II - Tư Thành
Mậu Thìn, năm Thái Hòa thứ 6 (1448)
Phủ Bình Nguyên Vương
"Lệnh bà, lệnh bà vào nhà hộ con với, gió đương lạnh, bà ra đây ngồi mà trúng cảm thì không hay."
Vân quýnh quáng choàng áo ấm lên vai Ngô sung viên, thúc giục bà mau về sương phòng, đông năm nay giá hơn năm ngoái, ai cũng chỉ muốn trú trong nhà cho ấm chứ rỗi hơi đâu mà chạy ra ngoài hứng gió lạnh. Nhưng lệnh bà của nó thì không, cứ mỗi buổi chiều, đúng giờ Bình Nguyên vương tan học là sẽ đứng chờ tới khi nào thấy vương gia ôm sách vở về mới yên tâm quay lại sương phòng.
"Bánh đúc cho vương gia đã nấu xong chưa?" Ngọc Dao kéo sát áo vào thân mình, mắt vẫn không rời cánh cổng bán nguyệt.
"Dạ, con đã chuẩn bị xong hết theo lời bà dặn, chờ lát nữa vương gia về là có thể dùng ngay ạ."
Vân bỏ thêm than vào thủ lô cho Ngọc Dao, bày một bàn cờ tướng hầu bà chơi. Chủ tớ hai người chơi được nửa ván cờ thì vị vương gia nhỏ đã đi học về. Vai đeo tay nải bên trong đựng giấy bút, nghiên mực, đứa bé mặc áo giao lĩnh màu nâu nhạt, mặt mày sáng lạn, đôi mắt đen láy, ở giữa hai hàng lông mày còn có lờ mờ một vết sẹo, trên tay còn cầm một con châu chấu tre. Vừa bước qua cửa, cậu bé đã hớn hở nhào về phía mẹ mình, Ngọc Dao vuốt tóc con trai, lau đi mấy giọt mồ hôi trên trán, tỉ tê hỏi han chuyện học hành của con mình.
"Mẹ với chị Vân đang chơi cờ ạ?"
"Dạ, thưa vương gia."
"Vân chơi cờ càng ngày càng giỏi, mẹ sắp thua rồi, Thành xem nước cờ này của mẹ còn cứu được không?"
Ngọc Dao vỗ lưng Tư Thành, đứa trẻ mắt lay láy quan sát thế cục của bàn cờ một lát rồi đứng dậy, bắt đầu di chuyển những quân cờ, Vân cũng theo đó mà chặn những nước cờ của Thành, một lát sau, thế cờ ngã ngũ, Vân thắng, nhưng Tư Thành suýt nữa thì cầm hòa được, chỉ thêm một chút nữa thôi...
"Khéo thêm chút là hòa rồi." Tư Thành nhìn bàn cờ tiếc nuối.
Ở phía đối diện, Vân nhìn bàn cờ khóc không ra nước mắt, ông vương con này ra tay quyết đoán, nó vắt kiệt cả trí khôn mới thắng được, nếu không phải thế cờ tàn đã ngả về phía Vân, có khi người thua là Vân mới đúng, thế mà còn bảo khéo thêm chút nữa là hòa, rõ ràng là câu nói cảm thán của trẻ con, sao Vân nghe cứ như đang mỉa nó ấy nhỉ.
Ngọc Dao cười hiền, xoa đầu động viên Tư Thành mấy câu rồi giục cậu bé vào rửa mặt, Vân cũng nhanh chóng thu dọn bàn cờ rồi đi bày biện đồ ăn.
Giữa mùa đông, bát bánh đúc nóng hôi hổi bốc khỏi nghi ngút, mùi thơm của bột gạo hòa lẫn cùng nấm hương, nấm tai mèo, thịt băm, hành phi hấp dẫn khứu giác bằng cái hơi beo béo, ngậy ngậy khiến người ta phải nuốt khan.
Tư Thành ngồi ngay ngăn trên ghế, dù cái bụng đã đánh trống đòi cơm, sống lưng thằng bé vẫn thẳng tắp, hai tay yên vị trên bàn, nhìn mẹ thêm nhân, chan nước dùng vào bát bánh, tới khi được cho phép, Tư Thành mời mẹ rồi nhanh nhảu cầm thìa xúc ăn.
"Ăn chậm thôi, bánh còn nóng lắm đấy." Ngọc Dao nhìn con trai mình vừa ăn vừa thổi, hai cái má phúng phính hết phình ra rồi lại hóp vào khiến nàng bật cười.
"Ăn nóng hổi thế này mới ngon mẹ ạ, bánh trôi vào bụng ấm hết cả người ấy."
Thành nhìn mẹ cười tít mắt, Ngọc Dao bất lực chỉ đành xòa đầu con trai mình rồi tiếp tục dùng bữa. Bất chợt, Tư Thành ngừng ăn, tay sờ lên vết sẹo giữa trán mình.
"Mẹ ơi, sao con lại có vết sẹo này ạ?"
"Hôm nay có ai hỏi con à?"
"Dạ, là anh Khắc Xương ạ, nay con với các anh chơi đấu mắt nên anh Khắc Xương để ý vết sẹo của con, còn hỏi con có vết sẹo này từ lúc nào nữa ạ ?"
Ngọc Dao thở dài, đầu ngón tay chạm vào vết sẹo mờ của con, ánh mắt như nhìn thấy một khung cảnh ở nơi xa xăm nào đó, nàng mỉm cười, kể cho cậu bé nghe về một giấc mơ huyền ảo.
"Ngày xưa, mẹ mơ được Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho tiên đồng xuống làm con, tiên đồng đó rất là cứng đầu, nói nặng nói nhẹ thế nào cũng không chịu, thế là bị Ngọc Hoàng lấy hốt ngọc gõ chảy máu đầu, sau này mẹ có Tư Thành của mẹ đây này."
"Mẹ ơi, thế tại sao Ngọc Hoàng lại bắt tiên đồng xuống hạ giới?"
Ngọc Dao cười dịu dàng, bẹo má con.
"Ngọc Hoàng muốn tiên đồng đó xuống phò tá quan gia, trở thành tướng tài quan giỏi của Đại Việt. Ngọc Hoàng còn ban ngọc nữ xuống làm vợ con, Văn Khúc tinh theo hầu, nhất con luôn đấy."
"Mẹ ơi, thế con là tiên đồng, còn Văn Khúc tinh và Ngọc nữ thì là ai ạ?" Ăn nốt miếng bánh đúc cuối cùng, Thành đặt bát xuống bàn, hiếu kỳ nhìn mẹ. Cái Vân ở bên cạnh mải mê đứng nghe lệnh bà kể chuyện, lúc này để ý thấy bát của Ngọc Dao đã nguội liền đem đổi một bát bánh đúc mới.
"Mẹ không biết được, sau này Tư Thành của mẹ phải tự tìm được hai người ấy thôi." Ngọc Dao cười hiền, nhéo yêu cái mũi của Thành.
Thành cười khúc khích, lại xin thêm một bát bánh đúc nữa, ăn no bụng rồi, Tư Thành lại chong đèn lên đọc sách, Ngọc Dao cũng ngồi bên cạnh Thành, khâu lại vai áo bị rách vì chơi đánh trận giả của cậu.
"...Dung tứ tuế
Năng nhượng lê
Đễ ư trưởng
Nghi tiên tri."
"Tư Thành, bốn câu thơ này ý thế nào?" Ngô sung viên chỉ vào bốn câu thơ của Tam Tự Kinh.
"Dạ, bốn câu thơ này lấy theo tích của Khổng Dung. Khổng Dung khi mới bốn tuổi đã biết nhường quả lê to cho anh ăn, còn mình thì ăn quả nhỏ. Ý của thơ là yêu mến huynh trưởng là đạo lý mà người em nên hiểu từ khi còn nhỏ."
"Đó là giải nghĩa trong sách, còn lý giải theo ý con thì sao?"
"Theo con, bốn câu thơ này ngoài nói về người em cần biết yêu mến huynh trưởng thì còn là nhắc nhở người quân tử cần phải hiểu được thế nào là trên dưới trước sau thì hành xử, đối đáp mới chu toàn, nếu chỉ dựa vào tình cảm mà hành xử thì chia nửa quả lê vẫn là yêu mến, nhưng hiểu được tôn ti nên biết rằng nhường cả quả lê to thì mới là các đối xử đúng với anh mình."
Im lặng trong phút chốc, Tư Thành nói tiếp.
"Hơn nữa...theo một ý khác, con nghĩ bốn câu thơ này còn ngầm nhắc nhở người nếu ở phần cao hơn người khác thì phải cư xử sao cho người dưới phải phục mà yêu mến, tôn trọng mình. Khổng Dung nhường lê cho anh trai không chỉ vì bản thân ông là đứa trẻ ngoan, mà còn vì trong nhà, anh của ông gánh vác nhiều việc hơn, là cây cao bóng cả cho em trai noi theo, Khổng Dung cũng sẽ vì thế mà cảm phục anh mình, từ đó trở thành yêu mến, kính nể mà sẵn sàng nhường quả lê to hơn cho anh. Theo nghĩa quân thần..."
Không để Tư Thành nói hết câu, Ngọc Dao đã nhanh chóng ngăn lại, như thế sợ cậu sẽ nói ra điều gì đó đáng sợ lắm.
"Giải nghĩa như vậy là được rồi, vế sau...con tự biết trong lòng là được, nhất định không được nói ra khỏi miệng có biết chưa?" Nàng nói nhỏ vào tai Tư Thành, chỉ đủ để mỗi cậu nghe thấy. Tai mắt của kẻ gian ở khắp nơi, Ngọc Dao không thể để Tư Thành nói nốt ý hiểu còn lại của cậu, nếu lỡ người có ý đồ xấu nghe được, thì hoạ sẽ giáng thẳng xuống đầu hai mẹ con.
"Dạ..." Hơi thất vọng vì không được giải nghĩa hết ý hiểu của mình, nhưng Tư Thành hiểu những gì mẹ đang làm là vì cậu.
Từ khi hai mẹ con được đón về kinh sư, mẹ luôn dặn cậu không được thể hiện bản thân quá nhiều, biết được những gì cũng chỉ được phép phô ra một nửa với người khác, mà khi chỉ có cậu cùng mẹ, Tư Thành cũng không được giãi bày hết ý hiểu của mình với mẹ, chỉ có những khi trùm chăn đi ngủ, nhớ lại những câu thơ mình đã được học rồi tự lẩm nhẩm giải nghĩa theo hết ý hiểu của mình mới thôi.
Nhìn ánh mắt tủi thân của con, trong lòng Ngọc Dao mười phần bất đắc dĩ, sự thông minh của con trai nàng phải chờ tới khi thằng bé hoàn toàn có được sự tín nhiệm của Quan gia cùng Thái hậu và chí ít là khi cậu đủ năng lực để tự bảo vệ bản thân thì mới có thể phát huy...hoặc có khi là mãi mãi phải giấu nhẹm đi. Bước qua những năm tháng gian truân, Ngọc Dao chỉ cầu mong Tư Thành có thể bình an lớn lên và sống hạnh phúc tới cuối đời là đủ.
_____________________________________________________
Khoảnh khắc giao thừa vừa điểm, tiếng pháo giấy nổ ì đùng trong tiếng cười khanh khách của con trẻ, cây nêu dựng giữa sân nhà đung đưa, hai cây đào phấn, đào hồng trước cửa đua sắc hoa, cây quất cảnh đặt giữa phòng khách cũng núc nỉu những quả vàng ươm, khay mứt tết nào là hạt bí, hạt dưa, mứt dừa, mứt gừng. Sau khi cúng giao thừa, cụ Duẩn phát lì xì cho các cháu, tiếng chúc tụng của trẻ em hòa cùng với tiếng cười của người lớn làm cả gian nhà chính rộn ràng trong không khí đêm giao thừa.
Hiếm có năm nào mà cả gia đình Gia Miêu Nguyễn thị đón tết với đầy đủ thành viên như năm nay, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Yên thường xuyên phải ở lại trực ở các vệ mà năm nay mới xin được phép về quê ăn tết, sang tết năm sau có khi sẽ không được đầy đủ như thế nữa.
Sau khi cúng giao thừa, cả nhà cùng ngồi ở gian nhà chính, cụ Duẩn cùng các con trai ngồi xơi nước ở tràng kỷ, bàn bạc về kế hoạch sau tết này, mấy cậu nhóc kéo nhau ra ngoài sân chơi nhảy ngựa, hô hào ầm ĩ hết cả, cụ Ánh và Vương Thị Phụ ngồi trên phản têm trầu, Trần thị chơi với Minh Du ở chiếu hoa, Ngọc Huyên ngồi trong lòng cụ Ánh,học cách têm trầu cánh phượng sao cho đúng, cụ Ánh cầm tay Huyên, tỉ mỉ chỉ dạy.
"Đây, cháu bổ xuống như này, cẩn thận không đứt tay."
Bổ cau thành miếng vừa ăn, cắt thêm lá trầu, quẹt ít vôi, gắn thêm một cánh hoa là hoàn thành một miếng trầu têm cánh phượng, tuy còn hơi méo mó nhưng cũng gọi là ra hình ra dáng.
"Đấy, thế là xong rồi, dễ phải không.?"
"Dạ." Huyên cười tít mắt, nhìn bà nội rồi lại nhìn miếng trầu mình mới têm.
"Mậu ơi, mậu dạy cháu nữa." Bé Du thấy có trò mới liền bỏ rơi tiến sĩ giấy, nhảy khỏi lòng mẹ, chạy tới vít tay cụ Ánh đòi học, bàn tay múp míp của cô bé bôi đầy màu giấy loang lên tay cụ Ánh. Du là con gái của bà hai Huyền, sinh sau Huyên hai năm, là con gái út của Nguyễn Đức Trung, tuy Du là con vợ lẽ nhưng Trần thị là người hiểu biết, không đi tranh giành quyền lợi hơn thiệt với con vợ đích, lại chịu thương chịu khó giúp đỡ vợ cả là Vương thị nên hai đứa con của thị cũng được đối xử không thua con đích là mấy.
"Du còn bé, để mấy năm nữa mậu dạy, có được không." Sợ con bé con bị đứt tay, cụ Ánh bỏ ngay con dao têm vào trong cơi trầu, rồi bốc lấy ít mứt quả đưa cho Huyên và Du. "Hai đứa ra ngoài chơi, để người lớn trong nhà còn nói chuyện, đi đứng cẩn thận đấy."
"Dạ."
Hai chị em dắt díu nhau chạy ra sân, mọi người nhìn theo cũng không khỏi bật cười.
"Cậu Trung, cậu đưa Du, Huyên lên Đông Kinh, thế cậu tính cho chúng nó học ở mô?"
"Dạ thầy, trước tết con có nghe bác Dã có đứa cháu tầm tuổi các cháu nhà mình, bác ấy cũng định sẽ tìm thầy đồ dạy học cho chúng, con đã gửi thư để hỏi cho hai cháu vào học cùng các cháu nhà bác ấy rồi, các cháu trai nhà mình thì lên đó sẽ học cùng lớp với con cái nhà Đồng tri Lê Niệm, mấy cậu nhà đó theo học ở chỗ thầy đồ Hạ, ngót nghét mười năm rồi, thầy ấy mới mở lại lớp thầy ạ."
Nghe được câu trả lời ưng ý, cụ Duẩn gật gù.
"Cũng lâu rồi tau chưa gặp lại anh cả, già cả rồi chẳng đi xa được, khi nào mi đi lên trển thì nhớ biếu nhà bác ấy ít quà quê, tau đã bẩu u mi chuẩn bị cho rồi." Uống thêm ngụm chè cho nhuận giọng. "Thế anh Lỗ với anh Yên chuyến này sao? Các anh đã tính toán gì chưa"
"Dạ thưa thầy, qua tết con xin phép vắng nhà dăm tháng, chuyến hàng lần này tới An Bang cũng gọi là khá, tự mình đi con mới an tâm, với cả con cũng muốn xem đợt này có thêm gì hay ho thì lấy về một ít cho nhà mình ạ." Nguyễn Văn Lỗ vừa rót trà vào chén cụ Duẩn, vừa trả lời. Nhà ba anh em trai, chỉ duy nhất có ông là không ra làm quan, sau khi đất nước hòa bình thì quay về làm ăn buôn bán như thường, mấy năm trở lại đây ông còn tìm hiểu thêm về khảm trai - ốc, mở được một xưởng khảm nhỏ làm ăn cũng khá.
"Đi xa như thế xem đem theo đứa nào đáng tin, chuyện trong nhà đã giao cho ai chưa?"
"Dạ, bình thường mọi việc trong ngoài đều nhờ mẹ và chị Phụ một tay cáng đáng, con chỉ có chút chuyện làm ăn nhỏ, con đã giao lại cho thằng Hùng chuyện buôn bán ở xưởng, sổ sách vẫn là vợ con cầm như thường, có gì mong mẹ và chị dạy dỗ, đỡ đần vợ con ít nhiều ạ."
"Cậu Yên thì sao?"
"Dạ, thầy biết con mà, con vẫn là theo học bác cả thôi."
"Cứ tưởng thế là hay đấy, nghĩ anh mi lo cho mi mãi được à."
Công chuyện sau tết coi như đã bàn xong, cụ Duẩn cũng không nán lại lâu, nhai xong miếng trầu rồi về phòng nghỉ, Nguyễn Văn Lỗ, Nguyễn Yên nói thêm chút chuyện rồi cũng xin phép ra về, phủ Gia Miêu Nguyễn Thị dần trở về sự yên tĩnh.
~~~~~An Các~~~~~~~~~~
Minh Du đổ tiền hết trong túi nhỏ ra giường, hí hửng đếm đi đếm lại rồi gom hết tiền vào cái hộp nhỏ nhìn đống tiền ngày một đầy, Minh Du phổng mũi đầy tự hào.
"Du, cất tiền mừng tuổi đi ngủ đi." Trần Thị Huyền thêm ít than vào chậu, hơ tay một chút cho đỡ giá. Chẳng biết con gái bà tính tình giống ai, mới tí tuổi đầu mà ham mấy đồng tiền vặt, lâu lâu lại lẩm bẩm mấy câu từ quái dị, may sao chỉ khi không có ai nó mới như vậy, nếu ai khác mà biết được tưởng nó là quỷ mượn xác thì có mà chết toi cả mẹ lẫn con.
"Dạ." Du phụng phịu cất hộp tiền vào tủ gỗ, tiện tay bưng lấy hũ dầu dừa rồi chạy qua chỗ Trần Thị, thoa dầu dừa lên tay bà.
Thật ra Du không phải người ở đây, nó vốn là người tới từ thế kỷ 21, bởi vì gặp tai nạn lao động mà xuyên về đây, trở thành Nguyễn Minh Du, tới nay đã năm năm, Minh Du đã dần quen thuộc với cuộc sống này. Du nghĩ có lẽ do kiếp trước nó tích được nhiều đức nên mới được đầu thai vào nhà này, bù lại cho cuộc sống khó khăn kiếp trước, nhưng hẳn là Mạnh Bà làm việc có sai sót, quên không đưa cháo lú cho nó rồi.
Ký ức của kiếp trước với Du như là gông cùm nhấn chìm nó trong quá khứ, đã trở thành Nguyễn Minh Du rồi, tại sao không thể hoàn toàn là Nguyễn Minh Du, mấy năm nay nó cứ mơ hồ giữa kiếp trước và cuộc sống kiếp này, một nửa muốn thoải mái đón nhận những gì mình xứng đáng, nửa kia lại nơm nớp lo sợ sự bất hạnh sẽ xảy ra lần nữa mà tìm mọi cách đề phòng.
Minh Du nhớ tới những kiến thức lịch sử mà nó đã từng đâm đầu vào nghiên cứu, nhà Hậu Lê tồn tại tới tận năm 1789, nó không cần phải lo lắng về chiến tranh, cũng chẳng cần lo tới miếng ăn, kiếp này, nó chỉ muốn được hoà vào dòng lịch sử phồn hoa của Việt Nam mà thôi.
"Mẹ ơi, con không lên Đông Kinh có được không ạ?"
"Sao vậy? Phải đi theo cô Huyên nên con không thích à?" Trần Thị nghiêng đầu nhìn vào mắt con, sợ con mình vì sự hơn thua nhỏ giữa mấy đứa trẻ mà từ chối cơ hội này.
"Không ạ, chỉ là...chị Huyên giỏi như thế nên muốn lên Đông Kinh học hỏi, còn con, con dốt lắm, con sợ, con cũng không muốn xa mẹ." Minh Du lắc đầu nguầy nguậy, nó không muốn lên đó, nó sợ lỡ nó làm gì sai thì nó sẽ phá hủy dòng lịch sử này mất.
"Du, con không thể nói vậy được, tuy cơ hội lên Đông Kinh này là Ngọc Huyên khởi xướng nên con được hưởng sái, nhưng ở đó con sẽ gặp được nhiều người, học được nhiều thứ, đối với con đây là một món quà." Nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé của Du, bà miết nhẹ lên gò má nó. "Chị Phụ và đại nhân có tâm muốn dạy dỗ con là phước phần mẹ được gả vào nhà này, sau này nếu con giỏi giang thì sẽ không phải lo lắng sẽ trở thành vợ lẽ như u. Phải mà ở nhà khác thì u con mình làm gì có cơm ngon áo ấm như này, nghe mẹ, lên Đông Kinh con nhé."
"Mẹ ơi..." Minh Du nhìn mẹ, không biết phải nói thế nào cho phải, sau cùng cũng chỉ đành vâng dạ nghe lời, không sao, nó có ký ức kiếp trước mà, chỉ cần không làm gì ảnh hưởng tới lịch sử là được.
P/s: Happy new year:333
Sau khi đọc lại chap 2,3,4 mình thấy không vừa ý và bị lạc đề nên mình đã xóa 3 chap đó đi và viết lại toàn bộ truyện, các bạn trước đó đã đọc các chap đó thì vui long theo dõi lại từ chap này giúp mình nhé.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro