70. Giỗ tết
Mỗi người ta đều có nếp nghĩ, cái nhìn và thói quen được truyền lại có lẽ cả nghìn đời. Như người Việt Nam chỉ để ý một năm có tháng nhuận không, tháng nay thiếu hay đủ, không quan tâm mỗi năm bao nhiêu ngày. Ăn cỗ mừng sinh nhật là một nét mới, trước kia chỉ có mừng thọ, thượng thọ, lên lão và rất coi trọng nền nếp ngày giỗ. Một năm có những ngày bình thường, lại có những ngày khác thường, ngày khác thường ấy là những ngày cúng giỗ, tết nhất.
Những cái tết và những ngày giỗ chạp khá nhiều. Bây giờ vẫn còn thế - nhất là ở thôn xóm, nhà có thì miếng thịt lợn, cái chân giò, con gà, nhà thanh bạch thì đĩa xôi, nải chuối, nhà túng bấn kiệt cùng cũng phải thẻ hương, bát nước cúng đặt lên bàn thờ, cốt tấm lòng ghi nhớ, không ai tị hiềm, đua đòi, ganh ghét.
Tháng giêng, Tết cả, Tết nhất, tết Nguyên Đán có bốn ngày. Câu nói cửa miệng "ba ngày Tết" là như thế. Sáng mùng bốn hạ cỗ, "hóa vàng, đốt vàng để các cụ có tiền tàu xe về cõi âm".
Mùng bẩy lễ hạ nêu và động thổ. Cất đi cành tre chùm khánh đất mấy ngày Tết rét mướt vẫn reo lanh canh trong gió ngoài sân. Vác cuốc ra đồng, cuốc quàng cái bờ vài nhát "động thổ ". Hay là đi chợ, hay là vào khung dệt một tấc cửi "ngày tốt lấy may".
Tháng giêng tiết thanh minh đi tảo mộ đem theo thẻ hương, cái cuốc, tảng đá, mươi hòn gạch. Hương để thắp, cuốc xới cỏ, đắp mộ và hòn đá hòn gạch đặt thêm vào nấm mồ mỗi năm. Khi ấy, ở nhà làm cơm cúng gia tiên. Có nơi lệ tảo mộ tháng chạp trước Tết như ở chi họ ngoại nhà tôi.
Rằm tháng giêng đúng ngày Phật sinh. Không theo đạo Phật, chẳng đi chùa bao giờ, ngày Phật đẻ các nhà đều thổi xôi, nấu chè bà cốt. "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng".
Mùng ba tháng ba tết bánh trôi bánh dùng. Theo tục Trung Quốc là ngày giỗ ông Giới Tử Thôi. Xưa có ông Giới Tử Thôi bỏ triều đình vào ở ẩn trong rừng. Vua cho gọi, không ra, vua bèn đốt rừng. Nhưng ông và mẹ chịu chết cháy trong rừng. Nhớ ông, cứ đến ngày ấy vua cấm mọi nhà dùng lửa, thức ăn phải lo từ hôm trước. Người Hà Nội ăn bánh trôi bánh dùng chắc chẳng mấy ai biết cái sự tích cấm lửa ở tận đẩu tận đâu ấy.
Tết mùng năm tháng năm giữa mùa hè giết sâu bọ cho quanh năm được khỏe mạnh. Sáng sớm, trẻ con lội sông tắm, đeo bùa túi mua bên chợ Bưởi, vạch vôi vào rốn để trừ con giun quấy làm đau bụng. Rồi uống nước dừa, ăn các hoa quả đương mùa: đào, mận, bưởi... Con gái, con trai trèo cây hái lá móng nhuộm đỏ các móng tay móng chân. Đúng ngọ, ra ngắt lá bờ rào. Lá duối, lá ổi, lá sung, lá vối... đem về phơi khô để dành uống quanh năm. Các thứ lá linh tinh lấy buổi trưa ấy các cụ bảo đều là lá khước vì được giờ lành giờ linh, đến đỗi con thằn lằn, con cánh quýt đều biến đâu mất, tất cả các con vật đều im lặng. Tục ngữ: len lét như rắn mùng năm...
Rằm tháng bảy "xá tội vong nhân", trên chùa làng Đông cúng làm chay, bà vãi đứng vòng quanh chèo đò kể hạnh suốt đêm. Mọi người trong làng quấy bánh đúc lá gừng. Sáng trăng, ăn bánh đúc với ốc luộc, ốc bung chuối. Ốc vặn, ốc nhồi hồ Tây béo nhất vào tháng bảy tháng tám này.
Rằm tháng tám tết Trung Thu. Trẻ con, người lớn đều vui tết. Chơi đèn, rước đèn, đánh
trống múa sư tử. Trông trăng, bày cỗ phá cỗ, bổ bưởi, ăn bánh dẻo bánh nướng.
Có nơi ăn mùng chín tháng chín tết Trùng Cửu. Mùng mười tháng mười tết cơm mới, mừng cơm mới thì nhà nào cũng làm tết. Nhà nghề lụa nghề giấy và ở phường phố đều ăn mừng cơm mới với nhà nông. Lại Tết mùng một hay rằm tháng mười - tết Hạ Nguyên, cũng vẫn mừng cơm mới, được mùa.
Sang tháng chạp bắt đầu mọi việc lễ lạt sửa soạn cho tết Nguyên Đán. Hai mươi ba, cúng ông Công ông Táo. Vua bếp lên chầu trời tâu việc dương gian gia chủ quanh năm ăn ở tốt hay xấu. Lý lịch trích ngang của vua bếp người ta kể thì vừa thành kính vừa tiếu lâm. Ba hòn đất trong bếp - ba ông đầu rau, bảo đấy là "vua bếp hai ông một bà".
Lễ sắp ấn ngày 25. Làm việc quan đến hôm ấy xếp triện đồng, triện gỗ cất vào tráp đen. Mọi nhà chẳng bận chẳng biết cái tráp của các quan làng cũng thắp hương ăn cỗ về việc ấy. Sang giêng, có lễ khai ấn, lại đèn nhang. Chiều ba mươi tết cúng tiên thường. Tổ tiên ở xa tận dưới suối Vàng phải làm cỗ khấn nhắc các cụ nhớ về kịp Tết vui vầy với con cháu.
Thế là các ngày Tết quanh năm, đã kể hết và tính toán với lo toan đã xong.
Cúng giỗ không phải chỉ vì mê tín mà trước nhất là nhớ người đã khuất và ý nguyện cầu mong sự tốt lành. Cho chợ búa, hàng họ, công việc ăn nên làm ra, mọi người khoẻ mạnh bình yên, trong nhà trên thuận dưới hoà... Cuối tháng hai, nắng nhạt đã chớm gắt, cúng vào hè giải hạn kỳ yên. Mùa hạ được coi là mùa độc trời nhất trong năm. Nắng mưa oi bức đã mưa rào đổ nước xuống, trời lại ra tay đôi khi sét đánh chết người, trẻ nhỏ hay ghẻ lở, cảm sốt, tháo dạ ỉa chảy, đủ thứ ốm đau. Cứ nói đến đã rợn. Mùa này tràn lan bệnh sởi, bệnh đậu, bệnh thổ tả, người chết vãn cả đầu chợ. Sợ nhất trẻ con tắm sông tắm hồ sảy chân, con người bỗng chốc hoá ra con ma chết trôi.
Chiều mát, mâm xôi con gà, hương hoa đặt giữa sân, có nhà mời thầy cúng. Tháng sáu cúng ra hè rồi, dường như bấy giờ ai cũng mới nhẹ mình vì mùa hè dữ dội đã qua, đã có cúng. Quanh năm, ngày rằm và mùng một đèn hương. Đôi khi, sửa đĩa xôi, khoang thịt ba chỉ luộc, cút rượu trắng. Không phải cúng thần phật thế nào, mà là có lòng với trời đất.
Trong nhà có người đã mất, người già lão bậc cụ kỵ, ông bà hay người còn trẻ còn bé cũng đều được cúng giỗ. Cúng giỗ chia ra nhà chi trưởng họ và nhà trưởng nam.
Trưởng họ, trưởng nam giữ giỗ tổ, các cụ. Nhà thứ trai cũng như gái hàng năm về nhà trưởng góp giỗ. Thứ nam thứ nữ theo anh cả giỗ bố mẹ. Anh em chẳng may bất hoà mới cúng riêng, nhưng đến ngày giỗ vẫn đem thẻ hương đến nhà anh cả.
Nghề nông có tết cơm mới mừng được mùa, ước sang năm lại phong đăng hoà cốc thì các phường, làng nghề thủ công là giỗ tổ nghề: thợ may, nghề giấy, nghề làm hương, nghề phường hát, nghề canh cửi... Các làng nghề, họ nghề họp ở nhà thờ, nhà ông chùm đóng tiền làm giỗ.
Ấy là chưa kể những cỗ bàn không hẳn tính trước được, như ma chay và cưới xin. Bây giờ nếp sống mới, không chè chén hôm đưa đám, nhưng đến cúng năm mươi hay một trăm ngày, thế nào cũng làm vài mâm. Còn cưới xin thì nhiêu khê lễ lạt, nào chạm ngõ, xin hỏi, ngày cưới, ngày lại mặt...
Tất nhiên, ma chay, cưới xin hay khao vọng, khách khứa đến chia buồn, chia vui đều đem theo chai rượu với tiền phúng, tiền mừng - phía chủ nhà không khi nào phải thiệt.
Cũng là chưa kể việc họ, việc hàng giáp, việc làng, cỗ đình, cỗ chùa, cỗ đình miếu chia suất lấy phần về hay hưởng lộc ngay tại chỗ. Lại những công kia việc nọ, tuỳ thân sơ đến thăm hỏi, mừng cúng hay vào cỗ mặn, chẳng những với họ hàng, lại còn hàng xóm "bán anh em xa mua láng giềng gần" và trả nợ miệng. Tập tục rườm rà, tốn kém, dẫu bây giờ đã tinh giảm nhiều, nhưng trong làng ngoài phố, ma chay cưới xin, nhất là việc cưới vẫn tiêu pha hoang phí tràn lan. Ở thôn xóm, nhà nọ nhìn nhà kia. Ở phường phố, người có của, có chức có quyền thì nhìn người khác tương tự mình mà ganh đua.
Những hủ tục mới lẫn lộn đội lốt cái hủ tục cũ. Không biết rằng bao giờ giỗ tết thực sự cũng là một sinh hoạt phong tục đẹp, nhất là ở trong làng. Ngày thường ăn uống đạm bạc, đến bữa chỉ có niêu cơm và vài ngọn rau dền, rau bí vơ ngoài vườn, xưa kia còn cơm độn, tháng ba ngày tám cơm ngữ, bát ngữ độn khoai. Kể cả những nhà có máu mặt cũng kham khổ vậy. Đừng lấy thế làm lạ. Người ta gánh cái thiếu thốn đã lâu đời, lại cũng thói quen bóp mồm bóp miệng ngày thường, nhưng có thể no nê đụng bát đụng đũa khi khác thường.
Có nghĩa là vì nghèo cũng có, vì thói tục lo cái ăn cái uống trong giỗ tết cũng có. Cũng là cách "ăn tươi". Có khác là không bữa "ăn tươi" chiều thứ bẩy như nhà trong phường phố.
Ý nghĩa giỗ tết thật sự lâu đời ở đấy. Không kể bọn xôi thịt ngày trước và những đứa hợm danh, hợm của bây giờ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro