bnhfhh
1
Người ta định giết Mực đã lâu rồi. Mực là con già hơn trong hai con chó của nhà. Nhưng cũng là con nhiều nết xấu. Nó tục ăn: đó là thường. Nó nhiều vắt: cái ấy đủ khổ cho nó. Nó cắn càn ấy là cái khổ của bọn ăn mày. Nhưng nó lại sủa như một con gà gáy: cái này thì không thể nào tha thứ được. Thoạt tiên người ta định ngày chết cho nó vào dịp Thanh Minh. May cho nó hôm ấy bà chủ nhà bị ốm.
Rồi thì là Tết tháng năm. Bỗng nhiên đứa con út của bà ươn mình: bà phải kiêng để lấy sữa lành cho con bú. Sau cùng người ta nhất định thịt nó vào rằm tháng bảy ai ốm mặc. Nhưng lần nầy Mực vẫn còn thoát nạn là vì nhờ có Du. Người con cả xa xôi ấy vừa viết thư báo chẳng bao lâu sẽ về. Bà mẹ mừng như tìm được một vật quý bị rơi và bà nhất định lùi ngày xử con Mực lại.
Bây giờ thì Du về rồi. Chiều hôm qua con người phóng đãng ấy đã khệ nệ xách cái vali rất nặng bước vào sân, miệng mỉm cười và mặt đỏ. Cái nhà tranh, mấy cây cau hình như vừa đúng thẳng hơn lên để chào chàng. Rồi đến lũ em ầm ỹ đẩy mành chạy òa ra, và bà mẹ mừng quá cười và khóc. Nhưng kẻ lên tiếng trước nhất là con Mực. Con chó già nua ấy rít lên cái thứ tiếng gà gáy của nó và chạy lại Du. Bà mẹ thét lên và lũ em chửi những câu thô tục. Du bỡ ngỡ nhìn mọi người.
- Hình như mẹ không được khoẻ, ồ các em đã lớn cả rồi: Thanh, Tú, đứa nào đây? À, Thảo con chuột nhắt, trông Thảo xinh quá nhỉ? À! Con Mực, vẫn con chó ngày ấy đấy à?... Trông nó già đi tệ!... Con chó đã nhận ra người chủ cũ. Nó đứng lặng vẫy đuôi, đầu cúi xuống, hai mắt nhèm ương ướt nhìn đất như tủi phận. Du thương hại: đó là người bạn lặng lẽ thui thủi bên chàng những năm xưa khi đêm vắng, chàng ngồi nhìn trăng mà oơ mộng. Chàng muốn cúi xuống vuốt ve. Nhưng nó bẩn ghê gớm quá, lông rụng từng mảng, thịt trắng lộ ra có nơi sần mụn nữa. Dáng điệu thì già nua, có vẻ buồn và len lén như phòng bị một cách yếu ớt. Không còn những cái vẫy đuôi mạnh dạn những cái nhìn rất bạn bè và những cái hít chân vồ vập như khi một con chó đã vui và không ngờ vực. Du thấy lòng nằng nặng. Chàng đưa chân chạm khẽ vào con chó để tỏ tình thương. Con chó vẫy đuôi mạnh hơn nhưng len lén lánh ra: dáng điệu một kẻ sợ hãi cố cười với người nó sợ. Và tức khắc nó vặn vẹo mình và rít lên một tiếng ngắn và to; đứa em tưởng anh đá hụt trả thù cho anh bằng một cái đá mạnh vào sườn con vật. Nó lấm lét lảng dần cũng không dám chạy một cách thẳng thắn để đi trốn nữa. Du trách em:
- Sao Tú ác thế?
- Cần gì, đến mai giết thịt cho anh ăn đấy.
Du thấy cái vui đoàn tụ giảm hẳn đi một nửa. Hình ảnh con chó ghẻ với cái buồn mơ hồ cứ lảng vảng trong óc chàng mãi mãi. Sáng hôm sau lúc ăn cơm chàng thoáng thấy nó đi qua, đầu cúi mắt nhìn nghiêng như những người giả trá. Chàng muốn gọi nó vào kẹp nó vào giữa hai bàn chân và vừa ăn vừa vẩy cho nó miếng cơm chung một bát. Nhưng mà không thể được: dịu dàng quá là yếu tâm hồn, và ai hiểu được rằng mình lại có thể yêu thương một con chó bẩn ghê gớm như thế được?
Bữa ăn xong, con Hoa cầm bát cơm ra: một tay nó xách cái thúng như để rồi xếp bát. Thấy được ăn, tất cả thú tính của con Mực hoàn toàn nổi dậy. Nó nhảy tới vẫy đuôi hếch mõm nhìn và đợi. Cơm vừa đổ xuống nó vội vàng chúi mõm ăn ngay. Miếng chưa qua cổ thì cái thúng đã chụp quanh trên mình. Nó rít lên, vùng mạnh; nhưng Hoa đã tì cả người lên cái thúng rồi, và con Mực bị thu gọn ở trong vừa vặn đến nỗi không còn giẫy và kêu được. Lũ trẻ con réo ầm lên. Người ta lấy sẵn dao thớt và dây để trói. Phần mở thúng đã đành phải về Du: ông chủ đi vắng, cả nhà chỉ có chàng là đàn ông, mà không lẽ đi mượn hàng xóm trói giùm một con chó đã úp gọn gàng chỉ việc hơi hé cạp thúng lên, hễ chó thò đầu ra thì một đứa em đặt gậy lên cổ nó để chân chàng dận xuống. Nhưng tay chàng thấy run run. Và khi con chó vừa thò đầu ra thì nó quẫy luôn một cái mạnh, vùng ra được. Con Hoa tủm tỉm cười. Lũ em ngơ ngác nhìn theo con chó vừa ẳng ẳng vừa chạy ở ngoài vườn. Còn Du thì mặt đỏ như gấc chín. Chàng thấy mình yếu tay hơn cả con Hoa. Có lẽ nào chàng lại dịu lòng hơn cả một người con gái. Và tự nhiên chàng giận con Mực. Người ta còn lo con Mực sợ hãi mà đi mất. Quả nhiên suốt ngày hôm ấy nó không về. Nó vẩn vơ vườn hàng xóm, lẩn lút như một con chó trước khi hóa dại.
Người ta tưởng đã mất toi. Nhưng tối hôm ấy nó lần vào gầm giường rồi Du lại nghe thấy cái thứ tiếng gà gáy của nó rít lên ở phía ngõ.
Sáng hôm sau nó vẫn bỏ cơm. Trưa cũng thế. Và cứ thấy bóng người lại cúp đuôi chạy mất. Du thương hại sai người đem cơm đổ ra vườn. Một lúc sau Mực lại gần. Nó trông trước trông sau, đưa mõm rê trên những hạt cơm rồi vô cớ giật mình chạy thẳng. Có lẽ cái kỷ niệm khủng khiếp vừa lóe ra và đập mạnh vào thần kinh nó như luồng điện. Du thấy bồn chồn và vẩn vơ: thương, hối hận hay là thẹn.
Sau cùng thì chàng bực mình: chàng nhận ra rằng một con chó đã làm mất sự bình tĩnh của tâm hồn chàng. Và đột nhiên chàng muốn giết con Mực lắm. Chàng muốn có đủ can đảm để giết người. Phải dám giết mà không run tay khi cần phải giết. Còn làm được trò gì nữa nếu chỉ giết một con chó mà tim cũng đập?
Sự do dự đã hết rồi. Khi có một ý định thì ý định ấy chóng thành mạnh mẽ. Du thấy lòng cứng cỏi. Ðã có lúc chàng tưởng đến cái thú dí con dao vào súc thịt giẫy lên đành đạch để máu ấm phọt vào tay. Và chiều hôm ấy khi thấy con chó ở vườn thì chàng gần như mừng rỡ. Con vật khốn nạn đói và sợ đã mệt lử đi rồi. Nó hiện ngủ bên bờ giậu. Du cầm cái gậy to rón rén lại gần. Nhưng giơ gậy lên chàng bỗng thấy tim run một cái. Chàng tưởng như ngạt thở và ngừng lại một giây để nhìn con chó. Giấc ngủ của nó có lẽ đầy ác mộng vì thỉnh thoảng khắp mình nó lại giật lên. Du thấy lòng quả quyết tiêu tán hết. Nhưng con chó bỗng giật mình. Du hoảng hốt thẳng cánh vụt mạnh trên mình nó, bụng nó thót hẳn vào rồi lại phình ra như một khối cao su. Nó rống lên gượng dậy loạng choạng mấy vòng rồi chui bừa qua giậu trong khi Du vụt cuống cuồng theo xuống đất... Ðêm đã khuya. Du lại nghe tiếng Mực rống lên. Chàng thấy toát mồ hôi và nhất định không giết con chó nữa.
Nhưng trời gần sáng chàng còn đương mơ mộng, thì đã nghe tiếng Hoa gọi cuống cuồng lên. Con vật khốn nạn không biết mỏi mệt thế nào mà ngủ quên đi ngay ở giữa sân để đến nỗi bị Hoa úp được. Lần này thì người ta cẩn thận hơn. Hai ba người nắm vào hai đầu gậy tre ngáng sẵn bên cạnh thúng rồi Hoa mới hơi hé miệng thúng lên. Thấy sáng con Mực nhô ra ngoài cái mõm ướt phì phì. Hoa nhích lên tí nữa nhưng một cái gối đã tì sẵn trên thúng. Mực lách cả cái đầu ra. Cái gậy đè mạnh xuống. Con vật khốn nạn không còn kịp kêu.
- Ðè chặt, thật chặt, đừng buông nó ra nó cắn đấy!
Du kêu lên như thế nhưng tiếng chàng đã hơi run run. Con chó phì một cái nữa: hơi thở mới thoát ra một nửa bị tắc. Cái gậy đè sát đất, mắt nó trợn lên. Lòng đen ươn ướt cứ đờ dần rồi ngược lên lần một nửa vào mí trên. Lòng trắng đã hơi đục. Lúc Hoa trói xong cả chân trước, chân sau và buộc mõm rồi thì con chó đã mềm ra không còn cựa quậy nữa.
Du nghẹn ngào nén khóc...
2
Sáng hôm nay đang ngồi viết với nhau, chẳng biết cái ý nghĩ lan man nào dã xui anh Sen đột ngột bảo tôi:
- Này! Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thực không chơi được!
Tôi ngửng đầu lên. Anh đang cười mủm nhìn tôi. Tôi cười gượng. Và tự nhiên tôi buồn. Tôi nhớ đến cái lần đầu tiên tôi được gặp anh Đa. Sen giới thiệu chúng tôi, chúng tôi bắt tay nhau. Câu chuyện rất chóng trở nên thân mật. Bởi anh Đa và tôi là người đồng quận. Nhất là tôi đã được xem những bức vẽ của anh ngay từ hồi tôi chưa ra khỏi trường.
Tôi mến anh ngay. Anh nói chuyện rất có duyên. Cũng như tất cả những người đã chịu nhiều đau khổ quá, anh có tài làm cho người nghe chuyện anh phải cười. Cười không nhịn được. Nhưng cười rồi mà ngao ngán lòng. Chẳng biết những người khác được nghe chuyện anh Đa có thế không! Tôi thì tôi đã thấy buồn. Tôi cứ nghĩ đến ba cái buồn của đời anh, cái buồn thứ nhất, làm thế nào mà nói được ra đây? Mà có nói sợ người ta cũng chỉ cười anh Đa, hoặc cười tôi là thích làm bộ điệu. Cái buồn thứ hai dễ nói hơn bởi người ta hiểu được hơn: ấy là cái buồn cảnh nhà nghèo. Cái buồn thứ ba khi nhàm tai, ấy là một cái buồn mà người ta phải nghe nói đến đã nhiều quá mất rồi: cái buồn nhân tình đi lấy chồng. Cái buồn nhân tình đi lấy chồng! Tôi đã cười và có lẽ bây giờ tôi cũng còn cười, nếu anh Đa, nếu anh Đa chỉ là một cậu học trò mới lớn lên. Đằng này anh đã ngoài tam tuần. Mà không vợ không con. Chao ôi! Có thể rằng cái buồn kia âm ỷ ở trong lòng anh những từ ngày anh chưa hai mươi tuổi. Một cái buồn dằng dặc. Và tôi thấy tôi thương lắm: thương anh, thương tôi, thương cho đời hai ta. Tôi lại càng mến anh thêm nữa. Mến như một tâm hồn khao khát gặp một tâm hồn khao khát. Nhưng có bao giờ anh hiểu thế hỡi anh Đa mà đời có những ba mối buồn!...
Anh không hiểu thật. Cách đây ít lâu, một hôm đi chơi phố anh Sen bảo tôi:
- Tôi vừa gặp anh Đa. Tôi rủ anh Đa đến chơi với anh. Nhưng Đa từ chối. Anh ấy bảo tôi: anh ấy sợ Tri lắm. Trông cái mặt Tri... không chơi được. Đa hỏi tôi mãi: Tri làm sao thế? Hay là Tri không thích đùa? Mặt hắn có một cái gì khó tả!
Khó tả? Đó là một cách nói. Tôi thì tôi hiểu rồi. Tôi hiểu anh muốn bảo: cái mặt tôi lạnh như nước đá và ngượng nghịu và vô duyên, và lố bịch và đủ hết. Tôi cười gượng và tôi buồn... Chao ôi là buồn!
Hỡi Thượng đế mà người ta đồn là rất công bình và chỉ làm toàn những điều nhân, sao Ngươi lại cho tôi một cái mặt tai hại cho tôi đến thế? Một cái mặt... nó thế nào! Ai chỉ gặp tôi có một lần cũng phải có một cảm tưởng khó chịu về tôi, mặc dù tôi gặp ai cũng cố làm mình không đến nỗi là một thằng đáng ghét. Tôi lễ phép, tôi nhã nhặn, hay thân mật tùy từng trường hợp. Tôi lựa ý mỗi người để chiều người. Thật công toi! Bởi rồi người ta cứ phải ghét tôi, ghét tôi tuy không có cớ để mà ghét mới khổ cho tôi chứ. Tôi khinh khỉnh ư? Tôi ngạo nghễ ư? Tôi lèo lá quá ư? Hay trái lại tôi khúm núm, tôi đê tiện quá. Hay là tôi thô tục. Không, không, họ không nói thế. Họ biết tôi không có một tí gì như thế. Nhưng, cái mặt tôi trông... làm sao ấy. Chao ôi, chao ôi thế thì tôi còn biết làm sao bây giờ! Sinh ra cái mặt tôi là giời.
Hồi còn nhỏ tôi phải xa nhà từ khi mới bảy tám tuổi đầu. Tôi ra tỉnh học. Tôi trọ tại một nhà bà dì. Cả một căn gác mông mênh chỉ có tôi và Đức người con trai của dì tôi. Đức xấp xỉ tuổi tôi và học cùng một trường với tôi. Thế mà chẳng bao giờ cùng đi học với tôi. Anh thích đi sớm hơn hoặc muộn hơn. Và bao giờ anh cũng đi với Kình con ông đội Thảo bên hàng xóm. Dì tôi thấy tôi cứ lủi thủi một mình, ý chừng nghĩ cũng thương. Một hôm dì gọi Đức vào mắng Đức:
- Mày hư quá! Sao đi học không bảo em đi với? Nhà có hai anh em cũng đứa đi trước, đứa đi sau. Từ mai còn thế rồi tao bảo! Rồi dì tôi dịu dàng bảo tôi:
- Cháu cứ đi với nó. Nếu nó không chịu đi với cháu hay bắt nạt cháu thì cháu cứ bảo dì. Dì trị cho nó biết.
Tôi cúi đầu. Tuy còn bé tôi đã hiểu rằng: dì tôi làm thế chẳng ích gì. Mà lại có hại cho tôi là khác nữa. Sự yêu hay sự ghét cũng như những ý nghĩ của người ta không thể dùng quyền mà ép buộc. Không thích đi với tôi thế nào Đức chẳng sinh hờn oán tôi. Nghĩ thế nên khi chỉ có một mình tôi với Đức, tôi phải bảo:
- Dì nói thế nhưng anh không muốn đi với tôi thì cứ đi một mình. Dì chẳng biết đâu mà sợ.
Không biết nghĩ thế nào mà Đức bảo:
- Sợ thì tao không sợ. Nhưng từ mai tao cứ đi với mày cũng được. Chúng ta gọi thằng Kình nữa. Cả ba thằng cùng đi.
Tôi rất mừng. Tôi mua kẹo về đãi Đức. Chúng tôi vừa nhai kẹo vừa cười cười nói nói, vui như ngày tết mặc cái áo kép mới và cái quần trúc bâu còn sột soạt chạy thi nhau trên đường để đến mừng tuổi ấy.
Sáng hôm sau chúng tôi dồn sách vở của cả hai vào một cái cặp. Đức đi trước, tôi cắp cặp theo sau. Chúng tôi đi từ nhà trong ra. Dì tôi trông chúng tôi mỉm cười. Mặt tôi hớn hở! Nhưng thú thật cũng có hơi ngường ngượng. Thì cũng như một cô con gái mặc cái áo mới mình chưa quen. Chúng tôi sang nhà bên cạnh gọi Kình. Kình còn đang ăn xôi, miệng phúm phím chạy ra. Chúng tôi mỉm cười và gật đầu chào nhau. Kình hỏi:
- Cả Tri cũng đi đấy à?
Đức gật đầu. Kình có vẻ nghĩ ngợi một loáng. Rồi anh bảo:
- Thôi hai đứa chúng mày đi trước. Tớ ăn rồi đi sau. Tôi vội bảo:
- Anh cứ ăn chúng tôi đứng đợi.
Anh xua tay và lắc đầu lia lịa:
- Không, không. Tớ ăn còn lâu lắm. Chúng mày cứ đi. Cứ đi đi nhé.
Kình chạy tọt vào nhà trong. Đức bảo tôi:
- Mày đứng đợi đây một tý. Tao vào nhà xem sao.
Anh vào nhà. Hai anh nói chuyện với nhau đến hơn mười phút. Rồi Đức chạy ra kéo tôi đi.
- Thôi kệ nó. Chúng mình đi đi.
- Anh ấy chưa ăn xong kia à?
- Xong rồi. Có một nắm xôi vừa bằng quả sung...
- Thế thì ta đợi anh ấy một lát.
- Không đợi. Nó bảo: chúng mình đi trước.
Đi được một quãng, Đức buột miệng bảo tôi:
- Nó không thích đi với mày.
Tôi sửng sốt:
- Vì sao vậy? Tôi xấu chơi đến thế?
- Không phải. Không phải.
- Hay là tôi vô ý mếch lòng anh ấy điều gì?
- Cũng không phải nốt. Nhưng nó bảo trông mày... làm sao ấy. Nó không thích mày.
*
* *
Một chục năm sau. Chỉ còn vài ba năm nữa là tôi đã hai mươi - Đức cũng thế. Tôi thấy chúng tôi thay đổi. Tiếng nói khác đi. Mặt hơi trứng cá. Đức thích loăng quăng đi chơi phố. Còn tôi đột nhiên sinh đãng trí và rất lắm lúc thành vẩn vơ. Một người nữa cũng thay đổi như Đức và tôi ấy là cô Nhung. Nhung con bà Thụy Thành, bạn của dì tôi. Nhà Nhung ở liền bên. Trước kia những ngày nghỉ Nhung vẫn sang nhà dì tôi đánh ô hay đánh rải gianh với Đức. Tôi không được rủ chơi bao giờ cả. Tôi chỉ lẳng lặng đứng nhìn họ chơi. Bây giờ Nhung cũng nhớn vọt lên. Tóc bỏ rơi óng ánh như tơ và đã khá dài. Mắt long lanh. Má ửng hồng. Tiếng nói mềm hơn cũng như quần áo đã sửa sang hơn trước. Tuy vậy Nhung vẫn qua lại nhà dì tôi một cách tự nhiên như thường. Nhung qua lại để nhờ Đức giảng cho một cái tính khó, hay giúp cho một vài ý để làm một bài luận văn. Nhung nghĩ hàng buổi chưa ra câu nào. Tôi ngấm ngầm ghen với Đức. Và tôi thầm mong cho có khi nào Nhung đem sách sang mà không gặp Đức để tôi được giúp Nhung một lần. Nhưng không khi nào cả. Bởi Nhung có chắc chắn là có Đức ở nhà thì mới sang.
May cho tôi, một lần Nhung sang thì Đức đang bận học bài thi. Tôi thì học xong rồi, đang tập vẽ. Đức bảo Nhung:
- Tôi mải quá. Chú Tri ấy rỗi. Cô đưa sách chú ấy giảng cho mà làm. Tôi thấy tim đập mau thon thót. ấy là tôi sung sướng. Tôi cố tươi cười, ngừng bút vẽ ngửng đầu lên lóng đợi. Nhung ngập ngừng một chút. Rồi Nhung kêu lên:
- À thôi em nghĩ ra được rồi. Em về làm đây.
Tôi toan mếu, tôi đau đớn lắm. Nhưng cũng chưa đau đớn bằng hôm sau Đức vừa cuời hi hí vừa khoe với tôi.
- Cô ả Nhung hôm nay phải phạt. Cái tính đố hôm qua chưa làm. Lúc bấy giờ kêu nghĩ ra rồi. Kỳ tình thì cô ả có nghĩ ra được cái năm kia. Nó oán tôi ghê lắm nhé...
Tôi sầm mặt. Tôi còn đang tìm một cái gì để nói lảng cho đỡ ngượng thì Đức bảo:
- Cho đáng kiếp. Ai bảo hỏi Tri không chịu hỏi. Rồi anh nhìn tôi nói tiếp:
- Này Tri ạ. Không hiểu sao Nhung nó sợ Tri lắm nhé. Nó bảo nó không dám hỏi Tri. Trông Tri... thế nào!
- Vâng, vâng! Tôi biết rồi!...
*
* *
Năm sau tôi đỗ bằng tốt nghiệp thành chung. Nhà nghèo như nhà tôi mà được học hành đến bậc ấy cũng là may lắm. Kể tốn kém có đến nửa cơ nghiệp rồi. Tôi bỏ học. Tôi nghĩ đến Nhung, trái tim rơm rớm máu. Tôi nghĩ đến những thiếu nữ khác đẹp hay xấu mà tôi đã gặp. Tôi nghĩ đến sự ơ hờ của bao người. Lòng tôi buồn như một con chim lạc vào cái lúc chiều thẫm cho đất trời thành mênh mông.
Nhưng ở những người trẻ tuổi nhà nghèo những cái buồn thường phải sớm nhường chỗ cho những cái lo. Toàn là những cái lo tầm thường mà đến làm ta bực mình. ấy là cái lo không có gạo ăn, không có tiền mua thuốc cho một người mẹ ốm hay mua một bát canh để cúng cha, không có áo cho thằng em trai vào vụ rét sắp tới này, hay không tìm được chỗ gả chồng cho một đứa em gái nhan sắc kém lại không có vốn. Những cái lo nhỏ nhặt, tủn mủn hơn nữa thế nhưng vẫn là phải lo.
Một hôm tôi xách một cái va li nhỏ và cũ kỹ đáp xe lửa một mình vào Nam. Lần đầu tiên tôi được đi xe. Lòng tôi phấp phới bao nhiêu là hy vọng. Tôi hy vọng kiếm được cơm ăn và kiếm được tiền. Tôi hy vọng được nhìn rộng biết xa. Hy vọng có thể mua sách để học thêm, đọc báo chí cho thỏa thích, cọ xát cái trí óc thô sơ của tôi với trí óc người thiên hạ. Cũng có cả cái hy vọng gặp mặt một người đàn bà không thờ ơ với tôi. Người ta bảo vào Nam Kỳ, là đất bị ảnh hưởng nhiều của Tây phương. Tình cảm ở đấy bồng bột, những cử chỉ bề ngoài ít khép nép rụt rè; đàn ông đàn bà giao thiệp tự do hơn; những tâm hồn không thiếu sự nồng nàn cũng như trời có nhiều mầu rực rỡ. Như thế thì những cuộc trao duyên phải dễ dàng. Lo gì tôi không tìm được bạn?
Tôi sa vào một hiệu thợ may. Công việc của tôi rất linh tinh. Tôi giữ sổ sách và viết thư từ. Tôi cắp cặp đến những nhà người Pháp, đến các trại lính các tàu binh để nhận hàng và giới thiệu hàng. Tôi lại đạp máy hoặc làm khuy. Tối đến tôi dạy mấy người thợ học để kiếm thêm một tháng vài chục bạc. Hồi ấy tiền, tôi không thiếu thốn quá như trước nữa, nhưng mà tình...
Bao nhiêu lần thất bại, khiến bây giờ tôi sợ những thiếu nữ đi đường. Những nữ sinh nhí nhảnh không còn hợp với lứa tuổi tôi và nghề nghiệp của tôi. Và tôi rất trọng những tâm hồn trong trắng. Những cô bán hàng dành riêng cho những kẻ mua hàng và những cậu có nhiều thì giờ để phất phơ. Gái giang hồ thì bẩn thỉu. Tôi phải lánh xa tất cả những hạng người vừa mới kể. Tôi định tìm những người gần gũi hơn, gần gũi tôi hơn. Tôi để ý đến những cô gái làm khuy nút. Sau khi đã quan sát rõ tình hình xưởng thợ tôi tính với tôi như thế này: Thợ gái có năm cô thì cô Tám đã có chồng. Còn lại bốn cô. Thợ trai có bảy người nhưng may mắn cho tôi là đã có đến bốn người có vợ. Nếu còn những bốn người chưa có vợ thì tôi đành là không có phần. Phúc mà lại còn thừa một cô thợ gái, tôi sẽ cố chiếm lòng cô Tư Bình.
Giá tôi yêu tôi hơn chút nữa thì tôi phải tả Bình với một cái dáng hình mộng thơ hơn. Nhưng tôi yêu sự thật thà. Mà muốn thật thà thì phải nói là Bình không đẹp lắm. Bảo cô xấu cũng được. Mặt thiếu vẻ dịu dàng. Đôi mắt xếch quá. Cái mũi lại to, còn cái miệng thì lại cứ dẩu ra đàng trước. Tai hại nữa là cô lại có một chiếc răng bọc vàng. Đã thế người trông lại thưỡn thườn thườn. Uốn éo chẳng ra uốn éo. Cứng nhắc chẳng ra cứng nhắc. Chính ra thì tôi muốn chữa cái nọ bằng cái kia. Tôi an ủi tôi bằng cách bảo tôi rằng: bàn tay cô dáng thon thon và tiếng nói của cô nghe rất ấm. Thế là được, cần gì đẹp, miễn là có duyên. Vậy tôi nhất định cho là cô có duyên lắm lắm. Và tôi lợi dụng từng dịp để có thể ngồi gần cô, chuyện trò cùng cô. Những lúc không bận đi đâu cũng không bận coi hàng tôi thích làm khuy. Cô Bình dạy tôi làm. Tôi sướng run người mỗi khi tôi có thể chạm tay tôi vào tay cô một cái. Trời đất ơi, một cái tay đàn bà. Những buổi sáng thấy cô đến, tôi mỉm cười để chào cô. Những buổi chiều lúc cô về, tôi cũng mỉm cười để chào cô. Những ngày cuối tháng được thay chủ phát lương tôi hay bảo nhỏ với câu này:
- Cô Tư đấy hả? Tôi đã phải đếm sẵn để riêng cho cô trong túi tôi đây rồi.
- Dẩy hả?
Và cô nhếch mép để hở ra cái răng bọc vàng. Tôi phải cố bảo tôi rằng; đấy là một nụ cười. Rồi tôi mơ màng... Như thế được nửa năm, tôi sốt ruột. Tôi thấy cần phải nói. Nhưng nói ra thế nào? Tôi ngập ngừng lâu lắm. Cứ nhất định nói rồi lại nhất định để thủng thỉnh rồi hãy nói. Rồi lại nhất định là phải nói. Mỗi lần tôi nhất định là một lần tim tôi nhảy chồm lên như một mụ đàn bà ghen tuông. Nó mệt. Nó bị đau không biết chừng. Thôi thì tôi nói đi cho nó rồi!...
Một buổi trưa tôi nghĩ thế. Tôi hồi hộp đi vào xưởng thợ. Bọn thợ ăn cơm xong chạy sang hiệu cà-phê cả. Chỉ còn vài anh ngủ mệt, không đáng ngại. Tôi rón rén lại gần cô Tư. Cô ngồi tựa lưng vào cái tủ đang cầm chiếc kéo cắt móng tay. Tôi ngồi xuống trước mặt cô. Người tôi sốt rét lên. Có lúc tôi thấy váng vất như đứng lơ lửng trên không khí. Một lúc lâu tôi mới run run gọi khẽ.
- Cô Tư à!
Cô vẫn nhìn cái kéo.
- Gì dậy anh?
Tôi không nói nữa. Tôi nhìn cô tròng trọc. Tôi có ý dùng cái nhìn của tôi thay lời nói. Cô ngước mắt lên. Cô sửng sốt hiện ra nét mặt. Tôi choáng váng người khi thấy cô kêu lên rằng:
- Trời ơi! Ăn Ba ngó gì mà kỳ dậy? Chà! Coi sợ góa! Rồi cô lay Bảy Huế nằm ngủ ngay gần đấy:
- Ăn Bảy, ăn Bảy! Nè. Dậy coi ăn Ba Trí, ăn ngó tôi nè! Coi kỳ góa heng!
Mặt tôi nóng rực. Tôi chạy trốn. Cô Tư cười rú lên... Ngay chiều hôm ấy tôi đến nằm ở nhà một người bạn. Tôi sợ gặp cô Tư và bọn thợ nơi tôi làm quá. Có lẽ bấy giờ họ vẫn còn bàn chuyện tôi mà cười. Tôi thẹn chết. Mười giờ khuya hôm ấy tôi về thu xếp quần áo và xin với chủ cho tôi không làm nữa. Sáng sớm hôm sau tôi khuân hòm ra đi.
*
* *
Tôi đã tưởng suốt đời tôi chẳng gặp tình. Nhưng mà tôi đã gặp. Và gặp một cách giản dị không ai ngờ.
Tôi về Bắc. Mẹ tôi bảo tôi nên lấy vợ. Tôi lấy vợ. Vợ tôi là một cô gái nhà quê không đẹp, có lẽ xấu nhưng được cái cũng là đàn bà mà lại thuộc cái hạng đặt đâu ngồi đấy. Hình như y cũng nhận thấy cái mặt tôi làm sao ấy. Bởi mấy tháng đầu tôi thấy y buồn bã. Tôi cũng buồn. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được.
Một hôm tôi thấy y nhìn tôi mỉm cười. Tôi gần ngất đi. Tôi lảo đảo. Thiếu một chút nữa tôi ngã lộn từ trên giường xuống đất. Y sợ hãi và đỡ lấy đầu tôi.
- Ô hay! Làm sao thế, làm sao thế?
- Không, không...
- Thế sao đảo đồng đảo địa? Hay say rượu?
Tôi mỉm cười:
- Say em!
Và tôi nắm lấy bàn tay y lại. Y vội rụt bàn tay. Y đỏ mặt. Y đập tay vào đầu tôi bảo:
- "Nợ" lắm!
Tôi muốn vừa chạy vừa kêu lên như nhà bác học:
- Tôi đã thấy! Tôi đã thấy, tôi đã thấy người tình của tôi đây rồi.
3
Thế là xong. Anh chết rồi đấy nhỉ? Không lẽ tôi lại vui khi được một cái tin như thế. Nhưng thật tôi cũng không biết có nên buồn không đấy. Có người bảo: "Sống khổ đến đâu, cũng còn hơn chết; cái tâm lý chung của người đời như vậy".
Tuy vậy, tôi đã buồn. Buồn đến nỗi suốt một đêm không ngủ được. Thật đấy, anh Phúc ạ. Người ta thường trách tôi vô tình cảm. Nhầm. Tôi chỉ gớm ghét sự giả trá mà thôi. Mà bởi ghét giả trá quá, tôi lại thành ra giả trá. Có điều tôi giả trá theo cách khác: tôi cố ý đóng cũi sắt tình cảm tôi. Thấy người ta thương xót quá dễ dàng, tôi quá sợ lòng thương; thấy nhiều người khóc quá tài tình, tôi bỗng xấu hổ mỗi khi chực khóc. Tôi có đến đưa ma anh cũng bằng thừa. Đã có khối người thương tiếc anh. Đã có người vợ trẻ của anh quăn người lại như một chiếc vỏ bào, và khóc nỉ non như một bản âm nhạc mới. có lẽ chỉ có hai đứa con anh là chúng không làm thảm thiết quá thôi. Chúng không gào. Chúng không lăn lộn trên đường như một con đỉa phải vôi. Chúng không chép miệng, ngoẹo đầu. Chúng ngây ngây, giương đôi mắt ngẩn ngơ. Thỉnh thoảng, nước mắt chúng mới ứa ra, thì chúng lại vội quệt ngang tay áo. Ấy thế mà chúng mới chính là những kẻ thương anh nhất. Chúng biết đời anh là đời chúng. Anh chết đi, chúng chỉ còn một cách, là đi ăn mày.
Anh Phúc ơi! Anh đã thấy chưa? Tôi không lẫn lộn vào trong bọn người đi đưa đám ma anh, nhưng hồn tôi theo đám ma anh. Tôi giống như cô gái ngây thơ mới bắt đầu yêu. Cô vờ không để ý, khi người yêu đi ngang qua cửa nhà cô; nhưng lại len lén nhìn theo rất lâu khi chàng đi khỏi. Tôi cũng thế. Tôi cố làm thinh khi người ta khóc đưa anh. Nhưng bây giờ đây, khi mọi người đã im rồi, tôi đóng kín cửa phòng, ngồi một mình trước bàn viết của tôi, bùi ngùi đưa đám ma anh trong tâm tưởng. Cái đám ma cũng đường trường lắm. Tôi theo dõi anh, từ lúc chúng ta mới quen nhau cho đến tận lỗ huyệt người ta vừa vùi anh xuống. Như vậy họa chăng mới có thể gọi là trọn nghĩa.
Tôi gần gũi anh, hồi còn nhỏ. Chúng ta sống cạnh nhau mấy năm trời tại nhà một bà bác tôi. Anh ở thuê. Tôi nhờ vả. Chúng ta hiểu với nhau rằng: hai chúng ta cùng khổ. Không, anh Phúc ạ! Chúng ta phải công bằng mới được. Bà bác tôi không phải là người ác nghiệt đâu. Có điều bà khổ quá nhiều rồi. Khi người ta phải rỏ từng giọt máu ra để kiếm đồng tiền, thì lẽ tự nhiên là người ta phải quý tiền ngang với máu. Chồng bà mất sớm. Đã nhiều lần, bà toan bước đi bước nữa, nhưng chỉ vì tiếc của, lại thôi. Anh thử nghĩ xem. Đối với một thiếu phụ đương xuân, còn cái gì khổ hơn sự lẻ loi. Ấy thế mà bà cam phận lẻ loi để khư khư giữ lấy tiền ở chính tay bà, không muốn để lọt tay ai. Bà mặc lòng bà héo hắt đi. Bà đày đọa thân bà. Có phải bà cay nghiệt ngay từ với chính bà mà trở đi không? Còn trách gì cái cách bà đối đãi với chúng ta! Bà keo cú và tham việc lắm… Bà có mỗi một mống con thôi. Ai chả tưởng: quí hơn vàng. Có lẽ bà cũng quí con. Nhưng không phải vì thế mà bà nới tay với con đâu. Mỗi bữa ăn bà giao hẹn với con mỗi miếng đậu kho hay mỗi con tôm phải ăn hết một bát cơm. Không đủ mặc thây. Nó cứ việc ăn cơm nhạt hoặc chan với cái thứ mắm tép mặn hơn cá muối, mà cả nhà phải ăn quanh năm, suốt tháng. Con đẻ đứt ruột ra còn thế, còn nói gì tới cháu và đứa ở! Chắc anh cực lắm đấy, anh Phúc nhỉ? Làm gì tôi chả biết…
Hãy nói ngay rằng: bà bác tôi coi anh không bằng con trâu anh thường dắt đi chăn. Con trâu là một món tiền to. Nó làm lợi rất nhiều. Nó chết, người ta phải bỏ ngay ngót trăm đồng bạc tậu con khác về thay nó. Bởi vậy người ta cần chăm chút nó. Còn anh, anh chỉ là một thằng hèn. Anh đi còng còng như một ông lão tám mươi. Cái cổ anh thụt vào giữa hai cái vai rúm ró và xo. Đầu anh ngoẹo về một bên để cái cằm nhọn hếch lên phía bên kia. Cả một cái thân hình ọp ẹp của anh không đáng một đồng xu. Người ta có cảm tưởng như nuôi anh là một sự làm phúc đó thôi. Anh chết đi, chẳng thiếu gì đứa nhanh nhẹn, cứng cát bằng vạn anh. Anh chỉ là đồ ăn hại... Ôi chao! Anh ăn hại những gì? Sáng ngày ra, anh uống nước lã cầm hơi. Bữa trưa, anh được ba lùm lùm bát cơm ngô hoặc cơm khoai. Bữa tối, người ta lại cho anh vài nắm ngô rang hoặc vài củ khoai, củ ráy. Kể ra thì bữa nào cũng thòm thèm cả. Chỉ có công việc và những lời chửi rủa thì bao giờ cũng thừa bứa tứa tát. Xơi không kịp! Anh thức dậy trước gà và ngủ có lẽ còn sau bọn tuần sương. Biết mình chậm chạp vụng về, lại yếu ớt quá không thể xốc vác như người ta, anh chỉ chăm chăm chúi chúi làm suốt ngày, không một phút nào dám nghỉ ngơi. Anh làm cả về đêm. Anh mong lấy sự cố gắng của chính anh để bù lại sự kém cỏi tự trời sinh; là cốt lấy sự chăm chỉ, sự kiên nhẫn và nhẫn nại để gợi lòng thương của chủ. Khổ thân anh quá! Tôi thương anh nhất vào những lúc trở trời hay những tháng mùa đông. Bệnh hen của anh lại dấy lên. Anh thở cũng đã là một việc khó nhọc lắm rồi. Thế mà anh vẫn dậy sớm, thức khuya, làm hết việc nhà đến việc đồng, chỉ khác ngày thường một cái là thỉnh thoảng anh ngừng lại để ho sù sụ, thở rít lên như tiếng bễ, gà gà mắt ra như người say thuốc lào. Trông anh những lúc ấy chẳng khác gì một con cò chết rét. Có lần tôi ái ngại quá, bảo anh:
- Ốm quá thế thì nằm nhà đắp chiếu mà nghỉ có hơn không? Mình ốm, ai nỡ nói?
Anh lắc đầu, nói như người chực khóc:
- Đã đành, ốm thì chắc người ta cũng phải lo cho mình nghỉ. Nhưng một lần, hai lần còn được, chứ nay ốm, mai ốm thì coi sao tiện? Người ta thuê mình cho mình làm chứ không phải là để cho mình đắp chiếu nằm như bố già người ta. Thiệt đến người ta thì người ta phải xót... Vả lại mình ăn cơm, lấy công của người ta, thì mình phải nghĩ.
Tôi chỉ chép miệng, không còn biết nói sao. Ngừng lại một lát để thở, rồi anh lại thong thả tiếp:
- Ấy, tôi đã phải nghĩ thế mà cũng không xong đấy. Tôi có dám lười đâu? Thế mà lắm lúc bà ấy còn nói cho như là móc họng, đến gần phải mửa cơm ra mà trả lại!
Thoáng thấy bóng bà chủ, anh lại vội vàng làm rất khỏe ra bộ mình chẳng còn ốm đau gì cả Mấy năm sau, tuy chẳng bàn nhau mà chúng ta bỏ nhà bà bác tôi cùng một độ. Tôi ra tỉnh học. Anh tự liệu không đủ sức để theo nghề làm ruộng, đi học nghề thợ may. Tuy chẳng còn mấy khi được gặp anh, nhưng xa xa tôi vẫn nhận được những tin tức về anh. Tôi biết đại khái tình cảnh anh cũng chẳng hơn gì trước mấy. Thôi thì cũng phải vắt mũi đút miệng, được bữa hôm lo bữa mai, nhưng cái kiếp chúng mình thì chỉ có thế thôi, mong hơn làm sao được? Một năm kia, người ta bảo tôi rằng: anh mua lại được một cái máy khâu cũ sáu mươi đồng, nhờ chút tiền dành dụm được từ khi cầm nổi cái kim và ba, bốc chục nợ lãi hay tiền nợ non gì đấy. Cũng đáng mừng cho anh lắm! Từ đấy, hình như việc làm ăn của anh có dễ chịu hơn lớp trước. Một hôm, có chút việc phải về quê, tôi gặp anh, quấn áo trắng bông, đầu chải mượt, chân kéo lê đôi guốc sà gòong lộc cộc. Nghĩa là anh "diện" lắm. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Tôi tỏ sự ngạc nhiên ấy với mấy người hàng xóm. Họ mỉm cười, bảo tôi:
- Ai? Phúc ấy à? ... Còn phải nói! Bây giờ cậu ấy tơ tuốt ghê lắm nhé! Chết cái không tơ tuốt, lại sợ vợ nó chê, nó phải lòng thằng khác thì hỏng cả.
Tôi sửng sốt:
- Anh ta cưới vợ rồi! Lấy ai?
- Cái Thửa, con nhà chú Thuận lùn ấy mà! ... Con bé tình ra phết! Mà phải biết là đỏng đảnh. Lúc nào cũng cái áo cánh cát bá, cái yếm cổ xây thật trắng, cái quần lụa buông chùng xuống tận gót chân, với chùm chìa khoá lúc la lúc lắc... Nội bà lý, bà phó trong làng này cũng không ăn bận sang như nó. Cô đầu cũng không ăn đứt.
- Thế mà nó chịu lấy anh ta?
- Thì còn lấy chó nào được mà chả lấy? Nó đĩ bỏ cha đi ấy! Hai cái mắt thì lúc nào cũng tít đi, hai cái má thì đỏ tía tia, cái mồm thì toe toét; động ai hơi nói đùa, nói bỡn một tí đã hơ hớ cười. Nó nhân tình nhân với trăm thằng, bọn lý dịch chẳng anh nào không thậm thọt ra vào nhà nó.
Anh cu Phúc thì mê nó tợn, cho nó nào quần lụa, nào áo cánh xát xi, nào yếm vải phin... lại cả tiền nữa ấy! Có thế nó mới lấy cu cậu vậy, chứ không thì đời nào nó lấy. Trông anh chàng như con giun chết, không thương được. Cu cậu hỏi năm, sáu đám, có đứa nào nó chịu lấy đâu? Mà toàn những đứa xấu xí, vấy bờ tre bảy ngày không ai buồn nhặt. Ấy thế mà thánh nhân đãi khù khờ, tự nhiên vớ ngay được một con thậy đẹp! ...
Họ nói câu cuối với một vẻ gì mỉa mai. Tôi buồn rầu, hỏi:
- Thế từ ngày lấy nhau đến giờ, chị vợ có chịu... làm ăn đứng đắn hơn không?
- Làm? Làm gì? Nó thì chẳng bao giờ làm cả.
- Không! ... Tôi nói... Nghĩa là... chị ta có tu tỉnh lại, về cái đường kia khác, hay là vẫn chứng nào tật ấy?
- À! Kể thì cũng đỡ... bởi vì anh chồng chiều tợn nó chẳng bắt làm gì cả, chỉ nhong nhóng suốt ngày, cơm bưng nước rót đến tận mồm, lắm khi cái quần cái áo thay ra cũng anh chồng giặt hộ.
Ôi thôi! Thế thì hỏng mất! Tôi đã gần buột miệng kêu lên thế. Bởi vì tôi vốn biết anh là một người hay gắng gượng. Anh đã gắng gượng lấy sự chăm chỉ, sự nhẫn nhục để bù lại cái sức yếu của anh để gợi lòng thương của bà chủ ngày xưa, thì bây giờ anh lại gắng gượng lấy sự nuông chiều, sự hạ mình cố bù lại sự kém cỏi về dung mạo của mình, để mong giữ được lòng yêu của cô vợ đẹp. Gợi lòng thương của một người chủ tham lam còn khó lắm thay! Còn nói gì đến sự gợi lòng yêu của một người đàn bà đẹp, lẳng lơ và nhẹ dạ? Hỡi ôi! Trời thật bất công khi dựng ra cái đẹp và cái xấu. Loài người thích đẹp, ghét xấu đã phụ họa vào sự bất công của trời! Trong lúc thương anh quá, tôi nghĩ vơ nghĩ vẩn, đến mất cả lý trí và gần thành một thằng dở hơi...
Bẵng đi một dạo rất lâu, tôi không trở lại quê nhà, để bây giờ lại về ở hẳn đây, như một người già cả. Tôi đã gần quên hẳn anh rồi. Nào có phải là tôi là người chóng nhạt tình đâu, nhưng bây giờ tôi cũng đã có vợ, có con, có cả một gia đình. Tôi có bao nhiêu cái khổ của tôi. Chúng hút tất cả ý nghĩ của tôi, khiến tôi sống như kiểu một người ích kỷ. Óc tôi chẳng còn một phút nào được rảnh rang để nhớ đến người bạn khổ sở hồi thơ ấu...
Bỗng đùng một cái, tôi nghe tin anh chết. Mà chết như thế nào!... Anh ốm bốn tháng nay. Cái bệnh hen kinh niên lại phát ra, như thường lệ mọi năm, nhưng lần này dữ dội hơn. Anh chỉ còn làm được một việc thở mà thôi. Tiền dành dụm mòn dần, rồi hết hẳn. Rồi cái máy cũng phải bán đi. Người vợ đẹp của anh, hai con rồi mà vẫn còn trẻ mau mảu, vẫn phải ăn, phải tiêu, phải mặc áo yếm trắng bong và quần lụa chùng sát đất. Anh không thể cung cấp cho thị nữa, thì đã có một anh thợ húi đầu cung cấp. Thị bỏ anh nằm chết khô, chết nỏ đi suốt ngày đêm. Hai đứa con anh, ẻo lả như một cái lá úa và buồn như một tiếng thở dài ngồi củ rủ nhìn anh bằng đôi mắt dại đi vì đói quá. Chúng ngáp luôn luôn. Gian nhà tối ẩm, đầy mùi bệnh tật và bừa bộn rác rưởi, muỗi ruồi. Chỉ có những con ruồi là còn có vẻ sống, có vẻ hoạt động và khỏe mạnh giữa cái thế giới ốm yếu ấy, đã chìm một nửa vào cõi chết. Người ta nghe thấy những tiếng thở rốc lên, những tiếng rên và những tiếng chép miệng liên hồi. Anh nhạt miệng hay chán nản cho số kiếp? Thỉnh thoảng đôi mắt gà gà của anh lại cố mở to ra, lần lượt đưa về phía hai đứa trẻ rồi đưa ra phía cửa. Bên ngoài trời rất đẹp. Nắng tưng bừng. Một đàn sẻ chí choé cãi nhau như một lũ trẻ con tập làm người lớn: chúng xỉa xói, chúng chanh chua, chúng cướp lời nhau một cách vui vẻ và ầm ỹ. Chim đực, chim cái gọi nhau. Những con chim non cũng đua đòi. Một con ve lanh lảnh này trả lời con ve lanh lảnh khác. Ôi chao! Đời vui quá! Muôn loài sống mạnh mẽ và sung sướng. Không gian là một đám hội xôn xao và rực rỡ. Anh nằm trong đây, như một cái xác chết trong mả lạnh, chua chát nghĩ rằng: mình không ăn nhập gì đến cảnh đùa vui của người.... Đôi mắt anh chìm dần, chìm dần để mờ đi. Đôi mi tím nhạt đã căng lên. Chúng che cảnh hiện tại đi để một cảnh khác tỏa ra. Anh mơ hồ nghe tiếng trống chèo ở xa văng vẳng. Ấy là anh đang nằm nhớ lại những ngày làng vào đám. Chung quanh đình tấp nập... Người vợ anh cười cợt giữa chỗ đông đảo ấy với những anh trai làng chớt nhả bẻm mép... Còn anh thui thủi nằm nhà để quạt cho hai con ngủ, để khàn khàn ru mỗi khi thằng bé giẫy, và để thỉnh thoảng thở dài khi hơi thở nhẹ nhàng của nó lại trở nên đều đều.... Anh đã chịu đựng tất cả những nỗi đau đớn âm thầm ấy, không một lần hé răng oán thán. Nhưng lúc này, cái lúc anh gần chết mà vợ anh vẫn không đoái tưởng đến anh một chút, anh thấy nghẹn ngào, uất tức. Cổ anh tắc lại. Hơi thở bị nghẽn một lúc rồi lại bật được ra, rốc lên hơn trước. Ngực anh như có một phiến đá nặng đè lên. Chân tay anh lạnh toát đi. Người anh bộn rộn bồi hồi. Mồ hôi lạnh dâm dấp trán. Đờm kéo lên sòng sọc trong cuống họng. Anh chết mất! Anh chết mất! Anh không còn thở được!... Đôi mắt hoảng hốt của anh chực mở ra. Nhưng mí mắt nặng lắm rồi: anh phải cố mới gạt được chúng lên. Đôi mắt mất thần cuống quít tìm hai đứa trẻ. Mồm anh ú ớ... Giữa lúc ấy thì cái phên liếp động. À! Vợ anh, người vợ đẹp của anh đã về. Anh lịm người đi, chẳng biết vì sao. Đôi mắt anh nhắm lại. Anh không muốn nhìn mặt nó? Nhưng kìa nó đã lại đầu giường anh với một vẻ buồn rầu giả dối. Cái thứ tiếng ngọt như đường của nó lại gọi anh:
- Thầy em ơi!
Đôi mắt anh mở từ từ. Chúng trợn ngược lên để nhả tất cả nỗi oán trách vào mắt nó. Trong lúc ấy nó nghĩ gì? Rồi không biết nó còn tìm đâu được mấy giọt nước mắt để vãi ra. Nó đặt bàn tay lên ngực anh và mếu máo:
- Thầy em ơi! Thầy em ơi!...
Tiếng gọi thất thanh của nó làm anh thổn thức. Anh nức nở trong ngực. Anh đã lại muốn tha thứ, tha thứ hết. Nước mắt anh ứa ra đầy mắt...
- Thầy em ơi! Thầy em làm sao thế?
Anh lắc đầu... Không phải là cái lắc đầu giận dỗi đâu. Đó là cái lắc đầu thất vọng. Anh biết anh không còn sống nữa. Anh tiếc vợ. Anh tiếc đời... Nhưng chút tình thương - thành thực hay giả trá - của con vợ đẹp đã làm anh sống lại. Anh lại nói được, và anh nói:
- Tôi chết mất! Thế nào tôi cũng chết... Tôi chỉ còn thèm một bát chè đỗ đen. Nếu có thì bu em cho tôi một bát để tôi ăn cho mát ruột rồi tôi chết.
- Nhà không có đường. Mà nấu cũng không kịp. Để tôi đi xem đâu có, mua cho thầy em một bát... Vừa nói nó vừa mải mốt đi lấy bát. Nó tong tả chạy ra khỏi cửa. Anh nghe tiếng vạt áo nó bay soàn soạt và chân nó chạy bình bịch. Chưa bao giờ nó tử tế với anh như vậy, nhưng anh đã quên tất cả, và cứ tưởng tượng suốt đời nó toàn tử tế với anh như vậy. Anh càng thêm tiếc đời...
Chao ôi! Giá anh đã được ăn bát chè kia! Biết đâu anh đã chẳng mát lòng, mát ruột mà sống được? Nhưng vợ anh đi lâu quá. Nó đã gặp gỡ một cái gì ở trên đường làm nó lãng quên anh. Hay một kẻ nào đã ngăn cản nó làm bổn phận cuối cùng đối với một người chồng đã hết lòng với nó? Anh không còn sức đợi. Cái chết bị kìm lại trong một phút, lại bắt đầu chuyển động. Nó tiến dần, tiến dần, từ chân lần tới đùi, rồi tới bụng, rồi tới ngực... Anh lại hoảng hốt. Đôi mắt anh cố nhìn mãi... Nhưng anh đã chẳng còn nhìn rõ nữa. Ánh sáng lung linh, lung linh. Không gian bập bềnh như một cái thuyền. Mắt anh loá ra. Chúng mờ đi. Mọi vật xóa nhoà. Có lẽ nào như thế được? Anh uất ức. Anh ứ nghẹn. Anh cố kêu lên một tiếng, nhưng không được. Anh u ú ằng ặc. Đờm đã bịt chặt ống khí quản rồi. Anh ngạt thở. Anh cuống cuồng, anh sợ hãi, anh bứt rứt, anh choáng váng.... Ôi thôi! Anh chết rồi!
Bây giờ thì sự im lặng bất tuyệt đã bịt chặt đôi tai anh, chán nghe những lời mai mỉa của đời rồi. Bóng tối phủ kín đôi mắt anh, mở thao láo nhiều đêm để nhìn trong bóng tối những cảnh nó làm anh nhục nhã. Anh đã có thể dửng dưng đối với những chuyện của loài người. Vậy thì anh Phúc ơi! Anh hãy nghỉ cho yên! Những chuyện đời này bây giờ chỉ còn là của chúng tôi. Chúng tôi, những kẻ đã đau khổ, đã uất ức, đã ước ao, đã khát thèm, đã thất vọng và vẫn hy vọng mãi và phải hy vọng mãi. Sự đời không thể cứ mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đứa con côi anh để lại. Một bàn tay bè bạn sẽ nắm lấy bàn tay chúng và dắt chúng cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn.
4
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro