Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

101. Bác phó Ngạ

Một Chạp là tháng lo toan cái ăn cái mặc cho ngày Tết cả. Nhà kiết xác thì bét ra cũng gọi bà Viết thợ vườn đến củ soát mớ quần áo cũ của trẻ con đụp miếng vá đũng, đầu gối, lộn ống đằng trước ra đằng sau. Cái khuy cái khuyết, mảnh nâu non mới đổi vai cho các bà, các chị. Đói cho sạch rách cho thơm, thế nào Tết đến cũng phải cố tươm tất.
Nhà khác, có vải may mới thì đón bác phó Ngạ.
Năm ngoái, trên bến tàu điện có người dưới phố lên mở lò khâu, buổi tối chong đèn ba dây, đạp máy khâu xành xạch đến khuya. Lò khâu may áo tân thời. Con trai the thâm dài, trốn vạt, cổ áo, không lá sen, chiết tà, bỏ năm khuy tết làm sáu khuy đồng. Người làng bĩu môi: quần áo khâu máy cứ đuồn đuỗn thế nào, không nền nã như mũi kim bác phó Ngạ khâu tay. Mới chỉ đám đàn ông chơi bời hay nhà giàu có khăn nhung, hàng Bombay mới cầu kỳ đến lò may khâu. Các cô trong làng chưa biết cửa khâu máy. Cả đến áo bông bọc ma ga trần ô quả trám cũng một tay bác phó Ngạ.
Bác phó Ngạ không phải người làng. Mỗi năm, khi gió bấc thổi cái rét đậm về lại thấy bác phó Ngạ đến. Bác phó mặc áo dài thâm, chít khăn lượt chữ nhân, quần ống sớ phẳng nếp. Đôi giày ta mõm da trâu sống. Nhưng chẳng mấy khi bác đi giày. Vai đeo cái khăn gói chồi nhuộm cậy màu hoa hiên, trong đựng đồ lề thợ may, cái kéo, cái thước ta đã mòn vẹt, cục sáp ong, chiếc hộp gỗ có nắp đựng bao kim, cái đê...
Bác phó Ngạ ở khâu mỗi nhà mươi ngày, hết việc thì sang nhà khác đã hẹn. Năm nào bác phó cũng đến nhà tôi đầu tiên, rồi lần lượt theo người ta gọi. Nhiều khi bác phó cứ ở nhà tôi, các nhà khác đem đồ khâu đến. Làm cho đến hết việc đã sang giữa tháng chạp, bác nhận tiền các nhà trả, tính công xá, cơm nước, rồi khăn gói đem cái Tết về quê.
Cái tên bác phó Ngạ, đến trẻ con biết đọc biết viết cũng không hiểu. Trong sách không dạy chữ ngạ. Ai tò mò hỏi vui, bác nói:
- Làng tôi là làng Ngạ, tên người bắt chước tên làng ấy mà. À ra thế. Dì năm, dì Bảy tôi lại hỏi:
- Đã đủ nếp đủ tẻ chưa, bác phó?
- Biết đủ là thế nào...
- Được mấy thằng cu, mấy cái đĩ, mấy nhóc rồi?
- Tôi mới có hai con mắt, các cô ạ.
- Bác gái ở nhà chạy chợ hay làm ruộng?
- Còn gửi bên nhà ngoại, chưa có tiền chuộc về.
- Thế thì bác phó lấy quách con gái vùng này, ăn trắng mặc trơn mà cũng rẻ thôi.
- Độ bao nhiêu? Các cô mách cho lấy ai.
- Cô này nhé... Cô này được không? Thế là cả bọn cười ré lên.
Bác phó Ngạ, quần áo nâu bạc, rù rù như con cóc ngồi trên phản. Giữa những xếp vải, cái áo chồi năm thân đương cắt dở. Tấm áo dài chéo go mới khâu lược, dựng treo đứng lên cái dây mây, đợi thử. Hết lớp ấy lại lớp khác, bề bộn những mảnh vải đương cắt, những cái áo làm mẫu của nhà, của hàng xóm, cứ đến chập tối ông tôi cất cả vào chiếc hòm bàn trong gian giữa rồi bày ra phản mâm cơm có cút rượu trắng, hai người uống ngữ. Cơm nước xong, bác phó Ngạ ngủ ngay ở phản, trời lạnh có cái chiếu nằm, cái chiếu đắp. Đồ nghề và xống áo làm đến đâu mới đem ra. Để ngoài "một đống của chứ có phải ít đâu", biết thế nào, nhỡ đứa gian nó đỏ mắt lên, mà lại đúng tháng củ mật, trộm cắp như ong khắp làng.
Nhà tôi cũng chẳng may mặc, sắm sửa mấy. Có năm, bà tôi chỉ may mới cho tôi cái quần vải gốc, các dì tôi chần lại áo bông ngắn, đổi vai cái áo the nâu.
Một ngày kia, tôi biết cái cớ tại sao bác phó Ngạ hay ngồi khâu ở nhà tôi, ít đi các nhà khác. Bọn thằng Ngưu, thằng Tằng trong xóm thì thào với tôi những chuyện lạ lắm: "Bác phó Ngạ phải lòng dì Bảy. Dì Bảy mày chửa bụng to tướng rồi. Dì Bảy mày chửa hoang". Tôi cãi: "Người ta lấy nhau thì không phải là chửa hoang". - Có đám cưới mới là lấy nhau chứ". - "Không phải...". Thế là... không cãi lại được, tôi xông vào, nện nhau tơi bời với cả mấy đứa. Tôi cáu quá, đâm hăng, toàn đấm vào mặt. Chúng nó chạy giạt hết. Rồi về tôi mới để ý thấy dì Bảy, dì Năm đứng quạt hồ dưới nhà ngang hay chấp chới mắt cười cười lên nhà trên, rồi chốc lại lướn phướn qua trước phản hè, chỗ bác phó Ngạ. Thế là chúng nó đồn có lẽ đúng. Bao nhiêu cái tức tối, cáu kỉnh tôi dồn cả vào bác phó Ngạ. Tôi chửi thầm tiên sư thằng phó Ngạ chim gái, tôi phải nện cho...
Rồi việc xảy ra lại chẳng như thế. Một ngày nọ không phải là mùa đông hay tết nhất, bọn ấy rủ tôi:
- Bác phó Ngạ mới mở lò khâu trên đầu chợ. Lên xem đi. Tôi ngơ ngẩn hỏi:
- Bác phó Ngạ mọi khi vẫn ngồi khâu ở nhà tớ ấy a? Chúng nó nói:
- Ừ, bác ấy lấy vợ bên trại Kho Than rồi, không lấy dì Bảy mày đâu.
Tôi văng cục rồi lại xông vào đấm đá luôn. Nhưng trong bụng thì bực bội sao bác phó may ấy không lấy dì Bảy nhà mình.
Lò khâu bác phó Ngạ ở cái nhà lá thuê trên đầu chợ, hai bên láng giềng những hàng mã, hàng gạo, hàng nước chè tươi. Thế là thêm bác phó may có một lò khâu, đằng bến tàu điện thì có lò khâu mở đã lâu.
Có hôm, bác phó Ngạ vẫy tôi vào chơi. Trong cửa hàng, trên sào ngang vắt tấm vải, tấm lụa màu điều, hoa hiên, hoa lý, màu thiên thanh, đi ngoài đường cũng thấy choang chóe, giá bày ở phản hè nhà tôi, chắc ông tôi đã cất vào cái hòm bàn trong nhà. Trong gióng tre ngang bậc cửa, kê chiếc bàn máy khâu sơn cánh gián nâu bóng. Bác phó Ngạ ngồi bàn máy, chân đạp, tay xoay cái vòng mạ kền sáng nhoáng, tiếng máy phát ra rào rào từng đợt. Làng đồng Vân chuyên trồng rau, bác phó gái bán rau trong chợ. Ít lâu sau, bác gái kê cái chõng tre trước cửa, trên bày mớ rau cải xanh, bó hành lá, củ xu hào... Ngồi bán hàng ở nhà, thằng bé trong nhà khóc đòi bú, bác gái chạy vào được ngay.
Từ ngày ấy, chỉ có bà Viết thỉnh thoảng cắp thúng khâu đến vá víu cái rách, cái lành cho các nhà. Không còn bác phó nhớ lệ cuối năm đến ngồi khâu như bác phó Ngạ mọi khi. Trong làng, những nhà khá giả may quần áo tết đều đem lên các lò máy khâu phố chợ.
Nhiều năm đã qua.
Kháng chiến, tôi công tác trên Việt Bắc. Ngót mười năm mới trở lại. Các vùng ven nội bây giờ nhộn nhịp chẳng khác trong phố, đông đúc hơn hẳn ngày trước.
Bác phó Ngạ vẫn ở cái nhà ấy trên đầu chợ. Chỉ khác, nhà lợp mái tôn. Bác phó gầy sọm, tai nghễnh ngãng, không tản cư lên đường ngược mà da dẻ xám ngắt như sốt rét, cái lưng cả đời ngồi cúi đã còng còng, bác đi hai tay ve vảy như con rùa bơi. Giữa nhà có chiếc tủ kính, trong đặt một súc vải, mấy cái áo sơ mi như để mẫu. Trước cửa, treo một bảng sơn xanh to vẽ hình một đầu người đội mũ phớt, thắt cà vạt cạnh dòng chữ kẻ chữ Tây: Tay-ơ-mô-đéc, có thể nghĩa lõm bõm là "thợ may tân thời" .
Tôi cũng ít có dịp về làng. Có đến mấy năm. Lần kia, bác phó Ngạ trông thấy vẫy tôi vào chơi.
Thằng con bác, tôi không thể nào nhớ mặt. Nó mặc quần dạ xanh, thắt cà vạt hoa, áo sơmi ngắn tay kẻ sọc, đeo kính trắng. Mặt non choẹt, bộ ria con kiến nhấp nháy trên mép, như hàng ria giả đính đấy. Anh ta bắt tay rồi nói toang toang:
- Cửa hàng này cháu để làm buyrô giao dịch, cháu có mấy buyrô chào hàng thế này, chú ạ. Xưởng chính của cháu có một trăm người làm thì ở ngoài phố. Khách đến đây xem hàng mẫu rồi đo, nhận giấy hẹn ngày lấy. Cháu để ông cụ ngồi trong nhà, thùa cái khuyết cho vui tay ấy mà. Chứ thời buổi này mà co chân đạp cái máy thời cổ, có mà ăn cám.
Tôi khen lấy lòng anh thanh niên biết khuếch trương rầm rộ. Một lần khác, tôi đến chơi.
Tôi hỏi bác phó Ngạ:
- Chú "tay-ơ-mô-đéc" đi vắng?
- Tôi không biết.
- Chắc chú ấy ra xưởng may ngoài phố?
Đến lúc nghe thủng câu hỏi của tôi, bác cười như mếu:
- May vá con hươu con vượn thôi. Nó đo rồi đem thuê người ta làm. Thùa cái khuyết nó cũng không biết. Nó là thợ may cái mồm. Thời buổi nực cười, toàn phét lác đỡ chân tay, nghề nghiệp vứt xó cả.
Bác phó Ngạ bước ra cửa, cái nhìn và câu nói xa vắng quá, như nói một mình:
- Lại hết năm rồi, ngày trước bây giờ tôi đã lên, đương ngồi làm ở nhà các cụ, anh ạ.
Hai vai ông lão nhô ngang vành tai. Trông thấy cái đê đồng mòn lỗ chỗ bác phó lấy trong hộp dưới phản, lồng vào ngón tay đã nhăn nheo. Hình như cái hộp cũ từ ngày trước đã lên nước đen kịt, trong có mảnh giẻ để cài kim, cục sáp ong... Tôi mới nhớ ra bác phó Ngạ năm xưa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro