104. Lớp tư
Bậc tiểu học có ba lớp. Lớp năm là lớp đồng ấu. Lớp tư, lớp dự bị. Lớp ba, sơ đẳng. Lớp đồng ấu, lớp bét, lớp bét mà được tôn lên ăn số 5. Ai bơm lên thế, nghe cũng khoái tai. Nhưng lớp bét của tôi không xoàng đâu. Phải biết đọc biết viết rồi mới được vào lớp năm. Trường ở đầu ô hiếm trẻ con đi học vào còn dễ, chứ các trường Cửa Đông, Hàng Vôi, Hàng Kèn đều phải thi. Năm trước, tôi đã thi vào lớp bét trường Cửa Đông, bị trượt đấy. Ở cái trường Yên Phụ đầu ô này, vào lớp bét không phải thi, chỉ mất đồng bạc u tôi đưa ông hộ phố ở Quan Thánh làm giấy khai sinh giả rút xuống ba tuổi cho vừa tuổi học lớp năm. Nhiều đứa khác, có đứa chít khăn, mặc áo the, chững chạc như người đã có vợ, một chữ cắn đôi không biết, nhưng vẫn được vào học. Chúng nó học lỏm học mót các thằng bên cạnh quanh quẩn chỉ mươi hôm thế mà rồi nó cũng đọc, cũng viết lèo ngoèo thành đứa biết chữ.
Tôi đã học trường làng. Ra đường ngoài phố, các đứa trong xóm xuýt xoa sung sướng hộ: ra Kẻ Chợ học, sướng chưa. Chúng nó đâu biết nông nỗi không muốn đi học của tôi. Tôi chẳng thích lên lớp, đổi lớp. Mỗi năm đổi lớp, lên lớp, tôi đều khóc. Thầy Thạch, thầy Cộng, hay thầy giáo Chế chỉ đến dạy hộ ít lâu, mà lúc thầy thôi tôi nhớ thầy, nước mắt đầm đìa. Ở lớp bét này, tôi đã chín tuổi, tôi đã bớt lạ lẫm, bỡ ngỡ, không còn cảm tưởng cái năm học dài quá mãi không thấy đến tháng nghỉ hè. Quả tình, cái roi da của thầy giáo Tỏi lớp bét chỉ rình quất xuống lưng cũng làm đôi khi mất vía nhưng mà rồi lên lớp tư, biết thế nào, có được bằng lớp dưới, cho nên trước nhất là ngại. Nghỉ hè rồi đến trường vào lớp mới, tôi bùi ngùi nhớ cái lớp bét, cứ nghĩ như năm tháng xa lắm, kỳ tình cũng ngay bên cạnh. Nhưng thầy giáo Tỏi tôi thì không còn. Tôi chùi nước mắt.
Mỗi năm lên lớp mới, thế nào rồi cũng đến lúc quen. Lớp tư cũng chẳng có gì đáng hãi. Có vài thằng ma cũ không được lên lớp, phải "đúp"lại, còn thì toàn các mặt quỉ sứ ma dưới lớp năm lên như tôi. Chẳng bao lâu, cũng thấy vậy vậy. Quyển vở vừa đóng, mùi giấy thơm tho sướng mũi. Nhưng lạ mắt nhất là có nhiều sách lớp tư toàn bằng tiếng Tây. Sách tập đọc, sách cách trí, tranh phong cảnh, nhà cửa, các người lớn trẻ con đều vẽ những người tây đầm xa xôi ở đâu. Cái cày hai lưỡi, đôi ngựa kéo, chưa trông thấy bao giờ. Toà nhà hai tầng, nóc nhà có ống khói. Biết nước Pháp ở nơi nào, nhưng trước lạ rồi sau cũng quen mắt, lại cứ ngỡ như thuở bé mình đã ở bên Tây, cái năm học cứ lạ lùng và quen thuộc thế...
Nhưng tôi nhớ nhất năm học lớp tư là mỗi thứ bảy, có giờ đọc giải trí, trước khi tan buổi chiều. Những pho truyện dày mấy quyển của thầy giáo đưa ra, cũng có khi học trò ôm cả pho của nhà đến cho lớp mượn. Cái giờ thú vị này không phải học, lại được nghe bao nhiêu chuyện, cứ mê tơi cả người, những Tam quốc chí diễn nghĩa, Tây Du, Phong Thần, Càn Long du Giang Nam, Song Phụng kỳ duyên...
Thầy giáo lớp tư của tôi tên là thầy Dzo. Đứa nào viết giấy tờ có tên thầy mà quên chữ Z thì thầy dứ cái thước kẻ bảng vào trán bắt viết lại. Không hiểu tại sao tên thầy lại có chữ dét. Chẳng đứa nào dám hỏi. Có đứa nói đùa: hẳn thầy chúng mình sợ rét, phải thêm chữ z để lúc nào cũng nhớ mặc áo vét. Quả là thầy giáo tôi hom hem, mùa hè nóng vãi mỡ thầy cũng đóng cái áo vét ngoài cái sơmi dài tay. Nhưng tôi bênh, thầy mặc nhiều áo thế mà không ra mồ hôi trên mặt, trên lưng áo, thầy là nhà giáo đứng đắn.
Chẳng bao lâu, tôi đã quen lớp tư, tôi bắt đầu thích thầy Do hơn thầy Tỏi lớp dưới. Chẳng phải vì không bị phạt quì, phạt đứng úp mặt vào tường và không phải thước kẻ đánh vào tay. Cũng không vì tôi tò mò chỉ nhìn thầy ăn mặc kiểu cách. Bộ quần áo tây trắng, đi giày da đơ cu lơ gót vàng mũi trắng, mùa đông đội cái mũ dạ mốt săng bẻ lệch nghiêng một bên vành - dáng công tử ăn chơi. Nhưng chỉ bởi tôi thương thầy gày kheo khư. Lúc thầy nói, cái hầu cổ gồ ra một cục nhọn đưa lên đưa xuống, cái gân xanh xanh như quả đậu đũa nổi dài giữa trán. Thầy giơ tay viết bảng, bụi phấn trắng mờ mà vẫn thấy mu bàn tay nổi gân chằng chịt. Tan học, thầy bước trên gác xuống, đứng trông cho học trò sắp hàng về. Rồi thầy ra lấy xe đạp. Cái xe phi nhông của thầy không có phanh, lúc hãm xe phải đứng lên, hai đầu gối thầy loạng quạng đập vào khung, xe lạng đi.
Một đứa nói:
- Tên thầy có hình chữ z phải bệnh sốt rét kinh niên, ngồi xe đạp không nổi đâu.
- Thằng này láo!
Chúng nó chỉ nói hỗn, lúc nào phải sửa cho một trận mới được. Tôi quí thầy tôi vì một nhẽ khác thường, không đứa nào biết. Chiều thứ bảy, giờ đọc giải trí, thầy mở cái tủ đứng, lấy một quyển truyện ra đưa cho tôi. Từ hôm ấy, tôi được đọc truyện giờ giải trí rồi suốt cả năm được đọc. Tôi được lên ngồi ngay ngắn cạnh bàn thầy. Quyển truyện dày xù, có trang gấp đánh dấu cái que đóm. Chẳng có dấu thì tôi đã đọc đến chỗ ấy, tôi cũng nhớ. Các bàn xa cuối phòng giục loạn xạ: đọc cái chỗ Chu Du hộc máu... đọc lại... chỗ Triệu Tử Long... Không, không, đọc tiếp... Tôi nghiêm trang cất giọng. Tôi cũng nghe giọng tôi, thấy như tiếng ai, không phải tôi và tôi nghe thấm thía, cả lớp cũng lặng yên.
Mỗi tuần, đọc hết một hồi truyện. Đứa nào cũng thòm thèm. Cả thầy giáo đều ngồi im, hình như đã hết giờ mà không biết. Chốc nữa tan học lên đê, ném cặp, cởi trần truồng ra - để khỏi rách quần áo, vật nhau, đấu võ. Rồi xuống chạy thi suốt mép xi măng cạp bờ hồ Trúc Bạch, vừa chạy vừa như ngứa cổ cứ kêu rầm rĩ. Bây giờ ngồi nghe đọc truyện thì ai cũng im như không, con tò vò bay đậu vào thành cửa sổ sắp chui vào lỗ, những đứa tinh nghịch như mọi lúc cũng không đứng lên đập hay nhét giấy lấp lỗ. Xá tội cho mày, ông còn nghe đọc truyện. Đến chỗ "thất cầm Mạnh Hoạch" chưa, giời ơi còn gì nữa, con trâu mà cũng giỏi thế, ông Khổng Minh ơi ông Khổng Minh.
Tan lớp lên trên đê rồi mà còn bàn tán về Lưu Quan Trương đào viên kết nghĩa. Bác bán bánh tôm cổng trường tôi sáng nào cũng quảy gánh hàng đến đỗ dưới bóng tán cây bàng. Chúng tôi tán: trước sân nhà Lưu Bị có cây dâu ba tầng lá điềm ngày sau Lưu Bị làm vua, "Thế thì cái bác bánh tôm này ngày sau cũng làm vua nên có lọng bàng che chỗ ngồi bán hàng từ bây giờ chứ chẳng chơi. Cho tôi ăn bánh tôm chịu nhé, được không".
Đương thế rồi lại nhao nhao chuyện thầy giáo bị cái xích xe pi nhông nghiến toạc gấu quần, suýt ngã. Rồi lại thầy giáo z rét. Chúng nó huyên thuyên như cố trêu tức tôi. Thầy giáo cho tôi đọc truyện, chúng nó ghen. Chúng nó hét hô: "Thằng Bàng Hồng nịnh thần! Nịnh thần Bàng Hồng...". Những cuộc giằng co cãi vã dẫn đến tan cuộc thế nào cũng chia cánh ra nện nhau một trận. Có đứa bươu trán. Nhưng hôm sau lại cười nói chơi với nhau như không có gì xảy ra.
Hết hè năm ấy, tôi lên lớp ba. Trông sang gác lớp tư, thấy một thầy giáo khác mặc áo ma ga thâm, chít khăn nhiễu tây không phải thầy Do. Thầy Do cũng không thấy ở chỗ các thầy ngồi uống nước.
Có đứa nói như nó trông thấy tận mắt "nhà tao ở gần nhà thầy, thầy ốm không dậy được, người nhà trong làng đã ra võng thầy về quê".
Những chuyện không đầu đuôi. Nhưng tôi cũng không bao giờ biết hơn thế. Về cái áo vét, về chữ z, về thầy giáo tôi ốm nặng. Có đứa bảo thầy là người làng bẹp nghiện thuốc phiện nên gày ốm quanh năm. Cái tai thầy bẹp, chúng mày cứ nhìn mà xem. Chúng nó chỉ nói nhảm, bây giờ thì còn nhìn thầy sao được. Tôi cũng không tin. Tôi chỉ thấy thầy yếu, tôi mà chạy nhanh bằng cái xe đạp thì tôi cõng thầy. Cái số tôi thế nào mà hai năm liền mất thầy giáo. Ở lớp bét nghỉ hè rồi đến hôm về khai trường không thấy thầy giáo Tỏi. Lại bây giờ, thầy Do. Nhớ thầy, tôi khóc.
Nhớ những buổi đọc truyện Tam Quốc. Một năm học, hai lần đọc cho cả lớp nghe bộ Tam Quốc diễn nghĩa. Tôi thuộc truyện Tam Quốc từ ngày ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro