98. Tảo mộ
Thanh minh trong tiết tháng ba...
Tháng ba đi tảo mộ, tục lệ tôn kính người đã khuất. Nhưng nền nếp tảo mộ ở quê tôi không chỉ trong tháng ba đi trông nom mộ phần mà lại chú trọng nhất vào tháng chạp lạnh lẽo, mà có nắng ấm quang đãng. Cũng như nhà có người mất được ba năm thì bốc mộ - còn gọi là sang cát, là thay áo, bao giờ cũng làm việc thiêng liêng đi tảo mộ vào ngày lành, giờ lành tháng một, tháng chạp khi trời tiết hanh khô.
Giữa tháng chạp, tôi theo người lớn đi tảo mộ, một ngôi mộ tổ trong cánh đồng Thìa. Tôi là cháu ngoại. Ông bà tôi không có các cậu, nên quý tôi, ông ngoại cho tôi đi lễ ăn cỗ nhà thờ họ, đi tảo mộ, đến tuổi mười tám tôi được vào làng, đóng tiền hàng giáp, lại nộp thuế thân chẳng khác ở làng nội. Từ làng tôi vào trong Thìa, phải đi tắt - mà lo việc đường âm thường tránh gặp người, bần cùng lắm mới bước chân qua làng, chỗ đông. Chúng tôi vượt những cánh đồng cao đã gặt quang, những đồng sâu cạn nước gió ù ù mênh mông. Vào Noi, sang Canh, Diễn rồi mới đến đồng Thìa. Ngày đông tháng giá rét đậm, đi từ gà gáy tan canh còn tối đất chưa đỏ mặt người, như là bọn người làm vào Kim Hoàng buôn tranh phải đi đêm cho kịp về bán chợ Bưởi phiên Tết.
Ông hương Cang đứng ra lo mọi việc đi tảo mộ. Nhà ông hương thuộc chi trưởng, được lần lượt thay phiên đèn nhang nhà thờ họ. Ông hương làm trưởng từ năm ngoài bốn mươi, bây giờ ông đã lên cao tuổi nhất họ. Năm nay, ông hương đã yếu. Anh Cả xin ông ở nhà. Nhưng ông bảo: "Việc lễ cúng là việc hiếu. Tao còn sống năm nào không thể sao nhãng thăm nom các cụ. Ờ mà đã nghiệm, mỏi gối thế nào, hễ đi tảo mộ, được các cụ phù hộ, lại khỏe chân ra". Ông hương nói thế chứ người nhà phải mang rượu ông uống dọc đường, chốc chốc lại một chén như bơm hơi vào bánh xe đạp, ông hương mới thêm được sức. Hôm ấy về, ông hương phải nằm bệt đôi ba buổi mới lại người.
Cả bọn bảy tám người. Người vác cái cuốc cái mai, người gánh đôi giành, trong đựng bó hương đen, cành cau, hai chai rượu và những cái khăn lượt. Đi đường không tiện chít khăn. Nhưng rồi lễ, đến lễ tất cả đều chít khăn tử tế. Lại một giành buộc chiếc nồi đồng, cái hông, cái chõ, con gà trống thiến, chiếc tay nải gạo nếp, gói đỗ xanh đã tách sẵn vỏ.
Ngôi mộ tổ ở đồng Thìa to cao như cái gò, xây gạch vồ vuông vắn giữa thửa ruộng ven bụi rậm. Chắc xưa kia cụ tổ là quan văn, quan võ thế nào nên mộ mới bề thế nhường ấy. Mà mộ cụ sao lại để xa làng quê, tôi băn khoăn chẳng hiểu nhưng không dám hỏi ai. Bởi vì tôi đã khôn lớn, so với những đứa họ nội, tôi có cái tủi phải làm họ ngoại. Tôi im.
Sáng một lúc thì đến Thìa. Nhưng trời âm u không có nắng, chẳng biết mặt trời đã lên lưng bờ tre chưa. Mấy người ra thẳng mộ, ông hương đi với gồng gánh vào xóm, đến nhà bác chủ ruộng. Đã bao năm, các đời nhà chủ đã biết ngày ấy thì các cụ ở ngoài Bưởi vào tảo mộ, chủ và khách đã quen người quen lệ. Ông hương ngồi chơi uống chén nước với gia chủ một chốc rồi ông ra mộ. Hai anh người nhà ở lại, xuống bếp làm gà, bắc chõ thổi xôi.
Ngoài ruộng, mỗi người một việc, tay cuốc rãy cỏ quanh mộ và trên nấm, tay mai nện lấp chỗ đất nẻ, lỗ rắn, lỗ chuột. Những bờ gạch rêu xanh đen, chẳng lở lói, suy chuyển, năm nào cũng trơ nguyên thế. Giữa trưa, từ trong xóm, các anh bưng ra cái mâm gỗ sơn then thiếp vàng mượn của gia chủ. Trên mâm, cả con gà trống vàng ngẫy, cong cổ, mỏ ngậm cái hoa đơn đỏ. Hai đĩa tây xôi đỗ vàng đượm, với chai rượu nút lá chuối khô. Một anh khư khư hai tay bưng mười nén vàng hồ. Mâm cỗ và đinh vàng được ông hương đón lấy, kính cẩn bày lên nấm giữa mộ. Mùi thơm hương đen ngậy lên tỏa vào cánh đồng xám ngắt không bóng người, gió bấc rạt rào, chốc chốc thình lình lại nổi đùng đùng. Ông hương bảo chúng tôi: "Cụ tổ nhà ta thiêng lắm. Năm nào lễ cụ, gió cũng nổi cơn nổi trận, cụ bảo con cháu biết cụ đã về đấy".
Ông hương Cang đã chít khăn, mặc cái áo the dài từ lúc nào. Ông chắp hai bàn tay nâng lên trán, bình thân thẳng đứng lầm rầm khấn, chốc lại dừng lại, vái một cái. Lúc lâu khấn xong, ông rót một chén rượu rẩy trên mộ. Chúng tôi cũng khăn đóng lên đầu ngay ngắn thắp nén hương mới, từng người bước vào đứng chắp tay, cúi đầu vái. Đến hai ba đứa trẻ con thì cùng bước vào, vái một lượt.
Ông hương Cang bảo đợi tàn hết nén hương sau cùng rồi mới hóa những đinh vàng bên mộ. Xong đâu đấy, bưng mâm cúng vào trong xóm. Bác chủ nhà ra đỡ mâm, một tay đặt xuống phản rồi thắp một nén hương lên bàn thờ, như mời các cụ nhà bác ấy về chứng giám lòng hiếu khách của con cháu và người có việc nhờ cậy.
Trưa hôm ấy, ông hương Cang với chúng tôi đánh chén cùng bác chủ nhà. Cả mấy con trai bác cũng được ngồi mâm. Lúc nãy trong nhà có một bà cụ và đứa con gái đầu để trái đào ra chào khách và cũng dọn dẹp dưới bếp, nhưng bây giờ vắng đâu cả. Cái hèm đàn bà không được ngồi mâm khách lạ. Nhưng ông hương đã cho để phần dưới chạn một lườn thịt gà, đĩa xôi, mấy quả cau tươi. Lúc ra về, lại thắp nén hương lên bát hương, như lễ tạ. Chập tối, mới trở về đến đầu làng. Sang năm, nhà thờ họ cắt đặt, ngày rằm tháng chạp, tôi lại được theo đám vào tảo mộ tổ trong Thìa.
Từ hôm ấy đến áp Tết, rải rác các nhà trong xóm đều ra tha ma quanh làng tảo mộ. Phần mộ mỗi nhà, mộ trẻ xấu số chết non hay mộ các cụ mất đã lâu năm đều được xem nom lại cẩn thận. Rẫy cỏ, đắp nấm, thắp hương, có khi trồng cây xương rồng ở cạnh nấm. Như sắp sang năm mới, con cháu và người thân ra dọn dẹp quét tước nhà cửa - trần gian sao thì âm vậy.
Tục lệ sửa sang phần mộ cuối năm khác nào đánh tiếng với người đã khuất rằng năm hết Tết đến nhớ về đoàn tụ. Ấy thế mà áy náy hình như chưa hẳn đã chu tất. Đến bữa cơm canh cúng chiều ba mươi gọi là cúng tiên thường, mỗi nhà lại khẩn thiết khấn mời xin các cụ, các vong hồn ở xa đến đâu cũng cố về sum họp với cả nhà trước giao thừa, cho kịp năm mới. Người sống đoàn tụ đã đành nhưng còn băn khoăn, sốt ruột nữa, người dưới âm có về kịp không, đủ không. Biết thế nào, chốc lại thắp hương, lại khấn, lại gieo quẻ xin âm dương. Đồng tiền quay thế kia là đồng tiền cười, cụ đã về đến ngõ mà còn ngập ngừng, lạy thánh mớ bái. Nắm chân hương tự dưng bốc, thế là cụ ngồi trên giường thờ kia... Cũng là đoán, nhưng đồng tiền sấp thì búng lại cho đến khi được mới thôi, và chỉ đoán ra những điều hay.
Sau tết, từ giêng hai sang tháng ba đến tiết thanh minh lại đi tảo mộ, nhưng đến mộ chỉ thắp nén hương như chào hỏi. Bấy giờ đi tảo mộ cùng với xống áo đẹp chơi xuân "gần xa nô nức yến oanh". Ý nghĩa đi thanh minh của ta nhẹ nhàng không thành kính cỗi rễ như cuộc đi sửa sang phần mộ cuối năm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro