82. Bèo Nhật
Bèo còn có nghĩa bóng một cái gì xoàng xĩnh, trôi nổi, lênh đênh. Những câu nói thông dụng: rẻ như bèo, bèo dạt mây trôi, đồ bèo bọt. Tầm thường thế, nhưng bèo có công dụng và ích lợi cho mọi nhà. Biết thân phận cò con thì việc đỡ đần cũng nhỏ chẳng đáng mấy nả, nhưng cái cây cỏ mọc hoang cũng có ích.
Ở đồng bằng sông Hồng có các thứ bèo:
- Bèo cái. Ao bèo, mặt nước lấy những cây nứa khoanh bèo lại. Ấy thế mà khi mưa rào, nước ao dềnh lên cống, bèo cũng trôi từng mảng đi. Ngày ngày, vớt bèo cái cho vào cối giã, nấu với cám làm thức ăn của lợn. Thời ấy, nuôi lợn không thả lã, lợn nhốt chuồng và bán thịt lợn đen. Lợn lang, lợn trắng - gọi là lợn Móng Cái, bị chê là nhạt thịt. Bây giờ lại hiếm lợn đen, chợ bán toàn lợn trắng, lợn lang. Lợn này được thịt mà phàm ăn, ăn bèo cái, cả bèo tây, nhai sống, không phải đun nấu. Cần nhiều thịt đã, cũng như biết gà quê thì chắc và ngon thịt, nhưng vẫn mua gà công nghiệp vì gà này lắm thịt múi, thịt từng mảng.
- Bèo tấm. Cũng thả ao, thức ăn của ngan, ngỗng, vịt.
- Bèo hoa dâu nuôi làm phân bón ruộng.
- Bèo ong. Như cái tổ ong xanh xanh. Bèo ong cứng cái không phải thức ăn gia súc. Đám bèo ong thả lơ thơ mặt nước những giếng đất, bên một cành tre cắm. Bèo ong ít rễ, làm sạch che nắng và mát nước. Giếng đất cũng hệt cái ao, phải cắm cành tre và thả bèo ong để người lạ phân biệt được cái ao, cái giếng.
Nhưng long đong và cũng phiêu lưu ly kỳ nhất, có lẽ là số phận cái bèo tây. Lần lượt, bèo tây có mấy tên. Mới đầu, là sen Nhật Bản, rồi bèo Nhật Bản, bèo Nhật, sau cũng là bèo tây. Ở Miền Nam gọi là lục bình. Trên sông Sài Gòn những đám lục bình vỡ bè hoa tim tím trôi. Gọi là bèo tây vì thói quen của người ta: cái gì xấu thì thêm chữ ma, con châu chấu ma xám xịt, con bướm ma nâu sẫm, quả ổi lộn kiếp ngoài tha ma gọi là ổi ma; cái gì nơi khác mang đến là của nước khác: vịt xiêm, mãng cầu xiêm, dứa tây, hành tây, bèo tây...
Thời tôi biết, bèo này hãy còn gọi là bèo Nhật Bản, bèo Nhật. Các cụ già thì vẫn gọi là sen Nhật Bản. Các cụ kể giống sen này quê ở nước Nhật, được đem về nước ta làm hoa cảnh, cho nên mới gọi là sen, cây sen Nhật. Thử tưởng tượng nhà có một bát cốc thủy tinh - như bát cốc để chơi hoa thủy tiên, trong đặt một cụm sen Nhật Bản rậm rễ, bầu trắng, lá xanh, hoa phơn phớt tím, căn phòng của bạn trang nhã hơn lên chứ. Nhưng đó là vẻ đẹp ngót thế kỷ trước. Rồi cái tội của sen Nhật là sinh nở nhanh quá, chưa kịp vớt đã nở, không còn hiếm quý nữa. Bây giờ nó là giống bèo xó xỉnh nào cũng có, chẳng ai ngó ngàng đến.
Ở các đầm hồ, hồ Tây, hồ Trúc Bạch dọc bờ sông Tô Lịch đầy bùn giống bèo Nhật càng mọc dữ, mới mươi hôm đã bề bộn loang ra, không vớt nhanh thì cá chết ngạt. Vài cụm lơ thơ góc ao, dăm hôm đã loang kín mặt nước, mà rễ dày rễ chùm, các giống cá trắng trong ao hồ có bèo Nhật không còn chỗ ngóc lên thở được. Thế là hoa thành bèo, lại là cái bèo vô tích sự. Con lợn, con trâu, con bò chỉ ngửi bèo Nhật rồi lảng. Để làm phân xanh thì bèo không ngấu. Tắm ở ao có bèo Nhật, rễ nó vướng ra, ngứa mẩn cả người. Bèo Nhật thành một cái nạn làm hại ao hồ.
Nhưng tôi thấy ở Trạm Trôi người ta đã dạy được lợn biết ăn bèo tây. Chỉ vì bèo cái bây giờ còi quá, ao bèo vàng úa.
Có người ghét bèo Nhật đến độ kỳ quái. Thời ấy có quan tổng đốc tỉnh Hà Đông họ Vi đặc biệt ghét bèo Nhật. Ông Vi kinh lý đến làng nào, thấy ở ao, ở đầm có bèo Nhật thì ông nọc cả lý trưởng, phó lý ra quất roi mây. Không hiểu tại sao lão này ghét bèo Nhật thế, người ta đặt chuyện tiếu lâm chua chát: ông ấy có đứa con cầu tự, thằng bé chết ngạt ở ao bèo Nhật, từ đấy ông thù bèo Nhật.
Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng có điều, trước kia, ở đầm hồ có bèo Nhật, chỉ thấp thoáng thôi, người ta vớt bỏ ngay. Không đâu để bèo Nhật nở từng mảng thành rừng như mặt nước hồ Tây, hồ Bảy Mẫu như bây giờ.
Tôi cũng bị cái ám ảnh không ưa bèo Nhật từ thủa trẻ, bây giờ mỗi lần ngắm hồ Tây, hồ Trúc Bạch phía nào cũng chi chít bèo Nhật, cảm thấy khó chịu, coi là hồ hoang, đầm hoang.
Trên sông Mê Kông, chốc chốc lại gặp một đám lục bình vỡ bè trôi lênh đênh, những chùm rễ bám quanh còn về vệt bùn đỏ. Tôi ngỡ ở một cống cửa vườn nào đó, người ta vừa đẩy một đám lục bình ăn mày ra sông. Không đâu chứa chấp, bèo Nhật đành trôi mãi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro