Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CL chg 16

Chương 16

Mê trận vô hình

Thiên Lý thuyền cập vào một cồn đá, mọi người lên bờ. Một sơn cốc rộng rãi trải ra phía trước, vây bọc tứ phía là những ngọn núi cao chạm chân mây, sơn cốc này cũng là lối duy nhất đi lại được, ngoài ra không còn chỗ nào khả dĩ đặt chân. Nền cốc bằng đá phiến sét, đây đó ngổn ngang đá tảng và lỉa chỉa thông xanh, những tảng đá kích cỡ không đều, lớn thì to ngang một quả đồi, nhỏ cũng nặng tới vài vạn cân. Nằm đan xen với chúng là vô số thạch tượng, pho nào pho nấy cao gấp mấy lần người bình thường, điêu khắc hết sức tinh xảo, chỉ khác là hình thể to lớn lạ thường, còn thì từng nụ cười, từng cái nhíu mày, từng biểu hiện vui buồn mừng giận... đều hệt như người thật. Có tượng đứng, có tượng ngồi, tượng thì nhấp nhổm, tượng nhảy tưng, lại có tượng cau mày tư lự, tượng ngửa mặt cười dài, có tượng gõ chuôi kiếm mà hát, tượng múa bút gảy đàn tỳ bà, thực muôn hình vạn trạng, mỗi pho mỗi dáng, càng trông theo càng thấy ngút ngàn.

Lương Tiêu đã gặp đủ sự lạ ngoài kia, tưởng chừng không còn biết bỡ ngỡ trước những chuyện mới mẻ nữa, vậy mà đến đây cũng phải hít một hơi thật sâu đặng lấy lại bình tĩnh:

- Lại cái gì thế này?

Hoa Thanh Uyên nghiêm trang đáp:

- Đây là Bát bách thánh hiền tượng, diễn tả tám trăm bậc thánh nhân, hiền triết, đại tướng và dị sĩ được lưu danh trong sử sách từ xưa tới nay.

Y trỏ một bức tượng phục sức mũ cao áo dài, diện mạo cổ kính khác thường, đang trong tư thế cúi nhìn xuống thiên hạ:

- Đây là Hoàng đế Hiên Viên.

Lại trỏ một bức tượng già lão mặt to trán cao, hai mắt sâu hoắm, tay cầm cái cuốc đào thuốc, y nói:

- Kia là Viêm đế Thần Nông.

Rồi tới một ông cụ tai to mày rủ, râu dài quá rốn, cưỡi con trâu xanh:

- Đó là Lão Tử Lý Nhĩ, người đã viết cuốn Đạo Đức Kinh dài hơn năm nghìn chữ.

Xong y chuyển hướng sang một người già vận áo nhà nho đang chắp tay giơ cao như khấn:

- Còn kia chính là Văn thánh Khổng Khâu1.

Lương Tiêu vừa nghe vừa nhìn theo, bỗng dưng cảm thấy các pho tượng không hề đứng yên mà cứ từ từ xê dịch, như tinh tú trên trời chẳng lúc nào ngừng vần chuyển, hiềm nỗi không dễ nhận ra mà thôi. Trong lúc Hoa Thanh Uyên chỉ trỏ giới thiệu thì pho tượng Hoàng đế đã lần lần khuất lấp sau một tảng đá to như quả đồi. Lương Tiêu buột miệng thốt lên kinh ngạc. Hoa Mộ Dung cười bảo:

- Nhìn ra rồi phải không? Ngươi mà đoán được tại sao thì ta chịu là tài.

Lương Tiêu bặm môi, ngẫm nghĩ chốc lát, thình lình vỗ tay kêu toáng:

- Tôi biết rồi.

Hoa Mộ Dung hỏi:

- Đâu nói thử nghe!

Lương Tiêu trỏ ngược về phía ba bánh xe khổng lồ mà họ vừa bỏ lại đằng sau:

- Nguyên lý chuyển động của những pho tượng này tương tự Thiên Lý thuyền. Sức nước đẩy bánh xe, bánh xe dẫn động trục đồng, sau đó, tôi chưa rõ là bằng cách gì, nhưng các trục đồng đã khiến tượng đá di chuyển.

Nét kinh ngạc hiện rõ trên vầng trán thanh tú của Hoa Mộ Dung, nàng tủm tỉm nói:

- Khá nhỉ, nhìn ngươi thì không thấy thông minh mấy, chắc lại mèo mù vớ cá rán đây thôi.

Hiểu Sương chen vào:

- Tiêu ca ca thông minh quá ấy chứ! Cô bé nói xong, đôi má ưng ửng hồng.

Lương Tiêu được khen hởi lòng hởi dạ, toét miệng cười với Hiểu Sương, rồi hỏi:

- Thế trục đồng đẩy tượng đá dịch chuyển bằng cách nào?

Hoa Thanh Uyên ngẩng nhìn sắc trời, nói:

- Điều ấy phức tạp lắm, sau này hãy hay, chúng ta vào cung trước đã! Quay sang Lương Tiêu, y dặn, nhất thiết phải đi theo đúng bước chân ta nhé.

Lương Tiêu ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao ạ?

Hoa Mộ Dung cằn nhằn:

- Đừng gặng hỏi làm gì, nói ngươi cũng không hiểu đâu. Đoạn, một tay dắt Lương Tiêu, một tay dắt Hiểu Sương, nàng bước theo anh trai. Hoa Thanh Uyên lúc đi thẳng, lúc bước chéo, xuyên qua luồn lại giữa những thạch tượng và đá tảng.

Đi được chừng một trăm bộ, Lương Tiêu thốt nghĩ, "Cớ sao ta phải đi theo ông ấy? Không nói cho ta biết duyên do ư? Hừ, ta sẽ tự xem xem có gì quái lạ." Nhằm lúc Hoa Mộ Dung sơ ý, nó vùng khỏi tay nàng chạy sang mé trái. Hoa Mộ Dung túm vội theo, nhưng trượt, nàng kêu lên thất thanh, mặt mày tái mét. Lương Tiêu sợ bị đuổi theo, liền cắm đầu cắm cổ chạy. Chạy tới hơn một trăm bộ, nó chực ngoảnh lại xem động tĩnh, chợt nghe hai chân hẫng một cái, bèn cúi đầu nhìn. Vực sâu muôn trượng nằm ngay bên dưới. Thằng bé hoảng hồn ghìm chân, bỗng đâu người lại bật lên cao, bên tai gió rít vù vù, trước mặt bồng bềnh mây trắng, nó nhìn xuống mặt đất, chỉ thấy núi non điệp trùng, sông hồ dày đặc, còn bản thân mình thì đang rơi tòm xuống như một vệt sao băng, gió trướng quần quanh, lạnh cắt da cắt thịt. Vừa nghe hơi giá thấm vào người, nó đã thấy mình đứng trong bão tuyết, bốn bề mênh mang, bông tuyết quay cuồng, gió cùng gào rú.

Máu trong người như đông cứng, Lương Tiêu guồng chân chạy để đẩy lùi cái lạnh. Chạy mãi không biết bao xa, mặt đất bỗng rung chuyển, truyền đi âm thanh ì ầm như sấm động, rồi ngay tắp lự, một khe nứt hiện ra, từ đó phụt lên một lưỡi lửa ngùn ngụt bỏng rãy dài đến mấy trăm trượng. Mồ hôi Lương Tiêu rỏ tong tong, tim gan như muốn vỡ, nó chực cất tiếng nhưng miệng lưỡi khô rang, không thốt được nên lời. Thằng bé sắp phát điên vì bầu không khí hàn thử tương xung đó, chợt thấy xa xa có bóng người lay động, liền vội vàng phi theo. Một đôi nam nữ đang sóng vai bước, nói cười vui vẻ trong luồng lửa. Lương Tiêu căng mắt nhìn, ngạc nhiên xen mừng rỡ, nó gào tướng lên, lạc cả giọng:

- Cha ơi, mẹ ơiiiii!

Văn Tĩnh và Ngọc Linh chẳng mảy may đoái hoài, cứ mải mê cười nói với nhau. Lương Tiêu vừa khóc vừa gọi, đuổi theo ráo riết, nhưng không tài nào bắt kịp hai người.

Chạy được một đỗi, bỗng thấy họ thình lình đứng lại, Lương Tiêu mừng quýnh, chụp luôn áo Văn Tĩnh khóc rưng rức. Sụt sịt đôi hồi, thằng bé ngẩng đầu nhìn, qua làn nước mắt mông lung, nó nhận ra mình đang nắm phải một người mặc áo đen kịt, mặt mày trắng bợt. Chẳng Tiêu Thiên Tuyệt thì còn là ai nữa? Nỗi vui mừng thoắt chuyển thành hoảng loạn, Lương Tiêu thét to một tiếng, thân thể rã rời bải hoải, hai mắt tối sầm chực ngã ngất đi. Chợt có người túm lấy lưng nó ghì lại phía sau, ảo ảnh trước mắt vụt tan biến, thay vào đó là những pho tượng và đá tảng đứng im lìm.

Lương Tiêu ngã phệt xuống đất, thở hồng hộc, như thể vừa kịch chiến đến hàng ngàn chiêu. Nó ngoái đầu trông, bắt gặp Hiểu Sương đang nhìn mình với vẻ mặt lo âu, xung quanh tịnh không bóng người. Nó lấy làm lạ hỏi:

- Chỉ có đằng ấy thôi à?

Hiểu Sương toan trả lời, nhác trông pho tượng Tư Mã Thiên ở mé trái đang từ từ dịch sang phía tây, còn tượng Ban Cố thì đang di chuyển sang phía nam, cô bé giật mình kéo Lương Tiêu giục:

- Đi mau, đi mau!

Lương Tiêu ngạc nhiên, chợt nghe bên tai vang tiếng binh khí giao nhau, giáp khua loảng xoảng, cảnh vật trước mắt nhoà đi, bỗng đâu chất ngất máu chảy thây phơi, cung điện nguy nga lũ lượt sụp đổ, thoắt đó biến thành bình địa cháy đen... Bất đồ, tay trái nó lại bị giật một cái, ảo ảnh tan biến. Hiểu Sương còn chưa kịp hoàn hồn:

- Khiếp quá, suýt nữa đến em cũng rơi vào rồi.

Cô bé kéo Lương Tiêu đi, lúc rẽ đông lúc rẽ tây; được chừng mười mấy bộ, cô dừng lại bên chân một quả đồi, ngồi xuống bảo:

- Chỗ này là trận nhãn2 của Thái Sử cảnh, mình có thể nghỉ tạm ở đây khoảng nửa canh giờ.

Lương Tiêu nôn nóng hỏi:

- Rốt cục là đang xảy ra chuyện gì thế?

Hiểu Sương nhìn nó, nói vẻ buồn buồn:

- Chúng mình bị hãm trong Lưỡng Nghi Ảo Trần trận rồi.

Lương Tiêu nhìn trận thế xung quanh, bỗng nhớ tới một câu chuyện cha đã kể, bàng hoàng hỏi:

- Những pho tượng này lập nên trận pháp tương tự Bát Trận đồ phải không?

Hoa Hiểu Sương gật đầu:

- Không chỉ tượng mà mỗi gốc cây ngọn cỏ ở đây đều chứa đựng ý nghĩa và vai trò riêng. Vừa rồi anh cảm thấy lúc nóng lúc lạnh là vì anh đã rơi vào Âm Dương cảnh. Mấu chốt của Âm Dương cảnh là tượng Trâu Diễn3.

Lương Tiêu băn khoăn:

- Vì sao đằng ấy cũng vào đây thế?

Hiểu Sương đáp:

- Em thấy anh rơi vào, muốn kéo anh trở ra, ai ngờ bất cẩn nên sa chân theo. Cũng may trước đây em có đọc sách, biết được đôi chút biến hoá của trận pháp.

Cô nhặt một viên đá nhọn, vạch ra vô số ký hiệu kỳ quặc trên đất, viết rồi lại xoá. Lương Tiêu tò mò hỏi:

- Hiểu Sương, đằng ấy làm gì vậy?

Hoa Hiểu Sương đáp:

- Em đang thử suy luận đường hướng của trận pháp.

Lương Tiêu kinh ngạc rõ rệt:

- Đằng ấy lại còn biết cả cái đó cơ à?

- Ngày thường ở nhà, em chẳng có việc gì làm ngoài đọc sách cả. Hiểu Sương cười, trận pháp này gắn liền với những điều ghi chép trong sách đấy.

Lương Tiêu ngẫm nghĩ một thoáng rồi lại hỏi:

- Hiểu Sương này, vì sao tớ lại trông thấy những cảnh tượng cổ quái kỳ dị ấy nhỉ?

Hiểu Sương nhíu mày:

- Không biết thật hay giả, nhưng theo lời bà nội kể thì Lưỡng Nghi Ảo Trần trận là một loại thế gian phi thực, biết biến đổi theo tâm trạng con người, biết ảo ảnh hóa muôn hình muôn vẻ của hồng trần. Nếu bị sa lầy quá sâu trong trận thì những gì mình nghĩ đều hiện hình trước mắt hết. Người càng nóng nảy xốc nổi thì càng dễ sinh ảo tượng, lần lượt nếm trải những cảm giác hi vọng rồi bế tắc, ngỡ ngàng rồi cụt hứng, vui vẻ rồi tư lự, hoan lạc rồi sầu bi, mừng rỡ rồi đau khổ, cứ thế cho đến lúc phát điên. Tại sao lại như vậy, em chịu không giải thích cho minh bạch được, nhưng nghe bà nói, cái lẽ huyền cơ của trận pháp này là khởi phát từ lòng người. Người nào mà tĩnh tâm, dẫu không hề hay biết đến nguyên lý của trận thì vẫn đi qua được. Song le, người như thế lòng thường tịnh như nước, có thể sánh với thần tiên, họ vượt trận cũng không đáng ngại cho mình.

Lương Tiêu tỏ vẻ trầm tư:

- Vì sao Thiên Cơ cung phải ẩn kín ở đây? Và vì sao phải lập nên trận pháp này nữa?

Hiểu Sương đáp:

- Em cũng không rõ. Nghe cha kể thì từ cuối đời Đường, gia tộc em đã dọn tới đây rồi.

Cô bé vừa nói vừa viết, không hề ngơi tay, Lương Tiêu ngấm ngầm thán phục. Hiểu Sương tiếp:

- Hồi ấy, trong thiên hạ, có rất nhiều kẻ xấu nổi lên chém giết, cơn tao loạn này kéo dài hơn một trăm năm trời. Bọn chúng đi tới đâu thì sát nhân, phóng hỏa, thiêu đốt thư tịch tới đó, thành thử không chỉ mạng người mà học vấn của tiền nhân đều bị chúng hủy hoại mất hết.

Cô bé mường tượng lại thảm cảnh thời xưa, không khỏi ghê rợn, hai mắt đỏ hoe lên, hỏi Lương Tiêu:

- Tiêu ca ca, em không thể hiểu nổi, tại sao những kẻ xấu ấy hành động như vậy?

Lương Tiêu vốn định hỏi cô bé đúng câu đó, ai dè bị hỏi ngược lại, nó chưng hửng một thoáng rồi đáp:

- Tớ nghĩ thế này. Lúc đầu có rất nhiều người tốt, kiểu như đằng ấy, mọi người đều an vui, không tranh cãi không sinh sự, nhưng đột nhiên có một kẻ xấu như tớ xuất hiện, tớ bắt nạt đằng ấy, cướp đồ ăn thức uống của đằng ấy. Đằng ấy muốn sống, đành phải đi cướp của người khác, người khác lại đi cướp người khác nữa, cứ thế, trên đời thành thử toàn kẻ xấu. Về sau, kẻ xấu phát hiện ra là hai kẻ xấu thì mạnh hơn một kẻ xấu, vì thế đứa này lập băng, tên kia họp nhóm, bè phái dần dần nhiều lên, kế đó kéo nhau đi đánh chém, giết chóc, phóng hỏa, cướp bóc... Nói tới đây, Lương Tiêu không nghĩ ra thêm được tội ác nào nữa, đành ngừng lại.

Hiểu Sương ngẫm nghĩ, đoạn lắc đầu:

- Anh nói sai rồi.

- Sao lại sai? Lương Tiêu hỏi.

Hiểu Sương vừa cúi sát xuống đếm nét bút vừa đáp:

- Em không đời nào cướp giật giết chóc.

Lương Tiêu cười nhạt:

- Đằng ấy mà không cướp thì chỉ còn nước chết đói chết rét hoặc bị người khác giết hại mà thôi.

Hoa Hiểu Sương đáp nhanh:

- Có chết cũng không bao giờ làm thế. Rồi kéo tay Lương Tiêu, cô khẩn khoản nói, Tiêu ca ca cũng không phải là kẻ xấu mà.

Lương Tiêu bĩu môi:

- Tớ là kẻ xấu đấy. Làm người tốt chỉ tổ bị kẻ khác bắt nạt, mà tớ xưa nay chỉ có bắt nạt kẻ khác thôi.

Đôi mày nhỏ mảnh của Hiểu Sương nhíu lại. Cô bé thình lình lắc tay Lương Tiêu, dịu dàng van vỉ:

- Tiêu ca ca, em không muốn anh làm người xấu! Anh đừng làm người xấu anh nhé!

Lương Tiêu nghe phiền phức quá mà không biết đối đáp thế nào, đành nói:

- Tớ chẳng muốn phải chết đói chết rét.

Hiểu Sương thủ thỉ:

- Thì chúng mình cùng chết, chứ em không nỡ lòng nào làm việc xấu đâu.

Lương Tiêu sững người im bặt. Hiểu Sương bèn bảo:

- Thôi, tạm thời đừng nhắc đến chuyện này nữa. Nhưng bất kể ra sao anh cũng không được làm người xấu đâu đấy!

Lương Tiêu nóng mặt toan phản bác, Hiểu Sương đã nói:

- Tiếp tục về gốc gác nhà em nhé. Khi thiên hạ đại loạn, ông tổ của Thiên Cơ cung, vốn là một người nhìn xa trông rộng, nhận thấy thời thế quá nhiễu nhương, bèn quyết định thu gom hết mọi sách vở cất vào một chỗ.

Lương Tiêu ngắt lời:

- Xong rồi cất vào Thiên Cơ cung hả?

- Hồi ấy làm gì đã có Thiên Cơ cung. Chỉ có Thê Nguyệt cốc, trong cốc toàn đá tảng nhẵn lì. Ông tổ nhà em không những học rộng hiểu nhiều mà võ công cũng rất cao siêu. Trong lúc bọn xấu đang làm mưa làm gió thì người dẫn gia tướng đi thu gom đủ mọi thứ sách vở, đồ cổ, thư họa và đưa cả đến Thê Nguyệt cốc. Nhưng mãi tới khi tạ thế, người vẫn chưa hoàn thành được công trình này, đành giao phó lại cho con trai. Thuở ấy, thiên hạ chia cắt thành mười mấy quốc gia, kẻ xấu đánh giết càng lúc càng ghê gớm, rất nhiều người trong gia tộc em đã ngã xuống để giữ gìn sách vở giữa màn khói lửa đó.

Hiểu Sương rớm lệ:

- Cuối cùng, đến con trai của ông tổ cũng... cũng bị kẻ xấu giết chết.

Nói tới đây, nước mắt cô bé lăn dài. Lương Tiêu vỗ vỗ vai cô, Hiểu Sương không kìm nén nổi nữa, gục mặt vào đầu gối Lương Tiêu khóc thút thít. Lương Tiêu vụng về đỡ lấy vai cô bé, nhưng không biết nên khuyên giải cách nào.

Sụt sịt một lúc, Hiểu Sương ngẩng đầu lên gạt lệ, ngượng nghịu phân trần:

- Em từ nhỏ đã có cái tính mau nước mắt, nghe kể những chuyện như thế này em chỉ muốn khóc thôi. Tiêu ca ca, anh đừng cười em nhé.

Lương Tiêu nghĩ bụng, "Con bé buồn cười thật." Nó bật cười khan, được mấy tiếng, không hiểu tại sao, nó bỗng nín bặt.

Hiểu Sương kể tiếp:

- Đến đời thứ ba. Ông tổ đời ấy là một người rất thông minh, ông vừa tiếp tục thu thập thư tịch, vừa nghiền ngẫm nội dung trong đó, chắt lọc được rất nhiều điều bổ ích. Để bảo vệ sách vở an toàn hơn, ông thiết kế trận pháp này, vẽ thành sơ đồ, cùng con cháu các gia tướng đời trước chỉnh sửa và xây dựng. Nhằm tiết kiệm nhân lực, ông còn chế ra Mộc ngưu Lưu mã và Thiên Lý thuyền đặng vận chuyển đá gỗ. Nhưng thạch trận quá lớn, lớn đến nỗi cả đời con trai ông làm cũng không xong. Mãi tới ba thế kỷ trước đây, gia tộc em mới hoàn thành ba bánh xe Thiên Cơ, lại thêm một trăm năm nữa thì mới dựng xong Thiên Cơ cung.

Hiểu Sương càng kể càng hứng khởi, hai lúm đồng tiền thoắt ẩn thoắt hiện trên đôi má. Cô bé cúi đầu tính toán thêm một chốc nữa, đoạn nhoẻn cười:

- Ổn rồi, Tiêu ca ca, em tính ra rồi!

Cô nhảy lên, kéo Lương Tiêu theo, sang trái bảy bước, sang phải tám bước, đi vòng qua mười pho tượng thì dừng lại, tiếp tục cúi nhìn và tính toán một lúc rồi nói:

- Chỗ này là Huyền Dịch cảnh, là trận trong trận, lấy Phục Hi làm mấu chốt, một nơi rất quan trọng đây. Tiêu ca ca, anh phải nắm chặt lấy em nhé!

Lương Tiêu đã biết hơn thiệt, nghe vậy bèn bám cứng lấy bàn tay bé nhỏ của Hiểu Sương. Hai đứa sóng vai đi vòng qua một cây thông già ba người ôm mới xuể, vừa bước được mấy bước thì bỗng nhiên một trận gió nhẹ hiu hiu lùa tới, Hiểu Sương thảng thốt kêu:

- Không ổn rồi, đây là mắt Tốn4, em tính sai rồi.

Cô bé kéo Lương Tiêu nhảy sang trái ba bước, chợt thấy tượng Chu Văn Vương và tượng Khổng Tử đang xáp lại gần nhau, cô giậm chân, nói giọng như khóc:

- Hỏng rồi, hoàn toàn biến đổi rồi.

Thì ra trong lúc các tượng đá di chuyển liên tục thì hai đứa đã bước nhầm một bước, trận hình thay đổi, phải căn cứ vào vị trí hiện tại mà suy luận lại trận pháp, bằng không ắt càng lúc lún càng sâu.

Vầng thái dương sắp lặn, trời bắt đầu nhá nhem, Hiểu Sương bưng mặt khóc òa lên:

- Tại em, tại em cả. Nếu em không kém cỏi thì làm gì đến nỗi bị hãm ở đây.

Lương Tiêu vội an ủi:

- Đừng lo. Hoa đại thúc nhất định sẽ đến tìm chúng ta.

Nó vừa nói vừa buồn phiền nghĩ bụng, phải trách ta mới đúng. Nếu ta không chạy lung tung thì việc gì em phải theo vào đây.

Được Lương Tiêu hết lời khuyên nhủ, một lúc sau Hiểu Sương gạt nước mắt, lắc đầu phàn nàn:

- Thạch trận này chu vi đến mấy chục dặm, biến hóa quái dị, thật chẳng biết bây giờ bọn mình đang bị hãm ở chỗ nào. Kể cả bà nội, nếu không rõ nơi em đứng bà cũng không dám chạy bừa vào trận đâu.

Hai đứa vô kế khả thi, ngồi thừ ra một lúc, trong trận đột nhiên có gió nổi lên, rú rít thê thiết. Hiểu Sương bỗng rùng mình, bật ho sù sụ. Lương Tiêu hỏi:

- Đằng ấy rét à?

Hiểu Sương đáp ừ, răng đánh cầm cập. Lương Tiêu nghĩ bụng, "Gió to thì to thực, nhưng làm gì đến nỗi lạnh thế đâu." Nó choàng tay ôm cô bé vào lòng, nhận ra thân thể cô cứ lạnh dần đi thì kinh ngạc quá đỗi, lại giơ tay thăm mũi, chỉ thấy hít vào mà không thở ra, bất giác kinh sợ hỏi:

- Đằng ấy sao thế này?

Hiểu Sương ngắc ngứ qua hai hàm răng:

- Trong ngực áo.. có... thuốc.

Lương Tiêu nghe nói, vụt nhớ lại chuyện hôm nào ở Thiên Cơ biệt phủ, vội vã thò tay vào bọc cô bé, móc lấy cái bình ngọc, nghiêng bình dốc ra một viên thuốc, thuốc màu vàng nhạt, y hệt như viên thuốc ngày nọ, bèn cho cô bé uống. Hiểu Sương thở hộc, đón lấy cái bình, uống thêm một viên nữa.

- Thuốc này là thuốc gì? Lương Tiêu hỏi.

Hiểu Sương yếu ớt đáp:

- Đây là Kim Phong Ngọc Lộ hoàn, do Ngô gia gia cho em.

Lương Tiêu cau mày:

- Hiểu Sương, đằng ấy... đằng ấy bị bệnh à? Ban nãy, ban nãy... làm người ta sợ hết hồn đấy.

Hiểu Sương gượng cười:

- Không sao đâu anh, em lớn lên một cái là đã phải uống thứ thuốc này rồi, uống liên tục đến nay, hễ phát bệnh thì cứ uống vào là khỏi.

Lương Tiêu vẫn lo ngại, toan hỏi cho kỹ hơn, chợt phía xa có tiếng sáo vẳng tới, tuy chập chờn mơ hồ nhưng vẫn có thể nhận rõ được, nó sực nghĩ ra một chuyện, liền vui mừng bảo:

- Đằng ấy cứ mải tính toán đâu đâu làm tớ cũng lẩn thẩn theo. Không suy luận được thì sao không kêu toáng lên?

Hiểu Sương ngỡ ngàng đáp:

- Ừ nhỉ, sao em tối dạ thế không biết, chỉ cần hét to, cha và cô trước sau gì cũng nghe thấy.

Lương Tiêu đứng dậy cất tiếng hú. Nó còn nhỏ, sức còn yếu, nhưng hú hồi lâu, người thổi hình như cũng mang máng nghe thấy, nhịp sáo lảnh lót vút cao lên hoan hỉ. Một lát sau có tiếng xé gió, rồi một người tiêu sái lướt tới, miệng ngậm ngang cây sáo ngọc, khuôn mặt rất đẹp, vóc người dong dỏng, râu dài phất phơ, chính là Tả Nguyên, ông lão áo trắng trên đỉnh Oán Lữ hồi chiều. Hiểu Sương mừng rỡ reo:

- Nguyên công công!

Nhận ra giọng cô yếu ớt, Tả Nguyên cau mày hỏi:

- Lại phát bệnh nữa à?

Hiểu Sương gật đầu. Tả Nguyên ngần ngừ chốc lát rồi ôm lấy cô bé, không thèm liếc Lương Tiêu lấy một cái, quay ngoắt đầu đi thẳng. Lương Tiêu vội vàng bám theo, nhưng Tả Nguyên thân pháp cực cao, chỉ chớp mắt đã không thấy tăm hơi đâu nữa. Lương Tiêu sững sờ nghĩ bụng, "Lão già cố ý bỏ rơi ta ư?" Nó ấm ức vô cùng, nhưng cũng biết trận pháp hết sức cổ quái nên không dám chạy linh tinh, bèn đứng trơ ra ở đó. Một lúc sau vẫn không có ai đến, Lương Tiêu bụng bảo dạ, "Chả lẽ Hoa đại thúc và mấy người đó đã quên mình rồi? Chắc cái lão áo trắng đó căm ghét ta, cố ý vứt ta lại đây, khiến ta chết đói, mà không chết đói thì cũng buồn chán chết mất!" Bất giác không kìm được, nó ngồi xổm xuống khóc hu hu.

Rền rĩ đôi hồi thấy lòng nhẹ nhõm, Lương Tiêu gạt nước mắt, chực nhỏm dậy, bỗng thấy thấp thoáng bóng người, tức thì nó giật mình la:

- Ai?

Người kia im lìm bất động, Lương Tiêu ngước mắt trông, bất giác phì cười, thì ra trăng treo chênh chếch giữa hai ngọn núi, phớt ánh sáng qua các tượng đá, in xuống mặt đất những hình sẫm dài ngắn to nhỏ khác nhau. Lương Tiêu nhìn tượng đá một lúc, lại ngắm các bóng đổ, "Chẳng biết ai tạc lố tượng này mà giống thật thế."

Các tượng đá liên tục xê dịch, bóng đổ cũng đều đặn di chuyển như đèn kéo quân. Lương Tiêu rảnh rang đâm buồn tình, bèn ngồi chồm hỗm quan sát, thoạt tiên là một cái bóng cầm quyển sách, nghiêng mình đưa cánh tay lên tựa hồ đang ngâm ngợi thi cú, không bao lâu sau thì dịch ra xa; cái bóng thứ nhì tiến đến trước mặt nó, hai tay đánh đàng xa như đi bộ; một lát sau, cái bóng thứ ba lướt tới chỗ Lương Tiêu, vung tay nhấc chân, vẩy năm ngón tay. Lương Tiêu xem đến đây, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc, ba cái bóng cùng nháng hiện trong đầu, rồi ngay tắp lự xâu chuỗi với nhau.

Lương Tiêu nhảy cẫng lên xuýt xoa:

- Đây chẳng phải là một chiêu võ công thì là gì?

Nó ngó sang những pho tượng khác, bỗng bàng hoàng sực hiểu, thì ra mỗi pho tượng khi giơ tay, giơ chân hoặc ngửa mặt nhìn đều chứa đựng một đường quyền rất tinh tế, phối hợp cùng nhau thì tạo thành võ công. Lương Tiêu cố hình dung mấy chiêu, cảm thấy tinh vi ảo diệu, cực kỳ lợi hại, trong lòng vô cùng ngạc nhiên.

Nguyên tám trăm pho tượng đá này là một câu đố phức tạp do tiền nhân để lại, trải qua bao tuế nguyệt vẫn đứng ở đây, mãi cho đến nay mới có người lần ra sự bí ẩn bên trong.

Hai trăm năm trước, sau khi trải qua đủ mọi truân chuyên, Thiên Cơ cung truyền được đến đời thứ bảy, cũng là thời điểm xuất hiện một kỳ tài võ học là Hoa Lưu Thủy. Người này mười bảy tuổi trở thành đệ nhất cao thủ của Thiên Cơ cung, ba mươi tuổi thì nhìn khắp giang hồ đã khó tìm ra địch thủ. Cũng tới đời ông ta, võ công Thiên Cơ cung lập riêng được thành một phái. Trong vòng năm trăm năm cho đến lúc đó, chỉ luận về võ công thì Hoa Lưu Thủy là đại cao thủ độc nhất vô nhị của Thiên Cơ cung.

Giữa thời loạn, nhà họ Hoa coi bảo tồn sách vở là nhiệm vụ của mình. Cũng vì thế, luyện võ tuy cần nhưng chỉ là thứ yếu, mọi người trong cung dồn hết sức lực vào thu lượm điển tích và xây dựng Lưỡng Nghi Ảo Trần trận. Đến năm Hoa Lưu Thủy ba mươi tuổi thì đã hoàn tất việc khơi sông mở núi, chế tạo bánh xe, trồng cây gây cỏ, chiếu theo sơ đồ thì đã đến lúc kết nối các cơ cấu bí mật, lắp đặt các cột đá di động.

Hoa Lưu Thủy võ công xuất quỷ nhập thần, song đệ tử trong cung không một ai kế thừa được y bát của ông. Ngoài mặt vẫn bình thường nhưng lòng ông thì vô cùng tiếc hận. Nhìn những cột đá vươn thẳng, bỗng nhiên ông nảy ra một ý tưởng kỳ lạ là khắc những cột đá thành tám trăm bậc thánh hiền, đồng thời đem những công phu lợi hại nhất của đời mình phổ vào tượng đá, chỉ cốt xem xem thế hệ sau có ai nhận ra chỗ ảo diệu ẩn chứa bên trong không. Nếu có người khám phá được thì tức là khả năng lĩnh ngộ của họ không kém gì ông, xứng đáng tiếp truyền y bát.

Việc điêu khắc tám trăm pho tượng đã lấy đi hầu hết sức lực của vị đại cao thủ. Lúc hoàn thành công trình, Hoa Lưu Thủy đã già lụ khụ. Nhìn đám con cháu kẻ thì nghiền ngẫm số học, kẻ thì miệt mài lao động, mấy chục năm trời không một ai nhận ra bí mật trong tượng, ông cụ như chết cả cõi lòng, nhưng bẩm tính vô cùng kiêu ngạo, đã không ai khám phá được, ông cũng không chịu gợi ý, cương quyết ôm theo bí mật đó vào quan tài, lúc hấp hối chỉ trăng trối một câu:

- Ra đố dễ, giải đố khó. Người đời sau muốn nhìn ra thâm ý của lão phu thì phải có thiên tư trác tuyệt, hoặc ít nhất phải có cơ may hơn người.

Đám con cháu nghe vậy đều không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cứ tưởng ông già sắp gần đất xa trời nên nói năng lẩn thẩn, vì vậy không để ý đến. Thật vậy, tám trăm pho tượng nếu chỉ nhìn thôi thì đúng là không có gì khác lạ, phải chắp nối tất cả hình dáng, tư thế của chúng mới có thể tạo thành võ công; lại cũng bởi những pho tượng này vần chuyển liên tục theo Lưỡng Nghi Ảo Trần trận nên mọi người thường chú ý đến việc nghiên cứu trận pháp, tính toán vị trí của các pho tượng chứ hoàn toàn không liên tưởng đến võ công. Mấy trăm năm rồi, chưa một ai phát hiện ra bí mật.

Lương Tiêu vốn không hiểu trận pháp, lại thêm mấy hôm nay nôn nóng báo thù nên chỉ miên man với võ công, hai là nhờ may mắn tình cờ có bóng trăng rọi xuống, hiểu ra được chỗ khéo léo hàm chứa trong đó rồi chịu khó suy luận, cứ theo cùng một phương pháp mà nhìn mãi ra, bạt ngàn tượng đá, pho nào cũng chắp thành võ công tuyệt diệu. Thằng bé rạng rỡ mặt mày, quẳng hết mọi lo phiền đi. Lưỡng Nghi Ảo Trần trận liên tục chuyển động, tám trăm pho tượng cứ đều đặn trôi qua bên cạnh nó như nước chảy, chẳng khác nào một kho báu sống về võ học, cầu gì được nấy, giúp nó lĩnh hội từng chút, từng chút một.

Lương Tiêu mê mải luyện công, thời gian trôi rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến chính ngọ ngày hôm sau. Thằng bé tập trung cao độ, lòng hoàn toàn không vướng bận. Chưa ra được khỏi trận, cũng chưa bị lạc lối, nhưng bụng thấy đói meo, nó sử luôn một chiêu Hàm quan hóa Hồ5, bắt chước tư thế Lão Tử khi cưỡi trâu xanh, tay này ôm ngực, tay kia chống đất, ngồi một lúc; kế đó dùng tư thế Quảng Thành Tử đảo thích đan lô6, ưỡn hông ra đá hất chân lên, rồi duỗi hai tay, lần lượt diễn tả Mặc Địch giá thê7, Lỗ Ban thác lương8; lại ngồi xổm đẩy mạnh về phía trước, mô phỏng động tác Liệt Tử9 di san, miệng ngậm, lưỡi uốn cong lên, theo đúng kiểu Hàn Phi kết thiệt10; cuối cùng bắt chước Mạnh Kha chi dũng11, ưỡn ngực thót bụng, đứng ngửa mặt lên, rất có khí khái kiểu "khó khăn nào cũng vượt qua12" .

Bài Đại hiền tâm kinh này tương tự Bát đoạn cẩm13 của Đạo gia, nhưng cao minh hơn, ưu việt hơn.

Lương Tiêu đánh xong mấy lượt, hai má ướt đẫm mồ hôi, thân thể sung mãn, chân khí như hạt ngọc lăn khắp các kinh mạch, cảm giác đói ngấu dần dần tan biến. Đương khi tập luyện, chợt có tiếng bước chân vang lên, nó bèn ngoái đầu trông, nhận ra Tả Nguyên đang hí hửng tiến đến gần. Thấy Lương Tiêu ngoảnh nhìn, ông lão ngẩn người, "Vì sao nó nghe được tiếng bước chân ta?" rồi lại nghĩ, "Lão phu đa nghi đấy thôi, rõ ràng chỉ là tình cờ." Tả Nguyên đâu biết Lương Tiêu đang tu luyện tâm pháp tới ngưỡng thông hiểu hết những lẽ huyền bí ảo diệu của trận pháp, tiếng gió bay cỏ động trong vòng một trượng nó còn nắm bắt được nữa là.

Lương Tiêu nhận ra lão già, liền thu thế, lạnh lùng theo dõi. Tả Nguyên cứ tưởng nó sẽ mừng quýnh lên, van nài cầu khẩn mình một phen. Nào ngờ Lương Tiêu lãnh đạm khác hẳn suy đoán của lão, lão ngạc nhiên, nhăn mặt hỏi:

- Nhóc con, có muốn lão phu dẫn ra không?

Lương Tiêu còn căm lão hồi đêm đã vứt mình lại trong trận đá, nên bĩu môi đáp:

- Ta không ra!

Tả Nguyên đâm bực, nghĩ bụng, "Nhân lúc ở đây không có ai, ta ép thằng bé này khai thật quan hệ của nó với Tiêu Thiên Tuyệt nào." Nghĩ là làm, lão vụt thò tay chụp lấy vai Lương Tiêu.

Lương Tiêu nghe tiếng gió, lập tức sử chiêu Thủy Hoàng dương tiên14, lật tay quét ngang, thoắt một cái, đầu ngón tay chỉ còn cách hông lão già chừng nửa tấc. Chiêu xuất vừa nhanh vừa mạnh. Tả Nguyên hết sức thắc mắc, nhưng không đợi nguôi kinh ngạc, lão khua luôn cây sáo ngọc, đâm xéo vào cánh tay Lương Tiêu, trảo phải vẫn vươn ra chộp tới vai nó. Lương Tiêu chợt đổi tư thế như say rượu, loạng choạng mấy bước đã thoát khỏi trảo thủ của đối phương, cánh tay hất lên rồi chặt xuống, chiêu này tên gọi Xích tinh trảm xà, lấy từ tích truyện Hán Cao tổ Lưu Bang say rượu chém rắn trắng, nhìn qua thì chân bước nhẹ như không song thực tế sát cơ ẩn tàng.

Tả Nguyên thầm biết lợi hại, bèn lay cây sáo ngọc, điểm vào mạch môn Lương Tiêu. Lương Tiêu trừng mắt thét lớn, vừa thét vừa làm điệu bộ phi ngựa chiến, nhảy phóc lên, song trưởng múa tới trước, mũi chân đá chếch, theo đúng tư thế Võ Vương huy qua15. Thằng bé nghênh mặt ra vẻ phẫn nộ trông hết sức tức cười, nhưng tay khua chân đá thì vô cùng tinh diệu, Tả Nguyên thầm kinh ngạc, "Võ công của Tiêu Thiên Tuyệt nghiêng về lối tà dị, đâu có những chiêu số chí đại chí cương, áp đảo thiên quân thế này?" Lão càng đấu càng thấy khó hiểu. Lương Tiêu thì cứ hô hoán hò hét, liên tục sử xuất Thần Nông huy sừ16, Hiên Viên đăng nhạc17, Nghiêu trí thiên hạ18 , Vũ Vương khai sơn19 , Thuấn vũ can thích20 , Thương Thang cầu vũ21, Thoái tị tam xá22, Vấn đỉnh trung nguyên. Tám chiêu liên tiếp đều là công phu phổ trong các pho tượng thuộc Đế Vương cảnh, gồm cương lẫn nhu, tiến thoái khó lường, ôm cái thế bao trùm vũ trụ, chứa cái hướng nuốt chửng bốn phương.

Tả Nguyên tự trọng thân phận, vốn không muốn ăn thua với một đứa trẻ nên chưa dùng đến nội lực, nào ngờ chiết liền tám chiêu mà vẫn không bắt được nó, ngược lại, thằng nhóc càng đánh càng thêm dũng mãnh, kỳ chiêu diệu chước đổ ra liên miên, lão già thấp thỏm trong lòng, một tay hóa giải chiêu Thái Tông định Đường23, tay kia giắt sáo ngọc vào thắt lưng, đánh ra một lộ Bàn Vũ chưởng, song chưởng cất lên nhẹ như lông hồng, hạ xuống vững nặng tựa Thái sơn. Lương Tiêu tiếp được hai chiêu thì đã phải thoái lui liền mười bước, bị dồn đến chân một tảng đá lớn. Nó lập cập giở ngón Tôn Quyền sát hổ hết sức cương mãnh hòng lật lại tương quan, nhưng kình lực không đủ, chiêu thức chưa trọn đã bị một chưởng của đối phương đẩy lui. Tả Nguyên cười nhạt, vung hữu chưởng nhẹ nhàng đập xuống đầu Lương Tiêu. Đúng lúc đó, chợt có người kêu lên:

- Tả lão, xin nương tay!

Tả Nguyên nhíu mày, đoạn thu chưởng lùi ra sau. Lương Tiêu giương mắt nhìn, thấy Hoa Thanh Uyên đang đứng đằng xa, nó mừng rỡ reo lên:

- Hoa đại thúc, sao bây giờ chú mới tới, làm tôi bị người ta hành hạ đến khổ!

Hoa Thanh Uyên liếc Tả Nguyên, rồi lắc đầu đáp:

- Trận pháp bao la, con lại vô cớ chạy loạn lên, tìm con đâu có dễ!

Lương Tiêu trề môi, trỏ Tả Nguyên bảo:

- Lão này hồi đêm đã tìm thấy tôi rõ ràng, nhưng cố ý không dẫn tôi ra.

Tả Nguyên chột dạ, cười nhạt bảo:

- Nói bậy nói bạ, đêm qua con bé Sương phát bệnh, ta lo mang nó ra khỏi trận nên quên bẵng ngươi. Ngoài mặt nói vậy, nhưng trong bụng lão nghĩ, "Tội vạ đều tại cái thằng ranh nhà mày, lão phu phải để mày nếm chút mùi cay đắng chứ."

Lương Tiêu cật vấn:

- Tại sao về sau lão không trở lại cứu ta? Đúng là cố ý hại ta mà.

Tả Nguyên lạnh lùng đáp:

- Thạch trận lúc nào cũng chuyển động, ta ra khỏi trận rồi muốn quay vào tìm ngươi thì phải bắt đầu lại từ đầu. Ngừng một lát, lão tiếp. Vả chăng, ban nãy ta có thổi sáo mấy lần để đánh tiếng, ngươi đâu có trả lời.

Hoa Thanh Uyên gật đầu xác nhận:

- Đúng đấy!

Lương Tiêu nghĩ bụng, "Xem chừng bọn họ có tìm ta thật. Chắc tại ta mải miết quan sát các pho tượng nên không nghe thấy." Nghĩ vậy nó hết ngờ vực, ngượng nghịu nhìn xuống, nhưng lòng bất mãn với lão già thì vẫn còn, nó bèn kéo chéo áo Hoa Thanh Uyên bảo:

- Hoa đại thúc, tôi chỉ đi theo chú thôi, không đi với lão già này nữa, đề phòng lão lại hại tôi đi lạc đường.

Hoa Thanh Uyên thấy nó để bụng như vậy, bất giác phì cười.

Ba người đi cùng nhau một quãng, Tả Nguyên chợt hỏi:

- Ranh con, ban nãy mày dùng thứ công phu gì thế?

Nghe vậy, Lương Tiêu sực hiểu Tả Nguyên chưa nắm được bí mật ảo diệu của tượng đá, nó bĩu môi tảng lời, bụng bảo dạ, "Ngươi không phải là người tốt, ta không nói cho ngươi biết đâu."

Tả Nguyên cụt hứng, mặt mày sa sầm. Ngẫm cho kỹ, lão cảm thấy võ công của Lương Tiêu dường như có cùng một gốc với nhà mình, tuy nội lực còn non yếu nhưng uy lực thì không thể xem thường, bất giác lão thấy bực bội vô cùng.

Ba người đi trong thạch trận chừng bảy tám dặm mà vẫn chưa đến tận cùng, Lương Tiêu ngấm ngầm kinh sợ, "Trận pháp này lớn phát khiếp, nếu đi lạc thì quả thực khó lòng tìm ra." Nghĩ tới những khổ sở lúc trước, trong lòng vẫn còn hãi hùng, nó nắm cứng chéo áo của Hoa Thanh Uyên, không dám bước chệch mảy may.

Đi được nửa đường, Tả Nguyên im lìm rẽ về hướng đông bắc. Vắng mặt lão, Lương Tiêu thoải mái hẳn lên, bèn tíu tít hỏi Hoa Thanh Uyên về những bí ẩn của trận pháp. Phải cái Lưỡng Nghi Ảo Trần trận đúc kết tâm huyết bảy đời nhà họ Hoa, nguyên lý hết sức xảo diệu, Hoa Thanh Uyên không thể nói cho minh bạch trong một chốc một lát, đồng thời sợ bị phân tâm mà bước sai, y đành nhắc đi nhắc lại rằng chuyện đó để sau hãy hay. Lương Tiêu ỉu xìu, đang định kể cho Hoa Thanh Uyên biết những bí mật trong thạch tượng, thấy vậy lại đổi ý, tự nhủ, "Không nói vội, để sau này ta luyện thành sẽ đem ra dùng, khiến ông ta kinh ngạc một phen." Nghĩ vậy mặt nó tươi hơn hớn, Hoa Thanh Uyên thấy thằng bé tự nhiên cười toét thì rất lấy làm lạ, nhưng y vốn rộng rãi khoan hòa, chỉ cười đáp lại mà không vặn hỏi gì cả.

Đi hơn ba dặm nữa thì ra được bên ngoài. Lương Tiêu chú mắt nhìn kỹ, đằng trước là những vách đá chất ngất vây quanh một lũng núi dài rộng cỡ vài chục dặm, có mấy ngòi nước chảy dồn về một con suối trong vắt, suối này lại nối thông hai cái hồ nhỏ, bên hồ um tùm cỏ cây hoa lá, thấp thoáng phía sau là mái cong của những lầu các đình đài. So với cảnh tượng hùng vĩ ở bên ngoài thì trong cốc này giản dị hơn nhiều, có một đài cao dựng bên hồ nước, từ trên xuống dưới và khắp bên phải bên trái đài này còn rất nhiều đồ vật quái lạ.

Lương Tiêu ngạc nhiên cùng cực, Hoa Thanh Uyên bèn dắt nó lên đài, cười bảo:

- Đây là Linh Đài, đoạn chỉ một quả cầu tròn cổ quái được đẩy xoay bằng sức nước, y giới thiệu. Đó là Hồn Thiên nghi, dùng để đo sự vận hành của tinh tú trên trời.

Lại trỏ một vật bằng đồng trông như cái vò, bên trên có tám con rồng ngậm châu, bên dưới có tám con cóc bằng đồng, y nói:

- Kia là Địa Động nghi, dùng để dự báo núi lở, sóng thần, động đất và núi lửa. Chiếc giá đồng hình tam giác bên trái nó là Lượng Thiên xích, dùng đo độ cao của núi. Cái ống tròn ở bên phải Địa Động nghi tên là Định Hải châm, đo độ sâu của sông biển, nếu dùng chung với Ba Động nghi thì bằng cách xem dòng chảy, người ta sẽ suy đoán được liệu sắp có hạn hán hay lũ lụt.

Hoa Thanh Uyên trỏ rất nhiều khí cụ và kết cấu muôn hình vạn trạng, giải thích cho Lương Tiêu nghe từng thứ một, trong đó có rất nhiều đồ vật ngộ nghĩnh, tỉ dụ như cái đồng hồ nước xứ Ba Tư nửa canh giờ lại kêu một tiếng, với hình nhân thủy ngân ca múa theo nhịp, lại có quả cầu pha lê đổ đầy thủy ngân, trên mặt cầu khắc chi chít con số, Hoa Thanh Uyên gọi nó là Âm Dương nghi, cho biết khí hậu nóng hay ấm, mát hay lạnh.

Linh Đài chứa đựng biết bao trí tuệ của các bậc trí giả và thợ khéo từ xưa đến nay. Những điều tai nghe mắt thấy ở đây vượt quá mọi sự tưởng tượng của Lương Tiêu. Lòng chứa chan khâm phục, nó không nhịn được nhảy phắt lên ngồi trên một cỗ xe đồng chỉ nam mà Hoàng Đế dùng để đánh Xuy Vưu. Xe đồng chỉ nam cứ mỗi lần điều khiển cơ quan thì có thể tự động chạy lên mấy trượng, người đồng bên phải có cánh tay luôn trỏ về hướng nam, người đồng bên trái thì vung hai tay gõ trống boong boong.

Lương Tiêu chơi một lúc xong tụt xuống xe, chợt nổi tính nghịch ngợm, nó lại nhảy tót lên Hồn Thiên nghi. Quả cầu này cao quá đầu người, bên trong có một quả cầu khác mô phỏng thiên hà, bề mặt khắc hình các sao, vị trí của mỗi sao đều ứng với vị trí thật của nó trên trời. Lương Tiêu dẫm một chân lên trục cầu, một chân đạp vào mặt cầu thiên hà, nó quay lục cục lục cục, tức thì vị trí của các sao rối tinh cả lên.

Hoa Thanh Uyên không ngăn cản kịp, còn đang bàng hoàng sửng sốt thì nghe có tiếng quát đanh gọn, một bóng người từ tầng trên lướt xuống như bay, vung tay nắm lấy Lương Tiêu ném bịch xuống đất. Thằng bé ngã nhào, mắt nổ đom đóm, nó dụi mắt, nhận ra một ông lão áo vàng, tóc bạc má hóp đang nhìn mình vẻ giận dữ. Lương Tiêu tức giận bò dậy, vung quyền thoi vào ngực lão ta. Hoa Thanh Uyên giơ tay giữ nắm đấm của nó, lễ phép nói với người kia:

- Minh lão, đều tại Thanh Uyên cả. Xin ông chớ trách nó.

Ông già áo vàng hừ mũi, không thèm liếc y lấy một cái, vẫn nhìn Lương Tiêu:

- Ngươi là ai? Sao dám khuấy tung Hồn Thiên nghi của lão phu lên? Nếu không chỉnh lại được thì đừng hòng đi xuống!

Lưng Lương Tiêu vẫn còn ê ẩm, nó cáu kỉnh bảo:

- Ta cứ không chỉnh lại đấy!

Ông già thò tay chộp Lương Tiêu lại gần, hai mắt lóe sáng. Lương Tiêu chưa kịp giãy giụa thì đã bị xách bổng lên. Ông già nói:

- Nếu ngươi không nghe, lão phu sẽ ném ngươi xuống.

Linh Đài cao chừng chục trượng, cộng thêm kình lực của ông già, dẫu Lương Tiêu có mười cái mạng thì cũng chết ngay tại chỗ. Nhưng thằng bé bẩm tính bướng bỉnh, khăng khăng thà chết không thua, nó thét:

- Ta cứ không chỉnh, ngươi không ném được ta xuống thì là đồ hèn!

Biết ông già đã nói là làm, Hoa Thanh Uyên vội nằn nì:

- Minh lão, đứa bé này nghịch ngợm, ông đừng chấp nó. Hồn Thiên nghi cứ để Thanh Uyên lo cho.

Lương Tiêu gào lên:

- Hoa đại thúc, chú việc gì phải hạ mình với lão già này?

Hoa Thanh Uyên dở khóc dở cười, nhưng vẫn nín thở tập trung tinh thần, giữ nguyên tư thế nghiêm trang cung kính, nhủ thầm, "Con à, cũng vì con cả thôi."

Ông già liếc xéo Hoa Thanh Uyên, cười nhạt bảo:

- Ngươi càng ngày càng tồi tệ, dám dẫn người ngoài vào quấy phá Linh Đài. Hừ, nếu ngươi mà làm cung chủ thì e rằng Thiên Cơ cung sẽ bị hủy hoại trong tay ngươi thôi.

Hoa Thanh Uyên đỏ bừng mặt, ấp úng đáp:

- Minh lão... Minh lão dạy phải lắm.

Ông lão lạnh lùng nhìn Hoa Thanh Uyên, ra ý khinh bỉ, rồi quẳng Lương Tiêu sang một bên, phất tay áo oai vệ bỏ đi.

Lương Tiêu lồm cồm bò dậy, chực đuổi theo, nhưng ông già đi nhanh như chớp, bóng áo vàng thoắt biến mất sau rừng hoa đỏ cây xanh. Thằng bé dậm chân càu nhàu:

- Hoa đại thúc, thế mà chú không cản đường, tôi sẽ tính sổ với lão ta.

Hoa Thanh Uyên nhăn mặt:

- Thôi, tiên sinh đó võ công cao cường lắm, đến ta đây cũng không địch nổi, huống hồ con.

Lương Tiêu hừ mũi:

- Cái chiêu lão ấy dùng để chụp tôi, tuy hơi nhanh, nhưng tôi có cách để phá. Nói đoạn nó đảo chân xuất quyền, người hơi ngửa về sau, song thủ múa lên như hái hoa, chính là chiêu Trang Chu mộng điệp, sau đó uốn mình nhảy lên, Trang Chu mộng điệp biến thành Kê khuyển thăng thiên, chiêu này bắt nguồn từ điển tích Hoài Nam vương Lưu An đời Hán24. Vẫn ở trên không, Lương Tiêu hất chân đá móc, song chưởng chém xéo xuống, chính là chiêu Hứa Thận đồ long. Hoa Thanh Uyên xem xong hai chiêu, cảm thấy biến hóa rất kỳ diệu, quả nhiên có thể khắc chế được thủ pháp của ông già vừa rồi, đến chiêu thứ ba thì phản kích càng thêm sắc bén, y lấy làm quái lạ, đợi Lương Tiêu đáp xuống rồi hỏi:

- Con biết cách phá chiêu, sao lúc đó không chống đỡ?

Lương Tiêu ngẩn người, gãi đầu lúng búng đáp:

- Tại... lão ta xuất thủ quá nhanh, tôi chưa nghĩ ra, cũng không kịp trở tay.

Hoa Thanh Uyên cười:

- Thế thì còn nói chuyện gì? Người ta thường bảo, nhanh chân thì được, chậm chân thì trượt, chiêu thức của con dẫu lợi hại cách mấy mà công lực không sánh bằng thì chỉ cần đối phương lẹ hơn, con sẽ mất cơ hội xuất thủ.

Lương Tiêu băn khoăn:

- Làm thế nào để trở nên nhanh hơn?

- Chỉ có cách cần cù khổ luyện, luyện đến một mức độ nhất định tự khắc sẽ thuần thục, muốn nhanh được nhanh, muốn chậm được chậm.

Lương Tiêu im lặng suy nghĩ, lòng thầm hạ quyết tâm, nhất định phải luyện thành công phu, sau này sẽ tóm lấy lão già đó ném văng xuống cho nát đít.

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng sau một vụ ầm ĩ như thế, thằng bé cũng tiu nghỉu, chẳng còn lòng dạ nào mà chơi nghịch được nữa, bèn lẳng lặng theo Hoa Thanh Uyên xuống đài. Hai người đi xuyên qua một vạt rừng, đằng trước dương liễu xanh xanh ôm quanh nhà cửa, tường trắng uốn lượn chạy dài đến mấy dặm liền. Họ bước qua một khuôn cửa vuông, có mùi thơm rất lạ tràn tới, khắp nơi ngan ngát những hoa nghìn tía muôn hồng, đó đây dập dìu nào ong nào bướm.

Hai người đi xuyên qua mấy căn thủy tạ, thảng gặp tùy tùng hoặc thị nữ, họ đều mỉm cười chào hỏi Hoa Thanh Uyên, không hề có sự phân biệt chủ tớ, Lương Tiêu hâm mộ lắm, "Ai cũng quý Hoa đại thúc, nếu ta được một nửa cái tính hiền lành dễ mến của ông ấy thì tốt biết bao."

Hai người đi gần đến một ô cửa tròn, trước cửa chạm đôi câu đối, Lương Tiêu nổi hứng đọc:

- Chân...tục, à, ở giữa là những chữ gì đây? Rồi nhìn sang cột đá bên trái, nó cau mày. Điều... tâm, ơ, người này không biết viết hay sao ấy nhỉ?

Hoa Thanh Uyên nín cười bảo:

- Tiêu nhi, chữ dạng cuồng thảo thế này, không phải ai cũng viết được đâu. Ghép lại, đọc là, "Chân thủy tẩy trần tục, Thanh âm địch phàm tâm." Ừ, hàng chữ nằm ngang trên kia con có đọc được không?

Lương Tiêu đưa mắt nhìn, đoạn xướng lên:

- Tâm thủy mộc... Rồi tự biết đọc sai, nó đỏ mặt xấu hổ.

Hoa Thanh Uyên thở dài bảo:

- Đó là Cầm Tâm Thủy Tạ.

Lương Tiêu nhìn thật kỹ, nhận thấy những con chữ tự nhiên phóng khoáng, có vẻ rất hợp với tính cách mình, lại trỏ vào phần lạc khoản dưới câu đối, đọc từng chữ một:

- Lạc hồn Cuồng Sinh tửu thư.

Hoa Thanh Uyên chữa:

- Đại khái là đúng rồi đó. Nhưng không phải lạc hồn, mà là lạc phách, cũng không phải tửu thư, mà là túy thư25.

Lương Tiêu đắc ý cười đáp:

- Lạc hồn lạc phách, tửu thư túy thư gì cũng như nhau cả thôi.

Hoa Thanh Uyên mỉm cười, chợt nghe trong cửa có tiếng đàn vẳng ra, y không nói năng gì nữa, dắt Lương Tiêu bước vào ô cửa tròn.

Đi một lúc thì đến cuối nhà thủy tạ, nơi đó đặt một lò hương tử kim khói trắng nghi ngút, mùi long diên hương tràn ngập không gian. Một người đàn bà vận áo thâm đang ngồi xếp bằng, đôi tay thon trắng muốt dặt dìu trên cây dao cầm26. Hoa Mộ Dung đứng bên trái bà ta, Hoa Hiểu Sương thì đang tựa vào lòng một thiếu phụ tuyệt đẹp vận áo lam. Mọi người trông thấy Lương Tiêu, đều mỉm cười, nhưng không nói gì.

Người đàn bà chơi đàn trông chưa quá ba mươi tuổi, khuôn mặt băng giá, mắt như nước hồ thu, cao nhã diễm lệ, nói là thiên hương quốc sắc cũng không quá, tuy rằng phục sức giản dị, nhưng hình dung nghi biểu vẫn toát ra một vẻ tôn quý đài các khiến người ta ngưỡng mộ.

Tiếng đàn dạo đầu dịu dàng phiêu hốt, như phù dung dầm sương, như ngọc lan chúm chím khiến trái tim rung động. Thấy Hiểu Sương mỉm cười với mình, Lương Tiêu chực gọi chào, chợt tiếng đàn vút lên như vách đá cao vạn trượng, hiểm trở cheo leo không thể trèo tới nơi, thằng bé bỗng giật bắn mình. Người thiếu phụ nhíu mày, bịt hai tai Hiểu Sương lại. Tiếng đàn càng lúc càng lảnh lót, chạy tuốt tới cung Vũ27, chấp chới đến tận chân mây. Tơ lòng Lương Tiêu cũng bị kéo căng lên. Đột ngột, tiếng đàn chùng lại, từ đỉnh cao chót vót lăn tòm xuống vực sâu thăm thẳm, trái tim Lương Tiêu cũng rơi theo, tâm trạng tán hoán tê mê bởi hai thái cực đó.

Tiếng đàn bồi hồi một lúc ở âm vực thấp, đoạn từ từ bốc cao, thoạt tiên tí tách như mưa đổ rừng hoa, dần dần khúc đâu Hán Sở chiến trường, nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau; qua một lúc lâu, đàn trỗi lên như bình ngọc nứt vỡ, rền rĩ như sét chạy ngang trời, loáng thoáng phong lôi nổi trận bời bời, Lương Tiêu nghe mà trào sôi khí huyết, tim đập tựa trống dồn. Đúng lúc đó, tiếng đàn lại trĩu xuống, xong đổi ra trầm lắng khoan thai, gợi lòng vợ nhớ chồng, gợi lời uyên ương giã biệt, khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu, nghe ra như oán như sầu phải chăng? Cứ khoan nhặt thế một hồi, cuối cùng âm thanh lặng tắt. Mọi người bàng hoàng nhận ra, sáu dây đàn đã đứt hết tự bao giờ.

Người đàn bà áo thâm ngơ ngẩn nhìn dây đàn đứt hồi lâu, thầm nhủ, "Ly Sầu dẫn ơi Ly Sầu dẫn, đàn mãi cũng chỉ gánh lấy đau thương đứt ruột mà thôi." Bà nhói tim, đẩy dao cầm sang một bên, ngước nhìn lên, bắt gặp Lương Tiêu đầm đìa nước mắt, bà bỗng ồ một tiếng, bụng bảo dạ, "Nó còn nhỏ vậy mà cũng hiểu được tiếng đàn ư?"

Mọi người thấy Lương Tiêu giọt vắn giọt dài, thảy đều kinh ngạc. Hoa Mộ Dung hỏi:

- Vì sao ngươi khóc?

Lương Tiêu nghe hỏi bừng tỉnh, vội vàng chùi nước mắt, cao giọng đáp:

- Có ma nào khóc đâu, mắt... mắt lão tử vướng hạt bụi.

Hoa Mộ Dung cười thầm, đoạn bắt bẻ:

- Nói dối mà không biết cách, ai ở đây cũng trông thấy ngươi khóc mà.

Lương Tiêu thẹn quá hoá giận, chửi vung lên:

- Ừ ta khóc đấy! Khóc cho chết cụ cô đi!

Hoa Mộ Dung nổi giận vung quyền. Người đàn bà áo thâm mỉm cười khoát tay, cô gái đành hạ nắm đấm xuống, trừng mắt hậm hực nhìn Lương Tiêu.

Bà nọ chăm chú ngắm thằng bé, cười hỏi:

- Hiểu Sương cứ nhắc Tiêu ca ca mãi, ra là ngươi đó phải không?

Lương Tiêu liếc nhìn Hiểu Sương, gật đầu. Người đàn bà bèn vẫy tay bảo:

- Lại đây nào!

Thấy thái độ bà ta thân thiện, vả chăng mọi người không ai ngăn cản gì, Lương Tiêu bèn bước tới. Thình lình, người đàn bà vụt thò hữu thủ ra, bàn tay mềm như một cánh bướm lớn màu trắng phất vào huyệt Khúc trì nơi khuỷu tay thằng bé. Lương Tiêu không nghĩ ngợi nhiều, lập tức thi triển Đàn tự quyết trong Như Ý Ảo Ma thủ, ngửa tay co ngón lại rồi búng vào mạch môn người đàn bà. Trước đây Tiêu Thiên Tuyệt đã dùng chiêu này đâm mù mắt Vân Vạn Trình. Công lực Lương Tiêu còn non, nhưng chiêu thức rất tinh diệu, rất đáng chú ý.

Người đàn bà mỉm cười, bàn tay chấp chới như bướm lượn nhành hoa, lướt qua ngón tay Lương Tiêu, rồi xòe hai ngón trắng muốt xoáy nhẹ vào huyệt "Thiếu uyên" của thằng bé. Lương Tiêu vội thò cả tay phải ra hỗ trợ tay trái, hữu thủ sử Phong tự quyết đẩy lui hai ngón tay đó, tả thủ sử Câu tự quyết, năm ngón tay tựa bừa cào móc vào huyệt Thái dịch của người đàn bà, song cánh tay bà ta như vô hình, thoắt một cái đã thoát ra khỏi hai bàn tay thằng bé. Lương Tiêu định nhảy theo, năm ngón tay của bà nọ đã như gió phất tới ngực nó, không biết làm thế nào, Lương Tiêu đành liên tục giở Phá tự quyết, Niệp tự quyết ra chiết giải.

Hai người đứng cách nhau qua cái kệ đàn, ba bàn tay múa may chờn vờn. Người đàn bà ngồi ngay ngắn, tuy chỉ dùng một cánh tay nhưng rất bay bổng thư thái, thiên biến vạn hoá, trong khi Lương Tiêu thở hồng hộc. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai mươi tư quyết của Như Ý Ảo Ma thủ, gồm Câu, Khuyên, Khiêu, Hoàn, Đàn, Phá, Nữu, Niết, Thôi, Nã, Huy, Phất, Tiệt, Phách, Điểm, Sáp, Niêm, Chiết, Phong, Án, Ti, Trảo, Triền, Niệp28 đều đã được Lương Tiêu lần lượt đem ra dùng hết, nhưng nó vẫn không sao thoát thân nổi. Trong thoáng chốc đã chiết giải đến trăm chiêu, cuối cùng Lương Tiêu sử Triền tự quyết, thò song thủ vặn cổ tay người đàn bà. Bà ta nhướng đôi mày thanh tú, giơ tay giật cánh khuỷu Lương Tiêu. Một luồng đại lực ồ ạt đổ sang đẩy thằng bé ngồi phệt xuống, khiến nó trượt đi hơn một trượng trên sàn đá xanh, cuối cùng lưng xô đánh bình vào lò hương tử kim. Lương Tiêu hoa mắt váng đầu, chực buột chửi, chợt nghe Hoa Thanh Uyên kêu lên với người đàn bà nọ, giọng gấp gáp:

- Mẹ!

Hết chương 16

Chú thích:

17381739 Người Trung Quốc ưa sự so sánh nhịp nhàng, có đôi có cặp. Bên cạnh Khổng Khâu (tức Khổng Tử) được tôn xưng là Văn thánh nhân, có bộ Luận Ngữ để đời thì còn Tôn Vũ (tức Tôn Tử) được xưng tụng là Võ thánh nhân, có bộ Binh pháp lưu danh thiên cổ.

17421743 Trận nhãn là hạt nhân của một trận pháp, ví dụ như mắt bão trong cơn bão, chỉ cần phá được trận nhãn thì sẽ hóa giải được cả trận pháp.

17461747 Còn gọi là Trâu Tử, người nước Tề, năm sinh năm mất chưa rõ, có thể là từ 324-250 tr.CN, sống cùng thời với Công Tôn Long, Lỗ Trọng Liên. Trâu Tử là nhân vật nổi tiếng nhất trong những người nghiên cứu kết hợp hai thuyết âm dương và ngũ hành, là người đầu tiên vận dụng thuyết âm dương ngũ hành vào giải thích các hiện tượng xã hội nói chung.

17501751 Ý là điểm nằm trúng quẻ Tốn trong trận bát quái.

17541755 Qua cửa Hàm Quan hóa người Hồ: Lão Tử "quá Hàm quan, hoá Hồ thành Phật" là một trong nhiều câu truyện liên quan đến nguồn gốc nhà Phật được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc. Truyện kể Lão Tử thấy nhà Chu suy vi nên bỏ đi, lúc qua cửa Hàm Quan, quan coi cửa là Doãn Hỷ có gợi ý ông viết một thứ gì đó truyền lại, Lão Tử bèn làm cuốn Đạo Đức Kinh nổi tiếng. Truyền thuyết kể ông sống đến một trăm sáu mươi hoặc hai trăm tuổi, song le còn một thuyết khác nói ông không qua đời mà đã đến Ấn Độ, thành Phật và lập ra Phật giáo, giáo hoá dân Ấn Độ, tức là "Lão Tử hoá (thành người) Hồ". Trong Tây Du Ký, chương 52, Thái Thượng Lão Quân có nhắc về việc ông "quá quan hoá Hồ" để kể lai lịch Kim Cương trát và con yêu ở động Kim Đâu cho Tôn Ngộ Không biết. Sau đó ở một chương cũng trong Tây Du (mình quên mất chương nào rồi), để chứng tỏ địa vị của Phật giáo cao hơn Nhiên Đăng Cổ Phật, ông cũng nhắc lại với Quan Âm câu chuyện mình qua cửa Hàm Quan.

17581759 Quảng Thành Tử đá tung lò luyện đan.

17621763 Mặc Địch dựng thang mây.

17661767 Lỗ Ban ráp kèo mái.

17701771 Liệt Tử, họ Liệt, tên Khấu hoặc Ngự Khấu, người nước Trịnh (có lẽ là dưới thời Trịnh Mục Công), nhà tư tưởng đầu thời Chiến Quốc. Ông tôn sùng sự vô vi thanh tịnh trong tư tưởng, tiêu dao phiêu hốt trong hành động. Sách xưa chép ông đi mây về gió, nhằm nhấn mạnh sự tiêu sái của ông. Trên thực tế thì Liệt Tử sống vô cùng khốn quẫn. Đời sau, Trang Tử có chép rằng: Tử nhà nghèo, mặt mũi hiện vẻ đói ăn. Tuy thế ông rất có cốt cách, quan to nhà Trịnh đưa lương thực tới biếu, ông đều kiếu từ. Sở học của Liệt Tử lấy gốc từ Hoàng Đế và Lão Tử. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Xung Hư Kinh. Truyện Ngu Công dời núi chính được thuật trong sách này.

17741775 Hàn Phi nói ngọn. Hàn Phi (tức Hàn Phi Tử), nhà tư tưởng cuối đời Chiến Quốc đầu Tần, chủ trương pháp trị. Theo Sử ký Tư Mã Thiên thì ông có tật nói ngọng, không thạo biện thuyết nhưng giỏi viết sách.

17781779 Cái dũng của Mạnh Kha. Mạnh Kha tức Mạnh Tử, là người phát dương quang đại đạo học của Khổng Tử.

17821783 Câu này nguyên là [font="ms mincho, ms 明朝, monospace"][font="pmingliu, 新細明體, serif"]雖千[font="pmingliu, 新細明體, serif"]萬人[font="pmingliu, 新細明體, serif"]吾往矣 tuy thiên vạn nhân ngô vãng hĩ (dù có khó khăn đến đâu ta cũng bền gan tiến lên phía trước), một câu của Mạnh Tử trong thiên Công Tôn Sửu (thượng), sách Mạnh Tử, phần nói về chữ dũng. Alex chưa tìm được câu dịch sát nghĩa và đượm màu cổ kính, nên tạm để như vậy. Ai có góp ý mong chỉ bảo.

17981799 Bát đoạn cẩm là sách dạy khí công dưỡng sinh trong tư thế đứng và tư thế ngồi, mỗi tư thế gồm tám nội dung vận động nên gọi là bát đoạn. Sách này chưa rõ ai là tác giả.

18021803 Thủy Hoàng phất roi.

18061807 Võ Vương khua mác.

18101811 Thần Nông vung cuốc.

18141815 Hiên Viên trèo non.

18181819 Vua Nghiêu trị nước.

18221823 Vũ Vương mở núi.

18261827 Vua Thuấn cầm khiên múa búa.

18301831 Vua Thang cầu mưa.

18341835 Lui quân chín mươi dặm. Đây nhắc chuyện con trai Tấn Hiến Công là Trùng Nhĩ, gặp nạn được Sở Thành Vương cưu mang. Sau này Trùng Nhĩ lấy lại được nước Tấn, trở thành Tấn Văn Công, khi hai nước dấy lửa binh đao, Tấn Văn Công nhớ ơn năm xưa của Sở Thành Vương, ra lệnh cho lui quân lại ba xá (một xá tương đương ba mươi dặm).

18381839 Đường Thái Tông bình định đất nước.

18421843 Theo Liệt tiên truyện, Hoài Nam vương Lưu An luyện tiên đơn xong uống, bay được lên trời. Gà chó ngó qua khe cửa, trông thấy cũng bắt chước uống và bay lên trời như chủ.

18461847 Tên cuồng sinh ngơ ngẩn viết trong khi say.

18501851 Dao cầm tức Cổ cầm của Trung Quốc, ban đầu có 5 dây: Cung - Thương - Dốc - Chủy - Vũ, sau này thêm dây Văn dây Võ nên gọi là Thất huyền cầm.

Trong tích truyện về Bá Nha gặp Tử Kỳ có nhắc đến sự ra đời của Cây đàn này như sau: Xưa vua Phục Hy thấy năm sắc sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng tới đậu ở cây, thấy ngô đồng là loại gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trời đất có thể chế nhạc cụ được, liền hạ cây xuống chặt làm ba khúc. Đoạn ngọn tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc tiếng quá đục mà nặng, chỉ có đoạn giữa tiếng trong, tiếng đục phân minh liền lấy để dùng. Vua đem ngâm nơi dòng nước 72 ngày xong đem phơi ra gió cho thật khô. Sau đó vua sai người thợ khéo là Lưu Tử Kỳ đẽo thành Dao cầm.

Dao Cầm dài 3 thước 6 tấc 1 phân ứng theo 361 độ chu thiên trong năm. Mặt trước rộng 8 tấc ứng với 8 tiết, mặt sau rộng 4 tấc ứng theo bốn mùa, bề dày 2 tấc ứng theo lưỡng nghi. Đàn gồm 12 phím ứng với 12 tháng trong năm, sau thêm một phím nữa ứng với tháng nhuận. Trên mắc 5 dây ngoài ứng theo ngũ hành, trong ứng với ngũ âm: Cung - Thương - Dốc - Chủy - Vũ. Đàn có sáu điều "kỵ" và bảy điều "không". Sáu điều "kỵ" là kỵ rét lớn, nắng lớn, gió lớn, tuyết rơi lớn; gặp lúc ấy người ta không dùng. Bảy điều "không" là không đàn đám tang, không đàn trong lúc lòng nhiễu loạn, không đàn trong lúc bận rộn, không đàn trong lúc thân thể không sạch, không đàn trong lúc y quan không tề chỉnh, không đàn trong lúc không đốt lò hương, không gặp được tri âm. Lại còn có thêm tám "tuyệt" là : thanh, kỳ, u, nhã, li, tráng, lu, trường. Trong tám tuyệt ấy gợi đủ cả các tình cảm, vì vậy tiếng đàn có thể đi đến tuyệt vời.

18581859 Vũ là một trong năm cung của âm nhạc cổ Trung Quốc gồm Cung - Thương - Dốc - Chủy - Vũ. Vũ là âm giai cao nhất tương đương với nốt La ngày nay.

18621863 Hai mươi tư quyết trong Như Ý Ảo Ma thủ là hai mươi tư động tác của cánh tay, bàn tay và ngón tay, gồm: móc (Câu), quây (Khuyên), khều (Khiêu), vây (Hoàn), búng (Đàn), bổ (Phá), vặn (Nữu), véo (Niết), đẩy (Thôi), nắm (Nã), khua (Huy), phẩy (Phất), chặt (Tiệt), chém (Phách), nhấn (Điểm), chọc (Sáp), tuốt (Niêm), bẻ (Chiết), khóa (Phong), ấn (Án), xé (Ti), chộp (Trảo), xoắn (Triền), vê (Niệp).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: