Chuyện tùm lum-Lenghiabk05
Phó tiến sỹ thì làm được giề?
Đợt nhập ngũ đầu tháng 9 năm ấy của bọn tớ toàn là dân tốt nghiệp từ đại học trở lên ở các trường trong và ngoài nước, mà có hộ khẩu ở Hà nội.
Việc đầu tiên trong đời lính là phải khai lý lịch, trong đó có mục chuyên môn, học vấn.
Cán bộ khung của bọn tớ hồi ấy (cấp c và đặc biệt là cấp b) phần lớn là lính chống Mỹ, được đào tạo bổ túc trong Trường sỹ quan lục quân 2 ở Bình Dương trong gần 2 năm, nên văn hóa thực của thực của các anh đó phần lớn chưa hết cấp 3.
Vì thế phải quản lý hội cứng đầu cứng cổ như bọn tớ, các bố ấy cũng có phần nơi tay. Và việc phân công biên chế trong c của bọn tớ thì cán bộ khung thường là dựa vào chuyên môn của từng thằng.
Và chuyện gì phải đến đã đến.
C trưởng ra lệnh tập chung toàn đơn vị để phân chia về các phân đội. C trưởng dõng dạc hô:
-Đồng chí Cương!?
-Có.!! Thằng Cương “cốm” phồng bộ ngực lép cố hiên ngang đáp lại (thằng này gầy và có 1 túi cốm can xi mang theo để ăn chống thiếu chất, nên được anh em đặt cho biệt danh là Cương “cốm”)
C trưởng hùng hồn phân công:
-Xét về chuyên môn, đồng chí là phó tiến sỹ -sinh vật học, có liên quan đến vật sống, nên nay phân công làm …trợ lý y tá đại đội
Rồi thì cũng qua thời huấn luyện tân binh.
Tạm biệt phố Cò, phố Lả của đất Sơn Tây, tớ được phân về Hải quân.
Nhà ở của đơn vị được bố trí gần như theo hàng dọc, mặt trước nhà hướng ra biển để hóng gió mát. Gần sát cổng vào là nhà bộ phận vệ binh, tiếp theo là khu kho hậu cần và nhà ăn, tới là nhà của cánh mặc “áo chit gấu” bọn tớ, sau cùng là nhà của các “bóng hồng trong áo lính”.
Theo cách bố trí nhà như vậy thì vào các buổi trưa hè, khi có kẻng cơm trưa, là các cô bé tóc bím 2 bên, lại đi nhờ dọc hàng hiên của nhà “áo chít gấu” để tránh nắng trên đường lên nhà ăn.
Thế rồi một dạo, tớ thấy các cô bé xinh xinh đó không đi nhờ qua hàng hiên trước nhà nữa, mà đi hẳn qua sân bóng chuyền bằng xi măng nóng ngốt người. Dáng đi thì cứ như cua bò ngang, mặt các cô quay hết ra biển.
Lấy làm lạ, trong buổi sinh hoạt Đoàn (tớ phụ trách Đoàn mà lị), tớ mới hỏi lý do. Các cô bé rúm lại, đùn đẩy nhau, cuối cùng, một cô người Thủy Nguyên bạo dạn nhất bọn mới đáp rằng: anh nhìn vào phòng bố Hạnh khắc biết. Ở đây cũng nên chú thích 1 tý: bố Hạnh là lính chống Pháp, đại úy chuyên nghiệp, phụ trách xăng xe. Do có tuổi quân cao nhất đơn vị nên bố Hạnh hay tự cho phép mình có đặc quyền là lơi lỏng trong chấp hành điều lệnh nội vụ. Bố Hạnh thường ăn cơm sớm và khi có kẻng báo cơm thì bố ấy đã đang ngáy rồi.
Còn đang ở tuổi hăng máu, hôm sau tớ đi kiểm tra phòng bố Hạnh và bật ngửa người, thảo nào các cô bé ấy cứ rúm người khi đi qua. Thì ra là mùa hè, cửa phòng mở toang đón gió biển, nên cái quần cụt số 1 không thể che được khẩu Bô pho 40 nằm giữa 2 cẳng chân xe điếu của bố ta.
Dĩ độ trị độc.
Hôm sau, đợi bố Hạnh đang thổi sáo miệng, tớ tước lấy một sợi dây mồi (trước khi vứt cáp neo tầu sang cho tầu bạn hoặc vứt cáp lên bờ để neo vào ma ní, lính thủy phải ném trước sang 1 sợi dây mềm, dây đó gọi là dây mồi. Dây này nổi tiếng về mềm và dai, thường hay bị lính cắt trộm để tặng “phỏm” đan túi, đây sẽ là đề tài của một câu chuyện khác). Một đầu dây mồi tớ buộc vào cái chổi quyét nhà, đầu dây mồi còn lại tớ buộc vào 2 bánh xe của khẩu bô pho của bố Hạnh.
Kẻng báo báo thức vang lên, bố Hạnh mở mắt ra liền càu nhàu: bố thằng nào giám đặt cái chổi bẩn lên bụng ông thế này và bố Hạnh lấy hết sức bình sinh dể ném cái chổi ra sân…
Nghe anh em kể lại là chỉ thấy bố Hạnh kêu đánh ắc một tiếng rồi vật xuống. Còn tớ thì phải đi tạm lánh dưới tầu 1 tăng, không dám lên bờ.
Tuy nhiên, sau vụ đó thì không ai còn bị rám má hồng cả
Thú thực với các bác, lính thủy hầu như chẳng tự túc được cá để ăn đâu.
Thứ nhất là xăng dầu cấp cho tầu rất ngặt nghèo, không thể tự dưng nổi hứng nhổ neo đưa tầu ra khơi để đánh cá được.
Tiếp nữa là chẳng ai trang bị lưới đánh cá cho tầu cả, quân pháp nó biết thì vỡ mặt.
Hải quân có 1 lữ, là lữ 128 làm nhiệm vụ đánh cá, làm nước mắm, v.v.. và v.v… Nhưng đời em ở lính, chưa được xơi con cá nào của lữ 128 ấy cả.
Lính thủy mà bắt được cá cũng chỉ là tình cờ, may rủi mà thôi. Tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh cụ thể.
Cái tầu PCF mà em kể với các bác ấy, nhờ có 2 dàn đèn pha cực mạnh mà đôi khi bọn em cũng vớ được khối cá mực.
Chuyện là thế này.
Để câu cá mực, ngư dân thường chọn những hôm tối trời, ít trăng. Tức là đầu tháng hoặc cuối tháng ấy. Họ mới mang thuyền ra biển. Đêm tối trời, các thuyền câu cá mực bật đèn lên, các chú cá mực thấy ánh sáng là lao đến kiếm mồi và tìm bạn. Vì thế các tầu câu cá mực thường hay đi sát vào nhau, để tầu này tỏa sáng cho tầu kia. Vì càng sáng, cá mực càng đến nhiều. Vì thế, đây là lúc tình đoàn kết được thể hiện rõ nhất, không muốn cũng không được.
Các bác nào đi nghỉ mát ở biển, cứ thấy từng hàng đèn rực sáng của các tầu ngoài phía biển như là 1 phố nổi ấy, đấy chính là các tầu câu cá mực đấy.
Vì thế, mỗi khi con PCF của em được lệnh ra khơi vào những hôm không trăng, anh em thường mang trộm dây câu. Bố bảo cũng không dám vác cần, trển mà biết thì cứ gọi là sao gạch rơi lả tả.
Khuất nẻo 1 tý, tàu bật 2 dàn đèn lên coi như sục sạo tìm mục tiêu. Sau đó thuyền trưởng nhắm tịt mắt, coi như không biết lính tráng làm gì. Lính thì 2 tay 2 dây câu, mồi là bất cứ thì gì có thể kiếm được. Vào những hôm trời tối đen như mực thì là trúng quả cá mực nhất. Giật lên cứ gọi là tanh tách. Nhưng cũng chả giám giật nhiều. Chỉ cỡ độ một cái xô tôn 40 lít của Liên Xô là phải cuốn gói. Bật cái bếp dầu lên, nhúng mấy con mực tươi vào nồi nước sôi, nhắm với chai Ngũ gia bì, nghe gió phần phật bên tai, quả là cũng tưởng mình đang ở trển vậy.
Lúc về cảng cũng phải rất thận trọng, cái xô cá mực ấy cũng phải len lén mang lên. Giúi cho mấy cô bé chị nuôi cũng phải thì thào: ai hỏi nhớ là phải nói là mua rẻ được ở ngoài chợ nhé. Lính trong đơn vị, bữa trưa hôm sau cứ ngậm tăm ăn cơm với mực sào và không thằng nào dám hé răng với quan trên cả.
Với kinh nghiệm của lính thủy, em xin hầu các bác 1 lời là: chớ ăn mực hoặc cua biển vào dịp trăng sáng. Lúc trăng sáng đó, lũ cua, mực còn mải mê tình tự, nên thịt của chúng rất óp.
Khi đại trưởng …êu
Tớ chơi thân với cậu Hải, đại trưởng A72 - f 365. Đại đội này đóng trên đồi cao, còn doanh trại của bọn tớ ở chân đồi, sát mép biển. Gần nhau nên thường qua lại chơi với nhau nên lính của 2 bên đều biết mặt.
Thời ấy, cậu Hải chưa có vợ, mà đơn vị tớ thì lại nhiều chiến sỹ nữ, nên chuyện tán tỉnh của cậu ấy là điều dễ hiểu.
Thời nào chả thế, đã là đi cưa cẩm thì con người ta, ai cũng muốn mặc bộ quần áo phẳng phiu một chút. Mà thời ấy thì đào đâu ra bàn là. Ai mà có “đầu đội áp xuất, chân đi bàn là” thì cứ gọi là vênh ngược. Còn oai hơn các cậu vác BMW 525 đi tán người yêu bây giờ. Mà đã là bàn là thì phải là loại “hoa râu-dây sọc đen đỏ”, khác đi một tý là không có giá, tỷ như xe Mipha mà không phải là mầu xanh ngọc thì cứ gọi là mất nửa tiền.
Quay lại chuyện làm thế nào để có bộ cánh phẳng phiu.
Lắm mẹo như tớ thì cũng nghĩ ra cách là: gấp phẳng quần áo, bỏ vào trong tờ báo cũ gập đôi, rồi đặt 2 quyển “Lê Nin toàn tập” (loại sách được Liên Xô phát không thời 8X) lên trên. Chờ đủ 24 tiếng đồng hồ hẵng đem ra mặc. Kể cũng tạm. Tớ sẽ đưa mẹo này vào mục “mẹo nhỏ dọc đường hành quân” mới được.
Còn cậu Hải đại trưởng bạn tớ lại có cách khác.
Một hôm, vào một buổi chiều hè nóng thắt ngực, tớ lên C 11 tên lửa vác vai A 72 của cậu Hải để bàn việc giao lưu văn nghệ.
Vào phòng cậu Hải, không thấy đại trưởng đâu, chỉ thấy một cậu chiến sỹ (không nhớ tên, chỉ nhớ là quê ở Con Cuông-Nghệ An) béo đen nhất đại đội đang mặc quần đùi ngồi thu lu trên giường. Tớ bèn vặn hỏi: cả đại đội đi lấy củi từ sáng, sao giờ này cậu vẫn ngồi nhà.
Cậu ta mếo máo: Em cũng đang lao động từ sáng đến giờ đấy chứ, anh nhìn thì thấy.
Tớ nhìn kỹ thì thấy cậu chàng đang ngồi lên trên 2 cái chăn bông, dưới 2 cái chăn bông là một gói giấy báo.
Tớ bèn thắc mắc hỏi; cậu làm cái quái giề thế ?
Anh chàng béo đen mếu máo: em đang là quần cho đại trưởng tối đi chơi
Chức trách gì sướng nhất trong đời lính
Các bác thử bình xem chức trách gì là sướng nhất trong đời lính xem nhé.
Tớ thì bình cho bọn chiếu bóng lưu động của ban chính trị.
Các bác thử nhớ lại mà xem. Thời 8x đấy, cứ thấy cái bóng xe gát 66 buộc 4 cái cọc tre dũi vào đến cổng đơn vị thì chẳng cứ quan lính của đơn vị mình, mà cả anh em ở các đơn vị xung quanh, thậm trí dân quanh vùng, cũng thấy phấn khởi hẳn.
Thường thì giờ thể thao buổi chiều sẽ được bãi bỏ, anh em có thêm thời gian tắm giặt và đặc biệt là được ăn cơm chiều sớm. Suốt từ khi con gát 66 đến, anh em chỉ có mỗi 1 topic để buôn là tối nay sẽ được xem phim gì. Món ăn khai vị cố hữu sẽ là 1 cuốn phim của thời sự trung ương hoặc điện ảnh quân đội, cái này thì ai cũng biết nên không cần bàn tán nhiều. Cái đỉnh của đỉnh là phim giề cơ. Mà hồi đó phim đâu có nhiều nhặn gì. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có: Tháng tư chỉ có 30 ngày, hay: Mùa hè nóng bỏng ở Ca Bun, v.v.. và v.v…
Thế nhưng mà cũng vui ra phết. Việc buôn của anh em còn kéo dài đến khuya. Thường là xem phim xong, lính ta còn kiếm nồi cháo khuy để kéo dài thêm sự sung sướng. Nhưng đấy là chuyện của anh em ở tại đơn vị.
Bọn chiếu bóng mới là người của cõi trên.
Đi đến đâu, bọn nó cũng được thủ trưởng đơn vị tiếp đãi. Nghèo nhất thì bọn chúng cũng có một cỗ riêng với thủ trưởng. Thực đơn đãi khách mà tớ được biết là: 1 đĩa trứng rán, cá kho rán lại (bếp đại táo của anh em thì cá kho là cá kho, còn của đội chiếu bóng thì phải rán lại thêm cho sang trọng), một chai rượu thuốc Ngũ gia bì. Nhớ đến đây tớ vẫn còn phải nuốt nước bọt. Và hơn hết, chẳng có đơn vị nào nỡ thu tiền ăn, phiếu gạo của hội ấy cả.
Các bác xem bọn nó có đúng là ở cõi tiên không.
Chức trách gì hay bị lính ghét trong đời quân ngũ
Ở trên, em đã nhờ các bác bình xem: chức trách gì là sướng nhất trong đời lính. Nay em xin cùng các bác bàn xem: chức trách gì hay bị lính ghét trong đời quân ngũ. Có lần trên mạng, các bác cựu binh như CaoSon, Puma, v.v.. có nói rằng: ghét nhất là vệ binh.
Em thì cũng bình cho vệ binh cái tình cảm đó.
Lại nói về chuyện xem chiếu bóng.
Có lần đội chiếu bóng của tướng Sùng Lãm- đặc khu Quảng Ninh, đến đơn vị em chiếu bóng giao lưu và chiêu đãi. Hôm đó chiếu liền 2 tập phim “Giải phóng”, phim mầu, chiến đấu trong thế chiến 2 của Liên Xô. Đỉnh của đỉnh nên dân trong vùng cũng nô nức kéo đến xem đông lắm.
Tối hôm đó em lại đeo băng “trực ban” mới đau chứ. Ngồi thu lu trong phòng trực mà hồn vía cứ hóng hết ra nghe tiếng thuyết minh ngoài bãi chiếu, bụng rất lấy làm phiền muộn.
Đúng lúc ấy có điện thoại gọi em ra cổng vì hình như có to tiếng giữa dân với vệ binh. Em bèn “cân đai bối tử” rồi đi ra.
Hóa ra là các cô gái vùng đất mỏ đang đòi gập chỉ huy để khiếu kiện. Em mời cả 3 cô vào nhà trực ban để tìm hiểu tình hình.
Gái Quảng Ninh vốn nổi tiếng về ghê gớm và đanh đá (như cô ca sỹ Hồ Quỳnh Huơng bây giờ cũng là gái Quảng đấy), các cô tranh nhau mở máy õng ẹo. Mãi em mới hiểu được là: trong lúc dẹp trật tự để cho dân vào xem, có chú vệ binh, khi đẩy các cô ấy ra đã chạm vào các quả thủ pháo của các cô ấy, chẳng biết vô tình hay hữu ý.
Thôi thì cũng phải xử lý để cho đẹp tình quân dân, vả lại cũng muốn cho các chú vệ binh bớt đi một chút kiêu binh. Tớ bèn điện xuống nhà ăn để hỏi xem sáng hôm sau bộ đội ăn gì.
Sau khi biết, tớ bèn lấy quyền trực chỉ huy ra lệnh: thôi dẹp. Xuất bột mì, mai cho toàn đơn vị ăn nắp hầm.
Sau rốt, tớ bảo cậu vệ binh gây ra tai nạn: để phạt cậu, bây giờ cậu xuống nhà ăn, thay nuôi quân nhào và nặn bánh bao cho đơn vị.
Đến nửa đêm, tớ đi kiểm tra gác và tạt vào chỗ chú vệ binh khốn khổ ấy. Tớ hỏi: chán nắn thủ pháo gái Quảng chưa? ::)Cậu ấy mếo máo: thôi, từ nay em xin tự …thiến.
Thực ra, chức trách đã làm cho anh em vệ binh luôn bị soi thôi
Dám đùa cả…..thượng tướng
Thời bấy giờ, toàn quân chỉ có 2 công trình là đỉnh nhất của mọi thời đại, do CCCP viện trợ. Đó là trường bắn TB-1 ở Cấm Sơn và quân cảng M-72 ở Hà Tu-QN chỗ tớ. Còn Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga thì mãi sau này mới có.
Cụ Phùng Thế Tài, khi đó là thượng tướng-phó tổng tham mưu trưởng-phụ trách trách khối quân- binh chủng, nên hay ghé vào đơn vị tớ là việc bình thường. Qua giai thoại, cụ Tài là xếp cực kỳ nóng tính. Nhưng tớ lại không nghĩ thế. Tớ đã có 2 lần được tháp tùng thủ trưởng đơn vị tớ lên tận nhà con Rồng ở trong Thành để báo cáo về tình hình xây dựng ở đơn vị. Lên đến nơi, xếp của tớ giập chân và lập bô: báo cáo đồng chí thượng tướng PTT….., tôi: ..tá Trần Xuân V.., ….trưởng…. có mặt theo lệnh triệu tập của đồng chí. Thượng tướng ngẩng lên nhưng lại chỉ vào tớ: cậu này ngồi xuống chỗ kia, trong ấm có chè xanh đấy. Tớ… choáng. Có lẽ do tớ là cấp dưới tít tìn tịt nên cụ ấy không thèm đếm xỉa đến chăng?
Quay lại chuyện cụ Tài xuống đơn vị tớ.
Biết sở thích của cụ Tài là thịt chó, nên lần nào cụ xuống vi hành, đơn vị tớ cũng khoản đãi thịt chó.
Có lần, xếp Cường, lúc đó là đại tá 3 sao, bí thư của cụ Tài, gọi tớ. Baoleo này, các cậu hay chiêu đãi món chó, nhưng cậu có biết: thế nào là con chó ngon không? Tớ bèn bótay.com. Xếp Cường mới giảng giải: con chó ngon là con chó có tiếng sủa chua chua, nhất thiết phải là con mới đi tơ lần đầu, hiểu chửa? Cậu hiểu rồi thì lần sau nhớ tìm đúng loại đấy, nghe chửa. Tớ dập gót: rõ õ…
Lần sau, cụ Tài xuống, biết trước 1 ngày, nhưng tớ đã quần khắp khu Hoành Mô mà vẫn không tìm được con chó nào đúng như chỉ thị.
Túng thì phải tính. Tớ bèn ra chỉ dụ cho cậu Ngòi-người Thái Bình, là lính công vụ của Ban: thôi, mày đem con chó của ban đưa nộp cho bố Chuyền (Thượng úy chuyên nghiệp về nấu ăn) để bố ấy chuẩn bị cơm trưa đi.
Đến bữa trưa, cơm chiêu đãi khách được dọn lên nhà ăn khu C. Một phần thịt chó được bớt lại cho ban tớ, vì đã có công ốp nộp con chó. Tất nhiên là bọn tớ chưa ăn vì đang còn phải túc trực tiếp đoàn.
Được 1 lúc, xếp Cường-bí thư của cụ Tài ra gọi tớ: baoleo này, còn thịt chó không? Đoàn hôm nay hơi đông mà sắp hết đồ nhắm rồi.
Tớ cũng có phần hơi tiếc chỗ thịt chó để giành cho anh em trong ban nên bẩm xếp: báo cáo thủ trưởng, con chó có tiếng sủa chua chua, mới đi tơ được đúng 1 lần thì em đã dọn lên rồi. Bây giờ chỉ còn thịt của con chó đã đi tơ rất rất nhiều lần rồi thôi ạ.
Xếp Cường quát: nước này thì còn câu nệ cóc giề chuyện đời tư của chó nữa, cứ mang lên
Nguyên tắc của tài vụ
Lính thường xuyên than phiền với nhau: trong đầu tụi tài vụ toàn là bánh xe hay sao ấy, cứng ngắc như cái đồng hồ cũ.
Hơn 20 năm rồi mà tớ vẫn còn hình dung ra cậu Thái, người Nghệ An, trưởng ban tài vụ đơn vị tớ. Bất cứ cái gì đem lên thanh toán, cu cậu cũng phán một câu cũ rích: “đối chiếu cái đã”. Rồi thì gập người, một tay giở quyển hướng dẫn danh mục của Bộ, một tay rà rà cái bản kê của cánh ta.
Sau rốt, hoặc là với nụ cười của địa chủ được mùa, cha ấy ngẩng bộ mặt đã giãn nở hết cỡ lên hô to: tháo đạn, đứng dậy - không có trong danh mục. Hoặc là thở hắt ra, thều thào với bộ mặt của kẻ đưa đám: thôi được, tớ thua.
Chính vì tính máy móc của cánh tài vụ, nên mới có chuyện thứ thì được mua nhiều, tiêu không hết. Thứ thì lần chẳng ra.
Lính trẻ thì ai mà chẳng thích chơi bóng chuyền. Khổ nỗi sân thì bằng bê tông, sức lính ăn 24 kg gạo/tháng (bọn tớ ăn theo tiêu chuẩn tầu loại 1) khỏe như cá ngựa. Thẳng tay đập bóng thì quả bóng nào bền lắm cũng chỉ được 2 tuần. Thế nhưng bóng không bao giờ thiếu mới tài.
Chẳng qua là đối chiếu với cái danh mục chết tiệt của cậu Thái, thì ban doanh trại cũng được mua bóng, vì nó thuộc vào dạng “cơ sở vật chất”. Ban quân y cũng mua vì nó thuộc dạng “phục vụ sức khỏe cho bộ đội”. Ban chính trị thì không phải giải thích, ai cũng biết là nó có tên trong “phục vụ đời sống tinh thần cho chiến sỹ”. Không kể đoàn thanh niên, vì nó phục vụ cho “phong trào đoàn” hay ban hậu cần, bóng thuộc danh mục “phải trang - cấp cho đại đội”. Túm lại, bóng thì cứ vô tư.
Tuy nhiên, có khối thứ thì phiền hà hơn bao giờ hết.
Tỷ như làm cái giếng nước, đến gập cậu “đối chiếu cái đã” là phải đủ 4 thằng trưởng ban “cân đai bối tử” để khênh cái mẩu giấy kê khai bé bằng bàn tay. Vì ban doanh trại chỉ được quyết toán cái lòng giếng với cái cần tre, vì nó thuộc danh mục “xây dựng cơ bản”, ban hậu cần thì được quyết toán cái dây buộc thõng từ cái cần tre xuống, vì nó thuộc “dụng cụ mang vác”, ban quân y thì phụ trách cái gầu, mà được buộc vào cái đầu còn lại của cái dây trứ danh kia, vì nó thuộc mục “dụng cụ đựng nước sạch cho bộ đội”. Còn cái cọc tre để treo gầu thì thuộc ban chính trị, nó có tên là “làm đẹp cho doanh trại
Những đêm ít ngủ.
Lại nói tiếp chuyện về lớp tân binh nữ trên kia.
Được lữ trưởng đánh giá là thằng có tâm hồn nhất lữ đoàn (trai Hà lội gốc, đọc được “Bông Hồng vàng” của Pau tốp xơ ki bằng nguyên bản tiếng Nga, bla, bla…), tớ được phân công phụ trách hội hồng hiếc đó. Và thế là: tai nạn nối tiếp tai nạn.
Thoạt tiên là toi 1 tháng phụ cấp vì bị anh em đè ra bắt khao. Anh em tưởng tưởng ra cảnh: tháng 9 nắng rám quả hồng mà lại có thằng cha được ngồi ghế, bên tả thì có 1 em mời bát nước gạo rang, bên hữu thì có em khâu hộ cái yếm bò của áo lính thủy là tiết đã sôi lên sung sục. Và tiết của tớ còn sôi hơn khi nghĩ thế mà không phải thế.
Tiếp theo đó là chuỗi ngày bị đau thần kinh vì luôn luôn phải nghiến răng và lên gồng.
Các bác thử tính xem. Là cái thằng phụ trách thì đương nhiên là phải đi đốc gác đêm.
Đêm mùa hè sóng biển rì rầm, từng con sóng va vào gềnh đá, làm bắn lên bạt ngàn tia hoa lân tinh. Tô điểm thêm cho vườn hoa sóng biển là những vì sao băng đang rơi chéo phía chân trời. Lẫn trong gió biển là mùi hương hoa lan đất xa xa rồi thật gần. Gần đến mức chỉ nhìn cặp môi cũng đoán ra tiếng: “em ở đây cơ mà, anh ơi”.
Gía như là tiếng hô “ báo cáo thủ trưởng, có tôi” thì đời quân ngũ đơn giản biết bao nhiêu. Trời ạ, đây lại là tiếng thì thầm ”anh ơi” của những thiếu nữ mới gần 18 trăng tròn. Nó có sức nóng làm tan chảy câu căn vặn về mật khẩu của anh chàng mẫn cán. Nó làm anh chàng gương mẫu cóng người khi đôi tay mát rượi chỉnh lại hộ chàng mấy ngôi sao trên vai. Và theo bản năng cách mạng , anh chàng bất hạnh chỉ còn biết giơ 2 tay lên trời.
Làm sao khác được các bác ơi.
Trong cái ánh sáng mờ ảo của các vì sao rơi đấy, chỉ cần một tiếng “khoạc khoạc” của chính ủy đi thanh tra các ông kiểm tra, mà lúc đó tay chân mình lại không để đúng điều lệnh, thì “thôi rồi Lượm ơi”. Nhẹ thì cũng 1 hạt ra đi không hẹn ngày tái ngộ.
Cái đau thần kinh ấy nó còn để lại di chứng đến bây giờ, các bác ạ.
Hơn 20 năm xa quân ngũ rồi, đêm nằm ngủ thỉnh thoảng bà vợ già của tớ lại tra hỏi: sao ông cứ hay chắt chắt lưỡi thế.
Các bác ạ, đấy là lúc tớ chợt nhớ về một vùng biển vắng, nơi đã từng có chiếc kẹp tóc sáng lấp lánh trong ánh lửa lân tinh. Và tớ đang tự hỏi: nếu lúc ấy mình hạ tay xuống thì thế giới này có đi đâu mất không nhỉ
Lội sông
Chuyện xảy ra ở một con sông, vào những năm chống Mỹ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rất tiếc tôi không còn nhớ tên con sông này, vì sông ở đây thì bạt ngàn chằng chịt, mà chúng tôi từ miền Bắc vào, cũng chỉ đi qua con sống này có một lần.
Đoàn tân binh quê ở Thái Bình chúng tôi, hầu hết con rất trẻ chỉ từ 18- 20 tuổi, vừa rời ghế nhà trường, nhập ngũ, huấn luyện vài tháng rồi đi B ngay, chưa được tiếp xúc với người miền Nam bao giờ. Đến Trường Sơn, đoàn chúng tôi một số được bổ sung xuống vùng đồng bằng sông Cưủ Long. Một đêm, vào cuối tháng, trời tối đen như mực, đoàn phải vượt qua những vùng gần đồn địch, để đi sâu xuống vùng đồng bằng. Các đồng chí giao liên dẫn đường và người địa phương, rất nhiệt tình, còn rất trẻ, thông thạo địa bàn nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Lệnh từ đầu hàng truyền xuống: “Chuẩn bị lội sông!” Vì bảo đảm im lặng, lệnh chỉ được rỉ tai nhau cho đến hất hàng quân. Chung tôi thì thầm với nhau. “Lội” thì có gì ghê gớm vậy. Khi đến bờ sông, trời quá tối, chỉ là một màn đêm dày đặc, người nọ nối tiếp người kia xuống sông, không phát ra một tiếng động vì rất gần địch. Do dòng sông hình chảo, lúc đầu nông, sau cứ sâu dần, sâu dần, ra đến giữa thì quá sâu, chúng tôi không còn thời gian chuẩn bị nữa, thế là cứ dìm mình xuống nước. Là con em của vùng sông nước đồng bằng Bắc Bộ, cho nên chúng tôi cũng bơi được sang bên kia sông, nhưng quần áo, ba lô, súng đạn, lương thực, thực phẩm thì ướt hết.
Đến nơi tập kết, sáng sớm hôm sau họp rút kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo:
Các đồng chí giao liên phát biểu:
Đề nghị kỷ luật các đồng chí tân binh, vì đã truyền lệnh chuẩn bị “lội” sông mà anh em không chuẩn bị gì cả, không lấy bọc ni lông và phương tiện lội sông, chủ quan ảnh hưởng đến tiến độ hành quân và tí nữa là tổn thất không đáng có.
Các chiến sĩ tân binh phát biểu:
Đề nghị kỷ luật các đồng chí giao liên vì không nắm chắc địa bàn, sông sâu như thế mà chỉ thông báo là “lội” sông. Chúng tôi nghĩ sông đã cạn hết nước. May mà chúng tôi là con em của sông nước “bơi” được qua sông, nếu không là bỏ mình ở dòng sông đó rồi, hoặc làm lộ mục tiêu cho địch.
Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ và nhìn nhau cười chảy nước mắt. Chữ “lội” ở miền Nam có nghĩa là “bơi” ở miền Bắc. Còn chứ “lội” ở miền Bắc hiểu là chỉ đi qua chỗ nước sâu trên dưới đầu gối.
Vladivoxtoc
Thời 8x, quan hệ giữa VN-LX nói chung và Hạm đội Thái bình dương LX-Hải quân VN nói riêng là đặc biệt hảo hảo.
Một năm 2 lần, quân chủng Hải quân đều có các chuyến đi học tập ngắn ngày ở căn cứ bạn. Đợt 1 vào khoảng tháng 3 và đợt 2 vào khoảng tháng 9 hàng năm.
Được đi tây là 1 sự kiện quá “khủng” đối với lính. Ngoài việc được học tập vũ khí hoặc phương thức quản lý mới, anh em đều coi rằng đây là 1 dịp để “đại đại tu” hậu phương của mình.
Tuy nhiên, thằng nào bị rơi vào đợt 2 thì coi như là đi “từ móm đến móm”.
Thoặt đầu tớ cũng không hiểu tại sao. Nhưng đến lượt tớ, rơi đúng vào đợt 2, do cụ Xuân là phó đô đốc về chính trị làm trưởng đoàn, được cụ Xuân giảng giải, tớ mới hiểu.
Thì ra là đi vào đợt 2, mà lên đường vào tháng 10 là “toi”. Theo thứ tự thì sẽ có những lễ trọng sau: cách mạng tháng 10 (17-11), thành lập QĐ ta (22-12), Noen (25-12), tết tây (01-01), tết ta(x-02), thành lập Đảng ta (03-02), ngày các lực lượng vũ trang và hải quân liên xô (23-02). Tất cả những lễ trọng đấy, đoàn ta đều tổ chức liên hoan mời bạn. Và lẽ đương nhiên là kinh phí sẽ do các thảo dân góp. Thế cho nên bàn là hay nồi áp xuất cứ thế mà bốc hơi ra đi chứ còn gì nữa.
Vì thế mới có câu chuyện thế này:
Gần hết đợt thực tập, đại úy I-van mới rỉ tai thằng em cộng: tao đã biết vì sao các tối thứ bẩy, trong các buổi khiêu vũ ở câu lạc bộ sỹ quan, có bao nhiêu là các nàng quân nhân xinh đẹp hoặc con các xếp, mà chú mày cứ như nhìn thấy những bức vách rồi nhé. Cấm có mua hoa hồng tặng các ẻm để làm quen bao giờ (giời ạ, cái bàn là 7 rúp mà mang được về thì sẽ có 2 chỉ rưỡi vàng bốn con chín. Còn hoa hồng ở Vladivoxtoc là 5 rúp/bông. Chẳng cần phải siết kỷ luật, có mà súng bắn ngang tai, lính ta cũng nhắm mắt làm ngơ với các bóng hồng!)
Thằng em thật thà hỏi lại ông anh I-van: thế mày biết giề?
Ông anh I-van cả cười: chúng mày có thuốc uống cai gái.
Thằng em ngỡ ngàng: thế là thế nào?
Ông anh: bữa ăn nào, chúng mày chẳng mỗi đứa có 1 cái lọ con. Lừa lúc thằng khác không để ý, là đứa nào đứa ấy khẽ búng vào bát ăn của mình mấy cái.
Thì ra nó là lọ mỳ chính, giời ạ.
Thủng bụng, lòi ruột
Tớ cũng không hiểu tại sao mà sau 75, Hải quân bọn tớ có xe “Giép lùn” là nhiều nhất so với quân binh chủng khác. Từ vùng 1 đến vùng 5, chỗ nào có hải quân cỡ “dê” trở lên, là ở đó có “Giép lùn”. Mấy thằng “đầu binh, cuối cán” bọn tớ cũng có 1 chiếc. Chiếc “Giép lùn” của bọn tớ cứ như là con “Drim già” bây giờ ấy, bất cứ cậu nào có công chuyện gì phải ra khỏi doanh trại là đều ngự lên con xế này. Đặc điểm của xe này là dễ lái, có bộ khung để căng bạt nóc vô cùng cứng và vững chãi, lăn vài vòng cũng không hề hấn gì. Thế cho nên mới có chuyện thế này.
Hồi đó lữ 147 lính thủy đánh bộ đóng ở Quảng Yên. Hè 84, lữ đó báo động hành quân để tham gia tập trận với hải quân Liên xô, chiến dịch đó gọi là HN 84. Trước khi đi, hội hậu cần bên đó tiến hành thanh lý các chú lợn tăng gia. Cậu Cường, thượng úy quân nhu chỗ tớ có thằng bạn nối khố đồng cấp chức bên lữ 147 nên biết tin này. Chỗ tớ có nhiều rượu rắn biển nên cậu Cường hiệp đồng với cậu bạn bên lữ 147 là: bên này thò nhiều chai rượu rắn biển, bên kia thò ra cỗ lòng béo theo đúng nghĩa đen.
May là hôm trước tớ với cậu Cường cùng có việc về báo cáo với Cục ở Cát Bi, nên con “Giép lùn” và bọn tớ đã ngủ đêm ở trạm 74 Hải Phòng rồi. Hôm sau quãng gần 4 giờ sáng, bọn tớ đã đổi hàng hai chiều xong với tụi quân nhu 147 và bon thẳng về đơn vị.
Các bác hay đi chơi ra vịnh Hạ long chắc còn nhớ đoạn đường từ Quảng Yên về Bãi Cháy, lúc đi qua chỗ chắn tầu một lúc sẽ gập 1 đoạn đường chạy gần biển, phia đường giáp biển có một bãi trống sú vẹt dài cỡ nửa cây số. Hồi 8x, mặt đường chỗ đó khá cao so với bãi sú và đoạn đường đó khá nhiều cua gấp. Câu chuyện này xảy ra ở đoạn đường đó.
Trời còn tối đen, cũng phần vì mệt nên tớ ngồi ghế trước ngủ thiếp đi, yên trí phía sau đã có cậu Cường ngồi trông hàng.
Bỗng nhiên nghe thấy rầm rầm và thấy người mình đảo lộn như rang lạc. Lúc hoàn hồn và định thần trở lại thì tớ thấy mình đang nằm dưới bãi sú vẹt. Còn con Giép lùn thì đang chổng bốn vó lên trời cách chỗ tớ nằm khoảng 6, 7 mét. Cậu lái xe đang ngồi thiền như mất hồn bên cạnh tớ còn cậu Cường thì không thấy đâu. Tớ hỏi chuyện gì xẩy ra thế, thì cậu lái xe mới mếu máo rằng: anh ơi, xe lộn mấy vòng xuống đây, không biết anh Cường sống chết thế nào.
Lúc ấy tớ nghe thấy tiếng rên khẽ ở chỗ xe đổ, nên cậu lái xe và tớ chạy bổ đến. Lờ mờ nhận ra cậu Cường đang nằm dưới chiếc xe và đóng xô chậu. Do cái bộ gọng của con Giép lùn khá cao nên tớ và cậu lái xe đưa cậu Cường ra ngoài không khó lắm. Ra đến ngoài xe, cậu Cường thều thào: baoleo ơi, tao sắp chết rồi, máu ra nhiều quá và lòi cả ruột ra đây này. Tớ khẽ chạm tay vào bụng thì thấy đúng thật, có cái gì đó bầy nhầy và dính, ướt đẫm cả tay.
Phản ứng của lính trong những lúc như thế này là khá nhanh. Tớ hô cậu lái xe, để 2 thầy trò lật xe trở lên, vứt mẹ nó tất cả hàng hóa lại, lấy cái chậu úp vào bụng cậu Cường che lên phần ruột bị lòi ra, lấy cái màn tuyn 2 thằng nằm đêm trước quấn chặt cái chậu và phần bụng của cậu Cường lại, cấp tốc quay xe về trạm quân y lữ 147. Trên đường đi, cậu Cường thều thào có ý trăng trối: baoleo này, tao còn ít tiền với bộ quân phục mới lĩnh, có gì mày đưa về cho nhà tao (nói rất thật là lúc đó cậu Cường không hề căn dặn 1 điều gì liên quan đến công tác Đảng công tác chính trị như trong tiểu thuyết cả). Tớ gạt đi, thôi mày cứ nằm yên giữ sức, sống chết có số, cứ yên tâm, có khi mày còn sống thọ hơn tao ấy chứ. Thằng Cường nằm yên, thở khẽ cho đễn khi vào đến trạm phẫu.
Chuyện không có gì đặc biệt cho đến 30 phút sau, cậu Cường bẽn lẽn bước ra khỏi phòng phẫu.
Thì ra, lúc xe lộn vài vòng, cái thùng tiết và chậu lòng lợn đổ ào vào người cu cậu, lại bị các cạnh xô chậu nện vào người khá đau, nên anh chàng cứ ngỡ mình bị thủng bụng thật.
Báo hại là sau đấy hàng tuần, tớ vẫn phải khai rằng: lúc sắp lâm chung, thằng Cường vẫn di chúc lại với chính ủy là: chúc đơn vị ở lại đạt nhiều thắng lợi
Quân trang của lính kiểng.
Hồi ức của bác lethaitho về chiếc hòm đựng quân tư trang thay cho ba lô của lính cơ quan bộ làm cho baoleo chợt nhớ ra hàng loạt kỷ niệm về tư trang của lính kiểng.
Qủa đúng là sau này về đóng quân ở căn cứ lữ, chiếc ba lô hầu như mất dấu thật.
Đi công tác về cục hay quân chủng, thì lính kiểng thằng nào cũng có chiếc cặp bảo mật mầu đen và chiếc xắc cốt Liên xô bằng da nâu bóng.
Quần áo được nhét vào cặp bảo mật. Khăn mặt, bàn chải răng và vài thứ linh tinh khác như phong lương khô hay một nhúm đường gói trong túi giấy bóng (hồi đó chưa gọi là túi ni lông) thì được nhét trong xắc cốt.
Còn tài liệu thật, thậm trí là mật thì được để hờ hững trong chiếc cặp 3 giây, quăng đại vào băng sau con xe Giép.
Những lúc phải xuống xe để qua phà, thì chỉ lo xách cái cặp bảo mật đựng bộ quân phục cũ rích và lo đeo cái xà cột chứa mấy cái lăng nhăng cho oách, chứ chẳng thằng nào chăm lo cái cặp 3 giây đựng tài liệu mật cả. Có lẽ sỹ quan phía bên kia cũng thế nên tình báo của ta hay lấy được thông tin mật chăng ?
Ở đơn vị, ban nào cũng phải có vài cái hòm để đựng tài liệu. Được cái đà ấy, thằng nào cũng kéo đến gạ gẫm ban doanh trại: baoleo này, cấp cho bộ phận tớ thêm N cái hòm. Biết thừa là nó lại lấy để làm hòm đựng đồ cá nhân thay ba lô rồi, nhưng tính mình hay cả nể nên cũng cho qua.
Bản thân mình cũng chẳng lấy gì làm gương mẫu cho lắm. Nhằm lúc chặt hạ mấy cây long não, tớ cũng tự thưởng cho mình và mấy thằng cánh hẩu chiếc hòm bằng gỗ long não. Tốt hết ý. Đồ đạc đựng trong đó vừa thơm, vừa không lo mối mọt, vì chằng có con côn trùng nào thích gậm cái thứ gỗ cay xè ấy.
Có một chuyện hài xung quanh cái thùng gỗ ấy.
Cậu Chính-người Hà Tĩnh nổi tiếng ki bo. Đợt ấy được đi tranh thủ về thăm nhà. Cu chàng thửa 2 cái hòm, 9 giờ đêm hôm trước, mang xe đạp vào phòng ngủ, chằng buộc 2 cái thùng cẩn thận vào xe đạp để sang sớm hôm sau, lúc báo thức 5h30 là có thể đạp xe thẳng ra bến xe, bắt xe khách về nhà.
Nhưng chàng ki bo tính kỹ không bằng quy luật tự nhiên.
Sáng hôm sau, kẻng vừa gõ, cu chàng dắt xe đâm bổ ra cửa. Kịch. Không lọt.
Hóa ra hai cái thùng buộc 2 bên to hơn kích thước cửa phòng ra vào. Báo hại cu chàng, vừa tháo hì hục tháo ra, buộc vào, vừa làu bàu chửi rủa cánh doanh trại bọn tớ. Còn cánh tớ có câu chuyện nhớ đến hàng tháng sau.
Gác đêm
Thời binh nhì, chẳng ai thoát được nạn gác đêm.
Đêm khuya thanh vắng, sợ ma là chuyện muôn thủa, nhưng còn có cái đáng sợ hơn. Đó là không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu quan trọng.
Mà trang bị thì có gì?. Nhõn khẩu AK không đạn. Thậm trí còn được dặn là không được kéo quy lát hoặc bóp cò khan. Vì làm như thế, kẻ xấu nó biết là súng không đạn, nó nhẩy xổ vào cướp súng thì có mà rũ xương với quân pháp.
Anh Phàn, đại trưởng đầu tiên trong đời lính bọn tớ là người Nam Hà, lính chống Mỹ, bản chất nông dân, khá tốt tính. Đại trưởng tư vấn cho bọn tân binh chúng tớ là: các cậu nên nuôi 1 con lợn, đợi đến khi mãn hạn tẩy não, trước khi đeo lon về đơn vị mới, ngả ra mà làm bữa liên hoan.
Cả bọn lấy làm: chí phải. Nói là làm, hôm sau mấy thằng vào nhà dân mua được con lợn giống cỡ đâu như 20 cân hơi.
Kể từ hôm đó, con lợn trở thành vật gia bảo, là tài sản quý giá, là mục tiêu quan trọng nhất cần phải bảo vệ của đại đội tân binh, đóng quân trên 1 quả đồi cằn cỗi gần phố Lả của đất Sơn Tây.
Điều lệnh canh gác đối với cánh tân binh tạch tạch xè như bọn tớ thì chỉ cần đọc qua 1 lần là thuộc như cháo chảy.
Cả bọn đều nhớ rõ lời ê a của đại trưởng: Việc canh gác có ngay từ khi hình thành quân đội trên thế giới, và sẽ tồn tại vĩnh cửu cho đến khi không còn quân đội tồn tại. Đều như như bánh răng đồng hồ và chính xác như kim giây, kim phút. Cứ 2 tiếng là 1 phiên. Khi bàn giao ca gác là phải bàn giao cả mục tiêu phải bảo vệ. Rõ chửa.
Mà như đã nói, trên cái quả đồi khô cằn ấy có cái cóc gì đâu, ngoài mấy cái lán tranh, vách liếp trống hơ, trống hoác, chứa lũ tân binh đầu bò đầu bướu bọn tớ mà ai cũng ngại nhận.
Vậy là chỉ còn có mỗi con lợn gia bảo là mục tiêu quan trọng tối thượng cần bảo vệ mà thôi.
Mà cũng chẳng cần phải ai nhắc nhở, thằng nào cũng lo mất con lợn. Mất thì đi đứt bữa tươi đánh chén, được mong đợi nhất kể từ khi khoác bộ áo lính lên người.
Thế là cứ 2 tiếng 1 lần, thằng gác trước bàn giao cho thằng gác sau (có ghi sổ đàng hoàng) là: Lợn vẫn còn.
Hai thằng bàn giao cho nhau bằng cách lấy cái sào dài chọc vào chuồng lợn cho đến khi nghe thấy tiếng kêu eng éc mới thôi.
Đêm cũng như ngày, nắng cũng như mưa, 2 tiếng 1 lần, chính xác và vĩnh cửu, con lợn lại thảm thiết rú lên từng hồi dài.
Rồi thì cũng đến ngày liên hoan.
Cả bọn hăm hở phá chuồng, bắt lợn. Hy vọng sẽ tóm được chú ỉn ngót tạ. Vì canh gác kỹ thế cơ mà.
Hỡi ôi, năm thằng chỉ túm ra được 1 con lợn cỡ to bằng một quả bí xanh, không hơn không kém. Những cái đầu nóng nhất đã hình dung ra câu chuyện trinh thám An nam là ta bị bọn gián điệp nó lừa.
Nhưng cũng còn có thằng tỉnh táo hơn. Đó là thằng An (bây giờ-06/2008, đã là anh An-phó giáo sư-tiến sỹ-viện phó viện Mắt trung ương) phân tích rằng: thế còn là may đấy. Suốt ba tháng ròng, cứ 2 tiếng/1 lần lại bị chọc vật nhọn vào người để kêu gào. Không được ăn, ngủ thì đến thép cũng phát bệnh thần kinh suy nhược, chứ nói gì đến lợn
NỒI CHÁO CÓC và CON BA KHÍA
Chỉ mới vài ngày thôi, những cơn mưa đầu mùa trút xuống làm cho cánh đồng khô khan cò bay thẳng cánh của ruộng muối Bạc Liêu tràn ngập đầy nước. Dọc theo bờ đê đi ra ruộng,.nhiều cọng cỏ non cũng mới nhú ra được vài lóng tay tỏa màu xanh lá cây làm mát rượi cả lối đi. Khác với trước đây vài tuần, trên mặt đất của các mẫu ruộng này thật khô cằn nứt nẻ, hòa với những ụ rơm đã chết vàng rụm, lởm chởm mà tôi đã có dịp đi ngang qua nhiều lần để vào trong xã hay đi về thành phố. Xa xa bên trong đồng ruộng có dựng lên nhiều chòi vịt nhỏ để cho chủ ruộng nghỉ ngơi và ăn trưa nhưng khi vào mùa khô nắng cháy hoặc mùa mưa thì lại là một túp lều thật lãng mạn cho những cặp tình nhân nội địa tới đây du dương, mộng mị và “sóng gió” cả ngày lẫn đêm. Giờ đây tôi mới hiểu tại sao người ta thường gọi đó là một “túp lều lý tưởng”.
Các mẫu đất chết được cày vỡ ra bằng trâu hoặc bằng máy cày, sau đó được vung xới kỹ càng để chờ mùa mưa đến. Nước của những cơn mưa đổ xuống được giữ lại trong ruộng bởi các bờ đê cao hơn mặt đất bốn năm tất, nối chằng chịt từ mẫu này tới mẫu khác. Có những bờ đê khác rộng lớn hơn nhưng đó là ranh giới phân chia đất đai của các điền chủ.
Tôi với người bạn thân tên Bình ra tới đây vừa được vài ngày từ Vĩnh Mỹ hầu để giúp cậu mợ Năm của hắn làm việc trong mùa lúa năm nay. Chỉ vì chưa có việc làm cho nên hằng đêm chúng tôi cùng mấy cô con gái xinh xắn của cậu Năm và những đứa trẻ trong xóm tụ họp trong phòng khách để uống trà và kể truyện ma. Nhà của ông ta là một căn nhà ngói đỏ rộng rãi có sàn lát gạch men bóng lưỡng và mỗi khi nằm xuống thân hình cảm thấy mát rượi trong mùa hè oi bức. Còn chung quanh ấp đều là những căn nhà lá mộc mạc, xây cất thưa thớt dọc theo con kinh đào nhỏ thông từ ngoài biển ruộng muối vào tới xã Vĩnh Mỹ.
Người phụ trách trà và nước là cô con gái cả của cậu Năm cũng là người rất thích nghe chuyện ma lẫn chuyện tình cảm lãng mạn mà tôi hay kể cho nghe. Phượng lúc đó vừa tròn mười chín, trẻ đẹp, nhưng mới vừa thôi chồng sau ba tháng khi về làm dâu nhà người, chỉ vì nàng không chịu nổi sự hà khắc oan nghiệt của chồng. Cậy vào mình là con nhà có chút của cho nên chồng của Phượng ngày ngày đi long bong rượu chè say mèn rồi tối về nhà làm bộ ghen tuông để đánh vợ. Họ lấy nhau theo kiểu cha mẹ “đặt đâu con ngồi đó” hòa lẫn với danh từ “môn đăng hổ đối” của gia đình. Nhưng cuối cùng cậu Năm phải đành để cho con gái mình ly dị thằng chồng “hắc ám” đó trở về ở lại nhà ông chờ duyên mới.
Mỗi tối Phượng thường ngồi kề tôi, rót trà cho tôi uống trong khi tôi kể chuyện ma cho họ nghe dưới ánh đèn dầu lung linh đặt ngang hông trên cột nhà. Cậu Năm thì nằm đu đưa cọt kẹt trên chiếc võng cao, vắt ngang qua bộ đi văng mà mợ Năm và mẹ chồng đang nằm trên đó cùng lắng tai nghe. Chuyện ma tôi kể thường hay pha lẫn “Con Ma Nhà Họ Hứa” với “Liêu Trai Chí Dị” hoặc những truyện ma khác mà tôi có dịp đọc trước đó vài năm. Có đôi lúc chuyện đến hồi gay cấn tôi cảm thấy bàn tay của Phượng đang bấu chặt trên cườm tay của tôi, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ vì sợ hải cho nên nàng làm như thế nhưng sau này tôi mới vỡ lẽ ra. Có nhiều đêm kể chuyện xong, đám trẻ trong xóm không dám đi về nhà một mình cho nên chúng tôi đành phải đưa chúng về từng nhà một.
Vào buổi sáng thì thằng Chiến, em của Phượng, hay đưa chúng tôi ra ruộng muối để chày bắt cá lòng tong để kho tiêu cho buổi ăn trưa. Cũng có nhiều lúc chúng tôi chạy theo nó bắt những con ba khía mới vừa ra khỏi hang hấp thở không khí trong lành của buổi sương mai, về làm mắm. Đi bắt ba khía không phải là chuyện dễ chỉ vì nhiều con chạy quá lẹ, chúng chuyền từ hang này sang hang khác rồi biến mất. Có đôi lúc tôi bị những con ba khía kẹp trầy tay nhưng khi bắt được chúng, tôi cảm thấy vui vui làm sao. Bọn anh em thằng Chiến không có chuyện gì ở dưới quê mà chúng không làm được cả. Nghệ thuật bắt ba khía của làm cho tôi rất thán phục chỉ vì được khoảng một tiếng đồng hồ thôi chúng đi bắt được gần vài chục con đủ để cho bà nội nó làm một hủ mắn. Lúc đó tôi mới am hiểu về cuộc sống bình dị và an nhàn của miền đồng quê này.
Vài ngày sau, khi tờ mờ sáng Bình và tôi được đánh thức để đi cùng cậu Năm và anh em thằng Chiến ra ngoài đồng. Đám mạ non trong ba công ruộng phía sau nhà Cậu Năm đã mọc chen vào nhau, tỏa màu xanh lè mới vừa đủ sức sống được bứng lên sáng ngày hôm đó để chuẩn bị cấy vào đất ruộng. Trong lúc cậu Năm đang phân chia nhiệm vụ cho đám con và hai cô gái làm mướn trong xóm thì Bình lên tiếng:
“Để cho cháu với thằng Hà làm hai công đi cậu.”
“Tụi bây nhắm có làm xuể không mà đòi tới hai công lận?” cậu Năm hỏi “Coi bộ cái tướng Sài Gòn của tụi bây chỉ biết ăn chơi và đi cua gái thôi chứ làm được cái mẹ gì mà đòi dành tới hai công.”
Nghe nói như thế mọi người đều cười rộ cả lên làm cho tôi hơi sượng sùng đỏ cả mặt nhưng tôi cố gắng phớt tỉnh như người “ăng lê” để khỏi bị mắc cỡ. Cuối cùng thì tôi và Bình cũng được giao cho cấy một công đất. Trước đó thì cậu năm phải nhờ cô Út Hiền, người làm mướn cho ông chỉ cho chúng tôi tường tận về cách cắm mạ.
Út Hiền năm đó khoảng hai mươi gì đó có khuôn mặt trái xoan xinh xắn với nét da ngâm ngâm đen, một vẻ đẹp miền quê không cần son phấn. Tôi nghe thằng Chiến nói rằng Út Hiền đang dính líu trai gái với người anh chú bác của nó là Bảy Lùn ngoài đầu thôn xã, nhưng mà cha mẹ thằng Bảy Lùn dứt khoát không chịu chỉ vì nhà của Hiền rất là nghèo lại có đông anh chị em. Cả gia đình trọn vẹn có vài công đất để sống. Khi mùa lúa tới họ phải đi làm giúp trong công việc đồng án, còn mùa khô thì ba mẹ của Út Hiền phải ra ngoài thị xã Bạc Liêu đi làm mướn. Thằng Bảy Lùn thì mê Út Hiền tít thò lò với nét đẹp của cô ta và mỗi đêm nó cứ len lén đến nhà Út Hiền để thề trăng hẹn gió, mặc dù nhà nó ở cách xa nhà nàng vài cây số đường bộ. Riêng Út Hiền thì cô ta cũng có cảm tình thật nhiều với hắn ta chỉ vì nàng là con gái mới lớn, vừa đến tuổi cặp kê vả lại việc gì đi nữa thằng Bảy Lùn cũng là con của cậu Cả, người có nhiều ruộng đất và tiền của.
Buổi sáng hôm đó Út Hiền đã chỉ cho tôi vài mánh khóe là làm sao để cắm mạ xuống mà không bị trôi lên nhưng tôi cứ học hoài mà cũng chẳng làm được như ý. Lúc gần mười giờ sáng, mặt trời vươn lên cao, qua khỏi tầm nóc nhà, tôi và Bình mới chỉ cấy được nửa công đất thôi. Tôi nhìn sang phía những người kia thì họ đã cấy gần xong công thứ hai, còn Út Hiền bước sang công thứ ba. Những đóa mạ của họ giăng hàng một cách đều đặn và đẹp mắt. Khi nhìn lại phần của chúng tôi đã làm thì thấy nó chạy ngoằn nghèo theo đường cong chữ S còn cái bả lưng của tôi cong vòng muốn sụm. Tôi bị đừ cả người vì say nắng đồng thời chỉ vì cơ thể của tôi chưa quen với nghề nông này. Lúc đó tôi mới nghĩ được sự cực khổ của những người nông dân mà khi xưa tôi chưa hề biết đến.
Lúc xế trưa, mợ Năm cùng Phượng gánh cơm ra chòi vịt để chúng tôi ăn trưa. Thức ăn được trải dài trên một tấm đệm nhỏ còn chúng tôi ngồi bẹp chung quanh mặc kệ quần áo hãy còn ướt đẫm bởi nước ruộng. Buổi ăn rất là đạm bạc chỉ có cơm, canh ủ hoa, cá lòng tong kho lạt và một thau mắm ba khía mà bà nội của Phượng làm tại gia nhưng chúng tôi cảm thấy ăn ngon miệng vô cùng. Khi ăn cơm gần xong thì tôi nghe tiếng của cậu Năm rổn rảng từ công đất của tôi và Bình được chỉ định cho làm ban sáng rồi tôi thấy dáng điệu của Phượng đang lom khom cấy lại những đóa mạ. Tôi vội đặt chén cơm xuống đất và chạy ra tới đó mới biết rằng hơn phân nửa số mạ mà tôi đã cấy bị trôi lên mặt nước. Tôi nhìn thấy Phượng chỉ cười tủm tỉm còn mặt cậu Năm thì đỏ gay, lắt đầu liên tục rồi khi trông thấy tôi ông ta lên tiếng:
“Đám thanh niên Sài Gòn tụi bây chỉ đi cua gái là giỏi thôi chứ làm được mẹ gì! Cấy mạ mà để mạ trôi đi thì tui bây không còn cháu để mà húp nữa. Thôi đi vô kia ăn cơm đi để con Phượng nó sửa lại cho.”
Nói xong ông ta đi thẳng về hướng chòi vịt, còn tôi vội nhảy vào trong ruộng đến gần Phượng để hỏi cho ra lẽ thì Phượng cho tôi biết là những đóa mạ do tôi cấy chưa được dính chặc dưới lớp đất. Rồi Phượng chỉ cho tôi một cách nhiệt tình:
“Anh phải kẹp mạ vào giữa hai ngón tay như thế này rồi ấn hai ngón tay sâu dưới mặt đất. Sau đó để đóa mạ lại và dùng những ngón tay kẹp lớp đất chung quanh giử mạ lại thì nó mới không bị trôi.”
Phượng nói xong rồi bắt tôi làm thử và khoảng mười lăm phút sau những đóa mạ do tôi cấy được giử lại dưới đất không còn trôi lên nữa. Lúc đó tôi mới biết Út Hiền chỉ dạy cho chúng tôi cách cấy mạ ban sáng nhưng không dạy hết những bí quyết nghề nghệp của cô chẳng qua cô muốn thử sự thông minh của dân thành phố chúng tôi. Cũng chắc có lẽ cô muốn làm bỉ mặt dân Sài Gòn chúng tôi một trận cho bỏ ghét. Khi Phượng và tôi trở lại chòi vịt, Út Hiền nhoẻn một nụ cười thân thiện với tôi nhưng không nói gì cả.
Chiều ngày hôm sau khi cấy mạ xong, trời bắt đầu đổ một trận mưa thật lớn, tiếng sấm sét nổ rền trời và đôi lúc nhá sáng tỏa cả bầu không gian trông thật rùng rợn, thâm tâm lúc đó tôi nghĩ rằng ông trời đang nổi cơn thịnh nộ. Khi nhìn ra phía sau hè, tôi thấy cậu mợ Năm với nét mặt lo lắng, họ cùng đốt nhang khấn vái cầu mong cho mưa ngừng lại chỉ vì họ sợ những đóa mạ mới cấy ban sáng sẽ bị hư không còn được mùa. Tôi cảm thấy buồn cho họ ghê lắm nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn là cầu mong cho gió thuận mưa hòa để cho những người nông dân xứ này an lành trong mùa lúa năm nay. Sau khi dùng cơm chiều xong tôi cùng Phượng ra ngồi trước mái hiên trò chuyện, mặc kệ tiếng gió mưa bên ngoài đôi lúc át cả tiếng nói của chúng tôi. Phượng hỏi về cuộc sống của tôi ở Sài Gòn trước đó và nàng cũng kể cho tôi nghe về chuyện vợ chồng của nàng. Phượng cho biết là đã nuối tiếc khi lập gia đình với một người chồng mà nàng không hề thương yêu một tí nào cả. Nàng đã hận người ấy vô cùng. Còn tôi thì ngồi nghe, thỉnh thoảng chỉ gật gù cái đầu mình để tỏ nổi cảm thông.
Một lúc sau cơn mưa phùn kéo dài từ buổi chiều cũng bắt đầu tạnh. Bên ngoài tối đen như mực, tôi cùng Phượng chỉ ngồi thừ ra trên bụp thềm trước cửa nhà chẳng còn chuyện gì để nói nửa. Khi tiếng mưa dứt hột thì bầu không khí bên ngoài trở nên thật cô động, trống vắng và lặng yên như tờ, nhưng chỉ được vài phút sau tôi nghe tiếng của những con ếch, nhái cùng ểng ương bắt đầu hòa tấu điệu nhạc côn trùng của chúng nghe thật thê lương. Trong thời gian ngồi suy nghĩ viễn vong, tôi chợt nghe tiếng chân bước từ phía sau rồi nghe giọng của thằng Chiến réo lên:
“Hia Hà ăn thịt cóc lần nào chưa (tiếng Tiều hia có nghĩa là anh)? Hia đi với tụi em bắt cóc về nấu cháo cóc ăn nhen?”
“Anh nghe nói thịt cóc ăn độc lắm mà làm sao nấu cháo được?” Tôi hỏi.
“Muốn ăn thịt cóc thì phải làm cho thật sạch mới có thể ăn được.” Phượng lên tiếng trả lời giúp đứa em của nàng. “Trước hết anh phải lột da nó, cắt bỏ cái đầu rồi sau đó bỏ bộ đồ lòng và xát muối rửa cho thật kỹ, nếu không sẽ bị chết đó.”
“Tụi bây hồi sáng tới giờ có ăn mắm ba khía không? Nếu tụi bây đã ăn rồi thì ở nhà giùm tao đi.” Tiếng của bà nội la lên từ trong phòng khách.
Theo như lời bà nội của Phượng kể thì tục xưa truyền rằng nếu như ăn thịt cóc cùng với mắm ba khía thì sẽ bị trúng độc chết ngay lập tức. Bà ta còn kể rằng vào thời xa xưa khi còn bé, bà có nghe nói là một gia đình nọ ở miệt dưới, trong một tiệc nhậu người chồng đã ăn nhằm hai thứ đó nên bị trúng độc mà chết. Khi nghe tôi hỏi là người chồng đó chết như thế nào thì bà ta cho biết là ông chồng đó biến mất chỉ còn để lại một vũng nước ướt đẫm cả bộ đi văng trên bàn tiệc. Câu chuyện này thật là ngộ nghĩnh mà theo tôi nghĩ có lẽ là người chồng đó đã có ý định từ bỏ gia đình, vợ con để đi theo một cô vợ bé trẻ đẹp nào đó cho nên bày trò biến mất như thế rồi nhờ những người bạn nhậu chứng nhận giùm. Còn tục truyền xưa thì tôi đã nghĩ rằng người đã ăn thịt cóc và ba khía vào cùng một lúc mà ngộ độc chết là vì họ làm thịt cóc không được kỹ cho nên mới trúng độc của cóc thế thôi. Vả lại sau khi tục truyền ra như thế thì con ai dám ăn thử nữa.
Thằng Chiến cùng với hai thằng bạn trạc tuổi nó và tôi mang những cây đèn dầu nhỏ đi dọc theo bờ đê để bắt cóc. Những con đê nhỏ này trở thành trơn trợt rất là khó đi sau cơn mưa dài đăng đẳng. Tôi chỉ mon men đi theo bọn chúng một cách mệt nhọc và đôi lúc bắp vế của tôi chạm phải những bụi cỏ còn phủ đầy nước làm cho cho tôi cảm thấy lạnh buốt cả người. Đi ruồng theo bờ đê ra gần tới chòi vịt của cậu Năm thì chúng tôi cũng vừa bắt được hai chú cóc mình mẩy xấu xí với lớp da sần sùi, gai gốc nhưng lại béo phì, chắc có lẽ chúng mới vừa ăn buổi ăn chiều xong. Thằng Chiến đột ngột dừng lại rồi chỉ tay về phía trước. Khi nhìn theo hướng ngón tay của nó tôi thấy có một ánh đèn dầu lờ mờ bên trong chòi vịt. Rồi thằng Chiến rù rì với bọn trẻ kia:
“Chắc hia Bảy của tao với bà Út Hiền đang tù tì ở đó. Bây giờ mình lén ra đó thử coi họ làm gì.”
Thằng Chiến nói xong thì bọn chúng nôn náo thổi tắt những cây đèn dầu trên tay rồi từ từ tiến đến chòi vịt. Mặc dầu ngoài đồng tối đen như mực rất là khó đi nhất là trên những bờ đê thật nhỏ, nhưng thằng Chiến đã quen với địa hình này cho nên nó nắm lấy cườm tay để dìu tôi đi. Ra tới sát chòi vịt thì cả bọn chúng tôi ngồi rạp xuống mặt đất rồi từ từ lê từng bước để đi vào trong chòi. Dưới ánh đèn dầu, tôi thây hai thân thể trần truồng như nhộng của một người đàn ông và một người đàn bà đang cuộn sát vào nhau. Khi nhìn kỹ thì tôi mới biết đó là Út Hiền và thằng Bảy Lùn đang tình tứ với nhau trong cái mùng nhỏ giăng sát vách tường tre. Họ đang sung sướng trong túp liêu lý tưởng giữa cơn lửa tình nóng bỏng. Chỉ được một phút sau thì thằng Chiến chơi cắc cớ la lớn lên mặc dầu nó biết đó là thằng anh chú bác của nó:
“Ai làm gì trong chòi vịt của tui đó?”
Bên trong mùng, thằng Bảy Lùn và Út Hiền giật mình, lòm khòm ngồi dựng lên rồi họ vói tay lấy tấm mền che phủ cả hai thân hình của họ. Thằng Bảy lên tiếng với một giọng nói đầy ngượng nghịu:
“Thằng Chiến đó phải không? Hia Bảy đây, hia Bảy đây!”
“Tui đây hia Bảy. Tụi tui đang đi bắt cóc để nấu cháo ăn nhưng thấy có đèn ở trong chòi cho nên mới ghé lại để coi thử là ai thôi.”
Lúc đó bốn đứa tôi cùng bước vào trong chòi, Út Hiền và thằng Bảy Lùn nhìn tôi với ánh mắt sượng sùng, ánh mắt của một người vừa bị bắt quả tang tại trận, nhưng tôi vội xoay mặt rồi bước ra bên ngoài không nói năng gì cả. Tôi biết thằng Chiến muốn làm như thế là vì nó muốn thằng Bảy Lùn sẽ phải chịu hối lộ cho nó sau này và chắc chắn rằng thằng Bảy Lùn cùng Út Hiền sẽ phải trả một giá thật đắt cho cuộc tình lén lúc vụng trộm của họ. Ngoài ra ánh mắt của thằng Bảy Lùn cũng không kém phần hằn học đối với chúng tôi. Nó cứ tưởng cơn mưa phùn kéo dài từ buổi chiều sẽ che chở cho cuộc làm tình phong ba bảo táp của chúng vì không có ai phải đi ra ruộng vào lúc mưa gió và nhất là vào lúc trời tối như đêm nay, nhưng chẳng dè bọn người của tôi lại xuất hiện bất ngờ chỉ vì thèm một nồi cháo cóc.
Cuối cùng thì chúng tôi thắp đèn rời chòi vịt để tiếp tục đi ruồng trên mấy bờ đê hầu bắt thêm được vài chú cóc để nấu cho tròn nồi cháo. Không khí bên ngoài cũng trở lạnh và thỉnh thoảng một vài cơn mưa rào còn sót lại đổ xuống làm cho cuộc săn bắt của chúng tôi không thấy thú vị nửa. Khi tóm trọn gần năm con cóc, chúng tôi bắt đầu hí ha hí hững đi trở về nhà. Tôi vừa đi nghêu ngao vừa huýt sáo với chiến lợi phẩm thì thằng Chiến vọt miệng la lớn:
“Hia Hà đừng huýt sáo ban đêm rắn hổ ra cắn chết bay giờ đó.”
“Có thiệt vậy không?” Tôi hỏi.
Thắng Chiến chỉ gật đầu rồi bỏ đi trước, tôi không hiểu là nó nói thật hay nói chơi nữa, nhưng sau đó thì tôi mới hiểu rắn thường hay ra khỏi hang ban đêm để săn mồi và chúng rất là nhạy cảm với tiếng huýt sáo.
Khi chúng tôi về tới nhà thì Phượng đã nấu sẳn nồi cháo đằng sau bếp chỉ chờ bỏ thịt vào là xong. Tôi đi theo Phượng ra sau hè để tận mắt nhìn nàng làm thịt những con cóc này. Nàng cẩn thận lột bỏ lớp da và bộ đồ lòng rồi rửa với nước muối nhiều lần. Phượng cho biết là nếu túi mật của chúng bị rách ra thì lớp thịt sẽ bị nhiễm độc và nếu rữa thịt không kỹ thì khi ăn vào có thể ảnh hưởng tới sinh mạng. Sau đó nàng chặt ra từng miếng thịt nhỏ rồi bỏ vào nồi cháo và quậy đều lên. Khói củi ướt trong lò tỏa ra thành cụm xông ra quyện vào mặt Phượng trông thật quyến rủ. Có đôi lúc nàng lấy tay áo lên để chùi nước mắt. Tôi chỉ đứng lặng lẽ nhìn Phượng không hiểu là nàng đang khóc cho thân phận bạc bẻo của mình hay là khóc vì khói lửa cay nồng của bếp. Tôi thầm nhủ tại sao một người vợ trẻ đảm đang, hiền thục như thế mà phải chịu cảnh cay đắng trong tình trường. Âu cũng là số mạng.
Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi ngồi xung quanh bàn ăn với những tô cháo cóc nóng hổi. Đưa muổng lên ăn thử thì tôi thấy vị của cháo cóc cũng đậm đà, mùi vị của thịt cóc ăn cũng giống như là thịt ếch nhưng hơi dai hơn. Nhưng nếu như tôi được lựa chọn trong những món cháo thì chắc có lẽ là tôi thích ăn cháo lòng hơn nhiều. Bên kia bộ đi văng, bà nội của Phượng cứ liếc nhìn mỗi cử động của chúng tôi vì sợ đám cháu của bà ta bị ngộ độc. Trước đó bà đã thu dọn nồi mắm ba khía thường hay để trên bàn vì sợ lũ nhỏ hứng tình ăn bậy. Sau khi thưởng thức xong món cháu cóc, chúng tôi bắt đầu ngồi kể chuyện cho đến gần hai giờ sáng.
Chiều ngày hôm sau, Bình và tôi chuẩn bị đi ra ngoài xã thì thằng Chiến kéo tay tôi đi ra phía sau nhà rồi chỉ tay về phía hàng rào cây. Con chó của dượng Hai nằm chỏng cẳng ra chết. Trước đây nó thường hay sủa và rượt theo tôi mỗi khi tôi đang ngang qua nhà Dượng Hai chỉ cách đây vài căn. Tôi nhìn về phía cái thùng rát sau hè thì thấy nó bị ngả xuống, lớp rác đổ dài trên mặt đất có trộn lẫn vỏ ba khía và da cóc mà Phượng đã làm thịt đêm qua. Tôi đoán chắc có lẽ nó chết là vì ăn phải túi mật hoặc là lớp da cóc. Nhưng nhìn vỏ của mấy con ba khía rớt xung quanh đó cũng làm tôi suy nghĩ không ít. Tôi không hiểu có phải là con chó đó đã ăn nhầm cả hai thứ rồi lăn đùng ra ngộ độc mà chết giống như lời bà nội của Phượng kể. Khi nghe tiếng chân bước phía sau lưng, tôi quay người lại thì Phượng và bà nội của nàng đang đứng phía sau lưng. Phượng đưa tay lên bụm miệng với đôi mắt kinh hoàng nhìn về hướng con chó còn bà nội của cô ta chỉ lắc đầu rồi lẩm bẩm:
“Thấy chưa, tao nói mà tụi bây không chịu nghe!”
Nạn đói năm Ất Dậu ở quê tôi
Làng tôi hồi trước năm 1945 được gọi là xã Cát xuyên, thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Dân số hồi đó vào khoảng 500 người sinh sống trong chừng 80-90 nóc gia. Bà con phần lớn là nông dân mỗi năm cày cấy hai vụ luá, gọi là vụ chiêm gặt hái vào giữa năm, và vụ muà thu hoạch vào cuối năm. Còn một số ít, thì sinh sống bằng nghề làm bánh và chế biến đồ ăn để bán cho khách hàng trong các phiên họp tại Chợ Cát là một loại “chợ phiên” họp định kỳ mỗi tháng 6 phiên vào các ngày mồng 1, 6, 11, 16, 21, 26 mỗi tháng theo Âm lịch.
Vụ muà vào cuối năm 1944 bị “mất đến 70-80%”, nên thu hoạch rất kém, vì toàn là loại luá lép thôi. Do đó mà gây nên nạn đói kém vào mấy tháng đầu năm Ất Dậu 1945. Tính ra trong làng tôi phải có đến trên 150 người (tức là khoảng 30% dân số) bị chết đói trong năm đó. Trong số nạn nhân này có rất đông bà con và bạn hữu cuả tôi. Điển hình là chính ông chú út, em ruột cuả cha tôi là chú Thiêm, thì chú ấy phải bỏ nhà đi kiếm ăn mà bị chết mất xác ở đâu, chẳng một ai trong gia đình còn biết được tin tức về chú ấy nưã. Nhiều gia đình chết hết, nên căn nhà với khu vườn cuả họ trở thành hoang phế tiêu điều, trông thấy mà phát sợ luôn. Tôi nhớ rất rõ chuyện này, vì vào muà hè năm đó tôi chăn dắt con trâu cho nó đi gặm cỏ trong các khu vườn tại những “thổ hoang” này, thì tôi chứng kiến tận mắt cái cảnh hoang tàn đìu hiu cuả những căn nhà sập xệ vô chủ đó. Và dĩ nhiên là tôi rất buồn vì đã mất đi bao nhiêu bà con đã từng sát cánh chung sống với mình, mà đã bị chết oan uổng trong cái đại nạn đó.
Trong nhà tôi, thì các anh chị lớn đều phải ăn cơm “độn với cám hay với khoai”. Mỗi ngày cha tôi cho thổi thêm ít cơm, rồi đem nắm lại thành những cục nhỏ để ông tận tay mang đến cho mấy bà con là những cụ già trong làng. Sau naỳ, vì còn ít gạo, thì ông cho nấu cháo và đi kêu mấy con cháu các cụ đó mang chén bát đến lấy về cho các cụ. Điều khó khăn nưã là tại khu chợ Cát, thường mỗi buổi sáng sớm lại có một số người chết đói nằm ở góc chợ. Đó là những người ở xa đến xin ăn, mà vì đói lạnh quá nên đã tắt hơi thở, không có bà con họ hàng biết mà đến nhận xác để đem đi chôn cất. Vì thế mà cha tôi phải kiếm thêm một người trai trẻ còn khoẻ mạnh để phụ với ông đem các xác chết vô thưà nhận này đi chôn ở nghiã trang cuả làng. Ông tự nguyện làm việc này, theo như lời khuyên trong một kinh cuả đạo công giáo là:”Chôn xác kẻ chết”. Vì việc bác ái như vậy, nên sau này Giáo hội Công giáo mới tặng cho ông một “sắc phong” khen ngợi công lao giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn khốn khổ thời ấy. Và chính cái gương làm việc bác ái từ thiện đó cuả ông cụ đã ảnh hưởng sâu xa đến suốt cuộc đời dấn thân phục vụ xã hội sau này cuả tôi vậy đó.
Sau năm 1975, bà con ở ngoài Bắc có vào thăm gia đình tôi ở Saigon, thì có người còn nhắc lại cái “công đức” cuả cha mẹ tôi đã cưú giúp cha mẹ họ lúc đó. Họ còn nói là” bây giờ các anh chị làm ăn học hành tiến bộ thành đạt, đó là nhờ ở phúc đức cuả ông bà xưa để lại “.
Con số thống kê cho biết là có tới 2 triệu người bị thiệt mạng trong nạn đói khủng khiếp này. Và nếu đối chiếu với dân số của đồng bằng sông Hồng hồi đó là khoảng 6 triệu người, thì số người chết đã tới hơn 30% trên tổng số dân trong khu vực, tỉ lệ này cũng tương đương với con số ước lượng tại làng Cát xuyên của tôi. Bàn qua về nguyên nhân của nạn đói này, thì vì lý do chính trị, nhiều người cứ đổ hết trách nhiệm cho Quân đội Nhật bản đã gây ra cảnh đói kém này, vì họ đã bắt dân phải “phá bỏ ruộng cấy lúa đi, để lấy đất trông đay bố cho nhu cầu quân sự của họ. Rồi họ lại còn tích trữ số lượng thật lớn lúa gạo vào trong kho quân lương của họ. Điều đó không sai, nhưng đây không phải là căn nguyên duy nhất đã gây ra nạn đói. Mà phải kể đến 2 nguyên nhân khác nữa, đó là:
1/ Nạn mất mùa cuối năm 1944 (mất đến 80% như đã ghi ở trên). Và:
2/ Vì lý do chiến tranh, đường giao thông từ Nam ra Bắc bị máy bay đồng minh oanh tạc tàn phá nặng nề, nên số gạo thặng dư ứ đọng khổng lồ ở miền Nam hồi đó (vì không thể xuất cảng được) đã không thể chuyên chở ra ngoài Bắc bằng tàu biển hay xe lửa. Bây giờ sau mấy chục năm, chúng ta có thể công tâm mà phân định sự việc, chứ không nên giữ thiên kiến quá đáng về phía này, phía khác. Mà vì không phải là một sử gia, nên tôi cũng không dám lạm bàn chi tiết về vấn đề có tầm mức lớn lao này.
Nạn đói tai hại khủng khiếp này đã khiến cho toàn thể khối nông dân ở miền Bắc rất căm thù giận ghét đối với thực dân Pháp và quân phiệt Nhật là những thủ phạm chính yếu đã gây ra tình trạng đau thương bi đát đó. Vì thế mà vào tháng 8, quần chúng nhân dân đã nhất loạt hăng say hưởng ứng phong trào đòi độc lập do Việt minh khởi xướng, mà họ gọi là “Cách mạng Muà Thu”. Chỉ sau đó mấy năm, khi Việt minh phát động chính sách độc tài chuyên chế với thủ đoạn sắt máu tàn bạo nham hiểm, thì người dân mới lần hồi vỡ lẽ ra. Nhưng lúc đó, thì đã quá trễ mất rồi!
Vào năm 2002 gần đây, nhân gặp mấy sinh viên người Nhật tại một Đại học ở Virginia, tôi có hỏi họ xem là họ có biết gì về nạn đói tại Việt nam năm 1945 khi quân đội Nhật chiếm đóng và cai trị ở đó không? Tất cả đều lắc đầu và nói rằng: “Chúng tôi không hề được biết gì về nạn đói này. Và không hề thấy sách báo nào ở Nhật viết về trách nhiệm của quân đội Nhật trong chuyện này…”. Tôi bèn nói cho họ biết là: Gia đình và bà con chúng tôi đã là nạn nhân khốn khổ của nạn đói kinh hoàng. Mà quân đội Nhật bản phải có phần trách nhiệm về số 2 triệu nạn nhân đã thiệt mạng, họ đều là bà con đồng bào ruột thịt cuả chúng tôi. Đó là điều suốt đời không bao giờ mà tôi lại quên được. Nghe tôi nói vậy, mấy bạn người Nhật đều tỏ ra vẻ đăm chiêu buồn bã. Có một bạn nói lại với tôi: “ We are very sorry for such an horrible thing!”. (Chúng tôi rất ân hận về sự việc khủng khiếp như thế đó!)
Năm 2010 này là năm thứ 65 kể từ ngày nạn đói năm Ất dậu tàn phá toàn thể miền quê tôi tại vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc nước ta. Tôi không thể nào mà quên được cái chết đau đớn, oan ức cuả chú Thiêm và cuả rất nhiều bà con bạn hưũ khác trong cái làng Cát xuyên nhỏ bé cuả tôi. Và tôi cũng thông cảm với các nạn nhân khác đày dãy trên thế giới ngày nay đang bị nạn đói dằn vật vì thiên tai, cũng như vì chiến tranh bạo lực, vì nạn bóc lột cướp phá do chính con người gây ra nưã./
Chuyện đời lính
Mình sinh ra và lớn lên ở 1 làng quê nghèo của tỉnh Đồng nai.Trong 5 người anh em thì mình là người được học hành đến nơi đến chốn nhất.Có lẽ ba má kì vọng nhiều vào mình.Tốt nghiệp lớp 12,mình hăng hái nộp đơn thi vào 2 trường đại học có tiếng ở tphcm.Nhưng kết quả cuối cùng thì mình chỉ đủ điểm để xét tuyển vào hệ cao đẳng của 1 trong 2 trường đó.
Cái tính sĩ diện của đứa con trai lúc bấy giờ nổi lên,mình quyết định ko nộp đơn học mà sẽ ở nhà ôn thi để năm sau thi tiếp
Trong thời gian ở nhà,mấy thằng xã đội thấy mình nên tụi nó ưu ái cho tên mình vào trong danh sách nhập ngũ.Lúc đó mình cũng nghĩ đơn giản,nghe tụi nó dụ là cứ nên khám sức khoẻ,sau đó nếu muốn đi học thì đi,còn ko thì đi bộ đội cũng dc
Đùng 1 cái,khoảng hơn 1 tháng sau,mình nhận dc lệnh nhập ngũ.Nhà lúc đó cũng xảy ra nhiều chuyện,ba mẹ cũng có nhã ý mứôn chạy cho mình nhưng mình nói thôi,để con đi cũng dc
Sáng hôm đó,các thanh niên đi bộ đội tập trung ngoài xã(mấy thằng dân quân nó nhiệt tình lắm,mới 6h nó đã đến nhà hối mình đi rùi,mình nói từ từ để mình đánh răng ăn sáng đá.Nó ngồi nhà chờ mình luôn,rồi còn chu đáo chở mình ra tận xã nữa chứ)
Ra ngoài đó,mỗi ngừơi dc phát 1 bộ đồ bộ đội,balô,mũ,giày(đến trễ quá nên size mình là 41 mà lấy giày 40.Mình đi khổ sở với đôi giày này mấy tháng trời,ngón út bị chật quá mà teo lại luôn).Lần đầu tiên mặc đồ bộ đội,tự nhiên mình thấy oách như công an ấy..Mỗi người dc thêm 1 cái khăn tay trắng,1 cái khăn tay màu,Sau đó chia tay,mỗi thằng dc ấp+xã cho vài xị(riêng em hôm đó bị thằng nào phát thiếu 1 xị,về sau lên đơn vị mới biết,tức hộc máu)
Ra xã lúc 6h30.Đến khoảng 10h tất cả leo lên 1 chiếc xe 52 chỗ chở lên huyện đội(cách nhà em khoảng hơn 20 cây).Ở đây có 1 cái sân bóng rộng.Tất cả thanh niên trai tráng xuất ngũ đều được tập trung ở đây.Xã nào thì dựng trại ở xã đó
Trong thời gian ở đây,tụi tớ bị canh hơn cả tội phạm nữa.Cổng đóng,ko cho ra ngoài.Ở ngoài thì lính canh đi lại tấp nập.Thậm chí tớ vừa lủi đi gọi dt là mấy thằng xã đội nó nhôn nhao lên,2,3 thằng chạy như ma đuổi ra chỗ tớ gọi dt đễ tháp tùng tớ
Tối,nhìn đâu cũng thấy nhậu nhẹt,Ông xã đội trưởng xách cái can rượu 20l nhìn thấy khiếp.Tớ thì tớ ko biết nhậu,dc cái hôm đó có con gấu của tớ vào chơi,ở lại với tớ nên cũng đỡ buồn.Trại bên tụi nó quánh bài xì dách bao xôm tụ.Nghe nói nhiều thằng bị luộc sạch tiền xã cho+tiền nhà cho nữa.Nghe đâu mấy thằng trại tớ hốt hết thì phải(ấy vậy mà lúc lên đơn vị nó chỉ khao tớ dc bịch nước 5k,mẹ nó).àh,có khoảng gần 10 trại nha.Mỗi trại khoảng hơn 30 người.
Nói chuyện với gấu cả đêm.Đến khoảng 4h30 sáng hôm sau thì tất cả tập trung xếp hàng trước khán đài.Lều trại gỡ hết.Tớ đuổi gấu về nhưng nó chần chừ muốn tiễn tớ cho đến lúc đi.Tớ đuổi mãi nó mới chịu về(nhưng về sau mới biết là nó đứng ở ngoài cổng nhìn cho đến lúc tớ lên xe.Hình như em nó có khóc nhè
Tập trung ngoài sân,xã nào đứng xã đó.Nghe hết thằng này phát biểu đến con kia phát biểu.Rùi đọc tên những ai trúng tuyển(mỗi xã loại khoảng 3-4 thằng vì lúc nào tụi nó cũng gọi dư người để đề phòng có đứa nào trốn thì còn có đứa xơ cưa thế vào).Gần cuối tiết mục có phần mấy em teen teen ở đâu đến gắn hoa lên ngực áo cho từng thằng(nhìn em teen là quên luôn gấu của mình luôn).Tâm trạng lúc đó vẫn còn v ui vẻ lắm tại đâu biết điều gì đang chờ mình phía trước đâu
5h30,tất cả lên xe.Nhóm mình thì đóng quân ở sư đoàn 309,sau lưng siêu thị Bic C ở Biên Hoà.Từ đây đời lính của mình chính thức bắt đầu
Gõ mỏi tay quá nên em sẽ update thêm vào lần sau nha.Bảo đảm đời lính của em sương gió,có máu và nước mắt,thậm chí hiểm nguy,có cả ma qoái nữa.Mong bà con đón đọc và úp lên cho người khác đọc với nha
Buối tối trước ngày ra quân, mấy ảnh xua quân tự về du kích gôm hết trai tráng tân binh ra ngoài ủy ban xã để tụng kinh khai thông chúng em 1 lần nữa, rồi gửi balo giày mũ cối miền bắc, quần áo chén đũa. Sau khi lên quân phục, cảm giác lâng lâng rất khó tả, nhìn khá bảnh, nhưng cái nón cối đeo vào nhìn xẫu zai vl .. Phụ huynh người nhà tới đưa tiễn con em tấp nập, các cụ bô lão, trưởng ấp, ban hội phụ nữ đứng xum xuê động viên khích lệ như thể là sắp có chiến tranh thực sự vậy. 8h nhập tiệc, kha kha, móa xe ba gác chở tới mấy can gụ đế nhìn khủng bố, mẩy ảnh thuê nguyên dàn âm thanh và cái tivi LG 100 inch tới cho tụi em liên hoan, zô zô, mấy thằng cha cán bộ làm bên xã đội nhâu đek bik sai, tụi nó cứ cụng ly gụ tới tấp, kinh vãi hà. chơi tẹt ga luôn. các em đoàn thanh niên tới góp zui, có mấy anh zê nhậu say lên nhảy vãi hà, hơn cả HKT nữa . Tới 10h tiệc tạm tàn thôi nhá, mấy anh cán bộ rút quân ra ngoài phòng riêng các ảnh, du kích quân thì tuần tra liên tục ngoài các khu tường, các bậc phụ huynh bô lão thì rút về, giờ này ếch bắt đầu bắt cặp và ướt át lắm, keke, riêng mấy thằng lúc nãy nhậu thì đa số đã hết sí quách.... Chiếu manh được trải lên sàn nhà, thằng nào say thì ngủ mất biết... thằng thì ói ụa nhìn tởm vl. tới 12h tụi nó lấy lại tinh thần, bắt đầu bày ra nhậu tiếp, lần này thì ôi hỡi, chế linh vs duy khánh, chén cộ đũa được lấy làm bass drum, bật karaoke lên hò hét muốn khan cổ, đập gãy hết đũa luôn mới ác . chơi tới 3h mệt quá ngủ chút lấy sức. 4h mấy ảnh kêu dậy chuẩn bị tư trang balo lại rồi dặn dò vài lời, phát thằng 2 cái bánh bao 1 chai nước suối. 5h ra trung tâm thể thao của huyện để nhập đội với các xã khác.
Các cụ bụng to thay nhau lên phát biểu, sau đó thì tới màn chính, 1 ông sẽ lên đọc danh sách lính tráng trúng tuyển lên đường... tối chơi bao nhiêu thì sáng mấy thằng choai choai khóc như mưa, nhà nó cũng khóc... hizhiz, có đứa ra đảo thì khóc còn ác liệt. 5h30 lên xe buyt, mỗi thằng được cái phong bì. tùy huyện nghèo or giàu, nhưng đa số từ 500k trở lên.
Em thuộc dạng dự bị , ở lại mấy chục thằng, tụi nó bắt về đồn quân sự huyện nhốt 5 ngày, trong 5 ngày đó mệt vl nhwung nghe mấy cha đi trước mình bảo sướng hơn mấy ảnh mấy lần. ngày đầu tiên ở 0, ăn cơm được ăn chung với các sếp lớn, ăn xong thì thằng cầm chén đũa tự rửa, hizhiz. tối ngủ đek có mền chiếu gì cả, lấy bàn họp gọp thành giường ngủ mũi cắn vãi luyện luôn, sáng dậy tụi em họp lại phản đối, em được tụi nó tin tưởng đại diện tụi lính tráng dự bị lên gặp sếp trưởng đồn phàn nàn về việc trên và được sếp duyệt, ngay sau đó chiếu manh, túi ngủ được cấp phát, khekhe.
Sáng ngày thứ 2 là tụi lính tráng dự bị chúng tui bị bắt đi chở đá xuống đùn tăng gia sản xuất của các ảnh, vl đi bằng xe máy cày lỡ, thằng lái xe nó lái vl, móa làm xong về lại đồn, nó kéo hết ga, chúng em ngồi sau la quá trời, nó lại càng hăng, lạng lách vài đường chúng tui muốn teo chym. về tới đôn thằng nào cũng muốn sắp tay vá này vài xá, tái mặt luôn.
Các ngày sau thì ăn ngủ xem tivi, đánh bài, lâu lâu mấy ảnh bắt cọ rửa nhà về sinh, sân đồn, quét lá đa ý lộn là bàng
5 ngày về nhà, xuống vài kg. quân phục được trả lại, xách chym về 0
p/s : thường thì tối trước khi sáng mai lên đường, sẽ biết mình dự bị hay k rồi, nhìn vô cái balo là hiểu, đặt biệt là cái chén và đôi đũa, thằng nào đek có là hiểu , được ở nhà, or nhìn vô đôi giày, thằng nào giầy cũ mèm là biết, haha, bị tụi du kích đểu đổi, chỉ có lính chính thức là giày mới, bởi vì chả thằng nào dám đổi giày quàn áo tụi nó, lên đó tụi quân khu mà bik thì tụi chấy rận đó mà có tiêu. khekhe.
còn cái vụ cho ăn nhậu xả lảng là mấy ảnh dụ khị cho tụi lính tráng say bí tỉ hết biết để khỏi ôm mộng trốn trại
6h30 sáng,chiếc xe buýt chở mình và 45 anh em(ở 2 xã nha,) bon bon trên quốc lộ 1A trực chỉ hướng Biên Hoà.Trên xe anh em đùa cợt với nhau vui vẻ,thậm chí nhiều anh còn láu lỉnh hát vang bài ''bé lên 3''
Đến gần 8h.Xe qoẹo vào đường số 9,từ đây đã thấy thấp thoáng nhiều vọng gác của quân đội.Từ trên xe nhìn xuống,mình thấy mấy anh gác cổng có cả súng dựng trong nữa cớ(lúc đó nghĩ giá mà ở ngoài có khẩu như vậy thì oai phải biết.Thằng nào gây sự thì nã cho nó 1 tràng)
Qua cổng gác thứ nhất thì ko vấn đề gì,qua cổng thứ 2,mình thấy 1 chiếc container đang nằm ở dưới mương,ngay cạnh bên trạm gác,bánh xe chổng lên trời(về sau mình nghe kể là đêm đó thằng lái xe ngủ gật nên lạc tay lái lao thẳng vào vọng gác,cũng may mà sượt nên xe lao xuống mương ngay cạnh đó).Thế mà mình cứ tưởng ở đây quánh nhau chứ
Nơi mình đóng quân là tiểu đoàn 9,trung đoàn 31,sư đoàn 309.Xe dừng,tất cả tập trung trước sân tiểu đoàn để nghe qoán triệt nội quy do 1 thằng sĩ quan nào đó nhìn như xì ke vậy(sau này mình mới biết hắn là chính trị viên phó,quân hàm đại uý.Mới đi lính ngày đầu tiên biết mẹ thằng nào ra thằng nào đâu.Nhìn quân hàm cũng như ko)
Rồi sau đó,mình dc chia về đại đội 11,1 đại đội như vậy gồm có 3 trung đội.Mỗi trung đội gồm 34 người gồm 30 thằng lính mới(là mình).30 thằng chia làm 3 tiểu đội,mỗi tiểu đội có 1 thằng tiểu đội trưởng(là lính cũ đi trước hoặc là thằng dc cử đi học tiểu đội trưởng về).Phụ trách mỗi trung đội là 1 thằng trung đội trưởng(trung đội trưởng của mình mang cấp hàm thiếu uý,mới ra trường nên hách xì dầu lắm.Để có gì mình từ từ lôi tội hắn ra để kể cho anh em)
À,chỗ ăn ngủ thì trừ thằng trung đội trưởng có phòng riêng ra thì còn lại tất cả ngủ chung với nhau theo từng dãy giường nha.Em chả biết nữa,thấy giường nào cũng có gắn sẵn tên rùi.Cứ thế mà mang balô đến đó qoẳng lên thôi.Hên bà cố,mình nằm giường dưới,ngay gần cửa ra vào nữa.Nó mà phân công em lên giường tầng trên là cui bỏ mẹ,tại em sợ độ cao và em ngủ hay lăn qua lăn lại.mà mấy bác biết rùi đó.Giường bộ đội thì chỉ vừa cho 1 người nằm thôi.Ngủ trện cao mà lăn qua lăn lại thì có ngày thành liệt sĩ
sau khi đã ổn định chỗ ngủ xong.Tụi tớ được tập trung ra ngoài hiên trước nhà để cắt tóc.2 thằng thợ,mỗi thằng 1 cái tông đơ,cắt bao nhanh.ủi qua ủi lại mỗi đầu vài phát là xong(ko cạo nha,ko lấy ráy tai hay cạo mặt như mấy anh ngoài tiệm đâu),Cắt xong thằng nào thằng nấy nhìn bao ngố luôn,vui vãi tè
Lúc đó mới khoàng 9h30.Cắt tóc xong,mọi người lại dc tập trung vào phòng để học bài học đầu tiên là gấp nội vụ.Nhiều người chưa hình dung dc nội vụ là gì.Mình xin giải thích nội vụ ở đây tức là bao gồm chăn và mền(mổi ngừơi mới vào sẽ dc nó để sẵn trên từng giường gồm chiếu+mùng+chăn+gối(gối này bao hay luôn,nó gồm 1 miếng vải căng qua 2 cái cây inox,tớ bị đập đầu xuống giường mấy lần vì miếng vải này đang nắm thì bị bung ra)
Mình thì ko khéo tay lắm nên sau khi dc thằng trung đội trưởng nó hướng dẫn cách gấp,mình cứ lóng nga lóng ngóng.mà quả thật cái tiết mục này khó cực các bác ạ.các bác cứ tưởng tượng chăn+mùng mà mình phải gấp tất cả gọn lại,vuông vắn như tấm bánh chưng vậy đó.Bề mặt phẳng lì luôn.Em gấp hoài mà nó chả ra hình gì cả
Cuối giờ em bị thằng trung đội trưởng la(vì tội em thấy gấp nản quá nên ngồii chơi,đúng lúc nó đi qua nó nhìn thây).bà mẹ nó,lần đầu tiên bị thằng khác chửi mà cứ đứng ngây ra mắt chữ O mồm chữ A mà nghe
Rồi 1 thằng xung phong lên hát bài ''nhánh lan rừng''.Lần đầu tiên nghe bài này......
Đến 11h.Tiếng kẻng ăn cơm vang lên.Lúc này tụi tớ vội vội vàng vàng xếp hàng(àh,lúc ở dưới xã nó có phát cho mỗi thằng 1 chén sành,1 chén nhựa xinh xinh+1 đôi đũa+balô rùi nha)
Tất cả ngay hàng lối tiến đến nhà ăn cơm của tiểu đoàn.Phòng ăn cơm cũng rộng,xếp khoảng gần 70 bàn.Mỗi bàn gồm 6-7 người.Để mình nhớ coi,khẩu phần hôm đó:mỗi người dc 1 đĩa nhỏ:có vài miếng thịt heo chả biết luộc hay quay mà mỡ tuyệt đối,vài lát rau cải xanh luộc,nửa quả trứng gà luộc.Mỗi mâm dc 1 con cá kho.1 nồi cơm(cơm bao dính và khô,ăn kinh vl).1 nồi canh chua(gọi là canh chua nhưng chỉ có me và rau muống băm nhỏ như cho heo ăn ấy).Bữa cơm đầu tiên là như thế.Tớ cố gắng ăn lắm mà chỉ hết dc 1 chén.Xong đâu đó mỗi thằng cầm chén ăn cơm của mình ra nấy cái vòi nước phía sau tự rửa rùi ra lần trước tập trung.Đợi ăn xong hết rùi xếp hàng về
Ăn xong là 11h15',về đến phòng,mấy thằng định lấy bài ra quánh(quen cái thói ở nhà rùi mà) nhưng thằng trung đội trưởng nó quát lên ầm ầm.Rùi sau đó nó tịch thu tất cả các bộ bài.Nó cũng cấm luôn ko dc chơi.Khoảng 5p sau tất cả dù bùn ngủ hay ko đều phải lên giường ngủ.Em thì cũng hơi bùn ngủ nên vừa nằm xuống là ngủ liền
Đến 13h30',đang ngủ say sưa thì tiếng kẻng vang lên.Tớ mở mắt ra nhìn thì thấy vài thằng giường bên đã dậy đang ngồi nói chuyện.Tớ cũng dậy.Chưa kịp tỉnh hẳn thì đã nghe tiếng còi báo tất cả tập trung ngoài sân.
Lúc này ngoài sân toàn đại đội đã có mặt.Đại đội tớ gồm cả lính và chỉ huy thì dc khoảng 100 người.Ra ngồi để nó đọc tên lên lấy quân tư trang gồm:1 bộ quần áo bộ đội+1 bộ phát ở xã là 2;2 bộ đồ rằn ri(đồ thao trường,nhìn giống mấy bộ đồ mà lính nguỵ hay mặc ấy nha các bác);2 cái quần đùi bao cute+2 cái áo lót trắng+2 đôi giày+1 cái khăn mặt+quân hàm binh nhì.
Khệ nệ xách tất cả những thứ đó vào phòng,xếp gọn gàng vô balô(balô cũng phải xếp sao cho vuông vắn và có công thức riêng nha các bác).Bọn tớ dc lệnh mặc đồ bộ đội vài,tập trung cho phòng.Lúc này thằng trung đội trưởng mở tủ súng(mỗi trung đội có 1 tủ để súng nha).Sau đó nó đọc tên từng người dc trang bị phương tiện nào.Tớ thì dc cấp 1 cây Ak.Thấy thằng bên dc cây B41,tớ thấy ghen tị lắm,còn định hỏi thằng trung đội trưởng là sao em ''chỉ'' dc xài Ak?(cũng may là sau này mới biết là số mình hên,đi học mà tha B41 hay trung liên theo thì mệt VL.Chắc lúc đó tụi nó nhìn em gầy còm ốm yếu nên cho em cây ak thôi.Nhiều thằng bé hơn em thì dc M79,nhẹ hều)
Lần đầu tiên cầm dc cây súng thật,mình khoài lắm các bác ạ.Ở ngoài đời có bao giờ nhìn thấy cây súng thật đâu,huống gì bây giờ dc sờ,dc ôm,dc hun hít em nó.cây súng của em thì chỉ là súng tập luyện nên ko biết còn bắn dc ko nữa.Em nó nhìn tàn phai lắm rùi.Em kéo khoá cò mà nó kẹt liện tục ấy......
Cứ tưởng dc giữ súng luôn.Ai ngờ sau ít phút tự sướng thì nó thu lại cất vào tủ súng....haizzzzzzz......
Ngày đầu tiên của em là như vậy.............lần sau em sẽ kể những chuyện chính nha.Chứ ko đi vòng vèo lan man nữa......bảo đảm lần sau sẽ rất hay và li kì.Bắt đầu từ ngày thứ 2 trong doanh trại
Chiến tranh đã qua lâu lắc rồi. Chuyện đời lính tôi kể đây hoàn toàn không dính tới chính trị hay chính nghĩa gì cả; chỉ là những mẫu ký ức của một thời đã qua, vui có, buồn có, bây giờ nhắc lại cho vui thôi. Vả lại mấy hôm nay sa đà vào những ký ức tình yêu, nói thật, người nó cứ nhũn ra. Hồi tưởng lại những mối tình đã qua có vui đấy, nhung tận bên trong nó vẫn cứ là những nỗi đau , những mất mát, những lầm lỡ. Thú thật viết xong một bài thơ tình, người nó cứ như bả ra, mặt mày thì cứ như thằng tâm thần, ngơ ngơ ngác ngác. Cho nên phải chuyển hệ, qua tông võ biền, để nhắc nhở đến cái chí làm trai, để thấy mình cũng oai ra phết. Nói chung là một liệu pháp tâm lý, vừa để thay dổi không khí, vừa để cân bằng trạng thái tâm lý. Nào, ta bắt đầu đi lính thôi.
Câu chuyện đời lính của tôi có thể bắt đầu từ cái entry “ Những cuộc chia ly không màu 2”. Hãy trở lại trước đó ít hôm đi. Tôi vác cái túi đồ đạc lên Trung tâm 2 Tuyển mộ nhập ngũ, và được ghi danh vào tài nghuyên sĩ quan, nằm đợi gom đủ quân số cho một khoá là lên đường. Sáng hôm đó một huấn luyện viên tập trung chúng tôi lại và thông báo nội qui. Ông ta cho biết là dạo này Vi xi thường pháo kích vào trung tâm, và trấn an chúng tôi là không sao đâu, có hầm trú ẩn lộ thiên rất kiên cố, có thể chịu được cả hỏa tiễn 112 ly cơ, chứ mấy quả cối 82 ly là đồ bỏ. Sau đó ngài dẫn chúng tôi đi tham quan hầm trú ản. Xem ra thì cũng khá kiên cố đấy, nhưng bước vào trong thằng nào cũng bịt mũi chạy ra. Hỏi gì thì chúng bảo “Mìn đầy!” Ra thế! Thì ra có những anh em làm biếng chay ra nhà vệ sinh, hơi xa,bèn vào hầm thả bom cho gần. Chả là hầm trú ẩn nằm sát bên “sam” ( chambre: phòng) của chúng tôi. Thế cũng xong một buổi sáng.
Đến bữa trưa lãnh cơm ông nào ông nấy tha hồ mà trệu trạo. Thì cơm lính mà. Ở nhà ăn ngon rồi vào đây làm sao nuốt cho trôi. Chỉ tổ béo mấy anh ở câu lạc bô. Sau giờ ăn , anh em ta lũ lượt kéo nhau ra câu lạc bộ …ăn cơm. Buổi chiều cũng bổn cũ soạn lại. Giờ rảnh thì nằm ngủ hoặc ra clb uống cà phê, nhậu…
Huấn luyện viên nói y như kinh, tối hôm đó Vi xi pháo kích. Bốn quả. Hai quả đầu, chúng tôi chạy túa ra khỏi sam. Chỉ có vài vài thằng không sợ “mìn” thì chạy vào hầm, còn đa số chạy loăng quăng ngoài sân. Đúng là đi lính mà vẫn còn cái máu quí tộc : thà chết chú không chịu đ ạp c…Thế là dính tiếp hai quả sau. Công nhận lính mới dễ chết thiệt, chẳng có kinh nghiệm gì. Bốn em được “tổ quốc ghi công” ngay ngày hôm sau dù chưa hề mặc áo lính, bị thương gần hai chục. Còn tôi hả. Dĩ nhiên là không sao rồi. Nếu không thì giờ này làm gì còn để ngồi đây mà bốc phét. Tôi ngủở giường tầng trên, nghe nổ cái đùng bèn phóng ra khỏi giường định chạy, quên béng mình đang ở cách mặt đất khoảng 2 mét. Rớt một cái đụi, đau thấu trời xanh lơ chạy hết nổi. May nhờ có “nghề”, tôi lăn vào dưới giường, không phải để tránh đạn, mà để khỏi bị anh em dẫm bẹp. Hôm sau vào bệnh xá, thấy cái số bị thương không phải vì trúng đạn mà vì từ trên trời rơi xuống như tôi đông kể gì. Đêm sau cũng pháo kích nhưng tổ quốc chẳng ghi công thêm được em nào nữa cả. Kinh nghiệm rồi mà. Kinh nghiệm được trả bằng máu của đồng đội. Hôm sau tôi hãi quá, phải nhờ ông già nói với chỉ huy trung tâm cho sáng lên trình diện rồi về. Tôi ở TT chỉ vỏn vẹn có hai ngày.
Rồi cái ngày tôi phải lên đường cũng đến. Mấy thằng có kinh nghiệm ( do đàn anh truyền lại) rủ nhau lượm đá chất lên xe GMC. Thì để khi đến Ngã Sáu chọi vào cái thằng cha cảnh sát đứng gác ở đó chớ chi. Là thanh niên thằng nào chả đôi lần bị cảnh sát thổi. Bây gìơta là lính rồi, cảnh sát chẳng làm gì được ta nữa, chọi cho bỏ ghét. Nhưng cái anh chàng cs gác ở đó cũng quen với những tân binh đi nhập ngũ rồi, nhác thấy bóng đoàn xe GMC chúng tôi là anh ta biến. Thế là công cốc. Cũng may toàn là dân sĩ quan tương lai cả, không chọi được cảnh sát thì thôi chứ bọn nó không có trò giận cá chém thớt, chọi lung tung. Còn tôi thì quí vị đã biết rồi: Tôi khóc tu tu ra đến tận phi trường.
Sau khoảng một tiếng đồng hồ lắc lư trên cái con C130, chúng tôi vào đến Sài gòn và được đưa đến Trung tâm Huấn luyện Quang trung. Tôi được phân vào Tiểu đoàn 1 Gia long, đại đội 1, trung đội 1, tiểu đội 1 thuộc Liên đoàn khóa sinh A. Toàn là A với 1 cả. Đời lính xem chừng khá đây. Tôi được phát cho 1 cặp thẻ bài ghi số quân và nhóm máu mà chúng tôi bị buộc phải luôn đeo ở cổ. Nói chuyện cái số quân. Đời thằng lính có cái số quân là không tài nào quên. Tôi là thằng rất lơ mơ với những con số, ngay cả số điện thoại của tôi mà tôi cũng không nhớ. Thì có khi nào tôi gọi … cho tôi đâu mà bảo nhớ. Nhưng cái số quân của tôi thì không thể nào quên. Tại sao lại như thế ta sẽ nói sau.
Thế là tôi trở thành một anh lính. “Cấp bậc” của tôi lúc đó là: Khoá sinh dự bị sinh viên sĩ quan trừ bị . Nghe cứ như liên thanh nổ lốp bốp. Hết cả hồn. Số quân tôi là 70426864. Số bù. Hôm sau chúng tôi học bài đầu tiên: Sử dụng M16. Ôi ! có cả một bài thơ về cách sử dụng và bảo quản “Em 16”. Mẹ khỉ, sau này khi ra chiến đấu mới thấy đúng là khó chiều chuộng cái “em” này. Lơ mơ không chăm sóc o bế em kỹ lưỡng là em đình công ngay. Chả bù với cái thằng AK, vất dưới bùn lượm lên cũng chơi được. Súng ống gì như tiểu thư con nhà giàu. Động tí là “em chả”. Mẹ! Đang cơn lửa đạn giữa trận tiền mà em giở chứng thì bằng em giết anh .Mà chả cứ gì em 16, sau này lăn lộn nhiều với những em 18, 20, 30,40…tôi mới nghiệm ra: cứ em là rách vịệc, là nó hành ta rách như cái giẻ lau nhà. Khổở chỗ là biết vậy nhưng cứ thấy em là lại lấy trớn nhào vô. Vêu đầu mẻ trán cũng cứ nhào vô. Đúnglà cái số trời đày.
Em ỏng ẹo là thế nên chúng tôi phải học kỹ cái món lau chùi tắm rửa cho em. Một hai tuần là khám súng một lần. Có chuyện buồn cười thế này: Có một thằng trong trung đội tôi, chắc là có bà con gì với vợ thằng Đậu hay sao ấy, suốt ngày cứ lau lau chùi chùi em bé của nó, nó còn chế ra một cái bộ gá, kẹp cây súng vào rồi dùng giấy nhám mịn chà xát tối ngày trông sốt cả ruột. Lúc nào cũng cứ xoèn xoẹt, xoèn xoẹt. Cái cơ bẩm đen sì là thế mà nó chà làm sao đến trắng ra. Đến hôm khám súng, đa số chúng tôi đều bị phạt. Bố khỉ! Lau cho sạch cỡ nào đi nữa mà cái anh khám súng ảnh lấy một cái giẻ trắng miết vào cái đít súng thì thằng nào chả chết. Bảo người ta lau súng chứ có phải là lau… đít súng đâu? Đến lượt cái thằng bà con của vợ thằng Đậu , hắn nhìn chúng tôi cười khinh khỉnh. Anh chàng khám súng cầm cái cơ bẩm trắng sáng lên, lấy thước kẹp đo. Và thế là hắn bị khép tội “phá hoại vũ khí”. Thì cái cơ bẩm nó cần phải khít khìn khịt mới bắn chính xác, thằng con làm nó ốm đi một tí thì có mà đem đi bắn gà. Nó bị phạt một đêm dã chiến, tụi tôi thằng thì 20 thằng thì 30 cái hít đất. Sau trận ấy thằng con tởn. Cho chừa cái tội xí xớn. Buồn buồn tôi chọc nó: “Không lau súng nữa mày?” Nó lầm bầm chửi: “Lau cái con c…Ông đ… thèm vào”. Bọn tôi lăn ra cười
Chài
Sau năm 73 khi lính Mỹ rút khỏi VN thì các căn cứ biên phòng dọc biên giới Việt Lào và Miên Việt được giao lại cho quân đội VNCH trấn đóng! Và Biệt Động Quân là lực lượng được giao phó cho trách nhiệm này! Tiểu đoàn 21 BDQ của tôi trấn giữ một đồn biên phòng sát vùng Tam Biên (Việt Miên Lào) gần Buôn Đông tỉnh Đarlac! Buôn Đông là một nơi bị cô lập với thế giới bên ngoài! Chỉ có một con đường đất đỏ nối với Ban Mê Thuột, nhưng đã bị CS phá nát và gài mìn bẫy! Binh lính CS lại thường phục kích trên con đường này nên mọi phương tiện ra vào, tiếp tế v.v... đều được thực hiện bằng phi cơ trực thăng ! Nhưng vì viện trợ Mỹ đã bị cắt xén thê thảm cho nên việc tiếp tế chỉ thu hẹp lại một tháng một lần mà thôi ! Ngay cả việc tiếp tế lương thực, thuốc men, đạn dược, tải thương, phát lương, đi phép v.v. cho đồn chúng tôi cũng chỉ có một lần cho mỗi tháng !!
Vùng này rừng núi âm u, chung quanh chỉ thấy mây mù và cây cối trùng trùng điệp điệp ! Ngày ngày chỉ nghe tiếng vượn hú quanh đồn! Tiếng chim "bắt cô trói cột" kêu buồn thảm trong các buổi chiều u ám! Cách đó mấy cây số có một làng người Thái, họ đã được ông Diệm đưa lên đây lập nghiệp sau khi họ di cư vào Nam năm 54 ! Cũng có vài buôn làng của các dân tộc khác như Ra Đê, Mơ Nông, Lào v.v. Nhưng họ Ở xa đồn hơn mà chúng tôi không có dịp đặt chân tới! Nhiệm vụ của chúng tôi là ngăn chận đường xâm nhập của quân chính qui CS từ bên kia biên giới sang! Vì thế Tiểu Đoàn Trưởng của chúng tôi thường phái các toán quân nhỏ đi hành quân tảo thanh, đi tiền đồn với một công hai chuyện: Bảo vệ cho đồn biên phòng và phát hiện quân CS, rồi báo cáo về xin phi cơ dội bom các nơi đóng quân của địch!
Tôi là trung đội trưởng của một trung đội thuộc đại đội 3, nên cũng thường được phái dẫn trung đội đi thi hành các nhiệm vụ này! Tôi thường tránh cho binh lính đi vào các bản làng ! Một là tránh bị phát hiện, hai là đề phòng việc các phần tử xấu gây thiệt hại cho dân chúng ! Ta thường nghe nói: "Bạc như dân, bất nhân như lính! Nên đề phòng thì vẫn tốt hơn! Trong một cuộc hành quân an ninh vòng đai như thường lệ , tôi dẫn trung đội băng rừng về hướng Tây của đồn cố giữ bí mật với hy vọng sẽ phát hiện được dấu vết của bọn CS để lại khi chuyển quân ! Nhưng gần cả ngày vất vả chúng tôi không tìm được gì ! Qúa trưa tôi ra lệnh rút về đồn, khoảng hai tiếng sau chúng tôi băng qua khu rừng gần làng Thái ! Tôi ra lệnh bố trí nghỉ mệt, hầu như mọi người đều đã uống cạn bi đông nước của mình ! Hai người lính xin tôi vào làng xin mấy nón sắt nước cho mọi người cùng uống! Tôi ngại lắm nhưng rồi cũng phải bằng lòng vì đồn vẫn còn cả 5 cây số nữa và nước suối vùng này rất độc không thể uống bậy được!
Khoảng 20 phút sau hai người lính trở ra với bốn nón sắt nước, mọi người chia nhau uống rồi tiếp tục lên đường về đồn ! Thế nhưng chuyện lạ đã xảy ra ! Một người lính của tôi đâm ra đau bụng thảm thiết! Mà anh này lại là một trong hai người đã đi xin nước bữa trước ! Rồi bụng anh ta một ngày một lớn ra! Anh ta rên la thảm thiết, y tá cho uống thuốc giảm đau cũng chỉ tạm thời dịu bớt mà thôi ! Xui cho anh ta là lúc ấy chỉ là khoảng mười mấy tây thôi, chúng tôi phải đợi đến gần cuối tháng mới có chuyến trực thăng vào ! Thời cuối cuộc chiến lúc đó rất khó mà xin được phương tiện cho nhu cầu mình muốn !! Anh ta bỏ cả ăn uống, rên la kêu vợ kêu con thảm thiết lắm mà chúng tôi đành đứng nhìn thôi ! Tôi không biết việc gì đã gây cho anh ta bịnh đó, hay là trong nước có độc! Nhưng các người khác không sao mà ! Tôi muốn hỏi anh ta nhưng anh ta mê man, lên cơn sốt liên miên đâu có tỉnh táo đâu để mà hỏi ! Tôi bèn kêu người lính cùng đi xin nước với anh ta lại hỏi cho ra đầu đuôi !
Anh lính trả lời:
- Tui thiệt tình không rỏ lắm! Tui vào một nhà ở đầu làng và xin nước, bà già chủ nhà đồng ý và tui ra giếng kéo nước đổ vào bốn cái nón sắt ! Trong khi đó thằng Hải (tên người lính kia) nói là để nó đi vòng vòng xem có gì lạ không và đồng thời bảo vệ an ninh cho tui trong khi lấy nước ! Khi lấy nước xong tui kêu với nó! Nó chạy ra từ một căn nhà gần đó, miệng còn nhồm nhoàm nhai! Trên đường ra nó nói với tui : "Tao vào cái nhà đó lên tiếng gọi, không có ai ở nhà hết ! Tao thấy ba trái bắp luộc để trong cái rổ trên bàn, đang đói bụng tao dớt hết trọi! Mà lạ một điều là nhà không có ai mà mỗi khi tao ăn một trái là tao nghe có tiếng đếm mày à ! Cả thảy là ba cho ba trái bắp tao ăn đó! Tao cũng hơi teo teo nhưng đói quá tao làm hết trơn ba trái luôn! Êm cái bụng cho tới chiều rồi !" Tui chửi nó là đồ tham ăn, không biết để dành cho tui một trái ! Nó cười trừ hề hề ! Không biết có phải là do nó ăn mấy trái bắp mà bị sình bụng hay trúng thực không nữa !
Mấy hôm sau có máy bay vào đồn tiếp tế, chúng tôi cho tải anh ta về Quân Y Viện để chửa trị ! Ba ngày sau chúng tôi nhận được điện gọi vào từ hậu cứ cho biết là anh ta đã chết ! Trong bệnh án ghi là chụp quang tuyến X thấy đương sự nuốt ba cây đinh 10 phân vào trong bụng, bị nhiễm trùng rất nặng, đã lây lan qua gan, phổi! Qúa trể nên bị chết vì nhiễm trùng! Đêm đó tôi qua chổ thằng bạn chơi, ngồi uống cà fê đen và kể chuyện đời với nhau ! Tôi kể cho nó nghe về chuyện của người lính vừa chết ! Người trung sĩ trung đội phó của nó cũng ngồi đó nghe chuyện, anh ta là một người thượng Ra Đê! (Lính trên vùng cao nguyên này hơn một nữa là dân thiểu số rồi!) Nghe tôi kể xong anh ta chậm rãi lên tiếng:
- Nó bị chài rồi! Mấy cái người Thái đó bùa ngãi đữ lắm! Nó đã bị ma xó đếm rồi ! Không biết thì chỉ có nước chết thôi !
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cái gì là ma xó! Tôi chưa hề nghe qua loại ma này lần nào hết !?!?!
- Một số người Thái thờ ma xó trong nhà để giữ của ! Ai vào lấy cái gì mà không được phép chủ nhà thì ma xó sẽ đếm ! Cứ mỗi thứ thì nó đếm lên một, và tùy loại ma xó mà nó sẽ chài đinh hoặc đá, hay khúc gỗ vào bụng của kẻ ăn trộm đó!
- Thế là không có cách gì cứu à ???! - Tôi hỏi lại !
- Nếu biết sớm thì lại xin chủ nhà trả lại đồ, hay thường bồi thiệt hại thì may ra chủ nhà sẽ xin ma xó tha cho ! Nếu mà tui biết anh ta ăn mấy trái bắp của người Thái thì có lẽ tui đã đoán ra và kêu ông cho người tới nhà đó xin để cứu nó rồi !Để lâu quá thì ma xó cũng không cứu lại được người nó thư đâu! Vì cái bụng cái gan cũng bị sình thúi hết rồi! Tội nghiệp cho nó quá !
- Nói cho tôi biết ma xó là thứ ma gì mà người Thái lại thờ vậy ?! Dân tộc các anh có thờ nó không vậy ?!
- Khi gia đình người Thái nào muốn thờ ma xó thì khi gia đình họ có ai chết, họ chặt một khúc cây to, xong khoét bọng bên trong rồi nhét kẻ chết vào đó rồi bít kín lại ! Họ làm lễ tế phù phép gì đó rồi để khúc gỗ đó ở chổ kín trong góc nhà !! Và kẻ chết trở thành ma xó coi nhà cho gia đình ! Chỉ họ mới biết cách biến người chết thành ma xó mà thôi, đó là bí quyết của người dân tộc ở biên giới Việt Hoa! Còn các dân tộc ở Cao Nguyên này không biết được cái bùa phép này ! Nhiều người Thái còn cho ma xó giữ nương rẫy của họ nữa kìa! Cho nên các dân tộc khác ở vùng này không ai dám lấy trộm cái gì trên rẫy của người Thái hết ! Ông nên nói cho mấy người lính của ông biết để họ đừng có động đến các thứ gì của người Thái sau này !
Tôi bán tín bán nghi, không biết người trung sĩ thượng này có đúng không !!! Nhưng thường thì những người thượng chất phát này không nói dối! Để đề phòng sự việc có thể tái diễn, các lần đi hành quân sau này tôi luôn dẫn lính tránh xa các bản làng, không riêng gì một mình làng Thái ! Biết đâu các dân tộc khác lại có thứ bùa ngãi khác của riêng dân tộc họ thì sao ! "Cẩn tắc vô áy náy" mà, từ đó cho đến tháng 3/75 đơn vị tôi không thấy có trường hợp nào tương tự xảy ra nữa ! Cho đến bây giờ tôi cũng không biết có đúng là người Thái có thờ ma xó thật không nữa vì tôi chưa từng trực tiếp tiếp xúc với một người Thái trắng nào cả !!!
Chuyện thường ngày của lính
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro