Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

96. Thịt chó

Bàn về thịt chó không bao giờ có thể dứt, tưởng như thế. Như cãi cọ cho ra cào cào, châu chấu bằng đầu, nhọn đầu và con tôm khác con tép thế nào. Chỉ có thể thỏa thuận với nhau rằng thịt chó là một món ăn chơi, ăn chơi thì có kẻ yêu người ghét và khách ăn chơi thì vốn xưa nay không ai chịu ai.
Chó có nhiều biệt hiệu. Gọi là con mộc tồn. Mộc là cây, tồn là còn, cây còn nói lái là con cầy. Vùng Hải Phòng, các quán thịt chó đều lịch sự kẻ bảng: Thịt cầy. Có nơi gọi chó là con hươu thềm, hươu nuôi trong nhà ở trước thềm hè. Ở Sài Gòn có hiệu thịt chó đề là: quán hạ cờ Tây (cờ tây là cầy tơ). Lắm biệt hiệu thế, hẳn phải nổi danh và nhiều tai tiếng rồi. Bởi vì thịt chó không giống thịt lợn, thịt gà hiền lành ai ăn cũng được.
Cũng như, một người đẹp, một tác phẩm hay bao giờ cũng có kẻ say đắm thích thú đến mê tơi, lại có người chê bai đủ điều. Ấy là không kể người đồng bóng, người thương con chó có nghĩa, người chỉ ngửi mùi thịt đã nhăn mũi. Người yêu thịt chó nhưng dị đoan kiêng chó đen, không đụng đến chó đầu tháng cuối tháng và ra đường tránh gặp chó đón ngõ.
Ở đâu cũng vỗ ngực chỉ có vùng mình, làng mình và phải tay mình làm thịt chó mới đáng ăn. Chưa thấy nơi nào, người nào chịu tài làm thịt chó của vùng ấy, người ấy hơn ta. Bên Triều Tiên và các tỉnh Hoa Nam (Trung Quốc) cũng ăn thịt chó. Ông Sinh chủ quán hàng Lược đã được mời mấy tháng đi Triều Tiên làm chuyên gia dạy nấu thịt chó. Tôi chưa được thưởng thức thịt chó ở các nơi trên, nhưng đã có dự một tiệc thịt chó ở Bắc Kinh. Dạo ấy, Hoàng Văn Hoan đương chơi dài ở Bắc Kinh. Ông ngồi công kích truyện Kiều của Nguyễn Du bắt chước Trung Quốc. Ông mời tôi một bữa ăn để có thì giờ nói cho hả. Đặc sản thịt chó Hoa Bắc món nấu, món xào sực nức thảo quả. Người Nga ăn thịt chó, ăn hẳn hoi. Bữa ấy Mixen phóng viên báo Tin Tức của Liên Xô ở Hà Nội chén thịt chó ở nhà tôi. Không phải nói trệch là sốt vang, là thịt cừu nướng, thịt cừu nấu súp. Các bạn thực tình ăn ngon và ăn nhiều. Nhưng cũng có điều không bình thường, họ chỉ chén chả chó, rựa mận và "giả cầy", chấm cả mắm tôm chanh ớt mà không đụng thìa dĩa vào đĩa thịt chó và lòng gan luộc. Trên thế giới, ít nơi ăn thịt luộc như ta.
Không phải chó nào cũng đem mổ thịt được. Chó becgiê cao cẳng, chó Nhật, chó cảnh bé bỏng như nắm bông, thịt tanh. Chỉ có giống chó đâu cũng có ở nước ta, những con vàng, con vện, con đốm, con khoang, con mực thấp cun cún, chân trước chân sau không dài, không ngắn ngủn hoẳn mà tỏi chân sau vè chân nổi bắp tròn trành trạnh. Thịt chó ấy mới đậm, nói tiếng Mường nó là con chó chứ không phải con má.
Thịt chó là món khó tính, không chịu chơi. Trong mâm và bữa ăn thịt chó không ưa chung đụng với món khác. Và khi nấu nướng, người ta thường ganh nhau "sáng tạo". Ở Sài Gòn bây giờ, các hiệu thịt chó quảng cáo: cầy tơ bảy món, thịt chó 24 món, chả chó đặc biệt... nhưng dù cho các nhà sáng tác có khuếch khoác hươu vượn tới đâu, có bày vẽ bao nhiêu món, thì món nào cũng từa tựa ở cái gốc năm chiêu cổ điển mà ra:
1- Thịt và lòng gan luộc.
2- Chả.
3- Rựa mận.
4- Giả cầy.
5- Sáo chó.
Chỉ có bát tiết canh chó, ắt là những trang cự phách xừng xỏ mới xơi được. Ít ai đưa vào thực đơn món tiết canh chó. Thế mà rồi tiết canh chó cũng lên ngôi. Như ngày trước, chỉ đả tiết canh vịt, khinh cái tiết ngan, bây giờ ăn tuốt và ngan lại ngon hơn vịt. Cứ rau thơm và gia vị kèm thật dữ ăn với tất cả các món: mơ tam thể, tía tô, ngổ ba lá, húng quế, mùi tầu, riềng, mắm tôm, ớt. Bún và bánh đúc hiền lành thì với món nào cũng được, hơn là cơm.
Thịt chó luộc ngon nhất phải kể lối nấu cách thủy: thịt chó hấp. Các nhà điệu nghệ cắt nghĩa: nấu hấp, nước thịt ngọt được hãm lại không tiết ra được nước xuýt. Nhiều nơi ở Hà Đông không cắt tiết chó, mà dìm chó xuống nước cũng là để hãm tiết lại trong con chó. Ở Thái Bình, bỏ thịt vào nồi đất rồi chát kín bùn, chất rơm đốt. Bên Đông Anh ngoại thành hấp cách thủy vừa nhẹ nhàng mà nục thịt. Ở chợ Hôm, hồi còn hàng thịt chó ông Gù trong cầu chợ, hằng ngày ông lên mua chó chợ Bắc Qua. Không phải con nào cũng ngon thịt như nhau, nhưng vì ông chịu khó luộc hấp, cho nên chó gầy chó béo đều mềm. Chõng hàng ông Gù được khách, hôm nào cũng hết trước các hàng bên cạnh.
Ăn thịt chó luộc được cái ngon của miếng thịt hoang sơ, thì thịt chó nướng chả, như lối thịnh hành bây giờ, lại trông vào tẩm ướp gia vị: củ hành hoa phả nước hàng rồi lấy xiên nhôm thuốn thành gắp. Than hoa bốc mùi chả thơm lựng. Nhưng đấy là lối làm chả chó ngoài phường phố. Ở các vùng quê, chả chỉ nướng trơn cốt khoe cái ngon như thịt luộc, không pha phách. Miếng thịt mộc cũng có cái ngon riêng.
Rựa mận được chuộng nhất. Chẳng thế rựa mận đã biến ra cả món riêng, món phở. Dọc đường miền trung du, nhiều hàng quán bán phở rựa mận, bún rựa mận. Rựa mận, một món nửa xào nửa hầm. Miếng thịt rựa mận đúng cung cách nhất phải là miếng thịt gồm ba thành phần thịt, mỡ, bì. Cái bì tôn hẳn đặc tính rựa mận. Rựa mận thiếu bì kém vị và trơ trẽn như bò thui ăn tái chấm tương gừng mà không có da. Miếng rựa mận nổi màu nâu bóng nhẫy giữa bát nước mỡ tiết ra quánh đặc.
Nhưng rựa mận vào đến Sài Gòn, miếng thịt bị lột mất bì đôi khi lại pha xương, ăn như thịt chó kho tàu.
Cuộc sống của hai chữ "giả cầy" cũng lạ. Giả cầy cũng là món đinh của đám đánh chén. Không có thịt chó, thèm thịt chó, bèn nấu chân giò lợn cũng pha riềng mẻ, gọi là "giả cầy". Miếng thịt chó riềng mẻ, nấu lửng như om, với đậu phụ. Xô bồ hơn, thêm chuối xanh. Thịt dai nấu kèm mấy miếng đu đủ, răng móm cũng nhai được.
Đã đành là giả, nhưng đến lúc làm món bằng thịt chó hẳn hoi, vẫn giữ cái tên "giả cầy". Giả cầy cũng vào cả những ngôn ngữ hàng ngày: tiếng Tây giả cầy (nói tiếng Tây sai), đồ giả cầy (người giả dối).
Món xáo chó cũng ví tương tự món "thắng cố" của người Mông trên núi cao. Trong con chó, những phần xương xẩu đầu thừa đuôi thẹo được dồn hết vào một nồi - một thứ nước suýt chó. Món này cũng được thành tục ngữ: ngon như xáo chó. Có nghĩa là việc ấy dễ ợt làm "ngon như xáo chó ấy mà". Nước suýt xáo chó ở Sài Gòn thường ngọt lợ. Theo cách làm trong ấy, món nào cũng nấu với nước dừa.
Trên gác quán thịt chó Hàng Lược. Khách ăn trải chiếu ngồi mâm. Sau cùng, gọi bát xáo. Nhà hàng bưng lên cái liễn xáo nghi ngút khói, thơm hành răm, trong liễn thả hai cái chân sau con chó. Đôi chân ấy được dâng cụ Nguyễn Tuân cao tuổi nhất hội, trọng vọng như miếng thịt thủ phần cụ tiên chỉ. Đoàn Giỏi bảo cái chân sau con chó là thuốc bổ xương, chữa được đau lưng, thấp khớp. Cụ Nguyễn Tuân thấp khớp nặng.
Cái món rựa mận, giả cầy và xáo, người cầu kỳ, thích ăn "hai lửa" nấu hai lần, thịt chó hai lửa có cái đậm đà khác thường. Âu cũng là thói quen ăn uống mỗi nơi. Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy, cò mỗi con mỗi thung.
Có một dạo, hai quán hàng đương phát đạt, phở ở phố Huế, đồ nguội dăm bông ngỗng phố Lý Quốc Sư, ông Muôn và ông Khải đều dọn vào Sài Gòn. Tưởng bở! Một ông nhảo ra ngay đem theo được cái lập là hình đầu bò đặt miếng bít tết thay đĩa. Một ông nấn ná ở lại cũng xoay ra bán đồ nguội. Cả cái ông Lâm thịt chó chợ Châu Long đương đông khách thế cũng đua đòi vào làm ăn trong ấy. Thịt chó Lâm mở một gian hàng bên kia hè phố cơ quan Tổng Tham Mưu cũ. Cũng có lần tôi đã đến thăm xem cố nhân vô đây ăn nên làm ra thế nào. Đương buổi tan tầm, ngoài đường đông ngộn, mà trong hàng vắng không một người khách. Thịt luộc, rau thơm, mắm tôm đều lấy trong tủ lạnh ra. Gọi bánh đa, chủ quán sai người chạy ra phố mua hai bánh đa ỉu đem về. Chẳng bao lâu, khách quen lại bảo nhau: thấy thấp thoáng lão Lâm dọn hàng ở chợ Đội Cấn, cáo đi ba năm lại về núi rồi.
Ở Hà Nội có những người đi làm thịt chó thuê. Không phải chuyên, phải nghề, mà như tay chơi, ai biết tiếng thì gọi. Nhà có việc hay cơ quan liên hoan đánh chén thịt chó, bảo ông ấy đến làm cho. Một mình kiêm tất, từ cắt tiết, xả thịt đến nồi nước xáo. Nhưng trong thành phố ngoài này không tìm đâu ra hàng thịt chó sống. Muốn nấu lấy bát rựa mận, chịu không kiếm được thịt. Ở Sài Gòn thịt chó sống bán thành cửa hàng như thịt heo, thịt bò. Mua về nhà làm thật tiện. Tôi đã phàn nàn và so sánh thế, thì Xuân Diệu mách tôi: Chợ Hàng Da có, Xuân Diệu vốn coi thịt chó bổ và rẻ hơn cả các thứ thịt. Mỗi tuần anh ăn đều hai bữa, nhưng không đánh chén ở quán. Chỉ mua về nhà làm. Nhưng cái gánh thịt chó sống ở cuối chợ Hàng Da mà nhà thơ đã là khách hàng đều đặn cũng chỉ là một cô gái ở Thanh Trì lên, thịt chó bỏ vào bị, đeo trên vai - có lẽ để tránh thuế, mà cũng hôm có hôm không.
Xưa nay vẫn có tiếng chó chợ Canh ngon thịt. Người ta thường công phu vào chợ Canh kén chó. Mà cũng lạ, cái miếng thành cái tiếng thật, các hàng thịt chó được tiếng trong thành phố phần nhiều chủ quán là người quê trong Canh. Trước kia có thịt chó Hàng Đồng và bây giờ, ở Cống Chéo Hàng Lược, ở Hàng Bè, ở Văn Miếu... Thời buổi công nghiệp, cả vùng Canh Diễn làm chó luộc và chả chó, xe máy tấp nập đưa ra bán cho các quán bia vỉa hè ngoài phố đã đặt hàng.
Chó chợ thì tạp và chỉ có thịt luộc. Con chó luộc treo móc hàm. Không biết người ta bôi cái gì làm hàng mà lưng con chó cong cong lên màu, như con chó được đánh vẹc ni vàng rợn. Trông đã mất ngon.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro