Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CNXHc5

Chương V

Thời đại ngày nay

I. Khái niệm về thời đại và thời đại ngày nay

1. Quan niệm về thời đại và cơ sở phân chia thời đại lịch sử

a) Quan niệm về thời đại

**Quan niệm chung:

Thời đại là một khái niệm khoa học dùng để phân kỳ lịch sử xã hội, phân biệt những nấc thang phát triển xã hội loài người

Các ngành khoa học khác nhau có cách phân chia thời đại lịch sử khác nhau, ví dụ như:

- Nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp là Phuriê (1772 - 1837) chia lịch sử phát triển xã hội loài người thành bốn giai đoạn: mông muội, dã man, gia trưởng, văn minh.

- Nhà nhân chủng học Mỹ là Moócgan (1818 - 1881) lại phân chia thành ba giai đoạn: mông muội, dã man và văn minh.

- Nhà tương lai học người Mỹ, Anvin Tôpphlơ lại dựa vào trình độ phát triển công cụ sản xuất, chia lịch sử phát triển nhân loại thành ba nền văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp.

Như vậy, dựa trên những cơ sở khác nhau, có thể có sự phân chia thời

đại khác nhau.

**Quan niệm của CN M-L

Thời đại là 1 thời kì lịch sử lâu dài, có sự chuyển biến từ hình thái KT-XH thấp lên hình thái KT-XH cao. Đặc trưng cho tính chất và xu hướng vận động của thời đại là hình thái KT-XH tiến bộ nhất

Theo quan niệm này thì đến nay loài ng đã trải qua 5 nấc thang pt của lịch sử : CSNT, CHNL,PK,TBCN và CSCN

Việc nghiên cứu thời đại lịch sử có một ý nghĩa to lớn. Có hiểu được thời đại chúng ta đang sống là thời đại nào "thì chúng ta mới có thể định ra đúng đắn sách lược của chúng ta; và chỉ trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ".

b) Cơ sở phân chia thời đại lịch sử

- Theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, cơ sở thứ nhất để phân chia thời đại lịch sử là các hình thái kinh tế - xã hội.

Theo Ph. Ăngghen, mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó tạo thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của mỗi thời đại1.

Lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin cho chúng ta cơ sở khoa học để phân chia thời đại lịch sử, nó nói tới sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng (bao gồm: các yếu tố chính trị, tư tưởng, văn hoá, khoa học, v.v.). Nó nêu lên lịch sử phát triển nhân loại trong mỗi thời kỳ lịch sử một cách toàn diện.

- Dựa vào sự thay đổi vị trí trung tâm của các giai cấp trong xã hội.

Sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế- xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn, không diễn ra một cách tự phát mà phải thông qua hoạt động của con người, hoạt động của giai cấp tiên tiến và những lực lượng cách mạng.

Trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp, mỗi một hình thái kinh tế - xã hội có một giai cấp giữ vai trò thống trị, đứng ở vị trí trung tâm của thời đại đó. Giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại phải là giai cấp tiên tiến, giai cấp đại diện cho xu hướng vận động của lịch sử, có khả năng tập hợp các tầng lớp nhân dân lao động khác vào cuộc đấu tranh xoá bỏ chế độ cũ, thiết lập chế độ xã hội mới. Giai cấp tiên tiến đứng ở vị trí trung tâm của thời đại có vai trò quyết định xu hướng vận động của lịch sử trong thời đại đó.

Trong chế độ phong kiến, giai cấp quý tộc phong kiến là người đại diện. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản là người đại diện.

Khi chủ nghĩa tư bản chuyển thành chủ nghĩa đế quốc, V.I. Lênin cho rằng đã xuất hiện những điều kiện khách quan cho việc xoá bỏ hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, thiết lập hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Giai cấp công nhân Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích đã lãnh đạo quần chúng nhân dân lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng, xoá bỏ thiết chế tư bản chủ nghĩa, mở ra một thời đại lịch sử mới là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xãhộitrênphạmvithếgiới.

Như vậy, từ sau Cách mạng Tháng Mười, nội dung cơ bản của thời đại

là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng để thực hiện được điều đó, giai cấp công nhân ở mỗi nước phải nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình, tập hợp các tầng lớp nhân dân lao động tiến hành cuộc đấu tranh kiên quyết lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, xoá bỏ hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa thiết lập hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Tóm lại: Cơ sở khoa học để xác định thời đại lịch sử là những điều kiện vật chất khách quan, hình thái kinh tế - xã hội. Hình thái kinh tế - xã hội chỉ xã hội ở một giai đoạn nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó, phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất và một kiến trúc thượng tầng tương ứng về chính trị, đạo đức, pháp luật, được xây dựng trên quan hệ sản xuất đó. Trong mỗi thời đại lịch sử lại có một giai cấp đại diện đứng ở vị trí trung tâm, quyết định xu hướng vận động của lịch sử trong giai đoạn đó.

Hình thái kinh tế - xã hội tiên tiến mở đầu một thời đại, tạo nên nội dung của thời đại. Nhưng khái niệm hình thái kinh tế - xã hội và thời đại lịch sử là không đồng nhất. Trong một thời đại lịch sử đồng thời tồn tại nhiều hình thái kinh tế - xã hội, cả hình thái kinh tế - xã hội tiên tiến và cả lạc hậu. Chúng đấu tranh với nhau một cách quyết liệt, lâu dài. Thời đại là một thời kỳ lịch sử lâu dài có sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội thấp lên hình thái kinh tế - xã hội cao. Đặc trưng cho tính chất và xu hướng vận động của thời đại là hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ nhất.

2. Thời đại ngày nay và các giai đoạn chính của nó

a) Quan niệm về thời đại ngày nay

"thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH và CNCS, mở đầu từ thắng lợi của CMXHCN T10 Nga năm 1917"

Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế

giới. "Một kỷ nguyên mới đã mở ra trong lịch sử thế giới.

Nhân loại đang vứt bỏ hình thức cuối cùng của chế độ nô lệ: chế độ nô lệ tư bản hay chế độ nô lệ làm thuê.

Thoát khỏi được chế độ nô lệ đó, lần đầu tiên nhân loại sẽ bước vào chế độ tự do chân chính"1.

Sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là cột mốc đánh dấu sự mở đầu một thời đại lịch sử mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vì cuộc cách mạng này đã làm sụp đổ trật tự xã hội cũ - xã hội tư bản chủ nghĩa, tổ chức xây dựng một xã hội mới do nhân dân lao động làm chủ. Sau Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Nga (sau này là Liên Xô) đã là những người làm chủ bộ máy nhà nước, làm chủ những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đã lao động quên mình, nhanh chóng biến nước Nga lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa có nền kinh tế phát triển, nhiều ngành khoa học tiên tiến, có một xã hội luôn luôn quan tâm tới đời sống của quần chúng nhân dân lao động.

Với thành quả của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, với niềm tin vào lý tưởng cộng sản đã giúp cho nhân dân Liên Xô cùng với những lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới đập tan chủ nghĩa phátxít, cứu nhân loại khỏi họa diệt chủng, giải phóng hàng loạt nước Đông Âu, tạo điều kiện cho các nước này đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội với tính ưu việt của nó đã cổ vũ hàng loạt các nước

đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, dân chủ cho nhân dân, xoá

bỏ tàn tích của chế độ thực dân phong kiến. Nhiều nước trong số đó đã lựa chọn con đường lên chủ nghĩa xã hội hoặc định hướng lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội đã vượt khỏi phạm vi một nước trở thành hệ thống trên thế giới đối lập với thế giới tư bản chủ nghĩa.

Sau Cách mạng Tháng Mười, nhất là từ khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời, sự vận động của tình hình thế giới có lợi cho lực lượng hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Tóm lại, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở đầu thời đại mới - thời

đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế

giới vì:

*Thứ nhất, sau Cách mạng Tháng Mười Nga chủ nghĩa xã hội đã từ lý luận trở thành thực tiễn, đã xuất hiện hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, là cái đối lập, phủ định hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.

*Thứ hai, chiều hướng phát triển chủ yếu, trục xuyên suốt của sự vận động lịch sử từ sau Cách mạng Tháng Mười là đấu tranh xoá bỏ trật tự tư bản chủ nghĩa, thiết lập và từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới.

*Thứ ba, từ sau Cách mạng Tháng Mười, các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới.

*Thứ tư, sau Cách mạng Tháng Mười, cách mạng giải phóng dân tộc nằm trong phạm trù cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhiều nước sau khi giành được độc lập dân tộc đã đi lên con đường chủ nghĩa xã hội.

*Sự vận động của lịch sử là quanh co và phức tạp khi tiến, khi lùi. Do vậy, hiện nay mặc dù tình hình quốc tế đang còn diễn ra vô cùng phức tạp, nhưng Đảng ta vẫn khẳng định: "Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới hiện trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử"1.

b) Những giai đoạn chính của thời đại ngày nay

Thời đại ngày nay được mở đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, là thời đại đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, là thời đại đang diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ nhằm chuẩn bị những tiền đề vật chất chín muồi cho sự xuất hiện chủ nghĩa xã hội.

Như V.I. Lênin khẳng định, tính phức tạp trong sự vận động của lịch

sử nhân loại, song có thể chia thời đại của chúng ta từ Cách mạng Tháng

Mười tới nay thành bốn giai đoạn:

*Giai đoạn thứ nhất: Từ sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917 tới kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945.

Giai đoạn này là giai đoạn chủ nghĩa xã hội mới hình thành trên phạm

vi một số nước như Liên Xô, Mông Cổ. Cuộc Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử đưa nhân dân lao động từ những người nô lệ, làm thuê trở thành những người làm chủ đất nước. Sức mạnh của chế độ mới đã giúp nhân dân lao động Nga đứng vững trong cuộc nội chiến, đập tan âm mưu can thiệp của chủ nghĩa đế quốc. Với khí thế lao động của những con người được giải phóng, thông qua chính sách kinh tế mới, thông qua con đường hợp tác hoá trong nông nghiệp, công nghiệp hoá

đất nước, sau 20 năm Liên Xô đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế. Đó là những nguyên nhân giúp cho nhân dân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phátxít trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cứu nhân loại khỏi thảm họa của chủ nghĩa phátxít2.

*Giai đoạn thứ hai: Từ sau năm 1945 tới đầu những năm 1970.

Đây là giai đoạn chủ nghĩa xã hội phát triển thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ra đời, nhất là từ sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa xuất hiện, cùng với những thành tựu to lớn của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa về kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học kỹ thuật, v.v., hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ trên thế giới, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh của những thế lực phản động quốc tế.

Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước xã hội chủ

nghĩa đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ

xã hội trong các nước tư bản chủ nghĩa, đã động viên nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm 60 thế

kỷ XX, khoảng 100 quốc gia giành được độc lập dân tộc với những mức độ khác nhau.

Bên cạnh những kết quả đó, trong giai đoạn này, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có những bất hoà. Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, phần về phong trào cộng sản thế giới, Người viết: "... tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!"1.

*Giai đoạn thứ ba: Từ cuối những năm 1970 đến cuối những năm 1980.

Trong giai đoạn này ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa không chú ý tới công tác xây dựng đảng, nhiều kẻ cơ hội chui vào hàng ngũ đảng cộng sản. Một số người mắc vào tệ sùng bái cá nhân, không ít người mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản, không nhìn thấy và không đánh giá đúng những thay đổi trong chính sách của chủ nghĩa tư bản. ở không ít nước xã hội chủ nghĩa, bộ máy nhà nước trở nên quan liêu, vi phạm những quyền dân chủ của nhân dân. Trong xây dựng kinh tế chủ quan nóng vội, không tuân thủ những quy luật kinh tế khách quan, chậm đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Trong lĩnh vực xã hội thực hiện bao cấp tràn lan, không kích thích được tính tích cực cá nhân, do vậy không tạo ra được động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Những sai lầm trên kéo dài, chậm được phát hiện và khắc phục triệt để đã hạn chế tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước, dẫn tới tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nhiều nước, buộc các nước phải cải cách đổi mới.

Trong quá trình cải cách đổi mới, nhiều đảng cộng sản mắc những sai lầm mang tính chất nguyên tắc. Lợi dụng tình hình đó, những thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội ở bên ngoài, kết hợp với những kẻ phản bội ở bên trong, thậm chí cả những người đứng đầu cơ quan đảng và nhà nước đã tấn công làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô.

Như vậy sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên

Xô có nguyên nhân sâu xa là những sai lầm của các đảng cộng sản, các nhà nước xã hội chủ nghĩa, sự chống phá quyết liệt của kẻ thù và sự phản bội của một số người cộng sản, chứ hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội như một số người vẫn đang rêu rao.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong quá trình đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

*Giai đoạn thứ tư: Giai đoạn từ đầu những năm 1990 tới nay.

Giai đoạn hiện nay, chủ nghĩa xã hội thế giới tạm thời lâm vào thoái trào. Cùng với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, nhiều đảng cộng sản và công nhân bị tan rã, nhiều đảng viên xin ra khỏi đảng. Nhiều nước dân tộc chủ nghĩa đã định hướng lên chủ nghĩa xã hội, nhưng giờ đây mất chỗ dựa về vật chất và tinh thần, các lực lượng phản động giành lại chính quyền đưa đất nước theo con đường khác. ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới giảm đi nghiêm trọng.

Những thế lực phản động quốc tế đang dùng trăm phương, nghìn kế bằng nhiều luận điệu khác nhau để xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, nhằm xác lập sự thống trị tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản trên thế giới.

Lịch sử đang đặt ra những thử thách to lớn cho chủ nghĩa xã hội, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Để vượt qua những thử thách đó, các nước xã hội chủ nghĩa phải tự đổi mới, phải khắc phục những yếu kém, nhược điểm hạn chế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tranh thủ những điều kiện thuận lợi do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tạo ra, không ngừng nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân, để nâng cao sức mạnh mọi mặt của đất nước.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những người cộng sản ở các nước thuộc Liên Xô trước đây và các nước Đông Âu hiện nay đã nhận rõ

bộ mặt kẻ thù, đang ra sức tập hợp lực lượng, tiến hành cuộc đấu tranh bền

bỉ nhằm khôi phục những giá trị của chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước trở

lại con đường xã hội chủ nghĩa.

Từ thực tế những năm vừa qua giúp cho giai cấp công nhân, nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy được bộ mặt thật và tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, từ đó mà đoàn kết nhau lại để đấu tranh xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, đưa đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong thời đại ngày nay: "Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội".

II. Tính chất và những mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay

1. Tính chất của thời đại ngày nay

Thời đại ngày nay đang diễn ra cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới. Cuộc đấu tranh giữa hai chế độ xã hội khác nhau về bản chất đã và đang chi phối toàn bộ quá trình vận động của lịch sử nhân loại.

Đây là cuộc đấu tranh giữa một chế độ mới ra đời, đang trưởng thành, nhưng còn hạn chế về nhiều mặt với một chế độ xã hội đã lạc hậu về mặt lịch sử, nhưng đang có những ưu thế nhất định về kinh tế, về quân sự.

Cuộc đấu tranh giữa hai chế độ xã hội đối lập về bản chất đã và đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, v.v..

Trong lĩnh vực kinh tế: Các học giả tư sản đang tìm mọi cách chứng minh nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là vĩnh cửu; chủ nghĩa tư bản không còn bóc lột như trước.

Thế giới tư bản chủ nghĩa đang dựa vào lợi thế kinh tế của mình; chủ nghĩa đế quốc đang tìm trăm phương ngàn kế để phá hoại, hạn chế sự phát triển kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa bằng bao vây, cấm vận kinh tế, hoặc thông qua chính sách toàn cầu hoá để tiếp tục áp bức bóc lột những nước nghèo đem lại lợi thế to lớn cho các nước phát triển.

Chủ nghĩa xã hội đang tìm cách khẳng định mình, bằng cách huy động mọi tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân, điều chỉnh những sai lầm trong cải cách, đổi mới, khắc phục yếu kém trong quản lý kinh tế, tranh thủ những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại để chứng minh tính ưu việt của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực chính trị: Các đảng tư sản, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ đang dùng mọi cách để tuyên truyền quảng bá cho chế độ dân chủ tư sản, tự do tư sản; biện minh cho những chính sách bá quyền của họ để can thiệp vào công việc nội bộ các nước.

Bằng nhiều âm mưu thủ đoạn khác nhau từ mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ,lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế của một số nước xã hội chủ nghĩa, tới những biện pháp đe dọa, chủ nghĩa tư bản đang thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình" nhằm lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa, hòng khôi phục lại chế độ tư bản chủ nghĩa ở các nước này.

Các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản phải tỉnh táo và chủ động kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ đảng, bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng. Đồng thời, giai cấp công nhân quốc tế, các nhà nước xã hội chủ nghĩa phải làm rõ tính chất phản động, hiếu chiến của các tập đoàn tư bản hiện nay, tập hợp mọi lực lượng dân chủ tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới tấn công làm thất bại mọi âm mưu chống phá cách mạng của kẻ thù.

Trong lĩnh vực tư tưởng: Chủ nghĩa tư bản dựa vào ưu thế về kinh tế, khoa học - công nghệ và sức mạnh quân sự đang tìm mọi cách phổ biến những giá trị của phương Tây, tuyên truyền quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng hoặc "phi giai cấp", "phi ý thức hệ", "phi chính trị"; làm lẫn lộn giữa đúng, sai, phải, trái nhằm chống lại chủ nghĩa xã hội và những lực lượng hoà bình và tiến bộ trên thế giới.

Đặc biệt đối với các nước xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa đế quốc đã thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình, tuyên truyền các lý thuyết tư sản, tìm mọi cách phủ nhận học thuyết Mác-Lênin - lý luận cách mạng, vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Mặt khác, chúng đang tìm cách mua chuộc, làm thoái hoá về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên; tìm cách chia rẽ cán bộ với cán bộ, đảng với dân, cán bộ với nhân dân, v.v..

Các đảng cộng sản, các nhà nước xã hội chủ nghĩa phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng bằng nhiều cách khác nhau, phê phán những tư tưởng phản động, hiếu chiến muốn duy trì sự thống trị, sự áp bức giữa nước giàu đối với nước nghèo, nước lớn đối với nước nhỏ; cổ vũ cho cuộc đấu tranh, vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

2. Những mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay

Hiện nay trên phạm vi toàn thế giới vẫn có 4 mâu thuẫn cơ bản sau:

*Thứ nhất: Mâu thuẫn giữa CNXH và CNTB.

Đây là mâu thuẫn cơ bản nhất, bởi sự vận động của mâu thuẫn này tác động tới những mâu thuẫn còn lại. Một khi chủ nghĩa xã hội vững mạnh, phong trào công nhân trên thế giới phát triển, thì cuộc đấu tranh của nhân dân lao động trên thế giới vì hoà bình, ổn định được phát triển.

Đây là mâu thuẫn nổi bật, xuyên suốt từ khi Cách mạng Tháng Mười thành công. Chính vì vậy chủ nghĩa đế quốc tìm mọi cách xoá bỏ chủ nghĩa

xã hội trên thế giới, từ khi nó ra đời tới nay.

Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, 14 nước đế quốc đã bao vây hòng tiêu diệt nước Nga Xôviết.

Tiếp theo Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa phátxít cũng muốn tiêu diệt Liên Xô.

Cuộc chiến tranh lạnh, thế giới tư bản tìm mọi cách cô lập các nước xã hội chủ nghĩa, bằng cách tiến hành bao vây kinh tế, đẩy mạnh chạy đua vũ trang với mong muốn làm suy yếu những nước này để đi đến xoá bỏ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, một số nước xã hội chủ nghĩa đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế và nhiều quan hệ khác với các nước tư bản chủ nghĩa. Điều đó không có nghĩa là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản dịu đi hay không còn nữa. Trái lại, mâu thuẫn giữa hai chế độ xã hội này biểu hiện dưới dạng mới là vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên nhiều phương diện. Cần phải ý thức rõ điều đó, không được mơ hồ, mất cảnh giác với âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội.

*Thứ hai: Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân; giữa tư bản và lao động.

Đây là mâu thuẫn cơ bản trong thời đại ngày nay, mâu thuẫn giữa hai giai cấp cơ bản trong chủ nghĩa tư bản.

Chừng nào chủ nghĩa tư bản vẫn còn tồn tại thì mâu thuẫn giữa hai giai cấp cơ bản trong xã hội này vẫn là khách quan, giai cấp công nhân vẫn

là những người lao động làm thuê cho giai cấp tư sản.

Hiện nay do cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và những lực lượng tiến bộ trên thế giới, cùng với năng suất lao động cao do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tạo ra, chủ nghĩa tư bản có những điều chỉnh trong chính sách xã hội, thực hiện tăng phúc lợi xã hội. Song sự phân hoá giàu nghèo vẫn diễn ra quyết liệt, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng trong các nước tư bản chủ nghĩa.

Nếu như trước đây trong các nước tư bản chủ nghĩa mâu thuẫn cơ bản nổi lên giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản thì nay mâu thuẫn này đã phát triển thành mâu thuẫn rộng lớn hơn là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động. Trong xã hội, không chỉ có giai cấp công nhân bị áp bức, bóc lột mà cả những người lao động khác cũng bị bóc lột; mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng mang tính xã hội hoá cao với tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng gay gắt.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, một mặt giúp nâng cao mức sống cho xã hội, mặt khác làm cho tình trạng thất nghiệp của những người

lao động trong xã hội tư bản chủ nghĩa ngày càng gia tăng. Cùng với nó là

tình trạng tội phạm xã hội, ma tuý, sự suy thoái về đạo đức, lối sống làm cho những mâu thuẫn vốn có trong xã hội tư bản ngày càng trở nên gay gắt. Những mâu thuẫn đó chỉ được giải quyết bằng một cuộc cách mạng xã hội xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, với những âm mưu "diễn biến hoà bình" chống phá quyết liệt của kẻ thù, những thủ đoạn nham hiểm của giai cấp tư sản, cùng với sự thiếu thống nhất, sự chia rẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay, cách mạng xã hội chủ nghĩa còn gặp rất nhiều khó khăn.

*Thứ ba: Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và kém phát triển với chủ nghĩa đế quốc.

Vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, khoảng 100 nước đã đấu tranh thắng lợi giành được độc lập dân tộc ở những mức độ khác nhau. Song, do các nước này có trình độ kinh tế, văn hoá thấp kém, cho nên vẫn đang còn lệ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa về khoa học kỹ thuật, về

tài chính, v.v. ở mức độ khác nhau. Từ sự phụ thuộc về kinh tế khiến họ tất yếu phải phụ thuộc các nước tư bản chủ nghĩa về chính trị.

Bằng những biện pháp tinh vi, các nước tư bản chủ nghĩa đang bóc lột các nước dân tộc chủ nghĩa một cách thậm tệ, làm cho khoảng cách giữa các nước giàu và nước nghèo ngày càng gia tăng. Nhiều nước hiện nay không còn khả năng trả nợ.

Theo quy luật của cơ chế thị trường, chất xám có xu hướng chảy từ nước nghèo sang nước giàu, do vậy, các nước chậm phát triển có nguy cơ chảy máu chất xám làm cho các nước này đã nghèo lại càng trở nên nghèo hơn. Tình trạng nghèo đói của các nước kinh tế chậm phát triển đã là nguyên nhân dẫn tới những xung đột dân tộc, tôn giáo ở những nước này

gia tăng.

Như vậy, hiện nay các nước chậm phát triển, một mặt phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại sự can thiệp và xâm lược bằng quân sự, bằng kinh

tế, bằng văn hoá của các nước phương Tây; mặt khác, phải đấu tranh chốnglại nghèo đói, bệnh tật, lạc hậu.

Tình trạng trên làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc ngày càng gia tăng. Điều đó được biểu hiện qua sự gia tăng những cuộc chiến tranh trên thế giới thời gian gần đây.

*Thứ tư: Mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa.

Các nước tư bản có sự thống nhất với nhau về bản chất chế độ, về lợi

ích giai cấp, về mục tiêu chống phá chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng, những lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Quan hệ giữa các nước tư bản chủ nghĩa, giữa các tập đoàn tư bản chủ nghĩa là quan hệ liên minh nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Song giữa các nước tư bản chủ nghĩa có những mâu thuẫn về lợi ích quốc gia, lợi ích của mỗi tập đoàn tư bản, do vậy, luôn luôn diễn ra những cuộc đấu tranh lúc công khai, lúc ngấm ngầm.

Mâu thuẫn trên đã là nguyên nhân nổ ra hai cuộc chiến tranh trên thế giới. Hiện nay mâu thuẫn này được thể hiện thông qua mâu thuẫn giữa ba trung tâm tư bản lớn: Mỹ - Nhật - Tây Âu. Mỹ dựa vào tiềm lực kinh tế - tiềm lực quân sự tìm mọi cách tranh giành quyền lợi với Nhật và Tây Âu. Do vậy, Nhật, Tây Âu vừa là đồng minh chiến lược, vừa là đối thủ cạnh tranh với Mỹ.

Tóm lại: thế giới đang tồn tại bốn mâu thuẫn cơ bản nêu trên. Những mâu thuẫn này quy định nội dung cơ bản của thời đại ngày nay. Tuy nhiên,

sự biểu hiện những mâu thuẫn cơ bản trên hiện nay có những khác biệt so

với trước đây, đòi hỏi chúng ta cần phân tích làm rõ những biểu hiện đó. Sự vận động những mâu thuẫn này là quanh co phức tạp, do vậy, sự vận động của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới cũng quanh co phức tạp.

III. Những đặc điểm cơ bản và xu thế vận động của thời đại ngày nay

1. Những đặc điểm cơ bản của thời đại ngày nay

a) Đấu tranh giai cấp và dân tộc diễn ra gay gắt trên phạm vi thế giới

Cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản vẫn diễn ra quyết liệt trên thế giới. Chủ nghĩa xã hội vẫn là đối trọng chính của chủ nghĩa tư bản. Do vậy, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, các nước tư bản chủ nghĩa tìm mọi cách xoá bỏ chủ nghĩa xã hội cả trên lý luận và trên thực tế. Giai cấp tư sản tìm nhiều biện pháp để chia rẽ, phá hoại phong trào công nhân, bằng cách dành đặc quyền đặc lợi cho đội ngũ công nhân có trình độ cao: "công nhân cổ cồn, công nhân áo trắng".

Nguy cơ chiến tranh thế giới đã bị đẩy lùi, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo xảy ra gay go, quyết liệt và diễn biến phức tạp trên thế giới. Chạy đua vũ trang, chủ nghĩa khủng bố đang gây ra hậu quả rất lớn làm tổn thất về người và của cho nhiều dân tộc.

b) Cách mạng khoa học và công nghệ đang gây ra những thay đổi to lớn trên thế giới

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tạo ra điều kiện nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất trên thế giới. Trung bình 10 - 15 năm của cải nhân loại tăng gấp đôi, do vậy, nhìn chung mức sống của con người không ngừng được nâng cao.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo ra những thay đổi trong nhiều quan niệm của đời sống xã hội từ kinh tế tới chính trị, văn hoá, v.v., đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, nắm vững và thích ứng.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo ra xu hướng toàn cầu hoá trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế tới chính trị, văn hoá, v.v.. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng; khoảng cách sự phân hoá giàu nghèo giữa các nước ngày càng lớn.

c) Những vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác giải quyết của các quốc gia

Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang đứng trước những vấn đề có tính toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia, các tổ chức quốc tế phải cùng nhau giải quyết, không phân biệt chế độ xã hội, biên giới như: khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng tăng; sự gia tăng dân số cùng với các luồng dân di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên; môi trường sinh thái bị huỷ hoại; khí hậu trái đất diễn biến ngày càng xấu, thay đổi thất thường kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các bệnh dịch lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng phát triển. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết giữa các quốc gia cùng nhau giải quyết .

d) Khu vực châu á - Thái Bình Dương đang là khu vực phát triển năng động, khả năng phát triển với tốc độ cao, đồng thời cũng đang tiềm ẩn một số nhân tố có nguy cơ gây mất ổn định

Khu vực này có khả năng phát triển với tốc độ cao, vì tài nguyên của khu vực chưa bị khai thác nhiều, giá lao động rẻ tạo điều kiện cho các nước trong khu vực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; thế mạnh nông nghiệp nhiệt đới giúp cho các nước mở rộng giao lưu quốc tế, tranh thủ công nghệ hiện đại.

Song, trong khu vực luôn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định như những tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lực, về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên giữa các nước; những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội ở từng nước...

Tóm lại, tình hình thế giới hiện nay đang đan xen những yếu tố phức tạp, phát triển và suy thoái, hợp tác và đấu tranh, ổn định và mất ổn định. Tuy rằng, hiện nay sự vận động của thế giới diễn ra phức tạp như vậy, nhưng chúng ta cần phải thấy được những xu thế chủ yếu, trên cơ sở đó mà đề ra những đường lối chính sách cho đúng nhằm tranh thủ những thuận lợi, vượt qua những thách thức để nhanh chóng đưa đất nước ta phát triển lâu bền.

2. Những xu thế chủ yếu của thế giới hiện nay

a) Toàn cầu hoá

Cách mạng khoa học và công nghệ là một động lực xuyên quốc gia,

nó đang tạo cơ sở vật chất cho quá trình toàn cầu hoá, thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế, cơ cấu kinh tế, làm thay đổi nhiều quan niệm cũ về nhiều lĩnh vực trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Toàn cầu hoá là một xu thế khách quan, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực đang bị các quốc gia phát triển và các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia chi phối. Toàn cầu hoá buộc các quốc gia chủ động xác định lộ trình hội nhập vào mọi mặt đời sống nhất là lĩnh vực kinh tế của thế giới.

b) Hoà bình, ổn định để cùng phát triển

Từ những hậu quả các cuộc chiến tranh trên thế giới, các quốc gia đều nhận thấy được tầm quan trọng của hoà bình, ổn định để phát triển. Trong thực tế không một nước nào có thể phát triển được trong hoàn cảnh có chiến tranh, do vậy, hoà bình đã trở thành nhu cầu bức xúc của các dân tộc trên thế giới. Có hoà bình mới có điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mới huy động được sức người, sức của trong nhân dân để phát triển đất nước. Một khi kinh tế phát triển mới có điều kiện nâng cao mức sống nhân dân, mới có điều kiện chăm lo tới y tế, giáo dục từ đó mới có sự ổn định và phát triển đất nước.

Phần lớn các nước trên thế giới đã dành những ưu tiên cho phát triển kinh tế, thông qua đó mà phát triển tiềm lực của mình, tạo điều kiện giữ gìn hoà bình trong nước và trên thế giới.

c) Gia tăng xu hướng liên kết, hợp tác giữa các quốc gia

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, tạo ra xu hướng toàn cầu hoá trong các lĩnh vực. Không một quốc gia nào có thể phát triển được nếu không có sự hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế. Do vậy, hợp tác là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay.

Hình thức hợp tác quốc tế hiện nay rất đa dạng: hợp tác song phương, hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế. Các tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức thương mại thế giới, v.v. ngày càng tham gia nhiều vào đời sống kinh tế, đời sống chính trị của các nước.

Lĩnh vực hợp tác giữa các nước ngày càng đa dạng: hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, hợp tác thương mại, hợp tác nghiên cứu chinh phục vũ

trụ và cả hợp tác chính trị.

d) Các dân tộc ngày càng nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, của phong trào cách mạng trên thế giới, của phương tiện thông tin, các dân tộc ngày càng ý thức được những quyền lợi dân tộc cơ bản của mình như: quyền độc lập dân tộc, quyền tự quyết chế độ chính trị, quyền lựa chọn con đường phát triển, v.v.. Mặt khác, các nước lớn, các nước giàu thường ỷ lại vào những thế mạnh về kinh tế, quân sự để chi phối các nước nhỏ, các nước nghèo bằng cách áp đặt quan điểm chính trị, dùng thủ đoạn bóc lột về kinh tế thông qua quan hệ trao đổi mua bán không bình đẳng, thậm chí tiến hành cả những cuộc chiến tranh xâm lược, lật đổ. Điều đó đã dẫn tới những cuộc đấu tranh của các nước dân tộc chủ nghĩa đòi quyền bình đẳng, đòi tôn trọng lợi ích quốc gia dân tộc của họ.

đ) Các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản và công nhân kiên trì đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ và phát triển

Tình hình quốc tế hiện nay có những diễn biến phức tạp, nhưng phấn đấu cho hoà bình, ổn định, tiến bộ và phát triển vẫn là xu thế chung của nhân loại.

Hiện nay, tuy rằng chủ nghĩa xã hội đang gặp khó khăn rất lớn, đang phải đấu tranh chống lại những âm mưu phá hoại của kẻ thù, nhưng các nước xã hội chủ nghĩa, cùng với các đảng cộng sản và công nhân quốc tế vẫn là lực lượng đi đầu, là nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực gây chiến, bảo vệ hoà bình thế giới, phấn đấu cho sự phát triển và tiến bộ của nhân loại.

e) Các nước có chế độ chính trị khác nhau vừa hợp tác vừa đấu tranh cùng tồn tại trong hoà bình

Các nước xã hội chủ nghĩa là những nước có nền kinh tế phát triển thấp, trình độ khoa học - công nghệ chưa phát triển, do vậy, cần tranh thủ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các nước tư bản phát triển để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá.

Mục đích của sản xuất tư bản chủ nghĩa là lợi nhuận. Các nước tư bản chủ nghĩa thấy được những tiềm năng to lớn về đầu tư, mở rộng buôn bán trong các nước xã hội chủ nghĩa. Cho nên, sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tư bản chủ nghĩa là tất yếu.

Song, sự đối lập về hệ tư tưởng của giai cấp công nhân và giai cấp tư sản không hề giảm. Mâu thuẫn về lợi ích giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân vẫn là mâu thuẫn cơ bản nhất. Cho nên, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội vừa hợp tác vừa đấu tranh là tất yếu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #c5cnxh