Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

chủ trương của đảng về con người

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định con người là một thực thể tự nhiên, đồng thời là một thực thể xã hội mang bản chất xã hội. Với tư cách con người là một thực thể tự nhiên, con người chịu sự chi phối mạnh mẽ của quy luật tự nhiên. Đồng thời, với tư cách là một thực thể xã hội, con người chịu sự tác động của quy luật xã hội, của môi trường xã hội. Sự tác động biện chứng giữa mặt tự nhiên và mặt xã hội đối với quá trình phát triển của con người đã giúp con người tách ra khỏi thế giới động vật và trở thành một con người sinh học - xã hội. Theo Mác, xã hội tạo ra con người ở mức độ nào thì con người cũng tạo ra xã hội ở mức độ đó. C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra tình trạng con người bị tha hóa trong chủ nghĩa tư bản và đề ra con đường giải phóng con người, giải phóng công nhân và nhân dân lao động khỏi sự tha hóa đó thông qua cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo rằng trong xã hội tương lai sẽ là một liên hiệp trong đó sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của cả mọi người. Theo V.I.Lênin, chính từ trong cuộc đấu tranh để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, những con người mới được hình thành. Họ là sản phẩm của lịch sử đồng thời cũng là chủ thể góp phần sáng tạo lịch sử: Chúng ta phải xây dựng con người mới từ những vật liệu mà xã hội cũ đã để lại. Và chính trong quá trình xây dựng đất nước, những con người mới sẽ xuất hiện và trưởng thành.

Kế thừa những thành tựu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người và xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa"[1]. Người khẳng định: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"[2]. Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng, rất cần thiết".

Những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và xây dựng con người luôn luôn được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào trong quá trình xây dựng và phát triển con người trong thời kỳ đổi mới vừa qua.

Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta tập trung vào đổi mới kinh tế, đồng thời đã nhấn mạnh tới việc phát triển kinh tế phải chú ý đến hiệu quả văn hóa và xã hội, quan tâm tới việc xây dựng con người. Văn kiện Đại hội VI đã khẳng định: "Sự quan tâm đến con người và thái độ tôn trọng lẫn nhau phải trở thành một tiêu chuẩn đạo đức trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong các dịch vụ phục vụ nhân dân"[3].

Việc xây dựng con người được Đảng ta xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, trước hết là tiền đề kinh tế để xây dựng con người. Vì vậy, Đại hội VI đã xác định "Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch và các chính sách kinh tế là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng, tiềm năng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa"[4]. Ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu là những chương trình có ý nghĩa đột phá để tháo gỡ khó khăn về kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.

Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: "Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế"[5].

Khi xác định mục tiêu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã nêu rõ: "Mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần"[6].

Vấn đề xây dựng con người phục vụ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng ta đặt trên bình diện rộng lớn gắn liền với trách nhiệm của từng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ lĩnh vực phát triển kinh tế, tạo nền tảng vật chất để xây dựng con người tới phát triển về thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chăm sóc sức khỏe cho con người gắn liền với trách nhiệm xã hội của các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin đại chúng, dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Càng bước vào quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề xây dựng và phát triển con người càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hơn bao giờ hết. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, là quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế toàn cầu hóa đặt ra những yêu cầu mới về con người và xây dựng con người. Sự nghiệp đổi mới đất nước không thể thành công nếu không xây dựng được những lớp người mới đáp ứng những yêu cầu cao của dân tộc và thời đại.

Thứ hai, là những mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang tác động tiêu cực, làm sói mòn tư tưởng, lối sống và đạo đức xã hội.

Vì vậy, để tranh thủ thời cơ, vượt qua những thách thức, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung xây dựng chiến lược về con người cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa VII (tháng 1/1993) đã tập trung vào chủ đề xây dựng con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành hàng loạt nghị quyết quan trọng nhằm xây dựng con người phục vụ sự nghiệp đổi mới. Đó là Nghị quyết "Về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt";Nghị quyết "Về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân"; Nghị quyết "Về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình"; Nghị quyết "Về sự nghiệp giáo dục và đào tạo"; Nghị quyết "Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới". Vấn đề con người ở đây được đặt trong bối cảnh mới, với những yêu cầu và nhiệm vụ mới mà các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội phải quan tâm đúng mức.

Mục tiêu của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ này mà Đảng ta nhấn mạnh là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hóa, khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo và có kỷ luật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, sống lành mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và chuẩn bị cho tương lai. Quá trình đổi mới giáo dục theo hướng vừa gắn chặt với yêu cầu phát triển đất nước, vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại, thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân đã tạo ra những chuyển biến mới để xây dựng con người, đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để nâng cao thể lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Đảng ta đã nhấn mạnh "sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người được quan tâm chăm sóc sức khỏe".

Vấn đề xây dựng con người phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và đảm bảo sự phát triển dân số hợp lý, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về trí tuệ, văn hóa và thể lực của giống nòi. Vì vậy, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết "Về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình" nhằm làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, thực hiện gia đình ít con, giảm nhanh tỷ lệ phát triển dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng xây dựng con người. Hàng loạt các chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành góp phần kiểm soát tốc độ gia tăng dân số và ổn định quy mô dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Trong đường lối chính sách xây dựng và phát triển con người ở thời kỳ đổi mới, kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt chú trọng quan tâm tới công tác thanh thiếu niên, tương lai của đất nước. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa VII (1/1993) đã ban hành Nghị quyết: "Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới". Gần đây, Hội nghị Trung ương lần thứ bẩy khóa X (7/2008) đã ra Nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đánh giá về vai trò thanh niên, Đảng ta đã xác định thanh niên một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc, là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo, là lực lượng xã hội to lớn. Kế thừa tinh hoa truyền thống của dân tộc và những thành quả của cách mạng, qua mở rộng giao lưu quốc tế, thanh niên ta ngày nay có mặt mạnh cơ bản là trình độ học vấn cao hơn trước, tầm nhìn rộng, nhạy cảm với thời cuộc, giàu lòng yêu nước, có khát vọng mau chóng đưa đất nước vượt qua nghèo nàn lạc hậu, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Thanh niên đồng tình, ủng hộ và hăng hái tham gia sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đã và đang xuất hiện nhiều tài năng trẻ, nhiều tấm gương trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ chủ quyền và an ninh đất nước, trong học tập, hoạt động khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật và thể thao, trong công tác xã hội. Tuy nhiên, đứng trước tình hình khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, một bộ phận thanh niên đang gặp nhiều khó khăn về định hướng chính trị. Hàng triệu thanh niên chưa có hoặc thiếu việc làm, thu nhập thấp. Tình trạng thất học, mù chữ tăng lên, nhất là ở nông thôn, miền núi. Sức khỏe của thanh niên và trẻ em có chiều hướng giảm sút, số trẻ lang thang còn nhiều.

Một bộ phận thanh niên ít quan tâm sinh hoạt chính trị, coi thường truyền thống cách mạng, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Một số dao động, thiếu niềm tin ở chủ nghĩa xã hội.

Một bộ phận thanh niên có xu hướng chạy theo lối sống không lành mạnh, coi thường giá trị nhân văn, kỷ cương, đạo lý. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thành niên gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Tỷ lệ thanh niên nhiễm HIV/AIDS còn cao.

Không ít thanh niên vẫn mang tâm lý thụ động, ỷ lại từ thời kỳ bao cấp; tâm lý lao động và khả năng nghề nghiệp chưa chuyển kịp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đứng trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định phương hướng, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh niên trong thời kỳ mới, xây dựng Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh và mở rộng mặt trận đoàn kết thanh niên, giải phóng tiềm năng trong thanh niên, đẩy mạnh công tác giáo dục, tư tưởng, chính trị xây dựng môi trường xã hội lành lạnh, nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác thanh niên.

Như vậy sự sáng tạo của Đảng ta thể hiện rõ rệt ở việc tiếp cận vấn đề xây dựng con người từ nhiều bình diện khác nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển con người một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Những quan điểm trên tiếp tục được Đảng ta triển khai và nhấn mạnh trong các văn kiện của Đảng ở các giai đoạn sau này, tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong vấn đề xây dựng con người.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: