaga à?... - ông bước lại gần bàn viết, nơi đặt máy điện thoại.
Ông thợ dệt Xoxuke trẻ hơn nhà buôn quần áo Takichiro năm tuổi. Từ xưa họ vẫn nuôi thiện cảm với nhau, thường khi cùng chơi bời trong một "hội đàn đúm". Nhưng dạo gần đây không thường xuyên gặp nhau lắm.
- Otomo nghe đây, lâu lâu rồi ta chưa gặp nhau...
- Chào chú, Otomo, - giọng Takichiro nghe sôi nổi khác thường.
- Thế ra bác đang ở Xaga đấy à?
- A ha, đang lủi trong một ni viện hẻo lánh đây.
- Tiên sinh có hảo ý xử sự hơi lạ đấy. - Xoxuke dùng lối nói lễ độ một cách cố ý. - Mà ni viện cũng nhiều loại...
- Nhưng ni viện đây là thực sự đấy, có mỗi mình bà cụ ni viện trưởng ở đấy thôi.
- Thì đã sao? Bà cụ là một chuyện, còn như tiên sinh Xada với cô nào tre trẻ...
- Thôi đừng đùa cợt lố bịch nữa, - Takichiro phì cười, - tôi có việc với chú đây.
- Việc à? Với tôi?
- Phải. Tôi tính ghé vào đấy hôm nay.
- Rất hân hạnh, xin mời bác. - Xoxuke không giấu nổi vẻ thắc mắc. - Tôi ở nhà cả ngày, đang làm việc. Chắc qua điện thoại cũng nghe thấy tiếng máy lách cách đấy.
- Có tôi có nghe! Mà chú biết không, tôi đã thấy nhớ nhung thứ ồn ào ấy rồi.
- Có lẽ bác thì nhớ nhung chứ đối với tôi cái tiếng ồn ào ấy là miếng cơm manh áo sát sườn. Nó mà dứt là tôi tong. Đây không phải như chuyện bác tiêu khiển trong ni viện hẻo lánh...
Chưa đầy nửa tiếng, chiếc ôtô có Takichiro ngồi đã dừng ở cạnh nhà Xoxuke.
Takichiro bước vào nhà. Cặp mắt ông sáng lên. Ông hấp tấp mở phuroxiki 1 ra.
- Đây, tôi định yêu cầu chú, - ông vừa nói vừa xoay đảo lung tung bức vẽ.
- Thắt lưng! - Xoxuke thốt lên và chăm chú nhìn Takichiro. - Lộng lẫy, hiện đại quá - khác hẳn phong cách của bác, Xada tiên sinh ạ. Thôi phải rồi...Đúng là giành cho cái người cùng ở ẩn với bác trong ni viện chứ gì?...
- Chú lại suy bụng ta... - Takichiro bật cười. - Cho con gái chúng tôi.
- Bao giờ cái thắt lưng dệt xong cô nhà ngạc nhiên phải biết. Chứ còn gì nữa. Nhưng liệu cô ấy có mặc như thế không?
- Đây nhá, Chieko đã tặng tôi mấy cuốn vựng tập các phiên bản của Klee.
- Klee... Klee... đâu như họa sĩ phải không?
- Đại loại là người theo phái trừu tượng và nghe nói, là một bậc thầy tương đối khá. Tranh ông ấy gợi tâm trạng mơ mộng. Chúng làm xúc động đến cả trái tim già lão của tôi. Tôi đã lần giở các vựng tập rất lâu, để ý xem kỹ các phiên bản rồi làm phác thảo - chả có gì giống những họa tiết trên vải Nhật Bản xưa hết.
- Điều đó chắc rồi.
- Thế nên tôi quyết định nhờ chú dệt cái thắt lưng theo mẫu này. Ta xem xem có được không. - Giọng Takichiro vẫn còn run vì xúc động.
Xoxuke im lặng xem kỹ bức vẽ một lúc.
- Chà, kiệt tác đây, màu sắc cũng đẹp lắm. Có cả cái mới mà trước đây chưa có trong các mẫu của bác. Còn họa tiết thì vẫn tao nhã như xưa dù rằng sắc nét. Dệt theo nó không dễ đâu, nhưng chúng tôi sẽ cố. Ta sẽ làm một cái để thử. Ở bức vẽ có cảm giác thấy cả lòng hiếu thảo của cô con gái lẫn tình thương của cha mẹ.
- Cảm ơn chú... Dạo vừa rồi đâu đâu cũng thấy đi tìm idea, sense 2, đến màu sắc cũng đem so đọ với thời trang phương Tây.
- Phải, cái thực sự chân chính thì không làm.
- Tôi không thể chịu được khi người ta cứ dùng từ ngữ nước ngoài trong nghề chúng ta. Ở Nhật từ thượng cổ đã có cách cảm thụ màu sắc riêng biệt, tinh tế, có cần diễn đạt bằng lời đâu.
- Phải, rất phải! Ngay màu đen cũng có bao nhiêu là vẻ, - Xoxuke gật đầu tán đồng. - Nhân đây, bác có biết hôm nay tôi nghĩ gì không? Xem những ai là người duy nhất chuyên sản xuất thắt lưng bây giờ. Những người ấy, như Idzukura chẳng hạn, có hẳn một công xưởng thật sự hiện đại - một xí nghiệp bốn tầng theo lối Âu châu. Đằng ấy họ dệt tới năm trăm cái thắt lưng mỗi ngày, công nhân dự phần điều khiển, nghe nói tuổi trung bình thợ dệt ở đó là hai mươi. Cứ cung cách này thì vài chục năm nữa, những thợ quen làm máy dệt tay kiểu như chúng tôi biến sạch.
- Bậy!
- Mà có sống được thì không khéo cũng thành ra một thứ "Tài sản quốc gia", "Bảo vật văn hóa" của xứ sở không hơn không kém.
- Hay chẳng hạn, như bác, Xada tiên sinh, hoặc cái ông...Klee chắc?
- Tôi nói Paul Klee. Mà chú có biết không, tôi ở ẩn trong chùa mà hầu như nửa tháng cứ suốt ngày, không thì lại hết đêm suy nghĩ lại họa tiết và màu sắc cho cái thắt lưng này, nhưng vẫn không dám tin mình vẽ được đến thế.
- Mẫu vẽ không chê vào đâu được, đúng lối tao nhã Nhật Bản, - Xoxuke vội bác lại, - hoàn toàn xứng với tên tuổi và tài năng của bác. Chúng tôi sẽ cố dệt một chiếc thắt lưng đẹp đúng như mẫu bác vẽ, có lẽ Hideo, thằng con cả tôi, dệt lại tốt hơn tôi. Mà hình như bác đã biết nó rồi thì phải.
- Rồi.
- Hideo dệt tất đấy.
- Chú am tường hơn. Cái chính là phải sao cho kết quả. Nghề của tôi là bán buôn và phần nhiều lại với tỉnh lẻ, nên chi tiết tôi không thạo.
- Bác cứ nói ngoa cho mình làm gì?
- Cái thắt lưng này tính dành cho mùa thu. Làm nhanh nhanh lên nhá.
- Xin vâng, thế áo kimono dùng với thắt lưng đã chọn rồi chứ?
- Trước hết hãy thắt lưng đã...
- Tôi hiểu. Với nhà buôn lớn thì chọn một cái kimono không đáng gì lắm... Không chừng bác sửa soạn gả chồng cho cô nhà chăng?
- Chú moi đâu ra chuyện ấy?! - Takichiro bỗng dưng thấy ngường ngượng.
Ở các xưởng Nhixidgin nơi người ta làm bằng máy dệt tay, khá hiếm khi kỹ xảo dệt được cha truyền con nối tới ba thế hệ. Nghề dệt tay ở mức độ nào đấy là một nghệ thuật. Nên nếu người cha có là thợ dệt cự phách thì điều đó cũng hoàn toàn không có nghĩa con trai ông ta sẽ thành một thợ giỏi như thế. Cho dù anh ta không chây lười vì thỏa mãn với vinh quang nơi tài năng cha mình, mà gắng nắm cho được các bí quyết tay nghề đi nữa cũng vậy thôi. Thường là thế này: người ta dạy trẻ con guồng sợi từ bốn, năm tuổi. Đến mười, mười hai tuổi nó đã làm chủ được máy dệt và tự lực thực hiện các đơn đặt hàng không phức tạp lắm. Do đó, một khi người chủ xưởng có đông con thì đấy là một bảo đảm cho sự phát đạt. Làm công việc guồng sợi có cả những phụ nữ đã nhiều tuổi, sáu mươi hay đến bảy mươi. Và thông thường có thể thấy trong các xưởng bà và cháu gái ngồi guồng sợi với nhau.
Nhà Xoxuke chỉ có một người guồng sợi, đấy là bà vợ hoàn toàn không còn trẻ trung gì nữa của ông. Bà làm việc không kịp duỗi lưng, suót từ sáng đến tối và dần dà, đâm ngày một trầm lặng hơn.
Xoxuke có ba người con trai. Người nào cũng dệt thắt lưng bằng loại máy dệt cao takabata.
Chủ xưởng có ba máy được coi là phong lưu, song có những xưởng chỉ có một máy, có những thợ dệt phải đi thuê máy.
Tay nghề cự phách của Hideo, mà như Xoxuke đã thừa nhận anh vượt cha về phương diện này, thì cả giới chủ xưởng sản xuất lẫn các nhà buôn lớn đều biết.
° ° °
- Hideo, Hideo! - Xoxuke réo to, nhưng người kia chắc là không nghe thấy.
Khác với chạy máy, các máy dệt tay làm bằng gỗ nên không kêu to lắm. Song máy của Hideo là cái ở xa nhất và chàng thanh niên đang mải dệt chiếc thắt lưng hai mặt - một công việc đặc biệt phức tạp - không nghe thấy cha gọi.
- Mẹ nó này, gọi thằng Hideo đi, - Xoxuke quay sang vợ.
- Tôi đi đây. - Bà phủi những mẩu sợi vụn ở đầu gối, rồi vừa lấy tay đấm đấm chỗ thắt lưng vừa theo hành lang nền đất đi về phía cỗ máy người con trai đang làm việc.
Hideo dừng go, nhìn về phía Takichiro, song chưa đứng dậy ngay - có lẽ, anh mệt. Thấy khách, anh cũng chưa buồn đến cả vươn vai để rướn cái lưng đã tê rần mà chỉ chùi mặt, rồi lúc đã đến gần Takichiro thì lầu bầu lên tiếng:
- Rất hân hạnh được ngài hạ cố đến túp lều dơ dáy của chúng tôi - Toàn bộ con người anh vẫn để đằng kia, nơi công việc.
- Xada tiên sinh đã làm phác thảo và yêu cầu dệt một cái thắt lưng đấy, - người cha nói.
- Thế ư? - Hideo vẻ thờ ơ nhận xét.
- Đây là chiếc thắt lưng đặc biệt và bố nghĩ mày nên làm thì tốt hơn.
- Chắc để cho cô nhà, cho tiểu thư Chieko phải không? - Hideo giờ mới nhìn Xada.
° ° °
- Hôm này cháu nó đứng máy từ sáng sớm, có lẽ nó mệt. - Xoxuke nói với giọng xin lỗi, cố thanh minh cho thái độ khiếm nhã của con trai.
Hideo im lặng.
- Nếu không gửi gắm tâm hồn vào thì làm sao làm được cái gì tốt đẹp - Takichiro đáp, tỏ cho biết rằng ông không giận.
- Không có gì đặc biệt đâu ạ, cái thắt lưng hai mặt bình thường thôi, thế mà nó cứ không để yên... Xin thứ lỗi đã không nghênh đón ngài cho phải phép. - Hideo khẽ cúi đầu tạ.
Takichiro gật đầu:
- Không sao hết, người thợ chân chính không thể làm khác được.
Khi phải dệt thứ đồ tầm thường thì công việc thành nặng nhọc gấp đôi. - Chàng trai cúi đầu xuống.
- Nghe đây này, Hideo, Xada tiên sinh có mang đến một mẫu vẽ khác thường. Ngài ở ẩn trong một ni viện ở Xaga và đã nghiên cứu nó rất lâu đấy. Đây không phải để bán. - Người cha nghiêm mặt nói.
- Thế ư? Nghĩa là, ở Xaga...
- Hãy cố dệt làm sao càng tốt càng hay.
- Xin vâng.
Thái độ thờ ơ của Hideo đã làm vơi mất niềm xúc động hân hoan mà Takichiro mang trong lòng lúc đến xưởng dệt Otomo.
Ông giở phác thảo ra, đặt trước mặt Hideo.
-...
- Anh không thích à? - Takichiro dè dặt hỏi.
-...
- Hideo, - Xoxuke thốt lên, không chịu nổi sự im lặng bướng bỉnh của con trai, - ai hỏi thì phải trả lời. Mày bất nhã lắm.
- Con là thợ dệt, - cuối cùng thì chàng trai nói, đầu vẫn không ngửng lên, - nên con cần có thời gian để nghiền ngẫm mẫu vẽ của ngài Xada. Tác phẩm thật khác thường, mà làm quấy quá thì không được - vì đây là thắt lưng của tiểu thư Chieko cơ mà.
- Thì bố cũng đang nói chính chuyện đó, - Xoxuke gật đầu. Cách cư xử khác lạ của con khiến ông ngạc nhiên.
- Nghĩa là, anh không thích? - Lần này câu hỏi của Takichiro nghe có vẻ xẵng.
- Mẫu vẽ tuyệt vời, - Hideo điềm tĩnh lại. - Không lẽ tôi đã nói tôi không thích nó sao?
- Nói ra thì không, nhưng trong lòng... Tôi thấy trong mắt anh.
- Ngài thấy cái gì?
- Thấy gì à?! - Takichiro đột ngột vùng dậy tát Hideo. Chàng trai thậm chí không tìm cách né tránh.
- Ngài cứ đánh bao nhiêu cũng được. Chứ tôi không hề có ý nghĩ mẫu vẽ của ngài xấu, - Hideo hoạt bát hẳn lên. Dường như, cái tát đã giũ sạch vẻ hờ hững trên mặt anh. - Cúi xin ngài thứ lỗi, thưa Xada tiên sinh. - Hideo cúi rạp xuống, bàn tay chạm nền. Thậm chí anh cũng không cố lấy tay che bên má nóng bừng vì cái tát.
-...
- Tôi biết là ngài giận, nhưng tuy vậy tôi vẫn xin mạo muội yêu cầu: cho phép tôi được dệt chiếc thắt lưng này.
- Cũng vì việc ấy mà tôi đến đây, - Takichiro vừa càu nhàu, vừa gắng trấn tĩnh lại. - Chính anh hãy tha thứ cho tôi, cho lão già này. Tôi cư xử thật chả ra làm sao. Cái tay đã đánh anh thì đang đau...
- Ngài cho phép bắt tay nào. Tay cánh thợ dệt thì cứng, da lại dày.
Cả hai cùng bật cười.
Song trong thâm tâm Takichiro vẫn cảm thấy ngượng ngùng.
- Đã lâu không xúc phạm đến ai, thậm chí cũng không nhớ được khi... Thôi, bỏ quá cho tôi nhá - ta hãy quên chuyện ấy đi. Tốt nhất là hãy nói cho tôi biết, Hideo ạ: tại sao anh có vẻ mặt lạ lùng vậy lúc xem mẫu vẽ có tôi? Nói thật đi nhé!
- Vâng. - Hideo lại chau mày. - Tôi dẫu sao cũng còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, vả lại đối với tôi, chỉ là người thợ, cũng khó mà nói được điều gì xác đáng. Quả là ngài đã rộng lòng cho biết ngài làm phác thảo này lúc đã ở ẩn trong tu viện phải không?
- Đúng. Tôi cũng định ngay hôm nay sẽ lại quay về. Có lẽ, tôi còn lưu lại ở đó độ chừng nửa tháng.
- Ngài không nên quay về đấy nữa, - Hideo nói, giọng quả quyết. - Ngài về nhà đi thì hơn.
- Ở nhà tôi không được tĩnh tâm, không tập trung được suy nghĩ.
- Vẻ lộng lẫy, rực rỡ và nét tân kỳ của mẫu vẽ đã khiến tôi sửng sốt. Tôi chỉ còn biết khâm phục: làm sao mà ngài, Xada tiên sinh, tạo ra được một phác thảo nhường ấy? Song, nếu bắt đầu chú tâm xem kỹ thì...
- ...
- Dường như có thú vị đấy, đặc sắc đấy, nhưng... trong đó thiếu sự hài hòa, thiếu hơi ấm của tâm hồn. Mẫu vẽ phảng phất nỗi bất ổn, một vẻ gì đấy bệnh hoạn.
Takichiro tái mét đi, cặp môi ông tìm rẩy không thốt nổi lấy một lời.
- Tôi có cảm giác như, trong ngôi chùa hẻo lánh ấy có loài hồ li tinh cư ngụ, và chính chúng đã lèo lái tay bút ngài...
- Vậy đấy - Takichiro kéo bức vẽ lại gần mình, nhìn nó chòng chọc. - Khẩu khí khá lắm. Tuy trẻ người vậy mà tinh anh... Cảm ơn anh... Tôi sẽ suy ngẫm cho thật đến nơi đến chốn lần nữa và sẽ thử làm một phác thảo mới xem sao. - Takichiro lật đật cuộn bức vẽ lại nhét vào ngực áo.
- Việc gì phải thế? Mẫu vẽ tuyệt vời lắm, còn khi nào tôi dệt cái thắt lưng, thuốc nhuộm và chỉ màu sẽ tạo cho nó một vẻ khác.
- Cám ơn anh, Hideo ạ. Vậy là, anh có ý định sẽ dệt chiếc thắt lưng mà đặt vào đấy cảm tình dành cho con gái chúng tôi, và nhờ đó sẽ tiếp thêm hơi ấm cho bức phác thảo không chút sinh khí này, - Takichiro nói, rồi vội vã từ biệt và rời xưởng dệt.
Ông đã ngay tức khắc nhìn thấy một con sông nho nhỏ, con sông điển hình cho Kyoto. Mà cỏ ở ven bờ - đúng theo lối cổ - xiêu xiêu ngả xuống mặt nước. Còn bức tường trắng trên bờ kia nữa chứ?
Tường nhà Otomo đó chăng?
Takichiro thọc tay vào ngực áo, vò nát bức phác thảo rồi ném nó xuống sông.
° ° °
- Mình có muốn đi với con đến Omuro ngắm hoa không?
Tiếng chuông điện thoại của Takichiro khiến Xighe bị đột ngột. Không rõ vì sao bà không nhớ nổi rằng trước đấy ông chồng đã mời bà đi ngắm hoa.
- Chieko! Chieko! - Bà hét lên, hệt như kêu cứu với con gái. - Cha gọi điện - lại nghe máy đi...
Chieko chạy vào, rồi đặt tay lên vai mẹ, nàng cầm lấy ống nói.
- Vâng, con với mẹ sẽ đến...Vâng, sẽ đợi ở nhà trà đình trước cửa chùa Nhinnadgi...Không, không, không đến trễ đâu ạ...
Chieko đặt ống nghe xuống, đưa mắt nhìn mẹ và bật cười.
- Có gì mà mẹ hoảng hốt thế hả mẹ? Chẳng qua mẹ với con được mời đi ngắm hoa thôi mà.
- Lạ thật, bỗng dưng ông ấy lại nghĩ đến mẹ!
- Ở Omuro bây giờ anh đào đang thì nở rộ... - Chieko cổ vũ bà mẹ đang còn phân vân.
Anh đào ở Omuro được mệnh danh là "trăng buổi bình minh", chúng khai hoa muộn hơn ở những nơi khác tại cố đô - phải chăng cũng là để Kyoto chưa phải vội chia tay với hoa?
Họ qua cổng tam quan Nhinnadgi. Cánh rừng anh đào (hay khu vườn anh đào thì đúng hơn?) mé tay trái trổ hoa mãnh liệt đến khác thường.
Nhưng Takichiro bảo lúc nhìn về phía ấy:
- Thôi, tôi đâu có lòng nào xem cảnh này nữa.
Trên các lối mòn trong rừng có đặt những ghế băng rộng, trên đó khách đến đây tản bộ, ăn, uống rồi hát hò oang oang. Đôi chỗ, những người đàn bà nông dân đã có tuổi say sưa nhảy múa rất vui vẻ, còn đám đàn ông ngà ngà say thì nằm dài ra ghế băng ngáy như sấm; một số nằm ngay trên mặt đất; ý chừng đã lăn từ ghế xuống trong khi ngủ.
- Sao lại đến nỗi này! - Takichiro lắc đầu buồn bã rồi đi thẳng.
Xighe và Chieko theo ông, mặc dù đã từ lâu họ quen với việc ngắm hoa anh đào ở Omuro.
Tận giữa rừng, một làn khói mỏng bay lên trời - đằng ấy người ta đốt những rác rưởi khách yêu thích anh đào nở bỏ lại.
° ° °
- Ta đi đâu yên tĩnh hơn chứ , Xighe? - Takichiro có đề xướng.
Họ đã sắp bỏ đi thì trông thấy những người phụ nữ Triều Tiên mặc quần áo dân tộc dưới gốc cây thông cao đối diện cánh rừng anh đào. Họ đeo trống Triều Tiên và trình diễn một điệu múa dân tộc theo điệu trống. Cảnh tượng coi có vẻ đẹp đẽ hơn nhiều so với đám người chơi bời giải trí trong vườn anh đào.
Xuyên qua khe hở giữa những cành thông non, hiện lên phía xa những đóa hoa hồng hồng của loài anh đào núi.
Chieko đứng lại một ngắm các phụ nữ Triều Tiên rồi nói:
- Cha ạ, ta đến vườn bách thảo đi - đằng ấy yên tĩnh lắm.
- Chứ sao? Thôi thì... Ta xem anh đào ở Omuro là đã làm tròn bổn phận của mình với mùa xuân rồi. - Và Takichiro bước ra ôtô.
Vườn bách thảo mở cửa trở lại cho khách thăm viếng từ tháng tư, và xe điện lại bắt đầu chạy từ ga Kyoto tới đó.
- Nếu ở vườn bách thảo cũng lại cái cảnh xô bồ như vừa nãy thì ta sẽ dạo chơi trên bờ sông Kamogaoa vậy, - Takichiro nói.
° ° °
Ô tô lao vùn vụt qua cái thành phố ngập trong màu xanh tươi trẻ của cây cối. Những tán lá non có vẻ tươi hơn hẳn trên các ngôi nhà cổ một điều khó bề cảm thấy gần những công trình xây dựng mới.
Nhìn từ phía con đường trồng cây trải dài dọc tường bao, vườn bách thảo có vẻ cực kỳ khoáng đãng và đầy ánh sáng. Bên trái, ôm lấy nó, con sông Kamogaoa vẫn đẩy trôi xuôi dòng nước của mình.
Xighe mua vé qua cửa và nhét vào thắt lưng. Bà vừa hít căng lồng ngực vừa ngắm khoảng rộng đã phơi mở. Từ khu phố các thương gia nơi họ sống chỉ thấy lờ mờ các mỏm đồi xa xa, mà Xighe thì thậm chí cũng chả có dịp ngắm chúng: bà hiếm khi rời cửa hàng ra phố.
Bên trong cổng bách thảo có đài phun nước đang phun mà xung quanh nó là loài uất kim hương nở rộ. Một cảnh tượng lố bịch đối với Kyoto.
- Chắc cái này là do người Mỹ làm lúc họ xây các biệt thự của mình ở đây. - Xighe nói.
- Nghe đâu, người Mỹ còn xây những thứ ấy ở đằng xa kia nữa cơ tận giữa vườn ấy, - Takichiro nhận xét.
Họ cảm thấy trên mặt những bụi nước li ti từ đài phun nước, mặc dù trời lặng gió. Sau đài phun nước, về mé tay trái nhô lên một nhà kính khá lớn, mái vòm thủy tinh gắn trong khung kim loại. Họ ngó qua lớp kính các loài cây cỏ nhiệt đới trồng trong đó.
Song ghé vào xem thì không.
Đi dạo quanh vườn bách thảo không mất bao nhiêu thời gian.
Bên phải con đường, một cây thông tuyết Hymalaya đồ sộ đã đâm ra những chồi xuân võng xuống vì từng chùm lá kim dài. Các cành phía dưới là là sát mặt đất. Thông tuyết Hymalaya là một loài cây thuộc họ lá kim, song bộ lá mượt mà của nó là thứ mới sinh - đấy mà là "kim" sao được? Khác với loài thông rụng lá Karamatsu, nó không trút bỏ những lá già về mùa thu nhưng dù sao đi nữa đám chồi xanh non của nó vẫn gây ra ấn tượng huyền diệu:
- Ta đã thất thố với con trai Otomo, - Takichiro lẩm bẩm một câu không ăn nhập vào đâu. - Anh ta vượt hẳn cha trong công việc, còn con mắt thì quả là sành sỏi lắm: nhìn thấu mọi sự.
Lẽ cố nhiên Xighe và Chieko chả hiểu gì lời ông nói.
- Cha gặp Hideo đấy à? - Chieko hỏi, còn Xighe thì chỉ chêm thêm: - Nghe nói, anh ta là một thợ giỏi.
Họ biết là Takichiro không ưa gặng hỏi.
Qua phía phải đài phun nước rồi rẽ trái, họ nhận thấy một khu gì đại loại như vườn trẻ. Từ đấy vọng tới tiếng trẻ con cười đùa, còn trên bãi cỏ thì thấy các thứ đồ trẻ con giản đơn, sắp đặt rất ngăn nắp.
Takichiro và hai người phụ nữ cùng đi bước vào dưới tán lá cây và một lần nữa lại rẽ trái. Thình lình, cả một bãi trồng hoa uất kim hương hiện ra trước mắt họ. Chieko thậm chí kêu lên khi từ xa đã thấy chừng ấy thứ hoa: đỏ, vàng, trắng, đen, tím thẫm như hoa trà: Những đóa hoa đều to, mỗi thứ một lô riêng.
- Có lẽ là họa tiết bằng hoa uất kim hương cũng hoàn toàn hợp với kimono theo phong cách mới chăng, cho dù trước đây không bao giờ ta lại bằng lòng với một vẻ vô vị như thế...- Takichiro thở dài.
° ° °
Nếu những cành thông tuyết Hymalaya vươn rộng gần chạm đất với từng chùm lá mịn màng có thể sánh với chiếc đuôi công xòe rộng thì vẻ sặc sỡ uất kim hương kia phải so với cái gì? - Takichiro nghĩ. Màu sắc của chúng tựa hồ nhuộm cả không trung, thấm sâu tận bản thể nó.
Xighe tách khỏi chồng rồi tì vai vào Chieko. Kể cũng lạ là, vào phút ấy cái thu hút sự chú ý của Chieko không phải những bông hoa.
- Mẹ ơi, mẹ có nhìn thấy những người đang đứng trước đám uất kim hương trắng không? Phải chăng là một lễ chạm mặt?
- Chà, quả là...
- Đừng nhìn thẳng về phía họ như vậy, mẹ. - Cô gái kéo tay áo Xighe. Trước bãi hoa uất kim hương là cái hồ thả cá chép.
Takichiro rời ghế băng đứng dậy rồi vừa chậm rãi bước men các lô uất kim hương vừa cúi sát xuống đám hoa và gần như ghé nhìn từng vành hoa.
- Hoa Tây phương chói quá, khiến người ta chóng chán, một khu rừng trúc nho nhỏ còn hợp ý tôi hơn, - khi quay về với hai người phụ nữ cùng đi, ông Takichiro nói.
Bãi uất kim hương nằm ở chỗ đất thấp, bao quanh là cây.
- Chieko, con có cảm thấy vườn bách thảo có một cái gì đó Âu châu không? - Takichiro hỏi.
- Thật khó xét đoán, nhưng quả thật nó có cái gì hao hao vườn Tây phương, - Chieko đáp. - Cha thì muốn đi nhưng có lẽ, vì mẹ, ta hãy nghỉ lại đây một lát chứ?
Takichiro vẻ tuyệt vọng đã một lần nữa dịch đến gần đám hoa thì đúng lúc ấy có tiếng gọi giật ông lại.
- Hình như Xada tiên sinh phải không? Ô, tất nhiên rồi, ngài Xada đây rồi?
- A, Otomo. Tôi thấy rồi, cả Hideo đi cùng chú nữa kìa. Thế mà không ngờ gặp bố con chú ở đây.
- Không, tôi mới bất ngờ...- Xoxuke vừa thốt lên vừa cúi rạp xuống chào. - Tôi thích dạo trên con đường trồng long não ở đây, chờ lúc vườn mở cửa trở lại đến khổ! Hôm nay tôi đã cực kỳ thích thú bách bộ mãi trên con đường ấy. Rặng long não phải đến năm mươi, mà không khéo sáu mươi tuổi... Xin bác lượng thứ cho thói mất dạy của thằng con tôi, nó cư xử thật là bất nhã lúc bác đến thăm. - Xoxuke lại cúi đầu lần nữa.
- Còn trẻ mà - nên bỏ quá cho anh ta chứ.
- Bác từ Xaga đến đây à?
- Tôi từ Xaga, còn Xighe với con gái thì từ nhà.
Xoxuke đến gần hai người phụ nữ cùng đi với Takichiro và cúi chào.
- Hideo, anh nghĩ sao về loài hoa uất kim hương này? - Giọng Takichiro nghe nghiêm khắc quá đáng.
- Chúng sống... - với tính ngay thẳng vốn có, - chàng trai đáp.
- Sống?... Lẽ dĩ nhiên là sống rồi, nhưng tôi khó chịu khi nhìn chúng - chúng quá nhiều... - Takichiro quay đi.
° ° °
Những bông hoa đang sống... Đời chúng ngắn ngủi, song chúng đang sống, dĩ nhiên rồi. Hàng năm các nụ hoa lại sinh ra. Rồi nở. Chúng sống, cũng như toàn bộ thiên nhiên đang sống...Takichiro có cảm giác y như ông lại thất thố với Hideo lần nữa.
- Tôi không đủ thẩm quyền xét đoán đâu, nhưng tôi nghĩ, một họa tiết bằng hoa uất kim hương không hợp với kimono hoặc thắt lưng lắm. Tuy nhiên, nếu một họa sĩ thiên tài vẽ họa tiết ấy thì những bông uất kim hương có lẽ cũng sẽ có một cuộc sống vĩnh cửu trong mẫu vẽ, - Takichiro ngoái đầu lại nói. - Ta cứ lấy các mẫu vẽ trên vải cổ mà xem. Một vài mẫu trong số đó còn già hơn kinh đô cổ của chúng ta. Còn ai là người có tài sáng tạo một vẻ đẹp tương tự bây giờ? Vậy là, một số bản sao...
- ...
- Hoặc giả cây cối nữa. Trong đấy chả có những cây già hơn thành phố ta là gì?
- Với tôi thì những chuyện như thế quá khó hiểu. Việc của tôi là dệt. Ngày này qua ngày khác. Mà sao lại bàn cãi về các thứ vải quý ở đây nhỉ? - Hideo cúi gằm xuống. - Tôi chỉ nghĩ có thế này: nếu đem đặt Chieko cạnh Miroku 3 ở chùa Chiugudgi hay Koriudgi, thì cô nhà tuyệt vời hơn những pho tượng ấy biết chừng nào?
- Có lẽ, bảo Chieko vậy thì sẽ khiến nó vui sướng đấy, cho dù nó không xứng được so sánh thế... ôi, Hideo? Người con gái biến thành bà già nhanh lắm. Nhanh lắm!
- Thì tôi đã nói: đám uất kim hương sống, - Hideo bắt đầu cao hứng nói. - Tiết khai hoa ngắn ngủi lắm, song trong cái khoảnh khắc thoáng qua ấy là toàn bộ vẻ sung mãn của cuộc sống. Lẽ nào không phải như vậy? Và chính bây giờ là lúc tiết ấy đã đến.
- Tôi đồng ý. - Takichiro lại quay về phía chàng trai.
- Tôi không có ý định dệt những thắt lưng khả dĩ dành lại cho cháu chắt chúng ta. Tôi sẽ làm những cái để người thiếu nữ phải nói: đấy là cái dành cho tôi - và sẵn lòng mặc vào ngày hôm nay, ngay bây giờ, lúc nàng đang độ tuổi xuân.
- Một ý kiến tuyệt vời, - Takichiro gật đầu.
- Đấy là lý do tại sao tôi nói đám uất kim hương đang sống. Giờ chúng đang nở rộ, song đây đó đã có những cánh hoa rụng.
- Âu cũng...
- Dẫu rằng hoa rụng cũng mỗi thứ mỗi khác. Một đằng anh đào như cơn bão thực sự bằng cánh hoa, còn như loài uất kim hương kia...
Chắc ý anh muốn nói những cánh hoa uất kim hương rụng phải không? Tôi chỉ nói một điều: bãi hoa uất kim hương không hợp lòng tôi - nó có quá nhiều những đóa hoa sặc sỡ, mà mất đi vẻ đáng yêu... Có lẽ, tất cả là do tuổi già đã đến chăng?
- Ta đi chứ thưa ngài, - Hideo đề nghị. - Thành thật mà nói, đã nhiều lần người ta mang các phác thảo đến tôi, yêu cầu dệt thắt lưng có họa tiết uất kim hương, nhưng đấy là mẫu vẽ trên giấy, và tôi từ chối. Còn hôm nay tôi đã tận mắt ngắm những đóa uất kim hương đầy nhựa sống - và khác nào được sáng mắt ra.
° ° °
Năm người bọn họ rời bãi hoa uất kim hương, cất bước leo lên các bậc đá.
Một bờ giậu chạy dài theo cầu thang, hay thậm chí không phải bờ giậu nữa mà là bức lũy bằng những cây đỗ quyên kirixi thì đúng hơn. Đỗ quyên chưa ra hoa, nhưng vạt lá lăn tăn ken dày và xanh mướt của nó giúp tôn thêm sắc rực rỡ những đóa uất kim hương đã bừng nở.
Từ trên cao nhìn xuống là cảnh mấy khu vườn trồng mẫu đơn thân mộc - mẫu đơn Trung Hoa có hương thơm và botan. Chúng cũng chưa ra hoa. Những vườn mẫu đơn có vẻ gì chưa thuận mắt - có lẽ vì chúng mới xuất hiện cách đây không lâu.
Rặng Hiay mờ mờ hiện ra ở đằng Đông.
Hầu như từ bất cứ chỗ nào trong vườn bách thảo cũng đều trông thấy quang cảnh một rặng núi nào đó: hoặc Hiay, hoặc Đông Sơn hay Bắc Sơn. Núi Hiay từ sau vườn mẫu đơn hương ló ra vẻ như gần ngay đấy.
- Chỉ có đỉnh núi là không rõ - sương mù che khuất mất, - Xoxuke nói với Takichiro.
- Màn sương xuân che lấp cả dáng hình...- Takichiro vẫn chăm chắm rặng núi đáp. - Otomo ạ, nó không nhắc chú rằng mùa xuân đã đến sao?
- Không bác ạ!
- Hay ngược lại, nó gợi ra ý nghĩ mùa xuân đã tàn?
- Không, thưa bác, - Xoxuke lặp lại. - Mùa xuân qua nhanh quá. Chúng tôi không kịp cả việc ngắm hoa anh đào cho đến nơi đến chốn.
- Khéo chú chẳng tự phát hiện cho mình điều gì mới hết.
Họ im lặng bước đi một lúc.
- Otomo này, sao ta không dạo con đường trồng long não ưa thích của chú nhỉ? - Takichiro đề nghị.
- Rất vui lòng, thế tôi cũng đủ sung sướng rồi. Nếu cô nhà cùng đi với chúng ta thì càng hay ạ. - Và Xoxuke ngoảnh lại nhìn Chieko.
Trên cao, cành long não đan vào nhau, tạo thành mái lều màu xanh lá cây phía trên đầu. Những chiếc lá non óng ả ngả chút ánh tia tía. Tuy trời lặng gió vẫn hơi rung rinh.
Cả năm người lặng lẽ đi, thỉnh thoảng mới trao đổi vài câu ngắn gọn. Ở đây, dưới tán lá long não, từng người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.
Khi Hideo so Chieko với những pho tượng Miroku đẹp nhất ở Nara và Kyoto mà lại còn nói rằng cô gái đẹp hơn những pho tượng ấy, thì Takichiro lo nghĩ thực sự. Phải chăng Hideo say mê con ông đến thế. Mà nếu con bé lấy anh ta làm chồng thì nó nương náu vào đâu? Trong cái xưởng dệt của họ ư? Lại suốt từ sáng đến đêm se sợi à?
Ông ngoảnh lại, Hideo đang sôi nổi kể một chuyện gì đó với Chieko, còn nàng thì chốc chốc lại gật đầu vẻ tán đồng.
Nói chung thì Chieko không nhất thiết phải về nhà Otomo. Cứ thu nhận Hideo vào gia đình mình cũng được, Takichiro nghĩ.
Chieko là đứa con gái độc nhất. Có thể hình dung Xighe sẽ buồn phiền đến đâu nếu nó về nhà chồng. Mặc khác, Hideo là con trưởng của Otomo, mà bản thân Xoxuke đã thừa nhận rằng nó vượt cha về tài nghệ chuyên môn. Liệu chú ấy có thuận cho Hideo đi không? Song chú ấy vẫn còn hai đứa con trai kia mà.
Và dẫu sao đi nữa, cho dù việc kinh doanh của ông gần đây có sa sút ông, Takichiro, vẫn là một thương gia bán buôn ở khu Nakaghio. Phải chăng có thể so sánh ngôi nhà hiệu buôn của ông và cái xưởng dệt, nơi cả thảy có ba cái máy, nơi không có một thợ mướn nào và những người trong gia đình phải tự làm bằng tay toàn bộ công việc. Một công việc vặt vãnh dưới quan điểm thương mại. Cứ trông Axako - mẹ của Hideo, hay những đồ dùng thảm hại trong bếp thì biết... Vậy thì thử hỏi làm sao Hideo, tuy là con trưởng đi, lại không đến với gia đình họ một khi anh ta cưới Chieko...
- Hideo là một thanh niên đứng đắn và cương nghị, - Takichiro bật lên thành tiếng, tựa thể để tiếp tục độc thoại với mình. - Một người như thế hoàn toàn có thể trông cậy được, cho dù còn ít tuổi.
- Bác cho như vậy à? Xin đa tạ - Xoxuke điềm tĩnh đáp. - Còn nói làm gì: làm thì nó cần cù đấy, nhưng sống không hòa hợp với mọi người... Vụng về, thô lỗ... Lắm lúc tôi đến lo cho nó.
- Đấy không phải là cái chính, mặc dù ngay tôi, chú nhớ chứ, cũng vừa phải một trận với anh ta xong, - Takichiro nói, không có vẻ mếch lòng mà đúng hơn còn vui vẻ là đằng khác. - Chả nên giận anh ta, tính khí nó vốn vậy mà... À nhân tiện, sao chú lại đến với mỗi mình Hideo?
- Rủ thêm mấy đứa nhỏ nữa cũng được, nhưng thế thì lại phải dừng máy mất. Với lại tôi nghĩ: cứ đi giữa rặng long não thế này, nhìn ngắm thiên nhiên, may ra tính nết nó dịu bớt đi...
- Con đường tuyệt diệu thật. Mà chú có biết không, Otomo, tôi đưa Xighe và Chieko đến đây, đại để cũng là do lời khuyên của Hideo đấy.
- Sao lại thế ạ? - Nét mặt Xoxuke biểu lộ vẻ băn khoăn. - Nghĩa là nó muốn thấy cô nhà sao?
- Không, không, chuyện hoàn toàn không phải ở chỗ đó! - Takichiro sợ hãi xua tay.
Xoxuke ngoái lại nhìn. Hideo và Chieko đang đi cách họ một quãng, còn theo sau đấy là Xighe.
Lúc họ ra qua cổng vườn bách thảo, Takichiro đề nghị:
- Otomo này, bố con chú lấy xe chúng tôi mà đi. Từ đây đến Nhixidgin một tí chứ mấy, trong lúc xe quay lại chúng tôi còn tản bộ một lúc dọc bờ sông...
Xoxuke lưỡng lự, song Hideo nói:
- Cám ơn, chúng tôi xin lạm dụng lòng tốt của ngài.
Anh ngồi vào xe trước cha.
° ° °
Ô tô chuyển bánh, Xoxuke nhổm khỏi đệm ghế lễ độ vái chào Takichiro và hai người phụ nữ cùng đi. Còn Hideo thì không ra khẽ cúi đầu cũng chẳng ra không - thật khó hiểu.
- Anh chàng này ngộ thật, - Takichiro nói, vất vả lắm mới nén được cười: ông nhớ lại lúc mình tát anh ta. - Chieko, con chuyện trò thế nào mà khiến chàng trai ấy say mê thế? Anh ta đúng là yếu đuối trước những cô gái trẻ.
Chieko bối rối cụp mắt xuống:
- Anh ta nói, còn con chỉ nghe. Lúc đầu chính con cũng nghĩ: Sao anh ta lại vui chuyện thế, nhưng sau thì con cũng bắt đầu thấy thú vị...
- Anh ta phải lòng con chăng? Con biết không, Hideo bảo với cha rằng, con tuyệt vời hơn các pho tượng Miroku ở những chùa Chiugudgi và Koridgi... Con xem, anh chàng lạ lùng không?
Lời cha nói làm Chieko bối rối. Mặt và cả cổ nàng nữa ửng hồng lên.
- Anh ta kể chuyện gì vậy? - Takichiro hỏi.
- Hình như, về số phận những cái máy dệt tay ở Nhixidgin.
- Ra thế ư? Về số phận? - Takichiro trầm ngâm thốt từng tiếng.
- Dĩ nhiên chữ "số phận" cần đến một cuộc nói chuyện không đơn giản, song... đại để là về số phận, - Chieko xác nhận.
Họ đi men sông Kamogaoa theo con đê có lối mòn trồng thông.
Takichiro xuống phía bờ sông. Ở đây, dưới thấp, ông bỗng dưng nghe thấy rành rọt tiếng nước tràn qua đập chắn.
Ven bờ, từng đôi thanh niên ngồi trên đám cỏ non, những người có tuổi thì đang lấy lại sức bằng thức ăn mang theo từ nhà.
Ở bờ bên kia, một lối mòn đi dạo trải dài bên dưới đường nhựa.
Sau mấy cái cây anh đào hiếm hoi, xanh thắm lên tán lá non sau mùa hoa, hiện ra rặng Atago, mà cạnh nó là Tây Sơn, còn ngược lên phía thượng nguồn một chút là Bắc Sơn. Đằng ấy là một khu vực được bảo tồn, nơi cảnh quan tự nhiên được đặc biệt bảo vệ.
- Ta ngồi một lát đi, - Xighe đề nghị.
Cách cầu Kitaodgi không xa, người ta phơi lụa iudgen trên cỏ.
- Hôm nay tiết xuân đẹp lắm, - Xighe vừa đưa mắt nhìn xung quanh vừa nói.
- Này, ý mình về Hideo thế nào? - Takichiro hỏi bà.
- Ý ông định nói gì?
- Nếu tiếp nhận anh ta vào gia đình ta ấy mà?...
- Sao cơ? Ngay lập tức thế à?...
- Con người anh ta xứng đáng.
- Cái đó cũng đúng, nhưng ông đã hỏi ý kiến Chieko chưa?
- Nó chả nói sẵn sàng mọi việc đều tuân theo cha mẹ vô điều kiện là gì? Phải vậy không, Chieko? - Takichiro quay sang cô gái.
- Trong chuyện này không thể nài ép được. - Xighe cũng nhìn Chieko.
Chieko ngồi trên thảm cỏ, đầu cúi. Trước mắt nàng chập chờn hình ảnh Xinichi Midzuki - không phải bây giờ, mà là thời còn là một cậu bé, mặc quần áo chú tiểu thời xưa, lông mày kẻ, môi tô son đỏ thắm, mặt xoa phấn trắng, đi cỗ xe đẩy trong ngày lễ Ghion.
Chieko hồi tưởng lại anh ta có vậy. Lúc ấy chính nàng còn là một cô bé chưa biết gì.
--------------------------------
1 Phuroxiki: chiếc khăn để gói đồ đạc mang theo, tựa như tay nải của ta. 2 Idea, sense (tiếng Anh trong nguyên văn): ở đây dùng với nghĩa thuật ngữ mĩ thuật: "quan niệm thẩm mĩ, khuynh hướng thẩm mĩ". 3 Miroku: Phật vị lai.
IV. LOÀI THÔNG LIỄU TRÊN BẮC SƠN
Lâu lắm rồi, ngay từ thời Heian, ở Kyoto đã thành lệ thế này: khi người ta nói "núi" thì trước hết điều đó có nghĩa là núi Hiay, còn nếu người ta nói "lễ" thì cũng hiểu ngầm ngay là những ngày lễ của chùa Kamo.
Lễ Cẩm Quỳ 1,vào ngày mười lăm tháng năm hàng năm, đã qua rồi.
Từ năm 1956, trong Lễ Cẩm Quỳ, ngoài lễ rước do vị sứ giả của thiên hoàng đứng đầu còn có thêm đám rước dẫn đầu là một vị hoàng cô nhỏ tuổi, - đấy là để tưởng niệm cái nghi thức xưa, công chúa phải tẩy bụi trần ở sông Kamogaoa trước khi hiến đời mình phục vụ trong các chùa Kamo. Mặc bộ trang phục gồm mười hai chiếc kimono, hoàng cô trang trọng ngự trên cỗ xe thắng bò đực.
Rồi tiếp đến dãy kiệu các ngự tiền phu nhân, và cả các thị tì, thiếu nữ mới lớn và nhạc công. Đám rước này sẽ tạo cho hội lễ một vẻ tráng lệ đặc biệt nhờ trang phục phong phú và nét trẻ trung của hoàng cô do một thiếu nữ chọn trong các nữ sinh viên trường cao đẳng sắm vai. Thỉnh thoảng, sự lựa chọn rơi vào đám bạn gái của Chieko. Trong những trường hợp đó nàng cùng các bạn khác ra con đê ven sông Kamogaoa để xem trước.
Ở Kyoto là nơi có bao nhiêu chùa cổ Phật giáo và Thần đạo như thế, hầu như không ngày nào là không có hội chùa lớn nhỏ. Cứ trông lịch tháng năm là đủ thấy - chả có ngày nào không có ngày lễ.
Trong các đình quán cũng như ngay giữa trời người ta mở nghi thức trà đạo, khắp nơi các chảo thức ăn nóng bốc khói...
Song năm nay ngay cả Lễ Cẩm Quỳ Chieko cũng không dự. Tháng năm nhiều mưa khác thường, vả lại đã biết bao lần từ thuở bé người ta đưa nàng đến dự lễ này.
Chieko đặc biệt yêu hoa, nhưng nàng còn thích cả những chiếc lá non, cả màu xanh tươi mát của cây cối. Nàng ngắm lá phong non ở Takao, đầy thích thú thăm viếng khắp vùng lân cận Oakaodgi.
- Mẹ ạ, năm nay đến cả hái chè ta cũng chả xem, - Chieko nói lúc nàng đang pha trà đầu vụ của vùng Udgi.
- Vụ thu hái đã xong đâu, - Xighe đáp lại.
- Thật hả mẹ?
Cô bạn Masako của nàng gọi điện thoại đến:
- Chieko, ta đến Takao xem phong đi. Bây giờ ở đấy vắng người - không như vào thu...
- Muộn rồi chăng?
- Rất đúng lúc - chính ở đây còn mát hơn trong thành phố.
- Được thôi, - Chieko thỏa thuận, sau đó, hình như chợt nhớ ra điều gì nàng nói: - Sau lần bọn mình viếng thăm Heian Dgingu, đáng ra phải tới chỗ những cây anh đào trên núi Xiudzan, thế mà bọn mình quên biến đi mất. Cậu còn nhớ cái cây anh đào già ấy không?... Tiếc rằng giờ thì muộn mất rồi. Nhưng lại hợp lúc ngắm đám thông liễu trên Bắc Sơn. Từ Takao đến đấy một tí chứ mấy. Cậu biết không, mỗi lần nhìn những cây thông liễu Bắc Sơn thanh tú đâm thẳng lên trời mình lại thấy trong lòng ngây ngất. Để sau này tới đấy, hẳn sẽ đột nhiên thèm ngắm loài cây phi thường ấy - còn hơn cả xem phong ở Takao cơ.
° ° °
Tới Kakao, Chieko và Masako mới quyết định sẽ ngắm phong không chỉ quanh quẩn chùa Dgingodgi, mà cả ở gần các chùa Xaimiodgi tại Makino và Kodzandgi ở Togano nữa.
Đường lên Dgingodgi và Kodzandgi khá dốc, chỉ mặc có chiếc váy mỏng mùa hè và đi giày gót thấp nên Masako lo ngại nhìn Chieko trong bộ kimono thắt lưng rộng khổ. Nhưng vẻ mặt Chieko không hề có dấu hiệu nào mệt mỏi.
- Làm gì mà cậu nhìn mình ghê thế? - Chieko hỏi.
- Đẹp quá đi mất? - Masako thầm thì.
- Đúng, rất đẹp! - Chieko vừa thốt lên vừa đưa mắt nhìn con sông Kiyotaki hiện ra ở xa xa phía bên dưới. - Ở đây mát mẻ hơn mình nghĩ.
- Nhưng mà mình... - Masako cười sặc sụa nói, - mình muốn nói cậu chứ có phải con sông đâu.
- Lấy đâu ra những giai nhân thế này cơ chứ?
- Thôi, mình xin cậu.
- Cái kimono giản dị giữa màu xanh mơn mởn cây lá chỉ càng tôn nhan sắc cậu lên thôi. Mà thật ra một cái áo đẹp cũng vẫn hợp với cậu.
Hôm ấy, Chieko mặc chiếc kimono tím hoa cà màu dịu và cái thắt lưng rộng bằng vải hoa mà cha đã hào phóng tặng nàng.
Chieko khoan thai bước lên các bậc đá. Trong khi Masako tán tụng sắc đẹp của nàng thì nàng nghĩ đến các bức chân dung Xighemori Taira và Yoritomo Minamoto 2 ở chùa Dgingodgi - chính những chân dung mà André Malraux 3 gọi là kiệt tác của thế giới. Nàng nhớ, trên trán và má Xighemori còn lưu lại những vệt thuốc màu đỏ.
Masako trước ấy chưa lần nào công khai thán phục sắc đẹp của Chieko. Ở chùa Kodzandgi, Chieko thích trông lên núi từ chỗ hành lang rộng thênh thang của phật điện Iximidzuin: Nàng thích cả bức tranh ở đây họa vị tổ sáng lập ngôi chùa - thánh Mioe đang ngồi trên cây gỗ nhập thiền. Cũng trong ngôi chùa này còn treo phiên bản tranh cuốn thư Chiodgiughiga - những bức vẽ hoạt kê cảnh đời chim thú. Các vị sư đãi trà hai cô gái.
Masako chưa đi quá chùa Kodzandgi bao giờ. Nói chung thì lộ trình du lịch kết thúc ở đây. Còn Chieko vẫn nhớ có lần cha đã dẫn nàng đi nữa, rồi họ ngắm anh đào trên núi Xiudzan và hái cả một ôm cỏ tháp bút. Cọng cỏ tháp bút dài và mọng. Sau đấy thì chính nàng, lúc đáp xe đến Takao, đã đi bộ tới tận cái làng trên Bắc Sơn, nơi những cây thông liễu mọc. Nay làng này đã được sáp nhập vào Kyoto và trở thành một quận của thành phố. Trong quận cả thảy có một trăm hai mươi đến một trăm ba mươi nông hộ, nên có lẽ cứ gọi nó là làng như trước thì phải hơn.
- Mình sẽ cố chừng nào còn đi bộ được, - Chieko nói. - Chỗ này hay quá, mà đường thì tuyệt. Những vách núi dựng đứng ở kề bên tiến sát đến sông Kiyotaki.
Hai cô gái đi quá lên trước chút nữa và đã trông thấy cánh rừng thông liễu tuyệt đẹp. Cây mọc thành hàng tăm tắp. Thoạt trông cũng đoán ra chúng được chăm nom cẩn thận. Người ta sản xuất gỗ tròn từ thứ cây giá trị này và cũng chỉ ở làng này người ta mới có thể gia công nó một cách khéo léo mà thôi.
Ý chừng đang là giờ nghỉ nên những phụ nữ đốn cành trên các cây thông liễu đã tuột từ trên cây xuống đất nghỉ ngơi.
Masako chú ý đến một cô gái và không rời được mắt khỏi cô ta, hệt như bị bỏ bùa.
- Nhìn cô ta kìa, Chieko. Cô ta giống cậu lạ lùng, - Masako thì thầm.
Cô gái mặc kimono màu chàm thẫm lấm tấm trắng hạt đỗ và quần ống rộng. Tay áo thắt nơ, tạp dề mặc ra ngoài kimono, tay đeo đôi găng chỉ phủ phần mu bàn tay. Chiếc tạp dề loại phủ quanh người, hai bên xẻ tà. Nơ và thắt lưng hẹp khổ màu đỏ. Đầu quấn khăn bông. Những người khác cũng ăn vận như vậy.
Họ từa tựa như những phụ nữ Ohara hoặc Xirakaoa đi tàu xe đến thành phố bán rong, song ăn mặc thì khác. Đàn bà Nhật quần áo như thế khi lao động ngoài đồng hay trong vùng núi.
- Quả là cô ta giống cậu hết sức! Lạ thật! Cậu nhìn kỹ xem.
- Thật ư? - Chieko liếc sang cô gái cái nhìn thoáng qua. - Cậu lắm chuyện quá đấy, Masako ạ.
- Cứ cho là thế đi, nhưng xem kìa, cô ta xinh quá?
- Ừ thì xinh, thế sao nào...
- Đến phải cho cô ta là con rơi của cậu mất.
- Này, quá quắt vừa vừa chứ! - Chieko tức giận.
Masako hiểu rằng cô diễn đạt không được đạt lắm, song cố nén tiếng khúc khích cứ bật ra, lại vẫn chêm thêm:
- Người giống nhau vẫn có đã đành, nhưng đằng này sao giống thế!...
Cô gái thản nhiên cùng các bạn gái đi qua mặt họ. Chiếc khăn bông quấn trên đầu đã bị tụt xuống trán và che mất nửa má. Vì thế khó mà nhìn được mặt cô ta cho rõ. Do đâu Masako đoán được họ giống nhau? Chieko thường đến chơi làng này, không ít bận quan sát cánh đàn ông tước vỏ cây gỗ ra sao, đám phụ nữ bắt tay vào việc, cạo sạch súc gỗ rồi cẩn thận đánh bóng bằng cát lấy cạnh thác Bodai và đã rửa bằng nước sôi hay nước lã như thế nào.
Nàng láng máng nhớ những người phụ nữ này bởi đã thấy họ làm việc bên vệ đường, vả lại ở cái làng nhỏ bé này cũng không có quá nhiều phụ nữ để đến nỗi không nhớ nổi họ, song cố nhiên, Chieko không để ý nhìn kỹ từng người riêng biệt trong số họ.
Masako dõi mắt theo cô gái đang đi khuất.
- Nhưng dù sao mặc lòng vẫn giống nhau đến lạ lùng, - cô ta lặp đi lặp lại hơi cúi xuống, rồi chăm chú nhìn Chieko - như thể tự kiểm tra mình.
- Giống ở điểm nào? - Chieko hỏi.
- Khó nói cái gì giống - mũi ư, hay mắt? Nói đúng hơn có một cái gì đấy chung ở toàn bộ nét mặt, tuy rằng, xin lỗi cậu nhé, lại có thể đem so sánh cô tiểu thư ở khu phố kinh đô Nakaghio với một cô gái người làng trong núi được sao?
- Mời cậu cứ việc!
Tốt nhất là cứ bám theo cô ta, xem xem cô ta ở đâu, Masako sực nghĩ ra.
° ° °
Với thói bộp chộp của mình Masako không hề có ý định theo chân cô gái đến tận nhà cô ta. Chẳng qua buột mồm nói lỡ - thế thôi. Mà Chieko cũng đã chậm bước, nàng gần như dừng lại, đưa mắt nhìn lúc thì rặng thông liễu trên núi, lúc những ngôi nhà có các súc gỗ tựa vào vách.
Những súc gỗ trắng bề ngang, như nhau, đã đánh bóng thật đẹp. Đúng là các tác phẩm nghệ thuật, - Chieko nói. - Mình nghe người ta lấy những súc gỗ như thế dựng các đình quán dùng cho nghi thức trà đạo, người ta còn chuyển chúng đến cả Tokyo và Kyuxiu...
Các súc gỗ xếp thành hàng ngăn nắp, chạm tới diềm mái. Chúng nằm cả trên tầng hai, chỗ phơi quần áo. Ngó nghiêng vẻ hết sức kinh ngạc, Masako nói:
- Cảm tưởng như thể các gia chủ sống giữa đám gỗ súc vậy.
- Lại lo hão, - Chieko bật cười. - Mình cam đoan với cậu rằng sau bãi gỗ kia có chỗ là tuyệt vời.
- Cậu hãy nhìn xem, trên tầng hai người ta chả phơi quần áo mới giặt...
- Cái gì cậu cũng lấy làm lạ, đã thế lại còn luôn luôn vội vã kết luận - lúc thì dân địa phương sống ra sao, lúc thì mình giống cô gái ấy lạ lùng...
- Mỗi chuyện một khác chứ, - Masako lập tức trở nên nghiêm túc. Phải chăng việc mình nhận thấy cậu giống cô ấy khiến cậu buồn phiền?
- Không một tí nào... - Chieko đáp, nhưng ngay lúc đó nàng chợt nhớ lại cặp mắt cô ta. Ở người con gái khỏe mạnh, quen lao động nặng nhọc ấy, cặp mắt ẩn giấu một nỗi buồn sâu lắng, khó hàn gắn nổi. - Phụ nữ làng này là những người lao khổ như vậy đấy, - Chieko thốt ra lời, tựa như đang cố thoát khỏi cái gì gợi ra trong nàng nỗi lo âu vô thức.
- Có gì là lạ? Khối phụ nữ lao động ngang với đàn ông. Lấy ví thử những người nông dân hay ngay như các bà bán rau bán cá thì thấy, - Masako nói, giọng bỗ bã. - Mấy cô tiểu thư như cậu, Chieko ạ, thì sự gì cũng để tâm quá đáng.
- Như mình ấy à? Nhưng mình cũng sẽ làm việc. Thế còn cậu?
- Mình thì mình không muốn, - Masako trả lời cộc lốc.
- Ôi, giá chỉ được cho cậu thấy những cô thôn nữ ấy lao động như thế nào, - Chieko nói, mắt lại hướng lên những cây thông liễu mọc trên núi. - Có lẽ, ở đằng ấy người ta đã bắt đầu tỉa rồi.
- Như vậy là thế nào, tỉa ư?
- Để thu được những súc gỗ đẹp bằng thông liễu, người ta phải đốn cành bằng cách dùng thang mà trèo, nhưng cũng có khi họ chuyền từ cây này sang cây kia, như khỉ...
- Nhưng thế thì nguy hiểm lắm?
- Một số người, leo lên cây từ sáng, thế mà đến tận bữa trưa vẫn chưa xuống...
Masako cũng nhìn lên rặng thông liễu. Thân chúng thẳng và cân đối quả là đẹp. Những chùm lá xanh trên các ngọn cây từ đây trông nhỏ xíu.
Núi chỗ này cao nhưng không chập chùng lắm. Và những thân thông liễu đều đặn nhô lên trên các ngọn núi gây một ấn tượng khác lạ. Hàng lối ngay ngắn nơi chúng có cái gì hao hao như kiến trúc các đình quán dùng cho nghi thức trà đạo tương lai.
Ở hai bên dòng Kiytotaki các rặng núi kết thúc đột ngột, dường như chúng đang nhào vào khe núi hẹp.
Sự dư thừa độ ẩm nhờ mưa xuống thường xuyên và số ngày nắng nóng không đáng kể giúp người ta thu được từ thông liễu thứ vật liệu xây dựng rất đặc biệt.
Những rặng núi cao chính là vật cản gió tự nhiên. Mà những cơn gió mạnh thì rất nguy hại cho thông liễu. Chúng làm gỗ mềm ra, tước mất chất dẻo dai, thế là thân cây cong vẹo, mất đi vẻ cân đối. Các ngôi nhà trong làng nằm dưới chân núi, rải thành một dãy dọc bờ sông.
Chieko và Masako đi tới cuối làng rồi quay trở lại.
Cạnh mấy ngôi nhà, những người phụ nữ đang đánh bóng các súc gỗ. Thân cây tẩm nước được gia công rất cẩn thận bằng cát sông. Cát mịn, giống như đất sét màu hạt dẻ nhạt, lấy từ đáy sông chỗ thác Bodai đổ xuống.
- Nếu hết cát thì các bác làm thế nào? - Masako hỏi.
- Không hết được đâu. Mưa cuốn cát ra thác, nó chảy xuống cùng với nước rồi lắng ở đáy. - Một phụ nữ đã có tuổi đáp.
- Họ vô lo đến thế là cùng, Masako nghĩ.
Trông đám phụ nữ làm đâu được đấy, Masako mới thấy Chieko đúng. Các súc gỗ bề dày độ năm, sáu xun, và có lẽ được dự tính làm cột chống.
Người ta dùng nước rửa sạch gỗ súc đã đánh bóng, phơi khô, rồi lấy giấy hoặc rơm bọc lại và chuyển cho người đặt hàng.
Đôi chỗ, thông liễu mọc ngay sát lòng sông Kiyotaki đầy đá.
Loài thông liễu trên núi và những súc gỗ xếp thành hàng dọc các nhà cửa trong làng làm Masako nhớ đến những rào gỗ phủ son Ấn Độ được chăm sóc cẩn thận nơi các ngôi nhà cổ Kyoto.
Hai cô gái lên xe buýt ở bến đỗ đầu làng, nơi có thể trông thấy cảnh thác Bodai. Họ ngồi trên xe im lặng một lúc.
- Giá người ta cũng nuôi dạy con cái con người cho được ngay thẳng như loài thông liễu kia có phải tốt không, - Masako phá vỡ bầu không khí im lặng.
- Người ta chả coi sóc chúng ta như những cái cây ấy đâu, - Chieko cả cười. - Nào nói đi Masako, cậu vẫn ra chỗ gặp như mọi khi đấy chứ?
- Mình vẫn ra... Chúng mình ngồi ở đám cỏ trên bờ sông. Kamogaoa.
- ...
- Ở Kiyamachi dạo gần đây đâm đông người. Bây giờ họ mắc cả điện ở đó. Nhưng chúng mình ngồi ở mé bờ sông, quay lưng lại các quán ăn nên khách vãn cảnh không để ý thấy bọn mình.
- Tối nay cũng thế...
- Ừ chúng mình đã có hẹn vào lúc tám rưỡi.
Hình như, Chieko thèm muốn được tự do như thế.
° ° °
Chieko ăn tối với cha mẹ ở căn phòng phía xa, trông vào sân trong.
- Hôm nay bên ngài Shimamura có gửi xaxamakidzuxi 4 đằng quán "Hiomaxa" sang, thành thử tôi chỉ nấu món canh, - Xighe phân trần.
- Được rồi, - Takichiro lúng búng.
Xaxamakidzuxi với mấy miếng cá quân, đấy là món ông ưa thích.
- Cô đầu bếp chính nhà ta hôm nay về hơi muộn: cùng với Masako đi xem thông liễu ở Bắc Sơn...
- Được rồi.
Những chiếc bánh Xaxamakidzuxi xếp có ngọn trên cái đĩa Imari 5. Vừa bóc lớp lá trúc gấp hình tam giác, Takichiro vừa ăn ngon lành món bánh bột gạo có rải trên mặt những lát cá quân xắt mỏng. Canh nấu bằng váng sữa đậu sấy khô với nấm xiytake.
Cửa hiệu của Takichiro còn duy trì cái thần thái của các hiệu buôn cổ Kyoto cũng như còn giữ được ở mặt tiền ngôi nhà dãy hàng rào phủ son Ấn Độ, song giờ đây cơ sở kinh doanh của họ đã được cải biến thành công ty, còn đám người làm từ viên quản lý đến những người tùy phái được kể như các cổ đông và họ đến cửa hiệu với tư cách đi làm. Chỉ có hai, ba thợ học việc sinh quán ở Omi là ở thường xuyên tại cửa hiệu, chiếm một phòng trên tầng hai. Do vậy đến giờ ăn tối thì bầu không khí tĩnh mịch bao trùm mấy căn phòng phía xa.
- Sao, Chieko, sao con hay đến cái làng trong Bắc Sơn thế? - Xighe hỏi.
- Thông liễu ở đấy mọc đẹp lắm, cây nào cũng thẳng băng, ngay ngắn. Ôi, giá như tâm tình con người cũng được như vậy thì hay quá.
- Nhưng lẽ nào con không được như thế - Xighe ngạc nhiên.
- Than ôi, trong con nào có được sự thẳng thắn ấy...
- Xighe này, - Takichiro xen vào, - con người dù có thẳng thắn, cởi mở bao nhiêu đi nữa, cái bản thể suy nghĩ anh ta vẫn suy ngẫm đủ mọi chuyện trên đời.
- Mà thế cũng tốt. Những cô gái giống như loài thông liễu ngay thẳng và thanh nhã đã đành là tuyệt vời khôn tả, song những người như vậy đâu có trong tự nhiên, mà ví thử có đi nữa họ cũng hẳn phải chịu khốn khó trong cuộc đời. Cứ để cho cây cong, nhưng cái chính là làm sao nó mọc được và lớn được lên. Tôi nghĩ vậy...
- Xem cây phong già trong vườn nhà ta là đủ thấy. Trông nó kìa...
- Mình giảng giải điều đó cho con gái chúng ta làm gì? - Xighe nói, vẻ không hài lòng.
- Tôi hiểu, tôi hiểu! Chieko không bao giờ lại thiếu thành thật...
Chieko lặng lẽ nhìn ra vườn, rồi thầm thì giọng đầy phiền muộn:
- Trong cây phong ấy ẩn giấu nguồn sức mạnh lớn lao biết bao... Than ôi, sức mạnh ở Chieko này thì có hơn gì loài hoa tím nương náu trên thân nó. Chao ôi, kìa, những đóa hoa tím đã tàn rồi.
- Ừ nhỉ, - Xighe thốt lên. - Nhưng nếu như thế thì xuân sang năm chúng sẽ lại nở...
Chieko đưa mắt xuống phía dưới một chút, rồi cái nhìn của cô dừng lại ở cây đèn Cơ đốc. Dưới làn ánh sáng từ trong phòng hắt ra, cây đèn cũ kỹ mang hình chúa hầu như không nhìn thấy nữa, mà nàng thì bỗng dưng muốn cầu nguyện.
- Mẹ ơi, mẹ nói thật đi: con sinh ở đâu?
Xighe và Takichiro đưa mắt nhìn nhau.
- Dưới rặng anh đào nở ở Ghion, - Takichiro quả quyết đáp.
° ° °
Sinh ở Ghion dưới rặng anh đào nở... Giống như Hào quang Thất nữ Kaguyahime của "Truyện lão ông Taketori" 6 mà người đời phát hiện thấy trong gióng trúc.
Nghĩa là, cũng tựa như Kaguyahime, có lẽ nên ráng mà đợi vị thiên sứ từ cung trăng xuống, Chieko đùa cợt nghĩ thầm song lặng thinh không nói.
Người ta đã vứt bỏ hay đánh cắp nàng - đằng nào cũng vậy thôi, cả bà Xighe và ông Takichiro đều không biết nơi nàng sinh. Có lẽ cả cha mẹ đẻ nàng họ cũng không biết.
Chieko hối hận: nàng gợi ra câu chuyện rất không đúng chỗ ấy mà làm gì, nhưng nàng cảm thấy không nên xin lỗi ông Takichiro và bà Xighe về chuyện đó vào lúc này. Mà tại sao nàng lại đột nhiên hỏi về mình như thế nhỉ? Bản thân nàng cũng không rõ. Có lẽ, nàng nhớ tới cô gái ở ngôi làng trong Bắc Sơn mà như lời Masako nhận xét, nàng quá giống cô ta...
Chieko không biết để mắt vào đâu nữa và nàng đăm đắm nhìn ngọn cây phong già. Nền trời đêm tỏa sáng yếu ớt - hoặc giả trăng đã mọc, hoặc ở đâu đó có đình đám hội hè.
- Bầu trời cứ như mùa hè vậy...- Xighe nói lúc nhìn lên phía bên trên cây phong. - Con hãy nhớ rằng, con sinh ở đây, Chieko ạ. Cho dù không phải ta sinh ra con, nhưng con ra đời chính trong ngôi nhà này.
- Vâng, vâng ạ! - Chieko gật đầu chiều theo.
Ở chùa Kiyomidzu nàng đã nói đúng sự thật với Shinichi: không phải nàng bị đánh cắp trong công viên Maruyama dưới rặng anh đào nở, mà bị vứt bỏ cạnh lối vào cửa hiệu của Takichiro. Ông cũng nhặt được nàng ở đấy.
Hai chục năm đã trôi qua, kể từ lúc ấy. Takichiro dạo bấy giờ mới ngoài ba mươi, mà ông thì chẳng từ các thú chơi bời. Vì thế Xighe nào có tin ngay điều ông kể lể khi ông xuất hiện với đứa bé trên tay.
"Đừng cố tình loanh quanh nữa... Rõ như ban ngày rồi: việc này là do một trong các cô kỹ nữ quen anh mà ra đây!".
"Bậy bạ quá chừng! - Takichiro thậm chí đỏ bừng mặt vì phẫn nộ. - Coi xem có cái gì ủ ấm cho con bé thì hơn. Này, sao thế? Đến bây giờ cô vẫn khăng khăng nó là con một kỹ nữ hả?!" Ông chìa đứa bé chơ vơ.
Xighe đón lấy đứa bé gái rồi áp má vào khuôn mặt bé bỏng lạnh giá của nó.
"Ta biết làm gì với nó đây?" - Bà hỏi.
"Đi vào nhà, bình tĩnh đã rồi hẵng bàn. Cứ đứng như phỗng thế làm cái thứ gì!"
"Nó còn bé tí tẹo thế này, không khéo chỉ mới đẻ được vài ngày là cùng".
Cha và mẹ con bé không ai biết, và ghi nhận nó là con gái nuôi thì Takichiro không có quyền - muốn vậy phải được sự đồng ý của người bố người mẹ. Vậy thì ông ghi tên nó vào sổ gia phả với tư cách người thừa kế vợ chồng Xada. Họ đặt tên con bé là Chieko.
Trong dân gian người ta cho rằng: một khi trong gia đình có đứa bé được nhận làm con nuôi thì thế nào cả đứa con đẻ cũng sẽ chào đời. Song điều như vậy đã không xảy ra với Xighe, và vợ chồng Xada dành toàn tâm toàn ý nuôi dạy đứa con gái độc nhất. Nhiều năm qua rồi và họ hiểu rằng, ai là cha mẹ đẻ đã vứt bỏ con bé, ngày càng ít làm họ băn khoăn. Thậm chí họ cũng không rõ những người ấy còn sống không.
Bận ấy, việc dọn dẹp sau bữa tối không đòi hỏi nhiều thời gian, và Chieko đã nhanh chóng làm một mình: thu nhặt những lá trúc dùng để bao thứ bánh bột gạo với cá, rồi rửa bát đựng canh.
Sau đấy nàng lên gác, về phòng ngủ của mình và bắt đầu xem mấy cuốn vựng tập phiên bản tranh của Paul Klee và Chagall mà cha đã mang theo đến Xaga. Nàng thiếp đi lúc nào không biết nhưng chẳng mấy chốc đã giật mình thức giấc vì tiếng thét của chính mình.
*
- Chieko, Chieko! Con làm sao thế? - Tiếng từ phòng bên cạnh vọng sang. Chieko chưa kịp trả lời thì những tấm phuxuma đã mở ra và Xighe bước vào. - Chắc là chiêm bao thấy mộng xấu nên con mới hét lên như thế. - Xighe ngồi ghé xuống thường của Chieko và bật ngọn đèn ngủ ở đầu giường.
Chieko nhổm dậy, vẫn còn bị ảnh hưởng của cơn ác mộng ban đêm:
- Ôi chao, người con đầm đìa mồ hôi đây này. - Xighe lấy chiếc khăn vải xô ở chiếc bàn trang điểm nho nhỏ, bà lau trán, rồi lau ngực cho nàng. Cô gái không cưỡng lại. Bộ ngực trẻ trung nõn nà kia sao đẹp thế, Xighe nghĩ.
- Con lau hai nách đi, - bà nói, chìa cái khăn ra.
- Cám ơn mẹ.
- Mộng sợ lắm phải không?
- Dạ vâng. Con mơ thấy dường như con ngã từ trên cao, từ từ sa xuống qua một màn tối màu lục hung hiểm mà mãi không thấy đáy.
- Những cơn ác mộng như thế thì nhiều người bị rơi, rơi mãi xuống vực thẳm không đáy.
- ...
- Khéo không con bị cảm lạnh đấy, Chieko. Hay là, con thay kimono mặc đi ngủ nhé?
Chieko gật đầu. Nàng chưa tỉnh hẳn và khó khăn lắm mới đứng được trên đôi chân khó bảo.
- Không cần, không cần, con khắc tự lấy lấy.
Chieko hơi thẹn thùng trước mặt mẹ, nhanh nhẹn thay sang chiếc áo ngủ kimono, rồi bắt đầu gập cái áo đã mặc lại.
- Để đấy, dù sao cũng phải giặt rồi. - Xighe đón lấy chiếc kimono từ tay nàng và ném lên cái mắc áo kê trong góc. Sau đó lại ngồi xuống đầu giường.
- Con có sốt không đấy? - Xighe sờ trán Chieko. Trán lạnh.
- Có lẽ chẳng qua con mệt vì đến làng ấy chơi thôi.
- Sắc mặt con không được khỏe. Khéo mẹ đem giường của mẹ lại nằm cạnh vậy.
- Cám ơn mẹ, mẹ cứ yên tâm. Con khỏe rồi, mẹ đi nghỉ đi.
- Mẹ thấy hơi ngờ ngợ thế nào ấy. - Xighe vén chăn và nằm ghé xuống mép giường. Chieko nhích ra, nhường chỗ cho bà. - Con lớn quá rồi còn gì, đến ngủ cùng giường với con cũng hóa bất tiện.
- Khéo mẹ không chợp được mắt mất.
Nhưng Xighe đã ngủ thiếp đi đầu tiên. Chieko với tay ra ngoài chăn và gượng nhẹ, để khỏi làm mẹ thức giấc, tắt đèn. Nàng không ngủ được.
Giấc mộng Chieko thấy khá dài. Nàng kể cho mẹ nghe mỗi đoạn kết thôi.
Thoạt đầu giấc mộng dễ chịu và giống như thực tại. Nàng mơ thấy mình cùng Masako tới ngôi làng trong Bắc Sơn và ngắm thông liễu. Masako nói với nàng là sao nàng giống cô gái kia thế, nhưng trong mộng sự giống nhau này khiến nàng quan tâm hơn rất nhiều so với sự thực lúc ở dưới làng. Cuối giấc mộng nàng đâm hụt chân ở đâu đó xuống cái màn tối màu lục... Do đâu mà có nó nhỉ? Có thể là, do cánh rừng thông liễu trên Bắc Sơn chăng?
° ° °
Takichiro thích các cuộc thi chặt trúc do chùa Kurama mở. Đấy thực sự là ngày hội của đàn ông.
Takichiro đã đi xem những cuộc thi ấy từ thời niên thiếu, chúng chẳng có gì lạ đối với ông, song năm nay ông quyết định dẫn Chieko đi theo. Hơn nữa, là vì một ngày hội khác. - nổi tiếng ở Kurama, - lần này không tiến hành được vì thiếu tiền.
Takichiro cứ lo trời xấu: cuộc thi của những người đốn củi thường diễn ra vào giữa mùa Tsuyu 7.
Ngày mười chín tháng sáu mưa rào thực sự - trận mưa quá to ngay cả đối với mùa mưa.
- Mưa rào thế này sẽ không lâu, mai thế nào trời cũng hửng. - Takichiro vừa nhắc đi nhắc lại vừa trông lên trời.
- Cha ạ, con có ngại mưa đâu, - Chieko nói để yên lòng ông.
- Cha hiểu, - Takichiro đáp. - Nhưng nếu không tốt trời...
Suốt ngày hai mươi mưa phùn lấm tấm không ngớt.
- Đóng hết cửa ra vào và cửa sổ lại, - Takichiro ra lệnh cho các nhân viên trong cửa hàng. - Kẻo mà hàng họ ẩm hết.
- Cha ạ, vậy ra ta không đi à? - Chieko hỏi.
- Khéo ta hoãn đến sang năm thôi. Giờ thì sương mù che kín cả núi Kurama...
Thường thì dự thi không phải các tăng lữ mà là những người thế tục bình thường. Việc chuẩn bị bắt đầu từ ngày mười tám tháng sáu: người ta lựa cứ bốn cây trúc một, cả đực lẫn cái, thân buộc chặt với nhau, đặt bên phải và bên trái lối vào Phật điện chính của chùa. Trúc đực người ta để lá lại nhưng chặt gốc, trúc cái để cả gốc.
Theo cổ lệ những người dự thi ở phía trái lối vào Phật điện - nếu đứng quay mặt về hướng đó - coi là phái Tamba, còn ở phía phải là phái Omi 8.
Mọi người dự thi đều mặc quần áo cổ truyền bằng lụa thô, đi dép rơm buộc dây, tay áo thắt nút, đeo hai thanh kiếm đầu quấn kexa 9 may nắm mảnh lại, thắt lưng giắt lá nandina, tay cầm texac 10 nhét trong bao gấm. Dẫn đầu là người mõ đi trước dọn đường, những người dự thi tiến về phía cổng chùa.
Khoảng một giờ trưa, một vị sư mặc trang phục cổ xưa rúc vỏ ốc báo hiệu khởi đầu cuộc thi. Hai chú tiểu còn nhỏ tuổi hướng về phía vị tăng trưởng trụ trì chùa, kéo dài giọng tuyên cáo:
- Xin cung chúc nhân ngày lễ Chặt Trúc!
Sau đấy họ quay lại phía những người dự thi ở bên phải và bên trái phật điện chính và nói:
- Chúc phái Omi thắng!
- Chúc phái Tamba thắng!
Tiếp theo là thủ tục san lại các thanh trúc, sau đấy hai chú tiểu thông báo với vị sư trụ trì:
- Việc san lại đã hoàn tất rồi ạ.
Các vị sư vào Phật điện tụng kinh. Xung quanh, vì thiếu sen 11 người ta rải hoa cúc đầu mùa.
Vị sư trụ trì từ bệ cao bước xuống, xòe chiếc quạt gỗ bách giả rồi nâng lên hạ xuống ba lần. Đấy là dấu hiệu bắt đầu cuộc thi.
Vừa reo "Hô!", những người dự thi từng hai người một tiến lại gần những thanh trúc và chặt chúng ra làm ba khúc.
Đó chính là cuộc thi Takichiro muốn cho Chieko xem. Đúng vào lúc ông còn đang phân vân liệu có nên đến Kurama trong tiết mưa gió thế này không thì Hideo tới. Kẹp dưới nách anh là một cuộn gì nho nhỏ, buộc trong phuroxiki.
- Thưa đây là thắt lưng cho cô nhà. Vậy là cuối cùng tôi cũng đã dệt xong.
° ° °
- Thắt lưng ư?... Takichiro ngơ ngác hỏi. - Thắt lưng cho con bé ư?
Hideo lùi lại một bước, cúi xuống tạ, hai bàn tay chạm đất.
- Với họa tiết uất kim hương à?... - Takichiro vui vẻ hỏi.
- Không, mà theo phác thảo ngài đã sáng tạo ở Xaga, - Hideo nghiêm trang đáp. - Lần ấy, vì trẻ dại tôi đã ăn nói lỗ mãng với ngài. Thành thực xin ngài thứ lỗi, thưa Xada tiên sinh.
- Ngược lại, Hideo ạ, tôi phải tạ ơn anh. Chính anh đã mở mắt cho tôi đấy. - Takichiro nói.
- Tôi mang đến chiếc thắt lưng mà ngài đã yêu cầu dệt, - Hideo nhắc lại.
- Anh bảo sao? - Takichiro ngạc nhiên nhìn chàng trai chằm chằm. - Bức phác thảo ấy tôi đã vứt xuống sông cạnh nhà anh rồi cơ mà.
- Nghĩa là...ngài đã vứt bỏ?... - Hideo giữ vẻ thản nhiên như thách thức. - Song ngài đã cho tôi dịp được xem nó, và tôi nhớ mẫu vẽ.
- Thế mới bậc thầy chứ! - Takichiro reo lên, nhưng lập tức sa sầm lại. - Này Hideo, vì lẽ gì anh dệt thắt lưng theo cái mẫu mà tôi đã vứt đi? Vì lẽ gì, tôi hỏi anh? - Một cảm xúc lạ lùng xâm chiếm Takichiro, nó không ra buồn bực mà cũng không ra cáu giận. Nén mình, ông nói thêm: - Anh chẳng đã nói, rằng trong phác thảo thiếu sự hài hòa và hơi ấm tâm hồn, rằng nó phảng phất vẻ bất ổn và bệnh hoạn đấy thôi?
- ...
- Vì thế mà tôi đã vứt bỏ nó, ngay khi ra khỏi nhà anh.
- Thưa Xada tiên sinh, tôi cúi xin ngài: hãy rộng lòng thứ lỗi, - Hideo lại một lần nữa cúi tạ rất thấp, tay chạm nền nhà. - Hôm ấy tôi bận bịu từ sáng thành ra chán ngán công việc, mệt mỏi và bực tức với cả thiên hạ.
- Có điều gì không ổn cũng đã xảy ra với tôi. Ở ni viện, nơi tôi ẩn náu, sự thực là không ai quấy rầy tôi hết. Ở đấy yên tĩnh lắm - có mỗi vị ni viện trưởng già với một bà lão giúp việc họ nhưng không ở lại, Vậy mà buồn phiền, buồn phiền đến thế...Với lại mọi chuyện ở cửa hiệu hồi gần đây đều cực kỳ tồi tệ, thế rồi thình lình anh nói hết với tôi những điều đó... Mà đáng thôi! Ai khiến tôi, một anh nhà buôn, đi vẽ phác thảo, đã thế lại còn theo mốt mới.
- Cả tôi cũng đã cân nhắc nhiều chuyện. Nhất là sau lần gặp gỡ con gái ngài ở vườn bách thảo.
- ...
- Xin ngài hạ cố dù là xem qua chiếc thắt lưng một chút. Nếu không vừa lòng xin cứ lấy kéo cắt vụn nó ra.
- Cứ cho xem đi, - Takichiro càu nhàu. - Này Chieko, lại đây nào.
Chieko, nãy giờ ngồi sau bàn viết cạnh viên quản lý, tức khắc đáp lại tiếng gọi.
Nhíu đôi lông mày rậm, mím môi, Hideo vẻ quả quyết đặt gói xuống chiếu, song những ngón tay anh đang mở phuroxiki hơi run run.
- Mời tiểu thư xem, đây là chiếc thắt lưng làm theo mẫu vẽ của cha tiểu thư, - anh cúi chào Chieko và lặng người đi. Chieko bẻ lại mép chiếc thắt lưng.
- Ô, chính là những bức tranh của Klee đã gợi ý cho cha phác thảo này đây. Ở đằng ấy, ở Xaga phải không ạ?
Nàng bẻ lại chút nữa rồi đặt áp vào đầu gối.
- Tuyệt vời!
Takichiro lặng thinh, làm mặt rầu rĩ, tuy nhiên trong thâm tâm ông sửng sốt trước trí nhớ của Hideo, người đã nhớ mẫu vẽ không sót một chi tiết nhỏ nào.
- Cha ơi? Cái thắt lưng quả là tuyệt diệu, - Chieko thốt lên vẻ thán phục không giấu giếm.
- ...
Nàng rờ rờ chiếc thắt lưng, rồi quay về phía Hideo nói:
- Dệt chắc lắm.
- Đa tạ, - Hideo cúi gằm xuống đáp.
- Xem cả được chứ?
Hideo gật đầu.
Chieko đứng dậy, trải rộng hết khổ chiếc thắt lưng ra sân. Rồi nàng đặt tay vào vai cha và bắt đầu xem kỹ tác phẩm của Hideo.
Thế nào, cha? - Nàng hỏi.
- ...
- Chả lẽ nó không đẹp sao?
- Con thích nó thật chứ?
- Vâng, con cảm ơn cha, cha ạ.
- Con cứ xem cho kỹ nữa đi.
- Họa tiết mới mẻ, khác thường... Thắt lưng tuyệt diệu rồi, chỉ cần một chiếc áo khoác kimono tương hợp nữa...Thật tuyệt tác!
- Thế ư! Được rồi, nếu con thích con hãy cảm tạ Hideo đi.
- Cảm ơn tiên sinh Hideo, - nàng cúi xuống.
- Chieko, - người cha nói với nàng. - Có cảm thấy được sự hài hòa, hơi ấm tâm hồn họa trên tiết thắt lưng không nhỉ?
Câu hỏi của Takichiro làm cô gái bị đột ngột.
- Sự hài hòa? - Nàng hỏi lại và lại nhìn chiếc thắt lưng lần nữa. - Cha nói "hài hòa" sao? Thì...cái đó còn tùy thuộc ở cái áo kimono và ở người sẽ mang thắt lưng... Sự thật là, thời gian gần đây người ta đâm ra cứ cố tình sáng chế thứ quần áo có họa tiết phi hài hòa...
- Phải. - Takichiro gật đầu. - Chả là thế này, khi cha đưa mẫu cha vẽ cho Hideo xem và hỏi ý kiến anh ấy thì anh ấy trả lời rằng trong đó thiếu sự hài hòa. Thế là cha vứt nó xuống chỗ sông gần xưởng dệt nhà anh ấy.
- ...
- Nhưng tuy vậy Hideo đã dệt thắt lưng hoàn toàn đúng như mẫu của cha. Phải chăng là anh ấy đã lựa thuốc nhuộm và màu chỉ khác đi một chút.
- Xin ngài lượng thứ vì tôi đã mạo muội tự tiện, thưa Xada tiên sinh. - Hideo lại cúi mình. - Xin tiểu thư đừng quản ngại hãy ướm thử thắt lưng xem - anh nói với Chieko.
- Với kimono này ư?... Chieko rời chiếu đứng dậy, quàng thắt lưng quanh lưng. Thế là lập tức, toàn bộ vẻ duyên dáng của nàng hiện ra rực rỡ khác thường. Vẻ mặt Takichiro tươi tỉnh lên.
- Thưa tiểu thư, đây là tác phẩm của cha tiểu thư, - Hideo thốt lên. Cặp mắt anh sáng ngời vui sướng.
--------------------------------
1 Lễ Cẩm Quỳ (Aoy matsuki) được cử hành ở chùa thần đạo Kamo tại Kyoto, thờ thần sấm. Trong những ngày hội lễ, chùa thất, trang phục của tăng lữ, kiệu thánh... được trang trí bằng lá cẩm quỳ, là loài cây theo dị đoan có tác dụng phòng sấm sét. 2 Xighemori Taira (1138-1179): Vị thống soái thời Heian. Yoritomo Minamoto (1147-1199): nhà cầm quyền phong kiến đầu tiên thời Kamakura (1192-1333). 3 André Malraux (1901-1976): nhà tiểu thuyết và hoạt động văn hóa Pháp chống phát xít, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp (1959-1969). 4 Xaxamakidzuxi: loại bánh nhỏ hình tròn, bằng bột gạo trộn với những miếng cá sống, rau... cho thêm dấm và đường, bao bằng lá trúc. 5 Imari: một khu trong quận Xaga, nổi tiếng về hàng bát đĩa làm bằng thứ đất sét trắng ở địa phương. 6 Truyện của tác giả khuyết danh đầu thế kỉ X, dựa trên cốt truyện cổ về nàng nguyệt nữ, vì lỗi lầm gì đó bị đầy xuống hạ giới rồi đã đem lòng yêu một người trần thế. 7 Tsuyu: mùa mưa, trùng vào tháng sáu. 8 Tên các tỉnh thời xưa gần Kyoto. 9 Kexa: dải vải dài vắt từ vai trái xuống dưới cánh tay phải (một phần trang phục của các vị tăng lữ đạo Phật). 10 Texac: vũ khí để đâm chém, lưỡi sắc hai bên, ngắn và rộng bản, chuôi hình chữ thập. 11 VIII. HOA MÙA ĐÔNG
Lần đầu tiên Chieko mặc quần thể thao và áo len dài tay dầy.
Takichiro có nhà và Chieko ngồi xuống chiếu trước mặt ông trước khi lên đường tới chỗ Naeko.
- Con sắp sửa vào trong núi phải không? - Ngắm nghía bộ trang phục khác thường của nàng, Takichiro hỏi.
- Vâng ạ... Cô gái ở trong Bắc Sơn yêu cầu con đến gặp, chị ấy muốn nói với con chuyện gì đó.
- Thế ư?... Chieko này, - Takichiro nói vẻ quả quyết. - Nếu có điều gì rủi ro xảy đến với cô ấy, con hãy đưa cô ấy về nhà ta nhé...Cha sẵn sàng nhận cô ấy làm con.
Chieko cúi gằm xuống.
- Cha với bà lão của cha sẽ được an vui hơn nếu như nhà ta thành ra có hai cô con gái.
- Con cám ơn, con cám ơn cha nhiều lắm. - Chieko cúi mình thật thấp, những giọt lệ hàm ơn nóng ấm lăn xuống hai bên má nàng.
- Cha mẹ đã mang tình thương yêu nuôi dạy con từ thuở bé thơ và cha mẹ cũng sẽ đối xử với cô gái ấy đúng như vậy. Có lẽ cô ấy cũng hiền thục giống hệt con. Thế nào con cũng đưa cô ấy về nhé.
Khoảng hai chục năm về trước người ta có định kiến với những ai sinh đôi, chứ bây giờ người ta nhìn nhận điều đó khác rồi... Này, Xighe, lại đây nào, - ông gọi vợ.
- Cha ạ, với tất cả tấm lòng, con cảm tạ cha, duy có điều cô gái Naeko ấy sẽ không bao giờ thuận ở lại nhà ta đâu, - Chieko nói.
- Tại sao thế?
- Chị ấy ngại sẽ gây ngáng trở dù chỉ một chút hạnh phúc của con.
- Sao lại ngáng trở?
-...
- Sao lại là ngáng trở? - Nghiêng đầu ngạc nhiên, Takichiro nhắc lại.
- Con đã bảo chị ấy là cha với mẹ biết rõ mọi chuyện, và đã mời đến nhà ta...nhưng chị ấy sợ rằng những người làm ở cửa hiệu hoặc hàng xóm láng giềng sẽ trông thấy, - Chieko nói, giọng thì thầm có lẫn nước mắt.
- Người làm thì dính dấp gì đến chuyện này? - Takichiro cao giọng giận dữ.
- Cha nói đúng cha ạ, nhưng xin cha cho phép con đi lần này.
- Con đi đi, - Takichiro gật đầu, và hãy nhắn lại với cô gái ấy...với Naeko điều mà cha đã bảo con.
- Vâng thưa cha. - Chieko gài chiếc mũ trùm đầu vào áo khoác, còn chân thì xỏ đôi giày ống cao su.
Bầu trời bên trên Nakaghio quang tạnh từ sáng giờ đã bị mây đen bao phủ. Không khéo, trong Bắc Sơn đang mưa, mà có thể cả tuyết nữa, cô gái nghĩ lúc nhìn về hướng đó.
° ° °
Chieko lên chiếc xe buýt thuộc ngạch đường sắt quốc gia. Chạy vào Bắc Sơn có hai tuyến xe buýt: tuyến của ngạch đường sắt quốc gia và tuyến của thành phố. Lộ trình tuyến của thành phố kết thúc ở con đèo nằm trong vùng ngoại vi phía Bắc Kyoto ngày nay, lộ trình kia còn đi xa hơn nhiều - đến tận Kohama thuộc quận Phukui.
Hành khách trên xe không đông - chắc là bởi sang đông.
Có hai người đàn ông trẻ bắt đầu chằm chằm nhìn Chieko quá chăm chú. Điều này khiến nàng khó chịu, nàng quàng chiếc mũ lên đầu.
- Tiểu thư ơi, xin đừng giấu chúng tôi khuôn mặt xinh đẹp của mình nữa. - Giọng một người trong bọn họ khàn khàn không hợp tí nào với độ tuổi.
- Này không biết xấu hổ à, câm mồm đi! - Người ngồi bên cạnh bắt anh ta im.
Người mà vừa nãy nói với Chieko có đeo còng tay. Anh ta đã làm gì nên tội? Người bên cạnh - một cảnh sát viên, chắc thế - áp giải anh ta đi đâu? - Chieko nghĩ.
Dẫu sao nàng cũng đã lật mũ trùm ra.
Xe buýt đến Takao. Lá đỏ trên những cây phong đã rụng, mùa đông đã buông xuống các cành cây trần trụi.
Naeko đợi Chieko ở bến đỗ gần thác Bodai.
Cô lúng túng mất một thoáng khi thấy bộ y phục khác thường của Chieko, xong lại nhận ra nàng ngay.
- Tiểu thư, rất hân hạnh được chị hạ cố đến chốn rừng núi thâm sơn cùng các chúng em, - Naeko vui sướng reo lên.
- Có gì là thâm sơn cùng cốc đâu nào, - Chieko đáp, rồi chưa kịp cởi găng nàng nắm chặt hai tay Naeko. - Về lần gặp dạo hè trong rừng thông liễu, em rất sung sướng được đến thăm nơi này lần nữa và xin cảm tạ chị.
- Có gì mà phải cảm ơn ạ?... Chính em cũng sợ ghê lắm đấy: nhỡ thình lình sét giáng xuống chúng ta.
- Naeko ạ, - Chieko nói với cô gái lúc họ sánh đôi đi bộ trên đường. - Em rất mừng là chị đã gọi điện cho em. Chị muốn nói với em điều gì vậy?
Naeko ngập ngừng, chưa dám đáp lời ngay. Trên người cô là bộ quần áo làm việc bình thường, đầu buộc khăn bông.
- Thế nhưng có chuyện gì xảy ra vậy? - Chieko năn nỉ.
- Hideo ngỏ ý xin em lấy anh ấy. Mà em thì... - Cô gái vấp chân và níu lấy Chieko cho khỏi ngã..
*
Chieko ôm lấy vai cô.
Lần đầu tiên nàng cảm thấy thân hình Naeko chắc nịch khỏe mạnh biết bao. Dạo ấy, trong cơn giông mùa hạ, nàng hoảng sợ quá đến nỗi không chú ý đến điều đó.
Naeko nhanh chóng ghìm được cơn xúc động, nhưng chưa vội gỡ mình ra: Chắc có lẽ cô thật dễ chịu khi cảm thấy có bàn tay âu yếm của Chieko trên vai mình.
Họ sẽ còn phải tìm chỗ dựa ở nhau không phải một lần, song lúc này thì họ lại đi mà chẳng biết chút gì về điều đó.
- Thế chị trả lời Hideo ra sao?
- Em làm sao mà trả lời ngay lập tức được.
-...
- Hideo đã làm quen với em sau khi tưởng lầm em là chị Chieko. Sự thật thì bây giờ anh ấy cầu hôn chính là với em song đâu đó tận đáy lòng anh ấy còn lưu giữ hình bóng chị.
- Chị nhầm rồi, Naeko!
- Không đâu, em hiểu rõ cả mà, tuy bây giờ sự thể không còn rắc rối như lúc mới xảy ra nữa, nhưng dẫu sao mặc lòng cơ sự vẫn đi đến chỗ tựa hồ em sẽ phải chiếm không đúng chỗ đứng của mình, không phải chỗ của mình mà là của chị... Và Hideo yêu cầu lấy anh ấy làm chồng là bởi anh ấy thấy có chị ở trong em. Đấy là lẽ thứ nhất...
Chieko hồi tưởng lại hồi mùa xuân năm nay nàng dạo trong vườn bách thảo và ngắm loài uất kim hương trổ hoa mãnh liệt ra sao, rồi trên đường về ông Takichiro đưa ra chuyện nàng lấy Hideo, còn bà Xighe thì bực bội sau khi bảo rằng trước hết phải hỏi bản thân Chieko đã: anh ấy có hợp lòng nàng không?
- Lẽ thứ hai là, ở xưởng của Hideo người ta dệt thắt lưng dùng cho kimono. Và chỗ họ có quan hệ với cửa hiệu đằng chị, nếu em lại xuất hiện thì như thế đâu phải là tiện cho chị. Nhưng không bao giờ em ưng thuận chuyện đó đâu. Thà chết còn hơn. Giờ thì chỉ còn có việc em phải đi, nhưng không phải để lấy Hideo làm chồng mà là trốn vào đâu đó xa nữa trong vùng núi cho khuất mắt mọi người...
- Sao chị lại có thể nghĩ như thế hả chị?! - Chieko nắm lấy hai vai cô mà lắc. - Quả là em vừa nói với cha hôm nay rằng em đến chỗ chị. Mẹ cũng biết. Lẽ gì chị cứ phải lẩn tránh gia đình em??
- ...
- Chị có tưởng tượng ra cha đã trả lời em thế nào về chuyện này không? - Chieko lại lắc vai cô gái lần nữa, mạnh hơn. - ông nói: "Nếu có điều gì rủi ro xảy ra với cô gái ấy, với Naeko, thì con hãy đưa cô ấy về nhà nhé"... Em được ghi là người thừa kế dòng họ Xada kia mà. Ấy vậy mà ông bảo rằng sẽ đối xử với chị như là với em, rằng nhà cửa sẽ vui hơn nếu ông bà lại được thêm một con gái nữa.
Naeko cởi chiếc khăn trên đầu.
- Cảm ơn, em cảm kích trước thiện chí của cha chị lắm. - Cô lấy tay che mặt và mất một lúc không nói nổi lời nào. - Em chả còn một người thân nào trên đời, cũng chẳng có ai thực sự giúp đỡ em lúc khó khăn. Nhiều khi cảm thấy sao buồn thế, song em cứ làm việc, làm việc cật lực cho quên đi.
- Dẫu sao đi nữa chị đã định trả lời Hideo thế nào chưa? - Chieko hỏi, cố làm cô gái sao nhãng những ý nghĩ u uất.
- Em không thể trả lời anh ấy ngay được đâu, - Naeko thì thào, rồi rơm rớm nước mắt.
- Đưa đây em. - Chieko đón lấy chiếc khăn bông của cô rồi bắt đầu chùi những giọt lệ ở khóe mắt, ở má. - Bộ dạng khóc lóc thế này làm sao xuất hiện ở làng được.
- Đừng ngại chị ạ! Em vừa bạo vừa khỏe - làm bằng hai người khác nhưng lại... mau nước mắt.
° ° °
Naeko dụi mặt vào ngực Chieko và òa lên thành tiếng.
- Thế này thì còn biết làm sao với chị đây - Chieko vỗ nhẹ lưng cô - Naeko, chị nín ngay đi, không là em về đấy.
- Ấy, ấy không, chị đừng đi. - Cô gái hoảng sợ thốt lên. Rồi lấy chiếc khăn ở tay Chieko mà chà vào mặt thật mạnh.
Về mùa đông chả ai để ý đến những gò má ửng hồng - người ta cho là vì lạnh. Chỉ có điều mắt còn đỏ, nên Naeko kéo sụp khăn xuống trán.
Hai cô gái im lặng bước đi một lúc.
Trên rặng thông liễu, cành đã bị đốn quang đến tận phần trên.
Chỉ ở ngọn cây mới còn lại chút lá và Chieko có cảm tưởng như vậy vào tiết đông, chỗ ấy trổ ra những đóa hoa màu xanh thầm kín.
Tin là Naeko đã ít nhiều nguôi ngoai, Chieko nói:
- Hideo là một thợ dệt tuyệt vời, hơn nữa bản thân anh ấy vẽ phác thảo thắt lưng rất đẹp, mà nói chung em cảm thấy anh ấy là người đứng đắn, người có thể tin cậy được.
- Vâng, - Naeko đáp. - Chị biết không, dạo Hideo tiên sinh mời em dự lễ Kỷ Nguyên, anh ấy ngắm đám rước áo quần lộng lẫy không bằng ngắm rặng thông xanh trong vườn hoàng cung.
- Có gì là lạ đâu. Chắc anh ấy đã thấy đám rước như vậy nhiều lần.
- Không phải, em thấy sự thể ở đây khác cơ. - Naeko khăng khăng.
- ...
- Sau lúc rước xong, anh ấy mời em về nhà.
- Về nhà? Về chỗ anh ấy ư? - Chieko ngạc nhiên.
- Vâng. Anh ấy có hai người em trai. Anh ấy dẫn em ra mảnh đất trống sau nhà và nói: Khi nào chúng em cưới nhau, anh ấy sẽ dựng ở đây một căn nhà nhỏ, hay túp lều gì đấy cũng được rồi sẽ chỉ dệt cái gì anh ấy thích.
- Vậy thì tuyệt biết mấy.
- Tuyệt ư?? Hideo muốn cưới em bởi vì thấy chị trong em, hình bóng chị ở trong em! Em biết lắm.
Chieko im lặng bước đi bên cạnh, không biết phải trả lời sao.
Ở triền sông phía bên, hẹp ngang hơn cả con đường họ đang đi, đám phụ nữ đánh bóng gỗ đang nghỉ. Từ đống lửa họ sưởi một làn khói nhỏ bay cao lên.
° ° °
Họ đến gần ngôi nhà vốn là của Naeko. Đúng hơn, đó không phải là nhà mà là túp lều tội nghiệp. Nhà không ai trông nom: mái gianh xiêu vẹo, qua đấy đôi chỗ trơ cả cạnh vì kèo. Song như thường thấy trong làng, trước nhà có một mảnh vườn nhỏ, trong đó có một cây nandina mặc sức mọc cao, đầy trời màu đỏ. Bảy tám nhánh thân nó đan vào nhau chằng chịt.
Naeko nhìn ngôi nhà mà không có vẻ gì là đặc biệt xúc động. Nói cho Chieko biết ngôi nhà ấy chăng, hay im lặng, Naeko lưỡng lự. Nói cho đúng ra, Chieko ra đời ở quê mẹ, vị tất đã được đưa đến đây, nên chị ấy chả có gì liên quan tới ngôi nhà này cả. Ngay đến bản thân cô cũng không nhớ ra liệu đã khi nào mình sống ở ngôi nhà này chưa.
Chieko đi lướt qua, không để ý đến ngôi nhà. Nàng cố trông lên những rặng núi phủ thông liễu mà thôi. Nên Naeko quyết định không nói gì với nàng hết.
Các vòm lá còn lại trên ngọn những cây thông liễu đối với Chieko có vẻ như là những đóa hoa mùa đông. Mà quả thực chúng là loài hoa của mùa đông.
Hầu như cạnh ngôi nhà nào cũng có những súc gỗ tước vỏ, đánh bóng, xếp thành hàng, đang khô dần. Những súc gỗ đẹp hơn bất cứ bức tường nào được dựng lên từ những cây gỗ ấy.
Cả rặng thông liễu trên núi với hàng thân cân đối, thẳng băng mà bên dưới chúng hiện rõ đám cỏ đã hơi héo úa cũng rất đẹp.
Giữa các thân cây hé ra một khoảng trời xanh...
- Mùa đông chúng càng đẹp hơn, đúng không? - Chieko nói.
- Có thể. Em quá quen với chúng nên khó mà kết luận được. Về mùa đông lá thông liễu có màu tựa như xuxuki 1.
- Chúng tựa như hoa ấy.
- Tựa như hoa? - Sự so sánh bất ngờ khiến Naeko lại ngó lên rặng thông liễu lần nữa.
Họ đi tiếp chút nữa rồi dừng lại, bên một nhà lớn kiểu cổ. Ý chừng nó là của người chủ lô rừng lớn. Bờ giậu không cao - bên trên sơn trắng - còn bên dưới bịt các mảnh ván quét sơn Ấn Độ. Phía trên bờ giậu có lưỡi trai che về hai phía bằng ngói.
- Ngôi nhà kiên cố quá, - Chieko nói.
- Tiểu thư ạ, em ở nhà này đấy. Chị có muốn ghé vào một chút không?
- ...
- Xin cứ tự nhiên, em sống ở đây với gia chủ thấm thoắt đã mười năm rồi.
° ° °
Naeko cứ mấy lần nhắc đi nhắc lại rằng Hideo muốn cưới cô làm vợ bởi còn giữ trong lòng hình bóng Chieko. Nhưng hình bóng thì dính dáng gì đến chuyện này cơ chứ, Chieko nghĩ, nữa là một khi đang nói đến cuộc sống hôn nhân.
- Naeko ạ, lúc nào chị cũng nói "hình bóng", "hình bóng", thế nói trắng ra thì chị ngụ ý gì? - Chieko nghiêm mặt hỏi.
- ...
- Lẽ nào hình bóng lại có một hình thù, lẽ nào có thể lấy tay sờ nó được? - Nàng nói tiếp và đột nhiên cảm thấy mình đỏ mặt: nàng hình dung Naeko - cô gái mà có lẽ giống nàng như hai giọt nước không chỉ ở nét mặt mà cả ở tất cả những gì còn lại - sẽ thuộc về người đàn ông ra sao.
- Đã đành hình bóng không có hình thù, nhưng có thể được lưu giấu trong trái tim người đàn ông, trong tâm hồn anh ta và ai biết được còn ở những đâu nữa.
- ...
Khi Naeko đã là bà lão sáu mươi thì hình bóng chị, Chieko ạ, vẫn còn trẻ mãi trong trái tim Hideo hệt như chị bây giờ.
Câu nói này khiến Chieko bị bất ngờ.
- Chị nghĩ ngợi đến thế kia ư? - Nàng hỏi.
- Một hình bóng đẹp, một ước vọng tuyệt vời không thể nào già đi hay làm người ta chán được.
- Thôi chị đừng nói nữa, - cuối cùng Chieko phản đối.
- Hình bóng, ước vọng thì không thể lấy chân mà đạp, - không thể xéo lên nó. Kẻ nào cố tình làm việc đó, kẻ ấy sẽ vấp ngã.
- Vậy đấy. Chieko kéo dài giọng, khi cảm thấy trong lời lẽ Naeko có giọng ghen tuông. - Nhưng liệu cái "hình bóng" ấy có tồn tại thực không?
- Nó đây này, - Naeko chạm tay vào ngực nàng.
- Em hoàn toàn không phải là "hình bóng", không phải là "ước vọng". Em là chị em sinh đôi với chị.
- Chứ nếu không thì chị, Naeko ạ, cũng là người chị - hình bóng không hình hài đối với lòng em sao?
- Không, không? Chính là chị kia! Hẳn là thế rồi, một khi đang nói đến Hideo...
- Thôi nào, quá rồi đấy. - Chieko cúi gằm xuống, lặng lẽ bước đi đến mấy phút, rồi nhìn thẳng vào mắt Naeko và nói:
- Ta hãy gặp nhau tay ba và nói chuyện thẳng thắn nhé.
- Nói chuyện thẳng thắn cũng có nhiều loại: có khi thật lòng mà có khi không.
- Chị không quá cả nghi đấy chứ, Naeko?
- Không đâu, nhưng em cũng có lòng tự tôn riêng...
- ...
- Mây đen ở rặng Xiudzan đang lại gần Bắc Sơn rồi. Chị trông chỗ thông liễu kìa.
Chieko ngước mắt lên.
- Về luôn đi tiểu thư. Có lẽ sẽ có mưa tuyết ẩm ngay bây giờ đấy.
- Ngay từ nhà em đã nghĩ đến chuyện ấy nên đã mang áo khoác theo rồi.
Chieko tháo găng rồi chìa tay cho Naeko nói:
- Sao lúc nào chị cũng gọi em là tiểu thư, không lẽ nó giống như tay một tiểu thư ăn không ngồi rồi ư?
Naeko dùng cả hai tay nắm lấy tay Chieko và xiết thật chặt.
° ° °
Chieko đúng là không để ý thấy mưa đã rơi. Còn Naeko mải đắm vào những suy nghĩ riêng, hình như cũng không chú ý đến điều đó.
Chieko nhìn lên núi. Các đỉnh núi bao phủ trong tấm màn mờ đục. Còn những thân thông liễu mọc ở chân núi thì ngược lại, thành ra rõ nét hơn. Những ngọn đồi thấp hơn rặng núi một chút đã mất đi hình thù rõ rệt, thấp thoáng ló ra trong sương mù. Vào mùa này trong năm ở Kyoto thường hay như vậy.
Đất dưới chân ẩm ướt.
Núi thành ra xám xám, chúng đã hoàn toàn phủ kín trong màn sương đượm đầy hơi ẩm.
Sương mù nặng lên, trườn dần xuống một lúc thấp hơn theo các sườn núi, giữa tấm màn màu xám của nó đã xuất hiện những vệt trắng. Bắt đầu mưa có kèm theo tuyết ướt.
- Quay về nhanh lên chị. - Naeko nói, sau lúc nom thấy từ xa những vệt trăng trắng. Đấy chưa phải là tuyết thực sự mà là những hạt tuyết ướt, lúc biến mất, lúc lại xuất hiện trở lại trong sương mù. Tuy vẫn còn ban ngày mà dưới triền sông chẳng khác nào đã đến lúc hoàng hôn - rồi ngay tức khắc trời trở lạnh.
Đối với Chieko - một người sống ở Kyoto - thì sự thay đổi thời tiết như thế trên Bắc Sơn không có gì lạ.
- Về đi chị, chừng nào còn chưa biến thành một ảo ảnh lạnh cóng, - Naeko nói.
- Chị lại nói đến cái gì không hình hài rồi, - Chieko bật cười. - Em có mang theo áo khoác với mũ trùm mà, với lại thời tiết mùa đông ở Kyoto thay đổi nhanh lắm. Loáng một cái là mặt trời sẽ lại ló ra thôi.
- Dẫu sao chị nên trở về nhà thì hơn, - Naeko vừa nói vừa trông lên trời. Cô nắm chặt tay Chieko.
- Naeko ạ, sự thực thì chị đã quyết định lấy chồng chưa? - Chieko hỏi.
- Chuyện ấy thực sự em chưa nghĩ tới. - Cô cầm lấy chiếc găng từ tay Chieko rồi dịu dàng và thận trọng xỏ vào tay cho nàng.
- Hãy đến chỗ em nhé. - Chieko nói.
- ...
- Em xin chị, một lần duy nhất thôi cũng được. Chị đến nhé, lúc cửa hiệu không có người làm ấy.
- Buổi tối phải không? - Naeko ngạc nhiên.
- Tất nhiên. Chị sẽ ngủ lại ở nhà em. Cha mẹ bây giờ biết hết về chị rồi.
Mắt Naeko ánh lên sung sướng, song cô vẫn chưa biết trả lời ra làm sao.
- Ít nhất ta hãy sống với nhau lấy một đêm thôi.
Naeko quay người đi, vội vã quệt nước mắt. Nhưng chắc Chieko đã nhìn thấy...
Lúc nàng về đến nhà, cả ở đấy bầu trời cũng đầy mây đen, nhưng chưa mưa.
- Hay quá, thế là kịp, khỏi bị mưa, - bà Xighe mừng rỡ. - Cha đang đợi con, ông ấy ở phòng đằng kia.
° ° °
- Cha ạ! Thưa cha con đã về... - Chieko nói lúc bước vào phòng.
- Con đã nhắn cô gái lời cha đề nghị rồi chứ? - Takichiro thậm chí không nghe cho hết câu chào của Chieko.
- Rồi ạ.
- Thế cô ấy sao?
- Dạ-ạ... - Chieko kéo dài thời gian, không biết phải trả lời cha thế nào. Giải thích mọi chuyện một cách vắn tắt đâu phải đơn giản.
Nói chung nàng hiểu tâm trạng Naeko, nhưng bản thân nàng cũng không phải đã tỏ hết ngọn ngành. Naeko nói, thật ra Hideo muốn lấy nàng, lấy Chieko cơ, song anh đã từ bỏ ý định ấy vì cho là mình không xứng đáng với nàng, thế nên anh cầu hôn Naeko, người giống nàng như hai giọt nước. Naeko đã hiểu ra ngay điều đó bằng trái tim con gái nhạy cảm của mình. Không phải vô cớ cô nghĩ ra một luận lý về "cái hình bóng hư ảo". Có thật là Hideo, trong khi vẫn say đắm Chieko lại quyết định bằng lòng với việc lấy Naeko làm vợ không? Rất có thể, sự thể đúng như vậy, không hề tự phụ, Chieko nghĩ.
Nhưng cũng có thể mọi sự không đơn giản như vậy chăng?
Những ý nghĩ ấy khiến Chieko bối rối và mặc dù trong ánh trang tối tranh sáng cha không nhìn kỹ được nàng, nàng vẫn cảm thấy mình đỏ mặt.
- Không lẽ cô gái... Naeko ấy chỉ muốn gặp mặt con thế thôi? - Takichiro hỏi. Dạ, - Chieko đáp vẻ dứt khoát. - Chị ấy nói là Hideo bên nhà Otomo hỏi xin cưới chị ấy. - Giọng Chieko hơi run.
- Ra thế ư? - Takichiro im lặng nhìn Chieko một lúc. Hình như ông đã phỏng đoán điều gì mà chưa nói ra thành tiếng.
- Vậy là lấy Hideo à? Thôi được... Hideo bên nhà Otomo là một đám khá đấy...Cơ hồ, với con thì anh ta chưa xứng đôi... Nhưng trong chuyện anh ta chọn Naeko, có lẽ cũng là tại con.
- Cha ạ, con nghĩ chị ấy sẽ không lấy Hideo đâu.
- Sao thế?
- ...
- Sao nào, cha hỏi? Theo cha thì thế là đẹp đôi đấy.
- Vấn đề không phải là ở chỗ đẹp đôi hay không đẹp đôi. Cha cố nhớ cái lần ở vườn bách thảo, cha yêu cầu con lấy Hideo không? Naeko đoán ra chuyện ấy.
- Bằng cách nào chứ?
- Sau nữa, chị ấy cho rằng giữa xưởng dệt của Hideo và cửa hiệu nhà ta còn có quan hệ giao dịch.
Takichiro ngỡ ngàng ngừng lời.
- Thưa cha, xin cha cho phép chị ấy đến thăm nhà ta chỉ một tối thôi. Con cúi xin cha.
- Được chứ sao. Mà chuyện ấy việc gì phải xin. Cha chả nói thậm chí sẵn lòng nhận cô ấy làm con là gì?
- Điều này thì không bao giờ chị ấy ưng thuận, nhưng một tối...
Takichiro nhìn Chieko đầy cảm thông.
Từ phòng bên vọng sang tiếng đóng các cánh cửa sổ...
- Con đi giúp mẹ đây, - Chieko nói rồi rời khỏi phòng.
Chỉ khẽ nghe tiếng các giọt nước bắt đầu gõ vào mái ngói.
Takichiro lặng đi, lắng nghe tiếng mưa rơi.
° ° °
Midzuki - cha của Riuxuke và Shinichi - mời Takichiro đi ăn đối ở quán ăn "Xaami" trong công viên Maruyama. Ngày mùa đông ngắn, nên ở đây, từ trên cao, có thể thấy rõ các ánh đèn đêm đang bật sáng trong thành phố. Bầu trời màu xám không một dấu hiệu của buổi chiều tà. Cả thành phố nữa, ngoại trừ những ánh đèn lóe lên chỗ này chỗ nọ, dường như cũng mang cùng màu ấy. Màu của Kyoto mùa đông.
Midzuki - một thương gia lớn ở vùng Muromachi - vốn điều hành doanh nghiệp rất thạo và có qui mô. Nhưng hôm nay thì người đàn ông cương quyết này phải cố giấu sự lúng túng của mình bằng câu chuyện phiếm cho qua thời gian.
Phải sau mấy chén sake, lúc mà Midzuki đã chếnh choáng một chút, ông mới đề cập đến điều chủ yếu mà vì nó ông có lời mời Takichiro.
Takichiro đã đoán được, sẽ là chuyện gì.
- Số là Midzuki ngập ngừng mào đầu, - thưa Xada tiên sinh, vậy là cô con gái đã nói với ngài về lời đề nghị của thằng Riuxuke nông nổi nhà tôi chưa?
- Tôi cũng không được rõ mọi chuyện cho lắm nhưng tôi trông mong rằng, Riuxuke có dụng ý tốt.
- Ngài cho như vậy à? - Midzuki đã thấy yên tâm. - Vả chăng, cái thằng cứng đầu cứng cổ này nó cũng giống như tôi thời trẻ, hễ nó tâm niệm điều gì đố ai can nổi. Thực tình mà nói, tôi lúng túng...
- Tôi có phản đối đâu.
- Thôi thì, một khi ngài đã biểu lộ sự đồng ý, dường như tôi cũng được trút gánh nặng. - Quả thực Midzuki thở phào nhẹ nhõm. - Hết sức cúi xin thứ lỗi là đã làm phiền ngài. - ông lễ phép cúi đầu tạ.
Dù rằng việc kinh doanh ở chỗ Takichiro hoàn toàn không phải là mĩ mãn, ý đồ của một người ít tuổi, thực tế còn là thanh niên, định từ một cửa hiệu y như thế đến ông để chấn chỉnh công việc, không khéo sẽ có vẻ như mang tính cách lăng nhục.
- Chúng tôi sẽ rất sung sướng được cậu ấy giúp đỡ, - Takichiro nói, - nhưng liệu vắng Riuxuke có tổn hại cho hãng buôn của ngài không?
- Xin ngài chớ ngại chuyện đó. Hiện thời Riuxuke chưa phải thông thạo gì lắm việc kinh doanh. Song với tư cách người cha tôi có thể nói rằng: nó là người kiên nhẫn và có ý chí.
- Quả là đúng thế! Tôi nhớ, cậu ấy đến cửa hiệu nhà tôi ngồi đối diện viên quản lý với vẻ mặt kiên quyết... Tôi ngạc nhiên đấy.
- Cái thằng bất trị! - Midzuki uống cạn một chén sake nữa. - Thưa Xada tiên sinh...
- Tôi nghe ngài đây ạ.
- Nếu ngài cho phép Riuxuke - dù không phải ngày nào cũng vậy - đỡ đần ngài ở cửa hàng, thì tôi thiết tưởng cả Shinichi cũng sẽ khôn ngoan ra. Đấy sẽ là sự nâng đỡ rất nhiều cho tôi. Shinichi vốn dĩ mềm mỏng, nhân hậu, thế mà Riuxuke thì cứ luôn trêu chọc nó, gọi nó là "chú tiểu bé bỏng". Đối với Shinichi đó là một biệt hiệu vô cùng xúc phạm. Mà mọi sự chỉ tại thuở bé có lần người ta cử nó làm chú tiểu và bắt đi kiệu trong lễ Ghion.
- Cậu ấy là chú bé điển trai lắm, ngay từ hồi bé Chieko đã kết bạn với cậu ấy...
- Lại nói đến Chieko. - Midzuki đón ngay ý, rồi ấp úng.
° ° °
- Lại nói đến Chieko, - ông nhắc lại và gần như có vẻ bực bội nói tiếp: Thế nào mà ngài nuôi dạy cô gái tuyệt vời nhường ấy, đã thế lại là một giai nhân thực sự nữa?
- Đâu phải công lao cha mẹ. Cháu nó được như thế cũng là do ở nó. - Takichiro vội đáp.
- Tiên sinh Xada ạ, cửa hiệu của chúng tôi với của ngài đại thể cũng như nhau cả thôi, có gì để chúng ta phải học tập nhau lắm đâu. Tôi mong ngài hiểu cho, vì lẽ gì bỗng dưng Riuxuke lại rất muốn như vậy: nó ao ước dù chỉ một tiếng đồng hồ thôi được ở cạnh Chieko.
Takichiro gật đầu, Midzuki lau trán - cái trán cũng giống như trán Riuxuke, - rồi nói tiếp:
- Tôi đến xấu hổ vì thằng nhãi ranh này, tuy thế tôi xin cam đoan với ngài, nó sẽ làm ăn cần mẫn. Xin ngài tin rằng, tôi nhất quyết không muốn tỏ ra hay phiền nhiễu, nhưng nếu vạn nhất một lúc nào đó Chieko có động lòng đoái hoài đến một kẻ nông nổi như Riuxuke thì không biết ngài có thuận tình thu nhận nó vào gia đình mình không? Trong trường hợp ấy, tôi sẵn sàng từ bỏ nó trong tư cách người thừa kế. Xin ngài lượng thứ cho vì tôi đã có lời thỉnh cầu quá ư vô lễ. Midzuki cúi đầu.
- Ngài sẵn sàng từ bỏ người thừa kế sao? - Takichiro sửng sốt kêu lên. - Từ bỏ người thừa kế mà cả một doanh nghiệp đồ sộ đáng phải chuyển giao sao?...
- Hình như, hạnh phúc không ở cảnh giàu sang... Dạo gần đây, quan sát Riuxuke, tôi càng vững tin điều đó.
- Dự định thật đáng trân trọng, nhưng dẫu sao ta hãy để hai trái tim non trẻ định đoạt số phận mình, - Takichiro đáp lại có ý né tránh. - Ngài có biết Chieko là con bỏ rơi không ạ?
- Thế thì đã sao?... Xada tiên sinh, xin ngài giữ kín câu chuyện của chúng ta hôm nay...Ngài cho phép Riuxuke đến giúp việc ở cửa hiệu ngài chứ ạ?
- Vâng.
- Cảm tạ ngài vô cùng. - Midzuki như trút được mối ưu tư đè nặng trong lòng, nên ngay cả thứ sake mà lúc này ông uống có vẻ ngon hơn.
Hôm nay Riuxuke có mặt ở cửa hiệu Takichiro ngay từ sáng.
Anh gọi viên quản lý và người bán hàng lại rồi bắt tay vào việc kiểm kê hàng hóa. Vải trắng và màu, lụa hoa, các thứ lụa hitokoxi, omexi, mayxen; hàng uchikake 2, kimono tay áo dài, vừa và ngắn; gấm vóc quý, các loại vải có thêu ren, kimono mặc ra đường, kimono mặc ngày lễ, kimono may đơn chiếc theo đơn đặt hàng, thắt lưng cho kimono, các thứ lụa lót, đồ trang phục lặt vặt...
Riuxuke không nói không rằng, mắt nhìn các hàng hoá bày ra la liệt Viên quản lý chỉ thỉnh thoảng mới đưa mắt liếc nhìn Riuxuke đang mặt mũi sa sầm rồi ngay lập tức lại lảng mắt đi.
Riuxuke ra về trước bữa ăn tối vì ngại người ta sẽ mời anh cùng ăn.
Đến tối thì có tiếng gõ khe khẽ cửa hàng rào. Chỉ mình Chieko nghe thấy. Nàng đưa Naeko vào nhà.
- Cảm ơn chị đã đến, Naeko ạ, cho dù buổi tối trời lạnh quá.
- Chieko này, em có thể đến chào cha mẹ chị được không?
- Nhất định rồi! Ông bà sẽ rất vui mừng được gặp chị. - Chieko ôm vai cô gái dẫn lại gian phòng phía xa. - Chị ăn cơm tối nhé? - Nàng hỏi.
- Cảm ơn, em vừa ăn xuxi 3 xong.
Naeko chào hỏi Takichiro và Xighe rồi im bặt. Cô cảm thấy mình lúng túng. Cha mẹ Chieko thậm chí cũng không lên tiếng gạn hỏi cô điều gì - họ quá sửng sốt trước sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa cô và Chieko.
° ° °
- Chieko ạ, các con cứ lên gác đi. Trên ấy có thể bình tĩnh mà chuyện trò, sẽ chẳng có ai làm phiền các con cả, - Xighe gỡ ra giúp họ.
Chieko nắm tay cô gái, dẫn về phòng mình qua lối hành lang hẹp rồi nhóm lửa trong chiếc lò sưởi nhỏ.
- Naeko, chị lại đây tí nào. - Họ đứng cạnh nhau trước tủ gương.
- Giống quá! - Chieko thốt lên khi cảm thấy một xúc cảm nồng nàn, như con sóng dâng lên trong lòng nàng. Họ đổi chỗ và lại nhìn vào gương lần nữa. Lạ thật? Giống như đúc ấy.
- Thì chúng ta là chị em sinh đôi kia mà, - Naeko từ tốn đáp.
- Nếu người ta ai cũng chỉ có toàn con sinh đôi thì sẽ ra sao nhỉ?
- Thì hẳn phải xảy ra tình trạng hết sức rối rắm. - Naeko lùi lại một bước, lệ trào ra trong mắt cô. - Ôi, chả ai biết số phận mình đã định ra sao, - cô thì thầm.
Chieko lại gần cô gái và âu yếm đặt tay lên vai cô.
- Chị Naeko, ở lại với em nhé. Cha mẹ sẽ hết sức vui mừng... Có mình em ở đây buồn lắm... Em hiểu, sống trong vùng núi giữa bốn bề thông liễu thì khoáng đạt hơn...
Naeko loạng choạng rồi đứng không vững vàng nữa, cô khuỵu gối xuống. Cô đau khổ lắc đầu, những giọt nước mắt lăn trên má cô và rơi xuống đầu gối.
- Tiểu thư ạ, - cô thì thầm, - chúng ta đã quen với nếp sống khác nhau. Em không thể nào ở đây, ở nhà chị được. Song em đã quyết định đến nhà chị chỉ một lần, một lần duy nhất thôi. Dù chỉ để mọi người thấy em mặc chiếc kimono chị đã tặng...Với lại, chính chị đã từng đến làng với em hai lần...
- ...
- Tiểu thư ạ, cha mẹ đã lén vứt bỏ chị lúc chị còn ẵm ngửa. Em không rõ tại sao ông lại chọn đúng chị.
- Em đã quen chuyện đó lâu rồi và thậm chí cũng không nhớ là em từng có ông bà nữa, - Chieko thật thà đáp.
- Ông bà đã phải chịu trừng phạt vì việc đó. Vậy mà em có cảm giác...Chứ riêng em lúc ấy còn là đứa bé, không thể làm gì giúp chị được. Nhưng dẫu sao cũng xin chị tha thứ cho em.
- Nhưng phải chăng chị, Naeko, lại có lỗi gì sao?
- Không, em không có lỗi... Nhưng em đã nói rồi, chị còn nhớ không? - Naeko sẽ không bao giờ làm gì dù chỉ chút xíu có thể gây tác hại cho hạnh phúc của chị, cô nói rồi tiếp thêm chỉ vừa đủ nghe: - Em sẽ cố sao để chị không còn trông thấy em nữa.
- Không, không được, em không muốn thế đâu đấy? - Chieko kêu lên. - Sao chị cứ muốn làm phật lòng em một cách oan uổng như vậy? Chị khổ lắm ư, Naeko?
- Không, chẳng qua em thấy buồn quá.
- Hạnh phúc thật ngắn ngửi, còn buồn đau thì bất tận... Ta đi nằm đi rồi nói chuyện tiếp. - Chieko bắt đầu lấy đồ ngủ từ ngăn trong tường ra.
- Hạnh phúc... Nó ra sao nhỉ? - Naeko thì thầm lúc làm đỡ nàng.
Rồi bỗng nhiên cô lặng người đi lúc ngước mắt lên trần. Chieko cũng lắng tai nghe.
- Mưa nhỏ à? Tuyết rơi chăng? Hay tuyết cùng với mưa? - Nàng hỏi.
- Chắc là tuyết nhẹ thôi. - Naeko đáp.
- Tuyết ư?
- Tuyết đấy, nhưng chưa thành hẳn. Nó rơi hầu như không có tiếng động.
- Em hiểu.
- Thứ tuyết này trong vùng núi chúng em đôi khi vẫn thấy. Cứ đang làm việc, cắm cúi trên các súc gỗ, thì nó đã đọng trên lá thông liễu thành một lớp trắng tinh lúc nào không biết. Nhìn lên thì dường như những bông hoa trắng đã thình lình nở rộ. Còn trên những cây rụng lá về mùa đông, nó phủ hết các cành, kể cả những cành mảnh nhất. Và xung quanh thật đẹp làm sao.
- Chẳng mấy chốc nó lại hết, mà có lẽ chuyển thành tuyết ướt hoặc thành mưa nhỏ cũng nên.
- Ta cứ mở cánh cửa sổ ra mà trông, - Chieko đề nghị, - nhưng Naeko đã ôm vai ngăn nàng lại:
- Không nên. Ta sẽ làm khí lạnh vào đầy nhà mất... Và ảo mộng sẽ tiêu tan.
- Ẳo ảnh, ảo mộng. Chị hay nói đến điều đó quá, Naeko:
- Ẳo mộng ư?... - Naeko cười gằn. Khuôn mặt tuyệt đẹp ở cô đượm buồn.
Chieko bắt tay vào trải giường.
- Hãy cho em ít nhất cũng một lần sửa soạn giường cho chị, - Naeko chợt tỉnh.
Họ trải giường cạnh nhau, nhưng Chieko đã trườn mình trước vào chăn Naeko.
- Ôi Naeko, người chị ấm làm sao.
- Có lẽ đấy là do em làm việc nhiều, hơn nữa em không sống ở thành phố, mà trong cái làng nhỏ vùng núi...
Cô dịu dàng ôm lấy Chieko:
- Đêm hay trời trở rét đây, nhỡ ra chị bị cóng. - Dường như bản thân Naeko tuyệt nhiên không thấy lạnh. - Bụi tuyết sẽ trút xuống, rồi ngừng, rồi lại lần nữa... Đêm nay...
- ...
Có tiếng chân ngoài cầu thang. Ông Takichiro và bà Xighe đã lên phòng kế bên. "Có lẽ, ông bà sẽ đắp chăn điện mà ngủ: người già hay bị rét", - Chieko nghĩ.
- Chieko ạ, giờ thì giường này ấm lên rồi, em sang giường kia đây, - Naeko nói thì thầm với nàng.
° ° °
Đến khuya, Xighe khẽ dịch ra, liếc nhìn căn phòng hai cô gái đang ngủ.
Sáng hôm sau, Naeko thức dậy rất sớm. Cô khe khẽ đánh thức Chieko và nói:
- Tiểu thư ạ, đêm rồi là đêm hạnh phúc nhất trong đời em. Còn bây giờ em đi đây, trong lúc chưa ai ở đây thấy em hết.
Naeko đã đoán đúng: hồi đêm có tuyết nhẹ rơi.
Hình như nó cũng lúc trút xuống, lúc ngừng. Và bây giờ thì lạnh lẽo ánh lên trong ánh sáng ban mai.
Chieko rời giường đứng dậy.
- Naeko, chị chả mang gì đề phòng trời mưa cả. Chị đợi một chút nhé. - Nàng lựa ra cái áo khoác nhung tốt nhất của mình, kèm thêm vào chiếc ô gấp và đôi ghệt cao rồi trao cho Naeko.
- Quà tặng của em đấy. Chị lại đến nữa nhé?
Naeko lắc đầu.
Níu lấy cửa hàng rào, Chieko cứ mãi trông theo dáng hình cô gái đang xa dần. Naeko không ngoảnh lại. Những bông tuyết rơi xuống tóc Chieko và tức khắc tan ra. Thành phố vẫn còn ngủ.
THÁI VĂN HIẾU dịch
(In theo bản của Nhà xuất bản Hải Phòng 1988)
--------------------------------
1 Xuxuki: cỏ chè vè Trung Hoa, loài cỏ lưu niên thuộc họ cây thảo, cao đến hai mét. 2 Uchikake: trang phục cổ may theo kiểu kimono. 3 Xuxi: bánh bột gạo, có cá, trứng, rau và thêm dấm, đường.
Sen: là thứ hoa linh thiêng trong đạo Phật, biểu tượng của sự thanh khiết và chân lý.
VI. NHỮNG CÀNH THÔNG XANH
Takichiro được biết là gần chùa Nandgendgi có một ngôi nhà thích hợp người ta rao bán, nên ông rủ Xighe và Chieko đi thăm thử xem. Nhân thể cũng làm cuộc dạo chơi để hưởng tiết ấm trời đầu thu.
- Mình định mua đấy à? - Xighe.
- Trước hết phải xem cái đã, - Takichiro cáu kỉnh đáp. - Tôi cần một căn nhà nhỏ mà rẻ rẻ thôi. Thậm chí có không mua thì chẳng qua là đi dạo, - không tốt à?
- Tất nhiên cũng tốt thôi...
Lòng Xighe đầy lo lắng. Nếu mua nhà, hàng ngày họ phải đạp xe tới cửa hiệu. Ở Kyoto này đã có nhiều thương gia trong quận Nakaghio sống tại những căn nhà tách biệt với cửa hiệu nhà mình giống như các chủ cửa hàng ở Ghinxe và Nhihonbaxi bên Tokyo. Tuy nhiên, vậy cũng còn chưa đến nỗi nào. Nhất là lúc này Takichiro còn có điều kiện tậu nhà hơn, cho dù hồi gần đây công việc ở cửa hàng không được tốt. Nhưng ngộ nhỡ ông định mua nhà để bán cửa hiệu lui về nghỉ hưu thì sao? Cứ cho rằng có thể ông quyết định tậu nhà trong lúc còn có một khoản tiền dư. Song, nếu vậy ông sẽ sống bằng gì? Của đáng tội, Takichiro đã ngoại ngũ tuần từ lâu, nên ông có quyền hành động thế nào tùy ý. Người ta sẽ trả cái cửa hiệu món tiền không nhỏ, mà dù sao chăng nữa sống bằng số lãi phần trăm cũng buồn. Tất nhiên, có thể tìm được một người đáng tin cậy đầu tư khoản tiền bán cửa hiệu cho có lợi, song Xighe chưa nhớ ra một ai trong số những người quen biết.
Mặc dù Xighe không hé nửa lời nhưng Chieko đã ngay lập tức cảm thấy mối lo ám ảnh bà. Nàng âu yếm nhìn mẹ để cố làm cho bà yên tâm.
Takichiro thì ngược lại, đang rất phấn chấn.
- Cha ơi, nếu đã đến gần chỗ Nandgendgi thì có lẽ ta rẽ cả sang Thanh thiên Sen nữa - chỉ dừng ở lối vào một lát thôi cũng được, - Chieko yêu cầu lúc họ lên xe.
- Cha hiểu rồi, con muốn ngắm cái cây long não ấy chứ gì?
- Vâng! - Chieko ngạc nhiên trước sự tinh ý của Takichiro.
- Ừ thì ta rẽ. Cha con thời trẻ vẫn gặp gỡ bạn bè dưới bóng cây long não ấy luôn, Chieko ạ. Bọn cha chuyện trò thôi thì đủ thứ. Bây giờ thì chẳng còn ai ở Kyoto nữa.
- Ở đấy đối với cha có nhiều chỗ đáng ghi nhớ lắm.
Chieko im lặng một lúc, cố khỏi làm phiền cha vẫn đắm mình trong hồi ức, sau đấy nàng nói:
- Con cũng đã lâu chưa thấy cây long não này, - kể từ hồi ra trường. Mà cha có biết không, tham quan chùa Thanh thiên Sen được kể là một trong các lộ trình du lịch buổi tối đấy. Ở đấy có các vị tăng ni cầm đèn lồng đón du khách. Đã có lần con đi chuyến xe buýt du lịch ấy.
Con đường dẫn từ xe buýt tới lối vào chùa mà du khách đi bộ dưới ánh đèn lồng khá dài và thú vị. Song cũng vì thế mà tính chất hấp dẫn của cuộc thăm viếng ngôi chùa bị cạn kiệt.
Trong sách hướng dẫn du lịch có nói rõ rằng, các vị ni cô chùa Thanh thiên Sen có bày nghi thức trà đãi du khách.
- Thực ra thì người ta nhất loạt đưa tất cả vào một gian phòng lớn, bày ra một khay to tướng những cái chén xấu xí, du khách uống hết trà cho mau rồi rút lui, - Chieko bật cười. - Của đáng tội được cái cũng có vài vị ni cô có mặt, nhưng nghi thức - nếu có thể gọi cảnh uống trà như thế là nghi thức - thì diễn ra nhanh đến chóng mặt. Con cũng phải phát chán, đã thế trà chỉ hơi âm ấm.
- Đành vậy thôi. Chứ nếu người ta nghiêm thủ mọi quy tắc thì riêng việc uống trà đã hết bao nhiêu thời gian rồi...
- Vậy còn chưa đến nỗi nào, chứ uống trà xong họ mới bật đèn pha trong vườn chùa, một nhà thuyết giáo hùng hồn hết mức bước ra khoảng giữa và bắt đầu bài thuyết trình bất tận về ngôi chùa.
- Sau đấy họ hộ tống chúng con lên chùa. Đâu đấy vẳng lại tiếng Koto 1, song con với cô bạn gái vẫn cứ không rõ: liệu người ta chơi koto thật hay mở máy quay ra cũng nên...
- Thế đấy, thế đấy...
- Rồi người ta chở chúng con lên đường đi xem các vũ nữ Ghion. Họ múa mấy điệu, nhưng bộ dạng họ mới chán chứ?
- Con không thích họ ở điểm nào?
- Kimono họ mặc thì xài xạc, thắt lưng thắt cẩu thả, thật là buổi biểu diễn thảm hại. Từ Ghion xe buýt du lịch chuyển bánh đi Shumiva nằm trong quận Shimabara, nơi người ta cho du khách xem tayu các bà đua đòi lẳng lơ. Họ thì lại mặc những chiếc kimono rất xa hoa. Dưới ánh nến đại, họ phô diễn điển trao nhau chén sake trong đám cưới, rồi trong gian phòng tayu nền đất, họ lấy điệu bộ này nọ giả như đi dạo ngoài phố. Thế là hết.
- Chả ít ỏi lắm đâu, - Takichiro bác lại.
- Điều thú vị nhất suốt lộ trình là đám rước đèn lồng lên chùa Thanh thiên Sen và hành trình đến Shimabara. - Chieko nói. - Nhưng hình như con đã kể với cha chuyện này rồi...
- Lúc nào rủ cả mẹ đi với. Mẹ chưa lần nào có dịp đến Shumiya xem tayu, - Xighe yêu cầu. Cùng lúc ấy xe đã tới gần chùa Thanh thiên Sen.
Khó mà lý giải được, vì sao đột nhiên nàng muốn ngắm cây long não. Nàng nhớ đến cuộc đi dạo con đường trồng long não trong vườn bách thảo cách đây không lâu chăng? Hoặc giả, có lẽ vì trong lần gặp gỡ mới đây Naeko bảo rằng, những cây thông liễu trên Bắc Sơn là cây trồng, chứ cô thì thích những cây nào mọc chính bằng sức mình chăng?
Bốn cây long não nhô lên trên tường rào đá của ngôi chùa, cây ngay gần là cây già nhất.
Chieko cùng cha mẹ dừng lại trước cây long não và im lặng ngắm. Càng nhìn các cành cây đan quyện nhau cầu kỳ bao nhiêu thì càng đâm ra có cảm giác rõ rệt hơn, là dường như trong cái cây già này ẩn giấu một sức mạnh hung hiểm nào đấy.
- Ngắm một chút, vậy là đủ, - Takichiro nói và là người trước nhất tiến về Nandgendgi.
Takichiro lấy trong ví ra mảnh giấy nhỏ có sơ đồ vị trí ngôi nhà mà họ quan tâm và bắt đầu xem xét kỹ.
- Cha không biết rõ lắm , - ông quay lại nói với Chieko, - nhưng xứ sở của cây long não là các nước phương Nam, nơi khí hậu ấm. Ta có nhiều cây long não lớn ở Atami và Kyuxiu chứ còn tại Kyoto này, đến cả cái cây cổ thụ ấy cũng hao hao giống Bonsai - chỉ có điều là to hơn.
- Không lẽ cả Kyoto giống như vậy sao? Cả núi non xung quanh, cả sông suối, rồi con người... - Chieko nói.
- Mà đúng thế đấy - Takichiro gật đầu, - song con người thì không hoàn toàn như vậy...
- ...
- Không hẳn như vậy cả trong số những người hiện đang sống, cả trong số những người mà tên tuổi họ còn lưu lại trong lịch sử những năm đã qua...
- Có lẽ.
- Nhưng nếu cứ theo cái suy lí của con, Chieko ạ, thì ngay toàn bộ đất nước có tên là Nhật Bản cũng hao hao như Bonsai.
- Cha bắt đầu nói những chuyện nghiêm túc đây, Chieko nghĩ. - Và chính vào lúc chăm chú nhìn thân cây long não già, nhìn những cành dài đan nhau đến kỳ quặc của nó thì cũng đâm rờn rợn mà cảm thấy một sức mạnh to lớn biết bao ẩn giấu trong cái cây ấy. Phải vậy không thưa cha?
- Đồng ý. Cha ngạc nhiên vì chuyện khác cơ: tại sao một cô con gái còn non trẻ như con lại suy ngẫm điều đó? - Takichiro ngoái lại trông cây long não rồi chăm chú nhìn Chieko và nói, - Nhưng con nói đúng. Quả là sức mạnh ấy đang sống cả trong con nữa đấy, mà cũng chính nó buộc mớ tóc huyền của con dài ra nhanh biết bao...Dạo gần đây cha con đâm chậm hiểu. Cảm ơn, con đã dạy lão thấy!
- Cha! - Chieko mủi lòng thốt lên.
Họ dừng lại cạnh cổng Nandgendgi, liếc qua khoảng sân chùa mênh mông - hầu như không một bóng người và lặng ngắt như mọi khi.
Dò lại sơ đồ vẽ trên mẫu giấy xong, Takichiro rẽ trái.
Ngôi nhà không lớn và nằm giữa khu đất bao quanh là tường rào cao bằng đất trộn rơm. Ở hai bên con đường nhỏ dẫn từ cánh cổng hẹp vào nhà có những bụi hagi 2 trắng, chúng đang kỳ nở rộ.
- Tuyệt thật! - Takichiro thốt lên, dừng lại cạnh cổng và ngắm những đóa hoa trắng. Song ý muốn tậu ngôi nhà này đã tan biến. Ông nhận thấy một tòa khách sạn hiện đại có kèm tiệm ăn.
Nhưng dù sao Takichiro cũng không thể cầm lòng bỏ đi ngay: những bụi hagi ra hoa đẹp là thế! Kể từ dạo Takichiro tới đây lần cuối, người ta đã dần dà xây dựng trên đại lộ gần chùa Nandgendgi bao nhiêu quán ăn và khách sạn. Một vài tòa nhà được biến thành ký túc xá, trong đấy là những nhóm sinh viên huyên náo người tỉnh xa cư ngụ.
- Nhà tựa hồ tốt đấy, nhưng chuyện mua thì thôi, - mắt vẫn nhìn mấy khóm hoa, Takichiro lẩm bẩm. - Chỉ ít lâu nữa Kyoto đến biến thành một ô-ten khổng lồ có kèm cao lâu. Như ở vùng lân cận chùa Kodaidgi... Giữa Osaka và Kyoto bây giờ là một khu công nghiệp điển hình. Đất trống còn lại có chăng là ở Nhixinokio, mà ngay ở đấy cũng đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà theo kiến trúc thời thượng đến thánh cũng chả tưởng tượng nổi... - ông rầu rĩ kết luận.
Say mê vẻ đẹp của những đóa hoa trắng, Takichiro quay lại phía cổng ngôi nhà bán để ngắm chúng lần nữa.
- Hoa nở tuyệt vời biết mấy. Chắc gia chủ nắm được bí quyết gì đó - Trở về chỗ hai người phụ nữ đợi mình, ông thán phục nói. - Của đáng tội, khéo phải dùng cọc chống cho các khóm hoa chứ nếu không sau trận mưa qua con đường hẹp thế kia vào nhà làm sao được. Có lẽ lúc trồng gia chủ không hề có ý nghĩ rời bỏ ngôi nhà, chứ giờ họ còn bụng dạ nào nghĩ đến hoa nữa.
Xighe và Chieko lặng im.
- Bản tính con người là thế đấy, - vừa lau trán Takichiro kết luận.
- Cha ạ, nếu cha thích loài hoa này thế thì cha hãy cho phép con nghĩ cho cha một phác thảo có họa tiết bằng hoa hagi. Chieko nói để cố làm Takichiro lãng quên những ý nghĩ phiền muộn. - Năm nay con e không kịp mùa mất, chứ sang năm nhất định con sẽ vẽ.
- Nhưng, đấy là thứ hoa phái yếu, họa tiết như vậy chỉ hợp với kimono của nữ mặc mùa hè thôi.
- Con sẽ làm họa tiết không phải cho kimono.
- Cho quần áo lót chắc? - Takichiro nhìn Chieko ngồi cố nén cười nói thêm: - Để phúc đáp con cho tương xứng, cha sẽ vẽ cho con một phác thảo kimono hoặc áo khoác có họa tiết cây long não. Cho dù bấy giờ thì cô Chieko đành phải biến thành đàn ông...
-...
Mà tất cả sẽ thành trái ngược hết: đàn ông hóa phụ nữ, còn phụ nữ hóa đàn ông.
- Làm gì có chuyện ạ?
- Không lẽ con dám cả gan mặc kimono họa tiết long não mà ra phố - đấy là mẫu thuần túy nam tính cơ mà.
- Vâng, con sẽ diện vào rồi ra, ra đâu cũng được!...
- Úi chà chà! - Takichiro cúi đầu nghĩ ngợi - con thấy không Chieko, cha không phải chỉ thích loài hoa hagi, - ông nói. - Tâm hồn sẽ đáp lại bất cứ thứ hoa gì - tất cả tùy thuộc ở chỗ con thấy nó khi nào và trong hoàn cảnh nào.
- Có lẽ cha nói đúng...- Chieko tán thành - nhân tiện cha ạ, một công tới đây ta ghé qua cửa hiệu Tatsumura chứ nhỉ - không xa xôi đâu...
- Vào cửa hàng dành cho khách ngoại quốc ấy? Mình nghĩ sao, Xighe?
- Thôi được, nếu Chieko nó muốn... - Xighe đáp vẻ dung hòa.
- Ừ thì ta xem Tatsunlura buôn những thứ thắt lưng kimono ra làm sao.
Vào cửa hàng, Chieko rẽ sang phải rồi bắt đầu thích thú xem kỹ các thứ lụa dùng cho phụ nữ cuốn thành từng súc. Chúng được sản xuất ở các xí nghiệp Kanebo.
- Chieko này, con có định may cái váy Âu không? - Xighe tiến lại gần quầy hỏi.
- Không mẹ ạ. Chẳng qua là con để ý xem người nước ngoài họ thích những thứ lụa gì.
Xighe gật đầu, rồi đứng đằng sau Chieko chốc chốc bà giơ tay rờ rờ mặt lụa.
Ở gian giữa và hành lang có trưng bày những mẫu vải phỏng theo các loại vải cổ của kho Xioxoin 3.
Takichiro vẫn thường đến thăm các triển lãm do Tatsumura tổ chức, ông nhớ tên tất cả các thứ vải và phác thảo cổ đã bày, xong cũng chẳng từ nỗi niềm khoái cảm được ngắm nghía chúng lần nữa.
- Chúng tôi có ý muốn phô bày cho khách nước ngoài thấy ở Nhật người ta có đủ tài tạo được những vật dụng như thế nào, - viên quản lý quen thuộc giải thích riêng với ông.
Takichiro cũng đã nghe ông ta nói chính câu này khi ông tới đây lần trước và ông gật đầu vẻ tán thành. Nhìn mẫu phỏng theo thứ vải thời Đường 4, ông nói vẻ thán phục:
- Phải, thời cổ người ta đã biết cách làm rồi. Những vải như thế này làm cách đây một ngàn năm cơ đấy.
Ý chừng, các loại vải giả cổ chỉ trưng bày để xem. Trong số đấy có cả những loại vải dùng làm thắt lưng phụ nữ. Takichiro rất thích. Ông hẳn sẽ rất vui lòng mua vài cái thắt lưng như thế cho Xighe và Chieko, song cái cửa hiệu dành cho khách nước ngoài này không bán thắt lưng. Chỉ có thể mua ở đây họa chăng những dải khăn thêu để lên bàn trang trí là cùng. Ngoài khăn tua ra người ta còn bán túi xắc, giấy thấm, bót thuốc lá, khăn lụa và đại loại là những hàng mỹ nghệ lặt vặt.
Takichiro chọn cho mình mấy cái cà-vạt và một chiếc ví bằng giấy ép có hình hoa cúc. Nghệ thuật tạo các đồ bằng giấy ép hình như cũng không cổ xưa lắm. Koetsu 5 trong bức "Cúc đại đóa trên giấy ép" của mình đã đưa vào tranh lụa một trong các vật phẩm làm tại xưởng Takagamine 6.
- Tôi nghe nói ở Tohoku 7 bây giờ người ta cũng sản xuất những hàng mỹ nghệ như thế bằng giấy Nhật rất bền, - Takichiro nói.
- Có lẽ có lẽ thế, - viên quản lý tán đồng. - Tôi thì hẳn không được rõ nghệ thuật ấy gắn với tên tuổi Koetsu đến mức độ nào nhưng...
Ở một trong các quầy sâu bên trong cửa hàng, Takichiro rất ngạc nhiên nhận thấy các máy thu thanh xách tay của hãng "Sony". Thế này thì thật quá quắt, cho dù Tatsumura có nhận bán lấy hoa hồng để "khai thác ngoại tệ"... Sau đấy người ta đưa họ vào phòng khách ở phần đằng kia cửa hàng đãi trà. Viên quản lý giải thích thêm rằng phòng khách này thường dùng để tiếp các yếu nhân ngoại quốc.
Ngoài khung cửa sổ ló ra những cây thông liễu dị dạng, lùn tịt.
- Loại thông liễu gì đấy? - Takichiro hỏi.
- Bản thân tôi không biết thật chuẩn xác, - viên quản lý lúng túng - hình như người ta gọi nói là Coyoshughi"...
- Viết thành chữ thế nào nhỉ?
- Người làm vườn không biết mấy chữ này, nhưng tôi thiển nghĩ đấy là loài thông liễu lá to. Chúng mọc ở Honxiu và miền Nam.
- Sao thân nó lại có màu như thế nhỉ?
- À, rêu đấy mà!
Có tiếng nhạc từ máy thu thanh xách tay. Chieko ngoảnh lại và thấy một người đàn ông trẻ giảng giải điều gì đó cho một toán phụ nữ ngoại quốc.
Đấy chính là Riuxuke, anh trai Shinichi đấy, - Chieko rời ghế bành đứng dậy.
° ° °
Riuxuke cũng đã nhận ra Chieko và tiến lại gặp nàng. Gần tới nơi, anh lễ phép cúi đầu chào Takichiro và Xighe còn ngồi ở ghế bành. - Tiên sinh tháp tùng các bà ấy? - Chieko hỏi lúc cảm thấy ngượng ngùng và chưa biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Khác với Xinichi tính tình mềm mỏng, ở anh ta có cái gì khăng khăng giữ mực, và trước mặt anh Chieko thường mất bình tĩnh, cảm giác mình không được tự nhiên.
- Không hẳn tôi đi tháp tùng... Sự thể là cô phiên dịch, em gái anh bạn tôi, cách đây mấy hôm đã đột ngột thiệt mệnh, thế nên người ta yêu cầu tôi giúp.
- Đáng thương quá, em gái...
- Vâng, cô ấy là một cô gái dễ thương, trẻ măng - kém Shinichi hai tuổi...
- ...
- Shinichi không giỏi tiếng Anh, vả lại chú ấy ngại ngùng. Vậy là tôi đành phải... Thật ra, ở đây đâu cần phiên dịch: các viên quản lý đều nói được tiếng Anh. Các bà này là người Mỹ. Họ trú tạm ở ô-ten Miyako, mà ghé lại đây là để mua máy thu thanh xách tay.
- Ra thế ạ.
- Ô-ten ngay cạnh, bởi thế họ mới quyết định vào cửa hàng Tatsumura.
- Chả phải để xem bộ sưu tập vải ở đây đâu, mà sáp ngay vào những cái máy thu thanh, - Riuxuke bật cười khe khẽ. - Mặc dù có khác gì...
- Hôm nay là lần đầu tiên tôi mới biết ở đây người ta biết cả máy thu thanh đấy.
- Máy thu thanh hay vải lụa thì cũng thế cả thôi. Điều quan trọng đối với ông Tatsumura là họ trả bằng đô la.
- Tôi hiểu.
- Chúng tôi đã vào khu vườn đấy, dưới ao đằng kia toàn cá chép màu sặc sỡ. Tôi cuống lên, nghĩ: Họ hỏi cặn kẽ bây giờ thì tôi cũng không biết giảng giải làm sao. Thậm chí tôi cũng không biết chẳng hạn như "cá chép sọc" tiếng Anh nó thế nào. May mà họ chỉ ồ, à rồi nói: "Đẹp quá!" - Tiểu thư có định xem cá chép không?
- Thế các bà đầm của tiên sinh thì sao?
- Không có tôi viên quản lý cũng xong thôi, với lại nói chung đã đến lúc họ phải về ô-ten để uống trà. Các ông chồng sắp sửa nhập bọn và họ sẽ đi Nam.
- Có điều tôi phải báo cho cha mẹ biết.
- Còn tôi thì phải báo cho các bà đầm của mình. - Riuxuke lại gần những người đàn bà Mỹ, bảo họ điều gì đó, thế là các bà này đồng loạt nhìn về phía Chieko. Cô gái đỏ bừng mặt.
Chẳng mấy chốc Riuxuke quay lại và dẫn Chieko ra vườn. Họ ngồi bên bờ ao, im lặng ngắm lũ chép sặc sỡ lượn lờ dưới nước.
- Xin tiểu thư hãy nghe tôi nói, Chieko ạ, - Riuxuke đột ngột mào đầu, - hãy cố khắt khe hơn một chút với viên quản lý nhà tiểu thư hay với cái kẻ nào ở chỗ tiểu thư mà bây giờ được kể vào hiệp hội cổ phần ấy nhỉ?? Giám đốc điều hành viên phải không? Tin là tiểu thư làm được. Nếu muốn, tôi sẵn sàng có mặt trong cuộc nói chuyện của tiểu thư...
Lời đề nghị khác lạ đến nỗi Chieko lặng người, không sao thốt nổi lấy một tiếng.
° ° °
Đêm ấy nàng mơ thấy những con chép muôn màu muôn vẻ xúm lại trước mắt Chieko lúc ấy ngồi trên bờ ao, chúng chồng chất lên nhau, một số con thậm chí còn ló đầu lên khỏi mặt nước.
Toàn bộ giấc mộng có thế. Còn trong thực tế nàng đã nhúng tay xuống nước, khẽ khỏa nhẹ mấy ngón tay. Lập tức lũ chép bơi lại phía tay nàng. Chieko ngạc nhiên nhìn chúng và bỗng có cảm giác trìu mến khó tả với những con chép này.
- Có lẽ các ngón tay tiểu thư có tỏa ra một hương vị riêng, chúng cố một sức mạnh huyền bí nào không rõ, - Riuxuke thầm thì. Anh còn ngạc nhiên hơn chính Chieko.
- Cá chép thường dạn người. - Nàng ngượng nghịu đáp.
Riuxuke mải mê ngắm nét mặt nhìn nghiêng của cô gái.
- Tiên sinh trông kìa, rặng Đông Sơn dường như ngay cạnh đây, - thẹn thùng trước cái nhìn chăm chú của Riuxuke nàng nói.
- Đúng vậy. Mà tiểu thư có nhận thấy nó hơi đổi màu một chút không? Có cảm giác mùa thu...
Tỉnh dậy, Chieko không nhớ nổi: trong giấc chiêm bao thấy lũ chép kia, Riuxuke có ở cạnh nàng không nhỉ? Nàng mở to mắt, im lặng một lát.
Ngày hôm sau, Chieko nhớ lại lời Riuxuke khuyên hãy khắt khe hơn một chút với viên quản lý, song nàng chưa biết nên khởi sự việc đó như thế nào.
Trước lúc cửa hiệu đóng cửa nàng đến gần viên quản lý Uemura và ngồi xuống trước bàn viết. Cái bàn viết kiểu cổ được ngăn với gian bán hàng bởi tấm lưới thấp bằng gỗ. Nhận thấy có cái gì không bình thường trên vẻ mặt Chieko, Uemura hỏi:
- Tiểu thư cần cái gì đó chăng?
- Tôi muốn lựa ít vải may kimono.
- Tiểu thư ư? Không lẽ tiểu thư lại may bằng vải của hiệu nhà? - Uemura thở phào nhẹ nhõm. - Hiện đang có kimono Tết và kimono mặc lúc ra ngoài, cả phurixode 8 nữa. Nhưng thông thường tiểu thư vẫn mua những thứ ấy ở cửa hàng của Okadezaki hoặc ở Erimana cơ mà.
- Tôi không quan tâm đến kimono mặc Tết, làm ơn cho xem cửa hiệu chúng ta có những mẫu lụa hoa Yudgen nào.
- Ô, cái đó ở ta thì đầy...và đủ mọi màu sắc...Tôi không biết tiểu thư có thích chúng không. - Uemura rời khỏi bàn viết, gọi hai nhân viên rồi rỉ tai họ điều gì đó. Họ nhanh chóng mang tới mấy súc vải khác nhau và cùng viên quản lý trải các cuộn vải ra giữa cửa hàng.
- Tôi lấy thứ này - Chieko vẻ hấp tấp trỏ loại vải mà nàng thích.
- Hi vọng là năm ngày nữa, cùng lắm là một tuần kimono phải xong chứ? Tôi mong được giảm giá hai mươi phần trăm.
- Kìa tiểu thư! Thời hạn gấp gáp đến thế sao? Chúng ta chỉ bán buôn thôi mà, ta có may kimono đâu, nhưng thôi dẫu sao tôi sẽ cố gắng.
Hai người nhân viên khéo léo cuộn vải lại rồi mang đi.
- Số đo đây, - Chieko đặt lên bàn viết mảnh giấy nhỏ. Song nàng chưa đi. - Tiên sinh Uemura ạ, tôi muốn được ít nhiều làm quen với công việc kinh doanh của chúng ta, hy vọng ông giúp đỡ, - hơi cúi đầu Chieko mềm mỏng nói tiếp.
- Tiểu thư ư? Viên quản lý thốt lên, nhìn cô gái vẻ ngạc nhiên ra mặt.
Chieko điềm tĩnh tiếp:
- Ta sẽ bắt đầu từ ngày mai. Nhân thể xin ông chuẩn bị sổ sách kế toán cho.
- Sổ sách kế toán ấy à? - Uemura cay độc cười mát. - Phải chăng tiểu thư định rà soát lại.
- Sao lại thế thưa ông? Chuyện ấy rắc rối quá tôi làm thế nào được. Chẳng qua tôi định ngó qua để biết, chẳng hạn như chúng ta có quan hệ buôn bán với những ai thôi mà.
- Hóa ra thế ư? Sổ sách kế toán của ta thì nhiều. Với lại cũng có sở thuế nữa.
- Ý ông định nói cửa hiệu ta có lệ kế toán kép à?
- Không bao giờ, tiểu thư ạ! Tiểu thư mà có tài cứ thử đánh lừa sở thuế xem... Không đâu, trong chuyện này chúng ta làm ăn ngay thẳng.
- Nhưng dù sao, đến mai cứ cho tôi xem sổ sách kế toán, tiên sinh Uemura ạ, - Chieko nói vẻ kiên quyết rồi đi thẳng.
- Tiểu thư ạ, tôi đã phục vụ ở đây trước lúc tiểu thư ra đời... - Uemura nói, song Chieko thậm chí không ngoái cổ lại. - Sinh sự gì lạ thế! - Viên quản lý vẻ căm tức, chặc lưỡi lẩm bẩm, nhưng của đáng tội vẫn cố để Chieko khỏi nghe thấy. Khi Chieko ghé qua chỗ mẹ đang bận làm cơm tối, bà kinh hãi hỏi:
- Con nói gì với viên quản lý ngoài ấy thế?
- Chính con cũng rối bung lên mẹ ạ.
- Mẹ sợ run cả người lên... Thì người ta vẫn chả nói tâm ngẩm tầm ngầm đấm thầm chết voi là gì.
- Có phải tự con nghĩ ra đâu, có người bảo cho biết đấy chứ.
- Ai vậy?
- Riuxuke tiên sinh, lúc chúng con gặp nhau ở cửa hiệu Tatsumura... Anh ấy nói, cha anh ấy biết cách điều hành việc buôn bán, chỗ họ có hai người quản lý tâm phúc, nên nếu Uemura đi khỏi cửa hàng họ có thể cử một trong hai người đó sang giúp chúng ta. Riuxuke tiên sinh thậm chí nói rằng, bản thân anh ấy cũng thuận lòng sang cửa hàng nhà ta làm để chỉnh đốn công việc.
- Chính Riuxuke đề xuất à?
- Vâng, mà còn nói vì chuyện này sẽ sẵn sàng bất cứ lúc nào thôi làm nghiên cứu sinh...
- Anh ta nói vậy cơ à? - Xighe thăm chú nhìn khuôn mặt Chieko xinh đẹp đến kỳ lạ vào giây phút này. - Nhưng Uemura không định đi.
- Ông ta đã nói sẽ yêu cầu cha kiếm lấy ngôi nhà khang trang ở gần chỗ có những cây hagi trắng.
- Thế cơ đấy, - Xighe kéo dài giọng. - Nghĩa là ông ta biết chuyện Takichiro định từ bỏ doanh nghiệp.
- Có lẽ như thế sẽ tốt cho ông ta hơn.
- Riuxuke nói cả chuyện ấy à?
- Vâng.
- ...
- Mẹ ơi, con có một điều thỉnh cầu mẹ: mẹ cho phép con tặng cô gái ở trong làng Bắc Sơn một trong những chiếc kimono của con nhé. Mẹ nhớ không, con đã thưa chuyện với mẹ về chị ấy rồi.
- Đương nhiên rồi, con cứ tặng đi! Cả áo khoác nữa.
Chieko quay đi. Nàng muốn giấu những giọt lệ biết ơn rưng rưng trên mắt.
° ° °
Vì sao người ta lại gọi một trong các dạng máy dệt tay là "takabata"? Lẽ tất nhiên là bởi nó cao hơn máy thường. Song nó cũng còn có một đặc điểm khác. Người ta đặt takabata ngay xuống đất, sau khi đã san bằng lớp phía trên mặt nền. Nghe nói, hơi ấm từ đất toát ra làm cho sợi mềm và dai hơn. Thời xưa, đứng máy takabata phải hai người, trong đó một người ngồi chót vót lên trên để làm đối trọng.
Giờ thay cho người đó là chiếc bị đựng đá nặng treo bên cạnh.
Ở Kyoto có những xưởng dệt dùng đồng thời cả máy dệt tay takabata, cả máy cơ khí...
Xưởng của Xoxuke - cha Hideo - được coi là loại vừa ở quận Nhixidgin, nơi có bao nhiêu là những xưởng chỉ bé tí tẹo. Hideo với hai người em trai anh làm ba máy dệt tay. Thỉnh thoảng cả Xoxuke cũng ngồi vào máy.
Hideo nhìn mặt vải có hoa văn của chiếc thắt lưng Chieko đặt với cảm giác vui sướng. Công việc đã gần hoàn thành. Anh đặt vào đấy toàn bộ tâm hồn, tất cả tài nghệ của mình. Ở mỗi lượt go anh như được thấy Chieko.
Không, không phải Chieko, Naeko chứ, tất nhiên rồi. Bởi cái thắt lưng anh dệt cho Naeko cơ mà. Song trong khi dệt, hình ảnh Chieko và Naeko cứ hòa làm một trong mắt anh.
Người cha lại gần máy, im lặng quan sát một lúc.
- Được, chiếc thắt lưng tốt đây, - ông khen, - mà mẫu trang trí cũng không thường, làm cho ai thế?
- Cho con gái ngài Xada.
- Còn phác thảo?
- Chieko nghĩ ra.
- Không lẽ Chieko sao? Mẫu trang trí đáng chú ý đấy. - Người cha sờ sờ rìa chiếc thắt lưng vẫn còn trên máy. Cừ lắm Hideo ạ, thắt lưng sẽ rất bền.
- ...
- Hideo này, chúng ta chịu ơn ngài Xada đấy. Hình như bố đã nói với mày chuyện ấy rồi thì phải.
- Con hiểu, bố ạ...
- Vậy là bố đã kể, - Xoxuke lẩm bẩm, thế nhưng vẫn không nén được và lại nhắc lại câu chuyện đã lâu: - Bố vẫn xuất thân là thợ dệt bình thường mà ăn nên làm ra. Mua chịu nửa tiền một cái máy rồi từ đấy làm thắt lưng, mang đến ngài Xada. Có đời thuở nhà ai lại mang bán cho nhà buôn từng chiếc thắt lưng một. Vì thế bố phải đến chỗ bác ấy bí mật lúc gần về khuya để khỏi bị ai thấy...Nhưng ngài Xada thậm chí không bao giờ bóng gió gì về chuyện phải mua từng chiếc thắt lưng một. Đấy, thế rồi bố tậu được hai máy nữa... và công việc cứ trôi chảy.
- ...
- Song dù sao, Hideo ạ, ta với bác Xada khác nhau về địa vị...
- Điều đó con hiểu rất rõ, nhưng bố nói ra chuyện ấy để làm gì? - Hideo dừng máy, đưa mắt nhìn cha.
- Hình như, mày thích Chieko...
- Ra bố có ý ấy. - Hideo quay lại phía máy và lại bắt đầu làm.
Ngay khi chiếc thắt lưng vừa xong, anh đến làng để trao nó cho Naeko.
° ° °
Mặt trời đã xế trưa. Nền trời bên trên Bắc Sơn bừng lên dải cầu vồng.
Cắp nách cái gói nhỏ, Hideo bước ra phố và nhìn thấy cầu vồng.
Nó rộng nhưng không rõ, mà quầng thì đứt đoạn ở phía trên. Hideo dừng bước, bắt đầu ngắm nó. Cầu vồng mờ dần rồi sau đó mất hẳn.
Trong khi anh đáp xe buýt đến làng, cầu vồng còn xuất hiện hai lần nữa. Cả những cầu vồng này, cũng như cái kia, đều đứt quãng và không rõ. Các cầu vồng như vậy cũng thường thấy thôi.
"Những cầu vồng này may hay không may nhỉ?" - Hideo lo âu nghĩ. Ngày hôm nay anh xao xuyến lạ thường.
Trời quang đãng. Lúc xe buýt đi vào hẻm núi, phía trước lại lơ lửng một cầu vồng nữa, song Hideo không kịp nhìn kĩ: những rặng núi tiến đến sát sông Kiyotaki đã che khuất nó.
Hideo xuống xe buýt ở đầu làng. Naeko đã hấp tấp ra đón anh, hai tay ướt còn chùi chùi vào tạp dề. Cô mặc quần áo làm việc.
Hôm nay, cô làm ở ngay vệ đường, chỗ người ta đánh bóng gỗ bằng cát lấy ở đáy thác Bodai lên.
Tháng mười chỉ mới bắt đầu mà nước sông trong vùng núi đã lạnh buốt. Các súc gỗ nổi lềnh bềnh trong con mương đào dành riêng chứa nước. Ở rìa con mương là cái bếp lò người ta dùng đun một vạc nước để lúc lúc lại trút xuống mương. Một làn hơi mỏng bay lên phía trên vạc.
- Rất hân hạnh được tiên sinh tới vùng núi chúng tôi. - Cô gái cúi chào rất thấp.
- Naeko ạ, đây là chiếc thắt lưng đã hứa với chị.
- Chiếc thắt lưng mà tôi phải mặc thay cho Chieko ư? Tôi không muốn nhận cái đã hứa cho người khác.
- Nhưng chính tôi đã hứa dệt nó cho chị đấy chứ. Còn mẫu thì Chieko làm.
Naeko cúi gằm.
- Thưa Hideo tiên sinh, hôm kia đằng cửa hiệu của Chieko đã gửi cho tôi bao nhiêu thứ - nào kimono, nào dgiori 9 - Nhưng biết diện những cái đó vào lúc nào đây?
- Chỉ một ngày hăm hai lễ Kỷ Nguyên 10 thôi cũng được. Dĩ nhiên là nếu chị được phép nghỉ...
- Sao lại không, người ta sẽ cho...Naeko vẻ tin chắc nói. - Tiên sinh Hideo ạ, ở đây ai cũng chú ý đến chúng ta. Ta đi đâu nhỉ? - Cô nghĩ ngợi một phút. - Ta ra chỗ sông vậy.
Cố nhiên, cô không thể dẫn Hideo vào rừng thông liễu như lần dẫn Chieko.
- Tôi sẽ giữ gìn chiếc thắt lưng của tiên sinh suốt đời, như một báu vật quý giá nhất, - cô thì thầm.
- Việc gì phải thế? Tôi sẽ rất vui lòng được dệt nữa cho chị ấy chứ.
Naeko không nói gì đáp lại.
° ° °
Cô cũng có thể mời Hideo về nhà, song đã không làm thế. Gia chủ cho Naeko nương náu đã biết các tặng phẩm là từ cửa hiệu của Takichiro gửi đến, và cô sợ sẽ gây tác hại cho Chieko vì một hành vi thiếu thận trọng nào đấy. Chính cô đã đoán già đoán non Hideo có tình cảm gì với Chieko cơ mà. Đã tìm được chị em, đã thực hiện được ước mơ mà Naeko hằng ôm ấp từ thuở nhỏ - vậy là đủ.
Hơn nữa Naeko cho rằng cô không ngang hàng với Chieko mặc dù nói thật ra, gia đình Muraxe mà ở đó cô được nuôi nấng làm chủ một khoảnh rừng rất lớn, còn cô gái thì làm việc không ngơi tay, thế cho nên hoàn toàn không có chuyện Naeko có điều gì đó khả dĩ làm tổn hại thanh danh của dòng họ Xada, cho dù người ta biết mối quan hệ của họ đi nữa. Vả lại, địa vị người chủ một khoảnh rừng không chừng còn vững vàng hơn là thương gia hạng trung.
Song dẫu sao Naeko cũng không cố tìm cách gặp Chieko. Cô cảm thấy tình thương yêu của Chieko đối với cô ngày một bền chặt thêm và cô không rõ điều đó liệu sẽ dẫn tới đâu...
Đấy cũng là lý do tại sao cô không mời Hideo về nhà. Trên bờ sông Kiyotaki phủ đầy cuội nhỏ, việc trồng thông liễu đã chiếm hết mọi khoảng trống.
- Xin thứ lỗi vì đã đưa tiên sinh tới một chỗ không xứng chút nào, - Naeko nói. Giống như mọi cô gái khác, cô không đủ kiên nhẫn liếc nhìn món quà tặng.
Những rặng núi phủ thông liễu ở đây đẹp đẽ biết bao? - Hideo không nén nổi thốt lên thán phục, anh mở phuroxiki và cẩn thận lấy chiếc thắt lưng ra khỏi túi giấy.
- Hình này sẽ ở nút buộc đằng sau, còn hình này là trên thắt lưng phía trước.
- Thật là kỳ diệu! - Naeko thốt lên, chăm chú ngắm chiếc thắt lưng. - Tôi không xứng được một tặng phẩm như thế này.
- Sao vậy chị? Chiếc thắt lưng này chỉ là do một gã thanh niên thiếu kinh nghiệm dệt thôi mà. Tôi có cảm giác, thông đỏ và thông liễu hợp với kimono mặc tết, ngày lễ chả sắp đến rồi là gì. Ban đầu tôi định dệt lên chỗ nút buộc thông đỏ thôi, song Chieko lại khuyên dệt thông liễu. Mãi đến lúc tới đây tôi mới hiểu rằng tiểu thư đúng. Trước kia nói thông liễu là tôi hình dung những cái cây to, cổ thụ. Còn bây giờ... chị thấy đấy, tôi dệt ra chúng bằng những nét thanh, mềm mại, nhưng dẫu sao bên cạnh vẫn có thêm mấy cây thông đỏ, mà cũng có thay màu đi một chút.
Cả những cây thông liễu cũng được mô tả không hoàn toàn như thật, nhưng hình dạng và màu sắc của chúng thì rất sáng tạo.
- Đẹp lắm, cảm ơn tiên sinh... Thậm chí tôi còn chưa mường tượng được bao giờ mới có dịp mặc chiếc thắt lưng lộng lẫy như thế này.
- Liệu nó có hợp với chiếc kimono Chieko gửi đến không?
- Tôi nghĩ, nó thật hợp.
- Chieko thì từ thời niên thiếu đã rất am hiểu về trang phục... Tôi thậm chí còn không dám để tiểu thư xem chiếc thắt lưng này.
- Sao vậy? Đấy là làm theo mẫu của chị ấy cơ mà... Tôi thì mong giá như chị ấy nhìn thấy.
- Vậy xin chị hãy mặc vào lễ Kỷ Nguyên đi, - Hideo đề nghị và cẩn thận bỏ chiếc thắt lưng vào túi giấy.
° ° °
Buộc xong mấy nút ruy-băng ra ngoài cái túi, Hideo nói:
- Xin chị nhận cho, đừng từ chối. Tôi đã hứa dệt nó cho chị theo yêu cầu của Chieko. Tôi chỉ là người thừa hành, một thợ dệt bình thường mà dẫu sao cũng đã cố làm chiếc thắt lưng cho đến hết khả năng.
Naeko im lặng nhận cái gói nhỏ từ tay Hideo rồi đặt nó lên đầu gối.
- Tôi vừa nói từ thuở nhỏ Chieko đã quen xem xét kimono nên tôi tin là chiếc thắt lưng sẽ hết sức hợp với áo mà Chieko gửi cho chị.
- ...
Họ ngồi trên bờ, lắng nghe tiếng rì rào khe khẽ của sóng nước trườn qua bãi bồi sông Kiyotaki.
- Thông liễu mọc thành hàng như thể những món đồ chơi, mà lá trên ngọn cây thì na ná như những loài hoa giản dị, chẳng hề chói lọi; Hideo nói.
Naeko cảm thấy buồn. Cô nhớ lại người cha đã khuất. Có lẽ, lúc đang đốn cành thông liễu và chuyển từ ngọn cây nọ sang ngọn cây kia, ông đau lòng nhớ tới đứa con thơ Chieko hai vợ chồng đã vứt bỏ và rồi sẩy chân... Hồi bấy giờ Naeko đã hiểu gì đâu. Mãi nhiều, rất nhiều năm về sau, khi cô đã lớn, người trong làng mới kể cho cô điều đó. Người chị em tên gì, còn sống không, ai trong hai người bọn họ - cặp trẻ sinh đôi - ra đời trước, cô không biết gì hết. Suốt bao năm tháng Naeko ước mơ: giá như tiền định họ gặp được nhau, dù chỉ thấy người chị em của mình một thoáng thôi cũng được. Cho đến nay, trong làng vẫn còn căn nhà bé tẹo, thảm thương, gần như đã đổ nát của cha mẹ cô. Sống ở đấy một mình không thể nào chịu nổi. Và cô đã giao căn nhà ấy cho một cặp vợ chồng luống tuổi nhiều năm rồi làm nghề tước vỏ cây ở đây. Họ có đứa con gái đã vào học sơ học. Naeko chẳng hề đòi hỏi họ chút tiền nhà nào, mà vị tất đã có ai thuận mua túp lều dột nát kia.
Cô bé nọ rất thích hoa, thỉnh thoảng vẫn ghé vào "chị Naeko" và cứ hỏi mãi xem phải chăm nom cái cây ôliu thơm kỳ diệu mọc ở cạnh nhà như thế nào.
- Em đừng chú ý làm gì, cứ để nó tự mọc, - Naeko thường vẫn đáp. Nhưng dù sao mỗi khi đi qua nhà, ngay từ xa cô đã cảm thấy hương thơm hoa ôliu, song nó không làm cô vui sướng, mà khiến buồn lòng thì đúng hơn...
Lúc Naeko đặt gói đựng thắt lưng lên đầu gối, cô bỗng cảm thấy hai đầu gối thành ra nặng trĩu. Vì nhiều nguyên cớ...
- Tiên sinh Hideo ạ, cuối cùng tôi đã tìm thấy Chieko - tôi chả cần thêm gì nữa. Tôi nghĩ, từ nay tôi không nên gặp chị ấy. Kimono và thắt lưng tôi sẽ chỉ mặc một lần...Hy vọng tiên sinh hiểu cho tôi...
- Vâng, - Hideo đáp. - Nhưng lễ Kỷ Nguyên thì thế nào chị cũng đến nhé. Tôi muốn được thấy chị mặc chiếc thắt lưng này. Tôi không rủ Chieko đâu. Tôi sẽ đợi chị ở cổng Tây Hamaguri - đấy là nơi đám rước lễ từ hoàng cung tiến ra.
Naeko gật đầu ưng thuận, hai má cô ửng hồng vì bối rối.
° ° °
Sát mép nước bờ bên kia có một cái cây nhỏ. Những chiếc lá đã bắt đầu đỏ của nó soi bóng xuống sông.
- Cái cây lá đỏ tươi kia gọi là cây gì nhỉ? - Mắt nhìn Naeko, Hideo hỏi.
- Đấy là cây sơn, cây để lấy sơn, - cô gái đáp và đến lượt mình lại nhìn Hideo. Hai tay lóng ngóng cô bắt đầu sửa lại mái tóc. Nhưng thình lình nó xổ ra và như một làn sóng huyền đổ xuống lưng cô.
- Ôi! - Cô gái kêu lên, mặt đỏ bừng. Ngậm những cái trâm ở miệng, cô bắt đầu búi lại tóc cho ngay ngắn mà không sao búi được: hình như, một vài cái trâm đã rơi ra đất.
Lòng đầy ngưỡng mộ, Hideo ngắm làn tóc xõa của Naeko, ngắm sự mềm mại nữ tính trong cử chỉ hai tay cô đang sửa lại tóc.
- Tóc chị dài làm sao, chị có ý nuôi tóc không? - Anh hỏi.
- Vâng. Tóc Chieko cũng dài lắm. Chẳng qua chị ấy biết cách để đầu - Thế nên đến đàn ông cũng không ngờ... tiên sinh vui lòng lượng thứ nhé, - Naeko bắt đầu vội vã buộc chiếc khăn lên đầu 11.
- ...
- Thế đấy, gỗ thì tôi cứ đánh bóng còn bản thân chả bao giờ vào nề nếp hết.
Tuy vậy Hideo để ý thấy đôi môi Naeko có thoa nhẹ ít son. Bỗng dưng anh thấy mong muốn giá cô gái bỏ khăn buộc đầu ra và buông xõa mái tóc huyền kỳ diệu của mình lần nữa, song cố nhiên yêu cầu chuyện đó anh không dám. Dường như Naeko cũng cảm thấy điều ấy và cô thắt chặt thêm chiếc khăn.
Những rặng núi từ đằng Tây tiến sát đến lòng sông hẹp đã sẫm lại.
- Naeko ạ, có lẽ đã tới lúc chị phải về, - Hideo đứng dậy nói.
- Việc của tôi hôm nay xong rồi... Ngày lại đâm ngắn quá...
Hideo nhận thấy trên các đỉnh núi từ đằng Đông tiến lại phía sông, sắc hồng hoàng kim của ráng chiều đã nhuộm khoảng không giữa những thân cây thông liễu cân đối.
- Cảm ơn, rất cảm ơn anh, thưa Hideo tiên sinh, - Naeko đứng lên nói.
- Xin hãy cảm ơn Chieko, - Hideo đáp và đúng vào lúc ấy anh cảm thấy lòng mình đang dâng trào cảm giác vui sướng ấm áp bởi một lẽ anh đã dệt thắt lưng cho cô gái thôn dã này. - Xin lượng thứ vì đã quấy rầy, nhưng chị hãy hứa với tôi, lễ Kỷ Nguyên sẽ đến nhé. Tôi sẽ đợi chị cạnh cổng Tây, cổng Tây Hamaguri ấy.
- Thế nào tôi cũng đến, - Naeko cúi đầu thật thấp. - Thực quả lẩn đầu tiên diện kimono với thắt lưng mới cứ ngường ngượng làm sao ấy.
Ở Kyoto nơi có bao nhiêu là lễ hội, lễ Kỷ Nguyên - cũng như lễ Cẩm Qui, lễ Ghion - là một trong ba ngày lễ chính của kinh đô cổ.
Đấy là ngày lễ của chùa Heian Dginu, nhưng bản thân đám rước long trọng thì lại xuất phát từ hoàng cung.
Ngay từ sáng Naeko đứng ngồi không yên và cô đã tới cổng Tây Hamaguri nửa giờ trước hẹn. Ở đấy, dưới bóng những vòm cổng, cô đợi Hideo. Lần đầu tiên trong đời Naeko đợi một người đàn ông.
Thật may, trời không mưa và phía trên đầu trải rộng ra bầu trời xanh thẳm không một gợn mây.
° ° °
Chùa Heian Dgingu được xây năm 1895 nhân kỷ niệm lần thứ một ngàn một trăm việc thiên đô về Kyoto, nên lễ Kỷ Nguyên nếu đem so với hai hội lễ chủ yếu kia thì nói chung mới được cử hành cách đây chưa lâu. Những người tham gia hội rước như chỉ cho người xem thấy các phong tục tập quán của thành phố đã biến đổi ra sao trong khoảng thời gian ngắn khác nhau, nhiều người đóng giả các cá nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng trong dân gian.
Trong đó có Kadzunomiy và Renghetsu, bà quý phái lẳng lơ Yoshino và Okunhi vùng Idzumo, Yodoghimi và phu nhân Tokioa, Yobuen phu nhân Tomoe và phu nhân Shidzuka, Onono Komachi, Murasaki Shikibu và Xay Xyonagon 12 bán than hoa và cá tươi, những người đàn bà ở các quận son phấn và các diễn viên.
Nhưng ngoài những người đàn bà nổi tiếng ra còn có thể thấy trong đám rước có Mashasighee Kusunoki, Nobunaga Oda 13 Hideyoshi Toyetomi, nhiều cận thần quý tộc và các chiến binh.
Phụ nữ chỉ mới bắt đầu tham gia đám rước từ năm 1950. Điều này đã tạo cho hội lễ một vẻ hoa lệ và hấp dẫn mới.
Lính cận vệ đầu thời đại Maydgi và xạ thủ miền núi Tam ba dẫn đầu đám rước, còn đi đoạn hậu là các quan chức mặc trang phục thời đại Enryaku 14. Sau khi về chùa Heian Dgingu những người tham gia đám rước xướng hô trước cỗ xe có con phượng hoàng bằng vàng Norito của thiên hoàng - đấy là những lời cầu khẩn thời cổ.
Tốt nhất là xem rước lễ từ quảng trường trước hoàng cung, nơi đám rước bắt đầu. Đấy cũng chính là nơi Hideo hẹn gặp Naeko.
Rất nhiều người, vội vã đi xem hội đã qua vòm cổng mà cô đang đợi Hideo trong bóng râm của nó, thế nhưng không một ai chú ý đến cô. Sự thực, cũng có một người đàn bà luống tuổi, ý chừng là một chủ hiệu, lại gần Naeko và nói:
- Thưa tiểu thư, cái thắt lưng của tiểu thư đẹp quá chừng và lại rất hợp với kimono. Tiểu thư đã vui lòng sắm nó ở đâu vậy? Xin tiểu thư cho phép...- Bà ta sờ tay vào chiếc thắt lưng. - Tiểu thư cho xem nút buộc đằng sau nào. - Naeko quay lưng về phía bà ta.
- Thật tuyệt mỹ! - Người đàn bà thốt lên lúc ngắm mẫu trang trí trên nút buộc. Đây là lần đầu tiên Naeko diện bộ kimono và thắt lưng mới và điều này khiến cô ngượng nghịu, song những câu gặng hỏi và ngợi khen của người đàn bà xem chừng đáng kính khiến cô gái yên lòng.
Hideo xuất hiện.
- Xin thứ lỗi vì đã làm chị phải đợi.
Những chỗ gần hoàng cung nhất đã chật các hội viên hội đệ tử chùa hoặc được văn phòng du lịch giữ trước. Hideo và Naeko yên vị ở xa hơn một chút - đấy là nơi đám công chúng bình thường ngồi.
Naeko lần đầu tiên quan sát đám rước từ một vị trí thuận tiện như vậy. Quên bẵng cả bộ đồ diện mới có của mình, cả Hideo đứng bên cạnh, cô mải mê nhìn đám rước.
Rồi cô quay về phía Hideo và chợt nhận thấy anh đang nhìn đâu đó trên đầu.
- Hideo tiên sinh, tiên sinh nhìn đi đâu vậy? - Cô ngạc nhiên hỏi.
- Nhìn những cây thông xanh. Và cả đám rước nữa đấy chứ.
Trên nền những cành cây xanh nó có vẻ chói lọi hơn. Chị biết không Naeko, tôi rất thích những cây thông trong khu vườn lớn cung điện này. Tôi cũng thoáng nhìn cả chị nữa, mà chị không để ý đấy thôi.
- Xin tiên sinh đừng nói vậy, - Naeko thì thầm, cúi gằm xuống.
--------------------------------
1 Koto: một nhạc cụ Nhật mười ba dây. 2 Hagi: đậu ba lá của Nhật Bản. 3 Tàng khố quốc gia các báu vật Nhật Bản ở thành phố Nam. 4 Nhà Đường Trung Quốc (618-907). 5 Koetsu Honami (1558-1637): họa sĩ và nhà thảo mĩ tự nổi tiếng thời tiền Edo, sống ở Kyoto. 6 Một vùng ngoại ô Kyoto. 7 Miền đông ở bắc đảo Honxiu. 8 Phurixode: áo kimono tay dài. 9 Dgiori: dép bằng rơm hoặc trúc. 10 Lễ Kỷ Nguyên - Dgidai Matsun - do chùa Heian Dgingu tổ chức để kỉ niệm việc thiên đô về Kyoto năm 794. Trong lễ rước những người tham gia mặc trang phục bằng quần áo của nhiều thời kì lịch sử khác nhau cũng như đóng các nhân vật lịch sử nổi tiếng. 11 Theo tục lệ lúc có khách không được buộc khăn trên đầu mà ngược lại phải cởi ra. 12 Kadzunomiya (1846-1877), vợ vị chúa phong kiến Ieshighe Tokugaoa Renghetsu (1791-1875) - nữ thi sĩ thời hậu Edo, quê ở Kyoto. Okunhi vùng Idzumo (? - 1607) - nữ sáng lập viên dòng kịch Kabuki. Ydoghimi (1367-1616) vợ bé vị tướng quân Hideyoshi Toyobomi (1536-1598). Phu nhân Tokyoa - vợ vị chúa phong kiến Yoshitomo Minamoto (l123-1160), Yokobue (thế kỉ XII) một trong các nhân vật của Truyện ngôi nhà Taira thời trung thế kỉ. Phu nhân Tomoe - vợ bé vị chúa phong kiến Yoshinaka Minamoto (1154-1184). Phu nhân Shidzuka - vợ bé vị chúa phong kiến Yoshitsume Minamoto (1159-1189). Onono Komachi (giữa thế kỉ thứ IX) - nữ thi sĩ thời tiền Heian. Marasaki Shikibu (cuối thế kỉ X đầu thế kỉ XI) - nữ văn trung Heian, tác giả Truyện Ghendgi. Xay Xyonagon (khoảng 978 - 1014) nữ văn sĩ. 13 Mashasighee Kusunoki: (1294-1336) - vị tướng nổi tiếng thế kỉ XIV. 14 Thời đại Enryaku (782-806) - những năm cầm quyền của Nhật hoàng Kammu
VII. THU MUỘN. HAI CHỊ EM
Ngày lễ Lửa ở chùa trên núi Kurama, dành cho việc xua đuổi các hung thần vốn được Chieko ưa thích hơn lễ Daimondgi. Naeko cũng thường có mặt ở lễ Lửa chính vì người ta tổ chức lễ này cách làng cô không xa, nhưng cô chưa lần nào gặp Chieko ở đấy, có lẽ vì họ không chú ý đến nhau mà thôi. Dọc các ngôi nhà trên đường tới chùa người ta dựng các bờ giậu bằng cành cây, còn mái nhà thì tưới nước để phòng hỏa hoạn.
Vào lúc nửa đêm, đám rước đuốc tiến đến chùa miệng hô "Xairya, Xairyo" 1. Người ta đưa từ chùa ra hai cỗ kiệu thiêng do những phụ nữ làng bên cạnh dùng dây thừng dài kéo (bây giờ làng này đã nằm trong phạm vi thành phố). Sau đấy người ta thắp lên ngọn đuốc chính ở chùa và thế là ngày hội kéo dài đến rạng sáng.
Tuy nhiên năm nay, để tiết kiệm đã có quyết định thôi tổ chức lễ Lửa. Thế nhưng lễ Chặt Trúc lại vẫn tiến hành như bình thường.
Lễ Củ Đậu do chùa Kitano tổ chức cũng không có. Người ta giải thích là vì mất mùa cho nên - người ta nói - không sẵn lá củ đậu để trang trí kiệu.
Kyoto còn nổi danh vì những ngày lễ như lễ Hiến Tế Bí do chùa Anrakuyodgi tổ chức, cùng bao nhiêu hội lễ khác. Có lẽ những ngày lễ này gắn liền với một vài tập tục nào đó của Kyoto và những cư dân của nó.
Những năm gần đây hội Karyobinga 2 lại được khôi phục, trong đấy có bơi thuyền rồng trên khúc sông gần Arasiyama và Kyokushinoen bên dòng suối chảy qua vườn chùa Kamigamo. Cuộc vui này hay cuộc vui kia cũng đều có dính dáng đến những thú tiêu khiển tao nhã của giới thượng lưu vào thời Heian xa xưa.
Kyokushinoen có nghĩa là Đại Yên bên dòng suối uốn khúc.
Khách khứa mang trang phục cổ ngồi rải rác dọc con suối trên đó người ta thả những chén gỗ đựng sake. Lúc chiếc chén trôi đến lượt khách nào, vị ấy phải làm một bài thơ hoặc họa một bức tranh, uống sake trong chén rồi thả nó xuống nước cho vị khách tiếp theo. Phục dịch bữa yến tiệc ấy là các cậu thiếu niên trẻ tuổi.
Năm vừa rồi Chieko đã đi xem Đại yến bên dòng suối uốn khúc. Lúc bấy giờ trong đám khách dự trang phục quần áo thời cổ của các vị cận thần quý tộc có cả nhà thơ Pshamu Yoshi 3 (mà nay thì tiên sinh đã từ bỏ thế giới này).
Cuộc vui này có vẻ lạ lẫm, chưa quen - có lẽ, là bởi vì người ta vừa mới khôi phục nó cách đây không lâu.
Chieko không tới xem lễ Karyobinga mới khôi phục nữa: ở đấy cũng đâu có cảm thấy vẻ mỹ miều của thời xưa. Ở Kyoto không kể đến nó cũng đã có bao nhiêu lễ cổ tuyệt vời.
Hoặc giả bà Xighe đã tập cho Chieko thói quen siêng năng, hoặc giả bẩm sinh cô gái vốn có đức tính ấy, dù sao thì nàng cũng luôn dậy sớm và trước tiên và cẩn thận lau chùi bụi bặm trên hàng rào gỗ.
Ngày hôm đó Chieko còn chưa kịp thu dọn bát đĩa sau bữa ăn sáng, Shinichi đã gọi điện tới.
- Hình như, chị cùng với một chàng trai nào đấy vui vẻ đi chơi lễ Kỷ Nguyên phải không. - Anh vừa cười vừa nói. Chieko hiểu ngay lần này đến lượt Shinichi lẫn lộn nàng với Naeko.
- Anh cũng ở đấy à? Thế sao không gọi?
- Tôi thì định gọi đấy nhưng ông anh không cho, - Shinichi hồn nhiên đáp.
° ° °
Chieko không dám nói cho Shinichi biết anh ta đã tưởng nhầm cô gái khác là nàng: Thế nghĩa là Naeko có dự lễ Kỷ Nguyên và chị ấy mặc chiếc kimono do cửa hàng gửi đến cùng chiếc thắt lưng Hideo dệt.
Chieko không một chút nghi ngờ gì nữa, Hideo đã đi cùng cô gái.
Nàng không dự tính Hiedo lại mời Naeko đi xem hội chóng vánh đến thế. Song nàng thấy trong lòng ấm lên và nàng mỉm cười.
- Chieko, Chieko này! Sao chị im lặng vậy? - Giọng nói Shinichi vang lên trong ống nghe.
- Theo chỗ tôi hiểu thì anh gọi điện cho tôi cơ mà - vậy thì anh nói đi.
- Hẳn là thế rồi! - Shinichi reo to và bật cười. - Này, cạnh chị ở đằng ấy không có viên quản lý đấy chứ?
- Không, ông ta chưa xuất hiện ở cửa hàng đâu.
- Chị tự nhiên bị cảm đấy à?
- Chẳng lẽ giọng tôi khàn ư? Mà cũng có thể: tôi vẫn ra đường lau bụi hàng rào.
- Lại làm sao khó nghe... - hình như Shinichi lay lay ống nghe.
Chieko vui vẻ cười to.
- Chieko, chị vẫn nghe tôi đấy chứ? - Shinichi hạ giọng. Số là ông anh nhờ tôi gọi điện cho chị, tôi chuyển ống nghe cho anh ấy đây...
Chieko không thể tự cho phép nói năng với Riuxuke bằng giọng quá ư thiếu chín chắn được.
- Chieko, tiểu thư nói chuyện với viên quản lý rồi chứ? -Trước tiên Riuxuke hỏi.
- Rồi ạ.
- Cừ lắm - Riuxuke nói to và lại nhắc lại: - Cừ lắm!
- Nhưng ông ta than phiền với mẹ.
- Cố nhiên rồi.
- Tôi bảo ông ta: tôi muốn được biết đôi chút công việc kinh doanh của chúng tôi... và yêu cầu chỉ dẫn cho các sổ sách thu chi.
- Tuyệt. Chỉ riêng việc tiểu thư nói với ông ta điều đó đã rất thiết yếu rồi.
- Mà tôi buộc ông ta phải lấy các sổ tiết kiệm, cổ phiếu, chứng khoán trong két sắt để cho tôi xem qua.
- Chieko, tiểu thư quả là rất giỏi. Mà vẫn gây cảm tưởng là một cô tiểu thư rất đỗi hiền hòa, tốt bụng.
- Nhưng đấy chính là nhờ tiên sinh bảo ban...
- Tôi khuyên tiểu thư là vì trong giới thương gia gần đây có tiếng đồn kỳ quặc và tôi cũng đã thầm quyết định: nếu tiểu thư thấy e ngại thì cha tôi hoặc tôi sẽ làm việc này. Rất may, tự tiểu thư đã nói chuyện với ông ta. Ông ta thế nào? Sau cuộc nói chuyện của tiểu thư có thay đổi thái độ chứ?
- Có, không rõ tại sao ông ta bắt đầu xử sự khác đi.
- Không thể cũng không được. - Riuxuke im lặng một lát rồi nói thêm: - Tiểu thư đã hành động đúng.
Chieko có cảm giác như ở đằng đấy, ở đầu đằng kia dây nói, Riuxuke đang định nói một điều gì nữa mà chưa dám quyết.
- Chieko ạ, sẽ không phiền gì nếu cuối buổi tôi ghé vào cửa hiệu của tiểu thư... cùng với Shinichi chứ?... - Cuối cùng anh nói.
- Tôi đâu có quyền cấm tiên sinh... Sao lại phải xin phép ạ?
- Song dẫu sao trong nhà là một tiểu thư trẻ...
- Tiên sinh đừng nói vậy. Tôi thấy phiền lòng...
- Vậy thì tôi sẽ đến, lúc mà viên quản lý còn ở cửa hàng, cam đoan với tiểu thư, tôi không làm phiền tiểu thư một chút nào, nhưng dù sao tôi vẫn muốn được thấy nhân vật ấy tận mặt - Riuxuke cười to.
- Kìa tiên sinh?! - Chieko lấy làm lạ.
Cha Riuxuke được coi là nhà buôn lớn ở vùng Muromachi, còn trong số bạn bè ông thì có không ít những thương gia thế lực. Ngay cả Riuxuke, cho dù đang nghiên cứu khoa học vẫn chú ý cả đến việc kinh doanh của cha.
- Giá mà ta thưởng thức món ba ba thì ý tiểu thư thấy thế nào? - Riuxuke chuyển sang chuyện khác. - Ta đi ăn tối ở hiệu ăn "Daiychi" bên Kitano nhé. Cương vị tôi mà ngỏ lời mời cả song thân tiểu thư thì hỗn hào quá, vì vậy tôi chỉ mời mình tiểu thư nhập bọn thôi - với tôi và "chú tiểu bé bỏng" của chúng ta.
- Được ạ - Chieko giờ đã đâm e dè, cực chẳng đã chỉ thốt lên được có thế.
Hơn chục năm đã trôi qua kể từ lúc Shinichi đóng vai chú tiểu ngự kiệu trong lễ Ghion, thế mà đến giờ Riuxuke còn gọi anh ta là "chú tiểu bé bỏng của chúng ta". Có lẽ cũng vì cái tính nết nhu mì và xinh đẹp mà đến phụ nữ cũng phải ganh tị.
- Shinichi gọi điện, nói là ngày hôm nay sẽ cùng với Riuxuke ghé vào nhà ta, - Chieko nói với mẹ.
- Thế à? - Đối với Xighe tựa hồ đây là một điều bất ngờ.
Sau lúc trưa Chieko lên phòng mình, trang điểm sơ một chút nhưng cẩn thận. Nàng chải gỡ tóc ra và sửa sang lại rất lâu, song kiểu tóc vẫn không được như ý nàng muốn. Sau đấy nàng bắt đầu ướm thử kimono nhưng không sao quyết định được nên chọn cái nào. Cuối cùng khi nàng xuống nhà dưới thì cha đã không còn ở đấy: có lẽ ông đi công chuyện một chốc.
Chieko khêu lại lửa trong lò rồi ngó quanh phòng khách. Nàng nhìn cả ra vườn. Rêu trên thân cây phong già vẫn còn xanh nhưng lá mấy khóm hoa tím đã bắt đầu úa.
Ở cây trà cạnh chiếc đèn Cơ đốc những đóa hoa đỏ thắm đã nở. Đối với nàng thì hoa trà tựa hồ dịu hiền hơn những bông hồng đỏ chói.
Bước vào nhà, đầu tiên hai anh em lễ phép cúi chào bà mẹ, sau đấy Riuxuke một mình tiến về phía bàn giấy nơi viên quản lý đang ngồi. Uemura tất tưởi rời bàn giấy và cúi xuống một lúc lâu, quá lâu vái chào Riuxuke. Anh lịch thiệp đáp lễ mặc dù nét mặt lại cau có, điều mà Uemura chẳng lỡ dịp nhận xét ngay.
"Hắn cần gì ở mình nhỉ - gã sinh viên oắt này này - Uemura nghĩ thầm, song vẫn hiểu: hãy nên cẩn thận đề phòng.
Đợi cho viên quản lý ngừng lời một phút mà lấy lại hơi xong, Riuxuke bình thản nói:
- Hình như, việc kinh doanh của ngài đang phát đạt thì phải.
- Như người ta có câu: sở cầu như ý đấy ạ.
- Thì cha tôi vẫn nói: tất thảy là nhờ ở chỗ ngài Xada có người quản lý giàu kinh nghiệm.
- Cảm ơn vì đã có lòng quá khen, nhưng phải chăng có thể đem cửa hiệu chúng tôi sánh với hãng buôn Midzuki được sao?
- Ngài nhầm đấy, chúng tôi mới đang bắt tay vào mọi việc, chứ quả thực cửa hàng nhà tôi chỉ là một cửa hiệu nhỏ nhoi tầm thường. Điều hành một công việc như vậy tôi không được vừa ý lắm. Rất tiếc là các hãng buôn có uy tín như của các ngài ngày một ít đi.
Uemura còn đang sửa soạn đáp lại, Riuxuke đã quay lưng về phía ông ta, đi vào phòng khách, nơi Chieko và Shinichi đang đợi anh.
Uemura dõi ánh mắt lo lắng theo bóng anh vừa đi khuất. Ông ta lập tức đoán ra ngay là giữa yêu cầu cho xem sổ sách kế toán của Chieko với cuộc viếng thăm hôm nay của Riuxuke có một mối liên hệ gì đó.
Lúc Riuxuke bước vào phòng khách, Chieko đưa mắt nhìn anh vẻ dò hỏi.
- Tiểu thư Chieko ạ, mạn phép tiểu thư tôi có hơi làm ông quản lý xuống tinh thần một chút.
Chieko cúi đầu im lặng và bắt đầu pha trà cho Riuxuke.
- Anh này, trông những cây hoa tím ngoài vườn kìa - chúng mọc trên thân cây phong già. Có hai khóm cả thảy, mà đã từ lâu Chieko ví chúng như đôi tình nhân bất hạnh... Ở ngay cạnh nhau mà chẳng bao giờ kết lại được...
- Tôi có thấy. - Phụ nữ chỉ toàn thích chuyện mủi lòng.
- Anh không biết hổ thẹn hay sao hả, Shinichi. - nàng đặt trước mặt Riuxuke chén trà vừa pha xong. Hai tay nàng hơi thấy run run.
Họ đến hiệu ăn bằng chiếc xe hơi của hãng buôn Midzuki.
"Daiychi" là một cao lâu kiểu cổ, có tiếng cả với khách ở xa đến.
Người ta đưa họ vào một gian phòng trần thấp, các bức tường đã biến màu vì thời gian.
Đầu tiên người ta dọn món ba ba tần, sau đấy người ta cho thêm gạo và rau vào chỗ nước hầm còn lại.
Chieko có cảm giác một luồng hơi nóng dịu nhẹ đang lan khắp thân thể nàng, thậm chí nàng hơi chếch choáng say.
Mặt và cổ Chieko ửng hồng. Sắc đỏ hồng đã tạo thêm cho cái cổ tươi trẻ, trắng muốt, không một tì vết của nàng vẻ đáng yêu đặc biệt. Cặp mắt nàng sáng lên, chốc chốc nàng lại đưa tay xoa má.
Lẽ dĩ nhiên, đến chạm môi vào chén sake của mình Chieko cũng không, nhưng nàng không biết rằng món nước hầm ba ba chứa một nửa là rượu sake. Lúc họ bước ra phố, nơi chiếc xe đỗ đợi họ, Chieko cảm thấy hai chân không phục tùng nàng nữa. Nàng đâm ra vui vẻ, lời lẽ cứ từ miệng buông ra dễ dàng tới kỳ lạ.
- Shinichi này! - Nàng quay sang phía người em. Với anh ta nàng không thấy rụt rè. - Đi với chàng thanh niên hôm lễ Kỷ Nguyên không phải là tôi đâu. Có lẽ anh trông từ xa nên nhầm đấy.
- Chị kín đáo thật đấy! - Shinichi cười rộ.
- Việc gì tôi phải giấu. - Chieko ấp úng. - Nói thật nhé, cô gái mà anh tưởng tôi, là chị tôi đấy.
- Không có nhẽ? - Shinichi hoài nghi nhìn Chieko.
- Đúng thế, anh nhìn thấy không phải tôi đâu, chị tôi đấy. - Chúng tôi... - Chieko ngừng bặt, sau đấy gật mạnh đầu quả quyết và nói: - Chúng tôi là chị em sinh đôi...
Điều này thì Shinichi mới nghe thấy lần đầu.
Cả ba người im lặng một lúc.
- Mà trong hai người chúng tôi, người ta đã vứt bỏ tôi, - Chieko kết luận.
Dạo họ đến chùa Kiyomdzu ngắm hoa anh đào, Chieko đã thú nhận với Shinichi rằng nàng là con bỏ rơi. Anh ta chắc phải kể chuyện ấy cho Riuxuke biết rồi. Mà cứ cho là anh ta làm thinh đi thì từ miệng hàng xóm Riuxuke vẫn có thể biết chuyện đó như thường.
- Tiểu thư nói gì thì nói, chứ thực ra, giá người ta đem bỏ cô bé Chieko ở cạnh nhà tôi thì tôi đã rất sung sướng... Đúng, giá người ta vứt bỏ tiểu thư ở cạnh nhà tôi thì có phải hay hơn không, - Riuxuke trầm ngâm nhắc lại.
- Anh ơi! - Shinichi phì cười. - Chớ có quên là lúc người ta vứt bỏ Chieko, chị ấy đã phải là cô gái lớn rồi đâu mà chỉ là đứa trẻ còn ẵm ngửa thôi.
- Dù là đứa trẻ đi, tôi vẫn cứ muốn người ta bỏ cô ấy ở cạnh nhà mình.
- Anh ạ, anh cứ nói thế là bởi anh thấy Chieko như chị ấy bây giờ.
- Chú nhầm.
- Ngài Xa da mất bao nhiêu năm đem lòng thương yêu nuôi dạy cô bé ấy mới trở thành Chieko ngày nay, - Shinichi nói. - Với lại lúc ấy thì ngay anh cũng là thằng bé, biết gì đâu. Thử hỏi, liệu một cậu bé như thế có thể trông nom đứa trẻ còn ẵm ngửa được không?
- Có thể lắm chứ, - Riuxuke quả quyết đáp.
- Rõ thật! Anh thì chỉ được cái khăng khăng. Bao giờ anh mới chịu thừa nhận mình sai nhỉ?
- Chả phải tôi khăng khăng bướng bỉnh đâu, nhưng dù sao tôi vẫn rất sung sướng giá như được đảm nhiệm việc nuôi dưỡng cô bé Chieko. Thiết tưởng thế nào mẹ chả giúp tôi.
Cơn say của Chieko biến mất. Mặt nàng tái đi.
° ° °
Liên hoan ca vũ mùa thu ở Kitano kéo dài nửa tháng. Và hôm trước ngày chót của liên hoan, Takichiro đến phòng hòa nhạc Kitano. Ông đi một mình mặc dù người ta đã gửi cho ông mấy chiếc vé vào cửa. Takichiro không muốn đem ai đi theo. Trước kia sau một dịp thế này ông thường cùng bạn hữu đi chơi bời tiêu khiển, nhưng thời gian gần đây những trò chơi bời ấy thành ra một gánh nặng đối với ông.
Trước giờ mở màn Takichiro tạt vào phòng trà. Một cô kỹ nữ không quen biết ngồi xuống cạnh ông - có lẽ là đến lượt cô ta phục dịch khách.
Cạnh đấy là bảy, tám cô bé đứng thành hàng dài giúp việc đưa thức ăn thức uống vào. Các cô gái đều mặc kimono màu hồng dài tay như nhau. Chỉ có một cô mặc màu thiên thanh. Takichiro dừng ánh mắt ở cô ta và khó khăn lắm mới nén được tiếng kêu kinh ngạc. Mặt cô bé trang điểm cẩn thận nhưng ông ta nhận ra cô ta ngay: cô ta đã đi đúng chuyến xe điện "Đin-đin" cùng với bà chủ phòng trà. Tại sao chỉ cô ta là mặc kimono màu thiên thanh, hay đến phiên cô ta phục dịch chăng? - Takichiro nghĩ.
Cô bé áo thiên thanh mang trà vào, đặt xuống trước Takichiro. Vẻ nghiêm trang ngưng lại trên mặt cô. Không một bóng dáng nụ cười. Hệt như qui định.
Vậy mà ngay lập tức Takichiro thấy lòng ông rộn lên.
Ở nhạc phòng Kitano lần này người ta diễn Gubidginso 4 - vở vũ kịch tám cảnh. Vở kịch thuật lại mối tình bi thảm của Xian Iuy và Iuy Tsi này nổi tiếng lắm. Ở cảnh đầu Iuy Tsi đâm kiếm vào ngực mình rồi lặng nghe những âm thanh của khúc hát về miền Tsu cố hương và hấp hối với niềm hoài hương, trong vòng tay Xian Iuy.
Còn chàng này thì tìm cái chết nơi chiến trận. Sau đấy, địa điểm của tích truyện chuyển từ Trung Quốc sang Nhật Bản. Các nhân vật chính của lớp này là Naodzane Kumagai, Atsumori Taira và hoàng cô Tamaorihime. Kumagai, sau khi giết Atsumori thì đi tới ý tưởng về sự vô nghĩa của kiếp sống phù du. Chàng rời bỏ ngôi nhà thân yêu lên đường đến nơi chiến địa cũ để cầu siêu độ cho Atsumori. Lúc chàng nói lên lời cầu nguyện thì những bông hoa mỹ nhân trổ ra quanh nấm mồ Atsumori. Nghe có tiếng tiêu, hồn Atsumori hiện lên yêu cầu Kumagai hiến "cây tiêu xanh" gia bảo của họ vào chùa Kurodanhi. Hồn Tamaorihine xuất hiện đòi theo những đóa mỹ nhân đỏ đã nở trên mộ tiến dâng bệ thờ Đức Phật.
Sau khi kết thúc vở kịch người ta trình diễn những điệu múa hiện đại vui nhộn "theo lối Kitano".
Ở Thất lâu Thượng quận này, chiếm ưu thế là trường phái vũ đạo Hanayaghi, khác với trường phái Inoue thịnh tại vùng Ghion.
Rời phòng hòa nhạc, Takichiro quay trở lại chính ngôi phòng trà kiểu cổ mà ông đã rẽ vào trước buổi biểu diễn và lặng lẽ ngồi một góc.
- Ông muốn cho mời ai đây? - Bà chủ sở tại đã lập tức lại gần ông.
- Gọi cái cô đã cắn lưỡi khách ấy... Cả cô bé áo thiên thanh nữa.
- À, cái cô ông gặp trên xe điện "Đin-đin" phải không? Tôi sẽ gọi, nhưng với điều kiện các vị chỉ chào hỏi nhau thôi chứ làm gì nữa thì không đâu nhé.
Tới lúc cô kỹ nữ xuất hiện thì Takichiro đã chếnh choáng lắm rồi. Ông đứng dậy, bước ra hành lang để tỏ thái độ. Cô kỹ nữ đi theo ông.
- Em cắn ngay bây giờ đấy phỏng? - Ông hỏi đùa.
- Vậy ra tiên sinh còn nhớ ư? Đừng lo, em không cắn đâu, tiên sinh không tin sao? Tiên sinh thè lưỡi ra đi nào.
- Ghê thật?
- Đừng sợ đấy nhé?
Takichiro thè lưỡi. Cô kỹ nữ thận trọng chạm vào cặp môi ấm nóng, mềm mại của ông rồi hít riết lấy.
- Em là người đàn bà hư hỏng rồi. - Takichiro nhè nhẹ vỗ vào lưng cô ta.
- Phải chăng em đã làm điều gì đồi bại ư?
° ° °
Takichiro chợt muốn súc miệng, song cô kỹ nữ còn đứng cạnh, trước mặt cô ta như thế thật bất tiện.
Hành vi của cô kỹ nữ đối với Takichiro có vẻ quá bạo dạn, mặc dù hành vi ấy tựa hồ cũng chẳng chứa đựng ẩn ý nào rõ rệt. Ít nhất thì ông cũng đoán định vậy. Cô kỹ nữ trẻ này không khiến ông khó chịu, và ông không thấy có gì là sỗ sàng trong cái ngỗ nghịch của cô ta.
- Tiên sinh gượm đã. - Cô kỹ nữ ngăn Takichiro lại lúc ông đã rục rịch trở vào phòng khách.
Cô rút khăn tay ra, cẩn thận lau môi cho ông. Chiếc khăn vương lại những vệt son. Cô kỹ nữ sát lại gần, chăm chú nhìn vẻ mặt ông.
- Giờ thì ổn rồi, - cô nói.
- Cám ơn... - Takichiro nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô ta, rồi quay về chỗ mình.
Cô kỹ nữ dừng lại trước gương để tự sửa sang cho mình.
Phòng khách không có ai, nên Takichiro uống liền mấy chén sake đã nguội, lấy đó mà súc miệng.
Nhưng dẫu sao, cái mùi của chính cô kỹ nữ hay của thứ nước hoa cô dùng không rõ nữa vẫn không mất đi, Takichiro mơ hồ cảm thấy dậy lên nguồn sức lực trẻ trung mà đã lâu ông chưa từng nếm trải.
Trò đùa lả lơi của cô kỹ nữ hai mươi tuổi này lại có một nét duyên thầm nào đó, Takichiro nghĩ.
Bà chủ cắt đứt luồng suy ngẫm của ông. Bà ta dẫn cô bé mặc kimono màu thiên thanh vào.
- Ông muốn gặp cô ấy. Đừng quên điều chúng ta thỏa thuận nhé. Xin ông chú ý cho, cô ấy còn nhỏ tuổi quá.
Takichiro chăm chú ngắm cô bé.
- Hôm nay các cô đãi tôi trà... - ông mào đầu.
- Thưa vâng, - không chút ngượng nghịu gì khác thường, đúng như qui định đối với một cô bé ở phòng trà, cô đáp. - Em nghĩ: đây đúng là tiên sinh ấy rồi nên em mạn phép mang trà đến cho ngài.
- Ra thế...Cám ơn cô...Hóa ra cô chưa quên tôi ư?
- Thưa không, em vẫn nhớ.
Cô kỹ nữ vào.
- Ngài Xada rất thích Chiy-chian, - bà chủ nói với cô.
- Thế ư? - Cô kỹ nữ đưa mắt nhìn Takichiro. - Ngài sành thưởng thức lắm, thưa Xada tiên sinh. Phải đợi ba năm nữa thôi. Với lại xuân sang là Chiy-chian sang quận Bonto rồi.
- Sang Bonto à? Sao thế?
- Học múa. Cô bé mơ ước trở thành vũ nữ.
- Tôi hiểu, nhưng học múa ở Ghion có phải hơn không?
- Sự thể là ở chỗ, dì cô ấy sống bên Bonto.
Takichiro ngắm nghía cô bé nghĩ: dù đi đâu học chăng nữa thì nhất định cô ấy cũng sẽ thành một vũ nữ hạng nhất.
° ° °
Liên hiệp các thợ dệt Nhixidgin đã bắt đầu thực hiện một phương sách quyết liệt, từ trước đến nay chưa từng thấy: yêu cầu tất cả các xưởng dệt ngừng máy trong tám ngày - từ mười hai đến hết mười chín tháng mười một. Trên thực tế sản xuất chỉ tạm dừng có sáu ngày thôi, vì ngày mười hai và mười chín rơi vào chủ nhật.
Nguyên nhân ở đây thì nhiều, song trước hết là các nguyên nhân kinh tế. Đã phát sinh tình trạng sản xuất thừa, trong các kho chứa ứ đọng trên một trăm ngàn tan 5 vải. Việc trước tiên là phải thu xếp số hàng dư này đi đâu đã, và phải ký các hợp đồng mới với những điều khoản có lợi hơn cho thợ dệt. Thêm nữa, dạo gần đây cũng xuất hiện những rắc rối về mặt tín dụng.
Từ mùa thu năm ngoái đến hết mùa xuân năm nay, nhiều hãng buôn vẫn mua vải may kimono sản xuất ở Nhixidgin đã theo nhau phá sản.
Việc dừng các máy dệt tám ngày có nghĩa là cắt giảm sản xuất ở Nhixidgin từ tám mươi đến chín mươi ngàn tan. Dẫu sao một biện pháp thế này cuối cùng cũng mang lại kết quả.
Ngay cả những thợ dệt tiểu cá thể nhận việc về nhà làm, loại thợ dệt hết sức đông trong các quận Kiya và Yoko, cũng hưởng ứng lời kiêu gọi của liên hiệp.
Trong những căn nhà nhỏ một tầng chật chội, mà cho dù có hai tầng đi nữa thì trần cũng rất thấp, là các xưởng dệt tí hon chen chúc nhau. Ở các xưởng thuộc quận Yoko quang cảnh mới thật thảm thương, suốt từ sáng tới đêm khuya ầm ầm tiếng máy dệt - mà thường không phải máy riêng mà là đi thuê.
Chỉ có ba mươi thợ dệt xin phép không phải dừng công việc, bởi lẽ việc này có cơ làm gia đình họ túng đói.
Ở xưởng của Hideo người ta chỉ dệt thắt lưng cho kimono. Với những máy dệt cao takabata kể cả ban ngày cũng phải làm việc dưới ánh đèn điện, mặc dù căn phòng làm xưởng tương đối sáng sủa. Song địa phận sinh hoạt trong nhà thì thật rách nát, đồ lề tối cần thiết trong bếp cũng không đủ. Thậm chí khó mà hình dung được đâu là nơi những người trong gia đình nghỉ ngơi sau giờ làm việc đâu là chỗ họ ngủ.
Hideo vốn kiên nhẫn trong công việc, anh đặt vào đấy cả tâm hồn đồng thời lại là người có tài năng xuất chúng. Song ngồi lì trên thanh ván hẹp suốt ngày này qua ngày khác chẳng phải là đơn giản hay nhẹ nhõm chút nào, và chắc hẳn Hideo cũng bị không ít các vết thâm tím, chai sần.
Trong lễ Kỷ Nguyên hôm ấy anh không để mắt đến đám rước sặc sỡ muôn màu bằng ngắm bộ trang phục xanh của đám thông trong khu vườn hoàng cung rộng mênh mông, có lẽ là vì việc đó giúp anh quên lãng đời sống thường nhật. Khó mà nói được liệu Naeko có thông hiểu anh không - bởi cô ấy làm việc trong khung cảnh thiên nhiên, giữa núi non...
Từ cái ngày Naeko mặc chiếc thắt lưng do anh dệt đi dự lễ, Hideo càng hăng hái lao mình vào công việc hơn...
° ° °
Kể từ buổi Riuxuke mời Chieko đến quán ăn "Daiychi", nàng đâm ra tư lự. Không thể bảo là nàng non nớt đến mức độ ấy, song dẫu sao vẻ đăm chiêu ở nàng vẫn là do những nỗi xúc động nào đấy gây nên.
Vậy là ở Kyoto người ta đã hối hả sửa soạn cho ngày tết đầu năm.
Thời tiết thành ra thất thường, đúng như vẫn thường thấy ở đây mỗi khi mùa đông đến. Trời đang trong trẻo bỗng sa xuống trận mưa phùn, mà những hạt mưa thì lấp lánh trong ánh nắng. Tuyết ẩm thay thế mưa, rồi trời lại quang râm và sau đấy một lần nữa mây đen lại bao phủ.
Việc chuẩn bị đón năm mới ở Kyoto bắt đầu từ ngày mười ba tháng chạp. Theo tập tục xưa, mọi người đi thăm và tặng quà nhau.
Tập tục này được gìn giữ đặc biệt chu đáo trong các quận son phấn vùng Ghion.
Các kỹ nữ và vũ nữ maiko sai nô bộc mang bánh tròn bột gạo biếu các bà chủ phòng trà đã bảo trợ họ năm qua, biếu các thầy dạy ca, dạy vũ, biếu các kỹ nữ lớn tuổi hơn. Sau đấy đích thân các kỹ nữ đến thăm viếng, mừng ân nhân mình nhân dịp năm sắp đến, chúc an khang và bày tỏ hy vọng rằng cả từ nay về sau những người này cũng đừng quên chú ý tới họ.
Cái cảnh tưởng mỹ lệ nơi những người kỹ nữ trang phục đỏm dáng đi thăm viếng đã tạo ra những ngày này bầu không khí hội hè ở vùng Ghion từ khá lâu trước đêm giao thừa.
Nhưng trong vùng mà gia đình Takichiro sống, cảnh sắc ngày lễ còn chưa thấy rõ.
Sau bữa ăn sáng Chieko lên phòng mình để trang điểm, nhưng hai tay nàng cứ lóng nga lóng ngóng. Chốc chốc nàng lại tư lự điều gì đó.
Lời Riuxuke nói vẫn làm trái tim nàng xốn xang như trước. "Giá người ta đem bỏ cô bé Chieko ở cạnh nhà tôi thì tôi đã rất sung sướng", - ở quán ăn khi ấy anh đã nói vậy, và ý tứ câu nói này thật quá rõ ràng.
Shinichi kết bạn với Chieko từ thời thơ ấu. Tình bạn ấy tiếp diễn cả trong những năm cắp sách đến trường. Chieko hiểu: Shinichi say mê nàng, song nàng cũng hiểu rằng không bao giờ anh ta dám bạo dạn cư xử với nàng như người anh anh ta. Khi Riuxuke bắt chuyện với Chieko, đúng là nàng ngừng thở.
Nàng chải gỡ thật kỹ mớ tóc dài của mình, hất ra sau lưng rồi đi xuống nhà dưới.
Lúc đang ăn sáng, Naeko đã từ làng gọi điện tới:
- Tiểu thư ạ, em đang cần gặp chị.
- Chào Naeko, được nghe tiếng chị nói thật thú vị biết mấy... Ta gặp nhau vào ngày mai đi - được chứ chị?
- Lúc nào em cũng sẵn lòng...
- Vậy chị đến đằng cửa hiệu nhà em nhé.
- Em không muốn thế đâu.
- Em đã kể chuyện chị với mẹ rồi, cha cũng biết nữa.
- Nhưng có lẽ đằng ấy còn có những người làm.
- Thôi được em sẽ đến chỗ chị, - Chieko nói sau một thoáng tần ngần.
- Em sẽ rất vui sướng, tuy là chỗ em trời đã trở lạnh...
- Không sao đâu. Em đang rất muốn được ngắm thông liễu...
- Chị mặc ấm ấm vào nhé. - Có thể mưa đấy. Của đáng tội, nhóm đống lửa chả khó khăn gì, nhưng dù sao... Giờ em đang làm ở ngay cạnh đường nên sẽ thấy chị ngay thôi.
--------------------------------
1 Chúc một ngày lễ may mắn. 2 Karyobinga: chim thụy hồng trong huyền thoại, có giọng hót hay tuyệt trần. 3 Pshamu Yoshi: Thi sĩ và kịch tác gia Nhật Bản, tác giả Khúc ca Chionrất nổi tiếng. 4 Gubidginso: hoa mĩ nhân.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro