Chung cư và Viễn.
Viễn là một bé gái sáu tuổi.
Viễn có hai bím tóc lúc nào cũng ngoe nguẩy tựa như hai con rắn bé tí. Đôi mắt đen láy, lúc nào cũng mở to khiến nó nom thật ngộ nghĩnh.
Viễn vô tư lắm. Cũng phải, trẻ con mà. Chúng là những "vật thể từ trên trời rơi xuống", không biết gì và cũng không ai muốn chúng biết quá nhiều. Chúng vô lo vô nghĩ, ngày ngày lấy niềm vui chơi đùa cùng bè bạn làm bình nước tưới mát tâm hồn. Mặc dầu, có nhiều đứa trẻ chẳng vô lo vô nghĩ cho lắm, nhưng suy cho cùng cũng là tại số phận. Mà, tại số phận thì nào ai lo nghĩ sâu xa? Họ chỉ chậc chậc mấy tiếng, nói mấy câu xót xa, nhăn mặt lắc đầu rồi lại tiếp tục cuộc đời của riêng họ. Nhưng làm sao trách họ được, khi đời họ chưa xong, làm sao có thể ngoái lại cứu vớt nỗi đau của ai? Không trách được.
Quay trở lại với Viễn, đứa nhóc sáu tuổi của chung cư Đường Ray.
Tại sao lại là "Đường Ray"? Người ta chỉ nghe nói, sau lại truyền miệng nhau rằng : ông chủ nhà có đứa con trai mất do bị tàu cán trên đường ray, từ đó sinh ra tính tình quái gở, mang một chấp niệm to lớn với "đường ray", và chẳng hiểu, ông lấy luôn nó làm tên chung cư. Mặc cho người lớn run sợ, Viễn lại thấy khác. Chẳng phải cái tên dễ thương và thú vị vậy sao? "Đường ray"- nơi bánh xe của con tàu sẽ đi qua mọi miền đất nước, đưa con người ta về lại nơi chôn rau cắt rốn, đưa tình yêu thương giữa người với người sát lại gần nhau. Tiếc là người lớn lại không thích cách nghĩ của Viễn. Nó cũng chẳng hiểu sao, người lớn lại thích suy nghĩ về một chuyện nào đó bằng một lối nghĩ kịch tính và giật gân nhất. Thảo nào mấy tờ "báo lá cải" mà bố Viễn hay chê bai tới tấp lại bán đắt như thế. Bố bảo, những tờ báo ấy đánh vào tâm lý tò mò và thích suy luận, phán xét của người ta. Lúc ấy, Viễn chẳng hiểu gì đâu. Nhưng giờ thì nó lờ mờ hiểu được đôi chút.
Mà, quay trở lại việc cái tên "Đường Ray", Viễn cứ để họ bĩu môi và cho đó là suy nghĩ non nớt của trẻ con. Nó mặc họ, vì đã có bà nội luôn lắng nghe nó.
Bà nội hiền ơi là hiền, và luôn lắng nghe tất thảy mọi điều nó nói một cách nghiêm túc. Viễn hay đòi bà đưa nó đến chốn thần tiên, nơi có những ông bụt bà tiên nhân hậu trong truyện cổ tích lắm. Vì nó tin là những người hiền lành, phúc hậu, tốt bụng như bà luôn được đón tới ở những nơi bồng lai tiên cảnh như thế. Những lúc ấy, bà chỉ cười, xoa đầu nó và nói :
- Cháu phải ráng sống thật tốt, biết đối xử tốt với mọi người, hiếu thảo với người lớn và yêu thương mọi người quanh mình. Có như vậy, một ngày nào đó, thần tiên mới đến đưa bà và cháu đi.
- Nhưng, ngày nào đó là ngày nào, bà ơi?
- Bà chẳng biết, nhưng cháu cứ làm như bà nói, rồi bà cháu ta cùng đợi nhé?
- Dạ vâng, bà nhất định phải đi cùng cháu nhé
Và thế là, cuộc trò chuyện bao giờ cũng kết thúc như vậy.
Bà gần gũi và thấu hiểu Viễn là thế, chẳng trách sao nó bám lấy bà còn hơn cả bố mẹ. Ngày mưa, nó cuộn mình trong chăn ấm, ngồi trong lòng bà để được kể chuyện cổ tích. Ngày nắng, bà đưa nó xuống cánh đồng gần nhà thả diều. Những cánh diều đủ màu sắc, hình thù bay lượn trên trời cao vời vợi khiến Viễn thích thú vô cùng. Trên đường về, lúc nảo miệng nó cũng vừa nhồm nhoàm cây kem bà mua, vừa líu lo đủ mọi thứ lung tung. Những lúc ấy, bà chỉ cười và thỉnh thoảng lại gật gù đáp lại. Có thể nói, bà là "đồng minh" to bự của nó, và cũng là người chắp cánh cho biết bao mong ước của nó bay xa. Vì thế, Viễn yêu bà lắm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro