Chương 6: lời cam kết của nhà xí huynh
Giữa tháng sáu, Tuấn Khải thay mặt hoàng đế đi tuần đại doanh Giang Bắc.
Bên bờ Uyển Giang, Tuấn Khải đầu đội mũ vàng, mình mặc áo tay bó màu đen có thêu hình rồng, bên ngoài là bộ giáp mỏng, oai phong lẫm liệt bước lên chiến thuyền của thủy quân Phụ Bình trước sự chứng kiến của đám đông.
Tôi mặc một bộ y phục thủy quân bình thường màu xanh xám, giấu mình trong khoang thuyền, phủ phục bên cửa sổ nhìn ra ngoài, lén lút như một tên trộm.
Chênh lệch, đây chính là sự chênh lệch!
Tuấn Khải nói đi tuần đại doanh không thể mang theo đàn bà, vì thế chỉ còn cách để tôi cải trang thành thủy quân, nấp sẵn trong khoang thuyền.
Thực ra, tôi không mấy để ý đến chuyện mặc trang phục gì, lên thuyền như thế nào, hơn nữa, bây giờ với bộ dạng nhô trước lồi sau như thế này, cho dù tôi có mặc long bào cũng chẳng thể giống hoàng thượng được.Vấn đề là, rõ ràng Tuấn Khải bảo tôi cùng đi Giang Bắc, nhưng lại làm ra vẻ vô tội như anh ta chẳng biết gì!
Như vậy, kịch bản chính thức là: Thái tử đi tuần phía bắc thay cho Hoàng đế, Thái tử phi Vương thị tự mình ra khỏi cung và cải trang đi theo, mãi cho tới lúc đến Thái Hưng, thái tử mới phát hiện ra Vương thị trong số những người đi cùng. Thái tử vô cùng tức giận, dạy dỗ cho Vương thị một trận, nhưng sự việc đã đến nước này, chỉ có thể mang theo Vương thị đi tiếp thôi.
Nói một cách đơn giản, hình ảnh của Thái tử vẫn rất vẻ vang vĩ đại, chuyện xấu toàn bộ là do Thái tử phi làm.
Anh ta coi tôi là đồ ngốc chắc?
Lúc đó, vừa nghe Tuấn Khải nói xong, tôi lập tức giơ tay phản đối.
Tuấn Khải bèn nheo mắt lại, nói với vẻ chẳng chút vội vàng: "Vương thị vốn là người ương bướng, nổi tiếng tùy tiện, ngang ngược, dù có thêm lần này cũng chẳng thấm vào đâu. Bên Hoàng hậu mong còn chả kịp, cùng lắm thì làm ra vẻ trách mắng nàng mấy câu là xong, chỉ cần ta không truy cứu thì nàng còn sợ gì?"
Nếu chuyện diễn ra đúng như vậy thì sẽ trở thành vết ố trong cuộc đời làm nghề thái tử phi của Vương thị, sẽ bị ghi vào hồ sơ đấy! Bây giờ anh nói là không truy cứu, nếu sau này anh trở mặt thì tôi biết kêu ai đây?
"Không được, không được!" tôi vội xua tay, "Với hình dạng này của thiếp, dù có mặc quân phục cũng chẳng có ma nào tin. Nếu có ai muốn kiểm tra người thì thiếp phải làm sao? Liệu có thể cho người ta kiểm tra không?"
Ánh mắt của Tuấn Khải trở nên sâu thẳm, anh ta lặng lẽ nhìn tôi hồi lâu rồi nói: "Ta cho nàng thủ lệnh của ta, như thế nàng yên tâm rồi chứ?"
Anh ta nói như vậy, tức là đã đoán biết được suy nghĩ của tôi. Có điều tôi cũng không thấy sợ, liền gật đầu, cười đáp: "Như vậy thiếp thấy yên tâm hơn rồi".
Tuấn Khải nhếch môi cười châm biếm, sau đó hạ giọng dặn dò: "Không được mang theo bất cứ cung nữ nào, chỉ có một mình nàng thôi. Đến đêm, nàng hãy nghĩ cách để điều Lục Ly đi chỗ khác, ta sẽ sai người đến đón rồi sai người sắp xếp để nàng lên thuyền". Thế là đêm hôm ấy, tôi sai Lục Ly đến Phật đường trong hành cung, thay tôi tụng kinh niệm phật một đêm.
Lục Ly hỏi tôi là muốn cầu Bồ Tát điều gì, tôi nhìn vào đôi mắt chờ đợi của Lục Ly, đành trái với lòng mình mà nói với cô, cầu cho tình cảm của Tuấn Khải dành cho tôi ngày càng sâu nặng, không bao giờ rời bỏ tôi.
Lục Ly nghe tôi nói vậy cũng không đáp lời, lặng lẽ mang một túi lớn hương và kinh thư, phấn chấn ra khỏi điện.
Trước giờ cửa cung bị khóa, tôi theo một người điệu bộ như tiểu thái giám ra khỏi cung, lên một chiếc thuyền nhỏ bên bờ Uyển Giang chèo ra sông đến thuyền chính của Tuấn Khải.
Nấp nấp trốn trốn dưới đáy thuyền suốt cả đêm, cuối cùng cũng đợi được tới lúc Tuấn Khải lên thuyền.
Pháo trên thuyền chính nổ râm ran, sau đó đoàn thuyền từ từ rời bến, hướng về phía thành Thái Hưng bên bờ đối diện.
Thái Hưng là thành lớn nhất ở Giang Bắc ở Nam Hạ, nằm song song với Phụ Bình ở bờ bắc của Uyển Giang, xuyên qua hai châu Túc, Dương, kiểm soát cả hai vùng Nam Bắc, từ xa xưa đã là nơi tranh giành của các thế lực.
Năm thứ ba đời Thành Tổ, đại quân Nam Hạ sau khi dẹp xong Lĩnh Nam lập tức tiến quân về phía Bắc, chính là Bắc Độ ở đây, vây thành Thái Hưng, tấn công Dự Châu, phối hợp cùng quân của Mạch Soái, tiến vào theo hai cánh bắc nam tấn công quân xâm lược Bắc Mạc, cuối cùng đã giành được Giang Bắc.
Vương Sinh, ông nội của Vương thị, hộ quốc đại tướng quân đã lập được chiến công lớn trong trận đánh này. Lục Ly kể, lúc thống lĩnh kỵ binh ở Giang Bắc, Vương Sinh đã tấn công một trạm mấu chốt tại Bắc Dự theo lệnh của Mạch Soái, hơn hai nghìn kỵ binh mấy phen xông lên, đến lúc chỉ còn lại mấy trăm người mới chiếm được nơi trọng yếu đấy. Kể từ đó về sau, trong quân, không ai còn dám coi thường người chân thọt họ Vương ấy nữa.
Đúng thế, một chiến tướng dũng mãnh, uy vũ như vậy lại là một người tàn tật, thật là khiến người ta thật kính nể. Tôi đã từng nhìn thấy mấy bức họa chân dung hồi còn trẻ của Vương Sinh, bức nào cũng vẽ cảnh Vương Sinh trên mình ngựa, người ta chỉ thấy đó là một vị tướng quân nét mặt cương nghị, tuấn tú với tư thế oai dũng trên lưng ngựa.
Ông là minh chứng hùng hồn cho câu nói của người xưa: Thằng què hay cưỡi ngựa, răng vổ hay cười.
Đúng lúc tôi đang suy nghĩ miên man thì có người bước vào khoang thuyền. Tôi quay đầu lại nhìn, hóa ra là tiểu thái giám Lý, người đã đưa tôi ra khỏi cung, chỉ có điều bây giờ anh ta đã thay bộ trang phục của thị vệ.
Lý thị vệ vái chào rồi đưa cho tôi một bộ quần áo của thị vệ, thì thầm: "Nương nương, Điện hạ có lệnh, lát nữa tới bến tàu Thái Hưng, nương nương hãy giả làm thị vệ đi theo tiểu nhân lên bờ, nhất định không để người khác phát hiện ra thân phận".
Chuyện đã đến nước này, tôi cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác đành thay trang phục, dùng tấm vải trắng bó cho ngực nhỏ lại, cẩn thận cuộn thủ lệnh mà Tuấn Khải đưa cho tôi lại thật bé, nhét vào trong.
Thuyền tiếp tục chạy một lúc nữa thì tới ngoài thành Thái Hưng. Thủ thành Thái Hưng, Lưu Dự mang theo rất nhiều quan lại đã chờ sẵn ở bến tàu từ lâu. Trong tiếng kèn trống rộn rã, Tuấn Khải được đón tiếp lên bờ, lập tức vào thành Thái Hưng.
Tôi theo Lý thị vệ hòa lẫn vào đám đông lên bờ, vừa mới nơm nớp đi được hai bước, đột nhiên nghe thấy tiếng một người nào đó kêu lên kinh ngạc: "Nương...A! Sao cô cũng tới đây?" .
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy Lưu Chí Hoành đang đứng ở một chỗ cách đó không xa, há mồm trợn mắt nhìn tôi.
Nhìn thấy anh ta, tôi thấy tâm trạng đỡ hơn một chút bèn lên tiếng hỏi: "Lệnh đường ở đâu?".
Lưu Chí Hoành như mắc nghẹn, không trả lời, sải bước đến gần tôi.
Lý thị vệ ở phía sau bước sát đến bên tôi, khẽ nói: "Nương nương, lúc này nhất định không thể để xảy ra chuyện! Tiểu nhân thấy, chúng ta nên tìm một chỗ để tránh đã, tốt nhất là đừng có luẩn quẩn với người kia".
Lúc đó tôi cũng chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều, bèn bước vào giữa đám đông theo Lý thị vệ, định nhân lúc chen chúc thoát khỏi Chí Hoành. Ai ngờ Chí Hoành nhất quyết không chịu từ bỏ, cứ gạt những người cản trở trước mặt mà đuổi theo tôi, miệng không ngừng kêu lên : "Chờ chút đã, chờ chút đã".
Chờ cái mẹ nhà anh! Tôi chửi thầm trong bụng, chân bước càng nhanh hơn. Lý thị vệ dẫn tôi đi một vòng quanh bến cảng, cuối cùng lại trở về bên bờ sông. Nhìn thấy Chí Hoành vẫn bám đuổi phía sau, Lý thị vệ bèn kéo tôi nhảy lên một chiếc thuyền đánh cá bên bờ, vội vã giục người trên đó: "Chèo thuyền đi, nhanh lên!".
Người đánh cá nhanh nhẹn cởi dây neo thuyền, con thuyền nhỏ theo dòng nước trôi theo dọc bờ sông, chỉ loáng một cái đã đi được một khoảng khá xa.
Chí Hoành chậm mất một bước nên chỉ còn biết đứng giậm chân trên bờ. Có điều anh ta vẫn không chịu từ bỏ, giơ tay vẫy vẫy về phía tôi.
Tôi thấy rất vui nên cũng giơ cao tay về phía Chí Hoành, chính xác là giơ ngón giữa lên với hắn.
Chí Hoành thấy vậy càng vẫy tay rối rít hơn.
Gió thổi trên mặt sông khiến tốc độ của thuyền nhanh hơn, chèo một hồi nữa thì không còn thấy Chí Hoành đuổi theo, cuối cùng tôi cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Tôi quay người lại nhìn Lý thị vệ, hỏi : "Chúng ta làm sao bây giờ? Quay trở lại hay là tìm một bến khác để lên bờ?".
Lý thị vệ đáp: "Bây giờ mà quay trở lại bến tàu thì e không ổn, chi bằng bây giờ tìm một chỗ khuất lên bờ, sau đó quay lại thành Thái Hưng tìm điện hạ".
Lý thị vệ lời nói kính cẩn, thần thái bình tĩnh.
Tôi suy nghĩ một lát, thấy có lẽ như thế là tốt nhất, bèn gật đầu đáp: "Lý thị vệ suy nghĩ thật chu đáo, cứ làm như thế đi".
Người lái thuyền vẫn miệt mài chèo ở phía sau, không để vào tai những lời trao đổi giữa tôi với Lý thị vệ.
Đột nhiên tôi nghĩ ra một việc, lập tức thấy đầu căng lên, sống lưng lạnh toát. Cố gắng giữ vẻ bình thường, tôi đi về phía cuối thuyền, ngồi xuống rồi giả bộ dùng tay quạt quạt, nói: "Hôm nay nóng thật đấy".
Vừa nói tôi vừa cởi đôi giày ở chân, không để ý đến vẻ ngạc nhiên trong ánh mắt của Lý thị vệ và người chèo thuyền, thậm chí còn tháo luôn cả tất, ngẩng đầu lên hỏi Lý thị vệ: "Sao? Không thấy nóng à?".
Lý thị vệ quay đầu đi tránh ánh mắt của tôi, lắc đầu.
Thái độ của anh ta khiến tôi thấy nghi ngờ, nếu muốn hại chết tôi, theo lý mà nói, sao lại cử một người da mặt mỏng như vậy, không lẽ là tôi đã quá đa nghi rồi?
Tôi thấy hơi do dự, không biết có nên nhảy xuống nước hay không? Ai ngờ, khoảng thời gian do dự chính là thời khắc quan trọng nhất, suýt nữa thì cái mạng của tôi đi đời rồi. Người da mặt mỏng kia một khi đã ra tay thì vừa nhanh vừa hiểm độc, khi tôi kịp phản ứng thì trước mặt đã là mũi nhọn của dao. Cũng may là tôi ngồi bên mạn thuyền, liền lập tức ngửa người về phía sau, thả thẳng người xuống nước mới thoát được, nhưng ngực thì đau nhói, nhìn xuống đã thấy có vết máu.
Mặt nước lập tức xuất hiện một dải hồng, tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, lấy hơi cố bơi đến một chỗ thật xa, loáng thoáng nghe thấy tiếng của Lý thị vệ kêu lên giận dữ: "Mau vớt xác lên, trong tay cô ta còn có thủ lệnh của thái tử".
Tôi đưa tay giữ lấy ngực theo phản xạ, thấy thủ lệnh vẫn còn nên càng cố gắng bơi về phía bờ sông.
Tóm lại:
Thứ nhất, con người ta không thể trông mặt mà bắt hình dong, sát thủ có thể là một chàng trai ngây thơ hễ nhìn thấy con gái liền lập tức đỏ mặt.
Thứ hai, con người ta không thể nhìn mặt mà bắt hình dong, là thân con gái, đường sự nghiệp trên tay hằn sâu quả nhiên cũng có chỗ tốt.
Thứ ba, con người ta không thể nhìn mặt mà bắt hình dong. Tuấn Khải đúng là chẳng ra gì!
May mà khúc sông đó nước chảy tương đối êm, bên bờ sông còn có những bãi lau sậy có thể ẩn nấp. Hồi còn nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều truyện kiếp hiệp, e ngại Lý thị vệ thực sự là một cao thủ võ lâm, có thể bắn chưởng sau lưng, vì vậy tôi chỉ còn cách chui thật sâu vào bụi lau sậy trốn.
Luồn lách một hồi trong bụi lau sậy, trườn xuống nước, sau đó tôi mới cẩn thận bơi ngược dòng về phía thượng du.
Tôi cân nhắc, với cách lẩn tránh như hiện tại thì đối phương không thể truy tìm hành tung của tôi. Chẳng ngờ trên đời này có kẻ ngốc đến thế, chỉ biết ngốc nghếch ngồi chờ tại một chỗ, thế nhưng ông trời lại thiên vị người ấy mới tức chứ.
Tôi không nghĩ rằng mình đã tự cho mình là thông minh, chỉ cảm thấy ông trời thật sự không có mắt.
Bơi một đoạn dài như vậy, nên lúc này tôi không còn đủ sức mà bơi lên bờ nữa, quyết định nghển cổ hét về phía Chí Hoành trên bờ: "Mau lại kéo ta một tay!".
Chí Hoành cười thích thú, nhanh chóng cởi hia, xắn cao ống quần, lội nước tới trước mặt tôi, rồi chống hai tay lên đầu gối, khom người xuống nhìn tôi, nói với vẻ rất đắc ý: "Tôi biết thế nào cô cũng quay về tìm tôi mà!".
Mẹ kiếp! Nếu ông mà biết ngươi ở đây thì đã nghiến răng bơi qua sông rồi!
Vì còn mải thở lấy hơi nên tôi không thèm để ý đến những lời anh ta nói, chỉ đưa tay lên, nói: "Kéo ta đứng dậy".
Chí Hoành nắm lấy bàn tay tôi, vừa kéo vừa tuôn một tràng, vẻ đắc ý: "Cửu ca nói rất đúng, có tật giật mình, chẳng cần bọn ta phải làm gì thì Tuấn Khải cũng sẽ ra tay trước. Chỉ có cô mới là kẻ ngốc, cho rằng anh ta là người tốt. Ngốc tới mức còn cải trang theo anh ta qua sông, nếu anh ta thực lòng muốn mang cô đi thì thiếu gì cách, cần gì phải..."
Tôi đang bực mình vì quá dễ dàng mắc mưu Tuấn Khải bây giờ lại phải nghe những lời chế giễu không dứt của Lưu Chí Hoành, từ bực mình đã chuyển thành tức giận, không nén được xông tới dùng sức lực yếu ớt bóp lấy cổ anh ta mà ấn xuống nước.
Lúc đầu, vì không đề phòng nên Chí Hoành phải uống mấy ngụm nước sông, nhưng sau khi phản ứng lại được thì lập tức tóm lấy tôi, đè xuống dưới.
Tôi ra sức vùng vẫy nhưng vì chênh lệch sức lực, cộng thêm sự khác biệt giữa nam và nữ, cuối cùng vẫn không sao thoát được bàn tay của Chí Hoành.
Lưu Chí Hoành giữ chặt lấy tôi, giận dữ quát lên: "Sao đàn bà hay hỉ nộ thất thường thế hả, lại lên cơn gì nữa?".
Tôi là đàn bà? Đúng vậy, bây giờ tôi là đàn bà, nhưng vì sao một người đàn ông như tôi lại trở thành đàn bà? Bỗng nhiên tôi thấy trong lòng vô cùng phẫn nộ, dường như có một cục gì đó đè chặt lên ngực đến ngộp thở, vì thế tôi quay đầu lại, gầm lên: "Đúng, ta hỉ nộ thất thường, đang lên cơn điên đây, ngươi tưởng ta thích làm đàn bà lắm à!".
Lưu Chí Hoành nghe vậy bỗng ngây người, bàn tay cũng vô tình buông lỏng.
Cuối cùng thì tôi cũng giằng ra khỏi tay anh ta, cơn giận dữ trong đầu vẫn bốc lên, biến thành ngọn lửa ở hai mắt. Tôi không muốn thằng nhóc Lưu Chí Hoành coi thường mình nên quay người, nhào xuống nước.
Một lát sau, Chí Hoành tóm lấy quần áo tôi, lôi lên khỏi mặt nước rồi nghiêng đầu nhìn, thấp giọng hỏi: "Cô khóc à?".
Tôi lườm Chí Hoành rồi đáp: "Ở cùng một chỗ với một kẻ tồi tệ như ngươi thì ta có thể không khóc được chắc?".
Chí Hoành chau mày, nhìn tôi vẻ hoài nghi.
Tôi hất cằm về phía sau lưng anh ta, hỏi: "Này, một mình ngươi liệu có đánh lại được bọn chúng không?".
Chí Hoành ngây người một lúc rồi vội quay lại nhìn phía sau hơn chục kẻ mặc áo đen, tay cầm kiếm phía trên bờ đã dàn thành hình bán nguyệt, đang tiến dần về phía chúng tôi.
Chí Hoành đưa mắt nhìn bọn họ, miệng hỏi tôi: "Này, cô còn bơi được nữa không?".
Tôi nghĩ một lát, đáp: "Có thể bơi được một đoạn nữa".
Chí Hoành chậm rãi gật đầu, rồi quay lại, nhìn tôi với ánh mắt rất chân thành, hỏi: "Vậy có thể đưa một người theo được không?".
Tôi ngây người ra, lúc đó mới hiểu ý câu nói của Chí Hoành. Mẹ kiếp, ngươi là đàn ông đấy!
Tôi quay người lại, chạy về phía sau, vừa chạy vừa kêu lên: "Lưu Chí Hoành, ngươi đúng là đầu đất, còn không mau chạy đi!".
Chí Hoành vội xổ đến tóm lấy cánh tay tôi, chạy ra giữa sông vừa chạy vừa không quên dặn: "Tôi biết bơi chó, chỉ có điều bơi không được nhanh, chỉ cần cô bơi phía trước kéo tôi một chút là được!".
Nói xong, bèn túm chặt lấy thắt lưng tôi.
Tôi chẳng còn cách nào khác, vừa cố gắng gạt nước, vừa thương lượng đến anh ta: "Chúng ta không nên túm lấy nhau như thế này. Để ta cởi thắt lưng ra, ngươi túm lấy một đầu, được không?".
Chí Hoành nghĩ một lát rồi buông tay ra. Tôi cởi thắt lưng, buộc một đầu vào cánh tay mình, ném đầu còn lại cho Chí Hoành.
Những kẻ mặc áo đen ở phía sau cũng đã bắt đầu xuống nước, trong số bọn chúng hình như cũng có kẻ biết bơi nên quyết tâm đuổi theo.
Tôi hít một hơi thật sâu, ra sức bơi, bất ngờ phát hiện sức cản ở phía sau quá lớn khiến tôi dường như không nhúc nhích được gì.
Tôi quay lại, nhìn thấy Chí Hoành cũng đang ra sức gạt nước.
Tôi tức quá, gầm lên: "Lưu Chí Hoành, ngươi có thể nằm im như chết được không?".
Chí Hoành cứng đơ người, sau đó không giãy giụa nữa, cơ thể dần dần nổi lên trên mặt nước.
Tôi quay người lại tiếp tục bơi, tốc độ quả nhiên nhanh hơn hẳn.
Đến khi ra đến giữa sông, nước càng chảy xiết hơn, đôi vai tôi trở nên nặng như chì, mỗi lên giơ tay lên là một lần phải tốn rất nhiều sức lực, đành phải thả lỏng người trôi theo dòng nước.
Đúng lúc ấy thì nghe thấy Chí Hoành ở đằng sau khích lệ: "Kiên trì lên, kiên trì chút nữa".
Tôi chẳng buồn quay đầu lại, quyết định dừng lại vừa gạt nước vừa cởi đai buộc trên cánh tay ra.
Giọng nói của Chí Hoành cao hơn hẳn: "Này, cô làm gì thế? Làm người thì phải giữ lời hứa, trọng nghĩa khí chứ!".
Tôi không thèm để ý đến anh ta, cúi đầu gắng sức cởi chiếc đai thắt ra. Nhưng chiếc đai ngấm nước, lại thắt nút nên rất khó cởi.
Chí Hoành đổi giọng, tiếp tục kêu lên: "Tỷ tỷ, cô cô, bà nội ơi! Cô không thể như thế được, cô nghiến chặt răng lại, cố gắng chút nữa, ta đã báo cho Cửu ca biết rồi, nhất định huynh ấy sẽ đưa thuyền ra ứng cứu, nếu cô vứt ta lại giữa đường thì còn ra gì nữa?".
Tôi cố gắng bớt chút thời gian, quay đầu lại đáp: "Chẳng sao cả, ngươi biết bơi chó cơ mà, không chìm được đâu. Ngươi cứ để ngươi nổi theo dòng nước, nếu ta gặp được Sở Vương thì sẽ bảo Sở Vương chèo dọc sông tìm ngươi".
Thân hình của Chí Hoành lúc nổi lúc chìm trên mặt sông, nghe tôi nói như vậy lập tức cuống lên: "Không được, không được, đừng đùa như thế. Trời sắp tối rồi, tìm được thì mới là lạ!".
Tôi thật lòng khuyên anh ta: "Ta thật sự không còn sức nữa, nếu cứ tiếp tục như thế này, thì cả hai chúng ta đều chết, không bằng ngươi cứ nổi trên mặt nước đi, để ta sang kia đưa tin. Hơn nữa, ngươi thả lỏng người một chút, chỉ cần để cho miệng và mũi nổi trên mặt nước, về lý thuyết thì không thể chìm được!".
"Thật chứ?", Chí Hoành hỏi.
Tôi vội cam đoan: "Thật mà, thật mà!".
Nói xong, tôi thả chiếc đai đã tháo được nút thắt ra.
Chí Hoành bị nước cuốn đi một đoạn, vội kêu toáng lên: "Này, họ Vương kia, đừng có mà hối hận đấy...", chưa nói hết câu thì người đã biến mất trên mặt sông.
Tôi bỗng thấy không nỡ, kêu to lên: "Nếu hối hận thì ta sẽ đi vớt ngươi!".
Trời tối dần, sức lực của tôi gần cạn kiệt. Xem ra, dù không đeo theo cái của nợ Lưu Chí Hoành thì cũng khó lòng mà bơi qua sông được. Lúc này tôi thấy hơi hối hận, lẽ ra lúc trước không nên vứt bỏ Chí Hoành, nếu có bị chìm xuống đáy sông thì cũng có người bên cạnh.
Nghĩ như vậy, tôi lại càng cảm thấy mình đuối sức hơn.
Đang định quay lại tìm Chí Hoành thì bỗng tôi nhìn thấy có một chiếc thuyền lớn đang chèo đến gần. Từ xa chỉ thấy trên thân thuyền sơn son thiếp vàng, đèn đuốc sáng rực đến mức cả một khúc sông đều hắt bóng.
Chiếc thuyền như vậy chắc chắn không phải là thuyền của thích khách. Tôi vô cùng vui mừng, dốc sức bơi về phía đó, khi còn cách chiếc thuyền khá xa thì đã cố kêu to: "Cứu với!Cứu với!".
Trên thuyền có người dùng đèn chiếu về phía tôi, rồi sau đó quay lại nói với người ở phía sau: "Công tử, đã tìm thấy người rồi".
Tôi đờ người, nhất thời quên bơi, uống phải mấy ngụm nước. Đúng lúc này thì có một chiếc sào đưa về phía tôi, tôi ngẩng lên, nhìn về đầu đằng kia thì thấy Chí Hoành mặc một bộ đồ màu xanh thẫm, đang ngồi xổm trên khoang thuyền. Dưới ánh sáng của chiếc đèn lồng màu đỏ, khuôn mặt của anh ta hiện lên nụ cười ranh mãnh.
Chí Hoành hất cằm về phía tôi: "Sao? Cô cũng trôi theo dòng nước khá đấy chứ!".
Cơn tức giận dâng lên trong lòng tôi, thiếu chút nữa thì ngất. Chí Hoành đập cây sào xuống mặt sông trước mặt tôi, hỏi: "Có muốn lên không?".
Tôi rất muốn chửi tục nhưng sức lực trong cơ thể dường như đã hết, lúc này mà mở miệng chỉ uống thêm nước sông thôi.
Tôi không nói gì, nhìn Lưu Chí Hoành với vẻ tức giận.
Một người chậm rãi từ trong khoang thuyền bước ra, trên người mặc bộ đồ màu trắng viền vàng, nói bằng giọng rất ôn tồn: "Chí Hoành, đừng đùa nữa, ở dưới nước lâu sẽ bị lạnh, mau kéo nàng ấy lên đi".
Chí Hoành quay đầu lại, nói: "Cửu huynh, huynh không biết đấy thôi, người này đã vứt đệ lại giữa dòng sông, tâm địa rất độc ác. Dù thế nào đệ cũng phải để cho cô ta ngâm mình dưới nước thêm chút nữa!".
Tôi nghe những lời này, cảm thấy rất buồn cười, không nén được cất tiếng cười to, kết quả lại mấy ngụm nước sông nữa vào miệng, hình như nước còn tràn vào cả khí quản, khiến tôi bị sặc chảy cả nước mắt ra.
Tôi ngẩng cổ lên, chửi Chí Hoành: "Lưu Chí Hoành, ngươi đúng là đồ khốn. Ông đây đã vất vả đưa ngươi qua sông mà ngươi không nhớ ơn, lại chỉ nhớ đến mối hận bỏ ngươi lại. Rõ ràng biết bơi, thế mà lại bắt một người phụ nữ phải kiệt sức để lôi ngươi đi. Sao ngươi không đặt tay lên ngực mà hỏi mình xem, nếu không vì ngươi thì một mình ông đây chẳng lẽ lại không bơi qua được Uyển Giang chắc?".
Tôi càng mắng càng cảm thấy cuộc đời này thật nực cười, vì thế tiếp tục ngửa mặt lên nhìn Nhà xí huynh, mắng tiếp: "Ngươi cũng đừng có giả bộ làm người tốt. Vương Tuấn Khải là kẻ tồi tệ, ngươi cũng chắng tốt đẹp gì hơn. Mấy người các ngươi, văn dốt võ nát cũng thể làm yên nước lợi bang, chỉ biết giở trò với một người đàn bà, các người còn là đàn ông nữa không? Phải chăng trên ngươi các ngươi bị thiếu bộ phận nào rồi? Ông đây thấy xấu hổ thay cho các ngươi!".
Tôi dùng đến chút sức lực cuối cùng, chồm lên chửi tiếp: "Ông nhổ vào!".
Khi rơi trở lại sông, tôi thôi không bơi nữa, mặc cho cơ thể chìm xuống.
Ông làm đàn bà như thế là đủ rồi! Ông không thèm chơi với lũ khốn các ngươi nữa!
...
Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trên giường, dưới lưng và trên người là chăn nệm mềm mại, sạch sẽ khô ráo. Tôi thở ra một hơi thật dài, quay đầu nhìn Nhà xí huynh và Chí Hoành đang đứng yên lặng bên giường.
Chí Hoành há miệng ra định nói nhưng lại thôi.
Tôi bèn nói thẳng: "Ta biết là các người sẽ cứu ta lên. Các ngươi làm sao có thể để cho ta chết được, vì thế ta liền nhân cơ hội mà chửi cho các người một trận, bỏ lỡ cơ hội ấy sẽ chẳng còn cơ hội khác".
Chí Hoành lại há miệng định nói nhưng rồi lại thôi.
Tôi thừa nhận một cách rất thoải mái: "Đúng thế, ta đã đánh cuộc bằng trận chửi mắng ấy và chìm xuống. Có lẽ các ngươi sẽ cảm thấy tính cách của ta rất dữ dội, không chừng có thể nhìn ta bằng cái nhìn kính nể hơn".
Chí Hoành lại há miệng ra, cuối cùng hỏi: "Ta chỉ thắc mắc là, sao lúc đó cô lại tự xưng là "ông đây", cô có thể xưng là bà đây cơ mà?".
Tôi "..."
Nhìn đôi mắt khao khát học hỏi của Lưu Chí Hoành, tôi suy nghĩ rồi ngồi dậy một cách khó khăn, hỏi bằng giọng rất thật: "Ngươi không cảm thấy từ "ông đây" nghe có vẻ khí thế hơn là từ "bà đây" sao?".
Chí Hoành ngạc nhiên: "Thật thế?".
Tôi trịnh trọng gật đầu: "Không tin ngươi kêu thử lên mà xem, khí thế khác hẳn nhau".
Nhà xí huynh đứng bên bất giác cười thành tiếng, lúc đó Chí Hoành mới hiểu ra, tức giận nói: "Cô đùa ta?".
"Hả?", tôi ngạc nhiên nhướng mày lên, hỏi lại: "Giờ ngươi mới biết sao?".
Lưu Chí Hoành ngây người, vẻ xấu hổ đang thay đàn bằng vẻ tức giận. Nhà xí huynh đột nhiên nói: "Chí Hoành, ngươi lui ra đi, ta có mấy điều muốn hỏi nàng ấy".
Chí Hoành rất không tự nguyện nhưng không dám làm trái lời Nhà xí huynh, đành tức giận đứng dậy.
Trước khi đi còn trừng mắt lên, chỉ vào tôi, nói: "Nha đầu kia, chờ đấy, rồi sẽ biết!".
Đối với loại người như anh ta, tôi chẳng thèm dùng lời lẽ để sỉ nhục, chỉ bĩu môi vẻ coi thường rồi giơ ngón giữa về phía anh ta.
Chí Hoành đã đi ra tới cửa, thấy thế lại quay lại, thấy Nhà xí huynh nhìn bèn vội giải thích: "Cửu ca, để đệ hỏi cô ta một câu nữa".
Nhà xí huynh không nói gì. Chí Hoành bèn chỉ tôi, hỏi: "Động tác tay vừa rồi của cô là có ý gì? Lúc ta nhìn thấy cô ở bến tàu, cô cũng làm động tác đó với ta, cô nói xem rốt cuộc là có ý gì?".
Bỗng nhiên tôi cảm thấy con người ở thời đại này thật là thuần khiết, đến một động tác rõ ràng như vậy mà cũng không hiểu. Tôi hơi thay đổi nét mặt, đáp lại một cách rất là thành thật: "Đó là động tác bày tỏ lời chào".
Chí Hoành không tin: "Lời chào?".
Tôi gật đầu: "Là lời chào. Đã bao giờ nghe đến Gia Cát Lượng và Tào Tháo chưa?".
Chí Hoành nghĩ một lát, lại hỏi: "Nghe nói trước đây có một tú tài nghèo kiết xác đã viết một cuốn sách có tên là "Tam quốc" kể về chuyện tranh giành nhau của mấy nước. Hai người đó là nhân vật trong cuốn truyện đấy, đúng không? ".
Không thể sai vào đâu được! Chắc chắn là một bậc xuyên không tiền bối đã đạo văn của kiếp trước để nuôi miệng qua ngày. Nếu đã biết rồi thì dễ nói chuyện thôi.
Tôi gật đầu, nói với vẻ nghiêm túc: "Có thể là ngươi chưa đọc nhưng ta thì đọc rồi. Trong đó Gia Cát Lượng và Tào Tháo đều là những vị anh hùng, được hàng vạn người ngưỡng mộ."
Chí Hoành nghe vậy, tò mò, hỏi: "Hai người đó cũng dùng động tác tay như vậy để chào nhau à?".
Tôi cố nhịn cười, mặt mày nghiêm túc, đáp: "À, không, chuyện là như thế này. Gia Cát quân sư là một người rất hiếu lễ, mặc dù ở phe đối địch với Tào Tháo, nhưng mỗi một lần gặp nhau trên chiến trận đều tiên lễ hậu binh. Tào Tháo cũng là một người con có hiếu nên Gia Cát quân sư thường hỏi thăm sức khỏe của mẫu thân Tào Tháo. Ngươi cũng biết đấy, trên chiến trận, khoảng cách giữa chủ soái hai quân thường rất xa, dù có hét to nhưng cũng chưa chắc đã nghe được, vì thế Gia Cát quân sư bèn nghĩ ra cách này, làm một động tác hỏi thăm Tào Tháo từ xa".
Tôi nói những lời trên rất trôi chảy, không hề ngắc ngứ chút nào. Điều mà tôi muốn là đánh nhanh thắng nhanh! Cho tận đến lúc tôi nói xong, Chí Hoành vẫn chưa hiểu rõ, chỉ ngạc nhiên hỏi: "Có chuyện đó à?".
Mặt Nhà xí huynh sa sầm, lạnh lùng nói: "Được rồi đấy, Chí Hoành! Đệ lui ra trước đi, ta có điều muốn hỏi nàng ấy".
Chí Hoành thấy vậy không dám nhiều lời nữa, vội đóng của lại đi ra ngoài. Trong khoang thuyền chỉ còn lại tôi và Nhà xí huynh. Nhà xí huynh không nói gì mà chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Chó cắn người là chó không sủa!
Không được rồi! Với loại chó như vậy thì lại càng phải đề phòng cẩn thận hơn, kẻo không nó lại bất ngờ đớp một miếng.
Tôi đang suy nghĩ như vậy, đột nhiên Nhà xí huynh lên tiếng hỏi: "Cần phải có điều kiện gì thì nàng mới chịu nói ra sự thật?".
Tôi cụp mắt xuống, nhìn lên chiếc áo lụa màu vàng thiên nga mới tinh đang mặc trên người, hỏi: "Thủ lệnh của ta đâu?".
Nhà xí huynh trầm ngâm một lúc, đáp: "Đã bị nước làm nhòe, vứt đi rồi". Tôi thầm rủa Tuấn Khải quá xảo quyệt, chắc anh ta đã tính toán sẵn từ trước nên mới ra vẻ hào phóng ban cho tôi thủ lệnh ấy.
Nhà xí huynh vén áo ngồi xuống bên cạnh bàn, hỏi lại: "Nói đi, điều kiện gì?".
Mẹ kiếp, khẩu khí lớn đấy, làm như thể tôi nêu ra bất cứ điều kiện gì cũng sẽ đáp ứng vậy. Bất giác tôi cười một tiếng lạnh lùng, hỏi lại: "Ngươi có thể đưa ra điều kiện gì cho ta nào?".
Nhà xí huynh lặng lẽ nhìn tôi một lát, đáp: "Bình an khỏe mạnh, đủ ăn đủ mặc".
Tôi cứ tưởng anh ta sẽ cho tôi vinh hoa, phú quý, không ngờ chỉ là mấy từ đó nên không khỏi thấy ngạc nhiên. Chỉ là tám chữ đơn giản đó thôi, nhưng lại là những thứ mà bây giờ tôi khốn khổ cầu mong mà cũng không được.
Nhà xí huynh hỏi: "Thế nào, có thể đổi được một lời nói thật của nàng chứ?".
Tôi gật đầu: "Có thể, nhưng ngươi lấy cái gì ra để làm tin, đừng có nói với ta rằng ngươi cũng đưa ra một thủ lệnh đấy".
Mẹ kiếp, mắc lừa chịu thiệt một lần đã đủ lắm rồi, lần này dù Nhà xí huynh có đưa cho tôi thủ lệnh bằng vải dầu chấm nước, tôi cũng không tin!
Nhà xí huynh cười, đáp: "Nếu ta đã cho rồi mà muốn lấy lại, thì dù đó là bất cứ thứ gì, ta cũng lấy được. Cô tin vào tín vật, chi bằng hãy tin ở ta".
Tôi suy nghĩ thật kỹ, nhìn vào đôi mắt của Nhà xí huynh, đáp: "Được, ta tin ngươi. Ta không phải là Vương Thị".
Nhà xí huynh mỉm cười, nói: "Ngay từ lần gặp đầu tiên, ta đã biết nàng không phải Vương thị, nhưng điều mà ta muốn hỏi là...", Nhà xí huynh hơi dừng lại, người cũng nghiêng về phía trước, nhìn vào mắt tôi, hỏi: "Rốt cuộc nàng là ai?".
Chà, còn nhìn vào mắt tôi hỏi câu này, nhóc con, định xem những lời ta nói là thật hay là giả hả? Nhưng, đáng tiếc anh đã tính sai rồi, ông đây hơn hai mươi năm trước cũng đã từng có vô khối bạn gái, không được gì khác ngoài việc luyện mở mắt nói dối như thế nào.
Tôi nghiêng người tránh ánh mắt của Nhà xí huynh, trên mặt lộ vẻ đau thương, chậm rãi nói: "Những chuyện hồi còn nhỏ ta không nhớ, khi bắt đầu nhớ thì được một người què nuôi dưỡng. Mãi đến năm ngoái mới có một quý nhân mua rồi đưa tới một chỗ để dạy dỗ chừng nửa năm, sau đó ta được đưa tới Đông Cung".
Nhà xí huynh trầm mặc trong giây lát, đột nhiên hỏi: "Người què ấy họ gì?".
Tôi đã đề phòng từ trước, nên khi Nhà xí huynh hỏi vậy liền trả lời rất tự nhiên: "Họ Tì".
Nhà xí huynh nhìn tôi như đang suy nghĩ điều gì. Tôi suy nghĩ một lát, nói: "Hay là ngươi hãy đưa ta tới nhà họ Vương để xác định thật giả đi. Dù sao mẹ đẻ của Vương Thị vẫn còn sống, nhất định bà ta sẽ nhớ trên người con gái của mình có dấu vết gì".
Nhà xí huynh mỉm cười, không nói gì. Nói nhiều sai nhiều, vì thế tôi quyết định ngậm miệng lại.
Khoang thuyền bỗng chốc trở nên yên lặng, chỉ nghe thấy tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, con thuyền lắc lư mỗi lúc một mạnh, dường như trên sông đang nổi sóng. Nhà xí huynh thấy tôi nhìn ra cửa sổ bèn khẽ giải thích: "Sắp tới Cửu Khúc Hiệp, nước sông chảy xiết hơn".
Bỗng nhiên bên ngoài có tiếng bước chân dồn dập, ngay sau đó cửa khoang thuyền bị Leo cây công tử đẩy mạnh ra. Chí Hoành bước vào, nói với vẻ lo lắng: "Cửu ca, phía trước có thuyền của thủy quân Phụ Bình, họ đang chặn thuyền của chúng ta lại".
Dưới ánh đèn, Nhà xí huynh nhướng mày lên, nói với tôi: "Họ tới để tìm nàng đấy".
Trong vài phút ngắn ngủi, tôi không hiểu ý đồ của Tuấn Khải. Thái Tử Phi trốn ra khỏi cung, thế mà nửa đêm lại tìm thấy trên thuyền riêng của Cửu hoàng tử. Phải chăng anh ta tạo cơ hội để tôi hành động vượt giới hạn, sau đó lại kéo người đến bắt quả tang?
Hình như anh ta rất thích sừng thì phải, không chỉ cắm sừng cho người khác, anh ta còn muốn thử xem sừng mọc trên đầu mình như thế nào?
Không lẽ anh ta có sở thích tương tự với Triệu Vương đang ở lại Thịnh Đô?
Đầu ốc tôi có phần rối loạn, nghĩ thế nào cũng vẫn không thấy xuôi, rồi một ý nghĩ chợt lóe lên: Lúc này, nếu Nhà xí huynh trói tôi lại rồi buộc thêm hòn đá, ném xuống dưới sông, anh ta sẽ được trong sạch.
Nghĩ vậy, tôi chợt thấy thất kinh, vội vàng đưa mắt nhìn sang Nhà xí huynh. Anh ta cũng đang nhìn về phía này, dường như đọc được ý nghĩ của tôi, bình thản nói: "Nếu ta đã cam đoan với nàng thì tất nhiên ta sẽ giữ lời hứa".
Nói xong liền đứng lên đi ra ngoài. Tôi ngồi trên giường, cứ suy nghĩ mãi về câu nói của Nhà xí huynh, cuối cùng vẫn không tin tưởng hoàn toàn ở anh ta, bụng nhủ thầm: Cứ ngồi đây mà chờ kết quả chi bằng tự mình ra ngoài xem thế nào, dù sao cũng còn hơn chẳng biết chuyện gì đang diễn ra.
Nghĩ như vậy, tôi bèn đứng phắt dậy, thận trọng mặc chiếc áo thủy quân phơi bên cạnh lên người. Chiếc áo vốn mặc rất vừa, lúc này sao lại cảm thấy nửa thân trên chật hẳn đi? Hay vì nó bị ngấm nước nên co lại? Cuối cùng khi nhìn xuống ngực mình tôi mới hiểu.
Vì bị thương ở ngực nên lớp vải quấn ngực bị cắt ra, thay vào đó là bớp bông băng màu trắng. Có điều, người thực hiện nó chắc chắn là người chưa bao giờ thử trò gái giả trai, băng rất không chuyên nghiệp, căn bản là chẳng che được tí gì.
Không có thời gian để ý nhiều chuyện như vậy, cũng may lúc này đang là ban đêm, có lẽ nếu không nhìn kĩ cũng chẳng nhìn thấy gì đâu.
Tôi tự trấn an mình như vậy rồi len lén chui ra khỏi khoang thuyền.
Mấy chiếc chiến thuyền của thủy quân Phụ Bình đang ở cách phía trước không xa lắm, chỉ chừng mấy chục trượng. Điểm khác với chiếc thuyền hoa này là trên mấy chiếc chiến thuyền ấy, ngoài đèn lồng chiếu sáng còn có rất nhiều đuốc, khiến cho khoảng sông đó được chiếu sáng như ban ngày.
Trên chiếc thuyền chính, Thái tử Tuấn Khải mặc áo đen khoác giáp bạc tay giữ kiếm đang đứng, đôi mắt toát ra vẻ lạnh lùng, trông rất oai nghiêm, rất đẹp đẽ! Và cũng rất đầu đất!
Chà, anh chàng đó chắc là chưa bao giờ tham gia thủy quân. Lên thuyền rồi mà vẫn còn mặc loại giáp đó, sợ nếu bị rơi xuống nước sẽ không thành quả cân được chắc? Chờ đấy, anh cứ chờ đấy, chỉ cần ông có cơ hội, nhất định sẽ đạp một cái để anh xuống nước ngâm thử xem!
Nhà xí huynh vẫn đứng ở mũi thuyền lên giọng đối đáp với bên kia. Chiến thuyền áp sát lại, sau đó từ mũi thuyền vang lên một tiếng kêu xé ruột xé gan: "Tiểu thư! Tiểu thư!".
Tôi ngây người, nhìn về phía có tiếng gọi thì thấy Lục Ly lao ra từ khoang thuyền, vừa giằng co với mấy tên lính chạy ra ngăn lại, vừa hướng về bên này khóc gọi: "Tiểu thư! Tiểu thư! Tiểu thư có ở trên thuyền không? Tiểu thư có ở trên thuyền không?".
Mẹ ơi! Sao bà cô này cũng theo tới đây cơ chứ?
Tôi tức giận đến mức chỉ muốn giậm chân, vò đầu. Trời ạ, như thế chẳng phải khiến cho tình hình thêm loạn sao? Hay phải nói là có đàn bà phụ nữ dính vào chỉ tổ thêm rắc rối thêm đây?
Đúng lúc dầu sôi lửa bỏng thì Chí Hoành không biết từ đâu mò ra đứng ngay sau lưng tôi, một tay bịt miệng, một tay giữ lấy thắt lưng tôi, kéo lùi về phía sau. Mãi tới khi vào đến chỗ khuất, Chí Hoành mới ghé sát vào tai tôi, nói: "Thủy quân muốn lên thuyền kiểm tra, để ta đưa cô trốn xuống nước".
Tôi cuống lên, cắn vào tay của Chí Hoành một cái thật mạnh, giận dữ đáp: "Ngươi muốn chết mà cũng muốn kéo ta chết cùng sao? Chỗ này nước chảy rất xiết, nếu xuống là sẽ lập tức bị cuốn phăng đi đấy!".
Chí Hoành nhướng mày, đắc ý cười nói: "Đó là với cô, nhưng có ta thì đến Thủy Long vương cũng không triệu nổi cô đâu".
Tôi không tin! Lời này của Chí Hoành tuyệt đối không đáng tin! Hôm nay anh ta vừa nói mình chỉ biết bơi chó thôi, đến tối bỗng nhiên lại xưng mình là rái cá! Ai mà tin được!
Nhưng Chí Hoành bất chấp tôi có tin hay không, quay người đi, vừa nhanh chóng cởi quần áo của mình, vừa luôn miệng giục tôi: "Nhanh lên, bỏ hết những thứ vướng víu trên người lại!"
Sống lưng trần của Chí Hoành hơi gầy nhưng rắn chắc. Mẹ kiếp, nếu lúc này mà bị người của Vương Tuấn Khải bắt được thì đúng là bắt gian!
Lưu Chí Hoành quay đầu lại nhìn, thấy tôi vẫn đứng ngây ra, hỏi bằng giọng ngạc nhiên: "Này, cô đang nghĩ gì thế?".
Nghĩ gì ư? Cả đống chuyện, chúng đang dồn lại thành một mớ bòng bong đây này!
Màn kịch hôm nay không hiểu rốt cuộc là do ai đạo diễn?Tuấn Khải hay Nhà xí huynh? Hai người bọn họ xuất hiện rất sớm, rõ ràng là đã có chuẩn bị từ trước. Vấn đề là ai là người giăng bẫy người kia? Hai bên đều là thuyền giặc, tôi lên chiếc nào thì sẽ thích hợp hơn? Bên Tuấn Khải thì có vẻ danh chính ngôn thuận hơn, nhưng trước con mắt của bao nhiêu người, việc tôi bị tìm thấy trong thuyền của Nhà xí huynh khiến cho sự trong sạch của tôi bị hoen ố, kế sinh nhai của tôi sau này sẽ đổ vỡ hoàn toàn.
Còn thuyền của Nhà xí huynh, chẳng biết có ở được lâu hay không? Cá mè một lứa thì khác nhau là mấy?
Hai chiếc thuyền mỗi lúc một áp sát lại với nhau, thủy quân trên chiếc thuyền kia đã bắt đầu quăng dây nối hai thuyền với nhau.
Chí Hoành cuộn đám quần áo cởi ra thành một mớ, tiện tay ném xuống sông, quay người lại, khẽ giục tôi: "Nhanh lên, đừng có giả bộ xấu hổ nữa! Để tôi dìu cô lặn xuống gầm thuyền, nhất định không được để cho Tuấn khải tìm thấy!".
Ở mũi thuyền, tiếng Nhà xí huynh đáp lại lời của Tuấn Khải thế nào tôi không nghe rõ, chỉ nghe thấy tiếng khóc của Lục Ly vẫn thảm thiết như cũ.
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: Dù ở trên thuyền của ai thì vẫn tốt hơn là xuống nước cùng Lưu Chí Hoành!
Nhân lúc Chí Hoành không chú ý, tôi đẩy mạnh anh ta ra ngoài, sau đó lập tức quay đầu chạy về phía mũi thuyền.
Tình hình hiện tại là Tuấn Khải đã đặt chân lên mui thuyền bên này, Nhà xí huynh cúi đầu hành lễ với Tuấn Khải ở khoảng cách chừng ba bước, miệng cung kính nói: "Tam ca". Tôi xộc tới, nhân lúc đám đông chưa kịp định thần, lao về phía Tuấn Khải, sau đó kéo dài giọng, cất tiếng kêu giống như Lục Ly: "Điện hạ...".
Khi tiếng kêu đó phát ra, mọi trở ngại về tâm lý chẳng còn thấy đâu nữa. Tôi bày ra bộ dạng vô cùng hoảng hốt, đưa hai tay túm chặt lấy áo của Tuấn Khải, nức nở: "Có người muốn sát hại thiếp, thiếp rơi xuống sông, thuyền của Sở Vương điện hạ đã cứu thiếp lên".
Nói xong liền giống như không thể nói tiếp được nữa, người run lên bần bật. Tuấn Khải giơ cánh tay lên, hơi dừng lại trên không, sau đó đặt lên vai tôi, ôm chặt tôi vào lòng.
Trong lòng tôi cảm thấy ghê tởm tới mức sởn cả da gà. Mẹ kiếp, nếu không phải cảm thấy chiếc thuyền của nhà anh to hơn, vững hơn thì đừng hòng ông đây chịu diễn màn kịch này.
Lúc ấy, Nhà xí huynh ở phía sau tôi mới nói bằng giọng áy náy: "Tam ca, Tam tẩu nửa đêm lưu lạc bên ngoài, thần đệ e ảnh hưởng đến danh tiết nên vừa rồi không dám nói trước mặt binh lính, mong Tam ca tha tội".
Tuấn Khải khẽ gật đầu, hạ giọng nói: "Không sao, nàng ấy không sao là tốt rồi".
Mẹ kiếp, đúng là dàn diễn viên có thực lực, vai nữ chính xuất sắc nhất chắc chắn là tôi rồi, chỉ có điều vai nam chính xuất sắc nhất không biết là ai.
Đúng lúc tôi đang nghĩ vậy thì đồng chí Lục Ly, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cũng sang thuyền theo Tuấn Khải, nhìn thấy tôi bèn lao tới, vừa khóc vừa cười, nói: "Tiểu thư, tiểu thư! Tốt quá, tiểu thư không sao là tốt rồi!".
Tôi nhân dịp đó bèn thoát ra khỏi vòng tay của Tuấn Khải, quay sang ôm lấy Lục Ly, lần này thì ôm thật sự, rồi khẽ cười, nói: "Ngốc ạ, ta thì có thể có chuyện gì được chứ? Ta cao số lắm!".
Lục Ly vừa khóc vừa gật đầu, gạt nước mắt đang định mở miệng nói thì đột nhiên mặt biến sắc, kêu lên một tiếng thất thanh, gạt mạnh tôi sang một bên.
Vì bị bất ngờ, tôi ngã ngồi xuống sàn thuyền, vừa ngẩng mặt lên đã nhìn thấy một đoàn tiễn màu đen cắm vào ngực Lục Ly, còn thân người thì đang từ từ đổ về phía sau.
Vì Lục Ly mới bước lên thuyền nên phía sau lưng cô là mạn thuyền, còn phía trước là nước sông đen ngòm chảy xiết. Tôi không kịp nghĩ nhiều, vội nhào tới giữ lấy vạt áo của Lục Ly.
Trên mặt sông đen ngòm bỗng nhiên xuất hiện rất nhiều thuyền nhỏ, trông giống như những phiến lá bồng bềnh trên mặt nước. Trên những chiếc thuyền đó ẩn giấu rất nhiều hắc y nhân, tay cung tay nỏ nhắm về phía đầu thuyền chúng tôi đang đứng. Trên sàn thuyền phía sau, tên bay rào rào như mưa, các hộ vệ trên cả hai thuyền vội vã lấy cung nỏ ra bắn trả, nhưng chiếc thuyền lớn ở trong sáng, còn thuyền nhỏ lại ở trong tối, thế nên tỉ lệ thương vong giữa hai bên khá chênh lệch. Các hộ vệ bên cạnh Tuấn Khải đã tạo thành một vòng tròn bảo vệ anh ta, đồng thời vung binh khí gạt các mũi tên, phía trước Nhà xí huynh cũng có hai, ba người bảo vệ.
Một mình tôi nằm bò ra ở mũi thuyền, tay giữ chặt lấy vạt áo của Lục Ly, quay đầu lại hét về phía đám đông: "Mau lại cứu người! Mau lại cứu người!".
Nhưng chẳng ai thèm để ý đến tôi, chẳng có lấy một người để ý đến tôi.
Thân hình Lục Ly nặng trịch, một tay còn lại của tôi bám chặt lấy mạn thuyền nhưng vẫn bị sức nặng của cơ thể Lục Ly kéo dần ra phía ngoài thuyền.
Giảm béo, giảm béo! Nếu có thể sống sót rời khỏi chiếc thuyền này, nhất định tôi phải bảo nha đầu này giảm béo mới được! Những thị vệ bên cạnh Tuấn Khải lần lượt ngã xuống, cuối cùng Tuấn Khải cũng nhìn thấy tôi, anh ta khua kiếm gạt một mũi tên đang bay tới, miệng gầm lên: "Buông ra, tránh ra phía sau lưng ta!".
Nếu không phải vì đang cắn chặt răng dồn sức thì tôi đã cắn cho anh ta một miếng.
Các người có thể không xứng là đàn ông, nhưng đừng tưởng rằng ta cũng không xứng là đàn ông như các người.
Lục Ly rên lên một tiếng, mở mắt ra nhìn tôi, thều thào: "Tiểu thư buông tay ra đi, Lục Ly quả không uổng công theo tiểu thư. Kiếp sau, tiểu thư lại làm tiểu thư, Lục Ly lại làm a hoàn hầu hạ tiểu thư".
Phần lớn thân hình tôi đã nhô ra phía ngoài thuyền nên lúc này không còn nhìn rõ tình hình trên thuyền nữa, nghe Lục Ly trù dập tôi kiếp sau lại phải làm đàn bà, không nén được, tôi lên tiếng mắng: "Mau tỉnh lại đi, kiếp sau ngươi mới làm tiểu thư!".
Lục Ly hiểu lầm ý của tôi, cảm động nói trong hai hàng nước mắt chứa chan: "Không! Không!Nương nương vẫn là tiểu thư, Lục Ly vẫn là nha đầu, Lục Ly hầu hạ nương nương".
Mẹ kiếp, nếu không nể tình cô đã thay ta nhận một mũi tên thì chỉ cần câu nói này đã đủ để ta buông tay rồi!
Lại trượt xuống phía dưới một đoạn nữa, cánh tay bám vào mạn thuyền của tôi phải chống đỡ cho cả hai người, đến lúc này dường như không còn cầm cự được nữa. Đúng lúc ấy, bỗng nhiên có người túm đai lưng tôi, tiếp đó là tiếng Tuấn Khải thét lên ở phía sau: "Buông tay ra để ta kéo nàng lên!".
Tôi quay đầu lại nhìn vào đôi mắt của anh ta dưới ánh đèn, gằn từng tiếng: "Đây là một mạng người".
Tuấn Khải ngây người ra, môi mím lại gắng sức kéo tôi và Lục Ly lên thuyền. Nhà xí huynh cũng nhô người ra, đưa tay túm lấy Lục Ly, miệng nói: "Nàng buông tay ra, để ta kéo cô ấy lên". Lúc đó tôi mới buông tay, để Nhà xí huynh kéo Lục Ly lên.
Nhờ gánh nặng nhẹ đi gần một nửa, Tuấn Khải kéo tôi lên sàn thuyền một cách dễ dàng. Người đứng trên sàn thuyền không còn lại bao nhiêu, mật độ mũi tên trên đó cũng ít hơn hẳn, mấy chiếc chiến thuyền đang truy đuổi những chiếc thuyền lá tình thế đã bắt đầu đảo ngược.
Tôi bò tới kiểm tra vết thương của Lục Ly. May mà vết thương không trúng chỗ hiểm, có lẽ sẽ không nguy hiểm tới tính mạng. Tôi thở phào một cái như trút được gánh nặng, đang định an ủi Lục Ly thì sóng gió lại nổi lên.
Không hiểu từ lúc nào, một chiếc thuyền lá đã thoát được sự truy cản của chiến thuyền, xông thẳng tới chiếc thuyền bên này, mấy tên hắc y nhân trông như những con quạ đen nhảy lên, vung kiếm xông đến mũi thuyền.
Tôi ấn Lục Ly nằm xuống khẽ nói: "Nằm im, giả như chết rồi!".
Nói xong, tôi lấy thanh kiếm trên xác của một người thị vệ, cầm trong tay rồi đứng dậy, xông lên.
Tuấn Khải và Nhà xí huynh đều đang giao chiến với đám hắc y nhân, tôi cầm chặt thanh kiếm đứng bên ngoài, thỉnh thoảng lại nhảy lên tránh theo họ, mắt chăm chú tìm kiếm cơ hội đánh lén tên áo đen nào đó.
Tuấn Khải rất tức giận, cố tranh thủ thời gian quay lại mắng tôi: "Tránh sang một bên đi, nàng theo vào chỉ loạn thêm thôi".
Mẹ kiếp, tôi không những không giành được ưu thế, mà ngược lại còn bị đối thủ đánh lén. Hai tay tôi giơ cao thanh kiếm đỡ đòn theo bản năng, không nghĩ tới đối thủ dùng sức rất mạnh, nhất thời tôi chỉ cảm thấy hai bàn tay tê đi, kiếm thì văng ra một phía.
Tên hắc ý nhân lại chém tiếp nhát nữa, tôi chỉ còn cách ngả người ra sau để tránh, quên mất sau lưng là mạn thuyền, nên hụt chân rơi xuống. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu: Hết rồi, mạng sống nhỏ nhoi của ông đây thế là hết!
Trong khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, mọi thứ dường như đều được quay chậm lại, trước mắt tôi trở nên rất rõ ràng.
Lục Ly kêu lên một tiếng thảm thiết, cố gắng bò dậy. Tuấn Khải và Nhà xí huynh đồng thời quay lại nhìn tôi, đám hắc y nhân đang đánh nhau với hai người đó cũng đồng loạt nhân cơ hội ấy vung kiếm lên...
Một thoáng do dự xuất hiện trong ánh mắt của Tuấn Khải, nhưng cuối cùng anh ta quay người lại, đỡ lấy nhát kiếm của tên hắc y nhân. Nhà xí huynh nhíu mày, nghiêng người né đòn tấn công phía sau nhưng vẫn tiếp tục lao về phía tôi, nhảy khỏi thuyền túm vội lấy cánh tay của tôi, nhanh chóng kéo tôi vào lòng.
Trong lúc rơi xuống, tôi nghe thấy anh ta ghé sát vào tai tôi, nói: "Ta đã hứa thì sẽ giữ lời".
Tôi sững sờ, trong lòng dậy lên rất nhiều cảm xúc. Mãi cho đến khi "ùm" một tiếng, cả hai rơi xuống nước, trong khoảnh khắc nước trùm qua đầu, tôi chỉ muốn hỏi một câu: Anh có biết bơi hay không đấy?
Nhưng rồi tôi nhanh chóng phát hiện ra, việc Nhà xí huynh có biết bơi hay không chẳng còn quan trọng nữa. Nước sông chảy rất siết nếu cứ bơi về phía trước, thì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sẽ bị nước cuốn trôi đi rất xa, như vậy dù bơi có giỏi mấy chăng nữa cũng chẳng có tác dụng gì. Điều duy nhất có thể làm lúc này là tránh cho khỏi bị sặc, cũng như không bị cuốn đi, sau đó tranh thủ lúc trồi lên thì cố lấy hơi.
Trôi một lúc nữa, mặt sông bỗng nhiên thu hẹp lại, như vậy là đã tới Cửu Khúc Hiệp. Cửu Khúc Hiệp là chỗ dòng sông uốn lượn chín lần, nhiều đá ngầm và nước chảy rất xiết.
Lòng sông bắt đầu xuất hiện đá ngầm, tôi và Nhà xí huynh bị nước sông cuốn đi, thỉnh thoảng lại va vào đá. Nhà xí huynh ôm cả người tôi vào lòng, hai tay đỡ phía sau đầu tôi, lấy thân mình đón lấy từng hòn đá một.
Trong tiếng nước chảy, tôi vẫn nghe thấy tiếng kêu phát ra từ trong họng của Nhà xí huynh mỗi khi va vào đá.
Tôi biết rất rõ, nếu cứ tiếp tục như thế không phải là một biện pháp hay. Bây giờ anh ta còn có thể ôm lấy tôi, những giây sau thì anh ta có thể bị va vào đá mà ngất đi, buộc phải rời tay ra. Tôi suy nghĩ một lát, rồi cố sức giang hai tay ôm lấy cổ anh ta. Sau đó cũng dùng sức che cho đầu và cổ của anh ta, đồng thời quặp hai chân lên thắt lưng anh ta, cố gắng che phần sườn anh ta.
Bỗng chốc, hai người như dính chặt vào nhau, không có chút kẽ hở nào. Mẹ kiếp! Tư thế này đúng là thân mật hết cỡ, đến ông đây còn không khỏi cảm thấy xấu hổ.
Nhà xí huynh tỏ ra vẫn chưa bị va đến mức choáng váng, nhìn tôi bằng đôi mắt ngạc nhiên. Nhân lúc cả hai được nước nâng lên, tôi hét vào tai anh ta: "Chúng ta đánh cuộc, xem ai sẽ là người ngất trước".
Mặc dù, mặt mũi toàn là nước nhưng Nhà xí huynh vẫn cười, đáp: "Được, ta cuộc là cô sẽ ngất trước".
Tôi há miệng ra đang định phản kích lại thì một cơn sóng lớn ào tới, cả hai lại bị nhấn chìm xuống. Tôi vội ngậm miệng lại, nín hơi, chờ cơ hội trồi lên mặt nước lần sau. Nhưng lần này chúng tôi đã bị cuốn vào vòng xoáy liên tiếp, mãi vẫn không sao trồi lên được. Tôi đã nín thở đến cực hạn, cảm giác phổi như muốn nổ ra. Biết rõ xung quanh toàn là nước nhưng vẫn không nhịn được muốn há miệng ra thở. Chân của tôi không thể che cho Nhà xí huynh nữa mà ra sức đạp xuống dưới, chỉ mong sao lập tức lấy được hơi.
Đang giãy giụa trước cái chết cận kề, đôi môi tôi bỗng nhiên được một đôi môi mềm mại bịt lấy, một chiếc lưỡi nhanh nhẹn đẩy vào, cố gắng đẩy hàm răng của tôi ra, ngay sau đó là một luồng không khí theo vào.
Tôi ngây người, rõ ràng là sắp chết ngạt đến nơi, thế mà vẫn quên cả thở.
Vì vẫn đang ở dưới nước nên Nhà xí huynh cảm nhận được vẻ ngơ ngác của tôi, nhưng có lẽ anh ta tưởng rằng tôi bị ngạt nên mới như vậy, sau đó ấn mạnh tay vào gáy tôi, môi càng áp mạnh hơn, cố gắng thổi hơi vào miệng tôi.
Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: Phổi của anh chàng tốt thật! Trong giờ phút như thế này mà vẫn dám làm hô hấp nhân tạo cho tôi!
Bất giác tôi tỉnh táo hẳn, bây giờ thì chuyện sống chết khó mà biết trước, vậy thì còn nghĩ đến chuyện khiến mình không thoải mái làm gì, hãy cứ coi anh ta là mỹ nữ có thân hình hơi quá khôi ngô tuấn tú một chút có hơn không? Tôi tự thuyết phục mình như vậy rồi ôm chặt lấy Nhà xí huynh, tự giác đón nhận chút không khí từ miệng anh ta. Nhờ chút hơi ấy, tôi đã cầm cự được cho tới lần nổi lên mặt nước tiếp theo.
Hai chúng tôi rời nhau ra, đồng thời mở to miệng đớp lấy không khí. Một hồi sau, khi hơi thở đã tương đối ổn định trở lại, tôi cứ cân nhắc xem nên nói lời cảm ơn với anh ta như thế nào. Có điều, lúc quay đầu lại thì môi tôi lại vô tình chạm vào môi anh ta không hiểu sao sự va chạm ấy khiến tôi giật thót, vì thế mà bị sặc nước, ho sặc sụa.
Nhà xí huynh đưa tay vỗ vỗ lưng tôi, hỏi: "Sao thế?".
Tôi không biết phải trả lời thế nào, may mà đoạn sông trước mặt lại bắt đầu chảy xiết, chúng tôi bị dòng nước cuốn đi, không kịp nói năng gì.
Đây là khúc ngoặt cuối cùng của Cửu Khúc Hiệp, cũng là đoạn nguy hiểm nhất. Mặc dù chúng tôi ra sức tránh nhưng vẫn va phải mấy hòn đá ngầm, mạnh nhất là hòn cuối cùng, Nhà xí huynh chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi thả lỏng cánh tay ôm chặt lấy tôi.
Hay lắm, thế là tôi đã thắng cuộc, Nhà xí huynh ngất trước rồi.
Trời vẫn tối, tôi không nhìn được Nhà xí huynh bị thương ở đâu, chỉ có thể tiếp tục ôm chặt lấy anh ta, thả người trôi theo dòng nước.
Tiếp tục trôi một lúc, mặt sông dần mở rộng, dòng nước cũng trở nên hiền hòa hơn. Trôi thêm một chút nữa, mặt sông chẳng còn thấy vẻ hung dữ khi nãy, trông nó lúc này không khác gì một thiếu nữ hay e thẹn, lấp lánh dưới ánh trăng.
Tôi thả lỏng tay chân, chỉ để một tay giữ lấy cổ của Nhà xí huynh, nằm ngửa lên, lặng lẽ bồng bềnh trên mặt sông. Mặt sông phẳng lặng vô cùng, tâm hồn tôi cũng rất bình lặng.
Tôi nghĩ, lúc này mà buông tay ra thì Nhà xí huynh sẽ không còn bao giờ là mối đe dọa với tôi nữa. Tôi có thể quay trở lại tìm Tuấn Khải, tiếp tục đóng vai Thái tử phi Vương thị cho tới khi Tuấn Khải lên ngôi, sau đó tuyển mấy cung nữ xinh đẹp, mang theo cả Lục Ly, chọn một cung điện không mấy chướng mắt, ở đó hưởng thụ cho đến chết.
Như thế cũng coi là "bình an khỏe mạnh, đủ ăn đủ mặc".
Bàn tay tôi hết buông ra lại nắm lại, nắm lại rồi lại buông ra, cuối cùng vẫn không thả Nhà xí huynh.
Tôi sợ nếu buông tay ra thì không chỉ có Nhà xí huynh mà cả lương tâm của tôi cũng trôi theo dòng nước.
Phiêu dạt trên dòng sông già nửa đêm, tới tận khi trời sắp sáng, cuối cùng chúng tôi cũng dạt được vào một bờ cát. Chân tay tôi tê dại như không còn là của mình nhưng vẫn cố lôi Nhà xí huynh vào bờ.
Bên bờ sông là rừng, tôi chọn một chỗ khuất gió, đặt Nhà xí huynh nằm trên chỗ đất bằng, kiểm tra kỹ một lượt. Những vết bầm tím do va đập trên người anh ta rất nhiều, gần bả vai còn có cả một vết thương do kiếm đâm vào khá sâu, vết thương đã bị nhợt đi vì ngấm nước sông.
May mà tứ chi không có chỗ nào bị gãy. Tôi lại cẩn thận sờ một lượt sườn anh ta, vẫn ổn, hình như không có vết thương gì lớn.
Tôi thở phào một cái, nghĩ cách băng bó vết thương cho Nhà xí huynh. Nhưng cúi đầu xuống thì thấy quần áo trên người anh ta đã rách hết, không thể xé ra làm vải băng vết thương được.
Quần áo trên người tôi có khá hơn, nhất là chiếc áo lụa bên trong, xé ra vẫn có thể dùng được. Tôi cởi áo, chọn chỗ lành lặn nhất xé ra băng cho Nhà xí huynh, sau đó mới nhìn người mình. Đúng là tôi khá hơn Nhà xí huynh nhiều, vết thương ở ngực không sâu, hơn nữa đã được bôi thuốc nên dù bị nước thấm vào vẫn không đến nỗi. Những vết sây sát và bầm tím trên cánh tay, trên đùi đều không quá nghiêm trọng.
Nhà xí huynh vẫn nằm im bên cạnh, mặc dù chưa tỉnh lại nhưng hơi thở cũng xem như ổn định. Điều tôi sợ nhất lúc này là vết thương trên người anh ta bị viêm nhiễm, gây sốt cao. Kết quả là, sợ điều gì thì điều đó tới, chỉ một lát sau đã thấy hơi thở của Nhà xí huynh trở nên gấp gáp, người anh ta bắt đầu nóng bừng lên, răng va vào nhau lập cập, tứ chi co quắp lại.
Tôi ngồi xổm bên cạnh, lặng lẽ nhìn anh ta, do dự không biết có nên làm theo cách mà tôi đã thấy trên ti vi: Cởi quần áo trên người mình trùm cho anh ta hay không. Không phải vấn đề trở ngại tâm lý, trong hoàn cảnh này hai người đàn ông ôm nhau cũng chẳng có vấn đề gì, nhưng sau khi nghĩ tới ý đồ của nhà biên kịch, tôi quyết định không thử cách đó, dùng vải nhúng nước sông, hạ nhiệt cho anh ta bằng phương pháp vật lý.
Mãi cho tới khi mặt trời lên rất cao, thân nhiệt của Nhà xí huynh mới dần dần hạ xuống, cuối cùng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Một lát sau, Nhà xí huynh mở mắt ra, không nói gì mà chỉ lặng lẽ nhìn tôi.
Tôi đột nhiên lo lắng, không biết có phải anh ta sốt cao nên đầu óc có vấn đề hay không.
Đột nhiên, Nhà xí huynh lên tiếng, giọng khàn đặc: "Nàng khiến ta rất ngạc nhiên".
Tôi phủi đất ở mông, quay người đi lật đám quần áo rách nát, đáp: "Một số việc anh làm cũng khiến ta cảm thấy bất ngờ".
Tôi định tìm lấy một bộ quần áo có thể mặc lên người, nhưng lật qua lật lại hồi lâu vẫn chẳng thấy, cuối cùng đành tặc lưỡi, chọn ra một vài mảnh không quá rách nát quấn lấy bàn chân.
Nhà xí huynh liếc nhìn, lại im lặng một hồi.
Tôi quay người lại, nheo mắt đánh giá Nhà xí huynh một lát, nói rất thật lòng: "Trải qua những biến cố trong đêm qua, dù cho anh xuất phát từ ý đồ gì thì chúng ta cũng xem như đã cùng nhau trải qua hoạn nạn. Ta thực lòng khuyên anh một câu, anh nên từ bỏ ý định tranh giành ngôi vị hoàng đế là hơn, nếu không sớm muộn gì cũng chết mà thôi".
Nhà xí huynh cố chống người dậy, liếc xéo tôi một cái rồi cười lạnh lùng, đáp: "Dựa vào đâu mà cô nói như vậy?".
Tôi đi đến bên cạnh Nhà xí huynh ngồi xếp bằng xuống, đáp: "Binh quyền! Mặc dù anh được Hoàng đế sủng ái nhưng trong tay anh không có binh quyền, còn Tuấn Khải thì có. Anh ta là thái tử, thái tử mà Thánh tổ đã khâm định. Cho dù Hoàng đế có không thích anh ta, thì chỉ cần anh ta không có mưu đồ phản nghịch, Hoàng đế vì sự yên ổn của triều đình cũng sẽ không động đến anh ta".
Đây cũng là nguyên nhân tôi quyết định theo Tuấn Khải kiếm ăn. Đương kim Hoàng thượng tuy có yếu đuối đôi chút, nhưng cũng không phải là một hôn quân, hơn nữa thái tử của một đất nước không thể nói phế là phế ngay được.
Nhà xí huynh không nói gì nữa mà cứ nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng.Tôi cảm thấy mình không phải là người có lòng dạ hẹp hòi, cũng chẳng cần né tránh ánh mắt ấy, ví thế cứ trực tiếp nhìn trả lại.
Cuối cùng, chính Nhà xí huynh lại phải tránh ánh mắt của tôi, khẽ cười, nói: "Nàng tưởng nếu ta không tranh giành nữa thì sẽ được yên ổn ư? Bọn họ từng bước, từng bước ép ta đi đến ngày hôm nay, nếu ta tranh giành may ra còn có một chút kỳ vọng, nếu không chỉ còn nước ngồi chờ chết".
Nếu cứ nói tiếp, tôi cảm thấy mình sẽ không có quyền gì để nói, quyết định không nói gì nữa, đứng dậy dặn dò: "Đói bụng rồi, anh cứ chờ ở đây, ta đi xem quanh đây có gì ăn được không, sau đó sẽ tìm cách kiếm chút nước về".
Nói xong, tôi quay người định cất bước đi thì đột nhiên Nhà xí huynh cất tiếng gọi ở phía sau: "Này...".
Tôi dừng lại, nhìn anh ta, Nhà xí huynh nhìn tôi một cái rồi hơi quay đầu đi, sau đó mới nói tiếp: "Cô không sợ à?".
Bỗng nhiên tôi thấy buồn cười, đã thoát khỏi bàn tay của hà bá rồi, còn sợ gì nữa?
Tôi cười, lắc đầu, quay người đi tìm cái ăn. Đi một vòng mà chẳng kiếm được thứ gì, tôi bèn quay trở về bên bờ sông, bụng nghĩ, có lẽ bắt mấy con cá dưới sông thì tốt hơn.
Kết quả, không ngờ lại bắt được một "con cá" rất to trên bãi sông.
Tôi thực sự không dám tin vào mắt mình, phải dụi mắt một hồi mới tiến lên phía trước mấy bước thăm dò, thận trọng lật người ấy lại nhìn mặt, sau đó tôi lập tức nhảy dựng lên. Mẹ kiếp! Đúng là Tuấn Khải thật!
Điều khiến tôi càng ngạc nhiên hơn là Tuấn Khải từ từ mở mắt ra, nhìn tôi với ánh mắt rất tỉnh táo. Tôi ngây người trong mấy giây rồi bật cười, liếc bộ áo giáp trên người Tuấn Khải, cười nói: "Có phải vì chàng vẫn mặc bộ áo giáp này nên mới trôi chậm hơn thiếp không?".
Tuấn Khải nhìn tôi, hồi lâu không nói năng gì, mãi sau mới mở miệng, câu đầu tiên là: "Quần áo của nàng đâu?".
Quần áo ư? Quần áo đều bị xé thành vải băng cho đệ đệ anh rồi!
Nhưng ánh mắt của Tuấn Khải không dễ chịu chút nào, tôi sao dám nói ra câu đó, đành chuyển chủ đề câu chuyện: "Sao chàng cũng rơi xuống nước? Tình hình trên thuyền thế nào? Bên nào thắng? À, phải rồi, Lục Ly ra sao?".
Thực ra, đây là một mẹo, khi bạn không biết trả lời đối phương thế nào cách tốt nhất là bạn nêu ra một loạt câu hỏi để đối phương không còn thời gian để hỏi bạn nữa.
Tuấn Khải chỉ trả lời câu hỏi sau cùng: "Lục Ly chắc không sao".
Nói xong, Tuấn Khải ngồi dậy, dùng tay cởi những mảnh giáp còn lại trên người. Bộ giáp ấy không còn nguyên vẹn nữa, có lẽ Tuấn Khải đã cởi bớt khi ở dưới nước, lúc này trên mình chỉ còn mảnh khó cởi nhất.
Nhìn thấy một cánh tay nãy giờ vẫn không hề cử động của Tuấn Khải, tôi vội hỏi: "Tay sao vậy?".
Tuấn Khải không nhìn tôi, đáp bằng giọng lạnh nhạt: "Có lẽ gãy rồi".
Tôi sững người. Hừ, tôi và Nhà xí huynh không có lấy mảnh giáp nào trên người, cánh tay có làm sao đâu, Tuấn Khải có áo giáp che tất cả những chỗ quan trọng lại vẫn bị gãy tay! Người này vận gì thế không biết!
Tuấn Khải một tay cởi áo giáp, tiếp đó là cởi quần áo trên người. Tôi nhìn bộ quần áo trên người anh ta, tuy có rách mấy chỗ nhưng vẫn tương đối lành lặn, vội khuyên: "Đừng cởi quần áo ra, cứ mặc trên người một lúc là sẽ khô thôi".
Tuấn Khải nhìn tôi một cái, chẳng thèm để ý, tiếp tục cởi nốt quần áo trên người. Mặc dù biết rõ chuyện ngày hôm qua là do Tuấn Khải có ý hại tôi, nhưng nghĩ đến chuyện sau này vẫn phải tiếp tục làm việc dưới trướng anh ta, tôi không dám để lộ lòng hận thù.
Thấy anh ta không để ý đến lời mình, tôi bèn đứng dậy đi về phía núi tìm cành cây để cố định cánh tay bị thương cho anh ta.
Nhưng đi chưa được mấy bước thì thấy Nhà xí huynh từ phía trước tiến lại. Có lẽ sức khỏe của Nhà xí huynh vẫn còn yếu nên phải chống gậy, nhìn thấy ánh mắt của tôi dừng lại trên cây gậy, anh ta bất giác giấu cây gậy về phía sau, miệng nói: "Ta thấy một hồi lâu mà nàng vẫn chưa về, sợ nàng gặp phải dã thú".
Anh ta vừa nhắc đến dã thú, tôi bèn kiễng chân lên nhìn Tuấn Khải đang ở bãi sông. Anh ta đang cố gượng dậy, một tay giữ lấy cánh tay bị thương, mắt nhìn về phía tôi.
Lúc này, Nhà xí huynh cũng đã nhìn thấy Tuấn Khải, môi mím chặt, lặng lẽ đứng nhìn.
Tôi vội hạ giọng dặn Nhà xí huynh: "Bình tĩnh, nhất định phải bình tĩnh, có chuyện gì thì cũng phải đợi về đến Thịnh Đô rồi hãy nói!".
Một lát sau, Tuấn Khải đã đi vòng qua hòn đá đến gần trước mặt, ánh mắt lạnh lùng dừng lại trên người của Nhà xí huynh một lát rồi chuyển sang người tôi.
Nhìn theo ánh mắt của Tuấn Khải, ánh nhìn của tôi dừng lại trên mảnh vải chỉ đủ che hai điểm trên ngực và chiếc quần con trên người mình.Tôi sực tỉnh, vội đưa hai tay che trước người, sau đó chạy mấy bước về phía sau lưng Tuấn Khải tỏ ý muốn tránh ánh mắt của Nhà xí huynh.
Lập trường, đây là vấn đề về lập trường!
Ở phía đối diện, khoe môi của Nhà xí huynh giật giật. Tuấn Khải khẽ hừ một tiếng lạnh lùng, dùng bàn tay lành lặn ném về phía sau cho tôi một chiếc áo dài.
Lúc này tôi mới hiểu ra, thảo nào mà vừa rồi Tuấn Khải cứ bướng bỉnh cởi bằng được chiếc áo trên mình bằng bàn tay ấy.
Tôi nấp sau lưng Tuấn Khải, mặc lên mình chiếc áo vẫn còn ướt sũng.
Lúc đó, tôi cũng mới bắt đầu nghe thấy Tuấn Khải và Nhà xí huynh nói chuyện với nhau, tôi một câu, anh một câu, người nói, người trả lời. Sau đó, Nhà xí huynh đã hiến luôn cây gậy để làm vật cố định cánh tay bị thương cho Tuấn Khải
Đứng ở phía sau nên tôi không nhìn rõ vẻ mặt của hai người ấy. Có điều thấy họ không cãi vã, trong lòng tôi nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Chuyện tối hôm qua xảy ra trước đông người dù là Tuấn Khải hay Nhà xí huynh mất mạng thì người còn lại cũng đều rất khó ăn nói với Hoàng đế. Tuấn Khải sống, Nhà xí huynh chết, Hoàng đế sẽ cho rằng Tuấn Khải không thể chấp nhận được Nhà xí huynh nên đã ra tay. Nhưng nếu đổi ngược lại, thì sẽ là Nhà xí huynh thèm khát ngôi thái tử mà nảy sinh ác tâm.
Dù là tình huống nào thì cũng đều là hành động coi thường hoàng quyền, là tội mưu phản, tất cả đều là những tội lỗi Hoàng đế không thể dung thứ.
Vì thế, lúc này họ trở thành hai con châu chấu trên một sợi dây thừng.
Những chuyện tôi có thể nghĩ rõ ràng, có lẽ hai người họ đã rõ từ sớm cho nên bây giờ mới diễn kịch như thế, dù lúc này chỉ có một khán giả duy nhất là tôi.
Tự nhiên tôi cảm thấy buồn cười, hai người ấy rõ ràng đấu đá đến mức tôi sống anh chết, nhưng lại không muốn đối phương chết trong tay mình, mà nhất định phải mượn tay người khác.
Trong lúc Nhà xí huynh cố định cánh tay bị thương cho Tuấn Khải thì tôi cũng đã mặc xong quần áo, chạy ra định giúp một tay, không ngờ khi nhìn thấy tôi, cả hai người ấy đều ngây ra.
Tôi lại cúi đầu nhìn lại người mình, đúng là không uổng phí hơn hai chục năm làm đàn ông, tôi lập tức cũng hiểu ra. Chắc chắn các bạn cũng biết, vào lúc nào thì thân hình phụ nữ sẽ lộ ra rõ nhất.
Chiếc áo dài của Tuấn Khải màu đen, áo mùa hè nên vốn đã rất mỏng, lại đang ướt và dính sát người tôi...Thứ lỗi cho tôi, làm đàn bà lâu như vậy rồi, đã quen thuộc với thân hình của Vương Thị tới mức không thể quen hơn được nữa, nhưng nhìn thấy cảnh tượng ấy, tôi vẫn không sao kìm được dòng máu nóng đang bốc lên trong người.
Nhìn lại Tuấn Khải và Nhà xí huynh, được lắm, cũng chẳng khác là bao. Điều duy nhất có thể không giống, đó là Nhà xí huynh thì chảy máu mũi còn Tuấn Khải thì hộc máu mồm.
Nhìn đi! Đây chính là sự khác nhau giữa việc nhìn vợ của người khác và vợ bị người khác nhìn thấy.
Nhưng tôi chẳng có cách nào khác, cởi ra không được, che cũng không xong thôi thì cứ làm như không biết gì. Tôi cúi người xuống xé chiếc áo đang mặc, sau đó giúp Nhà xí huynh băng bó cánh tay cho Tuấn Khải
Mặc dù Nhà xí huynh không nói gì nhưng cũng ngoảnh đầu dời ánh mắt sang chỗ khác. Tuấn Khải nói: "Phía sau có thích khách truy đuổi, chúng ta trước tiên phải trốn vào trong núi, chờ Cấm quân hoặc quân của thủy quân Phụ Bình đến rồi hãy tính".
Nhà xí huynh gật đầu, hưởng ứng: "Được".
Ba chúng tôi vừa xóa dấu vết vừa tiến dần vào lối, mãi cho tới khi tìm được một chỗ, dễ phòng thủ khó tấn công thì mới dừng lại. Tôi nhảy lên hòn đá phía bên cạnh, nhìn về phía dòng sông, thỉnh thoảng lại thấy bóng dáng của một vài tên thích khách và quân phục của thủy quân Phụ Bình dập dềnh trôi nổi cùng dòng nước, không rõ là còn sống hay đã chết.
Không nhìn thấy thuyền của thủy quân Phụ Bình lẫn những chiếc thuyền lá mà đám thích khách tối qua dùng.
Tôi quay lại hỏi Tuấn Khải: "Quân cứu viện khi nào thì tới?".
Tuấn Khải đang ngồi dựa vào vách đá, nhắm mắt ại dưỡng thần, không thèm để ý đến câu hỏi của tôi. Nhà xí huynh ngồi bên khẽ trả lời: "Điều đó còn phải xem người đến là Cấm quân hay thủy quân".
Tôi ngẫm nghĩ một chút liền hiểu ra. Tối hôm qua thủy quân đã tổn thất nặng nề, nếu mở một cuộc tìm kiếm trên diện rộng thì phải điều quân từ Phụ Bình đến. Nhưng nếu mà Cấm quân đến cứu, thì đồng nghĩa với việc tin này đã được truyền đến Hoàng cung. Tôi liếc mắt nhìn Tuấn Khải, thấy anh ta cứ nhắm mắt im lặng, vẻ mặt vô cùng nghiêm nghị, trong lòng tôi không khỏi thắc mắc, anh chàng này lại sao thế? Chắc không phải vì gãy mất một cánh tay mà như vậy chứ? Chẳng phải đã giúp anh nối lại rồi đấy thôi.
Nghĩ một lúc không ra, tôi quyết định không nghĩ nữa, tiếp tục quan sát tình hình trên mặt sông. Nhìn một lúc thì bỗng nhiên thấy có mấy quân sĩ của thủy quân đang trôi đến gần chỗ chúng tôi, hình như cũng đang định tìm cách lên bờ ở đoạn này.
Tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng, quay đầu lại, kêu lên: "Này! Có mấy thủy quân đang đến đây!". Tuấn Khải lập tức mở to mắt, ánh mắt sắc lạnh rợn người, anh ta ghìm giọng, quát: "Xuống ngay!".
Tôi sững người, chưa kịp phản ứng thì Nhà xí huynh đã kéo tôi xuống nấp sau hòn đá.
Chuyện này là sao? Thủy quân mà cũng không đáng tin à?
Nhà xí huynh đột nhiên khẽ cười một tiếng, hỏi Tuấn Khải: "Sao? Hắn cài cả người vào thủy quân Phụ Bình à?".
Tuấn Khải không nói gì, chỉ nhìn Nhà xí huynh bằng ánh mắt lạnh lùng. Tôi suy nghĩ thật nhanh, trong đầu bỗng hiện lên khuôn mặt của một người. Không nén được ngạc nhiên, tôi buột miệng hỏi: "Là Triệu Vương?".
Cả Tuấn Khải và Nhà xí huynh đều không trả lời, mà vẫn nhìn nhau bằng ánh mắt rất "thâm tình".
Bỗng nhiên tôi cảm thấy chán ngấy lên được. Lúc này là lúc nào rồi mà hai người vẫn chơi trò "người khôn ăn nói nửa chừng"? Không có lẽ nói ra hết thì chết hay sao?
Tôi đưa tay ngăn giữa hai người đó, lạnh lùng cất tiếng: "Ánh mắt không giết người được, mâu thuẫn nội bộ khi trở về sẽ giải quyết. Bây giờ thì giải thích cho tôi biết, rốt cuộc là thế nào! Xem ai là người đứng sau màn kịch này!".
Tuấn Khải và Nhà xí huynh đều nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên, tôi chẳng còn lòng dạ nào mà đấu mắt với họ, nói thẳng: "Tôi vẫn chưa muốn chết! Vì thế, bây giờ tôi hỏi, hai người trả lời!".
Tôi quay về Tuấn Khải hỏi: "Lý thị vệ rốt cuộc có phải là người của chàng không?".
Vẻ mặt của Tuấn Khải hơi sắt lại, cuối cùng vẫn gật đầu đáp: "Đúng!".
Bàn tay tôi bất giác đưa lên xoa xoa vết thương trên ngực, sau đó quay sang hỏi Nhà xí huynh: "Còn người chèo thuyền thì sao? Là người của Sở vương?".
Nhà xí huynh lắc đầu: "Không phải", nói rồi quay lại nhìn Tuấn Khải.
Tuấn Khải cũng lắc đầu, mặt lộ vẻ ngạc nhiên: "Ta tưởng đó là người của đệ".
Tôi gật đầu vừa lòng: "Ok! Thế thì coi như người của Triệu vương".
Tôi tiếp tục hỏi: "Thế còn những tên áo đen vây thiếp và Chí Hoành thì sao? Là ai trong số hai người sai họ?".
Lần này, Tuấn Khải không trả lời mà ngoảnh mặt nhìn Nhà xí huynh. Nhà xí huynh thật thà trả lời: "Là ta".
Tôi cố kềm không giơ ngón giữa vào mặt anh ta, tiếp tục hỏi: "Còn đám hắc y nhân tối hôm qua là do ai sai đến?".
Cả Tuấn Khải và Nhà xí huynh đều im lặng, lát sau Tuấn Khải mới bình thản nói: "Có lẽ là Ngũ đệ".
Tôi nhìn vào mắt của Tuấn Khải, lại hỏi: "Câu hỏi cuối cùng, chàng rơi xuống nước như thế nào?".
Mắt của Tuấn Khải hơi lóe lên nhưng rồi lại lẩn tránh, môi mím lại, không chịu trả lời. Tôi cũng không nhất định phải nghe bằng được câu trả lời của anh ta, dù sao thì các vấn đề cần biết cũng đã biết được tương đối rồi. Rõ ràng là Tuấn Khải và Nhà xí huynh là "ngao cò tranh đấu", còn Triệu vương đang ở tít Thịnh Đô xa xôi, lại chính là "ngư ông đắc lợi".
Tôi thấy tò mò, bèn hỏi tiếp Nhà xí huynh: "Nói như vậy thì, chiếc đinh sắt hôm ấy trên yên ngựa của Triệu vương phi Giang thị cũng không phải là do anh đặt?".
Tuấn Khải nghe tôi hỏi vậy cũng quay đầu lại nhìn Nhà xí huynh. Nhà xí huynh lắc đầu: "Việc gì ta lại phải giở trò ấy với đàn bà".
Tôi nhớ đến cảnh tượng Triệu vương gầm lên ở sân bóng hôm ấy, bụng thầm nghĩ, Triệu vương bề ngoài rất ôn hòa, không ngờ lại thâm độc như vậy. Để có thể ở lại Thịnh Đô mà đang tâm hạ độc thủ với vợ.
Có điều, Tuấn Khải yên tâm để cho Triệu vương ở lại kinh thành, chắc hẳn cũng đã có cấu kết với Triệu vương.
Nghĩ đến đây, tôi không nén được đưa mắt nhìn Tuấn Khải một cái. Chỉ thấy trong mắt anh ta ánh lên nét đau khổ, sau đó từ từ nhắm lại, dựa người vào vách đá.
Không hiểu đó là sự đau khổ vì thương xót Giang thị, hay đau khổ vì sự phản bội của đồng minh Triệu vương.
Tôi khẽ khuyên nhủ anh ta: "Chàng phải nghĩ thoáng lên một chút. Hễ là người đàn ông có chút khí phách thì chẳng ai có thể chịu nổi việc bị vợ cắm sừng. Chàng phải hiểu cho Triệu vương, anh ta bị cắm sừng suốt mấy năm cũng đã đã vô cùng khó khăn rồi".
Tuấn Khải mở mắt ra, chau mày nhìn tôi.
Tôi nhìn vào cánh tay bị gãy của anh ta, bồi thêm mấy câu: "Chàng đã mặc quần áo của người ta thì cũng không nên hận người ta làm gãy tay mình".
Tuấn Khải nhíu chặt mày, khẽ gầm lên: "Toàn nói linh tinh!".
Được lắm! Làm phúc phải tội! Tôi tẽn tò dừng lại, đưa mắt nhìn sang thì nhìn thấy Nhà xí huynh hơi mím môi lại, nhìn tôi nửa cười nửa không.
Bất giác tôi tức giận trừng mắt nhìn anh ta. Nhà xí huynh quay mặt đi, nhưng vẫn khẽ cười.
Tôi đang suy nghĩ xem Nhà xí huynh cười về chuyện gì thì đột nhiên nghe thấy Tuấn Khải gọi: "Lại đây".
Tôi ngước mắt lên nhìn, thấy anh ta đang gọi mình bèn nhích thêm mấy bước, ngồi xổm trước Tuấn khải, hỏi: "Sao? Có chuyện gì à?".
Tuấn Khải nheo mắt nhìn tôi trong giây lát rồi đột nhiên đưa tay ra tóm lấy bàn tay của tôi, kéo tôi ngã vào lòng của anh ta, sau đó dùng cánh tay đó giữ chặt tôi phía trước người mình, ghé sát miệng vào tai tôi, nói bằng giọng dữ dằn: "Nếu nàng mà dám cắm sừng lên đầu ta, ta sẽ lấy mạng Thiên Tỷ!".
Thiên Tỷ, hoàng tử thứ chín Thiên Tỷ, Sở vương Dịch Dương Thiên Tỷ. Đúng vậy, đó là tên chính thức của Nhà xí huynh!
Tôi ngạc nhiên nhìn Tuấn Khải, trong bụng chộn rộn, rất muốn hỏi anh ta: "Ôm rồi, bế rồi, hôn rồi, cắn rồi, tất cả những điều đó đã coi là cắm sừng chưa, hay coi là gần cắm sừng?
Tuấn Khải giận dữ nhìn tôi, bàn tay giữ lấy người tôi lúc này đột nhiên chuyển lên gáy, ấn mạnh đầu tôi xuống, còn mình thì quay mặt lại đón lấy.
Phản ứng cuả tôi rất nhanh, khi hai đôi môi vừa chạm vào nhau, tôi lập tức nhe răng ra, cắn mạnh một cái. Bà nó, lúc ở dưới nước, vì sinh mạng, có hôn nhau với Nhà xí huynh cũng chẳng là gì, thế mà lúc này anh lại lấy điều đó ra để uy hiếp Nhà xí huynh, anh coi tôi là cái gì?
Tuấn Khải hơi sững người, sức ở tay càng mạnh hơn, không những không rời miệng mà còn cắn lại tôi. Hơi thở của anh ta lúc này còn có thêm mùi tanh của máu, đầu lưỡi đẩy mạnh vào miệng tôi.
Chết tiệt! Ông nội anh! Sao anh không gãy luôn cả hai tay cho rồi!
Đang lúc tôi phẫn nộ, lửa giận ngùn ngụt, chỉ ước sao cắn đứt đầu lưỡi của Tuấn Khải thì nghe thấy giọng nói vừa cứng nhắc vừa lạnh lùng của Nhà xí huynh từ chỗ cách đó không xa: "Bọn họ lên bờ rồi".
Cuối cùng thì Tuấn Khải cũng buông tôi ra. Tôi nắm chặt tay thành nắm đấm, nhằm thẳng mặt Tuấn Khải giáng một cú.
Tuấn Khải bị bất ngờ khẽ kêu lên, đầu nghiêng về một bên, môi chảy máu, không biết là do cú đấm vừa rồi hay là do bị tôi cắn.
Nhưng tôi cảm thấy vẫn chưa hả cơn tức, quyết định dùng hai tay bóp cổ Tuấn Khải, đầu không ngoảnh lại, nói với Nhà xí huynh: "Anh hãy giúp ta bóp chết tên này, ta sẽ làm chứng cho anh trước mặt Hoàng thượng là tên khốn này muốn trừ khử anh nhưng lại bị Triệu vương giăng bẫy!".
Nhà xí huynh đứng bên, không nói câu nào. Tuấn Khải từ từ quay mặt lại, đưa tay lau vết máu bên miệng, nhìn tôi bằng ánh mắt căm thù nhưng miệng vẫn nở nụ cười, hỏi tôi với vẻ châm biếm: "Thế còn nàng thì sao?".
"Thủ tiết! Thiếp sẽ thủ tiết cả đời!", tôi đáp với vẻ dữ dội.
Tuấn Khải dùng tay giữ lấy vạt áo của tôi, từ từ kéo tôi lại gần, hỏi gằn từng tiếng một: "Nàng hận ta đến thế sao?".
Tôi nhìn chăm chú vào mắt của anh ta, chậm rãi thốt ra một chữ: "Hận".
Tuấn Khải khẽ cười, nhìn về phía Nhà xí huynh lúc đó đang đứng gần tảng đá, thấp giọng hỏi: "Thế còn Cửu đệ thì sao? Cửu đệ cũng dùng nàng làm mồi nhử đấy thôi".
Tôi trả lời: "Cửu đệ không liên minh với thiếp, không hứa cho thiếp ngôi hoàng hậu, thiếp không có lý do để hận Cửu đệ".
Tuấn Khải ngây người, vẻ mặt có vẻ hơi day dứt, dừng một lát rồi nói tiếp: "Nàng không thể chết được. Ta đã hứa lập nàng làm hoàng hậu thì sẽ không để cho nàng phải chết".
Tôi cười lạnh lùng, hỏi lại: "Thế sao? Vương thị mà rơi xuống nước thì chẳng khác gì cục chì. Không lẽ chàng còn tính tới cả việc thiếp bỗng nhiên biết bơi à?".
Cuối cùng Tuấn Khải cũng chẳng còn lời nào để nói lại.
Tôi nhìn kỹ chiếc cổ rắn chắc của Tuấn Khải, sau đó lại ngắm bàn tay nhỏ nhắn trắng trẻo, mềm mại của Vương thị. Cứ cho là Tuấn Khải một tay không thể hoạt động được đi chăng nữa thì dựa vào mỗi mình tôi cũng không thể bóp chết anh ta được.Vì thế tôi quyết định buông cổ anh ta, đổi thành túm chặt tay anh ta.
Còn Tuấn Khải thì cứ nắm chặt lấy vạt áo của tôi không buông: "Đây là lần cuối cùng".
Tôi cúi đầu, dùng hai tay gỡ từng ngón tay của anh ta ra, nói: "Không đâu, lần nào thiếp thực sự chết mới là lần cuối cùng!".
Tuấn Khải từ từ buông tay ra, mắt hơi cụp xuống, không rõ đang nghĩ gì.
Nhà xí huynh đưa mắt nhìn sang bên phía chúng tôi một cái, nói bằng giọng bình thản: "Bọn họ đang đi về phía này, nhìn dáng vẻ đều là những tay thiện nghệ, e rằng chẳng mấy chốc sẽ tìm ra chỗ này thôi".
Chỗ này chỉ là một sơn động do dòng sông ăn vào dãy núi lớn, đi sâu thêm một chút nữa là vách núi dựng đứng, hầu như không có đường đi tiếp. Tôi vội đi tìm một cây gậy, hòn đá hay bất cứ thứ gì đó có thể dùng làm vật phòng thân.
Nhà xí huynh bước đến mặt Tuấn Khải, quỳ gối xuống nhìn thẳng vào anh ta, nói: "Tam ca, hai chúng ta đánh cuộc xem vận may của ai hơn ai, thế nào?".
Tôi nhất thời không hiểu ý đồ của Nhà xí huynh bèn quay đầu lại nhìn hai người, lại nghe thấy Nhà xí huynh tiếp tục nói: "Để chứng tỏ rằng mình trong sạch, Ngũ ca sẽ không để cho hai chúng ta cùng chết. Chúng ta đánh cuộc xem ai may mắn hơn, những người tới đây là sẽ giết huynh hay giết đệ".
Tuấn Khải bám vào vách đá, trầm ngâm trong giây lát, đáp: "Được".
Nói xong anh ta quay lại nhìn tôi, mặt sa sầm, nói: "Nàng hãy ngoan ngoãn chờ ở đây, sẽ có người đến đón nàng".
Nhà xí huynh cũng cười với tôi: "Cử trốn ở đây đi, dù ta hay Tam ca gặp may thì cũng sẽ để cho nàng con đường sống".
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng có lẽ là cảm kích nhiều hơn. Ông đến đây lâu như vậy, cuối cùng cũng coi như đã được hưởng đôi chút lợi lộc của việc làm đàn bà!
Tuấn Khải đưa tay kia ra đỡ cánh tay bị thương, đi ra ngoài trước, Nhà xí huynh theo sau.
Tôi nhìn bóng lưng hai người đi xa dần, trong lòng chợt thấy chua xót. Tôi đưa mắt nhìn ra xa, bỗng thấy trên sông có thêm mấy chiếc Xích mã châu chỉ có trong quân đội đang xuôi dòng từ thượng lưu xuống. Đầu tiên tôi ngây ra, sau đó thì vô cùng mừng rỡ, vội nhảy lên hòn đá, hét về phía Tuấn Khải và Nhà xí huynh: "Mau quay lại! Viện binh đến rồi!".
Sau đó tôi lại giơ tay vẫy về phía mặt sông, hét to: "Ở đây, chúng tôi ở đây!".
Trên Xích mã châu lập tức có người đứng dậy, cũng vung mạnh tay về phía tôi.
Nhưng tôi cũng lập tức nghe thấy tiếng của Tuấn Khải và Nhà xí huynh đồng thời kêu lên, giọng hoảng hốt:
"Xuống ngay!"
"Nằm xuống!"
Tôi đột nhiên ý thức được mối nguy hiểm của hành động vừa rồi. Đúng là một hành động vô cùng đầu đất, rõ ràng là muốn đứng lên bàn làm bia cho bọn thích khách!
Tôi bỗng trở nên hoảng hốt, trong đầu hoàn toàn trống rỗng. Nhất thời còn chưa nghĩ ra làm thế nào để xuống thì đã thấy hàng loạt mũi tên bay đến, đành ngả người ra sau tránh.
Mấy mũi tên sượt qua áo tôi cắm thẳng vào vách đá phía sau, người tôi tiếp tục nghiêng xuống rồi tiếp tục rơi phịch xuống đất. Đầu tôi va mạnh một cái, mọi thứ trước mắt bỗng nhiên tối sầm lại.
Trong cơn hoảng hốt, khuôn mặt của Ti Mệnh Tinh Quân lại xuất hiện trước mắt tôi, tặc lưỡi liên hồi: "Ngươi nhìn mình mà xem, sao lại hành động lỗ mãng như thế? Não ngươi không có nếp nhăn à?".
Tôi giơ tay định tát ông ta, nhưng không những không chạm tới mà bàn tay còn bị ai đó giữ lại. Tôi cố sức giãy giụa rồi đột nhiên tỉnh hắn, thấy Tuấn Khải đang ngồi bên cạnh, dùng cánh tay không bị thương nắm lấy tay tôi, nói với vẻ tức giận: "Còn chưa tỉnh đã định đánh người, ta thấy thương thế của nàng chắc không nặng lắm!".
Ý thức của tôi vẫn hơi mơ hồ, đưa mắt nhìn xung quanh một vòng, cuối cùng cũng nhận ra mình đang ở trên một chiếc thuyền rất to, hình như là một chiến thuyền.
Tôi hỏi Tuấn Khải: "Thiếp bị thương à?".
Tuấn Khải buông lỏng cánh tay tôi ra, nói bằng giọng lạnh nhạt: "Bị đập đầu trong lúc ngã xuống, có một chỗ bị sưng".
Tôi thở phào một hơi, nhịn không được lại hỏi: "Cửu điện hạ thì sao?".
Nét mặt của Tuấn Khải sa sầm, đáp bằng giọng lạnh lùng: "Vẫn còn sống, đang cùng Lưu chí Hoành trên một chiếc thuyền khác".
Tôi "ồ" một tiếng, lập tức thấy lo lắng cho hoàn cảnh hiện tại của mình. Sự việc lần này mặc dù là kế hoạch của ba anh em họ, nhưng trong mắt người ngoài cuộc thì chính là do tôi bỏ trốn ra ngoài cung. Nếu tôi trở về, liệu Hoàng đế có dễ dàng bỏ qua cho tôi không?
Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, Tuấn khải hẽ hừ một tiếng: "Ta đã sai người bẩm báo với phụ hoàng, nàng bị kẻ khác bắt cóc khỏi cung. Đến lúc đó Cửu đệ sẽ làm chứng cho nàng, chuyện này sẽ dừng lại ở đó, cùng lắm cũng chỉ phạt nàng phải chép Nữ tắc thôi".
Tôi gật đầu hiểu ý. Cũng đúng, nếu thái tử phi có thể dễ dàng bị bắt cóc ra khỏi cung thì triều đình quả thật chẳng còn biết giấu mặt vào đâu nữa cả. Tôi đang mừng thầm thì đột nhiên có người khẽ gõ cửa. Tuấn Khải đứng lên đi ra ngoài. Không rõ người bên ngoài nói với anh ta những gì, chỉ nghe thấy Tuấn Khải khẽ quát: "Cái gì? Ngươi nói lại lần nữa xem!".
Không hiểu sao, bất giác tôi cũng thấy run theo, định dậy khỏi giường, tới sát bên để nghe trộm. Ai ngờ, vừa mới bỏ chăn ra, ngồi dậy thì Tuấn Khải và người kia đã vội vã rời đi.
Tôi chờ trong giây lát rồi khẽ khàng đi tới mở cửa, còn chưa kịp thò đầu ra ngoài thì một thị vệ bất ngờ xuất hiện, nói với vẻ vô cùng cung kính nhưng cũng rất kiên quyết: "Nương nương, Thái tử điện hạ đã dặn, nương nương phải ở trong khoang thuyền nghỉ ngơi, không được tùy tiện đi lại".
Tôi gật đầu vẻ bình thản, hỏi người ấy: "Thái tử điện hạ đâu? Ngươi hãy đi mời Thái tử điện hạ tới đây, ta có việc muốn nói với ngài ấy".
Viên thị vệ cung kính đáp: "Điện hạ có việc nên đã chuyển sang thuyền khác rời đi rồi. Ngài có dặn nương nương hãy ở trên thuyền đợi".
Tôi thấy rất ngạc nhiên, không hiểu là đã xảy ra chuyện gì mà Tuấn Khải lại phải đột ngột rời thuyền đi gấp như vậy, là trong quân có biến hay hành cung ở Phụ Bình xảy ra chuyện? Tôi bèn hỏi: "Nếu đã thế, việc này giao cho ngươi làm là được. Ta có một số đồ đang để ở chỗ Cửu điện hạ, ngươi hãy sai người tới đó lấy về cho ta".
Viên thị vệ tỏ vẻ khó xử, đáp: "Cửu điện hạ ở thuyền khác, bây giờ thuyền đang chạy trên sông, e rằng làm như vậy không được tiện cho lắm. Hay nương nương chờ tới khi thuyền cập bến rồi hãy lấy".
Tôi chẳng qua chỉ muốn thăm dò xem Nhà xí huynh còn sống hay không mà thôi. Nghe viên thị vệ nói vậy trong lòng cũng đã có đáp án, vì vậy không ép anh ta nữa mà quay người đi vào trong khoang thuyền.
Ai ngờ, sau đó tôi lại phải ở lại trong khoang thuyền hơn chục ngày. Đêm hôm ấy thuyền đã về đến Phụ Bình nhưng họ không cho tôi lên bờ, nói rằng Tuấn Khải bảo tôi chờ trên thuyền. Thế là tôi cứ phải ở lì trong khoang thuyền như tù nhân, chờ hơn mười ngày mà chẳng có lấy một mẩu tin tức nào.
Mãi tới đầu tháng Bảy mới có thánh chỉ truyền đến, lệnh cho tôi lập tức lên đường về Thịnh Đô.
Vừa nghe cách xưng hô trong thánh chỉ có sự thay đổi, tôi chợt hiểu ra, lịch sự hỏi thái giám một câu: "Tân hoàng đế đăng cơ khi nào vậy?".
Thái giám tuyên chỉ thu thánh chỉ giao lại cho tôi xong mới nở nụ cười, gật đầu, khom người đáp: "Ngày mùng Hai tháng Bảy Hoàng thượng đăng cơ ở điện Phụng Thiên, sau đó lập tức sai nô tài đến đón nương nương về Thịnh Đô. Người còn dặn dọc đường phải chăm sóc nương nương cẩn thận".
Tôi gật đầu tỏ ý đã hiểu, thảo nào mà suốt mười ngày không có tin tức gì của Tuấn Khải, thì ra anh ta vội trở về Thịnh Đô để giành lấy ngôi báu. Có điều không hiểu sao Tiên hoàng đang khỏe mạnh là thế lại đột ngột ra đi? Bây giờ Tuấn Khải lên ngôi hoàng đế thì Nhà xí huynh và Triệu vương liệu có an toàn không? Nhưng lúc này không phải lúc hỏi những chuyện như vậy, tôi chỉ có thể ngoan ngoãn theo thái giám trở về Thịnh Đô.
Suốt dọc đường, tôi vô cùng ân hận. Tuấn Khải đã lên tới đỉnh cao sự nghiệp, thế còn tôi, nguyên thái tử phi thì sẽ thế nào? Là sống hay là chết? Lên ngôi hay bị phế truất? Tôi thực sự thấy ân hận, chẳng ngờ được rằng Tiên đế lại quy tiên sớm như vậy. Biết trước thì tôi đã không nói với Tuấn Khải những lời độc địa ấy.
Lại còn nói hận anh ta nữa chứ! Nếu biết Tuấn Khải sẽ lên ngôi hoàng đế nhanh như vậy thì lúc đó tôi nhất định sẽ nói: "Không, ông chủ dù có dùng tôi như bia đỡ đạn thì đó cũng là vì coi trọng tôi, tôi phải nhớ ơn mới phải.
Lại còn nói ngược đãi nữa chứ! Điều này chẳng phải trong các tiểu thuyết đã viết rồi sao? Không ngược đãi ngươi thì ngươi có trở thành nhân vật chính không? Nữ nhân vật chính là dùng để chịu ngược đãi, nữ phụ mới là người để nam chính xót thương, nâng niu trên tay!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro