[Kha Vũ x Gia Nguyên] Mưa Rơi Nghiên Mực - Phần 1
Mưa Rơi Nghiên Mực – Phần 1
Tác giả: Lãnh Phi Tuyết – L.P.T
Nhân vật chính: Châu Kha Vũ x Trương Gia Nguyên.
Nhân vật phụ: Lâm Mặc, Lưu Chương, Trương Hân Nghiêu, Tỉnh Lung.
Thể loại: Nam x nam; Cổ đại làng quê; Thầy trò; Hài hước; Nhẹ nhàng; HE.
Tóm tắt: Câu chuyện về cậu quý tử con nhà quan lớn, chơi bời 20 năm cuối cùng gặp phải người thầy cao tay, bị hành đến mức ngoan ngoãn làm người. Ấy vậy mà vẫn dám đại nghịch bất đạo, ôm luôn thầy về nhà. Từ đó ban ngày làm trò, ban đêm làm chồng =))
Link Wattpad: https://www.wattpad.com/story/268666108-chuang-2021-%C4%91o%E1%BA%A3n-v%C4%83n
Link Wordpress: https://shielfcasskute.wordpress.com/chuang-2021-doan-van/
Link Facebook: https://www.facebook.com/thiendingoctruc
Note: Like, share và comment của mọi người là động lực cho tác giả ngày ngày bung lụa. Yêu thương <3
-----
“Hò… ơ…
Muốn qua sông thì tìm đò cập bến
Muốn thành nhân thì lễ nghĩa với thầy
Trách ai mực chấm ngang mày
Để ai tấc dạ đêm ngày khó an~”
Làng Thư Hương, nghĩa trên mặt chữ, mấy đời đều là người đọc sách thánh hiền, tiếng lành đồn xa khắp cả xứ Nam. Quan to trong triều đều có gốc gác từ làng Thư Hương mà ra cả. Đến cả cái ông quan Thừa tướng Chánh nhất phẩm Châu Huy Đức, ngày ngày hầu Thánh thượng việc nước ở tuốt chốn kinh kỳ xa xôi, mỗi năm vẫn phải chạy về chủ trì lễ thỉnh Khổng Tử, cầu cho ngài phù hộ làng Thư Hương yên ổn học hành, đất nước có người tài ra giúp sức.
Học chữ đàm văn đã thành cái truyền thống ăn sâu vào xương tủy của làng Thư Hương. Tiếng trẻ con đọc sách râm ran, đâu đâu cũng nghe thấy, réo rắt như tiếng suối lèn qua khe đá. Dọc theo đường làng, không thiếu những hàng nước mở ra cho các văn nhân uống trà luận thơ. Một cái chõng tre, đôi ba vị bận áo the thâm, đầu vấn khăn xếp chỉnh tề, miệng ngâm nga:
“Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.” (*)
Cái thi cái tình nó ngấm vào cốt cách của người làng Thư Hương, đến cả cái lũy tre dường như cũng thơm mùi mực viết. Nhưng dẫu lãng mạn phóng khoáng, vẫn không mất đi cái lễ nghĩa của bậc quân tử, ấy chính là nói làng Thư Hương vậy.
Có lẽ cái làng này sẽ vẫn ngày qua ngày lấy con chữ răn mình, thanh nhã và yên bình, nếu như không xui xẻo đụng phải cái vị con nhà quan tính nhà trời kia.
Số là cái ông quan Thừa tướng họ Châu, năm xưa khăn gói rời làng lai kinh ứng thí, đậu Trạng Nguyên rồi ra làm quan, cưới tiểu thơ nhà quyền quý, một đường thuận lợi nước chảy mây trôi. Ai nhìn vào cũng phải cảm thán ông này thiệt đúng là vừa có tài vừa có phước.
Nhưng chắc cao xanh cũng thích trêu ngươi, hai vợ chồng ăn ở với nhau bao nhiêu năm, đến lúc vào tuổi tứ tuần mới có được mụn con. Khỏi phải nói, chao ôi vị công tử ấy được cưng được nựng còn hơn vàng. Ngài Thừa tướng nhìn thằng nhãi con còn đang ê a trong nôi, vuốt mép cười khoái trá. Nghĩ bụng hổ phụ vô khuyển tử(*), đứa nhỏ này lớn lên chắc cũng tâm mang chí lớn giúp đời thương dân như ông cha của nó.
Ai mà có dè, vị công tử ấy lớn lên đúng là tướng mạo xuất chúng, mặt mày trông qua tri thư đạt lễ, thế mà lại là một tên phá gia chi tử thích ăn chơi đàn đúm. Chữ thì học không được bao nhiêu, cái chơi cái vui thì nhạy bén lắm. Giới sĩ phu kinh kỳ nghe đến cậu Kha Vũ nhà quan Thừa tướng cũng chỉ biết lắc đầu cảm thán, tiếc thay cho một nhà mấy đời học phú ngũ xa(*).
Người ngoài đã thế, vậy người làm cha như ông Thừa tướng thì còn thế nào. Nhìn thằng con đến độ nhược quán(*) mà vẫn cứ lông bông, ông nẫu hết cả ruột. Có đánh có mắng chứ, nhưng dầu gì cũng là khúc ruột của mình. Ông mà nhỡ quật mạnh một tí thì mẹ thằng nhỏ lại khóc um lên, chả nhẽ giờ đánh luôn cả mẹ cả con. Ôi thôi ông không dám, mà cũng không nỡ!
Đương lúc ông đang than vắn thở dài, có một môn sinh thấy thầy mình phiền muộn như vậy, liền bạo gan hiến kế.
“Bẩm thầy! Cậu Vũ vốn không phải bẩm sinh ngu khờ, ngặt nỗi vì đất kinh kỳ xa hoa náo nhiệt, khó lòng chuyên tâm đọc sách thánh hiền. Chẳng bằng thầy đưa cậu về làng Thư Hương ở dăm bữa nửa tháng. Đất ấy là đất lành, người ấy là người nho nhã. Sống giữa nơi như vậy, cậu Vũ ắt sẽ học được nhiều điều hay lẽ phải.”
“Trò nói nghe qua cũng có lý. Nhưng hiềm một nỗi ở dưới gối cha mẹ mà nó còn như thế. Nay chuyển đến nơi khác sống một mình thì khác nào như cá gặp nước, có chăng chỉ làm nó có cơ hội phóng túng thêm thôi.”
“Bẩm thầy! Không biết thầy có nghe qua tiếng cậu Gia Nguyên, cháu nội cụ Kiến Văn không ạ?”
Ông Thừa tướng đương nhiên rành rẽ. Cụ Kiến Văn vốn người làng Thư Hương, tuy không ra làm quan, nhưng học trò trải dài khắp thiên hạ. Ai mà được nghe qua bữa giảng của thầy đều lấy làm quý trọng lắm. Ông Thừa tướng từng có được cái vinh hạnh bái cụ Kiến Văn làm thầy. Dẫu giờ ở trong triều đình mang hàm Chánh nhất phẩm, khi về làng cũng phải đứng một bên khoanh tay hầu chuyện, kính cẩn dạ thưa.
Một người đức cao vọng trọng như vậy, tất nhiên cháu nội cũng không phải phường thất phu thô lỗ. Gia Nguyên năm nay tròn hai nhăm (25), tiếp bước ông nội làm nghề gõ đầu trẻ. Một thân kinh thư học rộng hiểu nhiều, lại có tài uốn nắn học trò, dẫu ngang bướng đến đâu, đưa vào tay cậu dăm bữa là ngoan ngoãn học hành ngay. Tuổi không lớn nhưng lại khiến nhiều người nể phục.
Ông Thừa tướng vuốt vuốt chòm râu thưa thớt, gật gù hiểu ý. Trong thoáng chốc như rẽ mây thấy mặt trời, ông vỗ đùi cái đét, kêu:
“Bây đâu! Sửa soạn hành trang, để ông với cậu về làng Thư Hương một chuyến.”
Thế là ngay giữa trưa hôm đó, cậu Vũ còn đương đánh bạc ở phố Đông, đã bị một toán người ở ập đến, ân cần “thỉnh” cậu lên xe ngựa, lộc cà lộc cộc hướng thẳng đến làng Thư Hương.
Mấy hôm sau, ông Chánh nhất phẩm ra lệnh cho cậu Vũ mũ áo chỉnh tề, cùng mình sang nhà thầy Kiến Văn bái phỏng. Trước khi đi còn căn dặn, nếu hắn dám bày ra cái vẻ cà lơ phất phơ, ông nhất định thịt hết dàn gà chiến của hắn.
Hiểu con không ai bằng cha, cậu Vũ vừa nghe mấy con gà mình cất công chăm sóc bấy lâu có khả năng phải vào nồi cháo, hoảng hồn cun cút theo sau, không dám bất mãn câu nào.
“Bẩm thầy, nay nhân hôm mát trời, con cùng con trai đến chào hỏi thầy ạ. Chúc thầy sức khỏe an khang!” Nói rồi ông Thừa tướng vái sâu.
Cậu Vũ mặc dầu thích ăn chơi, nhưng cũng biết lễ nghi chu toàn, khép tay nghiêng người vái chào thầy của cha mình.
“Anh Huy Đức đến đấy à?” Cụ Kiến Văn năm nay hơn tám chục, nom quắc thước và đẹp lão. Mắt cụ sáng ngời, giọng cười sang sảng. “Cũng hơn mươi năm rồi lão không gặp cậu Vũ nhỉ, đã lớn thế này rồi!”
“Con kính chào cụ. Chúc cụ sức khỏe an khang!”
“Ngồi đi! Toàn người trong nhà cả. Lễ nghĩa quá lại thành ra khách sáo.” Cụ Kiến Văn vuốt râu cười. “Thằng Mặc vào trong gọi Gia Nguyên ra đây, nói là có ông Huy Đức cùng con trai tới chơi, bảo nó ra tiếp khách.”
Mành trúc được vén lên, một người con trai trẻ tuổi bước ra, vận áo tấc màu thiên thanh, quần lụa trắng, tay quấn chuỗi trầm hương, khí chất nho nhã lễ độ. Cậu trước chào ông nội, sau vái chào ông Thừa tướng và cậu Vũ. Lễ nghi chuẩn mực, phong thái điềm tĩnh, không hổ danh là cháu nội cụ Kiến Văn.
Đồng lứa với nhau, cậu Vũ vội vàng đứng lên đáp lễ. Trong lòng kinh ngạc vì dung mạo của chàng trai này.
Mi thanh mục tú, đầu mày khóe mắt tựa như dùng mực Tùng Yên thượng hạng vẽ nên. Dẫu cậu Vũ có tự nhận mình tướng mạo phong lưu hào hoa, đứng trước Gia Nguyên cũng cảm thấy có phần lép vế.
Cụ Kiến Văn và ông Huy Đức chuyện trò, Gia Nguyên ngồi một bên an tĩnh hầu trà. Thi thoảng được hỏi đến thì góp đôi câu, không một chút ý muốn khoe tài trước mặt quan lớn.
“Bẩm thầy, nay con đưa Kha Vũ qua đây, trước là để thăm thầy, sau là muốn cậy nhờ cậu Gia Nguyên đây một việc.”
“Anh muốn nhờ việc chi?”
“Bẩm thầy, nhà con phước mỏng, khó khăn lắm mới có được thằng con trai. Hiềm một nỗi nó tánh tình ngang ngạnh, thầy đồ được vời đến cũng bị làm cho tức giận bỏ đi. Con tính đưa nó về làng mình, để nó được ở gần với người đọc sách mà có gương soi mình. Tư chất thằng Vũ ngu dốt, con không dám để thầy nhọc lòng. Chẳng qua từ lâu nghe tiếng cậu Gia Nguyên dạy trò có cách, nay muốn để thằng Vũ bái cậu Nguyên làm thầy. Nếu được vậy thì quả là con biết ơn lắm.”
“Nguyên, ý con thế nào?” Cụ Kiến Văn nhìn qua đứa cháu ngoan của mình.
“Thưa quan lớn, con và cậu nhà tuổi không cách là bao, khó lòng nhận lấy chức thầy. Vả lại ông nội tuổi đã cao, con muốn kề cận ngày đêm chăm sóc. Việc này, e là con có lòng mà không có sức.”
“Cậu Nguyên quá lời. Thầy hơn trò cốt ở lễ giáo tri thức, há lại vì tuổi tác hay sao? Vả chăng đều ở chung một làng, tôi đã sắp xếp sẵn kiệu võng, cậu qua lại cũng thuận tiện. Tôi quả thực chân thành muốn để con bái sư, hy vọng cậu nể mặt tôi từng được cụ Kiến Văn dạy dỗ mà thương tình chấp thuận.”
“Nguyên à, anh Huy Đức đã tha thiết đến vậy. Thôi thì con cứ đến dạy thử dăm hôm, chừng không thuận thì để mời người khác cũng không muộn.” Thấy ông Huy Đức vì con trai mà khẩn cầu, ngay cả bộ dạng của quan lớn cũng không màng, cụ Kiến Văn thấy hơi mủi lòng.
Cậu Nguyên nhìn qua cậu Vũ nãy giờ vẫn im lặng không nói, biết trong lòng người ta chẳng ham thích gì cho cam. Nhưng ông nội đã mở lời, cậu cũng không tiện làm bẽ mặt.
“Vậy quan lớn vui lòng chuẩn bị sẵn văn phòng tứ bảo(*), sáng sớm mai con sang dinh dạy học.”
…
Giờ Mão. (5h- 7h sáng)
Gà vừa gáy sáng, người ở nhà quan Thừa tướng đã khênh võng đợi sẵn, chờ rước cậu Nguyên sang dinh. Cậu Nguyên dẫn theo thằng Mặc, trong đầu đã nghĩ xong cách đối phó với cậu quý tử nhà Thừa tướng kia.
Đi tầm hai khắc, cổng lớn dần hiện ra sau bụi tre xanh mướt. Tòa nhà năm gian khí phái vô cùng, trước cổng có hai con sư tử đá canh gác oai vệ. Tường vôi ngói đỏ, rường cột chạm trổ uy nghi. Dầu không có vẻ sơn son thếp vàng, nhưng thanh nhã lịch sự, rất hợp với tư cách người học chữ.
Cậu Nguyên không vội đến tìm cậu Vũ, mà đến chào ông Thừa tướng trước. Chẳng biết cậu thưa trình cái gì, mà hai người nói chuyện gần nửa canh giờ mới xong.
“Bẩm cậu, cậu Nguyên đến rồi!” Thằng Chương kính cẩn gõ cửa phòng ngủ.
Cậu Vũ tất nhiên là chưa thức, bình thường hắn không ngủ đến gần trưa thì chớ, lý nào lại dậy vào giờ này. Hắn rủa trong bụng mấy câu, nói vọng ra.
“Mời cậu Nguyên sang gian giữa ngồi chờ, đến trưa cậu ra tiếp đón.”
“Nhưng mà… cậu Nguyên được ông mời sang dạy học. Nếu để chờ lâu e không hợp lễ.” Thằng Chương khó xử nói.
“Mặc kệ ông, cậu bảo sao thì mày cứ làm vậy!”
“Dạ, dạ!”
Thằng Chương nhìn người đang đứng bên cạnh, sợ hãi nhỏ giọng thưa:
“Cậu con trước giờ là vậy. Mong cậu Nguyên đừng trách. Hay là con mời cậu đi nghỉ một lát, rồi con ráng gọi thêm lần nữa.”
“Không cần. Mặc, đưa roi cho cậu!”
“Dạ!” Thằng Mặc dâng lên roi lên. Đó là những thanh tre chuốt mỏng, bó lại thật chắc, to cỡ nắm tay con nít, chỗ tay cầm có quấn băng vải. Quất một phát thì ôi thôi, da đi đằng da, thịt đi đằng thịt. Thằng Chương nhìn thôi mà cũng thấy thôn thốn sau mông.
Cậu Nguyên đạp cửa, mạnh mẽ xông vào. Cầm cây roi vụt cái “bốp” lên mặt bàn, làm rung rinh cả bộ ấm chén. Cậu Vũ đang mơ ngủ cũng giật mình bật dậy. Nhận ra người đến là ai, hắn cố dằn cơn nóng giận, nhưng giọng điệu vẫn cáu gắt thấy rõ.
“Cậu Nguyên làm cái gì đấy?”
“Gọi trò tỉnh dậy, chuẩn bị lên lớp.”
“Tôi không học, cậu đi ra ngoài cho tôi!”
“Bốp” thêm một tiếng. Cây roi đáp xuống cái giường gỗ cậu Vũ đang nằm, lực mạnh đến mức cái đệm lót cũng rách tét hết cả bông ra.
Cậu Vũ sợ đến rụt người. Sau nghĩ lại, thấy cậu Nguyên bất quá chỉ là thư sinh, mình sao lại phải sợ. Bụng càng giận tợn, toan kêu thằng Chương đuổi cậu Nguyên ra ngoài, lại nghe cậu Nguyên bình tĩnh nói.
“Mặc, cầm tờ giao ước đọc lên cho cậu Vũ nghe.”
“Tôi, Châu Huy Đức, đương Thừa tướng Chánh nhất phẩm, nay viết giao ước với cậu Trương Gia Nguyên, cháu nội cụ Trương Kiến Văn. Một, đối với người ăn kẻ ở trong nhà, cậu Nguyên có quyền hành ngang tôi. Hai, tôi mời cậu Nguyên đến làm thầy, con trai tôi Châu Kha Vũ, phải đối đãi với cậu Nguyên cung kính bằng đạo cha con. Ba, nếu thằng Vũ có phạm sai, cậu Nguyên có toàn quyền xử phạt, không cần thông qua tôi. Bằng như trái lời giao ước, tức tôi là kẻ bất nhơn bất nghĩa, không xứng làm học trò cụ Kiến Văn.”
“…”
Cha à, cậu ta đã cho cha ăn bùa mê thuốc lú gì, mà đến danh dự của mình cũng dám đem ra giao ước?
Nhìn cậu Vũ tức đến nghiến răng nghiến lời, cậu Nguyên vẫn thong dong lặt bỏ mấy nhánh roi bị gãy, chỉnh lại ống tay áo, để lại một câu rồi bỏ đi.
“Tôi đợi trò ở lầu Trác Ngọc(*), trò có hai khắc rửa mặt thay áo. Nếu trò đúng hẹn không đến, tức không coi giao ước ra gì, cũng không coi mặt mũi quan Thừa tướng ra gì.”
Cậu Vũ căm giận đấm lên giường. Đúng là hắn mắt mù rồi mới nghĩ đây là thư sinh đứng đắn khô khan. Mẹ kiếp! Bụng toàn mưu ma chước quỷ.
Lầu Trác Ngọc nằm ở vườn sau, thường ngày dành riêng cho ông Thừa tướng mời khách trong làng đến đàm luận văn thơ. Toàn bộ xây bằng gỗ lim thượng hạng, bốn bề trống trải thoáng gió, cây cối xanh mướt lộng tiếng chim muôn. Khung cảnh hữu tình khiến người ta thích chí. Ngày hôm nay ấy mà lại để thành nơi dạy học cho cậu Nguyên, đủ thấy ông Thừa tướng coi trọng người thầy trẻ này như thế nào.
Hai khắc sau, cậu Vũ mang theo thằng Chương, đứng dưới lầu Trác Ngọc. Hắn nhìn lên, thấy cậu Nguyên đang ngồi tựa lan can đọc sách, lộ ra sườn mặt tinh tế mềm mại. Cơn giận trong lòng cũng dần lắng lại, nghĩ bụng mình chấp cậu ta làm gì, dạy được dăm buổi thể nào cùng nản lòng mà bỏ cuộc thôi.
Cậu Vũ toan đi lên, lại bị thằng Mặc đứng chặn lại. Nó cung kính nói:
“Bẩm cậu Vũ, cậu nhà con bảo, cậu có đến thì phải bái chào, phải hô to rõ. Khi nào cậu con cho phép thì cậu Vũ mới được lên.”
Cha chả! Nhịn một tấc lại tiến một thước à?
Cậu Vũ nóng máu, tính phất tay áo bỏ về phòng, không học hành chi sất. Thằng Chương hoảng hồn níu lại:
“Cậu ơi, ông đã nói cậu phải nghe lời cậu Nguyên, lấy đạo nghĩa cha con mà đối đãi. Bây giờ cậu bỏ đi thì khác gì ép ông vào cảnh trái lời giao ước. Sau này sao ông còn dám nhìn mặt cụ Kiến Văn!”
Cậu Nguyên vẫn an tĩnh lật sách, dường như ồn ào bên dưới không ảnh hưởng gì.
“Tôi, Châu Kha Vũ, kính chào cậu Nguyên, xin cậu Nguyên cho tôi vào lớp!” Cậu Vũ hậm hực nói, chắp tay vái.
Lại lật thêm một trang sách, cậu Nguyên vẫn không ngước mặt lên.
“Cậu, cậu nói to thêm xíu! Ráng nhịn đi cậu, lên lớp rồi tính!” Thằng Chương nhỏ giọng cầu xin.
Cậu Vũ hít sâu một hơi, dằn tâm lại, nói một lần nữa, lần này dõng dạc to rõ, đến cả ông Thừa tướng đương uống trà ở tuốt gian ngoài cũng nghe thấy. Thầm nói đúng là cháu nội cụ Kiến Văn, đến thằng nghịch tử kia cũng phải vào khuôn phép. Xem ra mời người này đến quả là không sai!
Cậu Vũ lặp lại ba bốn lần, cậu Nguyên mới vờ như nghe thấy, buông sách xuống.
“Mặc à! Có ai đến hở?”
Cậu Vũ tức suýt trớ máu tại chỗ. Thằng Mặc với hắn đứng chung một chỗ, đây là cố tình không nghe đến hắn đây mà!
“Bẩm cậu, có cậu Vũ đến, xin lên lớp học!”
“Lạ nhỉ! Đã là đến học, mà cậu nghe loáng thoáng hình như xưng hô không được chuẩn cho lắm.”
Cậu Vũ lần nữa, nhịn.
“Trò, Châu Kha Vũ, kính chào thầy Nguyên, xin thầy Nguyên cho trò vào lớp!”
“A! Là trò Vũ đấy à? Sao giờ trò mới đến? Mặc, dẫn học trò của cậu lên đây!” Cậu Nguyên cười nhẹ nhàng, thanh âm mềm mại êm dịu vô cùng, rót vào tai cậu Vũ lại không khác ong chích là bao.
Cậu Vũ giờ đến sức lực để giận cũng không còn nữa…
-----
(*)Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục
Trích bài thơ Côn Sơn – Nguyễn Trãi (Đào Duy Anh dịch)
(*)hổ phụ vô khuyển tử: Cha tài giỏi thì con cũng không kém gì.
(*)học phú ngũ xa: Học năm xe sách. Ý chỉ những người học rộng hiểu nhiều .
(*)nhược quán: tầm 20 tuổi
(*)văn phòng tứ bảo: bốn món dùng trong văn phòng ngày xưa, gồm giấy, mực, bút, nghiên.
(*)Trác Ngọc: mài ngọc cho sáng.
Tác giả có lời muốn nói: Hồi trước có thím nào gợi ý tôi viết tiền truyện của “Mùa hoa khói”, cơ mà tôi chưa có ý tưởng chi hết. Sau khi nghe “Tình anh bán chiếu remix” của Thanh Duy lại đột nhiên có cảm xúc viết thêm một bộ cổ đại làng quê. Nhiệt liệt đề xuất mấy thím nghe bài này, dân ca Nam Bộ kết hợp EDM nghe sang mà hợp lí thật sự.
Giải thích phòng khi tôi non tay khiến mấy thím không rõ. Chỗ tờ giao ước. Vốn cậu Vũ ngang tàng vì kinh kỳ là đất của cậu ta, thầy có đến dạy thì cũng không dám răn mạnh, cha làm quan to mà, vuốt mặt phải nể mũi. Giờ về làng Thư Hương, phải ép cậu vào cảnh tứ cố vô thân, không dựa vào ai được. Với lại cậu là con có hiếu, ngày thường có chơi bời thì cũng là danh nghĩa của cậu. Chứ đụng đến mặt mũi của cha thì lại là chuyện khác. Cậu Nguyên nói rõ ra điểm này, khiến ông Thừa tướng hiểu ra, đồng ý viết giao ước để thầy yên tâm dạy con. Với lại cho cậu Nguyên quyền hành ngang ông để phòng hờ cậu Vũ kéo người làm đi úp sọt con người ta.
Hôm nay khênh võng rước cậu Nguyên sang dạy học, sau này khênh võng rước cậu Nguyên sang làm dâu hí hí ~
Cậu Nguyên tuyên bố cậu Vũ méo có tuổi đấu với cậu ~~
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro