Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

cmgiaiphongdt

II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc được hình thành từ quá trình tìm hiểu thực tiễn cách mạng thế giới, từ nhiều nguồn gốc lý luận đặc biệt là từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa. Tư tưởng đó bao gồm một số vấn đề sau:

1. Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản

a. Rút bài học từ sự thất bại của các con đường cứu nước trước đó

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị biến thành thuộc địa, nhân dân phải chịu cảnh lầm than. Hồ Chí Minh được chứng kiến các phong trào cứu nước của các bậc tiền bối. Người đánh giá cao tấm lòng yêu nước của họ nhưng cũng sớm nhận thấy những hạn chế của các cuộc đấu tranh đó. Hồ Chí Minh quyết tâm ra đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân.

b. Cách mạng tư sản là không triệt để                       

Không thoả mãn với con đường giải phóng dân tộc của các bậc tiền bối, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, trên hành trình bôn ba khắp các châu lục, Người đã nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng lớn như: cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, cách mạng Anh .v.v. Người khâm phục tinh thần cách mạng của nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ nhưng cũng sớm nhận thấy những cuộc cách mạng này là những cuộc cách mạng không triệt để. Bởi vì các cuộc cách mạng đó “...tiếng là cộng hòa dân chủ, kì thực trong thì nó tước lục công nhân, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Do đó người không đi theo con đường cách mạng tư sản.

c. Con đường giải phóng dân tộc

- Tháng10/1917 cách mạng Nga bùng nổ và giành thắng lợi, Hồ Chí Minh đã giành tình cảm đặc biệt cho cuộc cách mạng này.

 Tháng 7/1920, Hồ Chí Minh đọc sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc đia của Lênin. Từ những tư liệu thực tiễn và lý luận đó, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc - con đường cứu nước và giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Như vậy, luận điểm về giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của Hồ Chí Minh đã đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của lịch sử dân tộc là giải quyết được mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp để đưa dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ, đưa người dân ra khỏi mọi ách áp bức.

2. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo

a. Cách mạng trước hết phải có Đảng

     Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, muốn nhân dân làm cách mạng thì phải tổ chức tuyên truyền, giác ngộ cho dân hiểu đường lối cách mạng. Vì thế Hồ Chí Minh cho rằng muốn giải phóng dân tộc thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh. Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.

b. Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất.

          -  Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Trong một số trường hợp khác, Người cũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng của giai cấp vô sản”, đồng thời là “Đảng của dân tộc Việt Nam”.

          -  Khi khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu ra một luận điểm quan trọng bổ sung thêm cho lý luận của chủ nghĩa Mác- Lê nin về đảng cộng sản, định hướng cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một đảng có sự gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc trong mọi thời kì  của cách mạng Việt Nam. Mọi người Việt Nam yêu nước dù là đảng viên hay chưa phải là đảng viên dù thuộc giai tầng nào đều cảm thấy Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của mình, tự hào với niềm tự hào của Đảng, lo lắng mỗi khi đảng gặp khó khăn và thấy mình có trách nhiệm xây dựng Đảng. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã qui tụ được lực lượng và sức mạnh của toàn bộ giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam và trở thành nhân tố hàng đầu đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

          3. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn bộ dân tộc.

           -  Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức.

          Theo Hồ Chí Minh sức mạnh vĩ đại và năng lực sáng tạo vô tận của nhân dân là yếu tố then chốt đảm bảo thắng lợi của cách mạng. Người khẳng định “dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”. “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”. Cách mạng chính là sự nghiệp của nhân dân các dân tộc bị áp bức.

           -  Chiến lược tập hợp lực lượng cách mạng.

       Theo Hồ Chí Minh, lực lượng của cách mạng là toàn thể dân tộc, tất cả mọi giai cấp, tầng lớp trong nhân dân đều là lực lượng cách mạng trừ bọn việt gian bán nước. Người cho rằng: Đảng phải tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, tập hợp đại bộ phận nông dân và phải dựa vững vào hạng dân cày nghèo... lôi kéo tiểu tư sản, trung nông, trí thức...đi vào phe vô sản giai cấp...

  Trong lực lượng toàn dân tộc đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ Công - Nông là gốc cách mạng, sau này Người khẳng định rõ hơn là liên minh Công - Nông, lao động trí óc là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Ngoài ra Hồ Chí Minh còn coi tiểu tư sản, tư sản dân tộc và một bộ phận của giai cấp địa chủ, phong kiến là bạn đồng minh của cách mạng.

4.   Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng  giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc

-  Quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc.

+  Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc. Quan điểm này vô hình chung đã làm mất đi tính chủ động sáng tạo của phong trào cách mạng thuộc địa.

+  Nguyễn ái Quốc đã phê phán mạnh mẽ quan điểm này. Phát biểu tại Đại hội V quốc tế cộng sản Người đã phân tích. “vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa ... nọc độc và sức sống của con rắn độc TBCN đang tập trung ở các thuộc địa. Nếu khinh thường cách mạng thuộc địa tức là muốn đánh chết rắn đằng đuôi”.

- Từ sự phân tích đặc điểm kinh tế- xã hội của các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh khẳng định công cuộc giải phóng nhân dân các thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự giải phóng; “Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”.

-    Người yêu cầu các dân tộc thuộc địa cần chủ động, sáng tạo trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, không ỉ lại, trông chờ vào cách mạng vô sản ở chính quốc.

       - Hồ Chí Minh còn cho rằng cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước và trông khi thủ tiêu một trong nhưng điều kiện tồn tại của CNTB là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.

  Đây là luận điểm sáng tạo có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, một cống hiến quan trọng vào kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh đã được thắng lợi của cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

5.  Cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng con đường cách mạng bạo lực

a. Tính tất yếu của cách mạng bạo lực

-        Trên cơ sở nhận thức rõ bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân và chứng kiến sự thất bại liên tiếp của phương pháp cải lương không dùng vũ lực để giải phóng dân tộc. Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỉ XX, Hồ Chí Minh đã lựa chọn phương pháp bạo lực cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh “ trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và và dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”. Hình thức của bạo lực cách mạng bao gồm cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Nhưng tuỳ tình hình cụ thể mà quyết định hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị cho phù hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức này để giành thắng lợi cho cách mạng.

b. Tư tưởng bạo lực gắn bó hữu cơ với tư tưởng nhân đạo và hòa bình

Tư tưởng bạo lực trong tư tưởng Hồ Chí Minh khác hẳn với tư tưởng hiếu chiến của các thế lực đế quốc xâm lược. Xuất phát từ tình yêu thương con người, quí trọng sinh mạng con người, Hồ Chí Minh luôn tranh thủ khả năng giành và giữ chính quyền ít đổ máu, tìm mọi cách để ngăn chặn xung đột vũ trang. Tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình, chủ động đàm phán và thương lượng chấp nhận những nhượng bộ có nguyên tắc. Việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng khi không còn khả năng hòa hoãn.

c. Hình thái bạo lực cách mạng

 Bạo lực cách mạng là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, bao gồm sức mạnh tổng hợp của hai yếu tố chính trị và quân sự, hai lực lượng - lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Hồ Chí Minh chủ trương phát động chiến tranh nhân dân, dựa vào lực lượng toàn dân, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, đấu tranh toàn diện với kẻ thù đế quốc, với tư tưởng chiến lược tiến công, phương châm chiến lược đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: