Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

80. Ăn cơm, ăn cỗ

Trong cách thức ăn uống, mọi nhà chú trọng quy củ, bày biện thức ăn và cả chỗ ngồi ăn. Một mâm cơm, dẫu xuyềnh xoàng ở gia đình, dùng mâm chõng, mâm gỗ, nhà có thì mâm đồng, mâm nhôm, nhưng mỗi thứ bày ra đều trật tự có chỗ nhất định.
Bát nước chấm đặt giữa. Không để bát cà, bát dưa, những thức ăn kém giá trị trước mặt người cao tuổi, người trên. Hai bát canh không đặt liền nhau.
Con trẻ ngồi mâm với người lớn thì lễ phép lấy đũa so cho mọi người, để ý đặt đầu đũa to ra ngoài, để tiện tay người cầm.
Đừng tưởng chỉ người châu Âu mới chú ý nhai kín miệng, nhai không thành tiếng. Người Việt Nam nhã nhặn không nhai nhồm nhoàm, nhai tóp tép và không vừa miệng lúng búng nhai vừa nói chuyện. Còn thêm vài cái kiêng kỵ mà các cụ thường uốn nắn. Không gõ đũa cả, đũa con canh cách, không cắm đũa vào giữa bát cơm mới xới - như những bát cơm cúng đám ma, không vét nồi cơm cồn cột - điềm trời ra tai mất mùa. Không cầm thìa húp canh xùm xụp - điềm trời làm đói nghèo.
Trong nhà, không ai bảo ai, nhưng dường như đã chia chỗ, mỗi người đều biết. Ông bà, cha mẹ ngồi trên, anh em chị em ngồi giữa, lẫn với trẻ con - có khi ông bà hay cha mẹ chiều chuộng, cho con bé cho cháu ngồi cạnh, vợ chồng ý tứ không ngồi bên nhau, cũng như nàng dâu và con gái thì giữ chân đầu nồi xới cơm cho cả nhà. Đưa bát cơm vừa xới cho người vai trên, đưa hai tay, gắp thức ăn thì tránh gắp chen đũa, đũa trên luồn dưới đũa người khác. Không chăm chắm chỉ gắp liền một món - nhất là đấy lại là đĩa thịt gà nhất mâm. Cháu ngồi bên ông uống rượu, cháu gắp luôn tay, thế gọi là cháu ăn dỗ mồi, ông cho phép thì mới được thế. Gắp thức ăn chấm nước mắm không đưa thẳng lên miệng, mà đặt thức ăn vào bát đã, rồi mới và. Đưa ngay vào miệng bị diễu là gắp giật cần câu.
Vào mâm thì ai cũng mời ăn. Ông bà bề trên nhất thường nói một câu vui: "Cả nhà ăn cơm nào". Mọi người lần lượt mời bậc cao tuổi trước - không phải mời người dưới thứ bậc mình. Chỉ có trẻ con và người vai vế dưới thì mời cả mọi người. Ăn xong, đặt bát đã vét sạch, để ngang đôi đũa, nói: "Cháu (con) xin phép ạ" rồi mới đứng dậy. Ra rửa miệng (hoặc lau miệng) và lấy tăm uống nước không hếch môi xỉa tăm quèn quẹt như chải răng.
Ở một nhà cách thức ăn uống đã cẩn thận, tỉ mỉ như thế, ra chỗ đình trung cái tiếng to hơn cái miếng, thì chỗ ngồi và cách thức ăn uống càng cẩn trọng hơn. Không kể đến hủ tục , các cụ tranh mâm trên mâm dưới, đến nỗi sinh sự cãi nhau, đánh nhau kiện tụng lên cửa quan. Có chuyện như vậy, mà cũng ít khi, thường chỉ cái tiếng để lại và nghe chuyện kể lại, nhưng bình thường, những cuộc ăn uống ở phe giáp, ở đình có phân biệt - cũng như ở nhà. Như làng có khách trên về, khách ngồi với các ông có chức việc cao (chánh phó tổng, tiên, thứ chỉ, lý trưởng đương rồi các ông hội đồng kỳ mục, hội đồng tộc biểu ngồi mâm này, cùng các ông lý cựu, phó cựu, các ông cựu hội đồng). Sau đến mâm tuần phiên, trai tráng. Người mõ có phần, có chỗ ăn một mình, không thì cứ việc chút cỗ mang về. Bấy giờ sự phân biệt đối xử rất ngặt, người già mà cả đời không có chức vụ cũng coi như bạch đinh. Nhiều làng có mâm riêng cho các cụ lão được trọng tuổi, nhưng có cụ bạch đinh khái tính không đi việc làng. Phụ nữ thì chẳng bao giờ được dự lễ bái và ăn cỗ uống rượu trong đình.
Việc cỗ bàn bây giờ nhiều cái đã giảm cho thích ứng với lịch sự hơn nhưng có nhà lại làm phiền toái và hình thức hơn, thành hủ tục khoe của. Và cũng nực cười, vênh vang ta giàu có, nhưng lại để khách ăn cỗ ghép mâm. Ở đám cưới hay đám ma (cúng trăm ngày, năm mươi ngày) khách đến, đủ sáu người, gia chủ mời vào mâm, vào bàn. Cả trăm khách khứa, họ hàng, bạn bè tuổi tác khác nhau, cũng bị mời ngồi lẫn lộn, nhiều khi một mâm một bàn chẳng ai biết ai. Ăn xong cứ việc đứng lên ra về, không cần chào hỏi người vừa ngồi bên.
Một chuyện trong ăn uống, kể làm vui và cũng làm nghĩ. Một bạn đã đi nhiều nước vùng Nam Á. Thấy người địa phương có thói quen ăn bốc. Bốc tay phải. Trước sau khi ăn, rửa tay nước sạch, có nơi xát chanh. Đồng bào dân tộc Thái trên Lai Châu cũng ăn bốc xôi như vậy. Ăn bốc có thể thức riêng, nhưng cũng vẫn là ăn bốc. Anh bạn thân tình, thật thà nhận xét với người bạn nước ấy.
- Ăn bốc không vệ sinh.
Anh nọ cũng thân tình, thật thà, anh đã tới Việt Nam và anh nói lại:
- Các bạn thì cả chục người một bàn chung nhau một bát nước chấm. Ở Hà Nội, tôi đã được ngồi ăn với các bạn như thế. Cũng không vệ sinh chút nào.
Mới nhớ ra, ở nước ta, có lẽ chỉ có bữa ăn ở khách sạn mới được mỗi người một bát nước chấm. Chứ mọi nhà ngày ngày vẫn mỗi mâm chỉ có một bát đựng nước mắm, mắm tôm, xì dầu... rồi mỗi người chấm vào một bát ấy. Rau muống luộc quên để vỉ cho ráo nước, đặt vào đĩa ngay. Chấm rau, thấy bát nước chấm đã nhạt loãng mà mãi vẫn chưa cạn. Thì ra ở ngọn rau muống luộc, nước rau rỉ ra cứ đẫm thêm vào bát nước mắm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro