60. Phố và làng
1
Nhà Nguyễn định đô ở Phú Xuân (1802), Thăng Long bị đổi tên, bị triệt cho mất thế phong thủy đế vương nhưng cứ tự nhiên nơi chốn ấy vẫn là trung tâm của đất phát tích. Rồi lại ngược đời, đến khi mất nước, các cơ quan cai trị ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) của người Pháp đã đặt ở Hà Nội, và Hà Nội thành thủ đô của Đông Dương. Những khu phố cổ (Kẻ Chợ), khu phố cũ (xây dựng thời thuộc Pháp) vẫn tồn tại, lại thêm những ghi dấu thời gian của lịch sử sang trang.
Kích thước Hà Nội khi ấy bé nhỏ. Lên đầu đê Yên Phụ đã ra tỉnh Hà Đông. Bãi giữa dưới gầm cầu Long Biên thuộc Bắc Ninh. Hết phố Huế là địa phận huyện Hoàn Long Hà Đông. Cho nên người Pháp không gọi phố (rue) mà là đường (route) Huế - đường là những phố đi ra ngoài địa giới thành phố, như đường Huế và đường Hàng Lọng trước cửa ga Hàng Cỏ.
Sau 1884, các triều vua Nguyễn cống dần thêm đất về Hà Nội cho Pháp, Hà Nội thuộc Pháp diện tích 12 kilômét vuông, dân số 20 vạn khẩu (tính tới 1939). Bộ máy cai trị khác các tỉnh, tuy vẫn rất riêng nhưng người Pháp khôn khéo dựa trên phong tục, tập quán làm như không khác. Danh lam, thắng cảnh, đền chùa, đình miếu như mọi nơi có các kỳ sóc vọng đều đèn nhang, cúng vái, khách thập phương vãng cảnh. Chẳng khác trong làng. Tuy vậy, ở trong phố không được hội họp hàng phe hàng giáp mổ trâu mổ bò tế lễ linh đình, không có rước xách, vui chèo hát như ở làng quê. Theo luật Tây, họp hay tụ tập đến năm người đã phải xin phép trước.
Không có tổng đốc, tuần phủ, tri huyện, ông bố, ông thương các hàng quan tỉnh mà đứng đầu thành phố là quan đốc lý người Pháp. Các quan phụ trách chuyên môn: kho bạc, bưu điện, trường học, thậm chí sở vệ sinh, sở trồng cây trồng hoa đều là Pháp. Hồ Thiền Cuông, có người đến bây giờ còn gọi nhầm là hồ Ha Le - Ha Le là tên một đốc lý Pháp được đặt cho hồ. Trường tiểu học, các đốc học cũng là người Pháp. Đến năm 1933, tôi đương học lớp ba tiểu học, nhà giáo Trần Trọng Kim là người An Nam đầu tiên được bổ đốc học các trường tiểu học ở Hà Nội.
Những việc trị an (buôn lậu, trộm cướp và việc chính trị) liên quan đến nhiều địa phương, do sở Liêm Phóng Bắc Kỳ cai quản cả 24 tỉnh Bắc Kỳ. Cảnh sát Hà Nội chỉ chuyên trách coi trật tự tại chỗ. Có hai bốt cảnh sát chính ở Hàng Trống và Hàng Đậu và một số đồn phụ ở đầu ô Quan Thánh, Yên Phụ, Bạch Mai. Tây đứng đầu đội xếp gọi là ông cẩm (commissaire). Tiếng lóng gọi đội xếp là "cớm", cớm Tây, cớm ta. Đội xếp các bốt đạp xe tuần đường phố luân phiên suốt ngày đêm. Cho nên, mấy tay đội xếp min đơ, min toa thành cua rơ xe đạp trong tiểu thuyết hoạt kê Số đỏ Vũ Trọng Phụng đã dựa vào cơ sở thực tế này. Cái gì khác mắt bị lôi thôi ngay. Vỉa hè, cống rãnh trước cửa rác rưởi, phạt tiền. Phơi quần áo trước nhà, phạt. Chửi nhau, đánh nhau, xe đạp không phanh không đèn, giải về bốt. Ỉa đái ngoài đường, phạt. Cũng lạ, cả thành phố không có nhà vệ sinh công cộng, mà gốc cây, góc tường không có cứt đái. Những cây me, cây sấu thì nhà thầu đã thuê tiền đội xếp trông giữ từ khi quả mới nhu nhú.
Các cửa hàng, cửa hiệu, các quầy ở chợ đóng thuế môn bài cả năm. Gánh phở, cháo gà bán ban đêm, đút tiền đội xếp thì được đứng một chỗ khuất góc đường. Các hàng rau, hàng hoa cúng, thúng giò chả ở ngoài thành vào, các trạm thuế đầu ô dán cái tem thuê ngày lên đòn gánh, lên thúng, lên nón. Bây giờ vẫn còn một cái nhà trạm thuế ngày ấy ở đầu dốc Ngọc Hà. Những người đóng thuế ngày phải gánh hàng đi rong, không được ngồi một chỗ. Có lẽ chữ "hàng rong" bởi cả ngày cả buổi phải đi rong như thế.
Mọi việc thuế má, kiện cáo, khai sinh khai tử, giá thú, đất cát, đều lên thẳng các phòng giấy trên toà đốc lý - chính quyền thành phố chỉ có một cấp. Những ông hộ phố toàn thành - cũng gọi là phố trưởng, không có bộ máy làm việc, không hét ra lửa như chánh tổng, lý tưởng trong làng. Hộ phố được đặt ra như trưởng thôn, lại cũng như thằng mõ để các quan Tây ngồi trên sai bảo.
2
Ở Cửa Đông, có một nhà bách hoá của Nhật, lan can gác đắp xi măng tên nhà hàng Sumanaki, trên tường kẻ số năm xây 1892. Cái nhà này bị phá dỡ năm trước. Đầu phố Bà Triệu gần Bờ Hồ, cạnh Thư viện Hà Nội, có ngôi nhà một tầng - nhà ở chia từng phòng, không phải công sở hay biệt thự, trên tường trước mặt nhà đắp nổi năm xây 1890. Nhà này mới bị dỡ giữa 1997.
Rải rác trong thành phố còn nhiều vết tích năm tháng như thế, kiến trúc Hà Nội cũng là hình ảnh biến đổi từng trang đời thành phố. Mấy trung tâm, Tràng Tiền, Hàng Khay, mép vỉa hè đều đẽo bằng đá tảng. Đấy là những tảng đá được lấy từ núi chùa Trầm, chùa Thầy về lát và bọc những bờ hè, vỉa hè đầu tiên của Hà Nội, bấy giờ còn hiếm xi măng, cốt sắt. Đi một vòng hồ Hoàn Kiếm, xem tháp Hòa Phong, Tháp Rùa, tượng vua Lê, lên Cột Cờ, thành Cửa Bắc, ô Quan Chưởng, những nhà cửa, dinh lũy đều như vẽ ra bộ mặt thành phố qua các đời pha trộn. Những nét phảng phất của tôn giáo: tháp Hòa Phong đạo Phật đại thừa lẫn tiểu thừa. Tháp Rùa tương tự ô cửa nhà thờ đạo Thiên Chúa. Tượng vua Lê mũ bình thiên thời Nguyễn. Có người viết báo rằng tượng vua Lê đặt ở đây có ý thâm thúy đăng đối với tượng toàn quyền Bôn Be chỗ vườn hoa cạnh nhà Bưu Điện. Đoán thế có đúng hay không, chỉ biết quan khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải là người tổ chức quyên và hưng công tượng vua Lê.
Không phải Hà Nội chỉ độc đáo bởi "băm sáu phố phường" xưa cũ, mà một thế kỷ trở lại đây, thành phố dần dần được bồi đắp thêm. Cho nên phải kể là độc đáo thì cần gìn giữ cả những vùng gọi là khu phố cũ bao quanh vùng phố cổ. Những phố Điện Biên, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt ngày nay - trước kia gọi là đại lộ, đôi bên song song vỉa hè, những hàng cây sấu, cây nhội, cây đa lông, cây long não giao cành sang nhau thành những đại lộ thông cù. Những ngôi biệt thự hai tầng trên một tầng lửng xây đá hộc giữa khu vườn cây và hoa mà người ta bảo kiểu nhà và vườn ấy hệt nhà cửa các thành phố ở Pháp và châu Âu thế kỉ trước, bây giờ chỉ còn thấy ở Hà Nội. Ngay trong các phố ở khu phố cổ cũng có những dãy nhà hai tầng không ban công (các phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến) cũng là nhà kiểu Pháp thế kỷ trước.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, sắt thép bên Pháp không chở sang được, người ta xoay ra làm nhà kiểu cổ. Thực thế chứ không bận gì đến những báo chí hô hào phục cổ. Ở dốc Ngọc Hà, ở phố Nguyễn Du còn những ngôi nhà tường dày, mái cong. Có người nhầm là thuyết Đại Đông Á của Nhật đem tinh thần phục cổ vào kiến trúc thành phố. Không phải, làm nhà như thế ít phải dùng xi măng, cốt thép vậy thôi. Ở các phố khu quanh phố cổ thường là nhà riêng của các nhà chức trách, nhà buôn, chủ đồn điền người Pháp, các quan tổng đốc, quan tuần phủ đầu tỉnh các nơi về tậu nhà làm nhà ở Hà Nội.
Khu phố cũ gồm một vùng to rộng, không phải chỉ là các nhà biệt thự như trên. Các dãy phố phía nam chợ Hôm, từ Trần Xuân Soạn sang Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân đến vùng chợ Đuổi. Trong các phố ấy, nhà của những thầy thông, thầy phán làm việc ở công sở, đôi khi là nhà các nhà buôn giàu có trên Hàng Ngang, Hàng Đào. Nhà một tầng lợp ngói tây, từa tựa nhau. Bên nách có một cửa ngách có chiếc xe nhà ra vào và cho phu đổi thùng đêm vào chuồng xí lấy phân. Năm 1954, trở về Hà Nội, tôi ở gần hồ Thiền Cuông, trần nhà còn những móc sắt để mắc quạt kéo, thời ấy các nhà người An nam chưa mấy nhà có điện, nước máy. Trên cổng nhà nào cũng đắp một mẩu tường hình lá vả giữa nổi hàng chữ năm làm nhà: 1920... 1923... 1925... Đấy là phố xá của những người trung lưu, khu phố cũ này đông nhà hơn các khu biệt thự.
Lại còn một vùng dọc dài trong bãi sông Hồng, từ An Dương lên qua Nghĩa Dũng, Phúc Tân xuống Phà Đen. Ở đấy lúc nhúc những người cùng khổ, phu khuân vác, cu li đẩy xe bò, xe cút kít, kéo xe tay, bọn đầu trộm đuôi cướp, những ổ gái điếm, ổ gá bạc. Dưới bãi khi ấy chưa có nhà gạch. Hàng năm, đến mùa lũ lụt, nước lên ngập cả tháng đến lưng đê. Người ta chui rúc trong những túp lều tạm bợ, đôi khi nổi lên những trận gió cát cuốn bụi mù, bay tung cả lều lán tan tác xuống sông Hồng.
3
Ngoại thành Hà Nội cũng như mọi nơi, mỗi làng có một cái đình. Làng có thể không có chùa, không có đền miếu, nhưng làng nào cũng có đình, làng nghèo thì hai làng chung một đình. Nếu bây giờ không thấy làng có đình, ấy là cái đình đã bị phá. Quân Pháp đã triệt hạ cho quang đãng quanh đồn bốt. Máy bay Mỹ ném bom. Hay là đình thành sân phơi thóc khi buổi đầu lập hợp tác xã. Hay là ta đã " tiêu thổ kháng chiến" trong kháng chiến chống Pháp.
Đình thờ thần hoàng. Người đi làm ăn xa cũng hội tụ lại làm đình thờ vọng thần hoàng làng. Các ngôi đình trong khu phố cổ ở Hà Nội, hầu hết là đình thờ vọng. Những người tha hương vào cầu khẩn đất phía nam, xuống tận Rạch Giá, Cà Mau cũng " mỗi xã đều có đình, hàng năm lễ tế kỳ yên trong tháng giêng, tháng bảy. Già trẻ họp nhau buổi tối tại đình gọi là túc yết, sáng hôm sau, áo mũ chiêng trống làm lễ chánh tế. Tế phẩm thường là trâu bò, lại có ca xướng, tùy lệ mỗi làng " (Gia Định thành thông chí).
Thần hoàng được thờ thường là danh nhân trong lịch sử, từ truyền thuyết đến chính sử. Có khi thờ tổ nghề và thờ cả người chết bất đắc kỳ tử. Người ta tin ông thần hoàng thiêng liêng coi sóc mọi mặt trong làng. Ngôi đình thờ được dựng ở nơi cảnh đẹp theo phong thủy, có hướng sông hồ, tay long tay hổ. Đình phong quang - ao đình nước sánh như gương, trồng sen, trên bờ có cây đa, cây muỗm cổ thụ, cảnh chí không âm u tĩnh mịch như đền, chùa.
Có lẽ cái làng Việt Nam ra đời từ khi người Việt biết hội tụ lại, thành bộ tộc. Những chức danh hương trưởng, xã trưởng, lý trưởng mỗi thời gọi một khác, nhưng người đứng đầu trong làng thì có tên trong sử sách, gia phả, bia ký, hương ước lâu đời.
Người Pháp chiếm Việt Nam đã nghiên cứu tổ chức bộ máy làng xã khá tinh vi bắt chước nền nếp tương tự làng xóm cũ. Năm 1923, phủ Thống sứ Bắc Kỳ ra một văn bản gọi là "Nghị định về cải lương hương chính", phổ biến toàn quốc, tuy ở Trung Kỳ và Nam Kỳ tên gọi các người chức việc trong xã có khác, nhưng nội dung cũng tương tự như nhau.
Cái guồng quản lý làng xã như làng tôi, được cải lương bao gồm:
1. Các người chức việc thay bằng hội đồng tộc biểu - đại biểu các dòng họ trong làng. Đến 1927, lập lại hội đồng kỳ mục tồn tại cùng hội đồng tộc biểu. Tới 1941 sinh ra hội đồng kỳ hào, gộp cả hai hội đồng trên lại. Hội đồng lo mọi việc phạm vi làng, xã, có nơi đặt thành hương ước.
Ở các hội đồng, có chánh hương hội, phó hương hội, thư ký, thủ quỹ. Từ 1941, đặt chức tiên chỉ, thứ chỉ. Tiên chỉ, thứ chỉ là những người có bằng sắc và quan lại người làng.
Về chuyên môn, có hộ lại (sổ sách về sinh tử giá thú), trưởng bạ (sổ sách về ruộng đất). Hai việc này ăn ngành dọc liên tỉnh. Chủ tế (vai chính trong đám tế), thủ từ (giữ đình đền) được cắt lượt trong các cụ thượng thọ.
Làng khá thì xây nhà hội đồng. Làng nghèo, hội đồng họp ở đình. Thường thì sóc vọng đầu tháng giữa tháng, người mõ làng được sai làm mâm xôi, con gà và chai rượu. Các cụ chia phần hoặc đánh chén còm ngay tại nơi họp. Người mõ chặt thịt gà khéo, hàng chục miếng, phải lấy cái tăm xọc mà miếng nào cũng đủ thịt và da như Ngô Tất Tố - một nhà nho đã từng tranh chân hương ẩm - đã viết rạch ròi trong phóng sự Việc làng.
2. Hội đồng chỉ coi sóc việc trong làng. Làng phủ, huyện, tỉnh hầu quan trên là việc của lý trưởng. Lý trưởng là người duy nhất đại diện chính quyền một xã. Chánh tổng coi chung hàng tổng nhưng không rõ ràng quyền hành ở xã nào. Lý trưởng đảm nhiệm đốc thuế, thu thuế, phát thẻ thân, xử kiện nếu không phải đưa lên huyện và bắt phu, bắt lính. Hội đồng có triện hình bầu dục bằng gỗ. Lý trưởng được trên tỉnh phát triện chữ nhật bằng đồng.
Lý trưởng và các ông hội đồng không có lương, nhưng bổng lộc thì không ai biết, không đếm được. Cùng làm việc với lý trưởng có phó lý, chuyên lo an ninh, tuần phòng. Dưới quyền phó lý có khán thủ, trương phiên, tuần đinh (trai tráng đến 18 tuổi đóng thuế thân mà không có bằng sắc hoặc chân tư văn, gọi là bạch đinh, phải đi phu, đi tuần). Tôi cũng đã bị bắt đi phu hộ đê sông Hồng. Đến năm đỗ bằng tiểu học, u tôi làm mâm xôi con gà đưa ra các cụ cúng ở văn chỉ, từ đấy được miễn phu phen, tạp dịch.
Tháng tám 1945, đã xóa bỏ chính quyền do Pháp rồi do Nhật đặt ra. Ở mỗi xã khởi nghĩa, dân làng kéo vào nhà lý trưởng, tìm cho được cái triện đồng, giơ ra trước đám mít tinh cửa đình, coi như "tịch thu đồng triện" đấy mới thật là giành được chính quyền.
Người Pháp chẳng coi ra gì văn hóa làng xã mà biểu hiện là cái đình làng, nhưng họ xây dựng bộ máy từ lý trưởng (hương trưởng, xã trưởng) đến các hội đồng tương tự cái cũ, khiến việc cai trị cho thích ứng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro