99. Chơi chùa
Cái đình và cái đền, miếu khác hẳn với chùa. Đình miếu tôn nghiêm, chỉ mở cửa khi có sự, các nhà chức việc, các ông từ, ông tự vào ngày sóc vọng thắp hương, ngày hội tế lễ, rước xách. Có khi họp hội đồng hay có các quan phủ, quan tổng đốc về. Khách vãng cảnh thì chỉ đạo quanh ngoài.
Nhưng đi chùa, lên chùa, chơi chùa, mặc dầu có lệ tuần rằm, mùng một và hội chùa, nhưng cửa từ bi thì quanh năm khách thập phương với người làng đến lễ bái ngày nào cũng được. Huống chi trong chùa thờ Đức Ông được tiếng là thiêng nhất. Đức Ông mặt đỏ, đội mũ cánh chuồn, chòm râu dài. Những người mất của và đi đôi co, thề bồi hay đến cầu Đức Ông. Đồ lễ có miếng thịt lợn sống, khác hẳn chay tịnh cúng Phật.
Tết nhất, chùa chiền càng rộn ràng. Các vãi đã lên nhang đèn sớm tối cả năm, người sắp về cõi càng gần gũi Phật, cả ba ngày Tết hầu như thay nhau túc trực đêm ngày trên chùa. Các bác, các cô thì ngày Tết đi chùa xóc thẻ cầu tài, cầu lộc, cầu duyên. Trai thanh, gái lịch chơi chùa làng hay chùa xa suốt mấy ngày Tết. Nhưng thăm thú danh lam thắng cảnh cửa phật thì lại nhiều nam giới, nhất là các cụ ông.
Như đi chùa Hương, chùa Hương nô nức nhất dịp hội tháng giêng, tháng hai. Nhưng người sành chơi núi thường vãng cảnh chùa Hương vào đầu đông, mùa hoa mơ. Bấy giờ am thanh, cảnh vắng, trên núi, dưới suối, không một bóng người. Vào chùa Trong, bên vách đá, đôi khi gặp con hươu, con nai, còn những khi con khỉ thì chốc lại leo trèo từng đàn trong bóng rừng.
Hang động chùa Trong bỏ không cả mùa, cả nửa năm. Rằm mùng một đến kỳ thắp hương, sư thầy và các chú tiểu vào chùa hang, phải đi cùng tuần làng, vác theo tay thước, súng kíp, nỏ tên thuốc phòng gặp hổ đói bên rừng Hòa Bình sang kiếm mồi. Chùa Hương đẹp vô ngần trong thanh vắng. Suối Yến trong vắt in hình đồi núi hai bên hoa mơ rưng rưng nở trắng tinh. Nghỉ đêm ngoài đền Trình, sáng vào giữa rừng mai, thưởng thức chén rượu sớm - chum rượu mơ nhà chùa ngâm ủ đã hai mùa. Ấy là cái thú chùa Hương tao nhã những năm sau này, tôi đã biết đi đây đi đó. Nhưng hồi còn nhỏ, năm ấy trạc lên mười, lần đầu tôi được đi chùa Hương với cả nhà vào hội tháng hai, rét mướt co ro mà người leo núi chen chân. Chập tối, xuống đò dọc bến Đình trên sông Đáy vừa sáng thì đò vào tới bến Đục.
Đấy là kể những chùa xa, một đời được đi một hai lần, nhưng ngày Tết thì trẻ con năm nào cũng đi chơi các chùa khắp vùng. Đã thành lệ hàng năm, chúng tôi lên chùa Quán La rồi xuống chùa Láng. Chùa Láng xa hơn phải đi hôm sau, còn tạt vào đền Voi Phục cạnh cầu Giấy, như vào cửa rừng nghỉ chân.
Chùa Quán La trên Sở, bên hồ Tây. Một quãng qua địa phận làng Sài, trông ra thấy hồ Tây bát ngát trước mắt. Gió thổi bay tung vạt áo và thắt lưng của bọn con gái. Sóng hồ đánh oàm oạp ven chân. Những đứa con trai, hai tay ấn mũ, chạy thi cho ấm người. Chẳng mấy chốc đã tới chùa Quán La âm u giữa những cây muỗm cổ thụ. Chùa nhỏ, chẳng có tượng, có chuông to để lên xem và nghịch đấm chuông thử. Nhưng lại có cái chơi lạ lùng khác, vào đằng sau chỗ gian thập điện có cái động xuống hang trong lòng đất. Năm nào chơi chùa Quán La cũng men vào cái hang kỳ quái này.
Bấy giờ chỉ biết gọi là chùa Hang, như về sau đọc sách mới biết cái hang trong đất dưới nền chùa Quán La tên là động Thông Thiên đã được phát hiện ra từ thế kỷ 12. Nhưng không rõ cái hang để làm gì. Nghe đồn hang người Tàu để của, người thì bảo bao nhiêu vàng đã lấy đi rồi, người thì bảo chưa. Nghe chuyện cứ rờn rợn. Lại từ xưa đã có tiếng đồn hang này thông ra hồ Tây phía giáp sông Hồng, đến chỗ ấy thì có đường lên trời. Chúng tôi kéo khuỷu tay nhau, náo nức: "Lên trời! Nào lên trời một cái xem sao!". Bọn con gái ngồi túm lại trên miệng hang, không dám xuống. Chúng nó giữ dép, guốc cho lũ con trai. Miệng hang tối mờ mờ toang hoác bằng mấy cái nia đại chụm lại. Chúng tôi bíu rễ đề, rễ đa, tụt xuống lỗ. Ánh sáng ngoài hiên hắt lên vòm cuốn cửa hang, những hòn gạch vồ lồi lõm, mó vào lạnh buốt ngón tay. Trông ngang trong kia sẫm như mực.
Cứ bíu lưng áo nhau, rụt rè bước vào. Tối bưng mắt. Không có gió lùa mà rét thít người. Đứa đi đầu bỗng rít lên một tiếng, như giẫm phải con rắn. Chẳng biết sợ cái gì. Những đứa sau hú lên, đùng đùng quay lại, chạy ra. Ra đến đây chỗ sáng thì hoàn hồn lại cứng cựa, hết sợ, lại đùa. Một đứa ngẩng lên, nói to:
- Chúng mày ơi! Dưới này nhiều thứ lắm... xuống đây...
- Chẳng chơi.
- Ấm ghê, như sưởi đống rơm! Bọn con gái chẩu mỏ xuống:
- Bảo tìm đường đi lên trời mà vẫn chúi xó đấy à?
- Lên trời rồi mới về đây đấy.
- Bêu! Bêu!
Chẳng lẽ cứ ngồi rúc đấy, lát sau, lại bám rễ cây, nhảo lên. Chẳng biết ngượng, còn hơn chúng nó không dám xuống hang, lại ồn ào chuyện cái hang để của cải, cái hang có đường lên trời. "Sang năm, sang năm, u tớ ra Kẻ Chợ mua cái đèn Đe Mông hai "bin" soi sáng quắc, tha hồ đi đến đâu cũng được. Có thế chứ". Sang năm, sang năm đi chơi chùa Quán La, không sợ, lại xuống cái hang có đường lên trời.
Mùng bốn, đi chùa Láng. Đường thành cao cao uốn theo bờ sông Tô Lịch. Cánh đồng Vân làng Đoài Môn mưa bụi như phấn rắc trên luống thìa là xanh mờ. Cuối làng Phú Yên, khói hương nghi ngút trong miếu Đôi bùm tum rặng cây si, rễ chùm buông mành mành xuống mặt nước. Miếu Đôi thiêng lắm. Ngày nào cũng có người đến kêu cầu. Qua hũm cỏ Đấu Đong đến dốc cống Vị lên chiếc cầu ván bắc qua sông sang trước đền ông Đại Điên bên cây đại chơ vơ giữa ruộng rau cải xanh. Đến năm đọc truyện Nam Hải dị nhân tôi mới biết sợ ông Đại Điên đánh nhau với cái gậy thần dựng ngược giữa sông Tô Lịch. Qua gò nhãn đền Voi Phục dưới kia, đã sang đường Láng.
Chùa Láng uy nghi, đường gạch, nhà bát giác trong sân bọc tường hoa, có cây thông gầy gùa mốc rêu mà thấy bảo đã thọ nghìn tuổi, vẫn đứng chòm lá lơ thơ vi vu rì rào với gió. Chúng tôi vào chùa chạy như chuột khắp nơi. Nhưng ra về chỉ nhớ mỗi thứ ở cổng chùa nhiều hàng bán táo ngon và nhớ nhất cảnh thiên đường địa ngục chỗ gian thập điện. Đứa nào cũng lấm lét, sợ sệt, chỉ dám mon men nhích dần chân vào. Cái địa ngục xám ngắt lại hiện ra rùng rợn. Cánh cổng dinh Diêm Vương sơn màu lục u ám, chắc vua địa ngục ngồi trong ấy. Cứ đoán thế. Ai trông thấy được Diêm Vương, có mà chết. Vua ở trong ấy sai quỉ sứ lên trần gian bắt người có tội.
Những ai làm ác trên trần gian thì bị quỉ sứ giải về Âm Phủ. Người có tội cởi trần đóng
khố đứng rũ rượi. Các ông quỉ sứ mặt tím bằng quả trám đen, nhe hai cái răng nanh trắng tởn, tay cầm đinh ba chọc vào bụng người có tội. Ông quỉ sứ kia hai tay giơ con dao bẩy chặt người ra từng khúc. Ông quỷ sứ ném người vào cái vạc dầu đương sôi sùng sục.
Trên thiên đường vần vụ đám mây vàng, người có phúc được đi trên mây vào cửa trời, hai tay chắp niệm phật. Nhưng chẳng đứa nào để mắt mấy đến cảnh thiên đường. Cái địa ngục khiếp quá, mà lại ham xem. Đến lúc sợ run lên thì cứ lùi dần, lùi dần. Trên đường về qua cầu Giấy còn vơ vẩn ý nghĩ về người ác phải xuống đền tội dưới địa ngục.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro