111. Vườn hoa
Vườn và hoa, thú tao nhã đã bao đời thành nền nếp trong sinh hoạt mỗi người.
Trên cửa khu nhà, ở đường phố lối đầu xóm, buông xuống dây phong lan, khóm vạn niên thanh, cây ớt quả tròn quả dài đỏ lừ, lại cây mào gà tía, cây ngọc lan... chật chội hay thoáng đãng, những điểm xuyết ấy làm cho cảnh có duyên hơn.
Vườn hoa, luống hoa, cây cỏ hoa lá với kiến trúc xây dựng mới hòa nhịp, không thể thiếu. Trước cổng doanh trại, nhà máy, cửa trụ sở, quanh nhà bia nghĩa trang, sân bệnh viện, trường học. Ở tỉnh lị, các thị trấn, mỗi vùng sản xuất đang xây dựng đã mọc lên những vườn hoa, những vườn cây.
Vườn hoa là bài thơ cuộc sống.
Hãy sáng tạo và phát triển những vườn hoa cốt cách Việt Nam. Mọi loài hoa nhập nội thích hợp với thổ ngơi đều được trân trọng, nhưng trước nhất làm cho thích ứng với phong cách vườn hoa mình.
Những người khéo tay, những người thợ cả nước đã dày công làm nên những ngự uyển của các triều đại. Thăng Long đã có hoa viên vườn ngự, cả kinh thành tráng lệ từ văn miếu ra đến sông Hồng mà hồ Tây là tấm gương nước giữa ngự uyển, bao quanh những lăng tạ, chùa chiền những cung cấm, miếu mạo và dậu trúc.
Trong con mắt, tình cảm và tâm hồn, mọi hoạt động đời sống đều quyện với hình ảnh thiên nhiên. Bóng mát cây đa, cây si, cây muỗm cho người nghỉ chân đầu làng. Cây đề, cây trôi, cây gạo che mái cầu quán giữa đồng. Mỗi người tự nhiên, tưởng như đã từ trong vui buồn kỷ niệm của đời mình đều mang hình ảnh quang cảnh ấy. Cái cây ở quê nhà sao mà đầm ấm. Cây kia dù đẹp, dù lạ gặp ở nơi đất khách, không để lại mấy nghĩ ngợi. Tàu hỏa từ phía Bắc xuống, vừa qua cửa khẩu vào Đồng Đăng nhìn những rặng tre xanh xanh đã bồi hồi.
Cây đại, cây đa cửa miếu, cổng đình người đi qua tấm bia đá có hai chữ "hạ mã", cảm thấy uy nghiêm. Bụi hoa sói và cây mộc già sau cái giại bể nước mưa ở nhà hậu chùa làng, thoảng thơm lẫn mùi đất ẩm nước mưa đem lại cảm tưởng tĩnh lặng. Có người, có cây, có hoa. Cây cỏ và hoa thơm đã vào ca dao, bóng dáng nó đã nên thơ, đã là thơ.
Vườn của ta đậm đà thổ ngơi cây cỏ nhiệt đới. Vào công viên giữa thành phố dù tấp nập đến đâu cũng được thấy như đang trong vùng tươi xanh, gặp ở đây, đã quen ở đâu, có dễ từ tuổi thơ, từ trong câu chuyện hoa ngọc lan bà kể.
Trồng cây lấy bóng mát là phong tục lâu đời. Công viên của ta không chỉ có hoa luống, hoa vụ theo mùa, mà có hoa giàn, hoa leo bên những cây đại thụ.
Quanh nhà trồng cây ăn quả, nhà ngói cây mít... Ở đâu có mái nhà hay cái cầu, cái quán giữa đồng cũng bên cạnh đều có cây.
Không để cái điếm canh cống mở nước nông giang chơ vơ đầu đê không bóng cây. Không để chuồng trại nuôi lợn, nuôi bò, nuôi dê và gà ngỗng cứ trơ trẽn như đống gạch phơi giữa cánh đồng. Ý nghĩa vườn và hoa, cây trồng đời này cho bóng đời khác - lối sống văn hóa Việt Nam.
Cây vườn hoa không như cây cảnh gò uốn núi non bộ mà đây đời sống tự nhiên của thảo mộc. Cái đẹp của những thân cây cổ quái, cây đại, cây đào, cây mai, những cây si, cây sanh buông rễ chùm, những cây lựu hoa đỏ hồng, những bành vè gốc cây sấu, rễ cây đa lượn sóng quanh gốc. Hàng cây chò nâu, chò chỉ, cây ban, cây bằng lăng trên đường. Một góc tre trúc mọc thành bờ dậu trong vườn tạo nên những nét thanh tao.
Trên quảng trường lăng Bác Hồ, những ô cỏ vuông với những hàng cây vạn tuế hai bên cánh lăng quen thuộc và thành kính. Vườn hoa của ta có những bãi cỏ phẳng lặng như mặt hồ.
Hoa và hương trong vườn hoa Việt Nam. Cả những hoa đậm màu, nhạt hương như đào, mai, các loại cúc và trà, những loại hoa và mùi hoa từ các loài khác nhau đều làm cho vườn ngào ngạt. Những luống hồng chen gốc đào, hoa ở vườn tỏa hương ngây ngất cả tới khi cánh rụng như tơ hương bay.
Một dây móng rồng leo trên dậu trúc hoa vàng, lá xanh, ý nhị khác hoa lila. So với móng rồng thì lila như bụi cúc tần. Những giàn thiên lý vàng hây, hoa mộc lấm tấm trắng, hoa ngâu và hoa lan tới độ chín đứng gần chỉ thoang thoảng thế mà đằng cuối gió còn sực mùi hoa mát cả ánh trăng đêm hè. Hoa sói thơm ngọt, hoa nhài gời gợi. Vườn hoa bốn mùa thơm.
Trong các công viên ở thành phố hiện nay mùi hoa chưa được để tâm xứng đáng. Khi những công trình thế kỷ để lại đời sau, thì cây cối và hoa cỏ còn có cuộc sống và lịch sử lâu dài như thế, hơn thế. Đền Voi Phục và chùa Láng hôm nay có những cây muỗm từ bao giờ càng chan hòa ý nghĩa thiên nhiên với văn hóa và đời sống.
Ở nước ta, phong tục trồng cây, chơi cây có từ rất xa xưa. Ta vốn yêu màu hoa đẹp và quý mùi hoa thơm. Màu hoa trà, màu hoa đơn trắng đơn đỏ. Mùi hoa lý, hoa mộc kín đáo. Một gốc thiên tuế, một bụi trúc lơ thơ.
Vườn và cây, thú chơi tao nhã đã thành thói tục mọi nơi. Vào vườn chùa, vườn đền vừa trang nghiêm vừa thân thuộc như khi thấy gốc cau bên bể nước mưa. Có thói quen, có điều kiện mà chẳng có thì tạo ra điều kiện, người ta chăm chút chậu cúc chi, một giàn kim ngân, có khi là cây ớt hay một giàn gấc mà mùa đông tới, quả gấc chín như một chấm hồng buông lơ lửng.
Chơi cây, chơi hoa thú chơi tao nhã lâu đời. Những tên đường, tên phường tên trại, tên hồ đến nay vẫn còn gọi: đường liễu (Liễu Giai), đường hòe (Hòe Nhai), trại Hàng Hoa, ngõ hồ Liên Hoa, phố Liên Trì...
Pháp chiếm nước ta, Hà Nội cũng như Huế và Sài Gòn rập khuôn về cây, về vườn hoa cây cảnh theo tập tục Pháp. Thú chơi cây và chơi hoa của ta lặng lẽ rút vào trong nhà, trước sân, quanh hòn non bộ, ở vườn đền, vườn chùa. Trại Hàng Hoa trồng luống cúc vạn thọ, sói, ngâu, đơn đỏ, hoa hồng ta bán làm hoa cúng. Chưa mấy ai chơi hoa tết, hoa cưới, hoa sinh nhật như bây giờ.
Vừa rồi, vãn cảnh chùa Tây Phương, thấy bờ tường bên bể nước sân chùa, trồng những cây lá đuôi lươn, lá đốm. Hỏi nhà chùa, chú tiểu cười thưa rằng: thấy cây khỏe, thì trồng, chẳng biết cây gì.
Am thanh cảnh vắng chùa chiền ngát mùi hoa mộc, hoa ngâu, hoa móng rồng nay để cây và hoa sơ sài thế sao đang.
Cứ kể chơi hoa, trồng hoa bây giờ cũng là mốt, nhưng cũng đại để cứ vô tâm như ở vườn hoa chùa Tây Phương. Nhiều cơ quan, nhà máy khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng khang trang, bao bọc những công viên trồng luống hoa và hàng cây gọn ghẽ. Có cây xén lùn tịt như mâm xôi, lại như cái nấm lùn tròn xoe.
Đấy là cây trồng trang trí kiểu của Pháp. Trên thế giới, một số vườn hoa các nước được bắt chước phổ biến ở nơi công cộng. Vườn hoa kiểu Pháp đường đi ngang dọc ngay ngắn, vòm cấy gọt tròn, gọt vuông kỳ quặc. Vườn hoa Nhật có suối chảy, cầu tre liễu rủ, tảng đá dưới bụi trúc, bên gốc anh đào. Vườn hoa kiểu Anh thì rậm rạp cây cỏ hoa lá như hoang sơ thiên nhiên.
Ta cũng có vườn hoa kiểu ta. Tuy chưa là công viên có cơ hội làm kiểu cho quốc tế, nhưng bao đời tổ tiên ta đã chơi vườn hoa cây cảnh độc đáo nét riêng đã thành nền nếp, truyền thống.
Vườn hoa, cây hoa, chậu hoa, giỏ hoa, giàn hoa của ta bao giờ và ở đâu cũng đi đôi với màu và mùi, màu hoa đẹp thì hoa cũng thơm hương, khác vườn hoa Pháp mà dấu vết còn lại ở nhiều công viên các thành phố nước ta, chỉ trọng màu sắc. Cũng có hoa không thơm, như hoa trà, hoa đơn, hoa đào, nhưng hoa thơm trong vườn bao giờ cũng xôn xao màu đẹp với hương. Hoa hồng, hoa ngâu, hoa lan, hoa lý, hoa nhài, hoa mộc, lan đất, lan treo tỏa mùi ngát, sáng sớm đêm khuya đưa thơm dậy một vùng.
Người chơi cây cảnh đặt cây cổ thụ thu nhỏ trên hòn non bộ tí hon, uốn cây lộc vừng, cây sanh, cây si... Có điều đặc biệt là uốn cây, gò cây, chiết cây nhưng không cắt cành là hình thù cái cây trọc đầu, cây giống con hươu con công như ở vườn hoa Bờ Hồ. Phong tục chơi cây của ta kiêng cắt cành, cho rằng làm như thế đau cây và sái.
Tôi đã nhiều khi trò chuyện với công nhân trông nom vườn Bách Thảo, vườn Thống Nhất. Những cây ngâu, những khóm hoa giấy, hoa ti gôn được uốn công phu khéo léo. Người công nhân nghề vườn, nghề cây ở sở ươm cây thành phố bây giờ vẫn phần đông là con cháu các cụ ở sở này thời Pháp. Sở ươm cây trước kia lo việc ươm cây, trồng cây và bồn hoa các công sở, các công viên và đường phố, đến nay ta vẫn một công việc ấy, trồng và bảo vệ cây cối, vườn hoa thành phố.
Các nhà chuyên môn vườn hoa này cũng nghĩ như tôi là vườn hoa kiểu ta từ cha ông truyền lại là hoa đi đôi với hương. Trồng hoa chỉ chú trọng màu sắc và xén bờ rào, cắt cây làm cảnh là do người Pháp dạy làm thế. Nhưng bây giờ chuyển sang để cây tự nhiên, cây chỉ uốn, chỉ hãm không cắt gọt và chọn mẫu hoa thơm theo phong tục và cái thích quen thuộc của ta cũng không phải dễ và có thể ngày một ngày hai. Bởi vì làm cho có được hàng triệu cây hoa, hàng triệu cây cảnh, cái thứ hoa đơn trắng, đơn đỏ, hoa ngâu, hoa lý, hoa lan, hoa hồng ở tất cả các công viên đâu đâu cũng hoa đưa sắc và mùi thơm thành một công nghiệp thì mới có thể sản xuất đại trà được.
- Người nghề vườn chúng tôi đã đặt tên cây và hoa, bắt chước hình thù cho những cây và lá hoa nhập nội: lá đốm, lá đuôi lươn, hoa lay ơn, hoa loa kèn, hoa lép dê, hoa mõm chó, hoa giấy. Những hoa này đã được ươm giống, chọn đất, chăm bón có kinh nghiệm cả trăm năm nay. Hoa sói, hoa lý của ta, bấy lâu trồng chơi vài cây, giàn ở vườn khác với ươm và trồng cả vạn cây khắp công viên thành phố. Trồng đại trà, phải có chủ trương, có kế hoạch và tổ chức. Không thể bỗng dưng chỉ trồng vài cây mà khác ngay được.
Hoa đẹp và thơm hương, vườn hoa đậm đà bản sắc của vườn ta là một quan niệm bảo tồn và đổi mới cách thưởng thức hoa và cũng là công nghiệp và hiện đại thú chơi dân tộc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro