110. Phố Hàng Ngang
Phố Hàng Ngang có hai vẻ mặt thật khác nhau. Phía giáp Hàng Đường thì sầm uất, chen lẫn những nhà xưởng với các nhà làm keo bột, người cởi trần đứng vắt dây đường vào cột kéo kẹo cả ngày. Xưởng dệt Lợi Quyền, hiệu chè Chính Thái, kẻ ăn người làm và khách buôn tấp nập ra vào, qua lại. Lại đám ăn mày rách lướp tướp chỉ thấy những đầu gối trố ra; bọn bói bài tây nhâng nháo, với lũ kẻ cắp móc túi nháy mắt tụ tập rồi kéo vào chợ. Trên vỉa hè ra đến chợ Đồng Xuân, người nhốn nháo chốc lại tiếng hô hoán bị giật nón, người xô đẩy kêu khóc, cái dùi cui của đội xếp nện xuống đám đông túi bụi.
Chỗ giáp Hàng Đào thì sạch sẽ quang đãng. Cả phố không một bóng cây. Thành phố không trồng cây ở các ngõ, các phố hẹp. Từ Hàng Giấy xuống cửa chợ Đồng Xuân qua Hàng Đường, Hàng Ngang, đến Hàng Đào trông ra mới thấy bóng mấy cây liễu ven hồ. Mùa hạ nắng chang chang. Giữa trưa, lóa cả mắt, những cái bạt các cửa hàng buông xuống gần kín vỉa hè như chụm một chút bóng mát vào đấy. Chốc chốc, chuyến tàu điện leng keng qua giữa ruột phố, trên nóc tàu dây điện rung như đánh võng. Những bánh sắt rít toé lửa xanh lét.
Hiệu thuốc cao đan hoàn tán Đại Quang dược phòng có tấm gương lạ mắt, người đi qua soi vào, bỗng cao lêu đêu rồi bỗng lùn tịt, các cô gái bảo trông ghê ghê nhưng cứ muốn đi soi gương rồi ù té chạy. Có những hiệu bán vải, lụa Bombay, hình Con Trâu Vàng cắt bằng gỗ treo tòn ten trước cửa. Liền tường nhau, mỗi cửa hàng như một dãy hộp cắt bằng giấy. Trong nhà, chỗ nào cũng sạch như lau. Những cuộn dạ, cuộn lụa màu lục, da cam, hồng điều chật trong tủ kính, thành tủ đánh vẹc ni cánh gián. Áp tường đằng kia lại một chiếc gương to, thoạt nhìn ngỡ gian hàng còn dài rộng ra tít xa xa, cùng với mặt bàn thông liền từ cửa vào. Những người bán hàng đứng bên trong quầy, đưa vải, đưa lụa ra cho khách chọn. Tấm lụa màu như cánh bướm sặc sỡ, phấp phới.
Những người bán hàng đều là Tây đen. Họ tới Hà Nội từ những đất thuộc địa Pháp ở Ấn Độ, những thành phố Mađrat, Mahê, Săngđecnago... thời ấy, Pháp chiếm làm thuộc địa năm thành phố bờ biển nước Ấn Độ. Những người Ấn Độ nhỏ nhắn, đen dịu. Họ không bóng nhờn da bồ hóng như lính Tây đen rạch mặt nước Sênêgan hay Marốc. Họ cũng không đeo cái cặp da to vít cổ xuống như ông nhọ Xetty làm nghề cho vay lãi, lúc nào cũng lầm lì, lừ đừ, lúc đi hai tay vẫn thò vào cặp như đương đếm tiền chưa xong. Mặt mũi họ nhẵn nhụi, không râu ria rậm rì, cắt tóc gọn, không quấn cái khăn vải như lão Tây đen quấn thừng Oẳn ta la bà chăn dê ở vườn Bàng làng tôi mà người ta đố nhau ai dám đi lúc chặp tối mà gặp lão Oẳn chắc ngỡ gặp ma hiện về. Ấy vậy lão Oẳn cũng có vợ, hai vợ hẳn hoi, hai chị em cô Gáo làng Bái đã lấy ông Oẳn. Đến năm kháng chiếm thằng con lớn nhà ông Oẳn đi bộ đội rồi Pháp trở lại chiếm thành phố, cả nhà lão dọn tản cư đi đâu hay đã về Ấn Độ, không biết.
Những người Tây đen bán lụa ở phố Hàng Ngang đều chải chuốt, dong dỏng cao, ngăm đen.
Họ đứng trong quầy hàng, quấn cái xà roỏng kẻ ô - không biết ở trong có quần không, và
mặc áo sơ mi trắng. Mỗi người đội cái mũ lồng oản nhung đỏ, nhung xanh cao chon chỏn trên đầu. Răng ai cũng trắng, hay cười cười thò lưỡi đỏ hoe với các bà, các chị vào cửa hàng. Nhiều người nói tiếng ta chưa sõi. Có nhiều bà chẳng mua gì cũng vào đứng chơi nói nhại, thế là anh nhe răng cười tít mắt, giơ tay mà lòng bàn tay trắng bệch như tay ếch, cứ tự nhiên anh nắm tay bà khách hàng. Bà khách để yên không rút tay ra, lại cười nghiêng ngả.
Những người bán hàng các hiệu lụa Bombay đại lý các nhà buôn, các ông chủ hiệu chính ở bên Ấn Độ. Họ là những người làm công ăn lương được đưa sang đây. Ông thánh Găngđi thuở còn trẻ cũng đã nhiều năm đi bán hàng cho các đại lý bách hoá như thế ở các thành phố bờ biển Nam Phi. Phố Hàng Ngang có đến hàng chục hiệu bán lụa Ấn Độ. Họ đến đây một mình không mang vợ con theo. Chỉ thấy trong hiệu những đàn ông đứng như bụt mọc. Lắm hôm đông khách, mà khách mua vải lại chỉ toàn đàn bà. Các bà các cô vào cửa hiệu, khi mua hàng khi đùa cợt với các chú. Các chú nói ngọng, nói sai, các bà lại dạy nói nhảm. Hai con mắt liếc trắng nhả, tay cầm cái thước to, chọc chọc vào lòng bàn tay bà kia. Bà động lông buồn, nắm cái thước, rồi cười nhắm mắt.
Không thấy họ ra khỏi cửa hàng bao giờ. Họ không đi chợ, chẳng biết các người này ăn uống ra sao. Mỗi sáng thứ sáu, họ thong thả, đều đặn như những cái cột sắp hàng đi sang Cống Chéo Hàng Lược. Phía ấy có cái chùa Tây đen vòm mái tròn quét vôi trắng toát.
Các chú Tây đen đi lễ ra khỏi đầu phố, lũ trẻ con đã trông thấy, chạy theo. Chúng nó thò tay ra sau lưng, khoanh cái mép vạt áo làm hình tai lợn, qua trước mặt, lom khom giả cách làm ve vảy đuôi. Chú Tây đen giơ tay toan đánh, chúng nó đã chạy mất. Đến đầu phố đằng kia, chúng lại thò ra ve vảy cái đuôi vạt áo. Chú lại đuổi. Nhưng đuổi thế nào kịp chân trẻ con. Người ta bảo chùa Tây đen thờ thần lợn, Tây đen kiêng ăn thịt lợn.
Hôm ấy, có một người khách đến cửa hàng. Chưa chắc đã là người mua nhưng chẳng thể nào phân biệt được khách hàng hay người đến gẫu chuyện. Ả khoác tai nải nâu, dáng như lái các tỉnh về Kẻ Chợ. Cũng chưa chắc. Cách ăn mặc nửa quê nửa tỉnh, áo nâu đồng lầm, chít khăn vuông the đen. Buổi sớm chưa có người nào mở hàng nhưng chắc đã biết lệ cửa hàng Tây đen không kiêng, không phải đốt vía. Khách đặt cái tay nải xuống quầy, tụt khăn vuông xuống cổ, rõ hơn khuôn mặt trắng xanh. Chú Tây đen trong quầy bước ra, cầm cả hai bàn tay người khách vừa đến. Cứ đứng mân mê như hai con cóc ôm nhau ngày mưa đầu mùa hạ. Thế thì lại không hiểu ra thế nào nữa. Là người muộn hiếm, đi bắt nhân tình với chú Tây mờ để lấy giống, hay là nhà thổ đói đi kiếm mồi sớm.
Ở các cửa hàng chỉ có đàn ông, đàn bà những đâu đâu kéo tới đánh ghen nhau, chẳng mấy hôm không ầm ĩ loạn cả phố.
Ở đầu phố đi tới, cũng một ả áo nâu non, khăn vuông mỏ quạ láng đen, đi vung vẩy tay không. Vừa bước vào cửa, chị ta cũng kéo cái khăn vuông xuống mặt đỏ gay, không biết đương cơn tức hay đương say trầu, say rượu.
Ả quát:
- Con kia!
Rồi xông vào. Người Tây đen quay mặt ra.
- Không được đánh nhau trong nhà tôi. Tôi gọi ông đội xếp. Chị đứng sững lại, vỗ đôm đốp hai bàn tay, xỉa xói:
- Con đĩ làm tiền, hai con chó lẹo nhau trước mặt bà à? Mày lừa của bà ba trăm bạc, muốn sống thì mửa ngay ra.
Ả nọ thản nhiên, vẫn nắm tay người Tây đen. Ả chửi như nói một mình:
- Tiên nhân con thần nanh đỏ mỏ. Ai nợ nần nhà mày, quân ăn không nói có.
- Còn già mồm hả! Hả! Hả!
Chị ta lại thốc vào. Nhưng người Tây đen túm vai áo, đẩy ra.
Mấy người Tây đen nữa ở nhà trong ra chắn lối đi. Xem chừng không thể lọt qua được bọn này. Ngoài cửa đã lố nhố người ngó nghiêng nhòm. Chị thình lình hét to:
- Chúng bay đâu! Chúng bay...
Chẳng thấy ai xông vào. Cơ chừng gọi doạ thế thôi. Trong khi ấy, người đàn bà đeo cái nải đã chạy tọt vào nhà trong. Tiếng cài then cửa lanh canh.
- Á, cái thằng nhọ này làm nhà thổ, chứa nhà thổ à? Tao đi báo nhà mày chứa nhà thổ thì có mà ngồi tù cả nước nhà chúng mày.
Chị ta còn kể lể chửi dài dòng nữa. Những người Tây đen dường như chưa hiểu hay làm ra vẻ thế, cứ nhăn những hàm răng trắng tởn ra cười. Rồi ngây ngô hỏi lại:
- Bà làm nhà thổ à? Hôm nọ bà đã vào làm nhà thổ với tôi rồi mà, muốn làm nữa à? Ả gào lên:
- Câm ngay! Câm ngay! Bà thì nhét cứt vào mồm bây giờ!
Ngoài cửa đã lại thêm nhiều người đến đứng xem. Rồi bỗng nghe các nhà hai bên hè lên cánh cửa rốp, rốp. Các hiệu Tây đen đều một loạt đóng cửa. Các hiệu ta thì ra đứng ngoài hè, nhìn lên nhìn xuống. Có phải là đám đánh nhau tranh mồi hay là mới sáng ngày ra đã mất trộm mất cướp thế nào. Thì ra khi thấy mấy người đội xếp đi tuần đường tới đỗ xe đạp đầu ngã tư, mấy cửa hàng Tây đen hốt hoảng lên cánh cửa, các nhà khác cũng không dám thò đầu ra nữa. Chúng nó mà choảng nhau, những con đĩ dại chui vào nhà ngả vạ, chẳng phải đầu phải tai, thì khốn. Họ ngồi trong nhà nhìn những cái xe đạp của các nhà chức trách đương thong thả qua.
Ba đội xếp, một người Tây lai mép ria ghi đông hung hung đỏ ngoắt lên, quần áo ka ki vàng, mũ vàng, khẩu súng lục trong bao da bóng nhoáng đeo trên cái thắt lưng da to bản. Một đội xếp ta có cái dùi cui sơn trắng treo cạnh sườn. Một người lon ton đi lên trước, hẳn cũng là lính đội xếp, tay chăm chắm giơ cái dùi cui.
Ở trong cửa, ả nọ gọi to:
- Ối các ông đội xếp! Lại cả ông đội con gái đi bắt nhà thổ nữa kìa! Mời ông vào ngay cho.
Phen này thì chúng mày có mà rũ tù!
Người đội xếp ta đứng hỏi:
- Việc gì mà mới bảnh mắt đã ầm lên là thế nào?
- Bẩm quan, oan ức thì con phải kêu giời, con kêu các ông đến chứ con có làm ầm đâu. Con đĩ này nợ con năm trăm bạc, con đuổi theo nó đòi nợ, nó trốn, nó chui vào trong bếp kia. Các ông nhọ này không cho con vào bắt nó, các ông nhọ này chứa cả nhà thổ, chứa gái nhà thổ ạ.
Ông Tây đen nói:
- Tôi không làm nhà thổ.
- Con đĩ nhà thổ trốn trong bếp kia kìa. Thế là làm nhà thổ rồi. Phải lôi nó ra đây...
Người đội xếp Tây lừng lững bước vào cửa buồng trong. Ả nọ chạy theo. Nhưng mấy người Tây đen đã túm cổ áo ả, lôi lại - Mày không được vào, mày vào ăn cắp à? Đội xếp Tây đẩy cái cánh cửa, cánh cửa đã mở từ lúc nào. Gian buồng trống hốc, dựng lổng chổng mấy cái ghế xếp như giường ngủ.
Ả nọ kêu to:
- Con đĩ chui dưới gầm, cái chân nó kia kìa. Các ông khua nó ra cho tôi, các ông khua nó ra
Nhưng những người đội xếp chỉ đứng nhìn vào cái buồng tối ẩm thấp rồi quay ra đuổi những người ngoài hè đã lấn vào trong hiệu. Đội xếp Tây nói gì, đội xếp ta nói lại:
- Con kia vu cho các ông chủ này nuôi gái nhà thổ. Quan đã khám, không có gì cả. Mày phải nộp phạt về tội nói dối.
Người đàn bà bỗng dưng trợn ngược mắt rồi bỗng nhiên ngã lăn đùng ra, mép phòi bọt từng cục vàng khè. Không biết mụ lên cơn động kinh hay mụ đùn nước bọt ra, giả vờ. Những người đội xếp lại nói với nhau, như không biết. Rồi người đội xếp ta giơ dùi cui dõng dạc từng câu:
- Bây giờ nhà nước phạt vi cảnh hai bên vì tội làm mất trật tự đường phố. Mỗi bên nộp phạt hai hào, nộp ngay bây giờ.
Ả nặc nô đã ngồi dậy từ lúc nào. Ả vấn tóc, im lặng, mặt vênh váo xưng lên. Người đội xếp lại nói:
- Không nộp phạt thì trói lại, giải về bóp giam.
Người đội xếp rút cuộn thừng đay vẫn giắt trong bụng áo. Người Tây đen đương lúi húi lấy tiền nộp phạt, những tiền chinh tiền xu, đếm lại đủ hai hào, trong khi một ông đội xếp cúi lom khom viết cái biên lai và ả nọ vẫn ngồi bần thần đấy. Về bóp phạt giam hai mươi bốn tiếng thì không mất hai hào. Chưa biết nên thế nào.
Không biết cái ả lúc nãy đã chuồn sang phố khác đằng sau nhà hay còn núp dưới gầm ghế. Nhưng cảnh đi đánh ghen, ghen thật, ghe vờ ở các cửa hiệu Tây đen phố Hàng Ngang thì chẳng mấy hôm không ồn ã lên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro