112. Chiếc áo dài
Ở nước ta, các dân tộc, Kinh, Thái, Mường,Tày, Nùng, Dao và một số dân tộc anh em khác, trong trang phục có cái áo dài mà cả đàn ông và đàn bà xưa kia đều mặc. Cái áo dài của mỗi người ở mỗi thời kỳ đều có thay đổi. Bởi quần áo, khăn mũ, giày dép không đơn giản chỉ che thân và sạch sẽ mà mọi thứ sắm sửa còn điểm trang làm vui làm đẹp cho con người các lứa tuổi.
Đầu thế kỷ, đàn ông mặc áo dài trong mọi dịp, từ đi lại ngoài đường đến trong giao tiếp. Bây giờ áo dài nam giới chỉ thấy ở làng quê và các cụ trong đám thứ, tế lễ, hò hát, ca nhạc dân tộc.
Áo dài của các bà, các cô, một thời ở một số nơi cũng không mặc, vì điều kiện sinh hoạt và làm ăn, vì có sự bài bác cho là cổ hủ. Nhưng nay thì đã mặc nhiều. Tuy nhiên, cũng không nhiều khắp lượt, và ở đâu cũng có như trước kia mà phần nhiều chỉ thường ở phường phố và những dịp long trọng đi họp, dự liên hoan đám cưới. Có thể do nay sẵn vải vóc mới, lắm mốt ăn mặc và mọi điều kiện khác trước, cái ăn, cái mặc cũng không đứng yên một chỗ.
Chuyện cái áo dài cũng là một ghi nhớ đáng chép lại cho lịch sử ăn mặc. Cũng là áo dài, nhưng không phải cái nào cũng giống cái nào. Ở mỗi vùng, ở mỗi tầng lớp, may mặc đều khác nhau. Ở đây lấy làm ví dụ cái áo dài của phụ nữ Hà Nội và các làng mạc xung quanh mà tôi được biết.
Xưa kia, áo dài của giới nữ, áo dài trong làng không như cái áo dài hàng phố, nơi phồn hoa đô hội ganh đua, nơi chuộng ăn chắc mặc bền, và áo của người giàu có, sang trọng không mảy may, đơn giản như áo người nghèo khó. Kiểu cách và màu sắc, cái áo ở tuổi con gái khác tuổi nạ dòng, khác tuổi già. Có điều không phải là khác hẳn, mà lứa tuổi cũng như trong làng ngoài phố đều lai nhau, bắt chước nhau, cái chính là trong làng bắt chước phố phường.
Các cô trong làng, lớn lên, mặc áo tứ thân và váy chồi - về sau mặc quần, còn cái váy thì dần dần biến mất. Có nhà khá giả, con gái tóc trên đầu còn để trái đào đã mặc áo tứ thân, thắt lưng con cón. Gọi áo tứ thân vì đằng trước hai vạt dài, một vạt con và vạt lưng áo, cả thảy bốn mảnh. Thường thì áo the, áo lụa, có thắt lưng buông vạt trước. Còn áo tứ thân nâu non, nâu già - áo đi đường, đi chợ, hai vạt trước thắt lại thả xuống gọi là áo dài thắt quả găng.
Những dịp hội hè, đình đám, tết nhất, quần áo và thắt lưng mới "mớ ba mớ bẩy". Cho đủ mớ thắt lưng rườm rà này thì đếm lần lượt mới ra. Trong cùng là hai dải yếm - yếm đeo trên cổ, trên ngực nhưng hai dải tỏa dài xuống làm cái thắt lưng màu hoa cau, hoa hiên - có thể cái yếm trắng nhưng dải yếm thì không bao giờ để vải trắng, lụa bạch. Thứ đến thắt lưng bao - các cô tuổi đã chín hay các bà nạ dòng, thắt lưng trong vạt áo dài sau lưng cũng như trước mặt, quấn một vòng. Thắt lưng bao bằng chồi và đũi màu mỡ gà phải là lượt hay đũi dày bởi nó là cái bao thật, đôi khi trong bao giắt cái gương, khăn mặt, túi tiền, hào tiền giấy. Rồi ngoài cùng mới là dải thắt lưng dài nhất bằng lụa chuội hay nhiễu tam giang.
Chân bước đi, các đầu thắt lưng và những tà áo, có đến mười đầu thắt lưng và tà áo phất phới "mớ ba mớ bẩy".
Dải yếm và thắt lưng giữ cho tấm áo đứng thân. Khuy nách áo là khuy để hờ, ít khi cài vào khuyết. Cổ áo có khuy, có khuyết cũng không đóng. Nhưng không phải thế là để hở ngực, bởi vì trong ngực áo không cài khuy cũng đã có yếm che. Yếm cổ xẻ hay cổ xây là vuông vải chúc bâu trắng, vuông lụa nhuộm nâu non, màu đào, màu mận chín với hai dải thắt lưng hoa cau nền nã. Những người tuổi đã đứng và con gái nhà phong lưu đều mặc áo đóng khuy. Sau này, làng xóm cũng hơi hướng thành thị, bỏ bớt thắt lưng rồi bỏ cả. Áo dài chiết tà, bỏ ống tay, xiết lưng cho "xanh tê", bó thon lại, đã đóng khuy lại thêm khuy bấm ở nách, ở cửa tay. Cô gái làng ra tỉnh ít lâu trở về mặc áo dài mới, anh nhân tình trông thấy người bỗng vừa mừng vừa lo. Áo dài khuy bấm em làm khổ tôi (Nguyễn Bính).
Cũng áo tứ thân còn áo dài đổi vai. Áo đổi vai không phải diện đi hội, đi chơi. Nhưng cái áo đổi vai có cái đẹp riêng được hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen thì áo nâu áo the mặc đi chợ, đi đường xa mưa nắng, đeo tay nải hay gồng gánh, mồ hôi rầu rã, vai áo chóng bạc, chóng rách cho nên phải đổi vai, thay từ nửa lưng lên vai bằng miếng vải nâu non mới, trên vạt the nâu, nổi lên hai màu khác nhau. Nhưng cái áo đổi vai cũng còn có ý khéo của người con gái biết làm duyên cả những khi đang xốc vác quảy gánh. Hai mảnh vải thay vai áo, có khi khâu thẳng ngang đều, cũng có khi cố tình khâu so le miềng dài miếng ngắn một chút.
Ở nhiều làng quê, các chị nhàng nhàng đứng tuổi vào mùa hè cắp rổ hay quảy gánh lên chợ mặc áo đổi vai khá táo bạo. Không mặc mà cái áo chỉ vắt vai, trước ngực có yếm, nhưng cả tấm lưng và vai đều trần. Đấy là các người đã có chồng con, chứ con gái thì không dám mặc áo hở lưng ra thế.
Áo dài trong làng dần dần được cải tiến theo áo dài thành thị. Cho tới giữa thế kỷ, kinh tế và cuộc sống con người phố phường nhộn nhịp mở mang hơn. Buôn bán thông thương vào nam ra bắc, đi Hồng Kông, sang Vân Nam, sang Pháp. Xống áo cũng thay đổi theo thời. Không phải chỉ có the lụa, mà may áo dài có hàng kép xuyến, nhung, đoạn, xát xi, lụa Bom bay...Không phải chỉ có bác phó may đeo tay nải đựng đồ nghề cái kéo, cái vạch, cái đê, đi làm hàng theo vụ, theo mùa, không chỉ may tay, mà các lò may, hiệu may sắm máy khâu Sanh - dê nhập bên Pháp sang.
Các bác phó may khéo tay câu khách giỏi đã nghĩ ra những cải tiến cái áo dài. Không biết bác phó tài hoa nào đã sáng tạo những cung cách tân thời ấy chỉ thấy khắp chợ thì quê, cái lúc mốt mới tràn đến như thế thì đua nhau bắt chước. Hàng tốt, hàng đẹp, lại mốt mới, chiếc tà áo, cánh tay, lưng lượn bó, bỏ vạt con, bỏ cái lá sen quanh cổ, đầu tiên thấy chống chếnh rồi cũng quen mắt. Rồi cạnh cái khuy đồng khâu để làm vì thêm khuy bấm cho thật sát nách, chặt chẽ cổ tay, dựng cái áo nổi mình hơn. Những chiếc thắt lưng và yếm đã bỏ đi từ lúc nào, cái thắt lưng đã giản dị thay bằng cái cạp quần dải rút, thay yếm là cái áo lót cộc tay ba lỗ (áo này chưa phải là coọc xê).
Thế nhưng dẫu đến khi khâu máy đã thắng thế mạnh mẽ - mở lò khâu phải có máy khâu và trong thành phố, số lò khâu có máy khâu phải tính hàng trăm trở lên, hầu như phố nào cũng có và nhiều lò nhất là ở phố Khâm Thiên. Vẫn phải có bác phó khâu tay, ở thời máy khâu nhưng đường kim mũi chỉ dựng nách, viền cổ, lườn áo và thùa khuyết vẫn là bàn tay bác phó. Cho đến hiện nay, may lót áo kép, áo bông dài nhiều người vẫn may tay.
Trong phong trào máy may, phó may cải tiến có nhà cải tiến nổi lên thành tên là họa sỹ Cát Tường. Cát Tường là nhà cải tiến áo dài tân thời có trình độ, ông đã tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, trường ấy không dạy cắt may nhưng vốn mỹ thuật giúp ông hiểu biết và phát huy cải tiến mốt quần áo. Cái tiếng nhà nghề của ông là bác phó mốt, phó cắt, chứ không phải phó may, nhưng được tiếng tăm nhờ tờ báo Phong Hóa, báo Ngày Nay của văn đoàn Tự lực đương chủ trương cải lương nếp sống (Nhà tranh kiểu Ánh Sáng, quần áo tân thời v.v...). Áo dài Cát Tường cải tiến có cái được cũng có cái trải qua sử dụng rồi nhạt dần. Dáng áo Cát Tường vạt rộng, vừa buông chùng xuống vừa thắt lưng ong lại nâng ngực cao lên và cổ áo cao hơn một phân thì bây giờ vẫn đương thịnh hành. Nhưng không phải tất cả áo dài bây giờ đều kiểu ấy. Có áo dài vạt không chiết và ngắn dưới gối một chút, tay áo rộng, các cô gái Sài Gòn, nhất là những nữ sinh áo tím thành Huế ưa mặc và đấy cũng là một kiểu phổ biến ngày nay như bóng dáng Cát Tường.
Nhưng các mẫu áo cho học sinh nam nữ mặc đi học, đi cắm trại của Cát Tường đã giới thiệu trên báo thì không còn sống kiểu nào. Và ở áo dài, những cải biến, cổ bắt chéo thêu hoa, khuy tết, hai vai áo cắt dời để khâu bồng vai áo lên, gọi là vai bồng, mốt đặc biệt của họa sỹ Cát Tường đã tung ra, mà các báo của Tự lực Văn đoàn cổ động. "Công tử vai long đình, tiểu thư vai bồng" chỉ háo hức lúc ấy rồi mai một dần vì nó Tây quá, không hợp. Phụ nữ châu Âu và Ả Rập cao lớn, vai và ngực đồ sộ, áo vai bồng càng tôn cái rực rỡ lên.
Phụ nữ Việt Nam mảnh dẻ, thêu hoa lá và khuy tết rườm rà, hai cái vai áo bồng lởm chởm che mất vẻ đẹp của đôi vai nhỏ nhắn. Vai tròn, vai lẳn, cái áo dài mượt mà càng thêm ý nhị, duyên dáng con người.
Các mốt đều một thời, lâu nay mau rồi tàn tạ, chỉ kiểu nào thích hợp thì tồn tại lâu. Cũng như cái khăn, cái khăn "hoàng hậu" của nhiều hoa hậu và cô dâu đội ngày cưới bây giờ. Nó có tên là "hoàng hậu" bởi gốc nó là mốt cái khăn vàng cao nhiều nếp của bà Nam Phương vợ vua Bảo Đại đội những khi có tiệc, có lễ, trông có vẻ gọn, nhưng thật lại kềnh càng bây giờ làm nếp cao hơn khăn hoàng hậu nhiều như thế chắc cũng chỉ có thời. Trong khi các bà các cô chít khăn, nhã và đẹp từ xưa kia tới bây giờ, là khăn vành dây. Khăn nhung chỉ điểm trang nhỉnh hơn mái tóc một chút, hợp với khuôn mặt. Chị em dân tộc Tày ở Cao Bằng chít khăn nhung ăn với nước da trắng, thật yểu điệu, đội lúc nào cũng được, không phải đội mốt.
Gần đây, ở các cuộc thi thời trang đã thấp thoáng có người đẹp chít khăn vành dây. Mà ôi thôi, đương cái áo dài lại lan man sang cái khăn. Nhưng mà kể ra cái ăn, cái mặc, cái nói, cái đi đứng, những quan hệ và giao tiếp của người ta là việc của nền nếp văn hoá con người rất thân thiết, nên bàn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro