Kỉ vật lãng quên (2)
Xếp gọn lại quần áo và những chiếc bao gối trong hộc tủ, tôi thầm nghĩ chẳng thể bỏ được gì vì tất cả đều đáng quý. Làm sao nỡ bỏ cho được những điều vô giá ấy! Kỉ vật là những hồi ức hữu hình chẳng thể nào vứt bỏ cho dù nó làm ta vác oằn cả vai. Đoạn định đóng hộc tủ lại để chuyển sang làm những công việc khác thì tôi lại tìm thấy 1 kỉ vật mà chẳng thể nào tin được mình có thể nhìn thấy lại lần nữa. Một bức tranh nhỏ bé mà tôi đã vẽ khi còn học tiểu học. Bức tranh đơn giản vẽ bằng màu sáp và được viền bởi bút lông trên tờ giấy tập ô li. Nội dung tranh là 1 ngôi nhà xinh xinh, đứng bên cạnh có bố, mẹ và tôi. Trên mái nhà là 1 ông mặt trời màu đỏ đang mỉm cười, những đám mây xanh lam có mắt với hàng lông mi dài và cầu vồng bảy sắc rực rỡ. Trước ngôi nhà tí hon ấy có cả 1 vườn cỏ xanh mượt điểm xuyết vài bông hoa năm cánh màu vàng. Đây là món quà tôi dành tặng cho mẹ vào 1 dịp nào đó mà tôi không thể nhớ lại nổi. Hình như chẳng phải nhân dịp gì cả, chỉ đơn giản là vì tôi cảm thấy bức tranh này thật đẹp và chỉ có mẹ mới xứng đáng được tặng.
Tôi còn nhớ rõ, mẹ đã vui như thế nào khi nhận được món quà này. Mẹ cất kĩ lắm. Mẹ bỏ nó vào trong 1 bao nilông trong suốt để bảo quản, và lúc nào cũng mang theo bên mình trong chiếc ví đựng tiền. Những giọt nước mắt bỗng nhiên chực tràn nơi khóe mắt. Hình như đây là món quà đầu tiên mà tôi tặng mẹ. Và hình như...đây cũng là món quà duy nhất tôi từng tặng bà!
Mẹ tôi sống 1 đời giản dị. Bà chẳng bao giờ nghĩ cho bản thân. Chẳng bao giờ thấy mẹ nhắc đến ngày sinh nhật của mình, và cũng chẳng bao giờ thấy bà đòi hỏi bất cứ 1 món quà nào từ bố, anh tôi và tôi. Phần vì bà sợ tiệc tùng tốn kém, phần vì bà luôn nghĩ cho chồng và con trước. Và cũng chính vì lẽ đó, mà tôi trở thành 1 người con vô tình lúc nào không hay.
Khi còn là trẻ thơ, ta chẳng bao giờ ngại ngùng nói lên tình cảm của mình với bố mẹ, như việc tôi đã dũng cảm chạy đến tặng mẹ bức tranh nhỏ bé và cũng chẳng suy nghĩ khi nói câu: " Con thương mẹ nhiều lắm! " Vậy mà khi ta lớn lên, những cảm xúc rất người và bình dị ấy lại dần trở nên chai sạn và xói mòn theo trình độ học vấn. Tôi từng nghĩ rằng càng học nhiều ta lại càng thêm ngu ngốc, càng học nhiều ta lại càng tự tạo cho mình 1 vỏ bọc thông minh rỗng tuếch. Để rồi với vỏ bọc xấu xí ấy, hằng ngày ta đối xử với người thân trong gia đình thật ích kỉ. Ta có thể nói lời yêu thương với 1 người dưng, có thể tặng thật nhiều quà cáp cho đồng nghiệp và cấp trên, có thể hát thật nhiều bài hát cho hàng vạn người nghe, có thể đi phân gạo cho đồng bào nghèo khó trên khắp đất nước, có thể quyên góp tiền cho những người dân bị nạn sóng thần ở 1 đất nước khác, v.v... Vậy mà...ta chẳng thể nào mở miệng nói 1 câu yêu thương với gia đình, chẳng thể nào hát vu vơ 1 câu hát trẻ thơ cho bố mẹ nghe, chẳng nghĩ ra nổi món quà nào bố mẹ thích nhất, hay thậm chí chẳng buồn khen món ăn của bố, của mẹ, của vợ nấu ngon như thế nào...
...
Vuốt thật phẳng bức tranh nhỏ bé ấy, hứa với lòng sẽ giữ gìn cẩn thận để sau này mỗi lần nhìn thấy sẽ nhớ rằng: những điều bình dị nhất trong đời thật ra là những điều quý báu nhất!
Ai bảo lãng quên thuộc về quá khứ?
Ai bảo hồi ức là những kỉ vật xếp trong gác tủ?
Hãy thử 1 lần lục tìm về những mảnh kí ức cũ, ...ta sẽ thấy bản thân mình quá lạnh nhạt với nhau...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro