Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chiếc xe vội vã

     Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, bố đã dạy tôi rất nhiều điều về cuộc sống. Tâm hồn của tôi bây giờ có được 50% là nhờ ơn thầy cô nhà trường dạy bảo, còn 50% còn lại hầu như là từ những lời răn dạy của bố mà nên. Bố dạy tôi rất nhiều thứ, từ việc không đung đưa chân khi ngồi, không nhép lưỡi khi ăn, không cắn móng tay, không nhái lại điều người lớn vừa nói, không được văng tục cãi nhau... cho đến cả việc đối nhân xử thế hằng ngày và luật giao thông căn bản: gặp người lớn phải biết dạ thưa, nhận quà từ ai phải biết cảm ơn, đèn đỏ phải dừng, đèn vàng phải đi chậm lại còn đèn xanh thì mới được chạy, khi quẹo thì phải đưa tay ra báo hiệu nhưng đừng dang tay rộng quá kẻo xe đằng sau chém đứt đấy. Ngồi sau xe bố bao nhiêu ngày đi học là bấy nhiêu ngày tôi góp nhặt được từ bố những bài học vỡ lòng về cách làm người.
     Ngay từ nhỏ, tôi đã được bố cho biết về luật giao thông trên đường bộ. Bố bảo có nhiều xe được ưu tiên lắm. Đầu tiên là xe cứu hỏa vì họ cần phải nhanh nhanh đi chữa cháy để cứu thật nhiều mạng sống và của cải. Sau đó là đến xe cứu thương, khi nghe họ hú còi thì con phải biết tự giác né sang 1 bên nhường đường vì trong xe có người bệnh cần cấp cứu. Bố bảo còn nhiều xe được ưu tiên lắm nhưng con chỉ cần nhớ 2 xe đó là đủ.
    Thật ra, không cần bố phải dạy tôi cũng thấy được tất cả những hình ảnh ấy khi hằng ngày ngồi phía sau xe bố chở đi học, đi chơi, đi giao hàng hóa. Mỗi lúc nghe thấy tiếng còi hú của chiếc xe cứu thương là y như rằng người dân điều khiển xe lưu thông 2 bên đường chạy chậm lại quan sát phía sau rồi vội vàng tấp vào 2 bên lề, nhường đường cho chiếc xe vội vã ấy chạy qua. Những lúc ấy tôi càng thấm thía hơn bài học từ bố, cảm nhận được tình cảm của người Sài Gòn đối với nhau vô cùng tương thân tương ái. Vì người bệnh trong xe chỉ là người dưng không có quan hệ ruột thịt với mình, vậy mà họ đều đồng loạt tránh đường. Không những thế học còn xuýt xoa tội nghiệp cho bệnh nhân đang nằm bên trong. Đó là đương nhiên là những hình ảnh sống động và thiết thực nhất về những chuẩn mực đạo đức mà tôi học được từ bố và xã hội trong những năm tháng tuổi thơ.
     Buổi trưa hôm nay bầu trời không chút mây gợn, ánh nắng gây gắt hơn rất nhiều so với những buổi trưa khác của Sài Gòn thập niên 90. Dân số thành phố bây giờ thì tăng lên theo cấp số nhân, đi ra đường chỉ thấy người và xe đua nhau chạy chứ chẳng còn kịp nhìn thấy bất kì điều gì khác. Có vẻ như vì nắng quá nóng, đường quá bụi bặm, không khí quá ngộp ngạt hay do công việc quá gấp rút nên người đi đường cũng chẳng buồn quan sát 2 bên mà mắt chỉ nhìn về phía trước, tay thì nhấn ga 1 cách vô thức điều khiển những chiếc xe chạy loạn xạ.
     Tôi may mắn hơn rất nhiều khi đang được ngồi trên 1 chiếc taxi có hệ thống điều hòa mát lạnh. Vì tay không bận lái xe như những người khác nên tôi được dịp ngắm thành phố mình thông qua ô cửa kính trong suốt. Như đã nói, thành phố hiện đại quen thuộc chẳng còn gì lạ lẫm để ngắm vì khắp nơi dường như bị che bít hết bởi dòng người và xe đang lưu thông. Chốc chốc có 1 chiếc xe cứu thương từ đâu chạy đến hú còi inh ỏi. Vì được ưu tiên nên xe cứu thương không chạy vào làn xe ô tô mà chạy đâm xuyên qua làn dành cho xe máy. Điều bất ngờ nhất là tôi chẳng thấy được sự bất ngờ nào trên gương mặt của những người đang điều khiển xe máy cả. Họ vẫn thản nhiên chạy trước đầu xe cứu thương mặc tình cho còi xe hú to đến cỡ nào vẫn không chịu né tránh. Tôi tự hỏi lòng người bây giờ bạc bẽo thế sao? Giả sử người trên chiếc xe ấy là người thân của họ thì họ có thản nhiên như thế được không? Tôi nói vu vơ:
  - Người ta bây giờ ngộ nhỉ? Xe cứu thương hú còi điếc tai thế mà họ vẫn không chịu nhường đường còn ngang nhiên chạy với vẻ mặt rất thản nhiên!
     Anh tài xế ngồi lái kế bên tôi là 1 người còn khá trẻ, ước chừng khoảng trên dưới 28 tuổi, anh cười khẩy chêm vào:
  - Việt Nam mình mà!
  - Việt Nam gì anh! Cái này là ý thức của số ít người thôi! - Tôi vội nói.
     Anh taxi thêm vào:
  - Người Việt Nam mình bây giờ chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân! Như mình chạy xe thấy người đi đường gặp tai nạn, mình muốn giúp cũng không dám chạy lại giúp!
     Tôi bàng hoàng hỏi:
  - Trời ơi! Sao kì vậy anh? Sao không lại giúp người ta?
     Anh trả lời với vẻ mặt rất thản nhiên như thể đó là chân lý của cuộc sống hiện đại bây giờ:
  - Thật mà! Giúp rồi đưa vào bệnh viện thể nào cũng bị công an giữ lại điều tra này nọ, từ chuyện không phải của mình mà vì lí do bao đồng tự nhiên thành chuyện của mình. Phiền phức mà lại mất cả 1 ngày lái xe kiếm sống!
     Tôi im lặng không dám bình luận gì thêm. Đơn giản vì tôi chẳng có quyền gì để trách cứ những lời nói vô tình của anh thanh niên đang ngồi cạnh tôi đây. Nhưng 1 câu hỏi vẫn còn vòng vòng trong đầu tôi lúc bấy giờ chính là: mới đó anh còn phê phán người khác chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân nhưng rồi chính anh cũng thật lòng thú nhận bản thân mình dù gặp trường hợp tương tự sẽ chẳng hành động gì khác là mấy. Thật mâu thuẫn. Nhưng suy cho cùng thì anh không phải 1 người xấu xa hay độc ác gì. Anh cũng chỉ thuộc loại người thích an an phận thủ thường, sống cho tốt với trách nhiệm 1 người tài xế taxi, với bổn phận 1 người chồng, 1 người cha mỗi ngày làm việc vất vả kiếm tiền về nuôi sống gia đình. Anh chẳng can dự gì đến chuyện người khác là thật. Không có anh thì có người khác giúp, thậm chí người khác không buồn đến giúp mà để mặc cho người gặp nạn sống chết mặc bay thì điều đó cũng chẳng liên quan gì đến cuộc đời anh. Anh đâu có máu mủ gì với họ mà cảm thấy tội lỗi, anh thậm chí còn không biết tên người ta nữa mà. Thời đại này cứ mê nghĩ đến chuyện bao đồng như anh nói có khi bị liên lụy thật.
     Nhưng tôi tự hỏi: "Anh sẽ trả lời như thế nào khi người ngồi kế bên anh đây không phải là tôi mà là con ruột của anh?" .
    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #junphạm