11.6.2019
Đã gần một tuần trôi qua kể từ khi tớ hoàn thành kì thi tuyển sinh. Chưa bàn đến kết quả sẽ ra sao. Nhưng các cậu biết đấy, năm học cuối cấp lúc nào cũng nặng nề và áp lực kinh khủng. Có người bảo kì thi tuyển sinh cũng áp lực giống như kì thi Đại học vậy. Rõ ràng cả hai đều là hai ngã rẽ của cuộc đời mà, nhưng chưa vội đánh giá đây là những cột mốc lịch sử của cuộc đời bạn đâu. Vì biết đâu sau này ta lại sẽ có vô vàn những cột mốc phi thường khác do chính bản thân ta lập ra. Có thể sẽ là phi thường, và có thể đôi lúc sẽ là tầm thường. Nhưng tớ vẫn mong trong số chúng ta, đều có thể lập nên những cột mốc kì tích, không chỉ phi thường với chính bản thân cậu, mà phải phi thường với hàng xóm láng giềng, với các tỉnh lị, với các khu vực hoặc có thể cao xa nữa là với thế giới. Đừng ai cười bảo là tớ mơ cao. Không đâu, người ta đánh thuế muối, thuế đường, thuế điện chứ ai đánh thuế ước mơ!
Việt Nam ta có biết bao sự tích anh hùng mà các cậu đã biết. Cũng có những con người mang danh mình rạng rỡ khắp năm châu. Đấy là Hồ chủ tịch, đấy là anh hùng Phạm Tuân, và đấy là những người nông dân cần cù lớn lên trong cái đói cái nghèo... Thế hệ chúng mình chính là những người được kì vọng sẽ tiếp nối cha ông. Tớ thực sự chưa làm nên cái trò trống gì để phải vênh vênh tự đắc ra vẻ ta đây. Nhưng có lẽ từ trong tâm thức, là ám ảnh tâm lí chăng? Tớ luôn có cái ám ảnh mình phải làm nên trò trống gì đó, phải gây cho thiên hạ những tiếng vang, phải làm rạng danh bản thân và phải trưởng thành, phải thành công, nhất định phải thế! Vì vậy, nếu các cậu sống trong một gia đình luôn bị bố mẹ ép thúc. Nào là con phải làm thế này, con phải làm thế kia, con phải nghe bố, nghe mẹ, vì bố mẹ là người có kinh nghiệm. Ôi thôi, nó chả kém gì với việc tự mình áp đặt bản thân đâu, đều kinh khủng như nhau ấy! Vì có những suy nghĩ như vậy nên hễ mỗi lần làm lỗi, dù là nhỏ nhặt nhất tớ cũng luôn hận mình. Trách mình ghê lắm, trách rằng tại sao mình đến Trái Đất này chỉ góp phần chen chúc cho dân số và tiêu thụ thức ăn hộ cho những người kiệt xuất. Tớ luôn suy nghĩ bi quan thế đấy, mong rằng đừng ai giống tớ, chỉ tổ mệt nhoài bản thân chứ vô dụng thì tớ vẫn vô dụng ì ra đây này.
Tớ ở một vùng quê. Xưa nay hễ nhắc đến quê chắc các cậu sẽ nghĩ về đồng ruộng xanh bao la rợn ngợp, hằng hà sa số những con cò trắng đàn đàn lớp lớp nhau bay qua bay lại đúng không? Hay những mái nhà ngói cứ luôn nghi ngút khói từ ống khói tỏa ra mỗi khi bình minh lên, rồi nào là "con gà cục tác lá chanh" hòa với tiếng gọi í ới của các cô dì đi chợ sớm. Khung cảnh yên bình thật chứ lị! Nhưng không. Nói gì thì nói chứ nước ta cũng dần đi vào lề lối phát triển rồi, những hình ảnh như vậy khoảng chục năm trở về trước thì có. Nhưng hiện nay thì rất hiếm gặp. Phần là vì nước ta đã bắt kịp mô hình canh tác máy móc nên những khung cảnh thô sơ như vậy khá khó để tìm. Nhưng không phải là không có. Vả lại bây giờ nếu có, người ta cũng chẳng buồn mà ngó tới các cậu nhỉ? Người ta chăm chú xem báo mạng, xem điện thoại, ipad, rồi tivi, rồi những dàn nhạc sóng ì đùng ngày đêm, kiếm đâu ra những giờ phút thơ mộng nhỉ. Nhưng tớ tin rằng từ sâu trong tâm thức, thế giới càng hiện đại người ta càng hoài cổ. Hoài cổ ở đây không phải là cổ hủ. Là trong tâm niệm của mỗi người, khi đã mệt nhoài với đô thị không tên heo hút đèn màu, với những hiện đại phồn hoa, những khung cảnh có phần sắc nét hơn, người ta thường tìm trở về nơi chốn yên bình cốt để thư thả tâm hồn. Đó là lí do mà lớp lớp những địa điểm "thanh tịnh" dễ khiến con người ta tìm đến. Gần đây có các quán cà phê: Cà phê lá, Quán mát sân vườn, Cơm với canh chua, Rau củ quả ngày xưa, Sân hồng, Vườn hồng, Vườn đồi xa xa,...Những cái tên nghe qua gợi sự thân thuộc, thân sơ lại khiến con người ta dễ tìm đến hơn. Nghe có vẻ hài hước nhưng đó là những địa điểm khá hút khách ở quê tớ. Vì dân đã chán chê với cái thú hưởng lạc sung túc, họ tìm về nơi êm đềm, tìm về những khung cảnh đặc trưng như cây đa, bến nước, sân đình để tìm lại khoảng thời gian êm đẹp hoặc chí ích là những đêm nằm đưa võng nghe tiếng dế rít. Ở quê tớ không còn lại những tiếng hò, tiếng hát, tiếng vui đùa hay tiếng nhảy tùm xuống sông của những đứa trẻ chơi đùa ban trưa như khi tớ lên ba, lên năm. Thay vào đó là tiếng búa, tiếng rèn, tiếng khoan dựng nhà, tiếng xe cộ qua lại,... Tớ mới giật mình nhận ra, quê mình phát triển thật rồi các cậu ạ, nước mình tiến bộ rồi các cậu ạ, dân mình ấm no rồi các cậu ạ!
Hôm qua tớ có đến một cửa hàng bách hóa ở trung tâm thị trấn. Cửa hàng này mới mở đã gây nên nhiều sự "không ưa" của mấy cô tiểu thương làm ăn buôn bán lâu năm trong chợ. Đang yên đang lành bỗng xuất hiện một nơi hiện đại sạch sẽ, lịch sự hơn thì đương nhiên bị "không ưa" sẽ là điều khó tránh khỏi. Coi như là "giành mối" hết cả. Ôi cha, cửa hàng đấy mới mở cửa mà! Khách ra vào liên tục, không lúc nào ngơi nghỉ. Bất kể khi nào tớ có dịp đi qua cũng đều thấy trong đấy rất đông người mua bán. Lòng ghen tị là bản tính tất yếu của con người. Có dịp ra chợ ngồi nghe các hộ tiểu thương nói chuyện, mình thấy ôi sao còn nhiều người vẫn chưa chấp nhận những cái hiện đại, cái mới mẻ quá. Các cô đều ra sức "phốt" cửa hàng bách hóa ấy. Nào là bán giá trên trời, nào là mùi hôi thối, nào là rau củ không tươi. Mình thấy các cô thật sự đáng buồn lắm. Chủ doanh nghiệp người ta đã xác định người ta dám đánh vào thị trường nông thôn, tức là người ta đã đảm bảo sản phẩm của người ta chất lượng, giá tốt và sạch sẽ. Bởi ở nông thôn rau củ dễ tìm lắm, đồ ăn cũng tươi hơn so với ở thành phố, người dân ở nông thôn có nhiều sự lựa chọn cho rau quả tươi. Hôm nay thấy chị kia bán dưa tươi hơn chị này, liền qua chị kia mua. Hôm sau chị này quyết phải cắt dưa tươi hơn chị kia rồi mang ra chợ bán ngay tức khắc, thế gọi là cạnh tranh ở nông thôn. Còn ở thành thị, dù tươi hay không cũng phải mất hai, ba ngày vận chuyển và kiểm định. Nên các doanh nghiệp bách hóa muốn đánh vào thị trường nông thôn là một bước đi mạo hiểm, nhưng bước đi mạo hiểm phải đảm bảo sự an toàn, tức là họ đảm bảo sản phẩm của họ cũng tốt so với những hộ bán khác, nên mới mạnh dạn mà đầu tư, đấy chính là cách họ tạo sự an toàn cho chính họ cũng như tạo thương hiệu trong lòng người dân. Vả lại sản phẩm đều tốt như nhau có lí nào trong bách hóa lại bán giá cao hơn được, như thế thì làm sao cạnh tranh thị trường, ít ra phải bán giá cũng phải bằng hoặc rẻ hơn mới có đất mà tiếp tục kinh doanh. Ở đây tớ không phải lên tiếng bênh vực cho các cửa hàng bách hóa. Nhưng tớ thấy buồn vẫn còn nhiều người chưa chịu tiếp nhận cái mới, vì lợi ích cá nhân mà tung tin như thế không đáng tí nào. Hơn nữa một khi những người nghe các cô nói, họ bước vào bách hóa, họ phát hiện chao ôi những thứ này cũng đâu mắc như bà X, cô Y, chị Z nói, các sản phẩm cũng đều có giá bình dân như ở ngoài, mà phục vụ lại tốt, lại dễ dàng, chả phải các cô trở thành kẻ nói khoác trong mắt họ. Quả thật cái mới thì khó được tiếp nhận trong tư tưởng của những con người cổ hủ, hủ tục, và tư tưởng thế cũng rất khó để khắc phục từ ngoại quan. Tớ chỉ mong các cô đừng làm thế, chỉ cần làm ăn chân chính, lương thiện thì không phải sợ ai chơi xấu, cũng không phải sử dụng những chiêu tiểu nhân mà bôi nhọ ai cả.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro