Chương 4: Nâng lên được hạ xuống được mới là trượng phu
Ngày thứ tư, hồi cung.
Tôi và Tuấn Khải không ai bảo ai đều mặc áo cao cổ kín cổng cao tường. Khi gặp mặt, cả hai nhìn nhau một cái rồi Tuấn Khải quay đi, còn tôi chỉ muốn bước tới tát cho anh ta mấy cái.
Bị Lục Ly nắm chặt tay, tôi đành nhịn xuống, chỉ ở sau lưng Tuấn Khải giơ ngón giữa lên thôi.
Người trên, kẻ dưới của Vương gia đều ra cổng để tiễn Tuấn Khải và tôi. Trước con mắt của già trẻ lớn bé trong nhà họ Vương, Tuấn Khải nắm tay tôi, tôi rụt tay lại theo phản xạ nhưng không được, anh ta nắm rất chặt.
Vợ chồng Triệu Vương, Nhà xí huynh, Leo cây công tử... đi theo phía sau chúng tôi nên cũng ra ngoài cổng đứng tiễn. Khi ánh mắt của Vương Tuấn Khải lướt qua chỗ Giang thị, bàn tay đang nắm tay tôi cũng lỏng ra. Tôi cũng quay đầu lại nhìn Giang thị, hôm nay cô ta không mặc màu trắng, mà là một bộ váy màu ngà, dưới làn gió xuân, tà áo phấp phới như một nàng tiên.
Tôi ghé sát Tuấn Khải, ác ý hỏi: "Này, chàng xem, dưới tà váy như cánh tiên kia của Giang thị, liệu có phải là phong lưu quỷ thành đàn không?".
Tuấn Khải quay lại nhìn tôi, ánh mắt sắc lạnh như dao.
Tôi không hề sợ hãi, tiếp tục chọc giận anh ta: "Mắt của Triệu vương và Giang thị đều có quầng thâm, chắc hẳn tối qua đã vật lộn cả đêm đây mà! ".
Bàn tay của Tuấn Khải bóp chặt khiến tay tôi tưởng chừng gãy đến nơi. Tôi nén đau, cố nhe răng ra cười.
Tuấn Khải cũng ghé sát vào tôi, thì thầm: "Nàng đừng tưởng có Vương gia thì ta không dám làm gì nàng".
"Thế thì hãy làm gì thiếp đi. Mau chóng hưu[1] thiếp đi, hay là kiên quyết giết chết đi cho rồi!", tôi chọc giận anh ta. Đêm qua tôi cũng đã suy nghĩ suốt đêm, không thể cứ nhường nhịn Vương Tuấn Khải mãi được. Anh ta vốn dĩ đã coi thường Vương thị, nếu tôi vẫn cứ thuận theo, giả thử sau này anh ta cho tôi làm hoàng hậu thật thì nhất định cũng sẽ hành hạ tôi đến chết.
[1] Hưu: từ cổ, dùng để chỉ việc nam giới bỏ vợ.
Tôi phải để anh ta nhìn thấy giá trị của tôi, cũng giống như việc bạn để cho ông chủ biết được khả năng làm việc của mình vậy.
Hai chúng tôi cứ người này một câu, người kia một câu đấu khẩu với nhau, trong lúc đó chân vẫn không dừng bước. Khi tới trước xa giá, Tuấn Khải đạp văng tên nội thị đang phủ phục trên đất làm bàn đạp, dùng hai tay nhấc tôi lên xe rồi tự mình nhảy lên, cười gằn: "Không giết nàng, không hưu nàng, tưởng ta không có cách đối phó với nàng chắc?".
Nói xong, Tuấn Khải đưa tay đẩy vào ngực khiến tôi ngã ngửa vào trong xe.
Tuấn Khải cũng lao vào trong xe, một ý nghĩa loé lên trong đầu tôi: Nếu đồ chết tiệt nhà anh mà dám trèo lên người ông lần nữa, ông quyết không tha cho anh!
Tuấn Khải đứng từ trên cao nhìn xuống.
Tôi ngẩng mặt nhìn lên, chống khuỷu tay xuống sàn xe, nhìn Tuấn Khải bằng ánh mắt cảnh giác cao độ, thề dù chết cũng giữ trinh tiết!
Cuối cùng tôi nhận ra rằng, suy nghĩ của mình thật đen tối. Vương Tuấn Khải chỉ lạnh lùng nhìn tôi một lúc rồi đi ngang tôi tiến vào trong, không có vẻ gì là định giở trò cấm trẻ em dưới mười tám tuổi trên xe cả...
Tôi ngây người một lúc rồi sau đó bật cười thành tiếng. Nghĩ cũng phải, chỉ cần tâm lý bình thường, không có sở thích biến thái, chẳng ai lại muốn chơi trò "Bá vương ngạnh thượng cung[2]" cả. Tôi là đàn ông nên tôi hiểu, chỉ cần làm một việc không tốt sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng, đó là chuyện cả một đời chứ đừng đùa.
[2] Bá Vương ngạnh thượng cung: ý chỉ cưỡng gian, cưỡng bức. Tương truyền Sở bá vương Hạng Vũ là người có khí lực vô cùng mạnh mẽ, chỉ cần giương cung lên lực bắn nhất định sẽ rất khủng khiếp, nhất định là cường tiễn. "Cường tiễn" và "Cưỡng gian" đồng âm, mà từ cưỡng gian thời đó là kỵ huý vì thế người xưa đã dùng cụm từ "Bá vương ngạnh thượng cung" để thay thế dựa trên việc đồng âm giữa "Cưỡng gian" và "Cường tiễn".
Tuán Khải thấy tôi cười lại đưa mắt liếc tôi một cái, cũng không nói gì, lôi từ trong ngăn kéo ra một cuốn sách, cúi đầu xuống đọc.
Tôi nghĩ thầm trong bụng, xe lắc mạnh thế này, anh cứ việc đọc sách đi, sớm muộn gì cũng bị cận thị cho mà xem! Hừ, tôi không thèm nhắc cho anh biết đâu!
Xa giá đi như rùa bò ra khỏi vùng rừng núi, tiến về kinh đô. Dọc đường Tuấn Khải rất ít khi lên tiếng. Tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, cảm giác như Tuấn Khải lúc ở trong xe và Tuấn Khải khi ở bên ngoài dường như là hai con người khác nhau, không lẽ anh ta mắc chứng tâm thần phân liệt?
Nghĩ đến đây, tôi lại bắt đầu thấy cảnh giác, sợ anh ta đột ngột nổi cơn thú tính lại xông vào tôi thì gay.
Suốt dọc đường tôi luôn ở trong trạng thái nơm nớp phòng bị như vậy, còn Tuấn Khải thì vẫn không có động tĩnh gì, cứ ngồi dựa vào một góc trong xe đọc sách. Các cơ trên người tôi vì phải căng ra trong một thời gian dài đã trở nên tê dại, sau cùng thực sự không chịu đựng được nữa, tôi đành phải xê dịch mông qua lại một chút.
Tuấn Khải nhìn tôi một cái, khoé môi nhếch lên vẻ coi thường, cũng chẳng để ý đến tôi nữa.
Xa giá về đến kinh thành lập tức đi thẳng đến Đông Cung rồi mới dừng lại. Tuấn Khải đứng dậy ra khỏi xe, đến khi ra tới cửa xe mới đột ngột quay lại hỏi một câu: "Nàng biết nếu ta chết rồi, quả phụ như nàng phải làm thế nào rồi chứ?".
Tôi còn chẳng hiểu câu nói của Tuấn Khải là có ý gì, càng đừng nói đến việc trả lời anh ta.
Nhưng Tuấn Khải cũng không định chờ câu trả lời của tôi, chỉ cười lạnh lùng rồi bước ra, đến khi tôi được mấy người hầu dìu xuống xe thì Tuấn Khải đã bỏ đi từ lâu.
Tôi cảm thấy trong lòng đầy nghi hoặc. Vừa về đến cung, còn chưa kịp hỏi Lục Ly xem cảnh quả phụ là như thế nào thì đã thấy một thái y đi vào sân, ông ta thậm chí còn không vào trong mà chỉ đứng ở trước viện đã cho tôi kết luận. Những thuật ngữ đông y tôi xin không nhắc lại nữa, tóm lại là tôi phải ở trong cung tu thân dưỡng tính, ngoài ra còn phải ăn các loại thức ăn nhẹ.
Me kiếp, tên Vương Tuấn Khải kia! Tuy bốn phương pháp chẩn bệnh của đông y quả thật là vọng, văn, vấn, thiết[3] thật đấy, nhưng cũng không phải là kiểu nhìn như thế chứ! Rõ ràng là đang chơi tôi mà!
[3] Vọng, văn, vấn, thiết: Nhìn, nghe, hỏi, sờ.
Lục Ly đỏ hoe mắt, một mực hỏi tôi: "Đêm qua nương nương và Điện hạ còn ân ái như vậy, sao hôm nay lại thành ra thế này?".
Tôi vốn dĩ không sao, nhưng nghe thấy hai chữ "ân ái" thì suýt sặc nước trà trong miệng.
Lục Ly nhìn thấy tôi chảy nước mắt lại tưởng tôi đang đau khổ, vội dùng khăn tay lau nước mắt cho tôi, vừa lau vừa khuyên: "Nương nương hãy nghĩ thoáng một chút, chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết thôi".
Tôi chộp lấy tay của Lục Ly, muốn nói mà không sao nói được, đành nhủ thầm trong lòng: Nha đầu, cô làm sao hiểu được, bọn họ nhất định muốn dồn ta vào chỗ chết đây mà!
Cửa cung đóng lại, tôi lại bắt đầu cuộc sống cá chậu chim lồng.
Có điều, lần cấm cung này so với trước còn khó chịu đựng hơn. Không được ra khỏi cửa đã đành, dù sao bên ngoài rất nóng, có đi ra ngoài thì cũng chẳng có gì vui... Nhưng, bọn họ không thể cứ cho tôi ăn rau xanh, đậu phụ mãi như thế này được. Dù thế nào thì tôi cũng là một thái tử phi cơ mà?
Ba ngày như vậy, da mặt tôi cũng trở nên xanh lét luôn rồi.
Chú Thoòng[4] đã từng nói: "Thực sắc tính dã". Với thân thế hiện tại thì dù có muốn "sắc" cũng không được nữa rồi, chẳng lẽ lại định cắt nốt cả phần "thực" luôn sao?
[4] Chú Thoòng là tên nhân vật và đồng thời là tên một bộ truyện tranh nổi tiếng của Trung Quốc. Bộ truyện này chủ yếu dùng các thành ngữ bốn chữ để đặt tiêu đề, giúp trẻ em học thuộc các thành ngữ một cách dễ dàng. Câu "Thực sắc tính dã" (ăn uống và sắc dục là thuộc tính cơ bản của con người) thực ra cũng là tiêu đề một tập của bộ truyện. Câu này nguyên bản là của Cao Tử.
Tôi nằm phủ phục trên giường, nói không ra hơi: "Lục Ly ta muốn ăn thịt...".
Lục Ly ngồi bên cạnh quạt cho tôi, mắt rưng rưng lệ: "Nương nương, nương nương cố chịu đựng thêm mấy ngày nữa".
Tôi suy nghĩ, cuối cùng quyết định không nên tiếp tục dây dưa với Vương Tuấn Khải, bèn bảo Lục Ly: "Chải đầu rồi giúp ta thay quần áo. Chúng ta sẽ đi gặp Tuấn Khải".
Tục ngữ có câu rất hay, trứng không thể chọi đá, nếu cứ làm ngược ý ông chủ thì sẽ chẳng có kết quả gì tốt đẹp.
Tuấn Khải đang luyện kiếm trong viện của mình, dưới ánh nắng gay gắt, mồ hôi ướt đẫm khiến chiếc áo dính sát cả vào người, để lộ đôi vai rắn chắc, tôi nhìn mà đỏ cả mặt. Quả nhiên là đầu đất, lớn thế rồi mà cũng không biết tìm chỗ có bóng râm mà luyện.
Sau khi múa may hết một bộ kiếm pháp, Tuấn Khải thu về tư thế đứng nghiêm. Các cung nữ đứng hầu ở bên từ nãy đến giờ vội chạy ra, người cất kiếm, người dâng nước, còn có người kiễng chân lên lau mồ hôi trên trán cho anh ta...
Hoóc môn đặc trưng của giống đực lan toả khắp sân, đến cả Lục Ly đứng bên cạnh tôi cũng đỏ mặt.
Tôi rất tức giận, chỉ muốn bùng nổ!
Tuấn Khải khẽ giơ tay, tất cả cung nữ, nội thị đều cúi đầu lùi ra, Lục Ly cũng đành lui theo. Trước khi đi, Lục Ly còn nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng, như muốn nhắc nhở tôi rằng: Nương nương, nhất định nương nương phải nhẫn nhịn, nếu không buổi tối chúng ta lại phải ăn đậu phụ, rau xanh đấy!
Vì thịt, tôi nhịn!
Lúc này Tuấn Khải mới quay đầu lại nhìn tôi, thái độ dửng dưng, cố ý hỏi: "Khỏi ốm rồi à?".
Vương Tuấn Khải, mẹ nhà anh! Tôi chửi thầm trong bụng xong mới trả lời: "Khỏi rồi".
Tuấn Khải tiếp tục hỏi bằng giọng lạnh nhạt: "Chỉ mới ba ngày mà đã khỏi rồi à?".
Tôi không thể đánh anh ta, tôi không thể đánh anh ta, tôi không thể đánh anh ta...
Tôi âm thầm lặp đi lặp lại cả trăm lần mới tạm đè nén được cơn tức giận, gật đầu: "Vâng, chỉ ba ngày thôi".
Tuấn Khải cuối cùng cũng hài lòng gật đầu: "Vậy thì ngoan ngoãn làm cho tốt vai trò thái tử phi của nàng đi!".
Được, nhất định tôi sẽ làm tốt vai trò của một thái tử phi, sau này còn làm hoàng hậu nữa, tiếp đó... sẽ có ngày tôi phế truất anh để lên làm thái hậu!
Vừa được ăn thịt hai ngày thì trong cung tổ chức ngày Lễ đánh bóng.
Đánh bóng vốn là một trò trong quân đội, là biện pháp tốt nhất để luyện kỹ thuật cưỡi ngựa và khả năng chém giết. Sau khi Thành Tổ khởi binh đoạt được ngôi báu liền đặt ra quy định tháng Năm hằng năm sẽ thi đánh bóng, đồng thời yêu cầu con cháu trong hoàng thất đều phải tham gia, mục đích là dù thiên hạ thái bình vẫn không được quên luyện võ. Nghe nói Thành Tổ dùng võ bình thiên hạ, bản thân ông cũng là một cao thủ trò đánh bóng, cưỡi ngựa như thần.
Còn có cả dã sử ghi lại cảnh tượng Thành Tổ đánh bóng cùng với tướng sĩ và binh lính. Thành Tổ cưỡi ngựa lao vun vút, phá rất nhiều đường bóng làm binh sĩ tung hô vạn tuế không dứt, đến cả Thống soái Mạch Tuệ cũng chỉ còn biết nhìn Thành Tổ mà than mình thua kém. Chỉ duy nhất một hộ vệ thân cận luôn che mặt của ông mới có thể tạm coi là đối thủ của Thành Tổ...
Khi đọc đến đoạn này tôi đã nghĩ, Thống soái Mạch Tuệ chưa hẳn là không bằng Thành Tổ, có điều ông là người hiểu rõ chốn quan trường, nếu không sao lại có thể làm đến chức thống soái? Ngược lại, cái người hộ vệ thân cận mà đến mặt cũng không dám lộ ra kia, quả là quá non!
Gọi là đánh bóng, nói thẳng ra chỉ là cưỡi ngựa chơi bóng thôi.
Nói đến môn thể thao này, trước đây không phải tôi chưa từng nhìn thấy, chỉ là hồi ấy tôi thuộc tầng lớp thường dân, nhìn thấy ngựa trên ti vi cũng không ít, nhưng nếu dắt nó tới trước mặt bảo tôi cưỡi thử, chắc hẳn là tôi sẽ run lên bần bật chứ đừng nói gì đến chuyện tôi cưỡi ngựa tranh bóng cùng với một đám người... Nếu đổi lại là môn bóng đá chạy bằng chân thì nhất định tôi sẽ ra sân đá với họ ngay lập tức.
Lục Ly nhiệt tình chuẩn bị đồ cho tôi một cách hết sức cẩn thận, còn tôi thì lại cảm thấy rất khổ sở, đành lên tiếng thăm dò Lục Ly: "Liệu ta không ra sân có được không?".
Lục Ly quay lại nhìn tôi, đôi mắt hạnh trợn tròn như hạt long nhãn: "Như thế sao được? Nương nương là người đứng đầu Đông Cung, sao có thể không ra sân? Hơn nữa, lão thái gia nhà chúng ta lại là Vương Lang hiển hách của quân Giang Bắc, kỹ thuật cưỡi ngựa cao siêu, một mình một ngựa một đao, khua gươm như múa, thiên hạ ai mà không biết? Nương nương là con nhà võ tướng, không thể nào hạ thấp danh tiếng của Vương gia được!".
Không thể nào hạ thấp danh tiếng của Vương gia!
Trời, áp lực lớn quá! Nhìn vẻ nghiêm túc của Lục Ly, tôi thực sự không nỡ nói với cô ấy rằng, nương nương của cô bây giờ, đến cả cưỡi ngựa cũng không biết...
Tôi thấy mình rất mâu thuẫn, liệu có nên nói tình hình này với "ông chủ" không?
Nếu anh ta biết chuyện, không biết sẽ có thái độ như thế nào?
Bỗng nhiên, tôi thấy có phần chờ mong.
Đêm trước buổi Lễ đánh bóng, tôi tới điện của Tuấn Khải tìm gặp anh ta, đắn đo một hồi, tôi khéo léo nói cho anh ta biết rõ tình hình.
Tuấn Khải đang cầm tấu chương chuẩn bị phê duyệt, ngước mắt lên nhìn tôi, nét mặt vẫn rất bình thản.
Bất giác tôi than lên một tiếng, định lực quá tốt!
Tuấn Khải bỗng ném đám tấu chương trong tay xuống, đứng dậy khỏi thư án đi vòng tới bên cạnh tôi, không nói một lời nào, kéo tay tôi lôi ra ngoài.
Tôi rất ghét cái kiểu lôi lôi kéo kéo giữa đàn ông với nhau, hơn nữa lại bị Tuấn Khải làm cho loạng choạng, vội vàng kêu lên: "Này, chàng buông tay ra đi! Thế này là thế nào!".
Tuấn Khải còn không thèm quay đầu lại, chỉ gầm lên vẻ mất kiên nhẫn: "Nàng im ngay!".
Nói xong liền hướng về phía những nội thị trong cung hét: "Chuẩn bị ngựa!".
Nhìn thấy vẻ mặt của Tuấn Khải không vui, nội thị cũng không dám chần chừ, vội vàng chạy đi báo người chuẩn bị ngựa.
Vì Tuấn khải yêu thích võ nghệ nên Đông Cung dành riêng một chỗ cho anh ta luyện võ. Khi Tuấn Khải kéo tay tôi đến một chỗ luyện võ ở một góc Đông Cung thì đã có hai con ngựa chờ sẵn.
Những người hầu đều bị Tuấn Khải ra lệnh rời đi nên sân tập võ không còn lấy một bóng người.
Tôi lập tức hiểu ra, anh chàng này định tập huấn đêm!
Nửa đêm, ngựa đã mệt, làm vậy... rất dễ xảy ra sự cố!
Tôi nhìn Tuấn Khải, thương lượng: "Liệu để sáng sớm mai học có được không?".
Vẻ mặt Tuấn Khải lạnh lùng, thốt lên đúng hai từ: "Lên ngựa!".
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành cầm lấy dây cương, đang định lên ngựa theo cách học được trên ti vi thì bị Tuấn Khải gọi lại, tôi quay đầu nhìn anh ta.
Tuấn Khải lạnh lùng nói: "Cởi váy ngoài ra!".
Tôi sững người, cởi váy? Anh ta muốn tôi trèo lên ngựa hay là lại muốn trèo lên người tôi?
Có lẽ ánh mắt của tôi đã bộc lộ suy nghĩ trong lòng quá rõ ràng, vì vậy Tuấn Khải sầm mặt lại, tức giận: "Mặc vướng víu như thế, cưỡi ngựa làm sao được?".
Tôi chợt hiểu ra, vội chạy tới một góc sân tập, cởi hết áo váy vướng víu trên người ném xuống đất, chỉ mặc một bồ đồ lót quay trở lại, túm lấy dây cương, lắp yên ngựa định nhảy lên...
Tư thế của tôi lúc ấy tuy không được đẹp mắt nhưng cuối cùng thì cũng đã ngồi được lên được mình ngựa, tôi thẳng lưng, quay lại nhìn Tuấn Khải với vẻ đắc ý.
Tuấn Khải đứng ngây ra nhìn tôi, biểu hiện trên mặt rất đặc biệt, rất khó tả.
Tôi cân nhắc, không lẽ là vì anh ta chưa nhìn thấy tôi... thoải mái như thế bao giờ chăng?
Tôi giật giật dây cương, hỏi Tuấn Khải: "Chúng ta... bắt đầu chứ?".
Một đêm tập luyện có thể có được kỹ thuật cưỡi ngựa giỏi... Đừng mơ! Chưa từng nghe nói ai học cưỡi ngựa sau một đêm mà được như vậy. Dù tôi là người có thể lực và kỹ năng không đến nỗi tồi nhưng cũng chẳng thể nào đạt được đến trình độ ấy.
Dù sao tôi cũng đã có thể cưỡi ngựa chạy được rồi. Có điều cưỡi trên mình ngựa và cúi người đánh bóng là hai động tác vô cùng khó, nếu làm từng động tác một thì được, song làm cùng một lúc thì tôi không dám.
Suy cho cùng, việc này giống như lâm trận mới mài gươm, dù cuối cùng có mài xong thì cũng chỉ là để nhìn cho thoả mắt chứ chẳng có tác dụng gì!
Tuấn Khải lo lắng trong lòng nhưng vẫn cố không thể hiện ra mặt. Dù sao chỉ một đêm mà tôi luyện được như thế cũng đã là tốt lắm rồi.
Gần sáng, Tuấn Khải mới nói một câu: "Tạm thời như thế đã! Ngày mai tìm một cái cớ để khỏi phải ra sân đi!".
Tôi không có tài, cũng chẳng có lời nào để nói, đương nhiên phải ngoan ngoãn nghe lời. Chỉ có điều, lúc xuống ngựa mới thấy không chỉ lưng và mông tê dại mà hai chân cũng đau nhức, đưa tay sờ thì thấy bàn tay đầy máu.
Trời ạ! Thế là bị rách da rồi!
Tôi hít mấy hơi, cà nhắc đi tới góc sân mặc quần áo. Vừa bước được hai bước bỗng cảm thấy người nhẹ bẫng, thì ra là bị Tuấn Khải bế bỗng lên, xoay người tôi trên không trung một vòng rồi vác tôi trên vai...
Tôi cuống lên, không biết anh ta định giở trò gì?
Tôi kêu lên: "Chàng...".
"Nàng im ngay!", Tuấn Khải nói, giọng lạnh lùng.
Với phương châm: Hảo hán không chấp thua thiệt trước mắt, tôi lựa chọn cách im lặng.
Tuân Khải dùng chân móc chiếc váy dưới đất rồi trùm lên người tôi, sải bước ra ngoài.
Tôi xoay người, nhìn cảnh vật xung quanh, anh ta đang đi tới tẩm cung của tôi?
Lục Ly vẫn đang chờ tôi trong phòng, nhìn thấy tôi được Tuấn Khải vác về, sợ quá cứ lắp bắp: "Điện điện... điện hạ!".
Tuấn Khải không nói gì, đặt tôi xuống giường rồi quay người bỏ đi.
Chờ Tuấn Khải đi khỏi Lục Ly mới hồi phục tinh thần, lao đến bên giường. Nhìn thấy trên váy của tôi có máu, nước mắt lập tức trào ra, cắn môi nghẹn ngào: "Thái tử điện hạ, quá quá quá...".
Một hồi lâu mà Lục Ly vẫn không nói được Tuấn Khải quá thế nào!
Tôi đoán: "Quá tốt?".
Lục Ly lắc đầu, nước mắt chan chứa.
Tôi lại đoán: "Anh tuấn?".
Lục Ly lại lắc đầu.
Tôi lại thăm dò: "Đầu...".
Chưa nói xong, tôi chợt nhớ ra Lục Ly không biết từ này. Vì thế, tôi sửa lại: "Cầm thú?".
Lục Ly ôm tôi oà khóc, vừa khóc vừa nói: "Nương nương, để em chuẩn bị nước cho nương nương, chỉ cần tắm một cái là sẽ đỡ hơn...".
Phải rồi! Có vẻ đúng là từ đó!
Lục Ly dậy khỏi giường, luống cuống lau nước mắt trên mặt rồi vội đi chuẩn bị nước nóng. Tôi cũng thấy mồ hôi nhớp nhúa trên người quả rất khó chịu nên để kệ Lục Ly đi làm việc của mình.
Một lát sau, Lục Ly gọi người khiêng thùng nước tắm vào đặt ở phía ngoài bức bình phong, bản thân thì vào trong đỡ tôi dậy.
Tôi xua tay: "Không cần đỡ, mau đi lấy cho ta ít thuốc trị thương".
Ngâm mình trong thùng nước nóng quả thật rất dễ chịu, tôi ngâm một lúc hai mắt đã dính chặt lại chỉ muốn ngủ.
Lục Ly thỉnh thoảng lại lau nước mắt, tôi đã mấy lần định dỗ dành cô. Có điều, nhìn tiểu cô nương hai mắt hoe đỏ cũng rất đáng yêu, hơn nữa tôi cũng đã rất mệt, thật sự chẳng còn sức mà dỗ nữa.
Sau khi tắm rửa bôi thuốc vào vết thương, leo lên giường nằm được một lúc thì đã gần sáng. Lục Ly phủ phục bên giường, dịu dàng hỏi tôi: "Nương nương, hay là hôm nay nương nương đừng ra sân nữa, nói tối hôm qua bị trúng gió là được rồi".
Nghe vậy, tôi tỉnh hẳn, nói to: "Đi chứ! Tất nhiên là phải đi rồi!".
Không đi, chẳng phải là phí công luyện tập cả tối của tôi sao?
Sân chơi được đặt trước Bảo Tân lâu, trên một sân cỏ rộng, hai đầu đông, tây lần lượt dựng những cột gỗ to làm cầu môn với chiều cao hơn một trượng, đầu nhọn phía trên có khắc hình rồng vàng, đầu dưới đặt trên một trụ đá có hình hoa sen, trông rất khí thế.
Hoàng hậu đi cùng với Thái hậu, dẫn đầu một đoàn các cung tần mỹ nữ ngồi trên Bảo Tân lâu, các đại thần và binh sĩ vây kín bốn phía.
Người chơi được chia làm hai đội, mỗi đội có mười sáu người, một đội mặc áo vàng, một đội mặc áo xanh. Ngoài hoàng tử, công chúa, các hậu duệ hoàng tộc, cũng là anh tài trong triều, đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong đội.
Tôi nhìn chiếc áo màu vàng trên người, lại nhìn màu xanh trên áo Nhà xí huynh và Leo cây công tử, trong lòng cảm thấy rất vui.
Với cuộc thi tầm cỡ này, người phát bóng mở màn chắc chắn phải là Hoàng đế rồi.
Hoàng đế cưỡi ngựa ra sân, trống chiêng đồng loạt khua lên, người của các đội chơi đều thúc ngựa vào vị trí.
Leo cây công tử còn cố ý chạy đến, cười với tôi: "Phải thể hiện để chúng tôi được chứng kiến tài nghệ của nương nương đấy!".
Tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu.
Nhà xí huynh đi ngang qua tôi, khẽ mỉm cười, ôn tồn dặn dò: "Cẩn thận nhé!".
Tôi vẫn gật đầu.
Tuấn Khải đi ngang qua, mặt mày lạnh lùng thấp giọng dặn dò: "Chạy một vòng rồi rời khỏi sân".
Tôi tiếp tục gật đầu.
Triệu vương và Giang thị cưỡi ngựa song song với nhau, đi ngang chỗ tôi còn chưa kịp thể hiện thái độ gì, tôi đã gật đầu theo quán tính.
Triệu vương ngẩn người.
Giang thị khẽ mỉm cười.
Nhất thời tôi không thể nào để tâm đến quá nhiều chuyện, một tay cầm dây cương, một tay nắm chắc gậy, chăm chú chờ Hoàng đế phát bóng, sau đó... thúc ngựa đuổi theo quả bóng, tiếp theo thì... tìm cớ để rút khỏi sân!
Trong lúc tôi đang dốc lòng quan sát bỗng nghe thấy tiến Lục Ly gọi. Tôi quay đầu lại, Lục Ly chụm hai tay làm loa, kêu về phía tôi: "Nương nương nhất định chiến thắng!".
Trong chốc lát, tôi không biết nói gì, quay đầu lại, ở đầu kia Hoàng đế đã phát bóng.
Nhờ ơn Lục Ly tôi thậm chí còn không biết quả bóng lăn về phía nào. Đành chịu, thấy chỗ nào có nhiều người thì chạy về phía ấy vậy. Khó khăn lắm mới chạy đến gần thì quả bóng đã bị Tuấn Khải cướp được, anh ta đánh liền mấy nhát, sau đó đánh một phát mạnh, khiến cho quả bóng bay thẳng về phía xa. Lúc chạy ngang qua tôi, anh ta còn khẽ gầm lên: "Rời sân mau!".
Tôi gật đầu, vừa lùi sang bên thì va ngay vào một người đang chạy rất nhanh, người kia tuy đã cố gắng ghìm cương lại nhưng vẫn không kịp...
Lúc lăn xuống khỏi mình ngựa, tôi nghĩ: Được lắm! Phen này thì có một cái cớ chính đáng để rời sân rồi!
Người kia vội xuống ngựa, đỡ tôi dậy, khuôn mặt với những đường nét góc cạnh tái hẳn đi, cuống quýt kêu lên: "Nương nương, nương nương!".
Tôi nghiến răng, cố nén đau nhìn kỹ người kia. Tả dực vệ tướng quân Hạ Binh Tắc, người đời xưng tụng "Thiếu kiêu tuệ, tiện cung mã[1]", cha của anh ta là Hạ Lương Thần, từng là Trụ quốc tướng quân với những chiến công hiển hách trên chiến trường, hiện là Trung thư Thị lang.
[1] Thiếu niên dũng mãnh, thông thạo bắn cung và cưỡi ngựa.
Quả xứng danh dòng dõi võ tướng!
Hạ binh tắc quỳ một gối xuống đất, hai tay dang ra định đỡ tôi dậy nhưng lại không dám động vào, nét mặt lo lắng nhìn tôi, hỏi: "Nương nương, người có bị thương ở đâu không?".
Vai của tôi đập xuống đất trước tiên nên rất đau, nhưng lúc này tôi cố nén, chỉ nhăn nhó nói: "Không sao đâu, cánh tay bị va xuống đất một chút thôi".
Hạ Binh Tắc nghe vậy càng lo lắng, luôn miệng nhận tội.
Tôi đang định mở miệng nói mấy câu thu phục nhân tâm thì Tuân Khải đã cho ngựa quay trở lại, xuống khỏi ngựa, cúi người nhìn tôi nhưng không đưa tay ra mà chỉ lớn tiếng gọi: "Người đâu, mau khiêng Thái tử phi vào đi!".
Đội cứu thương chờ bên ngoài sân cuối cùng cũng có việc để làm. Mấy nội thị nhanh chóng mang một chiếc cáng gấm, thuần thục đỡ tôi lên cáng rồi đưa thẳng ra ngoài.
Tôi mở miệng còn chưa kịp nói, vô cùng tiếc nuối ngoái đầu lại nhìn, bỗng loáng thoáng nghe thấy Tuấn Khải nói với Hạ Binh Tắc: "Là lỗi của Thái tử phi, không liên quan gì tới Binh Tắc...".
Trời, người này sao cứ thích giành lời thoại của tôi thế nhỉ?
Sau khi đưa tôi ra ngoài, đám người ấy mới xúm xít vây xung quanh tôi. Thái y cầm hòm thuốc lắc lư bước đến, len qua đám người, đầu tiên quan sát vẻ mặt của tôi, sau đó mới cúi đầu đưa tay bắt mạch, miệng hỏi: "Nương nương, người thấy đau ở đâu?".
Tôi đáp: "Ở vai".
Thái y khép hờ mắt, một tay vân vê chòm râu dưới cằm, làm bộ làm tịch: "Nương nương, khí huyết hao tổn, lại ứ trệ không thông, cần phải dùng một ít Bát trân ích mẫu hoàn để bổ khí dưỡng huyết, điều kinh".
Tôi nghiêng đầu, nhất thời không nghe rõ.
Chỉ thấy biểu hiện của những người xung quanh, mỗi người một kiểu nhưng đều không nói gì, duy nhất Leo cây công tử đứng xem ở đằng sau bỗng nhiên phì cười thành tiếng.
Tôi ngửa đầu về phía sau, đưa mắt nhìn anh ta một cái. Leo cây công tử nhìn thấy điệu bộ ấy của tôi càng cười khoái chí hơn.
Nhà xí huynh đứng bên, nắm hờ bàn tay đưa lên miệng ho khẽ hai tiếng, sau đó hạ giọng nói: "Tống Thái y, Thái tử phi ngã bị thương ở vai".
Nghe nói vậy, Tống Thái y giật mình mở to mắt, vội vàng nhận lỗi: "Nương nương tha tội, nương nương tha tội, Khưu thái y chuyên về ngoại khoa xin nghỉ phép, thần tạm thời đến thay, nhất thời quen miệng".
Nghe những lời nói ấy, tôi cuối cùng cũng hiểu, chả trách mà lại râu ông nọ cắm cằm bà kia như thế, nói một hồi thì ra là làm thay.
Cái tên Leo cây công tử chết tiệt kia lại hỏi thêm một câu: "Tống thái y chuyên về khoa nào?".
Tống thái y hơi cúi đầu, đáp với vẻ ngượng ngùng: "Thần... chuyên chẩn trị về phụ khoa".
Đám đông đều cố mím môi, giả bộ như không có gì, quay mặt đi, không nhìn tôi nữa.
Trong giây phút ấy... tôi rất muốn giết người.
Tuấn Khải từ sân chơi chạy vào thăm tôi, anh ta nhìn tôi một lượt bằng con mắt lạnh lùng rồi quay sang hỏi Tống thái y: "Vai của nương nương có làm sao không?".
Tống thái y vội quay lại nhìn tôi, nói như thương lượng: "Nương nương thử cử động tay xem có trở ngại gì không?".
Trời ạ, thế mà cũng gọi là thái y của hoàng cung? Còn không bằng cả mấy thằng cha giang hồ bán thuốc dạo! Tôi vừa chửi thầm trong bụng vừa giơ cánh tay, mặc dù rất đau nhưng cũng không đến nỗi không cử động được. Vì thế, tôi nhanh chóng đứng dậy, nói: "Không sao đâu, chỉ bị trật một chút thôi, xương không có vấn đề gì, mọi người cứ về vị trí của mình đi".
Mấy cung nữ và nội thị chạy trở về Bảo Tân lâu bẩm báo lại với Thái hậu và Hoàng hậu, những người khác cũng đều rời đi. Tuấn Khải và bọn Nhà xí huynh leo lên ngựa ra sân, cuộc thi đấu lại tiếp tục sau mấy phút gián đoạn.
Tống thái y lau mồ hôi, trước khi rời đi còn quay lại nhìn tôi một cái, nói với vẻ rất quan tâm: "Nương nương, người thực sự cần phải dùng ít Bát trân ích mẫu hoàn để điều chỉnh một chút".
Tôi nhấc chân lên nhưng cuối cùng cũng nén ý muốn đá cho ông ta một cái, chỉ phủi bụi trên giày, không thèm để ý đến những lời của ông ta.
Vì bị thương nên tôi rút lui khỏi cuộc chơi, trèo lên Bảo Tân lâu cùng với một bầy mỹ nhân xem thi đấu.
Trên sân, trận đấu đang đến hồi quyết liệt. Tuấn khải mặc áo vàng cưỡi ngựa chạy đi chạy lại như con thoi, trông rất có dáng của một bậc vương tôn, còn Nhà xí huynh trong bộ đồ màu xanh cũng như rặng liễu trước gió, vô cùng thoải mái, tự nhiên. Cuộc chiến giữa hai bên đã trở nên rất căng thẳng.
Đang hồi gay cấn thì bỗng có tiếng kêu điệu đà vang lên, lại một người nữa ngã ngựa. Vì hiếu kỳ, tôi lập tức đứng dậy nhìn xuống phía dưới, không ngờ người ngã lần này là Triệu vương phi Giang thị õng ẹo kia.
Tôi da thịt đầy đặn, dù có ngã cũng không sao, còn Giang thị mảnh mai, yếu đuối như vậy, cú ngã này không biết ra sao đây? Tôi thấy sửng sốt, vô thức tìm kiếm bóng dáng Tuấn Khải. Nhưng có tới mười mấy người mặc áo vàng trên sân, thật khó mà nhận ra anh ta ở đâu.
Đang lúc cuống quýt thì nhìn thấy một bóng người áo vàng cưỡi ngựa lao về phía Giang thị, tôi không dám nhìn kỹ, vội quay đầu đi, dùng tay che mắt.
Tiếng của Triệu vương vọng lại từ một chỗ rất xa trong sân bóng, nghe như tiếng gầm: " Mỹ Kỳ! Mỹ Kỳ! Nàng sao thế? Nàng đừng làm ta sợ, nàng sao thế?...".
May quá, may qua, không phải là Tuấn Khải.
Như cất được gánh nặng trong lòng, tôi thả tay xuống, nhìn ra sân chơi, trông thấy Triệu vương đang ôm lấy Giang thị mà lắc. Giang thị bây giờ như liễu rủ trước gió.
Có điều, cơn gió đó hình như hơi lớn.
Triệu vương lắc như điên...
Tôi nhìn mà thất kinh...
Tôi thấy Tuấn Khải phóng ngựa tới, có phần hoảng loạn nhảy xuống, sải bước đến bên cạnh Triệu vương, giành lấy Giang thị từ trong tay Triệu vương, ôm ngang người cô ta, bước nhanh ra khỏi sân bóng...
Bảo Tân lâu đột nhiên im lìm, các cung tần mỹ nữ không hẹn mà gặp, tất cả đều quay lại nhìn tôi.
Tôi ngây người trong mấy giây, sau đó đành quay mặt đi, đưa tay lên che mắt.
Vương Tuấn Khải ơi là Vương Tuấn Khải, anh còn có thể ngu xuẩn hơn thế nữa không?
Lại nghe thấy tiếng Hoàng hậu ngồi trên cao lo lắng sai khiến: "Mau đi xem thế nào đi? Hôm nay sao lại xảy ra nhiều chuyện như vậy? Hết người này đến người khác ngã ngựa, con ngựa ấy vừa rồi còn rất ngoan ngoãn cơ mà, sao bỗng dưng lại phát cuồng lên thế?".
Nội thị vội vã làm theo lệnh.
Trước mắt rất nhiều cung tần mỹ nữ, tôi bình tĩnh nâng cốc trà lên, uống một ngụm rồi đặt xuống, liếc sang bên thì thấy Thẩm mỹ nhân vẫn đang mở to mắt nhìn mình, tôi hơi do dự một lát rồi đưa cốc trà trong tay đến trước mặt cô ta, hỏi: "Thẩm mỹ nhân có muốn uống một ngụm không?".
Thẩm mỹ nhân đỏ mặt, vội lắc đầu, bưng cốc trà của mình lên uống một ngụm. Tôi vươn tay ra, trước vẻ kinh ngạc của cô nàng, lấy lá chè dính trên miệng Thẩm mỹ nhân xuống, ngón tay nhân tiện lướt qua khuôn mặt có làn da mịn màng, mượt mà như đậu phụ, sau đó mới chìa chiếc lá chè cho cô xem và cười nói: "Thẩm mỹ nhân khát quá chăng? Sao uống vội quá thế?".
Khuôn mặt của Thẩm mỹ nhân càng đỏ hơn, xấu hổ tới mức không dám ngẩng đầu lên.
Tôi làm như không có chuyện gì, quay đầu nhìn xuống phía dưới, trong lòng vô cùng vui vẻ, quả nhiên trêu chọc người đẹp là thú vị nhất.
Giang thị ở quá xa nên từ trên gác nhìn xuống không rõ, chỉ thấy một đám người vàng vàng xanh xanh xúm xít xung quanh. Tống thái y lại xách hòm thuốc lách qua đám đông tiến vào, quỳ xuống bên cạnh bắt mạch cho Giang thị.
Bỗng nhiên tôi rất muốn hỏi Tống thái y: âm dương của Triệu vương phi có cân bằng không? Đời sống vợ chồng có hoà hợp không?
Lục Ly đứng hầu bên cạnh tôi, mí mắt hạ thấp, điệu bộ rất thành kính, hai tay chắp lại, không biết đang cầu xin điều gì. Tôi nghiêng tai cố lắng nghe nhưng chỉ nghe thấy mấy từ "mong Bồ Tát phù hộ", không nén được, khẽ hỏi: "Ngươi đang xin Bồ Tát cái gì thế?".
Lục Ly mở to mắt, cẩn thận quan sát xung quanh, sau đó ghé sát vào tai tôi thì thầm: "Con xin Bồ Tát phù hộ, để cho Giang thị bệnh liệt giường!".
Tôi thất kinh, đưa mắt nhìn Lục Ly.
Lục Ly nhìn tôi vẻ đắc ý, sau đó nghiêm mặt, cúi đầu xuống tiếp tục thành kính cầu xin...
Nha đầu này! Tôi, tôi... tôi không biết phải nói gì.
Nội thị được Hoàng hậu cử đi xem tình hình đã quay trở về, bẩm báo với Hoàng hậu và Thái hậu: "Triệu vương không nguy hiểm đến tính mạng, có điều bị gãy cánh tay và chân...".
Tôi nghe mà không khỏi hoảng sợ. Cùng là ngã ngựa, sao Giang thị lại không may như vậy? Chẳng lẽ là vì người cô ta ít thịt hơn tôi?
Tôi lại nghe thấy Hoàng hậu hỏi: "Đã tìm ra nguyên nhân ngã ngựa rồi chứ?".
Nội thị đáp: "Đã tra ra rồi ạ, không hiểu sao yên ngựa bị ai đó đặt kim sắt, khi Triệu vương phi cúi người xuống đánh bóng thì chiếc kim ấy đâm vào mình ngựa, khiến nó hoảng sợ hất Triệu vương phi xuống".
Tôi nghe vậy càng kinh ngạc, nói như vậy là có người đã cố ý hại Giang thị? Nhưng sao cô ta sớm không ngã, muộn không ngã mà lại nhằm đúng lúc tôi vừa ngã xong mới ngã lăn ra đấy?
Mẹ kiếp, rốt cục là đứa chết tiệt nào đã hại tôi?
Hoàng hậu vẫn đang chất vấn người nội thị, khí thế như Bao Hắc Tử đang xử án: "Ngựa của Hoàng thất sao lại để cho kẻ nào lén đặt kim ở đó?".
Nội thị đang định trả lời thì Thái hậu im lặng nãy giờ bỗng lên tiếng: "Đến ngựa của chủ mà cũng không trông nom cho tốt, đám chăn ngựa của Triệu vương phủ đúng là vô dụng, giữ bọn chúng lại làm gì, đánh chết bọn chúng đi là xong. Ngươi ra nói với bọn chúng, hãy đưa Giang thị về Triệu vương phủ dưỡng thương trước đi, Triệu vương thi đấu xong sẽ về".
Nội thị nghe nói vậy, đưa mắt nhìn Hoàng hậu vẻ thận trọng rồi vội cúi đầu đáp: "Tuân lệnh", sau đó quay người chạy ra ngoài.
Tôi nghe vậy cứ ngây ra, một hồi lâu mà đầu óc vẫn không hiểu, lại nghe thấy Thái hậu từ bi như Bồ Tát gọi tôi: "Nguyệt Nguyệt à, lại đây để ta nhìn xem nào. Vừa rồi bị thương có nặng không? Làm ta lo muốn chết đi được".
Tôi đau khổ vạn phần. Nguyệt Nguyệt, đúng vậy, đây chính là khuê danh của Vương thị, Vương Nguyệt Nguyệt, vừa nghe đã thấy rất ngây thơ, ấu trĩ, lại nghe tên của Giang thị mà xem, Giang Mỹ Kỳ, mọi người nói thử xem, liệu có sánh được với nhau không?
Ông chủ lớn nhất là Thái hậu đã lên tiếng, tôi tất nhiên không dám không tuân theo, chỉ có thể nhân lúc đứng lên hít một hơi thật sâu, cố gắng kéo khoé miệng về phía hai tai, sau đó... ưỡn ngực, ngẩng đầu, vểnh mông... đi từng bước một tới chỗ Thái hậu.
Khi tôi vẫn còn cách chỗ Thái hậu một đoạn khá xa thì bà đã chìa tay về phía tôi.
Tôi nhủ thầm trong lòng, mỹ nhân vẫn cứ là mỹ nhân, đến chín mươi chín tuổi vẫn cứ là mỹ nhân. Con người mà, phải tìm ra sự tồn tại của cái đẹp vượt qua cả thời gian... Nghĩ vậy, khoé môi của tôi càng nhếch cao hơn, chìa cánh tay không bị thương về phía Thái hậu.
Thái hậu kéo tôi ngồi xuống bên cạnh mình, mỉm cười, nói: "Môn đánh bóng này vốn không phải dành cho phụ nữ. Hồi Tiên đế còn sống ta cũng đã mấy lần khuyên rồi, nhưng Tiên đế là người đã quyết chuyện gì thì nhất định không thay đổi".
Tôi thực sự không thể đối phó được với tình huống nay, đành cúi đầu giả bộ ngoan ngoãn, trong khi Thái phi bên cạnh thì thỉnh thoảng lại xen vào mấy câu pha trò. Thái hậu quay sang, đưa tay khẽ vỗ vào mu bàn tay của tôi, dịu dàng nói: "Tính tình của Thái tử giống hệt như Tiên đế Cửu Thành, chắc Nguyệt Nguyệt đã chịu khổ không ít, đúng không?".
Tôi nhủ thầm trong lòng, chỉ có đầu đất mới dám kể tội chồng với bà nội hắn, dù thế nào thì con cháu trong nhà họ vẫn cứ thân thiết hơn. Vì thế, tôi hồi tưởng lại biểu hiện của Thẩm mỹ nhân vừa nãy, cũng cúi đầu xuống, chậm rãi đáp: "Điện hạ đối xử với con rất tốt".
Thái hậu cười, nheo mắt nhìn tôi rồi quay sang các cung tần mỹ nữ khen: "Chỉ có Nguyệt Nguyệt là hiểu chuyện, Tiên đế quả nhiên là không nhìn lầm người".
Vì ông chủ lớn nhất đã nói vậy, người dưới tất nhiên phải phụ hoạ theo. Vương thị nhất thời được tôn vinh như thể người nhà Trời, người thì nói Vương thị tính tình dịu dàng, người thì nói Vương thị hiền thục, người lại nói Vương thị có khuôn mặt đoan trang, phú quý...
Ồ, sao không nghe thấy ai nói Vương thị đằng trước căng, đằng sau nở nhỉ? Đó mới là ưu điểm nổi bật nhất trong các ưu điểm!
Thái hậu chuyển chủ đề khiến những người ngồi trên lầu xao nhãng việc theo dõi trận đấu. Đến tận lúc nghe thấy tiếng reo hò của quân sĩ ở phía ngoài, những người đàn bà đang nói đến chuyện trang điểm ở trên lầu mới giật mình nhận ra cuộc thi đã kết thúc. Đội áo vàng dưới sự dẫn dắt của Tuấn Khải, mặc dù bị tổn thất hai "đại tướng" nhưng vẫn thắng đội áo xanh một quả, giành ngôi quán quân.
Trên sân, hai đội xếp thành hai hàng riêng biệt. Hoàng đế cưỡi ngựa leo lên bục tuyên bố ban thưởng, Tuấn Khải thúc ngựa ra khỏi hàng, bước lên bục cao với tư thế rất hùng dũng, đón lấy cờ gấm trong tay Hoàng đế, sau đó thúc ngựa đến trước đài, một tay ghìm cương để con ngựa dừng lại, tay kia giơ cao lá cờ trước gió, tướng sĩ bá quan bốn bên vang lên tiếng hoan hô vang dội...
Trước cảnh tượng ấy, tôi không thể không thừa nhận, tuy Tuấn Khải có đầu đất một chút, nhưng võ công thì rất tuyệt.
Thái hậu nhìn Tuấn Khải rồi lại quay sang nhìn tôi, trong tiếng hô vang dội của mọi người, bà nhẹ giọng thì thầm với tôi: "Ta gặp Tiên đế lần đầu tiên vào năm mười sáu tuổi, Tiên đế nói rằng sẽ lấy ta, mãi cho đến năm ta hai mươi ba tuổi, cuối cùng Tiên đế cũng lấy ta làm Hoàng hậu, khoảng thời gian ta chờ đợi đúng bảy năm. Đời người đàn bà, có được mấy lần bảy năm đâu. Mọi người đều khuyên ta không nên chờ đợi nữa nhưng ta quyết không nghe. Ta nghĩ, ông ấy đã nói rằng sẽ lấy ta thì ta phải chờ đợi và tin tưởng ông ấy. Sau này, mặc dù trong lòng ông ấy có người khác nhưng ta biết trong lòng ông ấy cũng có chỗ cho ta, vì thế ta không kêu ca, oán thán mà cứ lặng lẽ chờ đợi, cuối cùng Tiên đế đã không phụ ta. Tiên đế từng nói, Khải nhi giống ông ấy nhất, tuy tính tình bướng bỉnh nhưng rất thông minh, nhạy cảm, ta tin Tiên đế. Nguyệt Nguyệt đã lấy Khải nhi rồi thì hãy tin tưởng ở Khải nhi".
Những lời lẽ chân thành của Thái hậu khiến tôi trực trào nước mắt.
Ông Trời ơi, sao ông lại không công bằng với con như vậy! Khi con là đàn ông, ông không chịu để con gặp được một người phụ nữ hiền thục, biết điều như vậy, đến bây giờ khi tôi là đàn bà thì ông lại bắt tôi làm một người phụ nữ hiền thục, biết điều...
Nước mắt rưng rưng, tôi gật đầu, đáp: "Vâng, cháu tin...".
Tôi tin... tôi tin cái khỉ gì ở anh ta? Sao bà không đi hỏi trước xem Vương Tuấn Khải có tin tôi không đã?
Giang Mỹ Kỳ bị người nào đó lén để kim dưới yên ngựa, những người có mặt ở dưới đó đều biết tôi và cô ta không hợp nhau, bây giờ cô ta lại bị gãy xương hai chỗ, liệu tôi có được yên thân không? Tên đầu đất Tuấn Khải kia liệu có bỏ qua cho tôi không?
Tôi... tôi muốn khóc, Thái hậu ơi là Thái hậu, sao bà không gọi Vương Tuấn Khải xuống dặn trước mấy câu đi?
Trận đấu vừa kết thúc, Hoàng đế dìu Thái hậu, dẫn theo một đoàn thê thiếp theo trở về cung, những người khác thu dọn xong cũng giải tán.
Mặc dù Triệu vương nãy giờ vẫn ở đó nhưng hồn vía đã theo Giang thị về Vương phủ từ lúc nào, bây giờ xem như được giải thoát, không chào ai lấy một tiếng, cưỡi ngựa lao như bay về.
Nhà xí huynh trước khi rời đi còn nhìn tôi bằng con mắt thông cảm, Leo cây công tử thì thẳng thắn hơn nhiều, trực tiếp đi tới khẽ mắng tôi: "Cô thật ngốc, sao không tìm đại một cái cớ mà tới chỗ Thái hậu ở mấy hôm rồi hãy tính?".
Tôi muốn nói lại chẳng biết nói gì, muốn khóc nhưng không khóc nổi. Sao người ta cứ nhất định cho rằng tôi đã hại Giang thị cơ chứ?
Quay đầu lại thì thấy Tuấn Khải đang nhìn tôi bằng vẻ mặt sa sầm, thấy tôi đưa mắt nhìn, anh ta khẽ hừ một tiếng rồi quất ngựa đi. Tôi cân nhắc một lúc rồi thận trọng theo sau Tuấn Khải trở về Đông Cung. Quả nhiên, vừa về đến cổng Đông Cung đã thấy Tuấn Khải ngồi trên yên ngựa chờ tôi, thấy tôi đi tới mới xuống ngựa, roi còn không kịp trao cho nội thị đã kéo tay tôi lôi vào Đông Cung.
Tôi vừa phải cố gắng đi theo, vừa dùng lực vùng tay ra khỏi anh ta, trong bụng mừng thầm vì anh ta không nắm vào cánh tay bị đau.
Tuấn Khải đi một mạch, còn tôi thì cũng một mực vùng ra mà không kêu lên một tiếng, trong bụng chỉ thì thầm một câu: Nếu nói lý với đầu đất thì ngươi còn đầu đất hơn cả đầu đất!
Tuấn Khải lôi tôi đi được môt đoạn, có lẽ thấy bực vì tôi đi rất chậm, hoặc bởi tôi vùng vẫy quá dự dội, nên cuối cùng không nhịn nổi mà trực tiếp vác tôi lên vai, bước thật nhanh về phía điện của tôi.
Đầu tôi chúc xuống đất, không thể nào mà bình tĩnh được nữa, tôi cất tiếng chửi: "Đồ đầu đất nhà ngươi, mau thả ông đây xuống!".
Tuấn Khải vác tôi vào trong điện, giơ chân đạp cửa đánh "ầm" một cái, sau đó vô cùng nghe lời, ném tôi xuống giường, chiếc roi ngựa trong tay vung lên, chỉ nghe "xoảng" một tiếng, tất cả những đồ sành sứ bày bên phải giường đều bị anh ta quất hết xuống đất. Tôi sợ đến mức nhắm chặt mắt lại theo bản năng, sau đó nghe thấy Tuấn Khải bình thản nói: "Cởi quần áo ra".
Tôi sững người. Gì cơ? Giọng điệu và nội dung câu nói hoàn toàn chẳng hợp nhau tí nào!
Tôi mở mắt nhìn, Tuấn Khải vẫn đang nghịch chiếc roi ngựa trong tay, liếc nhìn tôi, miệng không nhanh không chậm nhắc lại: "Cởi quần áo ra".
Trống ngực tôi đập dồn dập, anh ta định... bạo lực gia đình à?
Tuấn Khải có vẻ đã sốt ruột, chiếc roi ngựa trong tay lại vung lên... Tốt rồi! Mấy món đồ sứ phía bên trái giường lại theo chân đồng đội mà đáp xuống đất.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, chân tay tôi lập tức nhanh nhẹn hơn, cởi đai áo, chỉ loáng một cái đã cởi hết quần áo trên người, sau đó hai tay nhấc chiếc quần lót duy nhất còn lại, ngẩng đầu hỏi Tuấn Khải: "Cái này... cũng phải cởi ư?".
Biểu hiện của Vương Tuấn Khải... ồ, rất... đặc sắc?
Tôi thật không hiểu, cũng là một mũi hai mắt như ai, làm sao khuôn mặt của Tuấn Khải có thể truyền tải nhiều hàm nghĩa như vậy?
Kinh ngạc, nghi ngờ, xấu hổ, phẫn nộ...
Trong chốc lát tôi cũng không sao hiểu được đồng chí này thế nào nữa. Chẳng phải anh vừa bảo tôi cởi quần áo ra đó sao? Tôi nhanh nhẹn đến thế cơ mà, anh lại tỏ thái độ cái gì? Không lẽ anh chê tôi cởi... quá nhanh à? Hay là trước hết tôi phải nắm chặt cổ áo hô to: "Đừng! Đừng...".
Dù gì thì tôi cũng đã từng là đàn ông, làm thế chẳng phải là ra vẻ làm màu à?
Ánh mắt Tuấn Khải vẫn ở trên người tôi, thuận theo ánh mắt của anh ta, cuối cùng tôi cũng hiểu ra, lập tức đưa tay lên che hai điểm trên ngực.
Động tác ấy của tôi cuối cùng cũng khiến cho Tuấn Khải động đậy.
Đúng là thế rồi, tôi nghĩ, vấn đề quả nhiên nảy sinh ở đó!
Có điều, chuyện này cũng không thể trách tôi được. Hơn hai mươi năm qua, hai tay của tôi đã quen với việc chỉ che cho một điểm, bây giờ bỗng nhiên bắt tôi phải che thêm tận hai điểm nữa thì cũng phải cho tôi có thời gian thích nghi chứ?
Tuấn Khải vẫn lặng lẽ nhìn tôi.
Tôi mừng thầm, may mà trước khi cởi quần tôi còn hỏi anh ta một câu, nếu không bây giờ đã cởi hết cả ra thì chỉ với hai bàn tay, làm sao tôi che được cả ba chỗ cùng lúc chứ. Nếu vậy có lẽ chỉ còn nước úp tay lên che mặt mà thôi.
Ôi, các nữ đồng bào, các vị đúng là chẳng dễ dàng gì...
Tôi vẫn còn đang cảm thán thì Tuấn Khải nãy giờ im lặng đột nhiên có hành động. Anh ta bước lên hai bước, với lấy chăn gối trên giường ném lên người tôi, hung dữ ra lệnh: "Quấn vào!".
Tôi không nói được câu nào, cảm thấy đàn ông thật là giả dối. Đằng nào thì cũng từng ngủ với nhau rồi, có cần phải che che đậy đậy như thế không?
Tôi cố gắng thò đầu ra khỏi đám chăn mền, nhìn Tuấn Khải một cái, thấy anh ta vẫn trợn mắt tức giận, đành phải quấn chăn quanh người, hỏi anh ta: "Sau đó thì sao?".
Những sợi gân xanh trên trán Tuấn Khải giật giật mấy cái, anh ta không nói gì mà dựng tôi ngồi dậy trên giường, thò tay ra kéo chăn của tôi.
Bây giờ thì tôi thực sự chẳng hiểu gì, cũng rất mâu thuẫn, anh ta kéo chăn của tôi, tôi nên kêu lên "Đừng, đừng" và giãy dụa né tránh, hay là buông hai tay ra một cách thoải mái?
Tôi thực sự cảm thấy rối trí. Trước đây tôi luôn cho rằng tư duy của phụ nữ rất khó hiểu, còn bây giờ thì tôi thừa nhận là tôi đã sai.
Tay vẫn nắm chặt lấy mép chăn, tôi bình tĩnh hỏi Vương Tuấn Khải: "Rốt cuộc là chàng muốn làm gì?".
Tôi cân nhắc, nếu anh ta dùng roi thật, thì việc tôi nắm chặt lấy chăn là tốt, nếu anh ta lại làm việc khác, thì có chút đồ trên người khả năng chiến thắng của tôi cũng lớn hơn...
Bàn tay của Tuấn Khải hơi run, sau đó anh ta nghiến răng kéo tuột một góc chăn, lộ ra chỗ vai bị thương của tôi.
Lúc lăn từ mình ngựa xuống vai tôi đập xuống đất trước, sau đó mới lăn một vòng. Tuy không gãy xương nhưng vai bị bầm tím, cánh tay cũng bị sái.
Tuấn Khải nhìn kỹ vết tím rồi túm lấy cánh tay tôi kéo thử.
Tôi đau tới mức há miệng ra thở, Tuất Khải nhìn thấy, khẽ cười lạnh hai tiếng rồi vừa xoa gân cốt cho tôi, vừa cười châm biếm: "Bây giờ thì biết đau rồi chứ? Lúc ngã sao không biết sợ sẽ ngã gãy cổ? May là va vào Hạ Binh Tắc, nếu là người khác, chưa chắc ghìm được dây cương, không khéo con ngựa đã dẫm chết nàng, nhẹ thì cũng làm cho nàng gãy mấy đốt xương!...".
Để chứng tỏ rằng không phải mình cố ý ngã, tôi liên tiếp xuýt xoa mấy cái.
Tuấn Khải vẫn tiếp tục châm biếm.
Trời ạ, thân là đàn ông mà sao anh ta nhiều lời như vậy chứ?
Tôi cố nhịn, nhịn tới mức chẳng còn tâm trạng nào xuýt xoa nữa, chỉ nghiến chặt răng giữ im lặng.
Đột nhiên Tuấn Khải nói: "Nếu đau thì cứ kêu lên".
Làm gì mà đau đến mức ấy. Hơn nữa, tôi đâu phải là đàn bà, kêu cái gì mà kêu?
Đột nhiên lực tay của Tuấn Khải mạnh hơn, tôi đau tới mức buột miệng kêu lên mấy tiếng thảm thiết.
Còn Tuấn Khải thì lại cười, ghé sát vào tai tôi khẽ nói: "Kêu thêm mấy tiếng nữa, nếu không thì vở kịch nãy giờ diễn tốn công à?".
Tôi liếc nhìn anh ta một cái, không hiểu ý tứ trong câu nói ấy.
Tuấn Khải tiếp tục uy hiếp: "Nếu nàng không kêu, đừng trách ta thật sự dùng roi với nàng đấy".
Tôi liếc nhìn chiếc roi ngựa mà anh ta đặt bên cạnh giường, quyết định trước mắt cứ làm theo anh ta thì tốt hơn, đáp: "Chàng để thiếp suy nghĩ một lát".
Tuấn Khải nhìn tôi, không nói gì.
Tôi liền hồi tưởng các bộ phim từng xem ở kiếp trước, phim tình cảm thì không nhiều, phim kinh lại xem không ít.
Tôi quay lại hỏi Tuấn Khải: "Chàng muốn kêu to hay nhỏ?".
Tuấn Khải vẫn không nói gì.
Tôi nghĩ, có lẽ anh ta cũng đang không biết chọn loại nào, bèn quyết định thay anh ta: "Bị roi quất thì chắc chắn là kêu to rồi".
Nói xong, tôi lấy tay vuốt lên cổ rồi học vai nữ chính trong các bộ phim kinh dị, kêu thật to một tiếng.
Tuấn Khải giật nảy người.
Tôi quay người lại hỏi anh ta: "Được chưa?".
Gân xanh trên trán Tuấn Khải lại giật giật mấy cái, anh ta hít một hơi thật sâu, đáp: "Thấp hơn một chút".
Một khi ông chủ đã đưa ra yêu cầu, người làm thuê như tôi tất nhiên là không dám trái ý, vì vậy tôi hạ thấp giọng một quãng tám, đều đặn kêu lên.
Tuấn Khải vẫn bóp bên vai bị thương cho tôi, đột nhiên hỏi: "Vì sao lại muốn va vào Hạ Binh Tắc?".
Tôi uể oải đáp: "Vì sau lưng thiếp không có mắt, va vào ai thì là người đấy".
Tuấn Khải không nói gì.
Tôi bỗng thấy lo lắng, thầm nghĩ, không lẽ anh ta đã thấy được ý đồ định lôi kéo thế lực nhà họ Hạ của tôi? Nhưng tôi đã kịp làm gì đâu, anh ta quá thần thông quảng đại chăng?
Tôi vừa ngạc nhiên vừa nghi hoặc, mải suy nghĩ xem câu nói ấy của Vương Tuấn Khải có ý gì, vì thế không còn để tâm vào việc kêu ra miệng nữa, âm thanh trở nên yếu ớt, chỉ là "a, a" mấy tiếng cho có.
Hồi còn nhỏ, thầy giáo dạy chúng tôi làm việc gì phải chú tâm vào việc ấy, nhất định không được phân tâm. Lúc đó tôi chẳng mấy để ý, đến lúc nay vừa phân tâm một tí, tôi lập tức cảm thấy bi đát.
Chờ đến lúc tôi trấn tĩnh lại, cánh tay của Tuấn Khải đã rời khỏi bả vai và đang trượt ra sau lưng...
Đó là một vị trí rất nhạy cảm, có thể tấn công xuống phía dưới, cũng có thề rút về phòng thủ ở phía trên.
Người tôi cứng đơ, cố đè nén đám da gà da vịt chuẩn bị khởi nghĩa, quay đầu lại nhìn Tuấn Khải.
Đôi môi của Tuấn Khải hơi nhếch lên, ánh mắt có chút u ám.
Tôi ngoái cổ lại nhìn bả vai rồi lại nhìn Tuấn Khải, nói với giọng rất bình thản: "Lưng của thiếp không bị bầm, không cần bóp đâu".
Vẻ mặt của Tuấn Khải không thay đổi, chỉ riêng mấy đường gân ở góc trán là giật rất mạnh. Tôi không nói gì nữa, đưa mắt nhìn anh ta, ánh mắt cố tỏ ra cực kỳ trong sáng, giống hệt như cô bạn gái của tôi hồi đại học.
Mùa đông năm đó, để chinh phục cô ấy, tối nào tôi cũng tìm cớ hẹn cô ấy ra ngoài nói chuyện, nhưng hoa rơi hữu ý nước chảy vô tình, cô gái ấy lờ tịt hàng loạt những ám hiệu của tôi. Rồi đến một buổi tối gió lạnh se sắt, khi tôi một lần nữa thất bại đưa cô trở về ký túc xá, cô đã nhìn tôi với vẻ rất khó xử, khẽ hỏi: "Chúng ta có thể không ra ngoài vào buổi tối nữa được không? Trời lạnh quá, có gì thì cứ nói qua điện thoại... nhé?".
Lúc ấy, tôi đã nhìn sâu vào đôi mắt trong sáng không lẫn một tia tạp chất nào của cô hồi lâu, cuối cùng mới mỉm cười khẽ gật đầu.
Thế là, cô gái ấy vui mừng ra mặt. Lúc đó tôi thật sự rất muốn bóp chết cô ta...
Tôi nghĩ, tâm trạng của Tuấn Khải lúc này cũng chẳng khác tôi khi ấy là mấy.
Bàn tay của anh ta để im trên lưng tôi, cách cổ tôi chừng tám tấc, cách eo lưng chừng tám tấc hai. Tôi lặng lẽ nhìn anh ta, trong lòng hơi hồi hộp, không biết bàn tay của anh ta sẽ di chuyển lên trên hay tiếp tục vươn xuống dưới...
Ánh mắt của Tuấn Khải bỗng sáng bừng, bàn tay cũng rời khỏi lưng tôi, khoé môi nhếch lên vẻ châm biếm rồi đứng dậy, lặng lẽ rời đi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, nằm lăn ra giường.
Lục Ly từ phía ngoài vội đi vào, nhìn thấy mảnh vỡ trên sàn nhà, càng cuống quýt bổ nhào về phía tôi, không kịp nhìn xem người tôi có vết thương nào không đã sụt xịt kêu lên: "Nương nương, nương nương sao thế? Thái y, để em đi gọi thái y!".
Tôi đưa tay kéo Lục Ly lại: "Quay lại đây!".
Lục Ly mở to mắt nhìn tôi, muốn khóc lại không dám.
Tôi thực sự không biết phải nói gì với nha đầu này, định trưng ra bộ mặt nghiêm khắc, nói: "Thái y có thể tuỳ tiện gọi chắc? Sao ngươi không giữ được bình tĩnh thế? Cũng không xem xem ta có bị thương không đã!".
Lục Ly mím môi, nín thở, đưa bàn tay run rẩy kéo tấm chăn trên người tôi xuống, một hồi lâu không động tĩnh gì, vẻ mặt đờ đẫn, đôi mắt hạnh mở to, làn môi nhỏ hơi hé mở, rõ ràng đang rất kinh ngạc.
Ôi, dáng vẻ thật sự mê người...
Vẻ ngạc nhiên trên mặt Lục Ly dần được thay thế bằng vẻ vui mừng, cô khẽ kêu lên: "Thái tử điện hạ, người, người, người...".
Tôi đưa tay bịt miêng Lục Ly, nghiêm nghị nói với cô: "Thái tử điện hạ dùng roi quất ta, tất nhiên là không dám gọi thái y. Mấy chỗ sây sát ở chân ta lại rỉ máu rồi, em mang nước lại đây để ta rửa vết thương, sau đó bê chậu nước ấy đi ra đi vào vài lần, làm ra vẻ rất nghiêm trọng. Tiếp theo đem chỗ thuốc ta dùng còn lại hôm qua đi bôi khắp phòng, làm sao cho mùi càng nồng càng tốt, cuối cùng thì đem bộ quần áo ta mặc trên người hôm nay ra một chỗ vắng để đốt đi".
Ánh mắt của Lục Ly lộ rõ việc không hiểu. Mặc dù vậy nàng vẫn gật đầu.
Tôi lại dặn: "Mấy ngày tới không được để người khác tới phục vụ, chỉ cần một mình em là đủ".
Lục Ly lại gật đầu rất mạnh, sau đó vội vã đứng dậy đi ra ngoài.
Tôi lại giữ chặt lấy cô: "Mấy việc ấy chưa cần vội, bây giờ em bóp vai cho ta trước đã".
Mặc dù tay của Tuấn Khải không còn đặt trên lưng tôi nữa nhưng hơi ấm thì vẫn còn đó, điều ấy khiến tôi cảm thấy rất chán ghét, muốn tìm cách để xoá đi.
Bàn tay nhỏ nhắn của Lục Ly dịu dàng bóp lên lưng tôi.
Tôi đang thầm đoán, không biết ngày mai ai sẽ là người tới thăm đầu tiên? Là Triệu vương? Hay là Leo cây công tử?
Hoàng hậu có sai người tới không? Bà già ấy tuy là mẹ kế Tuấn Khải, nhưng lại là mẹ đẻ của Nhà xí huynh. Hôm nay bà ta hỏi như thế, rõ ràng là cố ý tìm hiểu căn nguyên, may mà bị Thái hậu ngăn lại, nếu không lửa giận có khi đã lan sang người tôi rồi cũng nên.
Thiêu cháy tôi, không lẽ không ảnh hưởng đến Vương Tuấn Khải?
Vì mải nghĩ, tôi thừ người ra. Lục Ly cũng đột nhiên dừng tay lại. Tôi quay lại nhìn, thấy nàng đang khẽ cắn môi, vẻ mặt dường như đang suy nghĩ rất lung, một lúc sau mới lên tiếng: "Nương nương, mấy hôm nữa nhắn trong nhà gửi một ít Bát trân ích mẫu hoàn đến, được không?".
Tôi hơi ngây người, trước mặt lại hiện lên khuôn mặt gầy gò của Tống thái y, lúc đó mới hiểu rõ ý của Lục Ly.
Lục Ly ngồi bên cạnh vẫn sốt sắng khuyên: "Nương nương, thái độ của Thái tử điện hạ đối với nương nương đã khác hẳn trước rồi. Nương nương phải tóm lấy cơ hội này, nhanh chóng sinh hoàng tử mới được!".
Tôi ngồi dậy, chỉ vào chiếc trụ sơn son thiếp vàng, đe doạ Lục Ly: "Nếu em còn nhắc đến chuyện ấy thì ta sẽ đập đầu vào kia cho em xem!".
Lục Ly sợ quá, đưa hai tay lên che miệng, nói không rõ lời: "Nô tì không dám, nô tì không dám!".
Tôi nheo mắt lại, vừa lòng nằm trở lại giường, hỏi Lục Ly vẻ không mấy chú tâm: "Này, em nói xem, ngày mai ai sẽ tới chỗ chúng ta đầu tiên?".
Lục Ly suy nghĩ một hồi: "Em không biết, nương nương thử nói xem?".
"Thực ra ta cũng không biết", tôi đáp.
Lục Ly và tôi cùng liếc người kia, coi thường lẫn nhau.
Ngày hôm sau, quả nhiên có người đến thăm. Có điều người đầu tiên lại là Lâm Thị - mẹ đẻ của Hạ Binh Tắc, phu nhân của Trung thư Thị lang, cháu gái của danh tướng Lâm Hiển nổi tiếng một thời, cháu họ bên nội của Thái hậu..., một con hổ cái có thể đánh chồng phải chạy vào chuồng ngựa lúc nửa đêm.
Thật sự đáng tiếc thay cho cái họ yếu ớt ấy!
Từ trước tới nay tôi luôn rất sợ kiểu đàn bà dữ dằn này, thế nên vừa nghe tin bà ta tới, tôi lập tức dậy khỏi giường, ngoan ngoãn ngồi chờ.
Nói về quan hệ họ hàng, tôi còn phải gọi bà ta một tiếng "cô", nhưng xét về thứ bậc, bà ta phải gọi tôi là nương nương.
Vì sớm đã nghe danh, tất nhiên tôi không để bà ta dập đầu, vừa nhìn thấy bà ta có ý đấy, tôi vội vàng bảo Lục Ly đỡ bà ta dậy, mời ngồi xuống ghế và dâng trà lên.
Tôi nhân cơ hội đưa mắt quan sát con hổ cái ấy. Mặc dù không còn trẻ nhưng bà ta vẫn khá đẹp. Quả nhiên con người ta không thể nhìn mặt mà bắt hình dong, Hạ Lương Thần lúc trước lấy bà ta chắc là vì bị hình thức bề ngoài đánh lừa, đến khi hối hận thì đã muộn mất rồi. Ai mà dám bỏ con gái làm họ Lâm? Không muốn làm quan nữa chắc?
Lâm thị tỏ ý tạ lỗi vì chuyện con trai bà đã va ngã tôi, tôi cũng tỏ ra độ lượng, vờ nói mấy lời vỗ về.
Đúng lúc hai chúng tôi đang khách sáo nói chuyện với nhau, bên ngoài bẩm có Lưu Chí Hoành cầu kiến.
Tôi chẳng mấy bất ngờ, nhà xí huynh vì thân phận không tiện nên không thể đích thân đến, đương nhiên phải cử tâm phúc tới thay rồi.
Tôi sai nội thị truyền Lưu Chí Hoành vào. Chỉ loáng qua một cái Lưu Chí Hoành đã vào trong điện. Vừa nhìn thấy Lâm Thị đang ngồi đấy, anh ta sững người, vẻ nhanh nhẹn lập tức được thay bằng bộ dạng nghiêm túc, ngoan ngoãn vái chào tôi, sau đó tìm một chỗ cách xa Lâm Thị nhất ngồi xuống.
Lâm Thị mượn cớ xin cáo từ, tôi sai Lục Ly tiễn ra ngoài.
Chờ cho Lâm Thị đi khuất hẳn, Lưu Chí Hoành mới đưa tay lau mồ hôi trên trán, nói: "Trời! Con hổ cái ấy cũng đến à? Làm tôi phát khiếp!".
Tôi ngạc nhiên: "Sao ngươi lại sợ bà ta đến thế?".
Lưu Chí Hoành vẫn còn chưa hết kinh sợ, đáp: "Là vì cô chưa biết sự lợi hại của con hổ cái ấy thôi. Bà ta có thể đánh Hạ Lương Thần gần chết, có lần còn đuổi ông ấy tới nhà chúng tôi, dọa tôi chết khiếp. Kể từ đó tôi thề, sau này thà là đi tu chứ không bao giờ lấy loại đàn bà dữ dằn như vậy".
Tôi nghe xong, ấn tượng về Lưu Chí Hoành bỗng thay đổi hẳn. Hiểu được như vậy, chứng tỏ anh ta cũng không phải một gã ngốc.
Đang nghĩ thế thì nghe thấy Lưu Chí Hoành khẽ nói: "Có phải... cô bị đánh thật không đấy?".
Trong chốc lát tôi không biết phải nói gì, bụng thầm kêu lên, đúng là một gã thẳng như ruột ngựa, thẳng tới mức sắp thành ngốc luôn rồi.
Trong điện còn vài cung nữ và nội thị, tôi đành phải sai họ đi chỗ khác, vẫn chưa kịp nói gì thì anh ta vươn cổ ra, nói: "Nói vậy thì đó là sự thật? Thái tử quả thật không phải đàn ông! Mà cô cũng thật ngốc quá, tôi đã bảo cô đến chỗ Thái hậu tránh mặt ít ngày, cô lại không chịu nghe".
Tôi sầm mặt xuống, không nói gì.
Lưu Chí Hoành lôi ra một chiếc lọ nhỏ màu trắng đưa cho tôi: "Đây! Cửu ca bảo tôi đưa cho cô, nói là dùng nó không để lại sẹo đâu".
Tôi đón lấy chiếc lọ, thuận tay đặt lên bàn.
Lưu Chí Hoành lại nói: "Cô dùng nhiều một chút cho chóng khỏi, còn kịp đi hành cung nghỉ mát".
Tới hành cung nghỉ mát, chuyện này tôi cũng đã nghe nói tới, có điều không có ý định đi. Đi theo Hoàng đế, Thái tử, Hoàng hậu cùng bầy đoàn thê tử đó thì có gì vui, chẳng bằng đóng cửa cung lại rồi nghịch nước với một bầy mỹ nhân!
Tôi đang cân nhắc thì nhìn thấy ánh mắt của Lưu Chí Hoành cứ lướt qua lướt lại trên mặt tôi, thỉnh thoảng còn trượt xuống dưới cổ, trông cứ như muốn lột trần tôi ra không bằng.
Hừ! Ngày trước, tôi có háo sắc thật thì cũng không dám như anh ta lúc này. Thằng nhóc này chắc trước khi ra khỏi cửa đã để quên đầu ở nhà, chỉ mang theo mỗi lá gan thì phải?
Đột nhiên Lưu Chí Hoành len lén tiến gần đến bên tôi, cười hì hì: "Này, kỹ thuật dùng roi của Vương Tuấn Khải quá là giỏi, không hề để lộ ra ngoài! Nếu không ngửi thấy mùi thuốc trong điện thì tôi cũng không dám tin là cô bị đánh!".
Tôi giận tới mức mặt biến sắc. Trước đây tôi nghĩ rằng, chỉ có Tuấn Khải mới là đầu đất, không ngờ Lưu Chí Hoành lại còn là máy bay chiến đấu trong đoàn quân đầu đất!
Có lẽ Lưu Chí Hoành đã thấy được vẻ giận dữ trong ánh mắt của tôi nên vội lùi về phía sau, cười nói: "Cô đừng giận, Giang thị còn thảm hại hơn cô cả trăm lần, đến giờ e rằng vẫn chưa tỉnh được. Tuấn Khải cố nén không đánh vào mặt cô, xem như đã tiến bộ rất nhiều rồi!".
Tôi định đánh cho anh ta một cái, nhưng chợt nhớ tới chuyện tối hôm qua tôi đã bị người khác "đánh", chân tay sao có thể nhanh nhẹn như thế được, chỉ có thể ngồi yên, một hồi lâu vẫn giữ nguyên tư thế.
Lưu Chí Hoành rời ánh mắt khỏi tôi với vẻ thất vọng, có điều biểu hiện ấy thoáng qua rất nhanh, thay vào đó là nụ cười bắng nhắng cố hữu, hướng về phía tôi chắp hai tay lại, cười nói: "Cáo từ, hẹn gặp lại ở hành cung!".
Tôi sai Lục Ly tiễn khách, bản thân thì ngồi yên trên ghế.
Lục Ly tiễn Lưu Chí Hoành ra ngoài, tiện thể đưa cung nữ bên người Hoàng hậu vào gặp tôi.
Tôi chỉ muốn chửi: Mẹ kiếp, cái chức Thái tử phi này đúng là không phải là dành cho người mà! Chỉ cần một ngày chưa lên ngôi hoàng hậu thì cho dù sau lưng có mọc lên hai cái đuôi, ngươi vẫn cứ không bằng một con gà rừng! Gà rừng ít ra cũng còn được tự do chạy nhảy chơi đùa, còn tôi thì có được làm thế không? Có dám làm thế không?
Tôi hít một hơi thật sâu, thẳng người lên, tiếp tục đón khách...
Cứ thế đến cuối ngày, các vị khách với đủ mọi loại âm mưu mới ra về hết.
Lục Ly đóng cửa đi vào, tôi vẫn ngồi thẳng lưng, cất tiếng gọi: "Nhanh lại đây rút hết kim cho ta. Ta sắp chết đến nơi rồi đây này!".
Lục Ly cuống quýt chạy đến, cẩn thận gỡ mấy chiếc kim nhỏ cài phía sau cổ áo tôi, mắt đỏ hoe: "Nương nương cũng thật là! Việc gì phải chịu khổ thế, chảy máu rồi đây này! Cứ cáo ốm không tiếp khách có phải hơn không!".
Tôi vừa cử động cổ và eo lưng tê dại, vừa nói: "Như thế mới giống thật, nếu không làm sao có thể qua mặt được những người ấy!".
Nếu giả vờ bị đau tới mức nằm liệt giường không tiếp khách được, những người ấy lại càng tin là tôi giả vờ, chi bằng để bọn họ tận mắt nhìn thấy cho yên tâm.
Đến tối, Tuấn Khải trở về, Lục Ly khuyên tôi lợi dụng việc hôm nay, mời anh ta tới để bàn bạc.
Tôi tỏ thái độ cực kỳ coi thường trước lòng dạ hẹp hòi của Lục Ly. Cái gì mà bàn bạc, chẳng qua cũng chỉ là mượn cớ bàn việc công mà làm chuyện tư thôi! Liệu có đáng để tôi phải lết cái thân thể "ốm đau bệnh tật" này đến lấy lòng "ông chủ" không?
Hơn nữa, kinh nghiệm trong chốn quan trường của Lục Ly còn rất ít. Ông chủ đúng là thích những nhân viên chăm chỉ, tích cực, nhưng tuyệt đối không thích cái kiểu tích cực đến mức can dự cả vào những phần việc không phải của mình. Chức vụ của tôi là thái tử phi chứ đâu phải là cố vấn thái tử. Kiêm nhiệm nhiều chức vụ không chứng tỏ là ông chủ coi trọng bạn, chỉ chứng tỏ ông ta muốn bóc lột bạn đến tận xương tuỷ mà thôi.
Đáng tiếc Lục Ly không hiểu điều đó, thế nên vừa nghe tôi nói không đi gặp Tuán Khải, khuôn mặt của cô dài ra không ít, thiếu mỗi nước viết câu "chỉ tiếc rèn sắt không thành thép" lên đó nữa thôi.
Tôi khuyên: "Lục Ly à, đàn ông không thích những người đàn bà hoa tay múa chân chỉ đạo mình đâu. Chúng ta bỏ đi, dành thời gian ấy mà làm việc khác!".
Lục Ly là người thích động não, nghiêng đầu suy nghĩ một lát rồi nói với tôi, giọng không giấu nổi phấn khích: "Em hiểu rồi, nghe mọi người nói, tiện nhân Giang thị bị thương rất nặng, Triệu vương thậm chí phải cho mời Khưu thái y đang nghỉ phép tới, mất cả nửa ngày mới nối xong xương, đến chập tối hôm nay mới tỉnh dậy. Chúng ta hãy tìm cách cho thứ gì đó vào thuốc của cô ta, làm cho tiện nhân ấy...".
Tôi thầm thán phục tư duy linh hoạt của Lục Ly, vội xua tay: "Nha đầu, bớt nghĩ linh tinh đi!"
Lục Ly chớp chớp đôi mắt trong veo nhìn tôi, vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu.
Tôi cũng lấy làm lạ, sao nha đầu này lại có thể dùng giọng ngây thơ đến thế để nói ra những chuyện đê tiện như vậy? Không biết tôi nên nói cô là lương thiện hay là ác độc đây?
Đàn bà, đúng là một loài động vật kỳ lạ.
Lục Ly tưởng tôi tức giận, sợ đến mức run rẩy, quỳ sụp xuống bên giường, luôn miệng nhận tội: "Nương nương bớt giận, nô tì sẽ không chọc tức con tiện nhân ấy nữa!".
Tôi rất cảm kích, vội gật đầu: "Đúng thế, Giang thị ở cách xa chỗ chúng ta như vậy, chẳng cần phải chọc tức cô ta! Chi bằng...".
Mắt Lục Ly sáng bừng, vội vàng tiếp lời: "Nương nương sáng suốt, người cần phải chấn chỉnh bây giờ là Trần Lương Đệ. Tối qua cô ta còn bê cả một bát canh hạt sen, làm bộ làm tịch tới chỗ Thái tử điện hạ. Rõ ràng là cô ta muốn nhân lúc sức khoẻ của nương nương không tốt, tìm cách quyến rũ Thái tử đây mà!".
Tôi há hốc miệng, hồi lâu không nói được câu gì.
Lục Ly biết là tôi tức giận, lại càng bất bình, nghiến răng nghiến lợi nói: "Nương nương, thời gian vừa rồi nương nương không quản lý bọn họ, lũ cáo ấy không ngồi yên được nữa rồi, tất cả đều tìm cách dụ dỗ Thái tử điện hạ!".
Cuối cùng thì tôi cũng định thần lại, chậm rãi khép miệng, nhưng không nén được, hỏi: "Này, sao em biết Trần Lương Đệ mang canh hạt sen chứ không phải là chè bát bảo?".
Lục Ly mở to đôi mắt hạnh, cuối cùng cũng im lặng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro