CHUYỆN TÌNH NHƯ MƠ
Năm Đệ Tam là năm mà ngôi sao Đào Hoa của tôi bắt đầu xuất hiện và tỏa sáng (nói theo các thầy giải Tử Vi), điều đó cũng dễ hiểu thôi vì Thất, Lục, Ngũ thì quá nhí, người gầy và suông như cây tre, chưa biết thế nào là che nghiêng vành nón, thẹn thùng e lệ cắn vào đuôi tóc khi các anh nhìn, (sau nầy tôi mới biết nhiều chị lớn thích để tóc dài vì lý do ấy), Tứ thì bận học túi bụi để lấy mảnh bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và chuẩn bị lên Đệ Nhị Cấp. Có thể nói Đệ Tam là năm nghỉ xả hơi của cái đám đứng thứ ba, sau nhất quỉ nhì ma chúng tôi.
Vừa nghỉ hè là chương trình du hí và quậy phá của nhóm Ngũ Long chúng tôi bắt đầu. Hương, Lệ, Mai, Oanh và tôi kéo nhau về Tây Ninh, quê của Oanh, trong năm đứa chỉ có tôi là nội ngoại đều ở Sài Gòn nên năm nào tôi cũng nghỉ hè "ké" quê mấy nhỏ bạn, lúc miền Tây bát ngát lúa vàng, lúc miền Đông đất đỏ, khi miền Trung đất cày lên sỏi đá và khi thì Cao Nguyên lạnh lẽo sương mờ. Ý quên lại xuất khẩu thành thơ), còn ở Sài Gòn thì tứ Long Nương "ké" nhà tôi, kể ra có bạn thân nhiều cũng thích thật, được đi nhiều nơi và ăn nhiều món lạ.
Buổi sáng mùa hè năm ấy (…..lại thơ thẩn nữa rồi), cả bọn kéo nhau vào chợ Long Hoa ăn bánh canh và uống mỗi đứa một ly nước mía to tướng xong, dung dăng dung dẻ trên ba con ngựa sắt thẳng tiến đến Thánh Thất Cao Đài, một thắng cảnh nổi tiếng của Tây Ninh để chụp hình lưu niệm, vì ngày mai tứ Long Nương sẽ từ giã Oanh để ai trở về nhà nấy sau một tháng tưng bừng quậy phá.
Đang ngon trớn, tự dưng bánh xe tôi nổ "đùng" một tiếng thật to, có lẽ vì chở thêm một tô bánh canh và ly nước mía quá tải nên không chịu nổi, mất thăng bằng tay lái, tôi lảo đảo và đâm sầm vào lề đường, đằng sau tôi, mấy nhỏ bạn thét lên như tiếng còi xe lửa sắp đến ga, còn tôi thì hết hồn không dám mở mắt, nghĩ là sắp chết đến nơi. Nhưng sao lạ vậy, hình như không phải lề đường mà lại va vào một cái gì không đau lắm, và khi tôi mở mắt ra thì tôi đang nằm đè lên bánh xe đạp cạnh một anh chàng lạ hoắc cũng nằm sóng soài một đống. Thẹn quá, tôi vội vàng chồm dậy, nhưng chân tay mình mẩy đau dở lên không nổi, mấy nhỏ bạn chạy xúm lại kéo tôi lên, xuýt xoa thoa bóp mấy chỗ trầy trụa, anh chàng cũng vội vàng bò dậy, có lẽ anh đang đi sát lề bị va nhầm nên té nhẹ hơn tôi. Anh tiến đến bên tôi và mấy nhỏ bạn hỏi xem tôi có bị nặng lắm không, thình lình nhỏ Oanh kêu lên :
- Ủa ! Anh Tài đây mà !Anh có sao không ?
Chúng tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn, Oanh giới thiệu :
- Đây là anh Tài, con của Bác Hai Oanh, còn đây là bạn Oanh, xong nhìn tôi Oanh cười và tiếp:
- Anh biết không anh vừa ra mắt Loan, hoa hậu của nhóm Ngũ Long chúng em đó!
Tôi thẹn đỏ cả mặt, nguýt nó một cái thật dài - Oanh vui vẻ giới thiệu tên từng đứa. Tôi ấp úng ngỏ lời xin lỗi, Tài gạt ngang :
- Chỉ là sự rủi ro, đâu ai muốn mà Loan ngại, điều quan trọng là không bị thương tích thì mừng rồi, thôi để tôi giúp các cô mang xe đi sửa, chuộc cái tội ra mắt quá nhiệt tình vậy.
Trong khi chờ vá xe, chúng tôi kéo nhau vào quán cà phê theo lời mời của Tài.
Tối hôm đó, trong buổi cơm cuối giã từ Tây Ninh có mặt Tài. Chúng tôi cười đùa vui vẻ, trêu chọc nhau đủ chuyện mà câu chuyện được lũ bạn trêu chọc nhiều nhất là câu chuyện ra mắt của Tài với tôi.
Khi về lại Sài Gòn, còn đến hai tháng mới nhập niên khóa mới, vả lại chơi cũng đã chán, tôi ghi tên vào lớp Toán, Lý, Hóa buổi chiều tại trường Phan Sào Nam, đường Trần Quý cáp, ngôi trường Tư Thục khá lớn, lúc đó anh rể và chị tôi đều là giáo sư dạy tại đấy, chủ nhân ngôi trường là chú của anh rể tôi, nên ngoài những giờ dạy, anh kiêm chức Tổng Giám Thị, ăn ở luôn tại trường, chị tôi mở một quầy hàng, mượn người đứng bán văn phòng phẩm và kẹo bánh cho học sinh. Tôi chọn ngôi trường nầy học thêm vì nó gần với trường Gia Long tôi đang học, có thể một tuần ba ngày, sau khi học xong buổi sáng tại trường, tôi ghé nhà anh chị, ăn cơm và học lớp chiều rồi về cho tiện, ngoài ra, những lúc rảnh rỗi tôi chơi đùa với hai cháu, hoặc ra cửa hàng bán giúp chị cho vui.
Học được khoảng hai tuần, một buổi vừa định vào lớp tôi giật nẩy mình, một hình bóng quen quen đang đứng bên trong cổng, Thì ra Tài đang đứng đợi ai. Nhìn thấy tôi Tài vui vẻ tiến đến:
- Loan biết không ? Hỏi mãi nhỏ Oanh mới cho biết Loan đang học tại đây, nó chỉ sợ Loan la rầy vì cho tôi biết nơi đang học thêm.
- Thì ra qua lá thơ mình vừa gửi tuần rồi, Oanh mới biết và thông báo cho anh chàng, thật là đáng đánh đòn hết chỗ nói.
Thế là từ đó, mỗi buổi chiều cứ hết giờ học là y như rằng anh chàng có mặt, anh chàng còn đi nước cờ cao là làm quen với chị tôi qua cửa hàng và hai cháu tôi thì khỏi nói, ăn bánh kẹo mệt nghỉ.
Tài cao lớn, dễ nhìn, ăn nói nhỏ nhẹ lại thêm là con nhà giàu có, cha Tài là chủ nhiều trại cưa rải rác từ Tây Ninh, Gò Dầu Hạ, Chơn Thành, Lộc Ninh…..cứ mỗi người con trai hay gái khi lập gia đình ông đều giao cho một trại cưa. Tài là con út, anh đang học Đệ Nhất tại một trường Pháp ở Sài Gòn, mùa hè vừa rồi, Tài về quê nghỉ nên chúng tôi mới gặp nhau. Ở Sài Gòn, ông Hưng, cha Tài mua một căn nhà trên đường Lê Văn Duyệt, Tài cùng ở với người anh thứ Tư đang học Y Khoa. Hàng tuần ông đi về thăm anh em Tài và giao dịch làm ăn bằng chiếc Traction 15, năm 1960 mà đi xe hơi là nhất rồi.
Con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai là câu nói đùa, nhưng trong trường hợp Tài là thật đúng. Anh lịch sự, vui vẻ, các cháu tôi rất mến anh và đeo theo mỗi khi anh đến, chị tôi thì luôn miệng khen Tài dễ thương, anh tôi cũng khen Tài ăn nói nhỏ nhẹ, hiền, mà chính tôi qua những lần tiếp xúc tôi cũng công nhận là đúng, nhưng tôi chỉ xem Tài như một người bạn. Có lẽ tôi khó tính chăng.
Đến khi hết hè, tôi trở lại Gia Long sau kỳ nghỉ thì dưới gốc cây dầu nơi cổng sau của trường, nằm trên đường Đoàn Thị Điểm không buổi trưa nào vắng mặt Tài, dầu mưa gió, nắng nôi, bão bùng giông tố, anh đều đón tôi, nói vài câu vô thưởng vô phạt trong thời gian tôi chờ xe hiệu đoàn tập họp đầy đũ là từ giã chia tay. Đến nỗi mấy nhỏ bạn cùng lớp đều biết mặt và trêu chọc tôi mãi.
Cứ ba buổi chiều trong tuần, vào giờ tan lớp Toán Lý Hóa là có mặt anh tại trường Phan Sào Nam, cái thời khóa biểu anh dành cho tôi cứ đều đặn như vậy… Vào thời đó, chỉ có xe Sach, Goebel, Mobylette hay velo Solex… Tài không dùng các phương tiện ấy, anh đến gặp tôi bằng taxi, những chiếc taxi Renauld 4 thật hiếm hoi lúc bấy giờ, hoặc thỉnh thoảng bằng chiếc Traction do tài xế lái khi nào cha anh có mặt ở Sài Gòn.
Một buổi chiều, sau khi tan học, chị Hai tôi bảo :
- Hôm nay chị không nấu cơm, vì anh Hai phải đi đám cưới, chị em mình cùng Hạnh và Phúc (hai cháu tôi) đến Chợ Đũi ăn cháo hoặc mì đi !
Cả nhà kéo nhau ra chợ Đũi, góc đường Trần Quý Cáp và Lê Văn Duyệt, vừa ngồi xuống bàn thì Tài xuất hiện, anh mừng rỡ chào chị em tôi, chị Hai tôi đề nghị ngồi cùng bàn. Suốt buổi ăn Tài săn sóc tôi từng ly từng tí, anh gọi thật nhiều thức ăn, chị tôi và hai cháu thì thoải mái còn tôi thì không ăn được gì cả, e thẹn và có cái gì làm cứ no ngang. Sau đó tôi mới biết là buổi ăn do chị Hai tôi sắp đặt để tạo cho Tài có cơ hội săn sóc tỏ tình với tôi. Sau buổi ăn, tình cảm tôi đối với Tài hơi khác, cái nhẹ nhàng trong cử chỉ chăm sóc, cái ánh mắt tha thiết và những lời nói êm dịu đã làm tôi thay đổi cái nhìn đối với anh, chúng tôi thân nhau từ đó.
Chị Hai tôi không hiểu có nhận hối lộ của Tài hay không mà chị cứ khen Tài nức nở, chị càng khuyến khích tôi đi ăn kem, đi phố mỗi khi Tài đề nghị. Một hôm mẹ tôi bỗng dưng hỏi tôi :
- Mẹ nghe chị Hai con nói có anh Tài nào, con nhà tử tế muốn đưa cha mẹ đến coi mắt con phải không?
Tôi hết hồn, sao Tài không hỏi ý kiến tôi chuyện nầy kìa, tôi nhớ lại rồi, có một lần hai đứa xem phim xong, Tài đưa tôi đi một vòng Passage Eden, mua cho tôi một chiếc ví và chai dầu thơm, Tài có nói:
- Anh định sau khi thi xong sẽ nghỉ học, về giúp ba trông nom trại cưa Chơn Thành. Ba bảo ba đã già rồi, anh phải phụ giúp ba một thời gian để cho rành rẽ mọi việc lớn nhỏ trước khi ba giao toàn bộ lại cho anh sau khi anh lập gia đình.
Tôi biết khi Tài nói những lời nầy là gián tiếp cho tôi biết tình cảm anh đối với tôi, và thăm dò phản ứng của tôi, nhưng tôi chỉ lặng thinh không nói cũng không thắc mắc gì cả, anh có vẻ hơi buồn.
Mấy ngày sau đó, chị Hai tôi cứ hỏi tôi mãi về tình cảm tôi đối với Tài và gợi chuyện chồng con luôn,, (chắc có lẽ hỏi tôi không được, Tài nhờ chị tôi dò ý giùm). Mỗi lần chị tôi gợi chuyện là tôi trả lời :
- Em còn hai năm nữa mới ra trường, bây giờ chỉ lo học mà thôi, vả lại đã lở nhận học bổng của chính phủ, làm cam kết đủ thứ thì chuyện gì cũng phải hai năm nữa mới quyết định được. - Nửa đùa nửa thật tôi tiếp - Nếu ai thương em thì ráng đợi hai năm nữa.
Năm thi vào Đệ Thất, trường có cho một số học bổng, tôi vì bài luận với số điểm tối ưu, nên được cấp với điều kiện thật gắt gao: 1 - Phải học chăm, tổng số điểm không được dưới trung bình. 2 - Phải học liên tục hết chương trình không được bỏ dở nửa chừng không lý do chính đáng. 3 - Không được phạm kỷ luật.
Nếu vi phạm một trong ba điều ấy phải bồi hoàn tất cả số tiền lại cho Bộ Giáo Dục. Cho nên cái nguyên nhân từ chối của tôi lúc nào cũng hợp lý.
Có lẽ chị Hai tôi nói lại với Tài, hai người bàn nhau cho mẹ tôi biết, và anh sẵn sàng bồi hoàn lại tiền cho Bộ Giáo Dục nếu tôi đồng ý. Với Tài thật sự tôi rất mến, nhưng chưa nghĩ đến việc lập gia đình.
Chị Hai tôi nhân một bữa đám giỗ Ngoại tôi đã mời Tài đến nhà, ai cũng mến anh, anh chiếm trọn cảm tình của cả gia đình tôi, từ đó hai đứa đi ăn, xem ciné, bát phố đều được sự đồng ý của mẹ tôi. Anh rất đàn ông và phóng khoáng, tình cảm tôi đối với anh ngày càng tăng.
Khi tôi xong lớp Đệ Nhị, cha mẹ Tài xin phép đến thăm nhà, mẹ tôi và mẹ Tài rất qúi và hợp nhau, với tôi ông bà xem như con đẻ và hứa khi nào cưới xong, nếu thích tôi cứ tiếp tục lên đại học. Người khoái nhất có lẽ là nhỏ Oanh, chưa gì mà cứ gọi tôi là chị ngọt xớt. Ngày Tết Tài mang đến cho tôi những chậu mai thật to và đẹp mà anh phải theo những người thợ cưa gỗ vào lấy tận rừng sâu, vì anh biết tôi rất thích mai, anh nói rừng Tây Ninh nhiều mai lắm, anh hứa là có dịp xuân nào anh sẽ đưa tôi theo để ngắm nhìn cả một rừng mai vàng nở rộ.
Lúc bấy giờ Tài đã nghỉ học sau khi xong Bằng tú tài, có lẽ vì là con trai út nên Tài không phải thi hành Quân Dịch, anh theo cha điều khiển trại cưa Chơn Thành, chờ đợi ngày tôi xong bằng tú tài hai là chúng tôi làm lễ cưới. Khoảng một hoặc hai tuần, anh lái xe về Sài Gòn hai đứa dung dăng dung dẻ. Ngôi nhà Lê văn Duyệt đã được sửa sang để anh Tư chuẩn bị mở phòng mạch.
Mỗi khi Tài về Sài Gòn hai đứa lại đến chơi cùng anh ấy.
* * *
Một buổi chiều vừa đi học về, mẹ tôi trao tôi một tờ điện tín, mặt mẹ buồn xo, tôi biết là có chuyện chẳng lành, vội vã mở ra xem: " Tài bị tai nạn trên đường từ Tây Ninh đến Chơn Thành, đang nằm bệnh viện..., hãy đến gấp….". Tôi không còn thấy gì nữa, mắt tôi nhòe lệ. Chắc anh ấy bị thương nặng lắm mới nhờ người nhà đánh điện.
Sáng sớm hôm sau tôi và chị Hai ra bến xe thật sớm, cả đêm tôi không ngủ được phút nào, mắt sưng húp vì khóc, trên xe chị tôi luôn miệng an ủi, còn tôi thì chỉ biết thì thầm khấn vái.
Đường từ Sài Gòn đến Lai Khê tuy không xa, nhưng thời buổi chiến tranh xe chạy chậm vì phải tránh những đoạn hư lở và phải chờ tập trung theo đoàn vì sợ cán phải mìn Việt Cộng đắp mô. Tôi và chị tôi tới nơi thì đã trưa lắm rồi. Đến cổng bệnh viện, chị của Tài đứng đón, chị đưa chúng tôi vào phòng bệnh.
Tay chân Tài quấn bông trắng xóa, đầu anh cũng quấn băng, mặt mũi sưng tấy đầy thuốc đỏ, đôi mắt lờ đờ, khi nhìn thấy tôi ánh mắt chợt sáng lên, đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì, mọi người đều tránh ra để tôi một mình với anh. Tôi cúi thật sát để nghe anh nói, tiếng thì thào như từ một cõi xa xôi mơ hồ vọng lại :
- Loan, anh yêu em! Và anh thở hắt ra...
Những lời cuối cùng anh dành cho tôi, lời nói mà suốt cuộc đời lúc nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai...
Tôi thét lên một tiếng thật to, gục xuống và không còn biết gì nữa
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro