100. Như đêm ba mươi
Một tối mưa chúng tôi đi nghe hát ả đào ở Vĩnh Hồ. Hai ngả phố Ngã Tư Sở gần đấy mới là tổ ả đào. Nhưng trên Vĩnh Hồ và ấp Thái Hà cũng lom đom mấy nhà hát chen lẫn hàng xén, lò may - những nhà hát hóng khách thừa ở Ngã Tư Sở tràn về. Ở nhà hát, việc làm ăn buôn bán với cái nghỉ, cái chơi cũng là một, đối với khách đi hát. Tận trên Chèm, các ông lái bè xuôi cập bến, chủ khách chui trong những cái nhà vách đất mái lá - ả đào nhà quê, mà cũng bàn đèn, cũng đào hát, đào rượu, chỉ khác cái vẻ thê lương tiêu điều, còn thì vẫn một cung cách như nhà hát ở Vĩnh Hồ. Hôm ấy có món lái đường ngược về đợi ăn hàng, một người bạn buôn của chúng tôi đưa xuống đây chơi. Không sang trọng như ả đào phố Khâm Thiên nhưng ở Vĩnh Hồ chầu hát và chén rượu tĩnh mịch họ dễ bàn chuyện giá cả đồng tiền phân bạc.
Chúng tôi chẳng bận nỗi buồn hay tĩnh. Chúng tôi đi hát "che tàn". Có nghĩa là bạn kéo cái "rơ mooc" theo cho vui đám. Bạn họ Trần đi với tôi và hai chúng tôi cùng trần như nhộng. Trần và tôi mới tập tễnh vào làng văn, làng báo. Chưa quen biết mấy ai trong nghề. Cũng chưa được xếp vào hàng các nhân vật phụ trong tiểu thuyết Bốc đồng của Đỗ Đức Thu, như nhân vật Văn (Mạnh Phú Tư) miệt mài đầu sai hầu hạ các ông Tịnh (Nguyễn Tuân) và Đái Đức Tuấn. Chúng tôi trú ngụ khuất nẻo ngoài đầu ô, đôi chút chơi bời cũng là học hỏi.
Tờ mờ sáng, Trần sang giường bên lay tôi:
- Về!
Tôi choàng mắt. Ngoài cửa sổ, trời vẫn còn đùng đục. Sao chuồn sớm thế? Nhưng tôi không hỏi cũng ngồi dậy bước ra theo Trần.
Đèn đường vừa tắt, sương mù tịt. Những chuyến tàu điện đầu tiên từ nhà tàu Cầu Mới đường Hà Đông ra chạy rầm rầm. Đèn sáng trưng trong các toa rỗng, chưa có khách vào thành phố.
Chúng tôi đi bộ lên đến ấp Thái Hà. Trần thẫn thờ bảo tôi:
- Tao bị rồi.
Dần dà, Trần kể. Anh nằm cả đêm cho tới khi nghe tiếng gà eo óc ngoài kia. Khó ngủ, cứ nghĩ ngợi đăm chiêu mênh mông đủ thứ. Ở nhà quê, vợ con nheo nhóc ốm yếu, lại công nợ đìa ra. Mấy tháng nay chẳng gửi được đồng nào về đỡ đần. Lại ngán cái nông nỗi đời mình chung chiêng sống dở chết dở thế này đến bao giờ. Rồi thế nào mà vừa nãy thôi, cái con đào rượu phải gió ấy ở đâu chui vào màn. Thế là chết cha đời.
Trần hỏi tôi:
- Này, có đồng nào không?
Trần hơn tôi vài tuổi, mấy lâu nay thất nghiệp dài. "Tao bị rồi", anh nói ráo hoảnh. Tuy vậy, tôi để ý thấy anh bồn chồn, hốt hoảng ra mặt. Anh hỏi để hỏi, chứ anh thừa biết tôi chẳng có đồng nào trong người. Tôi lặng im.
Trần lại hỏi:
- Mượn được ai bây giờ?
Tôi nhẩm xem có người quen nào ở các phố quanh đây. Trần Kim (Trần Huyền Trân) trước ở tòa soạn báo Bắc Hà phố Cao Đắc Minh trên Giám. Cái năm không còn tiền thuê báo, đã phải trả lại chủ báo Bùi Đức Dậu, rồi không có tiền thuê cái gác, từ lâu, lại về ở lều vó Cống Trắng. Nhà Thâm Tâm trên chỗ Hăm Bốn Gian cạnh Nhà Diêm. Xa quá. Trần đòi vay nóng để làm gì. Nhưng thấy băn khoăn của anh, tôi chỉ biết lo. Nhà Nguyễn Tuân dưới Cầu Mới, gần đây, nhưng chúng tôi không quen ông ấy.
Trước mặt, chỗ Nam Đồng có nhà các "Tản điệt" Nguyễn Tố, Nguyễn Tuất - khi cụ Tản Đà mất, các ông này cũng như ông Phan Như viết báo, làm thơ, thường ký trên tên mình chữ "Tản điệt", như là tranh nhau nhận họ, nhưng mà chúng tôi chưa quen các ông ấy đến độ có thể xuề xòa vừa mở mắt thế này đã đến gõ cửa vay tiền người ta.
Tôi chợt nhớ, bảo Trần:
- Có nhà anh Vũ Ngọc Phan trong Ấp. Trần giục:
- Thế thì vào hỏi giựt tạm mấy đồng cũng được. Tớ đợi ngoài này.
Đầu năm, Trần thôi dạy học ở một trường tư trên Thụy. Quân Nhật đem ngựa đến nuôi ở bãi cỏ trước mặt ven hồ Tây, chiếm nhà làm trạm canh. Thế là tan cái trường, thầy giáo mất việc. Trần về ở với tôi, viết gửi các báo cái truyện ngắn, bài thơ. Cũng có bài được đăng, nhưng chẳng đâu mời viết cho nên không kiếm nổi một đồng nhuận bút. Tôi đã viết truyện ngắn gửi báo của anh Vũ, được trả tiền. Tôi thường đi lại nhà anh ở dưới Ấp.
Bao nhiêu năm qua rồi. Có khi nào anh Vũ nhớ cái tơ mơ sáng hôm ấy, chắc anh còn ngạc nhiên mãi không biết cái thằng tôi chui đâu ra mà tờ mờ sáng đã đến hỏi mượn tiền thế. Chẳng bao giờ người chân chỉ như anh đoán được, bởi vì có thể anh chẳng bao giờ cho là tôi đã đổ đốn đi cô đầu nhà thổ thế nào.
Anh Vũ đưa cho tôi cái giấy con công năm đồng.
Tôi trở ra, chìa tờ bạc, Trần mừng ra mặt. Chúng tôi vào quán phở xế cổng chùa Đồng Quang. Trần gọi bát phở. Trần ăn hai bát. Trần không phải người phàm ăn. Hôm ấy Trần tẩm bổ. Cho lại sức!
Chúng tôi cuốc bộ, lên phòng khám bệnh bác sĩ tư trên đầu Hàng Cót, mọi khi đi qua vẫn trông thấy cái biển đồng khắc chữ "Đốc tơ Nguyễn Gia Kính". Hình như Trần luống cuống cũng chẳng nhớ có thể đi tàu điện lên Hàng Đậu, chúng tôi cứ lẽo đẽo đi. Trần lẩm nhẩm, như nói với tôi, lại như một mình tính toán. Chó quá. Chó quá. Sắp sáng rồi, đã hết sức phanh... Giời ơi! Rồi lại chép miệng.
Tôi cũng lây cái bối rối của anh, tôi lo lo. Ở tuổi đương độ, không phải chỉ là giữ gìn, là tư cách mà quanh cái chuyện chót nhỡ khốn nạn ấy có biết bao điều ghê rợn khiến chẳng thể tặc lưỡi cho xong. Đã nghe nói, đã trông thấy những cảnh nhục nhã, bêu diếu khi cái người bị bệnh. Người ta bảo vi trùng giang mai nhiễm vào máu nổ từng đốt xương, lại lây truyền đến ba đời con cháu. Nọc bệnh tim la thì ăn lên óc, mắc phải bệnh này chỉ còn đợi bó chiếu. Còn bệnh lậu, ngày đêm đái ra mủ. "Nổ ống khói" tóe máu, bước khạng nạng, tanh lộn mửa, không dám đến cạnh ai. Mà bọn cô đầu rượu nhà thổ lậu thì lúc nhúc sẵn các thứ bệnh hoa liễu đổ cho khách làng chơi. Thế mà Trần bị... Chết đến nơi phen này rồi.
Tôi đứng đợi bên gốc nhội ngoài vỉa hè nhà bác sĩ Kính. Một lát, Trần bước ra, mặt hầm hầm tái ngắt.
Hai đứa ra cửa chợ Đồng Xuân đợi tàu điện. Lúc ấy, Trần mới nói:
- Toi mẹ nó đồng bạc!
- Đốc tờ bảo sao?
- Nó bảo ngoài ba tháng, bệnh phát ra hay không mới biết. Đến lúc ấy thì việc gì hôm nay ông phải đi hỏi mày!
Trần sang Hàng Đường và nói: "Xuống Bờ Hồ!". Anh đương bực, tôi chỉ lặng lẽ đi theo. Tưởng Trần muốn xuống cái quầy bán sách báo vỉa hè đầu Cầu Gỗ. Nhưng đến đấy rồi lại đi. Sang nhà sách Thụy Ký bên Hàng Gai. Trần vào hỏi và mua quyển Bệnh hoa liễu in ở Sài Gòn của bác sĩ Lê Văn Ngôn hay Phạm Tấn Tươi - tôi không nhớ đích xác. Quyển Bệnh hoa liễu dày cộp, ba bốn trăm trang.
Mấy ngày liền, Trần nằm nghiền ngẫm từng tờ, xem đi xem lại. Thỉnh thoảng, lại ngẩng đầu nghe ngóng rồi khe khẽ:
- Chỗ bụng dưới tớ như khó chịu. Từ sáng, hơi đái giắt, lại buôn buốt. Trong sách... hình như...
Tôi còn biết đáp lại thế nào!
Có hôm, Trần gọi tôi ra gốc chuối sau nhà.
- Xem hộ cái nước đái màu nhờ nhờ, có phải máu không?
Cứ thế, chốc lại hình như... hình như... Đến tôi cũng lây cái loay hoay lo nghĩ, chẳng cứ Trần. Tôi nhận thấy Trần hóp má, mắt mất ngủ đỏ ngầu.
Tôi không dám nói tên quyển sách Bệnh hoa liễu, tôi chỉ hỏi:
- Sách bảo thế nào?
- Nó cũng bảo ba tháng mà không thấy gì, mới thoát.
Tôi không dám nói nhận xét hồi này Trần phờ phạc quá. Nhưng tôi hỏi:
- Có ăn cái nhau đàn bà đẻ không?
Năm trước, tôi bị sở mật thám dưới Nam Định bắt, đến khi được giải về Hà Nội, cũng hom hem gầy giơ xương. Thằng Tĩnh cùng hoạt động hội ái hữu thợ dệt với tôi thời kỳ Mặt trận Bình dân ở làng đã lên xin bà đỡ trên nhà thương ở Yên Thái mấy cái nhau đem về cuộn vào nhân bánh đa rán làm nem Sà Goòng. Ăn rồi, thấy có khỏe hơn.
Trần chỉ gật đầu:
- Ừ.
Trần đã chịu khó nuốt mấy lần "nem" nhau đàn bà đẻ như thế, nhờ thằng Quyền bán phở làm nem hộ. Nhưng mỗi hôm Trần vẫn bảo tôi ra sau nhà xem nước đái nó có màu đo đỏ, Trần lại bần thần nói vẫn cảm thấy chỗ bụng dưới tưng tức.
Một buổi tối, Trần rủ tôi lên chợ, vào quán Quyền ăn phở, phở xào cẩn thận. Tôi hỏi:
- Đào được mỏ nào mà phởn thế? Trần cười.
- Ba tháng mười ngày. Quá mười ngày rồi.
Thì ra Trần ăn mừng. Không thấy gọi liền hai bát như cái sáng ở dưới Ấp, nhưng chén phở xào ròn và mặt Trần không khó đăm đăm như mọi khi. Đã tai qua nạn khỏi. Những cái nghĩ ngợi vu vơ mà đâm ra lo sốt vó, mà sợ thật sự, cái sợ tối thẫm như đêm ba mươi. Tôi bỗng mất vui, lại thấy buồn thân phận đến ê ẩm cả người.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro