
Chương 18 - Hội chợ
Con đường dẫn tới bãi trống giữa làng sao mà dài đến thế. Mặc dù hôm trước, khi đứng ở trên cao nhìn toàn cảnh ngôi làng, tôi thấy nó cũng chẳng xa lắm. Cũng có thể đó chỉ là cảm giác chủ quan của tôi, khi mà bị dựng dậy từ tờ mờ sáng tinh mơ lúc những làn sương buổi sớm vẫn còn giăng mắc mờ ảo trên những bụi cây, hay phải đẩy một xe thồ cỡ bự những củ phèn tươi roi rói. Tagg đi đằng trước tôi, vai đeo một sợi dây thừng to gần bằng cái cổ của cậu ta, ì ạch cùng tôi kéo chiếc xe tiến về phía trước. Chúng tôi chẳng nói gì nhiều với nhau bởi cả hai còn đang quá bận thoát khỏi cơn buồn ngủ.
Cho đến khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới bắt đầu nhú lên sau rặng núi giáp biển, tôi mới cảm thấy tinh thần phấn chấn lên một chút. Tagg cũng tỉnh táo hơn và bắt đầu nói chuyện nhiều về vụ hội chợ năm ngoái. Năm ngoái, có Elly đi cùng chúng tôi. Tôi vốn biết Elly là một người hiền lành, chịu khó và có phần nuông chiều bọn trẻ, nên không ngạc nhiên khi Tagg cười sằng sặc về việc chúng tôi trốn việc ra ngoài Cảng Cá, để mặc chị xoay sở với gần chục vị khách tới từ phương Bắc. Tôi nhắc nhở cậu ta rằng năm nay chúng tôi chỉ còn hai đứa, và tôi thì gần như không nhớ chút gì về mấy vụ mua bán này nên cậu sẽ phải là người làm chính. Đến lúc đó, Tagg mới đành trưng ra vẻ mặt thất vọng và đành phải vậy thôi.
Đôi lúc, cuộc trao đổi của chúng tôi bị cắt ngang vì những người khác. Trên đường lúc này đã có đông người hơn. Hầu hết mọi người đều dừng lại hỏi thăm trước khi đi vượt qua mặt chúng tôi. Tôi vui vẻ đáp lại mặc dù chẳng biết họ là ai, Tagg trò chuyện với họ là chính. Có 1 số gương mặt quen thuộc tôi đã từng thấy trước đó khi cùng mẹ Emily tới Đền: anh thanh niên David cởi trần hôm trước nay đã áo sống đầy đủ, xe thồ chở đầy những quả hay củ gì đó màu nâu xấu xí, đã dừng lại đẩy giúp khi xe chúng tôi vướng phải ổ gà; chị gái béo tròn Samatha thì tới gẩy gót đám củ phèn trong giỏ, khen lấy khen để chúng, và trước khi Tagg kịp ngăn cản thì chị đã xin mất của chúng tôi hai củ và ăn sống luôn. Tôi cũng biết thêm được vài cái tên khác: Luvid là một thằng nhóc trạc tuổi tôi và Tagg, nhà ở sâu trong rừng, gia đình nó thu hoạch hạt cây gì đó đem bán; Antoanet, một bà chị tầm tuổi Elly, mắc chứng thiểu năng trí tuệ và luôn nghĩ mình là một cô gái nhỏ, đi cùng với Anton, người em trai song sinh, có vẻ bình thường hơn nhưng lầm lỳ và ít nói khủng khiếp; Drake, thằng nhóc này còn nhỏ tuổi hơn cả chúng tôi nữa, và đeo cái giỏ trái cây dường như to quá khổ so với thân hình gầy gò của nó. Tôi đã mở lời đề nghị cho nó để nhờ trên xe của chúng tôi trước khi kịp nhìn thấy cái lắc đầu lia lịa của Tagg. Cái giỏ của Drake làm khối lượng xe của chúng tôi tăng lên đáng kể nhưng cũng khiến quãng đường tới bãi đất trống ngắn đi được ít nhiều, vì chúng tôi có thêm một người bạn đường để trò chuyện.
Bãi đất trống là một khoảng đất khá rộng, thông tới một con đường chạy thẳng ra biển. Từ đây tôi đã có thể nhìn được một đoạn đường chân trời trên mặt biển, mặc dù nó bị ngăn giữa hai vách núi đá dựng đứng. Một cánh cổng lớn bằng gỗ được đặt ở phía lối đi đó. Xung quanh bãi đất trống có cắm vài cái hàng rào để tạo ra ranh giới với những phần đất khác. Khi chúng tôi tới, vẫn chưa có nhiều người ở đó lắm. Lác đác vài người ăn mặc theo lối của dân làng Kien đã đứng sẵn ở đó. Nhiều người quen vẫy chào chúng tôi từ xa. Trước mặt họ đều để hai đến ba cái giỏ đựng nông sản, một vài người còn cắm những cái biển lớn vẽ hình ảnh thứ mà họ đang bán. Ba chúng tôi chọn một vị trí không quá xa cổng chính lắm, lại có bóng râm của một cái cây lớn đề phòng buổi trưa có thể có nắng. Sau khi khệ nệ khuân 2 cái giỏ lớn củ phèn mà một cái giỏ trái cây của Drake xếp đặt ngay ngắn, chúng tôi ngồi tán phét với nhau trong khi chờ đợi những người phương Bắc tới để xem hàng. Drake nói về vài vụ rắc rối xảy ra trong gia đình nó, khiến ông anh trai của nó phải ở nhà vì bị gãy chân, trong khi Tagg kể lại vụ tôi bị mất trí nhớ. Điều này khiến trí tò mò của Drake bị kích thích rất nhiều, cậu ta rất hứng thú với cảm giác của một người bỗng nhiên quên hết mọi thứ như tôi, tôi đành phải trả lời mấy câu hỏi vô thưởng vô phạt của cậu ta về những chuyện trước kia, đại loại như "Anh có còn nhớ lần ấy...", "Còn vụ này thì sao...", "Sao lại quên được nhỉ..."
Nhưng tôi cũng chẳng bị Drake "hành hạ" quá lâu, mặt trời càng lúc càng lên cao, hội chợ cũng mỗi lúc một đông đúc hơn. Lúc này thì hầu như toàn bộ dân làng đều có mặt. Chúng tôi liên tục phải giúp đỡ khi có một hai thứ rơi ra khỏi giỏ của ai đó lỡ để quá nhiều, hoặc kéo đẩy xe hộ ai đó chở quá nặng, rồi lại giúp họ bê những cái giỏ nặng trĩu từ trên xe xuống. Trong lúc đang ôm một khối gỗ có mùi thơm nồng rất dễ chịu bị tuột khỏi một cái xe thồ đầy ắp do dây chẳng quá lỏng, tôi bị vấp ngã khiến khối gỗ bay ra phía trước. Khi định chạy lại nhặt lên thì lạ thay khối gỗ đó tự động bay lên trong ánh sáng màu xanh quen thuộc. Tôi quay quắt xung quanh để nhìn xem. Là ngài Svells đang đứng ở gần đó đang điều khiển khối gỗ. Nhưng không chỉ có mình ngài. Giờ tôi mới để ý còn có rất nhiều những Trưởng lão khác của Đền. Những hình dáng nhỏ bé gầy gò trong những cái áo choàng kéo lê trên mặt đất đã tỏa ra khắp khu đất trong để giúp đỡ những người dân làng tổ chức sắp xếp lại gian hàng của họ. Ánh sáng của phép thuật lóe lên khắp nơi, những thứ nông cụ, nông sản, giỏ không, đất đá,... thậm chí một vài đứa trẻ quá nhỏ thi thoảng lại bay lượn trong không trung. Tôi chạy tới chỗ ngài Svells, vui mừng nói:
- Ngài Svells, con không ngờ lại gặp ngài ở đây ạ.
- Ta đã nói sẽ gặp lại các con sớm mà. Ta không thất hứa đúng không?
Ngài Svells đã điều khiển khối gỗ và đặt lại lên xe cái xe thồ, trong khi gần đó, một bị Trưởng lão khác đang dùng thần lực dẫn chiếc xe của người dân làng kia tới vị trí bày biện.
- Dạ, nhưng mà...
- Ta đoán con đã quên rồi, nhưng ta không phiền nhắc lại cho con. Hội chợ là một trong những hoạt động khác của Đền. Chứ con nghĩ xem dân làng sẽ giao tiếp với người phương Bắc kiểu gì khi không biết chữ?
Ồ, thì ra đó là lý do tại sao các Trưởng lão lại có mặt ở đây. Tôi đã không nghĩ tới điểm này. Dù gì thì những người phương Bắc cũng là những kẻ tới từ nơi khác, không cùng màu da cũng như tiếng nói với chúng tôi. Đương nhiên chúng tôi và họ không thể hiểu nhau rồi. Tại sao trong từng ấy năm không một người dân làng nào nghĩ tới việc học ngôn ngữ của người phương Bắc nhỉ? Nó giúp ích cho công việc của họ mà. Họ có cả một kho sách khổng lồ ở Đền, cùng những người thầy tận tụy nữa. Thật khó hiểu.
- Đây là cậu bé muốn học Thần Ngữ sao?
Một âm thanh của ai đó lướt qua đầu tôi. Tôi quay sang và thấy vị Trưởng lão giúp di chuyển chiếc xe vừa nãy, giờ đã quay lại với chúng tôi. Ông ấy khoác một cái áo choàng giống y hệt ngài Svells, nhưng nó màu nâu gụ. Da của ông ấy cũng xỉn hơn da của ngài Svells và đôi mắt thì trắng đục. Tôi nghĩ vị Trưởng lão người Crok này đã rất già.
- Ơ dạ... - Tôi bối rối trước câu hỏi của vị Trưởng lão này.
- À, Evan. Giới thiệu với con đây là Noam, một vị Trưởng lão khác ở Đền. Ông ấy rất thân thiết với ta. Còn cậu bé tuyệt vời này là Evan Thann, người mà tôi đã kể với ngài đó.
Tôi thoáng đỏ mặt. Trưởng lão Noam gật gù cái miệng dài ngoằng của mình, chăm chú nhìn tôi thêm một lúc, rồi bỏ đi sang chỗ khác. Tôi nghĩ như vậy hơi bất lịch sự, cũng thấy khó hiểu. Ngài Svells thấy vậy liền nói:
- Xin lỗi con nhé, Evan. Noam không thích những nơi đông người. Ngay cả với những người trong cộng đồng Crok chúng ta cũng cảm thấy ông ấy khó gần. Ông ấy không thường xuyên tham gia hội chợ lắm, nhưng không hiểu sao hôm nay ông ấy lại tới. Thôi, ta còn phải đi giúp những người khác. Nhưng ta cũng không đi xa đâu. Nếu cần các con cứ tới tìm ta nhé.
Nói rồi ngài Svells đi tới bên một người phụ nữ đứng tuổi đang nặng nề kéo lê hai cái giỏ bên trong chứa thứ gì đó trông như bùn nhão, khiến một trong hai cái khối đen ngòm đó bay lên một cách ma quái. Trong thoáng chốc, tôi chợt có ý nghĩ chẳng lẽ Trưởng lão Noam ở đây là vì mình, nhưng rồi nó trôi qua rất nhanh, vì tôi đâu có là gì với ông ấy đâu. Tôi liền quay trở lại với Tagg. Tagg đang đứng đó, cười toe toét với tôi, còn cu cậu Drake thì không thấy đâu cả. Thay vào đó là...
- Anh Eric, sao anh ở đây vậy?
- Ở nhà xong rồi thì tao chả tới đây. Chứ mày nghĩ chúng tao để cho hai đứa ranh con tự tung tự tác trong việc mua bán quan trọng này hả? Đã được đơn nào chưa?
- Những người phương Bắc vẫn chưa đến. Năm nay họ tới trễ. - Tagg nói.
- Cũng kỳ ha. Để tao chạy ra bờ biển xem thế nào.
Nói rồi Eric chen lấn qua dòng người và xe cộ trước mặt về phía cổng chính rồi mất hút. Cậu bạn nhỏ của tôi bĩu môi:
- "Không để hai đứa ranh con tự tung tự tác." Rồi cuối cùng cũng trốn việc đi đấy thôi.
Tôi phì cười trước cái giọng điệu trào phúng của cậu.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau thêm lúc nữa về thứ đồ vật mà tôi đã lấy trộm của một bé gái người phương Bắc vào năm ngoái. Tagg chẳng nhớ gì nhiều, chỉ biết chúng tôi đã gặp một nhóm rất đông khoảng hơn chục người ngoài Cảng Cá. Một người trong số họ va phải Tagg và khiến cậu bị ngã bổ chửng, nhưng kẻ đó không những không tỏ ra hối lỗi mà cả đám còn cười cợt, chỉ trỏ vào cậu. Vì thế nên khi gặp chúng ở trong hội chợ, tôi đã ngầm theo dõi đám người đó và lợi dụng lúc đông người giật mất một món đồ trên tay của một đứa bé gái trong đám. Tagg chỉ nghe tôi kể lại chứ cũng không nhìn thấy hình dạng của đứa bé đó. Nhưng có một điều kỳ lạ ở con bé, nó không khóc hay hét toáng lên, chỉ đứng ngây ra đó mà nhìn rồi nở một nụ cười ma mị. Điều đó vẫn còn khiến tôi bị ám ảnh mỗi lần nhắc lại chuyện này với Tagg. Đó là tôi của trước kia, còn tôi của hiện tại thì có tài thánh cũng chẳng thể nào có chút ấn tượng gì về chuyện này.
Lát sau, Drake đã quay trở lại. Nó mang theo chút bánh mỳ và thịt khô để chúng tôi lót dạ lấy từ một người họ hàng của nó ở gần đây. Chúng tôi ăn cùng nhau một cách vui vẻ. Đang ăn thì Drake chợt hét lên:
- Họ kìa! Đến rồi!
Tôi nhìn theo hướng chỉ của Drake. Một đoàn rất đông người vừa xuất hiện ở cổng chính. Đi đầu của đoàn người đang tiến vào là những người lớn tuổi nhỏ nhắn, ăn mặc theo lối của người dân làng Kien mà tôi đoán đó là các Già mà Elly từng nhắc tới. Một Già trông ra dáng đức cao vọng trọng nhất, đang thao thao bất tuyệt một bài diễn văn chào mừng những vị khách tới từ phương xa. Còn những người phương Bắc, rất dễ nhận thấy vì họ rất khác biệt so với chúng tôi. Họ cao, rất cao; trắng, rất trắng, đương nhiên rồi. Họ mặc một bộ đồ giống như được làm từ những miếng da động vật chắp vá nhưng khá kiểu cách thời trang, đi ủng lớn và thắt lưng to bản. Tôi thấy ngạc nhiên là họ không chết ngốt khi diện đồ như vậy trong điều kiện thời tiết nhiệt đới của vùng này. Tuy vậy, bộ dạng của họ có vẻ không được thoải mái cho lắm, có lẽ vì phải đi lại trong bộ đồ da bó sát đó, hay vì đang phải nghe những lời lẽ mà họ không thể hiểu. Người cao nhất trong đám thương nhân phương Bắc có vẻ như là người đại diện, để tóc dài cúi mình xuống chào tất cả chúng tôi sau khi vị Già lớn tuổi đó ngừng việc nói. Tôi đã tưởng đó là một người phụ nữ, cho đến khi người đó thẳng lưng lên và tôi nhìn thấy bộ râu cùng những đường nét dữ dằn trên mặt của ông ta. Sau đó, ông ta nói to lên một điều gì đó mà không ai hiểu và nở một nụ cười thân thiện, các Già làng vỗ tay vui mừng, rồi tất cả người dân trong khu hội chợ đều cùng vỗ tay hoan hô. Sau màn chào hỏi có phần giản dị này, những thương nhân phương Bắc bắt đầu tỏa ra khắp nơi để xem xét hàng hóa, những người dân làng cũng chạy ngược chạy xuôi, khuân dỡ bê vác liên tục, các Trưởng lão của Đền xuất hiện ở mọi nơi có bất kỳ sự giao dịch mua bán nào đang diễn ra. Những tiếng ồn ào, la hét, kêu réo, đổ vỡ, bước chân người đi lại... càng lúc càng khiến cho không khí hội chợ trở nên khẩn trương và nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Đã có khoảng hai, ba người phương Bắc dạo qua gian hàng của chúng tôi. Trong số họ có một cặp đôi đã dừng lại và xem xét cái giỏ trái cây của Drake. Trước đó, họ cũng liếc nhìn vào những cái giỏ của chúng tôi nhưng rồi bỏ qua. Đó là một cặp nam nữ, trông giống anh em hơn là một cặp vợ chồng. Tôi đã cảm thấy khá lo lắng khi cái dáng to lù lù của họ từ từ đi tới đằng xa, nhưng hóa ra họ cũng khá thân thiện. Họ mỉm cười khi nhìn thấy tôi quan sát và tôi cũng gật đầu với họ. Họ có khuôn mặt và vóc dáng gần tương đương nhau, nhưng điều này hóa ra lại khiến người nữ trông có vẻ đô con hơn người nam và người nam lại có vẻ mảnh khảnh hơn người nữ. Người nữ lấy một quả trái cây đã chọn lựa kỹ càng, lau qua vào vạt áo và đưa lên mồm cắn thử. Khuôn mặt cô chợt giãn ra, cô rối rít quay lại nói gì đó với người nam và đưa quả trái cây đó. Người đàn ông nhận lấy và cũng cắn ở phía còn lại của quả đó. Ông ta đón nhận hương vị của trái cây chậm rãi và từ tốn hơn người phụ nữ, nhưng rồi sau cùng cũng gật gù hài lòng. Ông ta lôi ra một xấp thẻ bài bằng gỗ lớn, lựa chọn trong đó một tấm thẻ viết rất nhiều ký tự hoa văn rồi đưa nó cho Drake. Người phụ nữ thì lấy ra một quyển sách bọc bìa da và ghi chép gì đó vào đấy bằng một cây bút chì. Sau cùng cả hai xoa đầu thằng nhóc, vẫy tay chào với chúng tôi và lại tiếp tục đi về phía trước.
- Họ đưa cho em cái gì vậy, Drake?
- Thẻ trao đổi. Một cái thẻ này bằng 10 sọt trái cây đó. Họ đưa trước cho mình coi như đặt trước. Lát sau sẽ có người của họ, những người chuyên về vận chuyển, tới từng nhà để lấy hàng. Chỉ cần đưa thẻ ra là những người đó sẽ hiểu phải lấy bao nhiêu.
Nói rồi thằng bé bỏ cái thẻ vào túi và nở một nụ cười vui vẻ. Tôi thiết nghĩ nó cũng kể như một loại đơn hàng ở thế giới hiện đại, nhưng thô sơ và giản dị hơn. Nhưng nếu họ quy đổi ra từng sọt một thì chẳng phải sẽ có trường hợp sọt to sọt bé hay sao? Tôi liếc nhìn những cái sọt, chúng được đan bằng những nan gỗ dày dặn và được chằng buộc khá chắc chắn bằng dây buộc. Và điều quan trọng là, giờ tôi mới để ý, tất cả chúng đều có kích thước tương tự nhau, cao bằng một nửa Drake và rộng bằng một ôm của tôi hoặc Tagg. Tôi thốt lên thắc mắc này với Drake thì nó trả lời:
- Người phương Bắc họ yêu cầu tất cả các giỏ hàng đều phải có cùng kích thước. Họ sẽ không nhận hàng nếu phát hiện ra có giỏ nào không đúng quy định.
Bỗng chốc tôi cảm thấy thú vị khi con người ở đây vẫn có thể tìm ra cách để hiểu nhau mà không cần phải học ngôn ngữ của nhau. Và họ vẫn duy trì được những cách thức đó suốt bao nhiêu năm qua mà không cần phải thay đổi. Tôi bỗng hiểu được một chút lý do tại sao những con người ở đây không chịu học chữ. Đơn giản chỉ vì họ không cần thiết phải học. Sự thay đổi chỉ đến khi con người ta cảm thấy vướng mắc hoặc khó khăn ở đâu đó. Giữa một cộng đồng khép kín và ít ỏi như thế này, sự thay đổi là hầu như không xảy ra. Họ hài lòng và mãn nguyện với những gì đang có. Tất nhiên, nếu đây là một khu đô thị hoặc một nơi nào đó đông đúc hơn, thì sự thay đổi là thứ diễn ra hàng ngày. Nó đem lại những mặt tích cực lẫn tiêu cực cho cộng đồng. Tôi tự hỏi, vậy thay đổi hay không thay đổi, điều gì sẽ tốt hơn? Có lẽ chẳng có điều gì là thực sự tốt hoặc sự tốt xấu chỉ mang tính tương đối. Chính sự cân bằng động giữa cái nọ và cái kia mới là thứ tạo ra sự ổn định.
Có lẽ mọi thứ sẽ cứ mãi trôi qua như vậy, những người dân làng vẫn hàng ngày phải lo lắng đủ thứ chuyện và không có thời gian dành cho việc khác, ngài Svells cứ mãi theo đuổi cái mục tiêu không bao giờ thành của mình, nếu như tôi không ở đây. Tôi chính là cái biến số bất thường sẽ tác động tới sự chảy trôi vô định của những người dân làng này. Có lẽ, việc tôi có mặt ở đây thực sự là có lý do của nó. Thế giới này quả thật thú vị, khiến tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Phép thuật có lẽ không phải là điều duy nhất có ở đây, còn tồn tại những điều khác nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro