84. Tiền thời trước
Thời trước đây là thời thuộc Pháp, mà khi còn nhỏ tôi biết. Tôi không rõ ngày xưa, bạc nén, tiền quan, tiền kẽm thế nào. Thời này, những đồng xu thì đi khắp Đông Dương, tiền chinh hai đồng được một xu đồng chỉ tiêu ở ba xứ Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, các loại tiền khác thì ba nước Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên cùng dùng, nhà Ngân hàng Đông Dương mọi người gọi là nhà Kho Bạc phát hành.
Đơn vị nhỏ bằng đồng, có đồng xu đỏ thẫm hình bà đầm xòe. 1 đồng xu ăn 2 đồng chinh Khải Định, 1 đồng chinh Khải Định ăn 4 đồng chinh Bảo Đại, chinh Bảo Đại bé nhất, bé giá trị cũng bé cả hình thể, bằng cái vỏ ốc. Có câu ca thâm thúy xỏ rằng: "Bốn con ăn được một cha". Đồng Khải Định bằng đồng màu vàng nhạt. Cùng loại này có đồng tiền năm xu bằng kền xám trắng (đồng "săng căng", nói theo tiếng Pháp: cinq cents), những đồng xu, chinh bằng đồng, bằng kền đều có lỗ ở giữa. Người ta xâu hai cọc thành đồng bạc.
- Một đồng bạc có 100 xu đã là to. Một chinh mua được mớ rau. Các mụ làm nghề đổi tiền ở cửa chợ Đồng Xuân lấy lạt giang xâu lại từng chinh thành hai cọc tiền một đồng.
Quãng 1935-1939, 2 xu một bát phở chín, một xu thì phở nước không về ăn trộn với cơm nguội, 5 xu vào hiệu gọi được đĩa phở bò xào mềm, xào giòn.
Đơn vị bạc có đồng bạc 1 đồng (giá trị 100 xu), đồng ván (giá trị 20 xu, gọi theo tiếng Pháp: "ván" vingt là 20) và đồng hào (10 xu). Đồng bạc 1 đồng tròn to đường kính ba phân, đồng ván nhỏ hơn, đồng hào nhỏ nhất. Những đồng bạc, đồng hào bằng bạc không có lỗ để xâu tiền lại thành hào, thành đồng. Vì đi chợ tiêu đến một đồng bạc đã nhiều không phải là tiêu lẻ.
Đồng bạc bằng bạc thật, đồng bạc thật trong dân gian còn có những việc dùng khác tiền tiêu. Trẻ con, người lớn bị cảm cúm thì chữa bệnh bằng đánh gió. Hơ miếng gừng thật nóng, quấn với tóc rối, nhét đồng bạc trắng vào giữa, lấy mảnh giẻ bọc lại, xoa lên khắp mình mẩy. Khi miếng gừng nguội mở bọc ra, thấy hai mặt đồng bạc xạm lại, thế là biết người ốm nhiễm gió độc, gió độc đã bị hút sang đồng bạc, xoa vài lần thì khỏi - người ta tin thế. Nhà nào cũng trữ đồng bạc một đồng hay đồng ván để đánh gió, nhà không có thì phải đi mượn.
Ở miền núi, cho đến bây giờ, các dân tộc Dao, Mông vẫn giữ bạc hoa xòe và những đồng bạc cũ. Để làm của (nhà có nhiều bạc trắng là nhà giàu), thách cưới, đánh vòng cổ, vòng tay, trai gái ăn mặc và diện vòng bạc trong các ngày Tết, ngày hội.
Đồng bạc bằng mảnh giấy mà lại giá trị nhiều nhất. Có hình cây dừa và người đàn bà đội nón Chuông, quảy gánh là giấy bạc một đồng (một đồng giấy ăn 100 xu). Giấy bạc 5 đồng vẽ hình con công, thường gọi là tờ con công. Lại có giấy bạc 20 đồng. To nhất giấy bạc 100 đồng, in hình cái đỉnh đồng, cũng gọi là tờ cái đỉnh. Giấy bạc loại nào cũng có chữ ký của hai ông Tây, người ta bảo là ông Tây Kho Bạc và ông Tây Nhà Băng.
Chi tiêu của một nhà bình thường cũng ít có tiền trăm, "tiền trăm bạc chục" là hiếm. Thày ký đi làm nhà nước, lương tập sự tháng 30 đồng đã phong lưu nuôi được vợ con. Ở trong làng, tậu một sào ruộng, vào thời kỳ bát phở hai xu, chỉ hơn hai mươi đồng. Ít người có, có người cả đời chưa lần nào trông thấy tờ bạc 20 đồng, tờ 100 đồng. Hồi ấy, tôi cũng không được cầm tờ giấy bạc một trăm bao giờ.
Tiền tiêu thường ngày mua bán, chợ búa, rau cỏ tính từng chinh, từng xu và vài hào, vài ba đồng, đã thành món.
Trong thành phố có nghề đổi tiền. Người Pháp đặt tên phố Hàng Bạc thời ấy là Phố những người đổi tiền (Rue des changeurs). Người đổi tiền đều là đàn bà đã có tuổi, các bà cắp một cái thúng đan nong đôi xinh xắn - gọi là thúng nhòi, trong đựng các loại tiền. Bà ngồi đổi tiền ở cửa chợ, đông nhất cửa chợ Đồng Xuân. Người bán hàng, người đi chợ đổi tiền to sang tiền nhỏ, tiền nhỏ sang tiền to nhưng phần nhiều đổi tiền đồng tiền hào lấy tiền xu, tiền chinh để dễ tiêu. Từ 1939, nổ ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiền Đông Dương dần dần mất giá. Rồi xuống quá, Ngân hàng Đông Dương cho ra giấy bạc năm trăm. Nhưng đảo chính 9.3.1945, chính quyền Pháp bị Nhật lật đổ. Đồng tiền năm trăm bạc chưa chính thức lưu hành, chẳng ai
trông thấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro