Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

30. {...}

Tôi kiểm tra lại tài khoản ngân hàng, rồi tự mình giật mình, tự mình hú lên trong đêm vắng.

Trần Minh Hiếu mở mắt làu bàu:

"Anh mới trực về!"

Tôi lăn sang ôm một cái, Minh Hiếu lại nhắm mắt mà miệng vẫn lầm bầm điều gì đó nghe như là vô nhân đạo và thiếu trách nhiệm. Tôi nhìn tin nhắn của ngân hàng, lại muốn hú lên.

Tôi cũng là đại gia rồi. Có thể thừa sức mua lại cả cửa hàng kem mà Yiyi thích nhất. Cửa hàng kem ở giữa khu trung tâm thành phố, bên ngoài cắm đầy những mô hình ốc quế kẹo bông. Minh Hiếu quờ quạng nắm tay tôi, miệng vừa mắng tôi xong lại mỉm mỉm cười. Căn hộ của Minh Hiếu nằm gần bệnh viện để tiện đi lại, vào giữa đêm khuya âm thanh vẫn cứ ồn ào. Tôi chui vào chăn, hết nhéo má rồi đến hôn má, Minh Hiếu để yên cho tôi tùy tiện phá phách.

Mấy ngày nay trời vẫn mưa, công trình bị gián đoạn thi công, tôi tiếp tục làm người rảnh rỗi ở nhà. Đầu tiên là nhà của bố mẹ, sau đó lần lượt di cư sang nhà tôi, nhà bố mẹ Minh Hiếu, cuối cùng là đóng đô trong căn hộ nhỏ này suốt một tuần lễ. Chỉ trong một tuần, tôi bắt đầu sợ tiếng hú còi của xe cấp cứu. Trần Minh Hiếu giống như một cái máy, chỉ cần nghe xe cấp cứu hú còi là đã bắt đầu mở mắt tìm điện thoại của khoa nhi.

Căn hộ của Minh Hiếu bé bằng một nửa căn hộ của tôi, thế nhưng lại đắt gấp bốn. Tôi ăn chơi nhảy múa rồi làm việc ở phòng khách, Minh Hiếu cũng gắng về sớm với tôi. Từ sau hôm ông nội ở nhà Minh Hiếu về, mọi chuyện có chút thay đổi. Tôi không được biết người lớn nói gì với nhau mà chỉ biết ông dạo này thường gọi tôi sang ăn cơm chiều. Tôi về thì Minh Hiếu sẽ về, mục đích của ông nội nằm ở đó.

--

Không khí mát mẻ, tôi quấn Minh Hiếu ngủ một giấc từ trưa sang chiều rồi về nhà ăn cơm. Minh Hiếu mang theo cả hộp đồ cứu thương để đo huyết áp cho ông bà, tôi cằn nhằn nhưng anh không chịu tháo. Tôi cự nự:

"Em làm kiến trúc sư nhưng có khi nào kè kè ống giấy vẽ bên mình đâu?"

Minh Hiếu lắc đầu:

"Đề phòng có trường hợp khẩn cấp, nếu không có đủ dụng cụ cấp cứu nên vô tình gây hại thì vẫn bị vạ lây như thường."

Minh Hiếu lên xe rồi, tôi nhất định vào nhà lấy cho bằng được một chiếc bóng ambu. Nhét bóng vào tay Minh Hiếu, tôi ngồi vào ghế lái cười nhăn nhở:

"Chúc anh vui vẻ hành hiệp trượng nghĩa."

Một chiếc bóng ambu và câu nói của tôi chỉ để thỏa mãn nhu cầu xúc xiểm cho vui miệng, Minh Hiếu trừng mắt cầm tay tôi gặm một nhát. Thế nhưng chưa đầy một tiếng sau, tôi lại phải cảm ơn bản tính thích cà khịa của mình vì đã cho tôi chứng kiến một màn cứu người tưởng chỉ có trong phim.

"Bóng ambu của bác sĩ này."

Vừa xuống xe, tôi đã phe phẩy chiếc bóng ambu trong tay. Minh Hiếu nhăn mày nhưng không thèm chấp, tôi mặc sức nói hươu nói vượn về việc đem bóng ambu đi đựng cá cảnh. Trời còn sáng, chúng tôi cùng nhau leo cầu thang, mới vừa đi đến tầng thứ ba thì bên dưới sân chung của khu nhà đã vang lên mấy tiếng khóc gào thảm thiết. Tiếng kêu cứu rút cạn hết tất cả những âm thanh khác, Minh Hiếu buông tay tôi chạy như bay xuống hành lang tầng dưới.

Khi tôi xuống đến nơi thì người lớn trong khu cũng đã xúm đông xúm đỏ quanh một bác gái đang ôm đứa bé trai chừng bốn năm tuổi. Minh Hiếu đưa tay ra muốn đỡ nhưng bác gái chỉ giữ rịt đứa bé trong lòng, vừa gào vừa cố hết sức cho ngón tay vào trong miệng đứa bé. Minh Hiếu hẳn nhiên không dám giật lấy đứa bé vì chưa xác định được nguyên nhân.

Giằng co chừng mấy giây, ngón tay của bác gái nọ vẫn thọc sâu hơn, Minh Hiếu đỏ bừng mặt quát lên:

"Tôi là bác sĩ! Cháu bác bị làm sao?"

"Nuốt... Nuốt..."

"Aisssh."

Minh Hiếu nhịn một tiếng chửi tục, anh gọi lớn:

"Thành An?"

Tôi hiểu ý đi tới túm lấy cánh tay bác gái, rút ra khỏi miệng đứa bé đang quằn quại mà từ cổ trở lên đã chuyển đỏ. Minh Hiếu ôm được đứa bé trong tay thì đặt xuống, anh kiểm tra gì đó rồi lấy đèn pin từ túi cứu thương. Đèn vừa bật soi vào cổ họng bé trai kia, Minh Hiếu không nể nang nữa mà chửi một tiếng.

"Mẹ nó, Thành An em đứng đực ra đó làm gì? Gọi cấp cứu nhanh cho anh."

Tôi không đôi co dù đã gọi cấp cứu ngay từ lúc Minh Hiếu chạy xuống. Vài người đứng xem hỏi han bác gái là cháu bà đã nuốt gì, bác gái nọ dường như đã cấm ngôn không nói được. Tôi cũng tò mò nhưng không dám hỏi Minh Hiếu, chỉ có thể đứng bên nhìn anh đưa tay ấn vào cổ đứa bé. Gương mặt đỏ kè đã bắt đầu chuyển tím, Minh Hiếu lắc đầu.

"Quả bóng bàn. Chặn ngang họng, không gắp ra được."

Xung quanh rộ lên tiếng kêu hoảng sợ, bác gái nọ vừa nấc vài tiếng đã trở lại gào thét, lao tới muốn cướp đứa bé trong tay Minh Hiếu. Lồng ngực đứa bé căng phồng, khuôn miệng há ra còn không ngáp được. Minh Hiếu lùa tay vào túi cứu thương, lần lượt lấy ra một cây dao, một chiếc kẹp cùng một bộ dây mềm. Minh Hiếu quát tôi:

"Cái bóng ambu của em đâu?"

Tôi vứt bóng ambu lên một chiếc ghế đẩu ai đó đặt bên cột nhà, vừa đem tới thì Minh Hiếu đã tháo lưỡi dao. Lưỡi dao sáng loáng, bác gái trợn mắt rú lên kêu khóc hỏi cậu định làm gì, lần đầu tiên tôi nghe được giọng nói đanh gọn lạnh lùng như đang trong phòng mổ:

"Mọi người giữ bà cụ lại. An, em tới đây giữ đầu bé."

Thực tế thì không ai cần giữ bác gái nọ. Vừa thấy Minh Hiếu đưa tay tìm kiếm gì đó, đổ một thứ nước cồn màu vàng vàng rồi hạ xuống cổ đứa bé một nhát dao mà không ngập ngừng, bác gái đã ngất xỉu. Đám đông xúm quanh anh im thin thít, Minh Hiếu ấn dao vào rồi tự nói với mình:

"Được rồi."

Cổ họng tôi vọt lên buồn nôn khi lớp sụn khí quản hiện ra trăng trắng. Minh Hiếu rút dao, bảo tôi đưa anh một chiếc kẹp chữ T, sau đó thay thế lưỡi dao bằng một đoạn ống mềm. Tôi là người giàu trí tưởng tượng, vừa nhìn Minh Hiếu làm, tôi vừa cảm giác như dưới cuống họng mình cũng đang có một đoạn ống dài ngọ nguậy.

"Không nhìn được thì đừng nhìn."

Minh Hiếu lẩm bẩm nói, anh thoăn thoắt cầm máu, nối ống ambu rồi nhẹ nhàng bóp ống. Ai nấy đều nín thở nhìn Minh Hiếu, Minh Hiếu đưa mắt nhìn tôi.

"Ổn rồi mà, tin anh đi."

Lồng ngực nhỏ nhắn đã không còn trương lên mà bắt đầu phập phồng chậm rãi. Xe cấp cứu kêu vang trước cửa, nhân viên y tế của bệnh viện đại học Y tới làm nốt công việc của Minh Hiếu. Minh Hiếu kiểm tra huyết áp của bác gái nọ, sau đó để nhân viên y tế đưa cả hai bà cháu ra xe. Trên mặt Minh Hiếu lấm tấm mồ hôi, anh sơ sài lau bằng ống tay áo, sau đó lấy áo blouse trong túi sơ cứu ra khoác lên người.

Chẳng ai nhìn theo xe cấp cứu nữa, ông bà chú bác lẫn thanh niên khu nhà dán mắt vào Minh Hiếu. Tôi cũng chăm chăm nhìn, Minh Hiếu búng trán tôi rồi nói:

"Anh phải vào viện rồi, quả bóng này vừa khớp với ống khí quản nên sẽ hơi phức tạp. Nhớ để phần cơm cho anh."

Nói xong, Minh Hiếu chào ông nội một tiếng, sau đó quay đầu không nhìn lại.

Xe cấp cứu đỗ trên đường, từ sảnh nhà ra xe là khoảng sân trống, hoa anh đào cuối mùa còn gắng nở nốt mấy chùm bông, tà áo blouse của bác sĩ Trần cứ bay bay, nếu quay chậm lại thì thừa tiêu chuẩn làm thành một đoạn phim nghệ thuật.

Tôi lại muốn hú lên lần nữa. Rốt cuộc tôi đây cũng là người thành công trong cuộc sống, vừa giàu lại vừa có người yêu giỏi giang đẹp đẽ không ai bằng.

--

"Vừa rồi nguy hiểm quá."

"Bà Giang trông cháu kiểu gì, để nó nuốt cả quả bóng đồ chơi vào miệng? May mà có cậu bác sĩ ở đây."

"Mà các bà có thấy không? Cậu ấy đưa dao rạch một đường không run tay, khiếp!"

"Run tay lại chẳng chết người đi à?"

"Sợ chứ, lỡ đứt vào đâu đó thì sao?"

"Cậu bác sĩ này tôi thấy quen quen, sao lại đi với Thành An nhà ông Đặng nhỉ?"

"Tôi thấy nhiều lần rồi, trên ti vi năm ngoái!"

Xe cấp cứu đi mất, ông nội tôi trở thành người nổi tiếng mới của cả khu. Các bà cụ vây quanh bàn tán về vụ tai nạn vừa rồi, hỏi han ông tôi về bác sĩ đẹp trai mới xuất hiện. Ông nội tôi đầu tiên còn trả lời được là Minh Hiếu từ bệnh viện trung tâm chuyển sang bệnh viện trường đại học, năm trước từng xuất hiện trên ti vi sau khi dập xong dịch cúm, nhưng lại bắt đầu ngậm tăm trước mấy câu chuyện đời tư. Nã pháo vào ông nội tôi đầu tiên không ai khác chính là bà của Hà Quyên tầng dưới.

"Bác sĩ Trần đẹp trai giỏi giang như vậy, chắc đã có gia đình rồi?"

Một người khác nói chen vào:

"Chưa có, tôi để ý rồi, tay không đeo nhẫn!"

Tôi nhăn nhăn, Minh Hiếu đúng là không đeo nhẫn vì anh là bác sĩ. Ông nội đột nhiên quắc mắt nhìn tôi, tôi khó hiểu gãi đầu. Tôi có làm gì sai đâu? Cũng không phải tôi nhét quả bóng bàn vào họng thằng nhóc đó?

Bà của Hà Quyên lăng xăng hỏi han, cuối cùng kết luận với ông tôi rằng khi nào đó cả khu nên làm một bữa tiệc cảm ơn bác sĩ Trần, đồ ăn thức uống cứ để Hà Quyên lo hết. Hà Quyên là đầu bếp, bà cô ấy đúng là lo liệu rất chu toàn.

Mọi người nhao nhao đồng ý, chưa gì đã sắp xếp xong ngày lành tháng tốt cùng với danh sách đồ ăn. Ông nội tôi ôn tồn nói rằng Minh Hiếu cũng không phải con cháu trong nhà, nhưng mấy lời phân bua của ông chìm lỉm trong những tôm hấp và khổ qua dồn thịt nạc.

Mãi tới khi chiều muộn, hội bô lão hâm mộ Minh Hiếu mới bắt đầu giải tán. Ông nội hậm hực chắp tay sau lưng đi lên nhà ăn tối, tôi cung cúc theo sau. Vừa đi tôi vừa nghĩ, có thể là vì lần đầu tiên ông trở thành trung tâm của cuộc nói chuyện nhưng cuộc nói chuyện đó lại là về một cậu con trai khác thậm chí không phải là cháu trai của ông, nên ông mới tức giận. Ông đã bảy mươi tuổi mà còn đi nhanh vun vút, tôi cắm cúi bước đến góc hành lang rẽ vào nhà lại đâm sầm vào lưng ông.

Tôi kêu lên một tiếng:

"Á!"

Ông nội không hề nhúc nhích lấy một phân. Tôi trông èo uột khá đáng thương, bố tôi cũng ngày đêm cầm dao múa bếp, thế nhưng ông tôi lại là võ sư khá nổi tiếng vào vài mươi năm trước.

"Cháu bây giờ có tiền không?"

???

!!!

??

Bao nhiêu năm qua, tôi đi học, đi làm, mua nhà, gia đình chưa một lần hỏi tôi chuyện tiền nong, cũng không cho phép tôi góp tiền chi tiêu hàng ngày. Tôi ngẩn ra một lát rồi nói:

"Cháu có."

"Đủ mua một chỉ vàng không?"

Tôi nhẩm tính một lát, hình như tôi có thể mua được đến vài chục cân vàng.

"Đủ ạ."

"Chậm chạp quá cũng không tốt."

Ông nội thở dài rồi đi vào nhà. Tôi dặn bố để lại cho Minh Hiếu một phần cơm, bữa ăn của chúng tôi quay đi quay lại cũng chỉ bàn chuyện tai nạn buổi chiều. Bà nội tôi không trực tiếp có mặt, thế nhưng tin tức trôi nổi trong hành lang bằng cách nào đó đã chui vào nhà tôi không sai một chữ:

"Bà Thanh muốn tổ chức tiệc cảm ơn Minh Hiếu nhà mình."

Tôi suýt nghẹn canh vì một tiếng "Minh Hiếu nhà mình", mẹ tôi đã cười cười:

"Chắc là bà ấy lại định gán ghép Minh Hiếu với Hà Quyên chứ gì? Con hơi buồn cười, Hà Quyên vẫn còn trẻ, bà Thanh gặp con trai nhà ai còn độc thân cũng sốt ruột muốn làm mai."

Mỹ An lắc đầu:

"Gặp anh Minh Hiếu thì ai cũng muốn làm mai, chỉ có ông nội là đuổi."

Ông nội trừng mắt nhìn Mỹ An:

"Ông đuổi bao giờ?"

Mỹ An nhún vai, cả nhà tôi làm như không nhớ đến câu chuyện rối loạn thần kinh tim ngày trước. Bữa cơm vừa xong thì Minh Hiếu về đến, mẹ tôi dọn cơm ra rồi ngồi bên hỏi han tình hình đứa nhỏ. Minh Hiếu rửa tay rất lâu, anh nói rằng bệnh viện có máy móc nên không đến nỗi phức tạp. Chích một lỗ trên quả bóng, dùng kẹp kẹp vào cho không khí thoát ra, quả bóng xẹp xuống là có thể gắp được ra ngoài.

"Tiếc là lúc cấp cứu không còn cách nào khác, con phải rạch trên cổ một đường. Mấy ngày tới chắc là đau lắm."

Minh Hiếu ăn cơm ngon lành, tôi cảm giác như anh đã bị bỏ đói lâu ngày mới được ăn, bố tôi nấu ra thứ gì anh cũng khen ngon tấm tắc. Mẹ tôi nhìn Minh Hiếu thật lâu, sau đó vui vẻ nói:

"Mà hôm nay cả khu nhà nháo nhào vì bác sĩ Trần. Các bà tầng dưới muốn làm tiệc ăn mừng cho thằng bé rồi mời con tới."

Minh Hiếu cười:

"Được ạ, có đồ ăn thì con sẽ tới ngay."

Ông nội tôi đi ngang qua, tay buông tờ báo, miệng nói khô khan:

"Đương nhiên có, còn là đồ ăn ngon nữa. Cháu bà Thanh là đầu bếp chuyên nghiệp mà."

Minh Hiếu nói:

"Bà Thanh là bà cụ hay đeo lô cuốn tóc đúng không ạ? Hình như có cháu gái tên là Hà Quyên?"

Mẹ tôi hỏi ngay:

"Sao con biết?"

Minh Hiếu nhìn tôi nhoẻn cười, nụ cười cảnh cáo đó làm tôi không khỏi lạnh gáy. Cười với tôi xong, Minh Hiếu trả lời qua loa với mẹ rồi lại ngoan ngoãn cúi đầu ăn cơm. Ông nội tôi hung hăng ho một cách vô cùng giả tạo bên bàn bếp. Ho xong, để mọi người ngẩng đầu lên nhìn, ông mới nói:

"Biết trước cũng tốt, bà Thanh nói để giới thiệu Hà Quyên cho cháu."

Minh Hiếu ngạc nhiên:

"Giới thiệu cho cháu làm gì? Cháu có người yêu rồi mà."

Ông nội lại bắt đầu ho ồn ã, mẹ tôi đứng dậy bỏ đi. Minh Hiếu quay lại nhìn tôi vài giây, sau đó cắm cúi ăn tiếp phần cơm còn lại. Ăn hết cơm, Minh Hiếu rửa bát rồi tới đo huyết áp cho bà tôi. Từ đó đến hết đêm, Hiếu không nói chuyện với tôi, trên đường về căn hộ của tôi, anh vẫn cương quyết không hé răng nửa lời.

Trời mưa rải rác, tắm xong, tôi ngay lập tức chui vào chăn ôm cứng lấy Minh Hiếu. Hiếu không buông quyển sách trên tay ra, anh nâng hai cánh tay để tôi ôm rồi tiếp tục lật sách.

Dùng hết cằm đến trán cọ vào ngực Minh Hiếu mà anh không nhúc nhích, tôi quyết định nằm yên. Áo của Hiếu thơm mùi xà phòng sát trùng và bột giặt, tôi hít mãi thứ mùi nhạt nhẽo đó, Minh Hiếu chẳng thèm ừ hử một câu. Tiếng sách lật đều đều làm cho tôi buồn ngủ, tôi biết để sang ngày mai thì sự việc hôm nay sẽ ôi thiu bốc mùi nên đành chấp nhận ngả bài.

"Giận em à?"

Minh Hiếu lắc đầu, tiếp tục đọc sách. Còn chẳng phải sách y khoa mà là sách về quy hoạch của người Pháp ở thế kỉ mười chín, không hiểu vì sao anh lại có đủ kiên trì đọc suốt cả tháng nay.

Tôi bỏ Minh Hiếu ra, ngồi thẳng trên giường nghĩ ngợi. Minh Hiếu đọc xong cuốn sách quy hoạch, anh gối đầu lên tay rồi nói:

"Hẹn hò với anh làm em xấu hổ à?"

Tôi kêu lên:

"Em có điên đâu mà xấu hổ? Tự hào còn không hết."

Minh Hiếu chỉ cười ha ha hai tiếng lấy lệ, sau đó anh lại đưa tay với lấy một cuốn sách tôi đặt đầu giường.

"Ừ, tự hào."

"Mai em bắc loa lên cho cả chung cư nghe đã được chưa?"

Minh Hiếu lắc đầu:

"Bây giờ thì muộn rồi. Các bà các mẹ chắc đã đi mua nguyên liệu làm tiệc, đừng làm họ mất hứng chứ."

Tôi hít một hơi sâu, không khí âm ẩm lạnh chui thẳng vào hai cánh mũi. Mất hứng thật sự, chúng tôi ngày nào cũng cãi nhau đôi ba chuyện vặt vãnh nhưng tất cả đều là do tôi khởi xướng. Còn mỗi lần Minh Hiếu là người khởi xướng, chắc chắn sẽ có chiến tranh to.

Vì Minh Hiếu không chấp vặt như tôi, nên một khi anh đã chấp, hàng ngàn cái vặt vãnh sẽ được chọi thẳng vào mặt tôi ngay lập tức.

Tôi quay lại nhìn Hiếu, anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần khoanh tay chờ cãi lộn. Tôi buồn bực đứng dậy mở két tài liệu lấy vài thứ đồ rồi đi xuống lầu. Kiểm tra thấy trong nhà chỉ còn rượu và vài miếng thịt bò khô không xứng tầm với bác sĩ thiên tài, tôi vẫn hú lên một tiếng:

"Trần Minh Hiếu, em mở tiệc cho anh, xuống đây."

Tôi gọi ba tiếng, Minh Hiếu không xuống, tôi rướn người ném một miếng bò khô lên tầng gác. Miếng bò khô khó khăn leo qua ban công, tôi phủi tay chờ đợi. Hai mươi phút sau, Minh Hiếu đi xuống, trên tay anh cầm miếng thịt bò.

Khi đó tôi đã uống hết một phần ba chai rượu nho của cậu khách hàng sáu múi. Mấy năm trôi qua, vườn nho nọ vẫn đều đều ra trái, tôi vẫn đều đều nhận được một thùng nho ủ chín tới thơm lừng. Minh Hiếu hừ nhẹ rồi ngồi xuống cạnh tôi. Tôi leo lên bàn sofa ngồi, tay giật miếng thịt bò trong tay anh xé nhỏ. Vừa xé tôi vừa đếm, nói, không nói, nói, không nói, không nói...

Rốt cuộc vẫn là nên nói. Không nói thì Minh Hiếu của tôi sẽ méo mó hết người vì tức giận. Minh Hiếu rót cho mình một cốc rượu nhỏ, tôi uống hết cả chai rượu thì nhảy bổ vào người Minh Hiếu bám lấy anh. Minh Hiếu giãy dụa được vài cái rồi thôi, thân bạch tuộc như tôi một khi đã vươn tay chân ra làm xúc tu thì không ai gỡ nổi. Anh thở phì phò vì bực mình, tôi vẫn thản nhiên niệm chú:

"Em yêu anh em yêu anh em yêu anh em yêu anh yêu anh yêu anh."

Minh Hiếu nắm lấy tóc tôi, giật đầu tôi ra khỏi ngực anh rồi bất lực nói:

"Đường đường là phó khoa nhi, nhà có điều kiện, mặt mũi cũng không đến nỗi nào, sao lại vác xác đi yêu em nhỉ? Bao nhiêu người xếp hàng đầy ra."

Tôi vênh mặt:

"Em thì sao?"

Minh Hiếu thở dài:

"Em chỉ giỏi to miệng thôi."

Tôi gào lên:

"Em còn to thứ khác chứ sao chỉ có miệng to?"

Minh Hiếu nhướn mày:

"Cái gì to?"

"Tình yêu em dành cho anh này."

Minh Hiếu ọe một tiếng rồi xô tôi ra khỏi người anh. Tôi mềm oặt rơi như cọng bún xuống sàn, rồi bò lên, quờ quạng tìm tập tài liệu.

Trước mặt Minh Hiếu, tôi mở quyển tài liệu. Tôi thần bí úp mở nói với Minh Hiếu, em sắp cho anh xem những thứ giá trị nhất trong cả cuộc đời của em.

"Đây là sao kê tài khoản của em."

Tôi đặt tờ giấy xuống bàn. Minh Hiếu nhặt lên, lại nhướn mày nhưng không nhận xét về độ dài của những chữ số 0 dằng dặc trên đó.

"Giấy tờ nhà đất."

"Sổ hộ khẩu."

"Bằng đại học."

"Giấy khai sinh."

"Giấy tờ xe."

Minh Hiếu bật cười:

"Đưa anh làm gì?"

"Chứng minh tình yêu. Đây em cho anh hết cả đời em."

Tờ giấy sau cùng trong tập tài liệu "cả cuộc đời em", tôi đưa cho Minh Hiếu thiệp cưới mà Phong Hào và anh Thái Sơn đã thiết kế.

Noron thần kinh của bác sĩ chạy tương đối nhanh, Minh Hiếu chìa hai bàn tay ra. Mắt anh cong cong lấp lánh nhưng môi vẫn chưa cười, tôi dẹp trống ngực dộng ầm ầm xong mới phát hiện ra một vấn đề hơi nhạy cảm.

Tôi không có nhẫn.

Tôi mò hết túi áo túi quần, đương nhiên vẫn không có.

"Anh chờ một chút", tôi nói. "Em quên nhẫn rồi."

Tôi chạy quanh nhà, nhà tôi cũng không có nhẫn. Tôi quay lại cầm tay Minh Hiếu lên đo đạc một chút. Đem hết kinh nghiệm mười năm làm kiến trúc sư ra, tôi mở tủ lấy bộ cờ lê tua vít, tháo bung vòi nước của máy lọc nước. Phần nối giữa chân vòi nước và bình lọc có một vòng bi inox, tôi nhặt lên, đem áo lau sạch nhớt. Thiết kế của vòng bi vòi nước không khác Cartier là mấy, chỉ trừ việc tôi mua nó với giá năm nghìn đồng.

Vòng bi vừa khít với ngón đeo nhẫn của Minh Hiếu. Tôi phủi tay tự hào ném chiếc cờ lê ra sau lưng, vui vẻ cúi đầu nói với anh:

"Quãng đời sau này mong anh giúp đỡ."

--

Tôi từng nghiên cứu nhiều về những màn cầu hôn. Tôi lên Youtube xem cả trăm video cầu hôn, người ta nếu không làm hoành tráng với hoa hồng và nến thì cũng cảm động đến nỗi ôm nhau khóc.

Cuộc đời tôi nhạt nhẽo lắm. Tôi nghĩ rằng mình sẽ bình ổn sống, yêu đương chậm rãi, rồi đến lúc chín muồi thì đưa nhau về nhà, sau đó đi tìm thầy bói chọn lấy một ngày tốt. Tôi nằm trong số diễn viên quần chúng, cả đời cũng không tưởng tượng nổi mình ôm chín trăm đóa hồng đứng trên nóc tòa Empire hò hét rằng em sẽ yêu anh từ kiếp này sang kiếp khác, nếu không em bây giờ sẽ nhảy xuống để chứng minh cho anh xem. Chuyện cầu hôn của tôi bây giờ cũng nhạt loãng không có gì đáng nói, thế nhưng bằng một cách nào đó, khi nhìn vòng bi inox ở trên tay Minh Hiếu, biết rằng mình là chủ nhân của không chỉ chiếc nhẫn mà còn cả bàn tay đó, tim tôi lại nhói lên một cơn đập thình thịch, tôi bắt đầu thở gấp.

Thì ra một cuộc đời bình phàm đến mấy, một lần cầu hôn tầm phào đến mấy cũng sẽ có lúc khiến cho một người bị rối loạn thần kinh tim một lần.

_______________

Hết phần 30.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro