Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

62. Phiên chợ trâu bò

Chợ Đồng Xuân to nhất Hà Nội nhưng không có phiên, ngày ngày cùng họp đông đúc như nhau, quanh năm mùa nào thức ấy. Cái chợ sầm uất giữa Kẻ Chợ này cả hoa quả cũng buôn bán vào Sài Gòn, cũng như hàng họ khắp nơi đổ về, lụa Bom Bay, tơ Quảng Đông, củ thủy tiên bên Vân Nam, lê táo ngoài Hồng Kông. Các tỉnh thì măng cụt, xoài Sài Gòn, trầu vỏ Thanh Hóa, vừng đen, bưởi Nghệ, khoai lang, củ từ Hải Dương. Chưa kể cua cá nước mặn, nước lợ, từng gánh theo tàu chợ ngày ba chuyến sớm trưa dưới Phòng lên... Kể sao cho xiết những giàu có của cái chợ mà kẻ ăn mày vét đĩa cháo sườn nhằn miếng xương gậm lại, người thì bạc vạn, bạc triệu.

Các chợ ngoài ô nửa quê nửa tỉnh quanh thành phố. Không phải chợ xép, chợ đuổi, chợ hôm, chợ mai, mà chợ ngoại ô là chợ một vùng. Vùng nào như thế nào thì mặt mũi bày cả ra chợ.

Chợ Mơ, chợ Dừa, người vác đến từng cái giỏ đại những con chạch, con lươn, cá trê, những xâu con ếch, con chẫu, những thúng cào cào, châu chấu rắc lá chanh đã rang sẵn vàng khé. Mùa tháng mười, trắng nhẫy những con chuột đồng đã luộc bày trên mẹt. Rõ là những cái ăn của quang cảnh đồng nước đầm Sét, đầm Mực, đầm Giảng Võ quanh núi Bò, các vùng trũng lầy lội phía tây, phía nam. Chợ Bưởi thì mọi thổ sản đem về từ nơi cao ráo hơn, nào ngô nếp ngô tẻ đồng bãi sông Cái, nào cam Canh, cà Cáo, rồi lại người Kẻ Sở cao lớn đen như củ súng, suốt ngày ngâm trong bùn hồ Tây. Không bị bắt nắng, họ từ bờ hồ lên, đội rổ ốc nhồi, ốc bươu. Nhiều buổi chợ hôm, người đánh giặm, người câu ném đến chợ muộn vác theo cả đồ nghề, cặp gọng vó, hom lươn, các chũm, cái cần câu, cái lờ... Miếng thịt không phải thức ăn hàng ngày, người ta sống nhờ con cua, con nhái...

Một tháng, chợ Bưởi có bốn phiên, ngày 4 và ngày 9, người các làng xa về. Ngày nay chợ Bưởi vẫn giữ cổ lệ bốn phiên, thêm phiên ngày chủ nhật cho người đi làm công sở tư được có ngày chợ, nhưng lại bỏ mất ba phiên chợ áp tết, mà trẻ con mong tết bao giờ cũng nhớ, cũng đợi ba ngày chợ ấy, gọi là phiên chợ trâu bò, chỉ áp tết mới có.

Ba ngày phiên chợ Tết đều có vẻ riêng, người các làng gần chợ mới dễ nhận ra cái khác nhau. Phiên 19, chợ chớm dáng tết, còn thưa người mua bán, hầu như khách cũng lượn chợ xem và hỏi chợ tết năm nay thế nào. Phiên 24, người đông hẳn, phiên này thực sự các làng ra sắm tết. Cả người Kẻ Chợ cũng về quê xách bó mía tím gậy ông vải, đong đấu gạo dự, gạo tám thơm Mễ Trì... Phiên 29, tháng thiếu thì phiên này bắt ba mươi tết. Có nhà đi sắm thêm, còn thì chỉ những người hôm ấy mới chạy được tiền, quáng quàng nháo nhác lên chợ.

Chợ tết, nhiều thứ không bán trong cầu chợ, ngoài bãi mọi khi mà bày cả ra hè đường, bề bộn bên gốc đề quanh chợ. Chỗ những phiên thường các lồng chim khuyên, chim ri đá, con khướu mun, hôm nay nhấp nhô từng dãy bu gà. Tết, chẳng ai mua chim chơi. Ông hàng dừa ngồi giữa cái gáo, cái muôi, xếp thêm từng đống giang chẻ làm lạt bánh chưng. Những chồng lá dong gói bánh ngoài cổng chợ, các hàng này tết mới thấy, không có chỗ trong cầu. Nhưng bên ngoài đông chẳng kém, người Sù, Gạ ngoài bãi sông Cái, các làng Sở, làng Dàn, cả trong Canh, trong Diễn quảy đến các thứ hoa quả bày tết. Mâm mũ quả có nải chuối xanh mẫm mạp, quả phật thủ ngón tay phật vàng mọng. Cành hoa trà hồng thẫm. Hoa trà cho điềm tốt lộc cắm vào độc bình trên án thư bàn thờ, ra ngoài giêng chưa rụng cánh hoa nào. Đằng kia, những cái sọt đựng quả bòng, quả thanh yên - còn gọi là quả tỳ bà, quả nào cũng to bằng cái thúng nhòi, vàng óng như đống rơm nếp phơi được nắng, một gánh gấc đỏ tươi - ngày tết, nhà ai cũng thổi xôi gấc, xôi hoa hiên. Từng bó mía cao như nứa ngộ, mía làm gậy ông vải dựng bên bàn thờ, khấc phấn trắng quanh đốt tím mận.

Chỗ tường đền ông Dầu bà Dầu mọi khi ngập ngụa rác, hôm nay đã quang quẻ, dẹp thành nơi các hàng tranh mà chỉ phiên chợ Tết mới có. Người xúm đông như đám chọi gà, nhưng ai cũng chỉ ngắm ngía chơi cái dãy những tranh bày trên mặt khố tải, tranh treo tường. Từng tệp tờ hồng điều in kín những chuỗi đồng tiền tròn xoe. Tranh tiền dán cột khắp nhà ngang, vách bếp. Xó xỉnh nào cũng tranh tiền là tiền. Để ước đồng tiền trong tranh thành tiền thật bò ra nhà, vào hòm, vào ống, vào con lợn đất. Sặc sỡ nhất những tranh gà. Chợ Bưởi chỉ bán tranh gà Kim Hoàng. Làng Kim Hoàng trong Canh có nghề tranh tết, nổi mẽ nhất tranh gà. Lạ sao, đẹp đầu đàn không phải gà trống, gà chọi mà là những gà mái, gà mái mẹ. Con gà lông đuôi lông cánh cong vút lên, mào mỏ dữ dằn, một lũ con rúc dưới bụng, quanh chân, màu đỏ, màu điều màu lục diệp ánh lên những màu đẹp mắt tốt phúc, phúc hậu. Trên tường đền treo vắt vào sợi dây gai chăng ra, loạt tranh nhị bình, tứ bình, các cô tố nữ uốn éo cầm kỳ thi họa cạnh những câu thơ Xuân du phương thảo địa. Hạ thưởng lục hà tri... Con cá chép to bằng cái quạt thóc, đớp bóng trăng, bên bức tranh trường khoát, trên tờ giấy lệnh vẽ "Kim kê độc lập" và "Tô Vũ chăn dê"...

Năm nay có mặt hàng mới, tranh Thượng Hải. Không phải tranh vẽ mà tranh ảnh màu những cô gái má béo tròn, áo xường xám xanh lơ, hai vạt tẽ ra trong thấy khoeo đầu gối đỏ hồng, những em bé mũm mĩm nồng nỗng giống búp bê, những tòa nhà năm tầng bảy tầng như cái tàu thủy nguy nga trắng phau. Lắm người xem ngắm, bàn tán. Giấy nõn qúa, trắng quá, không thuận mắt như tranh nhà chuột, tranh đánh ghen, hứng dừa, những tranh cái hĩm thằng cu tóc để trái đào tiến tài tiến lộc như sắp cầu được ước thấy.

Ôi chà, ba phiên chợ tết, đi rạc cẳng vẫn chưa chán mắt. Khoái nhất chỗ chợ trâu bò. Quanh quẩn đâu đâu rồi lại về đây. Cả năm chợ Bưởi chỉ có ba phiên này lái các nơi đem trâu bò đến bán. Con trâu con bò cày bừa thân thiết với nhà nông, trâu bò làm ra của ngọc thực không dễ mỗi lúc mà đem bán chợ như bọn lợn gà, chó má. Làng tôi vào hội lệ tháng ba, hàng giáp mổ bò, nhà đương cai phải lặn lội xuống tận Bằng Vồi mới tậu được con trâu xa hố què. Người ta nói nhẹ nhàng mua con vịt, con lợn nhưng nói quan trọng: tậu con trâu, tậu con bò. Đủ biết trâu bò ngồi đứng giá trị thế nào.

Vùng này vốn nghề thủ công làm giấy, dệt lụa. Cánh đồng làng toàn ruộng xâm canh của các chạ dưới. Chẳng mấy khi có con bò qua làng. Thấy con bê chạy lon ton, con nghé kêu nghé ngọ nghé ngọ, chúng tôi đuổi theo chẳng khác rủ nhau xem cái xe đạp kính coong. Cho nên, chỉ ham quanh quẩn chỗ bãi trâu bò ở chợ mới bên kia sông.

Nơi bán trâu bò ở chỗ bãi cỏ cuối chợ. Những con trâu con bò đều xỏ mũi thừng buộc gốc cây dướng, con nọ cách xa con kia, kẻo trâu lồng húc nhau thì vỡ chợ. Những con bê được thả dông lon ton quanh bụng mẹ. Chẳng biết người ta cho bê đi chợ làm gì. Không ai bán con bê còn bú mẹ, chưa phải đeo cái gạc tréo trên đầu, mà bê hoi sữa, thịt óp cũng chẳng ma nào thèm mua.

Kia kìa, lại một đàn trâu bò nữa đương vào bãi, nhấp nhô, đủng đỉnh giữa các ông lái chít khăn lượt tai chó, khăn nâu tày vố, tay dứ dứ cành tre dồn những con bò thong thả xuống bãi đã lố nhố những con bò đứng, người xung quanh ngắm nghía, thì thào hỏi giá. Đàn trâu bò này con nào cũng bùn ngập móng. Ngỡ ở các nơi xa, trên Sơn xuống hay trong Cầu Đơ ra, có lẽ người ta phải đánh về chợ từ gà gáy.

Chúng tôi chơi nghịch với những con bê. Đứa nào cũng tránh xa con trâu. Cái sừng nhọn hoắt kia mà hất một sừng thì có mà lòi ruột, ngẳng củ tỏi. Bò cũng húc cũng đá dữ lắm. Nhưng đứa nào cũng đã biết thóp chơi. Trâu bò không đá trước mà đá hậu. Độc chiêu một phát thục hậu cả hai chân, bụi mù lên, đá hậu hiểm đấy nhưng tránh cũng dễ. Chỉ có bê là hay. Bê bắng nhắng chạy vung vít. Sừng bê sắp mọc, ngứa lên da, lúc nào cũng toan húc. Nhưng bê húc thì ăn thua gì. Tôi không cần chạy, chỉ ưỡn người trệch đi, cái đầu bê tương vào khoảng không. Mà cũng chẳng cần tránh, tôi quay lại nắm ngay đầu bê, kẹp cả cổ bê vào nách, bê vùng ngoẵng ra mới thoát. Bê mà đá hậu tôi nắm hai chân lôi xềnh xệch như kéo cái xe cút kít.

Chúng tôi cười nắc nẻ chơi với những con bê trẻ con nhảy cỡn, húc đá lung tung. Cả buổi với những con bê, vui ghê. Chợ trâu bò người đặt giá, người ngã giá, dần dần nói to, không ghé tai thì thào, ai cũng véo von như hát. Mồm miệng lái trâu có khác, nhỡ một cái bị hớ ngay. Đến xế trưa người trong xóm dắt về một con bò lụ khụ, vai đã u lên phờ phạc lở loét, không kéo được cày nữa. Năm nào xóm tôi cũng tậu con bò, đụng thịt ăn tết. Chúng tôi không chạy theo con bò mới tậu về xóm mà còn chơi với con bê.

Nhưng chưa tan chợ, bê đã phải theo mẹ về. Chắc nhà xa, e tối giữa đường. Cũng có thể con bò cái ấy đã già lại to tiền quá, không ai dám mua. Mẹ con nhà bê lững thững giữa mấy con trâu, con bò ế và ông lái đã rượu rồi, mặt đỏ tía tai, cái khăn lượt tụt xuống cổ. Ông cầm cành giong, nhảy lên lưng trâu ngồi ngật ngưỡng.

Thế là bê được đi chơi chợ tết, cũng như bọn trẻ. Có đứa đuổi theo, đá đít bê mấy cái. Bê ve vẩy cái đuôi hủn hoẳn, rúc mõm vào bụng mẹ, không thèm đá hậu trả đòn. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo. Chẳng biết phiên chợ trâu bò sang năm bê có đi chợ nữa không.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro