chuong18
1947 Ông Trùm Croce: ma đầu hay quân tử
Quốc vương Umberto II - thuộc dòng dõi Savoy - là người có bản chất tâm địa hiền hòa. Do đó, ngài được người dân Ý lúc đó cảm mến, quí trọng. Ngài chấp thuận cho thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý, theo đó, nước Ý chọn chế độ Cộng hòa hay chế độ quân chủ trên danh nghĩa. Ngài chẳng ham làm vua khi lòng dân không thuận. Về vấn đề này, ngài cũng giống như đức tiên vương. Dòng họ Savoy chưa bao giờ là những nhà cai trị có tham vọng. Dưới các triều đại của dòng họ ấy, trên thực tế, nước Ý thực sự là một nước theo chế độ dân chủ đại nghị. Đúng hơn, đó là một chế độ đề cao quyền lực của quốc hội. Theo các chuyên viên chính trị, chắc chắn cuộc trưng cầu dân ý sẽ thuận lợi cho vương triều.
Đảo Sicily được kể trong số những vùng tuyệt đại đa số phiếu chấp thuận duy trì nguyên trạng. Tức là duy trì vương triều. Tại Sicily lúc đó có hai thế lực "đen" mạnh nhất chi phối: Một, do Guiliano kiểm soát vùng Bắc hòn đảo; một, do Ông Trùm Croce và đám "Người anh em" kiểm soát phần còn lại. Guiliano không ủng hộ phe đảng chính trị nào. Trong khi đó, Ông Trùm và đám Mafia dồn mọi nỗ lực cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và duy trì vương triều.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã làm cho vương triều - dù là trên danh nghĩa - vào viện bảo tàng. Nước Ý trở thành một nước cộng hòa. Và thế lực cánh tả gồm phe xã hội và cộng sản tỏ ra mạnh mẽ, làm cho chính phủ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo lúng túng, lung lay, có nguy cơ sập tiệm. Cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới, đám lau nhau vô thần kia có thể lên chấp chính ở một nước có giáo đồ của một tôn giáo lớn nhất toàn cầu. Và trên danh nghĩa thì nước đó là công giáo toàn tòng. Một nước mà bất cứ xó xỉnh nào cũng thấy tượng Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary, tượng Đức Chúa Jesus đủ kiểu, tượng các chư thánh. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo chịu không thấu. Do đó, nó đã phải huy động toàn lực "đen" cũng như "trắng", mọi thủ đoạn vương đạo hay bá đạo để có hy vọng thắng trong cuộc bầu cử tới. Nếu không thì ăn mày cả đám!
Trớ trêu thay, đảo Sicily lại được vinh dự ở vào cái thế quyết định. Nó nghiêng về phía nào thì phía đó có đường ăn nên làm ra và phía đối địch có đường "bị, gậy". Trong cuộc bầu cử vừa qua, dân Sicilian sẽ đưa vào nghị viện - thượng cũng như hạ - khá nhiều dân biểu, thượng nghị sẽ thuộc phe xã hội và cộng sản tại Sicily, phe tả đang lên như diều. Vì tại đây, hoạt động công đoàn vẫn bị coi là hoạt động xấu xa của bọn "quỷ dữ". Chủ nhân các nhà máy, xí nghiệp, điền chủ cũng không chịu nói chuyện với đại diện công nhân. "Có giỏi cứ đình công". "Người anh em" chỉ nổ vài thằng là cả đám hết hồn, chẳng còn đứa nào dám ho he. Cứ như thế thì kết quả cuộc bầu cử như thế nào, không phải là điều không thể dự đoán.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cũng như bầu cử vừa qua làm cho Ông Trùm Croce vừa lo sợ vừa tức giận phát điên lên được. Tại các thôn xóm xa xôi, Ông Trùm và đám "Người anh em" cũng làm dữ đấy chứ, cũng hăm he, đe dọa đủ cách để giành lấy phiếu cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đấy chớ. Nhưng, rõ ràng là không kiến hiệu. Mấy thằng dân ngu khu đen vẫn "đường ta ta cứ đi". Nghĩa là vẫn cứ bỏ phiếu cho các ứng cử viên xã hội và cộng sản.
Không phải chính quyền của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đám "Người anh em" mới tích cực vận động. Mà ngay cả Hội Thánh cũng vào cuộc. Trên tòa giảng, cha cố hò hét giáo dân phải bỏ phiếu chống lại bọn vô thần. Các dì phước đến từng nhà, tay cầm gói mì Spaghetti hoặc lon dầu ô-liu béo ngậy, miệng mỉm cười thân ái và tha thiết dặn dò :
- Nhớ nhé, hôm bầu cử thì nhớ bỏ phiếu cho ông này bà kia thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo nhé. Bỏ phiếu tầm bậy tầm bạ, lỡ ra bọn vô thần nó lên cầm quyền được thì Chúa với Đức Thánh Đồng Trinh dám "đi đứt" với chúng nó lắm. Báng bổ Chúa và Mẹ là cái nghề của bọn vô thần. Chúng nó mà cầm quyền thì mình sa địa ngục cho mà coi. Vì đâu còn nhà thờ nữa đâu mà đi lễ. Nhà thờ bị chúng biến thành rạp hát, thành nhà kho rồi còn đâu. Cứ gọi là sa hỏa ngục hết, nếu bỏ phiếu cho chúng nó. Sợ sa hỏa ngục không?
Đó, đại khái cây gậy và củ cà-rốt của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo là thế. Chiến thuật vận động tranh cử của họ là thế. Nhưng kết quả bầu cử ấy vẫn làm cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, các chức sắc lớn nhỏ trong Hội Thánh và các sếp lớn nhỏ trong đám "Người anh em" tức hộc máu ra được, hàng tỉ đồng lire dầu ô-liu và mì Spaghetti chứ đâu phải ít của. Mì của đảng Dân chủ Thiên chúa, cứ đớp - tội đếch gì, bỏ uổng - nhưng bỏ phiếu ủng hộ cánh tả, cứ ủng hộ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Italia - Ngài Franco Trezza, dân Sicilian chứ đâu phải ai xa lạ gì - cũng giận tím mặt lại với mấy ông bà đồng hương của mình. Đúng là một lũ vô ơn, lừa lọc, tráo trở, xảo quyệt. Mẹ kiếp, nghèo rớt mùng tơi - không có lấy tấc đất cắm dùi, ngay cả cái khố mà đeo cũng đếch có nữa - Vậy mà vẫn cứ kiêu hãnh. Bảo đếch thèm nghe! Đã thế lại còn ngu ơi là ngu. Bỏ phiếu cho bọn xã hội, bọn cộng sản, có ngày phá hủy nền tảng gia đình, phá hủy các nhà thờ, thì lúc đó, hỡi ơi, đã bể mẹ nó rồi, trở tay sao kịp. Đứa nào dám há mỏ ra kêu là tụi nó khiền ngay, có khi cắt lưỡi cho mà biết! Ngài bộ trưởng bóp trán suy nghĩ. Ngài tức giận đấm tay xuống bàn đánh thình. Nhưng, bỗng chốc một tia sáng lóe lên trong đầu óc ngài. Và, mặt ngài tươi rói, thiếu điều ở truồng chạy ra đường, la làng: Eureka, Eureka, như Archimède thuở xưa. Diệu kế, diệu diệu kế. Ngài chợt nhớ ra một người. Ngài chợt nảy ra một sáng kiến. Ngài thấy rõ một giải pháp ăn chắc mà lại rẻ tiền, hầu như miễn phí nữa là khác, đã thế, lại kín đáo, bí mật, không ai nói vào đâu được. Với giải pháp này thì kỳ bầu cử toàn quốc sắp tới, bọn xã hội, bọn cộng sản đừng hòng làm mưa làm gió. Ngài lấy giấy tự tay viết thư cho Ông Trùm Croce Malo.
Đó là một trong những cảnh không hiếm hoi gì của vở kịch "sự hợp tác huynh đệ giữa người bắt cướp và kẻ cướp".
Đám dân ngu khu đen Sicilian ngơ ngác hỏi nhau :
- Ơ hay nhỉ, việc đếch gì mà mấy nhân vật tai to mặt lớn ở Palermo cũng như ở Rome phải nổi cơn tam bành, khi tụi mình bỏ phiếu cho cánh tả và bỏ phiếu "dẹp tiệm" nhà vua nhỉ?
Họ cũng ngơ ngác không hiểu tại sao các cường quốc đàn anh như Hoa Kỳ, Anh và Pháp lại lo ngay ngáy và bấn xúc - xích lên về cái chuyện Ý có thể trở thành ông bạn đồng minh với Nga Xô, cũng chẳng biết nó ra sao và ở đâu nữa.
Cách đó hai chục năm đám dân kiết xác Sicilian không được tặng cho cái món quà dân chủ. Nay, lần đầu tiên tay được cầm lá phiếu, họ nghe những nào là dân chủ, tự do... cứ như vịt nghe sấm. Có hiểu gì đâu. Lúc được cầm lá phiếu, bảo họ đi bầu thì họ cứ ngay thật mà bầu cho những ông nào bà nào hứa tranh đấu giúp họ mua lại mảnh ruộng, mảnh vườn mà từ đời ông cố hỉ cho đến thằng chắt nội đã thi nhau đổ mồ hôi xuống đó. Mua lại với cái giá rẻ rẻ một chút, chứ nào có phải ăn cướp đất của ai. Nhưng họ bỗng phát hoảng, không dè - ấy là mấy ông lớn bà lớn nói vậy mới biết vậy - không dè bỏ phiếu chọn hỏa ngục, là phá hoại nền tảng gia đình. Và động trời hơn nữa, là làm nghịch cùng Hội Thánh, là chống lại đức Thánh Nữ Đồng Trinh mà nhà nhà đều có tượng thờ, là biến nhà thờ thành rạp hát, là cho vào "bảo tàng" cả đức Giáo hoàng mà họ hằng kính ngưỡng. Cha mẹ ơi, chỉ bằng cái lá phiếu cỏn con ấy, họ đã phạm toàn tội trọng ghê gớm như vậy mà đâu có biết.
Không! Trong thâm tâm chất phác, lương thiện, dân Sicilian không đi bỏ phiếu để phá hoại nền tảng gia đình. Nhất là chống lại Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary thì lại càng không. Họ chỉ bỏ phiếu mảnh đất nuôi sống bản thân, gia đình vợ con, chứ không bỏ phiếu ủng hộ đảng phái tả, hữu nào hết. Họ không thể quan niệm hoặc hình dung được niềm vui nào khác lớn hơn là cái niềm vui được làm chủ mảnh đất mà bao đời họ đổ mồ hôi trên đó, được giữ sản phẩm do chính họ làm ra để nuôi vợ con họ cho khỏi đói. Giấc mơ thiên đường của họ là có được mảnh đất để trồng lúa mì, mảnh vườn tí ti để trồng vài gốc ô-liu và chanh, cam, nho đủ để chi dùng trong gia đình. Có vậy thôi. Họ có đòi dê béo rượu nồng, nhà cao cửa rộng, áo quần lả lướt gì đâu. Nói chi đến chuyện trời trăng xa xôi dân chủ, tả, hữu. Những cái đó, đối với họ, nghe xa vời và hoang đường còn hơn cả truyện cổ tích dân gian mà họ vẫn vẽ trên những cỗ xe lừa của họ.
Ngài bộ trưởng Bộ Tư pháp trong nội các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - gốc gác Sicilian - vốn là một tay chống phát-xít ra trò, đã nếm cơm tù của Mussolini một thời gian. Sau vượt ngục và trốn sang nước Anh của thủ tướng Churchill. Tên cúng cơm của ngài Franco Trezza, vóc người cao lớn. Nom có dáng quý phái. Mái tóc vẫn còn đậm màu, tuy ria mép đã ngả màu muối tiêu. Là một anh hùng thứ thiệt. Nhưng ngài cũng lại là một đấng thư lại nghiệt ngã, một chính khách nham hiểm, một đầu óc tính toán rất lạnh.
Văn phòng của ngài ở Rome đặt trong một tòa lâu đài kiểu cổ. Trên tường, ngài không theo đúng nghi thức nghĩa là treo hình tổng thống mà gọi một cách đầy khinh miệt và xách mé là "lão già hủ" - mà treo ảnh "các thánh": tổng thống Mỹ Roosevelt và thủ tướng Anh Churchill. Chứ sao! Các vị này là quan thầy bảo trợ ngài chứ đâu phải lão già hủ kia. Cửa sổ khung sắt, lắp kính chống nhiệt và có ban-công.
Ngài bộ trưởng thân hành và trịnh trọng rót rượu mời vị khách danh dự của ngài: Croce Male, chúa trùm của bọn đầu trộm đuôi cướp, ông vua không ngai của tất cả các ngành kinh doanh "đen" không vốn, nhưng có đến bốn chục lời.
Họ ngồi nhâm nhi ly rượu bách tuế thượng hảo hạng và bàn phiếm về bối cảnh chính trị ở Sicily và về cuộc bầu cử sắp tới. Họ lai rai bốn nhóm ăn chơi, trong lúc chờ bồi dọn tiệc. Tiệc đặc biệt, mà lại chỉ có một chủ, một khách. Ngài bộ trưởng rì rầm nói lên nỗi lo ngại của mình. Nếu dân Sicilian lại tiếp tục ủng hộ cánh tả thì đản Dân chủ Thiên chúa giáo có thể mất quyền kiểm soát nghị viện, nội các lọt vào tay bọn tả, đạo Thiên chúa dám mất ngôi vị quốc giáo... Vị khách chăm chú, thành kính nghe. Nhưng không nhếch mép. Không nói và cũng không cười. Trang nghiêm và nín thinh. Như tượng.
Vào đến bàn tiệc, vị khách cũng không ừ hữ, cứ ngồi đớp tì tì. Lão thầm cảm phục: mẹ kiếp, đầu bếp thủ đô có khác, nấu ăn ngon không chịu được, hơn Sicily xa. Tổ cha nó, cái xứ sở gì đâu, quê mùa, cù lần đến vậy, mà vẫn còn cứng đầu cứng cổ. Ông Trùm cúi cái đầu to tròn như cái đầu sư tử của lão gần sát đĩa mì Spaghetti xào với nấm. Cái hàm to và rộng như hàm sư tử cứ nhai như máy. Cái mũi như mỏ chim đại bàng của lão hin hin, hít lấy hít để - vừa như con chó đánh hơi xem có thuốc độc hay không, lại vừa như sợ hương vị thức ăn bốc hơi đi mất thì uổng. Đôi mắt láo liên nhìn một cách tham lam mặt bàn ê hề đồ ăn, thức uống. Ngài bộ trưởng cứ rỉ rả, tỉ tê về tình hình chính trị và về quốc vụ. Còn Ông Trùm cứ đớp, cứ ngốn. Ào ào như xẻng xúc.
Cuối cùng, đĩa trái cây và pho-mát cũng đã ngoan ngoãn nằm gọn trong bao tử Ông Trùm. Một ly cà-phê theo nghi thức. Một ly rượu tiêu thực to đùng cũng đã xong. Chiếc ghế bây giờ đã trở lên nhỏ bé đối với cái thân xác vốn dĩ đã kềnh càng của Ông Trùm. Nay, cái thân xác ấy lại nhập thêm một khối lượng thức ăn đồ sộ như vậy nữa, cho nên, cái ghế khốn khổ ấy - mặc dù xương cốt tốt - cũng không chiều được. Bởi vậy, lão ngồi mà cứ ngọ nguậy, nhấp nhỏm. Thấy vậy, ngài bộ trưởng hiểu ý nên đã mời Ông Trùm qua phòng khách. Có ghế bành đồ sộ. Tường bọc da cách âm. Ngài cũng truyền cho bồi dọn rượu. Đích thân ngài bộ trưởng Bộ Tư pháp rót cà-phê mời Chúa trùm tướng cướp, vị khách quí. Ngài mở hộp xi-gà thượng hảo hạng, mời. Ông Trùm lơ đãng nhón lấy một điếu gắn lên môi. Cũng đích thân ngài bộ trưởng bật lửa cho Ông Trùm kéo khói. Sau đó, ngài bộ trưởng khép nép, kính cẩn, chờ đợi lắng nghe những lời khôn ngoan của Ông Trùm. Bao nhiêu công lao khó nhọc của ngài là chỉ để cho phút giây này Ông Trùm kéo một hơi khói dài. Ngửa mặt lên trần, từ từ nhả khói. Cứ như một nhà thơ. Vừa lim dim thưởng thức khoái cảm của một bữa ăn ngon, của thức uống thượng hảo hạng của khói thuốc dịu, thơm. Nhà thơ đang tìm tứ thơ. Nàng thơ vẫn còn ưỡn ẹo, kiểu cách, chưa chịu nhập. Ông Trùm kéo vài ba hơi khói nữa. Ngài bộ trưởng vẫn kiên nhẫn. Hai mắt hau háu nhìn vào miệng Ông Trùm. Hong hóng chờ đợi. Cứ như sợ bất chợt, một lời nào của lão tuôn ra, mà ngài không đón kịp, thì uổng. Ông Trùm sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn. Tưởng đâu lão mở máy nói của lão. Nhưng, chưa. Lão vẫn cứ nhìn chòng chọc vào ngài bộ trưởng, vừa nhìn chăm chú, lại vừa có vẻ mơ màng. Cái dáng dấp quí phái của ngài bộ trưởng đếch gây ấn tượng gì tốt đẹp nơi lão. Đối với lão khuôn mặt ngài bộ trưởng nom chẳng những không thanh tú thì chớ, trái lại, có vẻ thô, nặng và đần làm sao ấy. Và lão cũng chẳng mảy may cảm thấy sức thu hút, thuyết phục của ngài bộ trưởng. Lão còn khinh miệt bộ ria mép của ngài. Vì theo ý lão, bộ ria mép ấy càng làm cho khuôn mặt của ngài tăng thêm vẻ lưu manh, láu cá. Có thể, khuôn mặt ấy, dáng dấp, cử chỉ ấy có tác dụng nào đó đối với cái gọi là xã hội thượng lưu ở Rome. Chớ đối với dân Sicilian thì "nom dị hợm thấy mẹ".
Tuy nhiên, con mắt lõi đời của Ông Trùm vẫn tìm được nơi ngài bộ trưởng chỗ đắc dụng cho mình. Ít nhất cũng giúp cho lão củng cố được quyền lực của Mafia chính là quyền lực của lão. Trước kia, lão mắc phải sai lầm ở chỗ là dại dột tưởng mình là anh hùng nhất khoảnh, đếch coi bọn Rome ra cái gì, kết quả là bọn Mussolini lên nắm chính quyền, làm cho lão điên đảo, lao đao và tổ chức "Người anh em" tưởng đâu đứt bóng luôn. Lão rút kinh nghiệm đó và cũng không hề có ảo tưởng đối với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, dù không đi học một trường chính trị nào và cũng ít khi đọc báo, chỉ với cái bản năng của dã thú trước cạm bẫy, Ông Trùm cũng đánh hơi được mối đe dọa nghiêm trọng của một chính quyền cánh tả. Nó không hơn thì cũng không thua gì Mussolini. Những lời chúng hò hét về ruộng đất, về việc quét sạch chính quyền đen của Mafia không phải chỉ là tuyên bố huênh hoang, hứa cuội để hốt phiếu dân. Chỉ khi nào đảng Dân chủ Thiên chúa giáo nắm quyền thì Ông Trùm mới yên tâm làm ăn, và công việc của lão mới suôn sẻ. Bởi vậy, lão mới chịu lặn lội đến tận Rome. Nhưng, lão cũng đến trong tâm trạng mãn nguyện và kiêu hãnh của một ông thầy thuốc giỏi mang thần dược đến cho con bệnh ngày đêm mong mỏi. Lão biết là thuốc của lão sẽ chữa lành bệnh. Lão cũng có cái cảm khoái của một thầy thuốc giỏi: Chữa cho con bệnh khỏi bệnh thì vừa nặng túi, lại vừa được con bệnh mang ơn, trọng nể. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và ngay chính ngài bộ trưởng u mê đâu có hiểu rằng lão chữa bệnh cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cũng là chữa bệnh của lão. Cái khoái ở chỗ cơm no, bò cưỡi, tiền rưỡi mang về. Lại còn được làm "Đấng cứu tinh" của đảng nữa mới hách.
Để cho ngài bộ trưởng chờ cho đến lúc mệt gần đứt hơi rồi, Ông Trùm mới mở "máy nói" của mình. Nhưng lão cũng chỉ mở chút chút để cho từng lời nói của lão rỉ rả tuôn ra :
- Kỳ bầu cử tới, tôi có thể trao thùng phiếu của toàn bộ đảo Sicily cho ngài bộ trưởng...
Sắc mặt của ngài bộ trưởng thay đổi liên tục. Đang từ nét chờ đợi khắc khoải lo âu chợt sáng lên, rạng rỡ.
- Với một điều kiện duy nhất.
Sắc mặt của ngài bộ trưởng đang sáng rỡ thoắt chốc lại tối sầm ngơ ngác. Ngài ấp úng hỏi :
- Điều kiện gì?
- Một tay súng thật ngon lành!
Bộ mặt ngơ ngác của ngài bộ trưởng trở nên "nghệt" hẳn ra.
- Tay súng nào, là ai vậy?
- Turi Guiliano! Tôi không đòi hỏi gì nhiều. Chỉ xin ngài đảm bảo với tôi là không được có bất cứ một hình thức hoạt động nào nhằm chống lại nó. Dù chỉ là giơ một ngón tay lên, cũng không.
Nét mặt "nghệt" của ngài bộ trưởng đổi thành thất vọng :
- Đó là điều tôi không thể nói được.
- Nhưng, sự nghiệp của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, sự tồn vong của nó và thậm chí sự sống chết của chính bản thân ngài là tùy thuộc vào lời hứa ấy.
Bộ ria mép của ngài bộ trưởng nháy nháy :
- Guiliano là cái thứ ba đầu sáu tay gì mà dữ vậy? Bộ ông quên chúng tôi có cả trăm ngàn quân đội và cảnh vệ, cớm chìm, cớm nổi.
- Vắn tắt là thế này: hoặc ngài chọn Guiliano, hoặc ngài chọn cộng sản.
Ngài bộ trưởng xỉu thấy rõ :
- Thằng đó còn nhỏ mà sao chơi độc thủ quá. Quá so với ngay cả tiêu chuẩn Sicilian nhà mình!
- Ấy, bậy nào, trái lại. Hắn là một thằng rất đàng hoàng và rất tốt bụng.
Ông Trùm làm như không để ý tới nụ cười mỉm chua chát, châm chọc, hoài nghi của ngài bộ trưởng. Lão chẳng thèm nói với ông ta, nhưng trong bụng rủa thầm: "Đ.m. đã gặp nó bao giờ đâu mà vội dè bỉu sớm vậy. Gặp nó, ông sẽ phải quỳ mọp, bái phục sát đất". Ngài bộ trưởng lắc đầu :
- Tôi nghĩ không phải vậy đâu, ông bạn! Một tay đã thí khá nhiều cảnh sát của tôi như vậy thì không thể là một người đàng hoàng tốt bụng được. Bắt tôi phải coi nó là một tay đàng hoàng, tốt bụng khác gì chửi cha tôi. Tôi sẽ ăn làm sao, nói làm sao với giới cảnh sát, chưa nói đến công luận.
Ông Trùm nghĩ: quả thật là mấy năm gần đây, hình như Guiliano đã nặng tay, đã xem thường dư luận. Kể từ khi "hóa kiếp" cho "cha" Dodanna đến nay, nó chơi xả láng với kẻ thù. Cả Mafia lẫn Rome đều bị nó coi là kẻ thù. Đã thế, lại còn chơi ngông. Gởi thư cho báo chí tuyên bố rùm beng nó là một người thống trị miền Tây Bắc Sicily. Thách thức Rome có ngon, có giỏi thì làm gì được, cứ làm đi coi. Nó còn gửi thư cho báo chí, ngạo ngược tuyên bố không "đảm bảo an ninh cho cảnh sát" tại các thị trấn Motelepre, Corleorre, Monreal... Kể từ chập tối cho đến rạng sáng, nếu cảnh sát tuần tiễu ngoài đường thì sẽ bị bắn bỏ, đừng kêu oan. Nó giải thích: đó là giờ nó và các thủ hạ đi thăm viếng gia đình, bè bạn. Và rằng, nó cũng không muốn thủ hạ của nó bị bắt lúc nằm ngủ trên giường ở nhà vào giờ đó.
Báo chí đang đói tin bèn sướng như điên, cho chạy tít lớn suốt trang báo :
- Salvatore Guiliano cấm cảnh sát áp dụng nhục hình Cassetta!
- Kẻ cướp đã cấm cảnh sát tuần tiễu tại các thị trấn trên đảo Sicily!
- Nhà nước! Có giỏi thì chơi tay đôi với Guiliano đi, hắn chấp đấy!
Xấc xược đến thế là cùng. Ngạo mạn đến thế là cùng. Bộ thằng nhỏ này tưởng nó là vua Sicily, những bức tranh biếm họa rất đau: Vẽ Guiliano oai nghiêm đứng giữa quảng trường thị trấn trong khi mấy anh cớm co ro, cóm róm trong lỗ cống. Hoặc thấy bóng Guiliano, mấy anh cớm sợ té đái. Nói cho đúng, ở Montelepre, ban đêm, Maresciallo vẫn cho các toán tuần tiễu đi "Giỡn" đấy chứ. Nhưng, các toàn này quả thật là không dám đi đàng hoàng mà lúc nào cũng trong tư thế tác chiến. Và trại Bellatempo - được tăng cường thêm cả trên trăm lính cảnh vệ - lúc nào cũng canh phòng cẩn mật, vì sợ Guiliano đột kích.
Có một lần, không hiểu vì ý thức trách nhiệm cao độ, hay muốn làm người hùng hay quá ức vì bị thằng nhỏ vuốt râu chế nhạo, mà Maresciallo hùng hổ xua quân lên núi, truy lùng Guiliano. Chưa được nhìn thấy bóng của một thằng lâu la Guiliano, thì anh em cớm đã vội rút lui. Vì hỏa lực và sự chơi bạo của Guiliano. Kết quả: sáu cớm "bể gáo" và trên chục mạng khác được quyền cụt tay hoặc chống nạng trọn đời.
Rome bị mất mặt rõ. Cũng không thể giả câm giả điếc được. Và đám đối lập la lối om sòm, đòi cho nội các về vườn vì bất lực. Nhưng chính sự táo bạo, xấc xược của Guiliano lại có lợi cho Ông Trùm, nếu lão thuyết phục được nó thực hiện kế hoạch của ngài bộ trưởng. Ông Trùm nói với ngài bộ trưởng :
- Tin tôi đi, Guiliano có thể là con cờ hay của mình. Tôi sẽ xúi nó, khích nó tuyên chiến với bọn xã hội và bọn cộng sản trên toàn cõi Sicily. Nó sẽ triệt hạ bộ tham mưu của bọn này. Nó sẽ "hóa kiếp" luôn những thằng đầu não, tổ chức, khích động của bọn này. Nó sẽ là một nắm đất sét, đa năng, đa hiệu và hoạt động trên bề rộng, công khai. Đồng thời sẽ là con dê tế thần để mình trút lên tất cả những máu me, tội ác. Nó sẽ lãnh đủ. Còn tôi và đám "Người anh em" sẽ làm cái phần còn lại ở bề sâu. Ngài thấy chưa, đó là kế hoạch toàn diện, có sự phối hợp tổng lực, rộng rãi của Hội Thánh, của "Người anh em", của Guiliano. Như vậy, bọn kia đâu còn chỗ nào mọc mũi sủi tăm lên được nữa.
Những gợi ý của Ông Trùm coi bộ vẫn không giúp cho ngài bộ trưởng hình dung được vị trí của thằng giặc non Guiliano trong cái thế trận giành chính quyền của đảng dân chủ Thiên chúa giáo. Ngài vẫn nói, bằng giọng hoài nghi :
- Nhưng, nó đã gây tai tiếng không chỉ trong nước mà cả dư luận quốc tế nữa. Trên bàn văn phòng của tôi hiện có bản kế hoạch hành quân của Bộ tổng tham mưu quân đội, phối hợp với Bộ tư lệnh tối cao cảnh vệ để tiêu diệt hắn. Rồi cũng đã có sắc lệnh treo giải thưởng cái đầu của nó mười triệu lire. Nhiều chứ ít đâu. Do đó, thiếu gì thằng ham, tranh nhau mà lao vào thử thời vận. Còn nữa, trên một ngàn cảnh vệ đã được điều đến tăng cường, chỉ riêng cho thị trấn Montelepre không lớn hơn cái bàn tay. Con muỗi cũng khó lọt. Ấy vậy, mà ông bạn đòi tôi phải ngưng. Và, phải hứa bảo vệ nó. Điều kiện của ông bạn khó nuốt đấy. Này, ông bạn Croce thân mến, ông bạn giao nạp nó cho tôi, nghe coi bộ lọt tai hơnlà yêu cầu tôi phải bảo vệ nó. Lạy Chúa, có đời thuở nào lại ngạo ngược vậy. Rồi đến lúc nuốt không vô, mà khạc cũng không ra. Cái đó còn chết lẹ nữa. Guiliano là một sự sỉ nhục cho nước Ý. Ai cũng cho rằng phải tiêu diệt hắn. Tôi sợ rằng mình chưa sử dụng được lá bài này thì bọn xã hội, bọn cộng sản nó đã biết. Và la toáng lên là mình liên minh với tội ác. Cái đó mới đúng là mình tự đút đầu vào thòng lọng, cho bọn nó siết họng mình. Vả lại, lá bài này cũng không có gì đảm bảo chắc chắn thành công trăm phần trăm.
Ông Trùm nhấp giọng bằng một hớp cà-phê, đưa ngón tay vuốt hàng ria mép. Lão đã thấy hơi "nóng mũi" với thằng cha La Mã đạo đức giả này.
- Turi còn sống là rất có giá trị và rất hữu dụng cho ta. Nó đang tạo ra sự nghiệp anh hùng trên núi. Toàn thể dân Sicilian tôn thờ nó. Đêm đêm, mọi gia đình ở Sicily vẫn thêm vào bài kinh, lời cầu nguyện như sau: "Xin Đức Thánh Mẫu che chở cho Guiliano khỏi tay bọn cớm." Không một thằng dân trên đảo nghĩ đến chuyện phản bội nó. Và bản thân nó cũng là một thằng ranh ma, xảo quyệt hơn bất cứ một tên cướp nào từ trước đến nay. Tôi đã cài gián điệp vào băng của nó. Ấy vậy mà phẩm chất của nó cải hoán luôn thằng gián điệp, đến nỗi thằng này trở thành tôi trung của nó. Nó bảo dân Sicilian nhảy vào lửa họ cũng nhảy ngay. Lúc nãy, ngài hỏi tôi Guiliano là người như thế nào. Thì đấy, nó là thế đấy. Nếu bây giờ ngài có đưa thêm cả ngàn cảnh vệ, thậm chí cả quân đội chính quy đến, tôi e nó sẽ biến ngài thành trò cười cho dân Sicilian. Và, cái đó mới là nuốt không vô, mà khạc không ra. Chưa hết. Chẳng ăn cái giải gì mà hù nhau. Nhưng, cũng phải cho ngài hay: chống lại Guiliano có nghĩa là chống lại tất cả bọn nghèo kiết xác ở Sicily. Bọn này chiếm bao nhiêu phầm trăm trên đảo thì ngài biết quá đi rồi, chứ còn gì nữa. Đó ngài đủ đảm lược chơi với lửa thì xin mời, cứ vào cuộc. Bởi vậy, mình mới phải tương kế, tựu kế. Ai ngu mới chơi trò lưỡng đầu thọ địch. Thằng Guiliano còn sống, nó làm được cái gì? Bất quá nó chỉ quậy được như mấy năm qua là cùng. Trong mấy năm qua, ngài mất những gì? Nhưng, nếu bọn xã hội, bọn cộng sản vồ được chính quyền thì ngài còn gì, mất gì. Quá rõ, thấy chưa? Ấy là chưa kể nó lại quay ra ủng hộ thằng khố hồng, khố đỏ kia nữa thì có mà trời gỡ. Mất Sicily là cái chắc. Mà mất Sicily có nghĩa là - ngài thừa biết - mất luôn cả nước Ý. Khôn cũng chỗ đó, mà dại cũng chỗ đó. Có tí xíu đó thôi. Nhưng nó là chỗ hiểm, chỗ chết người đó, thưa ngài bộ trưởng.
Lão ngưng "máy nói" một chút, liếc ngài bộ trưởng một cái thiệt lẹ. Rồi lại tiếp :
- Ngài phải làm hòa với Guiliano. Đó là cái phao cứu nguy cho ngài đó.
Ngài bộ trưởng hỏi một cách lễ phép :
- Vậy thì phải thu xếp như thế nào đây?
Ngài bộ trưởng giả bộ làm lơ, không nhìn thấy nụ cười kẻ cả của Ông Trùm. Nụ cười ấy làm cho ngài cảm thấy một cái gì đó không thể diễn tả bằng lời được. Đại khái: đó là nụ cười của một thằng La Mã, nhưng lại nở trên khuôn mặt một thằng Sicilian. Còn tệ hơn một bông hồng cắm trên đống phân trâu. Nó khinh khỉnh, mỉa mai, chua chát và đểu cáng làm sao. Ngài bộ trưởng không bỏ qua cơ hội đá gió Ông Trùm một phát, gỡ gạc :
- Những nguồn tin có thẩm quyền cho tôi biết Guiliano cũng không có cảm tình với ông bạn lắm.
Thật không hổ ngươi là một tên La Mã, nhưng lại có máu Sicilian. Chỉ bằng một câu nói nhỏ nhẹ đó, ngài bộ trưởng đã điểm đúng huyệt Ông Trùm. Lão nó lầm bầm trong miệng :
- Nếu nó không đủ khôn ngoan để quên đi mối ác cảm, hận thù thì nó đã đi đời từ ba năm qua rồi, chứ làm gì còn đến ngày nay. Tôi vẫn giữ liên lạc với nó. Tiến sĩ Hector Adonis là một trong những người của tôi, đồng thời là bố đỡ đầu của nó và rất được tin cậy. Ông ta sẽ là trung gian hòa giải giữa tôi với nó. Nhưng thôi, ta quay lại vấn đề đang bàn. Nếu ngài chấp nhận giải pháp tôi đề nghị, thì tôi phải có một vài bảo đảm với ngài về một vài vấn đề cụ thể.
Ngài bộ trưởng đáp lại, giọng điệu nửa như châm biếm, nửa như giễu cợt :
- Chớ bộ ông bạn muốn tôi ký vào một chứng thư mang lời tuyên bố: Tôi, bộ trưởng Bộ tư pháp, rất yêu thương quí mến thằng ăn cướp mà tôi đang truy lùng để bắt giam nó, hay sao?
Một trong những điểm mạnh - và đó là chỗ ăn người - của Ông Trùm là không bao giờ lão để tình cảm xen vào công việc làm ăn. Bởi vậy, ngay lúc đó lão làm như không để ý đến những cử chỉ ba que, xỏ lá, châm chọc, mỉa mai, chế giễu, thậm chí nhục mạ nữa. Lão ghim những cái đó trong lòng, chờ cho khi được việc rồi lão mới quay lại "tính sổ". Bởi vậy, nghe cái giọng châm biếm của ngài bộ trưởng, lão vẫn tỉnh bơ. Và chỉ đáp lại một cách đơn giản thế này :
- Đâu dám làm phiền ngài đến thế. Chỉ xin ngài cho tôi bản sao kế hoạch hành quân do Bộ tổng tham mưu và Bộ tư lệnh cảnh vệ tối cao soạn thảo để nhằm tiêu diệt lực lượng Guiliano. Đồng thời, bản sao lệnh của ngài cho tăng việc một ngàn cảnh vệ sang Sicily. Tôi sẽ đưa cho nó coi. Và hứa với nó ngài không triển khai kế hoạch hành quân và rút lại lệnh tăng viện cảnh vệ, nếu nó giúp ngài "giáo dục" đám cử tri Sicilian ngu xuẩn và cứng đầu. Ngài khỏi lo những tài liệu này sẽ được dùng để buộc tội hay trách cứ ngài sau này. Có thiếu gì cách khống chế. Chẳng hạn, nói là tài liệu đó bị đánh cắp. Huề cả làng! Vì kế hoạch, sắc lệnh đó cũng chẳng phải loại an ninh quốc gia, tối mật kia mà. Hành quân tiễu phỉ, chứ đâu phải an ninh thời chiến. Và tôi cũng hứa với nó là giúp đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thắng cử kỳ tới, thì nó sẽ được miễn xá.
- A, cái món miễn xá thì không rồi, vì tôi đâu có quyền miễn xá.
- Nhưng lời hứa thì ngài có quyền chứ? Và đến lúc đó, nếu miễn được thì càng hay. Bằng không thì cũng thiếu gì cách nói. Ngài có thừa thông minh mà.
Ngài bộ trưởng bắt đầu nhìn ra chỗ có thể khai thông được vấn đề. Ngài cũng đã thấy - như Ông Trùm đã cố ý cho ngài thấy rằng, đến cuối cùng Guiliano cũng sẽ bị Croce loại bỏ. Bởi vì hai con cọp Croce và Guiliano không thể sống chung trong cái "chuồng" Sicily được. Và chính lão - chứ không phải ngài bộ trưởng - sẽ đảm nhiệm cái vai trò đồ tể đó. Ngài bộ trưởng khỏi lo dính dáng đến cho bẩn tay ra. Như vậy, nếu chỉ là LỜI HỨA, thì dễ thôi.
Ngài bộ trưởng cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Ông Trùm nhè nhẹ gật gù cái đầu sư tử của mình và dịu dàng nói :
- Nếu sự miễn xá cho nó coi mà có đường làm được thì tôi sẽ cố gắng xúc tiến.
Ngài bộ trưởng đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng suy nghĩ về những rắc rối, những hệ lụy có thể có của vấn đề. Ông Trùm không thèm nhúc nhích cái đầu để theo dõi cử chỉ và thái độ của ngài bộ trưởng.
- Nhân danh cá nhân tôi mà hứa? - Ngài bộ trưởng đột nhiên lên tiếng - Nhưng, ông có biết, nếu như vậy sẽ có những khó khăn như thế nào chứ? Tai tiếng không ít đâu. Tại sao vậy? Này, cho hay, chỉ nguyên cái vụ tôi gặp riêng ông, nếu báo chí biết, đừng tưởng về đuổi gà cho vợ là xong đâu. Nó sẽ lột da, lúc thịt. Gớm, báo chí bây giờ nó đang đói tin. Mà không đói tin thì báo chí của bọn đối lập cũng moi ra, cũng thổi lên. Thật ra, có đúng là ông cần phải có bản sao kế hoạch hành quân và lệnh tăng viện cảnh vệ... thì mới được việc không? Bộ không còn cách nào khác sao?
- Không có hai cái đó kể như công cốc!
Giọng lão ta lúc đó vừa có uy lại vừa có sức thu hút. Cứ như giọng hát của một đại danh ca. Lão nói tiếp :
- Tôi cần có bằng chứng cụ thể cho nó thấy tôi với ngài là chỗ bồ bịch. Đồng thời, cũng phải có một chút phần thưởng cho cái công lao hãn mã của nó chớ. Cả tôi và ngài kể như xong việc, khi tôi cho nó coi bản sao kế hoạch và sắc lệnh. Và cho nó biết muốn tự cứu, thì nó phải diệt bọn kia, nghĩa là tôi hứa ngài sẽ không triển khai kế hoạch và thực thi sắc lệnh nếu nó giúp mình thắng cử. Vả lại, không phải lo đối phó với các cuộc hành quân thì nó mới rảnh tay hoạt động cho mục tiêu của mình chứ. Sự kiện tôi có bản kế hoạch này không được thực thi sẽ là bằng chứng ảnh hưởng của tôi đối với Rome. Có như vậy Guiliano mới tin lời tôi chứ.
Ngài bộ trưởng rót thêm cho Ông Trùm một ly cà-phê nữa.
- Đồng ý. - Ngài bộ trưởng nói - Tôi tin vào chỗ bè bạn giữa chúng ta. Tất nhiên là phải giữ bí mật sự giao tiếp này. Nhưng, tôi cũng lo sợ cho sự an nguy của ông đấy. Khi Guiliano đã đáp ứng yêu cầu của mình, mà nó vẫn không được miễn xá thì ông lãnh đủ.
Ông Trùm gật đầu, nhưng không nói gì. Lão nhấm nháp ly cà-phê. Ngài bộ trưởng ngắm nghía lão thật kỹ, rồi nói :
- Ông và nó không thể tồn tại trên hòn đảo đó được.
- Tôi sẽ dành cho nó một phòng. - Ông Trùm cười lớn, đáp - Còn chán thì giờ mà, lo gì!
- Đúng, đúng! - Ngài bộ trưởng hoan hỉ nói - Và nên nhớ điều này. Nếu tôi hứa đảm bảo với đảng của tôi về thùng phiếu của Sicily trong kỳ bầu cử sắp tới này, và, nếu tôi giải quyết thắng lợi trường hợp Guiliano, thì chưa ai có thể nói trước được đời tôi sẽ "lên hương" như thế nào. Nhưng, dù có leo lên đến đâu tôi cũng sẽ không quên ông bạn già của tôi. Có điều, ông phải nghe tôi.
Ông Trùm nhúc nhích cái thân xác đồ sộ của mình trong chiếc ghế bành cũng đồ sộ chẳng kém. Và lão trầm ngâm, cân nhắc xem những gì mình sẽ nhận được có đáng cái công mình đẩy thằng cha Sicilian có cái đầu nhọn như trái ô-liu kia lên ghế thủ tướng nước Ý không. Hắn ngu xuẩn quá! Tốt, sự ngu xuẩn của hắn lại là điểm có lợi cho mình. Vì, nếu có trở mặt thì sự ngu xuẩn của hắn càng dễ đưa hắn đến chỗ diệt vong. Bằng giọng dịu dàng và thành thật - lão ăn tiền cũng là nhờ cái giọng có vẻ chết người này đấy - Ông Trùm nói :
- Cám ơn ngài đã có nhã ý nâng tôi lên làm bạn của ngài. Và cũng xin nhân danh chỗ bạn bè đó, tôi hứa sẽ cố gắng làm những gì tôi hứa sẽ cố gắng làm những gì cần phải làm mà tôi có thể làm được để góp phần vào sự nghiệp của ngài. Vậy là ta đã thỏa thuận với nhau. Chiều mai tôi quay về Palermo. Và nếu ngài sẵn lòng, xin ngài hãy trao cho những giấy tờ vừa nói đó vào buổi sáng, tại khách sạn tôi đang ở. Còn về phần Guiliano, nếu sau khi nó đã hoàn thành nhiệm vụ mình trao, mà ngài vẫn thấy không thể xoay xở để nó được miễn xá, thì tôi sẽ thu xếp cho nó "biến" khỏi nước này. Sang Hoa Kỳ chẳng hạn, hay một nơi nào đó không thể gây cho mình những rắc rối sau này.
Hai người đã chia tay nhau như thế đó.
Trezza gốc gác Sicilian, kẻ đã chọn cái vị thế chống đỡ xã hội. Croce Malo, cũng gốc gác Sicilian, kẻ đã coi cơ cấu luật pháp xã hội - cụ thể Rome - như một thứ do quỷ dữ áp đặt lên thế gian, để nô lệ hóa lão ta. Bởi, Croce tôn thờ và tin vào một thứ tự do theo quan niệm riêng của lão. Đó là, chỉ dựa vào một thứ tự do theo quan niệm của riêng lão. Đó là, chỉ dựa vào sức mạnh của mình, chứ không vào sức mạnh của bất cứ ai khác. Sự tự do có được là do lòng trọng nể mà mọi người dân Sicilian khác dành cho mình.
Bất hạnh thay - Ông Trùm ngẫm nghĩ - Định mệnh đã tai quái, oái oăm, khi đặt lão vào cái thế phải đối nghịch với Guiliano, một người chỉ biết tuân theo tiếng nói trái tim, chứ không phải như phường đạo đức giả, kiểu ngài bộ trưởng.
Trở về Palermo, Ông trùm đã triệu thỉnh giáo sư Hector Adonis. Lão đã kể cho ông giáo sư nghe cuộc gặp gỡ giữa lão và ngài bộ trưởng. Cũng như những gì họ đã thỏa thuận, lão cũng cho ông giáo sư coi những tài liệu - Bản sao kế hoạch hành quân... nhận được từ tay ngài bộ trưởng. Con người có vóc dáng nhỏ bé kia tỏ ra lo âu. Thế là "hố" nặng rồi. Bởi vì chính đó là cái mà Ông Trùm muốn thấy. Con mồi đã bắt đầu mon men lại gần cái bẫy. Có đường rồi.
- Ngài bộ trưởng đã hứa với tôi rằng ngài sẽ không triển khai kế hoạch và sẽ rút lại lệnh tăng viện cảnh vệ sang Sicily. Nhưng, để đổi lại, thằng con đỡ đầu của ông phải vận dụng tất cả quyền lực của nó để ảnh hưởng một cách thuận lợi cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trong kỳ bầu cử toàn quốc sắp tới này. Nó phải vững và mạnh. Điều đó tốt, rất tốt và rất cần thiết. Nhưng nó đừng quá lo lắng cho bọn khố rách áo ôm kia làm gì. Kệ cha chúng nó. Ôm rơm chi cho rặm bụng. Nó phải nghĩ, phải lo đến chính cái thân của nó ấy. Nó phải hiểu rằng liên minh với Rome, với ngài bộ trưởng Bộ tư pháp là một cơ may ngàn năm có một. Trezza nắm chóp bọn cớm, bọn cảnh vệ và luôn cả các ông tòa nữa. Và một ngày đẹp trời nào đó, rất có thể ngài ngồi chễm chệ trên ghế thủ tướng nước Ý. Và, nếu vậy, sự kiện Turi Guiliano ngang nhiên quay về, sống an toàn dưới mái ấm gia đình, đâu phải là chuyện khó. Thậm chí ngay chính bản thân nó cũng có vai vế trong chính trường nước Ý, nếu nó muốn. Dân Sicilian khoái nó dữ lắm mà. Vậy thì, nắm cái ghế dân biểu, thượng nghị sĩ, nào có phải chuyện hái sao trên trời? Nhưng muốn vậy, ngay từ bây giờ, nó phải tha thứ và phải quên. Tôi tin rằng ông có ảnh hướng lớn đối với nó.
- Nhưng làm sao nó có thể tin vào lời hứa của Rome? - Ông Adonis hỏi - Turi đã luôn đấu tranh cho người nghèo. Nó sẽ không bao giờ làm điều gì có hại cho người nghèo.
- Nó đâu phải là cộng sản, phải vậy không nào? Ông hãy thu xếp để tôi gặp nó. Tôi sẽ thuyết phục nó. Tôi và nó đều là những người có thế lực ở Sicily này. Tại sao chúng tôi không thể hợp tác với nhau được nhỉ. Trước kia nó từ chối hợp tác với tôi. Thôi thì cũng được đi. Nhưng nay, khổ quá thời thế đã thay đổi rồi. Bây giờ sự hợp tác giữa tôi và nó là con đường giải thoát cho chính nó. Và cho cả anh em ta, nghĩa là, cho cả tôi và cả ông. Bọn cộng sản sẽ sướng rên, nếu nó nghiền nát được cả tôi lẫn nó. Bọn cộng sản đã chẳng nói rõ, chúng không dung thứ loại côn đồ, ác ôn như tôi đã đành. Mà ngay như anh hùng kiểu Guiliano, cũng không tha. Tôi sẽ đến gặp nó, ở bất cứ nơi nào nó muốn. Cứ nói với nó, thằng già Croce này đảm bảo lời hứa của Rome. Còn nữa, tôi đảm bảo sự miễn xá cho nó, nếu đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới. Tôi xin lấy mạng sống và danh dự của tôi ra mà thề như vậy.
Hector Adonis hiểu rằng "lão già lựu đạn" này đã liều mình chấp nhận hậu quả của sự tức giận của Guiliano, nếu ngài bộ trưởng Bộ tư pháp hứa cuội.
- Tôi có thể mang các tài liệu này đến cho nó xem không?
Ông Trùm ngẫm nghĩ một lúc. Lão biết rằng một khi đã đưa thì đừng hòng lấy lại. Và, như vậy, trong tương lai, những tài liệu này trở thành vũ khí, thành sức mạnh của Guiliano.
Nguy hiểm hơn nữa, Guiliano sẽ trở thành bất khả xâm phạm đối với Rome. Nhưng lão mỉm cười với giáo sư Adonis :
- Được chứ, ông giáo sư! Dĩ nhiên là ông giáo sư có thể đem cho nó xem chứ.
Trong khi chờ đợi giáo sư Hector Adonis, Guiliano ngẫm nghĩ xem nên hành động như thế nào. Hắn biết rằng chính cuộc bầu cử sắp tới, và sự thắng lợi của cánh tả trong cuộc bầu cử vừa qua đã khiến cho Ông Trùm đến xin hắn cứu viện.
Trong vòng bốn năm vừa qua, dân Sicilian khố rách áo ôm đã được Guiliano tặng không cho cả trăm triệu lire chứ đâu phải ít. Nhưng đào đâu ra núi của đó? Tất nhiên, thì cũng đi "lượm" của bá tánh thập phương có của, nhưng không có lòng. Tuy nhiên đâu phải dễ dàng mà "lượm" được. Phải có tí ti quyền lực.
Chẳng hiểu có phải là do "đa thư" mà "loạn tâm" hay không, nhưng cứ ngốn những sách về kinh tế và chính trị do ông thầy Adonis cho mượn, Guiliano càng bối rối. Thực tế lịch sử cho hắn thấy trên khắp thế giới - có lẽ trừ nước Mỹ ra - cánh tả là hy vọng độc nhất của dân khố rách. Thương dân gnhèo thì nó rất thương. Nhưng chơi chung với mấy anh hồng hồng hay mấy anh đỏ chót thì khỏi. Kỵ tối đa là khác. Vì mấy cha này chống lại Hội Thánh và chê bai cái kiểu mẫu tổ chức gia đình của người Sicilian là những thứ mà hắn tôn thờ. Hắn cũng biết thừa đi nếu mấy cha xã hội, mấy cha cộng sản mà lên nắm chính quyền thì mấy cha không có tà tà như chính quyền của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trong cái chuyện vì dân diệt bạo đâu. Đám côn đồ, thảo khấu bị chơi sát ván đã đành. Anh hùng Lương Sơn Bạc cũng xin miễn luôn. Đấy là cái thế tiến thóai lưỡng nan của Guiliano.
Màn đêm đã buông xuống. Guiliano bâng khuâng nhìn những đám lửa rải rác của đám lâu la chập chờn trên khắp rặng núi, tai nghe văng vẳng từ loa phóng thanh đặt ở quảng trường thị trấn theo gió vọng lên. Montelepre vừa bằng cái lòng bàn tay, lốm đốm ánh đèn. Một lát nữa, Adonis sẽ tới, bàn chuyện. Sau đó hắn sẽ cùng ông xuống núi. Trở về Montelepre thăm nhà. Và tất nhiên, La Venera tuy là hơi "cũ", nhưng mỗi lần vẫn mỗi bốc lửa, lần sau không thua lần trước. Vẫn ngon lành. Bề gì cũng gái một con. Mấy lần sau này, Guiliano ngang nhiên trở về Montelepre. Không sợ hãi gì, vì hắn đã an toàn "kiểm soát" mọi hoạt động của thị trấn. Đám cảnh vệ ở Montelepre hết dám hó hé. Tên cớm nào to gan, bạo phổi dám đến gần nhà bà già hắn thì kể như rồi đời. Bất kể ngày đêm, các tay em của nó sẽ diệt không sót một mống.
Khi tới nơi, giáo sư Adonis được đưa vào hang. Cũng bàn, cũng ghế, cũng đèn điện. Có điều đèn do pin của nhà binh Mỹ. Thầy trò ôm hôn nhau, đủ lễ nghi, lệ bộ. Ông giáo sư trao cho nó một xấp tài liệu và nói :
- Thầy nghĩ con nên nghiên cứu ngay tài liệu này. Nội dung quan trọng và lý thú lắm đấy.
Đó là bản sao lệnh của ngài bộ trưởng Bộ tư pháp về việc tăng viện trên một ngàn cảnh vệ sang Sicily để tiễu phỉ. Bản kế hoạch hành quân của bộ tổng tham mưu đã được Guiliano chăm chú nghiên cứu một cách thích thú. Hắn không cảm thấy sợ hãi gì. Cùng lắm thì rút sâu vào trong núi. Nghỉ "chơi" một thời gian. Cả một đạo quân ăn chực nằm chờ cả một năm. Chịu nổi không? Chịu không thấu thì phải rút. Và Guiliano lại ca khúc "đường ta ta cứ đi". Nếu cảnh vệ đủ đảm lược phiêu lưu vô núi, thì xin mời: Thiên la địa võng đang sẵn chờ. Bởi vậy, Guiliano yên trí lớn.
- Ai đưa cho bố những thứ này?
- Lão Croce! Chính bộ trưởng Bộ tư pháp trao cho lão.
Turi Guiliano tỏ ra không ngạc nhiên về sự "đi đêm" này. Nó mỉm cười :
- Bộ họ muốn hù tôi chắc? Rặng núi này coi vậy chứ sâu hiểm lắm. Đủ sức nuốt hết ráo bọn lính do họ tăng viện tới. Để rồi bố coi, con vẫn cứ nằm ngủ, ngáy o o dưới gốc cây.
- Lão Croce muốn gặp con. Lão sẵn lòng đến bất cứ nơi nào do con chọn. Lão đưa bản kế hoạch và sắc lệnh này như một bằng chứng thiện chí của lão. Cũng vẫn chỉ là một vở cũ soạn lại: ân và uy, cây gậy và củ cà-rốt. Lão có một đề nghị muốn thảo luận với con.
- Ý kiến của bố? Nên gặp lão không? - Guiliano hỏi và đăm đăm nhìn giáo sư Hector Adonis.
- Nên.
- Thế thì cứ gặp ngay tại nhà bố ở Montelepre. Cần gì phải đi đâu xa xôi. Bố có dám chắc lão dám liều cái mạng cùi của lão vậy không?
- Có gì mà dám hay không dám? Lão được bố hứa đảm bảo an ninh. Và bố cũng tin là con cũng hứa với bố như vậy. Lời hứa của con thì bố tin hơn ai hết.
- Dạ, con xin hứa. - Guiliano cầm tay ông Adonis, siết chặt - Cám ơn bố về bản kế hoạch này. Và cả sách vở bố mang lên cho hôm nay. Trước khi ra về, bố làm ơn giải tỏa giùm con ít thắc mắc. Về vấn đề kiến thức thôi, được không ạ?
- Dĩ nhiên.
Suốt đêm đó, bằng giọng hấp dẫn, ông Adonis đã giảng giải những chỗ khó khăn trong các sách nó đã đọc mà không hiểu. Guiliano chăm chú nghe. Thỉnh thoảng nêu thắc mắc. Giống y cái cảnh đã từng diễn ra từ bao năm trước giữa thầy và trò. Và cũng chính trong đêm đó, ông Adonis đã gợi ý cho Guiliano về bản chúc thư. Tài liệu ấy sẽ ghi lại những diễn biến quan trọng xảy ra trong băng. Và những vấn đề tuyệt mật như cuộc "đi đêm" giữa Ông Trùm Croce và ngài bộ trưởng Bộ tư pháp. Các tài liệu này sẽ là bửu bối, là cái dù bảo vệ Guiliano. Bởi vì Ông Trùm và ngài Bộ trưởng giở trò phản phé thì tài liệu này sẽ được tung ra cho công luận. Chắc chắn hai tay kia thân bại danh liệt lập tức. Nghĩa là, nếu Guiliano bị chết chìm, nó sẽ kéo theo cả Croce và Trezza.
Nghe và hiểu ra, Guiliano mừng rơn. Phấn khởi rõ. Ngay cả lúc nó không có quyền lực - thậm chí có chết đi chăng nữa - thì một trăm năm sau có thể người ta sẽ tình cờ phát hiện ra tài liệu đó. Như nó và Pisciotta đã tình cờ phát hiện ra bộ xương con voi của Hannibal. Tuy nhiên điều mà nó không thấy, nhưng cáo già Croce lại thấy rõ, đó là, con voi và bộ xương con voi, khác nhau một trời một vực.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro