Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

68. Cái răng, cái tóc

Lại nói về hàm răng và mái tóc. Cái răng cái tóc, góc con người. Đáng yêu thế, đấy là giữ gìn cái tư thế và dáng vẻ con người ta. Nhưng ở lời bình cửa miệng này, chắc lẽ người đời chú trọng đến đàn bà nhiều hơn là đàn ông. Cũng như đàn ông răng đen răng trắng không mấy ai để ý. Dẫu sao, cũng là tục ngữ một thời. Bởi vì, người đàn bà vẫn mái tóc, hàm răng ấy, nhưng năm tháng qua, lại khác. Nhiều khi những thay đổi khác nhau đến không ai có thể nghĩ trước ra được. Cái đáng ghét hôm qua bỗng nhiên trở nên cái ưa nhìn hôm nay. Các cô đương để làn tóc buông che nửa mặt làm đẹp như bây giờ thì chỉ mới vài ba năm trước ở làng xóm hay trong phường phố ai trông thấy hẳn cười cô ấy sắp hóa rồ, hóa dại nên tóc tai mới rũ rượi như đóng vai đào điên Vân dại trong rạp hát như thế.

Ngày trước cũng có mốt, nhưng cái mốt không chóng vánh hàng tháng, hàng mùa như thời nay. Có lẽ chỉ có hàm răng ít đổi khác, cả nửa thế kỷ thay mốt răng có một lần. Cái thời nhuộm răng đen rưng rức, đàn bà răng hạt na, hạt huyền. Không được thế, bị chế diễu là răng cải mả, răng trắng như mắt ma, như thím khách, như răng con đĩ nhà thổ. Chẳng bao lâu, răng đen đều len lén vội vội đi hiệu chữa răng để cạo răng trắng.

Hiện nay, nhiều cô em má trắng môi hồng mà hàm răng vàng khè. Không phải kiểu mới, cũng không vì lười để bựa răng bẩn, mà các bác sĩ nói bởi người bây giờ uống nhiều kháng sinh, chất thuốc đọng lại hỏng màu răng trắng đâm ra vàng xỉn, gớm chết. Nhưng biết đâu, có ai lại tung ra mốt răng vàng khè mới là đẹp. Ai mà biết trước được.

Trở về cái tóc đáng yêu. Bé gái một thời, đương tuổi chơi khăng, nhảy dây, đánh lú thì cái đầu cạo trọc trắng, tóc để trái đào xinh xinh hai bên thái dương. Bé cũng biết biết thế nào là làm đẹp, đến khi nhớn nhao dần, mẹ mua cho cái cặp, cái lược cài, mới cảm thấy làn tóc của mình dường như mỡ màng ưa nhìn và có nghĩa thế nào.

Chẳng bao lâu

Tóc chấm lưng vừa chừng em búi

Để chi dài thêm rối lòng anh

Trước nhất, đấy là về phía người ngắm. Nhưng mái tóc của cô gái mới lớn đã dần dà sinh ra những điều khiến cô phải nghĩ. Trái đào trên đầu trọc lóc đã biến mất từ Tết năm nào, không muốn nhớ, chợt nhớ đến thì ngượng đỏ mặt.

Ở tuổi tóc ngang vai, các cô ngoài phố xá, chợ búa thì cài lược, cặp tóc, cái cặp tóc tuổi mười ba kẹp khít gần gáy rồi tuổi mười lăm chiếc cặp nhựa hay sừng được thả tóc xuống lửng lơ giữa lưng áo.

Hôm ấy đi chùa làng năm mới. Ở trong buồng nhà một cô đầu xóm, các cô xúm xít vấn khăn làm đỏm hộ nhau. Chị em cười rúc rích, nhưng cửa buồng thì lại cài then cẩn thận. Không phải "tóc rễ tre chải lược bồ cào" (hay là lược đồi mồi), mà mớ tóc các cô còn hủn hoẳn, cũn cỡn, chít vào lọn khăn lượt thâm, đuôi tóc cứ nhuôi ra. Trời ơi, đến năm nao, mong mãi mà tóc mới dài có hơn đốt ngón tay. Nhưng rồi thì cũng cắm được cái kim vấn đầu khăn. Lọn tóc lăn trong vành, ngắm hộ nhau chưa thỏa, mỗi cô lại tay cầm cái gương trước, tay cái gương sau, nghé nghiêng.

Đến tuổi trăng tròn thì tóc nuột nà dần. Chải đầu, mái tóc đen nhánh, chiếc lược thưa miết một vạch hất làn tóc vét sang hai bên, đường ngôi rẽ giữa thẳng chấm đỉnh đầu, và bẻ hiên tóc lưỡi trai che hờ sau gáy. Cô gái đương thì, món tóc tự nhiên thõng ra ngoài đuôi khăn. Không hiểu sao chỗ tóc dài mượt mà ấy lại có cái tên đùa cợt là tóc đuôi gà.

Bây giờ các bà các cô chẳng mấy ai để tóc đuôi gà nên cũng phải kể chuyện lại kẻo quên mất. Người trẻ có tóc đuôi gà bỏ ra ngoài vành khăn, đã đành. Còn người có tuổi, nạ dòng người tóc thưa cũng hay ra vẻ mĩ miều ta đây tốt tóc, đã độn tóc, làm tóc đuôi gà. Xem ra tóc đuôi gà, độn tóc cũng là cái thú trang điểm của tất cả các bà, các cô trên trái đất này. Cứ để ý các cô đầm châu Âu, châu Mỹ, lắm khi tóc nhuộm xanh đỏ tốt um, nhưng là tóc dởm, tóc giả đấy.

Có những chị hàng rong đi mua "chai, bao chè, đồng nát" lại có người quảy thúng đựng nồi kẹo mạch nha qua các phố, các xóm rao ời ời: "Ai tóc rối đổi kẹo!". Tóc rối, tóc rụng giắt lên khe vách thỉnh thoảng lấy một mớ đem bán đổi que kẹo cho trẻ con mút. Người mua tóc đem về xe xe vuốt vuốt thế nào tết ra được từng mớ tóc đuôi gà, khắp chợ quê chợ tỉnh treo bán trên quang gánh các hàng xén, thành tiền món cả đấy.

Đây kia, mấy cô đẹp như trong tranh thướt tha yểu điệu, hai tay thung dung vắt vẻo đương bước tới.

Khăn nhung vấn tóc cho vừa

Đi giày mõm nhái, đeo hoa cánh bèo

Quần thâm, lĩnh Bưởi cạp điều

Hạt vàng quấn cổ ra chiều giàu sang

Những vẻ đẹp như trên làm cho người trai tơ thèm muốn, ước ao cũng vào quãng những năm 1930 trở về trước. Rồi sau, đến trước khi các cô đua nhau sấy tóc "phi dê" thì những mái tóc và vành khăn cũng biến hóa nhanh.

Đường ngôi không rẽ giữa nữa, mà để lệch về bên trái, rồi tóc vẫn cuốn thành lọn, nhưng không chít khăn, gọi là "tân thời vấn tóc trần". Chưa đã là mới nhất, có người quấn búi tóc. Cái búi tóc mượt mà, cài trâm chặt chẽ nhưng lại như tự nhiên trễ xuống gáy, dịu dàng lả lướt. Bà con trong phố bảo đấy là các cô búi tóc bắt chước bên "Sà Goòng". Có nghĩa là lịch sử cái búi tóc gọn gàng của các bà, các cô Hà Nội bắt đầu từ chị em miền Nam. Tóc mốt, chứ không phải để tóc theo phong tục như các cô gái dân tộc Thái chưa chồng thì búi tóc sau gáy, có chồng thì búi dựng lên đỉnh đầu.

Cũng như có những điều ít ai còn có để ý đến gốc gác cái khăn. Các cô gái trong làng "khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng" đã là ăn diện sang. Khi tết nhất và đến ngày cưới, ở phố phường, cô dâu cùng các cô phù dâu chít khăn vành dây. Cũng vấn khăn nhung, khăn nhiễu, nhưng được vấn lẳn vuông gờ mép, cài chiếc kim vàng tây.

Kiểu khăn màu hoàng yến xếp nếp vành cao tầng trên đầu - hồi mới ra đời cũng chỉ cao vài vòng, không chất ngất như vành khăn của các cô thi hoa hậu và người mẫu bây giờ. Khi đó, gọi khăn là hoàng hậu, khăn Nam Phương. Bởi vì khăn kiểu này không hẳn nền nếp đài các cũ như khăn vành dây, mà là mốt khăn của hoàng hậu Nam Phương ở Huế đội trong những dịp long trọng. Lâu dần, quen mắt và phổ biến, người ta ngỡ khăn này lâu đời như khăn vành dây, như khăn vuông.

Lại trở về "cái tóc, góc con người". Vài mươi năm trước, không ai thả tóc dài phất phơ như bây giờ. Chẳng hơi đâu khen chê, mà chỉ nhận xét cái thời thượng bởi tôi đã vào tuổi những cụ khọm, dửng dưng trước sự biến thiên của trang sức thời đại rồi.

Có chuyện vui vui. Tết vừa rồi, trong buổi mừng năm mới của đài BBC ở Luân Đôn, cô phát thanh người Việt đọc bài ca dao Mười thương

Một thương tóc bỏ...

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Ba thương má lúm đồng tiền...

Bài này còn mấy câu "thương" nữa, thương "răng đen hạt huyền", thương "cổ yếm đeo bùa", cô phát thanh không đọc nốt. Chắc vì nó xa lạ với bây giờ quá - dù ở Luân Đôn hay Hà Nội, cô ấy cũng thức thời lắm. Cái câu "Một thương tóc bỏ đuôi gà", đã được cô tân trang, cô đọc là "Một thương tóc bỏ mơ màng". Đúng gu, khác nào tóc lướt mơ màng bây giờ. Còn ai trông thấy tóc đuôi gà chốn nào trên đầu ai nữa đâu. Cho hay là sự cảm thông linh hoạt và đáng yêu, dẫu là các cô gái Việt ở Hà Nội hay ở phương trời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro