Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

81. Lời chào cao hơn mâm cỗ

Chào hỏi là nền nếp chứng minh truyền thống lịch sử trong giao tiếp từ gia đình ra xã hội, đến nay vẫn tồn tại. Chúng ta nên bàn bạc để đưa chào hỏi, ngày một thích ứng và giữ gìn văn hoá văn minh hơn.
Câu tục ngữ "tay bắt mặt mừng" ý rằng lâu không gặp nhau, vẫn nhớ nhau nên mừng rỡ nhìn mặt nhau nắm tay nhau. Tay bắt mặt mừng không giống "bắt tay" theo phép chào hỏi của người châu Âu mà ta đã bắt chước từ thời Pháp, nhất là ở các thành phố. Tuy nhiên, việc bắt tay là một thói quen ngoại nhập đã được Việt Nam hóa và phổ biến hợp với "tay bắt mặt mừng" của ta. Tôi không thích những cái bắt tay ngoảnh mặt ra để chụp ảnh đăng báo như bây giờ. Nó chẳng có nghĩa gì cả.
Có điều cũng vì gốc không phải của ta cho nên bắt chước nhiều khi không đến nơi đến chốn. Câu "tay bắt mặt mừng" cổ truyền có thể áp dụng vào tinh thần bắt tay kiểu mới. Có nghĩa là tay bắt tay, mặt nhìn mặt, biểu lộ chan hòa tình cảm, chứ không giơ tay ra bắt tay người này, mặt và mắt lại quay sang người khác, chẳng tay bắt mặt mừng với nhau chút nào.
Đừng tưởng người châu Âu ít chào hỏi, không, người ta chào hỏi tế nhị lắm. Đi nhà hàng, vào bàn ăn, đến sau bàn bên cạnh, thế nào người đến sau cũng nghiêng đầu, mỉm miệng, chào thân thiện, giơ tay xin lối vào, mặc dầu không quen biết nhau.
Còn việc hôn mu bàn tay, hôn má, hôn môi (phong tục Nga: người trong gia đình không phân biệt nam nữ có thể hôn môi nhẹ nhàng), nhưng để ý sẽ thấy, trừ phi ruột thịt và thân tình, còn là khách thì ai cũng đều vui vẻ nhã nhặn xin phép được hôn hay không. Tôi đã thấy có cơ quan ở Hà Nội tiếp khách nước ngoài, chủ nhân ta ăn vận trịnh trọng, cà vạt múi thắt sẵn gài kim vàng chóe, đoàn khách có các bà đầm, chủ nhân ra bắt tay rồi cứ tự nhiên ôm hôn khách túi bụi. Người hiểu biết thì ngượng chín mặt. Ông chủ kia hý hửng vì cho là có tác phong chan hòa lịch thiệp, còn khách thì chắc chắn là vừa lạ, vừa ngại, vừa ghê.
Phong tục chắp tay chào hỏi của ta đã có từ lâu. Trông người Nhật chào cúi gập đôi người, ta qúy họ trọng phong tục, nhưng không quen mắt. Người Nhật giữ lối chào cổ kính ấy ở ngoài đường, khi tiếp khách, ở công sở, nhà máy, ở nơi khác và của mọi lứa tuổi. Biết giữ nền nếp rộng rãi và phổ biến vậy cũng là tuyệt vời.
Cách chào hỏi của ta có vẻ thanh nhã, nhưng xem ra còn hiếm, chưa đồng đều. Đón khách hay tiễn khách, chủ nhà bước ra, hai bàn tay úp chắp nhẹ nhàng vào nhau, hơi cúi đầu - không gập đôi người kiểu Nhật cũng không nghiêng đầu kiểu Tây.
Dùng hai chữ chào và hỏi thì nghĩa nội dung hai chữ chào hỏi là: chào người trên, người ngang vai và hỏi người dưới. Không chào người dưới, nhưng thường ngỏ lời khéo và thân: Thế nào, hồi này con, (chú, cháu) có khoẻ không, vẫn đi học chứ?
Chào hỏi là bước giao tiếp đầu tiên và quan trọng vì người gặp sẽ nhớ mãi cử chỉ ấy, cho nên, đã có câu "lời chào cao hơn mâm cỗ".
Ở trong nhà thì "đi hỏi về thưa" với các bậc trên, ông bà, bố mẹ, các anh chị. Về nhà hay ra khỏi nhà, đều chào hỏi thưa gửi. Nhà nền nếp, việc chào hỏi được dạy từ khi trẻ mới biết nói.
Và lớn hơn, thấy sơ xuất thì nhắc nhở. Không được lừ lừ đi về, và khi về đến nhà, phải chào, dù là người ruột thịt gặp hàng ngày. Tất nhiên, khách thăm nhà nhất thiết người trong nhà phải chào hỏi rồi.
Ngoài đường, trong làng hay trong phố cũng thế, nhất là ở trong làng, họ hàng, láng giềng và quen biết rộng, khi gặp đều chào hỏi nhau. Với các cụ ông cụ bà, các vị cao tuổi thì không kể họ hàng láng giềng, miễn là biết mặt, biết tiếng, đều lễ phép chào hỏi. Đương đi nhanh, bước chậm lại, dừng lại, chắp tay (trẻ con, học sinh thì khoanh tay) cất tiếng chào. Như vậy, là đứng đắn, là ngoan mà mau mồm mau miệng. Biết bao tục ngữ, thành ngữ xung quanh nền nếp văn hoá này: Kính lão đắc thọ... Kính già, già để tuổi cho...
Khi nói, khi chào, không nói cộc lốc, trống không. Nói như thế, chào như thế, thà không chào, vì thế là ăn nói vô lễ. Ngày nay thường dùng chữ "xin lỗi" một cách rộng rãi. Trước kia, hay nói "bỏ lỗi" - ông bỏ lỗi cho, bà bỏ qúa cho. Coi chữ "xin" là nặng nề. Cũng như nói "cám ơn" thì vừa phải hơn là dùng chữ "đa tạ" khách sáo.
Những chuyện về chào hỏi trên kia xem ra ngày trước giữ gìn được, nếu người trong nhà chểnh mảng thì nhắc nhở. Bây giờ chểnh mảng nhiều. Tôi đi vào trong ngõ nhà tôi, các cháu gặp, chẳng mấy cháu nhớ chào tôi. Có cháu đi không tránh, cứ đâm thẳng vào chân, vào vai tôi rồi nó tỉnh bơ, cười trừ. Những thói ấy xa lạ với nếp nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro