103. Cây Hồ Gươm
Hồ Gươm đượm vẻ đẹp gọn xinh, không dáng dấp mênh mang như hồ Tây. Tưởng như một lúc nào đấy, đương giữa người người nô nức chen chân nơi đô hội, ở Hàng Giò, Hàng Khay ra, ở Hàng Đào, Hàng Trống dốc xuống, hốt nhiên gặp một ánh nước thoáng như cái chớp mắt của ai xanh biếc. Hồ Gươm đấy.
Nắng nghiêng bóng đưa những hàng dâu ngày xưa hắt vào chấm đến cầu Thê Húc, không phải một thời thơ khoa trương, mà tôi hiểu người xưa miêu tả cái khác thường của quần thể hồ Gươm, những nét riêng ấy chỉ dành cho khách biết yêu hồ. Có hôm trời quang, đứng bên tam quan đền Bà Kiệu, trông lên phía tây trên làn sóng mái nhà nhấp nhô Hàng Gai, Cầu Gỗ, thấy in hình màu lam huyền của ngọn núi Ba Vì. Thế là người ven đường chẳng còn nhớ đương trong nơi phồn hoa, hay ở giữa cây và nước quanh mình mà với lên liền đến trời núi xa kia. Nhớ hồ Gươm, bao giờ tôi cũng trở lại tuổi thơ tò mò, ngây dại, say mê với những trò chơi đếm cây, đố lá, mỗi cây mỗi quả, xem các mùa đổi lá, mùa ra hoa không khi nào chán.
Làn cây ven hồ Gươm như làn mi, như ai dướn đôi mày. Không thể nghĩ cái đầm nước tuyệt vời ấy lại vắng làn mi những rèm cây.
Những hàng cây xung quanh hồ Gươm có một nền nếp riêng từ xa xưa. Thành phố Bắc Kinh xanh mướt cả dặm đường những hàng lệ liễu trập trùng mấy chục cây số ra các phía ngoại thành. Và những con đường trung tâm toàn những cây hòe cổ thụ. Cây cối hồ Gươm của Hà Nội thoạt nhìn không ra thể thức nào, nhưng để ý kỹ sẽ thấy được một lề lối không giống đâu của mỗi bóng cây bóng nước.
Có phải cây hồ Gươm đã được trồng lên từ trong những chuyện cổ tích. Ông lão nào như ông lão đeo ống tranh cô tiên Giáng Kiều từ đằng cầu Đông đi xuống nghỉ chân bên hồ đặt một chiếc giành đất cây giống xuống đất. Có khi cây được trồng vào độ mưa phùn tơi đất, có khi hàng trăm năm nghìn năm mới lại gặp một ông lão. Mỗi cái cây bên nhau mà khác nhau đều mang chứng tích lịch sử và thời gian thế vậy.
Có một lúc thong thả bước, chợt ngẩng nhìn nhận ra những cây cổ thụ hôm nay trên bờ hồ Gươm đều đã chào đời từ thế kỷ trước, không biết chừng nào ông lão đeo ống tranh Giáng Kiều quảy giành cây giống đã đem từ cửa ô chợ Dừa, ô Yên Hoa vào. Phong tục nước ta, tuổi già có thói quen quý hóa thường trồng cây cho đời sau. Mỗi cây hồ Gươm đều được đưa đến từ các cổng đồng, cổng làng, bờ ao, mỗi cây đem về một hình ảnh mọi miền quê.
Cây hồ Gươm! Cây hồ Gươm! Trong đảo Ngọc giữa hồ, những cây đa, cây si, cây sanh, cây đề và những cây gạo mà ở đầu đình làng nào cũng sum suê. Thần cây đa, ma cây gạo. Cái gốc gạo hiền lành, xù xì như tảng đá vì những nhát dao tước vỏ cây từ thuở trong phố còn những cột đèn dầu thắp ở các ngã tư đường thập đạo, người ta lấy vỏ gạo về làm thuốc bóp chân sái, tay gãy - những bài thuốc ai cũng thuộc.
Những cây trong đường làng thành đại thụ cũng thấy ở đây. Những gốc lộc vừng vun lại thành một khóm mà nõn lộc vừng hái để kèm ăn gỏi cá mè, những cây sung cổ quái mỗi mùa xuân vẫn trổ lá, quả sung muối dưa, lá sung lót gói nem chạo trên Phùng nhắm với rượu gạo Mễ Trì của ba làng Mai.
Và những cây me, cây sấu vốn mọc trước ngõ, canh nấu quả me chua, nước rau muống luộc giầm sấu, sấu non đem làm chắm trẻ con nào cũng mê.
Cả những cây thường chỉ thấy trong cánh đồng trũng cũng la liệt ven hồ. Ở những đồng sâu, đồng xa, buổi trưa ngày mùa không kịp về làng, người cày đánh trâu vác bừa, quảy mạ lên nghỉ trưa tránh nắng bên những mái cầu mái quán dưới bóng cây chôi, cây nhội, sum suê xanh già như những chiếc quạt thóc dựng đứng.
Ô hay, bất chợt vào mùa thu, hoa vông - đỏ như hoa vông, đông như miếng tiết, chỉ đến mùa hoa vông đỏ khé một góc hồ mới nhớ ra, chứ hàng ngày qua dưới gốc vông, không ai để ý tới loại cây cọc rào quen mắt ấy.
Và cả những cây rừng, những cây rừng cũng tới đây, rừng Mai Châu, rừng đảo Cát Bà, ông tiên nào đã quảy về đây những cây kim giao - mà tiếng đồn ngày xưa vua chúa dùng bữa chỉ cần đũa gỗ quý bảo mạng này, bởi thức ăn nhiễm độc thì cái đũa xám đen lại.
Đừng lẫn cây mõ láng giềng với khóm cổ thụ lộc vừng. Cây mõ chỉ ở rừng thẳm thế mà cũng thấy đứng đây. Quả mõ to bằng quả bưởi, vô vị như quả cây sổ ven suối bọn trẻ con chỉ nhặt để vừa đá bóng vừa chơi ném nhau.
Hai tiếng hồ liễu xưa nay gắn bó với hồ Gươm, hồ Gươm hồ liễu. Nhưng đừng ai tưởng lúc sầm uất nhất quanh hồ Gươm chỉ toàn lối đi liễu rủ. Xưa rày chưa bao giờ có quang cảnh ấy. Lệ liễu hồ Gươm không yêu kiều vì dặm liễu, dặm dài. Mà liễu hồ Gươm chỉ lác đác. Những cây liễu đứng một mình buông tóc trong gió in bóng hồ điểm trang bức tranh hồ cuối thu phẳng lặng, có hoa lộc vừng đỏ hây rơi từng cánh xuống mặt nước.
Ở bên gốc đa chỗ đầu Tràng Thi trông sang xưa kia đã xanh um, rậm rạp những bụi mây, bụi song. Giữa thành phố mà hóa như đất trung du bán sơn địa, người ta nhớ đôi quang gánh dưới mái tranh và những sợi dây mây phơi váy áo chăng qua mặt sân lát gạch Bát Tràng. Bây giờ vẫn còn một bụi mây quí lắm.
Nhưng tôi nhớ nhất và cho đến tận lúc này vẫn không hiểu sao bên hồ Gươm ngày trước lại có một cây ô môi, giữa mùa hạ hoa nở như hoa đào. Cây ô môi chỉ nhiều ở miền Nam. Chẳng lẽ đã có một lão trượng vác ống tranh cô tiên Giáng Kiều từ Gò Công, Hà Tiên đem ra một cành ô môi chiết trồng xuống ven hồ chỗ đất chỗ nước lịch sử này? Sao lại không thể thế, khi hồ Gươm hôm nay đương đơm xôi lên những chùm bằng lăng hoa tím rừng miền đông Nam Bộ, những lão ông đeo tranh Giáng Kiều hay những bộ đội cụ Hồ trong cuộc chiến tranh vừa qua, những con người không bao giờ chết đã đem những giống cây khắp quê hương về trồng ven hồ Gươm.
Cuối thế kỷ trước, khi người Pháp vừa chiếm Hà Nội, các công sở mới mọc lên bên kia, ngày ngày công chức ở bên Hàng Gai đi làm việc, thuyền tam bản từ đầu Hàng Trống qua Tháp Rùa sang bên này rồi sau người ta mới đắp ra con đường vòng hồ chém ngang trước cửa đền Bà Kiệu.
Lịch sử đau thương quãng ấy đã sang trang rồi, nhưng còn dấu tích trớ trêu trong cây bên đường. Ấy là cái tam quan đền Bà Kiệu đứng chơ vơ ở bờ đường bên này mà đền thì ở bên kia, ấy là những cây gỗ tếch cao lớn chỉ mọc ở rừng Thượng Lào, và những cây phượng vĩ quê ở Tân Ghinê ngoài đại dương...
Cây quanh hồ Gươm tụ hội các thứ cây của làng nước - và của thời thế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro