Con bé Nấm là ai nhỉ?
Ngày xửa ngày xưa,... hừm, nghe có vẻ như truyện cổ tích ấy nhỉ? Nhưng quả cũng có phần nào đó giống như một câu chuyện cổ tích thật, một bé gái nặng 3,2 kí( hoặc xêm xêm khoảng đó, ai mà nhớ rõ được chứ) chào đời. Cô bé béo tròn quay ấy được mẹ đặt tên là... Nấm.
Khi đã đủ trí tuệ để đặt ra câu hỏi với mọi thứ xung quanh, câu đầu tiên cô bé hỏi là: " Mẹ ơi, nấm trông như thế nào ạ? Có phải con là cây nấm duy nhất trên đời không???"
Ờ, công nhận... bé tí mà đã tự dát vàng lên mặt như thế, Nấm nhà ta thật đáng tự hào biết bao. Chuyện thời nhỏ của cô bé Nấm chắc chỉ đến thế là hết, nếu không có sự xuất hiện của một nhân vật đặc biệt: bà ngoại.
Bà ngoại là một cao nhân trong việc nhẫn nại. Tỷ như khi con bé Nấm dặt dẹo không chịu ăn uống gì, bà sẽ bế nó đi vòng quanh hết cả một cái xóm to như cái sân vận động (à mà hồi đó làm gì đã có sân vận động nhỉ), dỗ dành đủ kiểu con đà điểu hòng lừa nó ăn hết bát cơm.
Có thể nói bà ngoại là một ân nhân của cuộc đời Nấm, vì chả hiểu sao sinh ra mập mạp như thế mà lớn tháng hơn, con bé này lại vừa tong teo vừa ốm yếu như que củi. Nếu không có bà kiên trì ngày ngày bế nó đi dạo quanh làng, vừa đi vừa xúc cơm nhét vào mồm Nấm, chắc lớn lên giờ này nó cũng không khỏe mạnh như một con trâu mộng, vài năm mới chịu hắt hơi sổ mũi đôi lần.
Nhưng chỉ có thế thì chả có gì đáng phải kể, câu chuyện bây giờ mới thực sự bắt đầu. Năm Nấm cỡ... mấy tuổi thì đang học nói nhỉ? Ôi chả nhớ nữa... Số là một hôm nào đó, trời trong, nắng lỗ chỗ chiếu xuyên qua kẽ tay búp chuối của Nấm (hồi bé người quả là gầy thật đấy, nhưng cái phần mặt với bàn tay lại ú nần như quả chuối mắn, chỉ có thể cảm thán là quá lỗi mà thôi), nó nằng nặc đòi bà dẫn đi chơi.
Trưa nắng thế này thì đi đâu? Bà ngoại bảo, nhưng nó khăng khăng bắt bà bế ra ngoài. Bà ừ, thôi dẫn con bé ngớ ngẩn này đi sang Hội người mù chơi đi, đến đó để nó chạy nhảy thoải mái mà bà cũng được trò chuyện với mấy cụ già cho đỡ thèm. Thế là hai bà cháu bế nhau đi, à, chỉ có bà bế con bé Nấm thôi.
Trên đường phải đi qua một con kênh đào khá sâu, người ta dẫn nước để ruộng đồng không bao giờ khô nẻ. Nấm ư a hát cái gì đó, bà không rõ, chỉ cười cười phụ họa. Nấm tay chân khua khoắng múa may, ra chiều thích thú lắm, người cứ nảy lên như con cào cào, máy bay bà rung lắc dữ dội.
Và,... chuyện bi kịch nhất đã xảy ra ngay vào lúc đó, khiến Nấm hối hận đến mãi mãi về sau này...
Cái chân ngắn tủn như chân nấm của nó lắc lư một hồi điên đảo, chả biết làm quái nào mà thò được vào trong túi áo bà ngoại, cắp mất trăm ngàn của bà đi và thả nó cuốn theo chiều gió, uốn lượn hoa mĩ một vòng trong không trung rồi chìm nghỉm trong mặt nước lấp loáng. Nấm... không rõ nó nghĩ gì lúc đó, chỉ nhớ mấy âm thanh ư ư a a hòng kéo bà nhìn lại của nó hoàn toàn thất bại, bà ngoại cứ mạnh mẽ tiến bước, vẫn chưa nhận ra tiền của mình đã ra đi một cách đau đớn thế nào.
Sau đó, sau đó... chả có sau đó nào cả. Trí nhớ lúc mờ lúc tỏ của Nấm cho biết, cái sau đó này quả thật không nên nhớ tý nào, sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ và tinh thần khỏe mạnh của nó về lâu dài nên đã triệt để quên mất.
Kết thúc của câu chuyện đau buồn và đầy tiếc nuối này là một bài học rút ra: hãy cẩn thận với ví tiền của bạn, đặc biệt là khi có lũ trẻ con ở cạnh bởi chúng có thể tiêu hủy mọi của cải của bạn ngay trong tích tắc.
Và bài học của bà ngoại là: đừng bao giờ bế Nấm nữa. Never.
*******************
Bà ngoại uống trà nhẹ nhàng nói :
-Nấm, mày còn nhớ ngày ấy đã cuỗm mất trăm bạc của bà đi không? Vật giá càng ngày càng leo thang, mày tính khi nào trả lại được trăm triệu cho bà????
Nấm:
-...
Bây giờ bà ngoại vẫn nhớ chuyện ngày xưa cũ ấy. Mỗi lần bà cháu gặp nhau, hội thoại này đều được triển khai không mệt mỏi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro